Ở đầu thế kỷ thứ 20, ở nước Việt Nam ta, đây là một cây cầu thép có
kiến trúc đẹp nhất và dài nhất, đồng thời cũng sớm nhất ở xứ Ðông Dương.
Ðược xây dựng sớm nhất Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua
sông Hồng tại Hà Nội, do người Pháp xây dựng (1899-1902) và đặt tên là
"Pont Doumer" (Cầu Ðu-mê). Ở thời kỳ này, nước Việt Nam ta chưa có tên
trên bản đồ thế giới, được người Pháp gọi là "Anammit" (một cái tên mang
tính coi thường). Người dân nước ta thường gọi là cầu Sông Cái. Năm
1897, cuộc thi thiết kế cho cầu đã được tổ chức ở Pháp. Phương án thiết
kế của Gustave Eiffel (cũng là người thiết kế xây tháp Ép-phen nổi
tiếng) là phương án được chọn để xây dựng cầu chính thức. Cầu được thiết
kế theo kiểu dáng của cầu Tô-bi-ắc ở quận 13, Pa-ri trên tuyến đường
sắt Pa-ri - Oóc-lê-ăng (Pháp). Sau đó, phần thi công xây dựng cầu đã
được tổ chức đấu thầu và hãng Daydé & Pillé trúng thầu thi công phần
chính của cầu, còn Nha công chính Ðông Dương thì xây dựng phần cầu dẫn.
Toàn bộ vật liệu sắt, thép, bu-lông, đinh ốc, xi-măng... đều được chở
từ "mẫu quốc" qua. Công nhân Việt Nam chịu trách nhiệm thi công dưới sự
giám sát rất chặt chẽ của các kỹ thuật viên và kỹ sư người Pháp và phải
làm việc suốt ngày đêm để cầu hoàn thành đúng thời hạn quy định. Cầu có
chiều dài là 1.862 m, gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn xây bằng đá. Cầu
dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa. Hai bên là đường dành cho xe cơ
giới và đường đi bộ. Ðường cho các loại xe rộng 2,6 m và luồng đi bộ là
0,4 m. Luồng giao thông của cầu theo hướng đi xuôi ở phía trái cầu chứ
không đi theo bên phải như các cầu thông thường khác. Ở đầu thế kỷ thứ
20, ở nước Việt Nam ta, đây là một cây cầu thép có kiến trúc đẹp nhất và
dài nhất, đồng thời cũng sớm nhất ở xứ Ðông Dương. Cầu Long Biên khi
được khánh thành đã nối liền tuyến đường sắt từ Hải Phòng lên Hà Nội; từ
Lạng Sơn về Hà Nội; từ Lào Cai về Hà Nội. Thậm chí, đường sắt được nối
liền với Vân Nam (Trung Quốc) cũng do người Pháp xây dựng. Ðây cũng là
tuyến đường sắt đầu tiên nối liền các thành phố lớn đi dọc Việt Nam:
thành phố Vinh (Nghệ An), Ðồng Hới (Quảng Bình), Ðông Hà (Quảng Trị),
Huế (Thừa Thiên-Huế), Ðà Nẵng (Quảng Nam), Ðà Rằng (Phú Yên)... cho đến
tận ga Bình Triệu (thành phố Hồ Chí Minh) và nó vẫn tồn tại đến hiện
nay... Cây cầu chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử nhất ở Hà Nội Cây cầu là
nơi chứng kiến đội quân viễn chinh Pháp phải rút khỏi cầu Long Biên
sáng 10-10-1954, đồng thời đón Ðoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam chiến
thắng từ Ðiện Biên Phủ, hành quân qua đền Hùng, rồi về tiếp quản Hà Nội
trong không khí hồ hởi, phấn khởi của hàng vạn đồng bào Thủ đô (theo
Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954). Trong cuộc kháng chiến bằng không quân của
quân đội Mỹ phá hoại miền bắc Việt Nam (1965-1972), cầu Long Biên bị ném
bom 14 lần. Ðể bảo vệ cầu, bộ đội công binh, phòng không Việt Nam và
dân quân tự vệ Hà Nội đã xây dựng nhiều trận địa pháo phòng không, có
trận địa cao 11,5 m, trên bãi cát nổi giữa sông Hồng (còn gọi là bãi
giữa). Trên những điểm cao ở cầu thép Long Biên, bộ đội phòng không đã
xây dựng những trận địa pháo 14 ly 5, ngày đêm túc trực dưới cái nắng
như thiêu đốt để chờ máy bay Mỹ bổ nhào là kịp thời nhả đạn và sẵn sàng
hy sinh cả tính mạng và trận địa, để bảo vệ cây cầu. Chính vì vậy mà lực
lượng không quân Mỹ sau nhiều lần ném bom thất bại, đã phải dùng đến
"bom tinh khôn" (điều khiển bằng la-de - một công nghệ mới nhất của khoa
học quân sự thời kỳ đó) để bắn sập cầu Long Biên. Khi các nhịp cầu bị
bom Mỹ đánh sập, lập tức quân dân Hà Nội đã nhanh chóng thay thế ngay
bằng các dầm cầu bán vĩnh cửu, có khẩu độ ngắn đặt trên các trụ mới xây,
để bảo đảm mạch máu giao thông từ hậu phương lớn ra tiền tuyến lớn,
luôn được thông suốt. Ðây là cây cầu duy nhất ở trên thế giới đã được
biến thành những điểm cao ngay trên thành cầu, trở thành những ụ pháo
cao xạ, để chống trả lại lực lượng không quân Mỹ và đã rất thành công,
khiến cho nhiều phi công Mỹ mỗi lần nhận nhiệm vụ vào đánh phá mục tiêu
cầu Long Biên đều rất hoảng sợ, có nhiều phi công đã phản chiến ngay tại
sân bay, khi được chỉ huy quân đội Mỹ phân công. Sang đến thời bình, do
giao thông ngày càng tăng, cầu Long Biên được sử dụng cho tàu hỏa, xe
đạp, ô-tô con và người đi bộ trên lan can hai thành cầu. Trong thập kỷ
90 của thế kỷ trước, Việt Nam xây dựng cấp tốc thêm cầu Chương Dương để
đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế-xã hội đô thị ở hai bờ sông
Hồng. Cuối năm 2005, để phân luồng giao thông, xe máy và ô-tô con lại
tiếp tục được đi qua cầu Long Biên. Cây cầu được sử dụng lâu nhất Kể từ
ngày khánh thành, năm 1902, cho đến nay đã sang thế kỷ 21 (2009), cây
cầu vẫn có tác dụng giao thông Bắc-Nam cả đường sắt, ô-tô, xe máy và
người đi bộ. Hằng năm, có cả một đội cầu, chuyên sửa chữa và sơn mới hết
đầu này đến đầu kia là vừa tròn 365 ngày. Ðó cũng là một cây cầu đặc
biệt nhất mà người thợ sơn làm việc chuyên tâm, gõ sét, gỉ và phải làm
việc quanh năm dưới cái nắng oi ả của mùa hè và cái rét cắt da cắt thịt
của mùa đông. Sở dĩ, cầu Long Biên đứng vững được hơn một thế kỷ nay ở
sông Hồng là do đức tính cần cù lao động, dũng cảm của quân và dân Hà
Nội nói riêng và cả nước nói chung, đã quên thân mình trong chiến tranh,
và không ngại khó khăn gian khổ trong hòa bình, để cây cầu vẫn tồn tại
cho đến ngày nay, chuẩn bị chào đón Hà Nội 1000 năm tuổi. Cây cầu được
nhiều người trong và ngoài nước tham quan Trong hơn 100 năm qua, những
giá trị thiết thực của cây cầu vẫn lắng đọng trên từng nhịp cầu, từng mố
cầu. Ðất nước Việt Nam và Thủ đô Hà Nội đã thay đổi nhiều nhưng giá trị
biểu tượng "con rồng khổng lồ" bằng thép bắc qua sông Hồng vẫn là một
giá trị, một biểu tượng đẹp đối với người dân Việt Nam và người nước
ngoài mỗi khi đặt chân đến Thủ đô Hà Nội. Cách đây hơn một năm, các nhà
nghệ thuật ở trong và ngoài nước đã xây dựng một đề án biến "cây cầu
Long Biên thành... rồng". Và lễ hội "Ký ức cầu Long Biên" được các
ngành, các giới, các nghệ sĩ và có hơn 105 họa sĩ tham gia đề án, lãnh
đạo thành phố Hà Nội đã đồng ý về chủ trương trình diễn "cầu Long Biên
thành... rồng" vào dịp 10-10-2009. Nhưng thật kỳ lạ, chỉ trong vòng ba
tháng, người ta đã thay đổi phương án này và lập nên phương án "Thành
phố bên sông Hồng" theo hình mẫu của Thủ đô Xơ-un (Hàn Quốc). Mọi người
dân Thủ đô và khách tham quan nước ngoài không trực tiếp được chứng kiến
lễ hội "hoành tráng": "Cầu Long Biên thành... rồng", nhưng mỗi khi về
đến Hà Nội, họ đều đi xe, đi bộ, đi xe ôm... đi bằng mọi phương tiện để
đến đây ngắm nhìn cầu Long Biên. Có nhiều người đi ô-tô, xe máy... dừng
lại ở giữa cầu Chương Dương, ngắm nhìn cầu Long Biên toàn cảnh... rồi họ
mới đi về phía Gia Lâm, để được đi trên cây cầu Long Biên về Hà Nội...
Chúng ta đều biết rằng, không riêng gì người Việt Nam mà cả thế giới
đang rất quan tâm đến công trình nghệ thuật văn hóa này... Thế mà một
"Festival 24 giờ" tổ chức các loại hình nghệ thuật về một cây cầu lịch
sử, để lại ký ức cho mọi người hơn 100 năm nay - một dấu ấn nghệ thuật -
một "con rồng thép"... bắc qua sông Hồng còn duy nhất của loài người
vẫn đang phát huy tác dụng. Mặc dù bị thương do bom đạn Mỹ, vẫn oằn
mình, nâng đỡ những đoàn tàu, đoàn người và xe máy qua sông Hồng. Nếu
được tu bổ lại, trả lại dáng vóc ban đầu của nó, cầu Long Biên sẽ là
điểm nhấn trong dịp Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Nguồn tin: Theo Báo Nhân dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét