Người dịch: Dương Đình Giao
Hốt Tất Liệt là cháu của Thành Cát Tư Hãn, con thứ 4 của Đà Lôi, em của Mông Ca Hãn. Ông là nguời hùng tài đại lược, biết nguời hiểu việc , đổi tên nước Đại Mông Cổ thành Nguyên, là nguời sáng nghiệp chân chính của triều Nguyên.
Sau khi Mông Ca lên ngôi, giao cho em là Hốt Tất Liệt cai quản mọi việc về hành chính và quân sự ở đất Hán vùng Trung nguyên, chủ trì việc đánh chiếm Nam Tống. Khi cai trị đất Hán, Hốt Tất Liệt trọng dụng Nho sĩ, rất được lòng người nên bị Hãn Mông Cổ nghi ngờ, một hồi đã gọi về phương Bắc, nhưng sau do sự cần thiết về quân sự nên lại cử tới Trung nguyên phối hợp với Mông Ca đánh Tống.
Năm 1258, Mông Cổ chia quân làm ba đường tiến đánh Nam Tống. Mông Ca chỉ huy quân chủ lực tiến đánh Tứ Xuyên, Hốt Tất Liệt tiến đánh Ngạc Châu (nay là Vũ Hán, Hồ Bắc), Ngột Lang Hợp Thai (1) tiến đánh Đàm Châu (nay là Trường Sa, Hồ Nam).
Trong lúc Hốt Tất Liệt ra sức đánh vào Ngạc Châu thì được tin Mông Ca chết. Vốn là khi tiến đánh Hợp Châu, không may Mông Ca trúng pháo thạch, chết ở núi Điều Ngư. Các bộ tướng đều khuyên Hốt Tất Liệt phải nhanh chóng trở về Mông Cổ, đề phòng có đột biến. Hốt Tất Liệt nói:
– Đại Hãn và ta trước đây đã hẹn nhau hai phía đông tây cùng đánh. Nay Ngạc Châu đã trong lòng bàn tay, làm sao lại lui quân?
Cùng lúc đó, Hốt Tất Liệt lại nhận được tin của vợ từ phương bắc mật báo: “A Lý Bất Ca ở kinh thành có ý khác, phải mau chóng về ngay”.
Được tin, Hốt Tất Liệt mới hoảng hồn. Vừa khi ấy, Tể tướng Nam Tống là Giả Tự Đạo cử người xin nghị hòa. Hốt Tất Liệt tương kế tựu kế, cùng Nam Tống nghị hòa rồi gấp rút trở về phương bắc.
A Lý Bất Ca có quan hệ thân cận với giới quý tộc Mông Cổ, lại được sự ủng hộ của một số Hãn quốc phía tây. Những người này đều phản đối thực hiện “Hán pháp”, chủ trương dùng cách thống trị cũ của Mông Cổ.
A Lý Bất Ca biết Hốt Tất Liệt có dã tâm chiếm lấy ngôi Đại Hãn, về thực lực cũng có thể so sánh với mình nên đã có ý đề phòng Hốt Tất Liệt. Mông Ca chết, A Lý Bất Ca lập tức giao nhiệm vụ cho một số quan viên ủng hộ mình, lại cử Thoát Lý Xích và A Lan Đáp Nhi chiếm Yên Kinh và Thiểm Tây, chuẩn bị đề phòng Hốt Tất Liệt quay về phương bắc.
Được biết tin ấy, vợ của Hốt Tất Liệt lập tức báo tin cho chồng. Trên đường trở về phía bắc, Hốt Tất Liệt triệu tập ngay các chư vương, đại tướng và mưu sĩ của mình bàn bạc. Mưu sĩ Hác Kinh nói:
– A Lý Bất Ca đã bắt đầu hành động. Đại vương tuy có binh hùng, nhưng nếu ông ta tuyên bố có di chiếu của Đại Hãn nối ngôi, chúng ta còn về để làm gì?
Ông ta hiến cho Hốt Tất Liệt một diệu kế: một mặt, cử một bộ phận quân đội tới cạnh linh xa của Mông Ca, tìm cách đoạt lấy ngọc tỷ của Đại Hãn, một mặt cho quân giành lấy quyền phòng vệ Yên Kinh; đồng thời, thông báo cho các vương tới Hòa Lâm để cử hành tang lễ.
Tháng 3 năm 1260, Hốt Tất Liệt tới Khai Bình (3), căn cứ của mình. Đại tướng của ông ta là Liêm Hy Hiến và Thương Đĩnh Tư nói:
– “Tiên hạ thủ vi cường, hậu hạ thủ tao ương” (ra tay trước sẽ mạnh, ra tay sau gặp bất lợi). Cơ hội mất rồi sẽ không thể tìm lại được nữa.
Đúng lúc đó, A Lý Bất Ca cho người báo Hốt Tất Liệt tới Hòa Lâm tham gia nghi lễ an táng Mông Ca. Hốt Tất Liệt biết nhất định sẽ có âm mưu gì nên không tới. Ông triệu tập đại hội Hốt Lý Đài (4) ở Khai Bình bầu cử Đại Hãn. Nhờ sự ủng hộ của các vương Dã Tiên Ca, Hợp Đan, Mạt Ca, Hốt Tất Liệt lên ngôi Đại Hãn.
Tin truyền đến Hòa Lâm, A Lý Bất Ca nổi giận, không ngờ Hốt Tất Liệt bất chấp luật của Mông Cổ đã lên ngôi một cách bất hợp pháp. Không còn cách nào khác, tháng 4 năm đó, A Lý Bất Ca cũng triệu tập Đại hội Hốt Lý Đài, tuyên bố mình là Đại Hãn.
Nguời ta thường nói: “Bầu trời không có hai mặt trời, nước không có hai vua”. Một nước Mông Cổ lại có tới hai Đại Hãn, sao có thể được? Vấn đề này chỉ có thể giải quyết được thông qua vũ lực.
Khi ấy, các vương ở phía đông đều ủng hộ Hốt Tất Liệt, các vương ở phía tây có người ủng hộ A Lý Bất Ca, có người ủng hộ Hốt Tất Liệt. Hốt Tất Liệt lại đang thống trị vùng Trung nguyên, có hậu thuẫn bằng thực lực kinh tế. Hốt Tất Liệt đích thân mang đại quân đánh vào Hòa Lâm, sào huyệt của A Lý Bất Ca. A Lý Bất Ca không đủ lương thực và chiến mã, sao có thể là đối thủ của Hốt Tất Liệt? Ông ta tự biết điều ấy vội bỏ thành chạy tới Khiêm Châu (nay ở phía nam thượng du sông Diệp Ni Tái). Hốt Tất Liệt rất nhanh chóng chiếm được Hòa Lâm. A Lý Bất Ca sợ Hốt Tất Liệt đuổi theo bèn thực hiện kế hoãn binh, cho người gặp Hốt Tất Liệt giả nhận tội, nói muốn đầu hàng, nhưng đợi khi nuôi được ngựa béo khỏe sẽ tới bái kiến. Hốt Tất Liệt cho rằng A Lý Bất ca nói như vậy nhất định do một mưu sĩ bày cho bèn nói với sứ giả:
– Nhà ngươi về nói với em ta, muốn ta tin vào lời nói ấy tha thứ cho, nếu có thành ý thì mau tới gặp ta.
Cuối cùng, A Lý Bất ca không tới, Hốt Tất Liệt đợi không được bèn cử Dã Tôn Ca giữ Hòa Lâm, còn mình thì trở về Khai Bình.
Mùa thu năm 1261, A Lý Bất Ca nuôi được ngựa béo, lại có binh khỏe cho quân tiến xuống phía nam. Ông ta cho người tới gặp Dã Tôn Ca giả vờ nói xin đầu hàng. Dã Tôn ca tin là thật, không có sự chuẩn bị đề phòng. Cuối cùng, bị A Lý Bất Ca bất ngờ tập kích, lấy lại được Hòa Lâm. Được tin, Hốt Tất Liệt lập tức đưa quân lên phía bắc. Hai bên gặp nhau ở Tá Mộc Thổ Não Nhi. Kết quả, A Lý Bất Ca bị đánh bại, chạy về Hòa Lâm. Nhưng vào lúc đó A Lỗ Hốt vương vốn ủng hộ A Lý Bất Ca cũng nổi dậy chống lại ông ta. A Lý Bất Ca bị đuổi tới Tân Cương.
Sau đó, A Lý bất Ca còn bị đánh bại nhiều lần nữa. Lại thêm cao nguyên Mông Cổ mất mùa, các vương vốn ủng hộ A Lý Bất ca giờ đua nhau quay sang ủng hộ Hốt Tất Liệt. Năm 1264, A Lý Bất Ca đành đầu hàng Hốt Tất Liệt. Từ đó, Hốt Tất Liệt củng cố được Hãn vị của mình.
Chú thích:
- Ngột Lương Hợp Thai (1200 – 1271) người bộ Ngột Lương Hợp, tộc Mông Cổ.
- A Lý Bất Ca (? – 1266), con Đà Lôi, cháu Thành Cát Tư Hãn.
- Khai Bình tức Thượng Đô, nay ở bờ bắc sông Thiểm Điện. Năm 1256, Hốt Tất Liệt cho xây dựng thành quách cung thất quy mô lớn.
- Hốt Lý Đài: có nghĩa cuộc họp có nguồn gốc từ cuộc họp của các bộ lạc Mông Cổ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét