XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 05.17. KHỔNG TỬ CƯỜI TRONG GIAN KHỔ

Khổng Tử là người nước Lỗ vào cuối đời Xuân Thu, ông là nhà tư tưởng lớn, nhà chính trị, nhà giáo dục, người mở đầu học phái Nho gia của Trung Quốc cổ đại.
Từ sau đời Hán, học thuyết của ông đã trở thành tư tưởng thống trị Trung Quốc hơn hai nghìn năm, ông cũng được tầng lớp thống trị tôn là bậc thánh, gọi là “chí thánh tiên sư”. Nhưng ở đời Hán, do tư tưởng sấm vĩ mê tín thịnh hành, hình tượng Khổng Tử bị biến dạng, thần thánh hóa, trở nên xa lạ, chỉ biết dạy dỗ người đời. Khổng Tử mà đời sau tôn sùng chỉ là Khổng Tử giả, là ông thánh mượn danh nghĩa Khổng Tử. Nghiên cứu về Khổng Tử tư liệu đáng tin cậy nhất là cuốn “Luận ngữ”. Chúng ta có thể thấy ông là người rất có óc hài hước.
Khổng Tử xuất thân nghèo khổ, tuy học đủ thi thư nhưng không được trọng dụng, đến khi ngoài 50 tuổi mới làm Tể tướng ở nước Lỗ. Chỉ sau một thời gian, uy tín và sức mạnh của nước Lỗ được nâng cao. Nước Tề là láng giềng ở phương bắc, thực lực mạnh hơn nước Lỗ. Vua tôi nước Tề thấy nước Lỗ quật khởi vô cùng lo sợ. Họ lợi dụng vua Lỗ là Lỗ Định Công háo sắc, dùng kế mỹ nhân để chia rẽ Lỗ Định Công và Khổng Tử. Lỗ Định Công thấy nước Tề dâng cho mình 80 người con gái đẹp tuyệt sắc, không còn thiết đến việc gì, suốt ngày vui chơi say mê với những người đẹp, quên hết cả việc thiết triều, lại còn tránh không gặp Khổng Tử.
Lỗ Định Công cứ phóng đãng như thế, các học trò đều khuyên Khổng Tử từ chức. Khổng Tử còn muốn đợi qua kỳ tế lễ. Quy định vốn có lúc ấy, thịt sau khi tế lễ vua sẽ trân trọng chia cho các đại thần, nếu Lỗ Định Công còn coi trọng việc này có lẽ còn có thể khuyên ông ta trở thành  một ông vua tốt. Sau khi  tế lễ, Khổng Tử về tới nhà, ngóng đợi vua cho thịt tế lễ nhưng cuối cùng chẳng thấy gì.
Khổng Tử không cầm được nước mắt, bỏ chức quan, cùng học trò dời thành ra đi.
Lòng ông nặng trĩu, đầy tiếc nuối. Cùng với đám học trò trung thành suốt 14 năm, ông đi chu du các nước.
Đầu tiên, Khổng Tử đến nước Vệ. Vua nước Vệ cư xử không lễ độ. lại còn bị bọn gian tế nước Lỗ theo dõi, Khổng Tử đành bỏ đi. Bản thân ông ngồi trên một cái xe trâu, các đệ tử phần lớn đều đi bộ, khi đi chưa tới cổng thành phía đông, nhiều đệ tử đã bị lạc.
Tử Cống, một đệ tử bị lạc, vì vội tìm thầy, bèn hỏi một người. Người ấy nói có thấy Khổng Tử, cười ha hả tả lại, còn châm biếm “trông nhếch nhác, thảm hại, giống như con chó nhà có tang, đó là thầy của anh có phải không?”
Tử Cống nghe những lời này, biết đó chính là Khổng Tử, liền vội đi tới cửa phía đông, tìm thấy Khổng Tử, đem chuyện vừa rồi nói với ông. Khổng Tử nghe nói, cũng không giận, còn cười mà đáp:
– Tướng mạo của một con người không đủ để đánh giá. Nói ta giống như con chó nhà có tang không sai tí nào, không sai tí nào.
- Chuyến  đi của Khổng Tử phong trần, mệt mỏi, đến gần kinh đô của nước Tống. Khổng Tử từ xa nhìn thấy một cây cao lớn ngất trời, dáng thẳng đẹp đẽ, trong lòng vô cùng vui sướng. Đi đến gần lại thấy một bãi cỏ xanh tốt, liền bảo học trò dừng lại diễn tập lễ nghi. Một người nhìn thấy, đi vào thành báo cáo việc này. Đại tư mã Hoàn của nước Tống vốn không thích học thuyết của Khổng Tử, nghe tin nổi giận:
– Khổng lão thật hai lần không biết điều. Cho ông ta đi qua đã là rộng lượng lắm rồi, ông ta còn dám xuất hiện trước mắt ta, tất phải chết!
Vì thế cho một đội lính mang theo chiến xa, nhanh chóng ra khỏi thành. Khi đến dưới cây to, Khổng Tử và học trò đã đi rồi, trên đất chỉ thấy còn đầy dấu chân. Đại tư mã Hoàn thét lên như dã thú:
– Xóa ngay những dấu chân của Khổng lão cho ta. Sau khi dấu chân đã được xóa, Đại tư mã Hoàn vẫn chưa hả giận, lệnh cho người chặt cây đại thụ mới hung hổ trở về. Người có lòng tốt ở nước Tống khuyên Khổng Tử đi mau, ông vẫn vô cùng bình tĩnh, thản nhiên nói:
– Trời cao còn đem đức lớn gửi gắm cho ta, tên Hoàn mỗ lỗ mãng ấy liệu làm gì nổi ta?
Khổng Tử về đến nước Trần, tạm thời yên ổn. Nước Trần là một nước nhỏ, nằm giữa ba nước lớn Tấn, Sở và Ngô. Khi nước lớn có tranh chấp, thường mượn nước Trần làm chiến trường. Kinh đô nước Trần hầu như không có ngày nào không bị giới nghiêm. Khổng Tử không ở được, bèn cùng học trò đến nước Thái tương đối yên ổn. Nước Thái rất gần nước Sở, Khổng Tử và học trò rất vui, nói:
– Vua Sở là một ông vua hiền, nước Sở lại là một nước giàu mạnh vào bậc nhất trong thiên hạ, lần này có thể có đất dụng võ rồi!
Nói rồi bèn thu xếp hành lý đi đến nước Sở. Các đại phu nước Thái và nước Trần bình thường ý kiến không phù hợp với Khổng Tử, thấy ông đến nước Sở chỉ sợ không có lợi cho bản thân mình, bèn cùng nhau mang quân, bao vây Khổng Tử và cả bọn. Khổng Tử và các học trò gặp nguy ngoài cánh đồng, phía trước không có làng mạc, phía sau chẳng có phố xá, tất cả chịu đói 7 ngày, không ít đệ tử đói tới mức phải bò trên mặt đất, chỉ có Khổng Tử vẫn kiên trì giảng giải cho các học trò, gảy đàn ca hát. Lúc đó, Tử Lộ bĩu môi, hỏi Khổng Tử:
– Tiên sinh có phải là người quân tử không? Người quân tử sao có thể khổ sở giữa cánh đồng như thế này?
Khổng Tử cười, trả lời:
– Quân tử, tiểu nhân đều có thể khổ sở, chỉ có người quân tử gặp cảnh cùng khốn không dao động, kẻ tiểu nhân khi gặp cảnh cùng khốn thì mất khí tiết, việc xấu gì cũng đều từ đó mà ra.
Vua Sở được tin, vội cho quân đến cứu, Khổng Tử mới thoát khỏi được cảnh khốn cùng.
Đến nước Sở, vua Sở nghe lời gièm pha, chỉ nuôi chứ không cho Khổng Tử cơ hội để thi thố tài năng. Một hôm, Khổng Tử ngồi trên xe đi chơi loanh quanh trên đường phố ở kinh đô nước Sở, thấy một người có thần thái khác thường, phiêu diêu trên đường, vừa đi vừa hát. Nghe ông ta hát rằng:
– Phượng hoàng, phượng hoàng ở đâu? Lưu lạc đến nay thật đau xót?
Việc trong quá khứ để trong quá khứ, việc trong tương lai phải đuổi theo…
Ca từ tác động sâu sắc đến Khổng Tử khiến ông như đờ đẫn, Để cho người ấy đi rất xa, ông mới hỏi người qua đường:
– Người mới đi qua là ai thế?
Người đi đường trả lời:
– Ông ta là Tiếp Hưng, đại học giả của nước Sở.
Khổng Tử ân hận, giậm chân, nói:
– Sao ta lại không nghĩ đến việc xuống xe thỉnh giáo ông ấy.
Khổng Tử đem chuyện này nói với học trò:
– Ta thấy trong lời ca của tiên sinh Tiếp Hưng có ý nghĩa rất sâu sắc. Chúng ta phải trở về thôi!
Toàn tâm toàn ý lập nên sự nghiệp bằng con đường chính trị, năm gần 70 tuổi, Khổng Tử mới cùng mấy người cùng trở về quê nhà. Mở cửa ra, chỉ thấy sách vở đầy nhà đều bị biến thành bụi đất. Lòng ông bỗng sáng lên, ông cười, nói:
– Công danh không thành, còn có thể thành người, công việc của ta không phải là đây sao?
Từ đó, ông bắt tay vào công việc học thuật đại quy mô, biên tập “Thư”, “Thi”, khảo chứng “Lễ”, “Nhạc”, giải thích “Dịch lý”, soạn “Xuân Thu”.
Sự nỗ lực của ông đã để lại cho hậu thế hệ thống kinh điển của Nho gia.
Người dịch: Dương Đình Giao

1 nhận xét:

  1. Công năng dao thị của Khổng Tử
    Ngoài công năng dự tri ra, Khổng Tử còn có công năng dao thị. Một ngày nọ, Khổng Tử và Nhan Uyên cùng leo lên núi Thái Sơn thuộc lãnh thổ nước Lỗ. Khổng Tử tĩnh tâm nhìn ra xa về hướng đông nam, thấy ngoài cửa thành phía tây của thủ phủ nước Ngô có một con ngựa trắng. Khổng Tử chỉ cho Nhan Uyên thấy và hỏi: “Con có thấy cổng thành phía tây của thủ phủ nước Ngô không?”. Nhan Uyên đáp: “Con nhìn thấy rồi”. “Ngoài cửa có gì?”. “Dường như có một tấm lụa trắng treo ở đó”. Khổng Tử cải chính lại, nói: “Đó là con ngựa trắng”.
    Xem thêm tại:Khổng Tử

    Trả lờiXóa