XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 11.05. BÁT VƯƠNG CHI LOẠN (LOẠN BÁT VƯƠNG)

 Sau khi  Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm giành được chính quyền, để đảm bảo gìn giữ thiên hạ cho họ Tư Mã, nhà Tấn quyết định phong vương cho con và anh em của mình, coi họ như những ngôi sao xoay quanh mặt trăng, bảo vệ cho Hoàng thất.
Đương thời phong vương cho hơn 27 người, trong đó nổi tiếng nhất, có thế lực tương đối mạnh là 8 người: Sở vương Tư Mã Vĩ, Nhữ Nam vương Tư Mã Lượng, Triệu vương Tư Mã Luân, Tề vương Tư Mã Quýnh, Thành vương Tư Mã Dĩnh, Hà Gian vương Tư Mã Ngung, Trường Sa vương Tư Mã Nghệ, Đông Hải vương Tư Mã Việt.
Vì Tấn Huệ Đế Tư Mã Trung bị điên, không quản lý được quốc gia đại sự nên Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm trước khi chết đã giao mọi việc cho Thái úy Dương Tuấn làm Phụ chính Hoàng đế., nắm đại quyền quân chính. Dương Tuấn là cha của Dương Hoàng hậu , ông ngoại của Tấn Huệ Đế, vì thế ông ta thâu tóm quyền hành trong tay. Nhưng Hoàng hậu Giả Nam Phong của Tấn Huệ Đế cũng là người thích quyền lực, không cam chịu để nhà họ Dương chuyên quyền. Năm Tấn Huệ Đế Nguyên Khang nguyên niên (291), bà ta hạ lệnh cho Tư Mã Vĩ mang quân về triều, giết Dương Tuấn, tru di tam tộc nhà ông ta, rồi giết luôn cả Dương Thái hậu. Dương Tuấn chết, Giả Hoàng hậu mời Nhữ Nam vương Tư Mã Lượng làm phụ chính. Tư Mã Lượng cũng là người say quyền lực, ông ta không muốn làm bù nhìn trong tay Giả Hoàng hậu. Biết thế, Giả Hoàng hậu dùng lệnh của Tấn Huệ Đế cử Tư Mã Vĩ giết Tư Mã Lượng. Giết Lượng xong, Giả Hoàng hậu lại bảo Huệ Đế phủ nhận chuyện này, gán cho Tư Mã Vĩ tội làm giả Thánh chỉ rồi đem giết. Đến lúc đó, tám vương đã bị giết mất hai, Giả Hoàng hậu đã thâu tóm toàn bộ quyền hành.
Nhưng Giả Hoàng hậu không có con trai, bà ta sợ tương lai, quyền hành sẽ mất, bèn giả mang thai, rồi đem con trai của em gái và Hàn Thọ, nói đó là con do mình sinh ra. Có con trai, Giả Hoàng hậu phế trừ Thái tử do Huệ Đế lập từ trước, cho người ép uống thuộc độc chết, lập đứa con mình làm Thái tử. Tin này được truyền đi, người trong họ Tư Mã vô cùng căm giận, ai cũng cho rằng Giả Hoàng hậu muốn giành thiên hạ của nhà Tư Mã, nổi dậy chống lại. Tư Mã Luân lấy cớ Giả hậu phế trừ Thái tử, mang quân vào triều, giết Giả Hoàng hậu, sau đó phế truất Huệ Đế, tự mình lên ngôi.
Tề vương Tư Mã Quýnh trấn thủ Hứa Xương nghe nói Tư Mã Luân phế truất Huệ Đế giành ngôi trong lòng căm giận, ra một Hịch văn (1), kêu gọi mọi người nổi dậy chống Tư Mã Luân. Thành Đô vương Tư Mã Dĩnh, Hà Gian vương Tư Mã Ngung cũng có âm mưu giành quyền hành nên liên kết với Tư Mã Quýnh cùng đánh Tư Mã Luân. Cuộc tranh giành quyền lợi giữa 4 vương bắt đầu. Qua hơn 60 ngày chém giết, hơn mười vạn nhân mạng đã hy sinh, cuối cùng, Tư Mã Luân thất bại, bị giết. Tề vương Tư Mã Quýnh đưa quân tiến vào Lạc Dương. Sợ Tư Mã Dĩnh và Tư Mã Ngung tranh quyền nên giả khôi phục Huệ Đế, đòi Huệ Đế phong mình làm Đại Tư mã, đứng sau lưng điều hành mọi việc.
Hà Gian vương Tư Mã Ngung thấy màn kịch do Tư Mã Quýnh dàn dựng, mang hai vạn quân, đánh vào Lạc Dương. Trường Sa vương Tư Mã Nghệ cũng có âm mưu chính trị, giả vờ khởi binh hưởng ứng Tư Mã Ngung, nhân thấy cơ hợi thuận lợi mang hơn trăm kỵ binh, trước hết đánh vào Lạc Dương, giết Tư Mã Quýnh, khống chế đại quyền triều chính. Tới lúc đó, 8 vương đã chết mất 4, cuộc tranh giành chỉ còn lại giữa 3 vương là Trường Sa vương Tư Mã Nghệ, Thành Đô vương Tư Mã Dĩnh, Hà Gian vương Tư Mã Ngung vẫn tiếp tục diễn ra.
Tư Mã Ngung và Tư Mã Dĩnh liên kết với nhau cùng đánh Tư Mã Nghệ. Họ từ phía tây và phía bắc đánh vào Lạc Dương. Tư Mã Nghệ vẫn không chế được Huệ Đế, mang quân chống đỡ. Hai bên cùng chiến đấu bất phân thắng bại, đang lúc đó, Đông Hải vương Tư Mã Việt trong thành Lạc Dương thừa cơ đem quân cấm vệ, đang đêm tấn công bắt được Tư Mã Nghệ rồi lấy lửa thiêu chết. Tư Mã Dĩnh thừa cơ tiến vào Lạc Dương, làm Thừa tướng, nắm lấy chính quyền.
Đông Hải vương Tư Mã Việt cho rằng mình có công giết Tư Mã Nghệ mà không được quyền lợi gì, rất bất mãn, giả danh nghĩa Huệ Đế, mang quân chống lại Tư Mã Dĩnh, nhưng bị Tư Mã Dĩnh đánh bại, đành phải tháo chạy về quận Đông Hải.
Lúc này, Vương Tuấn, Thích sử U Châu có mối hận với Tư Mã Dĩnh, thấy Dĩnh nắm được chính quyền, đã liên kết với tộc Tiên Ty, tộc Ô Hoàn khởi binh đánh Tư Mã Dĩnh. Dĩnh thấy Vương Tuấn có lực lượng mạnh, liền cho người tới Hung Nô, nhờ Tả Hiền vương Hung Nô Lưu Uyên giúp sức. Cuối cùng, Vương Tuấn đánh bại Tư Mã Dĩnh ép Huệ Đế tới Trường An. Trường An là đất do Hà Gian vương Tư Mã Ngung chiếm giữ, ông ta ban đầu liên kết với Tư Mã Dĩnh, nhưng sau thấy Dĩnh vừa bại trận, thế đã suy yếu, thừa cơ gạt bỏ Dĩnh, khống chế Huệ Đế, nắm lấy đại quyền.
Đông Hải vương Tư Mã Việt bị Tư Mã Dĩnh đánh bại phải bỏ chạy, nay thấy thế lực của Vương Tuấn mạnh bèn liên kết với Vương Tuấn đánh vào Quan Trung. Sau khi  đánh bại Tư Mã Ngung, tiến vào Trường An đưa Huệ Đế cùng Tư Mã Dĩnh, Tư Mã Ngung trở về Lạc Dương. Không lâu sau, Tư Mã Việt giết chết Tư Mã Dĩnh, Tư Mã Ngung và đầu độc Huệ Đế, lập Tư Mã Xí làm Hoàng đế, lịch sử goi là Tấn Hoài Đế. Tấn Hoài Đế lên ngôi được một năm thì đổi niên hiệu thành Vĩnh Gia nguyên niên (307). Từ đó, cuộc tranh giành quyền lực, giết hại lẫn nhau giữa 8 vị vương đã chết 7  mới kết thúc.
Thời gian “bát vương chi loạn” kéo dài 16 năm, lửa cháy ngút trời, dân chúng ly tán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại của chính quyền Tây Tấn. Sau cuộc đại loạn, nhiều năm sau, quần chúng nhân dân các dân tộc thiểu số ở phía tây và phía bắc di dân tới lưu vực sông Hoàng Hà đua nhau nổi dậy chống lại. Triều Tây Tấn dần tới chỗ diệt vong.
Chú thích:
(1)  Hịch văn: tên gọi một loại văn sử dụng trong quân đội.
(2) Tộc Tiên Ty, một nhánh của Đông Hồ, đầu đời Hán bị Hung Nô thống trị, khi Hán Vũ Đế diệt Hung Nô, người Tiên Ty xuống phía nam.
Tộc U Hoàn cũng là một nhánh của Đông Hồ.
(3) Lưu Uyên (khoảng 252 – 310), năm 304 nổi dậy chống Tấn, kiến lập Hán quốc thời Thập lục quốc, ở ngôi 304 – 310.
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét