Nguyễn Đắc Xuân
Trong
khai sinh cũng như trong lý lịch nhiều cháu Chúa, con vua mang họ Tôn
Thất, Nguyễn Phúc ở Huế thường ghi “chánh quán Gia Miêu Ngọai trang
Thanh Hóa”. Nhưng trong số họ ít người có cơ hội về thăm chánh quán của
mình và thậm chí cũng không ít người chưa biết cái chánh quán đó như thế
nào cả. Chánh quán của họ nhà chúa, họ nhà vua mà hậu duệ của họ còn có
người chưa biết huống chi dân bá tánh ở trên đất Cố đô nầy? Do đó, nhân
buổi đầu xuân 2009, tôi xin giới thiệu đôi nét về khu di tích gốc gác
của nhà Nguyễn ở Gia Miêu sau đây:
Đất
Gia Miêu sinh Nguyễn Công Duẩn, công thần khởi nghĩa Lam Sơn (1418 -
1427), được vua Lê Thái Tổ phong Thái bảo hoành công. Tiếp các đời con,
cháu, chắt, chút (Nguyễn Đức Trung – Nguyên Văn Lang – Nguyễn Hoằng Dụ –
Nguyễn Kim…) đều lần lượt làm đại thần trong triều.
Từ
sau đời Lê Thánh Tông (1442 - 1497), nhà Hậu Lê suy yếu dần, đến đời Lê
Chiêu Tông (khoảng 1516 - 1522) thì bị Mạc Đăng Dung tiếm quyền. An
Thanh Hầu Nguyễn Kim (con Nguyễn Hoằng Dụ) dựng cờ phò Lê diệt Mạc, lập
con vua Chiêu Tông là Lê Duy Ninh lên ngôi (Lê Trang Tông, 1533 - 1548)
khởi đầu thời Lê Trung Hưng. Nguyễn Kim (1467 - 1545) được phong làm
Thượng phụ Thái sư Hưng quốc công, mộ táng tại núi Thiên Tôn thuộc đất
Gia Miêu.
Nguyễn
Kim có ba người con. Người con gái tên Ngọc Bảo, lấy Dực quận công
Trịnh Kiểm, tức chúa Trịnh sau này. Người con trai cả là Nguyễn Uông, bị
Trịnh Kiểm sát hại. Người trai thứ là Đoan quận công Nguyễn Hoàng (1525
- 1613), tương truyền theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
“Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, xin đi trấn thủ xứ Thuận Hoá
(1558). Từ đó các chúa Nguyễn - hậu duệ của Nguyễn Kim lập ra xứ Đàng
trong mở mang đất nước từ Thuận Hoá xuống tận mũi Cà Mau. Năm 1802,
người cháu đời thứ 11 của Nguyễn Kim là Nguyễn Phúc Ánh thống nhất hai
xứ Đàng trong và Đàng ngòai thành nước Việt Nam như ngày nay. Sau khi
lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Long, vua Gia Long và các vua Nguyễn sau
đó xây dựng ở Gia Miêu một khu lăng miếu hết sức uy nghi đẹp đẽ để thờ
phụng tổ tiên.
Ngày
nay muốn đến Gia Miêu, người ta đi qua thị xã Bỉm Sơn (phía bắc Thành
phố Thanh Hóa), dọc theo quốc lộ 1A rẽ vào phía bên phải theo đường 17
khoảng 4 km là tới làng Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung (Thanh
Hoá). Ở đây có khu di tích Gia Miêu gồm: vùng núi lăng Triệu Tường là
nơi táng ông Tổ nhà Nguyễn là Nguyễn Kim, Miếu Triệu Tường thờ Nguyễn
Kim, Nguyễn Hòang (con Nguyễn Kim) và Trừng Quốc Công Nguyễn Văn Lựu
(thân sinh Nguyễn Kim) và Đình làng Gia Miêu - thờ thành hoàng Nguyễn
Công Duẩn.
Làng
Gia Miêu trước kia thuộc huyện Tống Sơn (Hà Trung ngày nay) là quê
hương gốc rể cội nguồn của Hòang tộc Nguyễn ở Thanh Hóa. Vì tính chất
thiêng liêng đặc biệt ấy nên nhà Nguyễn gọi Gia Miêu là đất Quý Hương
(tên Nôm gọi là Bái Đền), gọi huyện Tống Sơn là Quý Huyện. Khu di tích
nầy có ba địa điểm nổi tiếng:
1.
Lăng Triệu Tường.- Tên lăng chính thức là Trường Nguyên. Lăng tọa lạc
tại vùng núi Triệu Tường nên thường gọi là lăng Triệu Tường, nơi hợp
táng ông bà Nguyễn Kim (tức Triệu Tổ Tĩnh Hòang Đế và Hòang hậu triều
Nguyễn - thân sinh và thân mẫu của chúa Tiên Nguyễn Hòang). Như lịch sử
đã ghi: Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất dâng quả dưa
có thuốc độc hại ông mất vào ngày 28-6-1545, thọ 78 tuổi. Để tránh bị
các thế lực thù địch quật phá trừ diệt, họ hàng Nguyễn đã giữ bí mật nơi
táng ông và sau đó là bà chánh hậu Nguyễn Thị Mai (Triệu Tổ Tĩnh Hòang
hậu). Hơn ba trăm năm sau, khi một hậu duệ của Nguyễn Kim là Nguyễn Ánh
lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Gia Long (1802), thống nhất nước nhà,
triệt hạ hết các thế lực thù địch (họ Mạc, họ Trịnh, nhà Tây Sơn), nhà
Nguyễn mới công khai lăng mộ của ông bà Nguyễn Kim ở vùng núi ấy (1805).
Ở chân núi Triệu Tường (trước có tên Thiên Tôn) nhà Nguyễn cho xây một
sân gạch hình vuông và một nhà sắm lễ, thay quần áo để bái vọng mộ Triệu
Tổ (Nguyễn Kim). Đến năm Minh Mạng thứ ba (1822), nhà vua cho dựng ở
đây một tấm bia khắc nội dung (bản dịch) như sau: “Đất lớn chúa Thiêng
sinh ra Triệu Tổ/ Vun đắp cương thường nên nên rạng thánh võ/ Nghĩa động
quỉ thần công truyền vũ trụ/ Cõi trần rời bỏ lăng ở bái trang/ Non nước
bao bọc sấm mắt tùng xanh/ Khi thiêng nhóm họp đời đời xưng vinh/ Mệnh
trời đã giúp con cháu tinh anh/ Võ công dựng nước bèn tìm gốc nguồn/ Tuy
tôn dựng miếulăng gọi Trường Nguyên/ Tân tuy Bắc tuần đến đây dựng lại/
Trông ngắm non sôngnhớ đến gốc cõi/ Khắc chữ vào bia lưu ức vạn tài”
(NPT Thế phả, Thuận Hóa 1995, tr.97-98).
Nơi thờ vọng, nhà bia và bia ở chân núi Triệu Tường ngày hội kỷ niệm 450 năm (1558-2008) chúa Nguyễn Hòang vào Nam mở cõi.
Đến năm 1843, vua Thiệu Trị ngự chế một bài thơ và cho xây ở đây một bi đình (nhà bia).
Để
giữ bí mật huyệt mộ của ông bà Nguyễn Kim, các sử thần triều Nguyễn đã
dựng lên một huyền thọai: Ở vùng núi Triệu Tường vốn đã có một long khẩu
(miệng rồng). Đến khi vừa đưa tử cung (quan tài vua) Triệu Tổ Nguyễn
Kim vào thì bổng nhiên trời đổ xuống một trận mưa gió sấm sét dữ dội.
Người đi đưa tang hoảng sợ chạy tán lọan. Đến khi gió bão đi qua, cơn
mưa cũng tạnh mọi người trở lại thì chỉ còn thấy núi đá chi chít, cây cỏ
um tùm, không thể nào nhận ra được nơi có long khẩu chứa quan tài của
Triệu Tổ ở đâu nữa cả. Về sau có ai hỏi lăng mộ Triệu Tổ Nguyễn Kim an
táng nơi đâu, những người có trách nhiệm trả lời: “Ngài được hổ táng,
thiêng táng nên không thể biết”. Khi có tế lễ, họ tộc và các chức sắc
nhà Nguyễn cũng chỉ hướng vào vùng núi Triệu Tường mà vọng bái thôi.
Rất
tiếc, từ sau ngày nhà Nguyễn cáo chung (1945) rồi chiến tranh liên
miên, khu vực lăng Trường Nguyên không được chăm sóc, dân Mường được dồn
về đây lập nghiệp, thiếu ý thức tôn trọng di tích nên các kiến trúc xưa
bị vi phạm hầu như không còn gì. Để nhớ về nguồn cội, nhớ ơn Tiên tổ,
mới đây vào hai năm 2006-2007, dòng họ Nguyễn Phúc ở Huế đã đích thân về
đây trùng tu khôi phục lại nơi thờ vọng, bia và nhà bia ở chân núi
Triệu Tường. Khu vực lăng Triệu Tường mở ra một địa điểm du lịch sinh
thái tâm linh rất ý nghĩa.
2.
Miếu Triệu Tường.- Với các vua nhà Nguyễn, có lăng (nơi chôn) luôn có
miếu (nơi thờ) kèm theo. Đã có lăng Triệu Tường thì phải có Miếu Triệu
Tường. Lăng và miếu thường xây dựng gần nhau, cùng trong một khu vực.
Nhưng không hiểu sao, lăng Trường Nguyên (lăng Triệu Tường) táng trong
vùng núi Triệu Tường còn Miếu Triệu Tường lại xây dựng ở cánh đồng tại
thung lũng chân núi, cách khu vực lăng trên dưới 1 km, sát con đường
Thành phố Thanh Hóa đi huyện miền núi Thạch Thành. Miếu Triệu Tường thờ
gốc tổ triều Nguyễn, gồm nhiều kiến trúc bố trí trong một khu vực chu vi
đo được182 trượng, bao quanh có hồ nước và cầu gạch bắc qua, lại có hai
lớp lũy bao bọc. Lũy phía trong được xây dựng năm 1834, có 3 cửa đông,
tây, phía nam có tam quan và phía sau có hồ bán nguyệt. Lũy bên ngòai
xây năm 1835, có 4 cửa trổ theo 4 hướng. Riêng cửa phía nam có vọng lâu.
Vì thế Miếu Tường còn có tên Thành Thiên Tôn hay Thành Triệu Tường.
Không
gian bên trong thành Triệu Tường chia làm 3 khu vực: Khu vực chính ở
giữa xây Nguyên Miếu thờ Nguyễn Kim và Nguyễn Hòang. Khu vực phía đông
dựng miếu thờ Trừng Quốc Công (Nguyễn Văn Lựu-thân phụ của Nguyễn Kim),
khu vực phía tây dành làm nơi trú ngụ của các quan và gia đình hộ lăng
và trại lính canh lăng.
Không ảnh tòan cảnh miếu Triệu Tường trước năm 1945.
Dịch vụ Không ảnh Đông Dương thực hiện
Việc
thờ tự bên trong với những khí tự rất đẹp. H. Bretain -một người Pháp
có nhiều bài viết về Thanh Hóa, trong bài “Thanh Hóa đẹp như tranh” đăng
trên Revue Indochinoise (số 3-4 tháng 3-1922) cho biết: “Gian chính
giữa để thờ Nguyễn Kim. Trong một cái khám rất đẹp có để hai tấm bài vị:
Một tấm ghi mọi chiến tích của Nguyễn Kim, một tấm ghi duệ hiệu (?) của
vợ ông...Trước các bài vị có kê hai cái sập chạm rồng. Bên trái và bên
phải là hai rương quần áo thờ. Mỗi lần vua về Nguyên miếu đều cúng tế
theo đúng mọi nghi lễ qui định. Người ta trải lên bức sập trong cùng
miếu một chiếc chiếu hoa. Trên chiếu lại trải các thảm và gối, một bộ
đũa ăn cơm, một bộ đồ uống rượu, một bộ đồ chè, và những cây đèn thiếc.
Trên cái sập thứ hai cũng trải chiếu, trên có một cái kỷ thấp sơn son để
bày các món ăn. Rồi tiếp đến là hai bàn thờ. Trên bàn thờ phía trong,
những ngày có cúng kỵ, bày các mâm quả và các cây đèn bằng thiếc. Trên
bàn thờ phía ngòai bày bộ ngũ sự bằng thiếc, những lo hoa, hai con hạc
gỗ sơn son thếp vàng, hai khay bằng giấy để sau khi lễ xong thì đem đốt.
Khỏang giữa hai bàn thờ là là những cái bàn để dâng bò, dê, lợn cúng
tế. Khi nào vua đến cúng bái thì trải một chiếc chiếu trước bàn thờ
ngòai.”[1]
Đình Gia Miêu ngày nay (10-2008). Ảnh NĐX
Do chiến tranh cùng với quan điểm hẹp hòi và bệnh ấu trỉ thời bao cấp, Miếu Triệu Tường đã bị phá hủy hòan tòan.
Trong
những năm gần đây, khu di tích lăng miếu Triệu Tường đã được Bộ Văn hóa
- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) ra quyết định xếp
hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, được khai quật thám sát khảo
cổ và được chính quyền tỉnh Thanh Hóa giao cho huyện Hà Trung, xã Hà
Long phải quản lý bảo vệ, giữ gìn nguyên trạng khu vực di tích, chuẩn bị
cho khai quật khảo cổ, lập dự án quy hoạch, bảo vệ để tiến hành lập dự
án bảo tồn, tôn tạo, phục dựng, làm sống lại di tích với một vị thế xứng
tầm với di tích lịch sử cấp quốc gia, bảo đảm những giá trị tâm linh và
vẻ đẹp kiến trúc vốn có.
3.
Đình Gia Miêu.- Thờ thành hoàng của làng là Nguyễn Công Duẩn – một công
thần thời Bình ngô vệ quốc, có nhiều công trạng được vua Lê Thái Tổ
phong làm Thái Bảo Hoành Công. Đình Gia Miêu là một công trình kiến trúc
gỗ được vua Gia Long (1804) cho xây dựng để nhớ ơn tiên tổ và cũng là
một món quà cho cố hương. Bờ nóc của tiền đường được trang trí công phu,
nổi cao chính giữa nóc là hình lưỡng long chầu nguyệt rất thanh thóat.
Các bờ dải toả ra bốn góc cũng đều có hình rồng đắp nổi. Diện tích mặt
mái lớn nhưng ngôi đình trông vẫn đẹp nhẹ nhàng và thanh thoát. Phía
trong ngôi đình, kết cấu vi kèo chủ yếu là theo kiểu “chồng rường , kẻ
bẩy”. Về nghệ thuật trang trí, đình Gia Miêu là một công trình kiến trúc
– nghệ thuật to lớn, bề thế với nhiều mảng chạm khắc, trang trí cầu kỳ.
Những mảng chạm khắc này được thể hiện ở vì nóc, đầu các xà đai, kẻ
bẩy, đường diềm... Ngoài ra, còn có các linh vật như: rồng, lân, rùa,
hươu... cũng được trang trí hết sức công phu và tinh tế. Nhìn chung, với
quy mô kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc còn lại thì đình Gia Miêu được
xem như là một công trình tiêu biểu của kiến trúc thời Nguyễn ở Thanh
Hoá. Do chiến tranh và sự ấu trỉ của dân chúng địa phương thời bao cấp,
đình Gia Miêu bị vi phạm rất đáng tiếc. Đến nay Đình đã được trùng tu
phục hồi lại cái dáng vẻ uy nghi ban đầu.
Thư mục:
- Ban NC và BS Lịch sử Thanh Hóa, Tên làng xã Thanh Hóa, tập I, Nxb Thanh Hóa 2000;
- Hội đồng Nguyễn Phúc Tộc, Nguyễn Phúc Tộc Thế phả, Nxb Thuận Hóa 1995;
- Tạp chí Xưa và Nay, số 317 (10-2008)
- Tài liệu điền dã.
- Nguồn: Tập san Thông tin & Truyền thông của sở TT&TT Thừa Thiên Húe, Chào xuân Kỷ sửu 2009, tr.50-52
[1] Trích lại của Phạm Tấn, Lăng miếu Triệu Tường, Xưa và Nay, số 317 (10-2008), tr.41 và 42.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét