XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 15.09. THIỀN TÔNG LỤC TỔ HUỆ NĂNG

    Ngũ Tổ sơn ở đông bắc huyện Hoàng Mai tỉnh Hồ Bắc, đời Đường gọi là  Phùng Mậu sơn. Trên núi cổ thụ ken dày, tùng trúc rậm rạp, ở đó có Đông Sơn tự, một thắng địa Phật giáo nổi tiếng của Trung Quốc. Đầu đời Đường, Thiền Tông (1) đại sư “Đông Thổ Ngũ Tổ” Hoằng Nhẫn đã truyền giáo ở đây, môn đồ có tới hơn nghìn người, được người ta gọi là “Đông Sơn pháp môn”.
Một hôm, vào năm Đường Cao Tông Long Sóc nguyên niên (661), có một thanh niên dáng người lam lũ, quần áo xộc xệch, vẻ mặt mệt mỏi tới tìm gặp Đại sư Hoằng Nhẫn, Vừa gặp Đại sư, anh đã xưng là đệ tử, cúi đầu vái lạy. Lúc đó, học trò của Hoằng Nhẫn rất đông thuộc nhiều thế hệ đều là anh tài kiệt xuất cả. Thấy tướng mạo của anh ta xấu xí, cử chỉ thô lậu, không ngăn được câu hỏi:
– Anh từ đâu tới đây? Đến có việc gì?
Người thanh niên đó đáp:
– Đệ tử người ở Lĩnh Nam, Tân Châu (trị sở ở Tân Hưng, tỉnh Quảng Đông ngày nay), từ xa tới gặp sư phụ, không xin gì, chỉ cầu học Phật.
Đại sư thấy lời lẽ anh ta có vẻ tự đại, lớn tiếng hỏi:
– Anh người Lĩnh Nam, lại người Hạt Liêu (2), làm sao học được Phật?
Người thanh niên đó điềm nhiên trả lời:
– Đất có chia nam bắc, tính Phật thì không có nam bắc, con người có cao có thấp nhưng tính Phật thì không phân chia cao thấp.
Một câu trả lời rất hay, câu hỏi rõ là người hiểu biết, trả lời cũng thật chí lý đàng hoàng. Xem ra người thanh niên này vẻ ngoài mộc mạc nhưng thông minh khác thường, có tâm có trí, chỉ qua mấy câu mà cách nhìn của Đại sư Hoằng Nhẫn với anh ta đã thay đổi. Người thanh niên này chính là Thiền Tông Lục Tổ, Huệ năng, Tổ sư mở đầu cho Tiền Tông Trung Quốc.
Huệ Năng vốn học Lư, sinh  năm Trinh Quán Đường Thái Tông thứ 12 (638), mất vào năm Đường Huyền Tông Khai Nguyên thứ 2 (713). Năm 3 tuổi, cha ông đã mất, gia cnahr nghèo đói, ông phải ngày ngày đi kiếm củi nuôi mẹ. Dù không biết chữ, văn hóa thấp, nhưng tư chất dĩnh ngộ, nghe người ta đọc kinh Kim Cương, bỗng thấy như hiểu ra, khi trò chuyện, được biết Pháp sư Hoằng Nhẫn đang đại khai pháp môn ở Hoàng Mai Đốn Sơn, trong lòng không khỏi hâm mộ. Người đọc kinh đó vốn là một tín đồ nhiệt thành của Phật giáo, thấy Huệ Năng tư chất khác thường, có lòng theo đạo, bèn quyết tâm giúp đỡ, đưa cho 10 lạng bạc. Được giúp đỡ, Huệ Năng an tâm việc nhà, chia tay mẹ lên đường, vượt qua bao nhiêu gian khổ bái kiến Hoằng Nhẫn, tìm đường tới với Phật Tổ.
   Hoằng Nhẫn thấy Huệ Năng ăn nói lưu loát đã có ý nhận, nhưng ngại anh ta xuất thân nghèo hèn liền cho tới nhà bếp làm công việc chẻ củi vo gạo. Làm công việc ở nhà bếp nhưng Huệ Năng vẫn tới nghe Hoằng Nhẫn thuyết pháp, anh ta lắng nghe không bỏ sót chữ nào, rồi lại mê mải nghĩ suy tìm ý nghĩa lớn qua từng lời nói nhỏ, dần cũng hiểu ra tất cả. Có lúc trầm tư suy ngẫm về sự huyền diệt của Thiền lý mà quên cả bản thân mình và mọi thứ xung quanh.
Cuộc sống ở nhà bếp dơn điệu, thấm thoắt 8 tháng dã trôi qua. Một hôm, Đại sư Hoằng Nhẫn triệu tập hơn bảy trăm đệ tử, tuyên bố sẽ lựa chọn một đệ tử hiểu được đầy đủ Phật pháp để truyền y bát, người kế thừa công việc của mình. Ông lệnh cho các đệ tử làm một bài kệ (3) để qua đó hiểu được từng người đã am hiểu Phật pháp như thế nào.
Một đệ tử hàng đầu của Hoằng Nhẫn là Thần Tú làm một bài kệ, đề trên tường hành lang trong Phật đường. Bài kệ viết:
Thân thị Bồ đề thụ
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời cần Phất thức
Vật sử nhạ trần ai.
Dịch:
Thân là cây bồ đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn luôn phải lau chùi
Chớ để mà dính bụi.
Đọc bài kệ, các đệ tử đều khen hay, không ai dám viết kệ. Thần Tú trong lòng cũng thấy tự đắc. Tin này tới tai Huệ Năng. Nghe xong, Huệ Năng mỉm cười, nghĩ bài kệ này còn xa mới tới được  cái chân lý của Phật tính. Ông cũng tới hành lang phía nam, cũng làm một bài kệ, nhờ người viết lên tường. Bài kệ viết:
Bồ đề bản vô thụ
Minh cảnh diệc phi đài
Bản lai vô nhất vật
Hà xứ hữu trần ai.
Dịch:
Bồ đề vốn chẳng cây
Gương sáng cũng chẳng đài
Xưa nay không một vật
Nơi nào dính trần ai.
Bài kệ của Thần Tú khẳng định sự tồn tại của thân tâm mình, cho rằng tu hành cần cố gắng mới có thể dần đạt tới cảnh giới thanh tĩnh không vương bụi trần, sẽ dần thành Phật theo truyền thuyết. Bài kệ của Huệ Năng cho rằng thân, tâm, vạn sự vạn vật đều là hư ảo, không có thực, chỉ có tính Phật được người người chuẩn bị mới là sự tồn tại duy nhất, Tư tưởng này cùng với ý nghĩ Phật tính không phân nam bắc, giàu nghèo  khi mới tới Đông Sơn của ông ta mới chỉ qua 8 tháng thầm lặng tiếp thu càng tỏ ra tư tưởng vô cùng tinh diệu. Tư tưởng của Huệ Năng cùng với Thần Tú đều là duy tâm chủ nghĩa, nhưng trong nhận thức, so với Thần Tú triệt để hơn trong tu hành Phật giáo, đốn ngộ thành Phật nhanh chóng hơn.
Xuất thân nghèo hèn, lại chỉ là một hành giả làm những công việc thấp kém ở tự viện lại có thể viết được bài kệ cao diệu, có sức thuyết phục như vậy. Bao nhiêu là tình cảm phức tạp: khen ngợi, kinh ngạc, ghen ghét, rồi phẫn nộ, thù hận, …bao trùm tự viện vốn ngày ngày yên tĩnh.
Hoằng Nhẫn đọc bài kệ, biết Huệ Năng đã nắm được cái then chốt của việc cầu Phật, có ý muốn truyền y bát cho ông, nhưng sợ mọi người biết, cho nên cố làm ra vẻ bình thản. Nửa đêm, Hoằng Nhẫn mới kín đáo bảo Huệ Năng vào phòng, truyền kinh thụ pháp cho. Rồi nhắc nhở Huệ Năng, giờ đây, địa vị và thân phận của ông không còn bình thường, có người chưa phục sẽ sinh ran guy hiểm tới tính mệnh, rồi dặn dò ông mau mau dời khỏi Đông Sơn trở về phương nam. Ngay đêm ấy, Huệ Năng lên đường. Đường đi trải qua nhiều nguy hiểm, trốn tránh người truy sát, cuối cùng cũng đã về tới Lĩnh Nam, từ đó, làm ruộng đi buôn, sống giữa những người đi săn, mai danh ẩn tích suốt 15 năm. Sau một thời gian dài, cuộc tranh chấp ý bát đã dần lắng dịu. Huệ Năng cảm thấy thời cơ đã chín muồi nên rất hay hằng pháp. Bây giờ ông mới tới Nam Hải (nay ở gần thành phố Quảng Châu), môn khách của Pháp sư Ấn Tông nghe giảng.
Một hôm, Ấn Tông hỏi mọi người:
– Các người xem thử, trên đỉnh cái cột cờ là cái cờ, khi gió thổi nó có lay động không?
Mọi người ý kiến khác nhau, bàn luận sôi nổi, có người nói lá cờ có lay động, có người nói không phải lá cờ lay động mà gió lay động. Đang ngồi cùng mọi người, Huệ Năng bỗng đứng lên, nói lớn:
– Pháp sư! Không phải gió động, cũng không phải lá cờ lay động, chỉ là do động ở mọi người.
Nói xong, mọi người đều ngạc nhiên. Ấn Tông lập tức biết Phật pháp mình đã tu dưỡng không bằng Huệ Năng bèn thỉnh giáo Huệ Năng, mới biết Huệ Năng chính là người đang sở hữu y bát của Phật pháp. Không lâu sau, Ấn Tông đích thân cùng các tín đồ tới nơi ở của Huệ Năng để Huệ năng cắt tóc thụ giới. Như vậy, Huệ Năng mới chính thức xuất gia, trở thành một tăng nhân.
Sau khi Ấn Tông để Huệ Năng cắt tóc, nhận Huệ Năng làm thầy, tự nhận là môn đệ. Từ đó về sau< huệ Năng thường ngồi thuyết pháp dưới gốc cây bồ đề. Không lâu sau, ông lại tới Thiều Quan, Tào Khê thuyết pháp cho mọi người, tu sửa tự viện. Sau mười năm, tiếng tăm truyền khắp, học trò cơ tới hơn mười vạn người.
Những hoạt động của Huệ Năng bắt rễ trong dân gian. Tư tưởng học thuyết của ông thể hiện trong “Đàn kinh” mở ra cục diện hoàn toàn mới mẻ trong Phật giáo Trung Quốc. Giáo phái này chính là phái Thiền Tông Trung Quốc luôn luôn cường thịnh. 

Chú thích:
(1) Thiền Tông: Do tu hành bằng Thiền định là chính mà có tên. Lại vì chủ yếu dùng phép tham cứu, “thủ tâm”, “quan tâm” nên cũng gọi “Phật tâm tông”.
(2) Hạt Liêu là cách gọi của người Trung Nguyên với người dân tộc thiểu số ở phía nam. Đó là dân tộc ngày nay gọi là dân tộc Choang.
(3) Kệ ngữ: cũng gọi kệ tụng, những câu thơ được các tín đồ Phật giáo đọc lên. Với Thiền Tông, kệ ngữ dần trở thành lời vấn đáp, có ảnh hưởng tới lý học thời Tống Minh.
(4) “Đàn kinh”: kinh điển Thiền Tông, ghi lại sự tích và lời nói của Huệ Năng
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét