Nhà thơ đời Đường Dương Quýnh để nói về việc gắng công lập nghiệp đã có câu thơ khí thế hào hùng:
“Vũ vi bách phu trưởng,
Bất tá nhất thư sinh”
Để khích lệ mình cầm lấy gươm đao, chinh phục kẻ địch ở biên giới tây bắc. Thực ra, từ thời Đông Hán, đã có một thư sinh gác bút ra trận như thế, để bình định Tây Vực, đảm bảo sự ổn định của Trung nguyên đã có cống hiến to lớn, đó chính là Ban Siêu.
Ban Siêu tự Trọng Thăng, là em của Ban Cố, nhà sử học nổi tiếng của Đông Hán, cha là Ban Bưu, em gái Ban Chiêu cũng là những nhà sử học có tiếng, đã cùng với Ban Cố hoàn thành việc viết bộ “Hán thư” (1). Sinh ra trong một gia đình nhiều truyền thống như vậy, nhưng Ban Siêu lại sớm có biểu hiện không có niềm đam mê giống mọi người. Ông có thân hình cao lớn, dáng vẻ hiên ngang, vì người không nệ tiểu tiết, lại có khả năng chịu gian khổ khác thường. Ông tuy đã đọc biết bao sách vở, nhưng không vừa lòng với những tri thức trong đó, chỉ muốn đem những thứ mình đã học được để lập công danh chân chính.
Trong khi Ban Cố đang ở quê hương thực hiện di mệnh của cha sửa chữa bộ “Hán thư”, có người dâng thư lên Hán Minh Đế, tố cáo Ban Cố tự ý sửa chữa quốc sử, bôi nhọ triều chính. Minh Đế hạ lệnh bắt Ban Cố, tống giam vào ngục. Ban Siêu lập tức đến Lạc Dương, xin gặp Hoàng đế, sau khi nói rõ sự việc, xin thay anh vào tù. Minh Đế sau khi hiểu rõ mọi việc, lại cảm động vì lòng chân thành của Ban Siêu, không những tha cho Ban Cố mà còn cho Ban Siêu làm Lang đài sử lệnh (2). Trong hoàn cảnh ấy, Ban Siêu không chỉ cảm thấy thật khó chấp nhận, mà còn thấy buồn vô hạn.
Trong lúc Ban Siêu ngồi chép sách, quân Hung Nô quấy nhiễu, giết chóc ở biên giới Đông Hán, ngang tàng phá phách, làm cho cuộc sống của nhân dân vùng biên giới vô cùng cực khổ. Nghe nói việc ấy, đang lúc chép sách, Ban Siêu ném bút, đập tay xuống bàn viết, kêu lớn:
– Đại trượng phu không có hoài bão gì khác, chỉ muốn giống như Phó Giới Tử, Trương Khiên lập công nơi biên ải, phong hầu mới trở về, làm sao có thể tiêu ma cuộc đời trong mớ giấy bút thế này được!
Phó Giới Tử và Trương Khiên đều là những người đi sứ Tây Vực lập nhiều công mà được phong hầu, là những đại thần hiển hách nổi tiếng của Tây Hán. Nguyện vọng ấy của một anh thư lại, thật quá không thực tế, chỉ nhận được những nụ cười giễu cợt của chúng bạn, cho rằng đang nằm mơ. Nhưng Ban Siêu bằng tài năng và sự cố gắng của mình, cuối cùng khi ông 31 tuổi, được nhận chức Giả tư mã trong quân ngũ, cùng dại tướng quân Đậu Cố đi đánh Hung Nô, lập được công lớn, vinh dự trở về. Minh Đế và Đậu Cố đều thấy tài năng quân sự của Ban Siêu, vì thế, ngay trong năm ấy, Minh Đế đã cử Ban Siêu và Quách Tuấn mang theo 36 người đi sứ Tây Vực. Ban Siêu cuối cùng đã có cơ hội thực hiện nguyện vọng từ nhiều năm của mình.
Trong thời gian đi sứ Tây Vực, Ban Siêu đã thể hiện những thủ đoạn ngoại giao tài tình và tài năng chính trị trí dũng song toàn, trước sau đã chiêu phục được Thiện Thiện, Vu Điền, lại giúp cho người Sơ Lặc thoát khỏi Quy Tư, làm cho họ thoát khỏi ách bị Quy Tư khống chế. Trong thời gian ngắn chỉ một năm, Ban Siêu đã tiếp bước Trương Khiên khai thông con đường từ triều Hán tới các nước ở Tây Vực, làm cho mối liên hệ giữa triều Hán với các nước Tây Vực được tăng cường. Sau đó, Đậu Cố, Cảnh Bỉnh lại mang quân đi hàng phục nước Xa Sư, vương triều Đông Hán đã một lần nữa đặt ách đô hộ (3)ở Tây Vực, mang quân đóng ở đó, đề phòng sự xâm lược của Hung Nô.
Ban Siêu giúp cho người Sơ Lặc lập được vua của mình, có được chính quyền độc lập, khi đó binh lính còn ít, đã đánh lui đại nhiều lần tiến công của Quy Tư. Nhưng thật không may, Hán Chương Đế mới lên ngôi, không yên tâm vì sợ Ban Siêu đơn độc, đã hạ chiếu đưa ông về triều. Ai biết được khi tin này được truyền đi, đô Úy Sơ Lặc vì lo lắng cho người Sơ Lặc sẽ bị Quy Tư tiêu diệt nên đã cầm đao tự sát, hy vọng cái chết của mình sẽ có thể giữ được chân Ban Siêu, cả nước đều hoảng sợ. Một số thủ hạ bất chấp sự uy nghiêm, kêu to khóc lớn, ôm lấy chân ngựa của Ban Siêu không cho đi. Thấy hoàn cảnh như thế, Ban Siêu hết sức cảm động, càng kiên quyết thực hiện chí khí hiên ngang của mình: ông nhất định dùng cuộc đời mình giúp Đông Hán thực hiện thống nhất hoàn toàn các dân tộc.. Ông đã dâng thư lên Chương Đế, xin ở lại, Chương Đế đã thu lại chiếu lệnh. Ban Siêu lúc này hơn ba mươi tuổi.
Qua nhiều năm chinh chiến, Ban Siêu sớm bộc lộ tài năng quân sự và dũng khí “không vào hang sao bắt được hổ con”, lần lượt đã chinh phục được Sa Xa, Nguyệt Thị, quy hàng được Quy Tư và Cô Mặc, giết được Yên Kỳ vương và Úy Lê vương ngoan cố không chịu đầu hàng, làm cho hơn năm mươi tiểu quốc ở Tây Vực quy phục vương triều Đông Hán, một lần nữa củng cố sự thống nhất quốc gia đa các dân tộc. Do Ban Siêu có những biểu hiện khác thường, ông được phong làm Tây Vực đô hộ, năm 95 được phong Định Nguyên hầu, lương nghìn hộ.
Ban Siêu sống ở Tây Vực 31 năm, ông không chỉ được sự tín nhiệm đầy đủ của triều đình, còn được các nước Tây Vực vô cùng khâm phục, ông mấy lần muốn trở về Trung nguyên, đều được người địa phương thà chết giữ lại. Mãi đến năm 100, Ban Siêu đã gần 70 tuổi, tuổi cao nhiều bệnh nhớ về quê cũ, mới dâng thư lên Hoàng đế, chính thức xin được trở về. Tháng 8 năm 102, Ban Siêu về đến Lạc Dương, được nhận Xạ thanh hiệu úy, nhưng do gian khổ tích tụ, ông không kịp hưởng những vinh quang mà ông đáng được nhận. Một tháng sau, Ban Siêu bị bệnh chết, thọ 71 tuổi.
Ban Siêu từ một thư sinh, ở Tây Vực xa xôi vạn dặm đã lập chiến công hiển hách, ông đã được phong hầu đúng như nguyện vọng hào hùng. Tuổi trẻ , ông lấy Phó Giới Tử, Trương Khiên làm mẫu mực, nhưng công lao của ông trong lịch sử, không có người thứ hai sánh được. Cho nên, kiên trì với chí hướng thời tuổi trẻ mà gắng sức thì không sợ không có ngày thành công.
Người dịch: Dương Đình Giao
Chú thích:
(1) “Hán thư”: cuốn sử đầu tiên của Trung Quốc. Ghi chép hoàn cảnh phát triển về chính trị, kinh tế, văn hóa trong hơn hai trăm năm thời Tây Hán, sách có nội dung phong phú, kết cầu chặt chẽ.
(2)Lan đài sử lệnh: đặt từ thời Đông Hán. Trật sáu trăm thạch.
(3) Tây Vực đô hộ: đặt năm Thần Tước thứ hai đời Hán Tuyên Đế, giám hộ 36 nước Tây Vực (sau chia thành hơn năm mươi nước). Đến khi triều Hán hỗn loạn thì bỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét