Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 17.10. PHẠM TRỌNG YÊM LO VIỆC THIÊN HẠ

“Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). Đây là câu danh ngôn của nhà quân sự, nhà chính trị Bắc Tống Phạm Trọng Yêm. Ông là nguời chính trực, có hoài bão lớn lao và cảm nhận chính trị sâu sắc. Câu nói này chính đã khắc họa chân thực con người ông.
Phạm Trọng Yêm là nguời huyện Hạo, Tô Châu, từ nhỏ cha mất sớm, gia cảnh nghèo túng, mẹ ông phải tái giá lấy một nguời họ Chu. Trước khi trưởng thành, cuộc sống của ông vô cùng gian khổ, ông thường ngồi đọc sách nơi chùa, miếu; ngày nấu ăn một bữa, thường chỉ nấu một nồi cháo. Nhưng ông khắc khổ tự học, có khi đọc sách tới nửa đêm, buồn ngủ tới mức không mở được mắt, phải lấy nước lạnh rửa mặt cho cơn buồn ngủ qua đi, tiếp tục đọc sách. Khổ học trong năm sáu năm, cuối cùng ông cũng học đủ thi thư, dự thi tiến sĩ.
Phạm Trọng Yêm vốn là Gián quan trong triều, vì thấy Tể tướng Lữ Duy Giản lạm dụng chức quyền, trọng dụng nguời thân, ông liền mạnh dạn vạch tội với vua Tống Nhân Tông. Việc này xúc phạm đến Lữ Duy Giản, khiến ông ta phản công, tố cáo Phạm Trọng Yêm giao kết với băng đảng, làm rối loạn quan hệ vua tôi. Nghe lời của Lữ Di Giản, Tống Nhân Tông cách chức, đưa Phạm Trọng Yêm về phương nam, mãi tới chiến tranh với Tây Hạ mới đưa ông tới Thiểm Tây.
Trong chiến tranh với Tây Hạ, Phạm Trọng Yêm lập được công lớn, nhà vua thấy ông thật là nguời có tài. Vào lúc đó, nội chính của vương triều Tống rất hủ bại, lại thêm phí tổn trong chiến tranh với Liêu và Tây Hạ tăng cao, cùng các khoản bồi thường chiến  phí to lớn khiến tài chính khủng hoảng. Tống Nhân Tông đưa Phạm Trọng Yêm trở về kinh thành, giao cho ông chức Phó Tể tướng.
Vừa về tới kinh đô, Tống Nhân Tông  đã lập tức cho gọi, yêu cầu ông đưa ra các phương án trị quốc. Phạm Trọng Yêm biết triều đình đang có rất nhiều sai lầm, không thể giải quyết tất cả ngay một lúc, phải chuẩn bị từng bước một. Nhưng trước sự thúc ép của nhà vua, ông phải đưa ra một số cải cách, nội dung chủ yếu là:
  1. Với quan lại, phải định kỳ kiểm tra, dựa vào năng lực cụ thể để thăng cấp hoặc giáng chức.
  2. Nghiêm cấm con cháu các đại thần dựa vào thế lực của cha để làm quan.
  3. Cải cách chế độ khoa cử.
  4. Thận trọng trong việc tuyển chọn các Trưởng quan ở địa phương.
  5. Khuyến khích khai khẩn đất hoang, coi trọng sản xuất nông nghiệp, giảm nhẹ sưu cao thuế nặng cho dân chúng.
  6. Tăng cường xây dựng quân đội, chỉnh đốn quân kỷ.
….
Tống Nhân Tông đang nóng lòng với việc trị quốc, đọc các phương án của Phạm Trọng Yêm, lập tức phê chuẩn, lệnh cho cả nước thực hiên những thay đổi này.   
Để thực hiện những chính sách mới, Phạm Trọng Yêm cùng với các đại thần Hàn Kỳ, Phú Bật thẩm tra việc tuyển nguời cử tới các lộ làm Giám tư (2). Có lần, Phạm Trọng Yêm thẩm tra danh sách các Giám tư, phát hiện một nguời có hành vi ăn hối lộ đã đặt bút xóa tên nguời đó, chuẩn bị đổi đi. Phú Bật đứng bên cạnh, thấy thế, nói với Phạm Trọng Yêm:
– Phạm công, một nét bút của ngài có thể làm cả gia đình nguời ta phải khóc.
Phạm Trọng Yêm nghiêm giọng, nói:
– Để một gia đình khóc, nhưng dân chúng cả một lộ sẽ không phải khóc.
Nghe câu nói đó, Phú Bật hiểu ra, khâm phục sự sáng suốt của Phạm Trọng Yêm.
Những chính sách mới của Phạm Trọng Yêm vừa được thi hành, cũng giống như lấy gậy chọc vào tổ ong. Một số hoàng thân quốc thích, quyền quý đại thần, tham quan ô lại đua nhau phản đối, phao tin đồn nhảm đả kích những cải cách này. Một số đại thần vốn đã không vừa long với ông từ trước, hàng ngày gièm pha với nhà vua, nói Phạm Trọng Yêm giao kết bè đảng, lạm dụng chức quyền.
Tống Nhân Tông thấy có nhiều nguời phản đối nên dao động. Phạm Trọng Yêm bị buộc không được ra khỏi kinh thành, nên xin trở lại Thiểm Tây phòng thủ biên giới. Nhà vua chấp nhận lời xin của ông. Phạm Trọng Yêm ra đi, nhà vua bèn lệnh dừng ngay tất cả những cải cách, chúng có tuổi thọ chưa đầy một năm.
Do đề xuất những cải cách chính trị, Phạm Trọng Yêm đã chịu rất nhiều sự công kích, nhưng ông không vì thế mà buồn phiền. Một nguời bạn cũ là Đằng Tử Kinh làm quan ở Nhạc Châu (trị sở nay ở Nhạc Dương, Hồ Nam) khi trùng tu danh thắng Nhạc Dương lầu (3) đã mời ông viết một áng văn để kỷ niệm.. Phạm Trọng Yêm đã viết thiên “Nhạc Dương lầu ký”. Trong áng văn nổi tiếng này, ông đã thể hiện tầm nhìn cao xa của một chính trị gia, tư tưởng tình cảm  của ông đã cô đúc trong câu: Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”. Câu danh ngôn này đã được đời sau tryền tụng, lầu Nhạc Dương cũng nhờ bài văn của ông mà thêm nổi tiếng.
 Người dịch: Dương Đình Giao

Chú thích:
- Lữ Di giản (979 – 1044), người Thọ Châu, Bắc Tống (nay là Phượng Đài, An Huy).
- Giám tư: đời Hán, Lưỡng Tấn Nam Bắc triều gọi Thích sử.
- Nhạc Dương lầu: nay ở thành phố Nhạc Dương, cổng thành cũ phía tây, xây dựng từ đời Đường, qua mỗi triều đại đều được trùng tu.

- Xem tiếp:























06.20. «  Nhà đầu tư » Lã Bất Vy 
08. Tây Hán 
09. Đông Hán 
10. Tam Quốc 
12. Đông Tấn 
13.00. Nam Bắc Triều 

14.00. Triều Tùy 
15.00. Triều Đường 
16.00. Ngũ đại thập quốc 
17.00. Tống – Liêu - Kim - Tây Hạ 
17.26. « Kim Qua thiết mã » thân khí tật 
18.00. Triều Nguyên 
19.00. Triều Minh 
20.00. Triều Thanh 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét