XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Thiên đường hạ giới Cửu Trại Câu

Trên các blog du lịch trong thời gian gần đây, người ta luôn bàn đến thông điệp về một vùng đất sở hữu những hồ nước đẹp nhất của Trung Quốc.

Truyền thuyết kể rằng, Cửu Trại Câu chính là những mảnh vỡ từ chiếc gương được làm từ gió và trăng của nam thần Đạt Qua tặng nữ thần Yêu Lạc Sắc Mô. Để rồi khi chạm chân đến, khắp không gian ngập tràn tiếng gió ngân vang, tiếng chim lảnh lót… và cứ thế suốt dọc đường đi cảnh nối cảnh như trong một bức tranh thủy mặc.
 
 
Cửu Trại Câu– vùng đất biển hồ
Cái tên Cửu Trại Câu có nghĩa là “chín khu làng của người Tạng”. Tên gọi ấy bắt nguồn từ việc khu thắng cảnh này thuộc địa phận của châu tự trị dân tộc Tạng A Bá ở phía Bắc của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.
 
Cửu Trại Câu đẹp cả bốn mùa trong năm. Mùa xuân với những cánh hoa đào thắm. Mùa hạ - bầu trời trong xanh. Mùa thu - những thảm lá đỏ, lá vàng và mùa đông, màu trắng của tuyết và những bông hoa lất phất bay.
 
 
Người Trung Quốc có câu: “Hoàng Sơn quy lai bất khán sơn, Cửu Trại quy lai bất khán thủy”, ý nói rằng ai đã tới núi Hoàng Sơn ở tỉnh An Huy thì sẽ không còn phải đi thăm thêm bất cứ một ngọn núi nào nữa và nếu một lần đặt chân tới Cửu Trại Câu thì cũng không cần phải đi ngắm thêm một hồ nước nào khác.
 
Cửu Trại được gọi là vùng đất “biển hồ” với 108 hồ ao lớn nhỏ, mặt hồ trong xanh trong một khe núi dài hơn 5km. Xung quanh là các dãy núi tuyết trắng xoá, xen giữa là những dòng nước biếc. Nước ở Cửu Trại trong vắt, xanh thăm thẳm, nhìn tới tận đáy hồ cách 30m.
Mỗi hồ có một vẻ đẹp riêng, trong đó có hồ Công Chúa, hồ Lưu Mao, hồ Hoả Hoa, hồ Quý Tiết, hồ Ngũ Hoa, hồ Gấu Trúc, hồ Tiễn Trúc… Hồ Gấu Trúc dài 2587 mét, sâu 14 mét, ẩn mình dưới rừng trúc non xanh mướt.
Gấu trúc là được coi là biểu tượng của may mắn, được người Tạng vô cùng yêu quí. Hồ Gấu Trúc sáng đẹp tựa gương, trong veo như mắt gấu con, xanh non như màu lá trúc. Dọc theo triền hồ biết bao hòn đá nhũ đen tự nhiên hay vằn hoa tuyết nằm lăn lóc bên nhau chẳng khác nào những tiểu gấu trúc tinh nghịch.
Thác nước Thụ Chính là thác hùng vĩ nhất trong khoảng 17 thác nước có mặt tại Cửu Trại Câu. Người đến với Cửu Trại vì mê đắm cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ, kẻ đến Cửu Trại vì những cánh rừng trúc bạt ngàn trong gió và không ít người ghé thăm cho bằng được hồ nước đẹp đã từng được ghi hình trong “Anh hùng” và “Tân Thần điêu đại hiệp.”
 
  Cửu Trại Câu như điểm đến trăng mật lý tưởng cho nhiều bạn trẻ. Khu Cửu Trại Câu gồm ba thung lũng chính: Nhật Tắc Câu (Rize Gully) và Tắc Tra Câu (Zechawa Gully) chạy từ phía nam, hợp lưu tại điểm trung tâm Thụ Chính Câu (Shuzheng Gully).
  Ngay tại cổng ra vào của Cửu Trại đã sẵn sàng xe cộ đón và trả khách. Những chiếc xe tiện lợi này được bố trí chạy liên tục từ 7h sáng đến tối muộn cho khách du lịch trong khu vực tham quan. Nổi bật nhất là khu vực chữ Y của khu Cửu Trại.
Muôn ngả đến với “Thiên đường nơi hạ giới”
 
Năm 1990, Cửu Trại Câu được Cơ quan Du lịch quốc gia Trung Quốc đánh giá là địa chỉ đứng đầu trong 40 khu du lịch tốt nhất Trung Quốc. Năm 1992, Cửu Trại Câu được UNESCO là di sản thiên nhiên thế giới. Và đến năm 1997, khu phong cảnh Cửu Trại Câu được đưa vào danh sách hạng 5 các khu bảo tồn đa dạng sinh học thế giới trong phân hạng IUCN.
Từ Hà Nội, bạn đi xe khách tới Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc), sau đó đáp máy bay đi Thành Đô (Tứ Xuyên). Từ Thành Đô, liên tiếp ngày nào cũng có những dòng xe cộ chở khách đến với “Thiên đường trên hạ giới” – Cửu Trại Câu. Nếu bạn muốn rút ngắn thời gian đi lại, bạn hãy bắt chuyến bay khoảng 40 phút từ Thành Đô đến sân bay Cửu Hoàng và bắt xe để đi tiếp 90km nữa là tới Cửu Trại Câu.
Một phương án khác là những chuyến bay chuyển tiếp Hà Nội/TP Hồ Chí Minh đến Kuala Lumpur – Thành Đô trên những chuyến bay của hãng hàng không giá rẻ Air Asia.
Giá vé vào cửa tại Cửu Trại Câu khoảng 270 NDT, trong đó có 80 tệ tiền xe buýt. Với sinh viên quốc tế, giá vé được giảm 50 tệ. Từ tháng 11 – tháng 3 là thời điểm mùa đông lạnh giá và ít khách, giá vé giảm còn 160 NDT/vé (bao gồm 80 tệ tiền vé xe buýt). Vé xem chương trình ca múa nhạc buổi tối khoảng 180 NDT.
Bạn có thể ngủ lại trong Cửu Trại Câu trong những ngôi nhà đơn giản của người dân tộc Tạng với giá cả bình dân.
Nếu có nhiều thời gian, các đôi uyên ương hoàn toàn có thể thêm vào lịch trình của mình những điểm đến lý thú khác như Hoàng Long (công viên quốc gia cách Cửu Trại Câu khoảng hơn 100km), Lạc Sơn Đại Phật (tượng phật ngồi lớn nhất thế giới) hay núi Nga My (một trong tứ đại danh sơn của Phật giáo Trung Hoa).
Thời điểm đẹp nhất trong năm của Cửu Trại Câu là tháng 9 và 10 dương lịch, khi trời vẫn chưa quá lạnh, xanh trong, nước hồ trong suốt và cây cối chuyển màu lá.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét