Nhà xuất bản Văn Học
Dì Hảo là con nuôi của bà tôi. Bố đẻ của dì chết đã lâu. Mẹ đẻ dì là bà xã Vận, một người đàn bà bán bánh đúc xay, ngon có tiếng khắp làng Vũ Đại. Tôi biết bà là vì hồi còn bé tôi rất ưa ăn bánh đúc. Có lẽ lúc sinh tôi ra, ông trời đã định sẵn cho tôi một cái kiếp chẳng giàu sang, nên phú sẵn cho tôi cái tính thích những món ăn rẻ tiền của những người nghèo túng. Lúc có tôi thì nhà tôi chẳng còn nghèo. Thế mà tôi cứ thấy ăn cơm gạo đỏ, thổi khô khô, với rau muống luộc chấm tương ngon hơn cơm tám với thịt đông; Mà cái bánh đúc xay nấu khéo còn đậm vị gấp nghìn lần cái bún tuy trắng, tuy mềm nhưng nhạt bép. Mỗi sáng, tôi cầm hai xu mẹ phát cho, theo con ở đi ra hàng. Hàng là một cái chợ nhỏ của làng tôi, họp ngay ở mặt đường, mỗi sáng chỉ họp độ một giờ là đã tan. Từ đằng xa tôi đã thấy những người đàn bà váy bạc phếch xúm xít quanh mẹt bánh đúc của bà xã Vận. Bà thái không kịp bán. Tuy vậy mới nhìn thấy tôi bà đã ngừng dao, nhặt bốn tấm bánh gói gọn ghẽ vào lá chuối, tươi cười đưa cho. Không phải bà thấy tôi ngộ nghĩnh đáng yêu. Nhưng bà không thể quên rằng bà còn nợ bà tôi mấy chục bạc. Cháu ngoại của một người chủ nợ kể cũng đáng cho người ta quý trọng. Tôi đưa hai xu, ôm bốn tấm bánh về[1]. Bà bán đúng một trinh một tấm, mua nhiều hay ít cũng thế. Tấm bánh chẳng lấy gì làm to, so với bánh người khác có phần hơi đắt. Nhưng mà ngon hơn. Cái bột xay rất nhuyễn, vôi bỏ vừa, mịn chắc đấy, nhưng không nồng một tí nào, bẻ ra ăn với cá bống kho ráo nước cho đến cong lên, dầm vào một tí tương cua thì thật tuyệt! Về sau, ngọn gió đời đưa đẩy tôi trải qua rất nhiều cảnh huống: Vất vả nhiều, nhưng cũng có lúc phong lưu, có lúc tôi có thể thừa cách mà hưởng tất cả các cao lương mĩ vị, nhưng chưa bao giờ tôi gặp một món ăn không thể làm tôi quên được cái hương vị thanh đạm mà vẫn đậm đà của bánh đúc ăn với cá bống dầm tương, nghĩ đến bây giờ mà tôi vẫn còn muốn nuốt nước bọt.
Mà cứ nghĩ đến bánh đúc là phải nghĩ đến bà xã Vận. Chồng bà chết đi để lại cho bà một trai một gái, con chị hơn thằng em ba bốn tuổi. Như thế chị có thể dắt em đi chơi để mẹ kiếm gạo. Nhưng một hôm bà xã nhận thấy rằng thằng cu đã có thể đi chơi một mình; Hơn nữa nó có thể tha thẩn ngoài sân với con chó để coi nhà được. Con chị hoá ra thừa. Cũng phải cho nó đi ăn, đi ở với người ta để kiếm manh quần tấm áo. Chả gì cũng bớt miệng ăn. Phần cơm của nó, để em nó ăn thêm; Như thế em nó được no thêm một ít nữa. Bà đã để ý nghe ngóng xem nhà nào có cần nuôi đứa ở bế em chăng. Chưa ai buồn hỏi đến, thì một hôm bà lại nghĩ về người chồng đã chết. Khốn nạn! Khi ông đã nằm xuống đấy thì bà chẳng còn một đồng nào. Bà chạy ngược chạy xuôi van lạy hết người nọ đến người kia, mới vay được non chục bạc. Non chục bạc thì chỉ nộp lệ làng, may cho con mỗi đứa một cái áo tang và cho bà một cái mấn, rồi biện miếng trầu, bát nước cho hàng xóm cũng đã không đủ rồi. Thành thừ bà chỉ dám mua cho ông cỗ áo quan có non ba đồng. Rõ nghĩ mà thương! Nó vừa mỏng, vừa mọt, mộng trẽo trà trẽo trẹt, giá chỉ bóp mạnh cũng răng rắc được. Của ấy được mấy nỗi mà nát? Bấm đốt ngón tay đã được sáu năm trời rồi. Cũng phải cố biện bát cơm, bát canh để thay cho ông ấy cái áo mới, chứ để thế thì tội nghiệp. Nhưng làm sao bây giờ?
Bà dẫn Hảo đến cho bà ngoại tôi. Bà ngoại tôi, ngoan đạo như những người vừa biết Chúa, thích nuôi trẻ ngoại đạo, rửa tội rồi nuôi làm con nuôi. Đó cũng là một cách để con cái đức Chúa lời ngày một thêm đông. Bà xã bằng lòng cho con gái bà đi đạo.
Bà tôi còn nhân đức, giả đăn đắt để trừ nợ năm sáu đồng. Thành ra bà xã chỉ còn được lấy có bảy đồng bạc thôi, nhưng hơn chục đồng còn nợ lại, từ đấy bà cứ lần khân mãi, có gặp bà tôi cũng chỉ van lạy khất, chứ không chịu trả. Bà tôi có bực mình cũng chỉ mắng té tát mấy câu, chứ không chửi bới tàn tệ hay bắt bớ, ấy cũng bởi bà tôi là một người đi vay.
Những khi vui chuyện, người thường kể lại với chúng tôi rằng: Ngày xưa, khi ông thua bạc bỏ nhà đi, người còn phải trả trăm đồng bạc nợ. Người làm lụng vất vả, chiều hôm ban mai, một nắng hai sương, quanh năm chẳng có phút nghỉ ngơi, mà không bao giờ đủ tiền nộp lãi. Vì thế, hơi bước ra khỏi nhà là lủi trốn, giá có cái áo hơi lành hay nắm gạo ăn cũng sợ người ta bắt mất. Có lần người đong được một hào gạo dúm vào vạt áo và mua cho mẹ tôi – hồi ấy mới lên ba – một nắm xôi, đã cố lẩn lút, mà thế nào cũng bị một chủ nợ tinh mắt trông thấy, con mẹ ấy có tiếng là khe khắt. Bà tôi sụp ngay xuống lạy và khóc xin khất nó. Nó chẳng rằng, chẳng nói, giằng lấy dúm gạo, nắm xôi, đổ vào trong nón rồi ngoắt đi. Chẳng may người phu quét chợ trông thấy thế, nghĩ tức lây, bảo nó rằng:
- Bà có bắt của người ta nắm gạo là cùng lắm. Còn xu xôi người ta mua cho con người ta thì phải để cho con người ta chứ? Con người ta chịu đói, khóc có bong bóng mũi ra, từ sáng tới giờ, mà bà bắt của người ta thì nó chết. Bà cũng có con mà bà nỡ đang tâm làm thế à?
Con mẹ kia ngoa ngoắt, tớn môi lên:
- Ai khiến nhà bác chõ mồm vào đấy thế? Ró khéo con tiều! Bác thương nó thì mua cho nó.
Người quét phu chợ bực mình quăng ngay cho bà tôi hai hào:
- Đây này! Tôi cho nhà chị vay bao giờ kiếm được thì trả tôi; Chúng nó giàu mà coi đồng xu bằng cái mẹt!
Vì thế người ta đồn rằng người quét phu chợ phải lòng bà tôi. Nhưng bà tôi quả quyết với chúng tôi rằng: Từ hôm cho bà tôi vay tiền, có gặp bà tôi ông ta chỉ lẳng đi như không trông thấy, nhưng chỉ mấy hôm bà tôi cũng cố tìm tiền đem trả cho ông phân minh tử tế; Hai người chẳng bao giờ nói với nhau những lời có thể gọi là trai lơ. Vè sau, khi bà tôi sạch nợ, và có chút ít tiền, mà ông tôi vẫn biệt tăm, có nhiều đám muốn hỏi bà tôi làm vợ, toàn những đám danh giá cả nhưng bà tôi từ chối hết. Bà tôi bảo “Nếu tôi không nhất định chờ chồng, làm lụng nuôi con, thì tôi lấy người phu quét chợ ngày xưa rồi”.
Một người đã khổ sở vì tiền, tất phải quý đồng tiền. Nhưng không phải vì thế mà bà tôi nỡ bắt những con nợ của người phải chịu những nỗi khốn nạn mà trước kia người đã phải chịu. Đối với bà xã Vận, người tỏ ra dễ dàng.
Nhưng sự dễ dàng ấy, một phần nữa, cũng do có cô Hảo, người được nhận làm con nuôi.
Mới đầu, dì Hảo khóc lóc đến mười hôm: Dù có được ăn no, mặc lành đi chăng nữa, người ta cũng không thể phút chốc mà quên cái lều hôi hám là nơi mình đói rách, khổ sở với em và mẹ. Nhưng rồi dì cũng khuây dần. Dì theo mẹ tôi đi nhà thờ học kinh và “các lễ” cầu cho được rỗi các linh hồn. Dì thấy đi đạo cũng vui. Dần dần người ta dạy cho dì biết có một đức Chúa lời dựng nên trời đất, muôn vật và loài người ta, đức Chúa lời có ba ngôi và ngôi thứ hai ra đời lấy tên là Giê-su; Đức Chúa Giê-su chịu đóng đanh trên cây thánh giá để chuộc tội cho thiên hạ... Ai tin những điều ấy thì được rỗi linh hồn, bằng ai chẳng tin, thì phải xuống địa ngục đầy lửa sinh, lửa diêm, có tiếng khóc lóc và nghiến răng. Tiếng khóc lóc và nghiến răng ken két, thì dì không sợ lắm. Hồi còn ở nhà, em dì khóc nhè nhè suốt ngày; Những hôm nó nóng đầu, thì đêm ngủ nó nghiến răng ken két; Quen đi thì cũng không sợ gì, nhưng dì sợ lửa sinh, lửa diêm nó thiêu đốt người ta đời đời kiếp kiếp. Có là thánh cũng không chịu nổi! Nghe nói đến địa ngục là dì lừ lưỡi ra. Và dì tin. Dì trở nên rất ngoan đạo nữa. Dì với tôi đọc kinh và hát vãn với nhau suốt ngày.
Dì bắt đầu muốn xa lánh hẳn cái lều tối tăm đầy những ma cùng quỷ; Thực tình, dì rất ít khi muốn về thăm mẹ ở nhà, và mỗi lần có phải về thăm mẹ, dì thấy hơi rờn rợn khi đến gần cái bàn thờ lúc nào cũng âm u như che đậy bao nhiêu là bí mật. Và đây mới thật là cái buồn não nuột: Dì thấy ghê ghê ngay mẹ dì. Bà xã Vận bỗng thành người đồng bóng; Những ngày rằm, mồng một, bà thường khăn chầu, áo ngự, đến điện nhà cô đồng Ốc để hầu. Dì dùng những lờì rất khinh bỉ để nhạo báng bà, bà nhạo lại dì, mẹ con dần dần chẳng muốn nhìn mặt nhau làm gì cho thêm bực. Dì nghẹo đầu đi, mặt đỏ bừng, nước mũi chảy ra, lệch xệch vác tôi đi. Thế mà tôi có đòi đứng xuống dì cũng nhất định không chịu đấy!
Sự tận tâm của dì cảm động lòng tôi. Mãi đến lúc tôi đã đi học, dì đã ngồi trên khung cửi, chúng tôi còn quyến luyến nhau. Tôi học bài bên cạnh khung cửi dì. Dì thúc giục tôi. Nghe những bài học lủng củng như “ếch kêu, chó cắn”, – tôi đã học sang vần trắc – dì khen tôi giỏi quá, khó như thế mà nhớ được! Rồi tưởng những tiếng âm vô nghĩa ấy là những câu thần chú gọi cái không của loài người, dì cố nhẩm theo, và lâu dần thuộc lòng tất cả các bài tôi học; Có lúc tôi ấp úng dì nhắc cho tôi đọc nữa; Lại đến lượt tôi phục dì! Khi bài tôi đã thuộc, tấm vải của dì được ra rồi dì giũ váy mấy cái cho lông vải bay hết, rồi lại ôm tôi vào lòng mà vuốt hai cái trái đào của tôi. Những lúc ấy, tôi thấy êm ái chẳng khác gì nằm trong lòng mẹ.
Dì Hảo ơi! Tôi hãy còn nhớ cái ngày dì bỏ tôi đi lấy chồng. Đó là một buổi chiều có sương bay. Người ta đã đến đón dì vào lúc tờ mờ tối. Cũng chẳng lấy gì làm đông lắm, bên nhà trai đâu lẻ tẻ mươi người. Về đằng nhà gái, bà tôi chỉ có dăm ba người chị em đưa đi, chính tôi cũng chẳng được đi. Mẹ tôi bảo: “Không có cỗ đâu: Nhà người ta có trở, chỉ biện cơi trầu, bát nước”. Nhưng nào tôi có đòi đi để được ăn cỗ! Tôi chỉ theo dì Hảo của tôi: Từ trước đến nay, có bao giờ dì đi đâu mà để tôi ở nhà? Người ta giữ tôi lại. Tôi tức, khóc oà lên, tôi tức bà tôi, tôi tức thầy tôi, tôi tức cả dì Hảo nữa! Tôi tự hỏi sao dì cứ phải đi lấy chồng? Và ngay bây giờ nữa, dì Hảo hỡi! Có lúc tôi vẫn ân hận vì dì đã đi lấy chồng. Nếu dì cứ ở nhà, nếu dì cứ là một người dì của tôi mãi mãi, thì có lẽ khỏi khổ, ít ra, dì cũng đỡ khổ hơn bây giờ.
Nhưng mà sự thật ấy đã không thể đừng được. Dì Hảo đã đi lấy chồng, mang theo cho người ấy tất cả lòng yêu vẫn để cho tôi. Và người ấy đã nhận tấm lòng yêu ấy, nhận lấy mà chẳng làm gì cho đáng nhận.
Người ấy không yêu dì. Thật mà! Người ấy chẳng yêu dì Hảo đâu. Mà lại còn khinh dì là khác nữa. Hắn khinh dì là đứa con nuôi, còn hắn là con dòng cháu giống. Và tuy rằng nghèo xác, hắn nhất định không làm gì. Hắn lấy vợ để cho vợ nó nuôi. Dì Hảo cũng nghĩ đúng như thế ấy; Dì làm mà nuôi hắn. Người vợ đảm đang ấy kiếm mỗi ngày được hai hào, dì ăn có năm xu. Còn một hào thì hắn dùng mà uống rượu. Và dì Hảo sung sướng lắm. Và gia đình vui vẻ lắm. Nhưng sự tai ác của ông trời bắt dì đẻ một đứa con.
Đứa con chết, mà dì thì tê liệt. Mỗi ngày ngồi là một ngày không có hai hào. Người chồng muốn đó là cái lỗi của người vợ vô phúc ấy.
Nhưng mới đầu hắn chỉ nghĩ thế thôi. Là vì nhờ ít tiền dành dụm. Người ta vẫn có thể đủ cả cơm lẫn rượu. Nhưng rồi rượu phải bớt đi. Đến cả cơm cũng thế. Đến lúc ấy thì hắn không nhịn được nữa. Hắn chửi bâng quơ. Hắn chửi những nhà giàu, hắn chửi số kiếp hắn, và sau cùng thì chửi vợ. Ô! Hắn chửi nhiều lắm lắm, một bữa đói rượu rồi tình cờ có một bữa rượu say.
Dì Hảo chẳng nói năng gì. Dì nghiến chặt răng để cho khỏi khóc nhưng mà dì cứ khóc. Chao ôi! Dì Hảo khóc. Dì khóc nức nở, khóc nấc lên, khóc như người ta thổ. Dì thổ ra nước mắt. Nhưng đã vội phí nước mắt làm gì nhiều đến thế. Vì dì còn phải khóc hơn thế nhiều, khi hắn chán chửi, bỏ nhà mà đi, bỏ đi bơ vơ, đau ốm, để tìm cơm rượu. Trách làm gì hắn, cái con người bắt buộc phải tàn nhẫn ấy? Hắn phải ăn, phải uống, phải vui thú, đó là đời của hắn. Dì Hảo què liệt không còn những cái ấy để mà cho. Không, dì có trách chi con người tàn nhẫn ấy. Cũng như dì đã không trách bà tôi đã làm ngơ không cấp đỡ cho dì. Bà tôi có còn giàu như trước nữa đâu? Người đã già, đã ốm yếu, và khổ cực thay! Đã nghèo như lúc còn hăm hai. Cái cơ nghiệp người gây dựng thầy tôi buôn bán thua lỗ, chúng tôi học hành tổn phí nhiều, đã tan tác đi theo gió bốn phương. Người chỉ có thể đem đến cho dì Hảo mỗi ngày một xu quà, và rất nhiều nước mắt. Và rất nhiều lời than thở.
Nhưng rồi bệnh dì cũng qua đi. Nó qua như một thằng quái ác chán không muốn hành hạ một kẻ kiên nhẫn quá. Dì Hảo lại đi làm, lại có tiền, lại muốn có chồng để mỗi ngày ăn năm xu và hắn dùng một hào còn lại đi uống rượu. Thì quả nhiên hắn về. Hắn về với một cái quần đen, một cái áo tây vàng, túi xóc xách tiền và một người vợ theo trơ tráo. Thoạt đầu thì người vợ chính ngạc nhiên. Rồi thì tức tối. Sau cùng thì dì nhẫn nại; Phải, nhẫn nại là hơn; Nếu hắn không về thì cũng thế.
Nhưng mà hắn đã về, hắn lại làm chủ cái lều và ba sào vườn của ông cha để lại. Hắn tưởng có quyền chẳng làm gì mà chỉ uống rượu ăn cơm. Và uống rồi, ăn rồi, nó cười sặc sụa.
Cái con vợ bé ấy trơ tráo lạ. Nó chẳng biết làm gì cả. Nó hát những câu tục tằn. Nó uống rượu tựa đàn ông, hút thuốc tựa đàn ông, búi tóc ngược, mặc quần áo trắng tựa đàn ông. Nó sẽ lôi chồng dì vào đáy sâu địa ngục thôi! Cheo leo thay cho cái linh hồn của chồng dì.
Thế mà chồng dì say mê nó lắm. Chồng dì gọi nó là “mợ mình”, và mua cho những hộp sữa bò sáu hào bảy khi nó ốm hay làm ra vẻ ốm.
Còn dì, dì biết phận dì. Dì cố nhắm mắt để khỏi trông thấy chúng. Dì chẳng hé răng nói nửa lời, nhưng dì khóc ngấm ngầm khi chúng cười vui, dì nhịn quắt ruột khi chúng ăn phung phí. Dì héo hắt đi, dì còm cõi. Đúng như một con mèo đói. Nhưng nếu dì còn được như thế mãi!
Một buổi sáng, chừng như chúng nó đã cạn tiền và cạn cả lòng yêu. Dì đoán thế vì luôn hai, ba hôm, dì không thấy chúng uống rượu và cười sặc sụa. Con vợ bé vừa nhổ bọt vừa nói cằn nhằn. Anh đàn ông hõm má vào và lõ mũi ra. Hắn vừa khoặm mắt vừa văng tục. Con kia mặt sưng lên, cứ nói một câu lại choai người lên một cái và vỗ đùi đồm độp. Chúng nó nhảy xổ vào nhau. Rồi đấm đá, cắn cấu với những tiếng gào thét ầm ĩ quá. Chẳng biết làm sao, để mặc chúng, dì bỏ đi làm. Cũng như dì đã mặc những phút mặn nồng của chúng.
Chiều hôm ấy, nhà có vẻ đám ma. Dì không thấy con vợ bé đâu. Cả chồng dì cũng thế. Nhà cửa, đồ đạc thì bừa bộn. Mấy cái nồi đất và đôi lọ xách nước tan ra từng mảnh. Lấy tiền đâu mà sắm sửa lại bây giờ. Trời ơi! Nhưng kia hắn đã về. Hắn về có một mình, một chai rượu trong tay và những tia giận bừng bừng trong mắt. Hắn uống, rồi lại uống, uống lẳng lặng như chưa bao giờ hắn uống. Hắn uống cả chai. Rồi hắn đập chai ra, và chửi. Hắn chửi bâng quơ. Hắn chửi số kiếp hắn. Hắn chửi đàn bà. Hắn chửi con vợ bé. Dì Hảo cắn chặt răng để cho khỏi khóc. Nhưng cứ khóc. Hôm sau hắn ra đi, không biết đi đâu. Dì Hảo ngạc nhiên. Rồi tức tối. Sau cùng thì dì nhẫn nại. Phải nhẫn nại là hơn: Nếu hắn cứ ở nhà thì cũng thế.
Tháng 9 - 1941
Dì Hảo là con nuôi của bà tôi. Bố đẻ của dì chết đã lâu. Mẹ đẻ dì là bà xã Vận, một người đàn bà bán bánh đúc xay, ngon có tiếng khắp làng Vũ Đại. Tôi biết bà là vì hồi còn bé tôi rất ưa ăn bánh đúc. Có lẽ lúc sinh tôi ra, ông trời đã định sẵn cho tôi một cái kiếp chẳng giàu sang, nên phú sẵn cho tôi cái tính thích những món ăn rẻ tiền của những người nghèo túng. Lúc có tôi thì nhà tôi chẳng còn nghèo. Thế mà tôi cứ thấy ăn cơm gạo đỏ, thổi khô khô, với rau muống luộc chấm tương ngon hơn cơm tám với thịt đông; Mà cái bánh đúc xay nấu khéo còn đậm vị gấp nghìn lần cái bún tuy trắng, tuy mềm nhưng nhạt bép. Mỗi sáng, tôi cầm hai xu mẹ phát cho, theo con ở đi ra hàng. Hàng là một cái chợ nhỏ của làng tôi, họp ngay ở mặt đường, mỗi sáng chỉ họp độ một giờ là đã tan. Từ đằng xa tôi đã thấy những người đàn bà váy bạc phếch xúm xít quanh mẹt bánh đúc của bà xã Vận. Bà thái không kịp bán. Tuy vậy mới nhìn thấy tôi bà đã ngừng dao, nhặt bốn tấm bánh gói gọn ghẽ vào lá chuối, tươi cười đưa cho. Không phải bà thấy tôi ngộ nghĩnh đáng yêu. Nhưng bà không thể quên rằng bà còn nợ bà tôi mấy chục bạc. Cháu ngoại của một người chủ nợ kể cũng đáng cho người ta quý trọng. Tôi đưa hai xu, ôm bốn tấm bánh về[1]. Bà bán đúng một trinh một tấm, mua nhiều hay ít cũng thế. Tấm bánh chẳng lấy gì làm to, so với bánh người khác có phần hơi đắt. Nhưng mà ngon hơn. Cái bột xay rất nhuyễn, vôi bỏ vừa, mịn chắc đấy, nhưng không nồng một tí nào, bẻ ra ăn với cá bống kho ráo nước cho đến cong lên, dầm vào một tí tương cua thì thật tuyệt! Về sau, ngọn gió đời đưa đẩy tôi trải qua rất nhiều cảnh huống: Vất vả nhiều, nhưng cũng có lúc phong lưu, có lúc tôi có thể thừa cách mà hưởng tất cả các cao lương mĩ vị, nhưng chưa bao giờ tôi gặp một món ăn không thể làm tôi quên được cái hương vị thanh đạm mà vẫn đậm đà của bánh đúc ăn với cá bống dầm tương, nghĩ đến bây giờ mà tôi vẫn còn muốn nuốt nước bọt.
Mà cứ nghĩ đến bánh đúc là phải nghĩ đến bà xã Vận. Chồng bà chết đi để lại cho bà một trai một gái, con chị hơn thằng em ba bốn tuổi. Như thế chị có thể dắt em đi chơi để mẹ kiếm gạo. Nhưng một hôm bà xã nhận thấy rằng thằng cu đã có thể đi chơi một mình; Hơn nữa nó có thể tha thẩn ngoài sân với con chó để coi nhà được. Con chị hoá ra thừa. Cũng phải cho nó đi ăn, đi ở với người ta để kiếm manh quần tấm áo. Chả gì cũng bớt miệng ăn. Phần cơm của nó, để em nó ăn thêm; Như thế em nó được no thêm một ít nữa. Bà đã để ý nghe ngóng xem nhà nào có cần nuôi đứa ở bế em chăng. Chưa ai buồn hỏi đến, thì một hôm bà lại nghĩ về người chồng đã chết. Khốn nạn! Khi ông đã nằm xuống đấy thì bà chẳng còn một đồng nào. Bà chạy ngược chạy xuôi van lạy hết người nọ đến người kia, mới vay được non chục bạc. Non chục bạc thì chỉ nộp lệ làng, may cho con mỗi đứa một cái áo tang và cho bà một cái mấn, rồi biện miếng trầu, bát nước cho hàng xóm cũng đã không đủ rồi. Thành thừ bà chỉ dám mua cho ông cỗ áo quan có non ba đồng. Rõ nghĩ mà thương! Nó vừa mỏng, vừa mọt, mộng trẽo trà trẽo trẹt, giá chỉ bóp mạnh cũng răng rắc được. Của ấy được mấy nỗi mà nát? Bấm đốt ngón tay đã được sáu năm trời rồi. Cũng phải cố biện bát cơm, bát canh để thay cho ông ấy cái áo mới, chứ để thế thì tội nghiệp. Nhưng làm sao bây giờ?
Bà dẫn Hảo đến cho bà ngoại tôi. Bà ngoại tôi, ngoan đạo như những người vừa biết Chúa, thích nuôi trẻ ngoại đạo, rửa tội rồi nuôi làm con nuôi. Đó cũng là một cách để con cái đức Chúa lời ngày một thêm đông. Bà xã bằng lòng cho con gái bà đi đạo.
Bà tôi còn nhân đức, giả đăn đắt để trừ nợ năm sáu đồng. Thành ra bà xã chỉ còn được lấy có bảy đồng bạc thôi, nhưng hơn chục đồng còn nợ lại, từ đấy bà cứ lần khân mãi, có gặp bà tôi cũng chỉ van lạy khất, chứ không chịu trả. Bà tôi có bực mình cũng chỉ mắng té tát mấy câu, chứ không chửi bới tàn tệ hay bắt bớ, ấy cũng bởi bà tôi là một người đi vay.
Những khi vui chuyện, người thường kể lại với chúng tôi rằng: Ngày xưa, khi ông thua bạc bỏ nhà đi, người còn phải trả trăm đồng bạc nợ. Người làm lụng vất vả, chiều hôm ban mai, một nắng hai sương, quanh năm chẳng có phút nghỉ ngơi, mà không bao giờ đủ tiền nộp lãi. Vì thế, hơi bước ra khỏi nhà là lủi trốn, giá có cái áo hơi lành hay nắm gạo ăn cũng sợ người ta bắt mất. Có lần người đong được một hào gạo dúm vào vạt áo và mua cho mẹ tôi – hồi ấy mới lên ba – một nắm xôi, đã cố lẩn lút, mà thế nào cũng bị một chủ nợ tinh mắt trông thấy, con mẹ ấy có tiếng là khe khắt. Bà tôi sụp ngay xuống lạy và khóc xin khất nó. Nó chẳng rằng, chẳng nói, giằng lấy dúm gạo, nắm xôi, đổ vào trong nón rồi ngoắt đi. Chẳng may người phu quét chợ trông thấy thế, nghĩ tức lây, bảo nó rằng:
- Bà có bắt của người ta nắm gạo là cùng lắm. Còn xu xôi người ta mua cho con người ta thì phải để cho con người ta chứ? Con người ta chịu đói, khóc có bong bóng mũi ra, từ sáng tới giờ, mà bà bắt của người ta thì nó chết. Bà cũng có con mà bà nỡ đang tâm làm thế à?
Con mẹ kia ngoa ngoắt, tớn môi lên:
- Ai khiến nhà bác chõ mồm vào đấy thế? Ró khéo con tiều! Bác thương nó thì mua cho nó.
Người quét phu chợ bực mình quăng ngay cho bà tôi hai hào:
- Đây này! Tôi cho nhà chị vay bao giờ kiếm được thì trả tôi; Chúng nó giàu mà coi đồng xu bằng cái mẹt!
Vì thế người ta đồn rằng người quét phu chợ phải lòng bà tôi. Nhưng bà tôi quả quyết với chúng tôi rằng: Từ hôm cho bà tôi vay tiền, có gặp bà tôi ông ta chỉ lẳng đi như không trông thấy, nhưng chỉ mấy hôm bà tôi cũng cố tìm tiền đem trả cho ông phân minh tử tế; Hai người chẳng bao giờ nói với nhau những lời có thể gọi là trai lơ. Vè sau, khi bà tôi sạch nợ, và có chút ít tiền, mà ông tôi vẫn biệt tăm, có nhiều đám muốn hỏi bà tôi làm vợ, toàn những đám danh giá cả nhưng bà tôi từ chối hết. Bà tôi bảo “Nếu tôi không nhất định chờ chồng, làm lụng nuôi con, thì tôi lấy người phu quét chợ ngày xưa rồi”.
Một người đã khổ sở vì tiền, tất phải quý đồng tiền. Nhưng không phải vì thế mà bà tôi nỡ bắt những con nợ của người phải chịu những nỗi khốn nạn mà trước kia người đã phải chịu. Đối với bà xã Vận, người tỏ ra dễ dàng.
Nhưng sự dễ dàng ấy, một phần nữa, cũng do có cô Hảo, người được nhận làm con nuôi.
Mới đầu, dì Hảo khóc lóc đến mười hôm: Dù có được ăn no, mặc lành đi chăng nữa, người ta cũng không thể phút chốc mà quên cái lều hôi hám là nơi mình đói rách, khổ sở với em và mẹ. Nhưng rồi dì cũng khuây dần. Dì theo mẹ tôi đi nhà thờ học kinh và “các lễ” cầu cho được rỗi các linh hồn. Dì thấy đi đạo cũng vui. Dần dần người ta dạy cho dì biết có một đức Chúa lời dựng nên trời đất, muôn vật và loài người ta, đức Chúa lời có ba ngôi và ngôi thứ hai ra đời lấy tên là Giê-su; Đức Chúa Giê-su chịu đóng đanh trên cây thánh giá để chuộc tội cho thiên hạ... Ai tin những điều ấy thì được rỗi linh hồn, bằng ai chẳng tin, thì phải xuống địa ngục đầy lửa sinh, lửa diêm, có tiếng khóc lóc và nghiến răng. Tiếng khóc lóc và nghiến răng ken két, thì dì không sợ lắm. Hồi còn ở nhà, em dì khóc nhè nhè suốt ngày; Những hôm nó nóng đầu, thì đêm ngủ nó nghiến răng ken két; Quen đi thì cũng không sợ gì, nhưng dì sợ lửa sinh, lửa diêm nó thiêu đốt người ta đời đời kiếp kiếp. Có là thánh cũng không chịu nổi! Nghe nói đến địa ngục là dì lừ lưỡi ra. Và dì tin. Dì trở nên rất ngoan đạo nữa. Dì với tôi đọc kinh và hát vãn với nhau suốt ngày.
Dì bắt đầu muốn xa lánh hẳn cái lều tối tăm đầy những ma cùng quỷ; Thực tình, dì rất ít khi muốn về thăm mẹ ở nhà, và mỗi lần có phải về thăm mẹ, dì thấy hơi rờn rợn khi đến gần cái bàn thờ lúc nào cũng âm u như che đậy bao nhiêu là bí mật. Và đây mới thật là cái buồn não nuột: Dì thấy ghê ghê ngay mẹ dì. Bà xã Vận bỗng thành người đồng bóng; Những ngày rằm, mồng một, bà thường khăn chầu, áo ngự, đến điện nhà cô đồng Ốc để hầu. Dì dùng những lờì rất khinh bỉ để nhạo báng bà, bà nhạo lại dì, mẹ con dần dần chẳng muốn nhìn mặt nhau làm gì cho thêm bực. Dì nghẹo đầu đi, mặt đỏ bừng, nước mũi chảy ra, lệch xệch vác tôi đi. Thế mà tôi có đòi đứng xuống dì cũng nhất định không chịu đấy!
Sự tận tâm của dì cảm động lòng tôi. Mãi đến lúc tôi đã đi học, dì đã ngồi trên khung cửi, chúng tôi còn quyến luyến nhau. Tôi học bài bên cạnh khung cửi dì. Dì thúc giục tôi. Nghe những bài học lủng củng như “ếch kêu, chó cắn”, – tôi đã học sang vần trắc – dì khen tôi giỏi quá, khó như thế mà nhớ được! Rồi tưởng những tiếng âm vô nghĩa ấy là những câu thần chú gọi cái không của loài người, dì cố nhẩm theo, và lâu dần thuộc lòng tất cả các bài tôi học; Có lúc tôi ấp úng dì nhắc cho tôi đọc nữa; Lại đến lượt tôi phục dì! Khi bài tôi đã thuộc, tấm vải của dì được ra rồi dì giũ váy mấy cái cho lông vải bay hết, rồi lại ôm tôi vào lòng mà vuốt hai cái trái đào của tôi. Những lúc ấy, tôi thấy êm ái chẳng khác gì nằm trong lòng mẹ.
Dì Hảo ơi! Tôi hãy còn nhớ cái ngày dì bỏ tôi đi lấy chồng. Đó là một buổi chiều có sương bay. Người ta đã đến đón dì vào lúc tờ mờ tối. Cũng chẳng lấy gì làm đông lắm, bên nhà trai đâu lẻ tẻ mươi người. Về đằng nhà gái, bà tôi chỉ có dăm ba người chị em đưa đi, chính tôi cũng chẳng được đi. Mẹ tôi bảo: “Không có cỗ đâu: Nhà người ta có trở, chỉ biện cơi trầu, bát nước”. Nhưng nào tôi có đòi đi để được ăn cỗ! Tôi chỉ theo dì Hảo của tôi: Từ trước đến nay, có bao giờ dì đi đâu mà để tôi ở nhà? Người ta giữ tôi lại. Tôi tức, khóc oà lên, tôi tức bà tôi, tôi tức thầy tôi, tôi tức cả dì Hảo nữa! Tôi tự hỏi sao dì cứ phải đi lấy chồng? Và ngay bây giờ nữa, dì Hảo hỡi! Có lúc tôi vẫn ân hận vì dì đã đi lấy chồng. Nếu dì cứ ở nhà, nếu dì cứ là một người dì của tôi mãi mãi, thì có lẽ khỏi khổ, ít ra, dì cũng đỡ khổ hơn bây giờ.
Nhưng mà sự thật ấy đã không thể đừng được. Dì Hảo đã đi lấy chồng, mang theo cho người ấy tất cả lòng yêu vẫn để cho tôi. Và người ấy đã nhận tấm lòng yêu ấy, nhận lấy mà chẳng làm gì cho đáng nhận.
Người ấy không yêu dì. Thật mà! Người ấy chẳng yêu dì Hảo đâu. Mà lại còn khinh dì là khác nữa. Hắn khinh dì là đứa con nuôi, còn hắn là con dòng cháu giống. Và tuy rằng nghèo xác, hắn nhất định không làm gì. Hắn lấy vợ để cho vợ nó nuôi. Dì Hảo cũng nghĩ đúng như thế ấy; Dì làm mà nuôi hắn. Người vợ đảm đang ấy kiếm mỗi ngày được hai hào, dì ăn có năm xu. Còn một hào thì hắn dùng mà uống rượu. Và dì Hảo sung sướng lắm. Và gia đình vui vẻ lắm. Nhưng sự tai ác của ông trời bắt dì đẻ một đứa con.
Đứa con chết, mà dì thì tê liệt. Mỗi ngày ngồi là một ngày không có hai hào. Người chồng muốn đó là cái lỗi của người vợ vô phúc ấy.
Nhưng mới đầu hắn chỉ nghĩ thế thôi. Là vì nhờ ít tiền dành dụm. Người ta vẫn có thể đủ cả cơm lẫn rượu. Nhưng rồi rượu phải bớt đi. Đến cả cơm cũng thế. Đến lúc ấy thì hắn không nhịn được nữa. Hắn chửi bâng quơ. Hắn chửi những nhà giàu, hắn chửi số kiếp hắn, và sau cùng thì chửi vợ. Ô! Hắn chửi nhiều lắm lắm, một bữa đói rượu rồi tình cờ có một bữa rượu say.
Dì Hảo chẳng nói năng gì. Dì nghiến chặt răng để cho khỏi khóc nhưng mà dì cứ khóc. Chao ôi! Dì Hảo khóc. Dì khóc nức nở, khóc nấc lên, khóc như người ta thổ. Dì thổ ra nước mắt. Nhưng đã vội phí nước mắt làm gì nhiều đến thế. Vì dì còn phải khóc hơn thế nhiều, khi hắn chán chửi, bỏ nhà mà đi, bỏ đi bơ vơ, đau ốm, để tìm cơm rượu. Trách làm gì hắn, cái con người bắt buộc phải tàn nhẫn ấy? Hắn phải ăn, phải uống, phải vui thú, đó là đời của hắn. Dì Hảo què liệt không còn những cái ấy để mà cho. Không, dì có trách chi con người tàn nhẫn ấy. Cũng như dì đã không trách bà tôi đã làm ngơ không cấp đỡ cho dì. Bà tôi có còn giàu như trước nữa đâu? Người đã già, đã ốm yếu, và khổ cực thay! Đã nghèo như lúc còn hăm hai. Cái cơ nghiệp người gây dựng thầy tôi buôn bán thua lỗ, chúng tôi học hành tổn phí nhiều, đã tan tác đi theo gió bốn phương. Người chỉ có thể đem đến cho dì Hảo mỗi ngày một xu quà, và rất nhiều nước mắt. Và rất nhiều lời than thở.
Nhưng rồi bệnh dì cũng qua đi. Nó qua như một thằng quái ác chán không muốn hành hạ một kẻ kiên nhẫn quá. Dì Hảo lại đi làm, lại có tiền, lại muốn có chồng để mỗi ngày ăn năm xu và hắn dùng một hào còn lại đi uống rượu. Thì quả nhiên hắn về. Hắn về với một cái quần đen, một cái áo tây vàng, túi xóc xách tiền và một người vợ theo trơ tráo. Thoạt đầu thì người vợ chính ngạc nhiên. Rồi thì tức tối. Sau cùng thì dì nhẫn nại; Phải, nhẫn nại là hơn; Nếu hắn không về thì cũng thế.
Nhưng mà hắn đã về, hắn lại làm chủ cái lều và ba sào vườn của ông cha để lại. Hắn tưởng có quyền chẳng làm gì mà chỉ uống rượu ăn cơm. Và uống rồi, ăn rồi, nó cười sặc sụa.
Cái con vợ bé ấy trơ tráo lạ. Nó chẳng biết làm gì cả. Nó hát những câu tục tằn. Nó uống rượu tựa đàn ông, hút thuốc tựa đàn ông, búi tóc ngược, mặc quần áo trắng tựa đàn ông. Nó sẽ lôi chồng dì vào đáy sâu địa ngục thôi! Cheo leo thay cho cái linh hồn của chồng dì.
Thế mà chồng dì say mê nó lắm. Chồng dì gọi nó là “mợ mình”, và mua cho những hộp sữa bò sáu hào bảy khi nó ốm hay làm ra vẻ ốm.
Còn dì, dì biết phận dì. Dì cố nhắm mắt để khỏi trông thấy chúng. Dì chẳng hé răng nói nửa lời, nhưng dì khóc ngấm ngầm khi chúng cười vui, dì nhịn quắt ruột khi chúng ăn phung phí. Dì héo hắt đi, dì còm cõi. Đúng như một con mèo đói. Nhưng nếu dì còn được như thế mãi!
Một buổi sáng, chừng như chúng nó đã cạn tiền và cạn cả lòng yêu. Dì đoán thế vì luôn hai, ba hôm, dì không thấy chúng uống rượu và cười sặc sụa. Con vợ bé vừa nhổ bọt vừa nói cằn nhằn. Anh đàn ông hõm má vào và lõ mũi ra. Hắn vừa khoặm mắt vừa văng tục. Con kia mặt sưng lên, cứ nói một câu lại choai người lên một cái và vỗ đùi đồm độp. Chúng nó nhảy xổ vào nhau. Rồi đấm đá, cắn cấu với những tiếng gào thét ầm ĩ quá. Chẳng biết làm sao, để mặc chúng, dì bỏ đi làm. Cũng như dì đã mặc những phút mặn nồng của chúng.
Chiều hôm ấy, nhà có vẻ đám ma. Dì không thấy con vợ bé đâu. Cả chồng dì cũng thế. Nhà cửa, đồ đạc thì bừa bộn. Mấy cái nồi đất và đôi lọ xách nước tan ra từng mảnh. Lấy tiền đâu mà sắm sửa lại bây giờ. Trời ơi! Nhưng kia hắn đã về. Hắn về có một mình, một chai rượu trong tay và những tia giận bừng bừng trong mắt. Hắn uống, rồi lại uống, uống lẳng lặng như chưa bao giờ hắn uống. Hắn uống cả chai. Rồi hắn đập chai ra, và chửi. Hắn chửi bâng quơ. Hắn chửi số kiếp hắn. Hắn chửi đàn bà. Hắn chửi con vợ bé. Dì Hảo cắn chặt răng để cho khỏi khóc. Nhưng cứ khóc. Hôm sau hắn ra đi, không biết đi đâu. Dì Hảo ngạc nhiên. Rồi tức tối. Sau cùng thì dì nhẫn nại. Phải nhẫn nại là hơn: Nếu hắn cứ ở nhà thì cũng thế.
Tháng 9 - 1941
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét