Sau khi nước Ngu bị nước Tấn diệt, Ngu Công và đại phu Bách Lý Hề đều bị bắt làm tù binh. Đây chính là câu chuyện vẫn thường được gọi là “chuyện Bách Lý Hề”.
Bách Lý Hề là người nước Ngu, gia đình rất nghèo khổ, năm ba mươi tuổi mới lấy được vợ. Không lâu sau, người vợ là Đỗ thị sinh được một con trai, đặt tên là Mạnh Minh Thị. Vì gia cảnh khó khăn, Bách Lý Hề vẫn muốn đi xa tìm việc. Đỗ thị nói:
– Kẻ đại trượng phu chí ở bốn phương, chàng phải đi xa mà tìm việc, thiếp sẽ nuôi con đợi chàng.
Bách Lý Hề thấy vợ ủng hộ, bèn đi các nơi kiếm sống.
Trước khi lên đường, Đỗ thị xem trong nhà chỉ còn một con gà già đem thịt, củi đun không có, lại phải lấy cái then cửa để đun, mong Bách Lý Hề được ăn một bữa no. Bách Lý Hề ăn cơm xong, nuốt nước mắt, chia tay hai mẹ con lên đường.
Đầu tiên, ông đến nước Tề, muốn yết kiến Tề Tương Công. Có thể vì ông nghèo hèn, lại không có người tiến cử, sao có thể gặp được vua một nước? Tốn bao công sức, càng cố gắng càng hỏng việc, cuối cùng, đành phải phiêu bạt kiếm sống. May là khi lưu lạc đến nước Tống, gặp được một người gọi là Kiển Thúc rất tâm đầu ý hợp. Hai người bàn luận những việc lớn trong thiên hạ rất hợp ý, khâm phục lẫn nhau, kết thành hai người bạn tốt. Nhưng Kiển Thúc cũng chỉ là một người ở ẩn, không giàu có. Bách Lý Hề không thể ở lại nhà Kiển Thúc mãi được. Ông đành phải tới ở chăn bò cho một nhà, để chờ cơ hội.
Lại những ngày dài trôi qua, vẫn chưa có được manh mối gì, Bách Lý Hề đã tỏ ra sốt ruột. Kiển Thúc an ủi ông:
– Làm quan cũng không thể tùy tiện, khi ngài gặp một hôn quân, nếu bỏ ông ta, có người sẽ bảo ngài là bất trung; nếu không bỏ ông ta, sẽ có người bảo ngài a dua theo kẻ xấu. Ngày nay thời thế hỗn loạn, không làm quan chưa chắc đã là việc không may.
Bách Lý Hề tự tin vào bản lĩnh của mình, nói:
– Làm kẻ nam nhi đại trượng phu, đời người dù không làm được gì, nói lập công lập nghiệp, dù chết cũng không cam tâm sống như thế!
Kiển Thúc thấy ý chí của ông kiên định, nghĩ ra một cách, nói:
– Tôi có một người bạn là Cung Chí Kỳ, đang làm đại phu ở nước Ngu, tôi sẽ giới thiệu ngài đến gặp, xem thử có cơ hội gì không.
Vì thế hai người cùng đến nước Ngu. Cung Chí Kỳ nói với Kiển Thúc chuyện về Ngu Công, nói ông ta là người tham của, u mê, tầm mắt hẹp hòi. Kiển Thúc khuyên Bách Lý Hề:
– Nước Ngu là một nước nhỏ, Ngu Công lại mê muội như thế, ngài có nên lưu lại đây không?
Bách Lý Hề nói:
– Tôi nay đã nhiều tuổi, đầu đã bạc, bôn ba vất vả đã nửa đời người vẫn chưa tìm được nơi dừng bước. Nước Ngu tuy nhỏ, Ngu Công tuy là ông vua u mê, nhưng tôi rốt cuộc cũng là người nước Ngu, tôi sẽ ở lại đây, không muốn đi tới nơi nào nữa.
Vì thế, Cung Chí Kỳ đã tiến cử Bách Lý Hề với Ngu Công, xin cho ông làm đại phu, tốt xấu thì cũng là một chức quan.
Về sau, Ngu Công vì tham lợi mà mất nước. Bách Lý Hề cũng trở thành tù binh của nước Tấn, bị biến thành nô lệ.
Năm ấy, Tần Mục Công cho công tử Chấp đến nước Tấn cầu hôn. Tấn Hiến Công bằng lòng gả con gái lớn cho. Thời đó con gái lớn đi lấy chồng thường có nô lệ đem theo. Tấn Hiến Công thấy Bách Lý Hề tóc đã bạc trắng, không còn dùng vào việc gì, cho ông ta đi.
Bách Lý Hề cùng bọn nô lệ đi theo công chúa đến nước Tần, trên đường, thấy chẳng ai chú ý đến, ông bèn bỏ trốn. Cho đến khi tới nước Sở, bị người nước Sở bắt vào nhà giam.
Tần Mục Công phát hiện thiếu một nô lệ trong số hồi môn, tra hỏi xem xét đầu đuôi. Lúc đó có người là Công Tôn Chi biết Bách Lý Hề, bèn nói với Tần Mục Công:
– Ông ta là Bách Lý Hề, người nước Ngu, rất có tài. Vì hoàn cảnh nghèo khổ, không tìm thấy ông vua sáng suốt, đành phải làm một chức quan nhỏ dưới tay Ngu Công. Khi nước Tấn diệt nước Ngu, ông ta bị bắt làm nô lệ.
Tần Mục Công nghe nói Bách Lý Hề là người tài, cử người đi tìm, cuối cùng biết ông ta đang ở nước Sở, làm nô lệ, đi chăn bò, chăn ngựa. Tần Mục Công muốn cử người mang lễ hậu đến nước Sở để chuộc Bách Lý Hề. Công Tôn Chi nói:
– Nếu mang lễ hậu đi chuộc ông ta, khác gì nói với người nước Sở ông ta là một nhân tài? Như thế, liệu người nước Sở có cho ông ta về không?
Tần Mục Công xem giá của một nô lệ, cho người mang năm tấm da dê đến nước Sở, nói:
– Chúng tôi có một nô lệ tên là Bách Lý Hề bỏ trốn đến quý quốc, xin giao hắn cho chúng tôi đem về trừng phạt để dạy dỗ các nô lệ khác.
Người nước Sở quả nhiên không nghi ngờ gì, bèn nhận số da dê, giao Bách Lý Hề cho sứ giả nước Tần.
Sứ giả đưa Bách Lý Hề về nước Tần. Tần Mục Công vội gọi ông ta đến gặp. Khi thấy ông ta đã già, tóc đã bạc, vô cùng thất vọng, hỏi:
– Người năm nay bao nhiêu tuổi?
Bách Lý Hề nói với Tần Mục Công:
– 70 tuổi.
Tần Mục Công không nén được tiếng thở dài.
Bách Lý Hề thấy thế, biết được tâm lý của Tần Mục Công, vội nói:
– Nếu đại vương cử tôi đi đánh hổ già, thú khỏe, tôi đúng là người bỏ đi, không dùng được. Nhưng nếu đại vương dùng tôi để đề xuất mưu kế, thì tôi còn kém Khương Tử Nha đến mười tuổi.
Tần Mục Công nghe nói, rất mừng rỡ, mời ông dạy cho bài học trị nước làm cho nước giàu binh mạnh. Điều này thì Bách Lý Hề có thể thao thao bất tuyệt, nói mãi không dừng, từ cổ chí kim, từ trong ra ngoài. Tần Mục Công nghe nói rất xúc động, bảo:
– Hay quá! Ta gặp được tiên sinh như Chu Văn Vương gặp được Khương đại công vậy.
Vì thế, Tần Mục Công tín nhiệm, cho Bách Lý Hề làm đại phu. Bách Lý Hề lại nói:
– Bạn của tôi là Kiển Thúc, bản lĩnh còn hơn hẳn tôi. Tôi vì trước đây không nghe lời Kiển Thúc nên mới rơi vào cảnh nô lệ. Nước Tần nay muốn giàu mạnh, không thể không dùng người này.
Tần Mục Công vội cử người đi tìm Kiển Thúc. Kiển Thúc vốn không muốn làm quan, nên hai ba lần sứ giả nước Tần mời mọc mới cùng sứ giả đến nước Tần. Tần Mục Công vô cùng vui sướng, cho ông và Bách Lý Hề làm Tả tướng và Hữu tướng, cải cách nội chính, phát triển sản xuất, đất nước ngày càng trở nên giàu mạnh, bắt đầu hùng cường để tranh bá.
Vì Bách Lý Hề về nước Tần chỉ nhờ có năm tấm da lừa nên người đương thời gọi ông là “ngũ cổ đại phu” (đại phu năm dê. Cổ nghĩa là dê đực), có nghĩa đại phu đổi bằng năm tấm da dê.
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét