Khi Ngô vương Hạp Lư ở ngôi, để giúp cho nước Ngô có thể xưng bá với các chư hầu, ông tìm mọi cách để chiêu mộ nhân tài. Một hôm, đại thần Ngũ Tử Tư vào cung, nói với Ngô vương:
– Thần xin tiến cử với đại vương một người có thể giúp cho đại vương làm nên nghiệp bá.
Ngô vương vội hỏi là ai, Ngũ Tử Tư nói:
– Người này họ Tôn, tên Vũ, người nước Tề, cái đầu có thao lược, giỏi dùng binh, còn viết được một cuốn sách quý về binh pháp. Ông ta mà đến có thể thấy chắc chắn nghiệp bá của nước Ngô chúng ta sẽ thành.
Ngô vương vội cử người đến nước Tề tìm con người kỳ lạ này.
Rồi cuối cùng cũng tìm được Tôn Vũ trong căn lều nát mà ông ở ẩn. Đến nước Ngô, Tôn Vũ trước hết dâng cho vua Ngô cuốn “Binh pháp” do ông soạn. Cuốn sách vô cùng hấp dẫn Ngô vương. Ngô vương quên ăn quên ngủ, đọc kỹ cuốn sách trong mấy ngày, gặp chỗ không hiểu lại hỏi Tôn Vũ. Sau khi xem xong, ông vô cùng sung sướng, nói với đại thần tả hữu:
– Ta có sách này, làm sao nghiệp bá không thành!
Tính Ngô Vương phong lưu hào phóng, thích những trò chơi mới. Một hôm, Ngô vương bỗng nói với Tôn Vũ:
– Binh pháp của người quả là ta chưa thấy bao giờ, nhưng không biết có tính thực dụng không?
Tôn Vũ nói:
– Binh pháp của thần viết không phải là cái gì cao siêu, tất nhiên là có thể dùng để luyện binh.
Ngô vương nói:
– Ngươi có thể dùng cái gì để huấn luyện?
Tôn Vũ nói:
– Thấy có người nào thì dùng người ấy, nam hay nữ đều được, sang hay hèn đều được.
Ngô vương bỗng đề nghị:
– Dùng cung nữ có được không?
Tôn Vũ nói:
– Cung nữ cũng được. Chẳng qua luyện binh không phải là việc nhẹ nhàng, cũng có thể xảy ra điều này điều khác, mong đại vương không cần phải chú ý. Nếu có rủi ro, mong đại vương đừng cho là lạ.
Ngô vương nhất nhất bằng lòng, hạ lệnh chọn 180 cung nữ chuẩn bị luyện binh.
Vốn là Ngô vương muốn dùng việc luyện binh để khảo nghiệm phương pháp dùng binh của Tôn Vũ, đồng thời cũng là để làm trò vui. Vốn số cung nữ này yểu điệu, yếu ớt, thấy họ cầm thương múa gậy, chẳng phải là điều rất vui vẻ sao!
Tôn Vũ đem 180 cung nữ chia thành hai đội tả, hữu. Ngô Vương nói:
– Phải cho chúng cử một đội trưởng chứ?
Tôn Vũ gật đầu đồng ý. Ngô vương lệnh cho người vào cung, gọi hai cung nữ được sủng ái nhất của mình, cho làm hai đội trưởng.
Số cung nữ này đầu đội mũ, người mặc giáp, tay phải cầm kiếm, tay trái cầm mộc, son phấn phai nhạt lộ ra vẻ mặt xin xắn. Ngô vương thấy vẻ đẹp của các cung nữ hôm nay thật đặc biệt, vô cùng thích thú.
Tôn Vũ nói với họ:
– Các người có biết trái tim, tay phải, tay trái không?
Các cung nữ đồng thanh đáp:
– Biết!
Tôn Vũ nói:
– Các ngươi hướng về phía trước sẽ thấy trái tim của đối phương, hướng về bên trái sẽ thấy tay trái, hướng về bên phải sẽ thấy tay phải, lưng là ở phía sau.
Sau khi nói mấy câu, Tôn Vũ gọi số cung nữ đang cười tới hỏi, có gì không hiểu.
Rồi ông chia 10 người thành một đội để huấn luyện, có một người đứng bên cạnh đánh trống, trống đánh thì đi, trống dừng thì cũng dừng. Số cung nữ này ngày thường chỉ biết ca hát, nhảy múa, trang điểm, … chưa làm những việc như thế này bao giờ.
Rồi Tôn Vũ lại hạ lệnh một người đánh trống, một người làm mẫu. Thấy họ xiên xẹo, lúng túng, các cung nữ cười lớn, từ trên đài cao, Ngô Vương cũng cười lớn.
Tôn Vũ quát to:
– Dừng lại!
Có một số cung nữ chưa kịp dừng, cười chảy cả nước mắt. Tôn Vũ nói:
– Trị quân phải tuân thủ quân pháp, quân pháp không nghiêm tất không trị được quân. Ta tạm tha cho lần này, nếu còn không nghe hiệu lệnh, sẽ chém đầu trừng trị.
Từ đó các cung nữ mới không dám cười nữa.
Tôn Vũ lại truyền lệnh bắt đầu. Trống nổi lên, nhìn theo cung nữ làm mẫu, mọi người đều có thể tuân theo hiệu lệnh của Tôn Vũ. Duy có hai đội trưởng vẫn cười nhăn nhở, vì Ngô Vương vẫn rất yêu quý họ, họ còn có gì phải sợ? Tôn Vũ nghiêm giọng:
– Nghe lệnh!
Hai ái phí của Ngô Vương không những không nghe lệnh, còn cười lớn hơn. Thấy tình thế không thể điều khiển được, các cung nữ đều cười theo.
Tôn Vũ quát lên:
– Lại đây!
Từ phía sau, mấy đại Hán dáng như hổ bước tới, họ đồng thanh:
– Tướng quân có điều gì dạy bảo?
Tôn Vũ nói:
– Đem hai người này ra chém cho ta!
Ngô Vương thấy ái phi của mình bị chém, hoảng sợ, vội đến trước mặt Tôn Vũ, nói:
– Ta biết tướng quân dụng binh, nhưng mong ngài tha thứ cho ái phi của ta. Ta không thể mất họ được. Ta mà mất họ thì làm sao ăn ngủ nổi?
Tôn Vũ nói:
– Đại vương là bề trên, thần đã nhận lệnh của đại vương, chính ngài thường ngày vẫn nói: “Phép trị quân, khi tướng ở ngoài, lệnh của vua có thể không thực hiện.
Ngô Vương chỉ còn cách mở to đôi mắt nhìn hai ái phi của mình bị chém đầu. Tôn Vũ tiếp:
– Sau đây ai còn dám vi phạm quân lệnh, cứ theo đó mà trị tội.
Tôn Vũ lại ra lệnh cho hai đội cử người làm đội trưởng, tiếp tục tập luyện. Các cung nữ nhìn hai ái phi của Ngô Vương thành quỷ dưới lưỡi dao, mặt mày tái xanh, thay đổi hẳn như đã biến thành những người khác. Tiếng trống lệnh ở bên trái, tất cả hướng sang trái; trống lệnh ở bên phải, nhất tề hướng sang phải. Chỉ nghe tiếng trống các cung nữ tiến, thoái, quỳ, đứng đều tăm tắp. Người người mắt không nhìn nghiêng, lặng lẽ không tiếng động. Thao trường chỉ còn nghe tiếng chân bước và tiếng thương, kích va chạm.
Thấy việc luyện tập đã thành thạo, Tôn Vũ cho người báo cáo với Ngô Vương:
– Đội ngũ đã huấn luyện xong, mời đại vương kiểm duyệt! Đội quân này đại vương có thể sử dụng nó vào nơi nước sôi lửa bỏng cũng không từ nan.
Ngô Vương còn đang tức giận vì hai ái phi bị giết, chưa thật vui vẻ, nói:
– Mời tướng quân ngừng thao luyện, trở về an nghỉ, ta không muốn xem nữa!
Tôn Vũ thấy Ngô Vương chưa hiểu ý mình, kích thích Ngô Vương:
– Thế là đại vương mới chỉ thích câu chữ của binh pháp, chứ chưa muốn nó được thực hành.
Từ đó, Ngô Vương mới biết Tôn Vũ là người thạo dụng binh, bèn giao cho ông làm tướng quân, giúp mình lập đại nghiệp, xưng bá ở Trung Nguyên.
Đến nay, cuốn “Binh pháp Tôn Tử” của Tôn Vũ được cả thế giới truyền tụng, được coi là “đệ nhất binh pháp của thế giới cổ đại”. Những năm 80 của thế kỷ 20, còn được coi là “Tôn Tử nhiệt” (cơn sốt Tôn Tử) trên phạm vi toàn cầu. Người ta thậm chí còn đem “Tôn Tử binh pháp” ứng dụng trong lĩnh vực cạnh tranh thị trường, để giành thắng lợi trong kinh doanh.
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét