Sau khi Tống Hiếu Vũ Đế (1) lên ngôi, vương triều Tống nhanh chóng suy vong. Trong thời kỳ này, xuất hiện một nhà khoa học kiệt xuất là Tổ Xung Chi.
Ông nội của Tổ Xung Chi là Tổ Xương, làm trưởng quan phụ trách kiến trúc của triều đình. Tổ Xung Chi đã sinh ra và lớn lên trong một gia đình như thế. Từ nhỏ, ông đã đọc rất nhiều sách, mọi người đều khen mới là thanh niên nhưng đã có hiểu biết của bác học.
Ông đặc biệt thích nghiên cứu toán học, đồng thời, cũng thích nghiên cứu thiên văn lịch pháp. Ông thường quan sát mặt trời và sự chuyển vận của các vì sao, điều gì cũng ghi chép tỉ mỉ. Tống Hiếu Vũ Đế nghe tiếng tốt về ông nên cử ông vào “Hoa lâm học tỉnh” chuyên nghiên cứu học thuật. Ông chẳng có mấy hứng thú làm chức quan này, nhưng ở đó, ông có điều kiện nghiên cứu về toán học và thiên văn.
Lịch của Trung Quốc đều do các quan nghiên cứu thiên văn làm nên, căn cứ vào những kết quả nghiên cứu thiên văn mà chế định lịch pháp.
Đến triều Tống, lịch pháp đã có những tiến bộ lớn, nhưng Tổ Xung Chi cho rằng nó còn chưa thật chính xác. Ông đã căn cứ vào những kết quả quan sát lâu dài, sáng chế ra tân lịch pháp, gọi là “”Đại Minh lịch” (Đại Minh là hiệu của Tống Hiếu Vũ Đế).
Lịch này quy định số ngày của mỗi năm (năm chính là khoảng thời gian giữa hai ngày đông chí) so với lịch hiện đại chỉ sai có 50 giây, số ngày của một tháng âm lịch chỉ sai số với lịch hiện đại có 1 giây. Từ đó có thể thấy lịch của Tổ Xung Chi chính xác như thế nào!
Năm 462, Tổ Xung Chi xin Tống Hiếu Văn Đế ban bố lịch mới. Hiếu Văn Đế đã triệu tập các đại thần để bàn bạc.
Trong cuộc thương nghị đó, một sủng thần của nhà vua là Đới Pháp Hưng lên tiếng phản đối, ông ta cho rằng Tổ Xung Chi dám thay đổi lịch cũ là một hành vi trái đạo. Tổ Xung Chi đã sử dụng những kết quả quan sát và nghiên cứu được để phản bác những ý kiến này. Đới Pháp Hưng dựa vào sự ưu ái của nhà vua, nói:
– Lịch pháp là do người xưa chế định, người đời sau không thể thay đổi.
Tổ Xung Chi hoàn toàn không e ngại, ông nói nghiêm túc:
– Nếu ông lấy sự thực làm căn cứ sẽ không thể nói như vậy.
Tống Hiếu Vũ Đế muốn bảo vệ Đới Pháp Hưng, tìm một số người hiểu về lịch pháp để tranh luận với Tổ Xung Chi. Ý kiến của những người này cũng bị ông bác bỏ. Nhưng Tống Hiếu Vũ Đế vẫn không ra lệnh ban bố lịch mới. Phải đợi Tổ Xung Chi chết 10 năm, Đại Minh lịch của ông mới được đem ra sử dụng.
Xã hội đương thời rất bất an, hỗn loạn, nhưng Tổ Xung Chi hoàn toàn tập trung vào việc nghiên cứu khoa học. Ông cũng có những thành tựu lớn về toán học. Ông đã từng chú thích cuốn “Cửu chương toán thuật” của người xưa, đã viết cuốn “Xuyết thuật”. Cống hiến lớn nhất của ông là tìm ra số “Pi” để tính chu vi đường tròn có độ chính xác cao hơn. Qua nghiên cứu lâu dài và gian khổ, ông đã tính ra số “Pi” là con số giữa 3,1415926 và 3,1415927, trở thành nhà khoa học sớm nhất trên thế giới tìm được số “Pi” với 7 chữ số.
Những phát minh khoa học của Tổ Xung Chi có ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông đã sáng tạo “xe chỉ nam”, “thuyền thiên lý”, trên sông Tân Đình (tây nam thành phố Nam Kinh ngày nay), con thuyền chạy thử một ngày đi được hơn trăm dặm. Ông còn sử dụng sức nước để làm chuyển động cối xay, nghiền bột ngũ cốc gọi là “thủy đối ma”.
Sau khi Tổ Xung Chi chết, con trai của ông là Tổ Hằng và cháu ông là Tổ Hạo đều kế thừa sự nghiệp của ông, tiếp tục nghiên cứu toán học và lịch pháp.
Chú thích:
(1) Tống Hiếu Vũ Đế (430 – 464), ở ngôi 453 – 464), con của Tống Văn Đế.
(2) “Cửu chương toán thuật” cuốn sách toán học cổ nhất còn tới ngày nay của Trung Quốc.
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét