XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 06.19. CHUYỆN THẦN Y BIỂN THƯỚC

Biển Thước, vốn là một danh y trong truyền thuyết thời đại Hoàng Đế. Đến cuối đời Xuân Thu, có thầy thuốc Tần Việt Nhân, vì y thuật cao minh, y đức cao thượng được mọi người gọi là Biển Thước, tên thật của ông bị người ta lãng quên.
Tương truyền, Biển Thước là người nước Tề, khi ít tuổi, làm chủ một quán trọ. Một  lần, có người khách là Trường Tang Quân tới trọ, Biển Thước cảm thấy người này kỳ lạ, đã đối xử với ông ta rất kính trọng. Thời gian sau, quan hệ giữa hai người tương đối tốt đẹp. Một hôm, Trường Tang Quân gọi Biển Thước tới một nơi vắng vẻ, nói với ông:
– Nay ta tuổi đã cao, sợ sống không lâu nữa. Ta có một bí mật, muốn truyền cho ngươi, mong nhà ngwoi đừng có tiết lộ.
Rồi đem bí mật chữa bệnh truyền cho Biển Thước. Từ đó, Biển Thước trở thành danh y.
Đương nhiên đây chỉ là một truyền thuyết thú vị.
Biển Thước đi khắp mọi nơi, vì người chữa bệnh, tren từ vua chúa trong cung điện, dưới đến người dân nơi thôn dã, với ai cũng nhân ái, trong sử sách còn lưu truyền rất nhiều những câu chuyện ông cứu sống người bệnh.
Có một lần, Biển Thước đến nước Quắc, đi tới cửa cung điện của nhà vua, nghe nói thái tử vừa mới chết, ông vội hỏi thăm bị bệnh gì? Có người nói với ông:
– Thái tử ban đầu hô hấp khó khăn, khí huyết không thuận, nội tạng bị hại, sau đó đột nhiên tắt thở.
 Biển Thước hỏi lại kỹ càng, bệnh nhân sau khi chết đã khâm liệm chưa? Sau đó ông nói nghiêm trang:
– Nhờ nói với nhà vua, tôi có thể cứu sống thái tử.
Người ta không tin, Biển Thước lại nói:
Tôi xem bệnh, từ xưa là từ ngoài biết trong, từ trong biết ngoài. Mới nghe nói một số triệu chứng, tôi đã biết, thái tử chưa chết thật, bây giờ khẳng định một nửa cơ thể máu còn nóng…
Nhà vua nghe nói danh y Biển Thước đến, đích thân nghênh tiếp, mặt buồn rười rượi mời ông xem bệnh. Biển Thước đến trước thái tử, bắt mạch, lại kiểm tra các bộ vị, sau đó an ủi nhà vua:
– Bệnh của thái tử gọi là “thi quyết”, là do mất thăng bằng âm dương. Thực ra là chưa chết. Đây chỉ là cái chết giả. Không đáng ngại, tôi có thể chữa được.
Nói xong, Biển Thước bảo các đệ tử châm cứu vào các huyệt vị của cơ thể thái tử. Lát sau, quả thật thái tử tỉnh lại. Biển Thước lại dùng cứu đốt hai bên sườn thái tử, thái tử đã có thể ngồi dậy được. Lại uống thuốc, sau hơn mười ngày, thái tử hoàn toàn bình phục. Tin này sau khi được lan truyền, người nước Quắc đều nói Biển Thước có thể cải tử hoàn sinh, biến người chết thành người sống. Biển Thước lắc đầu, nói:
– Tôi hoàn toàn không thể cải tử hoàn sinh, thái tử chưa chết thật, tôi thực sự chẳng qua chỉ làm cho thái tử hồi phục sức khỏe mà thôi.
Có một lần, Biển Thước bái kiến Tề Hoàn Hầu, quan sát khí sắc Tề Hoàn Hầu, ông nói:
– Đại vương đang có bệnh, không chữa sẽ nặng thêm.
Tề Hoàn Hầu vui vẻ nói:
– Tôi cảm thấy chẳng có gì không thoải mái, làm sao biết có bệnh được?
Khi Biển Thước đã đi khỏi, ông còn nói với tả hữu:
– Thầy lang này đang muốn thể hiện cái cao minh của mình, nói người không có bệnh là có bệnh..
Sau năm ngày, Biển Thước lại gặp Hoàn Hầu, sau  khi nhìn qua, lại nói:
– Bệnh của ngài đã vào đến huyết mạch, phải chữa ngay mới kịp.
Hoàn Hầu hãnh diện, nói:
– Ta khỏe lắm, chữa bệnh gì?
Lại qua mấy ngày, Biển Thước lần thứ ba gặp Hoàn Hầu, giật mình nói:
– Bệnh của ngài đã vào đến tràng vị, không chữa thì nguy hiểm.
Hoàn Hàu không buồn nghe, không them để ý.
Khi hai người gặp nhau lần thứ tư, Biển Thước nhìn Hoàn Hầu, không nói, quay đầu bỏ đi. Hoàn Hầu thấy lạ, vội cho người đuổi theo, hỏi nguyên nhân. Biển Thước nói:
– Bệnh của đại vương ban đầu ở ngoài bì phu, sau đó phát triển vào huyết mạch, tiến vào nội tạng, lúc ấy có thể dùng cách chườm nóng, châm cứu, uống thuốc, chữa được. Nhưng hôm nay, tôi thấy bệnh đã vào cốt tủy, không có cách gì chữa được. Cho nên tôi đành phải ra đi.
Qua mấy ngày, Hoàn Hầu quả nhiên phát bệnh, lại cho người đi mời Biển Thước. Ông đã dời nước Tề, Hoàn Hầu không lâu sau thì chết.
Vào cuối đời, Biển Thước đến nước Tần hành nghề. Tần Vũ Vương muốn mời ông xem bệnh, quan ngự ý của nước Tần là Lý Tây rất ghen ghét với Biển Thước, sợ ông chữa được bệnh cho nhà vua, ảnh hưởng đến uiy tín và địa vị của mình, cho người giết ông.
Y thuật của Biển Thước đại diện cho trình độ y học của thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc , đặt cơ sở cho truyền thống y học của Trung Quốc. Cho tới nay “vọng, văn, vấn, thiết’, châm cứu, thang thuốc vẫn là những phương pháp cơ bản của chẩn trị Trung y.

Người dịch: Dương Đình Giao

Chú thích:
Nước Quắc: vua họ Cơ, là một tiểu quốc, kinh đô ở Thượng Dương (nay ở đông nam Tam Môn Hiệp, Hà Nam), một phần của huyện Bình Lục Sơn Tây, nay là thành phố Tám Môn Hiệp, Hà Nam. Thời Xuân Thu, bị Tấn và Sở diệt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét