XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Tây Sơn ngũ phụng thư - Bùi Thị Nhạn

Bùi Thị Nhạn người thôn Xuân Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là Tây Sơn), tỉnh Bình Định.
Bà là con gái út của Bùi Đắc Lương. Ông là một cự phú thôn Xuân Hòa. Ông Lương có ba người con trai là Bùi Đắc Chí, Bùi Đắc Trung và Bùi Đắc Tuyên cùng hai cô con gái là Bùi Thị Loan, Bùi Thị Nhạn.
Vừa giỏi võ nghệ, vừa là con gái út nên được cha mẹ cưng chiều, Bùi Thị Nhạn rất chăm học văn lẫn võ. Bùi Thị Xuân, con của Bùi Đắc Chí, gọi Bùi Thị Nhạn bằng cô. Tuy vậy, hai người tuổi gần bằng nhau, nên rất thân thiết với nhau. Bùi Thị Xuân kèm cặp võ nghệ cho cô. Bùi Thị Nhạn tuy thân phận lớn hơn, nhưng tuổi lại kém hơn và sau này theo dưới trướng trong quân binh. Trong việc dạy võ nghệ, Bùi Thị Xuân rất nghiêm minh nên Bùi Thị Nhạn mau chóng trở thành nữ kiệt.
Tuy có võ, song tính tình Bùi Thị Nhạn rất nhu hòa. Bà khác với Xuân là luyện tập võ nghệ chỉ để phòng thân chứ không phải để làm nên nghiệp lớn. Nhiều kẻ anh tài đến cầu thân, song bà vẫn chưa vừa ý ai cả. Trong các vị anh hùng qua lại với Bùi Thị Xuân, bà Nhạn rất hợp ý với Nguyễn Huệ. Song Nguyễn Huệ đã có vợ là bà Phạm Thị Liên. Sau khi bà Phạm Thị Liên sinh được hai con là Nguyễn Quang Thùy và Nguyễn Quang Bàng thì bị bạo bệnh qua đời. Mãn tang vợ, Nguyễn Huệ mới kết duyên cùng Bùi Thị Nhạn. Trước đó, hai người đã quen nhau khi bà Nhạn cùng bà Bùi Thị Xuân phụ trách việc luyện quân và xây dựng kinh tế cho phong trào Tây Sơn. Nguyễn Huệ lại lại là Tổng chỉ huy quân đội hậu cần. Khi được lệnh bình Nam, Nguyễn Huệ mới giao hậu cần Tây Sơn lại cho Bùi Thị Xuân.
Sau khi kết duyên cùng Nguyễn Huệ, bà rời quân ngũ về chăm lo gia đình bên chồng. Bà sanh được ba trai và hai gái. Ba trai là Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Quang Thiệu, Nguyễn Quang Khanh. Con gái gả cho phò mã Nguyễn Văn Trị.
Khi chưa xuất giá, bà phục vụ dưới trướng Bùi Thị Xuân, được nhân dân tôn tặng danh hiệu là Tây Sơn Ngũ Phụng Thư. Lúc vua Quang Trung lên ngôi hoàng đế thì phong cho bà làm Chánh cung Hoàng hậu. Khi Quan Toản lên ngôi, bà được tôn làm Hoàng thái hậu.
Năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Phúc Ánh đánh Phú Xuân, khi vua Cảnh Thịnh và bà Bùi Thị Xuân kéo quân ra chống giặc, Bùi Thị Nhạn đã lên ngựa cầm gươm dẹp tan được những người hùa theo địch quân cướp phá kinh thành. Bà tổ chức lại các toán cấm vệ quân và sắp xếp hàng ngũ tùy tùng chuẩn bị theo vua Cảnh Thịnh ra Bắc, vì lúc bấy giờ các quan văn võ đều trốn biệt không người chỉ huy. Một toán người có võ trang định xông vào thành nội cướp giựt tài sản của triều đình, bà một mình đánh tan hết lũ giặc cướp. Sau đó, bà theo vua về Bắc Hà.
Năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Phúc Ánh đem quân đánh chiếm Nghệ An, Thanh Hóa, rồi kéo quân ra Bắc Thành.
Lực lượng Bắc Thành lúc bấy giờ đã quá yếu. Bao nhiêu tinh binh, vua Cảnh Thịnh đã đem đi đánh Trấn Ninh, tân quân tuyển ở các trấn về, chưa tập luyện được thành thục nên vừa giáp trận đã rã rời. Đại Đô đốc Tuyết cùng vợ đưa vua về cung quyến qua sông Nhị Hà lên phía Bắc có Đô đốc Nguyễn Văn Tứ và Tư mã Nguyễn Quang Dung theo hộ giá.
Khi đến Xương Giang, đêm bị giặc vây, Đô đốc Tứ và Tư mã Dung tử trận. Hai vợ chồng Đô đốc Tuyết cùng với Bùi Thái Hậu tả xung hữu đột phá được vòng vây phò xa giá chạy được mươi dặm nữa thì Lê Chất đem quân đuổi kịp. Một trận thư hùng xảy ra. Đô đốc Tuyết tử trận. Trần phu nhân và Bùi Thái Hậu đâu lưng lại với nhau đánh tan nhiều cuộc tấn công của quân nhà Nguyễn. Sau cùng, sức người cạn kiệt, quân địch quá đông, hai bà đều bị bắt. Không để địch làm nhục, Trần phu nhân và Thái hậu Bùi Thị Nhạn dùng gươm tự sát. Đó là ngày 16 tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802), trời đang nắng sáng bỗng vần vũ mây đen.
Theo Võ nhân Bình Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét