XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

SỰ KIỆN 18. TRUYỀN BÁ PHẬT GIÁO Ở TRUNG QUỐC

        Ở ngoại thành Lạc Dương tỉnh Hà Nam, trong một khu rừng cỏ cây xanh mượt có chùa Bạch Mã được coi là ngôi chùa cổ nhất của Trung Quốc. Hơn 2000 năm trước, ngôi chùa được xây dựng ở giữa Mang Sơn và Lạc Thỷ, nó có điện các đồ sộ, bảo tháp cao vút, vô cùng hấp dẫn đối với khách du lịch. Chùa Bạch Mã là ngôi chùa đầu tiên khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc do nhà nước xây dựng. Việc xây dựng nó có mối liên hệ mật thiết với “Vĩnh Bình cầu pháp” nổi tiếng trong lịch sử phát triển Phật giáo ở nước ta. Tương truyền Hán Minh Đế Lưu Trang trong khi ngủ ở cung phía nam mộng thấy thần La Kim đầu toả ánh hào quang, bay quanh sân điện. Hôm sau, ông hiểu là mơ thấy Phật, liền cử sứ thần Thái Âm, Tần Cảnh đến Tây Vực cầu xin Phật pháp. Bọn Thái, Tần đến Nguyệt Thị (nay là Apganixtan) gặp các cao tăng Gia Thậm Ma Đằng, Trúc Pháp Trúc ở Thiên Trúc (cổ Ấn Độ). Hai người mời các cao tăng đến Trung Quốc truyền giảng Phật pháp, dùng ngựa trắng để chở kinh Phật, tượng Phật, trèo núi vượt sông, đến năm Vĩnh Bình thứ 10 (năm 67) đến kinh đô Lạc Dương.
Vua Hán Minh Đế lệnh cho phỏng theo kiểu chùa ở Thiên Trúc để  xây dựng. Để ghi công cho ngựa trắng đã chở kinh Phật, mới đặt tên cho ngôi chùa này là chùa Bạch Mã.

Phật từ phương Tây đến

    Phật giáo ở Trung Quốc đến từ Ấn Độ. Người sáng lập ra Phật giáo là  Kiều Đạt Ma. Tất Đạt Đa, sau được tôn là Thích Gia Mâu Ni, nghĩa là Bậc thánh của tộc Thích Gia. Khoảng thế kỷ 1 trước sau công nguyên, Phật giáo bắt đầu được truyền vào Trung Quốc. Vua Minh Đế đời Đông Hán từng cử người đi Ấn Độ cầu Phật pháp, chép về 42 chương kinh Phật. Ở ngoại  thành Lạc Dương xây dựng chùa Bạch Mã mời các tăng nhân Tây Vực lần đầu tiên đến trụ trì. Thời Đông Hán triều Hoàn Đế, Linh  Đế, tăng nhân Tây Vực là An Thế Cao đã đến Lạc Dương phiên dịch kinh Phật, từ đó kinh điển Phật giáo các phái được tiếp tục phiên dịch để giới thiệu ở Trung Quốc.
Khi Phật giáo mới được truyền vào Trung Quốc, người ta chỉ coi đó là một loại phương thuật của thần tiên, chỉ có một số người ở thượng tầng xã hội và một số ít các quý tộc tôn thờ, ảnh hưởng xã hội của nó chưa lớn, cũng chưa có người Hán xuất gia làm tăng. Ngoài ra, các tăng nhân cũng dựa vào các thủ đoạn vu thuật, bùa chú để truyền bá cho Phật giáo. Thời Tam Quốc có tăng nhân của Khang Tăng hội đến Giang Nam truyền bá Phật giáo được Tôn Quyền và tầng lớp thống trị nước Ngô sùng bái, từ đó, Phật giáo bắt đầu được lưu truyền đến phương nam.
    Cuối đời Hán, rồi đến đời Nguỵ, Tấn, Nam Bắc triều, xã hội Trung Quốc rơi vào cảnh chiến tranh liên miên. Những cuộc chiến tranh ấy khiến cho nhân dân vô cùng cực khổ, cuộc sống của dân chúng không ổn định, những nhà gia thế thuộc tầng lớp sĩ tộc cũng cảm thấy cuộc đời quá bấp bênh, không biết sao mà lường. Trong hoàn cảnh ấy, việc tô đậm những khổ ải, ý nghĩa vô thường trong cuộc sống con người được người ta tiếp thu dễ dàng hơn bao giờ hết. Vì thế, Phật giáo thời kỳ này phát triển vô cùng nhanh chóng. Thời kỳ Nguỵ Tấn, Huyền học thịnh hành, tư tưởng Lão Trang được lưu truyền trong giới sĩ tộc rất phổ biến. Lúc này, phái Bát Nhã trong Phật giáo Đại thừa dùng ngôn ngữ của Huyền học, lấy tư tưởng Lão Trang Huyền học để giải thích học thuyết của Phật giáo Đại thừa được các giới sĩ tộc rất hoan nghênh. Vì thế, Huyền học và Phật giáo hợp làm một, Phật giáo lại càng được truyền bá rộng rãi trong xã hội.
    Thời Đông Tấn, có tăng nhân Thích Đạo An đã lấy nghĩa lý của Huyền học được lưu truyền đương thời giải thích ý nghĩa của Phật giáo, lại lý giải bằng cách Huyền học hoá Phật giáo, mang tư tưởng đó chỉ đạo việc nghiên cứu và phiên dịch kinh Phật trở thành một nhà nghiên cứu Phật giáo nổi tiếng lúc bấy giờ. Ông đã tổ chức và lãnh đạo việc phiên dịch kinh Phật, đề ra một số nguyên tắc cần phải tuân theo khi dịch kinh, ông lại  bắt tay sơ bộ chỉnh lý các bộ kinh đã được dịch ra chữ Hán lúc bấy giờ, biên soạn mục lục kinh Phật, chế định các nghi thức trong sinh hoạt của các tập đoàn  tăng lữ, để cho các tín đồ Phật giáo đời sau tuân theo.
    Đệ tử của Thích Đạo An là Tuệ Viễn ở Lư Sơn lâu dài, tập hợp các tăng nhân, giảng dạy Phật học, viết sách soạn giảng. Ông ra sức điều hoà những mâu thuẫn giữa Phật giáo và tôn giáo truyền thống, tìm mọi cách phối hợp mối liên hệ giữa Phật giáo và tầng lớp phong kiến thống trị đương thời. Ông đề xướng tín ngưỡng sau khi chết, con người được đến Tịnh Thổ là thế giới cực lạc ở Tây Phương, được đời sau tôn là ông tổ đầu tiên của Tịnh Thổ tông. Ở Lư Sơn, ông lãnh đạo tăng đoàn trở thành trung tâm Phật giáo phía nam Trung Quốc lúc bấy giờ..
    Năm 401, có tăng nhân Tây Vực là Cưu Ma La Thập đến kinh đô Trường An dịch kinh. Cưu Ma La Thập ở trong một thảo đường  đã lần lượt dịch được 35 bộ hơn 300 quyển. Kinh Bát Nhã, kinh Pháp Hoa, Thái Tri Độ Luận, Trung Luận, v.v.. do ông phiên dịch đã có ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với sự phát triển của Phật giáo Trung Quốc. Kinh đô Trường An vào đời Tấn, tăng nhân Pháp Hiển đi Ấn Độ lấy kinh, sau 10 năm đã viết cuốn “Phật quốc ký”.
    Thời Nam Bắc triều, được tầng lớp thống trị hỗ trợ và khuyến khích, Phật giáo đã  phát triển rất nhanh chóng. Lúc này, các trường phái kinh điển của Phật giáo Ấn Độ đều đã được truyền vào Trung Quốc, các tăng nhân Trung Quốc nghiên cứu Phật giáo ngày một sâu sắc, trên cơ sở nghiên cứu của mình, họ đã truyền dạy cho các tín đồ từ đó, hình thành một học phái lấy việc nghiên cứu  kinh luận là chủ yếu. Sự hình thành và phát triển của học phái này đã trở thành cơ sở để thành lập tông phái Phật giáo thời Tuỳ Đường.
    Tăng nhân Trúc Đạo Sinh ở Nam triều không giữ thuyết cũ, can đảm đề xuất: “Tất cả các chúng sinh, ai cũng có tính Phật”, cứ theo thuyết này thì ai cũng có thể thành Phật. Ông đã coi việc chúng sinh thành Phật là bình đẳng, bao gồm “nhất xiển đề nhân” (Phật giáo chỉ những người đã đoạn tuyệt với gốc thiện, người có mười điều ác không thể tha thứ) cũng không có ngoại lệ. Về mặt tu hành tôn giáo, ông còn đưa ra chủ trương “đốn ngộ thành Phật” đã có ảnh hưởng rất lớn lúc bấy giờ.
    Ở phía bắc, Thái Võ Đế thời Bắc Nguỵ được Thôi Hạo, Khấu Khiêm Chi khuyến khích, năm 446 đã hạ lệnh diệt Phật, để chứng minh bản thân mình mới là Hoa Hạ chính thống. Đây là lần đầu tiên từ khi Phật giáo được truyền vào Trung Quốc đã gặp phải sự trừng phạt nghiêm trọng. Nhưng việc diệt Phật lần này không triệt để, sau khi Thái Võ Đế qua đời không lâu, Phật giáo lại được khôi phục ở phương bắc, sự phát triển của nó lại càng nhanh chóng.
    Phật giáo ở Bắc triều lấy tu nhân tích đức là chính, đã thu được một số lượng lớn sức người sức của, để xây dựng chùa chiền, trùng tu tháp Phật, mở động tạc tượng. Trung Quốc đã có 3 hang động nổi tiếng thế giới (Đôn Hoàng, Vân Cương, Long Môn) đều là những công trình được bắt đầu xây dựng từ thời kỳ này.

Phật giáo tiếp tục phát triển

     Tuỳ Đường là thời kỳ Phật giáo Trung Quốc phát triển toàn thịnh. Chính trị, kinh tế, văn hoá thời kỳ Tuỳ Đường đều phát triển chưa từng có.  Tầng lớp thống trị Tuỳ Đường rất coi trọng tác dụng to lớn của Phật giáo đối với xã hội, hy vọng dùng Phật giáo để ổn định lòng người, ủng hộ trật tự thống trị của họ. Sau khi Tuỳ Văn Đế thống nhất Trung Quốc, ông ra sức ủng hộ Phật giáo, nhiều lần hạ chiếu xây dựng chùa tháp, lập chùa tập hợp tăng ni, tổ chức phiên dịch kinh Phật trong phạm vi cả nước. Vì thế trong hơn 30 năm đời Tuỳ, trên phạm vi toàn quốc Phật giáo phát triển rất nhanh.
    Đường Thái Tông tuy quy định Phật có vị trí sau Đạo, nhưng trong suốt hơn 300 năm, đời Đường đã thực hiện chính sách coi trọng cả hai đạo này. Sau khi cả nước được thống nhất, Đường Thái Tông hạ lệnh tu sửa lại các chùa tháp bị hư hại trong chiến tranh, xây dựng các đàn pháp. Ông còn tự thân soạn viết “Thánh giáo tự” ca ngợi Phật pháp. Võ Tắc Thiên đã lợi dụng sự giúp đỡ của Phật giáo để giành chính quyền, từng xếp đặt Phật giáo có vị trí trên Đạo giáo, còn lệnh cho các tăng nhân giảng dạy kinh Phật, mở rộng các chùa tháp. Sự phát triển của Phật giáo đã ảnh hưởng đến  lợi ích của giai cấp địa chủ phong kiến thế tục, kinh tế của các chùa viện nhanh chóng được mở rộng đã ảnh hưởng đến thu nhập của tài chính quốc gia, phá hoại cơ sở kinh tế của quốc gia phong kiến. Vì thế vào năm Hội Xương thứ 5, Đường Võ Tông đã hạ lệnh diệt Phật, lúc đó gọi là “Hội Xương pháp nan”. Lần này, Phật giáo đã bị giáng một đòn nặng nề, tưởng khó lòng có thể gượng dậy. Sau khi Võ Tông chết, Phật giáo lại được khôi phục nhưng đây đã là cuối đời Đường, thế nước đã suy bại, Phật giáo cũng khó có thể trở lại như trước.
    Thời kỳ Tuỳ Đường, quan hệ về chính trị, kinh tế, văn hoá với bên ngoài được mở rộng. Những hoạt động giao lưu của Phật giáo cũng vô cùng sôi động. Thời Đường Thái Tông, pháp sư Huyền Trang đã đến Ấn Độ học tập kinh Phật trong 17 năm, khi về nước đã phiên dịch 75 bộ kinh Phật. Thời Đường Cao Tông pháp sư Nghĩa Tịnh cũng đi Ấn Độ lấy kinh, qua 25 năm, khi về nước đã phiên dịch 56 bộ kinh, luật. Không ít các tăng nhân Ấn Độ, Tây Vực  Nhật Bản, Triều Tiên đã đến Trung Quốc truyền bá và học tập Phật giáo hoặc các cao tăng Trung Quốc đến các nước để truyền bá Phật giáo. Thời Đường Huyền Tông, cao tăng Giám Chân đã vượt biển Đông sang Nhật Bản truyền đạo Phật.
    Sau đời Đường, nội bộ các phái của Phật giáo đã có sự hoà hợp. Đồng thời, Nho, Phật, Đạo cũng tiến bộ trong việc dung hoà, xuất hiện hiện tượng “tam giáo hợp nhất” và tư tưởng  “Nho Phật nhất chí”. Lý học là tư tưởng chính thống của xã hội phong kiến Trung Quốc  thời Tống Minh. Các nhà lý học lớn Trình, Chu, Lục, Vương tuy đã nhiều lần phê phán lý luận của Phật giáo, nhưng về căn bản, họ đã hấp thụ không ít tư tưởng của Phật giáo. Họ đã nhiều lần đề xuất mệnh đề cơ bản, quan điểm và luận chứng mà những điều này đã có ảnh hưởng rất nhiều từ Phật giáo. Vì thế, người đời sau đã nhận xét lý học là “Nho biểu Phật lý”.
    Sau đời Nguyên Minh, Phật giáo ở khu vực người Hán ngày càng suy, về nghĩa lý Phật học dường như không có sự phát triển nào đáng kể. Toàn bộ  Phật giáo dường như trong trạng thái ngừng trệ. Cuối đời Thanh đầu đời Dân Quốc, có một số cư sĩ và học giả Phật giáo chú ý đến việc chấn hưng Phật giáo nên đã tiến hành chỉnh lý, nghiên cứu khiến cho Phật học thời cận đại có xu thế được phục hưng.
Người dịch: Dương Đình Giao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét