XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2018

ẤN TƯỢNG TRUNG HOA

Suốt trong nhiều năm, mỗi khi nhớ tới Trung Quốc, tôi không thể quên hình ảnh của những nguời Hoa trong “Nguời đàn bà Tàu”, một truyện ngắn của Nguyên Hồng viết từ khoảng những năm 40 thế kỷ trước về những nguời dân Trung Hoa chạy loạn từ Quảng Đông, Phúc Kiến, … sang Việt Nam trong cuộc xâm lược của Nhật Bản. Đó là những nguời dân lam lũ, tay xách nách mang, vợ bìu con ríu chưa tìm được chốn  chốn dung thân ở một miền đất xa lạ. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, tôi vẫn thấy văng vẳng bên tai tiếng gọi của một chú bé trong đám loạn dân gọi nguời mẹ đang cố rảo bước với gánh nặng của toàn bộ gia sản trên vai: “A ma, chẩu khoai khoai a!” (Mẹ ơi, đi nhanh lên!).
Tiếp đó, chỉ hơn hai mươi năm sau, nói tới Trung Quốc, nguời ta nhớ ngay đến hình ảnh Hồng vệ binh, những chàng trai, cô gái khuôn mặt còn trẻ măng, miệng còn búng hơi sữa nhưng đã đằng đằng sát khí, tay cầm “Mao tuyển”, nắm tay giơ về phía trước, miệng hét lớn những câu khẩu hiệu thể hiện niềm tin vào “nguời cầm lái vĩ đại” (chỉ Mao Trạch Đông) và thề tận diệt bọn “trí thức nhơ bẩn” được đánh đồng với bọn “tư bản giãy chết”. Còn phía sau họ, những nguời Trung Quốc lương thiện và khốn khổ hàng ngày cơm không đủ no, trong bộ đồng phục Tôn Trung Sơn màu xám, lầm lũi trên những chiếc xe đạp khắp đường phố Bắc Kinh hoang tàn và ảm đạm, kết quả bao dũng khí, nhiệt tình cách mạng của đám “tiểu tướng” cuồng tín.
Vì thế, từ khi Trung Quốc  tiến hành “cải cách mở cửa”, tôi vẫn mong được tới mảnh đất có hơn 5.000 năm lịch sử này để được tận mắt chứng kiến sự thay đổi nhất là sau khi nền kinh tế Trung Quốc được đánh giá đang tranh chấp ngang ngửa với Mỹ vị trí đứng đầu thế giới.
Trung Quốc là một đất nước có diện tích lớn hơn diện tích nước ta tới hơn 30 lần (9,6 triệu km2), để tạo nên sự thay đổi toàn diện, nguời Trung Quốc đã biết chú trọng, coi giao thông là mũi nhọn, làm tiền đề cho sự phát triển.
Không tìm được số liệu chi tiết về hệ thống đường bộ của Trung Quốc (chỉ biết con số tổng thể là 34.000 km đường cao tốc) nhưng tôi đã tận mắt chứng kiến những tuyến đường cao tốc chằng chịt như mạng nhện ở khắp nơi không  chỉ ở hai thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải. Các tuyến quốc lộ (với chữ G ở đầu) và tỉnh lộ (với chữ S ở đầu) đều có ít nhất 4 làn xe và hoàn toàn không có  đường cắt ngang, không cần có hệ thống đèn xanh đỏ, lái xe có thể thoải mái chạy với tốc độ 100 – 120 km/giờ. Ngay ở Tô Châu (thành phố du lịch thuộc tỉnh Giang Tô) hay Hàng Châu (thủ phủ tỉnh Chiết Giang), những “nút” giao thông có 3, 4 tầng, những đường ngầm dưới lòng đất cũng không thể đếm xuể. Tôi cũng đã được chứng kiến cái mà một số báo chí gọi là tình trạng tắc đường ở các thành phố lớn, nhất là ở thủ đô Bắc Kinh. Đó chỉ là hiện tượng vào buổi sáng hay chiều, trong nội thành Bắc Kinh nhiều khi phải đợi 2 hay 3 chu kỳ đèn tín hiệu, ô tô mới có thể qua được một ngã tư, chứ hoàn toàn không phải tình trạng xe chỉ có thể “nhúc nhích” như ở Việt Nam. Từ trung tâm thủ đô tới Cư Dung quan của Vạn lý trường thành khoảng 100 km (nơi đây vẫn nằm trong địa giới Bắc Kinh), thời gian xe chạy dự kiến khoảng 2 giờ, nhưng vì buổi sáng “tắc” đường nên chúng tôi đã cần tới 2 giờ 25 phút. Không có chuyện tắc đường như thường thấy ở Hà Nội vì ở Trung Quốc xe máy bị hạn chế (mà ai cũng biết, sự rối loạn giao thông ở ta chủ yếu do loại phương tiện hai bánh này). Những nơi có thể sử dụng, loại xe này cũng phải đi vào làn đường riêng có dải phân cách cứng cùng với xe đạp, xe đạp điện.
Ngoài tuyến đường sắt cũ nay vẫn còn được sử dụng vì giá vé rẻ dành cho người ít tiền và chủ yếu để vận chuyển hàng hóa với tốc độ trung bình 100 km/giờ, từ năm 2008, Trung Quốc đã có tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên từ Bắc Kinh tới Thiên Tân nhân Thế vận hội 2008. Mới qua 7 năm, hiện Trung Quốc đã xây dựng được 42 tuyến đường sắt cao tốc dài 11.000 km trở thành quốc gia có hệ thống đường sắt cao tốc dài nhất thế giới, nối thủ đô Bắc Kinh với tất cả các tỉnh và thành phố trong cả nước. Chỉ tính riêng trên tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải hàng ngày có 20 đôi tàu, mỗi đoàn tàu tùy theo lượng hành khách có từ 8 đến 16 toa (mỗi toa có 75 ghế như trên máy bay).Tốc độ trung bình của  đường sắt cao tốc khoảng 300 km/giờ, con số này  thường xuyên hiển thị trên bảng điện tử ở mỗi toa tàu).
Từ khu Tây sang Phố Đông, một quận mới hình thành của thành phố, Thượng Hải có 11 đường ngầm vượt sông Hoàng Phố, trong đó có một đường cho xe điện ngầm và một đường dành riêng cho khách du lịch. Với 40 “tệ” khách tham quan sẽ vừa ngồi trên phương tiện qua sông vừa được chiêm ngưỡng những màn nhạc nước đẹp mắt và ánh điện lung linh đủ màu sắc trên suốt chặng đường khoảng 2 km.
Ngoài ra, trong mỗi thành phố còn có hệ thống xe buýt (thành phố Bắc Kinh với 30 triệu dân, kể cả nguời nhập cư có hơn 700 tuyến) và xe điện ngầm ở 4 thành phố lớn Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Quảng Châu. Riêng Thượng  Hải có 12 tuyến tàu điện ngầm dài hơn 400 km với  272 nhà ga. Giao thông công cộng ở Trung Quốc có giá rẻ nên thu hút được đông đảo nguời dân tham gia mỗi khi cần lưu thông ( ở Thượng Hải, xe buýt có giá 1 “tệ” (tương đương 3.500 đ Việt Nam), xe có máy lạnh giá 2 “tệ”; xe điện ngầm có giá 3 “tệ” cho chặng đường dưới 6 km, 4 “tệ” cho dưới 16 km và sau đó, thêm 1 “tệ” cho 10 km tiếp theo).
Xe đạp cho thuê cũng là một phương tiện phổ biến. Mỗi thành phố đều có nhiều nơi cho thuê xe. Nguời thuê đặt cọc 300 “tệ” mua một thẻ từ đồng thời là chìa khóa xe. Giờ thuê đầu được miễn phí, từ giờ thứ 2, mỗi giờ giá 1 “tệ”. Nguời thuê có thể trả xe ở nhiều nơi, khi đó sẽ nhận lại số tiền đặt cọc sau khi đã trừ số tiền phải trả. Không chỉ khách du lịch mà nguời dân địa phương cũng sử dụng loại phương tiện này khá phổ biến. Có thể hoàn toàn không mất tiền nếu cứ sau mỗi giờ lại trả xe để thuê xe khác.
Ở mọi nơi, nguời ta ít nhìn thấy cảnh sát nhưng trật tự an ninh luôn đảm bảo. Cảnh sát Trung Quốc ở các thành phố cam kết khi  được tin qua tổng đài 110, họ sẽ có mặt ở hiện trường sau 3 phút. Còn giao thông trên các đường phố đều được giám sát bằng ca-mê-ra, nơi đặt các ca-mê-ra đều được công khai trên trang web “an toàn giao thông” (chắc để cảnh sát khỏi mang tiếng “anh hùng núp”, nguời vi phạm sẽ tới nộp phạt khi nhận được giấy báo của cảnh sát. Mức phạt không nhẹ nên ít nguời dám coi thường (vượt đèn đỏ phạt 200 “tệ” và trừ 4 điểm trong 12 điểm được sử dụng mỗi năm, uống rượu bia khi lái xe bị tước bằng lái xe vĩnh viễn, nếu gây tai nạn chết nguời sẽ kèm theo phạt tù, …). Đường phố đông đúc nhưng không hỗn loạn. Suốt 7 ngày ở những thành phố lớn hoặc lưu thông trên nhiều tuyến đường cao tốc, tôi không hề thấy một vụ va chạm giao thông nào. Chỉ nhìn vào bức tranh giao thông, nguời ta có thể thấy phần nào được toàn cảnh của đời sống xã hội.
Nguời Trung Quốc có những nét tính cách khá giống nguời Việt Nam và chẳng phải ngẫu nhiên, chính Bá Dương là một nguời Trung Quốc đã viết cuốn sách nổi tiếng “Nguời Trung Quốc xấu xí” để cảnh tỉnh đồng bào mình. Dù còn không ít những biểu hiện đáng phàn nàn nhưng nhờ những sự nhắc nhở đó, nguời Trung Quốc đã bớt đi phần xấu xí và có nhiều điều tôi thấy đáng học tập.
Dù có thu nhập tương đối cao so với Việt Nam, nguời dân Trung Quốc đâu đâu tôi cũng thấy họ làm việc một cách chăm chỉ, ở mọi nơi đều có thể thấy  thái độ tận tụy với công việc của họ. Không thấy các quán nước tụ tập nguời nhàn cư, không thấy cờ bạc ở đầu đường hay góc chợ, …. Từ nguời quét dọn rác tới nhân viên phục vụ ở các nhà hàng, khách sạn, từ những nguời hướng dẫn, đảm bảo trật tự ở các khu du lịch tới các nhân viên hải quan, an ninh sân bay, ai cũng làm hết bổn phận của mình. Mặc dù thế, cách ăn mặc của họ khá giản dị. Trên đường phố, trong khu du lịch, … ít thấy các chàng trai cô gái ăn mặc “sành điệu” với các mốt thời trang hấp dẫn. Khi được hỏi, nguời hướng dẫn du lịch bảo tôi: Những nguời ấy đang ở nơi làm việc hay trường học, họ chỉ có thể xuất hiện ở mọi nơi vào buổi tối. Nhưng ngay vào lúc đó cũng ít thấy ngoài  những nơi như khu phố ăn chơi nức tiếng như ở Thượng Hải. Mọi nơi, rất nhiều cửa hàng bán rượu và thuốc lá, nhưng không thấy cảnh bia rượu “tràn cung mây” như ở ta, không thấy các “bãi bia” đông nghịt nguời vào buổi tối. Trừ các khu phục vụ du lịch, phần lớn các cửa hàng đều đóng cửa sau 10 giờ tối. Sống giản dị và cần kiệm hình như đã trở thành một thói quen của nguời Trung Quốc mà tôi đã thấy qua những nguời Hoa ở Việt Nam trước đây. Nguời  hướng dẫn du lịch ở Bắc Kinh có vẻ ngoài xuềnh xoàng, vai đeo ba lô, tay cầm cờ đưa chúng tôi đi khắp nơi thạo tiếng Việt không kém gì nguời Việt Nam, tận tình giới thiệu, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của khách ai ngờ cũng là chủ nhân của chiếc xe hơi hiệu Hon-đa và một trang trại nuôi rắn có hơn ba chục nhân công. Anh giải thích mình làm hướng dẫn du lịch vì thích được đi đây đi đó, thích được chia sẻ những hiểu biết với mọi người nhất là du khách nước ngoài về sự giàu có và đẹp đẽ của truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc mình (không thấy anh dùng hai chữ “tự hào”). Trên chuyến tàu cao tốc Bắc Kinh đi Tô Châu, trong hơn 5 giờ đồng hồ, có hai nguời làm vệ sinh, một nguời đẩy xe đựng rác và một nguời cầm cái gậy lau. Suốt hành trình, hai nguời cứ ngược xuôi suốt 16 toa để nhận rác từ hành khách trên các toa và lau sàn tàu đảm bảo như không còn một hạt bụi. Tôi được nghe giải thích: Ở Trung Quốc còn không ít nguời thất nghiệp, chúng tôi phải chăm chỉ làm việc hôm nay để ngày mai không phải chầu chực đi xin việc. Họ vừa lòng với cuộc sống hôm nay chứ không “đứng núi này trông núi nọ”. Chứng kiến những con người ấy, tôi lại nhớ những nguời Hoa ở Việt Nam  trước đây: những nguời đàn ông vạm vỡ, bắp tay cuồn cuộn, kiên nhẫn ngồi dùng búa dát mỏng mảnh thiếc bằng con bài “tu-lơ-khơ” tới khi có diện tích ngang tờ giấy khổ A3 để làm vàng mã; những nguời Hoa âm thầm ngồi bán lạc rang bên bờ hồ Hoàn Kiếm gần nơi tháp Hòa Phong như muốn “thi gan cùng tuế nguyệt”; nhớ lại chuyện một nguời Hoa ở Sài Gòn vào những năm 80 thế kỷ trước làm nghề bán hàng rong, hàng ngày, với một chiếc xe đẩy, ông đi khắp hang cùng ngõ hẻm của Sài Gòn bán dép nhựa và đổi dép mới lấy dép cũ. Nhìn thấy cảnh một ông già lầm lũi gội mưa tắm nắng suốt ngày trên đường, ai cũng mủi lòng thương hại. Nhưng nào ngờ, khi ông nằm xuống, nguời ta mới phát hiện ông có tới hơn 70 “cây” vàng, trong căn nhà không thể gọi là khang trang. Đó là một tài sản không phải ai cũng có thể có và nếu có, nguời Việt Nam chúng ta chắc chẳng ai chịu sống  như thế. (Những năm ấy, lương của một giáo viên trung học như tôi mỗi tháng chưa mua nổi một “chỉ” vàng).
Nguời Trung Quốc đã làm nên nhiều kỳ tích nhưng luôn luôn khiêm nhường và giản dị. Cái sân vận động lớn nhất châu Á cũng chỉ được gọi bằng cái tên Tổ chim, sân bay vào loại lớn của  thế giới cũng được gọi bằng cái tên Phố Đông. Đi khắp Bắc Kinh, Thượng Hải khách tham quan rất ít thấy những khẩu hiệu kiểu “tự sướng” như ở Việt Nam, cái màu đỏ tưởng như đặc trưng cho Trung Quốc trước đây nay cũng chỉ thấy ở các đèn lồng trong nhà hàng khách sạn hoặc các khu vui chơi giải trí.
Trái hẳn  lòng khâm phục và ngưỡng mộ nền văn hóa của đất nước năm nghìn năm,  thiện cảm trước những con người thuộc  dân tộc đông dân nhất thế giới, khi nói tới nhà cầm quyền Trung Quốc nhất là ở thời hiện đại, tôi không thể kìm nén được những tình cảm ngược lại. Con dân nước Việt ai có thể coi họ là “bạn vàng”, có thể quên chính họ đã “xui trẻ ăn cứt gà” dùng máu nguời Việt chúng ta đánh Mỹ để cho họ “tọa sơn quan hổ đấu” hòng kiếm lợi; chính họ đã “đục nước béo cò” chiếm Hoàng Sa, Trường Sa mảnh đất máu thịt của Tổ quốc chúng ta; chính họ đã cướp đi sinh mạng của hơn sáu chục nghìn chiến sĩ và đồng bào ta trong cuộc chiến tranh Biên giới năm 1979 và hiện nay, họ đang tìm mọi cách lấn chiếm vùng biển đảo thiêng liêng mà tổ tiên để lại. Nhưng phải công bằng mà nói, từ sau “cải cách mở cửa”, họ đúng đã trở thành những kẻ đầy tớ trung thành cho đồng bào họ, làm thay đổi diện mạo của đất nước Trung Hoa, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho  nguời dân Trung Quốc. Không có điều kiện để tìm hiểu sâu rộng, tôi chỉ dám nói tới những điều tai nghe mắt thấy:
Đi nhiều nơi ở Trung Quốc trong 7 ngày, tôi hai lần được thấy câu khẩu hiệu “dĩ dân vi bản” (lấy dân làm gốc), nhưng khắp nơi, tôi thấy cuộc sống của nguời dân được quan tâm chăm sóc khá đầy đủ. Trước hết, thu nhập của mọi người, nhất là tầng lớp làm công ăn lương được đảm bảo có cuộc sống no ấm. Nguời lao đông chân tay (lao công, quét rác, …kể cả nguời nhập cư làm các công việc nặng nhọc) có mức thu nhập khoảng 3 – 4.000 “tệ”/tháng; sinh viên mới ra trường thu nhập 4 – 5.000 “tệ”/tháng; bác sĩ mới ra trường có mức lương 5.000 “tệ”/tháng, sau chừng 7, 8 năm có mức lương 10.000 “tệ”/tháng. Lái xe, hướng dẫn du lịch có thu nhập khoảng 6 – 7.000 “tệ” tháng, … (1 “tệ” tương đương 3.500 đ Việt Nam). Với mức thu nhập ấy, một gia đình hai vợ chồng dù chỉ lao động chân tay, không có bằng cấp,  nuôi một đứa con ăn học chắc không phải thiếu thốn (thu nhập khoảng 25 – 28 triệu đồng Việt Nam). Nguời dân yên tâm với việc làm của mình, có cuộc sống ổn định chính vì thế xã hội cũng khó rối loạn. Về mặt chính trị, tự do tư tưởng, nhân quyền, cuộc sống của nguời Trung Quốc còn bị khá nhiều o ép, nhưng về mặt đời sống vật chất nói chung, họ được quan tâm khá chu đáo, từ những điều nhỏ bé. Ở nơi công cộng, khách sạn, nhà hàng, … các bậc lên xuống (cả cầu thang bộ), đường vào nơi vệ sinh đều có lời nhắc nhở trên sàn nhà để ai cũng có thể nhận ra: “cẩn thận, có bậc”, “coi chừng kẻo ngã”. Trên đường phố, trước ngã tư có đèn tín hiệu, phần đường dành cho xe hai bánh có mái che mưa nắng cho nguời chờ đèn đỏ. Chi phí làm những mái che này do các doanh nghiệp bỏ ra đổi lấy quyền được quảng cáo, thế là tiền thuế của dân không mất xu nào mà nguời dân được hưởng lợi….
Trước những vấn đề nan giải không ngừng nảy sinh, mỗi chính phủ địa phương có cách giải quyết khác nhau nhưng đều rất sáng tạo và “ích nước lợi dân”. Chuyện hạn chế phương tiện giao thông chẳng hạn. Trước đây, Bắc Kinh thi hành chính sách “xe số lẻ, xe số chẵn” (mà Pa-ri đang áp dụng) nhưng không thành công vì giá xe ô tô ở Trung Quốc không đắt, chỉ khoảng hai trăm triệu tiền Việt Nam là đã có thể mua được. Nguời dân bèn có đối sách, mỗi gia đình có 2 xe ô tô, một cái mang số lẻ, một cái mang số chẵn. Thế là chẳng những không hạn chế được mà số xe còn tăng thêm. Từ đó, Bắc Kinh thay đổi: chỉ những ai có biên lai đóng thuế thu nhập 5 năm liền mới được phép mua xe, còn Thượng Hải áp dụng chính sách, mỗi năm chỉ cho phép đăng ký mới một số lượng xe nhất định, các biển số xe mới được mang đấu giá, những nguời trả giá cao nhất sẽ giành quyền mua xe. Cả hai cách mà hai thành phố áp dụng đều khiến ngân sách được bổ sung, nguồn vốn cho giao thông không ngừng được tăng thêm, hạn chế việc thu phí tràn lan khiến nguời dân chịu gánh nặng. Chuyện phí trên các đường cao tốc cũng vậy. Sau khi xây dựng, đường cao tốc được giao cho các địa phương thu phí và duy tu bảo dưỡng. Phần đường thuộc tỉnh nào do tỉnh ấy chịu trách nhiệm. Đường xấu nguời ta sẽ chọn tuyến đường khác cho nên đường luôn luôn êm thuận. Xe lưu thông trên đường có thẻ từ ghi nhận quãng đường đã đi qua. Khi dời khỏi cao tốc, trạm thu phí căn cứ vào loại xe, quãng đường đã đi qua để trừ tiền trong thẻ. Xe khách 45 chỗ phải trả 1 “tệ” cho 1 km. Phí giao thông không thể thất thoát một xu!
Chuyện giải tỏa, giải phóng mặt bằng là điều không thể tránh khỏi khi muốn xây dựng những công trình mới. Tôi được biết, chính quyền có chính sách bồi thường thỏa đáng để những nguời  phải thay đổi nơi ở không ai có thể từ chối. Nhà nước chủ trương đây là cơ hội để cải thiện đời sống cho nhân dân đồng thời, thúc đẩy tiến độ xây dựng các công trình. Ý thức được trình độ văn minh của nguời Trung Quốc chưa cao, nhà cầm quyền bên cạnh thực hành những hình phạt nghiêm khắc còn thường xuyên có những nhắc nhở, cảnh tỉnh nguời dân khắc phục những nhược điểm. Các khách sạn, nhà hàng dù có lãi không ít nhờ bán bia rượu, thuốc lá nhưng trên bàn ăn khách luôn nhìn thấy lời nhắc: “1. Không để thừa thức ăn. 2. Hạn chế bia rượu. 3. Cấm hút thuốc lá”. Trong nhà vệ sinh luôn có những  hàng chữ nhắc nhở tiết kiệm giấy vệ sinh và nước rửa tay. Ngã tư có đèn tín hiệu luôn có lời nhắc “Cẩn thận khi qua đường” ngang tầm mắt nhìn của nguời đi bộ và hàng chữ “xe nhường nguời” ngay trước vạch dừng xe. Đường cao tốc (đường sắt, đường bộ) thường làm trên cao, không ai có thể gây cản trở nhưng khi qua các khu dân cư đều có tường bê tông cao khoảng 2 mét hai bên để hạn chế tiếng ồn cho cư dân, nếu qua những nơi có phong cảnh đẹp, bức tường ngăn sẽ được làm bằng kính để nguời ngồi trên phương tiện giao thông không bị hạn chế tầm nhìn. Những hình phạt được đưa ra nghiêm khắc và không thể có lý do để biện minh, không có ngoại lệ: viên chức nhà nước nhận phong bì bị tố giác hay phát hiện sẽ bị đuổi việc nên chẳng ai dại gì nhận cái phong bì mấy trăm tệ để mất việc; tàu cao tốc chỉ dừng ở ga 2 phút đón trả khách, hết thời gian đó, cửa toa tự động đóng lại, ai chậm chân thì đành chấp nhận vé bị hủy; hút thuốc trên tàu cao tốc bị phạt 2.000 “tệ” và phạt giam 15 ngày; ra khỏi nhà ga không có vé bị phạt gấp đôi giá vé, …
Cả hai mặt ấy được thực hiện song song khiến luật pháp, kỷ cương được nghiêm minh, nó góp phần khiến dân trí  dần được nâng cao, người Trung Quốc dần tự vượt lên chính mình, tiến gần hơn với văn minh, văn hóa. Suốt 7 ngày, toàn ở những nơi tập trung đông người, tôi không thấy cảnh khạc nhổ, vứt rác bừa bãi, … duy chỉ có sự ồn ào thì chưa hết.
Một thành công đáng ghi nhận của nhà cầm quyền Trung Quốc là họ thận trọng khi vạch ra kế hoạch và một khi đã được xác định, họ sẽ bằng mọi cách thực hiện kế hoạch đó, những người thực hiện đúng hoặc vượt tiến độ đều được thưởng cao. Cho nên, tuyến đường sắt cao tốc từ Hàng Châu tới Thượng Hải dài gần 200 km, người Trung Quốc chỉ mất 18 tháng để hoàn thành. Trong 5 năm, từ cuối năm 2010 đến nay,  thành phố Quảng Châu đã xây dựng được 8 tuyến xe điện ngầm dài 136 km với 144 nhà ga. Nghĩ tới con đường sắt trên cao đầu tiên của  Thủ đô  vẻn vẹn có hơn 10 cây số mà sau 6 năm vẫn còn dở dang thật đáng khóc chứ không thể chỉ đáng buồn.
Chúng tôi dời Trung Quốc qua sân bay quốc tế Phố Đông ở Thượng Hải. Sân bay này được đưa vào sử dụng nhân ngày kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc năm 1999, nay đã có 2 nhà ga và 2 đường băng hạ, cất cánh, tương lai có khả năng vận chuyển 80 triệu hành khách/năm (sân bay quốc tế Nội Bài của ta có lưu lượng 10 triệu hành khách/năm). 7 ngày là thời gian quá ngắn ngủi, chắc chắn chưa thể hiểu hết được mọi mặt ở Trung Quốc, nhưng dù sao, nó khiến tôi không thể vừa lòng với những hiểu biết còn hạn hẹp của mình về một đất nước và dân tộc vĩ đại.

1 nhận xét:

  1. Có một điều dễ nhận ra là nền kinh tế của nước ta đang ngày càng phát triển và theo hướng xóa bỏ nền kinh tế nông nghiệp ít mang lại lợi nhuận mà chuyển sang phát triển lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Đặc biệt ngành dịch vụ bởi đây vừa là ngành mang lại lợi nhuận cao, vừa tạo được công ăn việc làm cho nhiều lao động lại không gây ảnh hưởng đến môi trường.
    Trong những lĩnh vực trong ngành dịch vụ, dịch vụ in ấn nói chung hay thiết kế thi công bảng hiệu quảng cáo nói riêng tuy là lĩnh vực còn khá mới mẻ nhưng lại đang phát triển với tốc độ nhanh chóng.
    Tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có vô số các công ty thiết kế và thi công bảng hiệu quảng cáo các loại, tuy nhiên để chọn lựa được một công ty uy tín, chất lượng thì bạn cần lựa chọn thật kĩ lưỡng, công ty Quảng cáo Đại Phát chính là địa chỉ uy tín chất lượng mà bạn hoàn toàn có thể tin tưởng.
    Công ty Quảng cáo Đại Phát với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực quảng cáo, đã và đang thực hiện hàng ngàn dự án lớn nhỏ khác nhau trên khắp địa bàn các tình thành như: thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Vũng Tàu….Chúng tôi tự tin có thể mang đến cho bạn một dịch vụ chất lượng mà bạn đang cần.
    Để được hỗ trợ trực tiếp và chính xác nhất, vui lòng liên hệ hotline: 0935 79 00 28
    Quảng cáo Đại Phát chuyên nhận:
    làm bảng hiệu
    làm bảng hiệu alu
    làm bảng hiệu công ty
    bảng hiệu công ty
    làm hộp đèn quảng cáo
    làm biển quảng cáo
    làm biển hiệu quảng cáo
    làm bảng hiệu quảng cáo
    làm biển quảng cáo led
    làm bảng hiệu inox
    làm hộp đèn mica
    làm bảng hiệu hcm
    làm bảng hiệu tphcm
    làm bảng hiệu quảng cáo hcm
    làm bảng hiệu quảng cáo tphcm
    làm bảng hiệu giá rẻ tphcm
    Địa chỉ: 55 Linh Đông, P. Linh Đông, Q. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
    Điện Thoại: 0935 79 00 28
    Email: daiphatgroup2010@gmail.com
    Website: thietkethicongdaiphat.com

    Trả lờiXóa