Lưu Bang vốn là người có văn hóa thấp, một thời không thích người đọc sách, cũng ghét những quy tắc, lễ tiết của những người có văn hóa. Dưới trướng của ông là rất nhiều tướng lĩnh xuất thân nghèo khổ, cũng không có được bao nhiêu văn hóa, chỉ cần đánh thắng trận là được. Khi giành được thiên hạ, Lưu Bang là người phá hoại trật tự cũ, bây giờ đã giành được thiên hạ, ông mới phát hiện sự quan trọng của việc kiến lập trật tự mới.
Khi triều Hán mới kiến lập, Lưu Bang chuẩn bị cho mọi người luận công phong thưởng, không ai chịu ai, tranh cãi tới hơn một năm mà vẫn không quyết định nổi. Lưu Bang cho rằng công lao của Tiêu Hà lớn, phong cho ông ta là Tòa hầu (1). Rất nhiều đại tướng không chịu, họ lớn tiếng tranh cãi:
– Chúng tôi xung phong hãm trận, đánh thành chiếm đất, đánh nhiều cũng trăm trận, ít cũng mấy mươi trận. Tiêu Hà ở hậu phương, chỉ giỏi khua môi múa mép, chẳng có công lao gì, sao có thể ghi cho ông ta công đầu?
Lưu Bang thấy mọi người không chịu, giận dữ, cao giọng hỏi mọi người:
– Các ngươi có biết đi săn không?
Mọi người đua nhau, nói:
– Biết!
Lưu Bang nói:
– Khi đi săn, đuổi con thú là con chó, đưa ra hiệu lệnh để con chó đuổi con thú là con người. Các người chỉ biết xung phong hãm trận, tiêu diệt quân địch cũng như con chó vậy. Tiêu Hà là người phát hiệu lệnh, là con người. Các người làm sao có thể so với ông ta được?
Các đại tướng thấy Lưu Bang so sánh họ với con chó, càng không chịu. Họ lớn tiếng ồn ào, loạn hết cả lên, thậm chí có người còn rút kiếm, chém. vào cột cung điện, thật là hỗn loạn. Lưu Bang thường ngày không coi trọng lễ phép nay cũng không chịu nổi, cảm thấy không thể như thế này được, cần phải nhanh chóng có biện pháp chỉnh đốn ngay.
Có một nho sĩ tên gọi Thúc Tôn Thông, nguyên đã làm bác sĩ chiêu đãi triều Tần, mới theo triều Hán chưa lâu nhưng vì Lưu Bang ghét nhà nho nên địa vị của ông ta chưa có gì. Hiểu được tâm tư Lưu Bang, ông ta bèn đề nghị:
– Khi tranh giành thiên hạ, nho sinh không có được bao nhiêu cống hiến; sau khi đã được thiên hạ rồi, nho sinh có thể giúp bệ hạ giữ được thiên hạ. Tôi nguyện sẽ vì bệ hạ đến nước Lỗ tập hợp một số nho sinh có hiểu biết về nghi lễ, giúp bệ hạ chế định lễ nghi, chỉnh đốn lại trật tự của triều đình.
Lưu Bang tuy không vừa ý với tình trạng hỗn loạn của triều đình, nhưng nghe nói chế định lễ nghi lại thấy lo, ông ta sợ các nhà nho đưa ra nghi lễ quá phiền phức, khó tiếp thu, cho nên, ông ta hoài nghi, hỏi:
– Những trò vui đó rất khó học, phải không?
Thúc Tôn Thông nói:
– Nghi lễ không phải là nhất thành bất biến, con người ở các thời đại khác nhau, căn cứ vào nhu cầu lúc đó để chế định nghi lễ. Ta có thể lấy nghi lễ thời cổ kết hợp với nghi lễ triều Tần, lại căn cứ vào nhu cầu của hôm nay, chế định ra nghi lễ mới.
Lưu Bang nói:
– Khanh hãy thử xem. Có điều là phải đơn giản, sao cho ta và các đại thần dễ học.
Sau đó, Thúc Tôn Thông đi tới các nơi ở nước Lỗ, triệu tập được ba mươi nho sinh hiểu nghi lễ thời cổ, mời họ về Hán chế định nghi lễ mới. Thúc Tôn Thông trước hết cho người dùng tre và cỏ tranh dựng một lều cỏ ở ngoại ô Trường An để ba mươi nho sinh cùng một số cận thần của Hán Cao Tổ với đệ tử của họ, tổng cộng hơn một trăm người, bắt đầu chế định và diễn tập nghi lễ. Qua hơn một tháng, Thúc Tôn Thông mới Hán Cao Tổ tới xem diễn tập. Xem xong, Hán Cao Tổ nói:
– Thế này ta có thể học được, cứ làm như thế!
Sau đó, ông hạ lệnh cho tất cả văn võ đại thần của triều đình đều phải học tập nghi lễ.
Một ngày vào tháng 10 năm 200 trước CN, trời còn chưa sáng rõ, nghi thức triều bái hoàng đế chính thức bắt đầu trong cung Trường Lạc ở Trường An. Hôm đó, các quan văn võ theo quan chức sắp xếp ngoài cửa cung. Bên ngoài cung điện cờ ngũ sắc treo phấp phới. Vệ sĩ với uy vũ hùng tráng xếp hai bên.
Quan truyền lệnh hô lớn:
– Truyền các đại thần lên điện!
Các đại thần chia làm hai đường tiến vào đại điện, các thái úy quan võ đứng ở phía tây, mặt nhìn về đông; các thừa tướng quan văn đứng ở phía đông, mặt nhìn về tây. Khi mọi người đã yên vị, quan truyền lệnh thay mặt các quần thần mời hoàng đế thượng triều. Hán Cao Tổ ngồi trên xe từ nội cung tới điện, nhận vái chào của quần thần. Quần thần tham gia triều bái, lần lượt tự xưng tên và quan chức, cung kính quỳ xuống bái lễ, sau đó lui về chỗ của mình.
Triều bái xong, ngự sử phụ trách chấp pháp phàm là những ai mắc sai sót trong nghi lễ đều bị vệ sĩ đưa ra ngoài. Vì thế, các đại thần đều vô cùng nghiêm túc từ khi bắt đầu tới lúc kết thúc., không một ai dám ồn ào thất lễ, sợ có sai sót. Nghi thức triều bái kết thúc, Hán Cao Tổ xuất thân hàn vi, vô cùng vui vẻ:
– Hôm nay ta mới biết làm Hoàng đế là được tôn quý như thế nào!
Ông bèn phong Thúc Tôn Thông làm Phụng thường, lại thưởng năm trăm lượng vàng.
Từ sau khi Thúc Tôn Thông chế định lễ nghi, cảnh hỗn loạn trong cung như trước không xuất hiện. Từ đó, Hoàng đế có uy quyền chí cao vô thượng, thần tử trở thành nô bộc trung thành của Hoàng đế, giữa các quần thần, quy tắc nghi lễ được xác lập. Lễ nghi này trải qua hai nghìn năm, cơ bản không có những thay đổi lớn.
Người dịch: Dương Đình Giao
Chú thích:
- Hầu là tên tước, Toàn là đất phong nay ở phía tây Vĩnh Thành, Hà Nam. Đầu đời Hán, có quan Nội hầu ở Kinh kỳ, vô quốc ấp; có Triệt hầu, có thực ấp, là tước vị tối cao. Tiêu Hà thuộc bậc này.
- Nước Lỗ là đất phong của Chu Công Đán đàu đời Chu, cũng là nơi phát nguồn của tư tưởng Nho gia, xưa nay đề cao văn hóa lễ nhạc, chú trọng bảo tồn cổ lễ dời Chu.
- Niễn xa: xe chuyên dụng của Hoàng đế thời cổ chế tạo hoàn mỹ, trang trí tráng lệ, thường dùng ở trong cung khi dự yến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét