XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

HÀNH TRÌNH MỞ ĐẤT PHƯƠNG NAM

HÀNH TRÌNH MỞ ĐẤT PHƯƠNG NAM
Song Thuận
Tổng quát: Theo truyền thuyết, bờ cõi nước Văn Lang (bao gồm đất Bách Việt và Âu Lạc) có biên cương phía bắc từ dãy núi Ngũ Lĩnh (Động Đình Hồ) tới phía nam  giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành, nay là Quảng Nam), phía đông giáp biển Nam Hải và phía tây giáp nước Ba Thục. (1)
  Vị trí nước Văn Lang (Âu Lạc & Bách Việt) thời nhà Tần
                                (Trích VNSL - Trần Trọng Kim)
Nước Văn Lang được thành lập từ thời Hùng Vương thứ nhất, thay thế nước Xích Quỷ (2879 TCN - Trước Công Nguyên) của Kinh Dương Vương, tương đương với thời “Tam Hoàng Ngũ Đế” bên Tàu (2900 TCN). Vào thời đó, Thần Nông (2) có thể là một nhà thông thái ở miền Nam nước Tàu ngày nay, đã dạy dân tộc Việt (3) và cư dân trong vùng cách cầy ruộng, trồng lúa (đặc biệt là lúa nước), và tìm được nhiều cây để trị bệnh.
Tam Hoàng trong lịch sử cổ đại Trung Hoa gồm có:  Hoàng Đế (người tạo ra ra nền văn minh Trung Hoa), Thần Nông (dạy dân cách cầy ruộng, trồng lúa và và tìm được nhiều cây để trị bệnh) và Phục Hi hay Thái Hạo (người đặt ra bát quái, căn bản của Kinh Dịch). Có nhiều thuyết về Tam Hoàng và Ngũ Đế. Cũng vì Thần Nông có thể là một nhân vật miền Nam, nên các nhà viết sử Trung Hoa không thống nhất ý kiến, khi thì nhận Thần Nông là một trong Tam Hoàng khai sáng nước Trung Hoa, khi thì hạ Thần Nông xuống hàng Ngũ Đế (sau Tam Hoàng). Tuy nhiên, dù ở địa vị nào, Thần Nông cũng được coi là một trong những vị vua khai sáng ra nên văn minh Trung Hoa. Nước Văn Lang bị đổi tên thành Âu Lạc sau khi Thục Phán đánh bại vua Hùng thứ 18 vào năm 257 TCN. “Hùng Vương thua chạy, nhẩy xuống giếng mà tự tử” (4).
Thời kỳ Thục Phán tức An Dương Vương làm vua nước Âu Lạc (257 TCN) tương đương với thời nhà Tần (221-206 TCN) thống nhất nước Trung Hoa trong sử Tàu. Nhà Tần do Tần Thủy Hoàng làm vua đã tiêu diệt 6 nước (lục quốc trong thất hùng): Hàn (-230), Triệu (-228), Nguỵ (-225), Sở (-223), Yên (-222), và Tề (-221).
Nhà Tần (221-206 TCN) đánh lấy đất Bách Việt (5) và Âu Lạc vào năm 214 TCN, sau khi
nước Tần đã thống nhất thiên hạ. Năm 207 tr. TL, nhà Triệu (207-111 TCN) do Triệu Đà (ngưòi nước Triệu) bị nhà Tần tiêu diệt năm 228 TCN, phải di cư xuống miền Nam và cưới vợ người Việt tên là Trình Thị) (6) đã đánh bại An Dương Vương, lập ra nước Nam Việt (nước của người Việt ở phía Nam nước Tàu), đóng đô tại Phiên Ngung (tỉnh Quảng Đông ngày nay). Nước Nam Việt rộng tương đương với nước Văn Lang trong truyền thuyết. Năm 111 trước TL, vua nhà Tiền Hán (206 TCN-25 SCN) (Tây Hán – kinh đô tại Tràng An nay là Tây An do Hán Cao Tổ Lưu Bang sáng lập), là Hán Vũ Đế (156 TCN - 87 TCN)  sai Phục Ba tướng quân Lộ Bác Đức và Dương Bộc đem quân sang xâm lăng Nam Việt và mở đằu thời kỳ
“Bắc thuộc lần thứ nhất” kể từ năm 111 TCN.
Năm 40 TL, Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định và quân Đông Hán, giành độc lập dân tộc được 3 năm. Thời kỳ này tương đương với nhà Hậu Hán do Hán Quang Vũ làm vua (Nhà Hậu Hán còn gọi là Đông Hán vì dời đô từ Tây An tới Lạc Dương ở phía Đông). Năm 43 , Vua Quang  Vũ sai Mã Viện sang đánh Hai Bà Trưng, lập lại thời kỳ Bắc thuộc (lần 2). Đối chiếu với Sử Tàu, sau khi Nhà Đông Hán (25-220) mất ngôi, nước Tàu chia ra 3 nước (Tam Quốc (220-265): Bắc Nguỵ, Tây Thục, Đông Ngô. Giao Châu thuộc Đông Ngô. Ngô Tôn Quyền là người đầu tiên tách các châu quận từ Hợp Phố vế phía Bắc gọi là Quảng Châu. Từ Hợp Phố về phía Nam là Giao Châu. Sau, nhà Ngô lại hợp lại thành Giao Châu. Giao Châu thời Đông Ngô (Tam Quốc) (Trích VNSL - Trần Trọng Kim) Thời kỳ nhà Ngô (7) đô hộ nước ta, bà Triệu Thị Trinh ở Cửu Chân đã nổi lên đánh thứ sử Giao Châu Lục Dận (năm 248). Đến năm 264, vua nhà Ngô chính thức lấy đất Nam Hải (Quảng Đông), Thương Ngô và Uất Lâm (Quảng Tây) làm Quảng Châu và lấy đất Hợp Phố (Quảng Đông), Giao Chỉ, Cửu Chân
và Nhật Nam (Bắc phần và mấy tỉnh Trung phần Việt Nam làm Giao Châu –(Theo tài liệu Wikipedia, sau khi Mã Viện đánh bại Hai Bà Trưng, quân Hán chỉ vào đến đèo Ngang – Không kiểm soát được Nhật Nam).  Sau nhà Đông Ngô, nhà Tấn cai trị Giao Châu. Nhà Tấn suy yếu, 18 nước nổi lên xưng
vương  thành ra loạn Ngũ Hồ. Đến năm 420, nước Tàu chia thành Nam Bắc Triều. Giao Châu
phụ thuộc Nam Triều (gồm có Tống, Tề, Lương). Nhà Tống và Tề lần lượt mất ngôi, nhà Lương lên nắm quyền, sai Tiêu Tư sang làm thứ sử Giao Châu. Năm 541 Lý Bôn  (Lý Bí, dòng dõi người Tàu) nổi lên đánh đuổi thứ sử Giao Châu là Tiêu Tư, lên làm vua năm 544, xưng là Nam Việt Đế (nghĩa là vua nước Nam Việt, nhưng lại đặt tên nước là Vạn Xuân). Thời kỳ Lý Bôn Khởi Nghĩa tương đương với năm Đại Đồng  thứ 7 đời vua Vũ Đế nhà  Lương (Vũ Đế là miếu hiệu, tên gọi sau khi vua chết).
Trong khi Lý Phật Tử (Hậu Lý Nam Đế) (571- 602) làm vua nước Vạn Xuân ở Nam Việt, bên Tàu nhà Tùy thống nhất được Nam Bắc, bèn cử Lưu Phương đem quân sang đánh Nam Việt. Lý Phật Tử đầu hàng, Giao Châu lại thuộc nhà Tùy (589-617) bên Tàu. Đây là thời kỳ Bắc thuộc lần 3, kéo dài 336 năm. Bên Tàu, sau khi nhà Tùy mất ngôi, nhà Đường (618-907) lên thay, đã chia Giao  Châu làm
12 châu, 59 huyện và đặt ra “An Nam Đô Hộ phủ” để cai trị. “Đô Hộ” theo Trần Trọng Kim là
một chức quan, và nước ta có tên gọi là An Nam từ đó. Ở phía nam Giao Châu có nước Lâm Ấp khá hùng mạnh, dân chúng nguồn gốc Mã Lai (?), theo văn minh Ấn Độ, được thành lập từ thế kỷ thứ 2. Khoảng cuối thế thứ 8, Chư Cát Địa lên làm vua Lâm Ấp, đổi tên nước là Hoàn Vương quốc. Năm 808, quan Đô hộ Trương Chu của nhà Đường đem binh thuyền sang đánh, giết hại rất nhiều người. Vua Hoàn Vương lui về phía nam (Quảng Nam, Quảng Ngãi) và đổi tên nước là Chiêm Thành (VNSL - Trần Trọng Kim, tr. 61).
Năm 907, nhà Đường mất ngôi, nhiều nhà (như Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu) tranh nhau làm vua, sử Tàu gọi là thời Ngũ Quí hay Ngũ Đại (907-959).  Nhân “bên Tàu có loạn”, bên ta họ Khúc nổi lên, khởi đầu là Khúc Thừa Dụ (906-907) được dân đề cử làm Tiết Độ Sứ cai trị Giao Châu và được nhà Đường đang suy yếu chấp nhận cho ông làm Tĩnh Hải ( Giao Châu) Tiết Độ Sứ.  Khúc Thừa Dụ giao quyền cho con là Khúc Hạo (907-917). Khúc Hạo là người tài giỏi, thiết lập được nền móng độc lập cho Giao Châu. Năm 917 Khúc Hạo mất, giao quyền cho con là Khúc Thừa Mỹ (917-923). Đối chiếu với sử Tàu, sau khi nhà Đường mất ngôi, nhà Hậu Lương phong cho Lưu Ẩn làm Tiết Độ Sử Quảng Châu và Tĩnh Hải (Giao Châu) (ý đồ giành lại Giao Châu). Lưu Ẩn ở Quảng Châu đóng tại Phiên Ngung được 4 năm thì mất, giao quyền cho em là Lưu Cung (còn gọi là Lưu Nham). Lưu Cung không phục nhà Hậu Lương, bèn xưng Đế và  đặt tên nước là Nam Hán.  Nhân vì Khúc Thùa Mỹ thần phục nhà Hậu Lương, không theo Nam Hán nên Lưu Cung
tức giận, sai tướng Lý Khắc Chính  đem quân sang đánh Giao Châu, bắt được Khúc Thừa Mỹ. Lý Khắc Chính cùng với Thứ Sử Giao Châu Lý Tiến lại cai trị Giao Châu. Năm 931, Dương Diên Nghệ (còn gọi Dương Đình Nghệ), tướng của Khúc Hạo nổi lên đánh đuổi Lý Tiến  và Lý Khắc Chính về Tàu, rồi tự xưng làm Tiết Độ Sứ. Được 6 năm, Dương Diên Nghê bị người Nha Tường là Kiều Công Tiễn sát hại và đoạt uy quyền. 
Năm 938 Ngô Quyền là tướng của Dương Diên Nghệ, đem quân đánh  Kiều Công Tiễn, báo thù cho chúa. Kiều Công Tiễn bèn cầu cứu Nam Hán đem quân sang xâm phạm Giao Châu.  Ngô Quyền dùng mưu, cắm cọc nhọn bọc sắt ở lòng sông Bạch Đằng,  đánh tan quân Nam Hán và bắt được thái tử Hoàng Tháo mang giết đi. Từ đó Lưu Cung sợ hãi không dám gây hấn nữa. Nhờ Ngô Quyền, nước ta giành được quyền tự chủ từ đó.  Sau khi Ngô Quyền mất (năm 944) là loạn 12 sứ quân (945-967). Thời gian Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, bên Tàu Triệu Khuông Dận thống nhất nước Trung Hoa tức vua Thái Tổ nhà Tống (960-1279). Năm 970, nhà Tống chiếm được Nam Hán (970). Anh hùng, danh nhân mở đất phương Nam Cho tới năm 939, anh hùng Ngô Quyền đánh đuổi giặc Nam Hán, lên ngôi Vương và giành được quyền tự chủ đất nước, lãnh thổ nước ta lúc đó chỉ còn lại đất Bắc Việt và một phần phía bắc đất Trung Việt (thời Bắc thuộc gọi là Giao Châu hay Tĩnh Hải) từ Lạng Sơn đến Đèo Ngang ngày nay. Cuộc Nam tiến bắt đầu từ năm 1069. Rất nhiều anh hùng, danh nhân đã có công mở đất phương Nam. Sau đây là một số tiêu biểu:
1- Vua Lý Thánh Tông (1054-1072)
(Tượng Lý Thánh Tông tại Văn Miếu Quốc Tử Giám -  Nguồn Wikipedia):
Thái tử Lý Nhật Tôn (con vua Lý Thái Tông) sinh 25 tháng 2 Quý Hợi (1023), lên ngôi năm 1054 (vị vua thứ 3 triều Lý), là một ông vua tài giỏi, văn võ song toàn lại có lòng nhân từ, thương dân kể cả tù nhân. Ngài có nhiều công trạng như: đổi tên nước là Đại Việt (1054), đánh quân Tống để giữ biên thùy Lạng Châu (Lạng Sơn) (1060), xây Chùa và Văn Miếu mở đường văn học và thi cử lấy nhân tài (1070), tổ chức quân đội khiến nước Tống phải bắt chước (8) và nhất là khởi đầu cuộc “Nam tiến”, mở đất phương Nam… Mùa xuân Kỷ Dậu 1069, vua Lý Thánh Tông chiến thắng Chiêm Thành (9), bắt được vua Chiêm là Chế Củ. Vua Chiêm xin dâng đất 3 châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính để chuộc tội. Các châu ấy nay ở địa hạt tỉnh Quảng Bình và bắc Quảng Trị, từ đèo Ngang tới phía bắc
Quảng Trị ngày nay. Lý Thánh Tông làm vua 17 năm, mất tháng 1 năm Nhâm Tý (1072), thọ 50 tuổi (theo Trần Trọng Kim).
Nguyên nhân cuộc Nam tiến: Trần Trọng Kim (Việt Nam Sử Lược) cho biết: “nước Chiêm Thành hay sang quấy nhiễu, ngài (Thánh Tông) thân chinh đi đánh”. Thật ra, nước Chiêm Thành đã có ý gây hấn với nước Đại Cồ Việt từ thời vua Lê Đại Hành (980-1009) lên ngôi. Nước Chiêm đã bắt giam sứ giả của Đại Cồ Việt khi Đại Cồ Việt bị nhà Tống xâm lăng. Năm 982 vua Lê Đại Hành (980-1005) thân đi đánh Chiêm Thành chiếm kinh đô nước Chiêm (Vương triều Parames'varavarman I, ta gọi là Ba Mỹ Thuế, vùng Quảng Nam ngày nay?). Lê Đại Hành chém Ba Mỹ Thuế tại trận,  bắt được nhiều ca kỹ và cho đào kênh sửa đường đến nước Chiêm. Trước đó, vào năm 1044, vua Lý Thái Tông đã đánh phá Chiêm Thành vì nước này không chịu thông sứ và hay quấy nhiễu mặt bể. Vua Thái Tông chiếm thành Phật Thệ (nay thuộc tỉnh Thừa Thiên), bắt được Vương Phi nước Chiêm là Mỵ Ê (Trên đường về, vua Lý Thái Tông cho đòi Mỵ Ê qua hầu, nhưng nàng giữ tiết đã nhẩy xuống sông tự tử) (10). Từ khi vua Lý Thánh Tông bình Chiêm và được vua Chiêm Thành Chế Củ dâng đất, nước Đại
Việt đã mở rộng thêm từ Đèo Ngang (11) vế phương Nam tới phía bắc Quảng Trị. Ngày nay trên quốc lộ 1A, cách cây số 0 ở Ải Nam Quan - cửa Hữu Nghị - vào khoảng 750 km.
2- Công Chúa Huyền Trân (1287 - 1340)
 Tượng công chúa Huyền Trân tại Huế - Nguồn: Wikipedia.
Tiểu sử và công lao: Công chúa Huyền Trân sinh năm 1287, là con gái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308), em gái vua Trần Anh Tông (1276-1320). Thượng Hoàng Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con năm 1293, lên làm Thái thượng Hoàng. Năm 1301, nhận lời mời của vua Chiêm Chế Mân, Thượng Hoàng sang Chiêm Thành du ngoạn 9 tháng và hứa gả con gái là công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Sau đó, Chế Mân sai sứ sang Đại Việt hỏi việc hôn lễ, nhưng triều thần phản đối chỉ có Văn Túc Vương Đạo Tái và Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung tán thành. Năm 1306 vua Chiêm Chế Mân dâng đất hai châu Ô, Lý làm quà dẫn cưới (12), vua Trần Anh Tông đồng ý gả Huyền Trân về làm Hoàng Hậu nước Chiêm. Dân Đại Việt,  nhất là những
triều thần chống đối việc gả bán, coi đây là một việc làm đáng xấu hổ.  Đối với Huyền Trân, đây là nỗi buồn day dứt, tình nhà nợ nước đôi đường ngổn ngang (13).…Vua Trần Anh Tông đổi châu Ô là Thuận Châu (nay là nam Quảng Trị) và châu Lý là Hóa Châu (nay là tỉnh Thừa Thiên). Huyền Trân qua làm dâu nước Chiêm dược 1 năm, đến tháng 5 năm 1307, vua Chế Mân qua đời. Sợ Hoàng Hậu Huyền Trân phải lên giàn hỏa “tuẫn táng” theo tục người Chiêm, vua Trần Anh Tông đã sai Trần Khắc Chung đem thuyền sang cứu Huyền Trân. Việc giải cứu Huyền Trân bị coi là hành vi bất tín đối với nước Chiêm, khiến dân Chiêm nổi lên đòi lại đất và đánh phá Đại Việt nhiều lần. Huyền Trân xuất gia đi tu năm 1309, pháp danh Hương Tràng, và mất tại chùa Nộm Sơn (Quảng Nghiêm Tự) vào ngày 9 tháng Giêng năm Canh Thìn (1340). Dân chúng Đại Việt tôn kính và biết ơn bà nên tôn là “Thần Mẫu”. Hiện nay có  nhiều đền thờ Huyền Trân tại nhiều nơi.
Nguyên nhân cuộc hôn nhân và kết quả “Nam tiến” lần hai: Từ thời nhà Lý (Lý Thái Tổ tức Lý Công Uẩn), triều đình nước Đại Việt đã có lệ gả công chúa cho các Tù Trưởng (sắc tộc thiểu số) ở biên thùy để tạo liên hệ huyết thống vương triều, với mục đích dùng các phò mã làm phên dậu che chắn biên cương. Thí dụ sách Việt Sử Lược, trang 78 có chép: “Năm 1029 cho Châu mục Lạng Châu là Thân Thiệu Thái lấy công chúa Bình Dương (Lạng Châu nay thuộc về Nam Lạng Sơn). Lạng Châu có Động Giáp ở phía Nam ải Chi Lăng rất to, chúa động họ Giáp, sau đổi ra họ Thân, ba đời làm phò mã. Thân Thiệu Thái là con Thân Thừa Qúy. Thừa Qúy nguyên là họ Giáp, làm tù trưởng Động Giáp”. (nguồn trích từ Facebook - Họ Thân ở Bắc Giang).
Thái Thượng Hoàng Nhân Tông sang chơi Chiêm Thành với tư cách là một Thiền Sư (sau này lập ra phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, lấy pháp hiệu là Đầu đà Hoàng Giác Điếu Ngự) do lời mời của vua Chiêm Chế Mân. Thiền Sư được vua Chiêm và triều đình tiếp đón rất nồng hậu. Có lẽ nghĩ đến tình giao hảo giữa hai nước Chiêm Việt, đã liên kết đánh thắng quân Nguyên Mông xâm lăng vừa qua, nên Nhân Tông đã hứa gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Đây là sách lược “hòa thân” dùng mỹ nhân thay chiến tướng để giữ yên biên cương rất hữu hiệu của nhà Lý và nhà Trần. Chế Mân (Jaya Sinhavarman III) theo sử Chiêm là một ông vua anh minh, có tài thao lược, lại thương dân và hiếu hòa, nên được nhân dân rất tôn trọng. Trong cuộc chiến tranh chống quân Nguyên,  Chế Mân đã liên kết với Đai Việt tạo nhiếu chiến  thắng và trở thành anh hùng nước Chiêm. Riêng về hành động dâng đất Chiêm cho Đại Việt, thật là điều khó hiểu đối với dân Chiêm. Có lẽ vùng đất từ Nam Quảng Trị (châu Ô) tới tỉnh Thừa Thiên - Huế (châu Lý) gần sát với các châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chánh mà xưa kia vua Chế Củ đã dâng cho Đại Việt (thời vua Lý Thánh Tông) và dân Chiêm đã bỏ đi sang bên kia đèo Hải Vân về phía nam? Dân Đại Việt có lẽ đã sống đông đảo, trà trộn với dân Chiêm ở vùng Ô, Lý, cho nên trên danh nghĩa vua Chế Mân dâng đất cho Đại Việt, nhưng trên thực tế, vùng đất này đã có nhiều dân Đại Việt sinh sống rồi? Sau khi được Chế Mân chính thức giao đất 2 châu Ô Lý, nước Đại Việt đã tiến sâu về phía Nam, tới đèo Hải Vân, cách Ải Nam Quan gần 900 km.
3- Vua Lê Thánh Tông (1442-1497):
  Tượng đồng Lê ThánhTông  (h. trên Internet)
Tiểu sử và chiến công: Bình Nguyên Lê Tư Thành (Lê Tạo), sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442), con thứ tư vua Lê Thái Tông lên nối ngôi vua năm 1460. Thánh Tông là một ông vua thông minh, một nhà văn hóa tài giỏi, rất có hiếu với mẹ và biết trọng hiền đãi sĩ. Trong thời gian làm vua, ông đã cải thiện nhiều việc quan trọng như: Cai Trị, Thuế Khóa, Canh Nông, Xã Hội (lập nhà Tế Sinh), Luật Pháp (bộ Luật Hồng Đức), sửa đổi Phong Tục, Văn Học (Đại Việt Sử Ký, Thi cử…), dẹp loạn và mở rộng đất đai. Năm 1470, vua Chiêm là Trà Toàn cầu viện nhà Minh và đánh phá Hóa Châu (nay là tỉnh Thừa Thiên -Huế). Vua Lê Thánh Tông thân chinh mang 20 vạn quân sang đánh Chiêm Thành. Vua cho  tập trung quân tại Thuận Hóa (vùng đất Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế),  tập luyện binh sĩ và sai người lén sang vẽ địa đồ nước Chiêm rồi tiến quân đánh lấy cửa Thị Nại (Bình Định) (14). Trà Toàn là vua Chiêm chống giữ không nổi, thua chạy về giữ kinh thành Đồ Bàn (Chà Bàn) (15). Quân ta phá tan thành, bắt được Trà Toàn. Sau chiến thắng, vua Thánh Tông muốn làm cho nước Chiêm Thành yếu đi, mới chia nước Chiêm ra 3 nước nhỏ, phong làm 3 vua: Một nước gọi là Chiêm Thành (Phan Lung - Phan Rang nay thuộc Bình Thuận - Tỉnh Thuận Hải), một nước là Hoa Anh (Hóa Anh, vùng đất Phú Yên, Khánh Hòa), và một nước nữa là Nam Ban (Nam Phan, nay là Gia Lai, Công Tum, Đắc Lắc). Còn đất Đồ Bàn , đất Đại Chiêm và đất Cổ Lũy (16) thì vua Lê Thánh Tông lấy để lập thêm Đạo Quảng Nam (đạo thứ 13 gồm  Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định  ngày nay).  Như vậy, sau khi tiến công vào đất Chiêm, cuộc Nam tiến do vua Lê Thánh Tông cầm quân đánh thành Đồ Bàn năm 1471, lãnh thổ Đại Việt đã vượt qua đèo Hải Vân (17) tới đèo Cù Mông (18) (giữa Phú Yên và Bình Định), cách Ải Nam Quan khoảng 1300 km.. 
4- Các chúa Nguyễn có công mở đất phương Nam (Trích Tuyển Tập Thi Nhạc Vịnh Sử Việt Nam - Nhiều tác giả- do CLB/HSV xuất bản năm 2007): Các chúa Nguyễn có công khai khẩn đất Miền Nam, mở rộng lãnh thổ về phương Nam đến tận mũi Cà Mâu. Các chúa Nguyễn tiêu biểu là:
- Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1600-1613): Năm 1611, đánh Chiêm lấy đất lập ra phủ Phú Yên.
- Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687): Năm 1653 sai tướng đi đánh Chiêm, vượt qua đèo Cả (19), lấy đất từ sông Phan Lang trở ra và sai quan đem quân sang đánh ở Mỗi Xuy (Biên Hòa).
- Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725): Năm 1693 lấy hết đất Chiêm còn lại, đổi làm Thuận Phủ. 
Bối cảnh lịch sử thời chúa Nguyễn Nam Triều, Bắc Triều (1527-1592)
Nhà Lê truyền từ Lê Thái Tổ (1428-1433) đến Lê Cung Hoàng (1522-1527), được 10 đời vua kéo dài 99 năm, thì bị Mạc Đăng Dung chiếm ngôi. Năm 1527 Mạc Đăng Dung giết vua Cung Hoàng và bắt các quan trong triều thảo chiếu truyền ngôi cho Nhà Mạc. Họ Mạc làm vua từ năm 1527 đến năm 1592 (đời vua Mạc Mậu Hợp) truyền được 5 đời, trong 65 năm thì phải rút về Cao Bằng. Nhờ Nhà Minh can thiệp, lại tiếp tục hùng cứ ở vùng đất biên giới Hoa Việt (Cao Bằng), đến năm 1667 mới dứt hẳn. Sử gọi Nhà Mạc là Bắc Triều. Họ Nguyễn (Nguyễn Kim) và họ Trịnh (Trịnh Kiểm) giúp Nhà Lê Trung Hưng (còn gọi là Nhà Hậu Lê) ở vùng Thanh Hóa, lập con út vua Chiêu Tông lên làm vua, tức Lê Trang Tông (1533-1548), truyền được thêm 17 đời, đến Lê Chiêu Thống (1786-1788) mới chấm dứt. Như vậy, tổng cộng trước sau Nhà Lê truyền được 354 năm, với 27 đời vua (6 năm không có vua Lê, từ 1527 đến 1533 là thời gian Mạc Đăng Dung mới chiếm ngôi). Sử gọi nhà  Lê Trung Hưng ở giai đoạn đánh nhau với họ Mạc là Nam Triều.
Trịnh Nguyễn Phân Tranh
Họ Trịnh và họ Nguyễn sau khi giúp nhà Lê Trung Hưng, đều xưng Vương tục gọi là Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn ở miền Nam (20), Chúa Trịnh ở miền Bắc, cùng lấy tiếng phò Lê, nhưng lại nắm hết binh quyền. Vua Lê chỉ ngồi làm vì. Chúa Trịnh và chúa Nguyễn lấy ranh giới là sông Linh Giang (sông Gianh), hai bên đánh nhau 7 lần trong vòng 45 năm, khiến dân chúng hai miền đều phải chịu cực khổ, tổn thất về sinh mạng, tài sản không biết bao nhiêu mà kể. 
Lấy Hết Đất Chiêm Thành
• Năm 1611 Đoan Quận Công  Nguyễn Hoàng (1600-1613) còn gọi là Chúa Tiên, đánh Chiêm lấy đất lập ra phủ Phú Yên (21)
• Chúa Nguyễn Hoàng mất, Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) còn gọi là Chúa Sãi, được nối nghiệp, có tướng giỏi là ông Đào Duy Từ phò tá. Vợ Nguyễn Phúc Nguyên là con gái Mạc Kính Điển sinh được 5 con trai và 3 cô gái là Ngọc Liên, Ngọc Vạn và Ngọc Khoa (22).
• Năm 1653 Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) sai tướng đi đánh Chiêm, lấy đất từ sông Phan Lang trở ra, vượt qua đèo Cả, cách Ải Nam Quan trên 1528km..
• Năm 1693 chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) gọi là Quốc Chúa lấy hết đất Chiêm còn lại, đổi làm Thuận Phủ; lại bắt người Chiêm phải đổi y phục như người Việt Nam. Đến năm 1697 chúa Nguyễn lấy Phan Lý (Phan Rí), Phan Lang (Phan Rang) làm huyện Yên Phúc và Hòa Đa. Từ đó nước Chiêm Thành mất hẳn. Tháp Chàm Quy Nhơn
Lấy Đất Thủy Chân Lạp
•  Cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn kéo dài, khiến dân Việt phải chịu đói khổ, nhiều người bỏ vào khai khẩn đất ở vùng Mỏ Xoài (Bà Rịa) và vùng Đồng Nai (Biên Hòa) thuộc Chân Lạp.
• Năm 1658 chúa Hiền tức Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) sai quan đem 3000 quân sang đánh ở Mỗi Xuy (Biên Hòa), bắt được vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân (Ang-Chan), nói phải triều cống và bênh vực người Việt làm ăn ở bên đó.
•  Năm 1674, Nặc Ông Đài (Ang-Chei) đi cầu viện nước Tiêm La để đánh Nặc Ông Nộn
(Ang-Non). Ông Nộn sang cầu cứu Chúa Nguyễn xin đem quân đánh Ông Đài, phá được đồn Sài Gòn rồi vây thành Nam Vang. Nặc Ông Đài thua chạy vào chết trong rừng, Nặc Ông Thu (Ang Sor) ra hàng. Chúa Nguyễn lập Nặc Ông Thu làm quốc vương chính (vì là dòng con trưởng), và Nặc Ông Nộn làm đệ nhị quốc vương đóng ở Sài Côn (Sài Gòn), hàng năm phải triều cống.
•Năm 1679, một số các quan nhà Minh như Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên...không muốn làm tôi nhà Thanh, đem 3000 quân và 50 thuyền sang xin làm dân Việt. Chúa Hiền cho họ vào khai khẩn đất Chân Lạp, và lập thành phường phố ở vùng Đông Phố (Gia Định), Lộc Dã (Đồng Nai, Biên Hòa), và Mỹ Tho (Định Tường).
• Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) sai ông Nguyễn Hữu Kính (Cảnh) làm kinh lược đất Đồng Nai, chia Đông Phố (Gia Định) ra làm dinh, huyện: Đồng Nai là huyện Phúc Long (Phước Long), Sài Gòn là huyện Tân Bình, đặt Trấn Biên Dinh (Biên Hòa), Phan Trấn Dinh (Gia Định), sai quan vào cai trị. Những người Tàu ở Gia Định lập ra xã Minh Hương. (Như vậy, thành phố mang tên Sài gòn, được thành lập từ năm 1698)
•  Mạc Cửu là người khách ở Quảng Đông sang mở sòng bài tại Sài Mạt rồi lập ra 7 xã gọi là Hà Tiên, được chúa Nguyễn phong làm Tổng Binh. Mạc Cửu mất, con là Mạc Thiên Tứ được nối nghiệp cai quản đất Hà Tiên, đã đắp thành, mở chợ, làm đường và rước thầy về dạy Nho học.
•  Năm 1729 Chúa Nguyễn đặt sở Điều Khiển ở Gia Định, lấy cớ quân Chân Lạp hay sang quấy nhiễu.
•  Năm 1755 Nặc Nguyên bị tướng chúa Nguyễn đánh, chạy sang Hà Tiên, nhờ Mạc Thiên Tứ, xin dâng hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp để chuộc tội và xin cho về nước. Ông Nguyễn Cư Trinh hiến kế sách “Tầm Thực”, nghĩa là nên lấy dần dần như con tầm ăn lá dâu. Sau lại được cháu Nặc Nguyên là Nặc Tôn dâng Tầm Phong Long để tạ ơn. Chúa Nguyễn cho về nước làm vua. Nặc Tôn cũng dâng 5 phủ Hương Ức, Cần Bột, Trực Sâm, Sài Mạt và Linh Quỳnh để tạ ơn Mạc Thiên Tứ. Chúa Nguyễn cho sát nhập vào trấn Hà Tiên để Mạc Thiên Tứ cai quản. Vậy,“Lục Tỉnh” chính là 6 tỉnh miền Nam Việt Nam, xưa kia là đất Thủy Chân Lạp, do công lao người Việt khai khẩn và được các vị vua Chân Lạp dâng hiến cho Chúa Nguyễn.  Phủ Chúa Trịnh thế kỷ 17 (S. Baron)
5- Công Nương Ngọc Vạn (Nguyễn Phúc Ngọc Vạn): Không rõ năm sinh, năm mất, là con gái thứ hai của chúa sãi Nguyễn Phúc Nguyên. (1613-1635). Theo Nguyễn Phúc tộc Thế phả được xuất bản tại Huế (1995) (nguồn Wikipedia), năm Canh Thân 1620, Ngọc Vạn được chúa Nguyễn gả cho vua Chân Lạp Chey Chetta II (ở ngôi 1618-1628) và trở thành Hoàng Hậu Chân Lạp, với mục đích giao hảo hai nước để “Đàng Trong” rảnh tay đối phó với “Đàng Ngoài”  (Bắc Việt Nam) do chúa Trịnh đang nắm quyền cai trị. Vua Chân Lạp cũng muốn dựa vào thế lực chúa Nguyễn để đối phó với Xiêm La đang khống chế Chân Lạp. Nhờ sự giao hảo này, triều đình các chúa Nguyễn lập được phòng thu thuế ở Sài Gòn, và những người Việt sang vùng Mỏ Xoài, Bà Rịa từ trước được Chân Lạp chấp nhận, yên ổn làm ăn. Bù lại, các chúa Nguyễn cũng đem quân giúp Chân Lạp chống lại quân Xiêm.
6- Danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700): 


 Chân dung Nguyễn Hữu Cảnh  (Nguồn Wikipedia)
Nguyễn Hữu Cảnh (Nguyễn Hữu Kính) dòng dõi danh nhân Nguyễn Trãi, ông nội người làng Gia Miêu (Thanh Hóa), theo chúa Nguyễn Hoàng di cư vào Thuận Hóa, cha là danh tướng Nguyễn Hữu Dật. Ông sinh năm 1650 tại Quảng Bình, là danh tướng của chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), được phong tước  Lễ Thành Hầu, chức Chưởng Binh. Năm 1692, ông được phong làm Thống Binh đánh đuổi Chiêm Thành tại Diên Khánh và làm trấn thủ dinh Bình Khương (Bình Khang – Khánh Hòa, Ninh Thuận). Năm 1698, ông được chúa Nguyễn Phúc Chu cử làm Thống Suất, kinh lược xứ Đồng Nai. Ông ở tại Cù Lao Phố (Biên Hòa), lấy đất Nông Nại lập ra Gia Định phủ, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, lập dinh Trấn Biên (Biên Hòa), và dinh Phiên Trấn (Gia Định). Ông chiêu mộ lưu dân ở miền Trung vào Nam, lập phường, ấp, xã, thôn… Con cháu người Hoa ở nơi Trấn Biên thì lập thành xã Thanh Hà, ở nơi Phiên Trấn (Gia Định) thì lập thành xã Minh Hương. Năm 1699, ông đánh tan quân do Nặc Ông Thu cầm đầu tấn công Đại Việt. Ông mất năm 1700, hưởng dương 51 tuổi. Dân chúng lập nhiều đền thờ  để tưởng nhớ công ơn danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh, như tại Biên Hòa, Long Xuyên, Châu Đốc… Ở An Giang có Cù Lao Ông Chưởng. Ở thủ đô Nam Vang (Cao Miên) cũng có đền thờ.
7- Danh tướng Nguyễn Cư Trinh (1716-1767):  Quê huyện Hương Trà (Thừa Thiên – Huế), tổ tiên họ Trịnh, cha ông được mang quốc tính họ Nguyễn dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Nguyễn Cư Trinh vừa là danh tướng, vừa là danh sĩ thời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát và Định Vương Nguyễn Phúc Thuần. Năm 1740, ông thi đỗ Hương Tiến (Hương Cống, Cử  nhân), được bổ làm Tri Phủ Triệu Phong (Quảng Trị),  sau làm đến Thượng Thư bộ Lại Kiêm Tào Vận Sứ, tước Nghi Biểu Hầu. Ông thường liên lạc xướng họa với Mạc Thiên Tứ ở Hà Tiên, và tạo được cảm tình  ngoại giao tốt đẹp khiến họ Mạc đã chuyển giao hết những đất đai mà Chân Lạp dâng nạp, chuyển lại cho chúa Nguyễn. Ông có công dẹp giặc Đá Vách (1750), đánh thắng Nặc Nguyên (1753), nổi tiếng về kế sách “dĩ địch chế địch”  hay “dĩ  man công man” (dùng người Côn Man chống người Chân Lạp), và “tàm thực” (xâm chiếm Chân Lạp dần dần như tầm ăn lá dâu), ông đã khéo léo thu cả miền đồng bằng sông Cửu Long về cho Đại Việt. Nguyễn Cư Trinh mất vì bệnh  năm 1767, hưởng dương 51 tuổi, được truy tặng Tá lý công thần, Vinh Lộc Đại Phu, thụy Văn Định. Ông còn truyền lại nhiều văn thơ, đặc biệt Truyện Sãi Vãi …
8- Danh tướng Thoại Ngọc Hầu (1761 - 1829): Tên thật là Nguyễn Văn Thoại (Thụy), sinh năm 1761  tại tỉnh Quảng Nam (nay thuộc Đà Nẵng), di cư vào Nam theo mẹ ở Cù lao Dài  (Vĩnh Long) vì Trịnh Nguyễn phân tranh và phong trào Tây Sơn nổi dậy 1771. Ông theo chúa Nguyễn Ánh, lập được nhiêu công lớn được thăng tới chức Khâm sai Thống binh cai cơ, Trấn thủ Bắc Thành (Hà Nội), Trấn thủ Lạng Sơn, Trấn thủ Định Tường (1808), bảo hộ Cao Miên (1813)  ba năm, trấn thủ trấn Vĩnh Thanh (1817) và cho lập 5 làng trên Cù lao Dài. Ông Thoại Ngọc Hầu đã để lại những công trình mở mang đất Miền Nam như sau:
1- Đào Kênh Thoại Hà (1818), dài hơn 30km, nối Long Xuyên với Rạch Giá. Đào xong được vua Gia Long đã cho phép lấy tên ông để đặt cho tên núi (Thoại Sơn), tên kênh (Thoại Hà). 
2- Đào Kênh Vĩnh Tế: Dọc theo biên giới Tây Nam Việt Miên, nối liền Châu Đốc-Hà Tiên, dài 91 km, trong 5 năm (huy động  80.000 nhân công thực hiện từ năm 1819-1824). Kênh được lấy tên vợ ông là bà Châu Thị Tế
3- Đắp đường Núi Sam-Châu Đốc, dài 5 cây số (1826 đến 1827), huy động gần 4.500 nhân công. Làm xong, ông cho khắc bia "Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương" dựng tại núi Sam năm 1828 để kỷ niệm. Ngày nay, tấm bia không còn, nhưng còn văn bia trong sử sách.
4- Năm 1823, ông cho lập 5 làng trên bờ kênh Vĩnh Tế là Vĩnh Ngươn, Vĩnh Tế, Vĩnh Điều, Vĩnh Gia, Vĩnh Thông. Ông Nguyễn Văn Thoại mất vào ngày 6 tháng 6 (âm lịch) năm Kỷ Sửu (1829) thọ 68 tuổi. Ngày nay, đền và mộ Thoại Ngọc Hầu với hai phu nhân Châu Thị Tế và Trương Thị Thiệt, gọi chung là Sơn lăng ở chân núi Sam (Châu Đốc). (23)
9- Danh tướng Lê Văn Duyệt (1763-1832):  


Người làng Hòa Khánh, dinh Long Hồ (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang – Nguyên quán là Quảng Ngãi), sinh năm 1763, theo tòng chúa Nguyễn Phúc Ánh từ 17 tuổi, lập được nhiều chiến công và được phong làm Khâm Sai Chưởng Tả quân dinh Bình Tây tướng quân (gọi tắt là Tả quân),  tước Quận Công. Ông được giữ chức Tổng Trấn Gia Định 2 lần: từ 1812 đến 1815 (thời Gia Long) và từ 1820 đến 1832 (thời Minh Mạng). Năm 1801 ông đã cùng Nguyễn Phúc Ánh và các tướng Nguyễn Văn Trương, Tống Phúc Lương, Võ Di Nguy đánh chiếm cửa biển Thị Nại. Ai cũng  sợ và gọi ông là "Cọp Gấm Đồng Nai", là một trong ngũ hổ tướng (Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Huỳnh Đức và Trương Tấn Bửu). Ngoài võ công, ông còn có công điều động thêm dân công hoàn thất Kênh Vĩnh Tế (do Thoại Ngọc Hầu trách nhiệm chính trong việc đào kênh). Ông mất tại Gia Định năm Nhâm Thìn (1832), thọ 69 tuổi. Vì vụ án Lê Văn Khôi (con nuôi Tả quân Lê Văn Duyệt) nổi dậy chiếm thành Phiên An (do Tả quân Lê Văn Duyệt xây) chống lại triều đình từ năm 1833 đến năm 1835, nên ông bị liên lụy, lăng mộ tại Gia Định (Lăng Ông tại Bà Chiểu) bị san bằng và xiềng xích, các ngôi mộ cha mẹ ông bị đục bỏ tước hiệu khắc trênduyệt được xây đắp lại khang trang hơn. Ngày nay “Lăng Ông Bà Chiểu” tại Gia Định Sài Gòn vẫn là nơi được dân chúng sùng bái đông đảo, để nhớ ơn một vị danh tướng có công mở đất phương Nam. Song Thuận
Chú thích: 
(1) Đại Việt Sử Ký Toàn thư (ĐVSKTT) trang 133. 
(2) Thần Nông có thể là một người ở miền Nam nước Tàu vì địa thế ở miền Nam thích hợp cho canh nông, trồng trọt, nhất là trồng lúa nước. Thần Nông, Đế Minh, Đế Nghi là cách đọc suôi của người Việt nên những vị này có thể là ngưòi Việt, (khác với người Tàu, họ sẽ gọi là Nông Thần, Minh Đế, Nghi Đế ). 
(3) Theo tài liệu Wikipedia: “Một số nhà nghiên cứu hiện nay, dựa trên các dữ liệu về sử học, thần thoại học, ngôn ngữ học, đã giả thiết rằng Thần Nông là một vị thần có nguồn gốc từ phương nam (từ phía nam sông Dương Tử xuống đến hết Việt Nam ngày nay, đó là vùng đất cư trú của cư dân Bách Việt). Sau khi nước Trung Hoa mở rộng từ phía tây sang phía đông (giai đoạn một), rồi từ phía bắc xuống phía nam (giai đoạn hai) thì Thần Nông được người Trung Hoa sát nhập vào văn hóa của họ và được coi là một trong các "ông vua" đầu tiên của họ  Thực ra trước đó, Thần Nông đã được coi là "ông tổ" của một số bộ tộc Bách Việt. Và sau này, do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa rất mạnh, nhiều người lầm tưởng người Việt nhận một ông vua Trung Hoa làm ông tổ của mình.”
“Các dữ liệu ủng hộ giả thuyết trên:
•  Thần Nông tức là vị thần về nông nghiệp, vị thần này thường được hình dung cưỡi trâu để đi lại nên vị thần gắn liền với văn hóa lúa nước.
•  Thần Nông còn có một tên gọi khác là Viêm Đế (vua xứ nóng - vua phương nam), và được coi là vị thần cai quản phương nam.
•  Cách đọc từ Thần Nông là cách đọc của phương nam, người phương bắc sẽ có xu hướng đọc là Nông Thần.
•  Truyền thuyết của một số dân tộc thiểu số của Việt Nam (ít bị ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa) như người H'Mông cũng coi Thần Nông là ông tổ của nghề trồng lúa nước.” (trích Wikipedia).
(4) Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim, tr. 18.
(5)Trước thời nhà Tần, các nước nhỏ ban đầu là những bộ tộc hay liên minh các bộ tộc như  ở miền Bắc sông Dương tử có các nước Tần, Tấn, Tề, Vệ, Lỗ, Tống… và ở miền Nam Dương Tử giang (Trường giang) còn gọi là Giang Nam, có các nước Sở, Ngô, Việt…và có lẽ thêm Văn Lang (tức Đất Bách Việt và Âu Lạc, nhưng sử Tàu không ghi chép). Vì chưa có khái niệm về một “quốc gia thống nhất” bao gồm nhiều nước nhỏ bị tiêu diệt để sát nhập thành một nước lớn như thời Tần Thủy Hoàng,  nên nước Văn Lang của các vị vua Hùng, kinh đô tại Phong Châu, chỉ cai trị trực tiếp 15 Bộ trong phạm vi đất Bắc Việt và đất đai các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay (?). Vùng  đất rộng lớn phía bắc, các vị vua Hùng phong cho các Hoàng Tử (quan Lang) đến cai trị, và coi như những đất chư hầu (Nguyễn Hiến Lê gọi là thời kỳ phong kiến). Hơn nữa, sau thời kỳ “chia đôi” (năm mươi con theo cha xuống Nam Hải (nay là Quảng Đông), và năm mươi con theo mẹ lên rừng (vùng Quảng Tây và Bắc Việt cùng vài tỉnh phía Bắc Trung Việt ngày nay), vua Hùng thứ nhất đã cùng mẹ Âu Cơ  “di dân” về miền đồng bằng sông Hồng, đóng đô tại Phong Châu (nay là thành phố Việt Trì thuộc tỉnh Phú Thọ nơi có đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh). Có lẽ sau thời kỳ “chia đôi” này vùng đất Hồ Quảng (tức Hồ Nam và Quảng Đông, Quảng Tây) đã biến thành đất Bách Việt (một số dân Việt và tướng sĩ các nước bị nhà Tần tiêu diệt tìm đến lánh nạn), vẫn thần phục vua Hùng vì một số lãnh thổ do các quan Lang cai trị. Tất nhiên đất Bách Việt thuộc về nhiều sắc dân Việt. (giả thuyết này giải thích nước Văn Lang rộng tới Động Đình Hồ ?). Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên (Nam Việt Úy Đà Liệt Chuyện) khi đánh bại Lũ Gia, “Quan Lang người Việt là Đô Kê bắt được Gia, được phong làm Lân Thái Hầu”, chứng tỏ trong hàng ngũ quân đội của triều đình nhà Triệu nước Nam Việt, có quan chỉ huy người Việt  là “Quan Lang” (tức Thái Tử theo cách gọi của người Trung Hoa).
(6) Theo Việt Sử Tiêu Án – Ngô thời Sỹ, tr. 24 & Sổ Tay Địa Danh Việt Nam của Đinh Xuân Vịnh, tr. 113.
(7) Theo Nguyễn Hiến Lê, danh từ “thằng Ngô” để chỉ người Tàu từ đó mà ra. 
(8) Theo Trần Trọng Kim, vua Lý Thánh Tông định lại quân hiệu, “chia quân làm tả, hữu, tiền, hậu 4 bộ, hợp lại là 100 đội, mỗi đội có lính kỵ binh và lính bắn đá. Còn những phiên binh (lính luân phiên về làm ruộng hoặc canh gác và chiến đấu) thì lập ra thành đội riêng không cho lẫn với nhau. Binh pháp nhà Lý bấy giờ có tiếng là giỏi, nhà Tống bên Tàu đã phải bắt chước.” 
(9) Theo Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim), vua Lý Thánh Tông đánh Chiêm lần đầu không thành công, phải rút quân về. Sau nghe dân chúng đồn rằng Nguyên Phi Ỷ Lan ở nhà làm Giám quốc, trong nước được bình yên, nên nhà vua cảm thấy thẹn, không bằng bậc nữ lưu…Vua Lý Thánh Tông bèn đem quân đánh Chiêm lần nữa, thắng lợi bắt được vua Chiêm là Chế Củ và chiếm được đất Quảng Bình, một phần Quảng Trị ngày nay. Như vậy Nguyên
Phi Ỷ Lan phải được coi là người có công gián tiếp trong việc mở đất phương Nam:
Vịnh Lý Thánh Tông 
Nam tiến, khởi đầu Lý Thánh Tông
Mùa xuân Kỷ Dậu vượt Chiêm môn
Trong cung ái hậu tài an trị *
Ngoài cõi minh quân  quyết tiến công
Chế Củ bại vong dâng đất nước
Mân vương hòa hiếu hiến non sông
Giang sơn một giải xanh như ngọc
Hãnh diện con dân giống Lạc Hồng!
Vương Sinh
* Ái hậu Ỷ Lan 
(10) Đời sau có thơ rằng:
Mỵ Ê
Buồm nhô rẽ sóng, Mỵ mơ màng,
Tay cuốn mền hoa, khóc gọi chàng.
Thân liễu gieo đưa chìm vực biếc,
Lời thương bay lảnh động rừng vang.
Hoa trôi. Thành cũ vườn mây lửa,
Lau gợn. Chùa cao giỏ tiếng vàng.
Ứ lệ, tay ngà ôm ngực huyết,
Mỵ vờn theo sóng dạt bờ hoang
Nguyễn Nhược Pháp 
Nỗi Lòng Mỵ Ê (bài họa)
Thảng thốt, ai lay giấc muộn màng?
Mỵ Ê chợt tỉnh, khóc thương chàng.
Nhà tan, xót dạ lời chiêng dục,
Nước mất, đau lòng tiếng trống vang.
Ngọc nát, chẳng thà lưu dấu bạc,
Châu chìm, không để ố danh vàng.
Khăn tang quấn vội thân kiều diễm,
Gieo xuống tuyền đài, phủ sóng hoang.
Vương Sinh
(11) Đèo Ngang: Thuộc dãy Hoành Sơn chắn ngang QL1A, cách biên giới Nam Quan (Hữu Nghị Quan - Lạng Sơn) khoảng 585 km, là ranh giới giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình (Đồng Hới). Đèo cao 250 m, dài 6 km, cách sông Gianh 27 km, cách Hà Tĩnh 75 km về phía bắc. Đây là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành trước năm 1069. Thời Pháp thuộc, đèo Ngang có tên trên bản đồ là “Porte d’Annam”. Trong văn học, đèo Ngang nổi tiếng với bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan (Nguyễn Thị Hinh):
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại: Trời, Non, Nước
Một mảnh tình riêng ta với ta!
(12) Phải gọi là “quà dẫn cưới”, không phải “của hồi môn” (có nghĩa là tài vật của người con gái mang theo về nhà chồng – Hàn Việt Từ Điển  - Đào Duy Anh). Thuận Hóa gồm (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế ngày nay), quản lĩnh 2 phủ, 7 huyện, 4 châu.
(13) Đời sau có thơ cảm tác:
Tiễn HuyềnTrân
Tình nhà, nợ nước đem cân
Đôi bên nặng nhẹ, phân vân một đời
Hai châu Ô Lý xứ Hời
Món quà dẫn cưới, nghẹn lời giai nhân
Tình ngàn cân, nghĩa ngàn cân
Xem ra nợ nước muôn lần trĩu vai
Phấn son mở cõi từ đây
Anh hùng, thục nữ mấy ai hẹn thề
Tiễn đưa hương quế rừng khuya
Dặm trường thân gái, tỉnh mê kinh kỳ
Con đường thiên lý nàng đi
Dấu chân huyền sử, thầm thì nhắc tên!
Vương Sinh
(14) Cửa Thị Nại: Tên cửa biển từ đầm Thị Nại, nơi đổ ra biển từ các con sông: sông Côn, sông Đập Đá, sông Hà Thanh của tỉnh Bình Định (nguồn Wikipedia).
(15) Đồ Bàn  (Chà Bàn, Vijaya, Thành Hoàng Đế sau này do Nguyễn Nhạc cho xây trên nền thành đổ nát của Đồ Bàn) là kinh đô nước Chiêm Thành trước 1471. Cũng xin nói thêm về nước Chiêm Thành: Nguyên nước Lâm Ấp ở phía Nam quận Nhật Nam, khoảng từ  đèo Cù Mông vào đến Chân Lạp (Nam Việt Nam ngày nay). Quận Nhật Nam có vị trí từ đèo Ngang đến Bình Định (đèo Cù Mông). Vào thế kỷ thứ 2 (năm 102) sử đã nói đến do việc Khu Liên, người huyện Tượng Lâm (phía Nam quận Nhật Nam) nổi lên giết huyện lệnh (của nhà Đông Hán) rồi xưng làm vua, gọi là nước Lâm Ấp. Vua nước Lâm Ấp là Chư Cát Địa đổi tên nước là Hoàn Lương. Đến năm 808 quan Đô hộ là Trương Chu nhà Đường đem binh thuyền đánh, giết hại quân Hoàn Lương rất nhiều. Vua Hoàn Lương lúc đó lui về phía nam, ở vào quãng tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi bây giờ và đổi quốc hiệu là Chiêm Thành (VNSL -Trần Trọng Kim, tr. 61). Có lẽ trong thời gian Giao Châu gặp nhiều biến loạn như Cao Biền đánh nhau với giặc Nam Chiếu, loạn Ngũ Quý bên Tàu ảnh hưởng đến Giao Châu, giặc Nam Hán xâm lăng rồi loạn 12 Sứ Quân... nên Chiêm Thành đã nhân cơ hội đó mà vượt đèo Hải Vân vào tới đèo Ngang. Vua Lê Đại Hành dẹp xong quân Tống bèn đem quân đánh Chiêm Thành báo thù. Từ đó Chiêm Thành phải sang triều cống nước ta.
(16) Cổ Lũy là tiền đồn phòng thủ của Chiêm Thành, gồm 3 thành kiên cố giữ cửa Đại Cổ Lũy. Thành nằm ở xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, do người Chàm xây dựng vào khoảng thế kỷ IX – X (nguồn: Wikipedia). Xin nhắc lại, năm 1402, nhà Hồ đã sai tướng Đỗ Mẫn đánh Chiêm. Vua Chiêm là Ba Đích dâng đất Chiêm Động (Phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) để xin bãi binh. Hồ Quý Ly  lại bắt vua Chiêm phải dâng thêm đất Cổ Lũỵ (Quảng Ngãi). Người Chiêm bỏ đi sau khi đã mất đất và người Việt vào khai khẩn. Sau có lẽ vì dựa vào quân Minh sang đô hộ Đại Việt (Bắc thuộc lần 4), vua Chiêm Thành chiếm lại vùng đất này. Khi chiếm được Cổ Lũy, vua Lê Thánh Tông cử Lê Ỷ Đà làm “Cổ Lũy châu tri châu trị quân dân” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tr. 451). Theo gia phả dòng họ Huỳnh và họ Trần, có thể các ông Huỳnh Công Chế và  Trần Văn Đạt cùng có công lập ấp và phát triển làng xã ở vùng Cổ Lũy khi người Chiêm bỏ đi và người Việt đến khai khẩn đất đai (?)
(17) Đèo Hải Vân: Thuộc dẫy Trường Sơn, trên QL1A nằm giữa tỉnh Thừa Thiên Huế về phía bắc và thành phố Đà Nẵng về phía nam. Đèo cao 496m, dài 21km, rất hiểm trở. Ca dao có câu: “Đường bộ thì sợ Hải Vân. Đường thủy thì sợ Sóng thần Hang dơi”. Trên đỉnh đèo Hải Vân xây cửa ải “Hải Vân quan” và biển đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Đây là ranh giới Đại Việt và Chiêm Thành thời nhà Trần. Ngày nay đã có đường hầm xuyên núi, giao thông trên Quốc Lộ 1A không cần phải vượt đèo Hải Vân nữa.
(18) Đèo Cù Mông: Là con đèo thứ tư trên QL1A từ Bắc vô Nam (thứ tự là đèo Tam Điệp giữa Ninh Bình & Thanh Hóa, đèo Ngang, đèo Hải Vân, đèo Cù Mông và Đèo Cả). Đèo Cù Mông cao 245 m, dài 7 km, dốc 9% rất hiểm trở, nằm giữa tỉnh Bình Định (địa phận Quy Nhơn) và tỉnh Phú Yên (địa phân Tuy Hòa). Đây là biên giới Đại Việt và Chiêm Thành thời nhà Lê (Lê Thánh Tông). Ngày nay đã có đường Quy Nhơn Sông Cầu qua lại Bình Định và Phú Yên nên không qua đèo Cù Mông nữa. Từ năm 1471 đến thời chúa Nguyễn Hoàng (1600-1613), đèo Cù Mông là biên giới Việt Chiêm.
(19) Đèo Cả: Nằm giữa tỉnh Phú Yên (Tuy Hòa) và tỉnh Khánh Hòa (Nha Trang), dài 9 km, cao 153 m, tương lai sẽ có đường hầm xuyên núi. 
(20) Năm 1599 Trịnh Tùng xưng Vương ở miền Bắc. Mãi đến năm 1744 Chúa Nguyễn Phúc Khoát ở miền Nam mới xưng Vương, gọi là Võ Vương. Người ngoại quốc gọi phần đất của Chúa Nguyễn ở phía Nam là Quảng Nam Quốc (Quảng Nam có phố Hội An Faifo).
(21) Nguyễn Hoàng là con thứ hai của ông Nguyễn Kim, một đại công thần của nhà Lê Trung Hưng. Khi Nguyễn Kim bị hàng tướng nhà Mạc đầu độc chết, anh em Nguyễn Hoàng còn nhỏ, quyền bính về cả tay anh rể là Trịnh Kiểm. Nguyễn Uông là anh Nguyễn Hoàng bị Trịnh Kiểm hãm hại khiến  Nguyễn Hoàng lo sợ, nhờ người hỏi ý kiến ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, thì được trả lời: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Ông Nguyễn Hoàng biết ý bèn nhờ chị là bà Ngọc Bảo xin với Trịnh Kiểm cho đi trấn giữ đất Thuận Hoá ở phương Nam, khai khẩn đất đai và mở rộng lãnh thổ từ đó.
(22)  Theo Phạm Văn Sơn, Việt Sử Toàn Thư trang 295, vào năm 1620 Chúa Sãi gả Công nương Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II (1618-1626). Nhờ sự kết hôn này, nền ngoại giao giữa Chúa Nguyễn và Vua Chân Lạp thật tốt đẹp, và việc định cư của người Việt tại phần đất mới ở Thủy Chân Lạp cũng rất thuận tiện, giúp cho việc mở rộng đất đai của Chúa Nguyễn tại miền Nam. Đây chính là công lao rất lớn của nàng Công nương Ngọc Vạn.
(23) Ngoài đền thờ tại Sơn Lăng, Châu Đốc, còn đền thờ tại Đà Nẵng.
Ca dao nhớ ơn Thoại Ngọc Hầu.
Đi ngang qua cảnh núi Sam,
Thấy lăng ông lớn hai hàng lụy rơi.
Ông ngồi vì nước vì đời,
Hy sinh tài sản không rời nước non.
Và:
Nước kênh Vĩnh Tế lờ đờ,
Nhớ ông Bảo Hộ dựng cờ chiêu an 
(24) Theo Trần Trọng Kim (VNSL quyển II, tr. 79): “ Năm 1611, Nguyễn Hoàng vào đánh Chiêm Thành lấy đất lập ra phủ Phú Yên, chia ra làm 2 huyện Đồng Xuân và Tuyên Hóa” “Năm 1653, vua Chiêm là Bà Thấm sang quấy nhiễu đất Phú Yên, , chúa Hiền là Nguyễn Phúc Tần sai Cai cơ (chức võ quan thời Nguyễn) Hùng Lộc sang đánh. Bà Thấm phải dâng thư xin hàng. Chúa Nguyễn để từ sông Phan Lang trở vào cho vua Chiêm, còn từ sông Phan Lang trở ra lấy làm Thái Ninh Phủ, sau đổi thành phủ Diên Khánh (nay là Khánh Hoà), đặt dinh Thái Khang, để Hùng Lộc làm Thái Thú. Năm 1693, vua Chiêm là Bà Tranh bỏ không tiến cống, nên chúa Nguyễn Phúc Chu sai Tổng binh Nguyễn Hữu Kính (Cảnh) đi đánh, bắt được Bà Tranh và bọn thần tử là Tả Trà Viên, Kế Bà Tử cùng thân thuộc là Bà Ân đem về Phú Xuân. Chúa Nguyễn đổi nước Chiêm Thành làm Thuận Phủ, cho Tả Trà Viên, Kế Bà Tử làm chức Khám Lý và 3 người con của Bà Ân làm Đề Đốc giữ Thuận Phủ, lại bắt phải đổi y phục theo như người Việt Nam để phủ dụ dân Chiêm Thành. Qua năm sau lại đổi Thuận Phủ ra làm Thuận Thành Trấn, cho Kế Bà Tử làm Tả Đô Đốc.
Năm 1697, chúa Nguyễn đặt phủ Bình Thuận, lấy đất Phan Lý (Phan Rí), Phan Lang (Phan Rang) làm huyện Yên Phúc và huyện Hòa Đa.  Từ đó Chiêm Thành mất hẳn”.
Sách tham khảo:
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Nhà Xuất Bản KHXH
- Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử - Nguyễn Q. Thắng,  -  Nguyễn Bá. Thế
- Hán Việt Từ Điển – Đào Duy Anh - Trường Thi Xuất Bản
- Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim - Bộ Giáo Dụ, Trung Tâm Học Vụ Xuất Bản.
- Việt Sử Toàn Thư - Phạm Văn Sơn - Tủ Sách Sử Học.
- Sử Trung Quốc - Nguyễn Hiến Lê - Văn Nghệ Xuất Bản.
- Sử Ký - Tư Mã Thiên – Phan Ngọc dịch – VHSG.
- Tuyển Tập Thi Nhạc Vịnh Sử Việt Nam - Nhiều Tác Giả - CLB-HSV Xuất Bản 2007
- Tài Liệu trên Internet – Wikipedia…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét