XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 19.02. MINH THÁI TỔ NGHIÊM TRỊ THAM QUAN

 Người dịch: Dương Đình Giao
 Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đã tận mắt chứng kiến nạn tham quan triều Nguyên, chính nó đã đẩy dân chúng đến khởi nghĩa. Giờ đây, khi đã trở thành Hoàng đế, tất nhiên, ông thấy rõ bài học đó. Từ khi bắt đầu kiến quốc, Minh Thái Tổ đã ban bố nghiêm lệnh không nương tay trừng trị bọn tham quan lại nhũng, ông đã dùng nhiều thủ đoạn nhiều khi tới mức độ tàn bạo.
Pháp luật triều Minh quy định quan lại chỉ cần tham ô 80 nghìn đồng đã bị xử giảo hình, thậm chí thực hành “bác bì thực thảo” (1) khiến ai cũng hoảng sợ.
Xã hội phong kiến Trung Quốc, tô thuế của triều đình đều do các “Tiền lương sư da” (trợ lý thu thuế) của các nha môn  phụ trách. Chu Nguyên Chương từ kinh nghiệm của bản thân mình biết những nguời này vì lợi riêng, sẵn sàng làm bậy để ức hiếp dân chúng. Sau khi lên ngôi Hoàng đế, ông dứt khoát tước quyền của những nguời này, ngoài ra còn tự cắt cử nguời làm việc thu thuế. Ông yêu cầu bộ Hộ điều tra ruộng đất của dân chúng, mỗi vạn mẫu ruộng coi là một đơn vị, dựa trên số lương thực mà một hộ thu được nhiều nhất để thu thuế, nộp vào quốc khố. Sau một thời gian, Vua lại cử các sứ thần đi tuần tra dân tình các nơi, phát hiện số lương thiếu hụt và tham quan ô lại không phân biệt lớn nhỏ. Những kẻ giấu giếm ruộng đất để nạp ít lương thực; những kẻ tìm nhiều kẽ hở để ức hiếp dân chúng; những kẻ câu kết với quan phủ, lừa dối cấp trên; thậm chí, những kẻ hoang báo thiên tai để bớt xén bỏ vào túi riêng đều bị nghiêm trị. Nghe báo cáo những trường hợp gian lận, Chu Nguyên Chương đều nổi giận, lập tức đem giết tất cả những kẻ này, lần nhiều nhất, ông đã hạ lệnh giết hơn 160 nguời.
Từ đó về sau, đối với họ, Chu Nguyên Chương đều không tin. Ông bắt đầu thiết lập Cẩm y vệ (2), một tổ chức chẳng gì mũi khoan chui vào tất cả các nơi thuộc chính quyền triều Minh, thay ông giám sát mọi hành vi của quan lại. Chỉ cần Cẩm ý viện báo cáo với ông một viên quan nào có hành vi tham ô, ông sẽ ra lệnh giết ngay.
Để  các sứ thần sợ hãi triều đình, không dám có hành vi phi pháp, Chu Nguyên Chương thường lợi dụng Cẩm y vệ trong mọi hoàn cảnh, đối diện, truy hỏi các đại thần có quan hệ, đòi hỏi họ phải khai báo rõ ràng, để bản thân họ ý thức rằng ngày đêm đều chịu sự giám sát của Hoàng thượng.
Có lần, đại thần Tống Liêm thết tiệc đãi khách ở nhà, hôm sau, khi thiết triều, Chu Nguyên Chương bèn hỏi về số nguời tham dự, loại rượu đã uống. May mà Tống Liêm đã thành thực khai báo, Chu Nguyên Chương đã rõ tất cả nên Hoàng thượng rất hài lòng.
Một hôm, Quốc tử giám Tế tửu Tống Nạp trở về nhà, trong lòng không được vui, thậm chí còn tức giận. Đến khi thiết triều, Chu Nguyên Chương đột nhiên hỏi ông:
– Tối qua, nhà ngươi có việc gì mà có vẻ giận dữ thế?
Tống Nạp không dám giấu giếm, cứ thực thà mà kể. Chu Nguyên Chương mới đưa ra một bức vẽ, nói với ông ta, hôm qua, khi ngươi tức giận, có nguời của Cẩm y vệ thấy, ông ta không bẩm báo, chỉ vẽ bức tranh này rồi gửi tới Hoàng cung. Nghe xong, Tống Nạp vội quỳ xuống, khấu đầu tạ tội.
Cách làm ấy của Chu Nguyên Chương tạo nên lối cai trị bằng đặc vụ về sau, suốt cả triều Minh, Hoàng đế và các Thái giám đại thần thân tín của họ đều dùng cách này để khống chế triều đình, tạo nên hậu quả vô cùng tai hại.
Cho dù việc Chu Nguyên Chương dùng thủ đoạn là có ý đồ ngăn cản tầng lớp quan liêu ăn hối lộ, làm trái pháp luật, nhưng bản thân chế độ phong kiến quan liêu chính là môi trường thích hợp của  nền chính trị hủ bại nên chà đạp lên pháp luật là hành vi phổ biến của những kẻ có đặc quyền. Năm Hồng Vũ thứ 18 (1385), xảy ra vụ án Quách Hoàn chấn động cả nước. Năm Hồng Vũ thứ 17, Quách Hoàn vừa được Chu Nguyên Chương cử làm Thượng thư bộ Hộ (3). Nhưng trong vòng chưa đầy một năm, ông ta đã lợi dụng chức quyền, cùng với quan địa phương Hoàng Văn Thông và những thuộc hạ của Hoàng Văn Thông cùng nhau tham ô tiền thuế 190 vạn thạch lương thực. Ngoài ra, còn  bỏ túi 50 vạn quan, chiếm đoạt lương thực tương đương số lương 3 năm tích lũy cho quân đội , thậm chí trực tiếp lấy từ ngân khố 600 vạn quan. Nếu cộng toàn bộ số tiền và lương thực do ông ta và đồng bọn  tham ô tương đương 2.400 vạn gánh lương thực (mỗi gánh tương đương 50 kg), bằng số lương thực thu được qua thuế một năm của cả nước.
Vụ án được báo cáo với Chu Nguyên Chương đã gây chấn động vì rõ ràng Hoàng đế đã uổng bao công sức nhằm  bịt lấp những chỗ rò rỉ công quỹ. Trước đó, nhà vua thường cho rằng  một số nguời làm quan lâu, sẽ nảy sinh lòng tham. Ông hoàn toàn không thể ngờ một nguời như Quách Hoàn chỉ mới được đề bạt một năm cùng bọn nguời khác còn tham lam hơn. Vụ án liên quan trong một phạm vi rộng lớn, nhiều quan lớn bộ Lễ, bộ Binh, bộ Hình bộ Công đều có dính líu, Chu Nguyên Chương như tỉnh lại sau cơn ác mộng, thấy xung quanh mình toàn bọn tham quan ô lại. Ông hạ lệnh giết tất cả những nguời có liên quan trong vụ án, từ các quan lớn nhỏ ở lục Bộ tới các quan địa phương ở Giang Nam tổng cộng tới mấy vạn nguời.
Nhiều nguời bị giết khiến tấng lớp quan liêu và địa chủ bắt đầu bất mãn. Họ đương nhiên không dám nói chiếm đoạt của công là hợp pháp, cũng không dám nói trừng trị tham quan ô lại là không đúng, chỉ ca thán trong vụ án này, số nguời bị giết nhiều quá. Một thời gian dài khắp nơi bình luận sôi nổi, dư luận ồn ào. Chu Nguyên Chương không chùn bước trước khó khăn, chủ trương của nhà vua không dùng tham quan, không dùng nguời không phù hợp vẫn  không thể thay đổi được tình hình trong triều; xem ra, cái tâm của quan lại đều thờ ơ. Sau lệnh của ông ai còn dám cai trị thiên hạ? Ông quyết định sẽ thu quân.
Qua nhiều lần trừng trị tham quan ô lại, rõ ràng Chu Nguyên Chương đã chỉnh đốn được triều chính, phong khí quan trường đã có chuyển biến tốt hơn. Sau đó, Chu Nguyên Chương lại cho sửa sang lại luật pháp nhà Minh, biên soạn “Đại cáo” để viết thành văn các biện pháp trừng trị tham quan ô lại. Nhưng xã hội phong kiến Trung Quốc đã có xu thế “dĩ tham dưỡng quan”, pháp luật có nhiều đến mấy, nhưng việc chấp hành thì vô cùng khó khăn, việc giải quyết vụ án Quách Hoàn chính là một minh chứng. Sau thời Chu Nguyên Chương trị vì, tầng lớp thống trị tối cao kế tiếp không giống như ông trong việc trừng trị tham quan ô lại, một số điều luật ngày càng trở thành vô giá trị, tình hình nhanh chóng trở lại như trước.
Thủ đoạn trừng phạt tham quan ô lại của Chu Nguyên Chương vô cùng tàn bạo, nó cũng nảy sinh những phản tác dụng. Nó tạo nên một giai tầng quan liêu chuyên dùng thủ đoạn đặc vụ để duy trì quyền lực, họ ngày càng tàn bạo hơn để đối phó với những đối thủ chính trị của mình, khiến cho cuộc đấu tranh trong nội bộ triều Minh ngày càng quyết liệt. Đây cũng là điều Chu Nguyên Chương không lường tới.
Chú thích:
  • Theo ghi chép cũ, sau khi tử hình kẻ tham quan, còn đem lột da, căng trên cỏ để thị chúng.
  • Cẩm ý vệ: Vốn là lính nghi trượng của triều Minh, sau đó, dần trở thành đặc vụ của Hoàng đế phụ trách việc giám sát các quan và hành vi, lời ăn tiếng nói của dân chúng.
  • Thượng thư bộ Hộ: Quan tối cao của bộ Hộ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét