XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

BI CA TÁN SỞ

Tiết tháng chín, trời cao nước cạn
Bốn bề sương tiếng nhạn bi ai
Gì hơn lính thú cõi ngoài
Tấm thân vò võ hôm mai đoạn trường
Bãi cát trắng nắm xương vô chủ ...
Ðã mười năm bác mẹ mong chờ
Vợ con đơn chiếc vơ vơ
Ruộng tuy có đó bây giờ ai trông ?
Kẻ hàng xóm rượu đong dù sẵn
Biết làm sao nâng chén cùng vui?
Bạc phơ mái tóc ngùi ngùi
Sớm hôm tựa cửa, con tôi chốn nào?
Tiếng trẻ khóc nghe vào đứt ruột
Ôi ! Ngựa Hồ gió bấc kêu thương
Huống ai đất khách canh trường
Lòng nào chẳng nhớ cố hương cho đành?
Trước gươm giáo tử sanh thế đó
Xương thịt này lấp xó, vùi nương
Cô hồn không chỗ tựa nương
Hùng tâm tráng sĩ hoang đường mà thôi!
Lúc canh vắng ai ơi tỉnh lại
Sở sắp tan, mau phải tìm đường
Hãy nên tự vấn thiên lương
Mới mong thoát khỏi tai ương tày đình
Ta lãnh ý cao xanh nhân đức
Soạn lời ca, ai thức nào ai?
Nếu như biết được mạng trời
Quăng gươm bỏ giáo xin mời về đây!
Vua nhà Hán xưa rày tha thiết
Vì nghĩa nhân không giết quân hàng
Muốn về sẽ được về làng
Chứ đừng giữ trại khi lương không còn
Chỉ mai mốt quân dồn bốn phía
Bắt Hạng Vương : ngọc đá thành tro!
Hỡi ai , quân Sở hiểu cho
Thanh âm nước Sở dặn dò đồng hương
Nghe tiếng sáo Trương Lương réo rắt
Nghe lời ca Yên Thất nỉ non
Chín tầng mây thẳm chon von
Gió Thu có thấy héo hon tấc lòng?
Nước Sở mất đừng hòng bỏ chạy
Thời cơ đâu có đợi chờ ta!
Lời lời nhắn nhủ thiết tha
Nên chăng, phải trái thật là phân minh
Anh em hỡi, này tình, này lý
Lọt vào tai phải nghĩ nông sâu
Kíp nên tính liệu làm sao
Chần chờ khi hối tài nào kịp cho
Nghi là của Trương Lương (Sưu Tầm)
(Bản dịch của Hà Thượng Nhân.)


悲歌散楚
Bi ca tán Sở
Khúc ca tan quân Sở (Người dịch: (Không rõ))
九月深秋兮,四野飛霜,
天高水涸兮,寒雁悲愴。
最苦戎邊兮,日夜徬徨,
披肩執銳兮,骨慄沙崗。
離家十年兮,父母生別,
妻子何堪兮,獨宿孤房。
雖有腴田兮,誰與之守,
鄰家酒熟兮,孰與之嚐。
白髮依門兮,望穿秋水,
稚子憶念兮,淚斷肝腸。
胡馬嘶風兮,尚知戀土,
人生客久兮,寧忘故鄉。
一旦交兵兮,踏刃而死,
骨肉為泥兮,衰草濠梁。
魂魄悠悠兮,枉知所倚,
壯志寥寥兮,付之荒唐。
當此永夜兮,追思退省,
及早散楚兮,免死殊方。
我歌豈誕兮,天譴告汝,
汝其知命兮,勿謂渺茫。
漢王有德兮,降軍不殺,
哀告歸籍兮,放汝翱翔。
勿守空營兮,糧道已絕,
指日擒羽兮,玉石俱傷。
楚之聲兮,散楚卒,
我能吹兮,協六律。
我非胥兮,品丹陽,
我非鄒兮,歌燕室。
仙音徹兮,通九天,
秋風起兮,楚亡日。
楚即亡兮,汝焉歸?
時不待兮,如電疾。
歌兮歌兮三百字,
字字句句有深意。
望汝莫作等閒看,
入耳關心,你們牢牢地謹記。
Cửu nguyệt thâm thu hề, tứ dã phi sương,
Thiên cao thuỷ hạc hề, hàn nhạn bi thương.
Tối khổ nhung biên hề, nhật dạ bàng hoàng,
Phi kiên chấp nhuệ hề, cốt lật sa cương.
Ly gia thập niên hề, phụ mẫu sinh biệt,
Thê tử hà kham hề, độc túc cô phòng.
Tuy hữu du điền hề, thuỳ dữ chi thủ,
Lân gia tửu thục hề, thục dữ chi thường.
Bạch phát y môn hề, vọng xuyên thu thuỷ,
Trĩ tử ức niệm hề, lệ đoạn can trường.
Hồ mã tê phong hề, thượng tri luyến thổ,
Nhân sinh khách cửu hề, ninh vong cố hương.
Nhất đán giao binh hề, đạp nhẫn nhi tử,
Cốt nhục vi nê hề, suy thảo hào lương.
Hồn phách du du hề, uổng tri sở ỷ,
Tráng chí liêu liêu hề, phó chi hoang đường.
Đương thử vĩnh dạ hề, truy tư thoái tỉnh,
Cập tảo tán Sở hề, miễn tử thù phương.
Ngã ca khởi đản hề, thiên khiển cáo nhữ,
Nhữ kỳ tri mệnh hề, vật vị diểu mang.
Hán vương hữu đức hề, hàng quân bất sát,
Ai cáo quy tịch hề, phóng nhữ ngao tường.
Vật thủ không doanh hề, lương đạo dĩ tuyệt,
Chỉ nhật cầm Vũ hề, ngọc thạch câu thương.
Sở chi thanh hề, tán Sở tốt,
Ngã năng xuy hề, hiệp lục luật.
Ngã phi Tư hề, phẩm Đan Dương,
Ngã phi Trâu hề, ca Yên Thất.
Tiên âm triệt hề, thông cửu thiên,
Thu phong khởi hề, sở vong nhật.
Sở tức vong hề, nhữ yên quy?
Thì bất đãi hề, như điện tật.
Ca hề ca hề tam bách tự,
Tự tự cú cú hữu thâm ý.
Vọng nhữ mạc tác đẳng nhàn khan,
Nhập nhĩ quan tâm, nhĩ môn lao lao địa cẩn ký.
Tiết trời cuối thu chừ, bốn phía đầy sương,
Trời cao nước cạn chừ, tiếng nhạn bi thương.
Cực người biên thú chừ, ngày đêm bàng hoàng,
Thoát gươm mắc tên chừ, sa mạc phơi xương.
Mười năm xa quê chừ, cha mẹ đau buồn,
Vợ con mong nhớ chừ, gối chiếc chăn đơn.
Đồng ruộng bỏ hoang chừ, ai người trông nom,
Xóm có rượu ngon chừ, cùng ai thưởng thức.
Tóc bạc mong con chừ, tựa cửa sớm hôm,
Trẻ khóc gọi cha chừ, nước mắt trào tuôn.
Gió bấc kia thổi chừ, ngựa Hồ nhớ chuồng,
Người xa quê hương chừ, nỡ quên xóm làng.
Một sớm giao phong chừ, thân bỏ sa trường,
Xương thịt như bùn chừ, trên bãi trong mương.
Hồn phách bơ vơ chừ, không nơi tựa nương,
Tráng khí lừng danh chừ, phó trả hoang đường.
Đêm trường canh vắng chừ, tự hỏi thiên lương,
Mau bỏ Sở tan chừ, tránh chết tha phương.
Ta vâng ý trời chừ, soạn ca thành chương,
Ai biết mạng trời chừ, xin đừng mờ màng.
Hán Vương nhân đức chừ, không giết quân hàng,
Ai muốn về quê chừ, tha cho lên đường.
Chớ giữ trại không chừ, Sở đã tuyệt lương,
Khi Vũ bị bắt chừ, ngọc đá khôn lường.
Mượn tiếng Sở chừ, khuyên quân Sở hàng,
Phổ thành điệu nhạc chừ, theo sáu cung.
Tiếng tiêu Tử Tư chừ, nơi Đan Dương,
Khúc hát Trâu Diễn chừ, tại Yên Đường.
Tiếng tiêu vang chừ, chín từng mây,
Gió thu về chừ, cuối thu này.
Sở kia mất chừ, chạy đâu đây!
Thời không đợi chừ, nhanh tựa bay.
Lời ca chừ, ba trăm chữ dài,
Câu câu chữ chữ rõ ràng thay.
Khuyên người nghe cho kỹ càng,
Chậm tính, uổng đời thân chiến binh.

"Bi ca tán Sở" tương truyền là một bài ca do Trương Lương làm hoạ theo tiếng tiêu thổi để làm tan rã quân đội Hạng Vũ. Hạng Vũ bị Hàn Tín bao vây tại Cửu Lý sơn phía bắc thành Từ Châu. Tuy lâm vào tình thế thiếu lương nguy ngập, nhưng bên cạnh còn 8 ngàn tử đệ theo từ lúc ban đầu, ở vào lúc cùng, họ quyết tử chiến mở con đường máu, thẳng về Giang Đông tu chỉnh binh mã để tiếp tục cuộc chiến đấu. Như vậy là một mối nguy cho Hán, dù có đại thắng bằng binh lực tất phải trả một giá rất đắt bằng xương máu. Vì thế, Trương Lương hiến kế là tìm cách phân tán 8 ngàn tử đệ để cô lập Hạng Vũ. Có thế mới bắt Hạng Võ được. Trương Lương liền thừa lúc đêm khuya thanh vắng, trời cuối thu lạnh lẽo, đi qua lại từ Kê Minh sơn đến Cửu Lý sơn, vừa thổi tiêu vừa hát bài ca này.

Canh khuya, đêm vắng, khí trời lạnh lẽo, lá vàng rụng bay lả tả, tiếng tiêu thâm trầm, giọng hát bi thảm đồng vọng vào dinh Sở. Ban đầu, Sở quân chỉ buồn bã than thở, nhưng sau cùng, nghe đến chừng nào thì càng cảm thấy như ruột gan tan nát, rồi nước mắt đầm đìa đoạn bàn nhau bỏ trốn. Chỉ trong một đêm, tám ngàn tử đệ cùng quân sĩ các dinh, mười phần bỏ trốn hết bảy tám.

Bài ca này một âm cao lại một âm thấp, một âm dài lại một âm ngắn, năm âm không loạn, sáu luật cùng hoà khiến anh hùng cũng phải mềm lòng, tráng khí lung lay.

                                     KHÚC ĐÂU HÁN SỞ CHIẾN TRƯỜNG
                        Chiều theo lời yêu cầu của Kim Trọng, Kiều liền cầm lấy đàn:
"So dần dây vũ, dây văn
Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương
Khúc đâu Hán, Sở chiến trường
Nghe ra tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau
Khúc đâu Tư Mã phượng cầu
Nghe ra như oán, như sầu phải chăng
Kê Khang này khúc Quảng lăng
Một rằng Lưu thuỷ, hai rằng Hành văn
Qúa quan này khúc Chiêu Quân
Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia
(Câu 471 đến 480)
            Ðây là những bản nhạc: Khúc chiến trường giữa Hán và Sở, khúc Tư Mã phượng cầu của Tư Mã Tương Như, khúc Quảng lăng của Kê Khang, khúc đi cống Hồ của Chiêu Quân. Mỗi khúc có một tính chất đặc biệt.
            Khúc "Hán Sở chiến trường"
            Tần Thuỷ Hoàng sau khi dẹp tan 6 nước: Yên, Tề, Sở, Nguỵ, Triệu, Hàn chấm dứt thời Chiến quốc (479- 220 trước DL)- cũng gọi là Thất hùng- thống nhất đất nước, lập nên nhà Tần. Nhưng vì chế độ nhà Tần quá khắc nghiệt, dân chúng nổi dậy chống lại. Trước có Trần Thắng, Ngô Quảng. Bước đầu dân nghèo chỉ chặt cây làm binh khí và dùng gậy làm cờ. Nhưng đều bị quân Tần đánh vỡ. Chỉ còn lại lực lượng của Lưu Bang ở đất Bái và hạng Võ ở đất Ngô chống cự được với quân Tần. Sau Hạng Võ đánh bại được tướng Tần là Chương Hàm ở đất Cự Lộc (tỉnh Hà Bắc), Lưu Bang thừa dịp, đem binh thẳng đến Hàm Dương (kinh đô nhà Tần) dứt được nhà Tần. Nhưng rồi qua phân làm hai nhà: Hán (Lưu Bang) và Sở (Hạng Võ) tương tranh.
            Sở Hạng Võ có tướng tài, tham mưu giỏi mà không biết dùng. Hán Lưu Bang nhờ biết dùng người nên có nhiều bực hiền tài đến phò tá, như Tiêu Hà, Hàn Tín, Trương Lương được gọi là Tam Kiệt... nên đánh thắng được Sở, lên ngôi Vua, thống nhất đất nước (206 trước DL)
            Cuộc tương tranh giữa Hán, Sở chỉ khoảng 10 năm nhưng cường độ chiến tranh lúc nào cũng khốc liệt. Cuối cùng, Sở Hạng Võ bị tướng soái của Hán Lưu Bang là Hàn Tín bao vây tại núi Cửu lý ở phía bắc thành Từ Châu. Tuy lâm vào tình thế nguy ngập, thiếu lương thảo nhưng bên cạnh vua Sở còn 8.000 tử đệ theo từ lúc ban đầu, ở vào lúc cùng, họ quyết tử chiến mở con đường máu, thẳng về Giang Ðông tức đất cũ, tu chỉnh binh mã, dựng lại thế lực để tiếp tục cuộc chiến đấu.
            Như vậy là một bất lợi cho Hán, dầu có đại thắng bằng binh lực nhưng phải trả một giá rất đắt bằng xương máu. Vì thế, Trương Lương hiến kế là tìm cách phân tán 8.000 tử đệ để cô lập Hạng Võ. Có thế cuộc chiến thắng đỡ bớt hao sinh mạng. Trương Lương liền thừa lúc đêm khuya thanh vắng của tiết cuối thu lạnh lẽo, đi qua lại từ trên núi Kê Minh đến núi Cửu lý, thổi tiêu rồi hát. Trương Lương lại tuyển quân Hán học tiếng nước Sở cho hát bài "Bi ca tán Sở" do Trương soạn lấy.
            Canh khuya đêm vắng, tiết trời lạnh lẽo, lá vàng rụng bay lả tả, tiếng tiêu thâm trầm, giọng hát ai oán gợi lòng thương nhớ gia đình cha mẹ già, vợ yếu con thơ... vọng vào dinh Sở. Quân Sở , tám ngàn tử đệ vốn người nước Sở, lìa quê nhà theo Hạng Võ nay gặp phải gian nguy, mạng sống như ngàn cân treo phải chỉ mành... nên trước chỉ buồn bã than thở, sau cùng càng thấm thía nước mắt đầm đìa, rồi bàn nhau bỏ trốn. Bên ngoài, Hàn Tín khéo léo nới rộng vòng vây để quân Sở tự do ra đi.
            Chỉ trong ba đêm, tám ngàn tử đệ cùng quân sĩ các dinh trại của Sở, mười phần bỏ trốn hết bảy, tám. Cuối cùng, Hạng Võ phải từ biệt vợ là Ngu Cơ, cùng uống chén rượu buồn, cất tiếng hát một cách tuyệt vọng:
Lực bạt sơn hề khí cái thế
Thời bất lợi hề chuy bất thệ
Chuỳ bất thệ hề khả nại hà?
Ngu hề Ngu hề khả nại hà?
    Tạm dịch:
Sức nhổ núi chừ khí hơn đời
Thời bất lợi chừ ngựa chẳng đi
Ngựa chẳng đi chừ biết làm sao?
Ngu chừ, Ngu chừ biết làm sao?
            Ngu Cơ càng cảm động, cất giọng hoà lại:
Hán binh dĩ lược địa
Tứ diện Sở ca thinh
Ðại vương ý khí tận
Tiện thiếp hà biểu sinh
    Tạm dịch:
Binh Hán chiếm lấy đất
Bốn mặt tiếng Sở kêu
Ðại vương y khí hết
Mạng sống thiếp phải liều
            Ngu Cơ cầm gươm tự tử
            Thế rồi Vua Sở Hạng Võ một người một ngựa đánh mở con đường máu, thoát khỏi vòng vây chạy đến bên sông Ô, nhưng không qua được sông, cuối cùng tự tử.
            "Khúc Hán Sở chiến trường", "tiếng sắt tiếng vàng" là tiếng những binh khí bằng kim loại va chạm nhau. Tiếng đục (sắt), tiếng trong (vàng), nghe đàn mà cảm thấy như nghe TIẾNG GƯƠM GIÁO CHẠM MẠNH, SÁT PHẠT GIỮA CHIẾN TRƯỜNG. Ý nói khúc đàn hùng tráng, rộn rã hoà hợp với tâm hồn rộn rã, tưng bừng của người gảy đàn như mở màn, chào đón một cuộc hội ngộ của đôi bạn son trẻ đắm đuối yêu nhau.
(Theo Ðiển tích Truyện Kiều- NXB Ðồng Tháp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét