XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

Sợ Truông Nhà Hồ, Ngại Phá Tam Giang

Khi ngợi ca những mối tình lứa đôi thủy chung trong sáng người ta liên tưởng ngay đến câu “mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”. “Sông” với “đèo” có thể do lòng người nhưng cũng có thể là một chướng ngại khó khăn khó mà vượt qua được để hai người yêu nhau đến được với nhau, bật lên lời than:
Yêu em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang.
Câu nầy nói đến hai địa danh mà cũng là hai chướng ngại vật đó là: phá Tam Giang, truông nhà Hồ. Sử còn ghi lại, nơi địa đầu tỉnh Quảng Bình ngày nay có một vùng đất rộng lớn cạnh là Hồ Xá, nên gọi là Truông Nhà Hồ. Vùng đất nầy rộng bạt ngàn, cây cối um tùm, từng là sào huyệt của một băng cướp rất nguy hiểm, ai đi qua đó cũng thường bị chúng bắt bớ, giết chóc để cướp của đòi tiền mãi lộ.
Map of tt. Hồ Xá, Vĩnh Linh, Quảng Trị, Việt Nam
Thời bấy giờ có quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng nổi tiếng thông minh. Biết được mối lo sợ của dân chúng, ông tìm cách đánh dẹp. Ông liền nghĩ ra kế giả làm khách thương buôn lúa và hàng hóa qua truông Nhà Hồ, để cho bọn cướp bắt đem về giam ở sào huyệt. Ông cho một người lính ngồi sẵn trong thùng xe chở lúa. Khi bị cướp, người lính ngồi trong thùng xe rải lúa ra dọc đường. Nhờ có dấu lúa rải này, ông đã lần ra sào huyệt của bọn cướp, quan quân tràn vào bắt gọn cả ổ. Từ đó truông nhà Hồ trở nên yên bình.
Theo tư liệu từ một số đề tài khoa học nghiên cứu về đầm phá (Đại học Khoa học Huế) thì phá Tam Giang nằm hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Diện tích phá Tam Giang khoảng 52km2, trải dài khoảng 24km, từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương thuộc địa phận ba huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà tỉnh Thừa Thiên - Huế. Phá Tam Giang chiếm khoảng trên 50% diện tích đầm phá Việt Nam. Tương truyền phá Tam Giang có sóng thần, mỗi khi tàu thuyền qua đây thường bị đánh chìm nên nhiều người rất lo lắng.
Sau khi dẹp xong giặc truông nhà Hồ, Quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng ại tìm cách trị sóng thần phá Tam Giang. Một mặt ông sai người lặn xuống phá, đào bới mở rộng cửa phá để trừ sóng dữ. Một mặt ông cho loan báo trong dân chúng là quan Nội tán sẽ cho quân dùng súng thần công bắn sóng thần trừ họa. Nghe tin ấy ai nấy đều khiếp sợ, nghĩ rằng quan Nội tán xâm phạm đến thần linh, phen này chắc họa lớn.
Mặc mọi người khuyên can, ngăn trở, đến ngày đã định, Nguyễn Khoa Đăng đem súng hướng ra phá, ra lệnh bắn. Ba tiếng súng ầm ầm vang lên, khói bốc mù mịt. Những người chứng kiến đều sợ hãi quỳ sụp xuống. Nhưng bỗng trên mặt phá, một luồng đỏ như máu từ từ loang ra. Nguyễn Khoa Đăng bảo với mọi người là sóng thần đã bị trúng đạn chết, từ nay không phải lo sợ nữa.
Thực ra thì người của ông đã bí mật lặn xuống và rải phẩm đỏ cho tan dần trong nước. Từ đó sóng thần không còn, thuyền bè qua lại trên phá Tam Giang đều bình an vô sự.
Nỗi lo sợ về truông nhà Hồ, phá Tam Giang không còn nữa, nhưng câu hát xưa vẫn còn, nay được chắp thêm hai câu ghi nhớ công ơn của quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng:
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ, Nội Tán cấm nghiêm.
Sưu Tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét