XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 09.11. TÀO THÁO ÉP THIÊN TỬ LỆNH CHƯ HẦU

Bạn có thấy Tào Tháo trên sân khấu kinh kịch? Ông ta trở thành một kẻ mặt trắng, hai mắt híp lại, vai rụt, cung đeo trên lưng,  rõ là một kẻ gian ngoan xảo quyệt. Trước đây rất nhiều người đều cho rằng Tào Tháo là một điển hình như thế.
.Thực ra, Tào Tháo là một nhà chính trị, nhà quân sự cực kỳ tài năng , cũng là một nhà thơ lớn. Cuộc đời ông có rất nhiều những chuyện kỳ lạ, trong đó, ép thiên tử, lệnh chư hầu là một chuyện nổi tiếng, nhà nhà đều biết.
Cuối đời Đông Hán, Hán Hiến Đế Lưu Hiệp tuy danh nghĩa là Hoàng đế triều Hán, nhưng ngày đầu tiên từ khi lên ngôi đã bị sự tranh giành và cưỡng ép của cường hào quân phiệt, chạy đông chạy tây, lưu lạc cùng khốn, sau được quốc cữu Đổng Thừa che chở, trải qua muôn vàn gian khổ vè được thủ đô Lạc Dương. Lạc Dương vào lúc ấy, qua cơn binh lửa Đổng Trác, đã sớm biến thành tiêu điều xơ xác, đồng ruộng bỏ hoang, cỏ mọc ngút tầm mắt, tường vách đổ sụp. Hán Hiến Đế không có chỗ ở, đành phải vào nơi vốn là nhà  đại hoạn quan Triệu Trung. Nơi để vua tiếp kiến bá quan là một gian nhà cỏ, các quan vào chầu đều đứng trên những bụi cỏ bụi gai rậm rạp. Dân chúng còn lại ở Lạc Dương phải nhờ vỏ cây, rễ cỏ sống qua ngày. Hiến Đế cũng không có ăn, đành phải lệnh cho các đại thần kiếm rau dại cầm hơi.
Tin Hán Hiến Đế trở về Lạc Dương truyền đi, trong đám quần hùng có những phản ứng khác nhau, một số kẻ có mưu cho rằng trong hoàn cảnh dám quần hùng đang hỗn loạn, ai nắm được Hoàng đế, “ép thiên tử lệnh chư hầu”, ai có thể ra lệnh cho thiên hạ sẽ giành được ngôi của nhà Hán. Viên Thiệu (1) là người có thực lực nhất trong đám quần hùng lúc bấy giờ, thủ hạ của ông ta có mưu sĩ Thư Thụ khuyên rằng:
– Đây là một cơ hội rất tốt, mời Hoàng đế đến, “ép thiên tử lệnh chư hầu” , sau dó dùng danh nghĩa nhà vua dánh dẹp những kẻ khác, danh chính ngôn thuận, việc lớn sẽ thành. Mong tướng quân đừng bỏ lỡ cơ hội này.
 Nhưng lại có người nói với Viên Thiệu:
– Nay số mệnh của triều Hán đã hết, đến Hoàng đế cũng chẳng có sức mạnh gì, hơn nữa sau đó, việc gì cũng phải hỏi ý Hoàng đế, nghe theo ông ta, rõ ràng  là quyền ít, không nghe, người ta lại nói là kháng mệnh thiên tử. Thật rất là phiền phức.. Khi đó, Viên Thiệu mặc dù trong tay có quân mạnh, thế lực hùng hậu, nhưng thiếu tầm nhìn sâu rộng, nghe ý kiến thứ hai này, không đón Hán Hiến Đế.
Đồng thời lúc đó, trong một bản doanh hùng mạnh khác,  cũng mở ra  một cuộc tranh luận rất gay gắt về vấn đề  đón Hán Hiến Đế, đây chính là bản doanh của Tào Tháo. Tào Tháo nghe nói Hán Hiến Đế đến Lạc Dương, đang khổ cực hết chỗ nói bèn chủ trương lập tức đi nghênh giá. Tào Tháo nói với các tướng và mưu sĩ về việc này, đa số không đồng ý, họ cho rằng cục diện Sơn Đông (2) đang quá hỗn loạn, địa vị của Duyện Châu chưa được củng cố, nhiệm vụ cấp bách trước mắt là chiếm sao cho được nhiều đất, duy có mưu sĩ Tuân Ức kiên quyết chủ trương đón Hoàng đế, ông ta nói:
– Thời Xuân Thu Tấn Văn Công mang quân hộ tống Chu Trang Vương đến kinh sư, được sự hưởng ứng của các chư hầu, được tôn làm bá vương; Cuối đời Tần, Hán Cao Tổ vì chữ hiếu để tang  Nghĩa Đế, giành được nhân tâm trong thiên  hạ. Gần đây do Đổng Trác làm loạn, khiên cho người người trong thiên hạ đều biết ngài đối với Hoàng đế là trung thành. Bây giờ Hoàng đế trải qua bao khổ ải về đến Lạc Dương, người trung nghĩa nhớ về triều Hán, người bình dân nhớ về những ngày cuộc sống an lành. Trong hoàn cảnh ấy, tướng quân nếu đứng ra đón Hoàng đế để bảo vệ, có thể để cho bốn phương khâm phục, lại thuận với nhân tâm trong thiên hạ, sao lại không làm? Nếu còn do dự không quyết định, Hoàng đế bị người khác đón mất, hối thì đã muộn!
 Tào Tháo nghe xong, cười vui:
–  Thật như Tử Phòng (tức Trương Lương, Trương Lương tự Tử Phòng, đây là có ý so Tuân Ức với Tử Phòng), chính hợp ý ta!
Sau đó, Tào Tháo đích thân mang theo người ngựa, vượt qua các trở ngại, đi Lạc Dương đón Hoàng đế. Để tránh sự nghi ngờ của Hoàng đế và các đại thần, trước hết Tào Tháo  đóng quân  ở ngoài thành, sau đó một mình đến bái kiến quốc cữu Đổng Thừa, chân thành ca ngợi công của Đổng Thừa trên con đường hộ giá Hiến Đế trở về Lạc Dương, giành được tình cảm của Đổng Thừa, sau đó mới đi bái kiến Hán Hiến Đế. Tào Tháo nói với Hiến Đế:
– Lạc Dương đã thành đống đổ nát, không phải là chỗ để bệ hạ dừng chân, Hứa Đô (Hứa Xương, Hà Nam nay) lương thực dồi dào, phong cảnh đẹp đẽ, lại an định hơn Lạc Dương, hợp với việc dời đô.
 Các đại thần sớm đã có tình cảm tốt với Tào Tháo, cũng khuyên Hiến Đế dời đô, Hiến Đế sau bao nhiêu khổ sở vì hoạn nạn, lại  khó chịu được cảnh Lạc Dương bị tàn phá, ăn không đủ no, còn mong gì hơn nữa. Trong tháng đã trở về Lạc Dương, Hán Hiến Đế theo Tào Tháo về Hứa Đô.
Sau khi Hán Hiến Đế đến Hứa Đô, Tào Tháo lập tức xây dựng cung điện, lập tông miếu xã tắc (4), liệt tổ liệt tông của nhà Hán. Việc này khiến Hán Hiến Đế vô cùng vừa lòng, phong Tào Tháo làm đại tướng quân, Vũ bình hầu, cho Tuân Ức  người lập mưu kế làm Thị trung. Khi đó, Tào Tháo danh chính ngôn thuận nắm được triều chính.
Tào Tháo nắm được Hiến Đế trong tay mình, bắt đầu công việc “ép thiên tử lệnh chư hầu”, từ đó, thế lực nhanh chóng mở rộng làm cơ sở cho việc thống nhất lập ra nước Ngụy.
Chú thích:
(1) Viên Thiệu:  người Nhữ Dương, Nhữ Nam Đông Hán (tây bắc Thương Thủy, Hà Nam nay), xuất thân từ gia đình danh vọng (có 4 đời làm đến chức Tam công), từng làm Thị ngự sử, Hổ bôn trung lang tướng, Tả quân hiệu úy, v.v…, Cuối đời Hán, trong loạn Đổng Trác, Viên Thiệu nhân cơ hội đó, khống chế  các châu Ích, Thanh, U, xưng hùng ở phương bắc.
(2) Tào Tháo: người huyện Tiêu, nước Bái, Đông Hán (Bạc châu, An Huy nay), con Tào Tùng, từng làm Bắc đô úy Lạc Dương, Kỵ đô úy, Tế Nam tướng, v.v…, tham gia đàn áp khởi nghĩa Khăn Vàng, năm 192, hơn ba mươi vạn quân Khăn Vàng đầu hàng, tuyển chọn phần tinh nhuệ thành quân Thanh Châu, do thế lực hùng mạnh, dần khống chế được vùng Sơn Đông, Hà Nam ngày nay.
(3) Sơn Đông: chỉ phần đất rộng lớn ở phía đông núi Thái Hàng, bao gồm một phần S
ơn Đông, Hà Nam, Hà Bắc  nay
(4) Theo lễ chế cổ, trước cung điện phải lập tông miếu xã tắc, cái gọi là “tả tổ hữu xã”, tế lễ tổ tiên, bảo vệ xã tắc bình yên.

Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét