ĐÔNG TẤN
(317 – 420)
Sau loạn Vĩnh Gia, Lạc Dương mất, người Trung Nguyên đua nhau kéo xuống phía nam. Năm 318, Tư Mã Duệ chính thức xưng đế ở Kiến Khang (Nam Kinh, Giang Tô ngày nay), lập nhà Đông Tấn.
Đông Tấn giống như Đông Ngô trước đây đã bị Tây Tấn tiêu diệt, dựa vào vùng đất Giang Nam, còn ở phía bắc chìm sâu trong tình trạng hỗn loạn của các thế lực quân phiệt cường hào. Trước năm 135, ở phía bắc đã lần lượt xuất hiện Thành Hán, Nhị Triệu (Tiền Triệu, Hậu Triệu), Tam Tần (Tiền Tần, Hậu Tần, Tây Tần), Tứ Yên (Tiền Yên, Hậu Yên, Nam Yên, Bắc Yên), Ngũ Lương (Tiền Lương, Hậu Lương, Nam Lương, Bắc Lương, Tây Lương), tất cả gồm 16 chính quyền tiêu biểu. Thời kỳ này được gọi là “thời kỳ Thập lục quốc”. Các chính quyền này cùng với những thế lực khác liên tiếp xung đột, lại thường cùng với Đông Tấn ở phương nam giao chiến, chiến tranh liên tiếp xảy ra khiến nền kinh tế khủng hoảng. Đến năm 439, thị tộc Thác Bạt, tộc Tiên Ty thống nhất phương bắc kiến lập Bắc Ngụy.
Đông Tấn lúc này chỉ có thể an phận ở Giang Nam, Tổ Đình, Hoàn Ôn, nhưng chưa bao giờ thu phục được vùng Trung Nguyên. Sự thống trị của vương triều Đông Tấn là sự kết hợp giữa vương tộc họ Tư Mã các dòng dõi quý tộc từ phía bắc tới Giang Nam, khi dòng họ Tư Mã không còn sức lôi kéo, Đông Tấn cũng dần tới chỗ diệt vong. Năm 420 Lưu Dụ lật đổ vương triều Đông Tấn, nắm quyền, thành lập triều Tống, sử gọi là Lưu Tống.
Tuy Thập lục quốc là một giai đoạn vô cùng khó khăn, nhưng sự phát triển xã hội vẫn không thể dừng lại, nhân dân các dân tộc vẫn ra sức lao động. kinh tế xã hội phương bắc vẫn không ngừng tiến bộ, phát triển, sự giao lưu giữa các dân tộc vẫn diễn ra.
Thời kỳ Đông Tấn, sản xuất nông nghiệp phương nam có rất nhiều tiến bộ, nông dân phương bắc không ngừng vượt sông tới Giang Nam bổ sung nguồn sức lao động cho miền nam, mang tới những công cụ và kỹ thuật canh tác tiên tiến. Những công cụ này cùng với kinh nghiệm canh tác ở phía nam là nguyên nhân tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp phương nam. Từ đó, trọng tâm của kinh tế Trung Quốc dần dời xuống phía nam.
BIỂU THẾ HỆ CÁC VUA
Nguyên Đế Tư Mã Duệ (317 – 322)
Minh Đế Tư Mã Thiệu (322 – 325)
Thành Đế Tư Mã Diễn (325 – 342)
Khang Đế Tư Mã Nhạc (343 – 344)
Mục Đế Tư Mã Đam ( 345 – 361)
Ai Đế Tư Mã Phi (362 – 365)
Phế Đế Tư Mã Dịch (366 – 371)
Giản Văn Đế Tư Mã Dục (371 – 372)
Hiếu Vũ Đế Tư Mã Diệu (373 – 396)
An Đế Tư Mã Đức Tông (397 – 418)
Cung Đế Tư Mã Đức Văn (419 – 420)
SỰ KIỆN TIÊU BIỂU
317 : Tư Mã Duệ lên ngôi ở Kiến Khang, mở đầu triều đại Đông Tấn
319 : Thạch Lặc, người tộc Kiệt xưng Triệu vương.
322 : Tấn Nguyên Đế chết, Thái tử Tư Mã Thiệu nối ngôi, gọi Tấn Minh Đế
327 : Loạn Tô Tuấn, Tổ Ước.
330 : Thạch Lặc xưng đế, đổi Nguyên Kiến Bình.
353 : Nhà thư pháp Vương Hy Chi viết bức “Lan Đình tự”.
354 : Hoàn Ôn tiến lên phía bắc, tới Bá Thượng.
357 : Vương Mãnh phụ chính.
370 : Tần vương Phù Kiên đem quân diệt Yên.
376 : Phù Kiên thống nhất phương bắc.
383 : Trận Phì Thủy, Phù Kiên tiến công Đông Tấn thất bại.
386 : Thác Bạc kiến lập Bắc Ngụy.
395 : Bắc Ngụy tiến vào Trung Nguyên.
399 : Tăng nhân Pháp Hiển xuất phát từ Trường An đi Thiên Trúc lấy kinh. Năm 416 viết “Phật quốc ký” ghi lại chuyên đi về phía Tây lấy kinh.
417 : Lưu Dụ vào Trường An. Hậu Tần mất.
420 : Lưu Dụ kiến lập vương triều Lưu Tống. Đông Tấn mất.
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét