Năm 263, Tư Mã Chiêu diệt Thục Hán, không lâu sau ốm mà chết. Em ông là Tư Mã Viêm phế truất Ngụy Văn Đế Tào Hoán, tự lập làm vua, kiến lập triều Tấn. Đó chính là Tấn Vũ Đế.
Từ năm 263 đến năm 316, kinh đô triều Tấn ở Lạc Dương, lịch sử gọi triều đại này là Tây Tấn.
Sau khi nhà Tấn thành lập, nước duy nhất trong Tam Quốc còn tồn tại là nước Ngô cũng đang suy bại. Hoàng đế cuối cùng của Đông Ngô là Tôn Hạo nổi tiếng tàn bạo. Ông ta xây dựng cung điện, ra sức hưởng lạc, còn dùng những hình phạt tàn khốc như lột da, móc mắt để trấn áp dân chúng, khiến cho người người, nhà nhà đều căm hận.
Năm 278, một số đại thần triều Tấn cho rằng cơ hội đã chín muồi, khuyên Tấn Vũ Đế tiêu diệt Đông Ngô. Tấn Vũ Đế quyết định mang hơn hai mươi vạn quân chia làm mấy đường hướng về kinh đô Kiến Nghiệp (1): Trấn nam đại tướng quân Đỗ Dự tiến về Giang Lăng; An đông tướng quân Vương Hỗn tiến phía đông hướng về Hoành Giang (nay là huyện Hòa, tỉnh An Huy); còn đường thủy do Thích sử Ích Châu Vương Tuấn chỉ huy, theo sông lớn tiến về hướng đông.
Vương Tuấn là tướng quân nhiều tài năng. Ông đã sớm chuẩn bị đánh Đông Ngô, ở Ích Châu, đã cho đóng những chiến thuyền lớn. Những chiến thuyền này có thể chở hơn hai nghìn người. Trên thuyền còn có những tường thành, lầu thành, người đứng bên trong có thể quan sát bốn phía, cho nên vẫn được gọi là Lầu thuyền.
Để không cho Đông Ngô phát hiện, ông đã chú ý giữ bí mật khi làm công việc này. Nhưng chẳng bao lâu, những khúc gỗ lớn trôi theo dòng nước đã vào địa phận của Đông Ngô. Thái thú Ngô Ngạn của Đông Ngô thấy những khúc gỗ này, vội báo cáo với Tôn Hạo:
– Những khúc gỗ này chứng tỏ nhất định quân Tấn đang đóng thuyền lớn. Ở thượng du, quân Tấn đóng thuyền chắc chỉ để tiến công Đông Ngô. Chúng ta cần sớm chuẩn bị phòng thủ.
Nhưng Tôn Hạo vô cùng tự mãn, nói:
– Sợ gì! Ta không đánh hắn thì thôi, sao hắn có thể đánh ta?
Ngô Ngạn không biết làm thế nào, nhưng cảm thấy không đề phòng không thể yên tâm. Ông ta có cách: trên dòng sông đóng rất nhiều cọc lớn, giữa những cọc lớn đó giăng những sợi xích sắt chắn ngang dòng nước, lại còn có những chông sắt cắm trên dòng sông, như vô số những đá ngầm được tạo nên, khiến thủy quân của quân Tấn không thể vượt qua.
Qua một năm, hướng tiến công của Đỗ Dự và Vương Hỗn đều giành được thắng lợi, chỉ có quân thủy của Vương Tuấn mới tới được Tỷ Quy, các lầu thuyền bị xích sắt và chông sắt ngăn cản không thể tiến lên được. Vương Tuấn bèn nghĩ ra cách: ông dặn dò tướng sĩ làm rất nhiều những bè gỗ, trên mỗi bè đều có những người bằng cỏ, người được trang bị mũ giáp, tay cầm đao thương, lại cử những binh sĩ giỏi chuyện sông nước đẩy bè trôi theo dòng sông. Những bè gỗ này lao vào các chông sắt, chông sắt cắm vào gỗ, bị nhổ lên hoặc làm cho nghiêng ngả. Chông sắt của quân Ngô mất tác dụng.
Còn các sợi xích sắt thì làm thế nào? Vương Tuấn đặt trên các bè gỗ những bó đuốc có tẩm dầu đi phía trước các lầu thuyền. Gặp xích sắt, các bó đuốc được đốt lên, nung chảy những sợi xích, chúng bị đứt, khiến lầu thuyền tiến lên dễ dàng.
Thủy quân của Vương Tuấn vượt qua các chông và xích sắt trên sông, nhanh chóng tiến vào đất Đông Ngô, rồi hội quân với Đỗ Dự.
Trên bộ, quân Đỗ Dự cũng giành được thắng lợi, hạ được Giang Lăng. Có người chủ trương tạm dừng chân để cũng cổ lực lượng. Đỗ Dự nói:
– Giờ đây thanh thế của quân ta rất lớn, thế như chẻ tre, phải thừa thắng mà tiến.
Ông ra sức ủng hộ Vương Tuấn đưa thủy quân tiến vào kinh đô Kiến Nghiệp.
Lúc đó, ở phía đông, cánh quân của Vương Hỗn cũng đã áp sát Kiến Nghiệp. Tôn Hạo cử Thừa tướng Trương Đễ mang hơn ba vạn quân vượt sông nghênh chiến, chẳng mấy chốc đã bị quân Tấn tiêu diệt. Lầu thuyền của Vương Tuấn cứ thuận theo dòng chảy về hướng đông, thanh thế rất lớn. Chúa Ngô Tôn Hạo khi ấy mới hoảng sợ, cử tướng thủy quân Trương Tượng mang hơn vạn quân chống đỡ. Vừa thoáng nhìn thấy thuyền quân Tấn đầy mặt sông, cờ trận tung bay phấp phới, quân Ngô lâu ngày không luyện tập, đã đua nhau đầu hàng.
Có một tướng quân của Đông Ngô là Đào Tuấn, đang lúc nguy cấp đi tìm Tôn Hạo. Tôn Hạo hỏi tin tức thủy quân. Đào Tuần vốn là kẻ hồ đồ, nói:
– Thần biết thủy quân của Ích Châu, thuyền của họ vừa nhỏ lại vừa ít. Bệ hạ chỉ cần cho thần hai vạn quân, giương cờ đại lên chiến thuyền, thần sẽ đánh bại quân Tấn.
Tôn Hạo lập tức phong cho Đào Tuấn làm đại tướng quân, lại đem tiết trượng (3) giao cho ông ta làm chỉ huy thủy quân. Đào Tuấn ra lệnh cho các tướng sĩ chuẩn bị, ngày hôm sau cùng thủy quân Tấn giao chiến. Nhưng tướng sĩ không hồ đồ như ông ta, chẳng ai muốn chịu chết, ngay tối hôm đó đã bỏ trốn hết.
Thủy quân của Vương Tuấn dường như không gặp sức kháng cự, lại thuận gió, nhanh chóng tiến tới Kiến Nghiệp. Cách Kiến Nghiệp một trăm dặm, trên mặt sông toàn là thuyền quân của Vương Tuấn. Vương Tuấn lệnh cho hơn tám vạn quân lên bờ xông thẳng vào thành Kiến Nghiệp.
Tôn Hạo thấy không còn lối thoát, đành phải cởi áo, nhờ người trói hai tay, dẫn đầu các đại thần của Đông Ngô, đến trại quân của Vương Tuấn xin đầu hàng.
Thế là, kể từ Tào Phi xưng đế (năm 220) tình trạng phân tranh Tam quốc tới đây kết thúc. Triều Tấn đã thống nhất đất nước.
Người dịch: Dương Đình Giao
Chú thích:
(1) Kiến Nghiệp: Tức Nam Kinh, Giang Tô ngày nay. Nước Ngô từng đóng đô ở Vũ Xương, sau dời đến Kiến Nghiệp.
(2) Đỗ Dự (222 – 285), người Đỗ Lăng (đông nam Tây An, Thiểm Tây ngày nay). Từng làm Thượng thư lang. quận Hà Nam.
(3) Tiết trượng: phát cho tướng được tín nhiệm, biểu hiện được toàn quyền xử lý việc quân, quyết định mọi việc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét