Chế độ phong kiến nhà Hậu Lê thời kỳ suy tàn đã xuất hiện một
loạt các ông Trạng: Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Trạng Vật, Trạng ăn, Trạng Cờ… Nói
chung, đã là Trạng, dù Trạng dở hay Trạng nguyên, Trạng thật hoặc Trạng rởm đều
phải ít nhiều có chữ, như Trạng Quỳnh, Trạng Vật, Trạng Ăn, Trạng Cờ… Duy có
ông Trạng Lợn, đáng lẽ cái bụng phải to kềnh to càng, sao lại lép kẹp, sờ nắn
mãi không thấy chữ nào?
Thì ra chú bé Chung Nhi (quý danh của Trạng Lợn) được cha mẹ cho
học rất sớm, ước mong thằng con hiếm lớn lên thi đỗ làm quan, đặng thoát khỏi
nghề “Lớn lại” gia truyền. Bản thân Chung Nhi cũng hạ quyết tâm: Không học thì
thôi, đã học phải đỗ trạng nguyên mới bõ công đèn sách. Nhưng thực tế,
Chung Nhi nhác học thành thần, tay cầm sách cuộn lại như lưỡi dao bầu, mắt nhìn
hòn son Tàu thấy giống miếng tiết lợn, và bên tai lúc nào cũng vẳng tiếng lợn
kêu eng éc!... Thành ra, có mỗi một câu trong sách vỡ lòng Tam tự kinh Chung
Nhi cứ ra rả như quốc kêu cả ngày cả đêm vẫn không thuộc nổi! Câu gì vậy?
đó là câu “Nhân chi sơ tính bản thiện…” (1) Thầy đồ hỏi: “Nhân chi sơ”
là gì? Chung Nhi quên tịt thò lò, thấy âm “sơ” gần âm “sờ” thì
trả lời bừa “là sờ vú mẹ”! Thầy đồ bật cười, nghĩ nó dốt đến thế, không
thể dạy được, nên cáo từ mà đi. Cha mẹ Chung Nhi lại phải đón mời thầy khác.
Ông này bỏ Tam tự kinh dạy sang sách khác. Dạy rằng: “Thiên tích
thông minh, thánh phù công dụng” (2), Chung Nhi cũng không nhớ, cứ đọc ra “Thiên
tích thông manh, thánh phù chỏng gọng”! Rồi thầy cũng ôm tráp ra đi. Cứ
thế, cha mẹ Chung Nhi mời đến mấy chục thầy đồ, ông nào cũng lắc đầu kêu: “Còn
thiếu mổ bụng nó ra như mổ lợn mà nhét chữ vào”!.
Ấy vậy rồi Chung Nhi cũng đỗ, đúng hơn được nhà vua phong học vị trạng
nguyên, “nguyên” mà vẫn”dở”, một thứ trạng vừa thật, vừa rởm, dù
được bảo hành đến vĩnh viễn! Tuy nhiên, nhân dân lại gọi trạng nguyên Chung
Nhi- Dương Chung Nhi là Trạng Lợn, một biệt danh thích hợp và ngắn gọn. Bởi vì…
Chung Nhi đành nối nghiệp tổ tông, cái nghề lái lợn tuy chẳng vẻ
vang gì, nhưng mềm môi, mát dạ, ngày nào chẳng chén đẫy tiết canh lòng lợn,
khiến nhiều kẻ ước ao. Một hôm anh ta đến nhà ông quan nọ để mua lợn. Cô tiểu
thư con quan tên là Phấn đề tên mình thành vế đối lên bức vách ngoài cửa:
“Bát đao phân mễ phấn”, thách tất cả văn nhân tài tử trong thiên hạ ai đối
được sẽ trọng thưởng. Chung Nhi hỏi dò biết tên cô tiểu thư là Phấn, bèn nhờ
anh giúp việc cho quan sẵn giấy mực đề chữ Chung bên cạnh chữ Phấn. Vừa lúc ấy
cha con ông quan ở trong ra thấy, liền hỏi: “Đứa nào dám đề một chữ “chung”
vào đấy?” Chung Nhi thưa: “Dạ bẩm, con đề ạ, Chung là tên con
ạ!” Ông quan quay lại hỏi con gái: “Con có hiểu thế nào không?” Cô tiểu
thư tủm tỉm cười: “Thưa cha, đó là “Thiên lý trọng kim chung”. Viên quan
gật gật đầu nói: “Vế con ra là “Bát đao phân mễ phấn” là bốn chữ “Bát,
đao, phân, mễ” (八,刀,分,米,粉)
hợp laị thành chữ “Phấn”, vế chàng trai đối lại “Thiên lý trọng kim chung”
là bốn chữ “Thiên, lý, trọng, kim” (千,里,重,金,鍾)
hợp lại thành chữ “Chung”. Hay! Hay tuyệt! Viên quan và cô tiểu thư cứ tấm tắc
khen mãi anh lái lợn hay chữ, thế nào cũng thi đỗ cao làm quan lớn, rồi thưởng
cho con lợn trong chuồng mà anh ta đang hỏi mua!
Chung Nhi không ngờ cái tên mình cũng thành câu đối hay, được
thưởng những một con lợn kếch xù! Điều quan trọng hơn, anh chàng lái lợn vốn
nổi tiếng dốt, bỗng hoá thành hay chữ lừng danh. Người ta thêm mắm muối dấm ớt
kể rằng Chung Nhi nổi tiếng thần đồng từ nhỏ. Một hôm cậu bé con Chung
Nhi đang chơi trò quan tân trạng vinh quy về làng, ông khách đến chơi nhà thấy
vậy, hỏi đùa: “Trạng dở hay là trạng nguyên?”. Chung Nhi liền đáp lại: “Khách
quen hoá khách lạ!”. Không ngờ câu trả lời của Chung Nhi cùng với câu hỏi
của mình hợp thành câu đối rất chỉnh, không thể chê được, ông khách chỉ biết
trầm trồ khen ngợi… Thế là anh lái lợn một chữ bẻ đôi không có, đã nổi tiếng
càng thêm nổi tiếng, lời đồn thổi cứ lan xa,vang xa…
Lần ấy, Chung Nhi cùng người bạn đi mua lợn, đường xa lỡ bước phải
tìm nơi trọ lại. Vừa đến cổng làng, thấy một cái bia đá đề hai chữ “hạ mã”
(下馬)là xuống ngựa, Chung
Nhi vốn dốt lại hay nói chữ, đọc ngay là “bất yên” (不 焉)
! (Đối với người không rành chữ Hán, trông chữ hạ hơi giống chữ bất,
chữ mã na ná chữ yên). Anh bạn nói: Loại bia này nhiều làng có,
tôi thấy người ta bảo là “hạ mã”, sao lại thành chữ “bất yên”? Chung nhi trợn
mắt như mắt lợn luộc: “Đã bảo bất yên là bất yên, anh dám cãi cả tôi sao?”.
Người bạn cúi đầu, biết là “có lỗi” vì bấy giờ Chung Nhi đã nổi tiếng hay chữ,
ứng đối mau lẹ, ai cũng nể trọng. Chung Nhi hạ giọng, ôn tồn giảng giải: “Bất
yên là không yên, làng này không trọ được, đành tìm nơi khác vậy!” Hai người đi
được một quãng đường, bỗng nghe phía xa xa đàng sau tiếng hô la, kêu khóc ầm ĩ.
Anh bạn ngoảng lại thấy lửa khói bốc đầy trời, xuýt xoa khen Chung Nhi: “Ông
anh tài thật, biết trước việc xảy ra cứ như là ông thánh!”.
Chung Nhi trở nên nổi tiếng do gặp được may mắn hoặc tình cờ hay
hiểu lầm, nhưng bởi cứ được khen mãi, thành ra chính anh chàng lái lợn ấy lắm
khi cũng ngỡ mình rất giỏi về câu đối, lại có tài tiên tri như ông thánh!
Rồi tiếng đồn cũng vang đến tận triều đình. Viên quan Thượng thư bị
mất trộm con ngựa quí, gọi Chung Nhi đến kinh đô tìm kẻ trộm. Chung Nhi chỉ
thạo mỗi khoa chọc tiết lợn, nào biết bói toán là gì, tuân lệnh cũng chết mà
không tuân lệnh cũng chết. Bây giờ Chung Nhi mới nhận ra kẻ dốt như mình mà hay
nói chữ thì dễ chết lắm! Anh rất hối hận đã không chịu học hành cho tử tế,
đành liều phó mặc số phận cho vận may… Nằm ở nhà khách quan Thượng đệm êm, chăn
ấm, Chung Nhi trằn trọc đến quá nửa đêm vẫn không ngủ được. Anh chỉ sợ không tìm
ra được kẻ trộm ngựa mình sẽ phải chịu tội thay hắn. Anh nghĩ tới chuyện “hạ
mã” đọc lầm thành “bất yên”. À thi ra mã là ngựa, ngựa là mã, và câu Tam tự
kinh thầy đồ bắt học thuộc lòng mà không hiểu nghĩa, bỗng hiện lên
trong trí nhớ. Để giải buồn, anh đọc: “Mã ngưu dương, thử lục súc, nhân sở tự”
(3). Lúc ấy gã ăn trộm đang nằm rình dưới gầm giường, vì nghe nói có ông thánh
tiên tri đến để bói kẻ trộm ngựa. Hắn nghe Chung Nhi nhẩm đọc câu gì đó có chữ
“tự” thì giật nẩy mình, bởi “Tự” chính là tên hắn! Hắn nghĩ: Ngài đã biết rồi
thì tốt hơn hết là ra thú tội, xin ngài đánh chữ đại xá. Thế là hắn bò ra khỏi
giường. Chung Nhi tưởng tên thích khách muốn giết hại người tài, suýt la toáng
lên. Khi biết hắn ta là kẻ trộm ngựa, Chung Nhi mừng lắm, hỏi nơi cất giấu ngựa
rồi báo cho quan Thượng sai người đến nhận. Còn tên trộm ngựa, Chung Nhi tha
bổng.
Từ đó Chung Nhi ở hẳn lại kinh đô. Nhà vua hết bảo anh tiếp sứ lại
sai anh đi sứ. Nhờ thần may mắn, chẳng việc gì anh không làm tốt khiến quan
chức phong kiến Bắc quốc phải phục sát đất, khen nước Nam lắm anh
tài. Còn vua thiên triều cứ muốn giữ lại để phong “chức” trạng nguyên, làm quan
nhất phẩm nhưng Chung Nhi nhất quyết từ chối. Sơn hào hải vị gì, anh vẫn không
quên được bát tiết canh khéo hãm đông cứng với đĩa lòng lợn sốt còn bốc hơi
nóng hổi!
Bấy giờ miền biên giới Thanh Hóa, Nghệ An hay bị giặc cướp phá.
Triều đình nhiều lần sai tướng văn, tướng võ đánh dẹp vẫn không yên. Các quan
đồng thanh tiến cử Trạng Lợn. Chung Nhi lo sốt vó. Anh ta chỉ quen cầm dao bầu
và nói thánh nói tướng, đâu có biết kiếm cung với binh pháp là gì! Chuyến này
phải ra trận chắc không lối về ! Vợ Chung Nhi là Phấn Khanh, cô tiểu thư con
quan ra vế đối “Bát đao phân mễ phấn”, thấy chồng lo lắng đến bỏ ăn bỏ
ngủ, cười nói: “Lũ giặc cũng như đàn ong, cứ giết tướng, giết chúa là quân
không cần đánh cũng tan”. Chung Nhi than: “Nghe nói thằng tướng giặc này
tính hình hung dữ, võ nghệ cao cường có phải là con lợn đâu!” Phấn Khanh
hỏi: “Thế cái thòng lọng với con dao bầu của chàng để làm gì?” Chung Nhi
tối dạ nhưng sáng ý, chợt nghĩ ra, reo “à” lên một tiếng. Ra trận, Chung Nhi
nấp trong bụi rậm, thó sẵn cây thòng lọng đặt giữa đường. Chờ tên tướng giặc đi
qua, chàng tròng vào chân ngựa như khi bắt lợn, giật mạnh một cái. Con ngựa bị
ngã quay lơ, hất tên tướng xuống đất. Hắn chưa kịp đứng dậy đã bị Chung Nhi
nhảy tới rút dao bầu đâm một nhát vào cổ như chọt tiết lợn!
Nhà vua mừng lắm, ban ngay cho Trạng cái biển đề bốn chữ “Văn võ
toàn tài”! Đây là lần đầu tiên và duy nhất Trạng Lợn không nhờ vào may mắn
hay tình cờ hoặc chính bởi cái dốt nát của anh ta để thành công. Trạng Lợn đã
dùng sở trường lái lợn của mình để lập nên công trạng lớn. Đành rằng còn phải
tính đến công tham mưu hiến kế của Phấn Khanh. Nhưng đó cũng là vận may cho anh
ta đã có người vợ biết yêu nghề lái lợn của chồng.
Cùng là con đẻ bất đắc dĩ của chế độ phòng kiến, nhưng Trạng Quỳnh
suốt đời đả kích chế độ phong kiến, còn Trạng Lợn lại suốt đời phục vụ chế độ
phong kiến. Trạng Quỳnh đại diện cho tầng lớp nho sĩ bình dân bất mãn với chế
độ phong kiến, nhìn vào đâu cũng thấy đối tượng đả kích. Nội dung phản phong
của truyện Trạng Quỳnh do đó rát phong phú. Trạng Lợn lại thuộc tầng lớp lao
động nông thôn, về cơ bản anh ta không có mâu thuẫn gì đáng kể đối với quan
lại, vua chúa phong kiến. Nhưng Trạng Lợn là một tính cách hai mặt. Nghệ thuật
xây dựng truyện của dân gian thật tài tình. Một nhân vật vừa dốt, vừa giỏi,
giỏi mà vẫn dốt, dốt mà lại giỏi. Chữ “hạ mã” đọc là “bất yên” là nhờ dốt mà
thành nhà tiên tri, biết trước điều sắp xảy ra. Chuyện bói tìm kẻ trộm ngựa cho
quan Thượng thư cũng vậy, nếu không dốt thì anh ta ngâm thơ đọc phú, đâu có ê a
lại mấy câu sách học vỡ lòng! Rồi những chuyện tiếp sứ, đi sứ vẫn là nhờ dốt mà
anh ta thành công! Cho đến tài nghệ đánh thắng giặc, cũng chỉ là tài nghệ của
anh lái lợn văn dốt cũ dát, chỉ biết bắt trói lợn và chọc tiết lợn! Tưởng chỉ
có văn, anh ta cứ nói phứa nhờ vận may mà trúng quả, nào ngờ đến cả võ, anh ta
cứ đánh bừa, cũng do thần may mắn phù họ mà nên công! Chẳng cần học, không phải
thi, đường công danh của chàng lái lợn Chung Nhi trải rộng lên tận đỉnh vinh
quang: “Văn võ toàn tài”!
Phải công nhận Chung Nhi dốt nhưng thật thà. Anh không phải loại
dốt chữ mà thạo trò bịp bợm, không hề khoe khoang mình giỏi câu đối, mình tài
tiên tri. Nhưng tại sao từ quan đến vua, cả thiên triều, thiên tử, không ai
nhận ra con người vốn có của chàng lái lợn? Ấy là vì chính bản thân họ cũng ngu
dốt, rất dốt! Khoản này họ không thua kém Chung Nhi, còn hơn cả Chung Nhi. Cho
nên Chung Nhi mới được phong trạng nguyên, mới được ban “Văn võ toàn tài”.
Như thế, để cấu tạo thành danh nhân Trạng Lợn, sự phù hộ của thần May Mắn
chưa đủ, phải có vai trò quyết định của Thánh Dốt!
Sự tích Trạng Lợn cho biết cha trạng là Dương Đình Lương, mẹ trạng
là Trần Thị Thảo, quê quán làng Mạn Phủ, tục gọi làng Giữa, huyện Bình Lục,
tỉnh Hà Nam. Những tính danh, địa danh này thật hay giả, đều không ảnh hưởng gì
tới giá trị nghệ thuật của sáng tác dân gian. Dân gian ca ngợi Chung Nhi, đề
cao Trạng Lợn để đả kích chế độ phong kiến thời kỳ suy tàn, mọi thứ giáo dục,
thi cử, tuyển dụng nhân tài,… cũng như vai trò của vua quan thống trị đều trở
nên hài hước.
Trạng Lợn và Trạng Quỳnh, hai chiến sĩ chống vua quan phong kiến
thời kỳ chế độ suy tàn. Trạng Quỳnh đem cái giỏi để chống cái dốt, bị vua quan
thù ghét, cuối cùng “Trạng chết chúa cũng thăng hà”. Trạng lợi lại “dĩ
độc trị độc” dùng cái dốt để trị cái dốt, nên đã chiến thắng. Tuy nhiên,
ngày nay, nếu có người còn nhận là hậu duệ của Trạng Quỳnh thì chẳng một ai dám
tự xưng là dòng dõi Trạng Lợn (?) Nhưng thôi ông Trạng Lợi ơi! Ông đã hoàn
thành nhiệm vụ lịch sử của mình, cần gì phải có kẻ thừa kế cái gia tài dốt? Xin
Người hãy an giấc ngàn thu, chuyện dương gian khỏi bận… đã có những ông trạng
khác học vị cao, học hàm lớn chức tước to kế tục sự nghiệp ông xứng đáng…!
(Bài
đã đăng Tạp chí Xứ Thanh năm Con Lợn 2007)
(1) Người ta sinh ra tính vốn lương thiện
(2) Thông minh do tính trời, được dùng vào việc có ích nhờ thánh sư phù hộ
(3) Ngựa, trâu, dê, thuộc 6 con vật nuôi của người.
(2) Thông minh do tính trời, được dùng vào việc có ích nhờ thánh sư phù hộ
(3) Ngựa, trâu, dê, thuộc 6 con vật nuôi của người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét