Danh tướng Lý Quảng đời Hán, tài bắn tên siêu việt, bách phát bách trúng, trong cuộc chiến với Hung Nô lập nhiều kỳ công, được mọi người gọi là “Phi tướng quân”. Nhưng đường làm quan của ông lận đận, suốt đời không được phong hầu. Lý Quảng trở thành đề tài trong những cuộc ngâm vịnh về người tài mà không gặp vận.
Năm 165 trước CN, Hung Nô mở cuộc tiến công lớn vào biên giới, Lý Quảng tướng quân ra trận, lập chiến công, được phong Trung lang tướng (1). Ông là người hiền lành ít nói, nhưng có dũng có mưu, kiêu dũng, thiện chiến, xung trận chém. tướng, giết hổ đánh gấu, uy vĩ một thời, đến mức Hán Văn Đế từng cảm thán: “Nêu Lý Quảng sống ở thời Hán Cao Tổ giành thiên hạ, phong vạn hộ hầu chỉ là chuyện nhỏ!”
Đầu đời Hán Cảnh Đế, Lý Quảng làm Đô úy Lũng Tây. Lúc này nảy sinh việc “thất quốc chi loạn” do Ngô vương Lưu Tỵ cầm đầu. Lý Quảng cùng Thái úy Chu Á Phù tiến công liên quân Ngô Sở. Ông giành cờ chém. tướng, oai phong lừng lẫy. Quân Sở Ngô bao vây nước Lương chặt chẽ, nhờ Lý Quảng, nước Lương đổi nguy thành yên, ông được vua Lương trao tặng ấn tướng quân. Lý Quảng không hiểu việc đời, thản nhiên tiếp nhận. Sau khi dẹp yên phản loạn, khi luận công ban thưởng, Lý Quảng do việc nhận ấn tướng quân của nước Lương đã chọc tức quan sứ triều đình, không được một chút khen thưởng gì.
Không lâu sau, Lý Quảng chuyển làm Thái thú Thượng Cốc. Quân Hung Nô tiến công Thượng Cốc, Lý Quảng muốn thi thố tài năng nhưng do một viên quan là Công Tôn Khôn Tà làm khó dễ nên không thành công. Công Tôn nói với Hoàng đế:
– Lý Quảng cậy tài khinh địch, nhiều lần đánh trận với Hung Nô, sợ lần này có sơ xuất!
Vì thế, Hoàng đế điều Lý Quảng đến Thượng Quận làm Thái thú. Sau đó, ông còn được cử làm Thái thú cả quận bên cạnh, tiếp tục qua Lũng Tây, Bắc Địa, Nhạn Môn, Đại Quận, Vân Trung làm Thái thú, ở đâu cũng nổi tiếng dũng cảm thiện chiến, nhưng vẫn không được phong thưởng.
Có lần, người Hung Nô cho quân đánh Thượng Quận, Hoàng đế cử một hoạn quan làm Giám quân của Lý Quảng, huấn luyện quân đội chống lại Hung Nô. Viên hoạn quan này dẫn hơn chục kỵ binh trinh sát Hung Nô. Không ngờ, do bất cẩn, ông ta bị quân Hung Nô bắn bị thương, hơn chục thủ hạ bị đối phương giết chết. Lý Quảng nổi giận, mang hơn trăm kỵ binh truy kích, giết được hai tên, bắt sống một tên. Không ngờ, đây là lính trinh sát của Hung Nô. Khi Lý Quảng đã cách xa doanh trại đến hơn mười dặm đường, bỗng thấy khoảng nghìn kỵ binh Hung Nô xuất hiện. Chúng thấy hơn trăm quân Hán của Lý Quảng, không dám tiến công mà chỉ bố trí quan sát từ trên cao.
Hơn trăm thủ hạ của Lý Quảng rất lo sợ, định bỏ chạy. Ông cảnh cáo họ:
– Bây giờ chúng ta cách nơi đóng quân hơn chục dặm, nếu để kẻ địch rõ tình thế của ta, chúng sẽ lập tức truy đuổi. Hãy hạ tất cả cung tên xuống.
Lý Quảng lệnh cho mọi người tiếp tục tiến về phía trước, khi còn cách quân Hung Nô khoảng hai dặm thì dừng lại, lệnh cho toàn bộ binh sĩ tháo yên ngựa. Quân lính không hiểu ý của Lý Quảng. Ông giải thích:
– Bây giờ quân Hung Nô không tiến công chúng ta là do chúng nghi ngờ chúng ta có quân mai phục, có ý định dẫn dụ lính trinh sát của chúng. Làm như thế này là để chúng tin vào phỏng đoán ấy. Lính Hung Nô không dám có hành động gì. Đến đêm , sợ quân Hán tập kích, chúng bỏ đi. Lý Quảng được một phen hú vía.
Đến thời Vũ Đế, vì danh vọng, ông được cử làm Vệ úy, cùng Trình Bất Thức bảo vệ kinh thành. Trình lấy việc nghiêm trị quân lính, Lý Quảng lấy khoan nhân trị quân. Hai người đều là tướng oai phong một thời nhưng quân sĩ thích làm lính của Lý Quảng. Lý Quảng trong đời đã vô số lần ra trận. Trong trận đánh ở Mã Ấp, Lý Quảng làm Kỵ binh tướng quân. Do chủ tướng mưu kế có sơ xuất, phục kích Hung Nô không được, lại còn làm Lý Quảng bị bao vây rồi bị quân địch bắt sống. Do quý trọng Lý Quảng anh dũng, người Hung Nô không giết mà áp giải ông về. Lợi dụng sơ hở, Lý Quảng phi thân lên mình ngựa, đoạt được một cái cung, chạy về doanh trại quân Hán. Nhưng Lý Quảng bị định tội vì làm mất quân, bản thân lại bị bắt, suýt bị chém, sau đem công bù tội, bị phế làm thứ nhân.
Sau khi mất chức, một lần đi săn ở miền Bá Lăng, ông bị viên Thủ úy coi vườn làm nhục vì hắn không biết ông là cố tướng quân. Lý Quảng là người vốn chỉ biết ôn hòa, lần này nổi giận. Sau này, khi được Võ Đế tái bổ nhiệm làm tướng quân ra trận, ông đã điều tên Thủ úy này vào quân đội.
Trong đời mình, Lý Quảng ra trận tới hơn bảy mươi lần, thằng nhiều bại ít. Do nhiều nguyên nhân, ông vẫn không được phong thưởng xứng đáng. Các tướng thủ hạ của ông được phong hầu cũng có đến mấy mươi người. Em của ông là Lý Thái, năng lực và tiếng tăm còn xa mới bằng ông đã là Thừa tướng, địa vị vào hàng Tam công, trong khi bản thân ông vẫn chỉ là một tường bình thường. Ông cũng rất buồn.
Người ta nói, về sau, ông đã hỏi du sĩ Vương Sóc như vậy là do nguyên nhân gì. Vương Sóc hỏi Lý Quảng:
– Ngài có làm việc gì thiếu cái tâm không?
Lý Quảng nói:
– Tôi yêu mến thuộc hạ, cùng binh lính đồng cam cộng khổ, thường là binh lính uống hết khát rồi tôi mới uống, bính lính ăn no cơm, sau đó tôi mới ăn, tự thấy không làm điều gì không đúng.
Sau đó, ông thừa nhận:
– Có một lần đánh nhau với người Khương, tôi chiêu hàng, 800 người liều chết chống lại. Tôi hứa nếu đầu hàng sẽ tha tội. Nhưng sau khi họ đầu hàng, tôi đã ra lênh giết tất cả. Có phải vì việc này mà phúc lộc của tôi bị tổn hại?
Vương Sóc nói:
– Đúng vậy, làm tướng quân, tội lớn nhất là giết hàng binh. Đây là mệnh của ngài!
Khi Lý Quảng đã gần 60 tuổi, ồng vẫn không được phong hầu. Lý Quảng rất không yên lòng. Đại tướng quân Vệ Thanh cầm quân đi đánh Hung Nô, Lý Quảng xin ra trận. Hoàng đế không những không can ngăn mà còn chấp thuận, còn nhắc nhở Vệ Thanh:
– Lý Quảng tuy đánh trận lâu năm, nhưng tuổi cao sức yếu, mà con người này vận khí không tốt, rất phải chú ý đến ông ta.
Vệ Thanh nghe lời nhắc nhở của Hoàng đế, không để Lý Quảng làm tiên phong mà để ông tiến bên cạnh vu hồi đánh vào quân địch. Do quân lệnh, Lý Quảng dù không muốn vẫn buộc phải chấp hành, nhưng ông lại bị lạc đường. Trong khi đó, quân chủ lực của Vệ Thanh nhầm là quân Hung Nô nên khai chiến. Tuy sau đó, quân của Lý Quảng đã hợp được với đại quân nhưng khi trận đánh kết thúc, Lý Quảng không những không lập công mà còn nhận hình phạt, phải chịu tội.
Lần này chẳng có công trạng gì mà còn ngược lại. Lý Quảng vô cùng buồn rầu nghĩ tới lời của Vương Sóc càng thêm bi quan tuyệt vọng, mắt đã nhìn thấy tuổi 60, còn có thể đánh được mấy trận nữa? Đến tuổi này chưa được phong thưởng sợ sẽ chẳng còn cơ hội. Liệu cái thân già có tránh được những câu hỏi của lịch sử? Nghĩ đến đây, Lý Quảng không cầm được nước mắt, vô cùng bi phẫn, rút bảo kiếm tự sát.
Toàn quân trên dưới đều thương tiếc, dân chúng cả nước kể cả những người chưa từng biết ông đều vô cùng thương xót cho cái kết cục đau buồn của tướng quân tài danh Lý Quảng.
Người dịch: Dương Đình Giao
Chú thích:
- Trung lang tướng: đời Tần là Trung lang trưởng quan, thuộc Lang trung lệnh.
- Vệ úy: có từ đời Chiến Quốc đến đời Tần, nắm cảnh vệ cung đình. Đời Tây Hán, cấm vệ nơi ở của Hoàng đế, chủ quản vệ sĩ gác cửa cung, cũng gọi Vi anh vệ úy
- Người Khương: một tộc người ở phía tây triều Hán.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét