XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 15.03. NGỤY TRƯNG NÓI THẲNG CAN VUA

 Trong lịch sử Trung Quốc, đại thần dám dùng lời nói thẳng để can gián nhà vua có lẽ nổi tiếng nhất là Ngụy Trưng dưới triều Đường.
Năm Trinh Quán thứ 8 (634), triều thần dám can gián nhà vua ngày càng nhiều, trong đó có một số có những lời can chưa phù hợp. Khi đó, phụ nữ thích búi tóc cao, Ngự sử trung thừa (1) Hoàng Phủ Đức Tham thậm chí còn cho rằng “Cung nữ trong Hoàng cung cần phải theo như thế”. Nghe được, Lý Thế Dân rất tức giận, mắng:
– Chắc người trong cung phải cắt hết tóc đi các người mới vừa lòng chăng?
Rồi ông mắng nhiếc, chuẩn bị xử phạt Hoàng Phủ Đức Tham.
Ngụy Trưng đứng ngay đấy, kiên quyết phản đối việc làm này. Ông nói:
– Từ cổ tới nay, tấu chương can gián thường có thiên kiến, không phải vì thế mà nói là coi thường vua. Xưa, vua Thuấn trị thiên hạ chỉ mong được biết những sai lầm của mình. Bệ hạ cần thấy rõ cái được mất, chỉ cần mọi người mạnh dạn bày tỏ ý kiến của mình, nếu họ nói đúng, tất nhiên sẽ có ích cho bệ hạ, còn nếu nói không đúng, cũng không có gì làm hại bệ hạ. Động một chút là trị tội, liệu còn ai dám nói nữa?
Trước lời lẽ khảng khái vừa có lý, vừa có tình của Ngụy Trưng,    , Đường Thái Tông nghe mà tâm phục khẩu phục, lập tức bãi bỏ ý định trị tội Hoàng Phủ Đức Tham.
Ngay từ những năm đầu đời Trinh Quán, Ngụy Trưng đã được giao làm Gián nghị đại phu, trở thành một đại thần can gián rất nổi tiếng. Tất cả mọi chính sách, từ giảm lao dịch, bớt tô thuế, hạn chế hưởng lạc, … ý kiến của ông đều dựa vào những hiểu biết uyên bác với mục đích trung thành vì nước vì dân. Mỗi khi chúng thần cùng với Đường Thái Tông tranh biện, các chính sách đều được đưa ra dựa vào những nguyên tắc đã được nhà vua định ra từ trước.Ngụy Trưng đã có ảnh hưởng rất to lớn trong sự hình thành và phát triển thời kỳ thịnh vượng “Trinh Quán chi trị”.
Ngụy Trưng vừa thẳng thắn, vừa kiên nhẫn, không chỉ biểu hiện trong những việc đại sự quốc gia mà ngay cả với những công việc trong nội bộ Hoàng tộc ông cũng dám đưa ra những ý kiến riêng của mình. Thái Tông  rất yêu một người con gái là Trường Lạc Công chúa. Khi Trường Lạc Công chúa xuất giá, của hồi môn Thái Tông cho Công chúa vượt xa với những quy định lễ nghi. Ngụy Trưng cho rằng như thế trái vớilẽ thường, đã thẳng thắn nói:
– Bệ hạ yêu Trường Lạc Công chúa, điều đó có thể hiểu được. Nhưng cái gì cũng phải phù hợp với quy định nghi lễ, đó là điều không thể thay đổi. Nếu trong việc nhỏ còn làm sai thì với việc lớn sao có thể làm đúng.
Nghe xong, Thái Tông đành phải giảm bớt của hồi môn cho Trường Lạc Công chúa. Khi Trường Tôn Hoàng hậu biết được việc này, đã than thở với Thái Tông:
– Thần thiếp đã nghe bệ hạ kính trọng Ngụy Trưng, nay mới biết vì sao. Thiếp cùng bệ hạ là kết tóc phu thê, tình thâm nghĩa trọng cũng còn không dám mạo phạm uy danh. Ngụy công chỉ là hạ thần, sao có thể dùng phép tắc để xen vào chuyện riêng của bệ hạ, thật là đống lương tài của quốc gia.
Có thể nói tới thời kỳ giữa của Trinh Quán, đất nước đã giàu có, biên giới đã ổn định, thiên hạ thái bình, với cái nhìn sâu sắc, Ngụy Trưng vẫn nhìn thấy những nguy cơ tiềm tàng, ông đã cảnh báo cho vua cai trị thiên hạ không phải là việc đơn giản.
Thái Tông không được vừa ý, nói:
– Trọng dụng hiền thần, nghe lời can gián, thế còn chưa đủ sao?
Ngụy Trưng trả lời:
– Từ xưa, bậc đế vương hiền minh, gặp khó khăn khi sáng nghiệp hay kiến quốc, thường nghe những lời can gián. Nhưng sau khi đã an định sẽ lơ là trễ nải, khó tiếp nhận những ý kiến khác với mình. Nếu cứ như thế, quốc gia sẽ gặp hiểm nguy, cho nên thánh nhân không quên “cư an tư nguy”. Cái lẽ phải này cần luôn là bài học nhắc nhở, không thể coi thường được.
Quả nhiên, không lâu sau, lời nói của Ngụy Trưng đã ứng nghiệm. Quần thần nhất chí dâng thư mời Thái Tông đi phong Thiền ở Thái sơn, nói “phong Thiền là ý Trời, cơ hội không thể để mất, ý Trời không thể cưỡng, để tới bây giờ mới làm là quá muộn”. Thái Tông trong lòng cũng muốn phong Thiền ở Thái sơn. Nhưng Ngụy Trưng cho rằng dù Thái Tông có công lớn cũng cực lực phản đối. Thái Tông đành phải dùng mẹo. Vua hỏi Ngụy Trưng:
– Trẫm mong ngươi nói cho đúng với lương tâm, đối với thiên hạ, công lao của Trẫm có lớn không?
Ngụy Trưng cúi đầu, đáp:
– Lớn.
Thái Tông đắc ý, hỏi tiếp:
– Vậy thì sao ngươi phản đối việc Trẫm đi Thái sơn?
Ngụy Trưng sửa sang áo mũ, từ tốn đáp:
– Bệ hạ trị loạn, giữ an thiên hạ vừa mới bắt đầu, dân chúng còn chưa được no cơm ấm áo. Thiên hạ có an định nhưng còn nhiều điều chưa được vừa ý, kho tàng còn trống rỗng, lương thực thu hoạch còn bị hao hụt. Vì những nguyên nhân đó, bây giờ chưa phải lúc đi phong Thiền.
Thái Tông nghe Ngụy Trưng nói, suy nghĩ tới nửa ngày, cuối cùng đành phải hủy bỏ kế hoạch phong Thiền ở Thái Sơn.
Qua mười mấy năm, thiên hạ đã ổn định, Thái Tông dần cho rằng mình có công lớn, thích vui thú hưởng lạc. Trong triều đình, các trọng thần cũng bắt đầu mất đi cái nhuệ khí khi mới sáng nghiệp, gặp việc gì thường né tránh, dần cũng không còn dám can ngăn nữa, rõ nhất là với Tả bộc xạ Phòng Huyền Linh (2).
Một lần, Phòng Huyền Linh gặp Thiếu phó giám Đậu Đức Tố, tiện miệng hỏi một câu:
– Trong Hoàng cung gần đây có xây dựng công trình gì không?
Việc này không biết vì sao Thái Tông lại biết, vua cho tìm Phòng Huyền Linh tới dạy bảo:
– Việc chính của khanh là công việc ở cửa Nam, nhàn rỗi hay sao mà hỏi tới việc ở cửa Bắc?
Tể tướng  vội quỳ xuống xin tạ tội mà không được.
Ngụy Trưng đứng cạnh đó, lắc đầu, luôn miệng nói:
– Không thể hiểu nổi! Không thể hiểu nổi!
Thái Tông hỏi ông vì sao lại “không thể hiểu nổi”, ông trả lời:
– Thần chưa hiểu vì sao bệ hạ lại trách tội Huyền Linh, Huyền Linh là đại thần đắc lực của bệ hạ, thông thạo việc xây dựng, đó cũng là trách nhiệm của ông ta trong nội cung. Ông ta phải tính toán lợi hại, sắp xếp nhân công, nếu quả thật là cần thiết, ông ta phải làm mọi việc giúp bệ hạ để hoàn thành. Ngược lại, nếu không cần thiết thì ông ta phải nhắc bệ hạ nên dừng lại. Đó mới chính là trung thần. Bệ hạ vì thế mà trách tội ông ta, thần quả không làm sao hiểu nổi.
Lý Thế Dân cúi đầu, đưa mắt nhìn Phòng Huyền Linh, thấy lão thần này cũng đang lúng túng đứng bên cạnh Ngụy Trưng, không biết ăn nói làm sao.
Ngụy Trưng tiếp tục nói:
– Còn nữa, Phòng Huyền Linh là Tể tướng , rõ ràng là trong phạm vi chức trách, cũng biết mình hỏi như thế không phải là sai, sao không nói rõ với bệ hạ, mà chỉ biết vâng vâng dạ dạ, như chấp nhận cái sai đó. Điều này càng làm thần thêm khó hiểu.
Phòng Huyền Linh nghe nói, đầu cúi xuống, không dám nhìn thẳng, mặt Thái Tông cũng đỏ lên.
Thái Tông tỏ ra cũng muốn Ngụy Trưng nể mặt ông khi can gián, vì ông từ xưa vốn quen thẳng thắn. Từ lâu, Thái Tông vẫn có ý nể ông, lại thêm quan hệ giữa hai người cũng có phần sâu nặng nên cứ cân nhắc mãi, rồi chỉ dám nói:
– Ông từ nay về sau đừng ngại gì, có gì thấy không đúng thì cứ nói, nhưng trước mặt mọi người thì cũng giữ thể diện cho Trẫm, chờ khi vắng người thì nói với Trẫm, Trẫm nhất định nghe theo lời của ông.
Ngụy Trưng không bằng lòng, nói:
– Vua Thuấn từng nói với quần thần, không thể trước mặt thì tỏ ra bằng lòng, sau lưng lại nói khác. Bệ hạ tuy chưa nhắc nhở Ngụy Trưng điều này, nhưng từ khi sinh ra, thần đã là người như thế.
Thái Tông biết không thể nào ép được ông, đành phải tiếp tục nghe những lời khuyên can không chút nể vì của Ngụy Trưng. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, Thái Tông cũng thấy thật may mắn khi có một đại thần cương trực, không a dua như thế. Thái Tông từng nhận xét:
– Viên ngọc đẹp sinh ra từ tảng đá thô kệch, nếu không có bàn tay của người thợ giỏi mài giũa sao có thể thành được? Trẫm tuy chưa phải là viên ngọc quý, nhưng nhờ có Ngụy Trưng nhắc nhở, dùng đạo đức để khuyên can, ông ta có thể coi là một người thợ khéo.
Rõ ràng là Ngụy Trưng đã không phụ đánh giá của Thái Tông, ông trước sau đã can gián vua tới hơn mười vạn lần, đề xuất nhiều chủ trương kiệt xuất như “chở thuyền lật thuyền”, “mười suy nghĩ” được sử sách coi là “có thể trở thành tấm gương cho đế vương muôn đời”.
Cho nên, Thái Tông đã từng nói trong một yến tiệc:
– Trước Trinh Quán, người cùng với Trẫm bình định thiên hạ không ai có thể sánh kịp là Phòng Huyền Linh, sau Trinh Quán, người tận tâm tận lực, thẳng thắn khuyên can, làm an quốc gia, lợi dân chúng, làm rạng rỡ công nghiệp của Trẫm, được coi là đạo của thiên hạ, chỉ có Ngụy Trưng.
Ngụy Trưng ngang hàng Tể tướng , nhưng vẫn ở trong ngôi nhà đơn sơ. Năm Trinh Quán thứ 16, ông bị bệnh nặng, Thái Tông đã cho dùng những vật liệu chuẩn bị xây dựng cung điện để sửa sang nhà cửa cho ông. Nhưng Thái Tông biết thói quen của Ngụy Trưng, không dám cầu kỳ. Một hôm, Thái Tông tới bên giường Ngụy Trưng thăm hỏi, rơi lệ hỏi Ngụy Trưng có dặn dò gì. Ngụy Trưng nói:
– Vợ con, thần không vương vấn, duy chỉ có mối lo tới sự an nguy của quốc gia….
Mấy hôm sau, một đêm Thái Tông nằm mộng thấy bệnh tình của Ngụy Trưng đã thuyên giảm, trong buổi thiết triều, ông lại cất lời can gián. Nhưng sáng sớm, Thái Tông được báo tin Ngụy Trưng đã qua đời. Nhà vua vô cùng đau đớn, bèn đích thân tới nhà khóc thương, ban lệnh không thiết triều năm ngày, cho dùng những nghi thức trang trọng nhất để cử hành tang lễ. Nhưng bà quả phụ Bùi thị nói: “Ngụy Trưng một đời cần kiệm giản dị, dùng nghi thức trang trọng thế này sao phù hợp với chí hướng của ông ấy” từ chối không tiếp nhận. Cuối cùng, Thái Tông đành cho người dùng xe trâu đưa quan tài tới nơi chôn cất.
Thái Tông lên tầng cao nhất ở lầu phía tây, nhìn theo đoàn người đang vang tiếng khóc than, Vua nói với người xung quanh:
– “Lấy đồng làm gương” (4) có thể sửa sang áo mũ; lấy lịch sử làm gương có thể biết được sự hưng vong của quốc gia; lấy người làm gương, có thể rõ cái được mất của bản thân mình. Trước sau Trẫm có ba tấm gương, Ngụy Trưng nay đã ra đi, ba tấm gương không còn toàn vẹn nữa.
Sau khi việc hậu sự đã hoàn tất, trong hòm sách của Ngụy Trưng người ta phát hiện một biểu chương, đó là những dòng chữ cuối cùng của ông trước lúc lâm chung. Chữ viết không được rõ ràng, chỉ có mấy dòng có thể đọc được, ý nói: Con người ai cũng có thiện ác, dùng thiện thì quốc gia bình an, dùng ác, quốc gia tất hỗn loạn. Với các đại thần trong triều, bệ hạ có thể yêu, có thể ghét. Nếu thích sẽ nhìn thấy cái thiện, không thích sẽ chỉ nhìn thấy cái ác. Chỉ khi nào nhìn thấy cái ác của người mình thích, thấy cái thiện của người mình không thích mới có thể dùng được hiền thần để chấn hưng quốc gia…
Thái Tông nói với quần thần:
– Di biểu của Ngụy công viết đã rất rõ ràng, để tránh cho Trẫm mắc phải những sai lầm, các khanh hãy viết những dòng chữ này lên tường để nhắc nhở Trẫm từng giờ từng khắc.
Không lâu sau, Thái Tông hạ chiếu thư: “Thời gian qua, Ngụy Trưng đã chỉ cho Trẫm những sai sót của mình. Ngụy Trưng đã mất, Trẫm ngày càng không rõ, lẽ nào chỉ có lời của ông ấy mới dám chỉ ra những sai lầm của Trẫm? Các khanh nói, nếu Trẫm không tiếp thu đó là trách nhiệm của ta. Nếu ta tiếp thu, nhưng không có người nói thì đó là trách nhiệm của ai?”
Cuối đời, tuy vẫn bước tiếp trên con đường đã định, dần dần Đường Thái Tông cũng trở thành người tự mãn, nhưng mỗi lần ngồi một mình trên lầu cao, nhớ lại các danh tướng, hiền thần nhà vua vẫn không quên được Ngụy Trưng như đang đứng trước mặt.

Chú thích:
(1)  Ngự sử trung thừa: chức quan đặt từ thời Tây Hán
(2)  Phòng Huyền Linh (578 – 648), người Lâm Truy, Tề Châu (nay  ở đông bắc Lâm truy, Sơn Đông), từng hơn hai mươi năm hết lòng vì nước, được coi là hiền tướng .
(3)  Thiếu phủ giám: chức quan có từ đời Tùy, nắm việc chế tạo công nghiệp, xây dựng, đúc tiền, …
(4)  Đồng kính: gương bằng đồng, dụng cụ sinh hoạt thời cổ.
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét