Đạo Phật từ Ấn Độ truyền sang nước ta vào đầu Công nguyên bởi các tăng ni và thương gia Ấn Độ. Từ đó, nhiều ngôi chùa mọc lên. Tại Hà Nội (cũ), Trấn Quốc là ngôi chùa được xây dựng đầu tiên.
Chùa được xây từ thế kỷ thứ 6, thời Lý Nam Đế, tại thôn Yên Hoa, sau đổi là Yên Phụ, trên một bãi cạnh sông Hồng, với tên đầu tiên là Khai Quốc (nghĩa là mở nước). Đến đời Lê Thái Tông, thế kỷ 15, chùa được gọi là An Quốc. Đầu thế kỷ 17, do bãi sông bị lở, chùa được dời vào đảo Cá Vàng (Kim Ngư) trong Hồ Tây, chính là địa điểm ngày nay. Đời Lê Hy Tông (1675 - 1705), chùa được đổi tên là Trấn Quốc, nghĩa là giữ nước.Ngôi chùa đã được trùng tu vào các năm 1624, 1628. Đến năm 1639, chùa được xây dựng thêm, quy mô to rộng, chạm trổ tinh khéo. Đến năm 1815, đời vua Gia Long, chùa một lần nữa chùa được tu sửa, đúc chuông, đắp tượng to đẹp tráng lệ. Năm 1821, vua Minh Mạng từ Huế ra Bắc có đến thăm chùa, ban hai mươi lạng bạc để tu sửa. Năm 1842, vua Thiệu Trị cũng đến thăm, ban một đồng tiền vàng lớn và 229 quan tiền để sửa chữa. Vua Thiệu Trị còn đổi tên chùa là Trấn Bắc nhưng dân vẫn quen gọi là Trấn Quốc.
Trấn Quốc có lối kiến trúc độc đáo, khác với nhiều chùa. Phía trước là nhà bái đường rồi đến hậu cung, phía sau mới là hai dãy hành lang thập điện và gác chuông. Trong chùa có nhiều tượng đẹp, đáng chú ý nhất là pho tượng Thích Ca nhập niết bàn, chân nọ gác lên chân kia, đầu gối lên tay phải. Đó là lúc đức Thích Ca hóa khi 80 tuổi. Chùa còn có một vườn tháp.
Rời ngôi chùa bốn bề là hồ nước mênh mông, tĩnh lặng, trầm mặc, nhiều du khách vẫn còn nhớ câu mở đầu văn bia do trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính soạn và dựng năm 1639: "Quý thay chùa Trấn Quốc, là cảnh đẹp phủ Phụng Thiên, danh lam miền kinh địa... Chùa được xếp vào hàng thứ tư của nước Nam".
Sưu tầm Internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét