XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 17.17. “KỲ NAM TỬ” A CỐT ĐẢ CHỐNG LIÊU

 Người dịch: Dương Đình Giao
Khi triều Liêu ngày càng suy nhược, tộc Nữ Chân dần mạnh lên. Tới khi A Cốt Đả của bộ Hoàn Nhan làm Tù trưởng đã khởi binh chống Liêu, kiến lập triều Kim, sử gọi là Kim Thái Tổ.
A Cốt Đả là con thứ ba của Tiết độ sứ bộ Hoàn Nhan Hặc Lý Bát triều Kim. Khi còn nhỏ, cùng với bè bạn vui chơi A Cốt Đả đã là người có thể đóng vai trò thủ lĩnh có vẻ khác thường khiến người cha rất thích thú.
Năm 10 tuổi, A Cốt Đả đã thích tập dượt cung tên, đến khi 15 tuổi, đã có thể “bách phát bách trúng”. Có lần, sứ giả nước Liêu tới Sinh Nữ Chân, cha A Cốt Đả mời tới phủ mở tiệc chiêu đãi. Xem A Cốt Đả tập bắn cung ngoài sân, sứ giả thấy rất lạ, bèn hỏi:
  • Cháu có thể bắn được con chim bay trên trời không?
A Cốt Đả trả lời:
– Được!
Vừa lúc có một đàn chim bay qua, sứ giả Liêu bảo:
– Cháu bắn cho ta xem.
A Cốt Đả không vội vàng, lắp tên, giương cung, không cần ngắm. “Pựt! Pựt! Pựt!” bắn liền ba phát. Không một mũi tên nào đi vào khoảng không. Sứ giả nước Liêu vô cùng kinh ngạc, một lát sau mới định thần, cất lời khen:
– Thật là kỳ nam tử!
Đó chính là lai lịch của cái danh “kỳ nam tử”  của A Cốt Đả.
Lại có một hôm, A Cốt Đả uống rượu cùng thủ lĩnh của một bộ lạc khác. Uống xong, hai người cùng đi dạo, thấy ở phía nam có một quả núi đất cao cao. Mọi người đang lúc hứng chí, muốn thi bắn tên xem ai có thể bắn tên tới quả núi đó. Kết quả, không một ai bắn được tên tới đó. A Cốt Đả là người bắn cuối cùng. Mũi tên vượt qua núi. Mọi người reo hò không ngớt. Có người ước lượng, khoảng cách tới 320 bộ. A Cốt Đả có người chú cũng giỏi bắn tên, thấy cháu bắn tên vượt qua núi, cũng muốn thử. Mũi tên bắn đi cũng vượt qua núi. Nhưng có người phát hiện mũi tên của chú còn kém mũi tên của A Cốt Đả tới 100 bộ. Người chú nheo mắt, gật đầu cười lớn:
– Giỏi! Thật không hổ danh “Kỳ nam tử”!
Lúc đó, Nữ Chân Lệ thuộc triều Liêu. Triều Liêu đưa một bộ phận tộc Nữ Chân tới phía nam Liêu Dương, ghi vào hộ tịch của triều Liêu, gọi là Thục Nữ Chân. Một bộ phận khác  cư trú ở phía bắc Túc Mạt (nay là sông Tùng Hoa), phía đông châu Ninh Giang (nay trong phạm vi huyện Phù Dư, Cát Lâm), không ghi vào hộ tịch triều Liêu, gọi là Sinh Nữ Chân. Hoàn Nhan bộ của A Cốt Đả là một chi của Sinh Nữ Chân.
Ách thống trị của triều Liêu với các bộ Nữ Chân rất tàn bạo, đối với Sinh Nữ Chân không được ghi vào hộ tịch triều Liêu lại càng độc ác. Chúng cưỡng bức Sinh Nữ Chân cống nạp các loại đặc sản quý báu, tiến hành buôn bán với người Nữ Chân rất bất bình đẳng. Người Nữ Chân không bằng lòng, bị người Liêu dùng mọi cách lăng nhục, gọi là “đả Nữ Chân”.
Cuối cùng, nguời Sinh Nữ Chân còn không thể chịu nổi bọn “Ngân bài thiên sứ” (2) làm nhục. Khi tới các bộ Sinh Nữ Chân, bọn “Ngân bài thiên sứ” tha hồ vơ vét ngang ngược, lại còn đem con gái làm trò mua vui. Triều Liêu đã quy định, khi đã có “ngân bài thiên sứ”, Sinh Nữ Chân phải cho con gái ngủ cùng, gọi là “tiến chẩm”. về sau, sứ giả của nước Liêu cử tới ngày càng nhiều, con gái chưa chồng không đủ đáp ứng, lại quy định chỉ cần phụ nữ còn trẻ trung xinh đẹp, không cần địa vị cao thấp, không cần đã kết hôn hay chưa đều có thể “tiến chẩm”. Đây là nỗi sỉ nhục lớn khiến các bộ Nữ Chân phẫn nộ. Tất cả những điều đó đã khiến A Cốt Đả, thủ lĩnh trẻ tuổi của bộ Hoàn Nhan không thể cam chịu. Chính trong thời gian này đã phát sinh chuyện “đầu ngư yến”.
Mùa xuân năm 1112, Thiên Tộ đế của triều Liêu mở tiệc “đầu ngư yến”. Giữa tiệc, Thiên Tộ đế lệnh cho  thủ lĩnh các bộ nhảy múa góp vui. Một số Tù trưởng tuy không muốn nhưng cũng không dám chống lại lệnh của nhà vua, miễn cưỡng dời chỗ ngồi, nhảy vài điệu múa dân tộc.
Đến lượt A Cốt Đả, ông vẫn thờ ơ như không có chuyện gì, hai mắt vẫn trừng trừng nhìn Thiên Tộ đế, bất động. Thiên Tộ đế thấy A Cốt Đả dám nhìn thẳng vào mặt mình trước đông đủ mọi người, rất bực tức giục ông đứng dậy. Một số Tù trưởng sợ ông đắc tội với Thiên Tộ đế đến gần khuyên giải. Nhưng dù mọi người nói thế nào, A Cốt Đả vẫn không thay đổi ý định.
Bữa tiệc nửa chừng tan. Thiên Tộ đế vẫn im lặng, chờ sau đó, nói với Túc Phụng Tiên:
– Những nguời khác trong tiệc đều nghe theo lời ta, chỉ có A Cốt Đả là tỏ vẻ bất cần. Ta xem ra con người này không bình thường, chi bằng sớm giết nó đi kẻo sinh ra hậu họa.
Túc Phụng Tiên nói:
– A Cốt Đả là kẻ thô lỗ, không biết lễ nghĩa, nhưng chưa có chuyện gì đã giết hắn, sợ bị chê cười.
Vì thế, A Cốt Đả mới thoát chết.
A Cốt Đả trở về bộ lạc của mình, càng căm giận, quyết định chuẩn bị nổi dậy chống Liêu. Sau hai năm luyện tập quân sĩ, thời cơ đã đến. Năm 1114, với 2.500 quân trong tay, ông tiến hành buổi hội thề trả mối thù triều Liêu đã sỉ nhục tộc Nữ Chân. Ông nói:
– Từ nhiều năm nay, đời đời chúng ta  đã coi trọng triều Liêu, không quên bổn phận, giúp họ nhiều lần chống lại phản loạn. Họ không những không cảm ơn chúng ta, lại còn vô cùng coi thường, luôn luôn sỉ nhục. Không thể nhẫn nhục mãi, hôm nay, chúng ta sẽ khởi binh chống Liêu, mong Trời Đất phù hộ cho chúng ta thành công.
Sau đó, ông cùng toàn thể tướng sĩ làm lễ tuyên thệ trước Tổ tiên, đồng thời, động viên tinh thần quân sĩ. Các tướng sĩ đều giơ nắm tay xin thề. Dưới sự lãnh đạo của A Cốt Đả, toàn thể tướng sĩ tộc Nữ Chân khí thế mạnh mẽ đồng lòng ra trận giết quân Liêu.
Sau hơn một năm chiến đấu, A Cốt Đả toàn thắng. Năm 1115, ông kiến lập triều Kim. Định đô ỏ Hội Ninh, bắt đầu sự cai trị của người Nữ Chân ở phương bắc.
Chú thích:
  • Hặc Lý Bát (1039 – 1092). Năm 1074, làm Tiết độ sứ tộc Sinh Nữ Chân.
Giai cấp thống trị triều Liêu, mỗi khi chuẩn bị chinh phạt hoặc có việc gì đều cho sứ giả mang “Ngân bài” tới các bộ Nữ Chân, gọi là “Ngân bài sứ giả.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét