XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 05.01. TRỊNH TRANG CÔNG KHÔNG NGHE LỜI CHU THIÊN TỬ

Thời Tây Chu, quyền lực của thiên tử là vô hạn, đúng là dưới gầm trời không tấc đất nào không phải của thiên tử, trong bốn biển không ai không phải thần phục thiên tử. Nhưng đến Đông Chu, địa vị của thiên tử bị nước chư hầu lớn làm lung lay. Người đầu tiên dám cùng thiên tử tranh cãi là Trịnh Trang Công, vua nước Trịnh.
Từ cuối Tây Chu đến đầu Đông Chu, vua nước Trịnh đều là khanh sĩ nhà Chu, nắm quyền lớn trong triều, lập công lớn với nhà Chu. Sau khi Trịnh Võ Công mất, chức khanh sĩ do Trịnh Trang Công kế thừa. Trịnh Trang Công  tranh giành quyền lực với em là Thúc Đoạn, Chu Bình Vương không vừa ý muốn cho vua nước Quắc là Kỵ Phụ thay chức của Trịnh Trang Công. Kỵ Phụ biết Trịnh Trang Công không phải là người bình thường chết cũng không dám nhận.
Việc này đến tai Trịnh Trang Công, Trịnh Trang Công vô cùng tức giận, vội đến Lạc Ấp, cố tình đưa ra yêu cầu từ chức khanh sĩ. Chu Bình Vương không muốn nghĩ đến Trịnh Trang Công, ngược lại, dưới con mắt của nước Trịnh hùng mạnh, vua Chu cũng không dám coi thường. Bình Vương ba lần mời Trịnh Trang Công ở lại chức vị cũ, Trịnh Trang Công ngông nghênh không chịu. Bình Vương ngầm thua Trịnh Trang Công, cho thái tử đến nước Trịnh làm con tin, Trịnh Trang Công mới bằng lòng ở lại chức cũ. Bình Vương không dám nuốt lời, đưa thái tử Cô đến nước Trịnh. Đường đường là vua Chu, phải đưa thái tử đến nước chư hầu làm con tin, nếu trước kia, đây là việc không ai dám nghĩ đến.
Năm 720 trước CN, Chu Bình Vương chết, thái tử Cô trở về Lạc Ấp, chuẩn bị nối ngôi thiên tử. Không ngờ, thái tử Cô ở nước Trịnh phiền muộn quá, mới về đến Lạc Ấp đã chết. Trịnh Trang Công thao túng việc nối ngôi, lập con của thái tử Cô làm vua.
Thiên tử mới Chu Hoàn Công không chịu để Trịnh Trang Công thao túng, sau khi nối ngôi, nói với Trịnh Trang Công:
– Ngươi là đại thần của tiên vương, ta sao có thể dám dùng ngươi?
Ngầm ý là muốn bài trừ chức khanh sĩ của Trịnh Trang Công. Trịnh Trang Công nghe nói tức giận, quay về nước Trịnh. Từ đây, mối thù giữa vua Chu và vua nước Trịnh càng sâu.
Trịnh Trang Công về đến kinh đô nước Trịnh, các đại thần nước Trịnh rất tức giận, đều nói Chu Hoàn Vương là vong ân bội nghĩa, dám đuổi người đã giúp mình lên ngôi. Có người chủ trương lập tức phát binh, dạy cho ông vua miệng còn hơi sữa này một bài học. Một đại thần là Tế Túc phản đối việc tiến công vua Chu, cho rằng làm như thế sẽ bị các nước chư hầu khác không đồng tình. Ông ta đề nghị cố ý gây chuyện ở biên giới, để xem Chu Hoàn Công xử trí như thế nào. Tế Túc hiến kế, mượn cớ nước Trịnh mất mùa, thiếu lương thực, đến vùng biên giới của triều Chu cắt lúa, nếu có người cản trở, nói mượn  trước lương thực, nếu Chu Hoàn Vương hỏi đến việc này, sẽ nói thiên tử không thương dân. Trịnh Trang Công thấy ý của Tế Túc đúng, quyết định làm theo mưu kế của ông ta.
Tế Túc lập tức hành động, ngày hôm sau mang theo mấy nghìn lính đến Ôn Ấp (nay là huyện Ôn, Hà Nam). Tế Túc nói với Ôn đại phu, không úp mở:
– Tệ quốc gặp mất mùa, lương thực không đủ ăn, nay đến đây mượn ngài một ít lương.
Ôn đại phu phản đối, giọng cứng rắn:
– Chưa có lệnh của thiên tử, không được cắt lúa!
Tế Túc cười:
– Ai bảo ngài cắt! Lúa đã chin, chúng tôi sẽ tự cắt, không dám để ngài phí sức.
Nói rồi khoát tay, mấy nghìn binh lính ào xuống ruộng, không đến nửa ngày đã cắt sạch cả ruộng lúa. Ôn đại phu giận mà không dám nói, nhìn quân Trịnh chở lúa về mà mắt trừng trừng.
Ôn đại phu đem chuyện quân Trịnh cắt lúa báo cho Chu Hoàn Vương. Chu Hoàn Vương nghe giận như lửa bốc:
– Trịnh Trang Công gan tầy trời, dám bắt nạt cả Chu thiên tử.
Chu Hoàn Vương trẻ người, giận lớn, định  mang quân hỏi tội nước Trịnh. Chu Công Hoắc Kiên giàu kinh nghiệm, biết đây là Trịnh Trang Công cố ý khiêu khích, muốn việc lớn thành nhỏ, nhỏ thành không có gì. Ông vội nói với Chu Hoàn Vương:
– Việc nhỏ này chưa chắc Trịnh Trang Công đã biết, bất tất phải động binh.
Nghe Hoắc Kiên nói, Chu Hoàn Vương đành phải cho qua.
Đến mùa thu, quân Trịnh lại gây sự, đến Thành Chu cắt lúa. Lúa ở Thành Chu hầu như bị họ cắt sạch. Quan trông coi Thành Chu vội báo về triều đình, Chu Công Hoắc  Kiên lại khuyên Chu Hoàn Vương coi như không biết.
Năm 719 trước CN, Tống Thương Công liên hợp với Trần, Thái, Vệ đánh Trịnh. Quân bốn nước không đánh nổi quân Trịnh đành phải rút lui.
Trịnh Trang Công muốn báo mối thù này, đầu tiên định đánh nước Tống, nhưng tước vị của vua nước Tống cao, được Chu thiên tử tôn trọng, Trịnh Trang Công không dám coi thường. Trịnh Trang Công nghe ý kiến của Tế Túc: trước hãy triều kiến Chu thiên tử, sau dùng cờ hiệu của Chu thiên tử mà đánh Tống, như vậy, có thể tránh được điều tiếng từ các chư hầu khác.
Trịnh Trang Công đến triều kiến Chu Hoàn Vương. Chu Hoàn Vương còn đang tức giận, không cho gặp, đến khi cho gặp, cố ý làm ra vẻ giận dữ, hỏi:
– Năm nay nước Trịnh thu hoạch thế nào?
Trịnh Trang Công lòng không vui, nén giận, cung kính đáp:
– Nhờ hồng phúc của thiên tử, mùa màng rất khá.
Chu Hoàn Vương hắng giọng, nói kháy Trịnh Trang Công:
– May mà thu hoạch khá, lúa của Ôn Ấp, thóc của Thành Chu năm nay ta chắc được ăn, nhỉ?
Trịnh Trang Công im lặng, cáo từ Chu Hoàn Vương.
Theo phép tắc cũ, chư hầu đến triều kiến, thiên tử phải thiết yến chiêu đãi, trước khi trở về, thiên tử phải biếu tặng lễ vật. Chu Hoàn Vương chưa thiết yến khoản đãi, cũng chưa biếu tặng lễ vật, mới chỉ cử người mang mười xe lương thực, nói cho Trịnh Trang Công:
– Số lương thực này cho khanh mang về, giữ lấy khi nào mất mùa mới được ăn.
Trịnh Trang Công tức giận, hận Chu Hoàn Vương  đến xương tủy. Chu Công Hoắc Kiên biết việc này không có lợi, liền tự mình mang hai xe tơ lụa cho Trịnh Trang Công.
Sau khi  Chu Công Hoắc Kiên đi rồi, Tế Túc vui vẻ nói với Trang Công:
– Ha ha, việc này thật là tốt.
Thấy Trịnh Trang Công chưa hiểu, ông ta vội nói tiếp:
– Chúng ta mang số tơ lụa này chất lên trên xe lương thực, người nhìn thấy nhất định  cho rằng trên xe toàn là tơ lụa do thiên tử cho, chúng ta lại cho người đem việc này nói rông ra, lại nói vua nước Tống không vào chầu là coi thường thiên tử, thiên tử lệnh cho chúng ta đi đánh nước Tống.
Trịnh Trang Công liền khen Tế Túc là người túc kế đa mưu, quyết định làm theo mưu của Tế Túc.
Năm 714 trước CN, nước Trịnh liên hiệp với nước Lỗ, nước Tề đánh Tống. Quân Tống bị đánh cho đại bại. Thái Tể Hoa Đốc nước Tống giết Tống Tương Công. Trịnh Trang Công nghiễm nhiên hưởng lợi, một tay giúp Tống Trang Công nối ngôi. Chu Hoàn Vương thấy Trịnh Trang Công lòng dạ khó lường, có thể xưng bá, hạ lệnh miễn chức khanh sĩ của Trịnh Trang Công, muốn thanh thế của ông ta giảm bớt. Trịnh Trang Công càng căm hận Chu Hoàn Công, không đến Lạc Ấp triều kiến nữa. Chu Hoàn Vương lấy cớ này, trưng tập quân ba nước Thái, Trần, Vệ hỏi thăm. Trịnh Trang Công  không chịu lép, lập tức triệu tập quân lính chuẩn bị đối phó. Quân hai bên gặp nhau ở Như Cát, lập tức cùng bày thế trận. Chư hầu dám mang quân đối mặt với thiên tử, chẳng phải là làm phản sao? Chu Hoàn Vương tức giận, đích thân mang quân xông vào quân Trịnh, ông ta chỉ cần cho quân Trịnh thấy thiên tử xung trận sẽ không đánh mà rút.
Nào ngờ quân Trịnh không coi thiên tử ra gì gào thét xung trận. Quân ba nước Thái, Trần, Vệ không phải là đối thủ của quân Trịnh, dần bại trận. Chu Hoàn Vương thấy thế trận đã vỡ, liền vội hạ lệnh rút quân. Quân Trịnh ra sức đuổi theo, quân ba nước tháo chạy thảm hại. Tướng Trịnh Chúc Đan thấy Chu Hoàn Vương trong đám quân hỗn loạn, bắn một phát tên vào Chu Hoàn Vương. Chỉ nghe thấy một tiếng kêu “a!”, vai trái của Chu Hoàn Vương đã bị tên bắn trúng. Chúc Đan định dùng chiến xa đuổi bắt Chu Hoàn Vương, nhưng sau lại được truyền lệnh thu quân. Chúc Đan đành phải ra lệnh cho ngựa quay đầu trở về.
Sau khi  về doanh trại, Chúc Đan hỏi Trịnh Trang Công vì sao lại như vậy, Trịnh Trang Công mới bộc bạch suy nghĩ của mình:
– Đánh nhau với Hoàn Vương đã là chuyện bần cùng, đuổi bắt Hoàn Vương càng là việc không thể làm được, chi bằng để cho ông ta chạy thoát, để cho ông ta biết thế thôi!
Như vậy, Trịnh Trang Công còn muốn giữ cho Chu Hoàn Vương một chút thể diện. Ông ta cử Tế Túc mang theo một số cống vật đến tạ tội với Chu Hoàn Vương. Hoàn Vương còn chưa biết cư xử ra sao, Tế Túc nhận tội là đã chịu xuống nước, ông ta còn xin tha tội cho Trịnh Trang Công, sau đó mang quân ủ rũ trở về.
Việc này đã làm thay đổi quan niệm quyền uy của Chu thiên tử là thần thánh bất khả xâm phạm. Chu thiên tử cũng không còn dám ra lệnh. Từ đó về sau, cuộc tranh giành giữa các chư hầu ngày càng quyết liệt, chư hầu có thế lực mạnh tranh lấy bá quyền. Sức mạnh của Chu thiên tử ngày càng suy yếu, tình thế không còn đủ sức để khống chế thiên hạ.  
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét