XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 05.03. TỀ HOÀN CÔNG CHÍN LẦN HỌP CHƯ HẦU

Nước Tề tuy thua trận ở Trường Thược, nhưng giấc mộng xưng bá của Tề Hoàn Công không thay đổi. Được sự giúp đỡ của Quản Trọng, chính trị, quân sự và kinh tế của nước Tề đều rất phát triển.
Sau hơn mười năm, nước Yên ở phương bắc cho sứ đến mượn quân nói nước Yên bị một bộ lạc ở Sơn Nhung gần đó xâm phạm. Tề Hoàn Công biết cơ hội để tỏ cái uy của nước lớn đã đến, bèn cử đại quân đi cứu Yên.
Năm 663 trước CN, Tề Hoàn Công thân chinh mang đại quân cùng với Quản Trọng đến nước Yên. Đây là lúc Sơn Nhung đã bắt dân chúng và của cải trở về.
Quân đội của nước Tề và nước Yên liên hợp đánh thẳng lên phía bắc. Không ngờ quân Sơn Nhung vô cùng xảo quyệt, họ dụ quân Tề đến một nơi gọi là Hạn Hải, thực ra là đến vùng Gô-bi. Quân Tề đến đây không làm sao tìm được đường.
Quản Trọng có một chủ ý, nói với Tề Hoàn Công:
– Ngựa có thể tìm được đường, chi bằng tìm lấy mấy con ngựa già ở vùng này, cho nó đi trước, có thể tìm được lối đi.
Tề Hoàn Công cho người tìm mấy con ngựa già, nhờ nó chỉ đường. Mấy con ngựa già chậm rãi đi trước, quân Tề cứ thế theo sau, không ngờ, đến được Hãn Hải.
Tề Hoàn Công giúp người Yên đánh bại được Sơn Nhung, đem mấy trăm dặm đất đai của Sơn Nhung cho nước Yên. Yên Trang Công nói:
– Tôi biết làm sao bây giờ? Ngài đã giúp tôi đánh kẻ địch, bảo vệ được lãnh thổ, tôi đã chưa biết làm thế nào để cảm tạ, nay lại còn cho  tôi đất nữa sao?
Tề Hoàn Công nói:
– Ngài không phải chối từ, vùng biên cương phía bắc rất quan trọng, ngài giữ biên cương, không cho kẻ địch xâm phạm, chúng ta đều có lợi. Lại nói từ nước Tề tới đây rất xa, làm sao quản lý được?
Yên Trang Công nghe nói thế càng kính trọng Tề Hoàn Công.
Về sau, nước Hình cũng bị bộ lạc người Địch xâm phạm. Tề Hoàn Công lại cho người ngựa đi đánh người Địch, giúp cho nước Hình xây dựng lại thành quách. Sau đó người Địch lại xâm phạm nước Vệ, Tề Hoàn Công  giúp nước Vệ xây dựng kinh đô ở bờ nam sông Hoàng Hà. Vì mấy việc đó, uy tín của Tề Hoàn Công được đề cao.
Chỉ có nước Sở ở phía nam, không những không phục nước Tề, còn đối lập với Tề, muốn cùng Tề sánh cao thấp.
Nước Sở ở phía nam Trung Quốc, không qua lại với các chư hầu ở Trung Nguyên. Các chư hầu ở Trung Nguyên khi đó xem nước Sở như man di. Nhưng nước Sở chiếm một vùng đất rộng lớn ở vùng trung, hạ du sông Trường Giang, khí hậu ôn hòa, sản vật phong phú, họ còn không ngừng khai phá những vùng đất ở phía na, ngày càng thu phục được nhiều các bộ lạc ở gần, dần trở thành một nước lớn. Sau đó, dứt khoát tự xưng là Sở vương, không coi thiên tử triều Chu ra gì.
Năm 656 trước CN, Tề Hoàn Công hẹn quân đội 7 nước Tề, Tống, Lỗ, Trần, Vệ, Ttrịnh, Tào tiến công nước Sở.
Sở Thành Vương được tin, cũng tập hợp người ngựa chuẩn bị kháng cự. Ông ta cử sứ giả tới gặp Tề Hoàn Công, nói:
– Đại vương chúng tôi cho tôi đến hỏi ngài, nước Tề ở phương bắc, nước Sở ở phương nam, hai nước vốn không qua lại, cũng chẳng có mâu thuẫn gì. Vì sao binh mã của các ngài lại kéo đến đây?
Quản Trọng nói:
– Hai nước chúng ta tuy rất xa nhau, nhưng đều là được Chu thiên tử phong. Ban đầu, khi Thái Công nước Tề thụ phong từng nhận được lệnh: nếu ai không phục tùng thiên tử, nước Tề có quyền trừng phạt. Nước Sở các người ban đầu đã tiến cống hàng năm đầy đủ. Vì sao bây giờ lại không tiến cống nữa?
Sứ giả nước Sở đáp:
– Việc tiến cống là do chúng tôi chưa làm, sau này nhất định sẽ tiến cống như trước.
Sau khi  sứ giả nước Sở về rồi, nước Tề và liên quân các chư hầu nhổ trại, tiến thẳng tới Thiệu Lăng (nay là huyện Yến Thành, Hà Nam).
Sở Thành Vương lại cử Khuất Nguyên đi dò hỏi. Tề Hoàn Công để biểu thị uy thế của mình, mời Khuất Nguyên lên xe đi xem xét binh mã ở các lộ. Khuất Nguyên xem thấy quả là quân ngũ chỉnh tề, lính khỏe, ngựa béo.
Tề Hoàn Công đắc ý, nói với Khuất Nguyên:
– Ngài thử xem, binh mã hùng mạnh như thế này, ai có thể chống nổi?
Khuất Nguyên cười nhạt, nói:
– Chư hầu phò tá thiên tử, giảng đạo nghĩa, giúp kẻ yếu, người ta mới khâm phục. Nếu nói dựa vào vũ lực thì chúng tôi sức tuy không mạnh, nhưng dùng phương thành làm thành chắn, dùng Hán thủy làm hào sâu. Ngài dù có mang đến số người ngựa này cũng khó có thể đánh được.
Tề Hoàn Công nghe Khuất Nguyên đáp vẻ cứng cỏi, đánh giá chưa chắc đã dễ đánh được nước Sở, mà nước Sở đã thừa nhận sai lầm, bằng lòng tiến cống. Bảy nước chư hầu ở Trung Nguyên cùng Sở ký minh ước ở Thiệu Lăng, rồi ai về nước ấy.
Sau đó nhà Chu sinh ta tranh chấp, Tề Hoàn Công lại giúp thái tử Cơ Trịnh củng cố địa vị. Khi thái tử lên ngôi, đó là Chu Tương Vương. Để báo đáp Tề Hoàn Công, Chu Tương Vương sai sứ giả mang cho Tề Hoàn Công phần thịt khi tế lễ ở Thái miếu, coi như sự biệt đãi.
Tề Hoàn Công nắm lấy cơ hội, họp chư hầu ở Quỳ Khâu nước Tống (nay ở phía đông Lam Khảo, Hà Nam), tiếp đãi sứ giả của thiên tử, đồng thời, định lập minh ước, nội dung chủ yếu là cùng nhau sửa sang thủy lợi, đề phòng lụt lội: nước Trịnh mất mùa, mua lương thực không được cấm; các chư hầu là đồng minh; sau khi lập minh ước đều phải có quan hệ hữu hảo với nhau, …
Đây là lần họp chư hầu cuối cùng của Tề Hoàn Công. Những lần hội họp như thế có nhiều lần, lịch sử gọi là “cửu hợp chư hầu”.
Năm 645 trước CN, Quản Trọng bị bệnh chết. Hai năm sau, Tề Hoàn Công cũng mất, năm người con tranh ngôi, nước Tề sinh ra nội loạn, công tử Chiêu chạy đến nước Tống. Địa vị bá chủ của nước Tề kết thúc.
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét