Trong quá trình Ngô Việt tranh bá, Phạm Lãi là người đã giúp cho Việt vương Câu Tiễn thành công. Nhưng sau khi Việt Vương lên ngôi làm bá chủ, Phạm Lãi còn biết làm gì nữa! Ông không vì địa vị cao cả của mình, mặc sức tự kiêu vì công lao mà lặng lẽ ẩn mình, từ đó rời xa nước Việt.
Phạm Lãi cuối cùng để lại một phong thư cho người bạn hôm sớm, đồng cam cộng khổ của mình là Văn Chủng, đại ý nói:
– Chim chết thì đem cung đi cất, thỏ chết thì chó bị giết. Điều này thì thật rõ ràng. Câu Tiễn là người miệng nhọn mà cổ dài, tướng người như thế, chỉ có thể cùng hoạn nạn chứ không thể chung hưởng lạc. Ông làm sao không mau mà bỏ đi?
Văn Chủng đọc thư, bèn cáo bệnh, không vào chầu.
Lúc này, Việt vương Câu Tiễn bắt đầu nghi ngờ Văn Chủng có mưu phản, cho người mang đưa Văn Chủng một thanh kiếm, ý muốn ông tự sát. Văn Chủng nhìn thanh kiếm, cũng giống như Phù Sai muốn giết Ngũ Tử Tư, ngửa mặt lên trời, không ngăn được tiếng thở dài, hối hận vì đã không nghe lời Phạm Lãi, đành phải tự sát.
Theo truyền thuyết, Phạm Lãi qua nhiều nơi, đến một nơi gọi là đất Đào. Ông nghĩ những con đường của thiên hạ luôn thông với nhau, mà hàng hóa không thông, sao không lợi dụng điều này để trở nên giàu sang. Vì thế ông đã mua bán ở khắp nơi, từ hàng có giá 10 đồng, kiếm được lợi nhuận một đồng, không lâu trở nên tiền bạc như nước, gia đình trở nên cự phú, thiên hạ gọi ông là Đào Chu Công. Đào Chu Công trở thành thần bảo hộ cho thương nhân về sau này. Đó cũng là người kinh doanh thương nghiệp đầu tiên của Trung Quốc được ghi lại.
Ở đất Đào, Phạm Lãi sinh được một người con trai. Khi người con này lớn, một người con khác của Phạm Lãi ở nước Sở giết người, bị tống giam. Đào Chu Công (Phạm Lãi) nói:
– Giết người đền mạng, tất nhiên là như thế. Nhưng nhà ta giàu có, tiếng tăm thế này, mà phải chết như thế thật là thê thảm.
Vì thế, ông bảo người con bé mang hai nghìn lạng vàng sang nước Sở cứu anh. Người con cả của ông muốn đi nhưng ông không cho, nói:
– Con trưởng là cột trụ ở trong nhà. Nay việc cứu em cha không bảo con đi, lại bảo em con đi, nhất định con không xứng mặt làm anh cả nữa.
Nói xong muốn cầm dao tự sát.
Người mẹ ngăn lại, nói với Đào Chu Công:
– Con út cũng chưa chắc đã cứu được anh hai, việc này chỉ khổ thằng cả! Ông để cho nó đi!
Không còn cách nào, ông đành để cho anh con cả đi, lại viết một bức thư gửi cho Trang Sinh, một người bạn cũ. Trước khi đi, ông dặn dò anh con cả:
– Đến nơi, sau khi đưa vàng cho Trang Sinh, mọi việc để cho ông ấy lo liệu, con không cần bàn bạc gì với ông ấy.
Người con cả lên đường còn mang theo hai trăm lạng vàng của mình. Đến nước Sở, người con cả của Phạm Lãi phát hiện Trang Sinh vốn là một nhà nghèo rớt ở ngoại ô. Người con đem một nghìn lạng vàng giao cho ông ta. Trang Sinh nói:
– Được rồi, anh cứ về đi, không được ở lại nước Sở. Em của anh sẽ được tha, không cần phải hỏi ta vì sao.
Sau khi ra về, người con cả không nghe lời Trang Sinh, vẫn ở lại nước Sở, lại đem tiền của mình hối lộ người phụ trách việc này của nước Sở.
Ai ngờ, Trang Sinh tuy nghèo nhưng là người trong sạch nhất nước Sở, trong mọi việc, ông đều toàn tâm toàn ý, vô tư không vì lợi riêng nên được tôn làm thầy. Đào Chu Công đưa tiền cho ông, ông nhận chỉ là để cho Đào Chu Công yên tâm, rồi chờ khi việc xong sẽ đem trả lại. Nhưng con cả của Đào Chu Công không biết.
Trang Sinh thấy có cơ hội, liền đến gặp vua nước Sở, nói:
– Nhìn ngôi sao Tương thấy đại vương có họa.
Vua Sở vốn rất tín nhiệm Trang Sinh, hỏi:
– Phải làm thế nào?
Trang Sinh nói:
– Chỉ có làm việc thiện họa mới có thể mất.
Vua Sở nói:
– Ta biết rồi, ta sẽ làm theo lời của khanh.
Không lâu sau, Sở vương tuyên bố đại xá.
Các quan đã nhận hối lộ của con cả Đào Chu Công nói với anh ta:
– Đại vương đã tuyên bố đại xá, em anh được cứu rồi.
Người con cả của Đào Chu Công nghe tin vô cùng sung sướng, cảm thấy số tiền đưa cho Trang Sinh là phí, không kìm được, tới nhà Trang Sinh. Thấy anh ta, Trang Sinh rất ngạc nhiên, hỏi:
– Anh chưa về ư?
Người con Đào Chu Công nói:
– Tôi chưa đi vì lo cho em; nhưng nay em tôi không cần phải cứu, đã được tha tội. Cho nên tôi đến để chào ông.
Trang Sinh nghe, hiểu ý người con cả Đào Chu Công muốn đòi lại số vàng đã đưa trước đây, bèn nói với anh ta:
– Tiền của anh vẫn ở trong nhà này, tôi chưa động đến, anh cầm lấy.
Người con cả của Đào Chu Công liền vào nhà, lấy vàng đem đi, trong lòng không khỏi vui mừng vì may mắn.
Trang Sinh tự cho mình là tài cao đức trọng, nay lại bị một kẻ hậu sinh vô cớ nghi ngờ, cảm thấy vừa xấu hổ, vừa tức giận. Ong đến gặp vua Sở, nói:
– Mấy hôm trước có việc ngôi sao Tương, đại vương đã vì đức, làm việc thiện mà đại xá. Nhưng hôm nay tôi vừa ra cửa đã nghe người ta nói con của Đào Chu Công, người giàu nhất thiên hạ giết người đã bị tống giam ở nước Sở, nhà ông ta dem nhiều tiền tài hối lộ các trọng thần của đại vương. Đại vương vì thương xót mà đại xá cho dân chúng, nhưng không nên đại xá cho con của Đào Chu Công.
Vua Sở nghe nói, nổi giận:
– Ta đường đường là vua của một nước, cần gì một chút tiền của Đào Chu Công mà tha tội cho con của hắn!
Liền hạ lệnh hành hình con của Đào Chu Công trước, đợi đến ngày hôm sau mới bắt đầu xá tội. Người con cả của Đào Chu Công đành mang xác của em trở về.
Về tới nhà, anh con cả thấy người trong nhà và hàng xóm láng giềng than khóc đau thương, duy có Đào Chu Công chỉ cười. Ông nói:
– Ta đã biết thằng hai không thể sống được. Thằng cả không phải là không yêu em nó, nó chỉ quá coi trọng tiền bạc. Khi còn nhỏ, nó trắng tay lập nghiệp, cày cuốc vất vả, biết kiếm được đồng tiền không phải việc dễ cho nên tiếc tiền. Thằng út sinh ra khi gia đình đã giàu có, ngày ngày chỉ biết cưỡi ngựa quý nghìn vàng đi săn thỏ, làm sao biết tiêc tiền bạc. Ban đầu ta đã muốn để thằng út đi, vì nó không sợ phí tiền bạc. Thằng lớn đi, ta đã biết thằng hai không thể sống mà về được. Lý lẽ là như thế, cũng không có gì phải đau xót, từ sớm, ta đã báo tang rồi.
Phạm Lãi từ nước Việt đi sang nước Tề, lại từ Tề đến Đào, đến đâu cũng làm nên nghiệp lớn.
Người dịch: Dương Đình Giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét