I/ Nhập đề :
Học
sinh kính trọng thầy giáo là điều tự nhiên. Thầy giáo là người đem
lương tâm nghề nghiệp dạy kiến thức cho học sinh tuy theo môn học và
chương trình.
Theo
Nho giáo ngày xưa, học sinh quý trọng thầy giáo theo thứ bậc: ‘’Quân,
Sư, Phụ ‘’, nghĩa là học sinh phải kính trọng thầy giáo hơn cả cha mẹ,
chỉ sau vua là người thay Trời trị vì thiên hạ. Quá khứ đã cho thấy
người Nho học thi hành quan niệm "Quân, Sư, Phụ‘’ một cách chính đáng.
Ngày nay, nhắc đến câu này, nhiều người khó hiểu được cách suy tư và hành động của người xưa.
Muốn
hiểu được quan niệm này, ta cần hiểu cách tổ chức học vấn ngày xưa.
Tiếp theo, ta tìm hiểu sự tổ chức học vấn ngày nay, so sánh sự khác biệt
của hai nền giáo dục xưa và nay. Sau cùng, ta suy xét học sinh ngày nay
cần tôn trọng thầy giáo ở mức độ nào cho hợp lẽ.
II/ Nền giáo dục và cách tổ chức học vấn ngày xưa :
Việt
Nam bị Trung Hoa đô hộ cả ngàn năm. Người Trung Hoa đem chữ Hán và Nho
giáo sang truyền tụng ở nước ta. Do đó, văn hóa Viện Nam bị văn hóa
Trung quốc ảnh hưởng rất nhiều.
Thời
gian Trung Quốc đô hộ bắt đầu từ khi nhà Triệu của Việt Nam mất nước
Nam Việt vào tay vua Vũ Đế nhà Hán của Trung Hoa vào năm 111 trước Công
Nguyên (tr. CN) cho đến năm 939, khi Ngô Quyền thắng quân Nam Hán ở sông
Bạch Đằng đem lại nền tự chủ cho dân Việt. Chữ Hán, và triết lý Nho
giáo của Khổng Tử có từ hơn hai ngàn năm trước, được các quan đô hộ
Trung Hoa đem sang dạy và truyền tụng trong dân gian.
Tiếp
đến trong một ngàn năm tự chủ từ thời nhà Ngô, năm 939, trãi qua các
đời vua Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn (Quang Trung) và Nguyễn (Gia
Long), cho đến khi nước Việt Nam bị Pháp đô hộ, 1884, chữ Hán là văn tự
hành chánh chính thức được sử dụng và Nho giáo được quý trọng và dạy dỗ
trong nước Việt Nam.
Nền
giáo dục xưa có cách tổ chức về thầy giáo, trường học, học sinh, rất tự
do và phổ thông, chương trình học đồng nhất và cách thi cử rất trang
nghiêm. Do đó, trên căn bản qua một ngàn năm tự chủ nền giáo dục không
có gì thay đổi sâu sắc ngoại trừ một vài cải tổ nhỏ cho thích hợp với ý
vua.
Sau đâu là những nét chính của nền giáo dục xưa:
Thầy giáo:
Thầy
giáo là người tinh thông chữ Hán và Nho học, tự mở trường dạy học sinh
về chữ Nho và triết lý Khổng Tử. Thầy giáo, ngày xưa gọi là thầy Đồ, có
thể là người không đổ đạt như thầy Khóa, hay người có đổ đạt như Thầy
Tú, ông Cử, cho đến ông Tiến Sĩ, Phó Bảng, Trạng Nguyên, yêu thích dạy
học, mở trường thâu nhận học sinh truyền tụng đạo đức Thánh Hiền và làm
kế sinh nhai. Một thầy giáo dạy học sinh đủ mọi trình độ. Thầy giáo là
người có cuộc sống gương mẫu đạo đức được học sinh và dân chúng địa
phương kính trọng.
Những
vị thầy giáo thông thái xưa được lưu danh muôn thuở như Chu văn An đời
nhà Trần, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan đời nhà Lê, Võ
Trường Toản, Nhữ Bá Siển đời nhà Nguyễn v. . .v... .
Trường học:
Trường
học được xây dựng trong khuôn viên vườn của Thầy giáo. Thông thường,
trường là một ngôi nhà lớn, bề ngang độ chín, mười thước, bề dọc độ ba
bốn mươi thước. Trong nhà được đặt những phản gỗ hay giường tre cao
khoản bốn, năm tấc, sắp xếp gần nhau để học sinh cùng một lớp ngồi cạnh
nhau học bài hoặc tập viết. Một trường có từ ba, bốn mươi cho đến trên
trăm học sinh .
Trường được chia ra các lớp Ấu học, Sơ học, Trung học, Cao học .
Học
sinh các lớp Ấu và Sơ học, học một ngày hai buổi. Học sinh các lớp
Trung học, học một ngày một hoặc hai buổi. Học sinh Cao học, chỉ đến
trường để nhận giảng Kinh Sách, trả bài luận văn và nhận lời phê bình
chỉ giáo của thầy.
Học sinh:
Theo
phong tục ngày xưa, cha mẹ cho con đi học là học chữ Thánh Hiền, học lễ
nghĩa, và đạo đức làm người. Trước khi cho con đi học với Thầy Đồ,
người học sinh cúng lễ trước bàn thờ tổ tiên, cha mẹ cầu nguyện tổ tiên
phù hộ cho con thông minh, học giỏi. Khi đến trường, tùy theo gia đình,
cha mẹ người học sinh mới đem lễ vật, cau, trầu, rượu, hương, đèn, xôi,
gà, đến nhà thầy để thầy làm lễ trước bàn thờ Thánh, tức là Đức Khổng
Tử, cáo lạy từ nay ngài có thêm môn sinh mới, theo học lễ nghĩa Nho
giáo.
Học
sinh từ sáu bảy tuổi, học chữ nghĩa căn bản, lên đến mười lăm, mười tám
tuổi, học chữ, nghĩa thâm sâu hơn, học văn, thơ, đạo đức, cho đến lớp
cao hơn, học làm thơ, phú, giảng giải kinh, sách, điển, sớ, sẵn sàn được
qua kỳ tuyển chọn làm Khóa Sinh đi dự thi Hương. Người học sinh học với
thầy gọi là môn đệ. Học sinh theo học cùng một thầy, một trường gọi là
đồng môn.
Trưởng
tràng là người lớn tuổi có địa vị trong xã hội được thầy chỉ định hoặc
đồng môn bầu để lo sinh hoạt của môn sinh. Giám tràng phụ giúp trưởng
tràng. Thầy giáo chỉ định đôi, ba Cán tràng giúp đỡ trưởng và giám tràng
trong việc chung của trường. Các đồng môn có trách nhiệm giúp đỡ thầy
và gia đình thầy được hưng thịnh, an lành, theo đúng cung cách lễ nghĩa.
Môn đệ tổ chức Tết lễ thầy vào những dịp lễ theo phong tục. Thầy giáo
qua đời môn đệ theo phong tục phải để tang, lo đám tang, chôn cất, đến
nơi an nghỉ cuối cùng. Thời gian môn đệ để tang thầy là ba năm, gọi là
tâm tang. Trưởng tràng phải kêu gọi môn sinh đóng góp cúng kỵ, tu bổ nhà
thầy, và có khi tậu ruộng đất lập hương hỏa để lo hương khói vĩnh viễn
cho thầy.
Chương trình học:
Chữ
Hán được dung để dạy học. Trường dạy học sinh lễ nghĩa, triết lý Khổng
giáo, đạo đức người quân tử trung quân, ái quốc, bình thiên hạ, tam
cương, đạo vua tôi, nghĩa vợ chồng, hiếu kính cha mẹ và ngũ thường,
nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Sách
học được lưu truyền từ đời này qua đời khác, từ Sơ học với sách Tam
Thiên Tự (thiên trời, địa đất, cử cất, tồn còn, tử con, tôn cháu, lục
sáu, tam ba, gia nhà, quốc nước, tiền trước, hậu sau, ngưu trâu, mã
ngựa, cự cựa, nha răng, vô chẳng, hữu có, khuyển chó, dương dê, quy về,
tẩu chạy, bái lạy, quỵ quỳ, khứ đi, lai lại, nữ gái, nam trai,
v..,v...), Tam Tự Kinh (Nhân chi sơ, tánh bổn thiện, tánh tương cận, tập
tương viễn, ... nhân bất học, bất tri lý, ấu bất học, lão hà vi, v...,
v...), Sơ học vấn tân, Ấu học ngũ ngôn thi, Dương tiết và Minh tâm bảo
giám cho đến lớp cao hơn với văn bài, triết lý và luận lý từ thời Khổng
Tử như Tứ Thư, Ngủ Kinh.
Tứ Thư :Tứ Thư gồm các sách: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử;
Đại Học:
Đại Học dạy đạo người quân tử. Sách do Tăng Tử, học trò Đức Khổng Tử
(551-479 tr. CN) viết. Sách có hai phần, phần đầu gọi là Kinh, chép lời
Đức Khổng Tử, phần sau gọi là Truyện, là lời giảng giải của Tăng tử.
Trung Dung:
Trung dung là đạo người quân tử ăn ở vừa phải, không thái quá, không
bất cập. Sách Tung Dung do Tử Tư, cháu đích tôn Đức Khổng Tử sưu chép
những lời tâm pháp của ngài do học trò ngài truyền lại. Trung dung nói
đạo thánh nhân căn bản là ở Trời rồi diễn ra mọi lẽ khiến người ta phải
giữ mình cho kính cẩn trong khi hành động, suy tư cho ra lẽ phải, trái,
làm cho đúng để tiến đến chân, thiện, mỹ.
Luận Ngữ:
Luận ngữ là sách do các môn đệ của đức Khổng Tử sưu chép lời Đức Khổng
Tử khuyên dạy học trò về những câu chuyện ngài nói với người đương thời
để học sinh thấu hiểu về những vấn đề luân lý, triết lý, chánh trị, học
thuật. Sách Luận ngữ dạy: ’’đạo làm người quân tử một cách thực tiễn và
mô tả tính tình cử chỉ, đức độ của đức Khổng Tử như phác họa ra cái mức
hoạt động cho người đời sau theo’’.
Mạnh Tử:
Mạnh Tử là sách do Mạnh Tử (372-289 tr.CN), học trò Tử Tư là là cháu
đích tôn Đức Khổng tử dạy về thuyết Tính Thiện, dưỡng tính, tồn tâm, trí
chi, dưỡng khí, (giữ lấy thiện tính, lòng lành, giữ lấy chí hướng, khí
phách cho mạnh). Mạnh Tử cho rằng con người ta sinh ra tự nhiên có đức
tính tốt.
Ngũ Kinh: Ngũ kinh gồm có Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Xuân Thu, Kinh Dịch, Kinh Lễ.
Kinh Thi:
Kinh thi do đức Khổng Tử sưu tập và lựa chọn gồm 305 bài thơ. Kinh thi
là tập ca dao cổ của người Tàu, ghi lại những bài ca dao ở thôn quê và
nhạc chương ở nơi triều miếu. Kinh thi mô tả niềm tín ngưỡng của các vị
thánh vương nhà Châu, ghi lại những phong tục và nếp sống thường nhật,
lòng tin tưởng và đạo đức của dân Trung Hoa từ thời Hậu Tắc cho đến thời
Khổng Tử. Hậu Tắc hay Khí là em ruột của vua Nghiêu (2356-2255 tr. CN).
Kinh Thư:
Thư nghĩa là ghi chép. Kinh thư do đức Khổng Tử sưu tập.Kinh thư mô tả
các gương tích vua tôi Trung Hoa đời xưa từ vua Nghiêu (2.356-2.255 tr.
CN) cho đến vua Bình Vương (770-719 tr. CN) dạy về quan niệm thiên trị
Trung Hoa thời cổ, dạy tam cương, ngũ thường, "nhân, nghĩa, lễ, trí,
tín".
Kinh Xuân Thu:
Đức Khổng Tử viết kinh Xuân Thu. Kinh Xuân Thu là một bộ sử có niên
hiệu mạch lạc, ghi các công chuyện từ đời Lỗ Công nguyên niên (năm 721
tr. CN) cho đến hết năm thứ 14 đời vua Lỗ Ai Công (năm 481 tr. C. N) làm
cho sáng tỏ quan niệm ‘’Thiên nhân tương dữ‘’, nghĩa là Trời và Người
có quan hệ mật thiết với nhau.
Kinh Dịch:
Dịch nghĩa là thay đổi. Nguyên vua Phục Hy (4480-4365 tr. C N) đặt ra
Bát quái, tám hình vẽ, 8 quẻ ấy lần lược đặt chồng lên nhau thành ra 64
trùng quái (quẻ kép), mỗi trùng quái có sáu vạch (3 vạch liền biểu thị
lẽ dương và ba vạch đứt đoạn biểu thị âm), gọi là hào. Có cả thảy 384
hào. Đức Khổng Tử giải nghĩa các quái, các trùng quái và các hào. Kinh
dịch giúp ta tìm cho ra căn để của con người và vạn vật, gốc gác của vũ
trụ, những định luật chi phối mọi sự biến thiên của trời đất, cũng như
viễn đích, cùng lý của quần sinh và nhân loại. Dân gian ngày nay dùng
dịch để xem bói toán.
Kinh Lễ:
Kinh lễ là sách nói về thuần phong mỹ thuật con người sống trong cuộc
đời và trong xã hội. Đức Khổng Tử san định lại bộ kinh lễ do Chu Công
soạn ra. Có ba bộ Kinh Lễ:
- Lễ Ký do Chu Công soạn ra nói về tổ chức hành chánh, chính trị, xã hội thời Chu.
- Nghi Lễ quy định về quan, hôn, tang, tế, bổn phận con người đối với trời đất, tổ tiên. Bộ Nghi Lễ xuất hiện thời Hán sơ.
- Lễ Ký là ký sự của môn đệ đức Khổng tử về nghi lễ, phong tục.
Tứ Thư, Ngũ Kinh là sách căn bản của Nho giáo, và sách đầu giường của học sinh thời xưa học và sống theo triết lý đó.
Thi cử:
Thi cử là cách thức quan vua thời xưa dùng để tuyển dụng nhân tài, đem sở học ra giúp nước, an dân.
Việc
thi cử ở Việt Nam được tổ chức có quy cũ từ đời Lý Nhân Tôn
(1072-1270). Năm Ất Mão, 1075, triều đình mở khoa thi tam trường để lấy
người văn học ra làm quan.
Đến
đời Lê Thánh Tôn (1460-1497), định lại phép thi Hương, thi Hội, thi
Đình và đặt lệ ba năm một khóa thi. Chương trình thi hương gồm tam
trường, trường nhất thi năm đoạn kinh nghĩa, trường nhì thi chiếu, chế,
biểu, dùng tứ lục cổ thể, trường ba thi thơ dùng luật Đường, phú dùng cổ
thể và văn tao tuyển, là một thể vận văn ở đời Lục triều.
Từ
triều Lê, ở mỗi huyện có quan Huấn Đạo, ở mỗi phủ có quan Giáo Thụ dạy
tứ thư, ngủ kinh và bắc sử cho học sinh khá, ở mỗi tỉnh có quan Đốc Học
dạy các sinh đồ cao đẳng. Kỳ thi hương chấm đậu tú tài, cử nhân. Thi
hội, thi đình tuyển lấy tiến sĩ.
Trường
thi tổ chức ở các tỉnh lớn. Trường thi là một bãi đất rộng hàng trăm
mẫu, bằng phẳng. Chung quanh được rào kỹ bởi hàng rào tre có lính canh
gác cẩn mật. Trường thi có 9 cửa cho thí sinh ra vào. Giữa có nhà thập
đạo và nhà các quan chấm trường. Thí sinh được tuyển chọn từ các huyện
đến qua các kỳ sát hạch, người được kết quả qua kỳ sát hạch gọi là Khóa
Sinh, được phép dự kỳ thi Hương. Quan trường do vua bổ đến gồm chánh chủ
khảo, phó chủ khảo, nhân viên khảo thí. Kỳ thi hương kéo dài hơn cả
tháng. Thí sinh đem theo lều làm bằng sườn tre, chỏng cũng bằng tre để
tự dựng lên tạm che mưa che nắng, và giường viết trong lúc làm bài thi.
Thí sinh tự mua giấy bản đóng thành bốn quyển tập, mỗi tập dày khoảng
mười tờ, ghi tên, tuổi, ngày nơi sinh, tên cha mẹ, quê quán, đem nạp cho
quan Đốc Học tỉnh cả tháng trước ngày thi để quan Đốc Học đóng thùng
gởi đến trường thi. Khi vào trường thi, khóa sinh được nhận lại các
quyển của mình để làm bài thi. Bài làm xong được nạp cho ban giám khảo.
Sau
đây là cảnh kỳ thi hương năm Giáp Ngọ (1894) tại trường thi Nam Định,
do nhà văn Nguyễn Tuân dịch từ cuốn sách ’’Bắc Kỳ cố sự’’ bằng tiếng
Pháp của Buaranh:
‘’Trường
thi Nam Định năm 1894 đông như kiến cỏ. Năm 1891, Nam Định chỉ có 9.000
sĩ tử, năm 1894 con số người đi thi lên tới 11 ngàn. Từ giữa trường
thi, chỗ đường thập đạo trông ra, trùng trùng, điệp điệp những những mu
rùa bằng tre, những tấm mui luyện nhà đồ (ý nói những thi cụ lều chõng).
Kỳ đệ nhất vào ngày 25-10-1894, kỳ đệ nhị, ngày 15-11. Kỳ đệ tam ngày
25-11. Và kỳ phúc hạch đệ tứ là ngày 02-12-1894.
Ngày
8-12-1894 là lễ xướng danh những người đổ. Tiếng loa ran lên, ồm ồm
lanh lảnh. Tiếng í - ới gọi nhau lạc đường của người nhà các thầy khóa,
của tiểu đồng lảo bộc quản gia nhổ lều đội chõng ra về trong đêm tối lập
lòe ánh đuốc. Đám đông lên tới hai mươi nhăm ngàn người.
Lễ
xướng danh từ sớm cho đến chiều. Ghế bành của các quan chấm trường dự
lễ tại ghế cao đến bốn thước mét. Quan Toàn quyền bận không đến, có quan
cai trị Moren thay mặt dự lễ. Cứ xong mỗi tên ông tân khoa xướng lên là
mất năm phút- tính từ lúc cất tiếng loa gọi tên, xoáy sang phía phải
xoáy sang phía trái, cho tới lúc người trúng thi thích cánh lách được
lên chỗ đệ trình căn cước. Khoa thi 1894 lấy 60 cử nhân và 200 tú tài
(lệ triều đình đặt ra là cứ nhất cử tam tú, cứ chấm lấy một cử nhân thì
lấy được ba tú tài).
Xướng
xong tên 60 ông cử tân khoa, mất ba tiếng đồng hồ, thì quan sứ Moen về.
Các ông tân khoa phục xuống lạy. Ở tỉnh đường quan Tổng Đốc, quan Kinh
lược Bắc Kỳ ban mủ, ban áo tấc xanh, ban ô, ban tráp sơn, nó là những
huân hiệu cụ thể của người men chân lên cái than hoạn lộ. Vân vân.
Khóa
thi Giáp Nhọ (1894) này, thi sĩ Trần kế Xương đã may mắn đổ Tú Tài, và
sau đó Tú Xương thi 4 lần nữa trong 12 năm đều không đậu cử nhân, cho
đến khi ông mất năm1907, thọ 37 tuổi.
Sự
đổ đạt định đoạt đời sống vinh hạnh của một đời người. Người đậu cử
nhân được vua bổ dụng làm quan, là một vinh dự lớn lao cho gia đình, cha
mẹ, họ hàng, làng xã, huyện, phủ.
Quan trọng đến nỗi Tú Xương đã nói: ’’Ngày mai tớ hỏng tớ đi ngay, cúng giỗ từ nay nhớ lấy ngày’’.
Nền học vấn xưa ấy đã đào tạo không biết bao nhân tài, đem sở học của mình xây dựng đất nước.
Sau đây là đơn cử một số nhân vật lừng danh.
Học
sinh Nguyễn quang Bình khi còn nhỏ ở ăn học tại nhà Thầy giáo Hiển ở ấp
Phú Lạc, quận Bình Khê, tỉnh Bình Định, và sau này là Vua Quang Trung
Nguyễn Huệ.
Nguyễn công Trứ đến 49 tuổi mới đậu cử nhân, được bổ ra làm quan.
Trần Kế Xương thi cho đến trước khi mất vẫn chưa đậu cử nhân, và suốt đời sống nhờ vợ buôn bán, làm ăn.
Ông Phan Khôi, đậu Tú Tài Hán học năm 1915, lúc 29 tuổi, là học trò Ông Trần Quý Cáp, đổ Tiến Sĩ khoa Giáp Thân, năm 1904.
Có
không biết bao nhiêu là thầy Khóa, cứ ba năm một lần, mang lều chõng đi
thi, nhưng đi không lại về không, suốt đời theo thầy học hỏi lễ giáo và
văn chương, chữ nghĩa.
Việc
trọng kính thầy học đã bám gốc rễ sâu vào nhân gian qua triết lý Nho
giáo. Các câu ca dao, ’’Muốn sang thì bắt cầu kiều, Muốn con hay chữ
phải yêu mến thầy, Trọng thầy thì được làm thầy, Cơm cha, áo mẹ, chữ
thầy, Không thầy đố mày làm nên ‘’, nói lên quan niệm kính trọng thầy
giáo ngày xưa.
Ông
Nguyễn Trường Tộ, là môn đệ Hán học của Ông Huyện Địa Linh ở xã Tân
Lộc, tỉnh Nghệ An, tuy không dự khoa thi Hương nào, nhưng rất kính trọng
thầy dạy Nho học. Ông đã cùng các đồng môn dự lễ đoạn tang thầy, lúc
trở về nhà thì lâm bệnh và qua đời năm 1871, dưới triều vua Tự Đức .
Cứ
ba năm triều đình mở khoa thi Hương ở các tỉnh lớn như Hà- Nội, Nam
định, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên, Bình Định và Sài-Gòn.
Nền
học giáo dục xưa, trọng văn chương, Nho học và khoa cử, đã tào tạo rất
nhiều bậc danh tài cho đất nước như Ngô sĩ Liên, Nguyễn Trãi, Lê văn
Hưu,Trần Hưng Đạo, Hàn Thuyên, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thiệp, Nguyễn Du, Hồ
Xuân Hương, Đoàn thị Điểm, Nguyễn Công Trứ, Trần Kế Xương, Nguyễn
Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Ngô Đình
Diệm v.... v.. ..
Nói tóm lại, nền giáo dục xưa có những điểm đặc biệt chính như sau:
-Thầy giáo là người dạy học sinh từ nhỏ cho đến khi thành tài, thường chỉ là một thầy giáo.
- Thầy giảng dạy đạo đức kinh sử, triết lý của Nho giáo làm cho học trò biết hiếu, để trọng "nhân, nghĩa, lễ, trí , tín"
- Trường học là nhà tư của thầy giáo.
- Bài thi chỉ dùng thơ, phú, văn bài, luận lý đạo đức người quân tử.
-
Thầy giáo là người có lương tâm, đạo đức gương mẫu, và thông thường là
người đổ đạt cao được học sinh tôn kính, dân chúng trọng nể/
- Người xưa coi chữ Nho là một biểu tượng thiên liêng cần quý trọng.
- Xã hội ngày xưa tôn trọng đạo đức và chữ nghĩa thánh hiền hơn cả mọi thứ, kể cả tiền tài, của cải vật chất.
-
Học hành chữ Nho và Nho giáo để thi cử đậu đạt làm quan là con đường
duy nhất và vinh dự nhất của con người trong xã hội để tiến thân .
- Người thi cử chưa đậu đạt thì cứ học và thi hoài cho đến già vẫn còn học chừng đó kinh sách để đi thi.
Những
đặc tính của nền học vấn ngày xưa đã đưa đến quan niệm học trò quý
trọng, kính nể thầy giáo hơn quý trọng, kính nể cha mẹ cũng là một điều
tự nhiên.
III/ Quan niệm học sinh đối với thầy giáo vào thời tân học:
Ta
gọi là thời tân học là kể từ khi nền học vấn Nho học, chương trình học
và cách thi cử ngày xưa là thi Hương, thi Hội, thi Đình, được chấm dứt
để thay thế nền học vấn Pháp-Việt trở về sau.
Từ
khi Việt Nam bị Pháp xâm chiếm thì nền Nho học bị tàn lụi. Chính quyền
bảo hộ Pháp muốn bãi bỏ nền học vấn Nho học cũ vì rất nhiều lý do. Pháp
một mặt sợ sự chống đối của nhà Nho, không muốn giới nhà Nho đông đảo và
vững mạnh tiếp tục thể thức học hành thi cử xưa. Mặt khác, chúng muốn
cải tổ học vấn căn bản theo cách thức học vấn Pháp, phù hợp với chính
quyền bảo hộ để có một lớp người mới, chịu ảnh hưởng nền giáo dục Pháp
có thể giúp việc cho các cơ quan hành chánh Pháp.
Do
đó, ở Nam Việt, từ khi Pháp chiếm trọn 6 tỉnh Nam Kỳ năm 1867 thì việc
học hành thi cử theo cũ không còn nữa. Chính Phủ thuộc địa cải cách học
vấn theo chương trình Pháp-Việt. Năm 1915 ở Bắc Việt bãi bỏ thi Hương và
tiếp theo, năm 1918 ở Trung Việt cũng bãi bỏ thi Hương. Việc thi cữ
theo chương trình Hán học, chữ Nho hoàn toàn chấm dứt từ đó.
Ngày 21 tháng 12 năm 1917, Nha Học Chánh Đông Dương ban hành học quy theo chế độ giáo dục Pháp - Việt.
Nền
giáo dục mới này là một sự cải tổ toàn diện, từ chữ làm chuyển ngừ là
chữ Quốc ngữ và chừ Pháp, cho đến cách tổ chức học vấn, chương trình học
và cách thi cử.
Thầy giáo:
Thầy
giáo là một người chọn nghề dạy học sinh, được đào tạo, để có đủ khả
năng dạy theo chương trình của lớp học phụ trách. Thầy giáo được chính
phủ tuyển dụng và bổ đến trường và lớp học cần thầy giáo dạy dỗ. Thầy
giáo hưởng lương bổng của chính quyền. Thầy giáo dạy học sinh trong một
niên khóa, trong phạm vi lớp học do thầy giáo phụ trách. Niên khóa sau,
thấy giáo đón nhận lớp học sinh kế tiếp.Trong giai đoạn đầu chương trình
giáo dục Pháp-Việt chỉ có trường công lập.
Trường học:
Trường
học là cơ sở công lập. Trường được chia ra nhiều phòng học. Mỗi phòng
học được trang bị bàn, ghế, bản đen, chỗ ngồi cho khoản ba, bốn mươi học
sinh cùng một lớp. Trường công lập Pháp-Việt có từ cấp thấp ở thôn, xã,
gọi là trường Sơ Học, rồi đến trường công lập huyện dạy lớp cao hơn,
gọi là trường Tiểu Học, và trường công lập cấp tỉnh mở cho học sinh lớp
cao hơn nữa, gọi là trường Cao Đẳng Tiểu Học và trường Trung Học. Trường
học có hiệu trưởng, giám thị và thầy giáo được chính quyền bổ đến dạy
học sinh, trông coi sinh hoạt học đường.
Học sinh:
Học
sinh là những thanh, thiếu niên, được trường thâu nhận dạy văn hóa theo
đơn xin của phụ huynh. Học sinh được thâu nhận vào các lớp khác nhau
tùy theo từng hạn tuổi và sức học quy định. Học sinh học lớp đầu tiên từ
6 tuổi đến 8 tuổi, và từ đó, cứ học mỗi niên khóa là một lớp học, nếu
học sinh học có kết quả tốt. Theo nguyên tắc, cứ mỗi năm học một lớp.
Học sinh từ khi vào học lớp đầu tiên cỡ sáu tuổi cho đến lúc học xong
trung học vào tuổi mười tám, hai mươi.
Hệ thống giáo dục và chương trình học:
Hệ thống giáo dục Pháp-Việt được chia làm nhiều cấp, mỗi cấp gồm nhiều lớp.
Muốn
lên lớp trên học sinh phải học xong lớp dưới, trong một niên khóa là 9
tháng học và 3 tháng nghỉ hè. Học sinh cấp dưới muốn lên cấp trên cần
phải thi đậu các kỳ thi. Đây là hệ thống giáo dục 13 năm (sau này đổi
thành 12 năm), gồm 4 cấp (sau này đổi thành 3 cấp), với chương trình học
rất ăn khớp nhưng rất nặng nề, bắt buộc học sinh phải dùng rất nhiều
thì giờ để học và thi cho có kết quả.
Cấp Sơ Học:
Cấp
Sơ Học gồm có 3 lớp, lớp Đồng Ấu hay lớp Năm (lớp1), lớp Dự Bị hay lớp
Tư (lớp 2), lớp Sơ Đẳng hay lớp Ba (lớp 3). Trường Sơ Đẳng thường được
mở ở làng. Cấp sơ học dạy chữ Quốc Ngữ. Bài học gồm có tập đọc, tập
viết, tập đặt câu bằng chữ Quốc Ngữ, và làm toán cọng trừ nhân chia,
cách trí, vệ sinh, đức dục. Lớp Sơ Đẳng bắt đầu dạy thêm một ít chữ
Pháp.
Học xong lớp Sơ Đẳng học sinh thi bằng Sơ Học Yếu Lược để lên cấp kế tiếp.
Cấp Tiểu Học:
Cấp
tiểu học gồm lớp Nhì Nhất Niên (lớp 4 năm thứ nhất), Lớp Nhì Nhị Niên
(lớp 4 năm thứ hai), và lớp Nhất (lớp 5). Trường tiểu học công lập được
mở tại các Quận. Chữ Pháp là chữ chính được được dạy ở cấp này. Các môn
học có thêm Địa dư, Sử ký, Cách trí, toán đố, quy tắc tam xuất, luận
văn.
Học xong lớp Nhất học sinh thi Bằng Sơ Đẳng Tiểu Học. Đậu xong bằng tiểu học thì học sinh được thi tuyển theo học cấp tiếp theo.
Cấp Cao Đẳng Tiểu Học:
Cấp
Cao Đẳng Tiểu Học, nay là Trung Học Đệ Nhất Cấp gồm 4 lớp, lớp Đệ nhất
niên hay Đệ thất (lớp 6), lớp Đệ nhị niên hay Đệ lục (lớp 7), Đệ tam
niên hay Đệ ngũ (lớp8), Đệ tứ niên hay Đệ tứ (lớp 9) .
Cấp
cao đẳng tiểu học chuyên ngữ được dùng chữ Pháp. Các môn học gồm khoa
học căn bản, vật lý điện học, hóa học vô cơ, vạn vật động vật học, toán
trung cấp gồm đại số, hình học phẳng, sử ký thế giới và Việt Nam, địa lý
thế giới và Việt Nam, văn chương Pháp và Việt Nam, Họa, Nhạc, v... v ..
Cấp này có thêm ngoại ngữ gồm Anh văn, Hán văn.
Từ
cấp này, trong một niên khóa, học sinh được học với nhiều thầy, mỗi
thầy dạy mỗi môn theo một số giờ được ấn định trong thời khóa biểu. Một
lớp học cấp này, học sinh có khoản mười thầy giáo.
Học sinh phải thi đậu bằng Cao -Tiểu hay Thành Chung (Trung Học Đệ Nhất Cấp) mới được lên học Trung học (Trung học đệ nhị cấp).
Trong
những thập niên đầu thế kỷ XX, trường Cao Đẳng Tiểu học chỉ có ở các
nơi như Hà Nội có trường Bảo Hộ, hay trường Bưởi, sau này là trường Chu
Văn An cho nam sinh, trường Trưng Vương cho nữ sinh, Huế có trường Quốc
Học cho nam sinh, trường Đồng Khánh cho nữ sinh, Sài-gòn có trường
Petrus Ký cho nam sinh, trường Gia Long cho nữ sinh. Tại Mỹ- Tho có
trường Le Myre de Vilers sau nà là trường Nguyễn đình Chiểu.
Cấp Trung Học:
Cấp Trung Học nay là trung học đệ nhị cấp, gồm 3 lớp: lớp Đệ Tam (lớp 10, lớp Đệ Nhị (lớp 11), lớp Đệ Nhất (lớp 12).
Chuyên
ngữ chữ Pháp tiếp tục được dùng điêu luyện hơn bởi học sinh cấp cấp cao
đẳng tiểu học và cấp trung học. Trong những năm đầu trường trung học
Pháp- Việt được học tiếp ba năm thì thi Tú Tài gọi là Tú Tài Bản Xứ
(Baccalaureat Local). Về sau, khoản từ cuối thập niên 1920 mới có thi
bằng Tú Tài Một và Tú Tài Hai. Học sinh phải thi đậu Tú Tài Một mới được
học và thi Tú Tài Hai. Năm cuối cùng cấp trung học thời đó được chia ra
thành ba Ban khác nhau: Ban Khoa học Thực Nghiệm, Ban Toán và Ban
Triết.
Chương
trình tú tài một gồm có toán lượng giác, hình học không gian, hóa học
vô cơ, hữu cơ, vật lý chuyển động, vạn vật động vật học, Sử ký và địa lý
thế giới và Việt Nam.
Chương
trình Tú Tài Hai Ban Toán và Vạn Vật có thêm Triết học, luận lý học,
đạo đức học, ban Triết học có tâm lý học, siêu hình học. Toán học có
giải tích, đạo hàm, nguyên hàm, hình học họa hình. Vật lý học cơ thể con
người, Văn chương hiện đại.
Sau khi tốt nghiệp Tú Tài Hai, học sinh mới được thâu nhận vào các trường Đại Học.
Việc
học tổ chức căn bản là như thế, nhưng thi cử rất khó khăn khiến cho
nhiều người học chưa xong trung học thì tuổi đã lớn cho nên đành bỏ học.
Đó cũng là mục tiêu hạn chê người có học vấn cao của chính quyền thuộc
địa.
Sau
năm 1945, nước Việt Nam độc lập đã cải tổ học vấn dùng tiếng Việt làm
chuyên ngữ, cho nên sự học được mở sâu rộng trong quần chúng. Từ tiểu
học đến trung học Việt ngữ được dùng làm chuyển ngữ. Pháp văn, Anh văn
được dạy như ngoại ngữ.
Chương
trình trung học đệ nhất cấp và đệ nhị cấp được đem ra dạy học sinh bây
giờ quen gọi là chương trình Hoàng xuân Hãn, được ban hành lúc Ông Hoàng
Xuân Hãn là Bộ Trưởng Giáo Dục chính Phủ Trần Trọng Kim vào năm 1945.
Theo
chương trình Hoàng Xuân Hãn thì cấp trung học đệ nhị cấp kể từ lớp đệ
tam (lớp 10) trở lên đã bắt đầu chia ra các ban khác nhau, ban Khoa học
thực nghiệm (Khoa học A) học nhiều về sinh vật học, ban Toán (Khoa học
B) học nhiều về khoa học thuần lý, toán, vật lý, ban Sinh ngữ (ban C),
học nhiều về ngoại ngữ và triết học, ban cổ ngữ (ban D) học nhiều về chữ
Hán.
Thi Cử:
Sự
thi cử được tổ chức theo quy mô trung ương. Trung ương bổ nhiệm chánh,
phó chủ khảo và giám khảo cho các kỳ thi trung học và tú tài. Bài thi do
trung ương ra được niêm phong kín đáo và gởi đến chánh chủ khảo đem đến
trường thi. Sự thi hạch được tổ chức rất công bằng và vô tư.
Nền giáo dục mới này đã gây dựng nên bao nhiêu nhân tài cho xã hội, đất nước như các Ông Dương Quảng Hàm, Phạm Duy Khiêm, Bửu Hội, Nguyễn Đạt Xường, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Xuân Vinh, v..v.
IV/ Những khác biệt căn bản của nền giáo dục cũ và mới:
Những khác biệt chính của nền học vấn cũ và mới là:
Ngày
xưa thầy giáo là chủ ngôi trường do tự mình tạo nên, trường được lập ở
ngay nhà thầy và chỉ có một thầy giáo dạy cho tất cả các lớp. Ngày nay
trường là một cơ sở được sử dụng có tính cách công cộng, phần nhiều là
công lập, được xây dựng ở một khu riêng biệt thích nghi với nhu cầu học
tập văn hóa và thể dục của học sinh.
Trường
học gồm có Hiệu Trưởng và Giám Thị và nhiều thầy giáo được Nha Giáo Dục
bổ tới để lo việc học của trường, không có Trưởng Tráng, Giám Tràng như
trước.
Một học sinh, học cho xong Trung Học phải được ít nhất cũng vài chục thầy giáo giảng dạy .
Chữ
đồng môn nay hiểu là cùng một trường chứ không phải cùng một thầy.
Trưởng tràng nay phải phân chia làm hai nhân vật là Trưởng Ban Tổ Chức
sinh hoạt học sinh trong trường và chủ tịch của hội ái hữu
Cựu học sinh, sinh viên.
Chương
trình giáo dục ngày xưa chú trọng đạo đức, lễ nghĩa Nho giáo, và văn
chương. Chương trình giáo dục ngày nay trọng khoa học nhiều hơn.
Ngày
nay, sự liên hệ thầy trò không còn sâu đậm và tôn quý như thời của nền
học vấn chữ Nho. Do đó, quan niệm địa vị của thầy giáo đối với học sinh
cao hơn địa vị của cha mẹ không còn hợp lý nữa đối với nền giáo dục mới.
Điều
này cũng làm thay đổi nấc thang tôn kính thầy giáo trong xã hội Việt
Nam, nghĩa là sự tôn kính thầy chỉ đến mức bằng tôn kính cha mẹ mà thôi.
‘’Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy, và Mồng một ở nhà mẹ cha, mùng hai nhà vợ,
mùng ba nhà thầy’’, là những câu tục ngữ xuất hiện ở thời kỳ sau này.
Mặc
dầu thời gian và tổ chức giáo dục ngày nay hoàn toàn thay đổi khác hẳn
tổ chức giáo dục ngày xưa, nhưng với truyền thống trọng văn hóa, giáo
dục từ mấy ngàn năm qua của người Việt Nam, thầy giáo bao giờ cũng được
học sinh kính trọng như kính trọng cha mẹ mình.
Ngày
nay, học sinh đối với thầy giáo tuy không ở thứ bậc ‘’Quân, sư, phụ’’
nữa, nhưng phải ở trong mức độ ‘trọng thầy mới được làm thầy’’.
V/ Tương quan hợp lý của học sinh đối với thầy giáo:
Thầy giáo là người chọn nghề dạy học, một nghề cao quý và thanh đạm.
Nguồn
vui trong sáng của thầy giáo là truyền đạt được điều hiểu biết của mình
đến những thế hệ con em một cách vô tư. Niềm hãnh diện của thầy giáo là
đưa đẩy sự hiểu biết về môn học của học sinh lên cao hơn để về sau thế
hệ mới có thể tiến bộ hơn thế hệ đã qua. Hiểu biết theo tình nghĩa gia
đình, con hơn cha là nhà có phúc, thì về sau trò học hành tiến bộ cao
hơn thầy cũng là niềm hãnh diện của thầy. Thật là một vinh dự cho thầy
giáo khi học trò cũ của mình nên danh nên phận, giúp ích được cho xã
hội, đất nước, nhân loại.
Một
con người, khi tự túc được đời sống trong xã hội, đã chịu ân biết bao
nhiêu người, nhất là cha mẹ, và thầy giáo, kể từ thầy dạy vở lòng, cho
đến thầy trung học, đại học.
Do đó, học sinh lúc nào cũng kính mến thầy giáo như kính mến cha mẹ.
Khi
nghĩ rằng một thầy giáo làm điều không tốt đối với học sinh là một điều
hoàn toàn sai lầm như ta nghĩ cha mẹ làm điều không tốt đối với con
cái. Do đó, học sinh lúc nào cũng phải kính trọng thầy giáo, kể từ thầy
dạy lớp mẫu giáo.
Muốn thể hiện lòng kính mến của học sinh đối với thầy giáo thì ta nên:
- Nghĩ đến và thăm hỏi thầy giáo khi có thì giờ.
- Viếng thăm thầy giáo khi có dịp đến nơi thầy giáo ở.
- Giúp đỡ thầy giáo trong một nhu cầu nào đó khi thầy giáo cần.
-
Liên lạc với thầy giáo để bày tỏ hoàn cảnh gia đình, nghề nghiệp để
thầy chia vui hay giúp đỡ tâm lý trong đời sống xã hội phức tạp khó ngày
nay.
- Thành thật xem thầy giáo như cha mẹ là người luôn nghĩ đến an sinh của con cái để nhận những khuyên lơn hữu ích.
- Ta đừng hỏi thầy còn nhớ con không, mà tự giới thiệu với thầy, con là học trò cũ của thầy.
- Luôn luôn kính mến thầy là tập quán phong tục của người Việt Nam.
Ta
cũng khẳn định lại câu: Làm con phải hiếu để với cha mẹ và kính mến
thầy giáo vì cha mẹ là người sinh thành ra ta và nuôi ta khôn lớn, thầy
giáo là người dạy dỗ ta hiểu biết các điều khoa học và nghĩa lý ở đời mà
ta chưa hiểu biết. Câu tục ngữ: ‘’Không thầy đố mày làm nên’’ là một ý
niệm nói lên, nhờ có công dạy dỗ của thầy giáo ta mới có thể có địa vị
của ta hiện tại.
-
Ngày nay, cựu học sinh của trường cần tổ chức những Hội Cựu Học Sinh,
và cần tham gia hội họp thường kỳ để có dịp gặp gỡ nhau, ôn lại những kỷ
niệm xưa, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm đời sống cũng như giúp đỡ
nhau từ kể cả vật chất lẫn tinh thần. Trong các buổi họp mặt lớn cần mời
thầy giáo cũ tham dự, để có cơ hội học hỏi thêm về kinh nghiệm nghề
nghiệp, kinh nghiệm cuộc sống, nhận lãnh thêm về những lời khuyên răn
hữu ích.
- Học sinh đối với thầy giáo cũ cần cởi mở, vui vẻ, nhưng cần phải có một khoảng cách nào đó về tôn ti thầy trò.
VI/ Kết Luận:
Trải
mấy ngàn năm lịch sử, dẫu quan niệm của con người về cuộc sống có thể
thay đổi, vấn đề học vấn có thể thay đổi cho hợp với sự tiến hóa của xã
hội, khoa học, văn minh của thời đại mới, nhưng chức năng của người thầy
giáo không bao giờ thay đổi, đó là đem học thức, hiểu biết của mình đã
học hỏi được truyền tụng lại cho lớp người trẻ của thế hệ nối tiếp. Học
sinh là người được ân huệ nhận thức kiến thức từ thầy giáo. Cho nên, học
sinh phải luôn luôn yêu mến, tôn kính, vâng lời và biết ơn thầy giáo.
Đó là điều tự nhiên và hợp lý ở bất kỳ thời đại nào. Ngày nay ta phải
hiểu câu ‘’Quân, sư, phụ’’ theo một ý niệm tượng trưng là học sinh phải
kính mến thầy giáo và không nhất thiết phải theo thứ bậc như ngày xưa.
Học sinh phải kính trọng thầy giáo như kính trọng cha mẹ mới phải đạo
làm người.
TG: Hà Thúc Giảng
Sách tham khảo :
1/ Việt Nam Văn Hóa Sử Cương. Đào Duy Anh
2/ Việt Nam Sử Lược. Trần Trọng Kim
3/ Thời và Thơ Tú Xương, Nguyễn Tuân
4/ Chân Dung Khổng Tử Bác Sĩ Nguyễn VănThọ
5/ Việt Nam Danh Nhân Từ Điển . Nguyễn Huyền Anh
6/ Nguyễn trường Tộ Nhà tư Tưởng Cách Tân . Hoàng Thanh Đạm
7/ Việt Nam Văn Học Sử Yếu. Dương Quảng Hàm
8/ Nguyễn trường Tộ, nhà tư tưởng cách tân Hoàng Thanh Đạm
9/ Nếp cũ, Tín ngưỡng Việt Nam Toan Ánh
Sách tham khảo :
1/ Việt Nam Văn Hóa Sử Cương. Đào Duy Anh
2/ Việt Nam Sử Lược. Trần Trọng Kim
3/ Thời và Thơ Tú Xương, Nguyễn Tuân
4/ Chân Dung Khổng Tử Bác Sĩ Nguyễn VănThọ
5/ Việt Nam Danh Nhân Từ Điển . Nguyễn Huyền Anh
6/ Nguyễn trường Tộ Nhà tư Tưởng Cách Tân . Hoàng Thanh Đạm
7/ Việt Nam Văn Học Sử Yếu. Dương Quảng Hàm
8/ Nguyễn trường Tộ, nhà tư tưởng cách tân Hoàng Thanh Đạm
9/ Nếp cũ, Tín ngưỡng Việt Nam Toan Ánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét