XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646

Tác giả: ALEXANDRE DE RHODES
Dịch giả: Nguyễn Khắc Xuyên
Lời nói đầu
Nhân kỷ niệm 400 năm sinh của Alexandre de Rhodes (1593 – 1993), chúng tôi đã cho thực hiện cuốn PHÉP GIẢNG TÁM NGÀY, phát hành tháng 06/1993 như một di sản văn hoá quý của Công giáo và của dân tộc.
Nay chúng tôi xuất bản cuốn LỊCH SỬ VƯƠNG QUỐC ĐÀNG NGOÀI, gồm hai phần: Phần một về tình hình chính trị – xã hội và phần hai, về công cuộc truyền giáo ở xứ Đàng Ngoài (Tunquin) từ 1626 đến 1648.
Trước hết là bàn dịch Việt Ngữ cùng với bài giới thiệu và một số chú thích của HỒNG NHUỆ …
Đây là một tài liệu cũ nên khó chuyển dịch hết tất cả mọi tình tiết. Vì vậy, chúng tôi cho in phần PHỤ LỤC, gồm bản chụp ấn bản Pháp ngữ năm 1651 để bạn đọc có thể tham khảo[1]. Trong sách của ấn bản năm 1651 khổ 12x18 được thu nhỏ thành khổ 10x16 cho phù hợp với khổ phổ thông của Tủ sách Đại Kết của uỷ ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh. Tác phẩm mà chúng tôi giời thiệu với giới nghiên cứu, đã được biên soan cho đọc giả Châu Âu vào thượng bán thế kỷ XVII.Công giáo Châu Âu, từ giữa thế kỷ XVI, do khủng hoảng trầm trọng trước các phong trào Cải cách Tôn giáo, có xu hướng muốn tự khẳng định mình bằng cách phủ định tất cả những gì ngoài Công giáo.
Đọc Allexandre De Rhodes, cũng như đọc thư từ và tường trình của các thừa sai Châu Au trước đây, bạn đọc không công giáo chắc chắn không thể không bất bình trước những thái độ trịch thượng, coi tất cả các tôn giáo ngoài công giáo là lầm lạc, mê tín, dị đoan … Nhưng đây chỉ là phản ánh một não trạng mà người Công giáo ở Việt Nam cũng như trên khắp thế giới ngày nay coi như là những lỗi lầm đáng tiếc của quá khứ, hết sức tai hại cho việc hội nhập của Kitô giáo vào văn hoá Châu Á, Châu Phi Châu Mỹ nói chung và Việt Nam nói riêng.
Để tránh những ngộ nhận không cần thiết, đối với những bạn đọc không chuyên môn, mong rằng khi đọc sách này, độc giả coi đây là chỉ là những lời ghi chép và nhận xét cá nhân của tác giả trong cuộc hành trình và truyền giáo ở thời kỳ đó. Còn đối với giời nghiên cứu, thì đã có bản Pháp ngữ được xuất bản dưới sự giám sát của chính tác giả.
Kính mong sự đồng cảm và đóng góp của bạn đọc.
* Ấn bản Pháp ngữ được thực hiện trên bản photocopie của linh mục Đỗ Quang Chính và linh mục Gomez Ngô Minh
Lời giới thiệu
Sau khi ở Đàng Trong năm năm (1618 – 1622) C. Borri đã soạn bản TƯỜNG TRÌNH VỀ ĐÀNG TRONG và cho phát hành bằng tiếng Ý và tiếng Pháp năm 1631. Còn A. De Rhodes, sau khi truyền giáo ở Đàng Ngoài ba năm (1627 – 1630) đã biết bản TƯỜNG TRÌNH VỀ ĐÀNG NGOÀI và cho ấn hành bằng tiếng Ý năm 1650, tiếng Pháp năm 1651 và tiếng Latinh năm 1652.
Người ta còn giữ được một bản viết tay về bản Tường trình này soạn vào năm 1636 khi De Rhodes ở Macao. Nhưng hẳn ông đã bổ túc để viết không phải cho tới năm 1636. Vì thế ông đã nói: giáo đoàn này còn mới mẻ trẻ trung vì mới được "hai mươi ba tuổi" (1627 – 1650)
Cuốn về Đàng Trong của Borri rất quý đối với chúng ta, nhưng cuốn về Đàng Ngoài này quan trọng hơn nhiều. Đàng Trong dẫu sao cũng thuộc về nước Việt Nam. Chúa Nguyễn vẫn nhận vua Lê là lãnh tụ và dòng dõi nhà Lê làm vua toàn cõi. Nhà Nguyễn ở miền Nam lúc đó chưa dám tách biệt khỏi nhà nước Việt Nam, dẫu sao hành chính nhà Nguyễn lúc đó chưa bắt chước hoàn toàn nhà Lê ở Bắc. Trái lại Đàng Ngoài mới là đất đai của tổ tiên, của vua Hùng, nhà Lý, nhà Trần; Đông kinh tức Kẻ Chợ đã có từ lâu đời và nhất là từ năm nhà Lý dời đô về Thăng Long đầu thế kỷ 11.
Vì thế bản tường trình của De Rhodes có một tầm vóc lớn lao. Vì ông tinh thông ngôn ngữ nên ông học nói với người đương thời trực tiếp, ông ghi nhận tinh tường và thành thạo về tình hình chính trị, quân sự và xã hội, kinh tế và văn hoá của nước Việt Nam vào đầu thế kỷ 17, lúc có sự tiếp xúc với người ngoại quốc, nhất là người Hòa Lan và người Bồ, đặc biệt với người Bồ. Là người truyền giáo ông quan tâm đặc biệt tới các tôn giáo, các tín ngưỡng cũng như những mê tín dị đoan của người bản xứ. Ông không quên những phong tục và nhất là tiếng nói của người Việt Nam.
Chúng tôi không cần giới thiệu nhiều lời, độc giả chỉ đưa mắt coi qua mục lục nhan đề các chương của cuốn sách ở quyển một, thì cũng biết sự phong phú đặc biệt của những đề tài: về danh hiệu, vị trí Đàng Ngoài, về vua Lê, về chúa Trịnh, lúc này là Trịnh Tráng, về lực lượng, về số thuyền chiến, về các nguồn lợi, về hành chính, về khoa thi … tất cả có 31 chương trong phần một hay quyển 1.
Là giáo sĩ đi truyền đạo, thế nên sau phần thứ nhất nói về tình hình trong nước, ông viết về sự du nhập Kitô giáo vào xứ này. Đó là ngày 19 tháng 03 năm 1672, tàu của thương gia người Bồ đã đưa ông tới Cửa Bạng thuộc Thanh Hoá, sau chỉ có một tuần lễ hành trình trên biển khơi từ Macao. Thế là ông đặt tên cho cửa biển này là của Thánh Giuse. Vì đã tinh thông tiếng nói học được ở Đàng Trong nên ông bắt đầu giảng đạo Thánh Đức Chúa Trời và rửa tội cho một số người ở chung quanh bến đó. Khi được tiếp xúc với chính quyền thì chính lại là chúa Trịnh Tráng đưa vua Lê đi đánh chúa Nguyễn : đó là trận thứ nhất giữa hai chúa Trịnh Nguyễn giữa hai xứ Bắc Nam mà sử ta có nói tới.
Chúng tôi nhường lời cho cuốn sách, quyền 2, với 51 chương, trong đó giáo sĩ kể lại tất cả hoạt động của ông và các người kế tiếp ông để đem Tin Mừng của Đức Kitô đến cho Đàng Ngoài.
Như trên chúng tôi đã nói, vì thạo tiếng Việt mà giáo sĩ đã rất dễ dàng truyền bá đức tin. Một giáo đoàn đã bắt đầu thành lập. Đã có nhiều người tham gia vào công việc chung, như chép kinh, biên soạn sách giáo lý, soạn lịch công giáo. Chính giáo sĩ đã có một thời gian không đi giảng được, thì đã viết thư chung gởi cho bổn đạo. Cùng cộng tác với ngài còn có những người có tên tuổi, có công trạng như giáo sĩ Gaspar d'Amaral, người đã soạn một cuốn TỰ VỊ VIỆT BỒ (ngày nay thất lạc), giáo sĩ Antôn Barbosa đã viết cuốn TỰ VỊ VIỆT BỒ (ngày nay thất lạc), tuy cả hai cuốn đã giúp cho cha A. De Rhodes soạn cuốn TỰ VỊ VIỆT BỒ LA ấn hành tại Rôma năm 1651. Chính De Rhodes cũng đã cho in cuốn PHÉP GIẢNG TÁM NGÀY, hẳn với những bài giảng cho dân xứ bắc trong thời gian ông ngụ tại đây. Cũng phải kể đến giáo sĩ Maioroca, người biên soạn tới hơn hai cuốn sách bằng chữ Nôm hiện còn những bản thảo hay bản viết tay nằm trong thư viện quốc gia Pháp ở Paris.
Rồi cũng đã có sẵn văn sĩ, thi sĩ đầu tiên của giáo đoàn Kitô như bà Catarina rất tinh thông chữ nghĩa, bà đã viết bằng thơ tất cả lịch sử cứu rỗi từ tạo thiên lập địa cho tới Chúa Kitô chịu chết và phục sinh, bà còn thêm một cuốn kể lai lịch cuộc truyền giáo ở xứ này. Thật là đất Đông Kinh ngàn năm Văn Hiến. Chúng tôi có thể tưởng tượng như cuốn THIÊN NAM NGŨ LỤC với hơn tám ngàn câu thơ lục bát cũng vào thời kỳ này.
Về tổ chức giáo đoàn và xây dựng đoàn thể, phải kể tới hội các thầy giảng với một trường đào tạo trong đó đã có chừng một trăm thầy. Về sinh hoạt phụng vụ cũng rất sốt sắng với mùa Vọng và Lễ giáng sinh, mùa Chay và Lễ Phục sinh. Đặc biệt De Rhodes đã cho tổ chức ngắm 15 sự thương khó Chúa Giêsu, dựa theo nghi lễ hát kinh đêm trong ba ngày Tuần thánh.
Kết quả của việc truyền giáo, cũng theo Tường trình Đàng Ngoài này, năm 1628 đã có hơn 1.600 giáo hữu, tới năm 1630 lên chừng 5.000 và cho tời năm 1639 đã có 82.500 giáo hữu với hơn một trăm nhà thờ lớn, một trăm hai mươi nhà thờ nhỏ. Bản đồ giáo sĩ cho vẽ đã ghi những địa danh có người theo đạo, như chung quanh cửa Bạng, chung quanh Kẻ Chợ (Hà Nội). Có nhiều tên chúng tôi chưa nhận ra nhưng cũng có mấy nơi chúng tôi rất quen biết như Trăm Hạ, Kẻ Trù, Kẻ Vồi.
Chúng tôi chú ý tới hai chương quan trọng, một chương ở quyển một nói về các dấu trong việc phiên âm TIẾNG VIỆT, đó là chương khai đề cho cuốn TỰ VỊ VIỆT BỒ LA danh tiếng và chương ở quyển hai bàn về phương pháp dạy giáo lý mà De Rhodes chủ trương. Chương này nói lên phương pháp dạy giáo lý trong cuốn Phép Giảng tám ngày. Chúng tôi có dịp nghiên cứu sơ qua về bản viết tay năm 1636 nói trên; trong bản viết tay này không có chương 16: "Phương pháp chúng tôi dùng để dạy giáo lý" Như vậy có nghĩa là khi ở Macao năm 1636 giáo sĩ chưa dám viết chương này, vậy có thể phải đợi khi giáo sĩ đã về tới Au Châu, ngài mới viết để cho ấn hành trong cuốn Tường trình.
Có người cho chúng tôi đã quá đề cao thanh thế của giáo sĩ De Rhodes vừa về mặt ngữ học vừa về mặt truyền giáo. Thế nhưng suy cho cùng, De Rhodes rất đáng được một chỗ riêng, ít ai bì được, không những về việc hình thành chữ quốc ngữ – chúng tôi có thể dành cho một bài khác – mà về cả công cuộc truyền giáo ở xứ Bắc. Độc giả đọc cuốn Tường trình này rồi thì sẽ có một ý kiến vững chắc về ngài.
Thế cho nên để ghi nhớ ngày cập bến Cửa Bạng ngày 19 tháng 03 năm 1627, Giáo hội Việt Nam đã nhận Thánh Giuse làm Đấng Bảo trợ cho mình và nhà thờ Chính toà Hà Nội thủ đô là nhờ thờ kính Thánh Giuse bổn mạng Giáo hội Giáo hội Việt Nam. Và De Rhodes kết luận cuốn Tường trình như sau: " Những điều nói trên cũng đủ cho chúng ta nhận thấy một nét về nhân đức và sự chọn trọn lành của bộ mặt trẻ trung của Giáo hội Đàng Ngoài, mới được hai mươi ba tuổi, nhưng từ ngày nhận ánh sáng Phúc âm thì đã được tô điểm tráng lệ. Ước mong Thiên Chúa ban cho Giáo hội này luôn luôn thăng tiến về sự trọn lành và được đầy ơn Thiên Chúa, để cho ta xem thấy một kỳ công kiệt tác của vinh quang Người".
Ngỏ cùng độc giả
Khi nghe nói về những sự mới lạ (những sự mới lạ cũng như những người xa lạ) thì người ta thường cảm phục hơn là ưu đãi: điều này có lẽ đúng với cuốn Lịch sử mà tôi nhận được bản La ngữ của cha Alexandre de Rhodes; tôi sợ có người không công nhận những điều tường thuật trong đó vì là những điều vừa mới vừa lạ. Có nhiều khi vì những truyện ở những lãnh thổ xa lạ, nhất là những lãnh thổ thuộc về thế giới mới, thấy có những bài tường thuật gian dối bởi vì chép theo lời người khác kể lại, nên đã đánh lừa lòng tin của độc giả. Nhưng tôi cam đoan với những người muốn giải trí đọc cuốn Lịch sử này, tác giả cho chúng ta biết về tình hình đời và đạo hiện nay ở xứ Đàng Ngoài, người đó không có ý lừa dối chúng ta. Vì về tình hình và các việc đời của xứ này, tác giả tuyên bố không tường thuật gì mà mắt không chứng kiến. Còn về sự thiết lập và sự tiến triển của Kitô giáo thì tác giả đã trung thành trích ra hoặc từ những bản ký tự đã khởi thảo tại chỗ, những sự việc đã xảy ra trong khu truyền giáo này, hoặc từ những thư tín và thông báo ông nhận được từ những người thợ đã thay thế ông đến làm việc trong vườn nho.
Ông đã được triệu hồi từ khu truyền giáo Đàng Trong nơi ông cư trú hai năm để tới khu truyền giáo Đàng Ngoài, nơi cha Juliano Baldinotti thuộc dòng chúng tôi đã đi theo các thương gia Bồ bắt đầu tới buôn bán trong xứ này. Cha Baldinotti cũng là người thứ nhất vào xứ đó và phát giác những ruộng vườn mênh mông sẵn sàng được cày cấy và nhận thấy những khuynh hướng lớn lao để nhận hạt giống đức tin và Kitô giáo. Cha Alexandre de Rhodes tới đó năm 1627 và may mắn rao giảng Phúc âm, với những thành quả mà hình như cả trời đất đều đồng tình phù hộ và giúp đỡ để chinh phục các dân này, còn địa ngục từ bao nhiêu thế kỷ nay đã đóng cửa cứu rỗi thì bây giờ không còn sức, không còn quyền ngăn cản. Thế nhưng sau ít lâu, ma quỷ bực tức và điên rồ vì bị trục xuất khỏi lãnh thổ của chúng ta và vì một phần lớn các tín đồ cũ của chúng ta đã bỏ chúng, thì chúng võ trang tất cả phe đảng và đồng lõa, gây nên nhiều cuộc bắt bớ, vu cáo kết tội để làn nhơ thanh danh ngài và vinh quang Phúc âm ngài rao giảng, chúng còn phao tin ngài là thầy phù thuỷ vừa làm mê hoặc vừa tàn sát người ta bằng hơi thở của Ngài, làm cho chúa trước đây rất quý mến và rất nể ngài thì nay không còn ưa ngài và yêu công việc ngài làm để rồi sau cùng trục xuất ngài ra khỏi lãnh thổ năm 1629. Nhưng bởi ngài lại theo chiếc tàu người Bồ tới buôn bán mà trở lại xứ này, thì chúa lại ra lệnh lần thứ hai trục xuất ngài năm 1630 không còn hy vọng trở lại, sau khi đã không mệt nhọc hoạt động trong ba năm trời, với những thành quả và những biến cố rất khác nhau và đã để lại trong các tỉnh tới năm nghìn Kitô hữu và trong khắp nước những mầm mống báo hiệu một mùa gặt dồi dào do mồ hôi ngài đã tưới và sau này các thầy giảng do ngài thiết lập sẽ thâu lượm được khi ngài không còn ở đó nữa.
Vì những kẻ thù đức tin đã gieo vào tâm tưởng chúa nên Bề trên dòng (để cất hết nguyên nhân làm cản trở việc rao giảng và tiến triển Phúc âm) đã phái những thợ khác tới khu truyền giáo như sẽ thấy trong cuốn Lịch sử này, những người này tiếp tục công việc của những người trước và dốc hết nhiệt tình để làm tăng số những người trở lại rất nhiều, nên ngày nay ở xứ Đàng Ngoài có hơn hai trăm nghìn Kitô hữu, hai trăm nhà thờ rộng lớn, không kể một số nhà nguyện, đền thánh và sáu trụ sở cư trú của các cha dòng. Hy vọng rằng Thiên từ theo sự quan phòng của Người, Người cho thực hiện những ý định vẻ vang, Người sẽ ban phúc tràn đầy và sung mãn cho công trình của Người và tất cả các dân tộc Đông Phương, không những xứ Đàng Ngoài mà cả các nước lân cận, Đàng Trong, Thái Lan, Lào, Campuchia, nơi các thợ Phúc âm ngày nay đang làm việc, tất cả các nước ấy sẽ thần phục Nước Đức Giêsu Kitô, Đấng mà hết các quốc gia trong hoàn cầu đều phải thờ phụng.
Quyển Một : Tình Hình Thế Tục Xứ đàng Ngoài
CHƯƠNG I: DANH HIỆU VÀ VỊ TRÍ
Xứ Đàng Ngoài1 thời xưa (bị coi) là một trong những tỉnh lớn nội thuộc Trung Quốc, chúng ta gọi theo danh hiệu đã được công nhận. Vì như Bắc Kinh (bây giờ là thành phố thịnh vượng nhất Trung Quốc và là đế đô thường trú của các vua), có nghĩa là triều đình hay thành phố của các vua ở miền Bắc, và Nam Kinh là triều đình hay thành phố của các vua miền Nam, thì Đông Kinh cũng có nghĩa là triều đình ở miền Đông ; Đông trong tiếng Tàu có nghĩa là mạn hay phương Đông và Kinh là nơi vua họp triều đình. Thực ra Đông Kinh chúng tôi nói ở đây không ở vào phía đông nước Tàu, nếu nhắm thẳng vị trí, nhưng ở về phía Nam. Nhưng vì thời xửa xưa, đế chế Trung Hoa lan rộng tới mãi các nước Lào và Xiêm thuộc về phía Tây, nên đối với họ nước Đông Kinh được gọi là nước ở vào phía Đông và như thế gọi cho thuận tiện đối với tất cả những tỉnh ở về phía Tây, những tỉnh phải đi mất sáu tháng mới tới, nếu cần phải nại toà án đặt ở Bắc Kinh và Nam Kinh, nơi vua thay đổi cung điện tuỳ tiện. Nhưng từ khi những nước ở vào miền Tây này thoát khỏi đế chế Trung Hoa thì tỉnh Đông Kinh vẫn phải triều cống2 và được gọi là Annam nghĩa là nghỉ yên phía nam; hiện nay danh hiệu này là tên gọi chung cho hai xứ Đàng Ngoài và Đàng Trong, cả hai chỉ là một quốc gia, một cộng đồng chung nhau về phong tục, tập quán và ngôn ngữ ; trước đây chỉ là một nước, tuy sau này chia làm hai như tôi sẽ nói khi có cơ hội.
Và để nói thêm về danh hiệu đặt cho Đàng Trong ngày nay3 tách biệt khỏi Đàng Ngoài, thì phải biết thủ đô của nước Annam là Kẻ Chợ và các thương gia Nhật Bản buôn bán trong tỉnh đó đã đọc sai và gọi là Coci vì thế người Bồ giao tiếp với họ, để phân biệt với tỉnh Cocin ở miền Đông An, không xa thành phố Goa, đã lập thành danh từ Cocinchina, như muốn nói xứ Cocin gần Trung Quốc (Cocinchina). Danh hiệu này không quá mới vì từ một thế kỷ nay, như chúng ta được biết, trong thư của mình, Thánh Phanchicô Xavie đã tường thuật một trận bão ghê rợn xảy ra ở bờ biển xứ này, khi ngài đáp tàu đi Nhật Bản. Còn cái xứ ngày nay ta gọi là Đàng Ngoài, lúc đó cũng được kể chung với danh hiệu Cocinchina. Tuy vậy từ mấy chục năm nay hai xứ này chia rẽ nhau, nên ở đây tôi sẽ chỉ nói về xứ Đàng Ngoài, biệt lập với xứ Đàng Trong. Còn khi nào nói về điều gì chung cho cả hai xứ thì sẽ dùng danh từ Annam, danh hiệu chung cho cả hai. Đó là về danh hiệu.
Còn về vị trí thì toàn nước Annam ở về phía bắc, từ vĩ tuyến 12 tới vĩ tuyến 23. Từ vĩ tuyến 12 tới vĩ tuyến 17 thuộc về Đàng Trong, còn ra là thuộc về Đàng Ngoài. Tuy có sự khác biệt này là dân ở cả hai Đàng Ngoài như một cái áo, Đàng Trong như thắt lưng, Đàng Ngoài trải rộng như một cái đĩa bằng phẳng có bốn góc, còn Đàng Trong thì bị thu hẹp trong một dãy núi, đến nỗi chỗ hẹp nhất chỉ dài chừng hai mươi mốt dặm Pháp kể từ bờ biển chạy tới dãy núi ngày nay có người dân tộc sơ khai gọi là Rợ Mọi, nước da họ đen, tiếng nói khác với tiếng nói các dân tộc ở nước Annam. Từ nam chí bắc, lãnh thổ họ rộng chừng 146 dặm Pháp.
Chương 2: Nguồn Gốc Xứ đàng Ngoài
Nước này bắt đầu thoát ly khỏi đế chế Trung Quốc từ hơn tám trăm năm nay5, khi người Đàng Ngoài không thể chịu được cái nhục đô hộ Tàu, thì họ vùng lên sau khi giết quan trấn thủ. Vừa để truyền cho hậu lai kỷ niệm chiến thắng đó vừa để ghi muôn đời cuộc khởi nghĩa bằng một vài sự việc thì họ ra lệnh từ nay dân Đàng Ngoài không kết tóc bọc trong lưới trên đầu như người Tàu, và để tỏ ra độc lập, họ bỏ tóc dài tỏa trên vai. Hơn nữa họ không đi giày như đã quen, vì đất rất lầy lội thường xuyên trong toàn cõi, họ luôn đi chân không ở miền quê, không có giày, để được tự do chạy nhảy và chiến đấu với người Tàu khi cần. Thế nhưng sau mấy năm, để bớt căng thẳng đưa tới chiến tranh liên tục thì người Đàng Ngoài đã làm hòa với người Tàu và cứ ba năm một lần họ đến triều đình Bắc Kinh triều cống vua Tàu với lễ vật để tỏ sự thuần phục; đó là điều họ còn giữ cho tới nay. Nhưng đến lượt chính họ (sau khi nổi lên chống người Tàu) trong nước họ lại xảy ra nội loạn và cảnh huynh đệ tương tàn, làm cho nước Annam xưa kia chỉ là một quốc gia thống nhất, bây giờ phân chia ra dưới quyền thống trị của nhiều chúa, mỗi chúa xưng hùng một phương.
Cuộc nội loạn thứ nhất và chính yếu đã xảy ra ngay trong triều vua và giữa kinh thành Kẻ Chợ chừng hai trăm năm nay6. Lúc đó khi vua về miền quê giải trí ít ngày thì người được vua giao quyền canh cửa và giữ điện đài đã nổi loạn. Ông âm mưu bí mật bên trong và bên ngoài, truất phế vua lúc đó bất thần không chống cự nổi. Ông đặt ách độc tài trên bốn tỉnh chính yếu và kinh thành, từ đó không ai ngăn cản, rồi sau ông và con cháu kế vị thừa hưởng hậu quả của lòng phản nghịch. Thấy mình bị tước đoạt một phần lãnh thổ tốt đẹp nhất và lớn nhất trong nước, không còn phương thế rửa nhục do kẻ phản loạn gây nên và không còn hy vọng khôi phục những tỉnh đã mất, vua liền dự định mở mang bờ cõi về phía Nam (…) Tham vọng được thoả mãn. Vua vui mừng và hiển hách thấy quốc gia mình được mở rộng ngoài bờ cõi, nên không còn lo đẩy mạnh chiến thắng xa hơn, vua quyết định ngừng chiến và về nghỉ ngơi trong tỉnh Thanh Hoá, gác việc chinh chiến cho viên tướng lãnh, viên này gánh hết công việc binh đao.
Nhưng tướng lãnh này nắm hết quyền lực võ trang và do tham vọng cá nhân chứ không do nhiệt thành theo công lý, ông bỏ việc chinh phục Chiêm Thành, chỉ để lại một số đạo binh, và đem quân chống lại kẻ nghịch thần đã cướp một phần lớn Đất Nước Đàng Ngoài. Ong giao chiến mấy lần nhưng cả hai bên lúc được lúc thua. Thực ra ông có ý định khôi phục những tỉnh đã mất, nhưng không phải để trao lại cho nhà vua, một vị vua mà ông không thấy đủ khả năng trị nước, lại sức yếu, kém tài và truỵ lạc, mà là chiếm cho mình và con cháu mình. Vì ông rất thông thạo việc nước nên ông được nể trọng và quý mến, vua thì tín nhiệm giao cho quyền cai quản không những quân binh mà tất cả công việc trị nước.
Thế là quyền thống lãnh quân binh được đặt vào tay ông cùng hết các việc nước, chiến tranh cũng như hoà bình đêu hoàn toàn thuộc về ông, ông cho con với sự thoả thuận của nhà vua. Thế là theo thế lực của thông tục và của võ trang, vua trong nước chẳng còn quyền hành gì, chỉ có danh hiệu là vua, tất cả lực lượng hợp với binh đao võ bị đều ở vị tướng lãnh.
Cách đây chừng một trăm năm7 vị tướng lãnh nhận trọng trách này cũng là cụ tổ chúa Đàng Trong, đã giao tranh với kẻ nghịch thần chúng tôi nói ở trên, trong miền ghi trên bản đồ giữa kinh thành và Lào, thấy mình bị địch bao vây và nguy hiểm cho tính mạng, thì đã công khai hứa gả con gái cho viên tướng nào giải vây được: nghe thấy vậy thì có một binh sĩ can tràng và mạnh bạo cưỡi voi thúc quân hăng hái đánh về phía địch rất đông tiến đánh đạo quân yếu ớt của tướng, làm cho địch phải lùi, cứu viên tướng thoát vòng vây nguy hiểm, đưa lên voi đem về nơi an toàn, làm cho viên tướng có phương thế thu quân để mạnh bạo tấn công. Viên tướng lãnh chịu ơn binh lính, không những đã gả con gái cho như đã hứa mà còn giao cho một phần đạo binh8. Thế là ông này đã đạt tới bậc cao danh vọng mà vận mệnh dành cho ông. Rồi sau khi viên tướng lãnh mất, con thì còn nhỏ dại, không được kế vị cha cầm đạo binh như nhà vua đã ban truyền, trái lại người con rể đã lập được nhiều chiến công và lấy con gái út duy nhất, liền nắm hết việc trị nước và điều khiển quân sĩ. Thế nhưng được vua ưng chuẩn, ông vừa lên cầm quyền thì đã tỏ ra ganh tỵ và ghen ghét người em vợ, người em này tính tình khoan hậu mỗi ngày mỗi khôn lớn và có tham vọng chính đính, tìm cách với thời gian khôi phục sự nghiệp lẽ ra thuộc về mình do cha để lại, nhưng chỉ vì tuổi còn nhỏ mà chưa làm được. Thế là người anh rể quyết định ám hại tính mạng em vợ trước khi để cho em dấy nghiệp. Dự định đó (tôi không biết bằng cách nào), người vợ biết và vì thương em nên định cứu em thoát nạn và cứu chồng khỏi mắc trọng tội sát nhân9. Bà liền khuyên chồng cho em vào Đàng Trong trấn thủ lãnh thổ đó, viện lý do cho em ra trận và giữ vững vùng đất mới chiếm. Thế là sự việc được thi hành, người thanh niên có tài ba lại có tư cách hiền hậu, nhận ra mưu mô anh rể và dự định ám hại mình, liền khôn ngoan và ăn ở khéo léo trong việc cai trị đến nỗi sau khi được lòng dân và cẩn thận đề phòng, thì cho giết những kẻ chủ mưu toan tính sát hại mình. Và nơi đày ải ông làm thành quê hương, đất ngọai lai thành di sản và gia nghiệp. Trong thời gian ngắn ông làm bá chủ tất cả những lãnh thổ ông cai trị và toàn cõi Đàng Trong, xưng vương dưới danh hiệu chúa ông; nhưng để duy trì hoà bình và giữ thế thủ, ông nhận triều cống chúa Đàng Ngoài. Thế là nhờ lời khuyên của bà chị khôn ngoan mà ông em được thuận lợi mà chồng cũng không bị thiệt hại, ông này được rảnh tay nghĩ kế và đem quân dẹp quân nghịch thần đã cướp phần đất tốt đẹp nhất của Đất Nước. Ông dùng võ khí đuổi được và kết thúc cuộc giao tranh xảy ra từ bao năm nay: ông hiển hách tự xưng và truyền cho con kế vị là chúa Bằng10, nghĩa là chúa công bằng với nhiều quyền hành, chỉ để lại cho vị đế vương cả nước gọi là vua một ít đặc quyền danh dự, chúng tôi sẽ nói sau.
Nhưng quân nghịch thần bị chúa Bằng đánh bại trận thì rút lui cùng toàn gia quyến về miền núi giáp ranh giới nước Tàu và lập đồn đắp luỹ tự xưng là chúa Canh như từ trước vẫn có. Và có thời giờ thong thả khôi phục lực lượng đem quân đánh phá quân Đàng Ngoài và cướp miền đồng bằng. Tuy nhiên lần bị quân Đàng Ngoài chống cự và ông bị thua, nhưng ông vẫn còn sức không để cho quân Đàng Ngoài nghỉ yên.
Chương 3: Người đàng Ngoài Tôn Thờ Vua Của Họ Như Thế Nào
Trong những phong tục người Đàng Ngoài kính cẩn theo, thì có một phong tục chính yếu họ giữ vào đầu năm mới, đó là lễ tịch điền, nghĩa là mở đất và cày ruộng. Đầu năm nơi xứ này cũng như nơi nước Tàu, thường vào giữa đông chí và xuân phân, đúng ngày tuần trăng mới tương đương với ngày mồng 05 tháng 02 theo cách tính của chúng ta; vào ngày mồng 03, do các nhà toán học hay ma thuật chỉ định (vì ở các nước này có nhiều dị đoan), mọi người có trọng trách, chức vụ hay cấp bậc trong ngành quan võ hay quan văn đều phải đến đền vua với những phù hiệu và y phục chức vụ mình để theo vua trong đám rước long trọng qua khắp thành cho tới một thửa ruộng, theo thể thức và thủ tục tôi sẽ tả sau đây.
Mở đầu là binh sĩ tập hợp từ khắp nước về đây, nghiêm chỉnh hàng lối và rất đông, có tới mấy nghìn, tất cả đều mang khí giới, kẻ đem cung tên, người mang gươm giáo và súng ống. Sau đó là sĩ quan và hàng quý tộc một phần đi ngựa cảnh, một phần cưỡi voi, chừng ba trăm tất cả, có trải thảm quý, đã được huấn luyện dừng bước và tuân lệnh. Vị tướng lãnh cai trị nước như phó vương gọi là chúa thành đô vương11 đi sau hàng quý tộc, ngự trong chiếc xe kéo thấp thiếp vàng. Theo sau là một cỗ voi phủ áo sang trọng, có người dắt, chúa tuỳ tiền có khi cưỡi voi, tuỳ tính khí mỗi khi muốn làm đẹp lòng dân đứng nghinh tiếp và ca ngợi. Sau đó là một đám rất đông các ông nghè, ông cử, ông tú mặc áo dài bằng lụa và thứ hàng quý màu tím sẫm, mỗi người với phù hiệu chức vụ hay cấp bậc mình. Cuối cùng là vua ngự trên ngai vàng lộng lẫy của nhiều người khiêng trên vai, ngai phủ một tấm thảm thêu vàng và xanh, màu sắc dành riêng cho một mình ngài. Với đoàn thể quân ngũ, vua ra khỏi nhà gọi là đền rộng chừng bằng một thành phố lớn, rồi qua những phố chính trong kinh thành gọi là Kẻ Chợ, rồi tới một cánh đồng rộng xa kinh thành chừng một dặm, nơi đây tất cả đoàn thể đến trước đang chờ ngài với rất đông dân chúng. Ngài bước xuống ngai, rồi sau khi đọc lời khấn và long trọng bái Trời, ngài cầm cán cày được trang hoàng nhiều màu sắc và chạm trổ kỳ công, cày mấy phút và mở một luống trong thửa ruộng, để dạy cho dân biết cách làm việc, không nghỉ và chăm sóc đất ruộng. Rồi tới lượt chúa là vị cai trị cả nước, vị có quyền thế đầy đủ và thế giá cao cả trên tất cả thần dân, ông là người đầu tiên tiến đến bái kính đức vua, sấp mình trên đất. Sau ông là hoàng tử, tướng lãnh và toàn thể hoàng tộc, sau cùng là quân sĩ và toàn dân bái phục đức vua và hoan hô chúc mừng . Đó là cách cung kính vĩ đại nhất và sự nhìn nhận long trọng nhất đối với vua, một lần vào dịp đầu mỗi năm.
Rồi mỗi tháng hai lần, vào mồng một và ngày rằm, những vị tiến sĩ chính yếu và những bậc quan văn đều đến chầu vua ngự trong đền và cung kính bái yết không phải chỉ là bậc quân vương mà còn là đấng đã ban cấp bậc cho mình sau kỳ thi tuyển mà chúng tôi sẽ nói sau đây. Bởi vì chính nhà vua ban cho tất cả hoàng tộc và kẻ cả trong nước các chức tước thuộc hàng quý tộc, mặc dầu bao giờ cũng qua ý kiến và thoả thuận của chúa là người nắm mọi quyền trị nước. Người ta cũng tính các năm, ghi các ngự chỉ, sắc lệnh và hết các giấy tờ công cũng như tư kể từ ngày vua lên ngôi và làm lễ đăng quang, truy tôn niên hiệu, theo phong tục kể từ ngày nào gọi bằng tên nào. Và nếu trong năm xảy ra tai họa chung nào trong toàn quốc, như mất mùa, đói kém, dịch tả hay điều gì tương tự , thì đầu năm sau niên hiệu nhà vua sẽ thay để cho tai họa ngừng lại với tên cũ và người ta bắt đầu lại từ ngày đổi niên hiệu, để đếm những năm trị vì, như thể một vua mới vừa lên ngôi. Mặc dầu việc lập vua mới bao giờ cũng dựa vào hàng hoàng gia thâm niên nhất mà toàn dân đều biết, thế nhưng ngày nay việc lựa chọn tuyệt đối tuỳ thuộc vào phán đoán của chúa mà từ nay trong cuốn Lịch sử này tôi gọi gọi là "roi du pays", vị này có quyền (bởi ông đã chiếm đoạt) vì ích quốc lợi dân thay đổi và lựa chọn người nào khác trong cùng một hoàng tộc. Hoàng tộc của nhà vua được chọn ngày nay là hoàng tộc thứ tư chừng tám trăm năm nay12 và từ khi bắt đầu có nước Đàng Ngoài và gọi là nhà Lê, rất danh tiếng và được người Tàu công nhận và cứ ba năm một lần vua sai sứ thần được chúa chỉ định. Điều chúng tôi nói về các chúa Đàng Ngoài thì cũng có nhiều liên quan với những điều người ta kể về các "đairy" Nhật Bản13.
Chương 4: Về Chúa Hay Phó Vương Cai Trị Xứ đàng Ngoài Và Về Quyền Hành Của Ngài
Sau khi chúa Bằng chúng tôi đã nói ở trên14 trị nước rất khôn khéo, dùng võ lực rất hùng mạnh, lại rất kiên trì và chịu đựng gian khổ do chiến tranh trong bốn mươi năm thì sau cùng đuổi được quân nghịch thần đã cướp đoạt bốn tỉnh trong nước và hạ được cường bạo lập ngôi vương. Thanh thế ông vang lừng và ông bắt toàn dân Đàng Ngoài phải đồng tình để cho ông lấy danh hiệu là vương, tiếng chữ Hán có nghĩa là vua, theo tiếng Đàng Ngoài. Thế là chính nhà vua trị vì lúc đó cũng chấp nhận, không những để ông lấy danh hiệu là chúa mà còn nắm hết chức vụ và mọi quyền, và mọi người cũng bằng lòng. Cho tới ngày tuổi đã quá cao và bị bệnh rối mất, thì người con cả nóng lòng không chờ cho cha khuất đi, người con này đã lọt vào guồng máy cai trị và phạm mấy vụ bạo lực do tính ngạo mạn xấc láo. Người cha hay tin thì khá buồn bực và dự tính không để cho đứa con đó chết yên ổn, liền cho lệnh phải thi hành ngay, nghĩa là cho cắt gân hai vế đùi để cho chết. Đứa con ham quyền này mất đi chỉ vì vội vả hấp tấp, thì người em, khi anh mất, cha băng (người cha vốn tỏ lòng thương vì tính tình hiền hoà và ăn ở đức hạnh) lên ngôi thế vị cha, không những với danh hiệu là chúa thanh đô15 như tướng lãnh của vua cao cả mà với danh hiệu vương nghĩa là chúa mà đức thân phụ đã tự truy tôn, bởi có công trạng và không trái ý ai. Thật ra ai cũng nhận thấy nơi vị chúa trẻ tuổi này có nhiều đức tính đáng khen.
Việc đầu tiên ông làm và tỏ ra can đảm khi bắt đầu cầm quyền đó là thiết lập nền hoà bình chắc chắn và lâu bền trong các tỉnh khắp nước, không để cho kẻ nghịch thần có phương tiện gây xáo động. Ông đã đạt được kết quả nhờ vào việc mộ sáu mươi ngàn binh lính trong ba tỉnh vốn ở trung thành và thần phục nhà vua, số binh lính này được bảo quản trong triều và thành phố vua ngự gọi là Kẻ Chợ, không kể đến bốn tỉnh trước kia phản nguỵ, để tuân lệnh chúa, bảo vệ bản thân và duy trì an ninh Đất Nước. Kinh thành này ở giữa, như ở giữa toàn lãnh thổ, các tỉnh khác không thể nổi loạn được vì đã có đủ võ lực để đàn áp, có vô số binh sĩ do chúa sai đi để đánh dẹp. Hơn nữa không nên quên rằng trong khắp nước có nhiều sông vừa rộng vừa sâu, thế nên trong quá khứ đã có nhiều cuộc phiến loạn gây xáo trộn trong các tỉnh, chúng có những đội thuyền chừng hai trăm chiếc vời đầy đủ khí giới để di chuyển và cướp phá. Chúa liền quyết định thiết lập ở mấy cửa sông lớn trong nước nhiều đội thuyền chiến vừa tàu thường vừa tàu chiến với đủ binh sĩ và thuỷ quân làm cho chúa trở nên hùng mạnh khiến nguỵ quân phải khiếp sợ.
Nên nói ở đây một ít về tàu và chiến thuyền. Thuyền thì dài và thấp như thuyền của ta, có nhiều thuyền dài hơn, thường có hai mươi nhăm hoặc ba mươi và nhiều khi ba mươi nhăm và bốn mươi tay chèo mỗi bên. Tay chèo thì nhẹ hơn nhiều bởi gỗ nhẹ, cho nên chỉ một tay hai người đủ để cầm tay chèo. Họ không kéo chèo vào mình như chúng ta, nhưng họ đứng lên lấy hết sức mình đẩy ra trước mặt. Nghề này không có gì là hèn hạ, nhục nhã như nơi chúng ta. Người chèo trong các tàu chiến thường là binh lính và không có một người nào (nhất là khi chúa có mặt trong thuyền) lại không coi việc chèo là một vinh dự. Các thuyền chiến này không thiếu võ khí và súng ống cần cho việc binh đao. Không có thuyền nào mà không có một khẩu súng lớn hoặc một khẩu súng nhỏ ở ngay mũi thuyền và hai khẩu ở đuôi thuyền. Còn binh lính thì họ rất thành thạo sử dụng mọi thứ vũ khí. Về súng tay và súng hỏa mai, họ bắn rất thiện nghệ. Do đó có người kể lại câu chuyện một lính Bồ rất giỏi bắn súng bị một lính Đàng Ngoài thách bắn đạn giả. Người Đàng Ngoài bắn thâu qua vòng giữa đích. Còn người Bồ sợ mình thua cuộc và để cứu danh dự liền lập mưu bắn không đạn: khi tìm xem đạn có bắn trúng vòng giữa hay không, thì chẳng thấy vết tích gì. Người Bồ liền đáp, là vì đã bắn trúng điểm và lọt vào đúng cái lỗ hòn đạn người kia.
Chương 5: Về Lực Lượng Thuyền Chiến Của đàng Ngoài Và đàng Trong
Thuyền chiến của Đàng Ngoài cũng giống như thuyền chiến ở Đàng Trong, chỉ khác là ở Đàng Ngoài có nhiều hơn, vững hơn và trang hoàng đẹp đẽ hơn vì sẵn sàng đưa từ Tàu tới Đàng Ngoài. Nhưng cả hai đều có thuyền nhanh nhẹn và sẵn sàng xung chiến. Đây là câu truyện tôi kể.
Chúa Đàng Ngoài tấn công chúa Đàng Trong, như tôi sẽ nói sau, ba lần đem quân đi đánh nhưng đều thất bại. Chúa liền cầu cứu với thương gia người Hoà Lan chiếm đóng bến tàu Java Cả, gọi là Jaquetra hay Tân Hoà Lan. Chúa phái người đem lễ vật tới xin cung cấp cho mấy chiếc tàu tròn của họ, để nhờ đó chúa quyết định phá huỷ hạm đội người Đàng Trong. Người Hoà Lan nhận lời ngay vì biết là để tấn công chúa Đàng Trong đã công khai từ mấy năm nay tự xưng thù địch với nước mình.
Họ liền phái tới chúa Đàng Ngoài ba chiếc tàu tròn trang bị đầy đủ và có mấy khẩu súng. Đoàn tàu vô ý tới gần một hải cảng Đàng Trong vì bị gió đánh dạt, đúng lúc tình cờ chúa đang có mặt17 với mấy thuyền chiến. Chúa nhận thấy đây là viện trợ người Hoà Lan gởi chúa Đàng Ngoài để gây chiến. Cơn giận nổi lên (như thể chúng dám táo bạo thách thức ở biên giới), chúa liền bàn xem có nên cho thuyền đuổi theo. Chúa hỏi ý kiến một người Hoà Lan mấy năm nay sống sót sau cơ bão biển và ở lại phục vụ chúa lo việc binh đao. Tên lính này kiêu căng và khinh thị đáp rằng đoàn tàu này chỉ sợ có thế lực và thịnh nộ võ khí của ông Trời. Tức giận vì thái độ hỗn xược, chúa không thèm đáp, nhưng ra lệnh cho các thuyền trưởng lập tức cho nhổ neo rời bến và tấn công đoàn tàu Hoà Lan trông rõ ngoài khơi. Nhờ lúc này biển lặng, chỉ có gió nhẹ thổi, nên việc tấn công mang lại kết quả: chỉ có chiếc tàu nhỏ hơn cả của người Hoà Lan nhờ gió nhẹ thổi mà chạy thoát, còn chiếc kia muốn chạy trốn đoàn thuyền rượt theo, mất hướng đụng phải cồn vỡ tan và chìm dưới làn sóng. Chiếc thứ ba lớn hơn hết dĩ nhiên nặng nề hơn cả, gió không đẩy nổi, liền bị bốn thuyền chiến bao vây và chiếm giữ, sau khi hết sức chống cự và bắn vô hiệu vào đoàn thuyền chiến rất thấp đã tới sát nách. Tay lái và cột buồm bị phá. Trong cơn nguy khốn cùng cực , thuyền trưởng và lính Hoà Lan mất hết hy vọng cứu thoát giữa biển khơi, liền châm lửa vào kho thuốc súng đốt chiếc tàu cùng thuỷ thủ, tất cả chừng hai trăm, trừ bảy người tránh ngọn lửa nhảy xuống biển trôi theo làn sóng, được thuyền chiến Đàng Trong vớt và đem đi trình chúa ở trên bến đang đợi đoàn tàu chiến thắng trở về. Chúa thấy bảy người Hoà Lan thoát hoả tai và đắm tàu chiến quỳ phục dưới chân, liền quay về phía người Hoà Lan xấc xược đã khoe tàu nước họ vô địch và chế giễu hắn: này ngươi, hãy hỏi xem lính nước ngươi ở đâu mà đến? Xấu hổ, hắn lí nhí trong miệng và run sợ thưa: chúng thoát nạn do tàu chiến của chúa đánh bại tàu người Hoà Lan. Chúa tiếp: Thế thì chẳng phải đợi thế lực võ trang của Trời để thắng, vì đoàn thuyền chiến của ta đủ để phá vỡ. Rồi chúa truyền cho binh sĩ của chúa : Bớ ba quân, bây giờ hãy chặt đầu tên kiêu căng và gỡ cho thế giới thoát khỏi loài sâu bọ không đáng sống này. Tức thì lệnh được thi hành. Chúa còn cho cắt đầu mũi không những của tám tên lính sẽ đem đi chém đầu mà còn của tất cả những tên khác bị cháy hay đắm tàu, bỏ vào một thúng gửi ra biếu chúa Đàng Ngoài kèm theo vài lới chua chát, đắng cay tương tự như: xin nhận một phần đạo binh chúa đã chuẩn bị để tấn công và xin lần sau chuẩn bị một viện binh khá hơn. Việc này làm cho chúa Đàng Ngoài rất xúc động đến nỗi chúa chẳng còn muốn đón tiếp chiếc tàu thứ nhất của người Hoà Lan chạy trốn theo chiều gió, chúa cũng chẳng thèm cung cấp lương thực cần để sống, chiếc tàu này đành phải về tới Trung Quốc tìm lương thực, xa chừng sáu trăm dặm. Theo truyện này thì biết thuyền chiến xứ Đàng Ngoài và Đàng Trong hùng mạnh đến thế nào, cả hai như tôi đã nói, đều tương tự như nhau.
Chương 6: Về Số Và Cách đóng Thuyền Chiến Xứ đàng Ngoài
Thật khó mà biết số thuyền bến và thuyền chiến do chúa Đàng Ngoài bảo quản. Thế nhưng chắc chắn là nhiều hơn số thuyền chúa Đàng Trong. Trong ba bến ở Đàng Trong, có biết phỏng chừng là bao nhiêu. Một bến ở vào cửa sông lớn, có lần người ta đếm tới sáu mươi tám chiếc. Một bến khác rộng hơn ở vào giữa lãnh thổ gọi là Kẻ Chàm18 có rất nhiều dùng để bào vệ đất nước và buôn bán với người Tàu thường tới bến này. Còn bến thứ ba thì ở vào biên giới nước Chiêm Thành (…) Thuyền của chúa Đàng Trong rất có thể lên tới con số ít ra hai trăm và đúng như người ta nói, chúa Đàng Ngoài có thể có gấp ba hay bốn lần, thế cho nên người ta đoán có tới năm hay sáu trăm thuyền chiến Đàng Ngoài. Mà thuyền Đàng Trong cũng chẳng thua kém về kích thước rộng lớn, về vũ khí và về trang trí.<;br />Chúng tôi ghi thêm ở đây về cấu trúc và trang trí những thuyền này. Mũi thuyền (ngược với thuyền của chúng ta)19 là nơi hệ trọng hơn cả, ở đây có một phòng hoặc một ngai chạm trổ và trang hoàng nhiều tranh ảnh quý, với vàng son óng ánh. Gỗ ở đuôi thuyền cũng sơn vàng son, chạm trổ cầu kỳ ở tất cả bên ngoài: dĩ chí đến mài chèo và cột buồm cũng được trang trí đặc biệt. Khi hành trình thì theo hiệu lệnh do một dụng cụ bằng thanh tre đập nhịp điều hoà, tiếng vừa trầm vừa cao. Người chèo rất khéo, rất lẹ, mặc dầu thường chèo cùng một lúc tới ba, năm hay bảy chiếc song song, thế nhưng không chiếc nào vượt lên trước, và nếu phải ngừng, lượn vòng, rẽ, lùi, họ làm rất có mực thước, điều hoà, như thể chỉ là một, do một cử động chung vậy.
Khi chúa du ngoạn ngoài biển thì có hai mươi ba chiếc tháp tùng thuyền rồng ở giữa, phòng ở mũi thì dát vàng, ở đuôi thì được trang trí và chạm trổ rất tinh vi, buồm óng ánh và trang hoàng đẹp đẽ, giây thừng, giây chão đều bằng lụa. Thuyền lướt đi cũng như thuyền của ta, buồm căng khi thuận gió và thỉnh thoảng vừa căng buồm vừa chèo khi muốn tiến nhanh hơn. Đôi khi có cuộc đua, họ tranh nhau đoạt giải nhanh trước mặt nhà chúa họ chèo hay lên buồm khi có gió hoặc không có gió hoặc vừa có chút gió. Trong cuộc thi đua, người thắng bao giờ cũng được (ngoài danh dự) phần thưởng quý do nhà chúa đại lượng ban phát. Còn nếu trong cuộc thi danh dự này, có kẻ chèo mà làm gãy tay chèo, miễn là làm sao cho hoà hợp với người khác và theo nhịp phách, thì vẫn được nhận phần thường. Thật kỳ thú (tôi còn nói thêm tuy ra ngoài đề) vừa có tiếng chuông ra hiệu lệnh thì tất cả đều nhanh nhẹn xếp vào hàng lối, lao xuống nước và rẽ đường tiến lên. Vì ở bên, mỗi thuyền đều có chỗ đậu riêng biệt, có mái lợp để tránh hư hỏng vì thời tiết: kể từ lúc ra hiệu cho đến lúc khởi hành không đầy một khắc đồng hồ, thế mà không có chiếc nào còn ở ngoài hàng ngũ, để rồi theo hiệu lần thứ hai, đã nằm trên nước trong tư thế lướt đi.
Chương 7: Về Số Dân Và Số Binh Lính Của Chúa đàng Ngoài
Điều làm cho chúa Đàng Ngoài hùng mạnh và đáng sợ cho hết các vua lân bang, đó là số dân rất đông sống trong bảy tỉnh thuộc về nhà vua20. Có thể phỏng đoán thế này. Chỉ xem số rất đông người thường trú trong kinh thành này chỉ dài bằng sáu ngàn bước và rộng cũng vậy, phố phường thì rất rộng và rất có thể để cho mười hay mười hai con ngựa qua lại dễ dàng được. Thế nhưng mỗi tháng hai lần vào ngày mồng một và ngày rằm, họ nghỉ việc và người ta thấy rất đông dân chúng đi đi lại lại, rảo khắp phố phường, đụng chạm nhau, đến nỗi nếu ai vội, nhưng mỗi lúc mỗi bị ngừng, thành thử mất nhiều thời giời mà chỉ tiến được một chút ít. Rồi thêm vào nhiều phỏng đoán khác, theo dư luận chung thì dân cư ở kinh thành lên tới một triệu người21. Có một chứng cớ chính (bỏ các chứng cớ khác) để hiểu đông dân ở đây. Số là người dân có thói quen dùng một thứ trái cây để tăng cường sức khoẻ và có mùi vị thơm ngon, gọi là trầu cau, làm bằng một lá cây và một trái cây như chúng tôi sẽ nói sau. Họ có tục đem theo một túi con hay một bị con đầy, đeo ở thắt lưng, họ để mở trong khi qua lại phố phường để gặp bạn bè. Khi gặp họ bắt đầu chào hỏi nhau rồi mỗi người lấy trong túi của bạn một miếng trầu để ăn. Vì thế những ai có việc vào thành thì ở nhà bắt người làm têm sẵn trầu cau để tiếp đãi theo đúng phép xã giao. Nhưng còn đa số quần chúng vẫn ăn hằng ngày nhưng không có người phục dịch để têm sẵn ở nhà. Người ta nói có tới năm mươi ngàn người bán lẻ và bán lẻ ở nhiều địa điểm trong thành phố. Vì thế có thể kết luận là số người tới mua thì đông vô lượng .
Và từ số dân đông đúc này mà nhà chúa nắm được hai mối lợi. Thứ nhất khi cần, chúa có thể thành lập nhiều sư đoàn quân sĩ như chúa muốn bởi vì ngoài những binh lính thường trực trong các trại kinh thành và sẵn sàng xuất trận khi có lệnh, chúa còn dễ dàng tuỳ theo cơ hội chiêu mộ hơn một trăm ngàn binh lính trong toàn tỉnh thuộc quyền chúa. Như chúa đã làm cách đây không lâu khi chúa đưa quân giao chiến với Đàng Trong ở ngay bên cạnh, chủ yếu khôi phục lại những lãnh thổ đấng tiên vương đã chiếm cứ được, trước đây là một phần, một lãnh thổ của Đàng Ngoài. Ngài đã chuẩn bị một sư đoàn hoàn bị và hùng mạnh trên biển, còn trên đất có tới hai mươi ngàn người. Dĩ nhiên những đoàn binh đó được ngài bảo quản nhưng không cho phép ngài chiến thắng và bên địch sẽ bại nếu ngài bớt số quân đi. Bởi vì ngài chỉ chuẩn bị lương thực và quân nhu cần thiết cho đạo binh trong ba bốn tháng, theo dự tính thời gian chúa Đàng Trong sẽ phải ra hàng và trao trả lãnh thổ cho ngài hoặc ra khỏi đất nước. Thế nhưng đụng phải sức kháng cự lâu dài hơn, cương quyết hơn, ngài đành phải rút quân về Đàng Ngoài vì sợ đạo binh chết đói. Công cuộc khôi phục Đàng Trong dĩ nhiên phải bỏ một cách nhục nhã. Ngài đã thất bại vì mộ quân quá nhiều nên không đủ lương thực nuôi họ.
Chương 8: Về Những Nguồn Lợi Của Chúa đàng Ngoài
Còn một lợi ích khác cùa chúa Đàng Ngoài vì có rất đông dân số, ngoài điều tôi nói ở trên, đó là thuế và những nguồn lợi khác. Hết các công dân thuộc phái nam ở Đàng Ngoài, trừ những chúa đặc ân miễn thuế chúng tôi sẽ nói sau, kể từ mười chín tuổi cho đến sáu mươi, đều phải nộp thuế cho chúa. Nhưng có sự khác biệt này: những người cư trú ở ba tỉnh vẫn trung thành với chúa và không theo nghịch thần22, chúng tôi đã nói, thì không phải nộp tiền, tính vào tiền chúng ta là vào khoảng hai đồng êcu, mỗi đồng chừng sáu mươi xu, nhưng trong bốn tỉnh khác đã không quy thuận chúa, mỗi đầu người phải nộp gấp bốn, không kể những thuế phụ đảm khác kể như tiền phạt vì tội đồng lõa phản nghịch. Ngoài thuế gọi như thuế thân mà nhân viên thu thuế thi hành mỗi nơi mỗi khác, lại không phân biệt người nghèo người giàu (thật là bất công) những người có của, những người chỉ sống bằng thủ công, còn một thứ thuế lợi tức đánh vào ruộng đất, đúng hơn một lễ vật thanh lịch và tự nguyện ở mỗi người, một thứ thuế hay một thứ viện trợ thực sự. Mà thường thì không dám tự miễn cho mình, vào thời phải nộp nghĩa là ba hay bốn kỳ một năm. Kỳ thứ nhất vào cuối hay đầu năm kể như đồ lễ tết. Kỳ thứ hai khi chúa theo tục lệ mừng khánh đản. Kỳ thứ ba là ngày Giỗ chúa thăng hà. Kỳ thứ bốn là vào thời hoa trái đầu mùa. Tuy nhiên những phẩm vật đó không bó buộc phải nộp, còn về thuế thân thì phải trả. Toàn tỉnh hay làng xã đều làm chung với nhau và chọn người đại biểu có tín nhiệm nhất đem tiến nhà chúa, thay mặt cho toàn xã.
Mà đa số các tỉnh và xã trong nước, rất đông không sao lường được, tất cả trực tiếp nộp cho chúa hay cho người đứng ra thu cho ngài, thế nhưng có nhiều tỉnh hay xã chỉ nộp cho quan tỉnh, cho tướng lãnh, cho binh sĩ hay cho người mà chúa xét là xứng đáng, chúa chỉ định có một ít nơi với quyền thu loại thuế thông thường; hoặc vì dòng họ, hoặc để tiêu dùng trong chức vụ mà chúa giao cho họ, hoặc vì nhiều phần thưởng nào khác: đã thành luật cho toàn quốc và lợi lộc chúa rộng lượng ban cho, nhưng không được truyền cho con cháu và người thừa kế, trừ khi rõ rệt là của chúa ban. Hơn nữa khi người cha còn sống , thì chúa vẫn luôn có quyền thu hồi của chúa đã rộng lượng ban cho và tự ý không cho hưởng thụ, như thỉnh thoảng có xảy ra, tuy hầu như chúa chưa bào giờ xử như thế với ai, trừ khi để phạt tội người đó phạm. Thực ra về việc này, chúa chỉ ban phát hậu hỹ đối với dòng máu hay thông gia, chiếu theo lẽ phải là đối với những chức vụ bậc nhất trong quân ngũ. Thế nhưng cũng thấy có những tướng lãnh rất thường cũng được hưởng một số địa điểm vì có công can trường và việc hiển hách trong ngành bi h đao. Thật ra để không giấu giếm gì ở đây, không có người nào được ơn vua lộc chúa theo phong tục mà không mỗi năm ba bốn kỳ đem tiến chúa vàng, bạc theo tỷ lệ ơn nhận được, và không ai dám thiếu sót trong việc này, vả cũng để tránh không cho chúa nhận thấy lòng vô ơn và tính keo kiệt của mình, có thể làm cho chúa rút hết các ơn huệ. Mà vì trong nước có tới hơn một ngàn tướng lãnh thực thụ, thì người ta có thể thu biết bao tiền bạc, thật là lớn và quá đáng những nguồn lợi chúa thu được của dân.
Chương 9: Về Cách Chúa Trả Lương Cho Quân Sĩ
Cũng như chúa ban một số thôn xã và địa điểm cho tướng lãnh để trả công và những lao khổ họ chịu thì ngài cũng ban cho quân sĩ như thế thay vì trả lương hay để thưởng đức dũng cảm của họ. Chỉ khác là ngài ban cho tướng lãnh nhiều địa điểm, còn một địa điểm cho nhiều quân binh, do đó chỉ một tỉnh nhỏ thường cũng đủ trả lương cho tất cả quân binh một thuyền chiến, những người này có quyền thu thuế thuộc về chúa như chúng tôi đã nói ở trên, ở nơi nào chúa đã chỉ định. Còn quân binh cấp dưới thì đã có tướng lãnh của họ thay mặt chúa trả lương cho. Do đó để một phần chi tiêu vào việc này và để bảo dưỡng một số quân binh khác mà chúa ban cho nhiều tỉnh để thu thuế. Vì quân binh được lương bổng từ tay tướng lãnh nên thường phải để thời giờ phục dịch ông, khi không có chiến tranh hay không có thao luyện binh đao, họ phải làm việc và hầu hạ các ông, nếu họ muốn kiếm việc nữa thì hoặc là làm cho chúa trong những việc công như xây cất, hoặc là sơn sửa thuyền chiến, bắc cầu hay dựng lại cầu và những công việc tương tự, như vậy không bao giờ họ rãnh rỗi, không bao giờ thất nghiệp.
Hết các tướng lãnh cư trú trong kinh thành thì phải mỗi sáng vào chầu chúa và dự các buổi triều yết mỗi ngày trong phủ để cho dân đến kêu cầu. Mỗi lần vào phủ chúa họ đem theo một số binh lính đi trước họ, theo hàng lối chỉnh tề, có vũ khí, mặc nhung phục màu tím sẫm. Chúng cũng theo từ phủ chúa tới nhà tư lúc đã mãn phiên chầu: đó là những công tác danh dự chúng luân phiên thi hành đối với các tướng lãnh. Còn khi chúa ra khỏi phủ hoặc để đi giải trí ở nhà tiêu khiển nơi thôn dã, hoặc để thử thuyền chiến mới đóng xong ở bến, hoặc để xem quân binh tập bắn và đồ vật tổ chức mỗi tháng hai lần trước mặt chúa, thì tất cả tướng lãnh trong phủ đều theo hầu danh dự, quân binh cũng không thiếu và rất đông, thắng nhung phục chỉnh tề và trang bị theo lề thói lúc đi hầu chúa, thế là lại linh đình như đám rước mỗi lần chúa ra khỏi phủ. Mỗi lần chúa về miền quê như đã nói, không những có đoàn quân binh chọn lọc để làm hàng danh dự và hơn một trăm cỗ voi thảm quý, đưa cung phi và hoàng gia với đoàn phục dịch, ngồi an toàn trong những lầu thấp rất vững chắc trên lưng voi. Con vật này rất khoẻ có thể chở trong bành tới sáu người, không kể người quản tượng cưỡi trên cổ. Khi chúa ra khỏi kinh thành để dự cuộc thao diễn trận chiến hay cuộc đô vật do các quân binh thi hành thì đây là một nguyên nhân khích lệ rất mạnh để làm cho giỏi cho tốt, để ngoài chúa ra còn có một đoàn khách bàng quan sang trọng chứng kiến. Họ mong được người ta công nhận và khen lao tài nghệ khôn khéo và có giá trị của họ. Một nhận xét khác thường về cuộc đô vật của quân binh không nên quên ở đây: Người đô vật nào bị đồng sự vì nhanh nhẹn hay sức mạnh vật ngã xuống đất thì chưa bị xử hay tuyên bố là thua cuộc khi mới ngã sấp hay ngã ở bên cạnh, nhưng phải ngã ngửa và vai đo đất.
Chương 10: Về ý Tứ Khiêm Tốn Và Kỷ Luật Quân Binh
Có một điều đáng khen, đáng trọng nơi quân binh xứ Đàng Ngoài rất đông dưới sự điều khiển của nhiều tướng lãnh, họ thường tập hợp nhau để canh gác và thao luyện vũ khí hoặc trong phủ chúa hoặc ngoài thao trường, được chúa và các tướng lãnh chiêu đãi nhiều lần để khích lệ tinh thần, thế nhưng không bao giờ họ đánh lộn nhau hoặc gây sự với nhau, xúc phạm đến nhau bằng những lời thoá mạ hay khinh dể. Không bao giờ thấy họ ám hại nhau hay rút gươm đấu với nhau23. Thật xấu hổ cho quân sĩ Kitô giáo của ta, không bao giờ sống chung đụng mà không có xích mích và mỗi ngày chỉ vì một lời nói xúc phạm mà đâm cãi nhau để đi tới chỗ sử dụng võ khí, thật là tỏ ra không biết chế ngự, không biết điều khiển các dục vọng bằng lương tâm. Sự ý tứ giữ gìn này là do tính hiền hoà không dễ phật ý khi bị lăng nhục: thực ra trước hết là do lòng trọng kính và tôn sùng chúa và các tướng lãnh . Họ thường gọi vua chúa là thiên tử và trọng kính như những vị linh thiêng từ trời xuống cai trị họ: vì thế họ không dám làm gì hay hành động trước mặt các ngài làm cho các ngài không hài lòng hay giận dữ. Đó là cơ sở một thứ dị đoan họ giữ mỗi năm như sau đây.
Vào tháng sáu, thường trùng với tháng tám của ta, chúa ban sắc cho tất cả quân binh và tướng lãnh phải sẵn sáng tới ngày đó đến thề trung thành với chúa24. Đây là nghi lễ. Người ta dựng ở các công trường và ngã ba đường phố chính nhiều bàn thờ trang hoàng lộng lẫy để kính các thần hay đúng hơn ma quỷ mà dân này tôn sùng. Ở giữa đặt lời thề viết bằng chữ lớn, có thể đọc được từ chân bàn thờ. Lời thề đại khái không có gì là không hợp pháp, không có gì là đáng khen. Người thề hứa trung thành với chúa, nhận tất cả tai hại nếu mình bất trung. Thế nhưng theo bối cảnh và nại tên các thần giả dối và ma quỷ để làm chứng và báo oán nếu bất trung, thì lời thề trở thành tội ác và dị đoan. Trong nghi lễ này để tránh lầm lẫn có thể xảy ra vì quá đông quân sĩ thề và tất cả phải xong trong một ngày, thì người ta dựng rất nhiều bàn thờ, mỗi bàn thờ đều được chỉ cho một số tướng lãnh với quân binh của mình, thêm một tiến sĩ được chúa phái tới chủ tọa và sau mỗi lần thề thì phát cho mỗi quân sĩ một tấm thẻ chứng nhận đã thề và được chúa cho vào phục dịch. Tướng lãnh mỗi đạo binh trước hết đến long trọng thề trung thành với chúa đường thời, rồi theo sau trong trật tự là các quân binh, mỗi người thề xong thì nhận được từ vị chủ toạ một tấm thẻ ghi chép khác nhau, tùy cung giọng lúc thề. Người nào đọc mạnh dạn, tiếng lên cao và rõ ràng thì trong thẻ ghi là minh, nghĩa là rõ ràng. Còn người nào đọc với giọng trầm và thấp thì được ghi là bất minh, nghĩa là không rõ. Rồi sau cùng người nào đọc giữa hai cách kể trên, tiếng và giọng bình thường thì được ghi là thuần có nghĩa là thông thường. Những cách ghi đó là vô ích vì lễ xong, mỗi quân binh phải đem thẻ đến trình tướng lãnh, vị này đã lui về nhà sau khi thề, mỗi quân binh nhận được từ tay ông món quà của chúa: một tấm áo dài hay một tấm áo ngắn, đẹp hơn và dài hơn, nếu được thẻ thứ nhất, được áo ngắn hơn và vải kém hơn nếu là thẻ thứ nhì, được áo vải thô và đường may kém hơn nếu là thẻ thứ ba. Thế là suốt năm mọi người nhìn vào áo mặc của quân binh mà nhận ra là người trung thành nhiều hay ít và được kết nạp vào việc phục dịch chúa.
Có lần một giáo dân tân tòng được xướng danh đến thì như những người khác anh mạnh bạo tiến lên và để tỏ ra anh không để ý tới bàn thờ mà anh cho là mê tín, anh quay về phía chủ tọa công việc này ở góc bàn thờ thay mặt chúa và không để ý tới lời thề chung viết trên giấy, anh lớn tiếng thề như sau: Tôi lấy tên Đức Chúa Trời thật dựng nên trời đất, Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, ba vị thần linh rất thánh và tất cả triều đình thiên quốc, làm chứng cho lời tôi thề trung thành phục dịch đức thánh Đô Vương của tôi cho đến chết, nếu tôi nói dối, nếu tôi thề gian trái với lương tâm thì tôi bằng lòng để cho đức Chúa Trời thật, đấng dựng nên trời đất giết tôi ngay giờ này và cho sấm sét thiên lôi thiêu huỷ tôi. Anh đọc với giọng rất quả quyết, rất cao và tới lòng can đảm rất chân thành làm cho chủ toạ viết ngay vào thẻ lời phê giá trị nhất, đáng khen nhất.
Chương 11:về Hành Chính Trong Nước
Xứ này trước kia là một trong những tỉnh thuộc đại quốc gia Tàu và theo luật pháp Trung Hoa, nhưng rồi từ khi dân ở đây quật cường nổi lên khôi phục nền độc lập tự chủ thì có thay đổi trong chế độ quân chủ, nhưng ít thay đổi trong cách cai trị: cuộc tổng khởi nghĩa đã đưa một ông vua mới lên ngôi, nhưng không thêm gì hết về quyền thế ngài, trừ việc ngài tuỳ tiện và tuý ý cân nhắc và xét xử rất nhiều sự việc mà không cần hỏi ý kiến ai. Thật ra trong các đại sự , ngài thường bàn với các cố vấn. Vì thế trong triều có Viện tối cao, gồm một số đông tiến sĩ quyết định và tối hậu xét xử những vụ thuộc dân chính và hình sự. Trước viện này có thể bác bỏ án các quan và toà án thành lập ở các tỉnh chỉ có quyền thẩm phán hạn định. Ngoài Viện này thì đặt quan tổng trấn trong mỗi tỉnh có chức vụ và quyền thuộc pháp lý và có thể xử tử nếu là trường hợp phải thi hành ngay, nhất là khi tỉnh đó cách xa triều đình : thế nhưng những vụ tử hình thường được gởi về Viện tối cao. Nói chung thì việc thi hành pháp lý trong nước này thu vào hai thủ lĩnh, một thuộc hàng văn và một thuộc hàng vũ. Hàng văn thì có các tiến sĩ giải thích pháp luật, họ luôn mặc áo dài màu đen, đầu đội mũ đen có cắm cành lá cọ, trừ khi đến chầu chúa, lúc đó họ chỉ được mặc áo theo chức vụ nhưng màu tím. Còn hàng vũ thì là những người có khả năng chọn ngành các tướng lãnh để xử kiện, họ đi đâu cũng mang võ khí. Đó là những tổng trấn các tỉnh, thường được chọn trong các hoàng tử hoặc hoàng gia và các tướng lãnh chính yếu trong nước, mỗi vị được kèm thêm một tiến sĩ là phó và cố vấn trong các xử án.
Ngoài ra còn hai toà án đặt ở tỉnh lỵ của mỗi tỉnh, một là toà cao cấp hơn để xử những vụ quan trọng gọi là nha tố, hai là tòa thấp hơn để xử những vụ thông thường gọi là nha hiến. Cả hai đều chung cho toàn tỉnh và đều gồm những vị quan văn. Ngoài hai toà án chung cho tỉnh còn ba toà án riêng phụ thuộc lẫn nhau. Thấp hơn là trong mỗi huyện những công dân và những kỳ mục để xử những vụ thuộc dân sự giữa người đồng hương. Từ toà này có thể nại tới toà cao hơn gọi là nha huyện gồm chừng mười hay mười hai huyện có một quan riêng gọi là cai huyện để xử những vụ đưa tới toà. Từ toà này có thể nại thẳng lên toà cai phủ rồi từ toà này có thể nại thẳng tới toà đã nói ở trên chung cho toàn tỉnh. Lý do sự phân chia về pháp lý này là vì tỉnh quá rộng lớn, phải chia ra cho cho người khiếu nại, thành những phần chính gọi là phủ và mỗi phần lại trao cho một quan hoặc một tướng lãnh chính yếu, có thể so về chức với bá tước hay hầu tước của ta. Và mỗi phủ hay mỗi phần đó lại chia thành huyện như như chúng tôi đã nói, dưới quyền một quan, c&;oacute; thể so với nam tước của ta. Sau cùng mỗi huyện gồm một số xã có một quan cấp dưới gọi là cai xã có thể so với các lãnh chúa của ta. Thế nhưng những so sánh về các chức tôi đưa ra ở đây thì không hoàn toàn đúng. Những vị này chỉ có chức vụ cai trị khi sinh thời, không có quyền truyền lại cho con và cả những trấn thủ các tỉnh thường cũng được giữ nhiệm vụ trong ba năm25.
Chương 12: Trong Nước Này Thi đỗ Tiến Sĩ Thế Nào
Như chúng tôi đã nói, vì tất cả các cố vấn của chúa thường là những tiến sĩ hay cử nhân luật cho nên chúng ta nên biết họ đi tới cấp bậc đó như thế nào để rồi bước lên chức vụ cao hơn trong ngành pháp lý. Theo tục lệ thì cứ ba năm có niêm yết ở nơi công những kỳ thi long trọng. Tới ngày hết những người đã dùi mài kinh sử thì đến điện nhà vua gọi là đền để chịu sát hạch theo cách thức sau đây. Người ta dựng trong đền vua một số phòng hay lều đủ cho các thí sinh đến trình diện để thi. Thí sinh phải làm bài (để theo bài, người ta xem xét có đủ khả năng) do các tiến sĩ chính yếu được cử ra chủ tọa kỳ thi. Họ bị nhốt trong một phòng đã dọn sẵn, không được mang theo gì ngoài giấy, mực và một bút lông để viết. Mỗi người có một lính hay một người canh gác để phục dịch khi cần và cũng để canh không cho ai tới gần để giúp hay trao dụng cụ gì cho. Người ta cho cả một ngày để làm bài thi, sau khi xong thì nộp cho chủ khảo. Vị này đóng ấn và số riêng vào bản. Ông kỹ lưỡng xem xét những lỗi. Những người ông cho là có khả năng và tỏ ra trí thông minh trong cuộc thi, thì được cấp tú tài gọi là sinh đồ với văn bằng có chữ ký của vua, không những để làm bằng chứng khả năng của mình mà còn được đặc ân miễn một nửa phần thuế hàng năm.
Kỳ thứ hai thi về pháp chế và dân luật. Cũng như kỳ trước và cũng có những điều khoản như trước, trừ sự khác biệt này. Ban giám khảo không nhận bất cứ ai nộp đơn xin vào kỳ thi như kỳ thứ nhất, nhưng chỉ nhận những ai từ ba năm đã thi tú tài mà thôi. Những người đậu kỳ này được lên cấp cử nhân gọi là hương cống. Họ cũng được văn bằng có chữ ký của vua và được hoàn toàn miễn thuế. Trong những người đậu kỳ này, chúa bổ làm quan tòa để xử những vụ không quan trọng lắm ở những toà cấp dưới như chúng tôi đã nói ở trên.
Sau cùng là kỳ thi để đậu tiến sĩ chỉ dành cho những người từ ba năm nay đã đỗ cử nhân luật. Về việc tiến cử này, vì trong nước chỉ có một số tiến sĩ đã chỉ định trước, nên tất cả những người có khả năng không được đậu hết, nhưng chỉ những xuất chúng tài ba lỗi lạc và chiều theo những chức vụ chưa có người thay thế mà thôi. Những người khác không được lên cấp và phải đến vào kỳ sau, ba năm nữa. Tuy nhiên họ vẫn được trọng dụng và thường được bổ vào những văn phòng pháp lý trong và ngoài triều đình vua. Những người cuối cùng được đậu vào kỳ thi này thì gọi là tiến sĩ. Không những họ được miễn thuế thông thường mà con cái họ cũng được miễn mặc dầu chúng không bao giờ đỗ đạt và mặc dầu họ làm một nghề khác. Họ được bổ dụng vào những chức vụ lớn và quan trọng trong và ngoài nước. Trong đám người này ba năm một lần, chúa chọn người làm sứ thần phái sang triều cống vua Tàu theo lệ nhân danh vua và nước Đàng Ngoài. Cũng trong số đó người ta chọn các quan toà và trưởng Viện tối cao đặt trong đền vua. Và tất cả những người được cấp bằng này đều được vua đặc biệt quý trọng như những người có công. Trong số các cận thần nhà vua bao giờ cũng có một số người này. Thời xưa còn một cấp thứ tư nữa nhưng ngày nay không thông dụng. Có một điều rất thông dụng đó là sự tôn trọng Hán học. Không có người nào cao trí hay thấp kém mà không cho con cái theo học bí mật của chữ từ khi còn nhỏ tuổi, vì thế trong nước này, người nào cũng biết vọc vạch một vài chữ và không ai hoàn toàn mù chữ.
Chương 13: Về Những Hình Phạt Tội Phạm
Sau khi nói về các quan toà thì không phải là ngoài đề nếu nói thêm ở đây về những vụ xử kiện giản dị về thủ tục, tờ bồi và biên bản mà người chưởng lý và trạng sư của ta thường dùng. Thí dụ, khi có người bị tố cáo về tội nào và bị điệu tới quan toà, thì người ta nghe chứng nhân rồi đối chiếu với bị cáo, sau đó nghe lời buộc tội và những thẩm tra khác, nếu đúng với những lời khai thì không tìm kiếm gì hơn nữa, chỉ hỏi xem bị cáo nếu muốn đối kháng hay cãi lại chứng nhân và những lời họ khai. Nếu theo câu trả lời, toà thấy cần phải dãn phiên toà để thu lượm chứng cớ đầy đủ hơn thì giao bị cáo cho lính giam giữ và đưa về ngục, không có cùm sắt, không có gông cổ, gông này làm bằng hai tấm gỗ dài buộc chặt như hình cái thang để ở vai cho thăng bằng rồi buộc hai tấm các khác và ghì chặt vào cổ làm cho không thể nới rộng được. Chiếc gông này rất bất tiện không tưởng tượng được, vì phải mang đêm ngày ngay cả trong ngục. Chỉ có cái tiện là tù nhân không có cái gì để sinh sống nên được tự do ra khỏi ngục mà không có cách nào chạy thoát, cứ mang hình khổ ô nhục này ra giữa phố chợ và xin khách qua đường của bố thí để có thể sinh sống trong tù.
Còn có cách khác để cầm giữ đàn bà phạm tội. Người ta đặt dây thừng ở cổ, hai đầu dây cho thông qua chiều dài của tấm gỗ đục thủng, rồi buộc ép vào cổ một đầu dây, còn đầu kia thắt nút cho tấm gỗ không rơi. Buộc như thế khác nào buộc cổ chó, rồi dẫn đi hành hình khi bị kết án.
Khi người có tội hoặc do chứng nhân khai hoặc chính mình khai nhận vì quan tòa bắt phải nói lên do một phương pháp tra khảo dịu dàng là bóp các ngón tay ngón chân, không đến nỗi mạnh lắm, vì sợ nếu quá dùng võ lực thì ngừơi ta nhận bừa bãi và nói sai với người vô tội. Người ta dẫn tới trước toà rối các thẩm sát giải thích hết các sự việc đã thu lượm được trong vụ án hình sự, sau đó chủ toạ lên án. Nếu không bị án tử hình, thì xử ngay sau khi các quan toà rút lui. Thí dụ tên trộm lần thứ nhất nhận đã ăn cắp một đồ vật gì không đáng giá thì bị chặt một ngón tay trỏ ở tay phải, nếu lần thứ hai bị bắt nữa thì chặt tất cả các ngón còn lại, lần thứ nhất của ăn trộm ước lượng là một trăm đồng êcu. Còn kẻ bắt trẻ con thì bị án tử hình.
Khi quan toà lên án tử hình một tội nhân thì không dẫn họ từ toà án đến nơi xử ngay, nhưng cho đưa về ngục để cho phép vợ con thân quyến bạn bè tự do đến thăm, phục dịch và an ủi, trừ khi là kẻ phạm tội khi quân. Thường thì lên án vào buổi sáng, nhưng chỉ thi hành khá muộn vào buổi chiều cùng ngày. Về án tử hình thì thường bị chém đầu. Người ta thi hành như sau. Vào khoảng bốn giờ chiều, vị tướng lãnh một đội binh được giao cho việc thi hành đem quân binh đến, người dẫn đầu đưa tội nhân từ trong ngục, cổ vẫn đeo gông như đã nói. Khi mọi người tới nơi hành hình thì quân binh đứng vây quanh tội nhân, người này quỳ gối xuống. Sau khi tháo gông rồi thì người ta dọn một bàn có nhiều thịt thà và bảo tội nhân ăn, muốn chọn gì thì mặc sở thích, nhưng rất ít người còn thèm ăn. Bàn đã dọn đi rồi thì tướng lãnh rung chuông nhỏ ra hiệu hành hình. Tên lính phải làm việc này giơ gườm quay về bốn phương trời và cúi xuống lạy như thể cáo lỗi vì công việc mình sắp làm, trong khi đó các lính khác trói tội nhân, rồi tên đao phủ lại gần chém ngang đầu một nhát đứt ngay đầu, rồi trao cả thủ cấp cả thân mình cho gia quyến người chết đem đi chôn, trừ khi có lệnh chúa truyền (như thỉnh thoảng xảy ra tội cực kỳ ghê rợn) bêu đầu và thân mình mấy ngày ở nơi công không cho chôn. Nếu chúa cho ân xá tha không xử tử về tội đáng chết thì chỉ cạo trọc đầu và không bao giờ được cho tóc mọc, để nhớ lại hình phạt trọng tội và ân xá chúa đã ban và cũng để bó buộc phải nhận tội đó. Trong khắp nước này còn thi hành một việc kỳ dị và nghiêm khắc không thấy ở các nước mà tôi biết để phạt tội ngoại tình, đàn ông cũng như đàn bà kể cả vợ lẽ. Kẻ bị bắt quả tang ngoại tình thì bị trói tay dẫn ra khu ruộng, nơi đây có con voi đã được luyện để vâng theo mệnh chủ, khi được lệnh thì nó lấy vòi hất tội nhân lên rồi lại đỡ lấy. Tội nhân rơi đúng vào răng sắc nhọn đâm thủng vào thân, sau đó nó rũ xuống đất và lấy chân đè bẹp, nạn nhân trút hết màu và cũng trút linh hồn, nếu chưa chết khi từ trên rơi xuống. Sau khi người ngoại tình chết thì kẻ đồng loã cũng bị voi giày như vậy.
Chương 14: Về Những Thổ Sản Của Xứ đàng Ngoài
Trong khắp nước này không có nho cho nên cũng không có rượu nho, người ta cũng không gieo lúa mì. Cũng không thấy cây ô liu nào, thế nên cũng chẳng có dầu ô liu. Đó là những thổ sản mà chính Thiên Chúa đã ban. Thế nhưng ở đây lại có rất nhiều hoa trái khác, nên cũng chẳng phải ái náy về sự thiếu sót, trừ về việc dâng thánh lễ, thì phải đưa bánh mì và rượu nho từ Macao tới. Ngoài ra về các nguồn lợi thì có thóc gạo là dồi dào và đất rất phì nhiêu. Có hai mùa gặt vào tháng sáu và tháng một vì thế giá rẻ tới ba lần so với Tàu. Cơm gạo ở đây thay cho bánh mì. Từ thứ gạo này người ta cất một thứ rượu ngon và thơm, không hại dạ dày và để thay cho rượu nho của ta. Còn về canh cháo (potage) và các thứ thịt khác, chúng ta dùng dầu thì họ đổ một chất lấy ở tổ chim26, giống chim sẻ ở trên các mỏm đá và cồn đá ngoài biển gần bờ. Họ trộn với thịt nấu chín làm cho có một hương vị khá tinh vi. Những thứ tổ chim này không có ở nơi nào khác trên thế giới. Những thương gia người tàu mua lại rất đắt để đem về bán ở Tàu. Chỉ có người giàu có sang trọng ở xứ Đàng Trong mới có phương tiện sử dụng. Còn đa số quần chúng chỉ dùng một thứ nước cốt gọi là mắm27, ép ở một loại cá muối đánh được ở biển. Thứ nước cốt này vừa dùng cho dầu và như nước ép ở nho ra trộn vào thịt làm cho món ăn có mùi vị thơm ngon. Mà vì người ta còn trộn với cơm thay bánh mì, nên nhà nào dầu sang dầu hèn đều có tích trữ. Bây giờ tới trái cây.
Không nói tới những trái cây chung cho xứ Đàng Ngoài và các miền Ấn Độ như vả, lê, dứa, mít, carambola, xoài và những trái cây tương tự, chúng tôi đã kể và giới thiệu với người Âu Châu, còn có những trái cây riêng, theo tôi biết, không có ở đâu chỉ có ở xứ này.
Thứ nhất, thứ ngon nhất là trái vải màu sắc và hình thù giống như trái coing của ta, nhưng thêm một vòng triều thiên để chỉ sự đặt biệt của nó mà trái của ta không có. Vòng này không như vòng ở trái lựu của ta, không thơm ngon và như thứ trang hoàng vô bổ, nhưng vòng ở trái này chứa đầy nước ngọt giống như vú dầy căng có yếm bao bọc. Người ta bóc vỏ có vị đăng đắng rồi ăn. Trừ một thứ lớn hơn hết, người ta bóc lớp vỏ thứ nhất như da, rồi ăn tất cả, có mùi vị như trái đào và trái lê của ta. Thứ này không những chỉ ăn vì mùi vị và để giải khát mà còn bồi bổ sức khoẻ, nên ăn bao nhiêu cũng không sao, có lần tôi dùng tới mười hay mười trái cùng một lúc. Vì thế hết các nơi đều thấy bày bán với giá rất rẻ, rất thông thường, khắp xứ này đều có. Loại cuối cùng rất hiếm tuy có thể tìm thấy. Người dân bình thường không dùng chỉ kẻ giàu sang là thích thú, nhưng cũng lành mạnh, mùi vị thơm ngọt như nho muscat, trái lớn như thứ vừa nói ở trên.
Còn một loại trái thứ hai có màu sắc "cong" nhưng trái thì to như trái đào lớn, mùi vị thì giống như trái lê khi chín muồi, người ta quý trái này vì còn làm thuốc rất hiệu nghiệm để chữa bệnh lị, không những dùng thịt trái và da mà còn cả vỏ cùng lá cây nữa.
Lại còn hai loại trái có mùi vị như trái "cerises" của ta nhưng vỏ cứng như vỏ "chataignes" và ruột thì trắng. Từ thứ trái này, nhất là thứ người Tàu gọi là lệ chi người ta cất được một thứ rượu khá ngon.
Ở xứ này còn một thứ như trái vả, mùi vị và hình thù giống trái của ta: sắc thì đo đỏ khi thật chín, mềm như trái của ta nhưng lành hơn. Khi còn xanh và khá cứng thì không có mùi vị. Tôi không muốn quả quyết là trái cây của ta tốt hơn, ngon hơn. Thế nhưng khi chúa Đàng Ngoài thưởng thức những trái vả Âu Châu chúng ta trồng trong vườn thì ngài rất khen và muốn dành tất cả cho ngài.
Mía thì có rất nhiều đường và rất ngọt, rất phổ thông, nhưng người Đàng Ngoài không có kỹ thuật lọc nên đường hoá ra đen, tuy sắc đen mà người ta vẫn chuộng và mua, nhất là người Nhật.
Chương 15: Về Súc Vật Thường Thấy ở Nước Annam
Nước này có rất nhiều ngựa, đẹp, khoẻ, hiền lành dễ chăn nuôi và tính khá thuần dễ tập luyện đi đứng chạy nhảy theo như người ta muốn. Cũng có rất nhiều bò to lớn và vạm vỡ, thịt rất tốt và rất ngon. Lợn thì rất thường, lành và thịt ngon, không có dịp lễ nào mà không giết lợn đãi khách, ngay cả những người nghèo không có phương tiện lớn. Trâu thường thì rất cao lớn, vai dô lên, vạm vỡ và rất chăm làm. Chỉ một con cũng đủ để kéo cày, cho dầu cày cắm sâu trong đất, thịt không đến nỗi xoàng, nhưng thịt bò thì thông dụng hơn và ngon hơn.
Về voi28 thì cả nước Annam có những con to lớn và khoẻ mạnh thường đưa từ nước Lào ở ngay kế cận. Họ bán cho người ngoại quốc với giá rất đắt, mua được rồi còn phải nuôi, cũng rất tốn kém, vì một con voi phải đủ lương thực bằng nuôi mười người. Chúa Đàng Ngoài nuôi chừng ba trăm con, thỉnh thoảng mới dùng tới và một phần để thêm lộng lẫy khi chúa ngự ra khỏi kinh thành. Nhưng khi thao luyện một đạo bộ binh thì cho tất cả voi đi diễu. Vì thế rất tốn kém để bảo dưỡng quản tượng làm huấn luyện viên. Thật là lạ lùng khi thấy chúng rất ngoan và dễ dàng để tập nói chuyện với người, thường đi rảo khắp kinh thành mà không làm hại ai hay phá phách gì. Chúng còn giúp rất nhiều cho dân trong thành khi có hỏa tai, thường hay xảy ra, bởi vì nhà làm bằng gỗ. Thế là người ta dẫn mấy con tới để dỡ những nhà ở cạnh ngôi nhà đang cháy không cho lửa bén sang có thể làm thiêu rụi cả thành phố, nếu không dùng cách này để dập tắt. Chúng thi hành rất chính xác, rất khéo léo. Chúng vâng theo hiệu lệnh của quản tượng, lấy vòi dỡ nóc nhà, rồi lấy chân lật đổ tường mà không làm quá lệnh người ta ra cho chúng. Có một vài lần tôi thấy chúng phải qua một nhịp cầu bằng gỗ, chúng lấy vòi lay thử xem ván có vững không, có thể chịu được sức nặng của chúng, và khi thấy không đủ vững thì nó đi tìm con đường khác, chứ không chịu đi qua cầu đó. Có một con bị cột ở một nơi trong thành, trẻ con đến nghịch chơi lấy đá ném rồi lẩn trốn. Voi tức giận liền dùng vòi thay tay cầm đá và khi thấy lũ trẻ thò đầu ra thì ném theo rất khéo và mạnh đến nỗi nếu trẻ không nhanh lẩn trốn sau bức tường thì đã bị thương nặng. Người ta kể về những con voi đó, về tính dễ bảo và nhiều sự rất lạ lùng mà tôi chưa thấy, nên tôi không nói thêm gì ở đây, tôi chỉ kể điều tôi chứng kiến mà thôi.
Về tê giác 29, người Bồ gọi là "bada", tôi chỉ thấy đầu một con người ta vừa giết được ở trong rừng, phải hai người lính mới khiêng nổi, tôi đoán nó phải to lớn gấp đôi con voi. Tôi còn được ăn thịt, cũng khá ngon và mùi vị thơm hơn tất cả thú rừng hay thú săn bắn mà tôi được biết. Người ta cho rằng thịt con vật này cả da, xương và nhất là răng, móng và sừng đều là những liều thuốc chống mọi nọc độc.
Những người đi săn trong rừng thỉnh thoảng cũng bắn được mèo rừng rất đen và nhỏ, người Đàng Ngoài rất chuộng, họ tiến chúa và các quan lớn. Có rất ít dê, không có chiên cừu, cũng không có lừa, chỉ dùng bò và trâu để làm những việc nặng, còn những việc thông thường và nhẹ trong quảng đại quần chúng thì đàn ông cũng như đàn bà họ đều quảy gánh trên vai.
Khắp xứ đầy gia súc nhất là gà, giá rất rẻ, không khác gà của chúng ta. Nhưng gà trống thì to gấp đôi, giá rất đắt, vì họ dùng làm gà chọi. Họ thường hay tổ chức chọi gà, nhiều khi còn cho cầm than củi và thứ gươm nhỏ để thành một cuộc chiến đẫm máu. Như thể võ khí tự nhiên vẫn chưa đủ. Có khi người ta bán một con tới mười hay mười hai ecu, thứ gà chọi thiện chiến. Cũng có chuồng để nuôi chim bồ câu như chúng ta. Còn chim gáy thì nuôi trong những lồng lớn, rất thông thường, chỉ năm xu mà mua được mười lăm hai mươi con.
Có rất nhiều cá, rẻ mạt lại rất tươi và to, to nhất có thể nặng tới mười hay mười hai líu30 cũng chỉ giá chừng năm xu. Nhiều như thế là vì có rất nhiều bến và nhiều ngư phủ trong toàn cõi. Người ta đếm được tới chừng năm mươi hải cảng và (khi trời cho phép) có tới hơn mười ngàn thuyền đi đánh cá. Cho nên thức ăn ở nước này chủ yếu là cơm gạo và cá. Tôi kể ở đây, một hôm chúa Đàng Ngoài hỏi tôi về ngày kiêng của đạo ta thì được dùng thịt gì. Khi biết chúng ta kiêng thịt nhưng không kiêng cá, thì chúa nói như vậy các ngươi sẽ tìm được nhiều công dân của ta vì sống như các ngươi và kiêng như các người thì chẳng khó gì. Nhưng ta không tin các người tìm được kẻ muốn sống trinh khiết và và kiêng đàn bà như các người. Thật là câu chuyện buồn cười của một ông chúa lương dân không hiểu biết gì về Thiên Chúa và đặc ân đạo Kitô đã ban cho giáo dân tân tòng ở nước này. Chúng tôi đã thấy một số người rất đông nam cũng như nữ, trai cũng như gái đã dâng mình cho Thiên Chúa muốn giữ độc thân và trinh khiết. Chúng tôi đã đếm được trong số đó có một trăm thầy giảng và sinh viên can đảm hứa phụng sự Thiên Chúa hiển vinh trong bậc độc thân, trong số này có ba người đã hiến thân cho Giáo Hội mới này bằng máu can tràng đổ ra vì tin vào Thiên Chúa Kitô, như tôi sẽ nói đầy đủ hơn chỗ khác.
Chương 16: Về Thương Mại Và Hàng Hoá Của Người đàng Ngoài
Người Đàng Ngoài không đi buôn bán ở các nước ngoài vì ba lý do chính này. Thứ nhất, họ không biết nghệ thuật địa bàn và nghề hàng hải, không bao giờ xa bờ biển hay dãy núi của họ. Thứ hai, thuyền của họ không đủ sức chống lại với sóng biển cả và những cơn bão lớn thường nổi lên trong cuộc hành trình lâu dài: ván gỗ không được ghì chặt và đóng dính hay chốt, nhưng chỉ được cột lại, nên mỗi năm phải làm lại. Và thứ ba, chúa không cho phép họ ra nước ngoài, nơi ngành thương mại bắt các thương gia phải qua lại, vì sợ mất thuế thân công dân nộp chúa. Tuy vậy, mỗi năm chúa phái tàu tới các nước Campuchia và Thái Lan, bởi vì những nước này không xa Đàng Ngoài và tàu thuyền không rời khỏi bờ biển của họ, không cần ra biển khơi biển cả.
Nhưng tuy không ra khỏi nước Annam gồm có (như đã nói) cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong, thương gia trong nước cũng buôn bán rất sầm uất vì có rất nhiều hải cảng thuận tiện. Họ cũng kiếm được rất nhiều nhuận lợi, số vốn lên gấp đôi, hai hay ba lần trong một năm mà không bị nguy hiểm hay tai nạn thường xảy ra nơi biển khơi. Trong suốt dọc bờ biển nước Annam dài chừng 350 dặm Pháp, đếm được chừng 50 cửa biển có thể chứa được ít ra mười hay mười hai tàu lớn, nơi có nhiều sông chảy tới. Những người đi biển mỗi đêm có thể ẩn náu ở những bến này, không cần bỏ neo mà qua đêm an toàn, không sợ những nguy hiểm thường có ở biển cả31. Còn đối với thương gia ngoại quốc thì thật ra có người Nhật và người Tàu , họ vẫn tới buôn bán ở các bến Annam, họ buôn tơ lụa, buôn trầm hương32. Người Tàu ngày nay vẫn còn tiếp tục buôn bán: họ đem đồ sứ, đồ hàng hoa và nhiều hàng hoá tiêu dùng và xa xỉ. Người Nhật ngày xưa đem bạc rất nhiều tới đây buôn tơ lụa, đem nhiều gươm đao và đủ các thứ vũ khí để bán, nhưng từ hai mươi nhăm năm nay họ không tới nữa. Hoàng đế Nhật đã nghiêm khắc cấm hết công dân phải bỏ hết thương mại vì biết có rất nhiều giáo dân, kể từ năm 1614 bắt đầu có sắc lệnh cấm đạo, đã kéo nhau lũ lượt đi, nhất là vào mùa chay, và cả ngoài mùa này nữa, mỗi năm ba hay bốn lần, để được xưng tội với các cha dòng biết nói tiếng Nhật và rước lễ, và mỗi lần có tới ba hay bốn chiếc tàu. Họ tự do đi, lấy cớ buôn bán. Và cứ thế gần mười năm nay họ tiếp tục và rất được mãn nguyện và yên ủi về thiêng liêng. Nhưng vua cấm đạo hung bạo đã không cho được yên ủi này và ra lệnh lên án xử tử hết các công dân nếu còn vượt biển ra khỏi lãnh thổ và truyền cho những người ở nước Annam phải trở về Nhật vì sợ có người sẽ hồi hương với chức linh mục để thừa hành nhiệm vụ trong nội địa nước nhà. Vì cấm đoán này mà dân nước Annam thua thiệt về tiền tệ và những lợi nhuận khác do việc thương mại với người Nhật. Còn giáo dân Nhật thì không còn được chịu các phép bí tích và những việc đạo đức mỗi năm họ thực hành mấy lần để được ích về phần hồn.
Chương 17: Về Tiền Bạc Trao đổi Trong Nước
Ở nước này người ta không đúc tiền như ở Trung Quốc, trừ tiền bằng đồng. Người Đàng Ngoài dùng vàng và bạc để buôn bán những hàng hoá quan trọng, nhưng họ không dùng vàng bạc giáp khuôn hay cối đúc, chỉ chặt thành miếng hay thành thỏi sau khi nấu trong lò. Về bạc33 họ dùng thì có những thứ dùng trong việc thương mại, thường là bạc nén, tương đương với mười ecu, còn về vàng thì nhẹ hơn nhiều, về giá thì tuỳ theo trọng lượng, tuỳ theo giá cao hay thấp.
Hơn nữa về bạc, không bao giờ nhận mà không cho thử và cân trước. Thí dụ, giữa thương gia với nhau họ thoả thuận bao nhiêu líu lụa, thí dụ mười lăm hay hai mươi, mỗi đồng bạc giá mười ecu, khi bán lụa thì cân mười nhăm hay hai mươi líu lụa và trong cân thì đặt đồng bạc, nếu đúng số cân thí dụ mấy đồng bạc nặng một liú. Họ thi hành như thế cách gọn gàng và không gian dối. Nếu ai còn nghi ngờ về vàng hay bạc tốt xấu thì có quyền đập ra thành mảnh con để dễ nhận hơn.
Còn thứ tiền đồng trao đổi giữa người Đàng Ngoài thì có hai loại, loại lớn hay loại bé. Lọai lớn thông dụng trong khắp nước và đa số do thương gia Tàu đem tới và xưa kia do người Nhật nữa. Còn loại nhỏ thì chỉ dùng trong kinh thành và trong bốn tỉnh ở chung quanh chứ không dùng ở Đàng Trong. Hẳn là vì từ khi bốn tỉnh chính đã li khai với các tỉnh khác do cuộc phản nghịch chúng tôi nói ở trên. Tất cả loại tiền đồng, lớn hay bé đều nhẵn và tròn, còn khắc bốn chữ trên mặt và tất cả đều có lỗ ở giữa, để dùng dây xỏ vào như thường lệ34. Vì thế mỗi dây buộc chừng sáu trăm hoặc mười lần sáu mươi có đánh dấu để phân biệt mỗi sáu chục đồng. Như vậy rất thuận tiện để quàng vào cánh tay hay khoác lên vai khi đi chợ, không cần dùng túi như chúng ta, chỉ dùng dây mà thôi. Còn về giá của thứ tiền này, thì chưa bao giờ chắc chắn và hay thay đổi, bởi chỉ có quy luật theo sự có nhiều hoặc ít trong việc trao đổi trong nước. Do đó mấy năm trước đầy mười một trăm tiền đồng lớn giá bằng năm đồng nhỏ. Nhưng vào một thời gian khác, giá những đồng này thay đổi và cao hơn vì trong nước có ít bạc hơn.
Chương 18: Về Những Mê Tín Dị đoan Của Người đàng Ngoài Và Về Giáo Phái Thứ Nhất
Người Đàng Ngoài cũng như người Tàu nói chung, tin theo ba thứ tôn giáo gọi là tam giáo. Nhưng dân tộc này tuy rất chất phác và rất có lương tri, lại theo rất nhiều dị đoan trước khi ánh sáng Phúc âm đến soi sáng cho họ. Từ khi đức tin Kitô giáo được rao giảng và nhiều người nhận biết Đức Giêsu Kitô thì họ đã thoát khỏi u minh và tăm tối sai lầm bao trùm lên họ. Họ thoát khỏi cảnh nô lệ khốn đốn ma quỷ.
Giáo phái thứ nhất và thời danh hơn cả là đạo nho. Người khai sáng đạo này là một người Tàu, theo sử liệu vào cùng thời với Aristote bên Hy Lạp, nghĩa là vào khoảng ba trăm năm trước Thiên Chúa giáng sinh. Người Đàng Ngoài tôn ông là thánh nhân, nhưng vô lý và trái lẽ, như tôi đã có lần thuyết phục họ. Bởi vì theo tôi, nếu ngài được gọi là thánh nhân, thì ngài phải biết có một Đức Chúa Trời dựng nên trời và đất, nếu ngài không biết thì sao là thánh nhân được; không biết đấng là cội nguồn và là nguyên nhân mọi sự thánh, ngài chỉ thông truyền cho loài có lý trí bằng sự hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa cao cả. Nếu ông nhận biết, vì ông tự xưng là bậc tiến sĩ và tôn sư thì ông phải giảng dạy sự hiểu biết cần thiết cho sự cứu rỗi, đàng này ông không dạy như rõ ràng trong kinh sách của ông, ông không đề cập tới Thiên Chúa nguyên lý mọi sự, thì sao có thể gọi ông là thánh35?
Khi tôi giảng như thế trong nhà thờ trước mặt chừng bốn chục người theo đạo này là đồ đệ của Khổng Tử, thì tôi trách giáo dân tân tòng và không cho họ được gọi ông như thế nữa để khỏi phạm tới tên thánh và khỏi trái với lương tâm, thì người ta rất chăm chú nghe và rất bằng lòng, nhưng phái của Khổng Tử ở trong nhà thờ liền rút lui buồn nản và xấu hổ nhưng vẫn ngoan cố trong sai lầm như xưa, trừ một người đã lôi cuốn được mấy người khác, ông đã ở lại với chúng tôi, chứ không theo đám kia và ông đã nhận được lời giáo huấn đầy đủ về các chân lý đạo Kitô và chịu phép rửa tội, tôi đặt tên là Gioan, ông đã muốn làm đồ đệ Đức Giêsu Kitô hơn là môn đồ của Khổng Tử mà cho tới nay ông đã theo.
Thực ra Khổng Tử nhà hiền triết này, trong những sách ông để lại, có nhiều giáo huấn về thuần phong mỹ tục: như khi ông nói, trước hết hãy sửa mình và muốn thế thì xét mình mỗi ngày ba lần để sửa điều lầm lỗi. Sau đó mới đem tâm trí và chuyên cần xếp đặt và điều khiển gia đình. Và sau khi đã cẩn thận chu toàn chức vụ đầu tiên này chứ không trước khi đó, thì bây giờ mới lo dìu dắt và cai trị quốc gia36.
Ông còn luận về nhiều điều liên hệ tới pháp lý dân chính, về xét xử các vụ kiện và về thi hành công lý, do đó các tiến sĩ Đàng Ngoài nghiên cứu kinh sách của ông một cách chuyên cần như chúng ta khảo sát hiến pháp hay bộ luật. Ông còn trình bày và phân giải những châm ngôn về chính trị và luật pháp tự nhiên. Vì thế ông nói trái với những nguyên lý của Kitô giáo vàcũng không nói những gì bác bỏ hay bị kẻ tin theo lên án.
Nhưng khi ông đề cập trong một bộ sách về nguyên lý độc nhất của vạn vật thì ông rơi vào một cảnh hỗn độn to lớn và mù quáng trí khôn và lý luận không sao hiểu được. Ông nhận nguyên lý đệ nhất thuộc vật thể và vô tri không đáng được kính thờ. Thế nhưng ông muốn người ta tôn kính và thờ cúng Trời mà ông công nhận đã phát sinh và thoát ra từ nguyên lý đệ nhất mà ông chối không cho tôn thờ đó. Và những sự tôn thờ này ông còn cho rằng tất cả mọi người không đồng hàng xứng đáng được thực hiện, chỉ có các bậc vua chúa trị dân mà thôi, như thể nghĩa vụ tôn giáo không chung cho người dân cũng như bậc vua chúa. Lại còn đáng trách hơn nữa, trong giáo thuyết và kinh sách nhà hiền triết, đó là ông không đề cập đến đời hằng sống và hồn bất tử, nghĩa là ông chỉ coi con người thuộc về vật thể và nếu có hồn thì cũng là thứ hồn vật lý, chìm trong khối và tan trong các phần thân thể, như hồn súc sinh mà thôi. Ông cho con người chết là hết, không còn gì, những yếu tố cấp trên nhận di hài những phần tinh vi và những yếu tố cấp dưới thì nhận thi hài những phần thô kệch. Rõ ràng là đưa tới vô thần và mở xấu, chỉ còn để lại một hình ảnh, một cái bóng hay hiện tượng bên ngoài của nhân đức.
Thế mà người Đàng Ngoài, sang hay hèn đều có lòng tôn kính Khổng Tử rất mực thờ kính như một Thượng đế. Họ dạy con cái lòng tôn thờ đó ngay từ khi chùng còn nhỏ, vì ngay ngày đầu tiên đến trường để học chữ Tàu, thì ông thầy trước khi nhận trò làm môn đồ, đã quỳ gối cùng trò và dạy bái thứ nhất cho trò biết cách phải xưng Khổng Tử thế nào và phải kêu xin ngài phù hộ cho để được trí khôn minh mẫn và dễ dàng học những điều người ta chỉ bảo cho, gọi là sáng dạ nghĩa là có bụng sáng. Điều mơ ước này còn tha thứ được vì họ tưởng các khoa học cũng như thịt thà được nhận và chứa trong bụng; họ tin rằng từ một người chết và vô đạo, họ hy vọng nhận được một trí thông minh. Cả những tiến sĩ và các văn nhân cũng rơi vào điên cuồng này, khi họ đi thi để được bằng cấp, và khi được rồi thì tới phục dưới đất trước bàn thờ ông Khổng Tử để lễ tạ. Thật là một dị đoan điên dại thông dụng nơi lương dân. Nhưng giáo dân tân tòng chỉ nhận có Đức Giêsu Kitô là nguyên lý tối cao và là ánh sáng soi tất cả, do đó mà nảy sinh trí minh mẫn. Họ phục lạy ba lần trước ảnh Người, từ lúc còn thơ ấu, xin Người ban ơn vì được hạnh phúc khởi sự, được tiến bộ trong việc học hành và thành đạt trong thi cử. Họ còn tạ ơn Người vì những ơn huệ đã được.
Chương 19: Về Giáo Phái Dị đoan Thứ Hai Của Người đàng Ngoài
Giáo phái thứ hai người Đàng Ngoài tin theo gọi là Đạo Thích. Người sáng lập đạo này, theo kinh sách của họ và tập truyền của họ, là con một vua Ấn Độ, người Nhật gọi là Xaca, người Tàu gọi là Xechia và người Đàng Ngoài gọi là Thích Ca, mỗi nơi đọc sai đi một chút. Họ nói là ngài sống vào khoảng một ngàn năm trước công lịch37. Phụ thân ngài là Tịnh Phạn cai trị nước Ấn Độ cùng một thời với vua Salomon. Đức Thích Ca chưa đầy mười bảy tuổi thì đã kết duyên cùng một công chúa trẻ tuổi tên là Adulala, con gái một vua Ấn khác. Hai năm sau thì sinh hạ được một người con gái tên là Hầu La. Nhưng (…) ngài đã rút lui ẩn dật trong rừng hẻo lánh, ngoài ý của thân phụ ngài (người rất không bằng lòng), cũng như vợ ngài, bà rất phàn nàn về sự ly thân này. Sau năm năm ngài trở về cung điện vua cha (…), nỗ lực phổ biến học thuyết của mình trong tâm trí dân chúng. Nhưng vì do những nguyên lý đệ nhất của lý trí, tính tự nhiên con người không nhận sai lầm và khó bỏ được niềm tin tưởng từ bên trong cho biết là có một thần thánh, nghĩa là một hiện hữu và nguyên nhân đệ nhất làm cội nguồn cho tất cả những gì không thể hiện hữu tự mình được, nên ngài không tìm được kẻ tin theo ngài và làm môn đệ ngài. Đức Thích ca bực tức vì không được kết quả trong công việc, liền dựa vào lời bàn của thần thánh quen thuộc để (…) gieo rắc một thứ truyện hoang đường về thần thánh (…) Thế là có thành quả ngay đến nỗi trong bốn mươi năm hoạt động …, vừa dựa vào quyền thế, vừa dựa vào ma thuật, ngài đã cho thành lập và phổ biến khắp An Độ tín ngưỡng trước đây chưa ai biết…
Ngài còn khôn khéo làm cho dân chúng theo tin tưởng mà ngài đã nghiền ngẫm, đó là những thưởng công trên trời đối với kẻ lành và hình phạt dưới địa ngục đối với kẻ dữ. Do cách này mà đạo được lan tràn ở An Độ (…) Ngài nói là tất cả những gì ngài giảng dạy chỉ là một bức màn che những bí quyết về thân xác mà ngài đã giải thích sơ lược (…) Thế rồi sau khi đã giảng dạy như vậy thì ngài qua đời…
Đạo Thích ca do ngài khởi xướng bởi đâu mà truyền đạt từ An Độ qua Trung Quốc, rồi sau đó vào tới Đàng Ngoài như chúng tôi đã nói, lúc đó chỉ là một tỉnh nội thuộc nước Tàu. Thật khó mà biết đích xác vì sự việc đã cũ kỹ lắm rồi. Nếu theo sử liệu Tàu thì do một sứ thần Trung Quốc đã được vua Hán Minh Đế phái tới Tây Phương để thỉnh chính đạo, theo như Thượng đế đã báo cho ông trong mộng. Đáng lẽ ông phải qua Tây phương, như lệnh và việc Người uỷ thác cho ông, nhưng ngại đường xa và những khó khăn hành trình, ông đã dừng lại ở Ấn Độ. Ở đây ông học hỏi với Người Balamôn, được biết kinh sách và giáo thuyết Phật (nghĩa là) nhà hiền triết, tên người ta đặt cho, Thích Ca như chúng tôi đã nói. Ông đã đưa về cho vua Trung Quốc là người đầu tiên gia nhập vào nước mình đạo giáo này…
Chương 20: Về Các Thần Thánh Người đàng Ngoài Thờ Kính
Mong sao cho người Đàng Ngoài đã rũ ách nô lệ người Tàu thì cũng bỏ được những dị đoan người Tàu truyền lại và dạy dỗ cho. Nhưng những nguyên lý tôn giáo dầu tốt dầu xấu đã ăn sâu vào lòng người do tập quán lâu đời thì không dễ dàng xoá bỏ đi được. Thế nên người Đàng Ngoài sau khi không còn chịu người Tàu đô hộ nữa thì vẫn còn duy trì những mê tín của họ và tất cả giáo thuyết về thần thánh du nhập từ Ấn Độ. Từ đó tới nay họ còn thêm nhiều điều dị đoan khác trở nên mê tín hơn cả người Tàu. Thật ra ngày nay trong nước Đàng Ngoài có rất nhiều đền chùa và thần thánh, không một làng xã nhỏ bé nào mà không có chùa chiền và dân chúng rất mê theo, dù đền chùa đó dơ bẩn, bệ rạc vì các thầy sãi không sửa sang, thường nhận cúng lễ để chi dùng cho mình và cho vợ con mình, không chủ ý trang hoàng đền chùa và lau chùi tượng thánh cho sạch sẽ.
Nhưng mỗi tháng hai lần, nghĩa là vào ngày mồng một và ngày rằm, dân mộ đạo tới đền chùa nghi ngút khói hương, họ cầu khẩn và cúng tế. Họ rất kính cẩn tin theo, không một ai dù túng bấn đến đâu cũng không đem đồ lễ tới và đặt dưới chân tượng đầy bụi bặm. Rồi họ quỳ phục ít là bốn lần, mặt sát đất, sau đó (nếu không ai đi theo) họ tụng kinh và khấn vái, bắt đầu bằng việc xưng tên mình, quê quán, tưởng như thần thành không biết. Nếu có nhiều người và thường là như vậy, thì người nào giàu sang hơn lên tiếng thỉnh cầu nhân danh tất cả, những người khác chỉ đồng tâm theo bằng việc sấp mình xuống lạy. Còn các thầy sãi thì thu của lễ, dành cho thầy nhất và chính yếu sử dụng mà không ai được biết sử dụng và phân phát thế nào. Ay là chưa kể nhiều ruộng công dành riêng cho chùa chiền chính yếu mà các thầy sãi được thụ hưởng.
Thế nhưng ở xứ này không thấy có những cộng đồng các sư như ở Trung Quốc, mỗi sãi ông (tức thầy sãi chính yếu) ở một phòng sát cạnh chùa với bà vợ và con cái cùng những thầy sãi khác cũng làm việc trong chùa, coi như người phục dịch và thường là những hy sinh đời mình để phụng thờ thần thánh. Về các con của thầy sãi thì họkhông để cho thừa kế chức vụ, trong khi còn sống họ tìm cho một chức vụ khác khá hơn, vì thế ở xứ này có dư luận không tốt đối với các thầy phục dịch mà họ cho là có khả năng hơn, có lòng nhiệt thành săn sóc chùa chiền và t ần thánh hơn.
Số các thầy phục dịch không những được dùng trong chùa chiền mà cả trong các đám tang kẻ giàu sang, không phải để chôn cất, việc này thuộc về người khác, như chúng tôi sẽ nói sau, mà để tụng kinh cầu hồn ở giữa ngã ba đường phố, họ dựng bàn thờ với những đồ tang, các thầy đứng thành hai hàng và suốt đêm tụng niệm theo cung điệu rất bi thảm, với tiếng nặng nề và cao thấp không đều. Người ta còn nghe hát những kinh bằng thứ tiếng chính người hát cũng không hiểu, họ nói là các bậc tiền bối truyền lại, người ta cho là những kinh theo tiếng cổ Ấn Độ từ buổi đầu đã truyền lại cùng với dị đoan.
Chương 21
Giáo phái tôi nói ở đây là tệ hại hơn hết tất cả những giáo phái thịnh hành ở xứ Đàng Ngoài, vì rất phổ thông và rất liên quan tới ma quỷ. Vì những kẻ tin theo thường dùng ma thuật và tận tuỵ tuân lệnh thần linh ma quái. Người sáng lập là Lão Tử38, nhà ma thuật đời xưa rất danh tiếng, đã có và còn có rất nhiều đồ đệ có uy tín với chúa và tất cả kẻ sang trọng trong nước. Chẳng có gì đáng khen, chính chúa và các quan trong phủ cũng bị truyền nhiễm. Điều làm cho giáo phái này được uy tín đó là việc chữa lành các bệnh làm cho dư luận tin theo. Tuy trong nước cũng có lương y rất có khả năng chữa bệnh, thế nhưng những người có thế giá vẫn quen chạy đến các thày phù thuỷ mà họ rất tin, những người này quả quyết dùng bùa ngải để chữa bệnh, chứ không cần thuốc của lương y.
Thế nên khi có ai ngã bệnh thì liền sai gia nhân ra phố chợ, nếu bệnh nhân không thể đi được, để hỏi một thầy pháp của giáo phái này (không bao giờ thiếu, nhất là những người nghèo và mù sống bằng nghề này) xem bởi đâu và tại ai mà người này mắc phải bệnh.
Vì họ mê muội tin rằng họ chỉ lâm bệnh vì có người trong họ hàng hay tổ tiên đã mất, nhưng không được con cháu cúng tế cho phải đạo hiếu. Thế là thầy pháp ném một đồng tiền lên như để bắt thăm, sau đó ông quả quyết bởi người họ hàng nào đó làm cho sinh bệnh. Người bệnh tin và theo lời ông được tin như lời thần thánh không được hồ nghi, bệnh nhân cho mời một thầy pháp khác tới nhà để thầy dùng phẩm vật và đồ cúng cầu khấn người mà thầy pháp trước cho là kẻ đã gây nên bệnh. Thầy liền cho dọn một ít thịt ngon để làm nguôi lòng người quá cố. Người ta dựng một bàn thờ nhỏ trên đó thầy gieo quẻ để xem bệnh nặng nhẹ thế nào. Cách gieo quẻ như sau. Người ta làm thịt một con gà, cắt lấy hai chân ném vào chậu nước sôi, rồi xem kỹ cách đặt và hướng các móng chân để biết điềm chết hay khỏi. Nếu có nguy cơ thì vào khuya thầy cầu khấn hồn giận dữ người đã mất. Rồi thầy gọi hồn mà thầy tôn là chúa, thầy van nài hồn phù hộ chống đối kẻ gây nên bệnh hoạn. Nếu thấy bệnh thêm nặng thì thầy lên cơn nguyền rủa hồn người thân quyến đó và suốt đêm rung chuông inh ỏi làm cho bệnh nhân đau đầu khó chịu và không ngủ nghỉ được. Rồi giả táng như hồn người chết đã hưởng hương khói và mùi thịt ngon, thầy cho đem về nhà để vợ con thầy cùng hưởng dùng. Vào buổi sáng thầy cho dọn một thuyền nhỏ bằng sậy và giấy đưa ra bến sông gần đó, có gia nhân người bệnh và mấy lính bồng súng đi theo. Theo lệnh thầy pháp, gia nhân cho thuyền chìm xuống nước như thể dìm hồn người quá cố, còn lính thì bắn ba bốn phát súng để làm cho hồn hãi sợ không dám về nữa. Nếu sau đó bệnh nhân (như thỉnh thoảng xảy ra) được phục hồi sức khoẻ thì thầy pháp đắc thắng nhận thành công này là do quyền phép mình và đòi công khá cao. Trái lại thầy sẽ rút lui xấu hổ nếu bệnh nhân chết, không nhận được gì do phù phép của thầy. Mới đây xảy ra cái chết của hoàng tử con cả của chúa, hoàng tử còn trẻ, tài giỏi và có nhiều triển vọng, chúa đã trao cho một phần lớn việc trị nước để tập luyện ngay khi chúa còn sống. Để chữa bệnh, các thầy pháp đã vô ích sử dụng hết các phép và đưa ra hết các bí quyết ma thuật, nhưng khi thấy bệnh càng nặng thì các thầy dùng tới phương dược cuối cùng. Các thầy cho bệnh nhân sang một nhà khác xa lạ và đem một người khác đặt trên giường để cho thần chết tuyệt vọng gieo họa đã sửa soạn chống lại hoàng tử trẻ tuổi. Nhưng thần chết không khi nào chịu sự chèn ép của võ lực, hay bị ma thuật lừa dối, thần đã tới tìm bệnh nhân trong giường xa lạ và vừa diệt sự sống vừa diệt hết các niềm hy vọng của chúa và của toàn quốc.
Ở đây tôi không muốn bỏ một sáng kiến điên rồ thỉnh thoảng họ dùng khi bệnh nhân sắp lìa đời hay bất thần có triệu chứng nguy hiểm hồn chuẩn bị ra khỏi thân xác. Lúc đó họ thắng yên cương cho ngựa và chuẩn bị hành trình đón hồn sắp ra đi trong khi bạn bè vây quanh giường khóc lóc thảm thiết, gọi tên người bệnh để cầm hãm tinh thần sắp lìa bỏ họ, cho tới khi tắt thở và hồn khốn nạn được đem đi, không phải trên lưng ngựa đã sẵn sàng mà do ma quỷ dẫn xuống địa ngục.
Tôi còn thêm ở đây, ma thuật dùng chân gà để biết thành quả của bệnh nhân. Phép này được sử dụng ở toàn cõi Đàng Ngoài để biết điềm lành dữ và xem xét hiện tượng xảy ra. Vì thế nếu họ phải khởi hành trên đất hay trên biển, nếu họ xuất trận cưới hỏi, khởi công làm bất cứ việc gì quan trọng, thì quẻ và hướng chân gà39 nếu chỉ cho biết điềm thành công , lúc đó họ mới can đảm làm và không còn sợ hãi. Nếu họ nhận thấy trong hướng xấu thì họ không dám tiến hành và đành bỏ cuộc. Điều này cản trở khá lớn các công việc của họ. Vì thế có một lần tôi thấy xảy ra ở một hải cảng, nơi có hai mươi chiếc tàu chuẩn bị đầy đủ , buồm đã căng và sẵn sàng khởi hành. Thương người Đàng Ngoài chưa dàm bắt đầu làm trước khi chưa bói chân gà. Mà vì hướng không đúng nên họ phải đổi dự định, gấp buồm lại và hoãn cuộc hành trình. Nhưng đồng thời tôi có mặt trong một thuyền sắp sữa trầy đi vì gió thuận đã thổi bất chấp điềm dữ chân gà mà tôi chẳng thèm để ý. Tôi giục chủ thuyền sắp sửa trẩy đi vì gió thuận đã thổi bất chấp điềm dữ chân gà mà tôi chẳng thèm để ý. Tôi giục chủ thuyền (là lương dân nhưng có cảm tình với đạo ta) lên buồm, chớ bỏ cơ hội đẹp trời mà ra đi. Thế là chúng tôi trẩy đi thuận buồm xuôi gió và may mắn cập bến đúng ngày chúng tôi dự tính. Còn thuyền các thương gia (ngày hôm sau thời tiết xấu) không thể trẩy đi, phải đợi mười lăm hay hai mươi ngày, trong thời gian đó có sóng lớn và gió rất mạnh, làm cản trở không ít công việc của họ và bắt họ phải suy nghĩ về phù phép vô dụng và về sự tin điên rồ của họ.
Chương 22: VỀ CÚNG TẾ NGƯỜI CHẾT DO CÁC THẦY PHÁP LÀM
Thật là sửng sốt khi thấy người Đàng Ngoài khờ dại để cho các thầy pháp lợi dụng chữa chạy cho cha mẹ họ hàng và con cái đau yếu, khi họ chết lại còn dùng chúng và chịu cho chúng thi hành những pháp luật điên rồ. Sau khi người ốm tắt thở thì thầy pháp cùng gia đình buồn sầu của người chết đi tới nhà một cô hồn được người ta trọng nể. 40 Bà này khấn phái ma thuật gọi hồn dưới danh hiệu người qua đời để tới nhận và yên ủi gia đình mình vừa gây nên tang tóc. Hồn tức thì nhập vào thân xác bà đồng (Thiên Chúa cho phép như vậy để phạt tội bất trung của dân này) và lay động rất dữ dội, trên khuôn mặt lúc thì đỏ như sắt nung, khi thì nhợt và tựa như màu mỡ gà rồi đen đáng ghê sợ, để tỏ ra có người dữ dằn nhập vào bà. Sau đó cô hồn làm giả tiếng người chết, gọi tên một người trong gia đình và bàn về một công việc trước đây cả hai đã làm chung với nhau, lại còn quả quyết về cảm tưởng của mình hay đưa ra những cảm nghĩ mới để thi hành. Điều này làm cho cả gia đình khóc lóc và cảm phục, quỳ xuống đất để tôn kính hồn người họ đã nghe và thấy mới đây, lúc này họ tin là đang hiện diện. Thế rồi họ hỏi mấy câu và hồn trả lời không rõ, với những lời lẽ hai nghĩa làm cho họ rất khổ tâm. Và đừng quên xin cho thầy pháp và cho cô hồn người bạn tốt những món thịt thà hồn giả vờ là thèm thuồng. Tức thì người ta đem tới để cúng người quá cố. Thỉnh thoảng cũng có lần hồn không nói qua miệng cô hồn, nhưng cô giãy giụa, mặt mày nhăn nhó kinh khủng, nói lảm nhảm nhiều điều như thể người quá cố nói, chiều theo ý thầy pháp chỉ dẫn; cô xin được điều cô muốn và được kính cẩn vâng theo ngay như thể người chết hiện diện thật.
Cũng có cách khác các thầy pháp dùng qua hồn người chết để lừa gạt thiên hạ. Họ cho người chết hiện qua một tấm gương thần, làm cho người chết nói và xin những điều mình muốn. Nhưng có lần hỏng việc và làm cho cô hồn rất xấu hổ. Bởi vì hai quân binh Kitô hữu dùng lời cầu nguyện và thế lực cây thánh giá họ đeo ở cổ tay để ngăn cản. Mặc dầu cô hồn suốt đêm kêu cầu và gọi hồn đến giúp, hai giáo dân trái lại suốt đêm không ngừng xin Thiên Chúa cấm không cho âm hồn làm việc trong dịp này để sự lừa gạt không đạt được kết quả và cô hồn phải xấu hổ. Họ đã được Thiên Chúa nhận điều họ xin, thế lực của cầu nguyện đã thắng thế lực ma thuật.
Lần khác cũng xảy ra như vậy ở một công trường có rất nhiều người kéo nhau tới xem một vụ ảo thuật mà một thầy pháp thường quen làm trước mặt mọi người. Hắn làm cho một hình nhân làm bằng nứa đi đi lại lại trong công trường và bẩy được một tảng đá lớn nhiều người khoẻ chung sức mới nâng nổi. Nhưng có một giáo dân trẻ tuổi tên là Mathêu đi qua đó, và vì xúc động thấy sự gian tà và sự mê hoặc đồng hương, anh tin vào quyền thế Đức Giêsu Kitô và vào thế lực cây thánh giá anh đeo trong người, anh liền kín đáo trừ ma quỷ mà thầy pháp muốn dùng vào việc này. Anh lấy danh Chúa Cứu Thế thắng trên thập giá mà khiến tà ma phải rút lui về địa ngục và không còn được lừa dối thiên hạ. Anh bắt tà ma phải vâng lời, trong khi đó thầy pháp cầu khẩn trước bàn thờ và khi không nhận thấy hiện diện và thế lực tà ma, thì giang hai tay như điên, ngồi đủ các kiểu, lúc đứng khi quỳ, hoặc phục trên đất, dùng đủ cách để giục hồn đã bỏ hắn phải trở về với hắn. Suốt ba bốn tiếng đồng hồ không được gì, rồi cứ tiếp tục cho tới khuya, hắn giận dữ và như điên cuồng vì bị dân chúng chế nhạo, sau cùng nhỡ tay đánh đổ bàn thờ đâm ra nguyền rủa nghề mình và ma quỷ đã ruồng bỏ hắn khi hắn đang cần, rồi hắn xấu hổ lui về nhà. Anh Mathêu tới kể cho các cha với vẻ đắc thắng và hiên ngang. Các cha khuyên anh nên từ tốn và giữ kín ơn Thiên Chúa đã ban cho anh và đừng phổ biến việc vừa xảy ra vì sợ lương dân lấy cớ mà ngược đãi giáo dân.
Chương 23: VỀ NHỮNG DỊ ĐOAN TRONG ĐÁM TANG VÀ CHÔN CẤT NGƯỜI CHẾT
Trong khắp cõi đất có người ở này, có lẽ không có nước nào trọng kính và tôn sùng hồn và xác người quá cố bằng dân nước Annam. Điều tôi sẽ nói sau đây đủ để mà tin.
Khi người nào vừa tắt thở thì họ giữ ba điều này để tôn kính người chết. Thứ nhất, họ kiếm cho được một quan tài lộng lẫy nhất có thể có được theo khả năng của họ để liệm xác. Những người giàu có thì sắm rất đắt tiền một cỗ quan tài chạm trổ, sơn son thiếp vàng rất tinh xảo.
Thứ hai họ lo cho có thật nhiều người đi theo đám tang. Người gia quyến, thông gia, bạn bè không bao giờ thiếu, còn mời tất cả cư dân sở tại trong số đó thường có quan tòa, ông có mặt trong tất cả những đám người sinh quán ở đó. Nếu người quá cố thuộc hàng quý tộc thì có cả dân cư miền lân cận. Nếu là một quan tòa hay một tướng lãnh thì có đôi quân binh đi theo đám tang với cờ xí và đồ võ trang như khi đi trận. Hầu hết trong các đám tang, họ có thói quen mở đầu đám bằng một tấm trướng bằng lụa cao bằng năm mươi gang tay, có bốn người khỏe mạnh cầm, trên đó viết bằng chữ vàng tên người quá cố, những chức sắc và chức vụ lúc sinh thời và mấy lời khen ngợi công lao hiển hách. Con cái, nếu còn sống và vợ thì đi trước linh cữu, mặc áo tang, thảm thiết rêu rao những việc tốt và những ân cần săn sóc mình đã nhận được ở người quá cố. Họ làm vẻ buồn rầu và giọng thương xót, họ rên rỉ, khóc lóc làm cho mọi người động lòng thương. Có khi họ quay về linh cữu, lăn xuống đất để cho người khiêng dẫm chân lên. Theo cách thức tôi đã nói, tất cả đám tang tiến tới nơi chôn cất thường xa thành phố chừng mấy dặm.
Điều thứ ba, hết các dân ở nước Annam đều tin dị đoan và không sợ tổn phí chọn nơi thuận lợi để chôn xác cha mẹ. Họ điên rồ tin rằng tất cả vận tốt của gia đình về của cải, danh vọng, cả sức khoẻ đều phụ thuộc vào việc chọn đất để mả. Để làm việc này họ dùng một số người gian dối biết thuật xem đất cát gọi là thầy địa lý. Thầy đem địa bàn xoay sở trong cánh đồng và dùng một ít dụng cụ toán học khác, chăm chỉ làm như thể tìm vàng, sau cùng vờ như tìm được chỗ thuận tiện để chôn xác, dĩ nhiên những người thừa kế trả công họ khá hậu hĩ và tức khắc làm nhiệm vụ sửa soạn và thu xếp chỗ đặt theo lệnh và chỉ thị của kẻ gian xảo đã kiếm được đất tốt. Hoặc (để nâng cao giá trị nghề mình) ông xử dụng một đồ nghề chỉ định đâu là chỗ đặt đầu, đâu là nơi chân mình tới, để cho người quá cố nghỉ yên và không về quấy rối con cháu. Thực ra thường dân không lo để mồ để mả cha mẹ ở những nơi bí ẩn và xa đường cái quan, trái lại người giàu sang rất cẩn thận vì sợ có kẻ thù phạm đến mồ mả cha mẹ và cha mẹ oán phạt con cháu đã không săn sóc bảo đảm an toàn cho mình.
Thế nhưng nơi họ là một trọng tội tỏa phạt rất nặng, nếu ai phạm tới mồ mả bất cứ bằng cách nào, mặc dầu mộ đó ở nơi công cộng. Thật ra điều đáng khen. Cũng vậy họ chăm chỉ cất chôn cha mẹ chết ngoài quê quán. Những người quyền quý giàu sang thì họ thi hành ngay và với tất cả nghi lễ long trọng vì họ có khả năng. Còn dân thường thì họ cũng không trễ nải việc thi hành nhiệm vụ ít là sau ba năm để tang.
Theo tập quán bất khả xâm phạm ở dân nước này thì con cái để tang cha mẹ, vợ để tang chồng ba năm. Về cách để tang thì có sự khác nhau và kỳ dị về áo mặc; cách thông thường và chung cho mọi người là tóc. Phái nam không có tang thì để tóc phía trước cắt nửa vòng tròn trên trán, khi có tang thì để tóc dài xuống tới mắt, khá vướng. Trái lại phái nữ có tang thì cắt một phần tóc không cho dài ra, suốt ba năm tang nếu là người góa bụa thì cấm và bị phạt nặng nếu tái giá trong thời gian này, gọi là thời tang tóc. Hết tang thì họ bốc mộ và sau khi đã tẩm hương thơm xương cốt và bọc trong vải trắng thì họ đặt vào một cái tiểu, đậy lại như trước. Hoặc nếu người quá cố chết ở ngoài quê quán thì họ đưa về chôn ở nơi sinh trưởng. Nếu sau đó xảy ra tai họa gì cho bản thân họ hay con cháu họ và các thầy pháp, như đã nói ở trên, bảo phải cất mộ hay dời mộ thì họ lại đào lên và đem tiểu chứa hài cốt, thu xếp chôn cất chu đáo ở nơi khác, để các người được nghỉ ngơi an toàn hơn, nhìn đồng ruộng thảnh thơi không có hòn đá nào làm mất an tĩnh và do đó không còn phá hoại con cháu.
Chương 24: VỀ YẾN TIỆC TƯ NHÂN VÀ CẢ VUA CHÚA THẾT ĐÃI VONG LINH NGƯỜI QUÁ CỐ
Một trong những dị đoan rất thông thường và rất quyến rũ dân xứ này tin theo vì chữ hiếu, đó là yến tiệc họ sửa soạn để tưởng nhớ cha mẹ quá cố, gọi là lễ giỗ. Trong việc này có ba cái lầm lớn. Thứ nhất họ tưởng cha mẹ được tự do trở về nhà con cháu khi các người muốn hay được mời. Họ không biết có những hàng rào vĩnh viễn ngăn cách các hồn lỗi phạm đó với chúng ta. Thứ hai do ngây dại tin rằng (điều thánh Autinh đã qưở trách và lên án trong thời ngài) hồn người chết cũng dùng thịt thà và dự yến ẩm của chúng ta. 41 Do đó họ có thói sửa một bữa giỗ rất thịnh soạn có thể được. Người con trưởng và người thừa kế, khi bày bàn tiệc rồi thì đọc một bài khấn thân phụ, như thể người có mặt, tương tự nhu sau:
"Xin cha đáng kính về nhà của cha, nơi cha đã lâu ngày vắng bóng và xa các con cháu hằng thương nhớ, con cháu cha đã nuôi nấng dạy dỗ và hết mình săn sóc, con cháu mà cha đã vất vả và bù đắp. Tất cả sự yên ủi của chúng con và tất cả ước vọng của chúng con là được biết cha luôn ở giữa chúng con và được thi hành nhiệm vụ đối với cha đã thương yêu chúng con. Xin cha nhận lễ hèn mọn chúng con dâng cúng để đáp đền ơn hải hà cha đã ban cho và để phần nào yên ủi chúng con trong thời tang tóc vắng bóng cha."
Đọc lời khấn xong thì người con trưởng cùng cả gia quyến lăn xuống đất kêu gào và bái lạy người quá cố, như thể người này có mặt, rồi mời ngừơi ngồi vào bàn và dùng bữa với họ. Họ tưởng rằng người quá cố làm theo họ. Và sau đây là cái lầm thứ ba, vô lý hơn hai cái lầm trước, có thể nói như một xúc phạm, đó là sự sống, sức khỏe, an vui trong gia đình và tất cả sự thịnh vượng vật trong nhà đều lệ thuộc vào cha mẹ đã khuất. Cuối cùng người con thừa kế, nhân danh các anh em và mọi người trong nhà, nài xin cha đừng quên các con và xin săn sóc gia đình, ban cho mọi người được sức khoẻ, sống lâu và dư dật của cải. Cuối cùng toàn thể gia đình quỳ xuống, trán chạm đất, như để xin người quá cố chúc phúc lành cho.
Nghi thức này được tái diễn nhiều lần trong thời gian còn tang và nhất là vào ngày giỗ. Nếu người thừa kế quên thì họ hàng có thể đưa ra tòa và chắc chắn là sẽ không được hưởng gia tài vì vô ơn đối với người đã cho thừa kế. Bổn phận này được coi là rất công bằng đến nỗi (như tôi đã nói ở trên) nếu chúa ban cho địa vị và bổng lộc cho tướng lãnh và những người nào khác có tài năng để thưởng công thì của ban đó người vợ góa và các con còn được hưởng trong ba năm để tang, để cho họ có phương tiện cúng giỗ tỏ lòng kính tôn người quá cố và không những chỉ mời họ hàng mà còn mời cả quân binh của người nữa.
Vị chúa đương thời cũng giữ việc mê tín này đối với đức thân phụ đã mất với những quá đáng không thể tin được 42. Ngài cho dựng trong phủ một tòa nhà lộng lẫy, một thứ đền chùa lớn hơn những đền chùa trong toàn quốc, chủ ý để cúng bái vong linh đức thân phụ ngài. Ở đây mỗi ngày có thắp hương nhang và bày la liệt thịt thà với những lễ phẩm như thể lúc người còn sống. Để đứng đầu việc này, còn cắt đặt một viên quan riêng biệt thường là hỏa đầu quân và trích ra một nguồn lợi nhuận lớn để tiêu hằng năm vào việc này. Có mấy viên quan cao cấp cũng bắt chước, họ có phòng rộng lớn trong nhà để cúng tế theo dị đoan, tuy chi phí ít hơn, và làm nghi lễ tôn thờ vong linh song thân. Nơi dân chúng thì vẫn thấy có ít là một góc nào đó trong nhà làm bàn thờ để thỉnh thoảng kính viếng tưởng nhờ vì tin rằng hồn cha mẹ hiện giờ có mặt ở đây.
Ngoài những bữa ăn thường mà chúa cho dọn mỗi ngày để cúng hồn đức thân phụ, mỗi năm cũng ở nơi này, ngài đặt một bữa đặc biệt và rất long trọng. Khắp nước đều tìm về đây cũng như từ các nơi người dân phải đem phẩm vật thịt thà đến bày trên bàn hoặc đóng góp vào chi phí quá đáng trong đám giỗ. Theo tục lệ chung cho cả nước, người ta dọn bàn thấp và tròn (mâm), nhưng về ngày giỗ thì đặt bàn cao bằng mấy gang tay, nhiều ít tuỳ bữa. Còn về cỗ sang trọng chúa cho dọn để cúng đức chúa quá cố thì tất cả các bàn đều được xếp có trật tự và rất nhiều, lại rất rộng lớn, cao tới mười hai hay mười lăm gang tay, sơn son thiếp vàng và nhiều chỗ trang trí bằng mảnh vàng nạm trong gỗ. Về thịt thà trên bàn thì rất nhiều, thịt gà và thịt thú săn thì vô kể. Ngoài ra có bàn để nguyên một con bê béo và một con heo quay, không kể mứt kẹo đủ thứ rất đặc biệt và bày ở khắp các bàn. Có một điều rất kỳ khôi trong đám này, đó là trong số những bàn này có mấy bàn chỉ bày toàn những đồ bằng giấy vàng, giấy bạc, họ tưởng tượng và điên dại cho rằng những đồ này phải được đổi ra bằng vàng thật, bạc thật, để người quá cố sử dụng khi đốt đi.
Bữa yến tiệc lộng lẫy và long trọng này được dọn trong gian nhà rộng chúng tôi đã nói, rồi chúa cùng cả hoàng tộc tới, có các quan trong phủ và các tướng lãnh theo hầu. Ngài đến cúng bái hồn đức thân phụ theo nghi lễ chúng tôi đã nói ở trên. Sau đó ngài lui về để đức thân phụ được thong dong hưởng phần yến tiệc đã dọn. Và như thể người đã dùng thỏa thuê rồi thì hôm sau chúa trở lại chính nơi này để phân phát, trước hết là cho các quan, rồi tới quân binh và còn thừa thì tới dân. Thành thử rất ít người trong phủ không nhận được, trừ các sư sãi (vì kiêng, coi là thứ thịt dơ) một phần do chúa ban phát.
Trong năm còn có những lễ khác ít long trọng hơn theo tập tục những người sang trọng giữ để cúng tế ông bà, cụ cố và tiên tổ, bên nội cũng như bên ngoại cho tới tám đời, mỗi vị đều có một ngày riêng. Và bởi vì rất khó cho dân chúng nhớ đúng ngày, thì mỗi năm có hai tháng là tháng bảy và tháng chạp được chỉ định cho dân chúng giỗ cha mẹ quá cố, không ai dám sai sót. Thật là xấu hổ cho giáo dân, ít chuyên chú thi hành đức hiếu và tôn kính vong linh người quá cố. Lời cầu nguyện của họ giúp rất nhiều cho các người hơn là lương dân tin theo dị đoan vô ích, để cầu cho cha mẹ đã qua đời được an nghỉ.
Chương 25: VỀ MẤY MÊ TÍN KHÁC ĐỐI VỚI NGƯỜI QUÁ CỐ
Người Đàng Ngoài có tâm tình hiếu thảo rất đặc biệt đối với cha mẹ đã qua đời và tiếu phí quá đáng để cúng giỗ. Vì thế không những họ đâm ra nghèo túng mà còn làm cho họ mắc nợ nần, bởi muốn theo tục lệ và phép xã giao nên phải chi dụng không những về cỗ bàn mà còn về các nghi lễ khác, vừa vô ích, vừa phù phiếm, nhưng theo phép xử thế, họ không sao tự miễn cho mình được. Thí dụ họ thi đua dựng nhà, sắm các dụng cụ bếp núc làm bằng tre nứa và giấy hoa rồi đem đi đốt. Họ điên dại tin rằng nhờ đồ vàng mã này người quá cố được nhà đẹp, đồ dùng tươm tất trong thế giới các người tới.43 Cũng điên dại như thế, vào ngày cuối năm, họ sắm quần áo cũng làm bằng giấy hoa rồi đem đốt. Họ kỳ khôi tưởng rằng hàng hóa này sẽ hóa thành áo mới, vải đẹp để dùng trong năm mới. Vì thế chúng tôi đã công khai công kích dị đoan và chế giễu tập quán kỳ dị này rằng: họ dám gửi cho cha mẹ những áo giấy mà kẻ nghèo nàn nhất cũng chẳng thèm mặc. Họ nói những đồ vàng mã đó sẽ hóa trong lửa (đúng lắm chúng tôi đáp), một phần chúng hóa ra tro và một phần ra lửa: các người muốn gửi phần nào, tro hay lửa? Nếu ra tro thì cha mẹ sẽ bị rét run, nếu là lửa thì cha mẹ bị thiêu trong áo nóng hổi. Nhưng để nói lên sự thật, các người gửi áo lửa, để thêm vào ngọn lửa các ngài chịu trong hỏa ngục bởi đã dạy các người những mê tín điên dại này. Tốt hơn hết (trong trường hợp linh hồn cha mẹ chịu đền tội trong lửa luyện ngục và sắp được cứu rỗi) là rộng rãi phát áo cho kẻ cùng khổ để họ che thân và Thiên Chúa nhận việc bác ái làm vì lòng mến Người, Người sẽ cho hóa thành việc giảm bớt hình phạt cha mẹ các người chịu. Lời lẽ này có hiệu lực đối với tâm trí không những giáo dân mà cả mấy lương dân, làm cho người cùng khổ được hưởng. Đến nỗi có một người trong bọn người nghèo đã thú nhận được của bố thí trong một năm tới hai mươi tám cái áo, người ta dặn chia cho người nghèo khổ khác.
Lại còn việc (thực ra là một thứ đạo đức trá hình bên ngoài khá đẹp), người ta săn sóc và tin mê tín dị đoan không những giúp hồn cha mẹ mà cả những người không có con cái hay họ hàng gần, như bị bỏ rơi không ai cứu giúp gọi là cô hồn. Người Đàng Ngoài có tục, vào tháng sáu âm lịch, theo lịch của ta cũng vào chừng tháng sáu, đốt áo hoa, họ cho rằng (trong thuyết luân hồi bịa đặt ra) những áo này có thể cho người nghèo bị bỏ rơi dùng. Hơn nữa, có một tục ngộ nghĩnh để giúp các cô hồn bơ vơ: trong lớp học, học sinh mỗi tháng hai lần, ngày mồng một và ngày rằm, họp nhau rảo trong thành xin tiền để mua gạo nấu cháo. Sau khi ăn một ít còn thì đổ trên mái nhà, cho rằng những hồn lang thang đó về dùng. Rồi dựng một bàn thờ nhỏ trong lớp và đến cầu khấn các cô hồn xin cho có trí sáng để học và trở nên thông minh.
Ngoài những nghi lễ và mê tín chúng tôi nói tới đây, còn có những người quyền quý làm riêng những việc rất tổn phí tương tự như những việc thông thường nơi dân chúng. Khi một người có quyền thế và giàu có qua đời thì những người thừa kế dựng một lâu đài ở giữa đồng ruộng bằng vật liệu sơ sài và có thể thiêu đốt dễ dàng được, tất cả đều được trang trí và vẽ nhiều hình tượng, họ làm bàn ghế, giường, tủ và những đồ vật thường dùng trong nhà cùng những hình nổi cũng bằng vật liệu nhẹ nhõm như voi, ngựa, chó, mèo và các gia súc khác. Họ tiêu một số tiền rất lớn, vì những tượng hình này giá từ mười tới mười hai êcu và tất cả số vàng mã này thường lên tới hơn một nghìn êcu, thế rồi (và đây là điều đáng chế nhạo hay phẫn nộ) họ đem thiêu đốt hết. Bởi vì sau một bữa tiệc long trọng có mời nhạc công và người thổi sáo, các sư sãi và thầy pháp, thì người thừa kế đem tất cả hàng mã này châm lửa đốt. 44 Họ quá tin nhảm nhí và khó mà gột rửa cho khỏi tâm trí người cao sang cũng như kẻ nghèo hèn điều dị đoan làm cho họ tin rằng hồn người quá cố sẽ nhận được tất cả những đồ vật còn nguyên vẹn ở cái thế giới mới mà họ tới.
Chương 26: NGÀY ĐẢN NHẬT CHÚA ĐÀNG NGOÀI MỪNG THẾ NÀO
Trước ngày sinh nhật của chúa, từ hết các tỉnh thuộc lãnh thổ chúa, người ta đem tới phẩm vật để bày trên rất nhiều bàn đặt trong phủ và sửa soạn bữa tiệc linh đình chúa thiết đãi hết các tướng lãnh và quân binh bảo vệ ngài. Dĩ nhiên họ thắng nhung phục chỉnh tề, mặc áo mới để theo tục lệ làm lễ thề trung thành với chúa.
Nghi lễ chính làm vào chính ngày sinh, lễ này dựa vào một sai lầm thông thường trong triết học của người Đàng Ngoài. Họ cho rằng mỗi người, ngoài ba thần trí họ có gọi là ba hồn, những hồn này hoạt động lộn xộn trong thân xác chúng ở, lại còn bảy tinh thần cũng ở trong thể xác, nhưng họ không chỉ định sự phụ thuộc của mỗi tinh thần ấy thế nào, như chúng ta phân biệt giác hồn và súc sinh hồn, cũng không đặt tên cho mỗi tinh thần đó, chỉ gọi chung là bảy vía. Thế nên khi một người nào bất ngờ bị một cơn sợ hãi do một tai nạn đột khởi thì họ nói là mất vía. Mà phái nữ thường hay sợ hơn phái nam, và hay mất nhiều hơn, nên họ gán cho những chín vía. Thực ra còn một lý do khác để họ đặt cho phái nữ một số vía nhiều hơn, được bảo tồn lâu dài, vì thường thường đàn bà sống lâu hơn đàn ông và các bà già sống lâu hơn các ông già.
Còn về chúa, người ta mơ màng tin tưởng rằng mỗi năm tới ngày sinh, ngài nhận được một vía mới, thay thế cho vía đã yếu nhược hay suy tàn vì việc trị nước suốt trong năm qua. Thế là vào tảng sáng, trước khi mặt trời mọc, có một cỗ xe của chúa đi ra khỏi kinh thành, xe không người, có rất nhiều quân binh võ trang tháp tùng và nhiều dân đi theo. Tới một cánh đồng rộng và đẹp có nhiều cây cối và cành lá tươi xanh, thì xe dừng lại ở giữa, trong khi đó quân binh và dân chúng rảo khắp vùng lân cận hái thật nhiều hoa nở trong mùa và chặt những cành đẹp, những chùm lá xanh tươi để kết hoa cho ngai chúa, trang trí cỗ xe bằng hoa lá. Sau đó đánh xe trở về theo hàng lối và long trọng như khi chiến thắng trở về vì họ tưởng tượng rằng vía mới của chúa ngự trên ngai để cho họ cúng tế. Khi xe vào kinh thành cách uy nghi thì đồng thời chúa cũng ra khỏi phủ ngự trên một xe danh dự khác, có hết các hoàng gia trong phủ, các tướng lãnh và quân binh cận vệ tháp tùng để đón tiếp vía tưởng tượng đưa từ miền quê tới. Gặp cỗ xe chúng tôi đã nói, kết hoa lá, thì chúa nhảy lên hôn hít những cành lá bao phủ, rồi sau khi tỏ ra đón tiếp rất nồng hậu con ma tưởng tượng, như thể được vía mới, chúa rất vui sướng và đắc thắng lên cỗ xe đã đưa chúa ra để trở về phủ. Toàn dân theo sau lớn tiếng reo hò mừng rỡ. Ở đây hết các hoàng tử và tướng lãnh, quỳ gối trước mặt chúa, nhân dịp chúa vừa nhận được vía mới, tỏ lòng cung kính và vâng phục, trong khi đó quân binh và dân chúng đã đi theo lại tiếp tục lớn tiếng hoan hô vạn tuế cùng những lời hoan hỉ vang khắp phủ. Nghi lễ kết thúc bằng một bữa tiệc trọng thể như yến tiệc nhà vua, không những các hoàng tử, các quan chính yếu trong phủ và tướng lãnh được dự mà cả quân binh nữa.
Chương 27: VỀ MỘT ÍT DỊ ĐOAN CỦA NGƯỜI ĐÀNG NGOÀI
Để hiểu một trong những dị đoan chung còn thịnh hành nơi người Đàng Ngoài, đúng hơn, nơi tất cả người nước Annam, thì phải biết họ chia ngày làm mười hai giờ, mỗi giờ của họ bằng hai giờ của ta. Mười hai giờ có mười hai biểu hiệu. Mười hai tháng trong năm cũng đều có mười hai biểu hiệu như thế. Cũng theo những biểu hiệu này, mỗi ngày trong năm luân chuyển qua một vòng và mỗi năm trong thế kỷ. Họ ghép những biểu hiện đó với mười ký hiệu khác, 45 làm thành một vòng sáu mươi năm, cuối cùng lại bắt đầu trở lại. Nhưng trong cách nhận định toán học đó, có điều vướng trở tâm trí họ và thường làm cho họ sợ sệt (bởi vì họ rất tò mò) là khi họ biết rõ rệt giờ sinh và theo dấu hiệu nào họ đã sinh ra thì họ tưởng rằng sự rủi ro tiền định của họ đều tuỳ thuộc tất cả vào số tử vi, hoặc năm, tháng, ngày và giờ nữa. Thế cho nên họ không dám khởi công làm một việc gì quan trọng trong năm, tháng, ngày, giờ theo cách tính toán học của họ đã được xếp đặt và lệ thuộc vào dấu hiệu đó làm cho họ sợ gặp rủi ro trong công việc đã trù liệu. Tuy kinh nghiệm là mẹ chân lý thỉnh thoảng đã dạy họ biết rằng cho dù có tinh tú và số tử vi, họ có thể tránh được bất hạnh mà thời gian và giờ không may làm cho họ sợ. Hẳn họ cũng thấy thí dụ đáng ghi nhớ xảy ra cho chúa Đàng Trong, bị đạo binh chúa Đàng Ngoài tấn công. Chúa Đàng Ngoài đã chọc thủng biên giới, lúc đó có các nhà toán học cùng đi với ngài và theo ngài. Họ cho ngài xem trong đồng hồ chiêm tinh thấy giờ phải sửa soạn xông đánh quân địch là một giờ nguy hiểm vì có dấu hiệu rủi ro. Nhưng chúa hoặc vì bực mình hoặc vì khinh thường những nhận định mơ hồ, liền lấy chân đạp đồng hồ và phán: thật vậy à, như thế ta sẽ thấy quân địch xông vào lãnh thổ ta mà ta khoanh tay không dám đẩy lùi sao, như thể ta bó tay chịu tai họa lớn lao mất nước và kẻ ngoại lai xâm chiếm ư? Rồi quay về phía quân sĩ đang chờ quyết định và mệnh lệnh, ngài cao giọng quả quyết phán: Gắng lên, gắng lên, bớ quân sĩ, hãy cầm võ khí, vì là giờ tốt bênh vực chính nghĩa và sẽ là một giờ may mắn cho chúng ta và rủi ro cho quân địch, nếu chúng ta đuổi họ ra khỏi lãnh thổ ta và bắt chúng bỏ chạy. Thế là chúa cũng đứng lên với quân sĩ chống lại địch đã khá vào sâu trong lãnh địa và sau khi nâng đỡ cố gắng của quân sĩ, chúa quyết định xông đánh và cuối cùng bắt địch phải lui. Thế mà chính lại là giờ mà người Đàng Trong (cũng tin dị đoan như người Đàng Ngoài) được coi như giờ rủi ro, nhưng lại thành giờ may mắn.
Vì tin dị đoan mà họ còn giữ một số điều ngộ nghĩnh khác tỏ ra trí óc họ còn yếu và ảo tưởng còn mạnh, làm cho ma quỷ, khốn thay, được vui thích. Đó là điều làm cho họ rất mực áy náy trong những việc tốt và khẩn cấp mà họ nắm trong tay. Nếu buổi sáng lúc ra khỏi nhà để làm việc gì tốt và hệ trọng tới kết quả của công ăn việc làm mà gặp đàn bà chứ không phải đàn ông, thì họ trở về và rầu rĩ ngồi ở nhà, vì cho rằng việc này (nếu cứ tiếp tục) sẽ hỏng, cho dù họ biết rằng nếu bỏ thì sẽ mất. Cũng vậy, khi ra khỏi nhà, bất cứ vào giờ nào, nếu họ hắt hơi hoặc người nào họ gặp khi vừa ra khỏi nhà, thì họ không dám tiếp tục đi, nhưng đành trở về nhà, vì sợ có tai họa xảy ra cho họ nếu họ cứ tiến hành và đi tới nơi họ đã định. Họ còn rất nhiều kiêng kị dị đoan lương dân rất tin theo. Trái lại hết những người bỏ đạo huyền hoặc và những dị đoan điên dại, họ được giải thoát (như đã có rất nhiều người và mỗi ngày mỗi thêm), những người này tin theo và thờ Thiên Chúa thật, họ công nhận những chân lý của đạo Kitô và những sai trái cùng vô lý của lầm lạc.
Chương 28: NGƯỜI ĐÀNG NGOÀI LÀM LỄ CƯỚI THẾ NÀO
Chế độ đa thê vẫn còn là thông lệ ở nước này, nơi những kẻ quyền quý và không ai bị truy tố hay bị trừng phạt nếu lấy vợ bé; hoặc giữ vợ cả như những người có thế giá thường làm, hoặc bỏ vợ cả như thỉnh thoảng xảy ra nơi dân chúng. Dẫu sao về hôn nhân, tất cả thường theo cách thức như sau:
Cha mẹ đôi bên bắt đầu đề cập tới khế ước hôn nhân, ngay khi con cái còn nhỏ dại và còn ít tuổi, mặc dầu thủ tục đầu tiên luôn luôn bắt đầu từ bên nhà trai. Họ muốn làm thông gia với một gia đình khác cùng ngang hàng với mình, thì họ nhờ một đệ tam nhân đến hỏi bên nhà gái xem có bằng lòng gả con gái cho con trai mình không. Nếu bằng lòng thì bên nhà trai sẵn sàng chính thức đề cập tới. Họ đến nhà gái mang theo phẩm vật và tiền cưới tuỳ theo gia cảnh. Khi đã nhận sính lễ thì sự hứa hôn được công nhận và kể là có thỏa thuận để ăn hỏi, từ lúc này hai bên không được tự ý từ chối trừ khi có lý do quan trọng. Nhưng người bố vợ tương lai có thể tìm hiểu phong cách và giá trị tinh thần và thân thế người rể tương lai, ông đòi người rể tương lai đó vừa tới tuổi trưởng thành phải đến ở nhà mình. Ông giao cho công việc làm để thử, việc nhà cũng như việc ở ngoài. Nếu trong cuộc thử này, ông thấy có tính nết xấu, không có giáo dục, lười biếng và không biết cách quán xuyến thu xếp công việc nhà thì bấy giờ theo lương tri và thông tục cho phép, ông trả lại nhà trai cùng với tiền bạc đã nhận trước đây. Còn trái lại nếu ông hài lòng thì sau cuộc thử này ông giữ lại một hay hai năm hoặc lâu hơn, nếu con gái chưa tới tuổi lấy chồng. Sau đó mới tiến hành lễ hôn nhân như sau.
Trước hết phải thông báo cho cả cả họ hàng bên nhà trai cũng như bên nhà gái để xem có cản trở về họ máu do luật nước cấm. Vì con của hai anh em các cháu ở cấp nào tuy xa cũng không bao giờ được lấy nhau. Các cháu của anh em trai và chị em gái thuộc ba đời thì có thể lấy nhau, nhưng trong hai đời thì không được. Còn con của hai chị em gái có thể lấy nhau tuy mới có hai đời. Khi đã báo tin cưới cho tất cả họ hàng gần (những người này không quên gửi quà tới cho buổi lễ thêm phần long trọng) thì cũng phải đưa tin cho quan cai trị và những vị kỳ hào nơi mình ở, cũng mời họ đến dự tiệc cưới làm một ngày đã chỉ định. Việc thông tin công cộng này thay cho việc thông báo chính thức và là việc rất cần thiết vì nếu bỏ thì coi như không có phép cưới và không chính thức thành phép, có khi còn bị pháp luật và tục lệ trong nước trừng phạt như thể làm trộm vụng. Thế nên có thể biết rằng những hôn nhân trộm vụng đều bị truy tố, ngay cả nơi lương dân, chỉ theo ánh sáng tự nhiên.
Xong các việc này rồi thì chú rể vì phải chịu tiền cưới xin cho cô dâu nên đem số hai bên đã thỏa thuận đến nhà gái. Nhà gái không được giữ cho mình nhưng phải dùng tất cả vào việc sắm sửa quần áo và đồ dùng cho cô dâu, tuy không bó buộc phải tiêu pha gì thêm nữa. Dẫu sao để cho phải phép lịch sử thì ông bố thường cho con gái thêm tuỳ gia cảnh để con đem theo về nhà chồng. Vì thực ra để sắm sửa thì đã dùng một phần ở tiền cưới đã đem tới từ hôm trước với nghi thức long trọng và cảnh trí tưng bừng, có những người thế giá nhất đến dự, nếu đôi tân hôn thuộc dòng họ giàu có. Còn nếu là thường dân thì tất cả làm trong ngày cô dâu được đón về nhà chú rể do quan tỉnh cùng với họ hàng và số đông người đi theo.
Tất cả đoàn thể rước dâu về nhà trai, đứng vây quanh bàn thờ tổ tiên dựng ở phòng tiệc có hương hoa thơm phức. Ở đây bố chồng (hay người chú bác nếu bố chết) quỳ trước bàn thờ và cô dâu chú rể quỳ hai bên, ông thưa với tổ tiên mà ông tôn thờ linh thần kể như có mặt trên bàn thờ, tương tự như sau: "Thưa thân phụ rất đáng kính, hôm nay cháu trai cưới cháu gái Mỗ… này và chính thức nhận làm bạn trăm năm, xin chứng kiến cho các cháu và phù hộ cho các cháu được hạnh phúc, sống lâu hòa hợp, được khang cường, hoan lạc và thịnh vượng, xin cho các cháu sinh con xinh đẹp, khoẻ mạnh, ngoan ngoãn và đức hạnh làm cho cha mẹ vui mừng và sung sướng. Để tỏ niềm vui trong dịp cưới xin này, chúng con sửa mâm cỗ xin mời song thân trước hết làm gia chủ chứng kiến cho và xin phù hộ trước hết cho hai cháu tân hôn". Khấn xong là vào tiệc và hôn nhân chính thức thành và bền chặt, nhất là về phía người vợ, không bao giờ được bỏ nhà hay bỏ chồng, mặc dầu người chồng, vì một tệ nạn không thể dung thứ được đã chen lấn nơi người nước này, họ giữ quyền được bỏ vợ vì một nết xấu vô danh nào đó hoặc vì thay lòng đổi dạ hay chán ghét.
Điều này ít thấy nơi dân nghèo khó, vì nơi kẻ quyền thế, họ thường lấy nhiều vợ, thế nên khá ít người bỏ vợ khi có bất hòa hay vì thay lòng đổi dạ; thực ra theo luật nước này thì cấm người đàn bà có chồng không được lấy chồng khác. Ở nghi lễ làm trong dịp cưới xin này, không thấy tỏ sự hai bên ưng thuận: dẫu sao, sự im lặng và tư thế ngồi cạnh người cha khấn vái cho họ và lời tuyên bố sự phối hợp của họ, là những bằng chứng đầy đủ về sự đôi bên thỏa thuận và lời lẽ họ trao đổi cho nhau: họ biểu lộ bằng cách thức đó, theo thông tục và tập quán trong xứ.
Ở đây tôi thêm một điều đặc biệt làm cho ta tưởng đức tin đạo Kitô đã gia nhập nước Đàng Ngoài này. Đó là khi một trẻ vừa lọt lòng mẹ thì người ta dùng mực hay phẩm hồng vạch hình thập tự trên trán: lần đầu tiên tôi thấy vẽ trên trán đứa bé, tôi đã hỏi cha mẹ vì cớ nào họ làm như vậy. Họ trả lời là để cho ma quỷ (thù địch của đứa bé) không làm hại trẻ hay gây tai họa cho đứa bé. Tôi gạn hỏi thêm xem họ biết tại sao hình đó có phép trừ tà ma thì họ không thể đáp gì hơn là họ giữ một tục lệ có từ lâu đời mọi người trong nước này đều làm. Đây là một dấu hiệu khá hiển nhiên tỏ ra niềm tin vào Đức Kitô xưa kia đã được rao giảng cho họ và ơn cứu rỗi bởi cây giá họ đã nhận được mà ngày nay họ còn kính cẩn giữ lại dấu hiệu. Chúng ta tin vào Thiên Chúa nhân từ, rồi đây sẽ để cho dấu hiệu vạch trên trán đó chuyển qua tâm hồn hết mọi lương dân.
Chương 29 VỀ NHỮNG TỤC LỆ NGƯỜI ĐÀNG NGOÀI GIỮ VÀO CUỐI NĂM VÀ ĐẦU NĂM VÀ VỀ MẤY DỊ ĐOAN
Có một tục lệ lâu đời nhưng kỳ dị còn giữ ở khắp xứ Đàng Ngoài, đó là những người già, cả nam cả nữ, vào cuối năm, họ sợ sệt trốn trong chùa như một nơi trú ẩn để tránh thế lực tà ma họ gọi là Võ Tuấn 46. Họ cho rằng việc của vị này là sát hại và bóp cổ hết những người già nua tuổi tác thuộc cả hai giới. Do đó những kẻ khốn đốn này trong ba hay bốn ngày cuối năm, họ đến trú trong nội địa chùa chiền, đêm ngày không dám ra cho mãi tới ngày mồng một Tết mới trở về nhà, vì cho rằng quyền lực của tà ma hãm hại và là thù địch của người già đã chấm dứt. Đó là điều còn xảy ra vào cuối năm nơi người già cả.
Còn những người khác có phận sự trong nhà như gia trưởng thì vào cuối năm họ có thói dựng gần cửa nhà một cột dài vượt quá mái nhà,47 trên ngọn treo một cái giỏ hay một túi đục thủng nhiều lỗ và đựng đầy thứ tiền bằng giấy vàng giấy bạc. Họ điên dại tưởng tượng là cha mẹ họ mất, vào cuối năm có thể bị túng thiếu và cần đến vàng hay bạc để trả nợ. Cũng còn một tục lệ khác là không một ai, từ người giàu sang tới kẻ nghèo khổ, khất nợ quá hạn năm mà họ đã vay mượn, trừ trường hợp không thể trả nổi mà thôi. Thật là đáng khen nếu họ làm không phải vì mê tín dị đoan như họ thường làm, vì sợ chủ nợ bực mình nên đem lời khiển trách động tới tổ tiên và tổ tiên oán thán con cháu và kẻ thừa kế. Họ rất sợ bởi vì nếu ai bị tố cáo và bị tòa chứng nhận đã xúc phạm tới danh dự người khác vì lăng nhục chạm tới tổ tiên, thì người đó bị quan tòa trừng phạt cũng nghiêm khắc như phạm một tội trọng. Họ còn lo trả nợ trước cuối năm vì một lý do mê tín, họ sợ chủ nợ ngày mồng một Tết đến đòi nợ, dĩ nhiên là bắt họ trong ngày đó phải xuất tiền ra trả và họ cho là một việc rất mực tai hại và là một điềm dữ.
Trong tất cả những dị đoan thông dụng nhất và họ khó vứt bỏ, đó là sự tin các thần trong nhà gọi là tiên sư, nghĩa là những thầy cũ. Vì không nhà nào mà ở cửa ra vào không có một bàn thờ nhỏ kính tiên sư. Hằng này họ cúng tế thắp hương nhang tốt xấu tuỳ theo gia cảnh, sáng khi thức dậy và chiều trước khi đi ngủ, họ đều cúng lễ. Cũng vậy những người làm nghề thủ công, thầy lang, ngành văn hay ngành vũ cũng đều khấn vái xin các thần phù hộ. Nhờ các tiên sư mà họ có công ăn việc làm và sự khôn khéo trong ngành nghề hay chức vụ. Ngay cả đền kẻ trộm cướp cũng có thần bảo hộ và theo cách thức của họ, họ cũng tôn thờ các tiên sư của họ, và dị đoan này ăn sâu vào tâm khảm làm thành một cản trở cho việc trở lại đạo. Có một lương y tôi được may mắn ông chữa khỏi bệnh và để tỏ lòng biết ơn, tôi muốn giúp ông. Tôi đã cẩn thận thuyết phục ông cho ông thấy đạo giả trá của ông mà bỏ đi. Tôi đã thành công vì ông sẵn sàng chịu phép rửa tội và gạt hết các mê tín dị khác. Thế nhưng khi đặt vấn đề phá bàn thờ tiên sư thì ông không thể chấp nhận được. Thế là ông ngoan cố giữ và chết khốn khổ trong sai lầm. Cũng xảy ra cho một tướng lạnh có thế giá và làm quan cai trị một tỉnh, ông đã thọ bát tuần. Tôi đã khuyên dụ ông tin theo. Tôi đã mặc áo dòng trắng, sắp sửa rửa tội cho ông, còn ông, ông nhất quyết bỏ hết các mê tín dị đoan mà đạo ta lên án, trừ tiên sư ông xin giữ không phải vì xác tín, ông nói, nhưng vì các quân sĩ. Thế là tôi không dám rửa tội cho ông. Có thể Thiên Chúa sẽ ban cho ông ơn nhận biết Người và thắng được khó khăn này.
Tôi sẽ thêm ở đây (về cứu cánh độc hại nhất và chung cho tất cả) một dị đoan điên dại nhất phổ thông nơi dân xứ này. Trong mỗi thành phố hoặc mỗi thôn xã, đều có một đền lớn gọi là đình thờ tà ma hay thành hoàng, nơi đây các kỳ hào hội nhau bàn việc chung trong thôn xã và chỉ muốn làm trước mặt và dưới sự che chở của vị thần. Mỗi năm để tôn vị thành hoàng thì họ tổ chức lễ lạc công cộng, có ca hát múa nhảy và tiệc tùng trong một hay hai tháng vì họ cho rằng tất cả sự thịnh vượng làm ăn, sự phì nhiêu của ruộng đồng và sức khoẻ của dân làng và súc vật đều phụ thuộc vào vị thành hoàng. Nhưng sự chọn thành hoàng hay vua dị đoan này thì được thực hiện do một nguyên nhân rất kỳ dị rất điên rồ và bỉ ổi. Vì nếu có đứa trộm cướp trứ danh nào hay một kẻ trọng tội nào bị quan tòa hành hình ngoài thành và nếu vì tai nạn hay mưu ô ma quỷ mà có con bò, con trâu hay con heo nào bị ngã hay chết ở chỗ đó, ngay cạnh thi hài hay trên mộ phạm nhân thì người ta đồn thổi là tội nhân qua con vật ngẫu nhiên được họ nhận, từ nay sẽ được coi như vị thành hoàng. Hơn nữa (có thể chỉ là hiệu quả của một chuyển dịch mê tín và một ảo tưởng hoàn toàn của tà ma) nếu có con vật nào hay một người nào nhỡ chân té ngã bên cạnh con chó dại bị đuổi và bị giết ở ngoài thành thì con chó thối thây này được họ nhận làm thành hoàng và được cúng lễ như cúng lễ thần thánh.
Còn có một chuyện rất phổ biến trong nước. Có một con vua Tàu vì sống quá bê tha nên vua cha bắt ném cho chết đuối dưới biển, nhưng thi hài nổi lên và trôi giạt vào một cửa biển Đàng Ngoài. Ở đây có người dân sở tại bị tai nạn xảy ra cạnh thi hài người con gái này. Dân làng không những đem chôn cất mà còn dâng kính cửa biển như dâng kính một nữ thần bảo hộ và ngày nay đặt tên cửa biển đó là cửa chúa nghĩa là cửa biển bà chúa. Từ nơi này chuyện dị đoan đã lan tràn khắp nước Annam, đến nỗi không có một cửa nhỏ ở suốt dọc bờ biển mà không có một đền dâng kính người con gái bê tha đó. Hết các thương gia và thuỷ thủ đều đến cúng lễ cho nữ hải thần và vị ngự trị các biển. Một ngày kia Thiên Chúa sẽ cho thấy, như chúng tôi hy vọng, những đền ngoại đạo thờ bà chúa lăng loàn đáng phỉ nhổ này, được dâng kính đức Trinh Nữ Vương thiên quốc, ngôi sao biển đích thực, đấng chỉ đạo và phù hộ cứu vớt người trần.
Chương 30: VỀ CUNG GIỌNG VÀ DẤU TRONG TIẾNG NÓI THÔNG DỤNG NƯỚC ANNAM
Mặc dầu tiếng nói thường dân ngày nay phổ thông khắp nước Annam khác với tiếng Tàu, thế nhưng cũng đọc với những cung giọng không quá khác với cung giọng tiếng Tàu.48 Tiếng Tàu chỉ có năm giọng nói, còn tiếng Annam thì có những sáu, rất đáp ứng với những dấu nhạc của ta, làm cho các tiếng đều khác nhau về nghĩa, đến nỗi không có tiếng nào mà không ghi thêm một trong sáu dấu là như hồn và đặc tính ý nghĩa của tiếng. Những dấu hay thanh thì không ghi trong chữ viết của họ, nhưng chỉ phô diễn trong giọng nói mà thôi: điều này làm cho chúng tôi rất khó hiểu sách vở của họ. Thế nhưng chúng tôi đã nghĩ cách ghi các giọng khác nhau đó bằng tất cả cách việc của chúng ta, làm cho chúng ta học biết sự khác biệt trong cung giọng, để hiểu ý nghĩa.
Thanh thứ nhất là thanh trầm, 49 hạ giọng để đọc, như ta hát giọng trầm trong ca nhạ và chúng tôi ghi dầu huyền của người Hy Lạp, thí dụ dò có nghĩa là cái bẫy. Thanh thứ hai là thanh hầu như trầm hoặc gần như trầm, phải có chút cố gắng để đọc, như phát ra từ lồng ngực và chúng tôi ghi bằng một cái chấm dưới nguyên âm theo cách người Hy Lạp đặt chữ iota, thí dụ rệ, có nghĩa là rễ cây. Thanh thứ ba là thanh uốn trầm, uốn giọng mà đọc và có một chút cố gắng ở lồng ngực, và chúng tôi ghi bằng dấu uốn của người Hy Lạp, thí dụ mĩ là tên một gia đình quý tộc trong xứ. Thanh thứ tư là thanh bằng đọc mà không cần cung giọng thí dụ fa hay đúng hơn pha có nghĩa là trộn, vì trong tiếng này không có chữ F bật hơi. Thanh thứ năm là thanh uốn nhưng dịu hơn, đọc như thể chúng ta đặt câu hỏi và chúng tôi cũng ghi bằng dấu hỏi của người Latinh, thí dụ sổ có nghĩa là danh mục, quyển ghi chép. Thanh thứ sáu là thanh sắc, đọc với giọng bẳn gắt như thể người nào nói khi giận dữ, và chúng tôi ghi bằng dấu sắc của người Hy Lạp, thí dụ lá có nghĩa là lá cây. Như vậy sáu thanh (như tôi đã nói) có thể đáp ứng với sáu nốt nhạc của ta dò, rẹ, mĩ, pha, sổ, lá.50
Có một điều rất khó trong ngôn ngữ của họ đối với những người muốn học, đó là tất cả sự khác biệt về thanh và giọng đều ở trong một tiếng hay một vần, gây thành nhiều khác biệt về nghĩa, thí dụ tiếng ba đọc với thanh trầm thì có nghĩa là bà: bà nội, bà ngoại; nếu đọc với thanh gần như trầm thì có nghĩa là dính hay vật bỏ đi; nếu đọc với thanh uốn trầm thì có nghĩa là cặn, chất còn lại của cây cỏ hay trái cây sau khi đã ép hết chất ngọt; nếu không có thanh và đọc bằng phẳng thì có nghĩa là con số ba; nếu đọc với thanh uốn dịu như hỏi thỉ có nghĩa là một cái tát; nếu đọc với thanh sắc thì có nghĩa là vợ mọn của chúa. Do đó chỉ một tiếng đọc tiếp mỗi lần với những thanh khác nhau ba, bà, bả, bá, có nghĩa là ba bà vả bá. Cũng vậy vần ca đọc với các giọng khác nhau thì thành bốn nghĩa khác nhau, vì với thanh trầm cà có nghĩa là thứ trái táo dại, với thanh bằng ca có nghĩa là ca hát, với thanh hỏi cả có nghĩa là lớn và với thanh sắc cá có nghĩa là con cá.
Vì thế những ai chưa thông thạo các thanh hoặc các dấu đó thì thường rất bực mình và dùng lẫn một nghĩa kỳ khôi hoặc hỗn xược với một nghĩa khác, như đã xảy ra khi một cha dòng chúng tôi muốn sai đầy tớ người bản xứ đi mua cá, cha nói rõ tiếng ca nhưng đọc với thanh trầm, đáng ra phải đọc với thanh sắc, thế là thay vì cá cha có ý bảo mua thì người đầy tớ lại đem về cho cha một thúng đầy trái táo dại (cà) và người đầy tớ thích thú xin lỗi vì lời sai bảo anh đã nhận được. Một cha khác một lần sai người ở đi đánh mấy gốc tre, nhưng đọc với thanh hỏi lại có nghĩa là trẻ con, chứ không đọc vớ thanh bằng có nghĩa là tre. Thế là tất cả lũ trẻ con đang ở trong nhà nghe thấy lời sai bảo đó liền chạy trốn hết, tưởng người ta muốn đánh đập mình. Người ta chỉ bảo chúng trở lại được sau khi cho chúng biết ý người truyền khiến và sự lầm lẫn bởi chưa biết đủ giọng nói. Vì chưa biết các dấu khác nhau này nên còn có thể xảy ra ngộ nhận ý nghĩa, muốn nói sự thánh thiện lại hóa ra nói sự tục tằn; cho nên những người rao giảng lời Thiên Chúa phải rất cẩn thận để không làm cho lời Thiên Chúa thành ngộ nghĩnh và đáng khinh bỉ trước mặt lương dân.
Chương 31: VỀ THAY ĐỔI TÊN GỌI NƠI NGƯỜI ĐÀNG NGOÀI
Thật là kỳ dị, người Đàng Ngoài còn theo dị đoan trong sự đặt tên và đổi tên gọi của mình. Thí dụ, nếu có đứa con nào chết, thì họ tránh không lấy tên đó đặt cho người con khác vì sợ tà ma, họ cho là chúng đã giết đứa bé mới chết, nay nghe thấy cũng tên đó đặt cho đứa trẻ mới sinh thì lại đến giết như đã giết đứa thứ nhất. Cũng vì họ cho tà ma hay ghen ghét và xảo quyệt gây hết các thứ bệnh và tai họa xảy đến cho con cái họ, nên họ thường lấy những tên xấu xí bẩn thỉu mà đặt cho con, họ điên dại tưởng rằng với tên nhơ bẩn này họ làm cho tà ma hay hãm hại không dám động tới bản thân con cái họ, họ không biết rằng kẻ công khai ghen ghét sự lành và sự khoẻ của họ, chúng không ưa thích gì ngoài những rác rưởi.
Rồi vì điên dại tưởng tượng như thế nên họ để cho bản năng tà ma đưa họ tới một thói kỳ quặc lạ thường làm người cha trở nên hung ác giết con. Nếu đứa con thứ nhất chết, theo họ tưởng, vì tà ma ghen ghét và sau đó đứa con thứ hai lại ngã bệnh vô phương cứu chữa thì trứơc khi đứa bè này chết, họ đưa nó ra ngoài đồng và dùng dao hung ác chặt làm hai, tưởng làm cho tà ma sửng sốt vì hành động vô nhân đạo này và làm cho nó sợ, không còn tiếp tục hãm hại những trẻ khác sẽ sinh sau này nữa. Do đó tà ma đã làm cho họ trở nên vô nhân đạo viện lý là nhân đạo và vì họ điên dại sợ nên đã cho phép người cha tồi tệ phạm tội giết con. Cũng vì thế mà ngày nay giáo dân tân tòng rất sợ, nên rất ân cần can ngăn lương dân phạm tội hung ác hoặc ít ra rửa tội để cứu linh hồn, khi thấy trẻ con lâm bệnh nặng hoặc không thể cứu sống được. Sự nhiệt thành này làm xúc động một giáo dân lành thánh tên là Antôn. Ông trao phó mọi việc nhà cho vợ để rảnh rỗi chuyên lo về việc này, không mệt nhọc rảo khắp tỉnh, không để trẻ con chết mà không được chịu phép thánh tẩy. Ông chịu khổ nhưng thành công lượm được kết quả. Trong một năm ông rửa tội được hai trăm, ông còn cẩn thận ghi tên và đem sổ về cho chúng tôi.
Còn một tục lệ khác nơi người nước này, đó là khi sinh đứa con thừa kế và nối nghiệp nhà, thì người ta đặt tên cho con (vào đúng ngày sinh), rồi không những người cha mà cả ông nội và tất cả những người trong gia đình đều đổi tên. Thí dụ khi người con đặt tên là Đồng thì người cha bỏ cái tên chính của mình, dẫu đẹp, dẫu đáng kính đến thế nào đi nữa, để từ nay sẽ gọi là cha Đồng, còn người ông nội của đứa bé thì gọi là ông Đồng, cũng vậy người mẹ và bà nội. Chỉ khác điều này là ông nội và bà nội thì không còn đổi tên khi có chắt. Còn người cha và người mẹ, khi con trưởng có con thì bỏ tên là cha là mẹ và lấy tên ông, bà đứa cháu. Còn bác chú cô dì, nếu chưa có con thì lấy tên cháu và gọi là bác Đồng, cô Đồng. Và người con thừa kế này cũng sẽ không mang thên là Đồng do cha mẹ đặt cho khi mới sinh, nếu có một em trai. Lúc đó bỏ cái tên thứ nhất và sẽ gọi là anh của người em, cho tới khi chính mình có con và lấy tên là cha của người con cả mình sinh ra.
Thực ra phải nhận ở đây là tục lệ này chỉ giữ nơi thường dân, còn về người quyền quý thì vì muốn tôn trọng mà người ta tránh không xưng chính tên của họ. Không ai dám gọi họ bằng tên đã đặt khi họ sinh ra, gọi là tên tục, có nghĩa là tên xấu, mà không xúc phạm đến họ và làm cho họ bực tức. Cũng vậy phải cẩn thận chớ xưng tên họ khi nói trứơc mặt họ hay trước mặt con cái họ, cả khi trong bài diễn văn nếu nhắc tới thì lúc đó phải dùng một chữ khác hoặc xoay trở tiếng đó để khỏi mất lòng những người này. Cũng có một tục lệ phổ thông nơi người quyền quý là khi họ chết thì con cháu, để ghi nhớ công ơn họ, đặt cho họ một tên mới có ý tâng địa vị mà họ tỏ nguyện vọng muốn trở nên người quyền quý như vương, hầu, bá, tước và tương tự, hoặc tỏ công trạng họ có hay chưa có. Và tên đó bao giờ cũng được ghi bằng chữ vàng ở tấm trướng chúng tôi đã nói ở trên, được long trọng mang trong đám tang.
Tới đây là phần tôi đã trung thành lượm được nói về tình hình tài sản vật chất, về phong tục và dị đoan của người Đàng Ngoài làm cho chúng ta ái ngại cho một nước rất tài ba lỗi lạc và có rất nhiều kiến thức lịch thiệp và thánh thiện lại nhiễm sai lầm và bị xiềng xích khốn đốn của tà ma hung hãn. Nhưng cũng làm cho chúng ta hy vọng, ánh sáng Phúc âm và ơn đại thắng của Chúa Cứu Thế sẽ cởi bỏ hết các ảo tưởng cầm buộc tâm trí đêm ngày và phá tan mọi gông cùm giam giữ họ và sẽ chỉ dẫn cho họ nhận biết thánh danh, đức tin và vâng theo Thiên Chúa sự thật. Việc này đã được thực hiện nơi một số đông giáo dân tân tòng trở lại đạo Công giáo, như chúng tôi sẽ nói ở quyển sau.
QUYỂN HAI: VỀ SỰ GIA NHẬP VÀ TIẾN TRIỂN CỦA ĐỨC TIN TRONG XỨ ĐÀNG NGOÀI
CHƯƠNG I: PHÚC ÂM GIA NHẬP VÀO XỨ NÀY THẾ NÀO

Cha Hienrô Rodriguez người Bồ, kinh lý Nhật Bổn và Phó kinh lý Trung Quốc thuộc dòng Tên, một nhân vật rất đạo hạnh và rất trung thực, vì có sự bắt đạo gắt gao ở Nhật1 và bắt hết các người tin theo Chúa Kitô, nên bó buộc phải rời khỏi Nagasaki nơi lâu năm ngài cai quản viện của dòng đã được thành lập ở đó. Cha cùng một số người bị cuộc bắt đạo này trục xuất khỏi Nhật, nên rút lui về Macao là hải cảng của đế quốc Tàu thuộc tỉnh Quảng Châu, nơi vẫn có Viện chính yếu của tỉnh dòng Nhật Bản và chủng viện độc nhất của các vùng truyền giáo thuộc tỉnh dòng này. Ở đây cha nhận thấy những thiệt hại thảm thương do cuộc bắt đạo dữ dằn gây nên cho giáo đoàn Nhật Bản và các thợ lành nghề ở bên cạnh cha nay không còn phương tiện để thi thố nhiệt tình ở Nhật Bản. Họ được chỉ định ở đó để giúp đỡ giáo dân, nhưng nay thành vô ích và trở nên thất nghiệp ở Macao. Vì thế cha nhất định phân chia họ đi những nước lân cận đang xin viện trợ, nơi ánh sáng đức tin chưa chiếu soi. Họ có thể được kết nạp đích đáng vào công việc và đem sử dụng nhiệt tình đúng chỗ.
Theo quyết định, năm 1624 cha sai cha Gabriel de Mattos người Bồ từ Rôma tới làm quản lý tỉnh dòng Nhật Bản cùng với năm cha khác đến xứ Đàng Trong (gọi tên này theo thư các cha truyền giáo ở đó), nơi hạt giống mới đức tin sửa soạn một mùa gặt vinh quang và phong phú, cho dân xứ này trở lại. Đồng thời cha cũng để cha Julio Caesar Margieo người Ý tới nước Thái Lan, một cánh đồng sẵn sàng sinh nhiều hoa trái. Ngay buổi đầu đã thấy hứa hẹn một khu đất phì nhiêu và cha can đảm hoạt động, nhưng cha đã kết thúc đời mình và công cuộc của mình do sự phản bội của mấy người chối đạo bỏ thuốc độc cho cha khi cha bị chúng nhốt trong tù. Cha kinh lý đợi hai năm sau, tức vào đầu năm 1626 mới sai cha Juliano Baldinotti2 người Ý với một thầy phụ tá tên là Juliô Piani tới xứ Đàng Ngoài, nhân dịp có chiếc tàu của thương gia người Bồ từ Macao đi, không phải về hoạt động mà để thăm dò xứ này nổi tiếng khắp nơi và để xem có hy vọng đến rao giảng Phúc âm và đức tin Kitô giáo. Cùng với người đồng sự, cha khởi hành từ hải cảng Macao ngày mồng 2 tháng 2 lễ Nến kính Đức Mẹ, điềm tốt về ánh sáng đẹp của đức tin đem tới xứ tối tăm ngoại đạo. Cha may mắn xuống tàu người Bồ và nhờ thuận buồm xuôi gió, 3 tàu đã đưa cha tới bến Đàng ngoài. Được tin tàu cập bến, chúa rất hài lòng, vì ngài mong muốn thông thương với người Bồ trong nước ngài. Ngài liền ra lệnh cho các tướng lãnh khắp nơi đón tiếp nồng hậu. Chính ngài rất niềm nở và săn sóc bằng mọi thứ tỏ tình quí mến khi họ tới. Ngài còn sợ chỗ ở luộm thuộm trong chốn kinh thành quá đông người và sợ xảy ra hỏa hoạn vì nhà thường làm bằng gỗ, nếu có kẻ ma quái châm lửa đốt nhà. Ngài truyền dựng ở miền ngoại ô rất rộng một nhà để cho họ ở và giữ các thương gia. Ngày đêm cho một đội quân binh canh gác để được an toàn.
Sau những săn sóc đầu tiên và những tỏ tình đặc biệt của chúa thì hai bên theo thông tục, trao đổi phẩm vật quí cho nhau. Thuyền trưởng người Bồ dâng tiến trước những phẩm vật rất được chúa ưa thích về hai quyến rũ, giàu sang và hiếm có. Còn chúa, chúa cũng đáp lễ ngay và ban dồi dào đến nỗi đủ phần phân chia cho mọi người tháp tùng. Cha Baldinotti trong dịp này cũng không quên tiến chúa phẩm vật, tuy đơn sơ và là đồ thuộc về tôn giáo, nhưng chúa rất vui lòng vì mới lạ và chưa bao giờ thấy. Dẫu sao, cha cũng chưa có khả năng dâng ngài kho tàng qúi báu Phúc âm vì chưa thông thạo ngôn ngữ và cũng chưa có người thông dịch để giải thích các mầu nhiệm. Tuy nhiên, sự im lặng và phong cách từ tốn trang trọng của cha cũng đủ cho chúa và các quan triều thần nhận ra có một cái gì lạ lùng và cao cả hơn sự thông thường ẩn nấp dưới bề ngoài khiêm nhượng của chiếc áo nghèo nàn trên người cha. Trước mặt cả triều thần người Bồ tỏ ra trọng kính cha và tư cách đó không ít làm cho người ta càng qúi mến cha. Chúa nhận thấy viên thuyền trưởng ăn mặc sang trọng lộng lẫy và toàn thể người Bồ tháp tùng y phục đẹp đẽ, đều tôn trọng cha, cha ăn mặc rất xuềnh xoàng. Họ kính nể và nhường bước cho cha đi trước, vì thế dư luận cho cha một cái gì hơn cái bề ngoài của cha. Thế là chúa bắt đầu trọng kính cha và từ đó thường cho một thày sãi là một trong những chư tăng chính yếu của giáo phái chúa tin theo và chúa coi như bậc tôn sư, đến thăm cha. Với vị này cha Giulianô tỏ tình rất thân thiết và hai bên cố gắng tìm cách thông giao với nhau. Cha hy vọng vào tính tình ngay thật của thầy sãi, để đưa thầy vào niềm tin đích thực (thầy có thể là một phương tiện rất thuận lợi để vun trồng đức tin trong xứ này), nếu cha thông thạo ngôn ngữ Đàng Ngoài hoặc có người thông ngôn để rao giảng và dạy dỗ những chân lý đạo ta.
Chương 2: Các Thợ Phúc âm được Gọi Từ đàng Trong Tới đàng Ngoài Thế Nào
Trong thời gian cha Giulianô cư trú ở Đàng Ngoài cha cẩn thận xem xét thấy người Đàng Ngoài có tính tình cởi mở và dễ bảo. Như cha xét đoán, phong tục người Đàng Ngoài cho phép và nhận chân lý đạo Kitô, nếu có người giảng cho họ bằng tiếng của họ, và cũng không nên trì hoãn vì là việc quan trọng có hệ tới sự cứu rỗi đời đời của biết bao tâm hồn. Cha biết rằng từ ít lâu nay có một số các cha đã tới Đàng Trong để giảng cho người xứ đó có thể nghe và nói ngôn ngữ xứ này, thứ ngôn ngữ không khác tiếng nói ở xứ Đàng Ngoài. Thế là cha quyết định xin cho được một người từ khu truyền giáo Đàng Trong biệt phái tới gieo hạt giống đầu tiên Phúc âm trên đất Đàng Ngoài. Tất nhiên cha không phải không biết có sự thù địch giữa hai chúa làm cho việc di chuyển các cha từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài thêm khó khăn. Cha còn ngại nếu chúa Đàng Ngoài biết có sự trao đổi thư tín của chúng ta từ xứ này qua xứ kia thì ngài đâm nghi ngờ sợ có mưu cơ bí mật nào giữa chúng ta và chúa Đàng Trong mà ngài biết từ lâu năm đã liên kết với người Bồ.4 Sau khi đã sốt sắng trao phó sự thành công trong việc này cho Thiên Chúa thì cha hết sức giữ bí mật sai một sứ giả và hứa trả công rất hậu, đem thư viết cho cha Gabriel de Mattos lúc này giữ chức vụ kinh lý Đàng Trong. Cha cho biết trong khắp xứ Đàng Ngoài người ta rất sẵn sàng nhận hạt giống Đức tin nếu được những thợ thông hiểu ngôn ngữ họ đến gieo và làm thửa ruộng đẹp đẽ, lại kèm theo những ý hướng tốt lành nhận thấy nơi chúa và những vị quan chức chính yếu trong xứ để công nhận hoạt động của chúng ta và thừa hành chức vụ tôn giáo của ta. Vì thiết tha với vinh quang Thiên Chúa và sự cứu rỗi biết bao linh hồn mà cha khẩn khoản sắp xếp cho công việc này một cha nào trong chúng ta đang ở trong trú sở truyền giáo Đàng Trong. Mà vì có khó khăn và nhất là có nguy cơ nếu thợ nào đi thẳng từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài bởi vì giữa hai chúa có sự chia rẽ và hai bên đang sửa soạn giao chiến sắp tới đây, nên cha nhắn người nào trong chúng ta được chọn làm việc này, thì nên rẽ về Macao phía Trung Quốc, rồi mới từ Macao tới Đàng Ngoài để tránh cho người Đàng Ngoài khỏi nghi ngờ về việc đến lãnh thổ họ.
Sứ giả đã may mắn cầm thư của cha Giulianô tới. Các bề trên chúng ta ở Đàng Trong, sau khi đọc đơn xin rất chính đáng thì nghĩ ngay đến tôi đã cư trú gần hai năm trong xứ và trong thời gian đó đã học hỏi chút ít về ngôn ngữ thông dụng. Thế là tôi chuẩn bị theo ý cha Julianô trở về Macao. Tôi rất may mắn đáp tàu về tới nơi sau có một ít ngày và theo dự định đã sắp đặt, tôi chờ có dịp để trẩy đi xứ Đàng Ngoài.
Thế nhưng mặc dầu đã tức thời được trở lại và gửi về với thứ trả lời cam đoan với cha Giulianô là chúng tôi theo ý cha thi hành lời bàn giải cha đã khôn ngoan đưa ra, sứ giả Đàng Ngoài khi về đã không cẩn thận làm cho cha Giulianô nóng lòng trông đợi và sợ hãi khổ sở. Chúng tôi còn cho rằng, chúa Đàng Ngoài biết sơ qua hoặc ít ra nghi ngờ về những thư gửi từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong, vì thấy ngài tỏ ra ngờ vực. Thế nhưng vì không muốn tuyệt giao với người Bồ mà ngài vừa sợ thế lực vừa muốn giao hảo, nên để phá tan mối lo sợ nghĩ ngợi về dự định tôn giáo của họ, ngài bằng lòng bắt họ thề là không có ý xấu phản lại bản thân và đất nước ngài.5 Thế là họ đã làm, cha Giulianô có mặt (để cho trong việc này không xảy ra điều gì trái lương tâm hay tôn giáo) và thề, nhân danh Thiên Chúa Chúa trời đất, Chúa sự sống và sự chết làm chứng mình không làm gì chống lại bản thân chúa Đàng Ngoài hay xứ Đàng Ngoài. Như vậy chúa an tâm. Nhưng người Bồ không hài lòng vì cuộc rắc rối trong phủ này mà họ phải hoãn ngày trở về Macao một thời gian và chỉ trẩy đi với cha Giulianô hai tháng sau khi tôi đã từ Đàng Trong tới Macao.
Chương 3: Những Người đem Phúc âm Tới đàng Ngoài Khởi Hành Và May Mắn Tới Nơi
Trong khi đó cha Anrê Palmier người Bồ, giữ chức kinh lý trong tám năm ở Ấn Độ đã từ Ấn Độ tới, để tiếp tục chức vụ này trong tỉnh dòng Nhật và phó tỉnh dòng Trung Quốc. Cha đem việc truyền giáo ở Đàng Ngoài ra bàn lại vì có mấy điều khó khăn mà ma quỷ thù ghét những việc lành đã gây nên để ngăn cản hay cấm đoán không cho thi hành. Bởi vì một đàng người Bồ tỏ vẻ e ngại chúa Đàng Ngoài nghi ngờ họ, cũng như e ngại ý xấu mà một quan ở trong phủ Đàng Ngoài có tín nhiệm đối với chúa đã tỏ ra chống đối quốc gia Bồ. Và đàng khác các thương gia thấy bị lỗ vốn nhiều nên làm cho người khác chán ngán và không tìm được thương gia nào muốn khởi hành đi một chuyến mới, nếu không hy vọng kiếm lời và cầm chắc lỗ vốn. Thêm vào đó, cha Giulianô cũng tỏ ra lạnh lùng không muốn trở lại xứ này. Mặc dầu cha công bố những điều kỳ diệu và mùa gặt thiêng liêng phong phú được chuẩn bị trong cánh đồng rộng lớn nhưng vì thấy mình không tinh thông ngôn ngữ nên dầu có ý muốn tốt nhưng vô hiệu. Do đó cha không tỏ ra nhiệt tình trở lại Đàng Ngoài nữa. Cha vẫn thiết tha với việc truyền giáo ở Nhật, nơi cha hy vọng lượm được nhiều kết quả hơn, bởi vì cha thông hiểu ngôn ngữ Nhật. Nhưng dự định mới mà Thiên Chúa quan phòng đã sắp xếp thì khác, đã không đem lại thành công như nhiệt tình của cha cho phép cha mong chờ. Bởi vì khởi hành từ hải cảng Macao để đi Nhật cùng bốn đồng sự, vừa đi một chút thì gặp cơn bão bất thần và hung bạo đánh gẫy lái tàu, bắt phải trở về bến. Thế là trong khi cha đợi ngày này qua ngày khác may ra có dịp trẩy đi Nhật thì Thiên Chúa cho cha một việc khác làm ở trên trời, để lãnh phần thưởng về những công lao và ý chí cao cả cha có sẵn để làm việc truyền giáo ở Nhật. Cũng như để thưởng những gì cha ân cần săn sóc để khởi sự và thành lập việc truyền giáo ở Đàng Ngoài nơi cha không có phương tiện vì không có thông thạo ngôn ngữ và không có thông ngôn (như cha mong muốn) để giảng và công bố Phúc âm cho những người có khả năng lãnh nhận, cha chỉ rửa tội được bốn trẻ nhỏ hấp hối. Đó là hoa đầu mùa của dân tộc trở lại đạo này, cha đã gửi về trời. Ở đây hẳn chúng khẩn nài Thiên Chúa cho dự định truyền giáo được thực hiện và cho phương tiện thành đạt vì vinh danh Người và việc cứu rỗi xứ Đàng Ngoài.
Thật vậy khi người ta gần như mất hết hy vọng thì có một người muốn khởi hành đi Đàng Ngoài. Số là có một người Bồ quen biết ở Macao, cao sang về đức hạnh và về cả đại lượng và tâm huyết tên là Gioan Pinto de Fonseca, ông chuẩn bị một chiếc tàu và chất đầy đủ những gì cần thiết cho một hành trình, ông không quên lương thực thiết yếu cho các cha dòng và để các cha có phương tiện đem Phúc âm tới xứ này. Ông khôn ngoan nghĩ đến ích lợi thiêng liêng hơn, cho dù có lỗ về của cải vật chất. Việc này làm cho cha Anrê Palmier vui mừng khôn tả. Cha liền cho tôi một đồng sự là cha Pierre Marquez người Bồ làm bề trên đoàn truyền giáo, một người có tuổi và có nhiều kinh nghiệm trong những đoàn truyền giáo Đông phương, tuy cha không biết tiếng nói ở xứ cha được gửi tới.
Vậy ngày 12 tháng 3 ngày lễ thánh Grêgôriô Cả chúng tôi khởi hành từ Macao và căng buồm theo chiều gió đưa chúng tôi đi qua kính chào mộ xưa kia chôn cất thánh Phanchicô Xavie ở đảo Tam Châu, rồi từ đó vào biển Hải Nam nổi tiếng về những trận bão thường xuyên hành hạ dữ dội các tàu biển, thế nhưng đối với chúng tôi thì lặng và lành nhờ các thiên thần hộ mệnh xứ Đàng Ngoài che chở, trong ba ngày chúng tôi đi theo bờ biển rộng lớn. Nhưng sau sáu hay bảy ngày thuận buồm xuôi gió và khi gần tới bến thì trời nổi mây đe dọa trên đầu chúng tôi. Đêm tới tàu chúng tôi bị một trận bão rất lớn, làm tàu lay chuyển rất hiểm nghèo và đồng thời trên không có sấm sét vạch thành những hình thù quái dị do ma quỷ gây nên làm cho thủy thủ rất sợ hãi. Mãi tới sáng ngày lễ thánh Giuse hiển vinh, trời trở nên quang đãng, hình quái dị tan và sóng hạ, chúng tôi khám phá ra một cửa biển người Đàng Ngoài gọi là Cửa Bạng. Chúng tôi muốn gọi là cửa thánh Giuse, vì chúng tôi may mắn được vào bến đúng ngày lễ kính Người và chúng tôi hy vọng Thiên Chúa để Ngài làm vị quan thày bảo hộ và làm cha nuôi giáo đoàn Đàng Ngoài mới khai sinh này. Viên hoa tiêu liền xuống một chiếc xuồng để thăm dò bến, khi thấy là tốt và có thể cập bến được thì chúng tôi dễ dàng đi xuống và cảm tạ Thiên Chúa đã dẫn chúng tôi may mắn tới nơi.
Chúng tôi vừa cập bến thì một số đông dân xứ này thấy chúng tôi đến gần liền lấy thuyền của làng lân cận đến mừng chúng tôi, chất vấn chúng tôi xem chúng tôi là những người nào, từ đâu mà tới và đem những hàng hóa mới lạ vào. Tôi làm thông ngôn cho tất cả đoàn thể, tôi đáp đây là một chiếc tàu người Bồ, những người khắp vùng Đông phương đều khá biết về giá trị võ khí và hàng hóa tinh xảo từ lâu vẫn đem tới xứ này và nhân dịp này họ tới bán cho người Đàng Ngoài một hạt trai quý mà không đắt để cho người nghèo khó nhất cũng có thể mua được miễn là có ý ngay lành. Thấy dân chúng tỏ ra muốn xem, thì tôi cho họ hiểu là hạt trai này không thể coi bằng con mắt thân thể nhưng bằng con mắt tinh thần biết phân biệt thật giả. Nói tóm lại, người ta đến giảng dạy đạo thật có giá hơn hết các hàng hóa của người Ấn Độ và một mình nó có thể mở đường tới cõi phúc đích thực và trường cửu.
Khi nghe nói về điều mà họ thường gọi là đạo theo ngôn ngữ các nho sĩ và Đàng theo ngôn ngữ bình dân có nghĩa là đường lối thì họ tò mò muốn tôi cho biết đạo thật và đàng thật mà chúng tôi định rao giảng. Sau đó tôi lấy đề tài thảo luận với họ về nguyên lý vạn vật, tôi quyết định công bố dưới danh hiệu Chúa Trời đất,6 vì không tìm được trong ngôn ngữ họ một tên riêng để chỉ Thượng đế, vì họ thường gọi là Phật hay Bụt với nghĩa nơi họ là một thần. Nhưng biết việc tôn thờ vị này không được trọng dụng nơi những người quyền quí và các nho gia trong nước, nên tôi tưởng không nên dùng danh hiệu ấy để xưng Thiên Chúa, nhưng tôi dùng danh hiệu mà thánh Phaolô tông đồ đã xưng khi giảng cho người thành Atênê đã dựng bàn thờ kính Thiên Chúa vô danh, Thiên Chúa mà theo như ngài, đã nói với họ: các người thờ mà chẳng biết, đó là Đức Chúa trời đất. Thế là dưới danh hiệu đầy uy nghi trong tâm trí lương dân, ngay ban đầu tôi rao giảng đạo thật trước hết và chính yếu nhất là thi hành nghĩa vụ chính đáng của ta đối với đức Chúa trời đất theo cách thức Người mạc khải cho ta. Giảng cho họ như thế, tôi tin là họ có đủ khả năng hiểu và hai người trong đám thính giả đã động lòng, sau mấy ngày được dạy dỗ đầy đủ hơn về những niềm tin của chúng ta và đã chịu phép rửa tội cùng cả gia đình. Người thứ nhất chúng tôi gọi là Giuse để dâng kính bạn thánh Đức Trinh Nữ mà ngày lễ Người là ngày chúng tôi cập bến, còn người thứ hai là Inhaxu vị tổ phụ dòng chúng tôi.
Chương 4: Nhiều Người Nhận đức Tin Trong Xóm Thánh Giuse Và Những Xóm Lân Cận
Đã qua đi mười lăm ngày trước khi chúa Đàng Ngoài nhận được tin chúng tôi tới lãnh thổ ngài. Trong những ngày này chúng tôi không ra khỏi cửa thánh Giuse và để tranh vô công rỗi nghề, thì chúng tôi đàm đạo với rất nhiều người ở xóm thánh Giuse cũng như trong những xóm lân cận. Thiên Chúa đã chiếu giọi những ánh sáng đầu tiên của ơn Người để kích động các tâm hồn. Cuộc chinh phục quan trọng đầu tiên để gây dựng đức tin đó là một thầy đồ dạy chữ hán cho thanh thiếu niên xóm này và dạy cả những giáo thuyết sai lầm tà giáo. Nhưng sau khi đã làm thầy và làm tiến sĩ dạy sai lầm thì thầy trở lại làm đồ đệ chân lý với tất cả gia quyến mà thầy lôi cuốn theo gương thầy. Chúng tôi đặt tên rửa tội cho ông là Phêrô và trao cho ông những bản kinh đạo Kitô viết trên giấy để ông dạy trẻ em trong lớp học của ông, 7 vào những ngày chủ nhật. Để thay thế ông trong công việc, chúng tôi còn cho con ông lấy tên rửa tội là Phaolô, một người rất có tinh thần và đã rất thông thạo chữ Hán.
Từ một xã khác đã đến trình diện chúng tôi một thầy phù thủy danh tiếng, trong nhà ông có dựng tới hai mươi nhăm bàn thờ thần phật, ông bị chúng hành hạ rất dữ dằn. Ông xin tôi cách để thoát nạn nô lệ khổ sở ông vô phúc đã dấn thân vào. Ông có nhiều ý tốt muốn từ bỏ sự tin theo dị đoan và tôn thờ những thù địch hung hãn của sự sống và phá đổ các bàn thờ ông dâng kính chúng. Nhưng ông sợ chúng hành hạ ông hơn sau khi làm chúng giận dữ. Chúng tôi khuyên can ông can tràng và cho ông chịu ơn phép thánh tẩy, cho tới khi ông phá đổ các bàn thờ vô đạo ông đã dựng. Rồi khi ông đã kính cẩn làm trọn mọi nhiệm vụ thì ồng được chịu phép rửa tội, được kể vào số những con cái Thiên Chúa và nhà ông được thoát khỏi ma quỷ hãm hại nhờ dấu thánh giá và rảy nước phép.
Cũng trong thôn này còn gặp một người thờ thần Phật, nhưng khi nhận thấy những giả trá và bịp bợm thì không những ông bỏ hết việc phục dịch trong đền mà vì lòng rất nhiệt thành đối với niềm thực hiện, ông được đặt làm thầy và dìu dắt giáo dân tân tòng. Từ đó ông chăm chỉ hội các người đó trong nhà ông vào ngày chủ nhật, để cùng nhau đọc kinh chung theo thể thức Kitô giáo, vì chưa được hạnh phúc dự thánh lễ và sử dụng thánh đường.
Lúc này là vào tuần thánh, trong thời gian chúng tôi đợi trả lời, thì chúng tôi bàn chung với người Bồ dựng cậy thánh giá trên đỉnh ngọn núi bên cạnh đó, từ ngoài xa khơi đều trông thấy, không những để tôn sùng và ghi nhớ sự thương khó Chúa cứu thế và làm gương cho giáo dân tân tòng biết kính trọng và tôn thờ dụng cụ thánh của ơn cứu rỗi, mà còn để nhờ vào thế lực dấu này xua đuổi ma quỷ từ lâu năm chiếm đoạt những lãnh thổ này và cứu người Đàng Ngoài thoát khỏi đô hộ tàn bạo của chúng. Thật vậy trong cửa biển này có một đền kính dâng người thiếu nữ Trung Hoa vô đạo bị chết đuối ngoài biển, như trên tôi đã nói, đền này chúng tôi không có quyền phá, chúng tôi chỉ tin rằng thánh giá bao quát cửa biển này sẽ dùng thế lực của mình mà xua đuổi ma quỷ được thờ ở đó. Thế là chúng tôi hạ một cây cao nhất trong rừng gần đó và làm thành cây thánh giá, rồi tất cả giáo dân cũ cũng như mới, vào ngày thứ sáu tuần thánh, chúng tôi vác lên vai đưa lên đỉnh cao nhất của quả núi này, sau những lời làm phép thông thường chúng tôi dựng lên như chiến tích vinh quang thắng mọi thế lực hỏa ngục và chúng tôi khiêm nhường và cung kính thờ lạy. Chúa Đàng Ngoài đã thấy thánh giá khi chúa đi qua cửa bến này để chuẩn bị chiến dịch chống Đàng Trong. Ngài hỏi xem có phải đó là dấu hiệu người Bồ đã dựng trên các bến và một người tháp tùng có thịnh tình với giáo dân đã trả lời là từ xa khi người ta thấy dấu hiệu này ở đâu thì đều bị thu hút tới đó. Chúa hài lòng vì cho rằng nhờ cách này mà tàu người Bồ bị thu hút tới hải cảng của ngài để thông thương buôn bán.8
Chương 5: Chúa Tiếp đón Chúng Tôi Và Người Bồ, Khi Ngài đi Giao Chiến Với đàng Trong
Trong khi chúng tôi ân cần dạy dỗ và chinh phục những thôn xã lân cận với bến chúng tôi đậu và chúng tôi đã rửa tội được ba mươi hai người là những hoa quả đầu mùa chúng tôi hái được ở Đàng Ngoài, thì có một sứ giả nhân danh chúa cho chúng tôi hay rằng vì chúa thân chinh xuất trận đánh Đàng Trong 9 nên chúa đợi chúng tôi trên quãng đường chúa đi.
Thế là chúng tôi từ biệt các giáo dân tân tòng và khuyên họ trung kiên giữ đức tin đã nhận được, rồi chúng tôi xuống một chiếc thuyền dành cho chúng tôi do viên hoạn quan được chúa sai đến để dẫn chúng tôi. Hai ngày sau chúng tôi vào một sông lớn rộng hơn mười dặm và chúng tôi được gặp chúa và đoàn thuyền chiến hùng mạnh của hải quân xếp hàng rất trật tự như tôi sẽ nói sau.
Trước thuyền của chúa, mở đầu là hơn trăm thuyền chiến rất trau chuốt, lóng lánh vàng, và tô những bức họa đẹp. Quân bình đều mặc nhung phục như chúng tôi đã phác họa ở trên, và mỗi người đều đội thứ mũ tròn màu tía với võ khí hợp thời đẹp và bóng loáng. Tất cả quân bình đều tỏ ra vừa trịnh trọng vừa làm cho người ta khiếp sợ. Điều làm cho hết các người trông thấy đều cảm phục và thực ra người ta đã để ý tới, đó là tất cả đoàn tàu đông đúc đó tiến, quay, dừng đều hòa, bằng nhau coi như chỉ có một cơ thể, chỉ có một sức chuyển làm lay động tất cả. Theo sau là đoàn tháp tùng chúa, gồm hai mươi bốn thuyền chiến, dài hơn các thuyền khác và tô điểm lộng lẫy hơn. Gỗ thị chạm trổ và sơn son thiếp vàng, chão buộc hay giữ buồm thì bằng tơ lụa đỏ sẫm. Chiếc thuyền rất đẹp chở chúa thì ở giữa các thuyền khác. Ngài tiếp chúng tôi rất nhân hậu và tỏ ra rất hài lòng thấy chúng tôi tới lãnh thổ ngài.
Người Bồ đi với chúng tôi dâng ngài những phẩm vật rất thích hợp và rất đúng lúc, nghĩa là những vũ khí đẹp và hoàn bị để bảo vệ bản thân ngài nếu ngài muốn sử dụng khi ra trận. 10 Còn chúng tôi, chúng tôi dâng chúa những phẩm vật thuộc tôn giáo rất khiêm tốn, chúa nhận mặc dầu nhỏ mọn và thưởng chúng tôi những đồ vật qúi. Ngài không có thời giờ để làm đạo lâu hơn, vì tất cả chí hướng đều qui về cuộc tấn công chúa sắp thi hành. Nhưng chúa truyền cho chúng tôi theo đạo binh trong chiếc thuyền đã đến đón chúa và chúng tôi có dịp thấy đoàn thủy quân cùng đoàn hậu quân cũng nhiều bằng đoàn hải quân mở đầu, không kể vô số thuyền nhỏ và một số lớn đàn bà sẽ để lại ở tỉnh Thanh Hóa sắp tới, để tránh xa tầm quân địch. Người ta đếm được năm trăm thuyền theo sau và chở lương thực cần thiết để nuôi thủy quân và lục quân đã tới trước theo bờ biển gần đó với ba trăm cỗ voi kéo súng. Chúng tôi có thể ước lượng đạo quân mỗi bên có tới gần hai trăm ngàn binh trực chiến. Chúng tôi ở trong đoàn quân theo chúa chừng tám ngày, trong thời gian đó, chúng tôi không thiếu dịp, nhất là khi đạo quân lên đất để giải khát, để đàm đạo với những người lại gần chúng tôi và cho họ biết đạo thật. Nhưng mặc dầu họ để ý tới lời tôi giảng, nhưng tâm trí họ dồn cả vào trận chiến và không tha thiết nghe theo. Một hôm chúa dừng lại cùng tất cả đạo binh ở một cánh đồng rộng lớn, gần một thôn gọi là An Vực để cúng tế khi thấy mỏm núi đá cao bên bờ sông lớn, giống như một kim tự tháp cao, trên đỉnh xây một đền thờ thần. Những cỗ voi mới đây từ nước Lào đánh về và chưa được luyện nên đi lộn xộn đẩy một tên lính xuống nước từ bờ sông rất cao. Tưởng là người đó chết và thật ra khi kéo lên khỏi nước thì không thấy dấu hiệu sống. Vì bác ái, chúng tôi chạy tới và sau khi cầu nguyện Thiên Chúa và cho uống một chút gì, thế là trong chốc lát chúng tôi cho hồi phục và lấy lại sức, rồi cầm khí giới trở lại đơn vị. Được tin này chúa rất khen sự cứu độ nhân ái của chúng tôi đối với người lính này, rồi ngài truyền cho chúng tôi chờ ngài ở tỉnh này cho tới khi chúa đi trận về. Chúa giao chúng tôi và người Bồ cho một hoạn quan trong phủ, một người chính đáng săn sóc chúng tôi và cắt lính gác để không ai làm gì phiền lụy đến chúng tôi. Viên quan này thừa hành rất tốt, ông còn sửa soạn cho chúng tôi một nơi ở khá rộng, bằng gỗ, theo kiểu nhà trong xứ này, nơi chúng tôi đặt một nhà nguyện và một bàn thờ với ảnh Chúa cứu thế.
Không phải là ngoài đề nếu chúng tôi thêm ở đây cái nguyên nhân tại sao chúa Đàng Ngoài lại tuyên chiến với chúa Đàng Trong. Số là khi chúa ông11 (như đã kể ở quyển nhất) chiếm đoạt những tỉnh Đàng Trong nơi anh rể phái đi làm quan trấn thủ và để giữ tình hòa hảo ông phải trả một thứ thuế. Từ đó ông tiếp tục nộp (ông cùng con ông là chúa Sãi kế nghiệp ông) cho chúa Đàng Ngoài họ hàng với ông, thế nhưng xảy ra việc chúa Sãi thông thương với người Bồ dám ra gan dạ và hiếu chiến, lại dựa vào tình thân thiện và giúp đỡ của mấy viên quan Đàng Ngoài có thế lực trong phủ chúa nên chúa Sãi nhất quyết không nộp thuế mà đức thân phụ đã buộc mình phải trả. Thế nhưng để không cắt đứt với họ hàng, chúa cho người đem phẩm vật là hai cái tráp chạm trổ rất đẹp dựng đầy những của lạ vật hiếm tuyệt diệu chúa lấy được của người Bồ hay mua lại của các thương gia Trung Quốc và Nhật Bản. Người đem đi đã rõ ràng được chỉ thị (sau khi chúc mừng chúa Đàng Ngoài nhân danh thân chủ mình) thì dâng một tráp lên chúa, còn tráp thứ hai thì dâng các hoàng tử trong phủ lúc đó cũng có mặt.
Việc này làm cho chúa giận vì chúa cho là khinh miệt phạm tới thế giá của chúa. (chúa phẫn nộ nói với sứ giả): thế là chủ ngươi dùng hai phẩm vật bằng nhau để tỏ ý công nhận hai chúa ở Đàng Ngoài và xử với ta bằng vai với thần dân ta phải không; ngươi hãy về đi trả tráp cho chủ ngươi và nhắn rằng ta không cần phẩm vật; còn về thuế phải nộp thì ta sẽ thân hành đi lấy lại các tỉnh của ta cùng với đạo binh ta. Đó là nguyên nhân cuộc chinh chiến của chúa Đàng Ngoài theo đuổi, khi chúng tôi tới lãnh thổ ngài, cuộc chiến đã được chuẩn bị từ hơn ba năm nay.
CHƯƠNG 6: RẤT ĐÔNG LƯƠNG DÂN TUỐN ĐẾN NGHE LỜI THIÊN CHÚA TRONG NHÀ THỜ ĐẦU TIÊN CỦA CHÚNG TÔI Ở ĐÀNG NGOÀI
Ngay khi chúng tôi có một nơi riêng để thừa hành chức vụ và giảng Phúc âm thánh, thì có rất nhiều thính giả tuốn đến và sau khi được dạy dỗ về đức tin thì họ chịu phép rửa tội. Trong số đó mấy vị sư mở đường làm gương cho dân chúng trở lại. Vị sãi chính yếu và kỳ cựu hơn cả được các đồng sự trong tỉnh cảm phục và tôn trọng như bề trên, cũng là người đầu tiên theo đức tin và Kitô giáo, tuổi đã tám mươi lăm và lấy tên rửa tội là Gioakim, một nhân vật có thế giá và đạo hạnh, đã thu hút được nhiều người khác thuộc cả hai giới. Trong những nhân đức của vị lão thành đáng kính này, đặc biệt tôi nhận thấy một nguyện vọng hăng say học hỏi những gì cần cho sự cứu rỗi. Ông thu xếp ở với chúng tôi luôn để học biết sâu rộng hơn về các chân lý đạo Kitô và những mầu nhiệm đức tin. Một ngày kia sau bữa tối, tôi nhờ một cậu bé viết mấy kinh công giáo12 cho giáo dân tân tòng mà không nhờ tới vị lão thành, vì tôi tưởng là tôi tôn trọng thời giờ ông dành để nghỉ ngơi. Khi biết việc này thì ông khiển trách tôi nặng lời vì tôi đã nhờ một người khác chứ không nhờ ông là bậc tôn sư và tiến sĩ của sai lầm. Theo lẽ phải, trong việc tôi muốn tìm người giúp tôi để giảng dạy chân lý thì tôi phải dùng ông hơn người nào khác. Tôi khen lòng nhiệt thành của ông và hứa sẽ dùng ông khi có dịp và xét ra có ích. Vì thực ra ông tinh thông chữ Hán hơn những người khác nên ông viết đúng hơn và nhanh hơn những điều tôi đọc cho ông biết. Không những ông chỉ làm việc này giúp ích cho giáo đoàn mới của xứ sở ông, nhưng còn nhận thấy nơi chúng tôi dâng thánh lễ và giảng dạy lời Chúa thì quá chật hẹp đối với số người hội họp tới nghe. Ông liền dâng một thửa ruộng cạnh đấy thuộc về ông để dựng một nhà thờ rộng hơn, nhà thờ làm bằng gỗ như lối bản xứ do lòng sốt sắng của giáo dân tân tòng và trang trí do hảo tâm của người Bồ. Chúng tôi làm phép trọng thể ngày mồng 3 tháng 5, ngày tìm thấy thánh giá.
Đồng thời xảy ra một vụ một quân binh của chúa ngã bệnh nặng ở thôn chúng tôi đang ở gọi là No. Mấy giáo dân cho chúng tôi biết, thế là chúng tôi đến thăm và trong câu chuyện chúng tôi gợi nên những tâm tình tin tưởng chân thật làm cho anh xin chịu phép rửa tội. Anh đã sốt sắng chịu trước khi nhắm mắt mấy hôm. Ở đây chúng tôi nhận thấy có những dấu hiệu lớn về Thiên Chúa tiền định. Chúng tôi làm đám tang hết sức linh đình và trọng thể, có tất cả người Bồ chỉnh tề tham dự cùng các giáo dân tân tòng. Việc này chúng tôi làm công khai cho rất đông lương dân trông thấy, không những họ cảm phục về bác ái người giáo dân mà còn xúc động về tinh thần của đạo ta.
Người em gái của chúa lúc đó cũng ở trong thôn này. Bà biết sự thể xảy ra và cho mời chúng tôi đến để chúng tôi cho bà biết về niềm tin của chúng tôi. Thế là trong thời gian tôi đàm đạo với bà trước mặt hai trăm quân binh thị vệ của bà. Ít lâu nay bà mất chồng là một vị quan trọng yếu trong phủ chúa, bà quá thương xót và bà mê mải muốn dùng quyền thế của mình để tìm cách giúp ông trong cõi đời sau ông vừa tới. Thế là bà đặt câu hỏi thứ nhất: các ông thấy người quân binh vừa mất có công trạng gì mà được an táng thân thương đến thế? Chúng tôi đáp không phải vì công trạng nhưng vì lòng nhân hậu và thương xót của Thiên Chúa mà anh nhận được ơn tin theo Đức Kitô trước khi chết và nhờ ơn đó anh có bảo đảm một cuộc sống đời đời hạnh phúc ở đời sau. Bà bỡ ngỡ về câu trả lời và vì bà dồn hết tâm trí và thương yêu vào việc cứu giúp chồng bà hơn vào sự cứu rỗi, nên bà khóc lóc đặt câu hỏi thứ hai, xem chúng tôi có cách nào hiệu lực giúp người chồng quá cố? Chúng tôi theo lời Sách thánh mà đáp lại rằng cây ngả bên nào, Nam hay Bắc, thì cứ nằm đó không chỗi dậy được. Còn chúng tôi, chúng tôi không được Chúa trời đất sai đi giảng Phúc âm cho người chết, nhưng cho người sống, vì thế chúng tôi bất lực không sao cứu được những người đã chết trong vô đạo. Nghe lời này bà hết sức buồn khổ khóc lóc vì tình trạng bất hạnh chúng tôi nói về chồng bà đã chết mà chúng tôi không làm gì được, cũng không sao cứu linh hồn ông được. Nhưng có mấy bà trong phủ nhận ngay lấy cơ hội tốt và quyết định ngay khi còn sống phải sắm cho mình việc tốt lành chúng tôi rao giảng. Một bà thầm nghĩ, vì sau đó bà kể cho tôi biết, nếu những người ngoại quốc này muốn bợ đỡ bà em của chúa trong khi bà âu sầu và cho bà tin rằng họ có cách giúp đỡ hồn chồng bà trong đời sau, thì chắc chắn họ sẽ được lòng bà và sự tin cậy của bà và sẽ được tất cả những gì họ muốn. Nhưng vì họ ít quí trọng sự che chở của bà và những ích lợi họ có thể nhận được từ nơi bà trong cơ hội này, thì phải tin đạo họ giảng là thật và phải tin theo để được sự tốt lành đã hứa. Đó là lý luận khôn ngoan của bà này. Thế là bà quyết định trở thành giáo dân và chịu phép rửa tội cùng mấy người khác bà lôi cuốn được bằng gương sáng và lời thuyết phục của bà. Tên bà là Monica. Còn bà em gái chúa tuy sao nhãng việc cứu rỗi, nhưng để cho mẹ chồng đã có tuổi và rất đau yếu theo đạo. Bà cho mời chúng tôi tới để dạy đạo và làm phép rửa tội, lấy tên là Anna. Bà còn sống được ít lâu sau khi trở lại đạo, rồi trở về trời, như chúng tôi hy vọng, hưởng đời tốt lành hơn, hạnh phúc hơn.
CHƯƠNG 7: Ở NHỮNG THÔN LÂN CẬN VỚI TRỤ SỞ ĐẦU TIÊN CỦA CHÚNG TÔI CÓ MẤY LƯƠNG DÂN TRỞ LẠI
Từ nơi chúng tôi làm trụ sở thứ nhất, việc rao giảng Phúc âm được truyền bá tới vùng lân cận và các thôn xã gần đó cũng bắt đầu trở lại. Một trong các viên quan chính yếu của tỉnh này đã mời chúng tôi đến nhà nhân ngày lễ lớn ông ăn mừng cùng rất đông người, thế là chúng tôi được dịp đàm đạo sâu rộng hơn trước mặt một đám hội lớn về những mầu nhiệm chính yếu của đức tin. Buổi đàm đạo này chẳng làm ích gì cho ông bởi vì ông quá mê của cải, nhưng nhiều người khác được dịp nhận chân lý đức tin mà tới nay họ không biết. Trong số này có một ông sãi rất danh tiếng trong vùng, ông giữ chức quản trị ngôi đền xây trên đỉnh núi hình kim tự tháp chúng tôi đã nói ở trên. Ông cũng được mọi người trong cả nước kính trọng về nhân đức và thánh thiện, chúa đi đánh Đàng Trong cũng nhờ ông cúng lễ. Nhưng ngay khi nhận biết đạo sai lầm của ông và sự thật đạo ta thì ông bỏ những dụng cụ mê tín ma quái và chịu phép thánh tẩy lấy tên là Gioan, vợ thì gọi là Anna và tất cả gia quyến. Ông đã cho biến nhà ông thành một nhà nguyện và một đền thánh. Đa số dân xã An Vực trước kia theo giáo phái dị đoan ông giảng dạy, nay xúc động về gương sáng và lời khuyên giải của ông, đã xin chịu phép rửa tội sau ông. Thế là giáo dân Kitô trở lại thêm đông số. Anna vợ ông cũng không kém chồng về nhân đức và nhiệt thành làm tiến triển việc Thiên Chúa, bà hăng hái hoạt động với họ hàng và bạn hữu một cách chuyên cần và kiên trì đến nỗi khi chồng bà còn sống và sau khi mất, bà thu phục được mọi người nhận biết đức tin, sự tốt lành bà đã nhận được thì bà cũng muốn cho mọi người cùng hưởng.
Ở một thôn bên kia sông gọi là Van Nô có một bà lão xưa kia thờ mê tín, nhưng từ khi nhận đức tin với phép rửa tội thì hết sức nhiệt thành chinh phục mọi đồng hương. Bà đã sửa soạn được một số đông tin theo đạo thật, nhờ lời đầy lửa nóng cũng như nhờ những việc bác ái mà bà đạo đức Lina (người ta gọi bà như vậy) không ngừng thi thố. Bà chỉ buồn phiền vì ông chồng phản đối không nhận ơn thánh và lời mời Phúc âm, ông vẫn dấn thân ở cái tuổi gần đất xa trời vào những dục vọng điên dại và bê tha không sao cởi bỏ được. Nhưng những lời Lina cầu xin tha thiết cho chồng trở lại và sự kiên trì khuyên dụ ông theo sự lành, cuối cùng làm mềm được lòng cứng rắn của ông để nhận ơn đức Thánh Linh, sau khi ông bỏ vợ bé làm cho ông nô lệ tội lỗi thì ông được chịu phép thánh tẩy và lấy tên là Giuse và với ông có tất cả những con cái của bà vợ mọn ông giữ lại trong nhà. Và hai ông bà già này chuyên chú làm các việc bác ái và biến nhà mình thành một nhà nguyện thờ kính cho giáo dân tới, lại còn hăm hở làm các việc nghĩa, thêm vào việc nhà thờ (giáo dân tân tòng đã dựng ở đây) lại có một nhà thương cho người nghèo,13trong đó hai ông bà thi thố các việc bác ái rất đáng khen.
Không xa nhà thờ chúng tôi, có một bệnh xá cho một số người cùi. Chúng tôi đã đi thăm và không mất nhiều khó nhọc để thuyết phục họ nhận chân lý đức tin và sửa soạn chịu phép rửa tội (theo tình trạng) chúng tôi cho họ biết nếu đời này họ chịu một cuộc sống đau buồn và đầy thống khổ thì họ có thể một ngày kia được một đời sống khác hạnh phúc hơn, đầy những điều lành và vui sướng. Người chính yếu trong họ gọi là Simon và khá thông thạo chữ hán, nên đã viết các kinh và mười điều răn chúng tôi đọc cho. 14 để ông học và dạy cho người khác và ông mẫn cán thi hành. Vì bệnh tật hôi thối và sống xa biệt với người khác, nên họ đã dựng trong hàng rào họ ở một nhà nguyện để hội nhau mỗi chủ nhật để đọc kinh trước ảnh chúng tôi cho họ.
Chương 8: Các Thầy Sãi Hay Chư Tăng Phản đối Chúng Tôi
Trong một thời gian ngắn đức tin Kitô giáo đã tiến triển khả quan làm cho ma quỷ điên rồ chống đối chúng tôi. Không tự mình làm được thì chúng dùng các thầy sãi, nghĩa là chư tăng và đồ đệ tay sai để làm hại ch&ua ute;ng tôi. Họ bực mình thấy đạo họ bị nhiều người chính yếu bỏ rơi, ngay cả mấy vị sư danh tiếng trong giáo phái cũng đi theo phía chúng tôi. Thế là bực tức, có một ngày kia, họ hội nhau và kéo đoàn lũ đến phản đối chúng tôi và khiêu khích muốn tranh luận với chúng tôi về vấn đề tôn giáo. Chúng tôi sẵn lòng nhận điều họ yêu cầu. Và vì đa số người bao vây chúng tôi (cả lương dân) muốn chúng tôi mở đầu cuộc tranh luận bằng việc trình bày một vài điều thuộc đức tin và nhất là về nguyên lý tiên khởi và tác tạo vạn vật, còn họ trái lại họ đòi bắt đầu cuộc tranh luận (chúng tôi đã được báo tin) bằng việc đọc một tờ giấy đầy những lời xúc phạm và phỉ báng đạo Kitô. Chúng tôi nói là chúng tôi không ngăn cản để họ nói trước và để họ đọc tờ giấy của họ, miễn là làm việc này ở ngoài nhà chúng tôi vì nếu ở đây chúng tôi chịu những lời phạm thượng thì chúng tôi sợ Thiên Chúa chúng tôi thờ sẽ oán phạt họ và trừng phạt chúng tôi. Chúng tôi cũng muốn phá ý xấu của họ nên chúng tôi lịch sự xin họ cho biết người soạn bản viết họ muốn công bố đó, để căn cứ vào giá trị của chữ viết mà biết thế giá của người biên soạn. Nhưng họ ngoan cố không chịu công bố. Thế là trước mặt mọi người chúng tôi mở Kinh Thánh chứa đựng những điều Thiên Chúa mạc khải cho chúng tôi và lớn tiếng đọc mấy lời đầu tiếng bằng tiếng atinh trong sách Sáng thế: từ nguyên thủy Thiên Chúa dựng trời dựng đất. Mọi người đều khen cuốn sách đóng rất gọn và chữ rất rõ (tuy nhỏ). Họ khẩn khoản chúng tôi cắt nghĩa bằng tiếng họ lời chúng tôi vừa đọc. Thế là các sư sãi kêu la để làm rối cuộc và lại yêu cầu để cho họ đọc tờ giấy của họ. Không được như lời mong muốn, họ giận dữ lăng mạ chửi bới chúng tôi và chắc là họ có thể dùng võ lực nếu không có một viên hoạn quan trong phủ chúa tình cờ đến (một người có quyền thế) và dẹp tắt cơn điên rồ của họ. Trước mặt viên hoạn quan này họ không còn dám động đậy nữa và chúng tôi được tự do giải nghĩa (như chúng tôi đã làm) những lời sách Sáng thế, trong khi đó các thầy sãi rút lui oán thù và đe dọa tai họa đổ xuống trên những kẻ tin theo giáo lý chúng tôi giảng. Nhưng điều này không làm cho mấy người, kể cả đồ đệ của họ, đứng vào phe chúng tôi và từ bỏ dị đoan.
Gần trụ sở chúng tôi có một công trường, mỗi sáng có nhiều người tới đó, cũng là nơi chúng tôi phải đi qua. Thấy có dịp gặp những kẻ vô công rỗi nghề tụ họp nhau, thì thỉnh thoáng chúng tôi giảng về đời sau và về phần thưởng đời đời hay hình phạt, thưởng công hay phạt vạ tội loài người. Và vì lời Thiên Chúa là hạt giống làm sinh sôi nảy nở nên không bao giờ không sinh trái, bao giờ cũng được đón nhận và sinh ích trong một số người lòng thành. Một hôm có một thanh niên có tinh thần tốt lành và thông thạo chữ hán, cảm xúc về bài giảng, đã theo chúng tôi về tận nhà để được dạy dỗ sâu rộng hơn vvà đã dễ dàng tin chân lý Kitô giáo, tuy trước đây rất sùng dị đoan. Anh đã nhất quyết bỏ để tin Đức Kitô. Anh còn tỏ ý muốn nhiệt thành từ đây sống với chúng tôi và theo chúng tôi đi dạy dỗ và chinh phục những người khác. Việc này anh không thể làm được vì anh còn ở trong bậc vợ chồng và không thể bỏ gia đình được. Nhưng anh bằng nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi trong những việc anh có thể làm được. Một người khác tên là Simon, sau khi trở lại, cũng muốn theo chúng tôi và chúng tôi phải vất vả đuổi anh ra khỏi nhà chúng tôi để lui về với vợ con anh. Sau đó anh đem cả gia đình đến xin nhận đức tin. Cuối cùng trong những thính giả đó có một người đã luống tuổi ở một thôn bên cạnh gọi là Hai An, khi nghe giảng rồi thì tin theo Thiên Chúa và được vào sổ các giáo dân bởi phép rửa tội. Ông có lòng nhiệt thành làm cho người khác được ơn ông đã được. Sau khi cho gia nhân của ông nhận biết chân lý thì ông đem lòng nhiệt thành tới hết các người trong thôn xóm, ông vừa làm thày giảng vừa làm cha giảng và làm tông đồ trong thôn xã của ông. Khi biết có một bà sang trọng bị ma quỷ hành hạ, thì ông đến thuyết phục bà trở lại đạo nếu bà muốn thoát khỏi địch thù hung hãn làm cho bà mất an nghỉ. Bà bằng lòng và với phép rửa tội, bà nhận được hiệu quả đã hứa là thoát ách ma quỷ hành hạ. Tất cả gia quyến bà đều theo bà chịu phép thánh tẩy và trở thành Kitô hữu. Chúng tôi được mời tới làm phép nhà. Ma quỷ thì chịu rút lui, nhường chỗ cho ảnh đức Trinh Nữ chúng tôi đem tới: Người tới chiếm đoạt vậy.
Chương 9: Chúa đàng Ngoài đi đánh đàng Trong Trở Về
Đã qua đi hai tháng, kể từ khi chúa Đàng Ngoài đi giao chiến với Đàng Trong để chúng tôi ở lại trong tỉnh Thanh Hóa. Ở đây chúng tôi đã chinh phục được hai trăm giáo dân, một đoàn nhỏ mọn, nhưng đầy nhiệt huyết và tinh thần ơn thánh và ma quỉ phải sợ hãi. Khi chúa thấy khó xâm nhập được nước chúa tấn hơn lúc ban đầu chúa tưởng và để khỏi tan vỡ đạo binh vì lương thực bắt đầu thiếu và cũng để tránh cảnh hỗn độn quần hồi vô phèng, nếu chúa còn ngoan cố vào cho kỳ được nơi địch rất can đảm chống giữ; hơn nữa chúa còn sợ có nội loạn trong hàng ngũ quân nhân15 trong đó chúa Đàng Trong có nhiều thân thuộc quyền thế và bạn hữu, thế là chúa quyết định bỏ cuộc tiến quân và rút lui toàn đạo binh, lục quân cũng như thủy quân. Lúc này không thiếu người báo tin cho chúng tôi, cho chúng tôi nghĩ rằng chúa Đàng Ngoài rất giận chúng tôi, vì người Bồ đã cung cấp võ khí cho chúa Đàng Trong chống lại chúa. Điều này không đúng, tuy ban đầu có tin đồn như vậy, do mưu kế người Đàng Trong dùng, họ đặt trên đỉnh núi ở biên giới một số rất đông hình nộm mặc theo người Bồ, cầm gậy và nhằm súng đe dọa người Đàng Ngoài không cho họ đến gần, thực ra chỉ là mưu kế vô tội dọa cho sợ mà thôi.
Nhưng người Đàng Trong còn khéo dùng một mưu mô tinh quái khác tác hại rất nhiều cho đạo binh chúa Đàng Ngoài. Đó là trong bến thứ nhất gọi là Cửa Sài, nơi các thuyền chiến Đàng Ngoài phải chấn giữ để cho quân kéo xuống, đây là cửa một sông lớn đoàn hải quân phải vào, chúa Đàng Trong giấu dưới nước nhiều dây chão lớn căng ngang mặt nước với những cọc nhọn và mũi sắc mục đích là để ngăn cản thuyền chiến không cho tiến gần. Thế là đã xảy ra như đã trù tính, vì một phần đoàn tàu dễ dàng vào bến, nhưng khi muốn tấn công thuyền địch đậu ở cửa sông để ngăn chặn quân Đàng Ngoài đi xuống thì bị cạm bằng dây chão đã căng làm lật đổ một số và cọc nhọn làm bị thương và sát hại gần hết binh sĩ ngã xuống nước, đến nỗi chết mất chừng ba nghìn ở lối vào bến. Tuy thế vẫn không ngăn nỗi một số thuyền vượt qua và một phần đạo quân đổ bộ và giao chiến. Nhưng một phần vì chúa Đàng Ngoài sợ cạm bẫy mới nào khác hoặc vì thiếu lương thực cho đạo quân, nếu chúa ngoan cố, thế là ngài cho rút quân về.16
Vậy là chúa trở về, còn chúng tôi tuy bâng khuâng không biết tâm trí thế nào đối với chúng tôi và với thương gia người Bồ, chúng tôi nhất định ra đón ngài và tỏ ra vui mừng vì bản thân ngài được an toàn. Thế là chúng tôi còn giữ trong các đồ đạc lặt vặt của chúng tôi một sách hình cầu 17Euclide mà một cha ở bên Tàu đã dịch ra chữ Tàu và có trang trí nhiều hình toán học rất đẹp, chúng tôi liền lấy ra đem dâng chúa sau khi bái chào ngài. Mặt ngài hớn hở và tỏ ra rất hài lòng nhận phẩm vật, ngài ra lệnh cho chúng tôi ngồi bên ngài để nói chuyện với ngài và cắt nghĩa về cuốn sách. Chúng tôi khởi công làm việc ngay, nhưng đêm tới và cũng đã khá khuya chúng tôi vẫn đàm đạo về bầu trời bao la và vận chuyển điều hòa các tầng trời. Chúa rất chú ý nghe và rất thỏa thích. Tuy ngài mệt vì cuộc hành trình và bể động nhưng vẫn còn muốn cho chúng tôi tiếp tục nói. Ngài lịch sự (đây là một nét tỏ ra tính tình rất nhân hậu của ngài) xin chúng tôi cho phép ngài được nằm nghỉ trên giường và điều này không ngăn cản ngài chú ý tới những gì chúng tôi nói. Chúng tôi cám ơn về mối thịnh tình. Thấy ngài nằm nghỉ và sẵn sàng nghe chúng tôi, chúng tôi tiếp tục giảng giải về vận chuyển các tinh tú, từ đó mới dễ dàng chuyển qua về Người Thợ toàn năng đã làm tất cả cơ giới này và về triều đình nơi Người đặt những khối lớn lao đó để làm sáng tỏ vinh quang Người, nơi Người cho tất cả triều thần được hạnh phúc và vinh hiển muôn đời. Người đón về đó sau khi đã trung thành phụng sự Người ở đời này. Buổi đàm đạo này dài gần hai tiếng đồng hồ và đã quá khuya, thế mà chúa cùng các quan không tỏ dấu chán nản, khi chúng tôi xin phép chúa ngừng để khỏi làm phiền đến ngài. Thế là chúng tôi tạm biệt ngài. Ngài cho quân binh theo chúng tôi cùng cho nhiều phẩm vật và tiền bạc. Chúng tôi an tâm, không những chúa không giận mà còn ưu đãi và quí mến chúng tôi. Chúng tôi cảm tạ Thiên Chúa, coi như một việc quan trọng không hy vọng mà đã xảy đến với chúng tôi .
Chúng tôi còn vững dạ hơn trong suy nghĩ lo toan của chúng tôi vì lời Thiên Chúa không trở về vô hiệu với kẻ rao giảng vì mục đích lành thánh. Tuy không ảnh hưởng gì mấy tới tâm trí chúa vì chúa chưa được ơn Đức Thánh Linh sửa soạn trước, nhưng viên tướng lãnh đội thị vệ đã bị xúc động cách rất rõ ràng và rất mạnh mẽ, vì sau đó ít lâu ông đến tìm chúng tôi xin được học các chân lý đức tin và chịu phép rửa tội. Chúng tôi đã rửa tội cho ông và cả gia đình theo gương ông và những tâm tình của một thủ lãnh.
Chương 10: Chúa đàng Ngoài Nhất định đưa Chúng Tôi Về Phủ để ở Với Ngài
Chúng tôi được chúa trân trọng và thịnh tình tiếp đón, đến nỗi chúng tôi được tự do lại gần bản thân ngài. Nhưng trong phủ chúa, trong số những người quí mến chúng tôi, chúng tôi chưa tìm được ai nhận lời hoặc dám xin chúa cho chúng tôi một việc rất quan trọng đối với chúng tôi, đó là được ở lại trong nước ngài khi tàu người Bồ trở về Macao. Khi chúng tôi còn đang áy náy và khẩn khoản phó thác việc đó nơi Thiên Chúa vào ngày vọng lễ thánh Gioan Tẩy giả,18 tôi được hân hạnh đến chầu ngài, rồi ngài đem đồng hồ có bánh xe và đồng hồ cát tôi đã dâng ngài trước đây khi ngài vào Đàng Trong. Ngài hỏi chúng tôi xem dùng đồng hồ thế nào, vì chưa bao giờ ngài thấy và không còn nhớ những điều chúng tôi đã nói về cách sử dụng. Tôi liền vặn cho đồng hồ đánh đúng giờ đã định, rồi chúng tôi xoay trở đồng hồ cát và nói với chúa rằng khi cát trong ngăn trên rơi hết xuống ngăn dưới thì chuông đồng hồ đánh một giờ khác. Chúa rất chú ý và muốn đợi cho đánh giờ, ngài còn đặt vào tay chúng tôi cuốn sách chữ hán chúng tôi đã dâng ngài mấy hôm trước để cắt nghĩa cho ngài một vài điều. Chúng tôi tuân theo và trong khi cắt nghĩa thì cát đã rơi xuống hết, chúa vẫn để ý và chờ. Ngài nói: kìa, cát đã rơi hết, nhưng đồng hồ chưa đánh. Vừa nói xong thì đồng hồ đánh giờ, chúa rất bỡ ngỡ và rất vui mừng không thể cầm giữ được. Thế rồi đồng thời có một tiến sĩ chính yếu trong nước, được chúa rất quí trọng, tiến đến. Chúa cho ngồi bên chúa. Chúa liền khoe và rất khen chiếc đồng hồ cũng như sách toán học. Vị tiến sĩ rất thích. Nhưng khi rút lui thì thưa với chúa rằng: thưa chúa, về nghệ thuật chiếc đồng hồ thì thật là đáng khen và xứng với sự hám của lạ của một vị chúa, nhưng về cuốn sách thì đức Khổng của chúng ta là đủ cả cho nước Annam chúng ta không cần sách nào khác, nói rồi ông bái chào và đi ra.19
Nhưng chúa tỏ thịnh tình và quí mến chúng tôi, (Thiên Chúa đã an bài như thế) nhờ những phẩm vật nhỏ mọn đó mà chúa biệt đãi chúng tôi, thêm vào mối lợi nhờ có người Bồ đến buôn bán trong nước, nên ngài muốn giữ chúng tôi ở lại, nếu chúng tôi nhận. Thế là chúa quay về phía chúng tôi và thân thiện nói tương tự như sau: Tàu người Bồ đã đưa các người tới, lại sắp sửa trở lại nơi cũ, còn phần các người, các người sẽ làm vui lòng ta và ta yêu cầu các người ở lại với ta một người hay cả hai người cũng được, để đàm đạo với ta về nhiều việc. Tôi liền kính cẩn thưa là chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng vâng lời chúa, nếu chúa truyền và nếu chúa hài lòng về việc phục dịch của chúng tôi trong nước ngài thì không phải một hay hai năm mà thôi, nhưng suốt đời chúng tôi. Rồi chúa hỏi xem chúng tôi muốn ở lại cả hai hay chỉ một mình tôi là người biết tiếng bản xứ? Tôi đáp là không nên chia rẽ hai chúng tôi và nhất là đối với tôi còn trẻ, tôi được người bạn đồng sự mà tôi coi như cha, vậy nếu ngài đoái thương tới thì cả hai chúng tôi đều ở lại phụng sự ngài. Chúa rất bằng lòng và thêm rằng, chúa thấy không nên để tôi ở lại một mình và không có bạn đồng sự trong một xứ ngoại quốc và không quen biết. Sau khi cảm tạ chúa, chúng tôi vui mừng trở về nhà chúng tôi để sửa soạn tiếp tục hành trình với chúa. Chúng tôi nhận thấy ở việc này có sự quan phòng của Thiên Chúa, Người đã gợi ý cho chúa giữ chúng tôi lại mà không cần nhờ đến ai khác trong phủ để làm đơn xin, điều này có thể làm cho chúa nghi ngờ. Còn giáo dân tân tòng thì rất hớn hở thấy chúa ưu đãi và quí mến chúng tôi. Chúng tôi dặn dò họ hãy quí trọng sứ mệnh của mình và kiên trì giữ đức tin nhận được bởi ơn riêng Thiên Chúa ban. Chúng tôi tạm biệt họ và lên buồm khi chúa trẩy đi cùng cả đạo binh.
Chương 11: Những điều Xảy đến Trong Cuộc Hành Trình Theo Chúa
Tất cả hành trình và con đường chúng tôi đi theo chúa về kinh thành, kể từ lúc rời bỏ tỉnh Thanh Hóa, đó là không qua đường biển mà qua đường các sông lớn chảy khắp xứ và thông với nhau rất thuận tiện, nên có thể từ sông này qua sông kia rất dễ dàng. Một hôm có tổ chức một buổi ca hát rất hay trong thuyền để mua vui cho chúa. Chúa phái người đưa một chiếc thuyền nhỏ sơn son thiếp vàng đến đón và đưa chúng tôi tới thuyền ngài, nơi ngài muốn cho chúng tôi dự buổi ca hát. Chúng tôi trịnh trọng đi theo và thấy chúa ham thích cách tiêu khiển tao nhã này. Chúa cho chúng tôi hân hạnh ngồi cạnh chúa và hỏi chúng tôi người ta đàn hát thế nào. Chúng tôi cắt nghĩa cho chúa biết qua, thế nhưng tôi rất khen (cho phải phép) ca nhạc của chúa.20 Khi tôi nói thì chúa để ý tới cỗ tràng hạt Đức Trinh Nữ buộc ở thắt lưng tôi. Chúa liền xin và khi nhận được thì chúa để vào cổ một đưa cháu gái đã ba năm đau bệnh ngồi trên lòng chúa và chúa vuốt ve (chúa chỉ cách dùng trong đạo ta) tưởng rằng đứa bé sẽ được lành bệnh nếu mó vào tràng hạt và được hồi phục sức khỏe thân xác mà không nghĩ đến sức khỏe linh hồn. Thế nhưng tôi suy nghĩ và đề cập tới liều thuốc phép thánh tẩy hiệu nghiệm hơn: tôi thấy nên hoãn lại cho tới khi về tới phủ chúa.
Thế nhưng (thật là thế sự đổi thay) khi chúa vui thích nghe ca hát, chỉ nghĩ đến thưởng thức thì có một sứ giả đến báo tin, nghịch thần chúa Canh thấy Đàng Ngoài cùng triều đình đang còn ở trong rừng núi, và thừa lúc vắng chúa vì bận việc chiến tranh nơi xa, liền kéo quân xuống miền đồng bằng và đổ vào các sông với hai trăm chiếc thuyền, để đánh phá trong nước và cướp bóc như thường lệ. Thế là chúa rất xúc động, ngài liền truyền cho tất cả đạo quân tiến đánh tên địch thù của nước chúa và sự an bình của toàn dân. Khi tên ngụy biết thì vội vã chuẩn bị trốn về miền rừng núi: thế nhưng muộn quá rồi. Chúa Đàng Ngoài cho một số rất lớn các thuyền chiến đi nhanh hơn thuyền của chúng rượt theo. Thấy quân chúa tới gần, ngụy quân không nghinh chiến nổi và cũng không cầm cự hết sức được, liền cho toàn quân bỏ thuyền và lẩn trốn trong đêm tối, vội vã rút lui qua cánh đồng, bỏ lại tất cả thuyền trống rỗng cho quân rượt theo. Thật là một thiệt hại lớn. Đạo binh chúa Đàng Ngoài, vào ban sáng, không thấy đoàn tàu ngụy chống cự, tất cả quân sĩ đã bỏ thuyền, thế là chúa cho lệnh lên bộ và hết sức lùng bắt. Nhưng vì chúng đã được cái lợi lớn là đi suốt đêm nên chỉ bắt được chừng năm mươi tên, chúa truyền chém đầu tất cả ở nhiều nơi khác nhau.
Phần tôi, thấy những người cùng khổ này bị điệu đi xử tử và không thể phân chia tôi cho mọi người để giúp họ chết lành, tôi đã theo một người và chạy lại gần hắn, tôi còn thời giờ giảng về những mầu nhiệm rất cốt yếu của đức tin và chuẩn bị cho hắn chịu phép rửa tội. Hắn vui lòng nhận. Tôi nhìn xem nơi nào có nước để làm phép rửa, nhưng chung quanh tôi không có. Tôi sợ quân lính hành hình trong khi tôi xuống sông lấy nước. Trong khi áy náy, tôi tiến lên mấy bước thì thấy có nước trong một hố đất vì đêm qua đã mưa. Tôi cho là không phải mưa để tưới đất mà là để cứu người cùng khổ này. Tôi lấy lòng bàn tay múc đủ để rửa tội và tôi đã rửa cho hắn đặt tên là Phêrô21 vì hôm đó là ngày lễ thánh Phêrô. Vừa làm xong nghi lễ thì tên lính đã chém một nhát gươm, hắn ngã xuống, hồn được sạch bởi ơn phép bí tích, lên trời (tôi tin vậy). Tôi chạy lại kiếm những người khác, hy vọng có thể cứu giúp họ, nhưng tôi chỉ thấy tất cả đã bị chém đầu, chỉ có một mình Phêrô nhờ Thiên Chúa (thật kỳ diệu sự tiền định nơi các thánh đã được chọn) đã nhận được ơn phép thánh tẩy; tôi chỉ làm được cho Phêrô mà không làm được cho những người khác, do Thiên Chúa đã thúc đẩy tôi.
Sau đó tôi trở về thuyền của chúa và thấy người ta đang chuyên chú chuẩn bị các nghi lễ dị đoan để chúa cử hành lễ tạ trời vì chiến thắng vừa được đối với quân nghịch thần. Tôi lại gần chúa và sau khi tỏ vui mừng vì chiến thắng hiển hách mà không hao tổn quân sĩ. Tôi cũng thổi phồng cái may mắn chúa được và cũng nhẹ nhàng làm cho ngài hiểu là nhờ Thiên Chúa, Đức Chúa trời đất ban cho mọi chiến thắng và người ta phải biết ơn, chứ không phải nhờ trời là một vật vô tri vô giác không thể biết việc chiến thắng ngài đã được. Ngài đáp lại ngài tạ ơn trời vì chiến thắng đã được, theo cách các tướng lãnh tin tưởng, và khi về tới phủ, ngài sẽ có thời giờ rảnh rang hơn để xem xét về cách tạ lễ và cám ơn khác. Vì không thể ngăn cản việc cúng tế dị đoạn, tôi lui về thuyền chúa đã chỉ định, chờ kết thúc phần còn lại của hành trình.
Chương 12: Chúng Tôi May Mắn Tới Phủ Chúa Và Lần đầu Tiên Rao Giang Phúc âm.
Chúng tôi đến xứ Đàng Ngoài lần đầu tiên vào đúng ngày lễ thánh Giuse vinh quang như chúng tôi đã nói ở trên, còn chúng tôi vào tới phủ chúa (Thiên Chúa sắp đặt như vậy) là ngày lễ Đức Trinh Nữ và Nữ vương Thiên quốc đi thăm viếng. Như vậy là nhờ những điềm rất tốt đẹp nơi Đức Nữ Vương cao cả mà ánh sàng Phúc âm gia nhập phủ chúa Đàng Ngoài, như thể Người đã đem phúc lành tới nhà thánh nữ Isave.
Ngày mồng 2 tháng 7 năm 1627, chúng tôi vào phủ chúa và kinh thành Kẻ Chợ tháp tùng chúa và đồng hành với chúa đi giao chiến với Đàng Trong về, hay đúng hơn mới ba ngày nay rượt đuổi chúa Canh và thắng một trận rất quan trọng đối với toàn quốc dân. Thực ra nếu chúa vắng mặt lâu hơn trong nước thì ngụy quân đã tước hết những lực lượng chính yếu của chúa và còn nhân cơ hội này thu được thắng lợi và lấy lại bốn tỉnh xưa kia đã chiếm giữ vì đã huy động một số lớn thuyền chiến và quân sĩ, hay ít ra ngụy quân cũng đánh phá vùng lãnh thổ thịnh vượng nhất trong nước mà chúng đã đột nhập. Vì thế đây là nguyên nhân của một niềm vui chung rất lớn trong toàn cõi: dân chúng tất cả đều ra khỏi phủ đi nghênh đón chúa, họ rước chúa như người thắng trận trở về và hoan hô theo ngài cho tới cung điện.
Chúng tôi theo vào phủ và ở trong đám người toàn thắng trở về, nhưng không biết sẽ cư trú ở đâu vì trong kinh thành chưa có ai trở lại làm giáo dân để cho chúng tôi trọ. Thế nhưng Thiên Chúa đã đánh động lòng một lương dân có thế giá tên là Măn tai22. Ông quý trọng chúng tôi và trước hết không cần kiểu cách ông dành nhà ông cho chúng tôi để chúng tôi lui về đó và thừa hành chức vụ, cho tới khi chúa ban cho chúng tôi một nơi ở, theo mối thịnh tình của ngài đối với chúng tôi thì chúng tôi có thể hy vọng thế. Thật là lạ lùng, viên quan này quí mến tất cả những công việc của chúng tôi. Ông còn dọn bàn thờ để chúng tôi dâng thánh lễ. Ông kiên trì nghe bài giáo lý và bài giảng. Ông còn muốn cho vợ ông và tất cả gia nhân (sau khi được dạy dỗ về đức tin của đạo ta) thì xin chịu phép rửa tội, còn ông thì không, vì chưa đủ sẵn sàng, còn vướng mắc một vài điều ông chưa đủ can đảm thắng đoạt. Ông luôn luôn cam đoan rằng ông sẽ chưa chết khi chưa được chịu phép thánh tẩy, ông chỉ xin khất tới thời gian khác mà thôi. Thế là ông nuôi niềm tin tưởng và ao ước của những kẻ mong muốn điều lành cho ông, muốn cởi những dây trói buộc tự do của ông. Ông phiêu lưu trầm trọng trong công việc cứu rỗi vì không thể nắm chắc ơn Thiên Chúa trong thời gian đó, ơn mà ông vẫn lần lữa đợi thời quá mức và trì hoãn việc trở lại tới một ngày mai. Nhưng Thiên Chúa nhân hậu nhận lời cầu nguyện của vợ con ông và có lẽ nhờ vào việc bác ái trọng khách ông đã tận tâm làm, mà Thiên Chúa đã chờ ông mười năm sau khi ông ngã bệnh. Vợ ông, một bà nhân đức tên là Agata liền cho chúng tôi hay, thế là chúng tôi rất sẵn sàng và vui vẻ đến ngay để giúp ông lần cuối cùng, bù đắp lại ơn chúng tôi đã được. Thấy ông đã sẵn sàng chịu phép rửa tội vì đã đuổi ra khỏi nhà ngăn trở chính yếu không cho ông trở lại, hơn nữa từ lâu ông đã hiểu biết mọi mầu nhiệm và các điều về đức tin, chúng tôi rửa tội cho ông và đặt tên là Gioan. Sau đó không lâu ông đã tắt thở và hạnh phúc (như chúng tôi hy vọng) bước qua đời này về đời hằng sống và hoan hỉ.
Vừa được tin chúng tôi tới phủ và đã ra nhà ở, thì rất đông người thuộc mọi tầng lớp tuốn đến. Chúng tôi rất khó nhọc mới làm hài lòng tất cả. Người nổi bật nhất và cũng là người thứ nhất trong đám người chịu phép rửa tội và nhận đức tin, chính là bà em gái của Chúa. 23 Bà rất thông chữ hán lại rất giỏi về thơ, chúng tôi gọi bà là Catarina vì bà giống như thánh nữ, về nhiệt tâm cũng như về đạo hạnh, về những đức tính tinh thần cũng như sang trọng về dòng họ. Thế là bà đã nhanh nhẹn thông báo cho cụ thân mẫu ơn Thiên Chúa đã ban cho bà và đưa bà vào đạo Kitô. Thật là một thu phục rất quan trọng của giáo đoàn mới khai sinh này. Vì bà rất tinh thông hán học và trước đây bà rất sùng đạo tà cho nên các vị sãi gọi bà là thầy nghĩa là bậc tôn sư, vì khả năng bà có để giáo huấn kẻ khác. Bây giờ bà thay đổi đạo bà cũng thay đổi chức vụ, bà chuyên chú giáo huấn các bà còn trẻ về phong cách và đạo đức Kitô giáo.
Còn con gái bà, bà Catarina, bà ham mê học biết và suy ngắm các mầu nhiệm và vì bà rất giỏi về thơ bản xứ 24 nên bà đã soạn bằng thơ rất hay tất cả lịch sử giáo lý, từ tạo thiên lập địa cho đến Đức Kitô giáng thế, cuộc đời, sự thương khó, phục sinh và lên trời của Người. Lại còn thêm ở cuối bài thơ, một đoạn tường thuật việc chúng tôi tới Đàng Ngoài và công cuộc khởi sự rao giảng Phúc âm. Tác phẩm này rất có ích vì không những giáo dân tân tòng ngâm nga trong nhà, nơi thành thị cũng như chốn thôn quê, mà cả nhiều lương dân khi ca hát và thích thú về lời ca dịu dàng thì cũng học biết những mầu nhiệm và chân lý đức tin.
Chương 13 Về Một Thầy Sãi Danh Tiếng Trở Lại Và Nhiều Người Khác Thầy đưa Về đức Tin
Đây là một điều chúng tôi nhận thấy ở xứ Đàng Ngoài, trong tất cả lương dân chúng tôi săn sóc và cố gắng làm cho họ nhận biết đức tin đích thực thì không thấy ai sẵn sàng tin theo đạo ta hơn, kiên trì giữ đạo ta hơn những người trước kia rất sùng tà đạo. Trong những người thờ dị đoạn, ở đây có lý mà kể tới một thầy sãi rất được trọng kính, ngụ ở một thôn tên là Vũ Xá xa kinh thành chừng một hay hai ngày đường. Thầy được chọn vì đức hạnh gương mẫu do một cung phi có quyền có thế trong thôn xóm, để trông coi một đền tà đạo bà đã cho xây cất. Trong đền có một bàn thờ ở cuối và một khám chạm trổ rất đẹp, sơn son thiếp vàng và trang trí tranh ảnh, bà điên dại tin rằng sau khi bà mất thì hồn sẽ ở trong khám đó. Nhưng đột nhiên thầy sãi nhận sự giáo huấn của chúng tôi, lại được ánh sáng đầu tiên của ơn Thiên Chúa và được gọi gia nhập đạo Kitô. Thầy không màng tới lợi lộc trần gian và lòng tin tưởng của kẻ đã đặt thầy lên chứ vụ săn sóc đền. Người này rất có thể nổi giận nếu thầy bỏ họ. Thế là thầy ra đi như thể ra khỏi một nơi có hại cho niềm tin thầy sắp nhận và với vợ thày lui về nhà tư để sốt sắng dọn mình chịu phép rửa tội. Thầy sãi này được gọi là Antôn và vợ là Paula. Từ đó Antôn hết sức nhiệt thành, làm cho ơn đã nhận được sinh hoa kết trái, nhà thì biến thành nhà thờ, và vì thầy có danh tiếng nên thầy hô hào và thôi thúc dân trong thôn xóm này lũ lượt kéo đến để chịu giáo huấn, còn đền tà đạo thì vắng ngắt, không tìm được ai thay thế sau khi Antôn đã bỏ. Thế là bà cung phi có quyền thế trong vùng, khi biết sự việc xảy ra thì như điên rồ. Bà nhờ người em bà giữ chức cai quản thôn xã thay bà phải làm cho thầy sãi trở lại đạo, phải tái hồi nhận chức vụ cũ và trong trường hợp thầy từ chối thì phải trừng trị, đem ra phố chợ đánh đòn. Ông này thừa hành ngay, vì Antôn can đảm từ chối. Người ta trói thầy vào cột giữa chợ và dữ dằn đánh đòn trước mặt cả dân xã rùng mình ghê sợ. Nhưng Antôn can tràng chịu đựng, không nản lòng vì bị hành hạ bất công đến thế, trái lại, còn hiên ngang vì được làm chứng giữa nơi công cộng về đức tin của mình. Thầy còn nhiệt thành hơn trước để rao giảng Phúc âm Đức Kitô và mời gọi mọi người vào hàng ngũ mình. Trong khi đó Paula không nhường cho chồng phần nhiệt thành và đạo hạnh. Paula chuyên cần giáo huấn phái nữ và chuẩn bị cho họ chịu phép thánh tẩy. Bà cung phi được tin thì bà đổ cơn giận lên đầu Antôn. Nhưng bà sợ không dám giết một người lương thiện không chê trách vào đâu được, bà chỉ có quyền trục xuất thầy ra khỏi lãnh địa của bà và tịch thu tài sản. Cón thầy, thầy can đảm bỏ hết vì Thiên Chúa và vì vinh quang thánh danh Người. Thầy không buồn phiền vì thiếu thốn, nhưng chỉ buồn phiền vì phải xa chứng một trăm giáo dân thày đã chinh phục được cho Thiên Chúa, những ngườinày con ngây gại trong đức tin và yếu đuối khi phải chống cự cơn dỗ dành tàn bạo. Chính họ cũng rất buồn sầu không ai yên ủi được vì thấy mình trong một ngày mất hai người thiết yếu, họ coi như cha như mẹ. Cơn sầu muộn cũng được dịu bớt vì trong bơ vơ họ xoay trở cách khác, nghĩa là họ làm các việc đạo đức trong một thôn khác thuộc về một quan khác, nơi họ tin chắc được tiếp nhận và được tự do tỏ niềm tin như trước.
Cuộc đầy ải Antôn do dục vọng của một người đàn bà ngạo mạn gây nên, thực ra lại có lý do và chiều theo dự định của Thiên Chúa. Thiên Chúa quan phòng đã như phái Antôn tới lãnh thổ xa lạ để thầy khôn khéo và nhiệt thành dạy dỗ nhiều lương dân nhận đức tin. Thế nên vừa tới nơi, thầy đã bắt đầu làm chức vụ thầy giảng và làm tông đồ, giảng dạy và công bố các mầu nhiệm đạo tà, lay động lương tâm, thuyết phục các tâm hồn và tấn công ma quỷ. Thực thế, không bao giờ thầy tới kinh thành, (thầy thường tới) mà không dẫn người theo để xin chịu phép rửa tội, lần thì hai mươi, lần ba mươi và một lần tám mươi giáo dân tân tòng. Trong số này có nhiều người tinh thông hán học mà chính thầy thì không giỏi cho lắm và nơi người Đàng Ngoài, những người không có khả năng như thế thì thường không được trọng: nhưng Thánh Thần Thiên Chúa ngự trị trong linh hồn thầy và thúc đẩy tất cả những gì nơi thầy, để làm cho thầy được trọng kính, ngay đôi với những kẻ cứng lòng nhất. Có lần thầy nhận thấy một giáo dân tân tòng biếng nhác việc đạo đức và vô cớ bỏ lễ chủ nhật và hội họp chung, thế là thầy đến tìm và báo cho biết tình trạng xấu ông đang sống và cái vực sâu mở rộng cho tan hoang đổ vỡ. Thầy cho biết phải sẵn sàng trở về với bổn phận và theo ơn Thiên Chúa. Thầy cũng đưa ra gương viên trưởng đội Longinô, từ vết thường dữ dằn nơi nương long Chúa Cứu thế, đã nhận được ánh sáng và ơn thiên quốc. Phần chúng tôi, chúng tôi cũng không biết thầy đã học từ người nào khác ngoài Đức Thánh Linh, về thí dụ mà thày đã dùng để thuyết phục người giáo dân sa ngã.
Chương 14: Một Số đông Lương Dân Chịu Phép Rửa Tội
Không xa kinh thành có một cầu danh tiếng gọi là Cầu Giền, tên cả một vùng lân cận có nhiều người lương dân ở, cả đàn ông và đàn bà, cùng chung một nghề riêng. Họ góp sức làm những việc công ích như sửa cầu đổ, cất nhà cho khách hành hương và những việc tương tự. Mà vì những người bên phái nam làm nghề này thì gọi là sãi, còn về phái nữ thì gọi là vãi và để chỉ chung địa vị và chức nghiệp củ họ thì gọi bằng một tên ghép là sãi vãi. Do đó mà những việc từ thiện như thế thì được gọi là sãi vãi. Vậy có một số đông sãi vãi ở thông Cầu Giền, xa kinh thành chừng nửa dặm, được tin chúng tôi tới và được một ơn bí ẩn nào đó của Đức Thánh Linh đánh động, họ tức khắc kéo từng đoàn lũ đến tìm chúng tôi, bất chấp thời tiết mưa dầm và đường xá lẫm lội, để được chịu giáo huấn về đạo chúng tôi rao giảng. Rồi từ đó họ tỏ ra rất ham học hỏi, không bỏ một ngày nào, bất chấp thời tiết nào, họ siêng năng tới nhà thờ vào giờ chúng tôi dạy giáo lý. Thế là ít lâu sau mười hai người trong bọn họ đã học được đầy đủ hơn thì được chịu phép rửa tội. Những người này từ đó giúp rất nhiều cho việc tiến triển Kitô giáo trong xứ này và rất nhiệt thành xây cất và trang bị bệnh viện thứ nhất để đón nhận người nghèo, được dựng lên trong xứ Đàng Ngoài.
Không phải chỉ có kẻ thờ tà thần và những người chất phác mới đón nhận ách chân lý, mới được gọi là tin theo Kitô giáo trong những buổi đầu này, nhưng còn có nhiều văn nhân và người trí thức đến với chúng tôi, rất mực khiêm tốn, đến lãnh nhận những giáo huấn tiên khởi về đức tin. Trong số này có một ông Nghè (tên gọi những văn nhân đã hay đang giữ chức vụ một nhiệm sở nào) đã bảy mươi tuổi. Ông tới cùng bà vợ cũng đã có tuổi, xin chịu giáo huấn chúng tôi giảng cho những người khác và sau đó xin chịu phép rửa tội. Hai ông bà tỏ ra biết ơn Thiên Chúa đã chờ họ lâu năm đến thế và gìn giữ họ cho tới tuổi này để đem ánh sáng đức tin soi cho họ. Họ hết sức khoe ơn họ được và để tỏ lòng biết ơn họ dẫn tới chúng tôi một số họ hàng từ các tỉnh khác nhau, để những người này được hưởng sự lành thánh họ rất quí trọng. Sau ông này còn một ông cử trẻ tuổi rất khôn ngoan, ông không mặc cả nhiều về sự trở lại và được gọi là Gioan khi chịu phép rửa tội, rồi từ đó rất vui sướng được gieo rắc tâm tình của mình vào tâm trí thân mẫu và tất cả gia đình. Ông dẫn tất cả tới chúng tôi, tất cả đã hiểu biết giáo lý của đạo, để được chịu phép rửa tội. Thân phụ ông thì bằng lòng, nhưng chưa đủ tâm huyết và chưa nhất định tin theo. Ngay từ buổi đầu có nhiều văn nhân đi lại nhà chúng tôi. Họ đến vì tọc mạch hơn là vì nhiệt tình tin theo hoặc vì mong muốn học hỏi những gì có ích cho họ; thế nên không sinh nhiều hoa trái, vì họ bị mù quáng bởi tinh thần hư vô tự mãn của họ, họ tìm cách chống đối những điều chúng tôi nói và giảng về các mầu nhiện hơn là chịu giáo huấn bổ ích cho họ. Thật là xác minh lời Con Thiên Chúa đã phán: nhiều người được gọi, nhưng ít kẻ được chọn.
CHƯƠNG 15: CHÚA ĐÀNG NGOÀI CHO DỰNG GẦN CUNG ĐIỆN NGÀI NHÀ Ở VÀ NHÀ THỜ CHO CHÚNG TÔI THƯA HÀNH CHỨC VỤ CHO RẤT ĐÔNG GIÁO DÂN.
Tàu người Bồ đã đem chúng tôi tới Đàng Ngoài, nay sắp sửa trẩy đi, nhưng chúa đã gia ơn giữ chúng tôi lại, lại còn quá tốt muốn viết một thư lịch thiệp gửi tàu đem tới cha Anrê Palmier lúc này làm kinh lý để cám ơn cha đã phái chúng tôi đến nước ngài và trình bày cho cha biết ngài hài lòng về việc chúng tôi tới. Để tỏ lòng quí mến và trang trọng, ngài không muốn viết trên giấy bản xứ quá thông thường (mặc dầu có giấy rất đẹp vẽ hoa và thiếp vàng rất nghệ thuật) nhưng trên một tấm bạc tráng mỏng rồi khắc và gấp thành cuộn.
Thế nhưng tàu gặp tai nạn và đắm ở đảo Hải Nam. Thế là bức thư của chúa rơi vào tay dân đảo vì họ lượm nhặt được những mảnh tàu đắm. Sau đó cha Palmier đã chuộc lại và đem về Macao.25
Nhưng rồi chúng tôi thấy nhà chúng tôi ở chật hẹp quá, khó thừa hành các chức vụ và không đủ chỗ cho số rất động người đến với chúng tôi. Chúng tôi liền vào chầu chúa và từ tốn trình bày sự khó khăn, xin ngài cho chúng tôi một nơi nào khác thuận tiện hơn và ngài cho là tốt hơn. Không những chúa ưng thuận và còn gia ơn quyết định dựng cho chúng tôi một nhà ngay trong phủ chúa. Thế là chúng tôi chọn nơi chúng tôi cho là thuận tiện cho chức vụ chúng tôi và ngài sẽ tức thời cho xây cất phù hợp với việc sử dụng của chúng tôi. Về điều này không thiếu người có ý tốt khuyên chúng tôi nhận lời Chúa và ở bên trong luỹ phủ để bảo đảm về nguy cơ hỏa hoạn thường xảy ra trong kinh thành cũng như về trộm cướp thường có do những kẻ gian hoành hành. Thế nhưng vì việc ra vào đi lại phủ chúa có nhiều thủ tục nên rất khó cho giáo dân tân dòng lui tới, chúng tôi liền chọn ở ngoài phủ với một chút bất tiện, tuy không xa, để dễ đi vào chầu chúa khi được vời. Thế là trong một ít ngày sau, chúng tôi đã được một nhà do lệnh chúa cho dựng, ở địa điểm chúng tôi chọn, với tất cả nhựng sự thuận tiện chúng tôi mong muốn. Ngôi nhà chỉ bằng gỗ theo kiểu nhà người bản xứ, nhưng khá rộng và cấu trúc cũng giống như các nhà của những bậc quyền quí. 26
Thế là vào cuối tháng 9, bốn tháng sau khi chúng tôi tới kinh thành, chúng tôi sang ở nhà mới, một phần dùng làm nhà thờ và là nơi (ngay sau khi chúng tôi tới ở) rất đông người tới, đến nỗi chúng tôi phải giảng mỗi ngày sáu buổi, ba buổi vào ban sáng và ba buổi vào ban chiều, để làm thỏa mãn sự chờ đợi của những người liên tiếp luân phiên nhau tới. Kết quả lượm được từ những việc chúng tôi làm và từ hạt giống lời Thiên Chúa chúng tôi gieo thì rất lớn đến nỗi chúng tôi phải bỏ ra hai ngày trong tuần để làm phép rửa tội cho những người xin và thường là hai mươi và thỉnh thoảng tới bốn mươi, trong số đó có người thuộc thành phần quyền quý, cả trong hoàng tộc. Thực ra ngay từ đầu chúng tôi còn phải đáp lại những câu phản đối giáo lý chúng tôi rao giảng. Không những việc này làm xáo trộn thứ tự các bài giảng, làm mất thời giờ quí giá dành cho họ để đáp lại câu họ chất vấn và giải quyết những nghi ngờ, nhưng còn gieo xáo trộn tâm trí và ngăn cản không cho Phúc âm sinh hoa kết trái. Thế là chúng tôi quyết định không nhận cho ai chất vấn nếu suốt tám ngày27 chưa nghe liên tục chúng tôi giảng giáo lý. Kết quả hoặc là những kẻ có tinh thần soi mói rút lui vì không đủ nhẫn nại chờ cho tới cuối, hoặc là họ kiên trì nghe suốt thời gian đã chỉ định, họ được soi sáng về các nghi ngờ và không còn gì phản đối. Như vậy ít mất thời giờ và ít có nguy cơ làm xáo trộn những thính giả thiện chí và có những tranh luận phù phiếm.
Chương 16: Phương Pháp Chúng Tôi Dùng để Dạy Giáo Lý.
Mặc dầu có nhiều người rao giảng giáo lý Phúc âm cho những nước lương dân chủ trương trước hết phải hủy diệt sai lầm và tà giáo làm cho tâm trí từ bỏ những quan niệm mơ hồ, trước khi xây dựng và giảng dạy những điểm và những nguyên lý của Kitô giáo, theo lệnh Thiên Chúa đã truyền cho một tiên tri rằng: Ta đặt người để diệt và nhổ, để dựng và trồng, còn về mầu nhiệm cao cả về Thiên Chúa Ba Ngôi thì chỉ trình bày cho người tân tòng vào lúc họ đã sẵn sáng chịu phép rửa tội, trước là để không làm rối trí họ vì những hoài nghi có thể nảy sinh về mầu nhiệm cực kỳ cao cả và khôn lường đó. Thế nhưng theo kinh nghiệm, giữa hai cách trên đây, tôi chọn một phương pháp giáo huấn cho các dân nước này.28 Nghĩa là không chống đối sai lầm các giáo phái Đàng Ngoài trước khi đặt một số các nguyên lý mà chỉ ánh sáng tự nhiên cũng hiểu biết được, như về việc sáng tạo vũ trụ, về cứu cánh và nguyên lý tuyệt đối vạn vật đã được dựng nên và về an bài những loài có lý trí và nhiệm vụ phải nhận biết Người và phụng thờ Người.29 Như vậy để đặt vào tâm trí họ một nền tảng chắc chắn trên đó đều dựa vào mọi niềm tin khác để không làm cho họ chán nản khi nghe người ta đả phá và khinh dể những thờ tự của mình mặc dầu là giả dối và những tập tục mê tín, đó là sự thường xảy ra. Tôi đã thành công hơn, theo như tôi nhận xét, nếu tôi đem cho họ một ít tâm tình hiếu thảo và mộ mến tự nhiên đối với Đấng Hóa Công và Nguyên lý đệ nhất bản thể họ. Rồi khi đề cập tới truyện đại hồng thủy và lộn lạo các ngôn ngữ thì cho họ biết sợ Thiên Chúa họ phải tôn kính và thờ phượng, từ đó mới đả phá tà đạo mà ma quỷ cũng chỉ đưa vào thế gian sau đại hồng thủy.30 Rồi sau đó tôi mới đồng ý với những người khác và chưa trình bày cho lương dân muốn mình phục những mầu nhiệm Ba Ngôi thánh, sự Nhập thể và thương khó của Con Thiên Chúa và gieo mầm các chân lý đó trong tâm hồn họ, trước khi nhổ những sai lầm và mê tín dị đoan.31
Thế nhưng tôi thiết nghĩ không nên chờ tới lúc gần chịu phép rửa tội mới giảng cho kẻ tân tòng về niềm tin Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng nên bắt đầu trình bày mầu nhiệm này đã rồi mới dễ dàng xuống tới sự nhập thể Con Thiên Chúa là Ngôi thứ hai, sau đó nói về việc Người chịu thống khổ để cứu chuộc trần gian bị sa đọa vì tội lỗi, về phục sinh và những mầu nhiệm khác trong đạo. Đó là thứ tự và phương pháp các tông đồ đã giữ trong kinh tin kính và truyền lại cho chúng ta. Phần tôi, suốt bao nhiêu năm tôi giảng dạy lương dân, chưa bao giờ tôi thấy người nào thối lui vì đức tin của ta, vì sự trình bày bí ẩn không thể hiểu nổi của mầu nhiệm Ba Ngôi. Trái lại tôi thấy họ khó tin hơn về mầu nhiệm nhập thể. Lý do là vì họ không cho là kỳ dị Đấng Thiên Chúa với lý luận tự nhiên họ coi là bản thể khôn lường và cao cả vượt lên hết mọi nhận thức, Đấng không thể dùng lời mà cắt nghĩa những đặc tính và khó trình bày cho người ta tin theo được. Nhưng điều rất khó đối với chúng tôi là thuyết phục được rằng Đấng là một Thần Linh thuần túy, hằng hữu và bất tử, Đấng ngự trên trời vinh quang chói lọi, lại mắc lấy xác thịt, sinh trong thời gian, chết (như mọi người) và chịu đủ thứ cực hình và thống khổ. Vì thế khi phải trình bày cho kẻ tân tòng những mầu nhiệm thường khó thì phải rất khôn khéo và làm khác với cách chúng ta trình bày cho giáo dân của ta và phải giữ ba điều này.32 Thứ nhất phải nhấn mạnh đến những điều lạ xảy ra khi Đức Kitô tắt thở, như thể toàn vũ trụ đều kinh sợ vì tội phạm tới bản thân Người, tỉ như mặt trời không chiếu sáng và không muốn soi cho trái đất đã phạm tội ghê gớm tới Người, tỉ như mồ mở tung và muôn loài tỏ ra sự đau đớn vì Đấng dựng nên mình đã tắt thở. Do đó kết luận rằng nếu Người tắt thở thì là vì Người muốn và vì Người cho phép kẻ sát nhân thi hành để cứu chuộc và cứu rỗi loài người. Thứ hai sau khi đã cắt nghĩa Người đã chịu thống khổ và chịu chết vì Người muốn tỏ tình thương bao la và nhân đức đặc biệt, thì lúc đó lần đầu tiên trưng bày ảnh thánh giá để cho họ tôn thờ, với nến thắp và những nghi lễ tôn sùng tương tự. Thứ ba, không bao giờ cắt nghĩa sự thương khó và sự chết của Chúa Cứu thế mà không tức khắc kể truyện Người sống lại hiển vinh, thực ra Người tự quyền phép mình mà sống lại ngày thứ ba và toàn thắng ra khỏi mồ người ta đã chôn cất Người, để cho thấy rõ nếu Người đã tự cho mình sự sống bằng thắng cái chết, thì Người là Chủ sự sống và sự chết và như vậy người có quyền không để cho mình chết và tự cứu mình khỏi tay người Do Thái, nếu Người muốn. Và lời giảng này phải được lắp lại luôn và in vào tâm khảm, để họ được lòng mộ mến và kính trọng Chúa Cứu Thế. Kinh nghiệm cho chúng tôi nhận thấy rằng họ càng mộ mến và tôn thờ sự thương khó Chúa Cứu Thế thì họ càng là những giáo dân vững chãi và kiên trì thực hành nhân đức.
Chương 17: Mấy Cơ Hội Làm Cho Giáo Dân Rất Vững Lòng Tin
Trong những người kiên trì đến nghe giáo lý chúng tôi giảng dạy mỗi ngày trong nhà thờ, có một thầy sãi mà hoàng thái hậu, trước khi trở lại đạo đã trao cho chức vụ quản lý một trong những đền tà thần, ở cạnh phủ chúa mà bà đã cho xây cất. Trong năm ngày liền ông đến dự và đặc biệt chăm chú nghe chúng tôi cắt nghĩa giáo lý. Nhưng đến ngày thứ năm vợ ông hốt hoảng và giận dữ như một nữ thần nông chạy đến. Thấy ông trong đám người nghe, bà liền mắng ông: kìa, bây giờ ông điên rồi, ông mất trí khôn rồi, ông đi theo một đạo bắt ông phải bỏ thần bỏ thánh bỏ đền. Hừ, ông điên rồi, ông bỏ việc quản lý đền thì ai sẽ nuôi ông, ông lấy của đâu bảo dưỡng cả nhà, vợ ông, con cái ông? Ông kiếm đâu ra để chi tiêu vào tất cả sự cần dùng? Thế là bà lớn tiếng giận dữ kêu la, còn ông sãi thì không hé môi đáp lại một lời hay cưỡng lại khi bà lôi ông ra khỏi nhà thờ và dẫn ông về nhà. Ông đã có thái độ hèn nhát làm cho những người đặt hy vọng vào ông thì đều tiếc.
Nhưng sự hèn nhát của ông sãi này không ít làm cho kẻ tân tòng thêm mạnh tin, do một câu truyện ông này đã kể và (không còn nghi ngờ gì nữa) đây là hiệu quả của việc Thiên Chúa quan phòng đặc biệt. Ông sãi này lúc đó có tâm hồn thấm nhuần mọi điều trong giáo lý đạo Kitô mà ông đã nghe, một buổi sáng ngày chủ nhật kia ông bước vào nhà thờ, vào đúng giờ giáo dân sửa soạn dự thánh lễ. Ông giơ cho xem một cuốn sách bằng chữ Hán ở trang đầu có in thánh danh Chúa Giêsu bằng chữ đại tự. Tôi đã coi và tức thì nhận thấy đây là sách từ Trung Quốc đưa về do một cha dòng chúng tôi soạn. Nhưng tôi bỡ ngỡ tự hỏi bởi đâu ông sãi lại có trong tay cuốn sách này. Thế là ông kể cho biết, khi xưa thân phụ ông đi theo sứ thần cứ ba năm một lần sang thăm viếng và triều cống vua Trung Quốc, chính thân phụ ông đã đem sách này từ triều đình Bắc Kinh về.33 Cha ông cẩn thận giữ sách này cho tới khi mất, lối lại cho các con và như một kho tàng quí báu ông mến chuộng hơn tất cả của cải nào khác, chính cha ông cũng cho biết thêm là khi ở Bắc Kinh đi theo sứ thần thì cha ông đã được những tiến sĩ đại Tây dương làm quà cho, lại căn dặn rằng người nào tin và giữ điều chứa trong sách này thì sẽ vượt qua đời này cách lành thánh và sung sướng vào thiên quốc. Từ khi thân phụ ông mất để ông mồ côi từ nhỏ, mới lên sáu tuổi, ông quí mến giấu sách này trong một nơi kín trong ba mươi năm trời, rồi thỉnh thoảng mở ra và đọc những điều trong sách, ông ông chẳng hiểu gì cho tới ngày cuối cùng đây, sau khi nghe giảng, ông bắt đầu hiểu một chút. Tôi hỏi xem ông có biết nghĩa những chữ đại tự in ở đầu cuốn sách, nhưng ông thành thực trả lời là không. Thế là tôi đem cho ông coi những chữ như thế trong một cuốn sách của chúng tôi, đó là thánh danh Đức Giêsu. Đây là việc làm cho hết các kẻ tân tòng đều mừng rỡ và làm cho họ càng tin những chân lý chúng tôi giảng dạy. Họ đã nhận thấy, khi tôi cho họ coi, là nội dung cuốn sách ông sãi đem tới cũng là nội dung giáo lý của họ, không khác về thứ tự các điều, hay phương pháp giảng dạy. Giáo dân chúng tôi yêu cầu ông sãi để lại sách đó cho chúng tôi để chúng tôi sao chép lại, nhưng ông không chịu và muốn đem về. Ông cũng c ân thật cho mọi người biết, cũng không ai ép uổng ông, rằng đức tin Kitô giáo bàn giải trong cuốn sách của ông và đức tin chúng tôi rao giảng đều phù hợp nhau, đó là đường cứu rỗi đích thực và bảo đảm. Và nếu chính ông chưa tin theo điều lương tâm nói thì là tại sự nghèo khó, bởi ông không có phương tiện sinh sống ở chỗ nào khác, không có cách nào nuôi gia đình ngoài việc phục dịch trong đền. Ước gì Thiên Chúa cho ông một ngày kia nhận biết Người và thắng được trở ngại còn giữ ông trong tà đạo.
Giáo dân tân tòng còn được vững đức tin và quí mến thực hành đạo Kitô khi thấy nhiều phép lạ Thiên Chúa làm trong cùng một thời gian này bởi phép cây thánh giá và nước thánh, nhất là khi chúng tôi làm cho các bệnh nhân, cả người hấp hối và những người bị thần dữ ám. Bởi thế khi chúng tôi được mời tới giúp những kẻ xin chúng tôi (mà thường chúng tôi chưa đủ sức làm hết) có rất nhiều lương dân đi theo chúng tôi, trà trộn với giáo dân và kẻ tân tòng, họ đón đường chúng tôi đi qua. Họ tọc mạch đến xem nghi lễ đặt tay trên bệnh nhân; chúng tôi đặt tay trên người bệnh, rẩy nước thánh và đặt thánh giá trên người bị quỉ ám. Họ thường rất bỡ ngỡ và rất mừng thấy bệnh nhân được khỏi tức thời và người bị quỉ ám được thoát khỏi ma quỉ hành hạ.
Chương 18: Giáo Dân Tân Tòng Dùng Nước Phép Và Thánh Giá Làm Phép Lạ Chữa Người Bệnh
Người ta có thể áp dụng rất đúng vào giáo hội mới Đàng Ngoài lời thánh Grêriô Cả nói về giáo hội nguyên thủy: như phải tưới cho cây non vừa mới trồng cho tới khi chúng đâm rễ và bám chắc trong đất thì giáo hội Kitô sơ khai cũng phải được bồi dưỡng bằng những phép lạ, cho tới khi lớn lên và có đủ sức để tồn tại. Và tôi cũng muốn nói rằng vào buổi đầu để tăng sức cho giáo dân tân tòng của giáo hội Đàng Ngoài thì Thiên Chúa đã làm nhiều phép lạ để ưng chuẩn niềm tin họ xưng tụng. Họ thường vẩy nước phép hay cho bệnh nhân uống từng giọt nhỏ mà chữa khỏi nhiều thứ bệnh. Vì thế họ rất sùng kính nước thánh. Không những họ giữ trong nhà mà còn khi đi đường đem theo những lọ nhỏ như một thứ nước hoa thơm quí báu để dùng cho mình và cho người khác.
Có một quan binh tên rửa tội là Simon, ông trở về quê quán xa kinh thành chứng mấy dặm. Ông xin chúng tôi một lọ con đựng đầy nước thánh để đem theo. Vừa tới nhà, ông thấy có nhiều đồng hương bị bệnh, ông đã chữa cho lành hết, bằng cho uống một chút nước phép. Vì rất đông người từ các nơi mời ông tới và ông chỉ cho uống một vài giọt thế mà trong một thời gian thì đã gần hết. Thấy chỉ còn chút ít dưới đáy và không muốn để cho người khác mời ông tới không nhận được ơn lành bệnh họ mong mỏi, ông liền nhất định, mà hẳn là Thiên Chúa gợi lên cho ông, đi đến một suối nước trong núi gần đấy, ông đổ đầy nước suối vào, ông cũng ngây thơ vô tội đọc mấy kinh công giáo ông đã học và bỏ mấy hạt muối vào như ông đã thấy chúng tôi làm. Và thật kỳ diệu, từ đó ông cho rất nhiều bệnh nhân uống và họ được lành tất cả, Thiên Chúa cho vậy, như Người đã làm trong Giáo Hội nguyên thủy.
Có một viên quan lớn, còn là lương dân, rể của chúa, thấy trong một thôn thuộc lãnh thổ mình hầu hết dân đều bị chứng bệnh truyền nhiễm phá hoại cả một miền và đem đi một số dân làm cho lợi nhuận của ông sụt xuống trầm trọng. Ông đến khẩn khoản chúng tôi đem thuốc đến chữa và nhất là đem nước phép để chặn đứng thứ bệnh dịch tàn phá mọi vật. Để làm việc này ông truyền cho hai gia nhân đưa hai bình lớn để đem đầy nước chúng tôi làm phép về. Chúng tôi vui lòng làm theo điều ông xin, cho rằng đây là việc của Thiên Chúa và chúng tôi chọn sáu giáo dân nhiệt tâm để đi làm việc bác ái cho thôn xóm đau khổ đó. Họ rất can đảm ra đi mỗi người đeo thánh giá và tràng hạt. Vừa tới nơi thì trong nhà thứ nhất họ đến, họ lập bàn thờ với ảnh thánh, rồi họ đọc một kinh vắn tắt nhưng rất sốt sắng, sau đó họ làm ba cây thánh giá lớn đem cắm hai cây ở hai đầu và một cây ở giữa, biểu hiệu của cuộc đại thắng. Xong đâu đấy, họ chia tay nhau, hai người một, rảo khắp các nhà có người bệnh, trong mỗi nhà cột một thánh giá ở nơi trọng nhất, chú ý để đuổi tà ma ám ảnh. Ở vài nơi nghe thấy chúng kêu la, than van lẩm bẩm vì bị võ lực đàn áp. Trong tám ngày, nhờ thế lực cây thánh giá và cho bệnh nhân uống nước phép, họ chữa khỏi được hết, con số lên tới hai trăm bảy mươi người, trừ một người hấp hối gần chết, họ đã rửa tội sau khi sơ lược dạy những mầu nhiệm đức tin và việc ăn năn tội mà người bệnh sẵn sàng làm. Người ta nhận thấy hết những người được khỏi bệnh truyền nhiễm sau khi uống chút nước phép thì nhổ ra một thức nước bẩn và hôi thối là dấu chỉ có bùa ma quỉ họ đã nhận và cũng là dấu họ được khỏi.
Những giáo dân tốt lành này khi trở về thì công bố những chiến thắng đã đạt được của Satăng và tỏ ra rất vui mừng. Thế nhưng lại buồn phiền vì một tai họa xảy đến cho người chúng tôi đặt làm bề trên và thủ lĩnh của đoàn. Ông này đã chết bất thần ít ngày sau khi trở về và không thuốc nào chữa khỏi. Về cái chết đột ngột này, khi chúng tôi tỏ ra xúc động và không sửng sốt, (thì một trong các đồng sự nói) xin đừng lấy làm lạ về cái chết của người này: đây là hình phạt công bằng của Thiên Chúa, vì ông đã được biết phải làm việc đạo đức bác ái này nhưng không như đã được lệnh, nhưng ông đã không làm như thế, ông đã nhận một bộ áo viên quan cai trị miền chúng tôi đến biếu để thưởng công. Người giáo dân này đã tường thuật trước mặt các người khác, thế là tất cả đều rất sợ. Và chúng tôi nhớ lại bệnh cùi mà Grêzi đã mắc phải vì tội biển lận tương tự, Grêzi bị phạt mắc cũng thứ bệnh mà Naaman được khỏi, bởi đã nhận thưởng vì sức khỏe đã giúp cho người khác. Việc này từ đây làm cho giáo dân dè dặt về điểm này, họ còn áy náy cả lúc ăn uống nơi bệnh nhân họ đến chữa.
Chương 19: Có Mấy Giáo Dân Tân Tòng Hiến Thân Suốt đời Phục Dịch Chúng Tôi
Ở xứ Đàng Ngoài có tục lệ, nghĩa là có những người nhiệt tình giả trá hiến thân suốt đời phụng sự tà thần hay ma quỉ làm cho họ thành nô lệ quyền lực của chúng. Có một quân binh tốt lành là giáo dân tên là Antôn thân thể cường tráng và chừng ba mươi xuân xanh, xúc động bởi tâm tình rất đạo hạnh và rất thánh, đến xin tướng lãnh còn là lương dân cho mình nghỉ việc quân binh phục vụ hàng ngũ chúa Đàng Ngoài để phục vụ Đức Chúa trời đất và Đức Giêsu Kitô trong giáo hội Người. Được rồi anh không muốn cho hoặc bán võ khí của anh cho người khác có thể dùng vào việc xấy, nhưng anh ném xuống một hồ sâu, để không ai có thể bị hại. Thế rồi anh đến nhà chúng tôi, rất khiêm tốn và nhiệt thành xin được ở với chúng tôi như những người đầy tớ sẵn sàng (theo anh nói) phục dịch và vâng lời chúng tôi trong mọi điều chúng tôi truyền, không mong phần thưởng nào của chúng tôi, ngoài phần thưởng của Thiên Chúa mà anh phụng sự nơi bản thân chúng tôi. Chúng tôi rất bằng lòng nhận thiện chí của anh và để anh ở nhà chúng tôi. Anh giúp rất nhiều việc cho chúng tôi, nhất là anh gánh trên vai, từ sông ở khá xa nhà, đưa về tất cả số nước cần dùng không những cho việc bếp núc mà cho cả việc làm phép nước thánh. Vì mỗi ngày phải dùng tới rất nhiều nước, để làm thỏa mãn lòng sốt sắng của những người đến xin. Đó cũng là một lý do khiến anh Antôn siêng năng lạ lùng, vì anh tưởng tượng nước anh gánh được dùng vào việc trừ ma quỷ, chữa lành bệnh nhân và làm cho danh Thiên Chúa và vinh quang Đức Kitô lan rộng. Anh kiên trì suốt hai mươi năm, cho tới bây giờ, trong những việc khiêm tốn. Anh rất quí mến và kính trọng chúng tôi, ngay trong những lúc khó khăn nhất, như sẽ nói sau.
Thiên Chúa không những thương ban cho chúng tôi người phục dịch việc trong nhà mà còn ban cho người giúp đỡ để chinh phục và dạy dỗ dân chúng. Vì một mình tôi cáng đáng hết, tôi phải vừa giảng vừa dạy giáo lý bốn, năm hay sáu lần mỗi ngày. Người đầu tiên có khả năng giữ chứa vụ này là Phanchicô, ngày nay còn hoạt động rất có ích và rất nhiệt thành. Ông đã trở lại đạo như sau. Một hôm trước mặt giáo dân tân tòng và lương dân, tôi bài bác đạo giáo của Xaca hay Thích ca mà tôi đã nói ở trên … Phanchicô có mặt trong buổi nói chuyện. Lúc này ông giữ chức vụ thầy sãi … Sau bài giảng đó, ông đứng lên và lớn tiếng nói với tôi trước mặt mọi ngườit ương tự như sau. Tôi đã trải qua mười bảy năm tuổi đời để trung thành và kiên trì phụng sự nhà chùa, vì tôi xác tín rằng với những việc phục dịch của tôi, tôi được các thần tôi tôn thờ trả công cho tôi, nghĩa là ở đời sau các ngài đối đãi tốt với vong linh cha tôi đã quá cố bỏ tôi từ hồi tôi còn nhỏ dại. Nhưng khi nghe bài giảng của cha, tôi thấy tôi đã phí phạm thời giờ .. Bây giờ tôi phải làm gì để đền tội và sửa sai ? Tôi đáp là tôi khuyên ông can đảm và Thiên Chúa cao cả làm chủ mọi việc, một mình Người đáng cho ta phục dịch, Người rất nhân hậu, Người không bỏ những kẻ thành tâm trở lại cùng Người. Vậy ông nên làm như người lữ hành đã mất một phần ngày lạc đường nhưng vừa thấy mình lạc thì tìm đường ngay nẻo chính để chuyên chú tiến bước, không còn để mất thời giờ tìm lại nữa. Phần ông đã bỏ mất những năm tháng tốt đẹp để phụng thờ hư vô và tội ác biết bao thần giả trá, thì không trì hoãn, ông phải bỏ việc đã làm và nhập hàng ngũ những kẻ tin theo chân lý ông đã bắt đầu nhận biết. Ông sẽ được tha thứ các tội và được thưởng công xứng đáng. Ông thành tâm nghe lời tôi khuyên bảo và thực hành ngay tức thì. Ông liền bỏ đền ông đã phục dịch và những bổng lộc lớn ông được để vâng theo chức vụ và ơn Đức Thánh Linh . Ông cũng thông truyền cho một số lương dân tin tưởng nơi ông và bây giờ ông dẫn dụ cho biết chân lý. Còn ông (được rửa tội ngày lễ thánh Phanchicô Xavie) ông lấy tên rửa tội là Phanchicô. Lòng sốt sắng của ông không ngừng ở đây, mà mấy ngày sau, ông đến tìm chúng tôi và nài xin chúng tôi cho ông được ở với chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng đón nhận ông, vừa để có ông là chứng nhân quan trọng của đời tư chúng tôi và vừa để cho ông tinh thông các điều giáo lý mà chúng tôi đọc cho ông mỗi ngày một giờ để ông học thuộc lòng trong mấy tháng. Ông chăm chỉ họ cho có đủ khả năng dạy kẻ khác, như ông vẫn làm cho tới nay, với nhiều kết quả. Thế rồi ông tự thú với chúng tôi, chính là để khám phá xem đời sống chúng tôi có phù hợp với giáo lý chúng tôi dạy và khi nhận thấy chúng tôi còn sống khắc khổ hơn điều chúng tôi khuyên răn kẻ khác thì bấy giờ ông mới chịu khuất phục và vững vàng tin theo. Từ đó ông vào dòng chúng tôi, mười lăm năm sau khi ông trở lại, ông không bao giờ ngừng (cả ngày trong thời gian nhà tập vì cần phải có thợ ) làm chức vụ thày giảng mà ông thừa hành rất xứng đáng và có kết quả không lường được.
Chương 20: Chúa đàng Ngoài Bắt đầu Xa Lánh Chúng TôI
Chúng tôi ước mong được những thành quả lớn lao và tốt đẹp trong giáo đoàn mới ở Đàng Ngoài. Vì thực ra từ lễ giáng sinh cho tới lễ phục sinh đã trở lại hơn năm trăm lương dân, trong đó có mấy người khác có nhiều vợ trước khi chịu phép rửa tội, theo phong tục bản xứ, nay đã can đảm bỏ chỉ giữ lại một vợ chính thức mà thôi. Đây là một thắng lợi làm đẹp lòng Thiên Chúa và để thưởng công, Người đã cho một số nhờ lời cầu nguyện được ơn trừ quỉ khỏi người chúng ám.
Nhưng cũng là điều làm cho ma quỉ điên rồ chống lại chúng tôi. Từ đó, chúng dùng hết thế lực của chúng để gây trong tâm trí nhà chúa sự ghen ghét chúng tôi và các công việc chúng tôi làm. Trước hết chúng lợi dụng chính các bà vợ bé mà các giáo hữu tân tòng lại li dị. Các bà này khinh dể không chịu lấy những người chồng ở giai cấp thấp hơn người trước, nên gây xôn xao trong kinh thành, đến nỗi các tiếng đồn và tiếng than vãn tới tai chúa, ngài cũng có nhiều cung phi và không muốn bỏ, nên phật ý vì thấy có thần dân tốt hơn và có lương tâm hơn mình. Do đó chúa giận chúng tôi vì chúng tôi bắt dân tân tòng phải li dị các vợ mọn. Chúa gửi một văn thư tai hại và khá chua xót, không phản chiếu mối thịnh tình tới nay chúa vẫn có đối với chúng tôi. Văn thư này được thảo tương tự như sau : "Đạo này (hở các ngươi) các ngươi giảng trong nước ta? Các ngươi truyền cho thần dân ta chỉ được lấy một vợ mà ta thì muốn có nhiều để sinh nhiều con trung thành với ta. Từ nay các ngươi hãy gạt đi đừng giảng đạo nữa: nếu các ngươi không tuân lệnh thì ta sẽ chém đầu các ngươi và ngăn cấm các ngươi từ nay chớ tiếp tục làm điều ta cấm". Nhận được văn thư mà người ta nói là do chúa gửi tới, chúng tôi hơi nghi ngờ không biết có thật do chúa, ngài chưa bao giờ nói với chúng tôi với cung giọng này hay với những lời lẽ như thế, hoặc nếu không phải do sự bày đặt của người mang văn thư mà chúng tôi biết là có rất nhiều vợ. Chúng tôi nhớ lại việc xảy ra ít lâu nay, có một tên trộm ban đêm đột nhập nhà chúng tôi và gặp một ông già không ngủ được, hắn nói, để ngăn cản không cho ông hô hoán lên, rằng nó được lệnh chúa đến giết tôi trong giường, thế là ông già ngậm miệng để nó vào phòng tôi lấy hết những gì nó thích, thế nhưng không động đến bản thân tôi. Do đó chúng tôi vẫn nghi ngờ không sao giải quyết nổi và cũng không dám lên trình chúa. Chúng tôi vẫn tiếp tục như thường lệ: phấn đấu và lên án đa thê, không sợ đe dọa bị chết, vì đó là điều chúng tôi mong mỏi và vì là phần thưởng vinh quang nhất về những việc nhỏ mọn chúng tôi làm và biết rằng hạnh phúc của chúng tôi ở đời này là sửa soạn vinh quang nhất về những việc nhỏ mọn chúng tôi làm và biết rằng hạnh phúc của chúng tôi ở đời này là sửa soạn vinh quang đó.
Ma quỉ còn khích động nhiều thù địch hơn nữa nơi chúa, đó là những hoạn quan có nhiệm vụ săn sóc các cung phi. Họ sợ chúa trong quá khứ vẫn quí mến chúng tôi, nếu ngài tin đạo và chiều theo đạo thì phải ruồng bỏ các cung phi, mà họ thì dựa vào các bà để được mọi nguyện vọng, thế là họ thuyết phục chúa rằng tôi là thầy phù thủy làm mê hoặc người ta bằng lời nói của tôi, tôi sai khiến làm các việc theo ý tôi và có thể sát hại nếu tôi muốn bằng hơi thở của tôi. Họ vận động thế nào mà chúa không còn muốn nghe tôi nói và không còn vời tôi đến gần chúa, bởi vì (theo họ phao tin) hơi thở tôi có thể làm cho chết. Tôi không biết cảm tưởng ấy họ đồn về tôi thế nào, nên tôi sửng sốt thấy chúa chẳng còn vời tôi đến đàm đạo với chúa và dự tiệc như trước vẫn có lệ, như cho tôi ngồi cạnh ngài và tự tay tiếp thức ăn cho tôi, thực ra nếu tôi được vời và thường rất hiếm, để thưa truyện với chúa, thì bây giờ tôi phải đứng ra, đến nỗi như thể chúa nặng tai, phải có viên hoạn quan đem lời tôi đến chúa, mà thường hoạn quan tự ý làm sai lạc lời tôi nói. Tôi không biết việc thay đổi này bắt nguồn từ đâu.
Tin đồn tôi là phù thủy và tôi giết hại bởi hơi thở tôi nếu ai đến gần tôi, tin đó đã gieo rắc sâu trong phủ chúa, đến nỗi một hôm có một tướng lãnh trong phủ đến nhà thờ chúng tôi đúng lúc tôi đang giảng. Ông đứng ngoài cửa. Vì lịch sử tôi cho mời ông lại gần tôi để nghe rõ điều tôi giảng, nhưng ông đi ra và rút lui, sau này người ta cho tôi biết, vì ông sợ đến gần tôi khi tôi mời ông, tôi có thể làm ông chết vì hơi thở của tôi. Thật ra tôi thán phục những con người ngây ngô và ma quỉ mưu mô xảo quyệt đã làm cho người ta xa lánh không nghe lời Thiên Chúa. Tên quỷ quái này còn dùng cách đó để gièm pha và làm cho người ta nghi ngờ phép rửa tội chúng tôi cử hành. Bởi vì một ngày chủ nhật, sau cơm tối, tôi sửa soạn làm phép rửa tội cho hơn tám mươi người, tới nghi thức muối phép đặt trên địa thì có một lương dân do ma quỉ xúi giục bước vào nhà thờ và lớn tiếng kêu lên: hãy coi chừng, quân khốn nạn, hãy coi chừng bùa ngải trong dĩa. Nói xong, hắn chạy mất. Thế là buộc lòng tôi phải giơ cho mọi người dự xem trong dĩa chỉ là thứ muối bản xứ đã làm phép. Mọi người đều tin và không bị ngăn cản chịu phép rửa tội cách sốt sắng.
CHƯƠNG 21. NHỮNG CÁCH THẾ CHÚNG TÔI DÙNG ĐỂ XOA DỊU TÂM TRÍ CHÚA VÀ ĐÁNH TAN NGỜ VỰC TRONG KHI THÙ ĐỊCH THEO DÕI CHÚNG TÔI.
Trong khi chúng tôi không được chúa vời tới như trước và được chúa tin cậy thì xảy ra nguyệt thực. Chúng tôi cho phổ biến hình vẽ và viết trên trang giấy mấy ngày trước khi xảy ra, với mấy lời cắt nghĩa sơ qua về độ lâu, từ đầu cho tới cuối. Phải thêm rằng mặc dầu người ta theo tục lệ đưa ra tất cả súng ống trong nước, nhưng không làm cho độ lâu ngắn lại một phút, và khi người ta không làm gì được để cứu mặt trăng và để đuổi hay dọa con rồng nhất quyết cắn xé vật đó, thì mặt trăng vẫn cứ bị ăn toàn khối như chúng tôi đã phác họa. Và vì chúng tôi không còn được tự do đi lại nơi phủ chúa, thì chúng tôi đã có cách chuyển đến tay chúa hình ảnh chúng tôi công bố. Chúa xem kỹ và cấm ngặt, nếu không sẽ bị trừng trị nặng, không cho bắn một phát súng nào, chỉ được làm những gì theo tục lệ trong đêm có nguyệt thực mà thôi. Và khi đã thấy mọi sự xảy ra như chúng tôi đã nói trước, thì chúa rất khen sự hiểu biết của chúng tôi và bắt đầu bênh vực chúng tôi chống lại những kẻ nói xấu chúng tôi. Dầu sao ngài vẫn còn một chút sợ chúng tôi, không tin chúng tôi như trước, tâm trí ngài còn vương vấn vào hai hạng người ra tay làm hại chúng tôi.
Hạng người thứ nhất là những phù thủy. Vì chúa tin theo dị đoan điên dại và ma quái, nên họ cũng dễ làm cho chúa nghe theo vu khống của họ. Điều làm cho họ ghét chúng tôi đó là thấy giáo dân tân tòng khắp nơi làm phép lạ chữa bệnh nhân, như thế pháp thuật của họ bị xuống giá, người ta ít dùng và nguồn lợi nhuận cũng giảm. Thực ra cũng có một số bệnh nhân chết, chúng tôi đã rửa tội trước, vì chúng tôi tới thì đã quá muộn. Do đó họ gọi đạo chúng tôi là đạo chết và phao tin đến tai chúa là chúng tôi đến để sát hại thần dân của chúa và những quân binh tốt nhất của ngài, chúng tôi làm chúng yếu sức để rồi rơi vào tay địch. Thật là một vu khống bỉ ổi, nhưng được cái là chúa dễ dàng lấy lượng khoan hồng và lý trí mà bênh chúng tôi. Nhưng chúa dễ nghe theo những tố cáo của các thầy sãi. Những người này rất ghét chúng tôi vì thấy đền thờ của họ trở nên hoang vu, lợi lộc suy giảm. Thế là họ vận động chúa vì chúa rất ưng việc thờ cúng tà thần, coi chúng tôi là thù địch. Lúc này xảy ra việc trở lại đạo của viên quan rất tốt cùng cả gia quyến (khi ông còn là lương dân) ông đã cho dựng một nhà dùng làm đền tà thần, nhưng chưa dựng bàn thờ và đặt tượng. Nhưng vì ông chịu phép rửa tội, nên ông thay đổi dự định và nhất quyết biến nhà đó làm nhà thờ, để thờ phượng Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa. Ông mời chúng tôi đến làm phép theo cách thức và các nghi lễ thông dụng nơi giáo dân. Chúng tôi chỉ muốn làm hay nhận sau khi đã đến coi và xem xét tình trạng. Chúng tôi sợ nhà đó còn ở trong tình trạng một đền khác ở ngoại ô kinh thành. Đền này đã do mấy giáo dân dựng trước khi trở lại đạo, rồi sau dâng cho chúng tôi để làm thành nhà thờ. Nhưng nhà này còn đầy dị đoan và tượng thần vẫn còn ngự trên bàn thờ. Thế là chúng tôi không muốn nhận, trái lại cứ để cho thành hoang vu đổ nát, vì sợ nếu chúng tôi đập phá tượng thì làm phật ý những kẻ mê tín sùng bái và chúng tôi bị họ ghét và bị bắt. Đó cũng là lý do giáo luật rất khôn ngoan để phòng. Nhưng nhà này, sau khi chúng tôi đến thăm và thấy có đủ điều kiện vì chưa dùng vào việc thờ tà thần thì chúng tôi nhận và long trọng dâng kính đức thánh mẫu Mẹ Thiên Chúa, đặt ảnh Người trên bàn thờ, Người bồng con là đấng cứu thế có Ba Vua quỳ chầu. Rồi chúng tôi còn dâng thánh lễ và sau cùng là một bài giảng riêng về nghi lễ cung hiến, trước mặt đông dân chúng tôi gồm có cả giáo dân tân tòng và lương dân, tất cả đều rất hài lòng. Thế là ma quỷ điên rồ và phẫn nộ xúi các thầy sãi vu khống chúng tôi nơi chúa rằng chúng tôi đập phá tượng thần ở các đền. Chúng xin chúa thu xếp và xét xem đạo chúng tôi giảng là đạo huỷ diệt các thần và phá đổ tôn giáo cổ truyền trong nước, có nên được dung thứ không. Không điều tra thêm, chỉ dựa vào một cuộc họp vội vã, chúa liền ra sắc lệnh phạt rất nặng và cấm thần dân trong nước từ nay không được theo đạo Kitô là đạo phá đổ thần phật từ mọi đời vẫn được thờ cúng. Sắc lệnh được niêm yết ở cửa nhà chúng tôi, trước mặt chúng tôi và trước mặt đa số giáo dân. Việc này làm cho chúng tôi rất lo sợ và bắt buộc chúng tôi phải tức thì chạy tới chúa và xin ngài cho chúng tôi được đến triều yết. Ngài bằng lòng. Chúng tôi trình bày, tại sao địch thù mỗi ngày vì ghen ghét chúng tôi mà đặt ra những vu khống sai lạc để làm hại chúng tôi, và chỉ có sự khôn ngoan sáng suốt như khôn ngoan sáng suốt của chúa mới khám phá ra, đâu là những ơn huệ và biệt đãi chúng tôi nhận được do lòng nhân ái của chúa, do đó làm cho họ thù ghét và vu khống chúng tôi là những người vô tội. Chúng tôi khiêm tốn khẩn nài ngài đừng lên án chúng tôi, theo những lời địch thù tố cáo trước khi chưa nghe chúng tôi thưa trình. Muốn thế trong khi chờ đợi điều tra thêm, xin ngài hủy bỏ sắc lệnh đã niêm yết, theo ngài truyền, ở cửa nhà chúng tôi. Kỳ lạ thay, lời khẩn nài đã làm dịu cơn giận chúa và lấy lại được lòng ngài. Tức kắc ngài nhận lời cho chúng tôi quyền rộng rãi để giảng đức tin với điều kiện là không được đập phá tượng thần. Chúng tôi chân thành cảm tạ ơn huệ ngài ban và cho ngài tin chắc rằng không bao giờ chúng tôi dạy giáo dân đập phá tượng, trái lại chúng tôi cấm ngặt không để họ lăng mạ và nghiêm chỉnh căn dặn họ phải sống hoà bình với hết mọi người. Thế là chúa rất hài lòng đến nỗi còn ban cho nhiều thứ thịt ngon, chúng tôi chia cho giáo dân, khi chúng tôi vào chầu, còn họ ở lại trong nhà thờ để cầu xin cho chúng tôi. Khi thấy chúng tôi trở về được như ý và hồi phục ơn huệ chúa ban (cứ theo quà chúa ban cho thì biết), họ liền dội ơn Thiên Chúa nghìn lần.
Chương 22: Giáo Dân Tân Tòng Sốt Sắng Mừng Các Lễ Trong Năm.
Chúng tôi đã mừng lễ Giáng sinh 34 hết sức long trọng, nghĩa là chúng tôi bắt đầu rửa tội công khai mấy kẻ tân tòng, được tái sinh trong Chúa Kitô vào chính ngày Người giáng sinh. Hơn nữa, trong đêm Noen giáo dân tân tòng sốt sắng và hoan hỉ hát các bài ca sinh nhật và những bài ca tôn giáo khác. Mà vì ban đêm, không cho phép phái nữ vào nhà thờ theo thuần phong mỹ tục xứ này, nên mới tảng sáng, họ đã dậy sớm và đến nhà thờ rất đông. Chúng tôi trình bày ảnh Đức Giêsu hài đồng cho họ bái thờ và hôn kính, mọi người đều tỏ ra xúc động và cảm mến không sao tả được.
Tới ngày đầu năm, theo tục lệ lương dân, thường có những cúng bái mê tín dị đoan trong ba ngày Tết.35 Chúng tôi truyền cho giáo dân làm những việc đạo đức trong ba ngày này: để thay thế cái hộp treo ở đầu cây nêu cao dựng ngay ở cửa nhà, như chúng tôi đã nói ở quyển 1, thì chúng tôi khuyên họ đặt cây thánh giá: họ làm theo. Thế là trong khắp phố phường trong kinh thành người ta xem thấy biểu hiện đáng kính của việc cứu rỗi được dựng cao vót quá mái nhà làm cho ma quỉ sợ hãi và các thiên thần vui mừng. Chúa cũng nhận thấy khi vào ngày đầu năm ngài đi qua phố, trong đám rước long trọng đã kể ở trên; thấy thánh giá cắm cao chót vót thì ngài nói: đây là biểu hiện của giáo dân. Trong ba ngày đầu, chúng tôi đã cho huấn dụ và cho giữ như sau. Ngày mồng một Tết kính công việc tạo thành và gìn giữ (muôn loài), kính dâng Thiên Chúa Cha. Ngày mồng hai, nhận biết ơn cứu chuộc, cao cả khôn sánh, kính dâng Con Thiên Chúa và ngày mồng ba, khiêm tốn cảm tạ Chúa Thánh Linh vì ơn được gọi vào đạo Đức Kitô. Và không ai là không hăm hở làm các việc này, không ai là không vui mừng sung sướng.
Sau đó ít ngày là lễ đức Trinh Nữ Dâng mình vào Đền thánh. Chúng tôi long trọng làm phép nến. 36 Mỗi giáo dân tân tòng đều cầm nến sáng bước vào nhà thờ. Họ làm rất vui vẻ và với những tâm tình sốt sắng. Rồi họ được đem nến về nhà dùng trong trường hợp có người chết để ghi nhớ lại. Họ rất sung sướng. Lương nhân thường sợ không muốn nhắc đến cái chết và không ai dám đọc tên đó ra trước một người quyền quí, vì thế để khỏi làm phật ý, họ phải nói trại đi hoặc nói quanh. Còn giáo dân, ngay cả những người cao sang, họ không còn ngại nghe nói tới cái tên thường làm cho người khác không bằng lòng, họ còn lợi dụng để bọc cách dọn mình chết lành. Họ tin nến làm phép này giúp họ trong giai đoạn tối hậu và nguy hiểm của đời sống, để xua đuổi tướng lãnh tôi tăm và địch thù của ơn cứu rỗi.
Tới mùa chay thánh, trong giáo hội Kitô giáo người ta giữ chay rất sốt sắng, còn đối với người Đàng Ngoài thì không khó khăn gì. Chúng tôi biết lương dân giữ chay rất ngặt để tôn sùng tà thần, họ không những kiêng thịt và trứng, lại kiêng cả sữa là thứ không thông dùng ở xứ này, kiêng cả hết các thứ cá, và không phải trong một hay hai tháng mà suốt đời, đến nỗi họ điên dại mê tín tin rằng họ phạm một trọng tội nếu giết một con vật nào hay bất cứ một con chim nào, vì không phân biệt giữa tội giết một người với giết một con gà. Dẫu biết Giáo hội không bắt giữ chay nghiêm khắc như thế song tất cả những người Giáo hội không chuẩn cho, đều giữ rất sốt sắng trong suốt mùa chay. Vào đầu mùa Vọng thì tôi cho họ biết là cũng nhiều người nhiệt tình ăn chay trong mùa này cho tới lễ Sinh Nhật. Vì thế cũng không ít giáo dân nồng nàn giữ chay.
Theo tục lệ trong Giáo hội, vào cuối mùa chay, 37 chúng tôi làm phép lá. Mà bởi vì trong khắp nước Annam không có cây ôliu, chỉ có rất nhiều cây dừa xanh tốt, nên chúng tôi sử dụng lá dừa trong nghi lễ. Không những có rất nhiều giáo dân mà cả lương dân cũng đến dự nghi lễ làm phép lá. Cả nhà thờ, cả ở ngoài cũng không đủ chứa, mặc dầu có sân rất rộng, thành thử có ít người phải ra ngoài. Giáo dâns ốt sắng giữ lá phép và đem về nhà dùng để xua đuổi tà ma và quỉ ám. Trong thời gian thánh này, mọi người đều xưng tội rất sốt sắng, nhưng tất cả không được rước lễ vì thiếu bánh thánh, tất cả bánh chúng tôi lưu trữ đều bị hỏa tai đem đi hết. Không sao nói hết tâm tình thương mến và khóc lóc khi họ đến thờ lạy ảnh thánh giá ngày thứ sáu tuần thánh, nghi lễ này làm cho họ rất động lòng sốt sắng và xót thương.
Chúng tôi không cử hành nghi thức kinh đêm trong tuần thành vì chúng tôi có ít người giáo dân tân tòng không giúp chúng tôi được việc gì vì không hiểu biết sách (latinh). Để cho họ khỏi bị thiệt thòi, thì chúng tôi đã chia các mầu nhiệm thương khó làm mười lăm đề tài chính. Cứ sau khi đọc chung mười kinh chuỗi hạt thì ngắm một đoạn và suy niệm một trong mười lăm sự thương khó, sau mỗi lần như thế thì lại tắt một trong mười lăm ngọn nến sáng theo tục lệ trong Giáo hội Rôma. Trong nghi lễ, họ khóc lóc, kêu gào và rên rỉ tỏ lòng mến thương những thống khổ và cái chết Chúa Cứu thế chịu, người lân cận cũng đến nghe. Vì thế phải khuyên họ kiềm chế để làm cho lương dân không còn cớ phán đoán sai lầm về lòng đạo đức của họ, chính lương dân làm gì có những tâm tình đó.
Chương 23: Cái Chết Lành Thánh Của Mấy Giáo Dân.
Trong tuần bát nhật Phục sinh mà chúng tôi đã cử hành rất hoan hỉ và long trọng, thì Thiên Chúa đã gọi về chầu Người ba giáo dân sốt sắng nhất như thể Người hái những trái chín nhất đem về đời vĩnh phúc.
Người thức nhất mới là giáo dân được bảy tháng và có tên rửa tội là Tađêô một người lương thiện và rất nhiệt thành tuân thủ bổn phận một giáo dân tốt. Thân thể thì ốm yếu nhưng tinh thần thì mạnh mẽ, ngày đêm chỉ suy niệm luật Thiên Chúa. Ông ngã bệnh nặng và thấy cái chết không xa. Ông mời chúng tôi đến để học cách ăn ở của người giáo dân tốt. Chúng tôi đến ngay và thấy ông đã quá yếu sức, chúng tôi khuyên ông chịu các phép bí tích để vượt qua bước cuối cùng nguy hiểm, ông bắt đầu bằng việc xưng tội. Ông hỏi chúng tôi xem có phải xưng các tội trước khi chịu phép bí tích thứ nhất. Chúng tôi đáp là không, vì các tội đó đã hoàn toàn được xóa bỏ bởi phép bí tích đầu tiên và tuy cũng nên tái thống hối yất cả những tội cũ, nhưng chỉ buộc phải xưng những tội phạm từ khi chịu phép rửa tội là chất liệu của phép giải tội, thường gọi là bàn thứ hai cơn đắm tàu. Tađêô nghe vậy thì tạ ơn Thiên Chúa, ông nói, tôi chỉ biết xưng tội, lương tâm thôi không khiển trách tôi từ ngày tôi chịu phép rửa tội, tôi luôn luôn chuyên chú làm đúng theo hết sức tôi lề luật và huấn giới Thiên Chúa truyền. Trên đầu ông, ông để cuốn sách kinh trong đó có mười lề luật Thiên Chúa. Tôi cầu nguyện cho ông bên cạnh giường ông, theo tục lệ và sau khi khuyên bảo ông đôi lời tôi lui ra để cho ông nghỉ, sau đó tôi trở vào thì tôi đã thấy ông trút hơi thở cuối cùng trong Thiên Chúa, tay vẫn nắm chắt trên ngực cuốn sách kinh 38 ông quí mến trong đó có chép mưới điều răn thánh.
Hai người khác cũng chết hầu như cùng một lúc, cả hai đều nổi tiếng về dòng dõi sang trọng, nhưng nhất là về nhân đức và đạo hạnh. Cả hai đều có tên rửa tội là Phêrô và cả hai đều chết vào ngày Giáo hội cho đọc Phúc âm thánh Phêrô đến viếng mộ Chúa Giêsu. Chúng tôi và tất cả giáo dân đều rất tiếc vì thấy hai cột trục sơ sinh Đàng Ngoài đã đổ ngã. Người thứ nhất là viên tướng lãnh đã nói ở trên. Ông rất trung thành với chúa đương thời và với đức tiên vương thân phụ. Viên tướng lãnh nhân đức này khi vừa xung phong làm quân binh đức Kitô thì đã tuyên bố với các con rất đông rằng ông sẽ không nhận chúng là con nếu chúng không nhận Thiên Chúa đấng tạo thành vạn vật làm Cha và Đức Giêsu là Con Người . Vì thế ông lôi cuốn chúng tin theo đạo Kitô cùng vợ ông và gia nhân. Ông còn tỏ lòng nhiệt thành và sốt sắng trong sự kiên trì đi nhà thờ. Vì khi đã làm các việc thuộc chức phận trong phủ chúa và tháp tùng chúa khi chúa ra triều yết để hộ vệ bản thân ngài, thì ông đến nhà thờ và sau khi làm việc đạo đức riêng rồi thì ông đứng ở cửa nhà thờ ngăn cản không cho tiếng ồn ào và lũ người tới làm át tiếng giảng, thành thử ông như chân gác cửa. Mà vì ông được chúa tín nhiệm nên ông canh chừng cho mọi người làm việc bổn phận và giữ không để lương dân chỉ đến nhà thờ vì tọc mạch. Thiên Chúa cho ông dọn mình chết vì một việc bác ái và kiên tâm chịu khó vào cuối mùa chay. Trong thời gian này ông chứa trong nhà tới mười sáu bệnh nhân, trẻ cũng có mà tôi tớ của ông cũng có, trong số người này có người đã chết. Đêm ngày ông tận tâm tận lực thi hành đủ thứ bác ái. Ông tỏ ra kiên trì và không mệt mỏi để hầu hạ cũng như giúp họ tắt thở. Những khó nhọc ông nhẫn nại chịu đựng đã làm cho ông ngã bệnh. Chúng tôi không bao giờ bỏ ông, hằng giúp đỡ ông cho tới khi ông sốt sắng, chân thành phó thác linh hồn nơi Thiên Chúa. Chúng tôi mong cho ông sống lâu hơn để được nâng đỡ và được nhiều ích lợi nhờ thanh thế của ông. Nhưng Thiên Chúa quan phòng đã kín đáo muốn an bài cách khác. Sau khi ông mất chúng tôi có nhiều lý do luyến tiếc và sợ hãi, vì ngôi nhà giáo hội cùng khổ này rạn vỡ, từ khi cột trụ lớn đã đổ. Địch thù của chúng tôi, chúng đã âm mưu quỷ quái vu khống cho chúng tôi là đã làm phù phép để giết hại một người rất cần cho chúng tôi. Chúng còn muốn thuyết phục chúa ghét chúng tôi.
Cùng một ngày cái chết của người thứ hai cũng tên là Phêrô đủ làm cho chúng tôi đau đớn vì tang tóc. Đó là viên quan đã nói ở trên. Ông biến nhà ông thành nhà thờ, nơi xưa kia ông cúng tế tà thần. Ông là người rất được người em của chúa quí mến và thân thiện. Ông đã đi công cán mấy việc quan trọng ở tỉnh Thanh Hóa. Ở đó ông ngã bệnh nặng nhưng không muốn nhắm mắt khi chưa được nhìn thấy chúng tôi và được sự giúp đỡ của chúng tôi. Ông hết lòng cầu xin Thiên Chúa cho ông có đủ phương tiện. Thấy lương y cho bệnh ông là bệnh bất trị thì ông sai quân lính cáng ông về kinh thành, xa chừng mấy ngày đàng, không ngại đường trường và nhọc mệt hành trình, ngay cả chết đã nắm chắc, miễn là ông có thể về đến nơi và còn sống để trông thấy chúng tôi. Thiên Chúa cho ông điều ông nhiệt tâm cầu mong. Vừa tới nhà thì ông đã kiệt sức và chỉ còn thoi thóp thở, chỉ còn chút sức do lòng can đảm và sốt sắng. Được tin ông trở về, chúng tôi chạy lại thăm ông. Chúng tôi chưa tới sớm hơn thì ông đã bắt đầu như một Simong thứ hai, bằng lòng chết trong khi ca hát trao phó linh hồn trong tay chúng tôi để chúng tôi chuyển vào tay Đấng Tạo Hóa. Ông muốn tạ ơn Thiên Chúa và muốn vậy thì ông quỳ gối xuống để cầu nguyện theo thường lệ rồi ông yên hàn tắt thở, rất nhẹ nhàng trong tay những người nâng đỡ cho ông. Vợ ông rất đạo đức tên là Anna, bà xin chúng tôi táng xác ông theo nghi lễ đạo Kitô trong nhà thờ. Chúng tôi hết sức cử hành long trọng, giáo dân tân tòng hội nhau đi dự đông đủ.
Chương 24: Chúa Ban Sắc Lệnh Mới Cấm Giảng đạo Trong Toàn Cõi.

Cái chết của hai người có thế giá làm cho thù địch phao tin đồn nhảm và vu khống chúng tôi để cho người ta khiển trách chúng tôi và đạo chúng tôi rao giảng, và cũng để chúa vẫn có ý đồ nay lại ghét chúng tôi. Vì thế chúng tôi rất sầu muộn và sợ hãi trong mùa Phục sinh là mùa vui vẻ, tuy chúng tôi vẫn được tự do tiếp tục giảng Phúc âm và làm các chức vụ và có kết quả khả quan vì rất đông người chịu phép rửa tội và thêm số giáo dân, vào năm 1628 đã lên tới hơn một nghìn sáu trăm trước lễ Ba Ngôi. Trong đa số các tỉnh, số người sẵn sàng theo không phải là nhỏ; một số giáo dân hội nhau trong kinh thành, họ rất nhiệt thành muốn cho người đồng hương được dự phần vào sự tốt lành họ đã nhận được. Do đó thỉnh thoảng chúng tôi thấy đem tới đây những kết quả của cuộc chinh phục, gồm những toán người họ hàng và bạn hữu đến xin chịu phép thánh tẩy. Có một quân binh tên là Phêrô rất đặc biệt, từ quê ông cách xa chừng hơn hai trăm dặm, ông đưa vợ và các con ông còn nhỏ tuổi tới để xin chịu phép rửa tội làm con Thiên Chúa, không quản khó nhọc, không nề đường trường, để tiến bước về thiên quốc.
Thế nhưng ma quỉ không nghỉ yên, nó vẫn có mưu đồ từ đầu ngăn cản tiến triển tốt đẹp của Kitô giáo trong xứ Đàng Ngoài. Nó xúi một người bị án tử hình đã mất lương tâm, một người bản xứ thuộc chúa Canh. 39 Ông này trong một thời gian đã làm thầy sãi không đủ sống vì ít người đi lại đền kể từ ngày rao giảng Phúc âm. Ông đành làm một nghề khác và đứng đầu một bọn thổ phỉ đánh du kích dưới chiêu đề chúa Canh và cướp phá trong khắp xứ Đàng Ngoài. Nhưng quân của chúa giải đi khắp xứ để bắt được hắn và giam ngục. Thấy mình không thể thoát chết, hắn tìm cách trì hoãn hứa (nếu được hưởng ân xá) thì sẽ phát giác một âm mưu bí mật chống chúa và quốc gia. Người ta bằng lòng nghe hắn và hắn tố giác đạo trưởng Tây dương giảng tự do giữa kinh thành và nơi phủ chúa Đàng ngoài làm mật vụ gián điệp cho chúa Canh cũng như cho chúa Đàng Trong; họ đã thông đồng với nhau khi đến thời điểm, mỗi bên đều có một đạo binh tinh nhuệ kết hợp với giáo dân mà châm lửa đốt phủ chúa và trong trận chớp nhoáng này họ dễ dàng bắt chúa và toàn quốc qui phục quyền họ. Đó là vu khống mà tên đạo tặc đặt ra để chống chúng tôi. Chúa nhận được tin này, toàn thể giáo dân cũng biết và tức khắc báo cho chúng tôi hay. Nhưng chúng tôi tin vào lòng ngay thẳng vô tội của chúng tôi nên thấy không cần bào chữa, chỉ cậy nhờ sự săn sóc của Thiên Chúa quan phòng, Người nhận việc bảo vệ chúng tôi. Chúng tôi không nói gì, cũng không tự thanh minh cho tới khi chúa vời gọi chúng tôi.
Thế nhưng theo tin đồn chồng chất các vu cáo cũ và mới đối với chúng tôi, chúa không biết nên tin hay nên làm thế nào. Chúa liền quyết định ngăn cản chúng tôi hoạt động và làm cho vô hiệu những công việc của chúng tôi ở xứ này. Chúa ra sắc lệnh long trọng tuyên bố như sau. "Ta, chúa Đàng Ngoài, được biết khá đầy đủ các tây dương đạo trưởng ở trong phủ ta, tới bây giờ không dạy dân đạo lý tà vạy và xấu xa. Thế nhưng không biết trong tương lai sẽ làm những gì hay hiện tại mưu đồ những gì. Vậy từ nay ta cấm hết thần dân ta, chúng sẽ bị xử nếu còn đi lại với họ hoặc theo đạo họ giảng". Lời lẽ sắc lệnh tương tự như vậy, không phải chỉ niêm yết như thường lệ mà khắc trên ván gỗ và dựng ở trước nhà chúng tôi.
Đó là ngày lễ Ba Ngôi. Suốt ngày có sự xôn xao từ trong kinh thành cho tới nhà chúng tôi. Suốt ngày lương dân đi lại trước nhà. Họ họp từng đàn từng toán để chửi rủa chúng tôi, cho chúng tôi đã bị chúa ruồng bỏ, rồi họ rút lui với nhiều hăm đe, đến nỗi trong cơn náo động và lo sợ này chúng tôi không dám dâng thánh lễ và giáo dân không dám vào nhà thờ để cầu nguyện Thiên Chúa hay yên ủi chúng tôi. Có người còn cam đoan với chúng tôi là ngay ngày hôm nay người ta sẽ giết chúng tôi. Chúng tôi không bỡ ngỡ lắm nếu chúng tôi được vinh quang thuộc về chúng tôi đó, nếu ngày hôm nay Chúa Cứu thế truyền chúng tôi đi giảng cho hết các dân và rửa tội cho họ nhận danh Cha và Con và Thánh Thần, thì chúng tôi rất mực sung sướng được đổ máu mình để xưng tụng Ba Ngôi rất thành và hằng hữu. Thế rồi chúng tôi vĩnh biệt hết các giáo dân có mặt và cho họ lui về vì sợ họ bị liên lụy trong dịp này. Vừa quì gối trước bàn thờ để chờ lúc Thiên Chúa định cho chúng tôi sẵn sàng theo ý Người thì này đây tiến vào không biết một kẻ nào đó, cầm một cây gậy lớn ra lệnh cho chúng tôi phải đập phá bàn thờ và cất ảnh trên đó đi. Chúng tôi trả lời là nhà này và bàn thờ này được dựng do lệnh của chúa và bây giờ phải có lệnh của chúa thì mới cất đi và dời đi được. Nhưng hắn lên tiếng ngạo mạn (nói) chính ta ra lệnh và muốn lật đổ tất cả xuống đất. Vừa nói hắn liền giơ gậy, giận dữ và cuồng tín, hắn phang một gậy vào ảnh Chúa Cứu Thế gắn trên bàn thờ, ảnh bị nhàu và rách tay. Nhưng khi hắn phạm tới ảnh thì cũng chạm đến tim gan chúng tôi đến nỗi không còn chịu để hắn tiếp tục xúc phạm đến Người, chúng tôi cầm lấy ảnh và lấy toàn thân chúng tôi che lấp ảnh, đưa vai cho hắn đập, miễn là cứu được ảnh an toàn. Hắn ra khỏi nhà thờ sau khi đã huênh hoang giận dữ. Nhưng công bằng Thiên Chúa không để tội phạm thánh này không bị trừng trị, vì chừng bốn tháng sau, hắn bị bắt quả tang ăn trộm và quan tòa đã lên án chặt ccác ngón tay hắn như cách hắn đã cắt và xé ảnh Chúa Cứu thế.
Chương 25: Giáo Dân Chịu Tang Tóc, Chúng Tôi đơn độc Và Việc Rao Giảng Tại Gia.
Bàn thờ bị đập phá, nhưng họ không đụng tới chúng tôi, nhà chúng tôi vẫn được tự do và toàn vẹn. Giáo dân không được phép lại gần chúng tôi vì luôn có lính gác không cho ai lui tới. Họ rất tiếc, rất buồn vì phải ở nhà mình, họ khóc lóc và như chịu tang tóc vì vắng chúng tôi và không được tới nhà thờ. Có lần chúng tôi đã nhất quyết vào hầu chúa và cho chúa biết sự thể nhưng lính gác can ngăn. Chúng tôi đành yên lặng và kiên nhẫn chờ đợi những gì Thiên Chúa an bài cho chúng tôi. Nhưng trong khi nghỉ các công việc liên tiếp suốt bảy tháng tròn, chúng tôi đâm ra có một chút chán nản và sức lực suy giảm chưa bao giờ cảm thấy, ngay trong những cơn nhọc mệt gay go nhất, căng thẳng nhất. Được nghỉ ngơi đôi chút do thù địch bắt bớ chúng tôi gây nên, chúng tôi liền lấy mười lăm ngày để làm việc tĩnh tu với mục đích tân trang tinh thần vừa tu sửa vừa tăng thêm sức lực linh hồn. Thiên Chúa xử rất nhân từ đối với chúng tôi, Người an bài rất đặc biệt, cho chúng tôi cách thế vừa được nghỉ vừa được bồi dưỡng sức thân xác đã suy vi vì tiếp tục chịu khó nhọc. Chưa được cải tạo tinh thần về thể xác, lại không được công khai giảng như chúng tôi vẫn thường hoạt động cho tới nay, chúng tôi quyết định xoay xở cách khác để đi giảng trong các nhà tư. Thực ra vì quí mến chúng tôi nên giáo dân đã dùng mưu kế khôn khéo để đến với chúng tôi, người thì ăn mặc như kẻ hành khất để lẻn vào nhà chúng tôi, như thể đi ăn mày ăn xin, người khác thì bí mật đục vách nhà hàng xóm và với sự đồng lõa của họ, có người lợi dụng đêm tối khi lính gác ngủ say mà đến với chúng tôi. Nhưng chúng tôi vẫn sợ lính phát giác ra lúc đó liều mình chịu phạt, nên thà rằng chúng tôi bí mật đi ra và tới tìm họ trong nhà họ, để yên ủi họ cũng như để làm phép rửa tội cho người xin chịu.
Người thức nhất chúng tôi đến thăm là một người quyền quí tên là Inhaxu, tướng lãnh một đội kỵ binh. Ông rất ước ao được gặp chúng tôi, nhưng không dám đến với chúng tôi trong khi chúng tôi bị quản thúc chỉ sai gia nhân đến và nhất là một giáo dân còn trẻ chừng mười bảy tuổi tên là Linus mà ông đã nhận làm dưỡng tử bởi vì ông không có con trai. Một thanh niên khỏe mạnh, nhưng rất nhiệt thành và khôn khéo, là người đầu tiên trở lại trong gia đình Inhaxu, anh đã lôi cuốn và chinh phục được không những cả gia nhân mà cả cha nuôi. Thế là trong nhà này Inhaxu đã sửa soạn một phòng nguyện rất tiện vừa có thể giảng ở đó vừa có thể làm phép thánh tẩy cho những kẻ đã được chuẩn bị. Chúng tôi ở đây mấy ngày và thu được kết quả chẳng kém gì khi ở nhà. Thế nhưng chúng tôi lại được mời về thôn quê nơi chúng tôi chắc đã sẵn mùa gặt lớn và giáo dân trở lại nóng lòng trông đợi chúng tôi, chúng tôi chỉ tìm cơ hội để đến với họ. Một người trong nhà rất vui mừng đón chúng tôi là một giáo dân nhiệt thành tên Phêrô. Ông không những đã đem về đạo tất cả gia quyến mà còn rất nhiều người khác, ở nơi ông cư trú cũng như ở các vùng lân cận. Ông thu xếp mời tất cả đến nhà ông để học giáo lý chúng tôi dạy, mỗi ngày còn nhiều người khác tuốn đến vì mục đích này. Nhà ông tuy khá rộng nhưng cũng không đủ chứa hết. Và chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt giữa hai bài giảng ở thôn quê với những bài giảng trước đây ở kinh thành. Ở kinh thành nhiều người đến vì tọc mạch, chỉ có ít người được khích động bởi lời Thiên Chúa và sinh hoa kết trái, còn ở thôn quê, mặc dầu số người đến nghe ít hơn, nhưng vì họ chú ý tới nghe nên có nhiều người trở lại hơn, kết quả là theo tỉ lệ thời gian, chúng tôi rửa tội được nhiều người ở thôn quê hơn ở kinh thành.
Ở đây không bỏ sót truyện một gia chủ rất tốt săn sóc gia nhân làm các việc đạo đức.40 Mỗi ngày ông dậy trước hết mọi người, rất sớm và thu họp tất cả trước bàn thờ ông dựng với một ảnh đẹp. Ông lớn tiếng xướng kinh bằng tiếng bản xứ và mọi người đọc theo, như thế chừng nửa giờ đồng hồ. Trước khi đi ngủ cũng vậy. Tôi để ý tới một trẻ nhỏ, chỉ độ năm tuổi, thỉnh thoảng lại ngủ gà ngủ gật trong van kinh, ông bố lấy roi đánh đứa bé và đứa bé không than trách, không kêu la, ngoan ngoãn khoanh tay tiếp tục đọc kinh chăm chỉ. Tôi động lòng thương đứa bé vô tội, tôi xin ông bố nên dịu dàng với nó và cho đọc kinh vào trước cơm tối, lúc này trẻ con chưa buồn ngủ.
Chương 26: BỞI ĐÂU GIÁO DÂN LẠI ĐƯỢC PHÉP HỘI NHAU TRONG NHÀ THỜ
Trong thời gian bắt bớ cấm giáo dân hội nhau trong nhà thờ, nhưng họ không bỏ hội nhau vào những ngày chủ nhật và ngày lễ trong nhà tư. Trong kinh thành, họ chia nhau thành sáu toán với những khu phố và nhà nào được chỉ định để hội nhau vào giờ nào để đọc kinh cầu nguyện và làm các việc đạo đức. Chúng tôi rất đựơc yên ủi vì thấy cơn bắt bớ không làm cho họ giảm lòng sốt sắng và trong cơn giông tố lòng trìu mến của họ lại càng tăng thêm lửa. Vì thế để duy trì những tâm tình nhiệt thành của họ thì mỗi lần họ hội nhau, chúng tôi gửi đến họ những bức thư chung 41 gồm có những lời khuyên bảo thiêng liêng trích trong Phúc âm hay ngày lễ các thánh trong tuần. Mỗi đoàn thể đều nhận được một bản. Họ đọc cho mọi người chăm chú và sốt sắng nghe như thế cứ tiếp tục trong suốt bốn tháng kể từ khi có sắc lệnh. Sau đó xảy ra một tai nạn làm cho chúng tôi được một chút tự do để thừa hành các chức vụ trong kinh thành và cho giáo dân được đến gần chúng tôi. Số là trong buổi hội vui bên sông, có chúa dự và viên pháp thủ là một giáo dân phục dịch chúa sau khi đã làm việc với người Bồ. Viên pháo thủ bị chết cháy vì tình cờ thuốc nổ trong khi ông bắn súng hỏa pháo, theo lệnh chúa trong dịp hội công cộng này. Xúc động về cái chết bất thần xảy ra vào dịp này, chúa truyền cho giáo dân thay mặt chúa, tổ chức đám tang long trọng hết sức. Chúng tôi đảm nhận và thu tập được hơn một nghìn giáo dân long trọng đưa linh cữu cho tới nơi chỉ định để hạ huyệt ở vùng thôn quê. Ở đây tôi giảng trước mặt mọi người với lời mở đầu trích trong Ca đệ nhất: Đông tàn và mưa tạnh. Tôi minh chứng rằng những cơn bắt bớ Thiên Chúa cho phép xảy đến với giáo hội là để thử lòng trung thực của giáo dân. Là điều chắc chắn và được công nhận là người tốt thì càng vững đức tin, như cây trồng sâu thì mùa đông bám rễ rất mạnh, còn kẻ hènnhát thì suy sụp và bị cơn cám dỗ cuốn lôi đi như trấu bay theo gió. Tựu trung phải trông vào Thiên Chúa nhân hậu làm cho sự bắt bớ gieo tang tóc trong giáo hội sơ sinh Đàng Ngoài càng làm cho giáo hội thêm vững. Thế nhưng không nên làm quá sức mình, chỉ mong sao cho dịu bớt căng thẳng và cho chúng ta có phương tiện hội họp nhau. Khi tôi trình bày các lý lẽ thì mọi người đều khóc chảy nước mắt. Tôi cũng khuyên họ giữ điều độ trong việc dùng phép được đến gần chúng tôi để không làm cho lương dân lấy cớ tung ra những vu khống mới.
Có một điều cất bớt sầu khổ và giúp rất nhiều cho lòng nhiệt thành và đạo đức của giáo dân, đó là hầu hết các nhà ở cạnh chúng tôi đều thuộc về giáo dân. Chúng tôi có phương tiện rất dễ để hội nhau kín đáo hơn và làm các chức vụ âm thầm hơn, đó là cử hành trong những nhà này. Ở đây cũng có ích lợi chẳng kém cho người ở trong kinh thành cũng như những người từ rất xa tìm đến chúng tôi.
Trong đám người này có một bà tám mươi tư tuổi đã được ơn gọi đặc biệt. Nghe nói tới đạo Kitô trong nơi bà ở xa kinh thành chừng một trăm dặm và được Thiên Chúa soi sáng, bà lên đường chỉ vì lần đầu tiên được biết và biết một cách còn lờ mờ, để tới chịu giáo huấn. Tới kinh thành, bà không nghỉ khi chưa gặp chúng tôi, bà rất chăm chú nghe cắt nghĩa giáo lý và ít lâu sau bà sẵn sàng được chịu phép rửa tội. Thế nhưng khi biết chúng tôi không nhận nhưng người chưa thuộc lòng kinh các tông đồ, kinh lạy Cha và kinh thập điều thì bà không nản lòng và vì không muốn được miễn vì tuổi tác, bà hăm hở chuyên chú học bốn ngày cho tới khi thuộc. Thế là bà sốt sắng chịu phép thánh tẩy lấy tên là Anna. Bà vui vẻ trở về quê quán là người giáo dân, như thể đem về được kho tàng.
Chúng tôi còn nhận được những dấu hiệu nhiệt thành và sốt sắng của một bà Anna khác đã là giáo dân, vợ viên quan tỉnh Kẻ Đông 42. Bà không khuyên được chồng trở lại đạo, chỉ vì ông ham mê sắc dục, nhưng bà chinh phục được tất cả gia quyến. Bà rất sung sướng và rất khéo léo làm cho một số đông người trong tỉnh có cảm tình tốt với đạo ta, đến nỗi không bao giờ bà vào phủ để lo các việc hành chính thay chồng mà bà không đem theo nhữngn người đã hoàn toàn được chuẩn bị để trở lại đạo. Được vậy là nhờ Inhaxu chúng tôi đã nói tới và sẽ còn nói ở chỗ khác, Inhaxu giúp rất nhiều bằng lời dạy dỗ nhiệt thành.
Chương 27: SAU CÙNG CHÚA ĐÀY CHÚNG TÔI THẾ NÀO
Chúa cũng đủ biết, tất cả những tố cáo địch thù tung ra để làm mất uy tín chúng tôi, chỉ là những khiển trách bịa đặt và gán ghép vu không mà thôi. Thế nhưng (như chúng tôi đã khám phá ra) nguyên nhân chính làm cho chúa cầm giữ chúng tôi lại trong nước đó là cùng với sự có mặt của chúng tôi thì có sự buôn bán với các thương gia người Bồ và từ khi chiếc tàu đưa chúng tôi tới đây khi trở về Macao đã bị đắm ở đảo Hải Nam thì chưa có tàu nào khác tới. Thế là chúa tưởng người Bồ bỏ rơi chúng tôi. Do đó ngài quyết định trục xuất chúng tôi, rồi thấy có dịp thuận tiện là có mấy chiếc tàu Trung Quốc trở về, thì ngài cho người nói với chúng tôi xem chúng tôi có muốn trẩy đi với họ. Chúng tôi đáp lại là chúng tôi sẵn sàng vâng theo lệnh chúa, nhưng chúng tôi không có công việc gì với người Tàu và chúng tôi sợ xảy ra sự gì không tốt đang chuẩn bị ra đi trong tàu của người Bồ thì lúc đó chính ngài đã bắt chúng tôi ở lại. Vậy chúng tôi rất khiên tốn xin ngài cho phép chúng tôi đợi thuyền khác. Chúa không nói thêm được điều gì ngài quyết định không ép chúng tôi và chờ cho tới khi có tàu người Bồ thuận tiện tới Đàng Ngoài.
Đó là năm 1629, khi chúa không thấy tàu người Bồ cập bến như thường lệ, mùa đi biển đã qua, thì ngài sai một viên thư lại thay ngài đến nói với chúng tôi rằng chúng tôi phải sắp sẵn vào Đàng Trong, ở đó sẽ có tàu người Bồ đưa chúng tôi về Macao. Và trong những lý do viên thư lại nói với chúng tôi là chúa trục xuất chúng tôi vì trong số những người chúng tôi rửa tội đã có mấy người chết sau đó ít lâu. Có lẽ đây là tố cáo độc nhất hay tố cáo chính yếu người ta đưa ra để chống đối chúng tôi và chúa đã để trong tâm trí. Chúng tôi trả lời là không thể làm khác được, rất nhiều người bệnh vào lúc chót mới cho mời chúng tôi đến làm phép rửa và chỉ có mấy người chết sau khi chịu. Viên thư lại như động lòng thương và nói: tôi lấy làm lạ rằng vì dân không hiểu biết nên đã buộc tội cho các ông và buộc tội cho phép rửa, vì bệnh nhân thập tử nhất sinh đã chết, trong khi đó thực ra các ông đến giúp đỡ họ hoặc rửa tội cho họ, ngoài họ ra còn có nhiều người khác các ông vẫn có thể giúp ích. Chúng tôi cảm ơn viên thư lại đã tỏ tình quý mến chúng tôi. Chúng tôi cho ông hiểu rằng lời ông nhắc nhủ rất có ích cho chúng tôi và chúng tôi phải theo, nếu chúng tôi chỉ săn sóc về thân xác, nhưng Thiên Chúa đã chủ yếu ra lệnh cho chúng tôi phải săn sóc về linh hồn, nên chúng tôi không thể sao nhãng việc cứu giúp những kẻ đang chờ sự chết sắp tới, những kẻ mà người ta hết hy vọng hồi phục sức khoẻ và sự sống thân xác, những kẻ chúng tôi làm phép rửa tội để cứu linh hồn. Ông rất khen tổ chức và sự nhiệt tâm của chúng tôi, nhưng ông nhắn nhủ chúng tôi sắp sẵn, theo ý chúa, để trẩy vào Đàng Trong.
Vừa được tin lệnh truyền này thì giáo dân tuốn đến nhà chúng tôi tỏ sự đau buồn với rất nhiều nước mắt. Cả những lương dân đã biết qua về đạo ta cũng tới giục chúng tôi cho họ chịu phép thánh tẩy trước khi chúng tôi trẩy đi. Do đó trong một ít ngày chúng tôi còn được phép đi lại trong kinh thành, chúng tôi không thất nghiệp. Mấy ngày sau, chúa sai một hoạn quan trong phủ đem cho chúng tôi hai đồng êcu vàng và vải quý để cho chúng tôi may mặc, với lệnh rõ rệt là lập tức phải xuống thuyền đang đợi chúng tôi. Rồi theo lệnh chúa ông giao chúng tôi cho viên thuyền trưởng có mặt và các quân binh. Chúng tôi khẩn khoản hết sức để được phép vào bái yết chúa và tạ ơn ngài đã thương ban cho nhiều ơn huệ suốt hai năm chúng tôi cư trú trong nước ngài, nhưng người ta từ chối. Người ta cũng không để cho giáo dân đến gần chúng tôi vì vẫn có quân binh bao vây chúng tôi. Vì thế mà có từng đoàn lũ kéo đến, đàn ông cũng như đàn bà đứng hai bên đường phố chúng tôi sắp đi qua, họ kêu gào thảm thương và rên rỉ tha thiết đến nỗi lương dân phải sửng sốt. Họ theo chúng tôi ra mãi bến sông và vì không được phép theo chúng tôi xuống thuyền như họ mong muốn, thì họ lội xuống nước để được tới gần thuyền chúng tôi. Để từ biệt họ, tôi nói một bài ngắn khuyên họ tin tưởng vào Thiên Chúa, Người không bỏ họ, nhưng hằng che chở và tuyệt đối ban ơn giúp đõ họ kiên trì trong đức tin họ đã nhận được và tôi tin là họ sẽ trung kiên giữ cho tới khi chết. Mà vì có nhiều người ao ước xưng tội mà chưa được và buồn sầu vì không sao làm được sau khi chúng tôi rời bỏ họ, thì để cho họ được như ý trong lúc khẩn cấp này tôi cho mọi người biết là họ hãy dọn mình thống hối và tỏ ra ăn năn các tội phạm và đấm ngực, sau đó tôi làm phép giải tội. Họ làm theo và đọc kinh ăn năn tội, tất cả chừng một ngàn năm trăm, đấm ngực với những lời rên rỉ và khóc lóc. Tôi đã ban phép giải tội thông thường theo số nhiều: tôi tha cho các anh chị em v.v… và cho họ ra đi trong Thiên Chúa. Tôi có cảm tưởng là có mấy giáo dân tốt đi theo chúng tôi có thể sắp chết mà không được chịu phép giải tội (làm cho tôi sử dụng phương dược trong trường hợp nguy hiểm khẩn cấp đắm tàu), cảm tưởng đó không phải vô ích. Vị tiến sĩ Gioakim giữ chức vụ hành chính trong tòa án, hơn bảy mươi tuổi, ông rất buồn phiền vì chúng tôi phải trẩy đi, ông dõi theo chúng tôi, khóc lóc và rên rỉ như đứa trẻ con mất mẹ. Không thể theo chúng tôi bằng thân xác thì ông vĩnh biệt chúng tôi, khi chúng tôi trẩy đi, ông mặc áo thụng dài theo chức vụ ông, sấp mình bốn lần xuống đất (là một biểu hiệu kính trọng thông dụng trong nước này), rồi lui về nhà lòng quặn đau và buồn đến nỗi, không bị bệnh tật gì, ông đã tắt thở mấy ngày sau.
Chương 28: THI HÀNH ÁN PHÁT VÃNG VÀ NHỮNG SỰ XẢY RA TRONG CUỘC HÀNH TRÌNH
Vào cuối tháng ba năm 1629 chúng tôi bỏ kinh thành Kẻ Chợ trên chiếc thuyền chúa đã cho sửa soạn. Thuyền thì bé, chỉ có mười lăm mười sáu tay chèo mỗi bên, nhưng thuận tiện để đi trên các sông chúng tôi phải đi. Thuyền trưởng ban đầu tỏ ra nghiêm khắc, nhưng khi thấy lòng yêu mến và kính trọng giáo dân tỏ ra khi chúng tôi chúng tôi trẩy đi, trong số đó có mấy người quyền quý, thì ông cũng bắt đầu tôn trọng vị nể chúng tôi và nhường chỗ chính yếu của ông trong thuyền cho chúng tôi. Trong thuyền chỉ cho phép hai giáo dân chọn trong số nhiều người đến trình diện xin theo chúng tôi trong cuộc hành trình, đó là thầy giảng Inhaxu và Antôn xưa kia là quân binh tự nguyện phục vụ chúng tôi từ một năm rưỡi nay lúc ông trở lại đạo. Chúng tôi giao cho hai thầy giảng ở lại (Phanchicô và Anrê) việc chính yếu săn sóc giáo dân tân tòng và quyền ban phép rửa tội cho những người có điều kiện.
Trong cuộc hành trình, mỗi ngày vào buổi tối chúng tôi không quên giảng về các mầu nhiệm trong đạo cho viên thuyền trưởng và các quân binh trong thuyền, làm cho họ cũng trở nên hiền hòa và biệt đãi chúng tôi. Inhaxu mỗi buổi chiều cũng ru ngủ họ bằng những bài ca tôn giáo, 43 nhờ đó ông cho họ thưởng thức đôi chút về các chân lý đạo Kitô. Lòng nhiệt thành của giáo dân cũng chuẩn bị cho chúng tôi trên đường đi (chỗ bỏ thuyền lên can) nhiều việc làm đẹp đẽ. Vì có mấy người không ở kinh thành, khi được tin chúng tôi bị đuổi đi phát vãng và biết con đường chúng tôi phải đi thì họ nhanh nhẹn ra dọn nơi chúng tôi qua và chuẩn bị những người đã học giáo lý để chịu phép rửa tội. Tôi kể lòng sốt sắng của một vị quan cai trị một nơi gọi là Kẻ Bờ cách kinh thành chừng một trăm dặm. Ông đem quân binh của ông tới đón thuyền chúng toi, ông yêu cầu thuyền trưởng cho phép chúng tôi xuống nhà ông với lời hứa là sẽ đưa chúng tôi an toàn về thuyền, và ông đã được phép. Ông thu tập trong nhà nguyện tư khá rộng một số đông người tân tòng chính ông đã dạy dỗ về đức tin. Trong khi chúng tôi giảng dạy cho tất cả và cho họ đủ mọi điều cuối cùng để chịu phép rửa thì vị quan đạo hạnh tên là Phalô cùng bà vợ (một bà nhân đức) tên là Luxê, đi tiếp đãi thuyền trưởng và quân binh với quà bánh và đồ giải khát do gia nhân đem tới để cho họ nhẫn nại đợi chúng tôi trở lại. Chúng tôi đã làm xong việc của Thiên Chúa và sau đó trở về thuyền cũ với viên quan muốn tiễn chúng tôi đi: mà vì để xuống thuyền, phải lội qua chỗ bùn lầy, không những ông để cho quân binh giúp chúng tôi mà chính ông, ông muốn cõng chúng tôi trên vai, mặc dầu chúng tôi không muốn và phản đối không chịu. Ông lấy làm hân hạnh được phục vụ những tôi tớ của Thiên Chúa đại đế.
Từ đó, tiếp tục hành trình. Một hôm chúng tôi tới thôn gọi là Ke No là trụ sở cũ và thứ nhất của chúng tôi, khi chúng tôi mới tới xứ Đàng Ngoài và cũng là nơi đã dựng nhà thờ công giáo đầu tiên, thêm một bệnh viện khang trang để săn sóc các giáo dân cùng khổ và chữa các bệnh nhân, cả người lương dân tỏ lòng muốn trở lại đạo. Ở đây chúng tôi cũng được phép khi đi qua, khuyên bảo giáo dân trước kia đã chịu phép rửa. Chúng tôi giao phó họ cho những bổn đạo cũ săn sóc và cho một bà nhân đức tên là Anna, bà tự nguyện chăm lo bệnh nhân. Nhưng khu nhà thờ, như chúng tôi được tin về sau, không còn. Bởi vì sau khi ông già Gioakim chết (như chúng tôi đã nói), chính ông đã dâng đất để dựng nhà thờ, đến thời các con chúng không được thừa kế lòng đạo đức của cha như thừa kế của cải chúng xin tòa án đòi lại đất, lấy cớ có lệnh chúa ra chống đối giáo dân. Tòa cho chúng được kiện rồi nhà thờ bị lửa cháy chỉ còn đống tro tàn, nhưng mấy ngày sau khi bị thiêu, bà Anna đạo đức bới đám tro tàn và tìm xem còn có gì thoát nạn hỏa tai, thì bà thấy nhan đề ảnh thánh giá còn nguyên vẹn, không suy suyển, một bên là chữ latinh và một bên là chữ hán: biểu hiệu thánh của Chúa thật trời đất. Chúng tôi đã bỡ ngỡ thấy khi đi đầy trở về, lúc qua nơi này và chúng tôi tin chắc rằng Thiên Chúa đã làm phép lạ bảo vệ được chữ viết này khỏi ngọn lửa đã thiêu huỷ xà cột nhưng không để cho hư nát và xóa bỏ đạo thánh trong xứ Đàng Ngoài. Và sự tiên đoán của chúng tôi không sai, bởi vì từ đó đức tin đã nảy nở cách kỳ diệu ở nơi này (nhưng ở bên kia sông) thấy một nhà thờ xây cất đàng hoàng và một trụ sở của dòng chúng tôi với những kết quả lớn lao trong lãnh thổ này.
Rồi chúng tôi lên buồm đi từ tỉnh Thanh Hóa tới tỉnh Nghệ An và chúng tôi thấy hiện ra bến bà chúa, người bản xứ gọi là cửa chúa, nơi thờ cúng người con gái hoang dâm chúng tôi đã nói ở trên và là nơi (Thiên Chúa cho phép để trừng trị những dị đoan ma quỷ đuợc sùng bái đó) ma quỷ làm trên những lương dân bản xứ nhiều điều hung dữ và lam cho người ngoài xứ qua lại đó phải sợ hãi. Thuyền trưởng còn là lương dân, khi tới gần, ông cũng bắt đầu sợ xảy ra tai nạn và ông chuẩn bị cúng tế dị đoan để lấy lòng ma quỷ. Nhưng chúng tôi xin ông đừng làm và nên tin vào Chúa thật trời đất và biển cả, Người có quyền cứu ông khỏi mọi nguy hiểm đe dọa và may mắn đưa tới bến. Theo lời chúng tôi, ông không cúng tế nhưng ông xin chúng tôi cầu khấn Chúa vạn vật, theo cách của chúng tôi. Chúng tôi đã làm và may mắn chúng tôi cập bến như đã định.
Có quân binh tốt lành tên là Simon, trên kia chúng tôi đã nói và đã nói về những phép lạ chữa bệnh bằng nước phép, ông này không ở xa bến. Được tin chúng tôi tới, ông vội vã ra đón và được thuyền trưởng cho phép chúng tôi đến tận nhà ông. Ở đây, ông đã thu xếp cho rất nhiều họ hàng và bạn hữu đến xin chịu phép rửa. Ông cũng dọn sẵn nhiều chum vại đầy nước để chúng tôi làm phép theo nghi lễ thông thường. Sau đó, ông dẫn chúng tôi trở về thuyền vào ban đêm, như ông đã hứa.
Một quân binh khác tên là Anrê, ông này đã bỏ kinh thánh và vội vã trở về trước chúng tôi, ông tưởng sẽ gặp chúng tôi ở bên này, xa nơi ông ở chừng mấy dặm, như vậy ông có thể đưa chúng tôi về nhà và xin cho mẹ, mẹ vợ và vợ ông chịu phép rửa. Nhưng vì ông về trễ quá sau khi chúng tôi đã khởi hành, lại cũng về đêm, không có quyền để rượt theo, thế là ông đành đi theo đường bộ đưa mẹ, mẹ vợ đã có tuổi và vợ ông đi đường tắt thông qua rừng núi để gặp chúng tôi trước khi chúng tôi tới Đàng Trong. Mà vì ông sợ bị đẩy lui ở biên giới do chiến tranh giữa hai chúa, nên tất cả đã vác theo bị lúa giả vờ đem đi bán. Thiên Chúa đã ban cho họ được dễ dàng gặp chúng tôi ở nơi họ đã trù tính và được chịu ơn lành, họ đã sốt sắng mong mỏi và đã từ xa tìm đến với rất nhiều nghị lực.
Thế là chúng tôi tới biên giới hai xứ, giữa tỉnh Nghệ An và tỉnh Bố Chính, ở đây phải sang thuyền, vì thuyền đem chúng tôi tới đây không đủ vững để chịu sóng và cồn. Và vì các quân binh đưa chúng tôi đến đây phải chèo thuyền trở về kinh thành, thì có một phần trong bọn xúc động khi nghe giảng về đạo thật trong mười lăm ngày đường, nhất là chừng mười bảy hay mười tám người nói với chúng tôi: (họ nói) cha thường cho chúng tôi hiểu chỉ trông được cứu rỗi trong đạo của cha và nhờ phép rửa. Vậy ở đây có nước, xin cha rửa cho chúng tôi trước khi chia tay. Chúng tôi trả lời là nếu họ hết lòng tin Thiên Chúa thật và Đấng Tạo Hóa thật dựng nên trời và đất và Con Người là Đức Giêsu Kitô đấng cứu chúng tôi, đã lấy máu mình mà chuộc chúng tôi, theo những điều chúng tôi đã rao giảng và nếu họ sẵn sàng bỏ hết mê tín dị đoan hư vô và không còn cúng tế tà thần chỉ là thần giả tạo, thì chúng tôi cho chịu phép rửa. Họ bằng lòng xưng đức tin và hứa theo những điều chúng tôi đã giảng dạy, thế là chúng tôi rửa tội cho họ ở bên bờ và biên thư giới thiệu với các bổn đạo cũ ở kinh thành nơi họ trở về và họ đã ra về sung sướng và giàu có hơn lúc trẩy đi.
Chương 29: QUÃNG HÀNH TRÌNH CÒN LẠI VÀ VIÊN THUYỀN TRƯỞNG THEO ĐẠO
Vào chính tuần thánh, người ta sửa soạn một tàu khác để đưa chúng tôi tới tỉnh Bố Chính (vì chúng tôi ở giữa một nước hư đốn và ngoại đạo) nên không dễ gì làm các nghi lễ bề ngoài để ghi nhớ sự thương khó Chúa Cứu Thế. Khi mọi sự đã được chuẩn bị rồi thì vào khoảng ban đêm trước lễ Phục Sinh có gió thuận nổi lên, thế là chúng tôi căng buồm trẩy đi cùng viên thuyền trưởng và sáu quân binh ông giữ lại. Chúng tôi đã năn nỉ ông, trước khi quyết định cho tàu khởi hành, thì đừng làm lễ cúng tế dị đoan lương dân thường làm để cầu cho gió thuận sóng yên, nhưng chỉ tin tưởng vào Đức Chúa cai trị đất và biển, Đấng mà mọi sóng gió phải vâng lệnh. Hình như ông tin lời chúng tôi. Nhưng gió thuận lúc đó giục ông trẩy đi, thì sau đó một ít lại đổi thành một trận bão lớn làm đổ sóng hung dữ đánh chiếc tàu va vào cồn. Thế là ông thịnh nộ và nổi cơn sóng gió. Ông chưa dám oán trách chúng tôi và đánh thức chúng tôi dậy (vì biết trong lúc đó chúng tôi ngủ), nhưng ông giận Inhaxu đã khuyên ông khi ra khỏi bến chớ theo tục dị đoan lương dân ngoại đạo. Lửa giận cũng bốc cao vì ông để ý tới vị thần ở trên mỏm núi ngay trước mặt tàu chúng tôi đậu, ông tưởng vị thần này đã gây ra cơn bão táp hành hạ tàu chúng tôi, để phạt về tội ông sao nhãng không cúng tế. Ông giận đến nỗi ông đe giết Inhaxu và ném xuống biển. Những lời đe dọa nặng nề và gay go ấy đã đánh thức chúng tôi dậy và chúng tôi cố gắng làm dịu cơn tức giận. Sau khi trách nhẹ ông đã nhổ neo trẩy đi mà không đánh thức chúng tôi dậy và để cho chúng tôi có phương tiện cầu khẩn Thiên Chúa cho đi biển bằng yên, thì chúng tôi cam đoan với ông là sóng sắp lặng và gió sẽ yên. Thế rồi chúng tôi khấn thánh Lorensô quan thầy, xin ngài ban cho yên lặng. Vừa đọc xong một kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng thì gió ngừng và trời thanh mây tạnh, một ngọn gió dìu dịu và thuận lợi bắt đầu thổi từ phía đền thần làm cho thuyền trưởng nguôi giận và san phẳng làn sóng nhè nhẹ đưa chúng tôi cập bến. Viên thuyền trưởng sung sướng thấy sóng gió dữ dằn thay đổi đột ngột, ngoài sức tưởng tượng và giữa lúc ông ngại xảy đến một tai họa ông cho là ghê gớm tột bực không tài nào thoát khỏi. Thế là ông quyết định xin theo đạo có Đấng Thiên Chúa được thờ phượng như Đấng cứu giúp bầy tôi gặp nguy khốn. Chúng tôi không trì hoãn, vì ông không cần phải biết hơn những gì ông đã học được trong suốt cuộc hành trình, lại là người lương tri và thông tinh hán học. Sau khi để cho sáu quân binh chịu phép rửa, những người này cũng được những tâm tình như ông và cũng được chuẩn bị đầy đủ như ông, thì đến lượt ông công khai chịu phép thánh tẩy và được gọi là Augustinô.
Việc trở lại xảy đến vào dịp này, đúng vào cuối cuộc hành trình, thật là một việc kỳ diệu Thiên Chúa thương ban cho viên thuyền trưởng và là một dấu tỏ ra Thiên Chúa quan phòng đối với chúng tôi. Nếu chúng tôi bị đày vào xứ này, thì chẳng lợi gì cho giáo dân Đàng Ngoài cũng chẳng ích gì cho các cha dòng chúng tôi ở Đàng Trong. Chúng tôi còn sợ chúa Đàng Trong lợi dụng cơ hội này để trục xuất các cha dòng ra khỏi xứ ngài. Augustinô (từ khi trở lại thì sẵn sàng nghe theo ý kiến chúng tôi) có lệnh phải trao chúng tôi cho quan cai trị tỉnh Bố Chính để quan này đưa chúng tôi tới Đàng Trong và chuẩn bị cho chúng tôi rút về Macao trong tàu người Bồ. Chúng tôi liền xin ông thuyết phục quan tỉnh nói trên để chúng tôi tự do tìm kiếm tàu theo ý chúng tôi và không đưa chúng tôi tới Đàng Trong nơi người ta được biết năm vừa rồi không có một chiếc tàu nào của người Bồ. Augustinô ngoan đạo đã khôn khéo làm như lời chúng tôi xin.
Viên quan này là một người rất có thế giá vì rất thanh liêm trong việc tòa án của tỉnh, ông đã tới bát tuần, không những ông đối xử rất lịch thiệp lại còn rộng rãi chịu hết chi phí trong thời gian chúng tôi ở tỉnh ông. Chúng tôi muốn tỏ lòng biết ơn thì muốn tặng ông một của quý giá hơn hết các phẩm vật, đó là việc học giáo lý Kitô giáo. Chúng tôi còn đưa cho ông bản chữ viết bằng hán tự mà ông rất tinh thông.44 Nhưng ông chối ơn Thiên Chúa ban cho ông và chết sáu tháng sau trong ngoại đạo, tỏ ra không xứng được đặc ân Thiên Chúa ban cho. Cũng xảy ra như vậy đối với người chứa trọ chúng tôi, nơi chúng tôi được mọi dễ dàng. Ông này cũng đã có tuổi, ông không cho là xấu khi bằng lòng cho vợ cũng đã có tuổi và người con gái của nàng hầu trở lại đạo, còn ông, ông không muốn cắt đứt liên hệ kết tình điên dại cầm giữ ông từ mấy năm nay. Ít lâu sau, ông chết trong tội và sai lầm.
Chương 30: TỪ BỐ CHÍNH CHÚNG TÔI TRỞ VỀ NGHỆ AN
Trong khi thuyền trưởng làm xong công tác và trở về kinh thành với thư giới thiệu cùng giáo dân tân tòng để họ nhận biết ông, thì chúng tôi không nhàn rỗi ở nơi chúng tôi dừng lại. Chúng tôi giảng ở chốn phố phường và ở bãi biển, có hai mưoi nhăm lương dân nghe lời giảng và trở lại đạo, trong số đó có một ông cử tinh thông hán học, chúng tôi viết các kinh công giáo trao cho ông để ông dạy giáo dân tân tòng trong tỉnh và chuyên chú giáo huấn họ. Từ tỉnh này chúng tôi nghĩ là có ích hơn nếu chúng tôi trở về Nghệ An, chúng tôi mới bỏ trước đây.
Nhà thứ nhất chúng tôi ở là nhà hai giáo dân sốt sắng, Phêrô và Anrê. Hai ông rất nhiệt thành chinh phục tất cả đồng hương và hết sức chuẩn bị tinh thần cho mọi người, đến nỗi chúng tôi không còn phải vất vả thêm lời giảng dạy, chúng tôi rửa tội cho một trăm mười hai người trong ba ngày cư trú ở đây. Rồi từ đây chúng tôi kéo thẳng tới bến chính của tỉnh gọi là Rum nơi ở của quan tỉnh niềm nở tiếp đón chúng tôi. Nhưng dân ở đây vì biết chúng tôi bị đày và vì tin đồn là vì chúng tôi mà không có mưa, nên họ không ưa chúng tôi, đến nỗi chúng tôi khó tìm được người chứa chấp chúng tôi. Nhưng Thiên Chúa không bỏ con cái Người, Người xóa bỏ những gì dân xứ này sợ hãi vì chúng tôi bằng một trận mưa lớn sau khi chúng tôi vừa tới, làm cho họ rất mực vui mừng. Thế là viên quan để chúng tôi tự do giảng lời Thiên Chúa và cho giáo dân các vùng lân cận dễ dàng đến nghe. Họ không còn sợ, họ chạy đến chúng tôi khi biết chúng tôi được quan tỉnh bảo vệ và săn sóc che chở. Chúng tôi càng được trọng đãi nhân cơ hội có nhật thực. Chúng tôi đã nói trước rõ ràng về bốn giờ bốn ngày trước khi xảy ra, chúng tôi trình bày hình ảnh và tỏ rõ cho quan tỉnh với những chi tiết theo sau. Ông rất khoái trá vì thấy đã xảy ra đúng như những chỉ dẫn của chúng tôi. Vì thế ông rất quý mến chúng tôi và từ đó ông bênh vực chúng tôi ở các nơi, chống lại những kẻ chê trách chúng tôi hoặc phản đối giáo lý của chúng tôi. Ngoài ra ông còn dùng lý lẽ này, ông nói, nếu họ tiên đoán rất chắc chắn và xác thực về những bí mật trên trời và các tinh tú chúng ta không biết và vượt quá khả năng của chúng ta, thì phải tin rằng họ không lầm trong sự nhận biết đạo Chúa trời đất và những chân lý họ rao giảng, mặc dầu những chân lý ấy rất xa lạ đối với tâm trí chúng ta và không dễ cho ta am hiểu?
Thực ra những biệt đãi chúng tôi nhận được nơi viên quan tỉnh này và sự chuẩn ý giáo lý của chúng ta đã làm cho chúng tôi đựơc trọng kính nơi đa số người ở đây, vì thế rất đông dân kéo đến xin học biết đức tin và đạo chúng tôi giảng, đến nỗi trong thời gian lưu đày chưa được tám tháng tròn, chúng tôi đã rửa tội hơn sáu trăm giáo dân tân tòng, không kể những người đã trở lại chịu phép rửa tội vì khẩn cấp do các thầy giảng. Lòng nhiệt thành của thầy Inhaxu không bao giờ rời chúng tôi, đã giúp không ít vào việc sửa soạn tâm thần kẻ trở lại đạo. Vì thầy rất khôn khéo và rất tinh thông các giáo phái Đàng Ngoài, nên thầy đã soạn bằng tiếng bản xứ một bản ca bằng thơ lưu loát và cung giọng du dương, 45 trong đó thầy chế nhạo và giễu cợt hết các sai lầm và mê tín dị đoan, thành thử sau khi đã chinh phục được bằng giọng thánh thót dịu dàng thì cuối cùng làm cho người ta bỏ dị đoan mà học giáo lý đạo ta. Thế nhưng có những lương dân rất sùng mê tín, họ giận dữ thấy dị đoan bị chế nhạo và bác bỏ nhưng cũng không thể trách chúng tôi hay thầy Inhaxu không thuộc quyền họ vì thầy sinh ở nơi khác, thế là họ đổ tất cả cơn giận trên đầu người chứa trọ chúng tôi đã trở lại đạo. Họ vận động và dùng uy lực để làm hại ông, họ tịch thu hết gia sản của ông, làm cho ông phải rời bỏ quê quán ra đi cùng bà vợ, nhưng ông chịu đựng rất kiên trì và quý mến đạo, ông chịu bắt bớ vì đạo vậy.
Chương 31: TRONG CƠ CỰC VÀ NGHÈO TÚNG NƠI ĐÀY ẢI, THIÊN CHÚA NHÂN LÀNH CHE CHỞ CHÚNG TÔI THẾ NÀO
Thù địch biết rõ tin về sắc lệnh trục xuất chúng tôi, không cho chúng tôi cư trú ở tỉnh thuộc về xứ Đàng Ngoài này. Họ tung tin là hết những ai cho chúng tôi trú ngụ thì bị khép vào trọng tội và bất tuân sắc lệnh chúa và sẽ bị phạt tịch thu tài sản và đó mới chỉ là hình phạt nhẹ hơn cả. Nhưng giáo dân chịu đựng một cách vui vẻ lạ lùng, họ coi là có phúc chịu mất mát thiệt thòi để được cứu rỗi, họ quý trọng vinh quang danh nghĩa giáo dân hơn gia sản tiêu tán của mình. Tuy nhiên để tránh tai họa chúng tôi có thể gây cho họ và nỗi cơ cực họ phải chịu làm cho chúng tôi động lòng thương xót, lại thấy những bắt bớ chúng cố tình theo đuổi để gieo đau khổ cho chúng tôi, đến nỗi họ cầm đá ném chúng tôi và ném vào nhà chúng tôi ở, nên chúng tôi quyết định rời thành phố và lui về một chiếc thuyền nhỏ đậu trên sông, chịu đựng nhiều bất tiện về nơi, về mưa gió và nhất là về thiếu lương thực. Mặc dầu lúc từ Macao trẩy đi, chúng tôi đã đem theo tiền của cần dùng cho một năm, thế nhưng chúng tôi đã cư trú ba năm ở Đàng Ngoài, dù chúng tôi rất tiết kiệm, chúng tôi cũng đã tiêu hết với tất cả số chúa đã ban. Chúng tôi không muốn để giáo dân chịu, cũng chẳng muốn xin của bố thí mà họ rất vui lòng cho, họ sẵn sàng khoét mắt đem dâng cho chúng tôi nếu chúng tôi xin, như vậy để cho họ xác tín rằng chúng tôi đến tìm các linh hồn chứ không tìm kiếm của cải. Điều này làm cho họ rất cảm phục và dùng làm minh chứng về tình yêu thương vô vị lợi chúng tôi đem tới để cứu vớt họ, để thuyết phục giáo dân nhận thấy nhân từ và thánh thiện của đạo ta và chân lý đức tin chúng tôi rao giảng.
Tuy nhiên để cho họ không bị thiệt thòi vì không được thi ân thi phúc thì chúng tôi khuyên họ gửi về chủng viện chúng tôi46 đã lập để bảo dưỡng các thầy giảng thuộc người nước họ, những của cải họ muốn dâng chúng tôi. Chúng tôi cũng cho họ biết là chúng tôi chờ Macao đem viện trợ đến cho chúng tôi sinh sống. Thực ra giáo dân rất rộng rãi đã cho nhiều tiền của đến nỗi có thể nuôi tới một trăm thầy giảng. Các thầy đã bỏ hết để tự nguyện hy sinh phụng sự Thiên Chúa và Giáo hội, các thầy đã thu được những kết quả vô giá, ngày nay các thầy đã và còn là những trợ lực, đồng sự và tay phải của chúng tôi trong cùng một chí hướng chinh phục các dân ở đây. Thế nhưng chúng tôi rơi vào tình trạng cơ cực quá mức và rất nguy hiểm nếu chúng tôi còn ngoan cố không muốn nhận để giáo dân viện trợ về sinh sống. Chúng tôi quyết định sai thầy Antôn cầm thư đến gặp giáo dân Kẻ Chợ, cho họ biết cảnh quẫn bách chúng tôi đang chịu, chỉ vì tàu ngừơi Bồ chậm tới và chúng tôi đợi từ hai năm nay. Do đó chúng tôi bị dồn vào sự thiếu thốn tột bực, chúng tôi xin họ của ít lòng nhiều giúp chúng tôi hoặc bằng của cúng dâng hoặc của cho vay cho tới khi thương gia Bồ tới. Antôn vội vã cầm thư và đến gặp không phải những người giàu mà là những người đạo đức trong cộng đồng giáo dân mà thầy biết rõ. Được tin chúng tôi lâm cảnh cơ cực, họ động lòng thương chảy nước mắt. Họ nhanh chóng gom góp chung nhau được chừng hai mươi đồng êcu đưa cho thầy Antôn cầm về cho chúng tôi, để gọi là dùng vào việc cấp cứu trước đã, trong khi họ sửa soạn tự nguyện đến thăm chúng tôi và đem thêm tất cả những sự cần dùng cho chúng tôi. Trong dịp này có một bà đạo đức tên là Monica, giàu có về bác ái hơn là về của cải, bà làm hơn tất cả những người khác vì bà gửi cho chúng tôi mười đồng êcu để cứu giúp chúng tôi, bà tự bóc lột của bà để viện trợ cho sự nghèo khổ của chúng tôi.
Mặc dầu Antôn đã mau lẹ và nhanh chóng đem viện trợ của giáo dân Kẻ Chợ về cho chúng tôi, nhưng trước khi thầy về tới, thì chúng tôi bị dồn vào một tình trạng rất thảm thương vì mùa này là mùa mưa lũ và bão táp lớn làm rung chuyển và lay động chiếc thuyền đã quá cũ và nước tràn vào tứ phía làm cho chúng tôi không thể sống trên sông mà không có nguy cơ hiển nhiên chết rét. Hơn nữa, lương dân hết sức hành hạ chúng tôi, họ thường ném đá vào chúng tôi, thách thức và chửi bới cảnh cơ cực của chúng tôi. Thế nhưng không có giáo dân nào dám cho chúng tôi trú ngụ trong nhà vì sợ những khốn đốn lương dân đe dọa, chúng cố kết hãm hại chúng tôi. Điều này đánh động lòng thương của một người nghèo khó nhưng là giáo dân đạo đức tên là Simêon. Ông có một túp lều ở chân núi, ông muốn dâng cho chúng tôi, ông không có của cải gì mà sợ mất, nếu bị lên án vì chứa chấp chúng tôi trong túp lều nhỏ bé. Chúng tôi nhận, còn ông và cả gia quyến thì tìm cách đi ở chỗ khác trong một thời gian. Ông hiên ngang vì đã mua được công phúc lớn lao và quý hóa bằng một bất tiện nhỏ mọn ông chịu.
Chương 32: ĐƯỢC TIN CÓ TÀU NGƯỜI BỒ MỚI TỚI, CHÚNG TÔI THOÁT CẢNH ĐẦY ẢI
Đã qua đi mười lăm ngày kể từ khi thầy Antôn trẩy đi kinh thành. Khi thầy trở về đem của giáo dân bố thí và một thư của cha Gaspar d'Amaral 47 thuộc dòng chúng tôi, cha tới cùng tàu người Bồ đậu ở bến tỉnh Nghệ An nơi chúng tôi đang có mặt. Chúng tôi hằng nhận thấy một dấu hiệu đặc biệt của lòng nhân lành và sự quan phòng của Thiên Chúa. Để yên ủi và nâng đỡ chúng tôi Người đã chỉ đường dẫn lối cho chiếc tàu đến cái bến hẻo lánh này, trước đây chưa bao giờ và sau này không bao giờ có tàu ngươi Bồ tới, vì bất an toàn và quá xa kinh thành. Tin mừng này làm cho lòng chúng tôi đầy tràn hoan lạc và làm tiêu tan hết những cơ cực đã qua, chúng tôi ra khỏi túp lều ông già Simêon tốt lành đã cho chúng tôi mượn và đi thẳng tới tàu vừa cập bến. Đựơc gặp các cha chúng tôi từ rất lâu và rất mong ước chờ đợi, chúng tôi ôm nhau thân thương và mắt nhỏ lệ, giòng châu đôi bên chan hòa. Ngày còn lại là một phần ban đêm chúng tôi hỏi tin tức các cha và tin tức thế giới, từ ba năm nay chúng tôi không nghe nói tới, không biết mất còn ra sao! Vì chúng tôi đã ở gần tám tháng mà không dâng thánh lễ bởi thiếu nguyên liệu nên vừa chỗi dậy ban sáng, chúng tôi xin người Bồ dọn một nơi sạch sẽ trong tàu, chứ bên ngoài không có, để chúng tôi dâng thánh lễ. Họ đã làm theo và đó là vào ngày lễ thánh Simon và Giuđê 48, chúng tôi sung sướng dùng bánh hằng sống và thỏa lòng đói khát và thèm muốn tột bực từ rất lâu mong mỏi.
Ít ngày sau chúa sai một hoạn quan đem giấy thông hành để đưa tàu và các thương gia người Bồ tới kinh thành. Họ làm khó dễ cho chúng tôi muốn đi theo vì sắc lệnh trục xuất chưa bị huỷ. Nhưng người Bồ nhất định từ chối nếu chúng tôi không đi cùng mấy cha họ đem theo. Sau cùng viên hoạn quan phải chịu, mặc dầu chưa có lệnh của chúa, để chúng tôi trở về kinh thành, nơi từ chừng tám tháng nay chúng tôi bị trục xuất.
Đồng thời thầy Anrê rất sốt sắng và tay thợ không mệt mỏi của giáo đoàn mới Đàng Ngoài, thầy nóng lòng sốt ruột muốn gặp lại chúng tôi kể từ khi chúng tôi xa vắng. Khi chúng tôi trẩy đi thì thầy đau bệnh ở lại Kẻ Chợ, thầy tới thăm chúng tôi ở nơi đày ải và cùng giúp chúng tôi trong những việc chúng tôi giao cho thầy. Nhưng khi thấy chúng tôi ngược nơi thầy xuôi xuống, tức thì thầy trở gót về kinh thành, tới đâu thầy cũng làm việc và sốt sắng dạy dỗ để đến thời đến lúc sẽ sinh hoa kết trái. Trong cuộc hành trình này Thiên Chúa ban cho thầy có dịp tốt đẹp để kiên tâm chịu đựng. Số là trên quãng đường thầy không ngờ hơn cả, thầy bị quân gian cầm gậy đón đánh đập thầy rất tàn nhẫn (không biết ai đã xúi đẩy họ nếu không là ma quỷ). Thầy bị thương nhừ tử và như chết nằm tại chỗ. Sau đó thầy chỗi dậy và sau khi đã cầu nguyện cho những kẻ hành hạ mình, thì thầy tiếp tục lên đường, đau đớn, khắp mình đầy vết thương, nhưng tâm hồn đầy vui sướng vì thấy mình xứng đáng chịu một sự gì vì lòng mộ mến Thiên Chúa.
Còn thấy Inhaxu đã theo chúng tôi, thầy vội vã đi suốt mấy ngày dài để về kinh thành đến trước chúng tôi và loan báo cho giáo dân tin mừng chúng tôi trở về, và nhất là theo lệnh chúng tôi, cấm không được tỏ vui vẻ ra bề ngoài và nơi công cộng có thể làm cho lương dân phật ý và muốn hãm hại chúng tôi, và phải giữ gìn hết sức trong buổi gặp gỡ đầu tiên. Đây là một chỉ thị quan trọng và thiết yếu để kiềm chế niềm vui quá khích lôi cuốn họ để tỏ lòng quý mến chúng tôi. Thực ra mặc dầu họ nhận chỉ thị nhưng không sao giữ nổi niềm vui sướng nồng nàn quá đáng để tiếp đón chúng tôi và thông cho nhau tin mừng chúng tôi trở lại. Họ cảm tạ Thiên Chúa đã đưa chúng tôi về để làm ích cho họ và yên ủi họ.
Chương 33: CHÚNG TÔI LẠI THỪA HÀNH CHỨC VỤ TRONG KINH THÀNH
Mặc dầu chúng tôi trở lại kinh thành, nhưng không bao giờ chúng tôi được đến gần chúa vì mưu mô và ác ý của các hoạn quan, chúng là những người canh gác thường nhật các cung phi và phủ chúa, chúng không cho chúng tôi lại gần. Nhưng hoặc là chúa cho phép hoặc là ngài dung thứ, nên chúng không thể ngăn cản chúng tôi tiếp tục thừa hành chức vụ như trước khi chúng tôi bị đày. Chúng tôi làm hết các việc thông thường như dạy giáo lý, rửa tội và giải tội cho giáo dân. Lương dân cũng gây một chút xôn xao nhất là về việc giải tội cho nữ giới. Họ không chịu để chúng tôi thừa hành trong thầm kín, mặc dầu là ở nơi công và trước mặt mọi người, và giữa họ với chúng tôi (theo tục lệ) vẫn có tấm phên ngăn cách. Có lần chúng tôi không thể ngăn cấm lính mà không làm xôn xao, chúng vào nhà thờ và tới gần tòa giải tội để nghe trong thầm kín của phép giải tội. Để tránh khó khăn, chúng tôi bàn nhau dùng hai nhà liền kề của giáo dân, trong một nhà để cho phái nữ tới xưng tội, còn chúng tôi thì ở trong một nhà thứ hai để nghe xưng tội. Tuy nhiên lương dân còn giận dữ vì thấy số rất đông tân tòng và người chầu nhưng mỗi ngày kéo đến để học giáo lý và chịu các phép bí tích. Chúng tôi nhất định dựng một nhà thờ mới xa chỗ chúng tôi ở chừng hơn hai dặm để cho giáo dân và chầu nhưng chia nhau ra. Thành thử lại thêm nhiều vất vả cho chúng tôi, nhưng có thể nói là cứu chúng tôi khỏi bị lương dân bắt bớ và ghen ghét.
Thực ra từ khi chúng tôi trở lại kinh thành, lòng nhiệt thành và sốt sắng của giáo dân tân tòng vươn lên rất cao trong mọi sự, nhất là để đến gần các phép bí tích giải tội và rước lễ. Chúng tôi không sao làm thỏa mãn hết được, nhiều khi chúng tôi thức suốt mấy đêm ngồi tòa. Họ rất ân cần chuyên chú làm việc này và sửa soạn lương tâm rất cặn kỹ đến nỗi nếu có khiển trách họ về một lỗi nào dù không trầm trọng hay đáng phạt, thí dụ đã quên sót hay nhỡ ăn thịt ngày thứ sáu hay ngày thứ bảy, thì họ chẳng dám đi ngủ trước khi đã đi xưng tội. Còn về việc rước lễ khi chúng tôi xét họ có đủ điều kiện chịu thì trong mấy ngày họ dọn mình tỉ mỉ kỹ lưỡng với lòng mộ mến, ước ao và làm việc thiện một cách rất nhiệt thành. Còn chúng tôi, để giúp họ luôn nhớ đến bữa tiệc thánh và con Chiên vô tội họ được phúc ăn ở bàn thánh, thì chúng tôi phát cho họ mỗi người một ảnh Chiên Thiên Chúa bằng sáp thánh bọc lụa họ đeo ở cổ. Vì không đủ cho mọi người, nên bà Catarina, em gái của chúa (đã nói ở trên) đã tự tay làm rất khéo, không kém những ảnh chúng tôi đem từ Macao tới hay từ Au Châu. Nhất là chúng tôi vui sướng thấy họ sốt sắng tôn kính sự thương khó Chúa Cứu Thế. Thực vậy chúng tôi thường quan sát thấy không bao giờ họ tìm ngắm ảnh thánh giá mà không đổ giòng lệ châu do lòng sốt sắng mộ mến để chảy ra trong khoé mắt. Họ cũng rất nhiệt tâm và kiên trì đi dự thánh lễ, khi có, cả vào những ngày trong tuần. Còn ngày chủ nhật những kẻ ở xa kinh thành chừng ba hay bốn dặm, họ bỏ nhà ra đi từ rất sớm để tới đúng giờ dự thánh lễ và nghe giảng. Sau đó họ trở về mà không bồi dưỡng thân xác, nhưng tinh thần thì no nê lời Thiên Chúa và mạnh mẽ nhờ ơn Người. Còn những kẻ ở xa kinh thành quá, ban sáng không thể tới đúng giờ để dự thánh lễ thì họ ra đi từ chiều thứ bảy sau cơm tối và chỉ trở về ngày chủ nhật sau khi đã làm hết các việc đạo đức. Chúng tôi dâng thánh lễ và giảng rất muộn để tiện cho những người ở xa kinh thành tới cho kịp. Còn những người ở kinh thành và những người khác đến nhà thờ từ sáng sớm thì họ đọc kinh và nguyện ngắm suốt mấy tiếng đồng hồ trước thánh lễ.
Việc đạo đức này đã thành thói quen trong khắp xứ Đàng Ngoài, nơi có giáo dân mà không có thánh lễ thì họ sốt sắng dùng thời giờ đó để đọc kinh cầu nguyện và nếu không thể hội nhau để làm chung được thì họ làm trong nhà tư, cả gia đình hội nhau, hoặc một mình khi đi xa ở chốn thôn quê hay ở ngoài biển khơi. Họ rất nghiêm túc trong tất cả những gì thuộc về việc đạo đức và để nhớ những ngày lễ và ngày chủ nhật, họ đã tìm cách soạn một cuốn lịch ghi nhớ các ngày lễ và ngày chay trong năm. Các thầy giảng đem đi in ở kinh thành rồi phát cho khắp xứ. 49
Chương 34: MA QUỶ PHIỀN NHIỄU GIÁO DÂN THẾ NÀO 

Trong kinh thành có một nữ giáo dân tên là Monica, ngoan đạo, nhưng trước khi chịu phép rửa, đã theo mê tín pháp thuật và làm nghề gọi cô hồn. Bà thường bị ma quỷ ám và giãy giụa rất kinh khủng làm cho chồng hoảng sợ. Ông này không dám xưng mình là chồng mà trọng kính tự xưng là dưỡng phụ, như thế bà là con gái một hoàng tử trao phó cho mình để mình bảo dưỡng. Chúng tôi hằng nhắn nhủ bà cũng như những người khác xưa kia dấn thân làm tôi ma quỷ, phải đề phòng tên địch thủ ghê gớm nó không quên rình mò để cướp đoạt của Thiên Chúa và cố gắng hết sức để chiếm lại địa vị Đức Kitô đã lấy của nó và để trở lại nhà cũ, sau khi đã được dọn dẹp và rửa sạch hết rác rưởi. Muốn vậy chúng tôi dặn bà không bao giờ ra khỏi nhà mà không làm dấu thánh giá và lấy nước phép. Có một lần bà quên không làm, thì vừa ra tới phố, ma quỷ liền nhập vào thân xác, vật bà ngã xuống đất làm bà run rẩy rất kỳ dị đến nỗi từ đôi mắt bắn ra tia lửa giận dữ và đe dọa. Chồng bà là Gioan rất ngoan đạo, được mấy người công giáo giúp, đã dùng sức lực dìu bà về tới nhà (vì ma quỷ còn tiếp tục hành hạ bà). Người ta mời tôi đến làm phép trừ tà và xua đuổi ma quỷ. Tôi đã tới làm và sau khi nhân danh Thiên Chúa tôi khiến nó để cho Monica nghỉ ngơi và khoáng đạt tâm thần, tôi cũng chưa hỏi xem người bị quỷ ám có muốn xưng tội hay không, thì ma quỷ đã không chịu được lời lẽ đó, nó tự rút lui ngay và bỏ không còn chiếm đoạt như trước đây đã bất công lấy lại. Thế là Monica dịu dàng trả lời là rất ước ao được rửa sạch linh hồn bằng phép giải tội, làm hòa cùng Thiên Chúa, lại từ bỏ hết mọi giao du với hỏa ngục mà trước đây bà vẫn theo, và từ đó bà hoàn toàn thoát khỏi tà ma quỷ dữ.
Nhưng ma quỷ đã bỏ Monica và Thiên Chúa không cho nó quyền nhập vào một gia nhân nào của Gioan thảy đều là giáo dân, thì nó đi nhập vào một người tân tòng còn trẻ vẫn kể là lương dân vì chưa chịu phép rửa, ông này có họ với Gioan và lúc đó đang ở trong một gian khác trong nhà này. Anh bắt đầu run rẩy ghê sợ và có dấu hiệu rõ rệt bị quỷ ám. Người ta đem tới chúng tôi để chúng tôi dùng thuốc trừ tà chữa cho khỏi. Nhưng Thiên Chúa không muốn cho thuốc đó có hiệ lực, trước khi chưa chịu phép thánh tẩy, do đó chỉ sau khi đã chịu thì được thoát khỏi nơi thân xác và linh hồn thì được thoát khỏi Satan. Một giáo dân người ngoại quốc trước kia làm tôi tớ cho một người Bồ. Hắn đã trốn và không phục vụ chủ nữa, nay sống giữa lương dân, không những hắn bỏ đạo mình mà còn công khai tin theo tà giáo và mê tín dị đoan. Nhưng do phán xét công bằng của Thiên Chúa, hắn bị Satan ám ảnh, bị tên bạo chúa hung ác hành hạ dữ dằn đến nỗi cả lương dân cũng ghê sợ và động lòng thương hại. Họ liền dẫn hắn từ nơi thôn xã hắn trú ngụ tới kinh thành để giao vào tay chúng tôi. Được mời tới nhà một lương dân hắn được đưa tới đó, chúng tôi thấy hắn nằm sóng sượt bị ma quỷ hành hạ rất ghê gớm, mắt thì nó bắt nhắm chặt đến nỗi không thể mở mí được. Trong tình trạng này hắn còn quyết chắc là hắn thấy một con ma thân hình vạm vỡ kinh khủng bước qua mái nhà hắn đương nằm. Chúng tôi dùng nghi thức trừ tà thông thường và khuyên bảo hắn xưng tội. Hắn nghe theo và ngay sau đó, hắn thong dong mở mắt và được thoát khỏi quỷ ám.
Tôi thêm ở đây một điều đáng ghi nhớ về một giáo dân ngoan đạo tên là Isave Thiên Chúa cho phép ma quỷ ám, không phải để phạt tội mà để luyện nhân đức và thêm công phúc. Số là xưa kia bà rất sùng tà đạo, trước khi bà trở lại tin Đức Kitô, và để thưởng lòng nhiệt thành của bà và sự sốt sắng nồng nàn tin dị đoan và thờ ma quỷ hơn tất cả những người khác cùng niềm tin dị đoan như bà, thì ma quỷ luôn hành hạ bà rất dữ dằn và rất hung ác. Thế là bà quyết định từ bỏ các chủ đó, đúng hơn các bạo chúa đã không biết cách thưởng công việc phục vụ bà làm. Bà đã trở về tinh theo đạo Kitô và học được những đức tính cao cả và những công phúc khôn sánh ở lớp giáo lý dạy ở nhà thờ chúng tôi. Thế là bà sốt sắng chịu phép rửa, nhưng chưa hoàn toàn thoát khỏi phiền nhiễu thông thường của ma quỷ. Thiên Chúa cho phép như vậy để làm cho chúng thẹn thuồng và để luyện nhân đức của bà Isave. Bà chịu đựng những khổ đau này cách rất kiên nhẫn và hoàn toàn vâng theo ý Thiên Chúa, làm cho ma quỷ phải khiếp sợ. Bà dùng thế lực kinh nguyện mà xua đuổi quỷ ra khỏi người khác, nhưng bà không thể hay đúng hơn chưa muốn xua đuổi ra khỏi thân xác bà. Điều này không ngăn cấm bà làm hết các việc đạo đức và bác ái. Bà đã đổi lòng nhiệt thành giả tạo đối với các tà thần, thành lòng sốt sắng mộ mến Thiên Chúa và đồng loại: không những bà đã thuyết phục được một mình chồng bà theo công giáo lấy tên rửa tội là Tôma và tất cả gia quyến, mà còn chinh phục được nhiều người khác, ở chính nơi thường trú của bà đối diện với kinh thành bên kia sông, cũng như trong quê hương bà là tỉnh Thanh Hóa; ở cả hai nơi bà dựng nhà thờ cho giáo dân sở tại hội nhau trong các ngày lễ để cầu nguyện và làm các việc đạo đức.
Chương 35: CHÚNG TÔI ĐÀNH PHẢI RA KHỎI ĐÀNG NGOÀI VÀ TRỞ VỀ MACAO
Giáo hội Đàng Ngoài đang ở trong tình trạng chúng tôi đã tường thuật cho tới đây. Chúng tôi đã hoạt động trong thời gian ba năm,50 với những thành công và bất trắc rất khác nhau. Tính ra được năm ngàn giáo dân và những hạt giống đức tin đã được gieo trong đa số các tỉnh, hứa hẹn trong tương lai một mùa gặt lớn lao và rất phong phú. Khi tàu của thương gia người Bồ sắp sửa trở về Macao (từ đó đã tới) thì chúa cho chúng tôi biết phải sẵn sàng trẩy đi cùng chiếc tàu đó. Thật là một tin buồn đối với chúng tôi và một sắc lệnh không thích hợp với những triển vọng đẹp đẽ nhất của chúng tôi, nhưng xét ra không thể làm cho chúa thay đổi, vì người ta làm khó dễ cho chúng tôi lại gần chúa và các hoạn quan trong phủ chúa không phục vụ tốt đối với chúng tôi nơi chúa, họ hằng xúi xiểm ngài không chịu để chúng tôi ở lại. Họ sợ chúa tin theo Kitô giáo và ruồng bỏ các cung phi, lúc đó họ không còn chức vụ và bỉ đuổi ra khỏi phủ.
Tuy nhiên, theo lệnh từ nơi chúa đưa ra, chúng tôi còn năm hay sáu ngày trước khi khởi hành, chúng tôi dùng để giải tội cho lương dân rất đông đến với chúng tôi, không để cho chúng tôi mỗi đêm một giờ để nghỉ ngơi đôi chút. Tất cả đều khóc lóc tỏ ra buồn khổ thấy chúng tôi một lần nữa bỏ ra đi không còn săn sóc họ: nhưng chúng tôi yên ủi họ hết sức có thể của chúng tôi, dựa trên hy vọng có tàu người Bồ sẽ đến và đưa các cha tới.
Một điều làm cho chúng tôi áy náy. Chính các thầy giảng cũng bàn với chúng tôi. Số là có giáo dân mong cho các thầy lấy vợ trong gia đình mình, tưởng rằng qua sự thông gia với những người có khả năng dạy dỗ người khác, thì một của đáng lý phải thuộc của chung hết các giáo dân sẽ thành của riêng trong gia đình mình. Vì muốn làm tan ý định đưa tới sự đổ vỡ giáo đoàn của xứ này mà chúng tôi tìm một phương kế đưa ra thi hành đối với các thầy giảng, đó là bắt các thầy phải thề không được lấy vợ, ít ra cho tới khi có một số các cha tới xứ này để nâng đỡ giáo đoàn và săn sóc giáo dân. Các thầy đều đồng ý. Thế là ngày cuối cùng chúng tôi dâng thánh lễ cho giáo dân, lễ và rước lễ xong, ba thầy chính yếu là Phanchicô, Anrê và Inhaxu, trước mặt hết các giáo dân, quỳ gối, tay đặt trên sách Phúc âm, lần lượt thay phiên đọc lời thề gồm ba điểm, thứ nhất, để thong dong làm chức vụ thầy giảng và để tránh bận bịu về việc khác làm cho mình không thừa hành chu đáo chức vụ, thì các thầy không được tự liên kết bằng phép hôn phối với một người đàn bà nào cho tới khi có các linh mục mới đến nhận chức vụ dạy dỗ giáo dân. Thứ hai, các thầy không được giữ tiền bạc hay của cải riêng nào cho mình, những của bố thí của giáo dân cúng phải để làm của chung. Thứ ba các thầy phải vâng lời người của chúng tôi cắt đặt làm bề trên cho đến khi có các cha tới. Phanchicô bắt đầu và đọc lời thề cách rất sốt sắng và cung giọng kiên quyết đến nỗi làm cho giáo dân phải rơi lệ. Anrê và Inhaxu tiếp tục sau, cũng tỏ ra nhiệt tình như vậy. Chúng tôi cho kèm thầy Antôn từ lâu nay đã tự nguyện hiến thân phục vụ trong nhà chúng tôi và đã trung thành theo chúng tôi đi khắp các nơi để làm thầy trợ sĩ trong các việc thuộc vật chất, thầy cũng thề như ba thầy kia. Và có thể nói rằng từ đó giáo dân coi họ như cha và thầy vì rất kính trọng họ, còn họ, họ ăn ở nhân đức và làm gương tốt, rất có tín nhiệm trong giáo đoàn mới, đến nỗi không làm gì mà không có sự thỏa thuận và uy quyền của các thầy. Gương giảng dạy và đời sống tốt lành của họ đã thu hút được rất nhiều thanh niên noi theo, đến xin họ dạy dỗ và giúp mình trong chức vụ thiêng liêng và trần thế, làm thành một hội gần một trăm người 51 rải rác trong nước và đem lại nhiều kết quả khôn lường còn tồn tại cho đến ngày nay. Thiên Chúa muốn cho biết rằng thần linh Người thổi ở nơi nào Người muốn, Thần linh đã chọn các tông đồ và những người thừa hành chức vụ giảng Phúc âm nơi Người muốn được thờ phượng. Chúng tôi đã để lại nội quy và mệnh lệnh phải theo và họ hằng nghiêm chỉnh tuân thủ.
Thu xếp xong công việc này thì chúng tôi vĩnh biệt giáo dân. Chúng tôi để lại tất cả tình thương yêu đối với họ với những dặn dò lành thánh. Chúng tôi xin họ cầu nguyện vì những ơn huệ họ tự nhận là đã nhận được từ nơi chúng tôi. Họ vui lòng hứa cũng như từ hai mươi năm 52 nay họ hằng đọc kinh riêng cầu nguyện cho chúng tôi mỗi ngày sáng tối, trong nhà tư của họ và các ngày chủ nhật và ngày lễ, khi đọc kinh chung. Có mấy người ra trình diện và xin đi theo chúng tôi, nhưng chúng tôi chỉ nhận có thầy Phanchicô vì chúng tôi còn phải bàn luận với thầy về ích lợi của giáo đoàn này và mấy người khác, trên đường đi, những người này sẽ dẫn tôi tới nhà trọ, nơi họ đã chuẩn bị một số người xin chịu phép thánh tẩy.
Dọc đường, chúng tôi ngừng lại mấy nơi để giải tội và giúp việc linh hồn cho một ít giáo dân tân tòng. Trong số đó có người ngoan đạo Phaolô Ke Bo chúng tôi đã có lần nói tới, ông tỏ ra quý mến chúng tôi rất đặc biệt, cho chúng tôi cư trú trong nhà và chúng tôi đã rửa tội cho nhiều người. Ông cũng định trong tương lai dành một thửa đất để dựng một nhà thờ và một trụ sở cho các cha dòng chúng tôi.
Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi nhân tiện vào một thôn xóm gọi là Ke Bích ở ven biển, nơi đây chúng tôi gặp trong nhà Tôma và Isave, tám mươi người tân tòng đã thuộc giáo lý và chỉ đợi chúng tôi làm phép rửa tội cho. Cuối cùng sau khi đã đi qua các nơi và ban lời yên ủi và khuyên dụ thích hợp với hoàn cảnh, thì chúng tôi tới cửa bể gọi là cửa chúa, nơi đây có tàu người Bồ đang chờ chúng tôi và nơi đây phải ngừng lại một thời gian để cho giáo dân từ các miền lân cận kéo đến xin xưng tội cũng như chịu phép rửa tội. Chúng tôi đã làm phép thanh tẩy cho hai mươi hai người tân tòng, do hai giáo dân nhiệt thành và sốt sắng, Phaolô và Antôn từ kinh thành tới đây dạy dỗ và chờ chúng tôi đi qua. Từ đây chúng tôi sửa soạn lên buồm và phải từ biệt Phanchicô đã theo chúng tôi từ Kẻ Chợ. Thầy quá xúc động vì sự vĩnh biệt này, thầy khóc lóc và thương tiếc gục dưới chân chúng tôi. Thầy nài nẵng viện những lý do rất thánh thiện xin chúng tôi đưa thầy đi Macao để sống và chết trong dòng chúng tôi, nhưng chúng tôi cho thầy biết nhu cầu của giáo hội Đàng Ngoài cần đến thầy phải có mặt và săn sóc, thầy không thể bỏ mà không làm trái bổn phận và ơn gọi của thầy. Thế là thầy dịu dẫn nghe chúng tôi nói. Chúng tôi cho thầy tin chắc là rồi đây thầy sẽ được gặp các cha dòng chúng tôi trên đất Đàng Ngoài.
Chương 36: BỨC THƯ GIÁO DÂN ĐÀNG NGOÀI ĐỆ TRÌNH ĐỨC GIÁO HOÀNG URBANÔ 8
Tôi ghi ở đây nội dung bức thư giáo dân tân tòng của giáo hội Đàng Ngoài trao cho chúng tôi khi chúng tôi bỏ kinh thành để chuyển đệ tới đức giáo hoàng Urbanô VIII 53 vị chăn chiên tối cao của Giáo hội chung toàn thế giới, viết bằng chữ Đàng Ngoài, chúng tôi dịch sát ý ra tiếng latinh không thay đổi gì như sau:
"Chúng tôi thuộc đạo đức Giêsu Kitô, sấp đầu xuống đất tạ ơn Đức Chúa trời đất, dám dâng bức thư này lên đức giáo hoàng thay mặt Đức Giêsu Kitô ở dưới đất này.
Đức thánh cha nhiệt tình tôn kính Thiên Chúa đã truyền và sai các linh mục từ khắp cõi đất để chỉ đàng sự thật. Từ những thế kỷ đầu cho tới thời sau cùng đây, ánh sáng đạo thật chưa chiếu tới Đất Đông Kinh chúng tôi. Sau cùng vào thời chúng tôi, chúng tôi có phúc được đón hai cha dòng Chúa Giêsu từ Đại Tây dương, các ngài khinh thường sóng gió ghê rợn và bão táp kinh hoàng biển khơi, qua đàng rất hiểm trở, tới Nứơc chúng tôi và công bố đạo thật, khuyên bảo, giảng dạy, thuyết phục thế gian trọng kính và tôn thờ Chúa thật trời đất. Sau đó hơn năm nghìn người chúng tôi bằng lòng và tự nguyện theo đạo thánh và còn nhiều người nữa đang sẵn sàng theo. Mặc dầu chúa cai trị xứ này và mấy vị hoàng tử (không hiểu biết sự thật) phản đối các cha và ngoan cố chống đối, thế nhưng đạo các cha giảng không bị kết án. Còn phần chúng tôi, đầy tớ Đức Giêsu Kitô, chúng tôi kiên trì, không nản trong sự thật và quyết định kiên trung mãi mãi trong đức tin chúng tôi đã được. Và để củng cố và giữ vững ý ngay lành chúng tôi có, thì chúng tôi dâng lá thư này lên đức thánh cha như người cha chung các tín đồ, để xin cho nước chúng tôi được cứu giúp thuận lợi. Chúng tôi khẩn nài người đưa mắt nhân từ và đem lòng săn sóc của một người cha tới chúng tôi, mặc dầu chúng tôi còn thô thiển và vô lễ, chúng tôi quỳ dưới chân đức thánh cha, tin tưởng trông đợi và mong ước được các vị tiến sĩ Phúc âm, để qua giáo lý cao vời, tất cả dân trong nước chúng tôi, lớn bé đều bỏ sai lầm, vâng theo đạo thật, được thoát trầm luân đời đời và hưởng phúc ngàn thu.
Chúng tôi, quân binh Đức Giêsu Kitô, cúi đầu xuống đất, dâng bức thư này lên đức thánh cha, năm 1630" 54
Chúng tôi đã gửi bức thư này kèm theo một thư của chúng tôi viết tới cha Nuntiô Vitelleschi, bề trên Cả dòng chúng tôi, xin ngài đệ lên đức giáo hoàng nhân danh các giáo dân Đàng Ngoài, ngài đã làm như thư ngài viết cho chúng tôi vào năm 1633 như sau:
"Chính tôi đã đệ lên đức thánh cha bức thư giáo dân Đàng Ngoài viết, người đã nhận và tỏ ra rất vui mừng. Khi chúng tôi được người trả lời thì chúng tôi sẽ chuyển tới miền Đông phương. Đức thánh cha sẽ cho giáo dân nhiệt tình biết lòng yêu thương và săn sóc đặc biệt người thường ấp ủ họ và liên kết họ như Chúa chiên tối cao thương yêu và ấp ủ đàn chiên giáo hội công giáo…"
Thư trả lời nói ở đây dẫu sao nếu đã gửi, cũng chưa tới giáo dân Đàng Ngoài.
Chương 37: CÁC CHA DÒNG CHÚNG TÔI TRỞ LẠI ĐÀNG NGOÀI
Năm chúng tôi từ Đàng Ngoài trở về Macao là năm 1630. Ở đây chúng tôi gặp cha Anrê Palmier, sau khi đi thăm vùng truyền giáo ở Tàu thì cũng trở về Macao như chúng tôi. Được biết tình hình khu truyền giáo Đàng Ngoài, nơi rất nhiều giáo dân bị bỏ rơi vì không có linh mục, cha liền quyết định tìm hết phương cách để sai người đến khu vực truyền giáo này, trong khi giáo dân còn giữ lòng nhiệt thành thưở ban đầu. Mà vì cha Gaspar d'Amaral cũng vừa cùng về với chúng tôi, cha đã thành thạo về phong tục và năng khiếu của những người xứ đó, nên bề trên chỉ định ngài đi. Trước đây cha có ý hướng đi vùng truyền giáo Nhật Bản, đã rất tinh thông tiếng Nhật và đã mấy lần xuống tàu đi tới nhưng vô ích, cha luôn luôn bị ngăn cản bởi một bí ẩn nào đó của Thiên Chúa quan phòng dành một thợ rất tốt cho khu truyền giáo Đàng Ngoài. Vì cha nhận thấy rõ ràng Thiên Chúa gọi cha tới đó, nên cha vui lòng vâng theo lệnh và để tỏ ra có đủ khả năng, cha chuyên chú hết mình để học tiếng bản xứ, 55 cho tới lúc trẩy đi. Cùng đi với cha thì có cha Antôn de Fontes người Bồ đã làm việc sáu năm ở vùng truyền giáo Đàng Trong và lúc này đang ở Macao và cha Antôn Cardim dang suy tính qua Đàng Ngoài để tới nước Lào. Khi ở Thái Lan, cha đã học tiếng Thái cũng là tiếng chung với tiếng Lào, như chúng tôi sẽ nói sau.
Tàu buôn phải lên buồm đi Đàng Ngoài đã sẵn sàng khởi hành vào ngày mồng 8 tháng hai năm 1631. Các cha đã xuống tàu và sau hành trình may mắn một tháng thì cập bến xứ Đàng Ngoài ngày mồng 1 tháng ba cùng năm.56 Các cha đến thì đã đem vui mừng khôn tả cho mọi giáo dân. Họ sung sướng thấy các cha đến cứu giúp họ và yên ủi họ, những thầy dạy tốt lành họ vô cùng mong mỏi. Còn các cha cũng không kém vui mừng thấy giáo dân tốt lành kiên trung trong đức tin đã lãnh nhận. Có ba điều chính yếu rất yên ủi các cha. Thứ nhất là lòng nhiệt thành rất hăng say của các thầy giảng, Phanchicô, Anrê và Inhaxu, trong vòng mười tháng chúng tôi đi vắng, đã rảo hầu hết các tỉnh và đã dạy dỗ và rửa tội được ba nghìn ba trăm bốn người. Mặc dầu họ đã hạn định lời thề không lập gia đình cho tới khi có các cha đến, nay họ muốn kéo dài cho tới hết đời mình. Do đó có nhiều người theo gương họ cũng tự nguyện hiến mình cho chức vụ này. Điều thứ hai rất yên ủi các cha đó là lòng sốt sắng đạo hạnh của giáo dân tân tòng, trong khi chúng tôi vắng mặt, đã chung nhau dựng được hai mươi nhà thờ, để tiện việc hội họp trong các ngày chủ nhật và đọc kinh chung với nhau. Ngoài ra họ đoàn kết và thương yêu nhau, đó là đặc tính của Kitô giáo và là dấu hiệu đích thực của đồ đệ Chúa Cứu Thế. Mọi người yêu thương nhau như anh em và người giàu khiêm tốn đối xử mà không khinh dể người nghèo, lại còn có lòng giúp đỡ thương yêu đặc biệt. Cách ăn ở của họ rất thành thật và đời sống trong sạch, giữ nghiêm ngặt luật đạo Kitô: điều này làm cho một người Bồ, sau khi giao tiếp và đi lại với họ đã nhận là có thể so sánh họ với không những giáo dân ở Au Châu giữ đạo rất sốt sắng mà còn với những tu sĩ tập sự ở các dòng tu canh tân. Các cha còn nhận thấy rõ hơn trong tòa giải tội, vì không thấy có chất liệu để làm phép giải, họ có linh hồn trong trắng và lương tâm không vết tội. Cuối cùng, các cha được rất nhiều yên ủi vì thấy có một giáo dân kiên trì chịu những hình khổ dữ dằn và chịu chết để làm chứng đức tin, như tôi sẽ tường thuật trong chương sau.
Chương 38: LÒNG KIÊN TRÌ CỦA MỘT GIÁO DÂN TÂN TÒNG CHỊU CHẾT ĐỂ GIỮ ĐỨC TIN KITÔ GIÁO VÀ MẤY PHÉP LẠ
Giáo dân này tên là Phanchicô và mới được đức tin với phép rửa từ hai năm nay, nhưng đức tin rất sâu sắc và ông rất thấm nhuần ơn gọi đến nỗi người ta thấy ông không bao giờ ngừng làm việc bác ái và yêu thương, nhất là đi chôn xác ông thường vác trên vai cho tới huyệt. Việc này đến tai em của chúa, một người hung dữ và rất ghét giáo dân. Phanchicô giúp việc nhà ông và là một trong số những người khiêng cáng cho ông. Ông gọi Phanchicô tới và cấm không được tiếp tục theo đạo Kitô và không được làm công việc bẩn thỉu. Ông cho là một việc nhơ nhớp và bất xứng vì mó vào cáng và võng của ông sau khi đã đụng tới xác chết. Phan khiêm tốn nhưng can đảm tỏ mình thật là giáo dân và thừa hành chức vụ đó, mà vì mình làm theo luật Chúa Giêsu Kitô, là luật thánh và cần cho sự cứu rỗi, nên mình không thể bỏ mà không phạm tội bất trung, bất nghĩa, cũng không thể bỏ việc bác ái và thương xót đạo dạy nếu không thì là kẻ hèn nhát đáng khinh. Còn về việc phục dịch, Phan không bao giờ sơ sót. Nhưng ông cũng xin đừng coi là việc nếu ông trung thành giữ luật Chúa Giêsu Kitô mà ông tin theo và giữ mãi cho tới hơi thở cuối cùng. Câu này đáp không có gì là xúc phạm, thế nhưng hoàng tử không bằng lòng vì lời lẽ tự do đó, tức thì truyền cho ông phải ra khỏi tư dinh và không bao giờ được đến trước mặt ông. Phan vâng lời, bỏ tư dinh và phục dịch hoàng tử em chúa, để hoàn toàn hiến thân cách vui vẻ vào việc phụng sự Chúa muôn chúa trong hết các công việc từ thiện bác ái do lòng sốt sắng nơi ông. Được tin đó hoàng tử giận dữ cho gọi ông và lại truyền cho ông phải bỏ đức tin và đạo Kitô. Phan can đảm phản đối, ông không thể làm được vì đó là phạm một tội không thể tha thứ và là bỏ việc cứu rỗi. Hoàng tử điên lên vì Phan không vâng lời, liền truyền cho đánh đòn và bắt giam trong ngục chật hẹp và chịu tra tấn ở vế đùi. Sau cùng ông càng kiên trì hơn trong lúc bị hành hạ để bắt ông đổi ý định. Thế là tên bạo chúa truyền chém đầu ông. Đây là nạn nhân thứ nhất của Chúa Giêsu Kitô dâng máu mình cho giáo hội Đàng Ngoài và là hoa trái đầu mùa giáo đoàn mới dâng hiến Thiên Chúa, lấy hương thơm xức và làm vui lòng hết các giáo dân xứ này và những thợ mới vừa tới để chung vai sát cánh gây nhiều hy vọng hái quả tương lai do hạt giống giòng máu thứ nhất gieo xuống.
Ngoài đức kiên trì bất khuất của giáo dân tân tòng là một bằng chứng xác thực về đức tin được duy trì rất sống động trong lòng giáo dân Đàng Ngoài tôi còn thêm một bằng chứng thứ hai rất lớn về đức tinh mạnh mẽ của họ, đó là một số vô kể các phép lạ được làm nơi họ và theo lời cầu nguyện của họ. Các cha muốn ghi vào sổ sách và điều tra về những phép lạ làm cho bệnh nhân được khỏi và đuổi ma quỷ ra khỏi người bị ám, nhưng người ta trả lời là không sao đếm nổi. Các cha dễ dàng tin, khi được biết chỉ một giáo dân trong đoàn thể tên là Phêrô, là một công chức, bằng lời cầu nguyện đã cứu được ba mươi người bị quỷ ám. Trong tỉnh Nghệ An cũng xảy ra những việc kỳ lạ tương tự, trong số đó có một việc lạ lùng làm cho đạo Kitô được người ta rất kính trọng. Số là có một nữ giáo dân tên là Maurô, bà này có người con trai (cũng là giáo dân) tên là Bênêđitô, một thanh niên rất sùng đạo và đã tìm đến với các thầy giảng để sống đời tông đồ, nhưng các thầy thấy vì chữ hiếu anh nên sống với mẹ và giúp đỡ mẹ trong cảnh nghèo khó. Bà mẹ ngã bệnh nặng và bệnh lâu năm, cuối cùng bà chết. Khi người ta sắp sửa lo đám tang và đem chôn thì anh còn quá thương tiếc mẹ, không phải vì cái chết nhưng vì mẹ chết mà chưa được chịu các phép bởi vì không có các cha, anh liền quỳ gối và lấy lòng tin rất mạnh mẽ xin tất cả giáo dân tới chia buồn và phúng viếng hãy góp lời cầu nguyện với anh để được hiệu quả là cho mẹ anh chờ. Rồi anh đứng dậy, giỏ mấy giọt nước phép vào miệng người quá cố, tức thì Maurô hồi sinh làm cho mọi người giáo dân cũng như lương dân có mặt đều sửng sốt. Tin phép lạ đã được mọi người chứng kiến phao đồn đi khắp tỉnh, rất nhiều người tuốn đến để xem người phục sinh và do đó có rất nhiều người trở lại đạo.
Không phải việc kỳ diệu khi Thiên Chúa làm rất nhiều phép lạ do lời cầu nguyện của giáo dân là con cái Người, mà Người còn làm qua trung gian những kẻ tân tòng chưa chịu phép rửa, như đã xảy đến cho một người trong số đó. Đó là một người một hôm ở trong rừang đã gặp một người nửa sống nửa chết và vì không có nước phép giáo dân thường dùng để chữa bệnh, mà ông thì động lòng thương tình cảnh kẻ cùng khổ này, thế là ông lấy nước sông rồi làm phép bằng dấu thánh giá ông đã họ và đọc kinh Lạy Cha. Ông lấy nước phép đó vẩy mấy giọt trên người xấu số và tức thì người bị bỏ rơi này được lành bệnh.
Chương 39: MẤY LƯƠNG DÂN CÓ THẾ GIÁ TRỞ LẠI
Trước hết chúng tôi nói tới việc trở lại của một thầy pháp, một tay trùm trưởng tin theo dị đoan mê tín hằng chống đối các chân lý đức tin và Kitô giáo. Nghe tin đồn về các phép lạ giáo dân làm, nhờ lời cầu nguyện, thì ông quyết định trước hết tự học lấy, xem đạo đó thế nào. Ông được một cuốn sách giáo lý 57 và khi ông bắt đầu mở ra đọc thì mặt ông sưng phồng lên rất ghê sợ làm ông cực kỳ đau đớn. Ông đành bỏ sách không đọc nữa. Đó là một hậu quả của Satan ghen ghét và xảo quyệt muốn đóng cửa không cho ánh sáng chân lý lọt vào tâm hồn ông. Không chỉ làm thế, nó còn hành hạ ông khắp thân thể làm cho ông đau đớn một cách rất hung ác, để cho ông không còn có ý định học đạo Kitô. Nhưng vô ích, vì từ bên trong Thiên Chúa cho ông biết tình trạng cơ cực ông chịu và ông thấy rằng ông bị trừng phạt đích đáng về các tội và về những phiền nhiễu bất công ông đã làm đối với giáo dân. Thế là ông nhớ đến lòng thương yêu của những kẻ ông đã ghen ghét và ông xin họ chịu phiền đến nhà ông và dùng kinh cầu nguyện xin ơn tha thứ các tội ông phạm và cứu ông thoát thù địch hung ác hành hạ ông. Giáo dân chưa làm và chưa truyền cho ma quỷ rút lui nhân danh Đức Giêsu Kitô thì nó đã ra khỏi người ông và để cho ông được tự do. Nhưng tên quỷ dữ lại nhập vào vợ ông còn súng bái dị đoan ma quái như ông. Thế nhưng nó lại phải bỏ mà ra đi nhờ thế lực kinh cầu nguyện của giáo dân. Nhưng thầy phù thuỷ chưa chịu phép rửa tội và vẫn còn bị đau mắt mãi cho tới khi ông thấy trong mộng một bà đáng kinh khuyên nên dùng phương dược thánh và có ích đó để được khỏi bệnh. Ông liền xin học đạo và sau khi chịu phép thánh tẩy cùng với vợ và cả gia quyến thì ông hoàn toàn được khỏi, được sáng thân thể và sáng linh hồn. Từ đó ông nhiệt thành thu phục lương dân theo đạo thật cũng như khi xưa ông muốn người ta từ bỏ. Sau trường hợp này, còn một trường hợp đáng ghi nhớ hơn của một viên quan trong phủ, làm cho các cha mới đến rất vui mừng. Số là viên quan này đã biết khá về đức tin và về luật của giáo dân, ông đã cho phép bà vợ và con gái lấy người em út của chúa, cả hai chịu phép rửa tội và sống theo đạo Kitô. Còn ông, ông ngoan cố trong sai lầm, không bị ràng buộc bởi một tin tưởng nào ngoài tính mê say nàng hầu vợ mọn. Nhưng Thiên Chúa muốn ông thoát khỏi tai họa do lòng mê sắc dục để cứu linh hồn ông. Người cho ông ngã bệnh nặng nguy hiểm làm cho ông rất kiệt sức và cho người vợ mới theo đạo được bốn năm và lấy tên rửa tội là Anna, nghĩ đến cách lợi dụng dịp này để cho chồng biết vì ông có ít hy vọng cứu mạng sống thì nên nắm chắc cứu lấy phần hồn và chịu phép rửa tội để được ơn đó. Nhờ Thiên Chúa ban ơn soi sáng hợp với lời bà vợ bàn thì ông động lòng, không những ông quyết định chịu phép rửa tội và do đó bỏ hết các vợ mọn mà còn khấn dựng một nhà thờ đẹp đẽ để kính dâng Thiên Chúa mà ông muốn phụng thờ, nếu ông được khỏi bệnh. Mọi việc đã xảy ra, con rể ông, là em út của chúa đương thời cũng ưng chuẩn quyết định của ông và chứng kiến phép thánh tẩy ông chịu ngay không trì hoãn, lấy tên là Gioakim. Tức thì tình trạng sức khoẻ rất khả quan và bước vào giai đoạn tĩnh dưỡng yên hàn. Sự trở lại này làm cho mọi giáo dân rất vui mừng và tin tưởng, vì đã chinh phục được một tay nâng đỡ có thế giá và một cột trụ vững chãi cho giáo đoàn Đàng Ngoài, nhất là trong tỉnh Nghệ An, nơi vang danh tiếng ông.
Chương 40: CHÚA CƯ XỬ THẾ NÀO VỚI CÁC CHA DÒNG CHÚNG TÔI CHO TỚI KHI TÀU NGƯỜI BỒ TRỞ LẠI
Lòng nhiệt thành của lương dân có thịnh tình với đạo và tỏ ra sẵn sàng đón nhận đức tin thì rất lớn trong hai tháng các cha dòng chúng tôi hoạt động trong xứ này, đó là thời gian các thương gia người Bồ đưa các cha tới và cư trú ở đây, trong thời gian này có hơn một nghìn người tân tòng xin chịu phép rửa tội. Để giúp rất đắc lực vào việc này thì có dư luận về các cha được lòng chúa, chúa tỏ ân cần săn sóc khi các cha tới cùng đi với người Bồ. Chúa mong họ giúp đỡ chúa trong việc chiến tranh với Đàng Trong. Đó là lý do trước hết chúa cho phép tự do giảng đức tin đạo Kitô trong khắp xứ và làm phép rửa tội cho hết mọi kẻ xin theo, miễn là không được phá phách tượng thần người ta sùng kính trong nước. Nhưng từ khi biết rõ người Bồ rất trung thành và kiên trì trong tình thân thiện không từ bỏ liên kết cũ đối với chúa Đàng Trong để cầm khí giới chống lại chúa thì chúa liền bớt hẳn thịnh tình và cho các cha dòng chúng tôi biết rằng ý ngài là các cha phải rút về Macao trong chiếc tàu người Bồ, khi họ sửa soạn trẩy đi. Thế là mọi niềm vui đều giảm xuống và chúng tôi tìm hết cách để chúa đổi ý định. Nhưng không thể nhận được gì khác nơi chúa, chúa chỉ cho một hai người ở lại mà thôi với điều kiện là không được nhận ai tin theo mầu nhiệm của đạo.
Vậy tàu người Bồ trẩy đi, còn hai cha chúng tôi ở lại. Các ngài không nản lòng, quyết định giữ theo lời chúa, ráng làm đẹp lòng ngài nhưng cũng âm thầm lo săn sóc giáo dân. Cứ vậy, mỗi ngày một trong hai ra mắt chúa giữa các cận thần để cho chúa thấy, để ngài có cảm tưởng là các cha không làm việc dạy dỗ giáo dân, mặc dầu các cha không chểnh mảng việc giúp đỡ cần thiết một cách kín đáo. Các cha càng dễ dàng hành động khi có một chiếc tàu người Bồ khác tới đem theo hai cha nữa, cha Hiênrô Majorica58 và cha Bernadino Regiô cả hai là người Ý. Cha Majorica rất thông thạo tiếng vì đã học được trong thời gian cư trú ở Đàng Trong. Và từ đó luôn luôn có vài ba cha ở trong phủ, trong khi các cha khác hoạt động ở các nhà tư có giáo dân tập hợp. Lương dân không để ý, cũng không để ý khi họ hội nhau trong nhà thờ để đọc kinh, trong đó các cha cũng ít khi có mặt để tránh không cho lương dân nghi ngờ.
Nhưng không thể giữ như thế trong dịp lễ Giáng Sinh vì giáo dân cử hành lễ rất long trọng, làm hang đá máng cỏ rất đẹp để diễn sự tích Thiên Chúa giáng sinh và chung quanh đó là các mầu nhiệm thời niên thiếu của Người. Việc này chưa bao giờ thấy, có rất đông người thuộc mọi tầng lớp đến coi, không những giáo dân mà cả lương dân, nhờ đó mà chúng tôi cắt nghĩa các mầu nhiệm cho họ hiểu, đến nỗi trong thời gian sáu tháng trước khi tàu cuối cùng trẩy đi, có hơn bà nghìn người được chịu phép rửa tội và lòng sốt sắng của giáo dân không phải là ít trong suốt tuần bát nhật, vì ba cha chúng tôi luôn luôn bận giải tội, trong đa số hầu như chỉ tìm vừa đủ chất liệu để ban phép giải, lương tâm họ rất mực trong trắng. Thế mà họ không bao giờ đến gần phép bí tích này mà không ăn chay nghiêm ngặt một ngày và đánh tội để giục lòng ăn năn thống hối. Họ cũng có thói quen đánh tội mỗi ngày thứ sáu trong năm để tưởng nhớ sự thương khó Chúa Cứu Thế. Họ không bao giờ bỏ, ngay khi đi hành trình hay đi biển. Việc này một lần làm cho một người Bồ cùng đi trong chiếc thuyền với mấy giáo dân phải bỡ ngỡ. Bởi vì ban đêm ông này nghe thấy tiếng đánh tội. Ông thích thú tưởng như có mưa hay mưa đá rơi lúc đó, mặc dầu trời quang đãng như chưa bao giờ thấy. Nhưng khi biết đó là thứ giáo dân Đàng Ngoài để trên vai thì ông không ngừng ca tụng khắp nơi về những gương đạo đức đó. Nhưng mọi nơi còn thưởng thức hương thơm các nhân đức của họ, đó là sự đoàn kết và thương yêu nhau một cách lạ lùng. Họ sốt sắng giúp đỡ không những người ngoại quốc mà nhất là người nghèo khổ cần được cứu trợ, tỉ như người bị tòa án kết án. Họ xin phép quan tòa cho vào ngục để yên ủi và dạy dỗ về đức tin đạo Kitô, theo họ tới nơi hành hình, ra lệnh không để cho họ chết mà không được chịu phép rửa tội và lo an táng chu đáo làm cho mọi người phải ngợi khen với tất cả sự trang trọng kính nể như trong nước có các vua chúa theo Kitô giáo. Đó là tất cả những hoạt động bắt buộc lương dân phải kính nể đạo Kitô, mặc dầu họ có chút ghen ghét.
Chương 41: MẤY TRINH NỮ CHỊU HÀNH HẠ ĐỂ BẢO VỆ ĐỨC TRINH
Có mấy sử gia trong Giáo hội đã nhận thấy rằng đời sống dâm dật và những truỵ lạc của hoàng đế Nêrô đã nhen nhóm những ngọn lửa đầu tiên gây nên cuộc bắt bớ Giáo hội sơ khai trong thành Rôma, nhận xét này được xác mình trong cuộc bắt bớ giáo hội Đàng Ngoài vì đời sống truỵ lạc, nếu không phải là của vua chúa thì ít ra của mấy người trong xứ. Một nữ giáo dân trẻ tuổi tên là Đariê có sắc đẹp lạ thường, nhưng còn có đức hạnh thầm kín đặc biệt hơn nữa. Cô bị viên quan sở tại đòi làm vợ lẽ (việc thông thường trong xứ này). Nhưng cô rất ghét tục lệ ô nhục và bất nhân này. Cô sợ người ta dùng tới võ lực nên chạy đến giáo dân bản hạt để thoát nguy cơ cho danh giá và lương tâm, cũng để cô ẩn lánh an toàn. Nhưng viên quan ngoại đạo nổi cơn điên rồ vì mồi ngon của hắn đã chạy thoát, hắn liền nhờ giáo dân thuộc quyền hắn, vì hắn nghi là Đariê đã cho họ biết ý định trốn lánh của mình. Hắn cũng dùng uy quyền truyền cho họ phải cho hắn biết cô trốn ở đâu và phải đưa về cho hắn nếu không sẽ bị trừng phạt. Thế nhưng tất cả tới sáu chục người đều can đảm trả lời là đạo Kitô không cho phép Đariê làm vợ lẽ và họ không thể trao cô cho hắn để làm việc đó mặc dầu họ biết chỗ cô trú ẩn. Viên bạo quan vô đạo nổi cơn giận vì lời lẽ táo bạo đó, sau khi đổ cơn thịnh nộ đầu tiên trên họ, nào là đe dọa đủ thứ, nào là trách móc chửi rủa, hắn cho lính tự do hành hạ bằng mọi thứ bạo lực, trên bản thân và tài sản họ. Bọn lính vâng lệnh hung ác và bất công, không những chúng cướp phá nhà cửa và tài sản làm mồi cho chúng mà còn đánh đập mấy người rất tàn nhẫn, nhân danh quan bản hạt bắt mọi người phải bỏ đạo mới họ vừa tin theo và cúng tế thần phật, nếu không thì đàn ông sẽ bị bắt giam tù và bị kết án theo luật, còn đàn bà thì cho chết đuối trôi sông. Được lệnh, họ bàn nhau về cách đối phó và sau khi đã thề và hứa với Thiên Chúa là không bao giờ họ bỏ niềm tin vào Đức Kitô mặc dầu có mất mát của cải và mạng sống vì một nguyên cớ vinh quang như thế, thì họ quyết định bỏ nhà cửa và tất cả của cải ở bản quán và bí mật kéo nhau đến kinh thành, nơi họ rất khó bị phát giác vì có rất đông dân cư. Thế là họ rất mực can đảm đem ra thi hành. Tới nơi họ được tiếp đón và bảo dưỡng trong nhà một giáo dân rất tốt và rất thương người. Rồi họ viết thư cho các cha biết lý do việc rút lui về đây, họ xin các cha đến giải tội cho họ trước khi họ chia tay nhau để tránh viên bạo quan lùng bắt. Các cha đã đến nhà đó thăm họ và rất vui mừng thấy họ tỏ ra được hân hạnh chịu thiệt hại vì lòng sốt sắng và vinh quang đạo thánh mà họ mến chuộng hơn tất cả đế quốc tiền tài. Quyết định quảng đại của họ gợi tình bác ái của giáo dân trong kinh thành và đánh động lòng thương của một bà có thế giá, bà nhận bao bọc Đariê và bảo vệ giáo dân không cho viên quan quấy nhiễu và hành hạ.
Một nữ giáo dân khác tên là Pia cũng phải đương đầu trong một trận đánh để giữ gìn đức trinh khiết. Cô được vinh hiển vì bị nguy cơ dữ dằn, tưởng như gần thua trận. Số là cô được đức tin và chịu phép rửa mà cả cha mẹ vẫn còn là lương dân, cả người sang trọng đã nuôi cô trong nhà từ lúc cô còn nhỏ tuổi để sau này làm vợ bé cho người ta, tất cả đều không biết cô theo đạo. Theo giáo huấn cô nhận được về sự thánh thiện của đạo thì cô rất tha thiết chuộng sự trinh khiết của thân thể và lương tâm. Vì thế cô từ chối hết mọi lời dụ dỗ bỉ ổi của người bõ nuôi và những lời khuyên răn bất xứng của cha mẹ cô để thuyết phục cô, để cô bằng lòng nhận việc vô nhân đạo. Người sang trọng nổi cơn giận vì bị từ chối và bị lừa sau khi đã chờ đợi và mất nhiều công của, nhưng vô ích. Lúc thì hắn hứa hẹn, dỗ dành, khi thì đe dọa bắt bỏ đạo cô đã tin theo mà không cho hắn biết. Để bắt cô theo ý hắn, hắn quyết định thi hành, hắn cho hành hạ cô, tát, đánh, quất roi rất tàn nhẫn nhiều lần đến nỗi cô phát ốm liệt giường, yếu hẳn vì bị đánh đập và hành hạ, nhưng cô luôn luôn mạnh bạo và kiên quyết trong ý định. Người sang trọng càng lên cơn điên, thấy mình không được việc gì, liền đổi yêu ra ghét, hắn nhất định giết cô. Được biết ý dữ đó, cô bí mật trốn khỏi nhà con sư tử và ẩn nấp trong nhà một nữ giáo dân ngoan đạo đã có tuổi tên là Phanxica, bà này đã cứu danh dự và tính mạng cô.
Tôi có thể kể ra đây rất nhiều thí dụ can tràng mà mỗi ngày giáo dân tỏ ra để bênh vực danh giá đức hạnh và tôn giáo họ tin theo. Tôi không thể không nói tới lòng trung kiên bất khuất của một thanh niên tên là Inhaxu đã theo đạo chống lại ý muốn của cha mẹ còn là lương dân. Cậu bị cha mẹ hành hạ tàn nhẫn không thể tưởng tượng được, để bắt cậu bỏ đạo, nhưng cậu kiên trì mặc dầu chịu sự khắc nghiệt cha mẹ gây nên, ở vào cái tuổi chưa thể định đoạt về một việc khá xa bản năng, nếu không là bản năng từ trời xuống. Cha mẹ cậu dựa vào một cơ hội đặc biệt để cho tái diễn cuộc hành hạ trong mùa chay. Cậu thì muốn kiêng thịt theo luật và tục lệ giáo dân cấm, còn cha mẹ thì vô ích dùng hết các thứ lý lẽ và mưu mô để bắt cậu ăn. Sau cùng họ vừa đe dọa, vừa đánh đập đến nỗi đã dùng roi vọt đánh cậu rất tàn nhẫn đến chảy máu, họ cởi áo tốt áo lành và cho cậu mặc áo xấu áo rách. Không những thế họ còn long trọng tuyên bố từ cậu, đuổi cậu ra khỏi nhà và bêu rếu cậu ở ngoài đình để cho dân làng xỉ vả. Họ cũng chống đối cậu và cố gắng thuyết phục cậu vâng lời cha mẹ và theo đạo cổ truyền của họ. Nhưng khi thấy họ nói như nói với cục đá và chỉ phí lời, mất thời giờ thì họ mắc cỡ đuổi cậu ra khỏi thôn xã. Còn cậu, cậu hiên ngang vì nhận Thiên Chúa là Cha và Trời làm quê hương không ai có thể lấy mất được, cậu đến xin trú ẩn ở nhà chúng tôi tại Kẻ Chợ, tự nguyện làm tôi tớ, mà không xin tiền lương nào ngoài ơn tự do phụng thờ Thiên Chúa trong nhà chúng tôi.
Chương 42: CÁC CHA DÒNG CHÚNG TÔI THỬ TỪ ĐÀNG NGOÀI VÀO NƯỚC LÀO 59
Đạo Công giáo tiến triển nhiều trong xứ Đàng Ngoài đến nỗi ở những nước lân cận người ta cũng quý mến và ca ngợi nhân đức giáo dân ở xứ này. Có một sứ thần của vua Lào lúc đó đang ở trong phủ chúa Đàng Ngoài, ông tọc mạch muốn biết về đạo và học hỏi riêng qua cuộc đàm thoại với các cha dòng chúng tôi. Ông được thuyết phục đến nỗi ông nhận đưa các cha qua nước Lào khi ông trở về. Thế nhưng cha Gaspar d'Amaral lúc này giữ chức vụ điều vùng truyền giáo này, cha xét không nên nhận lời mời thân thiện của sứ thần trước khi dò ý nhà vua và biết rõ ràng lời lẽ công bố đồng tình của nhà vua. Cha liền viết thư đệ lên vua năm 1634, trong đó cha xin phép tới nước ngài để rao giảng đạo và Phúc âm Đức Giêsu Kitô cho thần dân ngài. Đồng thời cha thấy nên sai hai giáo dân Đàng Ngoài rất tinh thông là Gioan và Tôma cùng đi với sứ thần và đem kính biếu vua một bức họa Chúa Cứu Thế rất đẹp làm phẩm vật và làm bằng chứng về ý tốt lành của các cha. Vua nhận thư và phẩm vật với rất nhiều thịnh tình. Ngài trưng bày ảnh trước mặt triều thần và tỏ lòng thành kính và tôn trọng đặc biệt. Nhưng ngài không chị nhận có vậy mà thôi, theo ý kiến triều thần. Ngài phúc đáp cho cha Gaspar d'Amaral và cho biết ngài vui lòng hơn nếu cha chịu phiền tới nước ngài và rao giảng đạo thánh. Ngài muốn cho sứ thần đem thư này trở lại xứ Đàng Ngoài cùng với thầy Tôma (còn Gioan thì ở lại gần vua) với lệnh truyền là nếu cha sẵn sàng đi thì Tôma trở về một hay hai ngày trước thông báo cho ngài để ngài chuẩn bị đón tiếp long trọng khi cha vào kinh thành.
Thật là kỳ diệu khi thấy có sự sẵn sáng tin theo Phúc âm trong toàn cõi nước này. Cả những viên quan chính yếu trong triều khi dự những buổi đàm đạo tư với Tôma về các mầu nhiệm của đạo ta thì cũng tỏ ra sẵn sàng theo đạo và chịu phép rửa khi cha tới. Thế nhưng cha d'Amaral mặc dầu rất ước ao trẩy đi nhưng lại bị giữ lại vì ba lý do. Thứ nhất cha có trách nhiệm điều khiển vùng truyền giáo Đàng Ngoài, nên không thể bỏ đi khi chưa thông báo cho bề trên để đặt người thay thế. Thứ hai, cha rất yếu và kiệt sức, vì quá nhọc mệt và vất vả làm việc truyền giáo ở đây, cha Bernadinô Rêgiô người đồng sự lại mới mất vì quá làm việc nặng nhọc và liên tục để cho giáo dân được toại nguyện. Sau cùng cha thấy có một cản trở rất lớn, nếu muốn sớm mở vùng truyền giáo mới này, đó là thiếu thợ, không đủ người làm các công việc lớn lao và mới mẻ đương mở ra mỗi ngày trong xứ Đàng Ngoài. Thế là cha cáo lỗi với nhà vua, vì bệnh của cha, cha không theo lệnh truyền của ngài được, cha khẩn xin nhà vua cứ giữ mối thịnh tình tốt đẹp cho tới năm sau, lúc đó cha hy vọng phục hồi sức khoẻ để vâng lệnh nhà vua tới phục dịch ngài. Kèm theo thư, cha còn thêm một phẩm vật mới là ảnh thánh để xoa dịu tâm thần nhà vua và để cho nhà vua vui lòng nhận lời cáo lỗi.
Cha d'Amaral thông báo tất cả cho cha Emmanuel Dias đã thay cha Anrê Palmier qua đời làm kinh lý. Cha Dias rất sốt sắng điều động các thợ lành nghề đến giúp các vùng truyền giáo mới, và mới đây đã sai tới Đàng Ngoài cha Fêlix Morelli, người thành Rôma, vào đầu năm 1637. Cha cũng được biết thêm về tất cả công việc xảy ra, nên phái hai thợ lành nghề nữa cho hai vùng truyền giáo Đàng Ngoài và Lào, cha lấy ở học viện Macao và chọn trong số những người tự nguyện, đó là cha Gioan Baotixita Bonel người Ý có chức viện trưởng và cha Raymondô de Gouea người miền Aragon giữ chức giám học. Cha còn thêm cha Martinô Coelho người Bồ, tất cả ba đều đầy can đảm để đi hoạt động trong những vùng truyền giáo này và tự nguyện hy sinh để phụng sự Thiên Chúa và Giáo hội Người.
Chương 43: HÀNH TRÌNH ĐI LÀO, BẤT HẠNH VỀ PHÍA ĐÀNG NGOÀI, THÀNH CÔNG VỀ PHÍA BÊN KIA
Cha Bonel trẩy đi vùng truyền giáo Đàng Ngoài và được giữ chức vụ kinh lý. Cha hết sức nhiệt thành hăm hở giúp đỡ những nước chưa được viện trợ thiêng liêng để lo việc cứu rỗi và sau mấy tháng ở Đàng Ngoài, cha can đảm tự nguyện đi khởi sự truyền giáo ở Lào và dạy dỗ các dân mà cha biết rất sẵn sàng tin theo mầu nhiệm Kitô giáo. Cha đã năm mươi ba tuổi, thân thể gầy yếu vì làm nhiều việc, nhưng có can đảm nhiều hơn sức khoẻ. Cha khởi hành bằng đường bộ với Anrê thầy giảng cha đã chọn để theo cha, thật cha như một tay thợ rất mực nhiệt thành và không sợ gian lao khổ tứ. Lại thêm mấy thầy giảng trẻ tuổi, cùng thầy Tôma đã biết qua về nước này. Họ lên đường vào đầu tháng 10 năm 1638. Họ tiếp tục đi được một thời gian, không phải là không vất vả, nhưng được yên nủi trong tâm hồn, có vui sướng trong đau khổ và không có gì đáng sợ đối với kẻ tin tưởng vào Thiên Chúa và rộng lòng sốt sắng lo cho vinh quang Người. Thế nhưng vào cuối tháng, phải ở trên rừng núi phân chia hai nước Đàng Ngoài và nước Lào, trên những đường rừng rất đáng sợ, họ bị một thứ lạnh tê tái (nhất là về đêm cực kỳ lạnh, không đem theo gì để đắp) làm máu trong cơ thể như đông lại. Cha Bonel là người đầu tiên bị lạnh rất dữ dằn. Sức lực và nhiệt độ trong người bị tê cứng làm cho hoàn toàn suy sút, thế mà mới đi được nửa đường. Thiên Chúa cho cha thấy giờ đã điểm, cha rất mực bình tĩnh và tâm trí thanh thản hết sức để dọn mình chết. Cha ưng nhận và ôm lấy cái chết tự tay Thiên Chúa ban. Cha vui lòng chết trên rừng thiêng nước độc và trên giường sương tuyết cũng như trên đệm hoa thơm cỏ lạ. Rồi sau khi lấy tay chỉ vạch mấy điểm thuộc chức vụ của cha, cha nài xin Anrê (mà cha đặt làm bề trên các thầy khác và đứng đầu khu truyền giáo) hãy can đảm và tiếp tục hành trình để khởi sự vinh quang Thiên Chúa và dưới sự hộ phù của Chúa Cứu Thế. Người sẽ không bỏ họ, Người sẽ giúp họ thực hiện ý định đi rao giảng lề luật và Phúc âm Người. Cha thôi thúc và yên ủi họ theo sức của cha, yếu ớt nhưng còn nhiệt tình, cha sốt sắng và nhẹ nhàng trút linh hồn nơi Thiên Chúa, ngày mồng 4 tháng 12, ngày lễ kính thánh Carôlô Borrômêô mà cha tôn sùng đặc biệt.
Thầy giảng Anrê theo mệnh lệnh cha ban, tiếp tục hành trình cùng các bạn đồng sự. Sau rất nhiều vất vả và rất nhiều khó khăn vì là mùa mưa và đường rừng thì tới nước Lào. Các thầy liền sốt sắng bắt đầu giảng đạo thánh và lề luật Đức Giêsu Kitô đã học được từ xứ Đàng Ngoài. Nhưng nhà vua và triều thần chú ý tới bản thân người giảng hơn là lời các thầy giảng, nên chê chối không nghe. Thêm vào đó có một khó khăn khác đó là việc chê bai đạo thờ tà thần người ta đã dạy họ (vì từ Đàng Ngoài là nước lân bang mà tà giáo đã gia nhập nước Lào). Nếu các thầy muốn cho lời mình có uy tín thì phải đem theo mình một đạo trưởng Tây dương như đã hứa và được họ tin tưởng. Các thầy giảng tốt lành thưa lại là đã đem theo nhưng người đã chết dọc đường. Thế nhưng họ vẫn chưa hài lòng, họ vẫn nài nẵng cho được xem thấy một Tây dương đạo trưởng. Họ sẽ tin theo và vâng lời người. Các thầy giảng Đàng Ngoài phải chờ đợi vô ích suốt một năm trời, xem có cha nào ở vùng truyền giáo Đàng Ngoài tới cứu giúp (điều này không thuộc quyền các thầy vì thiếu người có thể bỏ công việc lúc này). Thế là các thầy trở về. Nhưng trong khi trở về, thầy Anrê, tay thợ rất quý và có lòng nhiệt thành khôn sánh, nhờ thầy mà Giáo hội Đàng Ngoài được hàng nghìn người trở lại, thầy đã chết vì buồn phiền và đau khổ, cùng với Hiênrô người trai tráng có rất nhiều triển vọng. Thiên Chúa muốn như vậy, việc truyền giáo được khởi sự với những ý nghĩ rất tốt lành nhưng không thành công như người ta mong đợi. Vinh quang và công phúc lại dành cho cha Gioan Maria Leria, sau khi bị trục xuất khỏi Đàng Trong nơi cha sốt sắng hoạt động cho vinh quang Thiên Chúa và cứu rỗi các linh hồn, thì cha tự nguyện đem lòng nhiệt thành đi chinh phục nước Lào. Cha thử đi qua Thái Lan. Nhưng theo lối này thì gặp nhiều cản trở và sau cùng cha tìm được đường vào thuận tiện qua con sông Campuchia từ miền rừng núi Lào chạy xuống Campuchia và ra tới biển. Cha khởi hành rất may mắn, đem theo mấy thầy giảng người Đàng Trong để giúp cha, Thiên Chúa ban phúc lành cho dự định và lao khổ của cha. Cha rất được lòng nhà vua và triều thần, nhờ mấy phẩm vật ảnh thánh cha đem theo và môn toán học cha rất thông thạo. Bây giờ cha hoạt động đắc lực để chinh phục họ. Một số đông dân nước này xin chịu phép rửa tội và tin theo đạo Kitô, với hy vọng số dân trở lại càng ngày càng đông và đức tin sẽ có ngày ngự trị và thánh giá với Phúc âm Chúa Cứu Thế được tôn thờ.
Chương 44: MỘT VỤ BẮT BỚ DO NGƯỜI TÀU GÂY NÊN, NHƯNG ĐÃ XOAY TRỞ LẠI LÀM CHO HỌ XẤU HỔ VÀ LÀM VINH DANH CHO GIÁO DÂN ĐÀNG NGOÀI
Trong khi cha d'Amaral được gọi về Macao do lệnh bề trên để cha tĩnh dưỡng và chữa bệnh dài hạn cha chịu ở vùng truyền giáo Đàng Ngoài cha cai quản và để cha phục hồi sức khoẻ rất cần cho các dân này, thì giáo dân tỉnh Nghệ An chịu cơn bắt bớ, nhưng Thiên Chúa đã đặt ở nơi Người không gieo, Thiên Chúa được vinh quang và giáo dân được yên ủi và công phúc. Số là trong tỉnh này số giáo dân khá đông đã dựng một nhà thờ đẹp ở thôn Rum để hội nhau và để mỗi ngày thu hút lương dân có cảm tình với đạo. Thế là những kẻ thờ tà thần không chịu nổi nhưng không dám dùng võ lực do lòng ghen ghét và giận dữ thôi thúc. Họ liền xúi mấy thương gia người Tàu theo tà giáo buôn bán ở cửa biển này để (như họ đã làm) phạm tới bản thân giáo dân và nơi dùng vào việc phụng tự. Đó là ngày giáo dân hội nhau trong nhà thờ và cha Hiênrô Majorica dạy giáo lý và làm việc đạo đức như thường lệ. Thế là chừng năm mươi ngừơi Tàu hung hăng xông vào nhà thờ mang theo võ khí đánh đập không những mấy giáo dân mà cả cha Hiênrô. Cha bị một tên phang mấy phát búa trên vai. Có một gia nhân của chúng tôi không thể chịu được việc này và theo gương thánh Phêrô, để trả thù cho thầy mình, anh liền đánh lại tên người Tàu phạm thánh đó và tất cả giáo dân đều xúm lại đuổi bọn chúng bắt bọn người Tàu phải ra khỏi nhà thờ. Nhưng ngày hôm sau người Tàu đem xác chết một người trong bọn họ đã đánh đập cha Hiênrô và đã bị gia nhân của ta đánh lại. Đồng thời họ kiện chúng tôi ở quan tòa, ghép cho giáo dân tội sát nhân. Viên quan vốn ghét đạo ta liền bỏ tù cha Hiênrô bị thương nặng, cùng mấy giáo dân. Việc này xảy ra trước khi cha được giải về phủ để xử trước mặt chúa. Nhưng được biết vụ này và nhận thấy lời tố cáo không căn cứ và gian dối của người Tàu thì chúa liền bịt miệng họ và tuyên bố cha vô tội. Mà vì vụ án mạng của cha được xử ở phủ nên lương dân lợi dụng sự bối rối của giáo dân tân tòng, chúng đến nhà thờ và tiếp tục hoành hành cho tới khi cha Hiênrô trở về tỉnh đem theo bản án của chúa tuyên bố long trọng là cha vô tội. Thế là hạ hẳn sự xấc láo hỗn hào của những ngừơi theo tà đạo và đem lại đầy đủ yên hàn cho giáo dân. Không những giáo dân tỏ ra rất mừng rỡ vì cha trở về, mà viên đệ nhất quan tòa của tỉnh, khi nhận biết cha vô tội thì đón mừng cha, mời cha dùng cơm tại nhà, cho cha hoàn toàn tự do đi lại với giáo dân và truyền phải dựng lại nhà thờ y như cũ. Thật là thanh bình đã trở lại sau cơn bão táp do người Tàu gây nên. Chúng đã ngăn chặn đường tiến triển của Kitô giáo trong tỉnh này mà trong chỉ một năm 1639 đã tính được hai nghìn bốn trăm bảy mươi hai lương dân trở lại đạo và được rửa tội do tay cha. Lại còn một niềm vui mới yên ủi giáo dân khi có một chiếc thuyền khác của người Tàu cập bến tỉnh này. Họ vào nhà thờ mới dựng lại và đến trước ảnh Chúa Cứu Thế, thuyền trưởng rất có thịnh tình với giáo dân và cả những người đi theo đều quỳ gối tạ tội cho những người nước mình và tặng cha quà đem từ Trung Quốc.
Tôi không quên ở đây việc Thiên Chúa công bằng báo oán những người Tàu phạm thượng, những người đã đập phá trong nhà thờ như chúng tôi đã nói, nhạo báng các sự thánh và ngạo mạn mặc áo lễ. Khi biết chúa Đàng Ngoài định phạt chúng về tội xấc láo thì chúng âm mưu với các thương gia Hoà Lan và đồng tình trốn sang Nhật Bản. Nhưng vì sự ma quái của kẻ dữ bao giờ cũng lên tới mức thái quá, nên trong cuộc hành trình, chúng đã làm một việc rất mực phản trắc. Một hôm chúng thấy người Hòa Lan uống rượu và đã quá chén say sưa, chúng liền giết tất cả và chiếm hết số tơ lụa chiếc tàu này chở. Chúng chia làm ba phần và để trong ba chiếc tàu khác nhau để tránh bị phát giác. Một chiếc cập bến Trung Quốc, liền bị các quan tỉnh đó bắt và tịch thu. Chiếc thứ hai tới Đàng Trong cũng bị giữ lại và các con buôn bị trừng trị vì đến từ một lãnh thổ thù địch. Còn chiếc thứ ba thì vào tới nước Campuchia và các sĩ quan nhà vua nhận thấy những kiện hàng có đóng dấu Hoà Lan, thế là lái buôn Tàu bị giữ lại để tra khảo và theo lời đầu thú chúng bị án tử hình vì tội chúng đã phạm. Thật là Thiên Chúa công bằng đã rượt bắt tất cả bọn phạm thánh trong khi chúng định tẩu thoát và Người đã ra án phạt chúng rất xứng đáng.
CHƯƠNG 45: NHỮNG TIẾN TRIỂN LỚN LAO CỦA GIÁO ĐOÀN ĐÀNG NGOÀI VÀ CÓ MẤY THỢ MẤT TRONG KHI HÀNH SỰ
Cho dù hỏa ngục và trái đất chống đối sự trở lại của những dân tộc này, nhưng Ơn Thiên Chúa vẫn mạnh hơn, đến nỗi số giáo dân tăng lên rất nhiều trong xứ Đàng Ngoài. Năm 1639 chúng tôi tính sổ được tám mươi hai nghìn năm trăm giáo dân, chỉ trong một năm đã có mười hai nghìn hai trăm ba mươi người gia nhập giáo hội, không kể những người được rửa tội trong tỉnh Bố Chính. Có hơn một trăm nhà thờ lớn dựng ở nhiều nơi để giáo dân hội nhau chịu các phép bí tích và nghe lời Thiên Chúa, khi các cha tới thăm và một trăm hai mươi nhà thờ nhỏ để đọc kinh trong các ngày lễ và chủ nhật, ngoài ra còn có một số rất lớn nhà nguyện làm trong các nhà tư. Trong một tỉnh Nghệ An có bảy mươi thôn đã nhận đức tin: Điều kỳ diệu là đó chỉ là do ơn Chúa Thánh Linh muốn được những đền sống động ở nơi dân tộc này, nên không có một thôn xã nào mà không có thanh niên, thiếu nữ khấn ở trinh khiết trọn đời. Có những đôi tân hôn cũng khấn như vậy ngay hôm đầu mới cưới. Có mấy người khác sống trong bậc phu phụ trong mấy năm, họ đã tỏ ra rất tiếc vì không được biết sớm hơn về đức tin và cái nhân đức đẹp đẽ đó để khấn hứa lúc còn trẻ tuổi. Các bà quả phụ thường cũng khấn ở tiết phụ. Có khá nhiều trường hợp thanh niên thiếu nữ đã chịu khổ sở nhiều vì những người ngoại quốc để bảo vệ đức trinh khiết của mình và vì chính cha mẹ mình, để giữ không lập gia đình. Thật khó thấy một nước nào có những công dân mới tin theo Kitô giáo mà lòng mộ mến đức trinh khiết chiếm chỗ độc tôn như vậy.
Nhưng trong khi giáo hội Đàng Ngoài tăng rất nhiều số giáo dân và cách ăn ở thánh thiện, thì những công việc vất vả đè nặng trên vai một số ít thợ làm cho giảm số lượng. Một vài người ngã bệnh không hoạt động được; các người khác đã qua đời trong khi thừa hành chức vụ nặng nề. Từ khi cha d'Amaral rút về Macao,60 kiệt sức trong việc truyền giáo, thì cha Emmanuel Dias kinh lý đã sai hai thợ khác đến hỗ trợ, cha Balthasar Calderia thuộc dòng quý phái bậc nhất ở Bồ và cha Giuse Maurô quốc tịch Ý. Vừa tới, thì tỉnh Thanh Hoá là nơi có rất đông số giáo dân, được chia về phần cha Maurô, vì phải là người rất nhiệt thành và rất sốt sắng, nên ngài làm hết mọi chức vụ, giải tội, giảng, dạy giáo lý và làm phép rửa tội cho trẻ em và người tân tòng, nhưng với lòng chuyên cần đặc biệt là không bao giờ cho thân xác nghỉ ngơi, đến nỗi trước cuối năm, ngài bị sốt cấp tính. Nhận thấy ngay là giờ chót đã điểm, ngài đưa tin cho cha Balthasar lúc đó tình cờ đang ở trong một thôn xã không xa. Tức thì cha chạy đến giúp đỡ ngài, mặc dù có trận mưa lớn như muốn giữ ngài ở lại. Vừa xưng tội xong thì cơn sốt làm cho ngài bất tỉnh rồi ngài bỏ đời này luôn để được (chúng tôi hy vọng thế) đời hằng sống, ngài mới trọn ba mươi mốt tuổi. Mọi người đều thương tiếc ngài, không những giáo dân trong tỉnh từ đây mất người nhiệt thành cứu trợ mà cả hết những người được biết tinh thần và nhân đức ngài có để phục vụ dân chúng.
Cha Antôn Barbosa 61 cũng vất vả mà không được may mắn trong vùng truyền giáo này, bởi vì sau khi đã hoạt động bốn hay năm năm một cách rất can đảm và quá sức của ngài thì ngài bị sốt cách nhật làm cho ngài kiệt lực tuy không giảm bớt tinh thần để ngài vẫn tiếp tục làm các việc như trước, những việc mà ngài chỉ rời bỏ khi rời bỏ sự sống. Các bề trên đã lấy quyền rút ngài ra khỏi vùng truyền giáo và những việc làm cho ngài đau yếu để cố gắng chăm sóc ngài trong một môi trường khác và trong sự tĩnh dưỡng. Nhưng cho dầu có thuốc thang để chữa chạy, cơn sốt vẫn phá hoại một chút sức khoẻ còn lại và trong ít năm đã chấm dứt công phúc của một đời người hao mòn vì vinh quang Thiên Chúa và vì công ích. Bây giờ Thiên Chúa cho linh hồn ngài hưởng nơi thiên quốc.
CHƯƠNG 46: CÁI CHẾT CÓ PHÚC VÀ LÀNH THÁNH CỦA MẤY GIÁO DÂN TÂN TÒNG
Tôi bắt đầu chương này bằng cái bất đắc kỳ tử mà một viên quan hung bạo con rể của chúa đã bắt thầy giảng Gioan phải chịu, trong tỉnh Bố Chính. Số là người thợ không biết mệt mỏi này đã hoạt động bảy hay tám năm, giúp ích vô kể cho những dân đã trả công thầy trước mặt Thiên Chúa và loài người. Thầy được Thiên Chúa cho ơn chữa bệnh, làm cho mọi người đều kính trọng nhân đức và bản thân thầy. Ngay cả lương dân và cả chính viên quan tuy còn là lương dân cũng tỏ ra kính trọng thầy. Tất cả đều quý mến và muốn được kết thân với thầy. Có một bà vợ mọn được viên quan say mê, nhưng lại là thù địch của giáo dân và đạo Thiên Chúa, mụ này ngã bệnh nặng. Vì rất yêu mụ nên viên quan cho tìm Gioan tới đọc kinh để chữa, như ông hy vọng, nhưng người đầy tớ trung thành của Thiên Chúa được huấn luyện sai lạc về lương tâm cho rằng mình không thể dùng ơn Chúa ban cho trong dịp này để chữa một mụ xấu xa thù địch của Đức Giêsu Kitô và phỉ báng đạo và danh thánh Người. Thế là thầy kiên quyết từ chối không đi và cho dầu mấy lần được mời và khẩn khoản nài xin, thầy vẫn một mực thà chết hơn là làm theo ý quan truyền và là điều Thiên Chúa cấm. Thế là viên quan lên cơn giận dữ, truyền cho bảy tên lính lôi thầy ra cánh đồng và dùng dao đâm chết. Chúng đã tàn bạo xử người lương thiện không sợ chết chỉ sợ tội, tưởng là mình phạm nếu uốn nắn lương tâm, như đã được giáo huấn, theo ý viên quan. Thiên Chúa cũng không trì hoãn bênh vực người vô tội này và báo oán về tội phạm tới sinh mạng thầy. Người đã cho vợ và con viên quan rơi vào tay chúa Đàng Trong, rồi bị giam tù trong một dịp đi kinh lý tỉnh quan cai trị. Còn chính ông, ông cũng bị tống ngục do chúa Đàng Ngoài mà ông đến trú ẩn. Vì mấy tội phản quốc nào đó mà ông đã thú nhận, nên ông bị kết án bỏ cho chết đói trong ngục và thi hài phơi ở phố chợ ba ngày, đó là hình phạt ô nhục nhất đối với người Đàng Ngoài.
Cái chết của giáo dân khác cũng đáng có chỗ ở đây. Một người tên Caiô người rất nhiệt thành để chinh phục lương dân trở lại và rất sốt sắng làm tiến triển công việc Thiên Chúa. Ông được hạnh phúc bị bắt, bị trói và bị hành hạ vì đạo và được danh nghĩa kẻ làm chứng đức tin bằng rao giảng công khai trong khi chịu tra tấn. Nhưng khi đã thắng được cơn thử thách khó khăn đó thì (Thiên Chúa muốn vậy để cho thêm công phúc) ông lại ngã vào một thử thách kỳ lạ hơn, đó là một thứ bệnh phong rất ghê gớm và thối tha không ai chịu nổi kể cả con ông. Khắp mình đầy vết thương và hôi thối như một ông Gióp thứ hai. Ông đau đớn vô cùng, thế mà không bao giờ nghe ông than vãn, không bao giờ có một lời gì tỏ ra không kiên nhẫn, vẫn hiền từ và câm lặng như cá trong biển chua cay, trừ khi phải khuyên bảo con cái kính mến Chúa Cứu thế và trung thành tuyệt đối với luật lệ và đạo Người. Sự hôi thối và nọc độc của bệnh chỉ trong mấy ngày đã nhập vào tim. Ông thấy mình sắp tới giờ, ông bảo các con ném xác hôi thối của mình vào hố rác công cộng hay trong một nơi nào rất sâu để cho không ai ngửi thấy. Sau đó ông nâng tâm hồn lên tới Thiên Chúa và kêu xin Người, rồi chết một cách lành thánh trong cuộc đàm thoại rất dịu dàng, rất sốt sắng với Đấng ông hằng quý mến, hằng trông mong, Đấng ban thưởng vì những đau khổ ông đã chịu.
Một giáo dân khác cũng chịu khổ tương tự như vậy vì đạo, tên là Gioakim. Ông đã bỏ tiền bỏ của ra dựng một nhà thờ trong thôn xóm để hội họp giáo dân, mà vì lòng nhiệt thành đối với đức tin đạo Kitô mà ông bị nhóm ngoại đạo hành hạ bằng nhiều cách, bị bắt giam tù, bị đánh đập, bị trục xuất ra khỏi xứ và điều làm ông buồn hơn cả là thấy nhà thờ bị đốt. Ông đã chết nặng trĩu năm tháng và công nghiệp vào tuổi bát tuần. Khi thấy các con lo lắng sắm cho ông một áo mới theo tục lệ để liệm xác thì (ông nói): hỡi các con, đừng lo che tấm thân thối nát, chỉ cần linh hồn được Thiên Chúa thương sắm cho áo vinh quang trên trời nơi hy vọng người ban cho do máu Người đã đổ ra cho ta.
Tôi còn phải thêm cái chết lành thánh của ba thầy giảng Inhaxu, Tađê và Tôma mà giáo đoàn Đàng Ngoài phải nhớ ơn. Thật thế, không bao giờ hậu thế được quên các thầy,62 nhất là thầy Inhaxu, người bạn đồng sự của các cha bị đày ải và kẻ bênh vực đức tin bất khuất, đã cắt ngắn đời mình bằng lao khổ liên tục về thể xác và tinh thần bằng cuộc đời rất nhiệm nhặt. Thầy đầy công phúc kết thúc đời mình vào tuổi bốn mươi nhăm bằng một cái chết lành thánh.
Sau cái chết của ba thầy giảng thì kèm theo cái chết của ba người thanh niên Carôlô, Phanchicô và Angêlô. Người thứ nhất vì đã chuộng đời sống Kitô giáo khiêm tốn hơn là một di sản giàu có và sang trọng, nên đã chết (như các thánh) vì bệnh sốt dai dẳng trong tuổi đời non trẻ. Người thứ hai tự nguyện phục vụ giáo dân trong khi cần di chuyển, phải đi liên tục, nên kiệt sức tinh thần và hao mòn sức khoẻ thể xác ở cái tuổi trai tráng để làm việc bác ái, đến nỗi bị bệnh phổi và thổ huyết với những cơn đau dữ dằn và làm cho người ta thương xót và các thiên thần quý mến. Người thứ ba thật đúng cái tên Angêlô là thiên thần. Angêlô đã sống thật sự như thiên thần, được tất cả giáo dân tỉnh miền Nam rất quý mến. Sau khi bị lương dân hành hạ chỉ vì anh tỏ ra ở nơi công cộng lòng nhiệt thành đối với đạo; mấy giờ sau chót trước khi chết, anh đàm đạo rất thân mật với Chúa Cứu thế, Đức Trinh nữ và các thiên thần, anh nói chuyện như thể các Đấng có mặt, như thể tất cả thiên đường chuyển xuống phòng anh.
Phái nữ cũng không kém phái nam về nhiệt tình và thành tín. Có nhiều người sống rất lành thánh và chết cái chết kết thúc tất cả cuộc đời tốt lành. Một bà có thế giá tên là Colomba rất sùng kính đức trinh nữ. Bà đã dựng một nhà nguyện trong nhà bà ở kinh thành và rất thương người nghèo khó. Bà rộng rãi cho họ và cho các thầy giảng tiền của để sinh sống. Bà ngã bệnh nặng và chết trong khi đi đường. Trước khi chết bà dặn người ta chôn theo bà một thánh giá quý bà vẫn mang trong người. Một lương dân có bổn phận lo án táng, bốn mươi ngày sau khi bà mất, lúc mở huyệt để lấy lại thánh giá thì thấy xác bà Colomba còn nguyên vẹn, không hư nát như thể vừa mới tắt thở, lại xông hương thơm phảng phất làm cho người lương dân cảm động phải đưa tin đó ra. Tất cả lương dân đều vui mừng khi biết tin và nhận ra sự lạ lùng này.
Một bà khác rất giàu về của cải và nhân đức tên là Lina, một trong những người đầu tiên theo đạo trong xứ Đàng Ngoài. Suốt mười bảy năm bà công khai giữ đạo, bà lo liệu và lôi cuốn nhiều người nhìn nhận nhân đức và các chân lý đạo ta. Bà cũng rất rộng rãi phân phát của cải, trang hoàng nhà thờ, cứu giúp người nghèo khó, bảo dưỡng các thầy giảng. Bà cũng cho dựng một nhà rất thuận tiện. Bà qua đời rất dịu dàng và vui thú trong linh hồn làm cho tất cả giáo dân giúp bà chết lành đều hết lòng ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa bao giờ cũng dào dạt quảng đại và tình thương. Hình như Thiên Chúa muốn cho bà trước khi chết được một bằng chứng và một tiền vị phúc thanh nhàn dành riêng cho bà ở trên trời, bởi vì lúc bà còn cầm ảnh đức trinh nữ trong tay và nói cách trìu mến thì có một ánh sáng chói lọi từ ảnh phát ra, với một hương thơm dịu dàng làm cho trái tim người bệnh vui thú và kẻ vây chung quanh thấy ánh sáng và ngửi hương thơm phải ca ngợi lòng nhân từ Thiên Chúa cho cái chết người lành thánh có giá trị đặc biệt làm cho người ta thèm được chết như vậy.
Tôi chấm dứt chương này, sẽ không bao giờ hết nếu tôi còn muốn kéo dài ra, bằng truyện một thiên cảm huy hoàng mà một giáo dân tốt lành tên là Yves đã thấy và cái chết lạ lùng của ông. Theo người ta kể lại, ông chết do một tai nạn bất thần và mọi người cho là ông đã chết thật vì không còn mạch, không còn dấu hiệu sống sau mấy giờ đồng hồ, ông thoắt đứng dậy làm cho mọi người vây quanh ông phải chạy trốn vì sợ, coi như một người chết sống lại. Ông vẫy tay và lên tiếng gọi họ và khi thấy họ vững tâm không còn sợ hãi thì ông kể cho họ biết, trong thời gian họ thấy xác ông nằm như chết thì về tinh thần ông đã được sáu người trai tráng trẻ đẹp dẫn đưa qua một con đường trải bạc trong một xứ cực lạc, nơi ông thấy một vị vua đáng kính chói lòa ánh sáng huy hoàng ngự trên một ngai vàng; hai người khác cũng ngự hai bên và cũng chói lọi vinh quang như thế. Nhưng người chỉ đạo cho ông hiểu đó là ba Ngôi Thiên Chúa rất cao cả, rất đáng thờ lạy. Bên dưới (ông nói) tôi thấy khắp nơi theo hình bán nguyệt nhiều ghế đẹp bằng thuỷ tinh, trong số những người ngồi đó, tôi nhận thấy có mấy người thuộc nước tôi mới chết được ít lâu nay, các người mời tôi ngồi gần các người. Nhưng chỉ đạo viên không cho phép tôi đứng lại lâu hơn ở xứ đẹp đẽ này, họ bắt tôi xuống một nơi tối tăm trong đó tôi thấy một hang thấp và rộng, một nửa thì đầy ngọn lửa, nửa kia thì là một hồ lởm chởm tuyết đông, ở đây có mấy người tôi không biết, họ bị hành hạ khổ sở vì đã sống dữ và nay bị phạt chịu những hình khổ dữ dằn. Sau cùng (ông nói thêm) các chỉ đạo viên truyền cho tôi phải trở về thân xác tôi, kể cho mọi người nghe những gì tôi đã thấy, săn sóc song thân tôi chỉ còn được sống cho tới đầu tuần trăng mới và sau khi làm hết bổn phận cuối cùng và an táng xong thì họ cam đoan đến tìm tôi về xứ ánh sáng và vinh quang đã chỉ cho tôi xem thấy. Đó là lời lẽ Yves kể về thiên cảm của ông, làm cho tâm thần giáo dân có nhiều hy vọng và sợ hãi lành mạnh. Rồi đã xảy ra cái chết của song thân ông cũng như cái chết của chính ông, thế là minh chứng thiên cảm của ông không phải là bịa đặt hay chỉ lá một giấc mơ mòng trống rỗng. Bởi vì hai tháng sau song thân ông qua đời và được an táng cùng một ngày và hôm sau, sau khi thu xếp các công việc của mình và nhắn nhủ vợ tôn sùng Thiên Chúa và kiên trì trong đức tin, thì Yves lên giường nằm, ngã đầu dịu dàng trên gối như ngủ, rồi tắt thờ không bị sốt hay bị bệnh tật gì và được phúc về trời mà ông đã thấy hình ảnh, và như lòng nhiệt thành và đời sống lành thánh của ông cho phép ông trông đợi
CHƯƠNG 47: GIÁO HỘI ĐÀNG NGOÀI QUA MỘT CƠN BẮT BỚ LỚN VÀ MỚI NHƯNG ÍT LÂU SAU ĐƯỢC THOÁT KHỎI
Năm 1640 là năm thứ mười bốn kể từ khi chúng tôi vào xứ Đàng Ngoài, giáo hội mới được một trăm nghìn giáo dân và khắp nơi người ta sẵn sàng tin theo, làm cho chúng tôi hy vọng con số giáo dân sẽ lớn hơn lên và thêm lên trong giáo đoàn này, nhưng số thợ thì ít, nên không làm việc cho đủ được. Thế là bề trên ở Macao phải thỉnh thoảng sai các tông đồ viện trợ đến làm việc trong khu truyền giáo này. Người thứ nhất là cha Tôma Rodriguez người Bồ, người không biết mệt mỏi, lúc đầu cha nhẹ nhàng thu lượm kết quả của công việc, rồi sau đó ít lâu quỵ ngã dưới gánh nặng để lại cho mọi người biết nhân đức với những hậu quả, và mối thương tiếc lâu dài. Thay thế cha Tôma thì có cha Phêrô Albert và Emmanuel Cardozo lại người Bồ; rồi lại tiếp đến cha Phaolô Calobrozi người Ý và Onôphôrô Borgez người Thuỵ Sĩ, tất cả đều vào tuổi hoạt động và đầy can trường với sức lực để chịu đựng lâu dài những khó khăn vất vả để chinh phục các linh hồn mà Chúa Cứu thế đã lấy máu Người mà cứu chuộc.
Thế nhưng đàng khác, Satan tên đại thù địch của Thiên Chúa và việc cứu rỗi các dân, hắn không ngừng mọi nỗ lực để chiếm giữ một lãnh địa hắn cai trị từ bao nhiêu thế kỷ nay. Hắn lại nhóm lên ngọn lửa mới và đúng vào lúc người ta ít nghĩ tới, thì hắn đã gây nên một cuộc bách hại mới làm cho giáo dân khốn đốn hơn những cuộc bách hại có trước đây. Bởi vì ngoài sắc lệnh chúa niêm yết ở cột trước nhà chúng tôi, cấm giáo dân từ nay không được theo Kitô giáo và không được đi lại với chung tôi, và chúng tôi cũng bị cấm không được giảng cho giáo dân những sai lạc và gian dối, chúa còn truyền cho vào lửa, và đốt ảnh trưng bày, tràng hạt và sách giáo lý chứa đựng những giáo huấn về Kitô giáo. Thế là người ta đã thi hành. Trong những cuộc bắt bớ về trước, chưa bao giờ hung ác đến thế. Do đó buộc các cha chỉ còn đặc biệt cậy vào Thiên Chúa và xin Người cứu giúp và cầu khẩn đức trinh nữ, thánh Xavier quan thầy khu truyền giáo này cứu khỏi cơn âu sầu lớn và đột khởi làm cho họ sửng sốt. Họ cũng ăn chay, cầu nguyện và đánh tội cùng những hành xác khác không vô ích trước mặt Thiên Chúa. Bởi vì mấy tuần sau, tâm thần nhà chúa tự nhiên dịu hẳn (không biết bởi đâu, cách nào), ngài nói với cha Majorica (lúc này làm bề trên vùng truyền giáo) và rất dịu dàng tỏ cho cha biết ngài phàn nàn tự trong thâm tâm về sự cứng rắn ngài đối xử với các cha và với giáo dân trong sắc lệnh ngài đã ban hành và nhất là đã cho đốt sách giáo lý, đã để cho mình quá nghiêm khắc, vì thần dân ngài than vãn tố cáo giáo dân đã đập phá tượng thần phật. Nhưng rồi ngài cho các cha được ở lại trong nước sống an toàn như trước. Sự thay đổi bất ngờ của chúa và những lời nói dịu dàng làm cho các cha vững dạ và làm sống lại mọi niềm vui. Sau khi khiêm nhường cảm tạ chúa thì cha trở về ngay. Đem tin mừng cho các đồng sự, tất cả mọi người đều đồng thanh ngợi khen và ca tụng Thiên Chúa nhân lành không bỏ những kẻ phụng thờ và tin tưởng Người. Thế nhưng sắc lệnh chúa vẫn còn niêm yết trước cửa nhà chúng tôi, như thể khiển trách giáo lý chúng tôi rao giảng và xỉ xả Kitô giáo. Cha Majorica lại can đảm vào triều yết kiến chúa và khấn xin ngài cho cất bảng niêm yết còn cho chúng tôi là kẻ phạm pháp, sau ơn huệ chúa đã ban cho chúng tôi. Chúa vui lòng chấp nhận và tức thì sai lính đến cất bảng niêm yết và sắc lệnh. Giáo dân rất đỗi vui mừng và lương dân cũng đến chia vui với chúng tôi.
Vụ bách hại này kéo dài tới ba tháng, trong đó không thiếu dịp cho giáo dân tân tòng ở trong cũng như ở ngoài phủ chịu nhiều đau khổ. Nhà chúng tôi liên tục bị chiếm giữ hoặc có bọn lính hỗn xược tới đóng trong tám ngày đầu, chúng thiêu đốt tất cả những gì chúng tìm được trong nhà chúng tôi như ảnh thánh và các đồ vật thánh. Giáo dân cũng bị kẻ thù hành hạ: có mấy người của cải bị cướp phá hay tịch thu, có người khác bị xỉ nhục để bắt phải bỏ đức tin hay bỏ đạo. Lòng kiên trì của ba thiếu nữ tỉnh gọi là miền đông đã khấn giữ trinh khiết và quyết định của họ khi được tin có vụ bách hại thật là đặc biệt. Họ viết một bức thư rất hay cho các cha dòng để bày tỏ lòng can đảm Thiên Chúa đã cho họ đến tự xưng là giáo dân trước mặt chúa và cam đoan họ sẵn sàng đổ máu để duy trì danh hiệu và danh tánh vinh hiển, họ chỉ muốn sống và chết dưới danh hiệu là giáo dân. Những trinh nữ này tên là Monica, Nympha và Vitta. Sau đó ít lâu Thiên Chúa còn sửa soạn cho họ một thử thách lớn để thử can đảm của họ và cho họ có dịp tốt lập công. Vitta bất thần bị rời xa các bạn và bị một tên lính xấc láo muốn làm hại danh dự mình, đến nỗi hắn tuốt gươm trần đặt lên trên ngực và đe doạ giết nếu không theo ý hắn. Người con gái anh hùng không thèm bàn cãi đã (trả lời): đườc rồi mi cất mạng ta chứ không danh dự thân xác ta đã dâng Thiên Chúa, rồi cô gái đưa cổ và ngực nói thêm: đây, mi đâm đi ở bất cứ chỗ nào, ta vui lòng chết, nghìn lần hơn là theo ý dâm đãng và tội phản Đấng Thiên Chúa ta thờ. Quyết định này làm cho tên lính sửng sốt và cứu được danh dự cho người trinh nữ. Còn hai người kia cũng tỏ ra can đảm chẳng kém trong một thử thách đức tin bị tấn công. Hai cô ra kinh thành cùng một bà có tuổi tên là Phanchica để chịu các phép bí tích và được bồi dưỡng sức chống lại những tấn công của vụ bách hại. Giữa đường gặp mấy tên lính ngoại đạo. Bị hỏi về theo đạo nào và khi các cô xưng rõ ràng, không sợ đe doạ của chúng và sau khi chịu nhận những lời hỗn xược thì các cô bị chúng quẳng xuống hố lấp đất lên tời cổ và ở đó suốt đêm cho tới sáng. Thiên Chúa cho mấy giáo dân đi qua và thấy sự thể, người ta mới lôi ra khỏi và dẫn vào kinh thành. Từ đó cả ba trinh nữ được ẩn nấp trong một nơi an toàn và có năm sáu cô gái khác cũng có quyệt định như vậy và cùng tự nguyện trói buộc mình bằng những lời khấn ở trinh khiết trọn đời, tất cả đều đến họp với ba cô trong một nhà làm thành một tu viện trinh nữ sống đời sống các thiên thần. Tôi không thể bỏ quên ở đây hình phạt tức thời Thiên Chúa ra để phạt một thanh niên dâm đãng vì một bà quả phụ đã khấn thủ tiết, hắn định dùng võ lực bắt ép bà, còn bà thì trong lúc cùng cực bà kêu cầu sự phù hộ của đức trinh nữ mà bà hằng tôn sùng và hết lòng xin người bảo vệ. Lời cầu xin tức thì được nhận và hình phạt tới ngay tên dâm đãng: một tay vô hình nào đã giơ lên và hắn chết ngay tại chỗ.
CHƯƠNG 48: THIÊN CHÚA BAN NHIỀU ƠN CHO GIÁO DÂN
Chúng tôi có thể nói thật rằng từ khi Phúc âm được rao giảng và được đón nhận ở xứ Đàng Ngoài, không những các sai lầm phổ thông trong dân gian đã nhường chỗ cho chân lý đức tin, mà những nhân đức Kitô giáo cũng đã thắng những thói hư tật xấu. Hơn nữa không những giáo dân thực hành các nhân đức thông thường, mà còn giữ những nhân đức cao hơn và khó hơn trong đạo Kitô, nhất là những nhân đức thuộc về sự quên mình theo Phúc âm và sự hành xác mà họ thường sốt sắng làm đến nỗi cần phải kiềm chế chứ không khuyến khích thêm. Có nhiều nhiều người không muốn mặc hai áo trong mùa đông vì sợ kích động nhục dục, có người nằm ngủ trên đất bằng, không đệm không ổ để chế ngự thân xác và bắt thân xác chịu đau đớn một chút. Có người cha giải tội hỏi tại sao gầy còm ốm yếu hơn mọi khi thì đã được trả lời là các cha đã dạy đường lên thiên đàng là đường chật hẹp và cửa thì nhỏ bé, vì thế tôi hết sức bắt thân xác tôi hạ thấp xuống và gầy bớt đi để có thề dễ dàng lọt. Còn có thể kể ra vô số ví dụ về kiên trì, khiêm tốn, bác ái, tôi phải bỏ nếu không cuốn sách này dày quá.
Nhưng khi những giáo dân tốt lành này ra sức thực hành mọi nhân đức thì Thiên Chúa cũng ban cho nhiều phúc lành và ơn thánh dồi dào, kể cả ơn làm phép lạ và truyền khiến ma quỷ cùng dã thú. Bây giờ thành một tục lệ khá thông thường trong xứ Đàng Ngoài là khi lương dân bị quý ám, họ chỉ vào nhà thờ lúc giáo dân đọc kinh thì cũng được khỏi. Người ta còn thấy hổ báo không đến phá phách mấy thôn xóm kể từ khi giáo dân dựng nhà thờ, nhưng đã từ rừng sâu hang dữ trở lại và gây tang tóc ngay sau khi nhà thờ bị phá trong một vụ bách hại. Một điều ai cũng nhận thấy là có viên quan một địa phương, trong thời bắt đạo đã ra lệnh ngày mai phải triệt hạ nhà thờ, thì đêm hôm trước con ông chết trong giường. Trong một thôn khác, lương dân đốt nhà thờ, thì tất cả những kẻ chủ mưu và nhúng tay vào việc xúc phạm này đều bị Thiên Chúa phạt, đến nỗi trong một năm tròn, không mưa một hạt nào trên đồng ruộng, thế mà ở lân cận đó thì mưa sũng nước. Người ta cũng biết tin do một lương dân chân chính mới trở lại đạo kể là lương dân đắc trọng tội đó đã xin lỗi giáo dân và hứa bồi thường thiệt hại, nghĩa là tám mươi người trong bọn họ xin phép rửa tội, thế là cả ruộng nương của họ cũng được Thiên chúa cho mưa xuống.
Tôi thêm điều này, Thiên Chúa nhận đời sống trong trắng của giáo dân tân tòng và ban nhiều ân huệ và ơn sống trong trắng. Có một giáo dân rất sạch tên là Simon ở thôn gọi là Tamdang thuộc tỉnh miền tây, sau khi vào lễ Phục sinh đã trông thấy một con heo rừng đang lục soát trong khu rừng. Ông rất đơn sơ thành thực đọc kinh cầu nguyện xin Thiên Chúa, bởi vì ông đã nghiêm chỉnh giữ luật Giáo hội trong suốt mùa chay kiêng thịt và bây giờ là thời được phép ăn, thì xin Người ban cho ơn xưa kia Người đã ban cho kẻ nào sống trong trạng thái vô tội, nghĩa là xin cho mình có quyền truyền khiến và bắt con heo rừng phải vâng phục mình. Nguyện kinh rồi, ông làm dấu thánh giá và đọc một kinh Lạy Cha, sau đó ông điềm đạm và tin tưởng bảo con heo rừng tới gần ông. Con heo vâng theo và để cho Simon cắt cổ mà không cầm cự như con cựu. Thế là ông dọn một bữa cỗ cho giáo dân và cho gọi những người nghèo khó tới nữa, ông cũng khuyên mọi người ca ngợi và chúc tụng Thiên Chúa vì ơn Người vừa ban cho.
Không phải Thiên Chúa chỉ làm những sự lạ lùng cho giáo dân mà thôi, nhưng thỉnh thoảng cho cả lương dân. Trong một thôn xã gọi là Ke Ro có một người sang trọng trong một thời gian rất ác cảm với giáo dân. Ông còn sát hại người bõ nuôi các con trai của ông chỉ vì ghét đạo mà người này tin theo. Nhưng rồi tâm trí ông nguôi dần vì thấy rất nhiều phép lạ Thiên Chúa làm vì lòng tin của giáo dân, nhất là bằng dấu thánh giá họ tôn sùng. Ông liền ao ước tự mình thí nghiệm xem quyền lực và thế giá mà ông kính phục nó đi tới đâu. Vì thấy cả bày gia súc của ông chết ở ngoài đồng, không có thuốc nào chữa khỏi, ông liền cắm cây thánh giá của giáo dân ở giữa ruộng gia súc đang gặm cỏ, thế là không còn con nào chết, và từ đó cũng không. Ông liền theo Kitô giáo và dấu hiệu được tôn thờ, đến nỗi không những ông muốn trở thành giáo dân mà ngay trong khi bùng lên vụ bách hại trong toàn xứ và người ta phá vỡ nhà thờ của giáo dân thì ông lại đứng tên bỏ tiền dựng một nhà thờ và xin làm phép long trọng.
Chương 49: MỘT TOÁN THỢ PHÚC ÂM BỊ CHẾT ĐUỐI THẢM THƯƠNG
Cha Emmanuel d'Azeuedo tân kinh lý tỉnh dòng Nhật Bổn và phó tỉnh dòng Trung Quốc đã từ An Độ tới Macao và khi được biết những thành quả lớn lao Thiên Chúa làm qua hoạt động của các cha ở xứ Đàng Ngoài và mùa gặt đã chín muồi ở đảo Hải Nam mà chỉ có một thợ để gặt đó là cha Beneđitô de Mattos người Bồ, thì cha liền sai bảy cha dòng chúng tôi, bốn người từ xứ Đàng Ngoài và ba người cho đảo Hải Nam. Người chỉ đạo và thủ lãnh toán này là cha Gaspar d'Amaral đã hồi phục sức khoẻ và sinh lực ở học viện Macao, trước kia bị yếu nhược và kiệt sức khi làm việc ở khu vườn truyền giáo Đàng Ngoài, nay cha cương quyết trở lại. Đi theo cha thì có các đồng sự cha Phêrô Albert người Bồ đã làm việc truyền giáo ở đó, cha Gioan Inhaxu Leviski người Balan và cha Phanchicô Ascanio Ruida người Ý, tất cả đều thông thạo tiếng Đàng Ngoài. Ba cha còn lại, cha Gioan Anrê Lubelli, Antôn Constantinô, cả hai là người Ý và cha Valentinô Noguera người Bồ thì đi đảo Hải Nam.
Toán quân tinh nhuệ mới đi chinh phục các linh hồn này khởi hành từ hải cảng Macao ngày 23 tháng 2 năm 1646. Trời hơi xấu và biển động. Ngày hôm sau là ngày lễ thánh Mathias thì tới đảo Tam Xuyên danh tiếng có mộ thánh Phanchicô Xaviê, vị đại tông đồ Đông Phương. Người ta thấy một tảng đá lớn cao chừng mười lăm gang tay, khắc chữ của chúng ta và chữ Hán kính dâng đấng thánh. Tàu đậu lại ở đây một ngày vừa đợi cho biển lặng vì sợ có bão lớn, vừa để có thời giờ cho các cha kính viếng và khấn xin nơi mộ thánh Phanchicô Xaviê. Sáng hôm sau thì nhổ neo. Sóng biển lúc này vì có bão lớn nên đã khá cao và suốt ngày hôm đó cho tới gần nửa đêm vẫn không ngừng thổi về phía đảo Hải Nam một trận gió không đến nỗi mạnh lắm. Nhưng sau nửa đêm thì nỗi lên một trận bão lớn xô tàu đụng mạnh vào cồn. Cha Albert nằm trên sống dọc tàu bị văng xuống biển và đột nhiên (thật là lạ lùng) lại bị sóng do tàu đụng vào cồn dâng lên và hất vào trong tàu. Tai nạn này không còn làm cho ai ở trong tàu không tin chắc là sẽ chết hết. Các cha nghĩ ngay đến việc cứu linh hồn những lương dân cùng đi biển với mình hơn là nghĩ tới mình, nên đã làm hết bổn phận dạy dỗ sơ lược cho họ biết về đức tin và rửa tội cho họ. Trong khi sợ hãi và mất hy vọng cứu được tàu khỏi tan vỡ vì đụng mạnh, thì thuỷ thủ xuống một chiếc xuồng không có người buộc theo sau tàu để bảo vệ mạng sống. Thế là chiếc tàu thuỷ thủ bỏ rơi, đã bị vỡ một nữa, nước ập vào tứ phía, rồi chìm xuống lòng biển, trong đó có thuyền trưởng, các cha và hầu hết các người khác ở trong tàu, tất cả đều chết đuối hết, trừ có cha Anrê Lubelli và rất ít người khác sống sót. Trong một thời gian cha bị sóng đánh vật vờ, không hy vọng sống, cha quyết định làm một việc phụng sự Thiên Chúa trước khi chết là cứu linh hồn những kẻ sắp chìm dưới làn sóng như cha. Cha đã làm phép giải tội cho một người, sau khi xin cha thì người đó cùng cha gần như chìm dưới đáy. Thế nhưng cha lại ngoi lên mặt nước có ý tìm một người nào khác trong cơn cùng cực này, nhưng (cũng là Thiên Chúa thu xếp như vậy) cha với được một mảnh ván và bám vào đó, rồi sóng đánh dạt vào bờ. Những thủy thủ đã lên đất nhờ chiếc xuồng liền đến kéo cha vào và đặt cha nửa sống nửa chết cạnh ngọn lửa hồng. Được sưởi ấm, cha hồi tỉnh dần dần và khi được tin hầu hết các bạn đồng sự đều chết thì cha ứa nước mắt khóc (như lời cha viết trong thư) hối tiếc vì chỉ một mình cha được sống sót, như một trong số đầy tớ của ông Gióp, một mình thoát nạn để kể lại tai hoạ của những người khác hoặc như Gionas trốn chạy, được sóng gió mửa trên bờ vì mình làm nên tội.
Trong những người sống sót, ngoài cha Anrê và các thuỷ thủ thì còn một giáo dân trẻ người xứ Đàng Ngoài tên Gilles, anh theo cha Albert từ xứ Đàng Ngoài về Macao lo các việc, và cùng cha trở lại Đàng Ngoài. (Vì anh khôn khéo) anh thấy tàu thế nào cũng đắm, anh lăn vào một chiếc thuyền nhỏ còn lại, một kiện hàng trong đó có những thứ đồ đạc rất quý của các cha và anh xuống thuyền đó chèo vào bờ cùng một chiếc khác chèo theo sau. Từ đó anh Gilles sống tốt lành và chung thuỷ đã về tới một bến Đàng Ngoài cách xa chừng năm mươi dặm rồi anh đến trình diện các cha, đưa tin vụ đắm tàu đau đớn và cái chết của những người phải đến yểm trợ các cha. Mọi người đều đau đớn. Nhưng trong tai họa này còn nhận được yên ủi trong kiện hàng mà anh Gilles chung thuỷ trả lại cho các cha, trong đó chứa nhiều đồ vật để nuôi dưỡng các cha và mấy của hiếm để làm phẩm vật dâng hiến Chúa: việc này không phải là nhỏ để mua lòng Chúa. Chúa cũng tỏ ra thương tiếc không những vì sự mất mát của chúng tôi mà vì chiếc tàu người Bồ đến buôn bán trong xứ ngài, một việc mà ngài rất hãnh diện và rất ham muốn.
CHƯƠNG 50: VỀ PHÍA TRUNG QUỐC ĐÃ ĐEM LẠI MỘT LÝ DO CHO NGƯỜI TA TRỞ LẠI ĐÔNG ĐÚC
Cho tới nay Phúc âm Đức Giêsu Kitô đã tiến triển rất nhiều ở xứ Đàng Ngoài đến nỗi các người thừa hành lời Thiên Chúa đều vui mừng thấy hậu quả lớn lao của ơn thánh và thành công trong các công việc đã vượt mức trông đợi. Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương yêu khi người ta ít nghĩ tới thì lại sửa soạn cho thêm lý do khiến các dân trở lại động đúc hơn.
Số là có một cha dòng chúng tôi tên là Anrê Xaviê Allemand, một nhà toán học lỗi lạc, năm 1644 đã tới Trung Quốc, để hoạt động trong vườn nho rộng lớn. Do nhân đức và tinh thông toán học mà trong một thời gian ngắn cha đã được viên phó vương theo Kitô giáo tên là Luca cai quản một tỉnh ngay ở biên giới xứ Đàng Ngoài, đem lòng quý mến và đặc biệt thân tín. Trong khi đó có một sứ thần của chúa Đàng Ngoài từ Bắc Kinh trở về, ông nhân danh chúa đi triều cống vua Trung Quốc theo tục lệ. Cha Anrê muốn lợi dụng cơ hội này để giúp khu truyền giáo Đàng Ngoài thì yêu cầu phó vương biệt đãi và quý trọng sứ thần với ý định để ông đem lòng quý mến các cha dòng chúng tôi. Cha cũng thuyết phục phó vương viết một bức thư cho chúa Đàng Ngoài, trong thư ông ca tụng Kitô giáo mà chính ông cũng tin theo, sau khi nhận biết sự thánh thiện và công phúc. Ông cũng giới thiệu nhân đức các cha dòng đang giảng đạo trong xứ mình là những người đáng được gia ơn thi phúc và bảo vệ. Thư này, không trao cho sứ thần, nhưng cho một quân binh của phó vương đi theo sứ thần đem thẳng tới tay chúa, nhân danh phó vương và kèm theo những lời khiêm tốn quý trọng và sẵn sàng phục dịch. Người quân binh trung thành làm theo. Và khi chúa đọc trong thư phó vương (ngài muốn chuyển cho hoàng tử là người sẽ nhận kế vị) có những lời giới thiệu Kitô giáo mà một người có thế giá như thế đã tin theo, lại thêm bằng chứng lớn lao về sự quý mến nhân đức và công lao các cha được gọi là tôn sư. Cả hai, tiên vương cũng như chúa đương thời sẽ tuyên bố những cảm tình quý mến bằng những lời giới thiệu đích đáng làm cho mọi dân nghe tin đều bị lay chuyển. Vì thế chưa đầy sáu tháng đã cho gần mười hai nghìn người theo đạo công giáo và một mình cha Antôn de Fontes người Bồ, thợ kỳ cựu của khu truyền giáo, trong thời gian này, đã rửa tội được bốn ngàn. Từ đó số người mới trở lại tăng lên rất nhiều và ngày nay tính trong xứ Đàng Ngoài có hơn hai trăm ngàn giáo dân. Hy vọng ở khắp nơi rất khả quan đến nỗi có thể trông một ngày kia niềm tin vào Đức Kitô sẽ thống trị hết các tâm hồn và thánh giá được dựng lên và được tôn thờ trong khắp nước mà không gặp cản trở. Đó là điều đem lại yên ủi cho những người hoạt động trong khu truyền giáo này và làm cho những người khác khi biết thành quả tốt đẹp như thế thì đều ao ước đến hỗ trợ số thợ rất ít mà mùa màng thì lớn và nhiều. Vì thế mặc dầu đã mất mấy người bị đắm tàu không đến xứ Đàng Ngoài được, nhưng được dạt vào bến Trung Quốc là nơi Thiên Chúa chỉ định cho thì có năm cha khác may mắn tới thay thế vào cuối năm 1646. Đó là cha Gioan Cabral kinh lý khu truyền giáo này, trước kia là viện trưởng học viện Macao và phó tỉnh dòng Nhật Bản, cha Phanchicô Rongel, giáo sư thần học, cha Phanchicô Figueira giảng viên danh tiếng, cả ba đều là người Bồ, với hai cha Phanchicô Montescoli và Stanislas Torrente người Ý, tất cả đều cương quyết sử dụng lao khổ, sức lực và sinh mạng mình để cứu rỗi các dân.
Chương 51: NHỮNG ĐIỀU CHÚNG TÔI MỚI NHẬN ĐƯỢC VỀ GIÁO DÂN ĐÀNG NGOÀI
Lịch sử được tiếp tục ghi cho tới đây bao gồm sự tiến triển của Kitô giáo trong khu truyền giáo Đàng Ngoài từ năm 1627 cho tới năm 1646. Còn những điều sẽ nói sau đây, trong chương này, chúng tôi đã trích trong hai bức thư, một thư của cha Gioan Cabral chúng tôi vừa nói, kinh lý khu truyền giáo, viết về cha bề trên Cả, vào tháng 10 năm 1647. Trong thư, cha điều trần về cuộc kinh lý của cha và về những thành quả mới hái được trong khu truyền giáo. Thư thứ hai là của cha Gioan Barbosa thợ kỳ cựu ở đây, cũng là người rất hiểu biết các công việc trong khu vực này.
Cha Cabral cam đoan nhận rằng chỉ trong hai năm 1645 và 1646 giáo hội Đàng Ngoài đã được hơn hai mươi bốn nghìn giáo dân trở lại đạo. Trong xứ có hai trăm nhà thờ cỡ lớn với nhà ở cho các cha ngay cạnh đó, đây là nơi thường trú hoặc tạm trú khi các cha tới làm việc. Trong năm 1646 chỉ có bảy cha phân ra trong năm trụ sở, còn một cha tên là Phaolô Caloprosi người thành Napoli, thợ rất can đảm và không biết mệt, cha đã mất ít lâu sau. Ngoài bốn thợ mới ghi ở trên còn có một người thứ sáu là cha Philipphê Marini người thành Genôva bị chặn lai không qua nước Campuchia như đã được chỉ định. Phải dựng trụ sở thứ sáu để dễ bề phục vụ số rất đông giáo dân trở lại. Cha đã nhìn thấy từ khi ở xứ này, dân Đàng Ngoài dễ tiếp xúc hơn và dễ tin theo đạo hơn, không có một dân Đông Phương nào, về luân lý trong trắng hơn và có ít thói hư tật xấu chung cho mọi nơi khác, làm ngáng trở cho đức tin và gây những khó khăn gần như không vượt nổi, để thực hành các nhân đức của Kitô giáo. Giáo dân tân tòng rất vững vàng trong đức tin, như thể đã nhận từ mấy thế kỷ nay, họ cũng xa những khuynh hướng, những mê tín dị đoan như thể chưa bao giờ biết tới. Họ thi hành các nhân đức Kitô giáo, gớm ghét những đồi bại chung, rất nghiêm chỉnh giữ luật Thiên Chúa, rất sốt sắng làm các việc đạo đức và đọc kinh cầu nguyện. Mọi người đều dậy thật sớm, sau khi thức dậy thì họ đọc kinh ít là nửa giờ và cũng vậy trước khi đi ngủ; họ rất vâng lời và kính trọng các cha, công nhận sự khó nhọc của cha bằng sự biết ơn và không gì làm phật ý họ bằng từ chối không nhận phẩm vật họ mang tới. Khi các cha đến thì họ tỏ ra vui mừng thái quá đến nỗi họ tổ chức cuộc vui và ngày hội công cộng để thổ lộ ra.
Cha còn nói nhiều điều mà tôi bỏ qua để tôi thêm lời kết thúc, đó là bằng chứng về mối thịnh tình đặc biệt chúa Đàng Ngoài để lại qua bức thư gửi cha Felix Morelli, bề trên khu truyền giáo, bức thư này cho chúng ta những triển vọng lớn lao thấy giáo đoàn mở rộng trong thời ngài trị nước và Chúa Cứu thế được tôn thờ trong khắp lãnh thổ ngài. Trước khi lên cầm quyền nối nghiệp đức tiên vương, ngài đã có lần nói với cha Morelli, để tỏ lòng ngài quý mến cha thì ngài muốn nhận cha làm dưỡng tử (trong xứ này đó là bằng chứng các người quyền thế tỏ tình thương yêu những người họ quý mến), nhưng vì trọng kính đức thân phụ là người ghét các cha, nên ngài chưa muốn công khai tỏ ra. Nay ngài được tôn lên bậc chúa và nắm guồng máy cai trị quốc dân với sự thoả thuận và đồng ý của đức thân phụ đã có tuổi và yếu sức, lại có cuộc gặp gỡ tốt lành, các cha bên Tàu được phó vương tín nhiệm, các sứ thần của chúa Đàng Ngoài được hậu đãi và được một ít viện trợ cần thiết khi trở về; chúa đương thời nhận thấy đức thân phụ đã theo dõi điều trần các sứ nói về sự giúp đỡ các cha đã làm cho mình khi ở bên Tàu, nên ngài bắt đầu công nhận, ca tụng và giới thiệu công việc của chúng tôi là những việc hữu ích cho quốc dân. Vì thế ngài quyết định công bố, theo thể thức trong xứ, bằng một chứng thư danh dự, lòng quý mến của ngài đối với cha Morelli, để lưu lại bằng chứng công khai đó cho cha. Ngày 11 tháng 03 năm 1647 ngài viết và gởi chứng thư lên giấy hoa bằng chữ Hán, nội dung dịch sát nguyên bản như sau :
"Ta là Kiên Thượng vương toàn quyền và tối cao trong xứ Đàng Ngoài, ta gửi người chứng thư tự tay ta thảo, để làm bằng chứng ta quý mến ngươi, Felix bậc tôn sư đệ nhất và tiến sĩ đạo trưởng thờ Chúa trời đất.
Từ khi ngươi vào xứ ta, ta đã đặc biệt quý mến ngươi hơn hết các tôn sư ngoại quốc đến dạy đạo ở đây. Ta coi ngươi như vườn ruộng trồng hoa hướng dương quay về mặt trời soi sáng và sưởi ấm, ta cũng coi ngươi như quý tử của ta. Để cho ngươi biết lòng ta quý mến ngươi, ta đặt cho ngươi một tên mới là Phúc Chân, có nghĩa là một người chân thật có phúc cao cả. Thế nên từ nay ngươi chỉ có ý nghĩ hay không có nghĩ như ta, như tất cả những ai phải làm khi quý mến nhau và chỉ có một tâm hồn. Nếu ngươi làm như vậy thì ngươi được kể vào sổ những kẻ có thế giá và có nhiều danh vọng vì đã giữ luật nhân ái và ngươi được ta quý mến".
Đó là lời lẽ bức chứng thư của chúa đương thời, ngài nhận cha Morelli làm nghĩa tử. Thư này ngài sai người đem tới tận nhà chúng tôi với đám rước linh đình trọng thể với các bậc cận thần, họ được tiếp đón với tất cả danh dự và ghi ơn về phía các cha dòng chúng tôi. Viên thuyền trưởng người Bồ và các tuỳ viên cũng dự buổi lễ này, nhà chúng tôi và tất cả vùng lân cận đều vang lừng tiếng kèn, tiếng trống; cũng ngày hôm đó người ta rước cha vào phủ chúa để đáp lễ cảm tạ. Tất cả những điều này đều trích trong thư cha Gioan Cabral kinh lý khu truyền giáo.
Còn cha Gioan Barbosa trong thư tường thuật dài dòng về lòng đạo đức và sốt sắng của giáo dân tân tòng Đàng Ngoài, cha so sánh họ với các nhà tập dòng cải cách của chúng ta. Tôi trích và viết vắn tắt sau đây. Thứ nhất cũng như cha Cabral đã viết, cha ca tụng họ rất siêng năng và kiên trì đọc kinh sáng và kinh tối, họ không bao giờ bỏ trừ khi quá bận rộn và phải làm việc đã hẹn. Vì thế trong hết các nhà, họ đặt bàn thờ, trang ho agrave;ng các đồ thờ đẹp đẽ theo khả năng mỗi người, họ bớt những sự cần dùng về ăn, về mặc một chút hơn là thiếu sót về việc này. Trên bàn thờ, ngoài ảnh và thánh giá bằng chất liệu quý như mai rùa và ngà voi rất nghệ thuật, còn có một bình đẹp đựng nước phép với tràng hạt và các dụng cụ hành xác mà họ thường dùng. Cha còn thêm và là điều rất đáng khen, họ có những bàn thờ nhỏ và nhẹ, vẽ màu và sơn son thiếp vàng, họ đem theo khi đi đường và dựng ngay trong nhà trọ và trong những nơi họ phải nghỉ đêm, để làm các việc đạo đức. Họ còn nói thêm rằng họ rất muốn dự thánh lễ hằng ngày khi cử hành ở nhà thờ, vì thế mọi người đều muốn dự tất cả, đến nỗi chúng tôi buộc lòng phải xua họ ra và phân chia từng phiên vào những ngày khác giờ khác để cho lương dân không ghen ghét vì thấy quá đông giáo dân tụ tập nhau. Các cha phải vất vả nhiều để cho lòng sốt sắng của họ được toại nguyện bởi vì họ muốn xưng tội và rước lễ mỗi tháng hai ba lần. Họ có lòng tôn kính, quý mến và biết ơn các cha không thể tưởng tượng được, không có gì làm họ giận bằng từ chối những của họ dâng cúng. Họ có lòng thương yêu nhau làm cho mọi lương dân đều khen ngợi. Có mấy người sống chung với nhau và kẻ có chút của hơn người khác thì bao giờ cũng dọn bàn ăn để niềm nở đón tiếp khách hành hương và kẻ xa lạ, thỉnh thoảng xảy ra vụ lữ hành ngoại đạo giả làm giáo dân để được tiếp đón và được đãi ngộ tử tế hơn trong hành trình. Thường thường họ rộng rãi quá sức họ để bố thí cho người nghèo và cho các thầy giảng và nhất là cho những người bị trưng thu tài sản để bảo vệ đức tin, những người này thường chẳng còn gì để ăn, để mặc; nhờ đó họ và vợ con họ không thiếu sự cần dùng. Sau cùng có một số rất đông giáo dân nhiệt tình (muốn thi hành lời khuyên Phúc âm), họ buộc mình khấn giữ đức vâng lời làm cho chúng tôi miễn cưỡng phải từ chối; nhiều người phân phát hết của cải cho người nghèo để khiêm nhường làm việc lành cứu rỗi và được tự do hơn để lo phần rỗi kẻ khác. Có một số đông thanh niên và thiếu nữ khấn trinh khiết trọn đời và cả những kẻ ở bậc phu phụ cũng thỏa thuận với nhau giữ tiết dục trọn đời, họ buồn bực vì được biết đức tin Kitô giáo và sự đẹp đẽ của Đức Đồng trinh quá muộn; họ ước muốn (như họ cam kết) tự hiến mình cho Chúa Giêsu Kitô ngay thời niên thiếu. Trong thư này còn thêm nhiều sự khác về đời sống kiểu mẫu và lương tâm trong sáng của giáo dân tân tòng. Nhưng những điều nói trên cũng đủ cho chúng ta nhận thấy một vài nét về nhân đức và sự trọn lành của bộ mặt trẻ trung của giáo hội Đàng Ngoài, mới được hai mươi ba tuổi, nhưng từ ngày nhận ánh sáng Phúc âm thì đã được tô điểm tráng lệ. Ước mong Thiên Chúa ban cho giáo hội này luôn luôn tăng tiến về sự trọn lành và được đầy ơn Thiên Chúa, để cho ta xem thấy một kỳ công tuyệt tác của vinh quang Người.
CHÚ THÍCH
QUYỂN I

(1)Lý Thái Tổ dời kinh đô về thành Đại La và đổi tên thành là Thăng Long (1010). Đời Hồ gọi là Đông Đô, tới Lê Thái Tổ thì lại gọi là Đông kinh. Từ chữ Đông kinh này mà người ngoại quốc gọi Đàng Ngoài lúc đó là Tunquin (Đông kinh)
(2)Từ Lê Thái Tổ, lệ ba năm sang cống, mỗi lần đúc hai tượng người bằng vàng, gọi là "Đại thân kim nhân". Có lẽ lúc đánh trận Chi Lăng có giết mất tướng nhà Minh là Liễu Thăng và Lương Minh nên phải đúc hai người bằng vàng để thế mạng. Coi Trần Trọng Kim, sd, q.2, tr.248.
(3)Đàng Trong, người ngoại quốc gọi là Cocincina. De Rhodes cắt nghĩa nguyên do tiếng gọi này.
(4)Không hiểu bởi đâu người ta gọi nhà Mạc ở Cao Bằng là "chúa Canh". Có lẽ người Bồ gọi chúa Cao Bằng là "ciucanghe" (coi : Marini Tường trình về Đàng Ngoài " bản tiếng Pháp, tr.35.36.37)
(5)Có ý nói về Ngô Quyền đặt nền độc lập tự cho đất nước (nhà Ngô 939 – 965)
(6)Mạc Đăng Dung có giết vua Chiêu Tông năm 1524 và tự xưng làm vua.
(7)Ở Đàng Trong lúc này là chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613 – 1635) là con Nguyễn Hoàng tục gọi chúa Tiên và là cháu Nguyễn Kim. Nguyễn Kim đã tìm được một người con rốt của vua Chiêu Tông và đặt lên làm vua tưc Trang Tông (1532), coi Trần Trọng Kim, sd, q.2, tr.18
(8)Có thêu dệt trong vụ Nguyễn Kim gả con gái Ngọc Bảo cho Trịnh Kiểm là một tướng giỏi, hay là theo lời bàn tán của dân gian, coi Trần Trọng Kim, sd, q.2, tr.18
(9)Bà Ngọc Bảo xin cho Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hoá (1558) và đây là khởi đầu tranh chấp giữa Trịnh và Nguyễn
(10)Trịnh Kiểm mất năm 1572, Trịnh Tùng tức Bình An Vương (chúa Bằng) lên cầm quyền (1570 – 1620) và năm 1593 lấy được Thăng Long từ tay nhà Mạc. Nhà Mạc rút lên Cao Bằng.
(11)Thanh Đô Vương tức Trịnh Tráng. Nguyễn Hoàng đã gả con gái là Ngọc Tú cho Trịnh Tráng.
(12)Nếu tính từ nhà Ngô tới nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, Trần, Hồ thì không phải là thứ tư mà là thứ bảy.
(13)Vua Nhật có chức vị nhưng quyền hành đều nằm trong tay mấy tướng lãnh phong kiến, tương tự như vua Lê với chúa Trịnh, Nguyễn của ta, gọi là tương đương thôi.
(14)Tức Trịnh Tùng, coi số 10
(15)Nói về Trịnh Xung làm loạn nhưng bị Trịnh Tùng tìm giết đi, coi Trần Trọng Kim, sd, q.2, tr.36
(16)Ở Châu Âu mỗi tay chèo có ba hay bốn người chèo và họ ngồi mà chèo, lại kéo chèo về phía người chứ không đẩy về phía trước như ta.
(17)Trận thuỷ chiến năm 1644, chúa Thượng phái thế tử Dũng Lễ Hầu tức Nguyễn Phúc Tần xuất trận, sau này ông nối nghiệp gọi là Hiền Vương. Bên Hoà Lan có đề đốc Pierre Breck chỉ huy.
(18)Kẻ Chàm hay Cacciam ở Quảng Nam, làng Thanh Chiêm, tức cửa Hàn xưa gọi là đại chiêm hải khẩu. Theo bản đồ cổ thế kỷ 17 thì có cửa biển Quảng Ngãi, Quy Nhơn và cửa Ran Ran ở giáp giới Chàm thời đó (Ran Ran do tên sông Đà Ràng)
(19)Ở Âu Châu chỗ chi huy lại ở vào đuôi tàu, với tầng cao như tầng lầu.
(20)Theo bản đồ De Rhodes (1651) thì Đàng Ngoài gồm có bảy tỉnh : 1.Kẻ Bắc (Kinh Bắc), 2. Kẻ Đông (Hải Dương), 3. Kẻ Tây (Sơn Tây), 4. Kẻ Nam (Sơn Nam), 5. Thanh Hoá, 6. Nghệ An, 7. Bố Chính
(21)Một triệu người ở kinh thành Thăng Long thời đó, liệu có quá đáng không ?
(22)Có thể là ba tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An và Bố Chính
(23)Bên Âu Châu khi danh dự bị xúc phạm thì họ có thói đấu kiếm tay đôi để triệt hạ địch thủ.
(24)Đời Mạc năm 1595, sử ghi : "Lúc đầu triều Lê, dùng theo việc cũ triều Lý, nhà Trần hằng năm cứ đầu mùa xuân, hội họp làm lễ tuyên thệ. Từ khi trung hưng đến nay không ai hành lễ ấy. Đến nay hội họp đông đủ văn võ trăm quan, lại đặt đàn tràng làm lễ tuyên thệ ở phố tả cửa Nam thành Thăng Long "Khâm Định Việt sử, chb.30,11. Thời Lê Thái Tông, năm 1434 cũng có hội thế, coi KĐVS, chb.16,3)
(25)Bá tước (comte), hầu tước (marquis), nam tước (baron). Như tác giả nói, sự so sánh này không đúng, vì ở Âu Châu chức nhà vua ban cho thì có quyền sở hữu một khu vực là truyền lại cho con cả chức tước, cả cơ nghiệp. Ở Việt Nam thì không thế.
(26)Chim yến, coi Borri I, số 32
(27)Nước mắm, coi Borri I, số 28
(28)Voi, coi Borri I ch.4
(29)Tê giác, coi borri I, ch.4
(30)Le liver : tức nửa kilô, nửa cân.
(31)Coi thêm Pierre Yves Manguin, Les Portugais sur les cotes du Vietnam et du Campa (Người Bồ tới bờ biển Việt Nam và Chàm, thế kỷ 16, 17 và 18. EFEO, Paris 1972). Tác giả sưu tầm các tư liệu viết tay bằng tiêng Bồ và nghiên cứu những lộ trình hàng hải thời xưa. Kết luận là những cửa biển Đàng Trong được người ngoại quốc biết tới sớm hơn các cửa biển Đàng Ngoài. Họ thường đi dọc theo bờ biển Đàng Trong cho tới Hội An rồi chiếu thẳng đi Macao hay đi Nhật.
(32)Coi Borri, về các hàng bán cho ngoại quốc. P.Y.Manguin cũng kê khai sổ các hàng hoá xuất nhập khẩu vào thới đó.
(33)Về tiền bạc dùng trong thời này coi thêm Borri, I, ch.8
(34)Năm 1434, thời Lê Thái Tông, có sắc lệnh về tiền như sau: "Chỉ huy cho kinh thành và các phủ lộ, huyện châu xã sách thôn trang hay rằng từ nay về sau tiền đồng sứt mẻ mà còn sâu vào lõi được, thì phải lưu thông tiêu dùng, không được loại bỏ, nếu đã mẻ gãy không xâu được nữa thì không tiêu dùng". (Đại Việt sử ký toàn thư II, tr.81)
(35)Coi thêm : Phép Giảng tám ngày
(36)Phép tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
(37)Về phật giáo, coi thêm Borri và Phép Giảng tám ngày
(38)Thực ra không phải lý thuyết uyên thâm của Lão Tử trong đạo đức kinh, nhưng là những phù phép ma thuật.
(39)Bói chân gà: trong tự vị De Rhodes ghi giò: chân, cẳng gà ; xem giò : dị đoan coi chân gà để đoán điềm lảnh dữ.
(40)Tục gọi hồn : coi thêm Borri. II. Ch.4
(41)Luận về của cúng, coi thêm Borri, 2 ch8
(42)Tất cả các giáo sĩ đều nói tới việc ma tốn kém : Borri, Tissanier, Marini
(43)Tục đốt vàng mã : coi thêm Phép Giảng
(44)Marini, Tissanier tả một đám tang vua chúa hết sức tổn phí, coi sách dẫn
(45)12 địa chí: Tý sửu dần mão thìn tỵ ngọ mùi thân dậu tuất hợi (chuột trâu cọp mèo rồng rắn ngựa dê khỉ gà chó lợn). 10 thiên can : Giáp ất bính đinh mậu kỷ canh tân nhâm quý.
(46)Chúng tôi chưa tìm ra manh mối vị thần này
(47)Tục dựng cây nêu
(48)Coi thêm Borri, sd, để biết việc nghiên cứu học Tiếng Việt đã manh nha từ những giáo sĩ đầu tiên tới Việt Nam: kể từ Borri cho tới Gaspar d'Amaral, De Pina, De Rhodes, nghĩa là từ những năm 1615 – 1622 tại Đàng Trong trước khi được tiếp tục ở Đàng Ngoài.
(49)Thanh và tên gọi các thanh
1. Thanh trầm (dấu huyền) dò Hy lạp
2. Thanh hầu như trầm (dấu nặng) rệ iota Hy lạp
3. Thanh uốn trầm (dấu ngã) mi Hy Lạp
4. Thanh bằng (không dấu) pha
5. Thanh uốn dịu (dấu hỏi) sổ La Tinh
6. Thanh sắc (dấu sắc) lá Hy Lạp
(50)Tác giả muốn dùng sáu nốt nhạc để cho thí dụ, sáu nốt nhạc đó là: đô, rê, mi, pha, sol, la. Nhưng thí dụ hơi ép gượng và sai lạc ở rệ, vì chính là rễ
(51)Về thí dụ: ba, bà, bá, bả, bã không có vấn đề, rất thông suốt. Còn bạ là một từ chuyên môn ở miền quê: bạ bờ, đắp bờ, nhưng bạ theo De Rhodes còn có nghĩa là vật bỏ rơi thuộc về người đầu tiên nhặt được (res pro derelicta quae est primo occupantis), ai bạ thì lấy. Còn bả thì lại hiểu là vả vì thế mới thành câu ba bà bả bá.
QUYỂN II
(1)Từ năm 1542 đã có thương gia ngoại quốc tới Nhật, rồi theo sau là các giáo sĩ, mà người thời danh nhất là thánh Phanchicô Xavie (1949). Nhưng năm 1617 họ trục xuất các giáo sĩ và bắt bớ giáo dân. Năm 1637 có tới 32 ngàn người
(2)Coi tường trình của Baldinottti
(3)Theo chính Baldinotti thì vừa chưa thạo đường lối vừa bị bão lớn nên sau 36 ngày mới tới nơi. Đó là năm 1626. Trái lại, như sẽ thấy sau De Rhodes chỉ đi biển có một tuần là tới
(4)Về lộ trình của các thương gia, họ thường theo dọc bờ biển Đàng Trong từ ranh giới Chàm (cửa biển Đà Rằng), Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Hội An, rồi tuỳ tiện họ chiếu thẳng đi Macao hay Nhật Bản. Coi bản đồ trong P.Y.Manguin, sd.
(5)Coi Baldinotti về buổi thề để cho chúa Trịnh khỏi nghi ngờ.
(6)Thực ra Lợi Mã Đậu (Matteo Ric
ci) năm 1603 đã cho phát hành cuốn Thiên Chúa thực nghĩa bằng chữ Hán. Như vậy, danh từ Thiên Chủ đã được dùng để chỉ Thiên Chúa của giáo dân Kitô. Tự vị Việt Bồ La ghi: thiên, trời; thiên địa, trời đất; thiên chủ, Chúa trời; tốt hơn: Thiên Chúa; thiên đàng, nhà trời, tốt hơn Thiên Chúa đàng, nhà Chúa trời.
(7)Những bản kinh dĩ nhiên được ghi bằng chữ nôm, còn giáo sĩ thì có thể đã chép theo quốc ngữ để tiện dụng cho mình và sau này cho các thầy giảng
(8)Sự giao dịch với người Bồ, đối vời nhà cầm quyến lúc đó, chỉ có mục đích trao đổi hàng hoá và nhất là được những võ khí mới để giao chiến với Đàng Trong.
(9)Năm Đinh Mão là năm 1627, Trịnh Tráng đưa quân vào đánh chúa Sãi ở Đàng Trong, coi Trần Trọng Kim q.2, tr.40-41. Sử cũ của ta có nói tới.
(10)Phẩm vật vừa là sản phẩm của khoa học vũ khí vừa là của hợp thời đúng lúc: một khẩu súng hộ vệ thân.
(11)Trịnh Kiểm nghe lời Ngọc Bảo cho Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hoá. Tới đời Nguyễn Phúc Nguyên con Nguyễn Hoàng, ông không chịu triều cống nên Trịnh Tráng cho quân vào "hỏi tội" sau khi gửi tối hậu thư. Đây là trận thứ nhất giữa Trịnh và Nguyễn.
(12)Dĩ nhiên là viết bằng chữ nôm vì lúc đó chưa đề cập tới chữ quốc ngữ là thứ chữ riêng do các giáo sĩ ngoại quốc nghĩ ra. Vị sư trở lại đạo hẳn khá tinh thông chữ Nôm và chữ Hán
(13)Coi Borri, lần thứ nhất đã có ý lập nghĩa trang, ở đây lần thứ nhất nói tới nhà thương cho người nghèo
(14)Sự cộng tác của giáo dân người Việt trong việc biên chép các sách kinh , sách giáo lý, dĩ nhiên lúc đầu bằng chữ Nôm.
(15)Về trận thất bại này của Trịnh Tráng, các sử ta đều nói tới :
- Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ tục biên q.18
- Khâm định VSTGCM, chb.31-23 và 31-24
- Đai Nam thực lục tiền biên q.2
(16)"Lê Khuê, tướng bên địch, đem kỵ binh (quân cưỡi ngựa) vào cướp trận địa, quân ta dùng đại bác bắn lại, quân Trịnh sợ hãi rút lui. Lúc ấy Nguyễn Khải dàn doanh trại ở phía bắc sông Nhật Lệ. Nhân đêm, nước thuỷ triều lên, lính thủy ta bắn súng để uy hiếp, quân Trịnh sợ hãi rối loạn. Chợt lúc quân của Trịnh Tráng tiếp đến, thế quân rất mạnh, quân ta dùng voi chặn đánh, quân Trịnh tan vỡ, bị chết rất nhiều.
Hữu Dật cùng Trương Phúc Gia bàn mưu với nhau : cho gián điệp nói phao lên là Trịnh Gia và Trịnh Nhạc sắp nổi loạn. Trang nghe được tin ấy, trong bụng nghi ngờ, lại vì có thua luôn mấy trận, bèn dẫn quân về" (KĐVSTGCM, chb.XXXI,24)
(17)Đây là sách hình học của Euclide (nhà toán học Hy Lạp thế kỷ 3 trước CN) do cha Ricci cùng người cộng tác Trung Hoa dịch và cho ấn hành, nhan đề "Kỷ hà nguyên bản"
(18)Tức ngày 23 tháng 06 năm 1627. Nên nhắc ở đây giáo sĩ tới cửa Bạng ngày 19 tháng 03 năm 1627
(19)Một nét làm nổi bật trí thiển cận và kiêu căng của một nho gia thời đó. Ngoài sách thánh hiền, thì không còn biết sách khoa học, kỹ thuật nào khác.
(20)Hiểu như giáo sĩ chưa biết thưởng thức nhạc cổ truyền Việt Nam
(21)Tức ngày 29 tháng 06
(22)Chúng tôi chưa biết rõ về nhân vật này
(23)Bà em gái hay chị gái Trịnh Tráng
(24)Thơ vãn của con gái bà Catarina. Thật là Hà Nội đất ngàn năm văn vật. Ngay buổi đầu đã có thơ vãn về Kitô. Hẳn là theo các bài giáo lý như trong Phép Giảng tám ngày. Còn cuốn thứ hai là bài vãn về cuộc giảng đạo ở xứ này. Chúng tôi không được biết thêm về hai cuốn này. Nhưng vào đầu thế kỷ này , có thấy ấn hành một bài ca vãn nói về đức cha Liêu giảng đạo ở xứ ta (Mgr Retord) bằng song thất lục bát: bản này có thể tìm kiếm được. Cũng một đường lối về sau, có ca vè của cha Trần Lục Phát Diệm
(25)Bức quốc thư này hiện còn tàng trữ tại thư viện Vatican, Fonds Barberini, Orient 158. Coi : Khảo cổ tập san số 2, Sài Gòn, 1961, tr.75-76 Võ Long Tê, lịch sử văn học công giáo Việt Nam, Sài Gòn, 1965, tr.113-114
(26)Địa điểm ở chỗ nào trong vùng ngoại ô Hà Nội thì còn phải tìm kiếm. Có thể ở vùng ô Đống Mác (hay Ông Mạc), vì trong Bentô Thiện viết cho giáo sĩ Marini năm 1659 thấy nhắc tới địa danh này như sau : "Thầy Chicô còn ở Ong Mác song le chẳng còn ai ở cùng". Cũng có thể nhà ở ô Đông Mác về phía nam thành Hà Nội chỉ là một trong các trụ sở.
Ô Đống Mác ở vào phía nam kinh thành, gần bờ sông Hồng, tiện cho các thuyền bè ngoại quốc. Cũng nên nhớ, ô Đống Mác không xa ô Cầu Dền. Ô Cầu Dền cũng ở về phía nam kinh thành nhưng ở xa bờ sông Hồng. Miền này còn hai di tích cổ là đền Hai Bà Trưng và chùa Liên phái.
Cũng nên ghi ở đây, khi quân đội viễn chinh Pháp tới Hà Nội vào cuối thế kỷ 19, thì nhà vua cho bọn họ đóng đồn ở vùng này, gần sông Hồng về phía nam kinh thành gọi là Đồn Thuỷ, tức chỗ thuỷ quân của ta đóng đồn và tập trận
(27)Coi : Phép Giảng tám ngày. Nếu mỗi ngày sáu buổi thì mỗi buổi chừng một tiếng đồng hồ.
(28)Trong Phép Giảng tám ngày, tác giả chỉ đề cập tới những giáo phái hay đạo vạy với những di đoạn mê tín ở ngày thứ tư, sau khi đã bàn giải về mấy nguyên lý căn bản về sự sống hằng có, về linh hồn bất tử, về nguyên nhân đệ nhất, về việc có vũ trụ và loài người, nghĩa là sau khi đã dọn đường cho lý trí hiểu biết những điều thuộc lý lẽ tự nhiên trong con người.
(29)Chương trình ngày thứ nhất, thứ hai và thứ ba .
(30)Ngày thứ bốn
(31)Ngày thứ năm, thứ sáu và thứ bảy: mầu nhiệm Chúa nhập thể và Chúa cứu chuộc loại người
(32)Ngày thứ bảy
(33)Có thể là có Thiên Chúa thực nghĩa của Ricci đã nói qua ở trên
(34)Như vậy các ngày lễ trong năm đã được giáo dân sốt sắng mừng rất đặc biệt. Chưa rõ các bài ca tôn giáo lúc đó là những bài ca nào, hẳn là những bài theo thể thơ lục bát hay song thất lục bát?
(35)Lịch công giáo vào những năm gần đây vẫn còn ghi như vậy trong ba ngày Tết nguyên đán
(36)Các lễ công giáo đã bắt đầu ăn nhập vào nếp sống nhân dân công giáo, thí dụ câu nói: ba vua lễ nến Tết đến sau lưng. Bởi vì lễ ba vua vào ngày 06 tháng 01 dương lịch, còn lễ nến vào ngày 02 tháng 02 dương lịch. Người ta còn nói: lễ ba vua chết cua chết cá, bởi vì là mùa rét nhất trong năm
(37)Nghi thức ngắm này vẫn còn được cử hành rất sốt sắng trong các xứ đạo Việt Nam, nhất là ở ngoài Bắc cho tới ngày nay.
(38)Hẳn là sách viết tay bằng chữ Nôm
(39)Tức nhà Mạc ở Cao Bằng
(40)Thói quen đọc kinh sáng tối ở nhà tư cũng bắt đầu có từ thời này, hoặc vì lúc chưa có nhà thờ hoặc vì khó có thể hội nhau
(41)Cũng vậy, những bản này viết bằng chữ Nôm
(42)Tỉnh Hải Dương, coi chú thích về bản đồ
(43)Vè vãn châm biếm của những con người thuộc đất ngàn năm văn vật
(44)Giáo sĩ nói là bản chữ Hán, nhưng cũng có thể là bản Nôm, bởi vì có thể ông chưa biết rõ để phân biệt Hán và Nôm
(45)Loại thơ châm biếm để bác bẻ và tranh luận chống dị đoan mê tín
(46)Nhà luyện tập các thầy giảng, có thể gọi là chủng viện cho các thầy giảng, cũng như đã thành lập chủng viện các thầy giảng ở Macao
(47)Gaspar d'Amaral sinh năm 1592, tới Macao năm 1623, tới Đàng Ngoài tháng 10 năm 1629 đến tháng 05 năm 1630 lại trở về Macao. Tới Đàng Ngoài lần thứ hai ngày 18 tháng 02 năm 1631. Năm 1638 trở về Macao dưỡng sức, cho tới năm 1645 lại đi tới Đàng Ngoài, nhưng bị đắm tàu và mất ngày 23 tháng 12 năm 1645. Hiện nay còn giữ hai bản tường trình viết tay bằng tiếng Bồ soạn tại Kẻ Chợ, một bản năm 1632 và một bản năm 1637. Ngài còn soạn một cuốn Tự vị Việt Bồ nay đã thất lạc. Cuốn này De Rhodes có nói trong bài tựa quyển Tự vị Việt Bồ La (1651). Coi Đỗ Quang Chính, sd, tr.51-65
(48)Tức ngày 28 tháng 10 năm 1629
(49)Vào những năm 1935 – 1945, lịch công giáo thông dụng vẫn còn ghi cả ngày tháng âm lịch và dương lịch. Có thể nói đây cũng là một trong những yếu tố của nền văn hoá mới bắt đầu gia nhập vào nếp sống mới
(50)Giáo sĩ tới Đàng Ngoài ngày 19 tháng 03 năm 1627 và bị trục xuất tháng 05 năm 1630
(51)Một trăm thầy giảng trong lúc này kể là một con số lớn. Coi những lời khấn của các thầy giàng
(52)Giáo sĩ bỏ Đàng Ngoài năm 1630 và ở Macao mười năm cho tới năm 1640 mới tới Đàng Trong lần thứ hai. Trong mười năm ở Macao, hẳn ngài đã nghiên cứu thêm về chữ Quốc ngữ, soạn thảo các sách vở để sau này đem ấn hành tại Rôma, như cuốn Tường trình về Đàng Ngoài hay Lịch sử Đàng Ngoài này. Hiện còn giữ được bản viết tay về cuốn này bằng tiếng la tinh viết tại Macao năm 1636. Năm 1650 ấn hành bản bằng tiếng Ý, năm 1651 bằng tiếng Pháp và năm 1652 mới in bản tiếng Latinh
(53)Đức Urbanô VIII làm giáo hoàng từ năm 1623 tới 1644. Coi : Borri số 1
(54)Ở đây chúng tôi dịch theo bản tiếng Pháp. Về nguyên bản chữ Hán với lời dịch tiếng Việt: xin coi phần phụ "hai văn kiện": thư Trịnh Tráng (1627) q.2 ch.5, thư giáo dân Đàng Ngoài (1630) q.2 ch.36
(55)Gaspar d'Amaral coi số 47 ở trên. Nên nhớ ngài cũng đã tinh thông Nhật ngữ bởi vì ngài chuẩn bị vào đất Phù tang, nhưng không thành
(56)Khởi hành từ Macao ngày 08 tháng 02 năm 1631, tới nơi ngày 01 tháng 03 năm 1631. So sánh ba hành trình một của Baldinotti năm 1626, của De Rhodes năm 1627 và hành trình năm 1631 này: 36 ngày, 7 ngày và khoàng 20 ngày
(57)Sách giáo lý nào? Bản chữ Nôm của Phép Giảng tám ngày hay một bản yếu lý nào khác?
(58)Hiêrônimô Maiorica sinh năm 1591 tại Napoli (Ý). Năm 1623 tới Macao. Vào năm 1629 ông bị trục xuất khỏi Đàng Trong, lúc này ông đã tinh thông tiếng Việt. Năm 1631 ông ra Đàng Ngoài. Chép nhiều sách bằng chữ Nôm hiện còn được tàng trữ một số ở thư viện quốc gia Paris. Mất ngày 27 tháng 01 năm 1656, có thể là ở Kẻ Chợ
(59)Năm 1638
(60)Antôn Barbosa sinh năm 1594 tại Bồ. Năm 1629 ông tới Đàng Trong rồi sau thấy ông ở Đàng Ngoài (1634 – 1635). Năm 1639 còn thấy ông ở Bắc, sau đó ông được về dưỡng bệnh tại Macao rồi đi An Độ, mất ở Goa. De Rhodes nói tới cuốn tự vị Bồ Việt của ngài, nay thất lạc cũng như cuốn của Gaspar d'Amaral
(61)Lời nhắn nhủ thắm thiết làm sao, khiến cho chúng ta phải học hỏi thêm để biết công ơn những bậc tiên phong trong đức tin
Cập nhật ( 08/03/2008 )
Đóng cửa sổ
Xứ Đàng Trong năm 1621
28/10/2007
Tác giả: Cristophoro Borri
Dịch giả: Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị
Lời giới thiệu
Vào đầu thế kỷ 17, nghĩa là trước đây gần 400 năm, đã có một người Ý tới Đàng Trong. Trong gần năm năm trời, ông đã xem xét và nhận định về đất nước và con người Việt Nam. Rồi vào năm 1621-1622 ông đã viết một bản tường trình rất lạc quan, trìu mến.
Không phải chỉ mới trong mấy chục năm nay, người ta mới biết nước Việt Nam là một rừng vàng biển bạc. Trong bản tường trình, tác giả đã nói tới đất đai phì nhiêu, tới rừng vàng có nhiều cây quý như lim, như trầm hương, kì nam, hai thứ sau này được bán ra nước ngoài. Người Nhật mua về làm gối, người Malaixia buôn về làm củi hỏa thiêu theo tôn giáo của họ. Còn về biển thì biết bao thứ cá đủ loại, nhất là ở một miền ven biển, có rất nhiều thứ chim người ta lấy tổ làm thức ăn rất quý, và đó cũng là một món xuất khẩu rất được trọng, một món ăn của bậc đế vương. Tác giả đã đề cập tới món ăn quốc hồn quốc tuý là nước mắm. Ông so sánh: người Việt Nam dự trữ nước mắm trong nhà như thể người châu Âu dự trữ rượu trong hầm lạnh để dùng cả năm.
Đất đai Việt Nam sinh sản ra thứ lúa mỗi năm ba mùa, đủ và dư cho người dân dùng. Người ta còn trồng dâu chăn tằm và tơ lụa thì vô cùng dồi dào đến nỗi những người lao động khuân đất làm đồng cũng mặc toàn đồ tơ lụa. Thứ này còn bán qua các nước lân cận, sang tới Tây Tạng. Ông cũng không quên những cách sinh sống của chúng ta như tục uống trà, tục ăn trầu. Ông nói: người có một vườn cau thì không khác gì người ở châu Âu có vài ba nương ô liu.
Về các gia súc và dã thú ông kể khá nhiều, nhưng đặc biệt ông tả con tê giác và cách đi săn tê giác. Ông rất có cảm tình với voi: chính ông đã tiếp xúc với quản tượng, chính ông đã nhiều lần được cưỡi voi trong những quãng đường rừng, những mé biển. Ông cũng biết một con voi người ta gọi tên nó là Nhơn.
Về các cây ăn trái, ông cũng khá tinh tường, đặc biệt ông thích thú được dùng trái sầu riêng mà ông coi như món tráng miệng sang bậc nhất châu Âu. Ông nói tới với một xác tin và yêu mến. Ông còn biết mấy món ăn khá đặc biệt, thí dụ ngoài món yến đế vương còn có món tim gan tê giác, món tắc kỳ nướng trên than hồng, những món mà ông chỉ dám nhìn chứ không dám động tới.
Về văn hóa phong tục, tuy không đồng ý nhiều điểm, ông nhận thấy có rất nhiều điều tích cực có thể làm cho người Việt Nam dễ dàng tin theo Kitô giáo. Ông coi Khổng Tử như một nhà hiền triết trứ danh Hy Lạp, Aristote. Cũng vậy, ông đề cập tới nhiều giáo lý uyên thâm của Phật tổ và cũng coi Đức Phật như một Aristote bên phương Đông. Tựu trung ông cho rằng người Việt Nam có hai tin tưởng căn bản này: tin có một thượng đế thưởng phạt và tin linh hồn bất tử.
Về con người Việt Nam, ông nhận thấy họ hiền lành, hiếu khách. Họ còn có lòng quảng đại: không bao giờ họ từ chối người đã cất lời xin họ. Bao giờ họ cũng lịch thiệp và hòa nhã.
Về học thuật, người Việt Nam cũng có nhiều trường dạy học. Họ chuyên chú học sách thánh hiền. Tuy họ không có trường đào luyện y khoa và dược khoa, nhưng họ có những lương y rất thời danh, có những lá thuốc rất hiệu nghiệm. Chính ông đã có cơ hội nhờ tay khéo léo các thầy thuốc Đông y chữa cho lành mạnh.
Về chính thể và võ bị thì tác giả nói là người Việt Nam không như người Trung Hoa quá chuyên chú về ngành văn, cũng không giống người Nhật hiếu võ: tuỳ trường hợp, tuỳ hoàn cảnh mà chúng ta trọng lúc thì võ khi thì văn. Ông cũng nói về lực lượng của chúa Đàng Trong lúc đó, về việc một công chúa Việt Nam kết hôn cùng vua Campuchia, và dĩ nhiên sự bang giao thân thiện giữa hai nước làng giềng, việc gửi phái đoàn ngoại giao tới nước bạn.
Chúng tôi không nói hết những thích thú khi đọc bản tường trình này, những thích thú mà từ gần bốn thế kỷ nay, các độc giả đều cảm nhận, nhận thấy. Nhưng có vài ba nét đặc biệt nơi tác giả làm cho chúng tôi rất yêu mến con người đó. Thứ nhất, ông nói về tục đi chân không của người Việt Nam, và nếu có đi giày thì cũng chỉ là một thứ dép có quai rất thô sơ. Vì không ai biết đóng giày như ở Châu Âu nên ông đành phải đi chân không trên đường cát sỏi cũng như bùn lầy. Thế rồi cũng quen đi đến nỗi khi trở về Macao hay Châu Âu ông thấy khó chịu phải đút chân vào ống giày. Không còn là một thích thú, trái lại còn là một cái gì lòng thòng vướng víu. Thứ hai, có nhiều người ngoại quốc tới Việt Nam và rất khổ sở vì thiếu bánh mì. Đàng này ông cũng làm quen với cơm, cho tới khi trở về Châu Âu, ông thấy thiếu thốn và khổ sở vì thiếu cơm. Thứ ba, khi trở về Châu Au ông đã đem theo một cây gọi là cây đại hoàng để làm giống, nhưng vì thay đổi khí hậu, nên lúc về tới nơi thì nó đã biến chất và không thể cho ông thí nghiệm như lòng ông mong mỏi.
Mấy điều trên đây tỏ ra tính tình ông rất dễ thương và ông rất dễ chinh phục được lòng người. Cũng phải nói là vì có chút vốn liếng khoa học, nhất là về thiên văn học, nên ông đã nổi tiếng từ nơi nhà chúa Đàng Trong lúc đó cho tới các bậc cận thần, từ chúa Sãi cho tới hoàng tử Kỳ, từ các nho gia cho tới các vị sãi.
Một việc nữa phải nhắc qua ở đây là ông đã cố gắng học tiếng Việt, tuy không thạo lắm, nhưng ông cũng hiểu biết đủ để giảng giáo lý Kitô. Có một vài câu chữ quốc ngữ trong bản tường thuật của ông cho chúng ta biết: ngay từ những năm 1618-1620 đã có một khởi đầu hình thành thứ chữ này. Cái đặc biệt ở nơi ông, cái làm cho khác với De Rhodes sau này, đó là ông đã phiên âm tiếng Việt theo chữ viết của người Ý, chứ không phải người Bồ. Rõ ràng ông phiên âm và viết gn chứ không nh như nho (trái nho) ông viết là gnoo, nhỏ (trẻ nhỏ) ông viết là gno. Cũng vậy xin ông viết scin, bởi vì theo tiếng ý nếu viết cin thì đọc uốn lưỡi còn nếu viết sc thì đọc cũng như x.
Về bản thân ông, người ta được biết, ông sinh tại Milan (Ý) năm 1583, nhưng không rõ vào tháng nào ngày nào. Trong cuốn tường trình, ông viết: Tôi tới xứ Đàng Trong vào chính ngày tôi sinh ra ở trần gian này và suýt nữa là ngày tôi bỏ về trời. Nhưng là ngày nào tháng nào thì ông không nói.
Vào Dòng Tên năm 1601, Ông qua Ấn năm 1615 và tới Đàng Trong, cải trang làm bồi tàu năm 1618. Ông ở đó cho tới năm 1622 thì về Macao.
Ở Bồ, ông giảng dạy tại Đại học Coimbra về môn thiên văn và toán học. Ông lại sành về ngành hàng hải và viết một cuốn sách về nghệ thuật đi biển bằng tiếng Bồ. Ông cũng viết chưa xong cuốn "Chỉ dẫn hành trình đi Ấn". Nhưng cuốn sách làm sôi nổi dư luận là cuốn: Luận về ba tầng trời: khí, hành tinh, thiên khung. Thế là ông bị gọi về Roma. Ông bất mãn với Dòng Tên và xin ra khỏi Dòng năm 1632 để vào Dòng Bernadins de Sainte Croix. Nhưng sau ba tháng, ông lại xin bỏ Dòng này để vào Dòng Citeaux. Nhưng sau mấy tuần ông bị Dòng này trục xuất. Vì thế ông làm đơn kiện. Kết quả là ông được kiện, nhưng khi ông đi đưa tin cho một giáo chủ bạn thân của ông, thì ông bị nạn. Người ta đem ông về nhà và ông đã tắt thở khi được đem lên giường ngày hôm sau. Đó là ngày 24 tháng 5 năm 1632 lúc ông không thuộc Dòng Tên, cũng không thuộc Dòng nào, cũng không ở tu viện nào, mà lại ở nhà một người thân.Ông mất đi, nhưng tác phẩm về Xứ Đàng Trong còn truyền tụng cho tới ngày nay và được độc giả nhiệt liệt hoan nghênh. Viết bằng tiếng Ý và ấn hành năm 1631, cuốn này đã được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Latinh, tiếng Hà Lan, tiếng Đức, tiếng Anh vào những năm 1631-1633. Sau ba thế kỷ, ông Bonifacy năm 1931 dịch lại sang tiếng Pháp và cho in ở tạp chí Đô thành Hiếu cổ Huế tháng 7-12 năm 1931.
Chương 1: Về quốc hiệu, vị trí và diện tích của xứ này
Xứ Đàng Trong 1 được người Bồ gọi như vậy nhưng trong tiếng bản xứ là Annam 2 có nghĩa là miền Tây. Đối với nước Tàu, xứ này thực sự nằm ở phía Tây. Nhưng người Nhật gọi xứ này là Cochi 3, trong tiếng bản xứ của họ, cũng có nghĩa là Annam trong tiếng Đàng Trong. Nhưng người Bồ đã vào nước Annam để buôn bán, họ dùng tiếng Nhật Coci và tiếng Tàu Cina mà làm thành tiếng thứ ba là Cocincina để chỉ xứ này, chủ ý phân biệt Cocin cạnh Cina với tỉnh Cocin thuộc Ấn Độ, do người Bồ chiếm đóng. Còn trong các bản đồ thế giới thì xứ Đàng Trong thường được ghi là Cauchinchine hay Cauchine hay tương tự, ấy chỉ là vì do ghi sai hoặc vì tác giả làm bản đồ muốn cho người ta biết xứ này như là cửa vào và là khởi đầu của Trung Quốc.
Xứ này, về hướng Nam, giáp vĩ tuyến 11 4, về hướng Bắc, xế về Đông Bắc, giáp xứ Đàng Ngoài, về hướng Đông, có biển Đông và về hướng Tây, xế về Tây Bắc, giáp nước Lào.
Còn về diện tích thì tôi chỉ nói về Đàng Trong vốn là một phần của đại vương quốc Đàng Ngoài, trước kia thuộc về ông cố của chúa đương thời 5 cai trị Đàng Trong, người đã chống lại chính vua nước Đàng Ngoài. Cho tới nay người Bồ chỉ buôn bán với xứ này và các cha Dòng chúng tôi cũng chỉ hoạt động ở xứ này để thiết lập đạo Kitô.
Xứ Đàng Trong trải dài hơn một trăm dặm theo bờ biển, ở vĩ tuyến 11, cho tới khoảng vĩ tuyến 17 6, chỗ bắt đầu quốc gia của chúa Đàng Ngoài. Bề rộng không lớn lắm, chỉ chừng hai mươi dặm Ý, đất bằng, một bên là biển và một bên là dãy núi chạy dài có Kẻ Mọi ở 7, tên gọi này có nghĩa là man di. Mặc dầu họ là người Đàng Trong, nhưng họ không nhìn nhận chúa cũng không thần phục ngài. Họ đóng đô và chiếm giữ miền núi rất hiểm trở.
Xứ Đàng Trong chia thành năm tỉnh. Tỉnh thứ nhất là nơi chúa ở ngay sát xứ Đàng Ngoài gọi là Thuận Hóa. Tỉnh thứ hai là Cacciam 8, nơi hoàng tử làm trấn thủ. Tỉnh thứ ba là Quamguia 9. Thứ tư là Quingnim 10, người Bồ đặt tên là Pulucambis và tỉnh thứ năm là Renran 11.
Chú thích:
(1) Chúng ta đang ở thời kỳ Nam Bắc phân tranh, chúa Trịnh ở Bắc và chúa Nguyễn ở Nam.
(2) An Nam, miền Nam được bình định, chứ không phải miền Tây như Borri nói. Lý Anh Tông được nhà Tống tôn làm An Nam quốc vương. Đó là năm Giáp Thân 1164.
(3) Có thể gốc là Giao Chỉ. Thực ra chữ Cocincina được nhận để phân biệt với tỉnh Cochin ở Ấn Độ.
(4) Về ngành hàng hải, người Bồ và người Tây rất thành thạo. Người Hà Lan cũng đã giỏi về thuật đi biển và người ta đã bắt đầu vẽ bản đồ thế giới với những vĩ tuyến, đường xích đạo. Vào thế kỷ 15, 16 trung tâm địa dư là ở Roma.
(5) Lúc ngày Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) làm chúa ở Đàng Trong tục gọi là chúa Sãi. Như vậy ông cố tức là Nguyễn Kim thân sinh của Nguyễn Hoàng. Nguyễn Hoàng (1600-1613), tục gọi là chúa Tiên.
(6) Kỳ lạ thay, Hiệp định Genève đã coi vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời giữa hai miền Nam-Bắc (1954).
(7) Dãy núi Trường Sơn. Chữ "Mọi" đối với ta vẫn còn nghĩa hèn kém (ở đây chỉ dân tộc ít người)
(8) Quảng Nam
(9) Quảng Ngãi
(10) Quy Nhơn
(11) Theo bản đồ 1651: 1. Quảng Bình (Dinh Công); 2. Thuận Hóa (Dinh Cả); 3. Quảng Nam (Dinh Chiêm); 4. Quảng Ngãi; 5. Quy Nhơn (Nước Mặn, Nước Ngọt); 6. Phú Yên (Ranran, Dinh Phó An)
Chương 2: Về khí hậu và đặc tính lãnh thổ Đàng Trong
Như đã nói ở trên, xứ này ở vào giữa vĩ tuyến 11 và 17, do đó, nóng chứ không lạnh. Tuy vậy xứ này lại không nóng như An Độ, mặc dầu cũng vĩ tuyến như nhau và thuộc về miền nhiệt đới như nhau. Lý do sự khác biệt này là ở An Độ không phân rõ bốn mùa. Mùa hạ kéo dài tới chín tháng liên tục. Trong thời gian đó, không thấy có một chút mây trên trời, ngày cũng như đêm, thành thử không khí luôn luôn bị thiêu đốt bởi ánh nắng mặt trời. Ba tháng còn lại được kể là mùa đông, không phải vì thiếu nóng, mà là vì mưa liên tục, thường là cả ngày lẫn đêm trong mùa này. Nói theo kiểu bình thường thì mưa liên tục như thế hẳn phải làm không khí mát dịu. Tuy nhiên, vì mưa vào tháng năm, tháng sáu, tháng bảy, lúc mặt trời ở điểm cao nhất, ở tột đỉnh của Ấn Độ và lại không hề có ngọn gió nào khác ngoài những ngọn gió thật nóng, nên không khí rất ngột ngạt, làm cho nhiệt độ khó chịu hơn là vào chính giữa mùa hạ vì lúc này thường có gió nhẹ thổi từ biển vào đem khí mát cho nội địa. Nếu không có sự an bài đặc biệt, thì không sao ở được trong những xứ sở này.
Ở Đàng Trong thì không thế bởi vì có đủ bốn mùa trong năm, tuy không rõ ràng như ở Châu Au vốn có khí hậu ôn hòa hơn. Mùa hạ gồm ba tháng sáu, bảy, và tám, cũng rất nóng vì ở vào miền nhiệt đới và mặt trời trong những tháng đó cũng ở điểm cao nhất trên đầu chúng ta. Nhưng vào tháng chín, mười và mười một thuộc mùa thu thì hết nóng và khí hậu dịu bởi có mưa liên tục, nhất là ở miền núi Kẻ Mọi. Do đó nước lũ làm ngập khắp xứ, đổ ra biển, như thể đất liền và biển chỉ còn là một. Cứ mười lăm hôm lại xảy ra một trận lụt và mỗi lần kéo dài ba ngày. Ích lợi của nước lũ là không những nó làm cho không khí mát mẻ, mà còn đem phù sa làm cho đất phì nhiêu và dồi dào về mọi sự, nhất là về lúa là thức ăn tốt nhất trời ban và là lương thực chung cho khắp xứ. Còn vào ba tháng mùa đông – tháng chạp, tháng giêng và tháng hai thì có gió bắc thổi, đem mưa đủ lạnh để phânbiệt mùa đông với các mùa khác trong năm. Sau cùng vào các tháng ba, tư và năm, hiện rõ các hiệu quả của một mùa xuân thú vị, tất cả đều xanh tươi và nở hoa.
Nhân tiện nói về lụt, tôi xin kể thêm ở chương này một vài sự kỳ lạ người ta gặp thấy trong dịp này.
Trước hết mọi người ở đây đều mong nước lũ, không những để được mát mẻ và dễ chịu, mà còn để cho đồng ruộng được mầu mỡ. Thế nên khi thấy mùa nước tới, họ để lộ hẳn sự vui mừng và thích thú: họ thăm hỏi nhau, chúc mừng nhau.
ôm nhau hò hét vui vẻ và nhắc đi nhắc lại "đã đến lụt, đã đến lụt" 1 có nghĩa là nước đã tới, nước đã tới rồi. Nói tóm lại là không ai là không bày tỏ niềm vui, từ kẻ thế gia đến chúa cũng vậy.
nước lũ tới bất thần, không ai ngờ, ban chiều chưa ai nghĩ tới, nhưng sáng ra nước đã kéo vào tư bề, và người ta bị nhốt trong nhà, tình trạng này diễn ra khắp xứ. Do đọ họ thường mất hết gia súc vì không kịp đưa chúng chạy lên núi hay những nơi cao hơn.
Vào trường hợp này, có một luật kì lạ ở xứ này là bò, dê, lợn và các vật khác bị chết đuối thì không còn thuộc về chủ, nhưng đương nhiên thuộc về người thứ nhất vớt được. Đây cũng là một điều làm cho người ta vui thích một cách lạ lùng: vừa có lụt, mọi người đều nhảy xuống thuyền bơi đi tìm vớt gia súc chết đuối, để rồi làm thịt và dọn cỗ linh đình.
Còn trẻ con thì tuỳ theo tuổi, chúng để mắt và vui thú rình trên cánh đồng lúa mênh mông đầy rẫy chuột lớn, chuột bé, vì hang ngập nước nên chúng phải ngoi ra, bò lên cây để thoát, thành thử thật là rất vui mắt khi được nhìn thấy những cảnh cây nặng trĩu những chuột thay vì lá hay quả. Từng đám trẻ con trên các chiếc thuyền nhỏ của chúng tới rung cây làm các con vật này rớt xuống nước và chết đuối. Trò đùa nghịch và giải trí của trẻ con, nhưng thực ra có ích lợi lớn cho đồng ruộng vì thoát được những con vật gây thiệt hại nặng cho những cánh đồng rộng lớn.
Cái lợi cuối cùng, không phải là nhỏ, đó là người ta đều có thể sắm sửa cho đủ mọi thứ cần dùng. Vì trong ba ngày này, nước lụt làm cho người ta có thể đi lại khắp nơi bằng thuyền một cách rất dễ dàng đến độ không có gì mà không chuyển được từ nơi này qua nơi khác. Do đó, người ta dành thời gian này để họp chợ, những phiên chợ có tiếng nhất trong xứ, số người đến họp chợ trong dịp này đông hơn bất kỳ buổi họp chợ nào khác trong năm. Cũng trong ba ngày này, người ta đi lấy cây để thổi nấu và dựng nhà. Họ chất cây từ trên núi vào thuyền và dễ dàng bơi qua các nẻo, các ngõ và tới tận nhà vốn được cất trên các hàng cột khá cao để cho nước ra vào tự do. Ai cũng leo lên sàn cao nhất và phải khen họ vì không bao giờ lụt bén tới bởi họ đã lấy kích thước chính xác, do kinh nghiệm lâu năm, của mực nước cao thấp, do đó họ không sợ vì họ biết chắc là nước luôn ở phía dưới nhà họ.
Chú thích:
(1) Buzomi tới Đàng Trong năm 1615, de Pina tới năm 1617 và Borri với Marquez tới năm 1618. Cha De Pina rất thông thạo tiếng Việt và là thầy dạy De Rhodes sau này.
Chương 3: Đất đai phì nhiêu
Người ta dễ dàng nhận thấy là nước lụt đã làm cho đất đai ở xứ Đàng Trong phì nhiêu, như chúng tôi vừa nói. Tuy nhiên, tôi thấy còn phải kể nhiều sự đặc biệt khác nữa.
Nước lụt làm cho đất mầu mỡ và phì nhiêu nên mỗi năm có ba vụ lúa 1, đầy đủ và dồi dào đến nỗi không ai phải lam lũ vất vả để sinh sống, ai cũng sung túc.
Quanh năm có rất nhiều và có đủ thứ trái cây như ở Ấn Độ, vì xứ Đàng Trong có cùng khí hậu như ở Ấn. Nhưng đặc biệt là cam ở Đàng Trong trái lớn hơn ở Châu Âu to và rất ngọt. Vỏ rất dể bóc, mềm và ngon, cam có thể ăn được cả vỏ lẫn ruột và có mùi vị thơm như trái chanh 2 ở Ý. Ở đây người ta cũng thấy một số trái khác người Bồ gọi là chuối, người khác gọi là vả An Độ. Theo ý tôi thì không xác đáng vì ở An không có cây nào được gọi là vả, và cây ở Đàng Trong không có gì giống cây vả của chúng ta, về thân cây cũng như về trái. Về thân cây thì nó giống như cây chúng ta gọi là "lúa mì Thổ Nhĩ Kỳ" tuy cao lớn hơn, là rất dài và rất to bản, đến độ chỉ cần hai lá cũng đủ để có thể che một người từ chân đến đỉnh đầu và bao quanh cả người. Do đó mà có người muốn gọi cây này là "cây vườn địa đàng" và Ađam đã lấy lá của nó để che giấu sự trần truồng của mình 3. Cây này trổ ngay trên ngọn một buồng gồm hai mươi, ba mươi hay bốn mươi trái cột chặt với nhau, mỗi trái về hình thù, bề dài và độ lớn, đều giống trái chanh thông thường ở Ý. Khi trái chưa hoàn toàn chín thì vỏ xanh và sau đó trở nên vàng giống hệt như chanh. Không cần dùng dao để bổ hay gọt vỏ, người ta lột vỏ rất dễ dàng như bóc đâu mới hái. Mùi thì rất thơm, ruột vàng và khá cứng chắc như một trái lê bergam chín muồi của ta, dễ tan trong miệng. Do đó không thể nói là nó giống cây vả của chúng ta được, trừ vị thơm ngon và dịu ngọt. Cũng còn một thứ trái khác thuộc loại này, người ta sấy và ngâm rượu 4. Hàng năm, sau khi cây có trái, sẽ héo đi và một nhánh con trổ ở gốc để cho năm sau. Ở Ý chúng ta gọi là cây vả An Độ, nhưng thực ra không có gì giống về cây cũng như về trái chuối này. Bây giờ chúng tôi nói tới cây (chúng ta gọi là cây vả An Độ, nhưng không phải là cây người ta thấy ở những miền này).
Trái này có rất nhiều ở hầu hết các tỉnh An Độ, nhưng ở Đàng Trong còn một thứ không thấy ở Trung Quốc cũng như ở khắp An Độ. Trái nó to, như trái chanh lớn nhất ở Ý và to đến nỗi chỉ cắn một trái cũng đủ no. Ruột thì trắng và có rất nhiều hạt nhỏ đen và tròn, người ta nhai lẫn với ruột. Các hạt này có vị thơm ngon và rất tốt cho dạ dày.
Ở Đàng Trong cũng còn một loại trái cây nữa, tôi không thấy có ở An Độ, người ta gọi là cam 5. Về hình thù và chất vỏ, nó giống như lựu của ta, nhưng ruột bên trong hơi lỏng phải dùng thìa để múc và có vị thơm và có màu gần giống trái sơn trà chín.
Họ cũng có thứ giống như trái anh đào của ta, nhưng mùi vị thì lại như trái nho theo tiếng họ gọi là gnoo.
Họ không thiếu dưa, nhưng không ngon bằng dưa của ta, nên phải ăn với đường hay mật. Dưa gang hay dưa nước, như nhiều người gọi, rất to và rất tuyệt.
Có một trái gọi là mít. Trái này cũng có ở Ấn Độ, nhưng không ngon bằng trái ở Đàng Trong. Trái mọc ở trên một cây cao như cây hồ đào và cây dẻ của ta, nhưng gai thì dài hơn nhiều. Trái to như trái bí ngô lớn ở Ý và chỉ cần một trái cũng đủ cho một người vác. Bề ngoài nó có hình thù của một nón thông, nhưng ruột thì dịu và mềm. Bên trong thì đầy những múi vàng có hột dẹp và tròn như đồng tiền ở Ý hay đồng "teston" (ở Pháp). Ở giữa mỗi múi có hạt 6 người ta bỏ đi không ăn. Có hai loại7, một loại người Bồ gọi là "giaca barca", dóc hột, ruột cứng. Loại thứ hai không dóc hột và ruột không cứng bằng, rất mềm và nát như keo. Mùi vị của cả hai loại này rất ngon gọi là sầu riêng chúng tôi sẽ nói sau đây.
Trái "durion" (sầu riêng) là một trong những trái ngon nhất hoàn cầu, không thấy có ở đâu trừ ở Malacca, Bornéô và mấy đảo xung quanh. Không có gì để nói giữa cây này và cây mít. Bên ngoài, trái này cũng giống trái mít và trái thông của ta, cả về kích thước cũng như độ cứng của vỏ. Còn thịt thì bám vào hột như keo, rất trắng, còn mùi vị thì giống như món đông hạnh nhân của người Ý 8. Thịt và nước ngọt của nó được chứa trong mười hay mười hai ngăn nhỏ, mỗi ngăn có nhiều múi thịt trắng bọc quanh hột, to bằng hạt dẻ lớn nhất của ta. Khi mở ra thì xông mùi khó chịu như mùi hành thối, nhưng ở trong thì không có mùi và lại rất thơm ngon. Tôi kể ở đây một câu chuyện xảy ra trước mắt tôi. Số là có một người muốn cho một giáo sĩ cao cấp mới tới Malacca thưởng thức trái này và không báo trước. Ông mở một trái ngay trước mặt vị giáo chủ. Mùi khá nặng và khó chịu xông ra làm cho giáo chủ ghê sợ và nản không dùng được. Nhưng lúc ngồi vào bàn tiệc, trong các món ăn có một món chỉ toàn là trái cây có mùi vị thơm giống món đông hạnh nhân làm cho giáo chủ dễ lầm cũng như bất cứ ai chưa được biết trước. Ông vừa đưa tay lấy một miếng thứ nhất và nếm thì thấy rất ngon làm ông bỡ ngỡ và hỏi xem người đầu bếp nào khéo dọn món đông hạnh nhân ngon đến thế. Chủ nhà mỉm cười trả lời là chẳng có hỏa đầu quân nào ngoài Thiên Chúa cao cả đã cho xứ này một trái hiếm gọi là sầu riêng mà lúc đầu ông đã ghê sợ. Nghe tới đây vị giáo chủ sửng sốt và hết lời ca ngợi, ông dùng rất ngon miệng. Thế nhưng trái này ngon đến độ ngay ở Malacca là nơi sản sinh, nhiều khi giá lên tới một đồng "êcu" một trái.
Xứ Đàng Trong còn có một loại trái khác người Bồ gọi là dứa. Và tôi biết trái này cũng rất thông thường ở khắp An Độ và ở Brésil. Tuy nhiên, vì tôi thấy người ta tả không đúng theo ý tôi lắm, nên tôi nghĩ là phải nói một chút. Trái này không trổ trên cây, cũng không do hạt giống, nhưng do rễ như thể cây atisô của ta. Thân và lá hoàn toàn giống như cây các đông và atisô của ta. Trái hình tròn dài bằng chín ngón tay 9 và to như thể lấy hai vốc tay ôm vừa. Ruột ở trong thì dày như ruột cải củ, nhưng vỏ thì cứng hơn và sờm như vây cá. Khi chín bên trong vàng và sau khi lấy dao gọt vỏ thì ăn sống. Trái có vị chua dịu và khi chín thì thơm ngon như trái lê "bergam".
Ở xứ Đàng Trong còn một trái khác đặc biệt của xứ này người Bồ gọi là "aerca" (cau). Cây nó mọc thẳng như cây dừa, rỗng ở trong và chỉ đâm lá ở chóp đỉnh, lá tựa như lá dừa: ở giữa các tàu lá, nảy các ngành nhỏ trái. Trái có hình thù và kích thước của trái hồ đào 10, sắc xanh cũng như vỏ hồ đào, còn ruột thì trắng và cứng như trái dẻ 11 chẳng có mùi vị gì hết. Trái này không ăn một mình, nhưng ăn với lá trầu không, thứ cây rất thông dụng ở khắp Ấn Độ, lá như lá thường xuân 12 ở Châu Au và thân bám vào cây chống như giống cây thường xuân. Người ta hái lá cắt thành từng miếng nhỏ và trong mỗi miếng để một miếng cau, như vậy mỗi trái có thể làm thành bốn hay năm miếng. Người ta còn thêm vôi với cau. Vôi ở xứ này không làm bằng đá như ở Châu Au, nhưng bằng vỏ sò hến 13. Vì trong nhà thường có những người chuyên lo việc bếp núc, chợ búa và các việc khác, nên ở Đàng Trong mỗi nhà đều có một người không có việc gì khác hơn là việc têm trầu, những người dùng vào việc này thường là đàn bà, nên gọi là các bà têm trầu. Những miếng trầu đã têm sẵn thì để vào trong hộp và suốt ngày người ta nhai trầu, không những khi ở trong nhà mà cả khi đi lại trong phố chợ, cả lúc nói, ở mọi nơi, mọi lúc. Và sau khi đã nhai trầu lâu và nghiền trong miệng người ta không nuốt mà nhả ra, chỉ giữ hương vị và phẩm chất tăng thêm sức mạnh cho dạ dày một cách kỳ lạ. Trái này được têm thành miếng rất thông dụng đến nỗi khi tới thăm ai, người ta đem theo một túi đầy trầu và mời người mình tới thăm, người chủ nhà lấy một miếng cho ngay vào miệng. Trước khi người khách từ biệt ra về, chủ nhà sai người têm trầu của nhà mình đem ra một túi để mời người khách đến thăm mình, như để đáp lại sự lịch thiệp mình đã nhận được. Do đó vì cần phải có sẵn coi trầu cau và có liên tục, nên cau cũng là một nguồn lợi lớn ở xứ này, có vườn cau thì cũng như ở xứ chúng ta có ruộng nho và ruộng ôliu. Họ cũng hút thuốc lá, nhưng thuốc lá không thông dụng bằng trầu cau. Cũng có đầy đủ các loại mướp và có cả mía nữa. Các trái cây ở Châu Au thì cho tới nay chưa được đưa tới xứ Đàng Trong. Tôi tin rằng nho và vả sẽ mọc được ở đây, những thứ rau như rau diếp, rau diếp xoắn, sú và những thứ rau tương tự hiện có ở Đàng Trong như ở khắp Ấn Độ, nhưng chúng chỉ ra lá mà không có hạt và nếu muốn gieo thì phải đem hạt từ Châu Âu qua.
Thịt thà thì rất nhiều ở đây vì có vô số súc vật bốn chân nuôi trong nhà như bò, dê, lợn, trâu và các giống tương tự, và thú rừng như hươu nai to lớn hơn ở Châu Au, lợn rừng và mấy loại khác. Gia cầm như gà và gà rừng rất nhiều ở thôn quê, chim gáy, chim bồ câu, vịt, ngỗng, sếu, thịt thơm ngon và sau cùng là mấy thứ khác ở Châu Au không có.
Ngành ngư nghiệp cũng rất thịnh vượng và cá ở đây có hương vị tuyệt diệu và rất đặc biệt, tôi đã qua nhiều đại dương, đã đi nhiều nước, nhưng tôi cho rằng không nơi nào có thể so sánh được với xứ Đàng Trong. Và như tôi đã viết, xứ này chạy dọc bờ biển, nên có rất nhiều thuyền đánh cá và rất nhiều thuyền tải cá đi khắp xứ, từng đoàn người chuyển cá từ biển tới tận miền núi, có thể nói trong một ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ thì ít ra họ dùng tới hai mươi tiếng để làm việc này. Thực ra người Đàng Trong ăn cá nhiều hơn ăn thịt. Họ chuyên chú đánh cá chủ yếu là vì họ rất ham thứ nước "sốt" 14 gọi là balaciam 15 làm bằng cá ướp muối cho mềm và làm nhão ra trong nước. Đây là một thứ nước cốt cay cay tựa như mù tạt (moutarde) của ta, nhà nào cũng dự trữ một lượng lớn đựng đầy trong chum, vại như tại nhiều nơi ở Châu Au, người ta dự trữ rượu. Thứ nước cá này dùng một mình thì không nuốt được nhưng được dùng để gợi nên hương vị và kích thích tì vị để ăn cơm vốn nhạt nhẽo và không có mùi vị nếu không có thứ nước đó. Vì cơm là thức ăn chung và thông thường của xứ Đàng Trong, nên cần phải có rất nhiều balaciam (nếu không thì không có mùi vị) và do đó phải có một lượng lớn nước mắm và cũng do đó phải liên tục đánh cá. Cũng không ít sò, hến và các hải sản khác, nhất là một thứ họ gọi là cameron 16.
Nhưng ngoài tất cả những gì đã nói, Thiên Chúa quan phòng còn dành cho họ một thức ăn hiếm và ngon, theo thiển ý tôi, chỉ có thể so sánh được với manna 17 Thiên Chúa dùng để nuôi dân riêng của Người trong sa mạc và thức ăn này rất đặc biệt chỉ có ở xứ Đàng Trong chứ không đâu có. Những điều tôi sẽ nói thì không phải bởi tôi đã nghe hay theo người khác kể lại, nhưng chính tôi có kinh nghiệm, tôi đã thấy và thường được ăn. Ở xứ này có một thứ chim be bé giống như chim én, nó làm tổ 18 ở các cồn đá và hốc đá sóng biển vỗ vào. Con vật nhỏ này dùng mỏ lấy bọt biển và với chất toát ra từ dạ dày, trộn cả hai thứ lại làm thành một thứ tôi không biết là bùn hay nhựa để làm tổ. Tổ này khi đã khô cứng thì trong suốt và có sắc vừa vàng vừa xanh. Dân xứ này nhặt những tổ đó về ngâm trong nước cho mềm và tan rã, rồi dùng làm đồ gia vị trộn với thịt, các thứ thịt, cá, rau, hoặc thứ nào khác làm cho các món ăn có một hương vị khác nhau tuỳ món như thể đã sẵn cho hồ tiêu, quế, đinh hương hay như vậy chỉ một tổ yến mà có thể làm gia vị cho hết các thứ thịt, không cần thêm muối, dầu, mỡ hay thứ gì tương tự. Vì thế tôi nói, nó giống như manna, có hương vị của hầu hết các món thơm ngon nhất, chỉ khác, một đàng là do công trình của một con chim bé nhỏ và một đàng là do tay các thiên thần của Thượng Đế nhào nặn. Thứ này nhiều đến nỗi chính tôi đã thấy người ta chất đầy mười chiếc thuyền nhỏ những tổ yến nhặt ở dọc các hốc núi đá, trong khoảng chưa đầy nửa dặm. Và đây là món rất ngon, nên chỉ có chúa độc quyền sử dụng, người ta dành tất cả cho ngài và ngài đem một số lớn cống vua Tàu là người rất chuộng.
Dân ở đây không dùng sữa, họ cho là trọng tội nếu vắt sữa bò, họ sợ nếu làm việc đó là mang tội, vì theo thiên nhiên thì sữa dành để nó nuôi con. Như thể bò nuôi con mà không được sử dụng thứ lương thực dành riêng cho con.
Họ còn ăn mấy thứ chúng ta rất sợ và chúng ta coi như độc, thí dụ con tắc kè, con vật này nhỉnh hơn những con đã phơi khô nhập cảng từ ngoại quốc và thường đem về Ý. Tôi đã thấy người bạn tôi mua mấy con, buộc lại thành bó và đem nướng trên than hồng. Giây buộc đứt và chúng bò lê thê theo kiểu của chúng trên than hồng cho tới lúc thấy sức nóng thì chúng chống đỡ một chút vì lúc này rất lạnh, nhưng cuối cùng chúng bị thiêu và nướng chín. Thế là ông bạn tôi lôi ra, lấy dao lóc lớp da đã cháy, thịt nó rất trắng, ông bạn tôi nghiền thịt ra và trộn với một thứ "nước sốt" đem đun chín rồi bỏ bơ vào ăn như một thứ thịt rất thơm ngon. Ông mời tôi, nhưng tôi không dùng, chỉ nhìn theo mà thôi.
Còn về tất cả những gì thuộc đời sống hằng ngày, xứ Đàng Trong cũng rất đầy đủ. Thứ nhất là áo mặc, họ có rất nhiều tơ lụa đến nỗi dân lao động và người nghèo cũng dùng hàng ngày. Vì thế đã hơn một lần tôi rất thích thú khi thấy đàn ông, đàn bà khuân vác đá, đất, vôi và những vật liệu tương tự mà không hề cẩn thận giữ cho áo đạp và quý họ mặc khỏi rách hay bẩn. Điều này không có gì lạ, nếu biết rằng có những cây dâu cao lớn người ta hái lá để nuôi tằm được trồng trong những thửa ruộng rộng lớn như cây gai ở bên ta, và mọc lên rất chóng. Thế nên chỉ trong một ít tháng là tằm được đưa ra nuôi ngoài khí trời và đồng thời nhả tơ, làm thành những cái kén nhỏ với số lượng rất nhiều và dư thừa đến nỗi người Đàng Trong đủ dùng riêng cho mình mà còn bán cho Nhật Bản và gửi sang nước Lào để rồi đưa sang Tây Tạng 19. Thứ lụa này tuy không thanh và mịn nhưng bền và chắc hơn lụa Tàu.
Nhà cửa và đền đài, mặc dầu chỉ bằng gỗ, nhưng không thua kém bất cứ nước nào, bởi vì không nói quá chút nào, gỗ ở xứ này là gỗ quý nhất hoàn cầu, theo nhận xét của những người ở các nơi đó. Trong vô số cây và vô số loại cây ở đây, có hai thứ thường được dùng để làm nhà cửa và là thứ không bao giờ hư mặc dầu bị ngâm trong nước hay vùi trong bùn, và rất chắc, rất nặng đến nỗi không bao giờ nổi trên mặt nước và dùng làm neo tàu. Một thứ là gỗ đen, nhưng không phải đen như mun, loại thứ hai có mầu đỏ hung. Cả hai sau khi được lóc vỏ thì nhẵn và trơn không cần phải bào. Các cây đó gọi là Tin 20 và rất có thể người đó không lầm khi nói rằng thứ gỗ không bao giờ hư đó là gỗ chính vua Salomon đã dùng để dựng Đền thánh và chúng ta được biết qua Kinh Thánh rằng thứ cây này được gọi bằng một cái tên rất gần với tên này, ligna thying 21. Núi xứ Đàng Trong mọc đầy loại cây này, thẳng tắp và cao ngất nghểu, như thể ngọn chạm tới mây và lớn bằng hai người ôm. Người Đàng Trong dùng gỗ này để dựng thể lên núi chặt tuỳ thích. Tất cả kiến trúc nhà đều dựa vào hàng cột cao, chắc và đóng rất sâu, rồi lắp ván, nhưng người ta có thể tháo gỡ ra và thay thế bằng phên liếp, bằng tre, sậy đan rất tài tình để thông khí trong mùa nóng bức và một phần nào cho nước và thuyền qua lại tự do vào mùa lụt lội như chúng tôi đã nói ở trên. Họ cũng làm rất nhiều hoa lá nhỏ xinh và nhiều hình hài khéo léo để tô điểm trang trí nhà của họ, họ chạm trổ và đẽo gọt gỗ ván rất công phu.
Vì chúng tôi đang nói về cây cối và trước khi qua đề tài khác, tôi xin thêm ít điều về một loại gỗ vốn là món hàng quý nhất có thể xuất từ xứ Đàng Trong ra các nước ngoài. Đó là thứ gỗ nổi tiếng gọi là aquila và calamba 22; cùng loại gỗ nhưng khác về tác dụng và sự quý chuộng người ta dành cho chúng.
Loại cây này có rất nhiều, nhất là trên núi Kẻ Mọi, cây rất to và rất cao. Nếu gỗ cắt ở thân cây non thì là trầm hương, có rất nhiều và ai muốn lấy bao nhiêu tuỳ thích. Nhưng khi lấy ở gốc già thì đó là kỳ nam rất khó hiếm, vì hình như thiên nhiên cho những cây đó mọc lên ở những ngọn núi cao nhất và hiểm trở nhất để được thảnh thơi già cỗi đi, không ai làm hại được mình. Thỉnh thoảng có ít cành gẫy và rời khỏi thân rơi xuống, hoặc vì khô quá hoặc vì già cỗi quá khi người ta nhặt được thì đã mục nát và mốc thếch. Nhưng đó lại là thứ có giá nhất và lừng danh nhất gọi là kỳ nam vượt hẳn thứ trầm hương thông thường rất nhiều về tác dụng và về hương thơm. Trầm hương thì ai cũng có thể bán tuỳ thích nhưng chúa giữ độc quyền mua bán kỳ nam vì hương thơm và tác dụng đặc biệt của nó. Thực ra ở chính nơi nhặt được, nó rất thơm, rất dịu, tôi đã muốn thử mấy miếng người ta cho tôi, tôiđem chôn dưới đất sâu chừng hơn năm chân 23 thế mà vẫn ngửi thấy hương thơm. Kỳ nam nhặt tại chỗ thì giá năm đồng đuca 24 một líu, nhưng ở hải cảng xứ Đàng Trong, nơi buôn bán thì đắt hơn, nghĩa là hai trăm đuca một líu. Nếu tìm được một tấm lớn có thể làm gối để gối đầu, còn hay làm gối dài 25 thì người Nhật mua tới ba trăm hay bốn trăm đuca một líu. Là vì người ta nghiệm thấy, vì sức khỏe thì nên dùng làm gối một thứ gì cứng hơn là thứ gối làm bằng lông vừa không lành vừa hay sinh bệnh. Thường thì họ dùng một phiến gỗ, và tuỳ theo khả năng, người ta mong có được thứ gỗ quý nhất có thể sắm được 26. Trầm hương thì ít được trọng hơn và giá cũng rẻ hơn kỳ nam, nhưng chỉ một tàu chở đầy trầm hương cũng đủ cho thương gia trở nên giàu có và sung túc suốt đời. Thế nên phần thưởng lớn nhất chúa ban cho thuyền trưởng Malacca, đó là cho phép ông buôn trầm hương. Bởi vì người Bàlamôn và người Banian 27 ở An Độ có tục hỏa thiêu xác người chết bằng gỗ rất thơm, nên họ cần có ngay một số lượng lớn.
Sau cùng, xứ Đàng Trong có rất nhiều mỏ kim khí quý và nhất là vàng. Và để hiểu biết thêm bằng vài lời những gì đáng được kể dài dòng hơn nữa về sự giàu có của xứ này thì tôi kết thúc chương này bằng lời của các thương gia Châu Au đã có dịp tới đây. Họ quyết rằng xứ Đàng Trong có nhiều của cải hơn Trung Quốc mà chúng tôi biết là rất Phải nói thêm ở đây chút ít về các thú vật chúng tôi đã nói là có rất nhiều ở Đàng Trong, nhưng để khỏi nói nhiều, tôi chỉ xin nói về voi và tê giác, nhất là ở xứ này và nhiều chuyện kỳ lạ chưa bao giờ nghe thấy.
Chú thích:
(1) Ba vụ lúa: chúng tôi chưa biết rõ việc này.
(2) Chanh ở Ý lớn hơn chanh của ta, màu vàng chứ không xanh như ta.
(3) Theo Kinh Thánh, sau khi phạm tội ăn trái cấm, tổ tiên thấy mình trần truồng và phải lấy lá che thân.
(4) Có thể là một thứ chuối "ngự" thơm và nhỏ, hay một thứ trái cây nào khác.
(5) Trái nói ở trên có thể là trái ổi còn trái "cam" này có thể là trái thanh long.
(6) Có thể cho trái mít cũng thuộc về loại "sầu riêng"
(7) Mít mật và mít dai
(8) Món hạnh nhân tán nhỏ hòa với đường, rồi để vào tủ lạnh, món ăn rất sang của người Châu Au vào thời này.
(9) "Pouce" cách đo thời xưa cũng như kiểu đo gang tay hay sải.
(10) Tiếng Pháp: noix
(11) Tiếng Pháp: châtaignes
(12) Tiếng Pháp: lierre, thứ như nho dại, lá xanh và leo trên tường
(13) Thứ vôi này có màu hồng
(14) Nước sốt (sauce), một thứ nước dùng riêng đằng đặc gồm nước thịt và mỡ béo để tưới vào các thức ăn khô và nhạt.
(15) Nước mắm rất danh tiếng của ta(16) Chúng tôi chưa rõ đây là thứ gì
(17) Thức ăn từ trời rơi xuống, có mùi vị theo sở thích người dùng.
(18) Chim yến, tổ yến. "Người ta cho rằng, ban ngày chim yến đi kiếm ăn, nuốt cả con trong biển, rồi đêm đến nhả nước dãi thành những vành tròn hình xoáy ốc để xây tổ (Đỗ Tất Lợi: Những cây thuốc và vị thuốc ở Việt Nam, Hà Nội 1981, tr.945)
(19) Vào thế kỷ 15, 16, 17 người Châu Au qua phương Đông nhất là Trung Quốc để buôn hồ tiêu và tơ lụa, vì thế có con đường gọi là con đường tơ lụa (route de la soie)
(20) Gỗ lim
(21) Chúng tôi chưa nghiên cứu xem danh từ này có nghĩa thế nào. Nếu là lim thì theo Đỗ Tất Lợi, sách dẫn, là những thứ cây mọc phổ biến của nước ta, nhất là tại những khu rừng miền Bắc và miền Trung. Còn thấy ở Lào, miền Nam Trung Quốc. Thường người ta khai thác gỗ làm nhà, làm đồ dùng. Có thể cao hơn mười thước hoặc hơn nữa (tr.361)
(22) Trầm hương: kỳ nam là loại trầm hương quý nhất, xem: Đỗ Tất Lợi, sd tr.449-450.
(23) Pied: chân, cách đo thời xưa, chừng 0.3407m
(24) Đồng tiền này thường đúc bằng vàng vào thế kỷ 13 tại Venise (Ý) lúc đó là một cộng hòa độc lập và rất thịnh vượng. Líu: livre, tức nửa cân.
(25) Gối dài là thứ gối theo suốt bề ngang của chiếc giường lớn.
(26) Ở xứ nóng thường dùng gối mây hoặc gỗ, khác hẳn các xứ lạnh.
(27) Không rõ thuộc tôn giáo nào, còn đạo Bàlamôn là đạo chính yếu của Ấn Độ.
Chương 4: Voi và tê giác
Rừng xứ Đàng Trong có rất nhiều voi, nhưng người ta không sử dụng được vì chưa biết cách bắt và luyện chúng. Vì thế phải đưa những con voi đã thuần phục và dạy dỗ từ nước láng giềng Campuchia. Voi ở đây lớn gấp hai voi ở An Độ. Chân và vết chân nó để lại đường kính đo được chừng nửa mét. Răng thò ra từ miệng gọi là ngà voi thì dài tới 4.7m, đó là voi đực. Ngà của voi cái thì ngắn hơn nhiều. Vì thế người ta dễ nhận thấy voi ở xứ Đàng Trong to lớn hơn voi người ta vẫn dẫn đi diễu ở Châu Au tới mức nào: ngà của các con voi này chưa được 8 tấc.
Voi sống lâu năm. Một lần tôi hỏi tuổi một con voi tôi gặp thì người quản tượng đạp là đã sáu mươi tuổi ở Campuchia và bốn mươi ở Đàng Trong. Vì tôi đã di chuyển nhiều lần trên lưng voi ở xứ Đàng Trong nên tôi có thể kể lại mấy câu chuyện kỳ lạ, nhưng có thật. Voi thường chở tới mười ba hay mười bốn người, theo cách thức sau đây. Cũng như chúng ta thắng yên trên lưng ngựa, người ta cũng đặt trên lưng voi một bành lớn như cỗ kiệu trong đó có bốn chỗ ngồi và người ta buộc bằng chão sắt luồn dưới bụng voi như yên và đai ngựa. Bành có cửa mở hai bên và có thể chứa được sáu người, ngồi làm hai hàng, mỗi hàng ba người, một người ngồi ở đằng sau với hai người nữa, và cuối cùng là người ngồi trên đầu voi để điều khiển và chỉ huy gọi là quản tượng. Không phải tôi chỉ đi đường bộ theo kiểu trên đây, nhưng đã có mấy lần tôi theo đường thuỷ, qua một nhánh biển xa đất liền chừng hơn nửa dặm. Thật là kỳ diệu đối với người chưa bao giờ thấy, đó là chứng kiến một khối thịt rất lớn, rất to, chở một trọng lượng lớn như thế, lội trong nước như một chiếc thuyền có chèo đun đẩy. Thực ra nó cũng cực lắm, phần vì phải mang một khối lớn, phần vì khó thở đến nỗi để cho bớt nhọc và được mát mẻ, nó dùng vòi lấy nước và tung lên rất cao làm cho người ta có cảm tưởng là một con cá voi trong lòng biển cả.
Cũng vì nó to lớn như vậy nên rất khó cúi mình. Thế nhưng nó cần phải khom xuống để cho hành khách tiện lên xuống. Nó không bao giờ khom nếu không có lệnh của quản tượng, và nếu trong khi nó khom xuống mà có ai còn quá nhởn nhơ mất thời giờ, hoặc còn chuyện vãn chào hỏi bè bạn hay làm việc nào khác, tức thì nó chồm chân đứng lên vì không thể đợi được. Như thế mới biết nó rất khó chịu khi phải giữ tư thế đó lâu.
Không có gì phải bỡ ngỡ khi thấy quản tượng ra lệnh và nó thu xếp làm cho mình nó thành một thứ thang, có thể nói được như vậy, rất tiện cho người ta leo lên bành. Để làm bậc thứ nhất, nó đưa chân khá cao đối với đất. Nó giơ cổ chân cũng khá xa để làm bậc thứ hai, và để làm bậc thứ ba, nó gấp đầu gối lại. Bậc thứ bốn là cái xương ở bên hông hơi dô ra một chút, rồi nó lấy vòi đỡ bạn và đưa bạn tới chiếc xích buộc ở bành.
Ở đây mới thấy rõ sự lầm lẫn của những người đã nói và còn để lại bút tích rằng voi không cúi mình được, cũng không nằm được, thế nên muốn bắt nó chỉ có cách độc nhất là cưa thân cây nó dùng để dựa mà ngủ, bởi vì khi thân cây đổ thì nó cũng ngã theo và cứ năm như thế không sao trỗi dậy được, nên làm mồi ngon cho người săn. Tất cả chỉ là chuyện huyền hoặc vì thực ra khi nó ngủ, nó không bao giờ nằm, tư thế đó không tiện cho nó và gây khó nhọc như chúng tôi đã nói. Thế nên, nó luôn ngủ đứng, đầu luôn luôn ngoe nguẩy.
Khi có chiến tranh và trận mạc thì người ta nhấc mui bành đi để làm thành một thứ chòi chở lính giao chiến với nỏ, với súng và có khi với khẩu đại bác: voi không thiếu sức để chở vì là con vật rất khoẻ, nếu không có gì khác. Chính tôi đã thấy một con dùng vòi chuyên chở những vật rất nặng, một con khác chuyển một khẩu súng lớn và một con nữa một mình kéo tới mười chiếc thuyền, chiếc nọ theo sau chiếc kia, giữa đôi ngà một cách rất khéo và đưa xuống biển. Tôi cũng thấy những con khác nhổ những cây to lớn mà không mấy vất vả như thể chúng ta nhổ su hào hay rau diếp. Chúng cũng dễ dàng ném xuống đất và lật đổ nhà cửa, triệt hạ từng dãy phố khi được lệnh trong trận chiến để phá hoại quân địch và trong thời bình để không cho ngọn lửa bén khi có hoả hoạn.
Vòi nó dài so với bề cao của thân mình, nên không cần nghiêng hay cúi, nó dễ dàng lượm đồ vật dưới đất tuỳ ý. Vòi này gồm nhiều bó gân kết lại và xoắn với nhau, một đàng làm cho nó rất mềm dẻo và dễ xoay trở đưa ra khi cần để cầm những món đồ rất nhỏ, và đàng khác làm cho nó cứng và khoẻ như chúng tôi đã nói. Toàn thân mình nó bọc lớp da cứng và ráp, màu tro. Mỗi ngày nó thường đi được chừng mười hai dặm. Đối với những người không quen thì sự vận chuyển của nó gây khó chịu cũng như người chưa quen đi biển bị say sóng vì thuyền chòng chành.
Về sự dễ bảo của voi thì tôi sẽ kể những việc kỳ diệu hơn những chuyện người ta thường kể, để cho biết là người nói câu này rất có lý: Elephanto belluarum nulla prudentior: trong các con vật khổng lồ, không con nào khôn bằng voi 1 vì thấy nó thực hiện được những việc làm cho người ta tưởng nó có trí thông minh và khôn ngoan. Trước hết, mặc dầu quản tượng dùng một dụng cụ bằng sắt dài chừng bốn gang tay ở đầu có móc để đánh và đâm cho voi tỉnh và chú ý tới lệnh truyền, thế nhưng thường thường họ điều khiển và chỉ huy bằng lời nói, đến nỗi tưởng như nó hiểu biết ngôn ngữ và có mấy con biết tới ba hay bốn thứ tiếng rất khó tuỳ theo lãnh thổ và quốc gia trong đó nó đã sống. Thí dụ con voi đã đưa tôi đi thì hiểu tiếng Campuchia vì gốc nó ở đó, rồi tinh thông tiếng Đàng Trong là nơi nó tới. Ai cũng lấy làm lạ khi thấy quản tượng trò chuyện với voi, dặn dò về hành trình và đường đi lối bước, qua nơi nào, dừng lại và nghỉ ở đâu, và sau cùng kể chi tiết tất cả các việc nó phải làm trong ngày.
Và voi làm phận sự mình một cách chính xác như một người có lương tri và phán đoán có thể làm được. Đến nỗi sau khi voi coi như đã biết nơi phải đi thì nó cứ thẳng tắp thi hành bằng con đường ngắn nhất, không lần chần do sự tìm lối quá quen hay không bỡ ngỡ vì gặp sông lớn, rừng già hay núi cao. Nó cho rằng nó dễ dàng vượt qua hết, nó cứ lên đường và theo lộ trình, vượt hết mọi thứ khó khăn. Nếu gặp sông phải qua thì nó hoặc bước sang chỗ cạn hoặc ngoi lội chỗ nước lớn. Nếu phải qua rừng thì nó đè bẹp cành cây ngáng trở, dùng vòi nhổ cây dọn thành con đường rộng và dễ đi, rừng rậm rạp đến đâu đi nữa cũng có lối đi nếu thấy voi đã qua và đã mở đường. Tất cả những việc này voi làm theo lệnh của quản tượng, một cách dễ dàng, nhanh chóng và mẫn cán. Chỉ có một bất tiện cho con vật này và làm cho nó khổ sở, đó là khi có gai hay vật gì tương tự đâm vào bàn chân nó vốn mềm v agrave; nhạy cảm một cách lạ lùng, mặc dầu nó rất cẩn thận bước từng bước, khi qua nơi hiểm trở. Có lần trong cuộc hành trình có bảy hay tám con voi đi tiếp theo nhau, tôi nghe thấy các quản tượng mỗi người đều dặn dò voi của mình phải thận trọng khi đặt chân vì trong một quãng đường chừng nửa dặm chúng phải qua một bãi cát trong đó thường có gai.
Nghe thế, các con voi đều cúi đầu, mở to mắt như khi người ta vất vả tìm một vật gì nhỏ rơi mất. Chúng bước từng bước, rất chăm chú, trong suốt quãng đường nguy hiểm, cho tới khi nghe báo là không còn phải sợ nữa, lúc đó chúng mới ngẩng đầu và tiếp tục hành trình như trước. Ngày hôm sau phải đỗ lại ở một nơi không có rừng cây nên mỗi quản tượng đều đem một bó cây tươi và khá lớn cho voi. Tôi rất thích thú nhìn xem một con dùng vòi với lấy cây một cách khéo hơn các con khác, rồi dùng răng bóc vỏ và ăn rất nhanh, rất ngon như chúng ta ăn trái vả hay một trái nào khác vậy. Ngày hôm sau, tôi ngồi trò chuyện với những hành khách khác, chừng hai mươi người. Tôi cho họ hay về sự thích thú đặc biệt của tôi khi thấy con voi ăn cành cây một cách ngon lành. Lúc ấy, quản tượng theo lệnh của người chủ voi lớn tiếng gọi con voi với cái tên của nó là gnin và vì nó ở hơi xa nên nó ngẩng đầu vểnh lắng nghe xem người ta muốn nói gì với nó.
Quản tượng bảo nó rằng: mi làm vui lòng ông cha đi đường này đi, hôm qua ông đã thích thú nhìn mi ăn, bây giờ mi cầm lấy một cây như cây hôm qua và tới trước mặt ông ta và làm như mi đã làm. Quản tượng vừa nói dứt lời thì voi đã đến trước mặt tôi, vòi quấn một thân cây, rồi nhìn tôi trong đám người khác, giơ cho tôi coi rồi bóc vỏ và ăn, sau đó cúi đầu chào tôi và rút lui như thể mỉm cười, với những dấu rỡ. Còn tôi, tôi rất ngạc nhiên thấy ở nơi một con thú có nhiều khả năng hiểu biết và thi hành điều người ta truyền cho nó như vậy. Thực ra nó chỉ vâng theo quản tượng hay chủ nó mà thôi. Nó cũng không để cho người nào lạ leo lên cưỡi: nó mà thấy thì nó sẽ quăng bành xuống đất và dùng vòi mà sát hại người ấy. Vì thế, khi có người phải leo lên thì quản tượng lấy tai nó che mắt nó, tai nó to và xấu xí. Khi nó không chịu nghe lệnh truyền và không nhanh nhảu làm theo thì quản tưởng đứng hai chân trên đầu nó, đánh và trị nó rất nặng, rất cương quyết, lấy roi quất mạnh trên trán nó. Có lần mấy người chúng tôi cùng đi chung một voi chở chúng tôi, người quản tượng đánh nó như chúng tôi vừa nói, mỗi lần roi quất trên nó, chúng tôi tưởng như nó sẽ ném chúng tôi xuống đất. Thường thường người ta quất sáu bảy cái vào giữa trán nó, và mạnh đến nỗi làm voi rùng cả mình: phải nhận là nó rất kiên nhẫn chịu đựng.
Chỉ có một trường hợp nó không vâng theo quản tượng và bất cứ ai, đó là khi nó bất thần động đực, vì lúc đó hình như nó không tự kiềm chế nổi, nó không chịu ai, nó lấy vòi ném bành và mọi người trong đó, nó giết, nó huỷ và phá vỡ tan tành. Thường thì quản tượng biết trước qua một vài dấu hiệu. Lập tức, mọi người xuống đất, tháo gỡ bành và để nó một mình ở một chỗ xa cho tới khi nó hết cơn. Sau đó, như thấy mình đã gây nên xáo trộn và như tự lấy làm hổ thẹn, nó cúi đầu chịu đánh đập như một kẻ phạm tội.
Thời xưa người ta dùng voi rất có ích trong chinh chiến và đạo binh nào ra trận với những con vật như vậy thì thật là đáng sợ. Nhưng từ khi người Bồ tìm được cách ném tàn lửa và đuốc vào mũi chúng thì càng làm cho chúng gây hại hơn trước. Bởi vì chúng không thể chịu được lửa đốt làm cay mắt nên chúng đùng đùng chạy trốn và làm tan tác đạo binh, giết hại và phá phách tất cả những gì cản đường chúng. Voi nhà chỉ sợ hai con thú khác là voi rừng và tê giác, nó có thể thắng được tê giác, nhưng đối với voi rừng thì thường nó chịu thua.
Tê giác là một thú vật có một cái gì giống bò và ngựa, nhưng lại to lớn như một con voi con. Mình nó đầy vẩy 2 như những yếm để tự che thân. Nó chỉ có một sừng ở ngay giữa trán, thẳng tắp và có hình kim tự tháp, còn chân và móng thì như bò. Khi tôi ở Nước Mặn một xã thuộc tỉnh Quy Nhơn, có biết một viên quan lần nọ đi săn tê giác ở trong khu rừng gần nhà chúng tôi. Ông đem theo hơn một trăm người, một phần đi bộ, một phần đi ngựa cùng với tám hay mười con voi. Con tê giác ra khỏi khu rừng và một số đông địch thù, nó không những không tỏ vẻ sợ hãi mà còn thu hết sức lực giận dữ xông tới, thế là đạo binh phân tán làm hai cánh để cho con tê giác lọt vào giữa và chạy tới hậu quân có viên quan đứng chờ để giết nó. Viên quan ngồi trên lưng voi, voi cố lấy vòi chộp lấy tê giác, nhưng không sao làm nổi vì tê giác nhảy tứ tung, cố dùng sứng để đâm voi. Viên quan biết rõ tê giác vì có vẩy nên không dễ gì bị thương nếu chỉ đánh vào bên cạnh. Ông chờ đến lúc nó nhảy lên và phơi bụng ra, lúc đó ông nhắm, và rất thiện nghệ, ông ném ngọn đao đâm suốt từ bụng tới lưng, giữa tiếng hò hét vui mừng của cả đạo quân. Không chờ đợi gì nữa họ lập tức quơ một đống củi lớn, châm lửa đốt, trong khi vẩy con thú bị thiêu và thịt nướng chín thì họ nhảy múa chung quanh, mỗi người tiếp theo nhau xẻo thịt đang chín dần dần và ăn vui vẻ. Sau đó họ mổ lấy tim, gan và óc để dọn món mĩ vị đem hầu viên quan lúc này đã lui ra xa một chút, ở một nơi khá cao, vui mừng và thích thú nhìn xem cuộc vui. Còn tôi, tôi có mặt trong cuộc, tôi cũng có phần và phần của tôi là móng con vật viên quan cho tôi, móng đó cũng có những tác dụng và tính chất như móng voi, dùng làm thuốc chống ngộ độc một cách tuyệt diệu không hơn không kém sừng kỳ lân 3
Chú thích:
(1) Tiếng Latinh trong văn bản: "Elephanto belluarum nulla prudentior"
(2) Theo Đỗ Tất Lợi, sách đã dẫn: "da nhẵn không sùi màu, biểu bì có rãnh nhỏ chia làm nhiều đĩa nhỏ nhiều cạnh. Bề mặt thân chia làm nhiều mảnh giáp với nhau bởi nhiều nếp, nếp trước và sau vai cũng như nếp trước đùi kéo dài qua lưng. Nếp gáy tương đối kém phát triển. Màu da xám thẫm toàn thân" (Sd, tr.984) Thường có một sừng, nhưng cũng có tê giác hai sừng, Sd tr.985
(3) Tiếng Pháp "La licorne". Nhưng kỳ lân phải chăng là thú hoang đường?
Chương 5
Về màu da thì người Đàng Trong không khác người Tàu, tất cả đều có sắc xám xanh 1, nếu là người ở ven biển, còn những người khác từ nội địa cho tới biên giới Đàng Ngoài thì cũng trắng như người Châu Âu. Về nét mặt thì cũng giống, như người Tàu, cũng có mũi tẹt, mắt bé. Còn về kích thước thì trung bình, tôi có ý nói, họ không quá lùn như người Nhật, không quá cao như người Tàu. Nhưng về thân hình vạm vỡ thì họ vượt cả hai, về can đảm thì hơn người Tàu, chỉ có người Nhật là hơn họ về một điểm độc nhất là coi thường mạng sống trong gian nguy và chiến trận. Người Nhật không kể chi, không sợ chết bằng bất cứ giá nào. Người Đàng Trong dịu dàng hơn và lịch thiệp hơn khi đàm đạo, hơn tất cả các dân phương Đông nào khác, tuy một đàng dũng cảm, nhưng đàng khác họ lại rất dễ nổi giận. Tất cả các nước phương Đông đều cho người Châu Âu là những kẻ xa lạ và dĩ nhiên họ ghét mặt đến nỗi khi chúng ta vào lãnh thổ họ thì tất cả đều bỏ trốn. Thế nhưng trái lại ở xứ Đàng Trong, họ đua nhau đến gần chúng ta, trao đổi với chúng ta trăm nghìn thứ, họ mời chúng ta dùng cơm với họ. Tóm lại sự và thân mật đối với chúng ta. Điều này đã xảy ra với tôi và các đồng sự của tôi, khi lần đầu tiên chúng tôi vào xứ này, người đã coi chúng tôi như những người bạn rất thân và như thể người ta đã quen biết chúng tôi từ lâu. Đó là một cánh cửa rất tốt đẹp mở ra cho các nhà truyền giáo của Chúa Kitô đến rao giảng Phúc âm.
Từ tính tình rất trọng khách và cách ăn ở giản dị đó mà họ rất đoàn kết với nhau, rất hiểu biết nhau, đối xử với nhau rất thành thật, rất trong sáng, như thể tất cả đều là anh em với nhau, cùng ăn uống và cùng sống chung trong một nhà, mặc dầu trước đó chưa bao giờ họ thấy nhau, biết nhau. Họ coi là một nết rất xấu, nếu ai ăn món gì dù rất nhỏ mịn mà không chia sẻ cho bạn, bẻ cho mỗi người một miếng. Họ có tính quảng đại, hay bố thí cho người nghèo, họ có thói quen không bao giờ từ chối, không cho kẻ xin bố thí. Họ nghĩ là sẽ không làm đủ bổn phận nếu từ chối, họ coi như bị ràng buộc bởi phép công bằng. Do đó có lần có mấy người ngoại quốc bị đắm tàu và được cứu tại một cảng Đàng Trong. Họ không biết tiếng để xin người ta cho thức ăn để sống, họ chỉ cần học một chữ thôi cũng đủ, đó là chữ đói, có nghĩa là tôi đói. Bởi vì vừa nghe thấy người ngoại quốc than thở như vậy và đi qua các cửa nhà người dân mà kêu đói, thì tất cả đều động lòng thương và cho họ ăn, đến nỗi chỉ trong một thời gian rất ngắn, họ thu được rất nhiều thức ăn dự trữ, đến khi chúa cấp cho họ một chiếc tàu để trở về quê quán thì chẳng ai muốn đi vì họ quyến luyến một lãnh thổ ở đó họ gặp được những người rộng rãi cho họ các thứ để sống mà không phải làm việc. Cuối cùng người thuyền trưởng buộc phải vác gậy đánh đập họ, thì họ mới chịu sửa soạn xuống tàu, đem chất trong tàu thóc gạo họ đã xin được, khi họ đi gõ cửa các nhà và kêu đói.
Nếu người Đàng Trong nhanh nhảu và rộng rãi hay cho, thì mặt khác họ lai hay xin những gì họ thấy. Thế nên khi họ vừa đưa mắt nhìn thấy những vật họ cho là hiếm và lạ là họ đem lòng thèm muốn và nói ngay xin một cái, có nghĩa là cho tôi xin cái đó. Họ coi là rất bất lịch sự nếu người ta từ chối dù đó là vật quý và hiếm, và chỉ có một cái mà thôi. Ai từ chối họ thì liền bị coi là người xấu. Do đó một là nên giấu đi, hai là sẵn sàng cho người nào xin.
Một thương gia người Bồ không ưa cách cư xử lạ lùng đó, bởi vì hễ họ trông thấy ông cầm đồ vật gì đẹp trong tay là họ xin liền. Một hôm ông nhất quyết cũng làm thử như họ. Ông tới gần thuyền của một người đánh cá và để tay trên một cái rổ lớn đầy cá, ông nói bằng tiếng bản xứ xin một cái, nghĩa là cho tôi xin cái này. Chẳng nói chẳng rằng, người thuyền chài đưa ngay cho ông rổ cá để ông đem về. Người Bồ đem về nhà, rất sửng sốt và khen ngợi lòng quảng đại của người Đàng Trong. Thực ra vì thương người thuyền chài nghèo khổ, nên sau đó ông trả tiền rổ cá theo giá của nó.
Những từ ngữ về đối thoại, giao tiếp và lịch sự thì cũng giống như từ ngữ Trung Hoa. Người dưới rất kính trọng người trên, cũng như kẻ bằng vai đối xử với nhau, họ dùng tất cả cách thức tỉ mỉ và những lời khen tế nhị mà chúng ta biết rõ rất riêng biệt nơi người Trung Hoa, nhất là họ đặc biệt kính trọng người già nua tuổi tác, bao giờ họ cũng nể người có tuổi hơn. Trong mọi việc, ở vào bất cứ cấp bậc nào, gia thế nào, bao giờ họ cũng nhường ưu tiên cho người già hơn. Vì thế có một lần mấy viên quan lớn tới thăm nhà chúng tôi, mặc dầu đã được người thông dịch cho họ biết là có một cha có tuổi hơn cả, nhưng không phải là Bề trên, thế nhưng không tài nào ngăn cản họ chào người có tuổi đó trước hết, sau mới chào Bề trên, là người trẻ tuổi hơn. Trong tất cả các nhà cửa người Đàng Trong, dầu nghèo nàn đến đâu đi nữa, người ta cũng giữ ba cách ngồi. Cách thứ nhất kém hơn cả là ngồi trên chiếu trải trên đất bằng và đó là cách ngồi của những kẻ cùng cấp bậc. Cách thứ hai là ngồi trên những thứ giây bố hay giây da căng thẳng có trải chiếu nhỏ và mịn hơn, dành cho người đáng kính hơn. Cách thứ ba là trên một thứ bục 2 cao hơn đất chừng tám tấc làm thành như cái giường và chỉ dành cho các quan và bậc chức vị bản địa hay những người lo việc thiêng liêng, như các cha dòng chúng tôi thường được ngồi.
Vì người Đàng Trong tử tế và có tính tình hòa nhã, nên họ rất trọng người ngoại quốc, họ để cho mỗi người tự do sống theo đạo của mình và ăn mặc tuỳ sở thích của mình. Do đó họ khen cách làm của người nước ngoài, phục giáo thuyết của người nước ngoài và dễ dàng chuộng đạo giáo của người nước ngoài hơn đạo giáo của mình: trái hẳn với người Tàu, họ chỉ khen ngợi xứ sở họ cùng cách làm và đạo giáo của họ mà thôi.
Còn về y phục thì như chúng tôi đã nói, tơ lụa rất thông dụng ở xứ Đàng Trong đến nỗi ai cũng mặc hàng tơ lụa. Bây giờ chỉ nói về cách họ mặc mà thôi. Bắt đầu từ phái nữ 3, phải nhận rằng cách mặc của họ tôi vẫn coi là giản dị hơn khắp cõi Ấn Độ, vì họ không để lộ một phần nào trong thân thể, ngay cả trong những mùa nóng bức nhất. Họ mặc tới năm hay sáu váy lụa trơn, cái nọ chồng lên cái kia và tất cả có màu sắc khác nhau. Cái thứ nhất phủ dài xuống chấm đất, họ kéo lê rất trịnh trọng, khéo léo và uy nghiêm đến nỗi không trông thấy đầu ngón chân. Sau đó là cái thứ hai ngắn hơn cái thứ nhất chừng bốn hay năm đốt ngón tay, rồi tới cái thứ ba ngắn hơn cái thứ hai và cứ thế trong số còn lại theo tỉ lệ cái nọ ngắn hơn cái kia, để cho các màu sắc đều được phô bày trong sự khác biệt của mỗi tấm. Đó là thứ phái nữ mặc từ thắt lưng xuống bên dưới. Còn trên thân mình thì họ khoác vắt chéo như bàn cờ với nhiều màu sắc khác nhau, phủ lên trên tất cả một tấm voan rất mịn và rất mỏng cho người ta nhìn qua thấy tất cả màu sặc sỡ chẳng khác mùa xuân vui tươi và duyên dáng, nhưng cũng không kém trịnh trọng và giản dị.
Họ để tóc xõa và rủ xuống vai, có người để tóc dài chấm đất, càng dài càng được coi là càng đẹp. Họ đội trên đầu một thứ mũ lớn riềm rộng che hết mặt khiến họ chỉ có thể trông xa hơn ba hay bốn bước trước mắt họ. Thứ mũ đó cũng đan bằng lụa và kim tuyến tuỳ theo gia thế của từng người. Phép xã giao không buộc người phụ nữ làm gì khác khi phải chào hỏi những người mình gặp, ngoài việc cất nón đủ để trông thấy mặt.
Đàn ông 4 thì không nai nịt, nhưng quàng cả một tấm, rồi cũng thêm năm hay sáu áo dài và rộng. Tất cả đều bằng lụa màu sắc khác nhau với ông tay rộng và dài như ống tay các tu sĩ Biển Đức. Còn từ thắt lưng trở xuống thì tất cả đều sắp đặt các màu rất khéo và rất đẹp. Thế nên khi ra phố thì họ phô trương màu sắc hài hòa, nếu có gió nhẹ thổi từ bên trong làm tung bay thì thực ra có thể nói là những con công xoay tròn khoe màu sắc đẹp của mình.
Họ cũng để tóc dài như đàn bà, cho xõa tóc tới gót chân và cũng đội nón. Người có râu thì hiếm, họ không bao giờ cắt. Về điểm này, họ làm theo người Tàu. Họ còn để móng tay dài: người quý phái không bao giờ cắt, nhưng cứ để dài, coi đó như dấu hiệu của sự quý phái, và để mình khác biệt với thường dân và thợ thuyền, những người này không để dài được vì vướng tay trong khi hành nghề, tỉ như kị mã để móng tay dài thì không sao nắm chặt dây cương trong lòng bàn tay. Họ không thể thưởng thức cách cắt tóc ngắn và cắt móng tay của chúng ta, họ nại lý do là thiên nhiên ban cho các thứ đó để trang trí bản thân con người. Có lần nói chuyện về tóc, họ bác bẻ chúng ta và không dễ gì đáp lại được lúc đầu. Họ nói, nếu Đức Chúa Cứu Thế mà các ông khoe là các ông bắt chước hết mọi việc Người làm, nhưng chính Người để tóc dài theo kiểu người Nagiarét, như chính các ông quả quyết và cho chúng tôi coi hình ảnh, thì tại sao các ông không làm theo như Người. Họ nói thêm để cho có thế lực hơn nữa là Đấng Cứu Thế còn để tóc dài, như vậy là Người muốn cho chúng ta biết đó là cách tốt nhất. Nhưng họ cũng hài lòng khi chúng tôi trả lời là bắt chước không phải là làm theo một cách lố lăng.
Các văn nhân và tiến sĩ thì ăn mặc trịnh trọng hơn, không màu mè loè loẹt. Họ choàng lên trên tất cả một áo dài đen. Họ còn khoác một thứ khăn quấn cổ và ở cổ tay một khăn bằng lụa màu da trời, còn đầu thì thường đội một thứ mũ kiểu mũ giám mục. Cả đàn ông đàn bà đều ưa cầm quạt rất giống như ở Châu Au. Họ cầm là cầm lấy lệ thôi. Người Châu Au chúng ta khi để tang thì mặc đồ đen, còn họ dùng màu trắng. Khi họ chào nhau, không bao giờ họ cất nón cất mũ, cho đó là không lịch sự, cũng giống như người Tàu, họ cho đó là không phải phép đối với người thế gia và rất vô lễ. Vì thế, để cho hợp với họ các cha dòng chúng tôi đã thấy cần phải được đức giáo hoàng Phaolô V cho phép dâng thánh lễ đầu đội mũ trong những miền đất này.5
Sau cùng người Đàng Trong không đi dép cũng không đi giầy, cùng lắm thì họ chỉ mang một miếng da buộc mấy giây lụa và khuy trên mu bàn chân như kiểu săn đan của ta để cho bàn chân không bị đâm: Họ cho rằng đi chân không không phải là không biết cách ăn ở, họ đi dép hay đi chân không thì chân họ vẫn lấm bẩn, họ biết lắm, nhưng họ không ngại vì trước nhà họ bao giờ cũng có một chậu đầy nước để rửa chân. Còn kẻ đi dép thì phải để dép ở ngoài lúc ra mới xỏ vào, vì trong nhà không cần, họ đã trải chiếu nên họ không sợ bẩn. 6
Dân Đàng Trong rất trọng những tục lệ của họ. Họ khinh những tục lệ của người ngoại quốc như người Tàu. Các cha không cần thay đổi y phục, thực ra không khác cách ăn vận chung ở khắp An Độ. Các ngài mặc áo chùng bằng sợi bông rộng gọilà elingon thường làm màu thanh thiên và ra nơi công chúng như thế không thêm áo dái hay áo choàng 7. Cũng không đi giầy như tục người Châu Au hay người bản xứ: vì giầy Châu Au thì làm gì có mà đi và cũng không ai biết làm 8, còn dép bản xứ thì không sao đi được vì rất bất tiện cho người chưa quen, nên đau chân, bởi vì các khuy làm cho ngón chân dãn ra, ngón nọ cách xa ngón kia, do đó, các ngài ưa đi chân không và bị đau chân hoài nhất là trong lúc đầu, vì đất ẩm ướt, và vì chưa quen. Vẫn biết là sau một thời gian thì theo tính tự nhiên cũng quen dần, da cứng lại đến nỗi không có thấy khó chịu, mặc dầu phải đi trên đường có nhiều đá sỏi và gai. Riêng tôi, tôi đã quen lắm đến nỗi khi trở về Macao, tôi không chịu được giầy, cảm thấy chúng thật nặng nề và làm chân tôi vướng víu làm sao. 9
Thức ăn thông thường nhất của người Đàng Trong là cơm và thật là điều kỳ lạ: toàn lãnh thổ có rất nhiều thứ thịt, gà, vịt, cá và trái cây đủ loại, thế mà bữa ăn ngon nhất lại là cơm, họ xới thật nhiều cơm, ngay khi ngồi vào mâm, rồi chỉ gắp sơ sơ và nếm náp các món thịt như để theo nghi lễ. Lương thực chính yếu của họ là cơm như bánh mì là lương thực chính của chúng ta; họ ăn không, nghĩa là chỉ có cơm, không cần nước sốt hay món gì khác vì sợ dần dần đâm chán. Họ không bỏ thêm bơ hay muối hay dầu mỡ hay đường. Họ thổi cơm bằng nước lã. Họ đổ vừa vừa nước thôi để cho cơm không dính vào nồi hay bị cháy. Vì thế hạt cơm còn nguyên vẹn, chỉ mềm một chút và dẻo. Họ còn kinh nghiệm thấy rằng không thêm mắm muối vào cơm, nên cơm dễ tiêu hơn. Vì thế hầu hết các người sống ở phương Đông thường ăn mỗi ngày bốn lần và ăn rất nhiều để cung cấp cho đủ sự cần dùng thiên nhiên đòi hỏi.
Người Đàng Trong ngồi trên đất để ăn, chân xếp lại, trước một bàn tròn (mâm) cao ngang bụng, mâm được khắc vẽ chạm trổ tỉ mỉ, riềm bịt bạc hay vàng tuỳ gia thế và khả năng của người dùng. Mâm này không lớn vì theo tục lệ mỗi người một mâm riêng 10, cho nên trong bữa tiệc có bao nhiêu khách mời thì là bấy nhiêu mâm. Khi ăn riêng ở nhà họ cũng giữ như vậy trừ khi thỉnh thoảng vợ chồng, cha con dùng chung một mâm. Họ không dùng dao hay xiên trong mâm, thực ra họ không cần dao, xiên. Họ không cần dao vì họ đã thái thịt thành từng miếng nhỏ ở trong bếp và thay vì xiên thì họ dùng những đũa nhỏ rất nhẵn nhụi họ cầm giữa các ngón tay để gắp một cách rất khéo léo, rất sành sỏi, nên không cần gì khác. Họ cũng không cần khăn ăn vì không hề dùng tay, không bao giờ lấy thịt mà không dùng đũa.
Tiệc tùng cũng khá thông thường giữa lân bang với nhau, trong đó họ dùng nhiều thứ thịt khác nhau, những thứ tôi đã nói trước đây. Họ không cần cơm vì cho là ai cũng sẵn ở nhà mình. Và mặc dầu người mời là người nghèo, người ta không tin ông thành thực, nếu mỗi khách mời không có trong mâm ít nhất là một số các món ăn. Bởi vì họ có thói quen mời tiệc tất cả bạn bè, họ hàng lân bang, nên bao giờ bữa tiệc cũng có chừng ba mươi, bốn mươi, năm mươi người, có khi một trăm và tới hai trăm. Có lần tôi được mời dự một đám tiệc rất linh đình có tới gần hai, ba nghìn người. Cho nên tiệc này phải làm ở thôn quê là nơi có chỗ rộng để bày mâm. Không ai cho là kỳ lạ khi thấy những mâm nhỏ như chúng tôi đã nói. Trên đó bày tới cả trăm món, vả trong những dịp này, họ có một kế hoạch rất khéo, họ đặt mâm trên một cái gác với những thanh nứa nhiều tầng. Trên đó họ bày và chồng chất rất ngoạn mục hết các món, gồm tất cả những thổ sản trong xứ như thịt, cá, gà vịt, thú vật bốn cẳng, gia súc hay dã thú, với hết các thứ trái cây có thể có trong mùa. Nếu chẳng may thiếu một thứ gì thì gia chủ bị quở trách nặng, và người ta không coi bữa ăn đó là bữa tiệc. Chủ nhà ăn trước còn gia nhân bậc trên thì đứng hầu, khi chủ ăn xong thì tới phiên toán gia nhân bậc trên có đầy tớ bậc kém hơn phục dịch. Sau cùng mới đến lượt những người đầy tớ bậc thấp này. Và để không làm phí phạm tất cả những món đầy rẫy đó và theo tục lệ thì tất cả các món phải dùng cho hết và phải dùng cho thoả thuê. Một mâm khác dành cho đầy tớ cấp thấp nhất: chúng ăn thuê thỏa, còn thừa thì cho vào những túi dành riêng cho việc này và đem về nhà cho vợ con được no nê 11. Thế là chấm dứt hết các nghi lễ ở đây.
Đàng Trong không có nho, do đó cũng không có rượu nho, họ dùng làm rượu một thứ gạo cất có mùi vị như rượu của ta, giống cả về màu sắc, về vị cay gắt, tinh tế và độ mạnh. Có rất nhiều rượu đến nỗi mọi người đều uống rất thông thường tuỳ sở thích và không hề buồn vì không có rượu nho ở những miền này. Thế nhưng, những người khá giả thường có thói quen pha thêm một thứ rượu cất ở cây trầm hương làm cho mùi vị có một hương thơm đặc biệt, sự pha trộn này rất thành công.
Trong ngày họ có tục dùng một thứ nước rất nóng, trong đó nấu một thứ rễ cỏ 12 gọi là trà, cũng là tên thứ nước uống đó, thứ nước này rất bổ và giúp cho tan các chất xấu trong dạ dày và làm cho dễ tiêu. Ngừơi Nhật và người Tàu cũng dùng, trừ ở Tàu, người ta không dùng rễ mà dùng lá và ở Nhật người ta tán nhỏ, nhưng hiệu lực thì cũng giống nhau và tất cả đều gọi là trà.
Thật là một sự không thể tin được là người Châu Âu chúng ta ở đây có rất nhiều thịt thà và dồi dào về đủ mọi thứ, thế mà chúng ta vẫn còn đói, còn khát, không phải vì thiếu thịt mà vì không quen với các thứ đó, bản tính không chịu nổi sự thiếu bánh mì và rượu nho một cách đột ngột. Và tôi tin rằng người Đàng Trong cũng sẽ cảm thấy như thế, nếu họ tới Châu Au ở đó không có cơm, mặc dầu có nhiều thứ thịt ngon và rất dồi dào.Tôi kể ở đây một việc đã xảy đến với một quan cai trị xứ Đàng Trong. Ông này là bạn thân của chúng tôi, chúng tôi mời ông đến nhà chúng tôi dùng cơm và để tỏ mối thịnh tình khăng khít của tôi đối với ông thì chúng tôi dọn nhiều món theo lối Châu Au của chúng tôi. Ông ngồi vào bàn và thay vì như chúng tôi tưởng ông sẽ chiều ý chúng tôi mà khen ý tốt lành của chúng tôi và cảm ơn về sự mới lạ này, bởi vì đã không tiếc công, nên thử dọn cho ông hết các món liên tiếp. Thế nhưng không có món nào ông có thể dùng được, mặc dầu ông cố gắng tỏ ra hết sức lịch thiệp và thành tâm 13. Đến nỗi chúng tôi đành phải đem lên những món thịt làm theo lối bản xứ. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng cố gắng hết sức. Lúc ấy ông mới ăn ngon lành và hài lòng, còn chúng tôi mới thỏa dạ. Thế nên, về việc ăn uống cũng như về những gì chúng tôi đã nói như về việc đi chân không, bản tính tự nhiên cũng cho quen dần với nếp sống bản xứ, tập cho thành thục và làm rất đúng đến nỗi thức ăn ban đầu trở nên kỳ dị khi dùng trở lại. Điều này chúng tôi đã nghiệm thấy, khi tôi về từ những nước đó: bởi vì tôi không ao ước gì bằng được ăn cơm xứ Đàng Trong mà tôi thấy dễ chịu hơn tất cả những gì ở đây người ta đem cho tôi.
Còn về thầy thuốc và cách chữa các bệnh nhân, tôi phải nói là có rất nhiều, người Bồ cũng như người bản xứ, và người ta thường thấy nhiều bệnh vô danh và các thầy thuốc Châu Au không chữa được thì đã được khám phá và được các lương y bản xứ chữa khỏi một cách dễ dàng. Không ít lần các thầy thuốc người Bồ đã chê một bệnh nhân, coi như xong rồi, thế nhưng bệnh nhân này sẽ được chữa lành một cách dễ dàng nếu gọi được một lương y bản xứ.
Phương pháp của họ là thoạt vào phòng người bệnh, họ ngồi nghỉ một lát gần giường bệnh, để cho dịu cảm xúc khi tới đây. Rồi họ bắt mạch, rất chuyên chú và cẩn thận. Sau đó họ nói ông hay bà mắc chứng gì và nếu là chứng nan y thì họ cũng thành thật cho biết, tôi không có thuốc chữa bệnh này. Nếu họ đoán là bệnh nào và có thể chữa được bằng thứ thuốc nào của họ thì họ cũng cho biết, tôi có cách chữa ông, bà và trong bao lâu, tôi sẽ chữa ông bà khỏi bệnh. Sau đó họ bàn về tiền thù lao cho lương y trong trường hợp khỏi bệnh. Tiền nhiều ít tuỳ theo tính chất và sự nặng nhẹ của bệnh và có lần hai bên có hợp đồng với nhau. Rồi chính lương y bốc thuốc, không cần tới dược sĩ, vì thế họ không có dược sĩ, họ làm lấy và sợ lộ bí mật của các liều thuốc họ cho, vì thê họ hết sức giấu, một phần cũng vì họ không dám tin tưởng vào một người nào khác bốc thuốc theo đơn họ đưa ra. Nếu bệnh nhân phục hồi sức khoẻ trong thời gian đã ấn định khi bàn về giá cả, thường diễn ra như vậy, thì buộc phải trả tiền như hai bên đã thỏa thuận với nhau, nhưng nếu không khỏi thì lương y mất cả công, mất cả thuốc.
Thuốc họ cho bệnh nhân uống thì không như thuốc chúng ta, vừa khó uống lại làm yếu và làm cho bụng ươn lười, nhưng dễ uống như canh 14 và cũng rất bổ, không cần ăn thêm món nào khác. Vì thế họ cho bệnh nhân uống mỗi ngày mấy lần như chúng ta thỉnh thoảng cho uống nước thịt. Các vị thuốc đó không biến đổi cơ thể, nhưng giúp các chức năng hoạt động thông thường, làm khô kiệt những chất hư mà không động tới người bệnh. Có một điều phải tường thuật lại ở đây vào chương này. Số là có một người Bồ ngã bệnh cho mời lương y Châu Âu tới và lương y này sau khi đã chữa chạy ít lâu thì bỏ bệnh nhân coi như chết không trở lại thăm nữa. Người ta liền mời thầy thuốc bản xứ, ông này hứa chữa trong một thời gian, và căn dặn rất nghiêm khắc là trong thời gian ông chữa bệnh, người bệnh phải kiêng đàn bà, nếu không thì cực kỳ nguy hiểm và ông không thấy có thuốc nào trong y khoa có thể cứu thoát cơn nguy hiểm bệnh nhân đang chịu và chỉ cần điều kiện đó thôi. Hai bên thỏa thuận là lương y sẽ chữa khỏi trong vòng ba mươi ngày. Người bệnh uống thuốc theo đơn lương y cho và trong một ít ngày, bệnh nhân đã khỏi, nhưng không chịu nghe theo điều thầy thuốc đã cấm đoán rõ ràng. Thế là lương y đến thăm và bắt mạch thì thấy có sự thay đổi. Ông biết chắc là người bệnh đã không chịu kiêng. Lương y liền cho biết là bệnh nhân phải chuẩn bị chết vì không còn hy vọng gì và không còn thuốc nào cứu chữa được nữa. Nhưng bệnh nhân vẫn phải trả tiền thù lao như đã thỏa thuận bởi vì người bệnh chết nhưng lỗi không phải tại thầy thuốc. Người ta xử việc này và tòa ra lệnh cho bệnh nhân phải trả tiền cho lương y, sau đó người bệnh nhắm mắt lìa đời.
Họ cũng dùng cách chích máu, nhưng họ tiết kiệm máu hơn cách người ta làm ở Châu Au và họ không dùng kim chích thông thường: họ có nhiều lông ngỗng, trong đó có ghép những mảnh sứ nhỏ rất sắc và được dùng như những lưỡi cưa, có cái lớn có cái nhỏ. Và khi phải đâm vào mạch máu thì họ lấy một trong số các lông ngỗng này, lớn nhỏ tuỳ theo nhu cầu và lấy ngón tay ấn nhẹ lên trên, để mở mạch máu, mũi mảnh sứ chỉ đâm đủ theo nhu cầu mà thôi. Nhưng điều kỳ diệu hơn hết là khi đã lấy đủ máu thì họ không cần băng bó, không cần miếng gạc, không cần buộc cột gì cả: họ liếm ngón tay cái cho có nước bọt và ấn trên vết thương, làm cho da khép lại, máu ngừng tức thì và vết thương lành ngay. Được vậy tôi cho là do cách thức họ mở mạch máu với mũi sứ nhọn làm cho sạch máu bít lại và lưu thông dễ dàng.
Không nhiều nhà giải phẫu có nhiều bí quyết kỳ diệu. Tôi không muốn đưa ra chứng cớ nào khác bằng việc họ đã làm cho chính bản thân tôi và một bạn đồng sự của tôi. Tôi ngã từ một nơi cao xuống và bên chỗ có dạ dày va phải một tảng đ&;aacute;, tức thì tôi bắt đầu thổ ra máu và ngực tôi cũng bị đau. Thế rồi người ta cho tôi mấy liều thuốc theo cách bên Châu Âu của chúng ta, nhưng tôi chẳng thấy bớt chút nào. Trong khi đó may có một thầy giải phẫu bản xứ tới, thầy lấy một thứ cỏ nào đó giống như cỏ xổ 15 làm thành một thứ cao và đắp trên dạ dày, rồi cũng sắc những thứ cỏ đó cho tôi uống, lại cho ăn sống nữa và trong mấy ngày tôi hoàn toàn hồi phục. Để thí nghiệm lại, chính tôi đập gãy chân một con gà mái ở nhiều chỗ, sau đó lấy cỏ xổ làm thành cao và đắp trên những vết chân gãy, thế là sau ít ngày nó khỏi hẳn. Một con bọ cạp đã cắn vào cổ một bạn đồng sự của tôi và ở xứ này đây sẽ là vết tử thương. Tức thì cổ sưng vù và khi chúng tôi chuẩn bị làm phép sức dầu thì người ta mời một thầy giải phẫu tới. Thầy cho nấu tức khắc một thứ bột gạo, rồi đắp vào chân người bệnh, lấy vải quấn chung quanh cho hơi và khói nóng không bay đi. Thế là hơi bốc lên tận vết thương và người đồng sự của tôi cảm thấy bớt đau nhức, cổ bớt sưng vù và được khỏe mạnh như thể chưa bao giờ bị đau.
Người ta còn có thể thêm nhiều thí dụ tương tự, nhưng tôi chỉ nói rằng thuốc ở những miền này có hiệu lực hơn thuốc ở đây (Châu Au). Và riêng tôi, tôi có thể thêm rằng tôi đã đem theo tôi cây đại hoàng16 trong một hũ nhỏ, vốn là một thứ thuốc rất tốt. Khi tôi về tới Châu Au sau hai năm hành trình, tôi thấy cây đại hoàng của tôi đã biến chất khiến tôi không nhận ra nữa, nguyên chất mất hết công dụng khi chuyển từ những xứ đó về xứ chúng ta.
Chú thích:
(1) Bản Pháp văn "olivâtres" xám xanh như trái ô liu.
(2) Cách thứ hai: một thứ võng? Cách thứ ba: khó tưởng tượng ra được, một thứ bục. Phải tìm hiểu cách xếp đặt trong nhà vào thế kỷ 17, nhất là miền Nam lúc đó.
(3) Về y phục phụ nữ, cũng khó nhận cho rõ. Trong câu ngạn ngữ thường thấy "Mớ bảy mớ ba", có thể nghĩ như vậy.
(4) Cũng thế, y phục phái nam thời đó trong địa phương đó, như đã nói, có thể có ảnh hưởng người Chàm.
(5) Một trong những điều xin Tòa thánh chuẩn là dâng Thánh lễ đội mũ như cách thức người Trung Hoa, khi tế tự bao giờ cũng đội mũ. Đức Piô V (1504-1572) làm giáo hoàng 1566-1572. Là tu sĩ dòng Đaminh và làm quan toà Inquisition trước khi ngôi toà thánh Phêrô. Ngài thực thi công đồng Trente, ban hành sách Giáo lý công đồng Trente, sửa lại sách Kinh nguyện (1568) và sách Lễ (1570). Được phong hiển thánh năm 1712.
(6) Theo tục người Châu Âu, đi chân không là vô lễ.
(7) Thời đó, bên Châu Au, linh mục ra ngoài đường phố thì khoác thêm một áo choàng. Philipphê Bỉnh có nói tới tục này trong sách "Sổ Sang chép các việc".
(8) Nhận xét rất đúng, người Việt Nam chưa biết đóng giầy như ở Châu Âu.
(9) Giáo sĩ quen nếp sống bản xứ: xem thêm việc ăn cơm.
(10) Theo Borri thì trong khi hội họp đình đám vẫn mỗi người một mâm
(11) Tục lấy phần về
(12) Thường thì lá cây chứ không phải rễ.
(13) Theo lịch sự, thì cho dù mình không thích nhưng cố gắng dùng và khen cái mối thịnh tình của người ta.
(14) Không phải là canh, cũng không hẳn là cháo, nhưng là thứ "potage" bằng nước thịt hay nước các thứ rau nấu chín.
(15) Mercurialle, theo Đỗ Tất Lợi thì có Mercurialis indica Lour (lộc mai) thuộc loại thầu dầu, không biết có phải vậy không?
(16) La rhubarbe. Đỗ Tất Lợi, sd, về cây đại hoàng, tr.468. Ở Pháp người ta làm mút với thân cây này.
Chương 6: Về hành chính và dân chính nơi người Đàng Trong
Tôi sẽ nói vắn tắt đủ để hiểu biết một cách ngắn gọn. Bởi vì nếu tôi trình bày dài dòng quá thì tôi sẽ đi xa ý tôi đã định cho tôi trong bản tường trình này. Nói chung thì việc hành chính có cái gì giống như ở Nhật và ở Tàu. Thế nhưng, người Nhật trọng nhiều về võ thuật hơn về học thuật. Trái lại người Tàu trọng nhiều về học thuật và coi thường võ thuật. Người Đàng Trong không hoàn toàn xa người Nhật và lại cũng gần người Tàu, nghĩa là ở giữa và cũng theo tinh thần của dân tộc mình, vừa trọng võ vừa chuộng văn tuỳ theo cơ hội. Do đó họ thưởng và đặt lên các chức vụ và cấp bậc trong nước, khi thì là các tiến sĩ, lúc thì là các tướng sĩ, họ chỉ định và cắt đặt lúc thì người này khi thì người kia tuỳ theo nhu cầu.
Xứ Đàng Trong có nhiều trường đại học1 trong đó các giảng viên và các cấp bậc được cất nhắc lên theo lối khoa cử, cũng như ở Tàu. Họ cũng dạy các khoa, dùng những sách và tác giả như nhau, như Khổng Tử theo kiểu nói của người Bồ. Ông là một tác giả uyên thâm, với giáo thuyết sâu sắc và có uy tín nơi họ, cũng như nơi chúng ta, chúng ta có Aristote2. Và thực ra ông kỳ cựu hơn. Sách của ông chứa đầy lý lẽ bác học, nhiều chuyện lạ, nhiều châm ngôn sâu sắc, nhiều tục ngữ và nhiều sự tương tự, tất cả đều bàn về thuần phong mỹ tục, như chúng ta có Seneca, Caton, và Ciceron 3. Phải mất nhiều năm học mới có thể đọc được các câu, các chữ, và các hình để viết. Cuốn sách họ chuộng hơn cả và họ quý trọng hơn cả là cuốn bàn về triết học luân lý gồm có đạo đức học, kinh tế học và chính trị học. Thật là thích thú khi thấy và nghe họ học trong lớp, họ đọc và lớn tiếng xướng bài như thể ca hát. Họ phải làm thế để cho quen và tập cho mỗi lời một cung giọng riêng của nó, vì có rất nhiều, mỗi lời chỉ nhiều việc, tất cả đều khác nhau. Vì thế, để đàm thoại với họ thì cần phải biết những lý thuyết về âm nhạc và phép đối âm.
Tiếng nói thông thường thì khác với chữ viết họ dạy và họ đọc khi học và viết. Cũng như ở nơi chúng ta tiếng bình dân chung cho tất cả thì khác, còn tiếng Latinh chỉ dạy trong trường thì khác 4. Đây là điểm khác với Trung Hoa, văn nhân hay quý phái cũng chỉ có một thứ tiếng nói gọi là quan thoại, nghĩa là tiếng các tiến sĩ, quan tòa và quan cai trị. Còn chữ viết như chữ in trong sách thì có tới tám mươi ngàn chữ tất cả đều khác nhau. Vì thế các cha dòng Tên phải mất tám và có khi mười năm để học những sách ấy trước khi trở nên tinh thông và có thể đối đáp giao thiệp với họ. Nhưng người Đàng Trong đã rút bớt rất nhiều, chỉ còn giữ lại chừng ba ngàn chữ họ thường dùng để viết văn bài, thư tín, đơn từ, ký sự và những sự khác không liên quan tới sách in, thiết yếu phải soạn bằng chữ Hán. Người Nhật còn tài giỏi hơn, mặc dầu về sách viết và sách in, họ gắng theo người Tàu, nhưng về các việc thường thức họ đã sáng chế ra bốn mươi tám chữ phối hợp với nhau để diễn đạt và trình bày tất cả những gì họ muốn, không hơn không kém gì những vần a, b, c của chúng ta.
Nhưng mặc dầu có thứ chữ này, chữ Hán vẫn rất thông dụng ở Nhật. Bốn mươi tám chữ này tuy tiện lợn hơn để diễn đạt tư tưởng, nhưng không được trọng bằng, đến nỗi người ta khinh chê coi như chữ của đàn bà.
Việc phát minh tốt đẹp và tài tình về ngành in đã được thực hiện ở Trung Hoa và Đàng Trong trước khi được biết đến ở Châu Âu, mặc dầu chưa được hoàn bị. Họ không xếp chữ nhưng dùng cái đục hay dao mà khắc hay đục trên một tấm gỗ những hình thái chữ mà họ muốn in trên sách. Rồi họ trải giấy trên bàn gỗ đã khắc đã gọt và cho vào ép cũng như cách chúng ta làm ở Châu Au khi người ta in trên phiến đồng hay tương tự.
Ngoài những sách chúng tôi đã nói là những luận thuyết về luân lý, họ còn có những sách khác, như họ nói, giảng về những sự thần linh như về việc sáng tạo và khởi thuỷ vũ trụ, về linh hồn, về ma quỷ thần thánh và nhiều giáo phái khác, những sách này gọi là sách kinh khác với những sách đời gọi là sách chữ 5. Chúng tôi sẽ nói về lý thuyết các đạo chúa đựng trong những sách đó ở phần thứ hai bản tường trình này, như vậy đúng chỗ của nó hơn.
Mặc dầu ngôn ngữ của người Đàng Trong cũng giống ngôn ngữ người Trung Hoa, vì cũng như người Trung Hoa, họ chỉ dùng những từ có một vần nhưng đọc và xướng lên với nhiều cung và giọng khác nhau, nhưng có sự khác biệt vì tiếng Đàng Trong phong phú hơn và dồi dào hơn về nguyên âm, vì thế dịu dàng và êm ái hơn. Họ có tài sành âm nhạc và có khả năng phân biệt các cung giọng và các dấu khác nhau 6.
Tiếng Đàng Trong, theo tôi, là một tiếng dễ hơn các tiếng bởi vì không có chia động từ, không có biến cách các danh từ 7 nhưng chỉ có một tiếng hay lời nói rồi thêm vào một phó từ hay đại từ để biết về thời quá khứ, hiện tại hay tương lai, về số ít hay số nhiều. Tóm lại là thay thế cho tất cả những biến cách và tất cả những thì, tất cả những ngôi cũng như những sự khác liên quan tới số và biến cách. Thí dụ động từ avoir trong ngôn ngữ Đàng Trong có nghĩa là có, từ này không thay đổi gì. Người ta thêm một đại từ vào là người ta có thể thay đổi cách sử dụng và như thế chúng tôi chia động từ này như sau: tôi có, anh có, nó có 8. Họ chỉ cần một đại từ mà không trực tiếp thay đổi động từ. Cũng vậy, để chỉ các thì khác nhau thì họ nói, về thì hiện tại: tôi bây giờ có, về thì quá khứ: tôi đã có; về thì vị lai: tôi hoặc sau hoặc sẽ có. Ở cả hai thí dụ trên, từ có không bao giờ thay đổi 9. Do đó người ta dễ thấy là ngôn ngữ này rất dễ học, và thực ra trong sáu tháng chuyên cần, tôi đã học được đủ để có thể nói chuyện với họ và giải tội được nữa, tuy chưa được tinh thông lắm, vì thực ra muốn cho thật thành thạo thì phải học bốn năm trọn 10.
Nhưng để bắt đầu lại câu chuyện chính của tôi, tôi đã nói rằng người Đàng Trong không những chỉ trọng các văn nhân, tán thưởng trình độ học vấn uyên thâm của họ, nâng họ lên những chức vụ cao và có thế giá, phát cho họ lương bổng hậu hĩ, mà còn rất quý trọng những người can tràng, có giá trị và giỏi giang về võ bị. Nhưng họ cai trị và khác chúng ta, họ không có tục lệ làm như ở Châu Âu chúng ta. Bởi vì đáng lý ra họ ban phát cho các tướng lãnh có tài có công, như người ta thường làm nơi chúng ta, một lãnh thổ, một bá tước địa, một thái ấp hầu tước để thưởng công, thì họ lại thưởng bằng cách đặt dưới quyền người họ thưởng một số nhân đinh và một số nhân khẩu và lính hầu nhất định của chính nhà vua 11. Những người này ở bất cứ nơi nào trong nước đều phải nhận người được thưởng là chủ, phải phục dịch bằng binh khí, trong tất cả mọi trường hợp người này cần tới, nộp tất cả các khoản thuế mà cho người này như trước đó họ nộp cho chính nhà vua vậy. Vì thế, thay vì chúng ta nói người này là chúa cai quản một địa điểm nào, là bá tước hay vương hầu cai trị một lãnh thổ nào thì họ lại nói người này là một nhân vật có năm trăm đinh, người kia có một ngàn đinh, chúa cứ tăng số đinh cho người này, người khác một ngàn, hai ngàn là tăng thêm quyền, thêm thế giá, thêm nguồn lợi và tăng thêm của cải cho họ khi cho họ thêm lính hầu mới. Về các cuộc chiến tranh của họ, tôi sẽ nói ở chương sau. Còn ở đây, tôi phải nói về một việc đáng được biết, có liên quan tới dân chính. Thứ nhất họ xét xử các sự việc rất nhanh chóng, như người ta thường làm trong quân đội và như người ta thường nói "trong thời chiến" (more belli), chứ không kéo dài nơi tòa án qua đường lối các quan tòa, các công chứng viên, các biện lý với tất cả tờ bồi, thủ tục. Các vị khâm sai và các quan trấn thủ các tỉnh làm hết các chức vụ đó. Các ông ngồi tòa mỗi ngày bốn giờ liền, trong một cái sân đẹp và rộng, ngay giữa tư dinh của mình, hai giờ buổi sáng và hai giờ buổi chiều. Những ai tranh tụng thì tới đó, trình bày khiếu nại và tố tụng. Vị khâm sai hay quan trấn thủ tự vào cửa sổ mà nghe người này người kia lần lượt trình bày, kêu cả. Thường thì các quan này là những người có óc phán đoán ngay thẳng, biết nghe và có kinh nghiệm trong các vụ tố tụng. Các ngài tra hỏi hai bên một cách xác đáng, nhất là để ý tới ý kiến của người phụ tá. Rồi hội ý với nhau, chấp nhận cho bên nguyên hay bên bị, nên họ dễ dàng nhận ra sự thực của vụ việc và tức thì không trì hoãn, họ lên tiếng công bố án xử và người ta tức khắc cho thi hành không khiếu nại hay hình thức tố tụng nào khác nữa, hoặc là án tử hình hoặc là án phát vãng hay phạt trượng, phạt tiền: các ngài lên án phạt tội mỗi người theo hình phạt luật định.
Các trọng tội thông thường phải thú nhận và bị phạt nặng thì rất nhiều. Nhưng người ta trừng phạt nghiêm khắc nhất những kẻ gian dối, trộm cướp và ngoại tình. Khi hạng thứ nhất thú nhận là đã vu cáo một người về một trọng tội mà người đó không phạm thì sẽ bị phát rất ngặt, nghĩa là chịu hình phạt đáng lý ra người kia phải chịu nếu thực sự đã phạm cái tội người ta tố cáo. Nếu trọng tội người ta cáo gian đáng phải tử hình thì người cáo gian này sẽ phải xử tử. Và thực tế cho thấy cách xử này là cách tốt nhất để biết đích xác sự thực. Còn kẻ trộm cướp thì bị phạt chiếu theo của ăn trộm, ăn cướp, nếu chúng lấy một của gì quan trọng thì phải chém đầu, nếu là của không đáng giá bao nhiêu, thí dụ một con gà, thì bị chặt ngón tay nếu là lần thứ nhất, nếu còn tái phạm thì bị chặt ngón khác, nếu bị bắt lần thứ ba thì bị cắt tai, lần thứ tư thì bị cắt cổ.
Kẻ ngoại tình, phái nam cũng như phái nữ bất kể, sẽ bị trừng phạt về trọng tội của họ bằng cách để cho voi giày theo cách thức như sau. Người ta dẫn phạm nhân ra khỏi thành tới một thửa ruộng và trước mặt rất đông người đến coi, người ta đặt thủ phạm ở giữa, tay chân bị trói, ở ngay cạnh con voi. Rồi người ta tuyên án phạt kẻ sắp bị xử và thi hành án xử theo từng điểm một. Trước hết voi dùng vòi quấn, rồi nắm và ép chặt tội nhân và nâng tội nhân lên cao, đưa ra cho mọi người trông thấy, rồi tung lên cao và đón tội nhân rớt xuống trúng ngà. Tội nhân từ cao rớt xuống và vì nặng nên cắm sâu vào ngà, tức thì voi hất người đó xuống đất rồi dẫm chân lên và đạp cho tan nát. Voi làm việc này mà không bỏ sót một điểm nào làm cho mọi người có mặt sửng sốt và sợ hãi. Vì chứng kiến hình phạt kẻ khác chịu mà mọi người phải giữ trung thành trong đạo vợ chồng.
Không phải ngoài đề vì chúng tôi vừa nhắc tới hôn nhân, nếu chúng tôi kể qua ở đây mấy đặc điểm riêng biệt để kết thúc chương này. Không bao giờ thấy người Đàng Trong, tuy còn là lương dân, lại kết hôn trong những bậc bị luật Thiên Chúa và luật tự nhiên cấm đoán, rất ít trong bậc thứ nhất thuộc hàng ngang giữa anh chị em họ 12. Những cấp bậc khác được phép thì ai cũng được, miễn là chỉ có một vợ. Thực ra, những người giàu có, càng có thế giá và có của thì họ có tục lấy nhiều vợ mọn. Họ còn cho là biển lận và keo kiệt nhựng ai không cưới nhiều vợ khi mình có đủ tiền của để dễ dàng làm việc này. Những vợ mọn được gọi bà hai, bà ba, bà tư tuỳ theo thứ tự mỗi người. Tất cả đều là nàng hầu của bà vợ cả. Bà này được trọng nể là vợ đích thực, vợ chính thức. Chính bà vợ này chọn các nàng hầu tuỳ theo ý mình và cưới về cho chồng. Hôn nhân của họ không bền chặt vì luật xứ Đàng Trong cho phép li dị, tuy không phải chỉ để tuỳ ý và tùy thích của bên này hay bên kia. Để ly dị, điều cần thiết phải làm trước tiên là chứng tỏ được tại sao mình xin ly dị, vì có nhiều tội nặng tỏ tường, nếu có tội thật thì được xin ly dị và lấy người khác. Vì chồng quản lý tài sản của vợ nên họ cũng bỏ nhà mình đến ở nhà vợ mới. Họ được vợ nuôi, vợ lo cho hết các việc trong nhà, còn chồng ở trong gia đình chẳng làm gì, không vất vả gì và nếu chỉ có một vài đồng thi họ cũng bằng lòng vì được mọi sự cần dùng về ăn uống và ăn mặc.
Chú thích:
(1) Nhưng thực ra có hoàn toàn như Borri nói không? Ở Đàng Trong, nhà Nguyễn cũng bắt chước Đàng Ngoài mở các khoa thi.
(2) Aristote nhà triết học thời danh Hy Lạp thế kỷ 4 tr.c.n.
(3) Các văn sĩ Latinh, Roma; Seneca thế kỷ 1 s.c.n, Caton thế kỷ 3-2 tr.c.n, Ciceron nhà hùng biện đại tài thế kỷ 1 tr.c.n.
(4) Thời đó người ta còn dùng Latinh để giảng dạy ở các trường đại học, còn tiếng mẹ đẻ thì mới manh nha.
(5) Kinh là kinh điển như Tứ thư, Ngũ kinh, còn sách là sách viết thông dụng không thuộc kinh điển.
(6) Hoa ngữ có năm thanh, còn Việt ngữ có sáu thanh.
(7) Chia động từ: conjugaison, biến cách: déclina son, trong La ngữ.
(8) Động từ tiếng Pháp avoir (có) j'ai (tôi có), tu as (anh có), il a (nó có), nous avons (chúng tôi có), vous avez (các anh có), ils ont (chúng nó có).
(9) Một động từ avoir có thể thay đổi hình dạng rất nhiều tuỳ theo khi nói về hiện tại, quá khứ, tương lai, nghi vấn, truyền khiến v.v…
(10) Borri thú nhận, tuy biết tiếng Việt, nhưng chưa đủ để giảng dạy giáo lý cho chu đáo.
(11) Ở Châu Âu nhà vua ban bổng lộc cho công hầu bá tước bằng đất đai thuộc quyền sở hữu của họ và họ có thể truyền lại cho con cháu. Ở Việt Nam, họ chỉ được lợi tức, nghĩa là thay mặt vua thu thuế các hộ, hoặc một trăm hoặc một nghìn hay hơn nữa. Họ không có quyền để lại cho con cháu, nhà vua vẫn giữ quyền sở hữu.
(12) Thường gọi là anh em thúc bá.
Chương 7: Lực lượng của chúa Đàng Trong
Như đã nói ở đầu bản ký sự này là Đàng Trong trước kia là một tỉnh tách rời khỏi xứ Đàng Ngoài. Cụ cố 1 của chúa đương thời đã vô cớ chiếm đoạt, lập nhà nước và phản nghịch cùng chúa Đàng Ngoài. Rồi họ trở nên
mạnh dạn hơn khi được cung cấp trong một thời gian rất ngắn, nhiều thứ súng lớn tịch thu và lượm nhặt được do tàu và thuyền chiến bị đắm trôi dạt vào bờ biển: thực ra tàu người Bồ cũng như người Hòa Lan 2 thường đâm vào cồn đá và người bản xứ vớt được như ngày nay có thấy.
Nguyên trong phủ chúa cũng có tới sáu mươi cỗ và có những cỗ rất lớn. Ngừơi Đàng Trong tinh xảo và có kinh nghiệm sử dụng, họ vượt cả người Châu Âu đến nỗi họ chẳng làm gì khác mà chỉ ngày ngày bắn đạn giả và rất lấy làm hãnh diện. Vì thế họ tự cho là có thế lực đến nỗi vừa thấy những chiếc tàu của Châu Au chúng ta cập bến của họ thì liền bắn súng để thách thức, nhưng người của chúng ta biết rằng súng của họ chẳng địch lại được súng của chúng ta, nên người của chúng ta hết sức tránh né tầm bắn. Người của chúng ta biết rằng theo kinh nghiệm, ta có thể chắc chắn bắn vào chỗ nào ta muốn với súng của mình, còn họ với súng hỏa mai là một thứ gậy thì không nhằm bắn trúng được. Điều giúp chúa rất đắc lực trong cuộc dấy binh chống chúa Đàng Ngoài, đó là ngài có một trăm thuyền chiến và hơn nữa, chúa rất mạnh về đường biển, như đã mạnh về đường bộ vì có súng ống. Thế là chúa dễ dàng thi hành ý đồ và âm mưu chống chúa Đàng Ngoài là chủ mình. Việc họ buôn bán thường xuyên với người Nhật đã đem lại cho chúa rất nhiều đao hay gươm đao theo kiểu Nhật Bản, với nước thép rất tốt. Trong nước còn có rất nhiều ngựa, tuy thấp bé hơn, nhưng rất tốt và rất can đảm, dùng để cưỡi và bắn nỏ, hằng ngày không ngớt thao luyện. Thế lực của chúa rất mạnh đến nỗi khi ngài muốn, ngài có thể cho tuyển ngay được tám mươi ngàn quân binh chiến đấu. Với tất cả lực lượng này ngài vẫn còn sợ chúa Đàng Ngoài vốn có lực lượng lớn hơn gấp bốn lần. Vì thế, để có sự thỏa hiệp và giao hảo tốt thì chúa nhận triều cống về những gì vương quốc của ngài có thể có cho xứ Đàng Ngoài, nhất là vàng, bạc, lúa gạo, cung cấp ván và gỗ để đóng thuyền chiến.
Về binh pháp và cách cai trị trong chinh chiến thì cũng gần như ở Châu Âu. Họ cũng giữ các luật lệ để huấn luyện binh lực, đánh du kích, tấn công và rút quân.
Ngoài ra chúa còn chuẩn bị vũ khí liên tục và mộ binh giúp vua Campuchia, cung cấp cho vua này thuyền chiến và quân binh để cầm cự với vua Xiêm. Vì thế mà vũ khí của Đàng Trong đã lừng danh và nổi tiếng khắp các nơi qua đường biển cũng như đường bộ.
Ngoài biển họ chiến đấu trên thuyền như đã nói, mỗi thuyền có súng đại bác và nhiều súng musqueton. Và người ta sẽ không lấy làm lạ khi biết chúa Đàng Trong luôn luôn có tới một trăm thuyền chiến có đủ súng ống và nghiêm chỉnh nghênh chiến khi người ta biết những thứ này đuợc thành lập như thế nào.
Cần phải biết rằng người Đàng Trong không có lệ dùng những phạm nhân hay người bị án khổ sai để chèo thuyền 3. Khi họ cần người để chiến đấu trên biển hay để làm một việc gì đó thì tức khắc họ có thể tuyển mộ ngay được đủ số theo cách thứ sau đây: Họ ngấm ngầm phái đội trưởng và uỷ viên lúc không ai ngờ rảo khắp xứ đem lệnh chúa bắt ngay lập tức tất cả những trai tráng có sức cầm tay chèo và dẫn cả tới thuyền, không đếm xỉa tới con nhà sang hay người có thế giá, bởi vì không ai được miễn. Việc này thực ra không khó khăn gì như lúc đầu người ta tưởng, vì thứ nhất họ được đối xử tốt trong thuyền cũng như bất cứ nơi nào khác và được trả lương cao. Hơn nữa, vợ con họ và cả gia quyến họ đều được chúa cung cấp hết tất cả những gì họ cần, tuỳ theo cấp bậc, thanh thế, trong suốt thời gian chồng họ vắng nhà. Và những người này không phải chỉ được dùng để chèo mà còn chiến đấu khi cần và họ chiến đấu rất anh dũng. Để làm việc này, người ta trao cho mỗi người một súng hỏa mai hay musqueton với đạn, dao hay mã tấu. Người Đàng Trong không giả đò, họ rất hăng hái và dũng cảm, với mái chèo, súng và dao, họ can đảm tấn công và trong hỗn chiến, họ tỏ rõ lòng dũng cảm hiếm có của họ. Thuyền chiến của họ không lớn cũng không đặc biệt rộng như của ta, nhưng rất lẹ và được trang trí vàng bạc trông rất ngoạn mục. Đặc biệt mũi thuyền vốn được coi là chỗ trọng vọng nhất thì toàn bằng vàng. Đó là chỗ của thuyền trưởng và của những người có chức vị cao, và lý do là vì người thuyền trưởng luôn luôn phải là người đầu tiên xuất trận, thế cho nên rất hợp lý, vì mục đích đó mà ông đứng ở đằng đầu và ở chỗ nguy hiểm nhất trong chiếc thuyền.
Trong số những vũ khí tự vệ dùng trong trận chiến thì có những chiếc khiên nhỏ hình bầu dục, hoàn toàn rỗng, cao, có thể dễ dàng chắn cả thân người và rất nhẹ, dễ cầm và không hề vướng víu bận bịu chút nào. Cũng rất có ích cho việc bảo vệ thành trì ở xứ này, đó là cách thức họ dựng nhà chỉ toàn bằng ván và trên cột gỗ như chúng tôi đã nói. Nếu quân địch hùng mạnh kéo tới và họ không muốn chống cự, lúc đó mỗi người đem theo nồi niêu bát đũa và trốn lên núi, sau khi châm lửa đốt nhà và chỉ để lại không gì khác ngoài đống tro tàn. Quân địch không thể tìm ra được thứ gì để ăn và sinh sống nên họ phải rút quân về, và họ trở về dựng lại những căn nhà khác trong một thời gian rất ngắn và khôi phục lại thành phố như trước.
Chú thích:
(1) Ông cố, chỉ Nguyễn Kim.
(2) Coi Pierre Yves Manguin, Les Portugais sur les côtes du Viet Nam de du Campa EFEO, 1972. Tác giả chứng minh cụ thể là vào thế kỷ 16-17 thương gia người Bồ, Hà Lan thường đi dọc bờ biển Đàng Trong, rồi chiếu thẳng đi Macao hay Nhật Bản, ít khi lên tới Đàng Ngoài. Vì thế trong một thời gian, chưa ai để ý tới xứ Bắc.
(3) Bên Châu Âu người ta dùng tù binh khổ sai để chèo thuyền, vì thế nói đến galères là nói hình khổ nhục nhã, trái với Việt Nam, chèo thuyền chiến là việc của quân binh thiện nghệ.
Chương 8: Về thương mại và hải cảng ở xứ Đàng Trong
Xứ Đàng Trong có rất nhiều thứ thuận lợi cho sinh hoạt con người như chúng tôi đã nói trước đây. Vì thế mà dân xứ này không ưa và không có khuynh hướng đi đến các nơi khác để buôn bán, cũng như không bao giờ ra khơi quá xa đến độ không còn trông thấy bờ biển và lãnh thổ của tổ quốc yêu quý của họ 1, mặc dầu họ dễ dàng cho người ngoại quốc vào hải cảng của họ và họ thích thú thấy người ta tới buôn bán trong lãnh thổ của họ, không những từ những nước và tỉnh lân cận mà từ cả những xứ rất xa. Về vấn đề này, họ không cần phải dùng những mánh lới gì lớn, người ngoại quốc đủ bị quyến rũ bởi đất đai phì nhiêu và thèm muốn những của cải tràn đầy trong xứ họ. Không những người xứ Đàng Ngoài, xứ Campuchia và Phúc Kiến và mấy xứ lân cận đến buôn bán, mà mỗi ngày người ta còn thấy các thương gia đến từ những miền đất xa xôi như Trung Quốc, Macao, Nhật Bản, Manila và Malacca. Tất cả đều đem bạc tới xứ Đàng Trong để đem hàng hóa xứ này về. Thực ra không phải là mua hàng hóa mà là trao đổi với cùng một thứ bạc kể như hàng hóa, lúc cao lúc hạ tuỳ theo có nhiều hay có ít bạc, tuỳ theo có nhiều hay ít tơ lụa và những mặt hàng khác.
Tiền dùng để mua mọi thứ là thứ tiền bằng đồng và tất cả đều có giá trị bằng gần một đồng "double" và năm xu của đồng này thì bằng một "êcu". Đồng tiền này rất tròn, có khắc con dấu và biểu hiệu nhà vua. Mỗi đồng đều có lỗ ở giữa để xâu thành từng nghìn đồng, mỗi chuỗi hay mỗi dây giá bằng hai "êcu".
Người Tàu và người Nhật là những người làm thương mại chính yếu ở xứ Đàng Trong tại một chợ phiên họp hàng năm ở một hải cảng và kéo dài tới chừng bốn tháng. Người Nhật chở trên thuyền của họ giá trị bằng bốn hay năm triệu bạc, còn người Tàu chở trong tàu họ gọi là "somes" 2, rất nhiều thứ lụa mịn và nhiều hàng hóa khác của xứ họ. Chúa thu được lợi nhuận lớn trong việc buôn bán này bằng thuế hàng hóa và thuế hải khẩu ngài đặt ra và cả nước đều kiểm tra được rất nhiều mối lợi không thể tả hết. Vì người Đàng Trong không có đồ kỹ nghệ và thủ công nào, không biết kỹ thuật cơ giới, vì đất đai phì nhiêu và thổ sản dồi dào nên họ ăn không ngồi rồi, và mặt khác họ dễ dàng chuộc những của lạ từ các nơi khác đưa tới, nên họ rất hám và chạy theo mua cho bằng được với bất cứ giá nào. Họ không biết tiết kiệm tiền khi sắm những thứ thực ra chẳng đáng giá bao nhiêu, tỉ như bàn chải, kim khâu, vòng tay, hoa tai bằng thuỷ tinh và những hàng lặt vặt. Tôi nhớ có một người Bồ đem từ Macao tới Đàng Trong một lọ đầy kim khâu, tất cả chỉ giá hơn ba mươi "ducat", nhưng đã được lời tới hơn một ngàn, vì ông ta bán mỗi chiếc một đồng "rêal" ở xứ Đàng Trong, trong khi ở Macao ông ta mua không tới một "double". Sau cùng họ tranh nhau mua tất cả những gì họ thấy miễn đó là đồ mới lạ và từ xa tới, họ tiêu tiền một cách dễ dàng. Họ ham chuộng tất cả các mặt hàng mũ nón, mũ bonnet, thắt lưng, áo sơ mi và tất cả các loại áo của chúng ta vì rất khác các đồ vật của họ. Nhưng họ thích san hô nhất.
Còn về hải cảng thì thật là lạ lùng, chỉ trong khoảng hơn một trăm dặm một chút mà người ta đếm được hơn sáu mươi cảng, tất cả đều rất thuận tiện để cập bến và lên đất liền. Là vì ở ven bờ có rất nhiều nhánh biển lớn. Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam 3. Người ta cập bến bằng hai cửa biển: một gọi là Turon (Đà Nẵng) và một gọi là Pulluciambello (Hội An). Các cửa biển cách nhau chừng ba hay bốn dặm, kế đó biển chia thành hai nhánh đi sâu vào đất liền chừng bảy hay tám dặm, làm thành như hai co sông luôn tách rời nhau để rồi cuối cùng gặp nhau và đổ vào một con sông lớn. Tàu bè từ hai phía tới cũng đi vào con sông này4.
Chúa Đàng Trong xưa kia cho người Nhật, người Tàu chọn một địa điểm và nơi thuận tiện để lập một thành phố cho tiện việc buôn bán như chúng tôi đã nói. Thành phố này gọi là Faifo (Hội An), một thành phố lớn đến độ người ta có thể nói được là có hai thành phố, một phố người Tàu và một phố người Nhật. Mỗi phố có khu vực riêng, có quan cai trị riêng, và sống theo tập tục riêng. Người Tàu có luật lệ và phong tục của người Tàu và người Nhật cũng vậy.
Hơn nữa, chúa Đàng Trong không đóng cửa trước một quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa cho tất cả người ngoại quốc, người Hà Lan cũng tới như những người khác, cùng với tàu chở rất nhiều hàng hóa của họ. Vì thế người Bồ ở Macao mới có ý định sai một sứ giả tới chúa để nhân danh mọi người khẩn khoản chúa trục xuất người Hà Lan là địch thù của họ. Để làm việc này, họ dùng một thuyền trưởng tên là Ferdinand de Costa. Ông này đã thành công, dĩ nhiên với nhiều khó khăn. Ông đã làm cho chúa ra sắc lệnh cấm người Hà Lan tới gần lãnh thổ ngài, nếu không nghe thì nguy tới tính mạng. Nhưng vì người Bồ ở Macao sợ sắc lệnh đó không được tuân thủ nghiêm chỉnh, nên họ lại sai một phái đoàn mới tới Đàng Trong, để nắm chắc lệnh cấm đó. Họ cũng căn dặn đoàn đại biểu phải làm cho chúa hiểu là, vì ích lợi của ngài và nếu ngài không cẩn thận thì e rằng, với thời gian người Hà Lan vốn rất khéo léo và rất quỷ quyệt, sẽ dám xâm chiếm một phần xứ Đàng Trong như chúng đã làm ở mấy nơi trong nước Ấn Độ. Nhưng có mấy người am hiểu tình hình xứ này bàn là không nên nói thế với chúa, nhưng cách thế đích thực phải dùng là cho phép người Hà Lan tới buôn bán trong xứ và mời cả nước Hà Lan tới nữa. Phương châm của người Đàng Trong là không bao giờ tỏ ra sợ một nước nào trên thế giới. Thật là hoàn toàn trái ngược với vua Trung Hoa, ông này sợ tất cả, đóng cửa không cho người ngoại quốc vào và không cho phép buôn bán trong nước ông. Các sứ giả phải nại nhiều lý do mới được như ý sở cầu.
Chúa Đàng Trong tỏ ra thích để cho người Bồ đến buôn bán ở nước ngài một cách lạ lùng. Và đã mấy lần ngài cho họ ba hay bốn địa điểm ở nơi phì nhiêu nhất và phong phú nhất trong vùng hải cảng Đà Nẵng, để họ xây cất một thành phố, với tất cả những gì cần thiết, cũng như người Tàu và người Nhật đã làm. Và tôi mạn phép nói lên cảm tưởng về việc này với hoàng đế công giáo 5, tôi xin nói rằng ngài nên ra lệnh cho người Bồ nhận lời đề nghị rất lịch thiệp chúa Đàng Trong đã đưa ra và sớm xây cất ở đó một thành phố tốt đẹp, làm nơi an toàn và cư trú, lại dùng để nhanh chóng bảo vệ hết các thuyền tàu đi Trung Quốc. Cũng có thể giữ một hạm đội sẵn sàng chống lại người Hà Lan. Họ đi Tàu hay đi Nhật, dù muốn dù không, họ bó buộc phải qua giữa eo biển nằm trong bờ biển xứ này thuộc về các hoàng tử trấn thủ Phú Yên và Quy Nhơn với những quần đảo Chàm.
Đó là một ít điều tôi tưởng là nên tường thuật một cách chính xác về tình hình vật chất ở xứ Đàng Trong, theo sự hiểu biết của tôi, trong thời gian mấy năm tôi ở đó 6 như sẽ biết nhiều hơn trong phần thứ hai của bản tường trình này.
Chú thích:
(1) Trong Lịch sử Đàng Ngoài, De Rhodes nói rõ hơn tại sao người Việt Nam không thành thạo ngành hàng hải, mặc dầu có nhiều bờ biển và nhiều hải cảng tốt, xem sd. ch.16, phần 1.
(2) Thuyền mành hay thuyền tam bản?
(3) Hội An
(4) Hội An ở phía bắc sông Thu Bồn, gần cửa sông Cửa Đại. Hàng từ sông Thu Bồn, sông Vĩnh Điện, sông Trường Giang chuyển đến cũng dễ dàng.
(5) Các vua Bồ, Tây, Pháp thời đó thường xưng mình là các vua hay hoàng đế công giáo (les rois catholiques).
(6) Tức từ 1618 tới 1622
Chương 9
Cha Buzomi, cha De Pina và tôi, chúng tôi bỏ Hội An để đi Quy Nhơn theo quan trấn thủ của tỉnh đó. Suốt cuộc hành trình, ông đối đãi với chúng tôi rất lịch sự và tỏ ra hết sức tử tế. Ông luôn luôn để chúng tôi ở cùng nhà với ông và đối xử với chúng tôi một cách rất đặc biệt. Thực ra chúng tôi chẳng có thế giá gì về mặt con người bắt buộc ông phải xử như thế.
Ông dành một chiếc thuyền để phục dịch riêng cho một mình chúng tôi và các người thông ngôn, không muốn cho chúng tôi để đồ đạc ở đó, vì đã có một thuyền khác dành riêng cho việc này. Chúng tôi trẩy đi suốt mười hai ngày với đầy đủ tiện nghi, sáng chiều đậu bến 1. Thường thì các hải cảng đều ở cạnh các thành phố đẹp nhất thuộc tỉnh Quảng Nghĩa. Nơi đây ông có quyền như ở Quy Nhơn, mọi người đều ra đón, chúc mừng và tỏ lòng quy phục ông với rất nhiều lễ vật quý và chúng tôi cũng là những người thứ nhất được dự phần, do lệnh quan trấn thủ vì ông muốn thế. Mọi người đều lấy làm lạ khi thấy chúng tôi được trọng đãi và vì thế người ta quý mến chúng tôi, có thịnh tình với chúng tôi. Và đó cũng chính là điều quan trấn thủ muốn, ông cũng nghe theo lời chúng tôi thỉnh cầu trong rất nhiều trường hợp phải xử trị một trọng tội nào đó. Chúng tôi chưa kịp mở miệng xin ân xá thì ông đã bằng lòng ban ngay rồi. Do đó chúng tôi được nổi tiếng, có thế giá không kém quan trấn thủ. Thấy chúng tôi có lòng bác ái và thương xót hết mọi người nên mọi người đều quý mến và tìm đến chúng tôi.
Ngoài ra ông muốn trong suốt cuộc hành trình người ta đối xử với chúng tôi như thể chúng tôi là những quan lớn, tới đâu ông cũng cho tổ chức trò chơi và hội hè cho dân chúng, khi thì cho đấu chiến thuyền, lúc thì cho đua thuyền, đặt giải thưởng cho thuyền nào thắng cuộc. Không ngày nào ông không thân chinh sang thuyền chúng tôi. Ông rất thích trao đổi với chúng tôi, nhất là khi chúng tôi nói về sự cứu rỗi đời đời và về đức tin đạo thánh của chúng tôi. Cứ thế, rồi chúng tôi tới tỉnh Quy Nhơn. Nhưng chúng tôi còn phải đi mấy ngày đường nữa mới về được tới dinh quan trấn thủ. Ông muốn cho chúng tôi đi đường bộ để được thoải mái và vui thú. Thế là ông truyền đưa bảy cỗ voi tới, tất cả đều đã sẵn sàng. Ông còn muốn dành cho chúng tôi cái danh dự đặc biệt là mỗi người chúng tôi có riêng một cỗ voi, kèm theo một trăm người, một phần đi bộ, một phần đi ngựa. Vì cuộc hành trình này chỉ là để tiêu khiển, nên chúng tôi đi mất tám ngày, tới đâu cũng được tiếp đón và đối xử như một ông hoàng, nhất là ở nhà một bà chị của ông, người ta tiếp chúng tôi rất long trọng trong một bữa tiệc rất linh đình. Không những vì có rất nhiều món khác nhau, mà còn vì có nhiều cách nấu nướng đặc biệt và nhiều thứ thịt thà, dọn theo bếp Châu Au 2 của chúng tôi, mặc dầu cả quan trấn thủ, cả mọi người trong nhà đều không dùng được.
Rồi sau cùng, chúng tôi tới tư dinh. Sau tất cả những cuộc vui và cỗ bàn trong cuộc hành trình, chúng tôi được tiếp đón một cách rất trịnh trọng và đặc biệt thường chỉ dành cho các ông hoàng bà chúa. Tám ngày tiệc tùng liên tiếp và cỗ bàn linh đình, ông còn để chúng tôi ngồi ngai của chúa. Chính ông, bà vợ và con cái ông săn sóc chúng tôi, ăn chung với chúng tôi, làm cho cả dinh đều bỡ ngỡ. Ai cũng đồng thanh quả quyết rằng người ta chỉ dành những danh dự này cho bản thân các chúa mà thôi. Đó là cơ hội cho mấy người nói và đồn thổi khắp xứ này rằng chúng tôi là những bậc đế vương tới xứ này để bàn những việc rất quan trọng. Nghe lời đồn đó, quan trấn thủ rất lấy làm hài lòng và tuyên bố trong cuộc họp chung các quan trong phủ rằng: thật ra các cha là con vua con chúa, tức là các thiên sứ đến những vùng đất này, không phải vì thiếu thốn hay cần thiết thứ gì, vì ở nước các cha không thiếu gì, trái lại, mọi của cải đều dư dật, nhưng chỉ vì các cha hăm hở sốt sắng cứu vớt các linh hồn.
Viên quan đức độ này, khi hoàn toàn còn là lương dân, đã là người rao giảng Phúc âm. Ông làm cho mọi người nghe ông thì đều kính phục ông, nhất là ở bất cứ nơi nào người ta cũng coi ông là một người rất mực thông thái.
Tám ngày qua đi, chúng tôi cho ông biết là chúng tôi thích ở trong thành để dễ bề rao giảng Phúc âm hơn, còn nếu ở trong tư dinh thì không dễ dàng cho công việc chúng tôi, vì ở xa tỉnh chừng một dạm rưỡi, trong miền thôn quê, theo kiểu ở đây. Quan trấn đã vui lòng giữ chúng tôi ở lại với ông vì rất quý chuộng chúng tôi, và ông đã buồn phiền khi phải xa chúng tôi: thế nhưng vì trọng công ích hơn tư lợi nên ông nghe theo điều chúng tôi sở nguyện và tức khắc truyền cho người ta chọn cho chúng tôi một địa điểm rất tiện để làm nhà cho chúng tôi ở, trong vùng gọi là Nước Mặn. Ông còn thêm, trong tư dinh của ông có tới hơn một trăm nhà, chúng tôi cóthể chọn một nhà nào xứng đáng nhất để làm nhà thờ và chúng tôi cứ cho ông biết thì tức khắc ông sẽ định liệu cho đủ sự cần thiết. Chúng tôi khiêm tốn cảm tạ ông về tất cả những ơn huệ ông đã ban cho chúng tôi trong cuộc hành trình và những việc ông vẫn còn tiếp tục làm cho chúng tôi, và sau khi từ biệt, chúng tôi leo lên lưng voi ngay để cùng đoàn tuỳ tùng đi tới Nước Mặn, một địa điểm dài chừng hai dặm và rộng tới một dặm rưỡi. Ở đây chúng tôi cũng được tiếp đãi với tất cả sự sang trọng, quan trấn đã truyền phải dành cho chúng tôi. Nhưng vì không chịu được vắng mặt lâu hơn, ngay ngày hôm sau, ông thân hành đến thăm chúng tôi và kiểm tra xem người ta có sửa soạn nhà chúng tôi tươm tất và thuận tiện không. Ông còn nói với chúng tôi rằng chúng tôi là người ngoại quốc không có nhiều tiền bạc, không có nhiều của cải, không có đủ sự cần dùng, nên ông nhận cung cấp cho chúng tôi mọi sự cần thiết. Thế là ông truyền mỗi tháng người ta đem đến cho chúng tôi một món tiền khá lớn và mỗi ngày người ta đưa tới nào là thịt thà, cá mú, thóc gạo, không phải chỉ đủ cho chúng tôi mà còn cho các người thông ngôn và người làm nữa. Không chỉ có thế, ngày nào ông cũng gửi cho chúng tôi quà bánh, rất đầy đủ, không kể các đồ vật khác để bồi dưỡng chúng tôi một cách hậu hĩ. Để tỏ lòng trọng kính chúng tôi và tạo uy tín cho chúng tôi trước mọi người, một ngày nọ, ông mở một phiên tòa ngay trong sân nhà chúng tôi, theo cách thức được thực hiện ở Đàng Trong như chúng tôi đã nói. Trong phiên tòa này, ông phải xử mấy người phạm trọng tội, mỗi người đều được xử theo tính chất của tội phạm. Trong số các phạm nhân có hai người bị xử tử bằng vũ khí và phải chịu hình tên bắn. Nhưng trong khi người ta trói các người này thì chúng tôi can thiệp để xin ân xá cho họ. Ông liền tha ngay và truyền cho cởi dây trói tức thì. Ông tuyên bố lớn tiếng là chưa bao giờ ông ban ân xá này cho một người nào cả. Nhưng vì những vị nhân đức này, ta không thể khước từ được.
Rồi quay về phía chúng tôi, ông giục chúng tôi quyết định về nơi chúng tôi thấy thuận tiện để dựng một nhà thờ. Chúng tôi liền chỉ cho ông thấy một địa điểm chúng tôi cho là rất hợp và rất tiện để làm việc đó. Ông chấp thuận ngay, rồi ông trở về tư dinh ở ngoài thành phố. Ba ngày sau, người ta đến cho chúng tôi biết là nhà thờ đã được đem đến. Được tin đó chúng tôi rất vui mừng và sung sướng, chúng tôi ra khỏi nhà, hăm hở tới coi sự lạ lùng này, chúng tôi cũng muốn biết xem nhà thờ có thể đem đến bằng cách nào. Chúng tôi biết là nhà thờ phải được làm bằng ván lắp, theo họa đồ đã vẽ. Chúng tôi cũng được biết là tòa nhà này rất lớn và rất cao, phải được đặt trên những cột cao và lớn. Tức thì chúng tôi phát hiện ra trong cánh đồng một đạo quân trên một nghìn người khuân vác các bộ phận của nhà thờ. Mỗi cột có ba mươi người lực lưỡng và khoẻ mạnh nhất khênh. Còn những người khác thì vác xà, người khênh ván, người khênh nóc, kẻ mang sàn, người khuân cái này kẻ mang cái khác. Tất cả đều trật tự mang đến, mỗi người một bộ phận. Sân nhà chúng tôi chật ních người. Chúng tôi niềm nở đón tiếp họ với niềm hân hoan các bạn có thể nghĩ được là như thế nào. Chỉ có một điều làm cho chúng tôi buồn phiền là trong nhà không có gì để ít ra cho họ ăn qua loa. Đám người rất đông này tuy được quan trấn trả công hậu cũng thấy xấu hổ và bẽ mặt nếu để họ ra đi mà không cho họ chút gì lót dạ. Nhưng chúng tôi không phải lo lắng lâu khi thấy mỗi người ngồi trên đồ vật người ta căn dặn phải kỹ càng giữ lấy và khi đã sẵn sàng họ mở khăn gói ra, trong đó có tất cả dụng cụ nhà bếp gồm có nồi, thịt, cơm và cá. Họ nhóm lửa và tự nấu nướng lấy. Không ồn áo. Không xin xỏ gì. khi họ ăn xong thì một người chủ thầu lấy dây đo địa điểm, đo khoảng giữa hai cột, rồi ông cho gọi người đem tới dựng vào chỗ. Sau đó ông gọi tất cả lần lượt khuân các bộ phận khác tới và mỗi người đem lắp xong là ra về ngay. Cứ thế, tất cả đều làm việc trong trật tự không nhầm lẫn. Ai cũng làm đúng cách thức, và tất cả khối lớn lao đó được dựng nội nhật trong một ngày, làm cho chúng tôi rất mực sung sướng. Nhưng hoặc là vì người ta làm quá vội vã, hoặc là vì người lắp đặt không cẩn thận nên ngôi nhà không đứng thẳng lắm, trái lại hơi nghiêng một chút. Người ta kể cho quan trấn biết, thế là ông cho gọi kiến trúc sư tới và truyền cho phải làm lại ngay, nếu không sẽ bị cắt gân chân và phải gọi tất cả ngần ấy thợ trở lại để làm cho xong. Kiến trúc sư tuân lệnh và cho dỡ hết, rồi với tất cả khéo léo và thận trọng hơn, ông cho làm lại thật đúng và trong không bao lâu công việc đã hoàn thành.
Để biết rõ về quan trấn đạo hạnh đã tận tâm lo việc của chúng tôi và rất quý trọng công việc đó, thì tôi sẽ kể một việc rất đặc biệt để kết thúc chương này. Số là có những làn gió nồm rất nồng nực thường nổi lên và thổi liên tục vào các tháng sáu, bảy và tám gây nên một sức nóng bức lạ lùng làm cháy, làm khô héo và thiêu huỷ nhà cửa vì chỉ làm bằng gỗ. Do đó chỉ một tia lửa nhỏ vì vô ý hay do cách nào khác rơi vào thì cũng có thể làm lửa bốc lên ngay lập tức như châm diêm đốt vậy. Vì thế, thường xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn lớn ở khắp lãnh thổ trong ba tháng đó. Một khi lửa đã bén vào một nhà thì trong nháy mắt ngọn lửa từ nhà này sẽ lan sang hết các nhà khác, lần lượt thẳng tắp theo hướng gió thổi và biến tất cả thành tro một cách thảm hại. Để tránh nguy cơ này, nhất là tránh cho nhà thờ chúng tôi ở ngay giữa thành phố và cũng để cho người ta biết chúng tôi được quan trên quý trọng đến mức nào, ông ra sắc lệnh bắt tất cả các nhà ở cùng hàng với nhà chúng tôi, theo hướng luồng gió nóng thổi, phải dỡ mái xuống trong hai tháng đó. Và số nhà phải để trống mái đó nhiều đến độ có thể chiếm một khoảng rộng ít là hai dặm Ý. Và ông đã chủ ý ra lệnh như vậy để nếu lửa bén vào một nhà nào trong những nhà ấy thì dễ ngăn cản không cho nó bén sang nhà chúng tôi. Mọi người đều nghiêm chỉnh thi hành vì danh dự và sự trọng kính họ dành cho ông.
Chú thích:
(1) Từ Hội An đi Quy Nhơn bằng đường biển
(2) Các cha khoản đãi viên quan bằng các món ăn Âu.
Chương 10: Quan trấn thủ Quy Nhơn qua đời
Công việc của chúng tôi tiến triển tốt đẹp ở thành phố này và có rất nhiều thành công. Khu truyền giáo ngay buổi đầu đã thu được thành quả tốt đẹp, như chúng ta đã thấy ở chương hai. Nhưng sau đó nổi lên cơn bão táp dữ dằn của cuộc bắt bớ do vụ hạn hán và mất mùa, tưởng như đã nhận chìm giáo đoàn. Bây giờ mọi sự thật là yên ổn và vui tươi do sự biệt đãi và che chở của quan trấn thủ Quy Nhơn. Và ruộng nho mới nở hứa hẹn một mùa quả rất thơm ngon. Nhưng bất thần xảy đến cái chết của quan trấn thủ, khác nào ngọn gió bấc khắc nghiệt làm tan tác và cuốn theo trong chốc lát tất cả các hy vọng tốt đẹp. Tai họa đã xảy đến như sau. Quan trấn một hôm cưỡi voi đi săn rất thích thú. Ông hứng chí đến độ không còn biết giữ gìn đã chạy suốt một ngày trong ánh nắng gay gắt của mặt trời. Nóng bốc lên đầu đến nỗi chiều hôm đó ông lên cơn sốt kịch liệt. Được tin, chúng tôi đến ngay phủ để thăm ông. Chúng tôi ở bên ông hai ngày, nài xin ông sửa soạn chịu phép thánh tẩy, như đã nhiều lần ông ngỏ ý muốn chịu, nhưng lại luôn cho biết là chỉ chịu khi nào ông thu xếp xong các công việc, nhưng ra ông chẳng thu xếp gì cả. Tới ngày thứ ba, ông mất trí và lên cơn hoảng hốt. Ông vẫn tiếp tục mê sảng trong ba ngày cho tới khi kiệt lực vì cơn bệnh, ông tắt thở khi chưa nhận phép thánh tẩy.
Mọi người đều có thể hiểu một cách dễ dàng tai nạn này làm chúng tôi đau đớn đến chừng nào. Chúng tôi thấy mình ở trong một vương quốc xa lạ, bị bỏ rơi và thiếu thốn mọi trợ lực của loài người. Nhưng điều làm chúng tôi đau lòng hơn hết là thấy một người tắt thở trước mặt chúng tôi mà chưa chịu phép rửa tội. Người đó đã giúp đỡ chúng tôi và chúng tôi đã thăm nom săn sóc cho tới hơi thở cuối cùng. Về các nghi lễ ma chay phúng điếu chúng tôi không thể tường thuật hết các chi tiết vì sẽ không bao giờ cùng.
Chương 11: Thiên văn
Trước hết nên biết về một ít tục lệ thịnh hành trong xứ này có liên quan tới thiên văn học, nhất là về những thiên thực. Họ ham hiểu biết khao này đến nỗi trong viện đại học 1 của họ có những phòng rất rộng lớn để giảng công khai và người ta trích ra nhiều tiền thưởng và dành cho các nhà thiên văn lợi tức đặc biệt gồm có nhiều ruộng vườn để làm một thứ tiền lương. Chúa có các nhà thiên văn của chúa. Hoàng tử có các nhà thiên văn của hoàng tử. Những người này chuyên chú học hỏi để rồi thông báo cho đúng thời kỳ có thiên thực. Nhưng họ không có bộ lịch cải cách và những khoa chuyên nghiệp bàn về sự vận chuyển của mặt trời và mặt trăng nên họ thường tính rất sai về mặt trăng và nguyệt thực, do đó thường thường họ nhầm tới hai hay ba giờ và nhiều khi, tuy hiếm hơn, tới một ngày trọn, còn họ chỉ tính đúng về điều chính yếu của thiên thực 2. Khi họ tính đúng thì họ được ban thưởng cho đất ruộng, trái lại nếu tính sai thì mất cả những ruộng đất đã được từ những lần trước. Khi có thiên thực, xứ này trở nên rất náo động. Trong thời gian đó, họ giữ những tập tục xung quanh mặt trời và mặt trăng. Họ sửa soạn các nghi lễ rất linh đình. Chúa được báo trước ra sắc lệnh cho tất cả các tỉnh trong nước và bắt các văn nhân cũng như thường dân phải chuẩn bị đợi ngày đó. Khi ngày đó tới thì tất cả các quan trấn tỉnh, các hàng quan khác, các tướng lãnh, kị binh và dân chúng cùng các viên chức, tất cả hội họp nhau trong mỗi thành phố và lãnh thổ. Nhưng cuộc tập họp chính yếu là ở trong phủ chúa, nơi có mặt tất cả các quan cao cấp trong nước, tất cả đều ra ngoài đem theo vũ khí và cờ hiệu. Chúa đứng đầu mặc y phục tang chế, rồi tất cả triều đình, họ nhìn ngắm mặt trời và mặt trăng, và trong khi thấy thiên thực thì họ quỳ xuống lạy một hay hai hay nhiều lần, nói mấy lời thương xót vị hành tinh đang chịu cực nhọc và thống khổ. Bởi vì họ cho rằng thiên thực không là gì khác, nếu không phải là mặt trời và mặt trăng bị con rồng nuốt và thay vì nói như chúng ta là mặt trăng bị khuất một nửa hay bị khuất hết, thì họ lại nói. Da an nua, da an het, có nghĩa là con rồng đã ăn một nửa, con rồng đã ăn hết tất cả.
Cách nói của họ tuy có vẻ quá đáng, nhưng lại nói lên được cái cơ bản của thiên thực, cũng một nguyên tắc như chúng ta, nghĩa là do đường hoàng đạo là đường chính và là đường của mặt trời gặp đường của mặt trăng trong khi vận chuyển, đó là hai điểm gọi là đầu và đuôi của con rồng, như các nhà thiên văn thường nói, do đó dễ đi đến kết luận là họ cũng có cùng một lý thuyết với chúng ta về thiên thực, sử dụng cùng từ ngữ và tên gọi con rồng, họ cũng có những từ như Lâu (Aries), Tất (Taurus), Tĩnh (Gemini) và những từ khác để chỉ các cung hoàng đạo.
Nhưng chúng ta hãy trở lại việc các dân tộc này thương xót các hành tinh: sau khi họ đã thờ lạy rồi thì chỉ còn nghe thấy tiếng súng hỏa mai, súng musqueton, súng đại bác người ta bắn, thứ nhất là từ phủ chúa, sau từ khắp kinh thành, hết các chuông đều đổ inh ỏi, nào kèn thổi, nào trống đánh, tóm tắt là người ta không bỏ một dụng cụ nào, kể cả soong nồi và những dụng cụ làm bếp khác mà không đem ra khu vang trong thời gian đó, nghe rất ồn ào và inh ỏi. Họ nói là làm thế để ngăn cản không cho con rồng nuốt mặt trời và mặt trăng hay để bắt nó phải nhả và mửa vật nó đã nuốt.
Nói chung thì như vậy. Bây giờ tôi xin nói riêng đến việc có liên quan tới vụ nguyệt thực xảy ra ngày mồng 9 tháng 12 năm 1620 vào 11 giờ thiên văn, nghĩa là một giờ trước nửa đêm. Vào chừng thời gian này tôi đang ở Nước Mặn thụôc tỉnh Quy Nhơn, tại đây có một tướng lãnh cai quản khu chúng tôi ở. Một lần ông đến thăm chúng tôi, mấy ngày trước khi xảy ra nguyệt thực, chúng tôi có bàn về việc đó. Ông quả quyết là sẽ không có và ông cực lực bác lại lời chúng tôi, mặc dầu chúng tôi đã cho ông thấy sự thực bằng cách tính toán của chúng tôi và cả cách thức nguyệt thực sẽ xảy ra, tất cả đã được vẽ trong sách của chúng tôi. Nhưng không tài nào làm cho ông tin được. Ông rất cố chấp và quả quyết là nếu có nguyệt thực thì hẳn chúa đã cho biết trước một tháng trong toàn cõi, theo tục lệ. Bây giờ chỉ còn tám ngày mà vẫn chưa có sắc lệnh ban hành trong nước, như thế là dấu hiệu hiển nhiên cho thấy là không có nguyệt thực xảy ra. Mà vì ông cứ cố chấp quả quyết ngược lại những điều chúng tôi nói, nên ông thách chúng tôi, ai thua thì phải mất cho người được một Cabaia (là một thứ áo bằng lụa). Chúng tôi vui lòng thỏa thuận như thế, nếu chúng tôi thua, chúng tôi cũng sẽ vui lòng biếu ông chiếc áo dài còn nếu chúng tôi được thì thay vì áo dài, ông phải đến nghe giáo lý tám ngày 3 trong nhà chúng tôi và nghe những gì thuộc về đạo thánh của chúng tôi. Ông đáp, tôi bằng lòng và không những thế mà còn tin theo Kitô giáo nếu quả thực tôi thấy có nguyệt thực, và hơn nữa, ông nói: nếu những sự bí ẩn ở trên trời như các thiên thực, các cha hiểu biết xác đáng và chắc chắn, còn hiểu biết chúng tôi chỉ là sai lầm, thì là đạo của các cha và sự hiểu biết về Thiên Chúa thật, không thể không đích đáng và đạo của chúng tôi hoàn toàn sai lầm. Thời điểm xảy ra nguyệt thực mà chúng tôi đã tiên đoán đã đến, viên tướng lãnh đến nhà chúng tôi, đem theo nhiều học trò và nho sĩ để làm chứng về những gì sẽ xảy ra, nhưng vì nguyệt thực chỉ bắt đầu từ 11 giờ thiên văn, nên trong thời gian đó tôi đi đọc kinh nguyện, tôi cũng nhớ quay trở đồng hồ cát chừng một giờ trước. Nhưng họ liên tục đến gọi tôi như có vẻ thách thức ra coi nguyệt thực, họ cho rằng tôi lui vào nhà trong không phải để đọc sách nguyện mà để che giấu sự hổ thẹn vì thực ra không xảy ra. Họ rất bỡ ngỡ thấy tôi trả lời quả quyết là chưa tới giờ và phải kiên nhẫn một chút cho đến khi đồng hồ cát của tôi mà họ nhìn ngắm như một đồ vật từ ở thế giới bên kia rơi xuống 4. Và khi tôi bước ra ngoài, tôi chỉ cho họ thấy là vòng mặt trăng không hoàn toàn tròn như thường lệ vào lúc bắt đầu có nguyệt thực, rồi tối dần tối dần, thế là sáng tỏ sự thật như tôi đã tiên đoán. Viên tướng lãnh và các văn nhân đều ngạc nhiên về sự việc xảy ra, tức thì họ truyền lệnh cho người ta tới các nhà trong khu phố và tới khắp các phố phường loan tin có nguyệt thực, mọi người chạy ra để khua chuông đánh trống và làm các nghi lễ như thường lệ để cứu mặt trăng trong cơn nguy khốn.
Một trường hợp tương tự đồng thời đã xảy ra, giữa những người và ở một địa điểm quan trọng hơn nhiều. Chúng tôi biết rằng các nhà toán học của chúa không biết nguyệt thực này, trái lại các nhà toán học của hoàng tử lần này chuyên chú học hỏi nên biết là có nguyệt thực ở Quảng Nam nhưng với một sai lầm quan trọng, không phải họ chỉ lầm hai hay ba giờ mà một ngày tròn. Họ công bố sẽ có nguyệt thực vào ngày Rằm nghĩa là một ngày trước khi xảy ra nguyệt thực thực sự. Cha Francois de Pina lúc đó đang ở trong phủ, cha báo tin cho một cận thần, ông này ở gần hoàng tử hơn các vị khác, lúc nào cũng theo ngài với tính cách người chủ nghi lễ, và theo chức vụ được gọi là ông nghè 5, và nhờ vị này thưa với ngài là nguyệt thực không thể xảy ra vào thời điểm như nhà chiêm tinh đã loan báo, mà là vào ban đêm hôm sau như cha Cristoforo Borri đã nói. Cha nhờ ông cho chủ ông là hoàng tử biết tin đó và cũng cho ngài thấy sự sai lầm của các nhà chiêm tinh. Nhưng ông nghè chưa tin lời cha cho lắm. Vì không hoàn toàn tin tưởng nên cũng không muốn nói. Thế rồi đến giờ các nhà chiêm tinh đã đoán thì chúa và cả phủ ra xem nguyệt thực theo cách thức của họ và cứu mặt trăng mà họ tưởng là sắp bị ăn. Nhưng thấy rõ là đã bị lừa, ngài rất giận các nhà toán học và truyền bớt một tỉnh lợi tức họ đã được theo tục lệ chúng tôi đã nói trên, khi họ tính sai. Bấy giờ ông nghè lợi dụng cơ hội thưa với chúa là đạo trưởng Tây dương đã nói với mình, trước khi xảy ra, là đêm sau mới có.
Thế rồi ông nghè đến tìm cha để biết chắc chắn thời điểm nguyệt thực. Cha cho biết theo đồng hồ và các dụng cụ khác, là sẽ xảy ra đúng 11 giờ đêm sau. Nhưng ông cũng chưa lấy làm chắc và vì ngờ vực, ông không muốn đánh thức chúa khi chưa thấy rõ nguyệt thực bắt đầu. Chờ cho tới lúc đó ông mới chạy đến đánh thức ngài và vội vã cùng mấy người cận thần làm các nghi lễ kính bái và cúng tế theo tục lệ khi có nguyệt thực. Ông cũng không dám công bố biến cố này ra vì sợ làm mất uy tín của các nhà toán học và sách vở họ dùng.
Sau khi nói về nguyệt thực thì chúng tôi xin kết thúc chương này bằng một vụ nhật thực xảy ra vào ngay 22 tháng năm năm 1621. Trong vụ này, các nhà thiên văn của chúa tiên đoán là sẽ xảy ra và kéo dài trong hai tiếng đồng hồ. Nhưng vì họ rất tín nhiệm chúng tôi về vấn đề này và để biết chắc chắn hơn, họ đến tìm chúng tôi để xem chúng tôi nghĩ sao. Tôi cho họ biết rằng chắc chắn sẽ có nhật thực và không gì xác đáng hơn. Chúng tôi cho họ coi đường vẽ trong lịch của chúng tôi. Nhưng tôi cố ý không nói cho họ biết là vì thị sai của mặt trăng với mặt trời nên trong xứ Đàng Trong không thể trông thấy được. Họ không biết thế nào là thị sai. Do đó theo sách và cách tính của họ, họ thường nhầm lẫn, không tìm đúng thời điểm. Tôi khất họ một thời gian ngắn để coi rõ lại điểm này. Tôi chỉ nói chung chung với họ là cần phải đo lại trời với đất để xem nhật thực có thể thấy được ở Đàng Trong hay không và như vậy tôi có ý hoãn câu trả lời cho tới lúc họ công bố có nhật thực. Sau cùng, họ thích thú vì thấy sách của chúng tôi phù hợp với ý kiến của họ và không đào sâu hơn nữa, họ chắc chắn là sẽ có nhật thực và đưa tin cho chúa. Chúa liền công bố sắc lệnh và truyền giữ và làm những việc theo thông tục. Khi sai lầm của các nhà thiên văn đã được phổ biến đi khắp nơi thì tôi cho biết là nhật thực này không thể xem thấy ở bất cứ nơi nào trong xứ Đàng Trong. Điều này đến tai hoàng tử. Để biết rõ sự thật, ông sai các nhà toán học đến hỏi ý kiến tôi và tranh luận về vấn đề này. Kết quả cuộc tranh luận là về phía họ, họ rất lúng túng và phân vân làm cho hoàng tử lưỡng lự, không biết trong lãnh thổ thuộc quyền ông, có nên theo ý kiến là sẽ có nhật thực như đức thân phụ ông đã công bố hay nên nói ngược lại. Điều làm ông khó xử hơn cả và là điều ông chú ý hơn hết, đó là không những các sách của họ mà cả sách của chúng tôi cùng nói là sẽ có nhật thực và ông sẽ mất uy tín nếu không công bố như thường lệ. Thế nhưng lòng tin tưởng vào lý thuyết của chúng tôi, trong dịp nguyệt thực mới xảy ra đây, ngăn cản không cho ông giải quyết. Đến nỗi để khỏi nghi ngờ, ông lại phái người tới hỏi chúng tôi một lần nữa để cho biết chúng tôi còn quả quyết nữa không. Tôi đáp là sau khi đã làm tất cả các phép toán và đã tính rất kỹ thì tôi thấy một cách không thể sai lầm rằng không một nơi nào trong nước ông có thể thấy nhật thực vì thế ông không phải lo lắng cho công bố gì nữa.
Ngày đó trời đẹp, sáng và trong, không có chút mây nào. Vả lại vào tháng 5, mặt trời ở xứ này chiếu thẳng trên đầu và vào khoảng 3 giờ chiều, giờ phải xảy ra điều họ kể, giờ mọi người chịu nóng bức. Thế nhưng chúa không quên ra khỏi phủ với các cận thần, chịu mệt nhọc trong thời gian chờ đợi, nhưng không có chuyện gì xảy ra chúa bực tức đã khiển trách họ rất nặng lời và quở mắng họ rất nghiêm khắc. Họ tạ lỗi, và cho là nhật thực chắc chắn xảy ra, nhưng trong khi tính toán họ đã nhầm lẫn một ngày liên quan tới sự giao hội của mặt trăng và chắc chắn là ngày mai cũng vào giờ này sẽ có nhật Chúa tin lời họ nói và ngày hôm sau vào đúng giờ này, chúa chẳng nhận thấy được gì ngoài cái nóng bức như ngày hôm trước. Các nhà toán học lại một phen nữa bị chúa trách phạt.
Chú thích:
(1) Có thể là quá đáng không?
(2) Trình độ nghiên cúu lịch và khoa học thiên văn của ta thời đó khá thấp kém. Xem Hoàng Xuân Hãn, Lịch và Lịch Việt Nam, tập san KHXH Paris 1982, tr.54-58
(3) Nghe giáo lý trong tám ngày. Có liên hệ tới Phép giảng tám ngày của De Rhodes không?
(4) Hẳn không ngoa vì trình độ khoa học, cơ giới của ta thời đó quá thấp, ngay cả chúa Sãi cùng cận thần cũng không hơn.
(5) Có thể lúc này Sãi vương có mặt ở Quảng Nam, vì ngài ở Ai tử thuộc Quảng Bình. Như vậy Borri thuật lại vụ nguyệt thực ở Quy Nhơn (Nước Mặn) và Quảng Nam nữa, lúc này có De Pina.
Chương 12: Đời sống tinh thần ở Đàng Trong
Xứ Đàng Trong còn có nhiều đền chùa rất đẹp với tháp cao và lầu chuông. Mỗi địa điểm dù nhỏ bé đến đâu thì cũng có đền chùa thờ cúng thần Phật. Có những pho tượng rất lớn có vàng có bạc chứa chấp và tàng trữ ở trong. Thật không hơn không kém là một kho tàng thánh trong ngực hay trong bụng pho tượng. Không ai dám sờ mó vào trừ khi bị lâm vào cơn túng quẫn cùng cực. Một tên ăn trộm nào đó thò tay lục trong bụng tượng mà không nghĩ đến tầm quan trọng của việc phạm thánh, vì ở đây người ta vẫn quan niệm rằng làm như vậy là phạm thượng. Lại nữa họ đeo ở cổ nào là tràng hạt, chuỗi hột. Họ tổ chức rước sách, lễ lạt rất long trọng, để kính thần Phật như chúng ta thấy nơi những giáo dân sốt sắng nhất của ta. Và hơn nữa có những ông sãi có chức tương ứng với chức tu viện trưởng, giám mục và tổng giám mục cũng cầm gậy dát vàng dát bạc không khác những gậy chúng ta dùng trong Giáo hội.
Tất cả giáo phái của họ không có mục đích nào khác ngoài việc tôn thờ Thượng Đế hay ao ước vinh quang và hạnh phúc đời sau hoặc công nhận hồn bất tử hoặc quả quyết mọi sự đều chấm dứt khi thân xác chết. Tất cả lương dân phương Đông đều công nhận hai nguyên lý này. Các giáo phái đếu phát nguyên từ kinh sách của một đại triết gia và nhà siêu hình học trứ danh gọi là Thích Ca. Vị này còn có trước Aristote 1 và không thua kém ông về tài trí và tinh thông các sự thiên nhiên. Với trí óc minh mẫn, ngài suy nghĩ về thiên nhiên và sự thành lập vũ trụ. Ngài chiêm ngưỡng nguyên lý và cứu cánh vạn vật, nhưng nhất là về bản thể con người làm chủ lâu dài đại thế giới này.
Giáo thuyết ngài Thích Ca công bố được người Trung Hoa đón nhận. Họ rất mong muốn được giải thoát nên đã đón nhận giáo thuyết này và chủ trương thành mười hai giáo phái khác nhau trong đó có một giáo phái được người ta theo và sùng hơn cả và là phái chủ trương vạn vật là hư không họ gọi là Genfiu, thiền phái. Những người theo phái này có tục cùng nhau hẹn ngày về miền thôn quê để nghe một vài thượng tọa thuyết pháp về đề tài cực lạc.
Thế nhưng bây giờ phải trở lại với người xứ Đàng Trong 2, họ không đón nhận toàn bộ thứ giáo lý quá khích và phi lí chối bỏ hình thức bản thể và quy mọi sự về hư không. Khắp nơi trong nước, tất cả đều công nhận hồn là bất tử và do đó có phần thưởng đời đời cho người lành và hình phạt trường cửu cho kẻ dữ, làm cho chân lý đó mờ nhạt đi vì đầy những điều vô lý và sai lầm. Thứ nhất họ không phân biệt hồn người dữ tách rời khỏi thân xác với các thần xấu và gọi tất cả là tà ma, và cho rằng không những thần xấu mà cả hồn người dữ đều tìm cách làm hại người sống. Thứ hai là một trong những phần thưởng của hồn người đã sống lành thánh đó à chuyển3 từ một thân này tới một thân khác tốt hơn, trọng hơn, như từ thân xác một người dân thường đến thân xác một đế vương hay quan cao cấp. Thứ ba là hồn người quá cố cần ăn uống và bồi dưỡng thân xác, do đó đôi khi trong năm họ có tục dọn cỗ bàn thịnh soạn và long trọng, con cái cúng tế cha mẹ đã khuất, chồng cúng tế vợ, bạn bè cúng tế người thân thích.
Chú thích:
(1) Borri sánh Khổng Tử với Aristote, ở đây cũng coi Phật tổ như nhà hiền triết Hy Lạp đại tài Aristote
(2) Tin tưởng của người Đàng Trong về hồn
(3) Thuyết luân hồi
Chương 13: Về xứ Đàng Ngoài
Trong năm năm 1 ở Đàng Trong, tôi chuyên cần tìm hiểu và học để biết chắc chắn những gì liên quan đến Đàng Ngoài; ngôn ngữ là ngôn ngữ chung vì cả hai xứ đều thuộc về một quốc gia. Theo những câu chuyện những người từ Đàng Trong tới tỉnh Quy Nhơn, nơi tôi thường trú, kể lại, tôi sẽ chỉ thuật lại những gì cần thiết cho việc tìm hiểu xứ Đàng Trong và việc cai trị xứ này vẫn còn thuộc về Đàng Ngoài.
Về địa thế, không kể Đàng Trong phụ thuộc vào Đàng Ngoài, thì gồm có 4 tỉnh có bề rộng và bề dài bằng nhau, ở giữa là kinh thành của Đàng Ngoài, tên kinh thành này cũng là tên cho cả nước 2, ở đây có triều đình và có vua cai trị. Kinh thành thì ở giữa có bốn tỉnh vâyquanh như một hình vuông góc, các tỉnh khá lớn, diện tích cả nước gấp bốn lần Đàng Trong. Phía Đông là vịnh Hải Nam, giữa có con ông lớn, thuyền bè đi lại được, nó bắt nguồn từ tỉnh Đàng Ngoài xa chừng 18 dặm, có một số thuyền Nhật Bản.
Nước sông này thường dâng lên vào tháng sáu và tháng một, làm ngập hầu như cả nửa kinh thành, nhưng lụt này chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Về phía Nam thì gần Thuận Hóa, như chúng tôi đã nói, thuộc về Đàng Trong; về phía Bắc thì giáp với Trung Quốc, nhưng không cần có luỹ tường che chở, vì thế sự giao thông đi lại giữa người Trung Hoa và người Đàng Ngoài rất thường xuyên, không cần tường luỹ, không cần cửa đóng then cài, họ đều buôn bán với các người ngoại quốc khác. Sau cùng, về phía Tây là nước Lào, nơi cha Alexandre de Rhodes người thành Avignon thuộc dòng chúng tôi đã từ Đàng Trong mà tới 3. Tôi cho rằng nước Lào cũng ở cạnh Tây Tạng là đất mới khám phá ra, tôi cũng cho là Tây Tạng cách xa và rộng ở cạnh nước Lào, theo vị trí thì thấy hai nước này đều rộng lớn. Cho nên tôi nghĩ là không thể có nước nào chen vào giữa hai nước đó và cũng vì các cha đã tới đó đều khẳng định là tỉnh cuối cùng của Tây Tạng, về phía Đông thì ở cạnh và thông thương với dân tộc bán nhiều tơ lụa và bát đĩa bằng đất nung tinh xảo và quý như ở Trung Quốc với nhiều hàng hóa khác, mà chúng tôi biết rằng là Đàng Ngoài có rất nhiều người thường bán cho người Lào.
Về việc cai trị ở xứ này thì các vua chúa nối tiếp nhau như sau. Quyền tối cao vua, thế nhưng vị này không dính vào việc nước, ông trao tất cả quyền hành cho một người thân tín gọi là chúa với đủ mọi thế lực rộng lớn và biệt lập, khi hòa bình cũng như lúc chiến tranh, đến nỗi vị này hầu như không còn nhận ai là kẻ trên mình nữa. Nhà vua thì ngự trong đền, xa hết mọi việc trong nước, chỉ giữ lại cho mình một sự tôn sùng bề ngoài như thể một vị thần thiêng liêng với quyền ban hành luật pháp, chuẩn y sắc lệnh hay chỉ dụ. Khi chúa mất thì bao giờ cũng để cho con mình kế vị trong việc trị nước; thế nhưng thường xảy ra cái nạn, các người quản trị những người con đó cũng ham chức vị và cho giết đi để tranh giành quyền làm chúa 4.
Thế lực của các chúa rất rộng lớn, vì đi liền với một nước rộng lớn có dân số đông gấp ba hay bốn lần dân Đàng Trong; còn quân đội thì như chúng tôi đã nói ở trên, có thể lên tới 80.000 người. Nên không khó gì khi chúa muốn thì chúa có thể cho mộ thêm cho tới 300.000 hoặc hơn với đầy đủ vũ khí, bởi vì các tướng lãnh trong nước như ở nước chúng ta có các công hầu bá tước, họ phải tự lực cung cấp đủ cho cuộc chiến tranh 5. Còn lực lượng của nhà vua thì không quá 40.000 binh lính hộ vệ; thế nhưng các chúa Đàng Ngoài và cả Đàng Trong đều công nhận ông là kẻ bề trên và cả một chúa khác chúng tôi đã nói ở phần một, ông này đã trốn lánh trong tỉnh giáp với Trung Quốc, mặc dầu ông vẫn luôn làm ngụy 6.
Khi chúng tôi nói vương quốc này theo dòng truyền kế thì chúng tôi cũng nói về nhà vua, bao giờ cũng có thế tử kế nghiệp để giữ dòng truyền thống đế vương; đó là tất cả những gì tôi muốn vắn tắt nói về Đàng Ngoài theo những điều tôi được biết khi tôi trở về Châu Âu.
Chú thích:
(1) Lại một lần nữa, chúng ta xem năm 1622 là năm Borri bỏ Đàng Trong chứ không phải năm 1621, Đỗ Quang Chính cũng sai vì chỉ cho Borri ở Đàng Ngoài trong 3 năm, chứ không phải 5 năm (xem: Sd, tr.27)
(2) Từ đời Lê, đổi Đông Đô thành Đông Kinh, và người ngoại quốc gọi xứ Bắc là Đông Kinh (Tunquim, Tonquin, Tonkin)
(3) Thực ra không bao giờ De Rhodes tới Lào, chỉ có Raphael de Rhodes là người con tinh thần của Alexandre de Rhodes đã tới Lào rồi lập nghiệp ở xứ Bắc (xem Lịch sử việc truyền giáo Tây Tạng của Launay)
(4) Thực ra chưa bao giờ xảy ra, con các chúa Đàng Ngoài thảy đều kế nghiệp cha: Trịnh Tùng, Trịnh Tráng, Trịnh Tạc, Trịnh Căn…
(5) Chế độ phong kiến ở Bắc cũng khác chế độ phong kiến ở Châu Au. Các công hầu bá tước chỉ có quyền trong khi sống, sau đó thuộc về nhà vua nhà chúa; các hoạn quan đứng đầu một tỉnh, sau khi mất thì thuộc về nhà vua; khi có đám rước thì chúa đi voi, còn vua đi kiệu; nhà chúa tổ chức hết các cuộc đón tiếp phái đoàn ngoại giao, các cuộc thi đua tập dượt, trừ có phái đoàn ngoại giao Trung Quốc thì thuộc về nhà vua.
(6) Nhà Mạc ở Cao Bằng
Kết luận
Bản tường trình nhỏ mọn này không thể không kích động những người ít thích đi khám phá các lãnh thổ mới và chỉ biết quý trọng xứ sở và đền đài riêng của mình, để họ có một ít kiến thức, đó là trong thế giới có biết bao điều đẹp đẽ, những điều này, tuy không vượt giới hạn của những điều tự nhiên, nhưng cũng có thể được gọi là những phép lạ của thiên nhiên. Đó chính là điều tôi đã trình bày, bởi chính mắt tôi đã thấy ở xứ Đàng Trong: lãnh thổ có khí hậu và các mùa khác nhau rất dễ chịu để ở. Lãnh thổ có rất nhiều đồng ruộng thênh thang và phì nhiêu, với mọi thứ lương thực, lúa thóc, trái cây, chim chóc và thú vật, biển thì vô số các loại cá rất thơm ngon. Lãnh thổ có khí hậu rất trong lành và dân cư chưa biết thế nào là dịch hạch. Lãnh thổ có rất nhiều vàng, bạc, tơ lụa, kỳ nam và các thổ sản khác rất có giá. Lãnh thổ phát triển thương mại rất mạnh, nhờ có các hải cảng và tất cả các quốc gia cập bến. Sau hết, lãnh thổ có dân cư dễ giao du, có tình và rất mực quảng đại. Người ta có thể tiếp xúc và sống an toàn, không những vì giá trị và đức can trường lớn lao của người Đàng Trong, được tất cả các nước lân cận đều công nhận, vì có lực lượng quân sự và tất cả các thứ vũ khí mà họ sử dụng rất tài tình và thiện nghệ không ai sánh kịp mà còn vì chính thiên nhiên như đã bảo vệ họ, bao bọc họ, một bên là biển trời cho để làm hào hố và một bên là biển trời cho để làm hào hố và một bên là dãy Trường Sơn Alpes và Pyrénées 1 hiểm trở của Kẻ Mọi. Đó là phần lãnh thổ người ta gọi là Đàng Trong. Người bản xứ thì thông minh đĩnh ngộ, họ dễ dàng và sẵn sàng đón tiếp hết các người ngoại quốc đến xứ họ và rất dễ dàng để cho mỗi người sống theo luật lệ riêng của mình, cũng không cần nghiên cứu tường tận về học thuật và chữ viết 2 của họ trước khi giảng dạy họ, như các cha dòng ở Trung Quốc phải làm và tiêu phí những năm đầu tiên là những năm tốt nhất, bởi vì chỉ cần học tiếng nói của họ, thứ tiếng rất dễ, như chúng tôi đã viết, đến nỗi chỉ trong một năm là đã có thể nói được dễ dàng 3. Những người bản xứ còn rất dễ giao thiệp, họ không chạy trốn khi thấy người ngoại quốc như các dân tộc khác ở các miền phương Đông.
Họ có đến chùa, họ cúng tế và rước kiệu. Họ tin có hình phạt đời đời cho kẻ dữ và hạnh phúc trường cửu cho người lành.
Chú thích:
(1) Dãy núi Alpes ranh giới Pháp – Ý, dãy núi Pyrénées ranh giới Pháp –Tây Ban Nha.
(2) Chữ nho rất khó đọc đối với người ngoại quốc. Tiếng Việt tương đối dễ học, nhất là khi đã dùng thứ chữ phiên âm hay quốc ngữ.
(3) Hẳn lúc đầu đã khởi sự một công cuộc ghi chép theo tự mẫu Latin. Như vậy dễ hơn rất nhiều.
Cập nhật ( 08/03/2008 )
Đóng cửa sổ
LÒNG NHIỆT THÀNH CỦA BỔN ĐẠO VIỆT NAM
Đỗ Quang Chính
Nói đến lòng nhiệt thành của bổn đạo Việt Nam suốt từ khi truyền giảng Tin Mừng "chính thức" kể từ 1615 đến nay, là công việc lớn lao. Vì vậy, trong bài này chúng tôi chỉ xin nói một số sự việc giới hạn trong mấy chục năm đầu cuộc truyền giáo, tức vào khoảng 1615-1660; tuy thế cũng sẽ giúp ta thấy được, dù đạo Chúa còn mới mẻ đối với người Việt, nhưng ai đã tin rồi, thì sống đạo rất nhiệt thành, hy sinh, can đảm. Phải nói rằng đây là thời gian đặt nền móng vững chắc cho Giáo hội Việt Nam.
Ngày xưa Giáo hội Việt Nam quen dùng danh xưng bổn đạo hơn các danh xưng khác, như: con chiên, con chiên bổn đạo, giáo đồ, tín hữu, giáo hữu, đạo hữu, Kirisităng, Kirisităng bổn đạo, giáo dân, Kitô hữu… Thực ra muốn chỉ rõ lớp người không phải là linh mục, giáo sĩ, tu sĩ, có lẽ nên dùng từ giáo dân như ngày nay. Nhưng chúng tôi xin dùng danh từ bổn đạo là cách dùng phổ biến trong Giáo hội Việt Nam xưa, phổ biến hơn cả danh từ giáo hữu. Còn danh từ giáo dân, Kitô hữu xem ra mới được dùng tư trên nửa thế kỷ nay. Ở đây chúng tôi chỉ nói tới bổn đạo (nay gọi là giáo dân), không nói tới linh mục, thầy giảng, nữ tu Việt Nam xưa.
Không ít người theo đạo Đức Chúa Blời đất
Nói được chăng, dân tộc Việt Nam là một dân tộc có tín ngưỡng, thậm chí là một dân tộc đậm tính tôn giáo. Nhờ đó, các hình thức, nghi lễ thuộc loại tín ngưỡng, tôn giáo, như Thành Hoàng, Bàn thờ Thiên, tế đàn Nam giao, Trang thờ và Tam giáo, đã từ bao nhiêu thế kỷ cắm rễ sâu vào xã hội Việt. Đến thế kỷ XVI và nhất là từ đầu thế kỷ XVII, khi một tôn giáo, thực tế là từ phương Tây, vào xã hội Con Rồng Cháu Tiên, cũng được một số người tận tình, nhiệt tâm, thành tín tiếp nhận. Tôn giáo này, gọi chung là đạo Thiên Chúa, hay nói đúng ra là đạo Công giáo, dù về giáo lý, hình thức tế tự, hàng giáo sĩ, khác hẳn với các tín ngưỡng, tôn giáo thời đó trên đất Việt, nhưng số người mộ đạo mới này cũng chẳng phải là hiếm hoi. Lạ đấy!
Đạo Công giáo "chính thức" có mặt ở Đàng Trong kể từ ngày 18-1-1615, đến năm 1640 có khoảng 15.000 bổn đạo, theo tờ biểu của ba vị đại diện giáo đoàn Đàng Trong đệ lên Đức thánh cha Urbanô VIII (1); đến năm 1665 con số bổn đạo được gần 50.000 sau một nửa thế kỷ truyền đạo. Còn ở Đàng Ngoài, đạo Công giáo "chính thức" có mặt kể từ ngày 19-3-1627, khi hai nhà truyền giáo Pedro Marques (2), người Bồ Đào Nha và Alexandre de Rhodes (ngày nay quen gọi là Đắc Lộ từ năm 1941) người Avignon, đặt chân lên cửa Bạng, Thinh Hoa (Thanh Hóa). Tạm dừng chân ở cửa Bạng hai tuần lễ, nhưng hai giáo sĩ đã rửa tội được 32 người. Tháng 5-1630 hai giáo sĩ rời bỏ Đàng Ngoài, thì đã có 6.700 người tòng giáo (chỗ khác Đắc Lộ tổng cộng được 5.602 người) thuộc nhiều tầng lớp xã hội (3). Trong thập niên 1631-1640, trung bình mỗi năm có trên 8.000 người được rửa tội theo sổ sách của Cardim (4) và Amaral (5) là những người truyền giáo thời đó tại kinh đô Thăng Long đã ghi nhận(6); ví dụ: năm 1631: 5.727 người, năm 1633: 9.797, năm 1635: 8.176, năm 1637: 9.707, năm 1640: 10.507.
Năm 1659 Đàng Ngoài có 340 nhà thờ, nhiều nhất là ở Sơn Nam xứ. Về tân giáo đoàn Đàng Ngoài năm 1663, cha Tissanier ghi nhận n hư sau:
"Thường thường mỗi năm từ 7.000 đến 8.000 người được rửa tội, và người ta thấy qua sổ rửa tội của các nhà thờ, thì từ năm 1627, năm khai sinh cuộc truyền giáo ở Đàng Ngoài, cho đến năm 1663, đã có trên 350.000 lương dân được tái sinh trong nước thanh tẩy; các Giêsu hữu có sáu cư sở (résidences), chẳng có Xứ nào trong vương quốc lại không dựng đền thờ Thiên Chúa chân thật. Số đền thờ này lên tới 386" (7).
Qua những sự kiện trên đây, người ta thấy được người Đàng Ngoài tin theo đạo Chúa nhiều hơn người Đàng Trong. Số bổn đạo Đàng Ngoài gia tăng mau chóng, vì xem ra đạo "mới" này thích hợp với người Việt Đàng Ngoài hơn. Nếu so sánh với các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào, Indonesia cùng trong thế kỷ XVII, cũng thấy đựơc người Đàng Ngoài thời ấy theo đạo Công giáo nhiều hơn. Trong bản báo cáo với Bề trên Cả Dòng mình ngày 2-11-1647, cha João Cabral (8) viết: "Con nhận xét trong cõi phương Đông, chẳng có dân tộc nào có điều kiện thích hợp với Kitô giáo hơn dân tộc Đàng Ngoài. Đó là một dân tộc đơn sơ, ngoan hiền, không vương mắc những thói tật xấu xa, thường làm cho người ta khó thực hành các nhân đức Kitô giáo"(9).
Không kể các lý do siêu nhiên, thì nguyên nhân tự nhiên do văn hóa, như khung cảnh, nếp sống, tín ngưỡng phong tục xã hội… xem ra thuận lợi cho đạo Công giáo, một Công giáo thế kỷ XVII với những "cơ cấu đạo" dễ được Đàng Ngoài chấp nhận hơn Đàng Trong và các dân tộc láng giềng.
Chính cha João Cabral sau khi đi kinh lý giáo đoàn Đàng Ngoài, ngày 12-10-1647 đã báo cáo về Roma như sau (10):
- Người dân Đàng Ngoài tòng giáo chỉ vì phần rỗi linh hồn; họ từ bỏ nếp sống cũ, đến nỗi như trước đây họ chưa theo tôn giáo nào;
- Đàng Ngoài không có giai cấp (castes) và không phải kiêng khem một số đồ ăn như tại Ấn Độ; họ không có những thói xấu như nhiều dân khác;
- Bổn đạo Đàng Ngoài kính trọng các cha khác thường; chẳng gì làm cho họ buồn tủi bằng khi các cha từ chối đồ lỡi (lễ) của họ;
- Bổn đạo Đàng Ngoài yêu thương nhau như anh em.
Trong bản báo cáo của cha Cardim được ấn hành năm 1646 tại Paris, còn ghi nhận thêm mấy lý do khác, làm cho dân Đàng Ngoài dễ theo đạo Công giáo (11):
- Một người vừa "chịu đạo", liền tỏ ra rất nhiệt thành, đi khắp các làng mạc, truyền bá đạo mới cho đồng bào, nhất là cho bà con thân thích;
- Các quan thường đối xử với dân cách kiêu căng, hống hách; nhưng sau khi theo đạo mới, lại tỏ ra nhân từ, đại lượng với dân;
- Khi dân tới cửa quan, phải phục lạy quan sát đất; còn đối với các cha, bổn đạo muốn lạy các cha cũng không cho;
- Đồng bào lương thấy anh chị em bổn đạo tổ chức an táng, giỗ chạp long trọng, thì cho là đạo mới này dạy con người phải rất hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
Sống đạo hết mình
Khoảng trung tuần tháng 4-1627, vì đang phải chỉ huy đại quân gồm 120.000 người đi đánh chúa Nguyễn Phước Nguyên (12) ở Đàng Trong, nên sau khi tiếp đoàn thương gia Bồ Đào Nha cùng hai giáo sĩ Marques và Đắc Lộ (có lẽ trên một khúc sông Đáy), chúa Trịnh Tráng (13) cho hai giáo sĩ tạm trú ở trong một nhà tại An Vực, Thanh Hóa. Nhờ biết tiếng Việt và có nhiều sáng kiến, nên cha Đắc Lộ tiếp xúc thoải mái với dân chúng ở An Vực cùng các làng chung quanh, đặc biệt Vân No, hữu ngạn sông Mã, đối diện với An Vực. Đắc Lộ chỉ tạm ở đây trong hai tháng, vậy mà đã có 200 người được lãnh nhận bí tích rửa tội (14).
Đặc biệt một ông cụ 85 tuổi, Đắc Lộ gọi là Sãi, thông thạo chữ Hán, được dân chúng trong vùng rất kính trọng, xin gia nhập đạo Chúa, mang tên thánh là Gioakim. Nhiều người nam cũng như nữ thấy thế cũng theo gương cụ xin theo đạo. Tuy đã cao tuổi, Cụ rất thích học giáo lý; hằng ngày Cụ có mặt trong nhà hai giáo sĩ ở An Vực để trau giồi kiến thức về đạo. Vào một buổi trưa nọ, Đắc Lộ nghĩ rằng cần phải để Cụ nghỉ ngơi, nên cha đã nhờ một thiếu niên chép lại một số kinh trong đạo dành cho người tân tòng đọc, mà không nhờ Cụ. Cụ liền tỏ ra phiền trách Đắc Lộ đã không nhờ mình là người thông thạo chữ Hán và viết đẹp hơn những người khác. Từ đó Đắc Lộ thường xuyên nhờ Cụ trong thời gian cha còn ở An Vực và Vân No (15). Cụ Gioakim thấy Đắc Lộ phải giảng giải, dâng Thánh lễ, làm bí tích thánh tẩy trong một ngôi nhà quá chật hẹp, nên Cụ dâng cúng ngay một miếng đất gần đó để làm một nhà thờ bằng gỗ theo kiểu địa phương. Dân chúng đóng góp vật liệu như tre, gỗ, còn các thương gia Bồ Đào Nha góp công sức trang trí nhà thờ. Đây là ngôi nhà thờ đầu tiên ở Đàng Ngoài được khánh thành ngày 3-5-1627 mang tước hiệu "Tìm thấy Thánh giá" (16).
Cũng tại An Vực vào khoảng cuối tháng 5-1627, gần ngôi nhà thờ nói trên đây, có một nhóm người phong cùi tụ hợp sống chung với nhau, được Đắc Lộ đến thăm dạy giáo lý làm cho nhiều bệnh nhân tin đạo dễ dàng. Trong số bệnh nhân này, một người tên thánh là Simon, khá thành thạo chữ Hán, nên ông tình nguyện chăm chỉ chép lại các kinh, kể cả Mừơi điều răn, do Đắc Lộ trực tiếp đọc cho Simon chép để học, rồi ông dạy lại cho các bệnh nhân trong nhóm. Chính nhóm người không được may mắn này bị cách ly với đồng bào, chẳng mấy ai dám đến gần, cũng chẳng dám vào Nhà thờ mới dựng gần đó, nên họ tự động dựng một nhà nguyện ngay trong rào trại của họ, cứ ngày Chúa nhật họ đều họp nhau trong nhà nguyện đọc kinh chung trước bức ảnh đạo do Đắc Lộ tặng cho họ (17).
Khoảng 1650, cha João Barbosa ca tụng lòng nhiệt thành đạo đức của bổn đạo Đàng Ngoài, giống như các tập sinh trong một Dòng tu. João Barbosa nhận định cũng tương tự như João Cabral, được Đắc Lộ tóm lược như sau (18):
"Bổn đạo siêng năng đọc kinh chung sáng tối trong gia đình; không bao giờ bỏ việc đọc kinh như thế, trừ khi quá bận rộn và vì những công việc đã hứa hẹn. Vì thế, gia đình nào cũng có bàn độc (bàn thờ) được trang trí bằng những thứ quý nhất tuỳ theo khả năng của họ. Bổn đạo sẵn sàng bớt một vài món cần thiết cho cái ăn, cái mặc, hơn là chịu thiếu bàn thờ. Trên bàn thờ ngoài Thánh giá và các ảnh tượng được làm bằng những chất liệu quý hóa, nghệ thuật, chạm khắc trên ngà, mu rùa, họ còn treo một chiếc bình đẹp đẽ có nước thánh, cùng với tràng hạt Mân Côi, roi đánh tội và một vài thứ khác họ dùng thường xuyên vào việc hãm mình. Một việc đáng ngạc nhiên hơn nữa, đó là bổn đạo có những "bàn thờ nhỏ di động" (oratoires portatifs) mang theo mình khi phải xa nhà; tới nơi nào là họ mở "bàn thờ" ra đọc kinh cầu nguyện sốt sắng.
Nhiều bổn đạo Đàng Ngoài tỏ ra rất tin vào Chúa, nên họ đeo hai Thánh giá, một trên ngực, một trên cánh tay; Thánh giá trên ngực đối với họ như là thuẫn đỡ, còn trên cánh tay như là gươm giáo để chống lại ma quỷ. Ở Đàng Trong, cụ thể tại Thành Chiêm, Hội An, bổn đạo rất thích đeo tràng hạt Mân côi trên cổ, mà đeo ngoài cổ áo, chẳng những vì sùng mộ, mà xem ra như muốn chứng tỏ cho những người khác biết là mình đã theo đạo Đức Chúa Blời đất. Vào năm 1625, các quan chức Quảng Nam dinh tỏ ra không ưa đạo Hoa Lang, vì cho rằng đó là đạo mọi rợ, ngoại lai, làm cho con người mất lòng yêu kính, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Trước tình trạng này, các thừa sai phải yêu cầu bổn đạo đừng đeo ảnh Thánh giá và tràng hạt ngoài cổ áo. Nhưng bổn đạo cho rằng làm như thế là hèn nhát, không xứng đáng với "con nhà có đạo". Các cha phải giải thích là đạo không ngăn cản người ta can đảm, mà chỉ ngăn cản kẻ càn dở. Bổn đạo nghe ra, chịu theo lời các cha".
Cha Đắc Lộ phải thốt lên khi thấy tâm hồn trong trắng và đạo đức của bổn đạo Đàng Ngoài trong việc xưng tội rứơc lễ: "Tôi phải thành thực nói là chẳng gì làm tôi cảm động khi thấy trong vương quốc này có bao nhiêu bổn đạo là dường như có bấy nhiêu thiên thần. Trước ngày rước lễ, họ ăn chay đánh tội; nếu tôi không ngăn cản thì họ rước lễ hơn một lần trong tuần (19). Mỗi khi dọn mình xưng tội họ khóc lóc như là mình đã phạm nhiều tội lớn lao; tuy nhiên tôi có thể nói rằng, khi giải tội cho họ, tôi thường thấy không có đủ chất liệu (matière) để giải tội, chẳng những là đối với một số ít người mà có khi đối với cả một xóm đạo"(20).
Đầu tháng 3-1640 Đắc Lộ ra Huế, sau hơn 14 năm trời vắng mặt ở xứ "yến sào trầm hương" Đàng Trong, bái yết chúa Nguyễn Phước Lan với nhiều lễ phẩm quý giá, làm Ngài rất hài lòng. Được tin cha Đắc Lộ tới, bà Minh Đức Vương thái phi liền cho mời cha vào dinh bà. Tại đây Đắc Lộ làm việc bất kể ngày đêm, gặp gỡ bổn đạo, dâng Thánh lễ mỗi ngày trong dinh bà Minh Đức. Bổn đạo ùn ùn kéo đến, không sợ hãi nhờ uy tín cùng vai vế của Bà. Các ngày lễ, cha phải dâng nhiều Thánh lễ mới đáp ừng được nhu cầu số đông bổn đạo. Tuần thánh năm 1640 được cử hành long trọng, sốt sáng trong chính nhà nguyện của bà Minh Đức. Bổn đạo tham dự Tuần thánh cảm động đến nỗi sau này Đắc Lộ phải ghi nhận: "Tôi xin thành thật thú nhận rằng, tại đây chứ không phải ở châu Âu, người ta cảm nghiệm được cuộc thương khó của Chúa chúng ta"(21). Trong 35 ngày ở kinh thành, Đắc Lộ làm phép Thanh tẩy cho 94 người, trong đó có 3 bà tôn thất, họ hàng gần với chúa Thượng, được rửa tội trong chính ngày lễ Phục sinh 8-4-1640.
Đến năm 1644, Đắc Lộ lại có mặt ở Kim Long, Huế, được vào tiến lễ chúa Nguyễn Phước Lan. Vừa xuất hiện tại đây, người ta đã phóng tin nhanh chóng, nên anh em kéo đến hàng đoàn lũ, làm cho cha phải ái ngại về phía chính quyền, yêu cầu họ giải tán ngay, sau này sẽ tới gặp cha. Đêm đến bổn đạo chèo thuyền đón cha (vì chúa Nguyễn lệnh cho cha phải ở trên thuyền của cha, chiếc thuyền đã chở cha từ Hội An đến Huế) về nhà một quan võ là Gioakim Huidue (Huy Duệ?) để rửa tội cho 200 người, liền đó cha cử hành Thánh lễ. Số người tham gia đông đúc, nhà quan không thể chứa hết, người ta phải tràn cả ra sân, ra vườn. Không được phép ở Kim Long lâu hơn, nên sau khi lén lút cửa hành Lễ Lá vào đêm 20-3-1644 trong nhà nguyện bà Minh Đức, Đắc Lộ về Hội An, Thành Chiêm ngày thứ tư Tam nhật thánh để cử hành nghi lễ Tuần thánh. Cả xứ Đàng Trong mấy năm đ1o chỉ có một linh mục là Đắc Lộ, nên bổn đạo từ xa xôi tuốn về dự lễ. Tấm lòng của bổn đạo Thành Chiêm làm Đắc Lộ hết sức xúc động, nên cha đã ghi lại như sau: "Tất cả những gì tôi thấy ở Châu Âu, không cho tôi được một tình cảm đạo đức như khi tôi ở đây; quả thật đáng phải ca tụng" (22).
Ngày thường, bổn đạo cũng sốt sáng tham dự Thánh lễ. Đặc biệt ngày Chúa nhật, họ đến Nhà thờ từ sáng sớm nếu ở xa Nhà thờ 3, 4 dặm. Những người ở xa hơn thì phải đi lễ từ chiều thứ bảy. Khi không có Thánh lễ, như hồi hai giáo sĩ Marques và Đắc Lộ bị quản thúc tại gia bắt đầu ngày 28-5-1628, bổn đạo Thăng Long có sáng kiến phân chia thành sáu khu, để ngày Chúa nhật và cả ngày thường họ tập hợp chung trong một nhà tư nhân cùng nhau đọc kinh bù lại Thánh lễ.
Từ ngày hai giáo sĩ trên đây bị ngăn cách với giáo đoàn theo lệnh chúa Trịnh Tráng, trong hai tuần lễ đầu tiên đôi bên không thể liên lạc với nhau. Bổn đạo không được bước vào ngôi Nhà thờ rất quen thuộc, dù Nhà thờ đầu tiên này ở kinh đô mới được dựng lên vào cuối năm 1627, do chính chúa Trịnh chẳng những cho phép mà còn cấp vật liệu và cho thợ đến làm theo mẫu hai giáo sĩ phác họa (23). Nhưng "vỏ quýt dày móng tay nhọn", bổn đạo đã liều lĩnh liên lạc với hai cha bằng mấy cách sau đây: thứ nhất là một số người cải trang thành kẻ ăn xin, mặc quần áo rách rưới xin lính gác cho vào kiếm cơm hai giáo sĩ; thứ hai vì nhà ở của hai giáo sĩ làm liền với mấy cha bên cạnh lại là nhà của bổn đạo, nên họ bí mật khoét một chỗ (vì nhà vách đất) để họ đến gặp hai cha, hơn nữa ban đêm Đắc Lộ đánh liều qua lỗ đó sang nhà bên cạnh giảng dạy cho một ít người. Chính nhờ những cách trên, Đắc Lộ viết thư an ủi bổn đạo và gửi các bài giảng dạy cho họ. Nhận đựơc người ta chép thành nhiều bản để đọc cho bổn đạo tập hợp âm thầm trong sáu khu (24).
Việc quản thúc xem ra không nghiêm ngặt lắm, vì có lần chúa Trịnh cho phép Đắc Lộ đi làm lễ an táng long trọng cho một viên quan là bổn đạo chết do bất cẩn khi bắn súng đại bác trong một dịp lễ tổ chức tại kinh đô. Nhận thấy tình hình bớt căng thẳng, nên sau 4 tháng trời gặp gỡ bổn đạo bằng những cách nguy hiểm cho bản thân họ như trên, bây giờ chính Đắc Lộ ban đêm lẻn ra ngoài gặp bổn đạo, để giảng dạy, rửa tội, giải tội và dâng Thánh lễ, theo lời yêu cầu và sắp xếp của bổn đạo.
Tất cả những việc trên chứng tỏ lòng nhiệt thành sốt sáng của bổn đạo thời kỳ đầu tiên, bất chấp mọi nguy hiểm. Thực tế trong hoàn cảnh ấy, với phong cách tín ngưỡng được biểu lộ như vậy xem ra làm cho "Đạo ta" cũng có cái gì khác với "Đạo Tây"! Đọc kinh, xem lễ, xưng tội, rước Mình Thánh Chúa là những thứ họ khao khát, dù về mặt thông hiểu "lẽ đạo" thì còn kém là cái chắc! Phải công nhận rằng, bổn đạo thời xa xưa đã sống Lời Chúa trọn vẹn trong việc kính Chúa yêu người. Phải nói là các vị ấy đã sống đạo chứ không phải chỉ giữ đạo, bằng cớ là nhiều nhà truyền giáo đầu thế kỷ XVII ở Đàng Ngoài đã khen "đứt lưỡi" về lòng thương yêu nhau của anh chị em bổn đạo. Chính trong bản báo cáo dài 98 trang khổ lớn của cha Gaspar d'Amaral viết bằng tiếng Bồ Đào Nha từ kinh đô Thăng Long ngày 31-12-1632 gửi cha André Palmeiro (25) ở Macao, chẳng những thuật lại những kết quả truyền giáo lớn lao, mà còn ghi nhận rằng "người lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạo yêu nhău" (26). Tuyệt vời! Mặc dầu đây là bản văn tiếng Bồ Đào Nha, nhưng tác giả có chêm một số chữ Quốc ngữ như đạu, yêu nhău (ley de amar), đàng ngoày, đàng tlão, đàng tlên…, là thứ chữ Palmeiro chẳng hiểu gì, cả đến người Việt cũng chưa biết.
Bổn đạo truyền giáo
Không phải bổn đạo xưa chỉ theo đạo, giữ đạo cho riêng mình, mà nhiều người còn đem Tin Mừng đến cho những người xung quanh, là họ hàng thân thuộc, hàng xóm láng giềng. Họ là những người trong vương tộc, là quan quyền, là thường dân… đã đại lượng, can đảm vượt nhiều thử thách đem Chúa đến cho đồng bào mình. Họ là những người thuộc dòng giống dân tộc Việt Nam anh hùng, thừa hưởng bao nhiêu tính tốt của giống nòi, trong đó có tính can đảm, hy sinh vì đại nghĩa để bảo vệ và phát triển những gì là cao quý. Cho nên, khi theo "đạo mới" rồi, thì đa số vẫn kiên trì với niềm tin và mạnh dạn giới thiệu cho những người khác.
Bà Minh Đức Vương thái phi (27) đã được cha Francisco de Pina (28) rửa tội vào một đêm năm 1625 tại kinh đô Đàng Trong (lúc đó là Phước Yên chăng?). Bà là phi của chúa Nguyễn Hoàng (1525-1613) và có lẽ thuộc cấp phi cao nhất là Vương quý phi. Ngay khi chịu phép Thánh tẩy, bà đã phải giấu người con độc nhất của Bà là ông Hoàng Nguyễn Phước Khê. Vì lý do chính trị, tôn giáo, mà nhất là chính trị, nên ngày 20-2-1645 ông Khê ra lệnh phá bình địa nhà nguyện của bà Minh Đức, dù ông là người rất có hiếu với mẹ. Bởi ông muốn đánh tan việc chúa Nguyễn Phước Lan (29) nghi ngờ mẹ con ông âm mưu lật đổ ngài, do việc Đắc Lộ đến nhà nguyện của Bà ban đêm cử hành Lễ Lá ngày 20-3-1644. Nhà chúa cho rằng Đắc Lộ là thầy địa lý biệt tài với cái nghề "khán phong thủy âm dương" tìm đất tốt chôn bà sau này hầu có được thứ "mả phát quan", nên Hoàng Khê (30) phải làm công việc "thất đức" trên đây, sẵn sàng chịu mang tiếng "bất hiếu" với mẹ, nhưng giữ được lòng trung quân với chúa, coi trọng việc nước hơn việc nhà.
Bà Minh Đức là người rất sùng đạo. Từ khi theo đạo Đức Chúa Blời đất, bà dùng uy tín của mình mà nâng đỡ bổn đạo, che chở các nhà truyền giáo khi gặp khó khăn. Chính Đắc Lộ đã viết về bà Minh Đức (tên thánh là Maria Madalena) như sau: "Bà Maria Madalena là chỗ nương tựa của tân giáo đoàn này; gương sáng và uy tín của bà đã làm cho nhiều người lương dân cải đạo cách lạ lùng, và sau khi chịu phép rửa, nhờ bà họ giữ vững lòng đạo đức… Bà dành một nhà trong dinh của mình làm nhà nguyện đẹp đẽ, được bảo trì hết sức hoàn hảo, là nơi sáng tối bà cầu nguyện. Bà còn để cho bổn đạo chung quanh tập hợp trong đó đọc kinh xem lễ, mà không ai dám phản đối gì. Ngoài ra bà còn thuyết phục nhiều người nổi tiếng khắp nước theo đạo Chúa, trong số này có cả những người thuộc vương tộc" (31). Có lẽ Ngọc Liên công chúa sau này theo đạo Đức Chúa Blời đất là do Minh Đức dạy dỗ, hay ít ra cũng được ảnh hưởng của Minh Đức là người xét theo vai vế họ hàng, thì Ngọc Liên phải gọi bằng Bà (32). Vào năm 1646, khi cha Saccano (33) đang có mặt tại Kim Long, lúc đó là Vương phủ của chúa Nguyễn, thì chính bà Minh Đức mời cha đến nhà nguyện trong dinh của bà để ban phép Thánh tẩy cho hai cháu của bà sau khi bà đã dạy giáo lý cho các cháu.
Ngọc Liên (34), công chúa của Sãi vương Nguyễn Phứơc Nguyên như chúng tôi vừa nhắc ở trên, công chúa được ảnh hưởng rất nhiều của bà Minh Đức vương thái phi về mặt tôn giáo. Ngọc Liên theo chồng là tướng Nguyễn Phước Vinh về ở tại Phú Yên năm 1629, vì từ năm đó chúa Nguyễn đã mở rộng biên thuỳ tới đây lập ra trấn biên dinh, trao quyền cai trị cho Nguyễn Phước Vinh. Ngọc Liên được chịu phép Thánh tẩy năm 1636, thánh hiệu Maria Madalena, sau khi chứng kiến một cuộc tranh luận công khai do tướng Nguyễn Phước Vinh chủ tọa về bói toán và ba hồn bảy vía giữa ông Giêrônimô (Tập ?) và một người khác tin vào những điều trên. Ngay sau khi theo đạo Chúa, Ngọc Liên cho làm một nhà nguyện trong dinh của bà ở Phú Yên và bổn đạo có thể vào đó đọc kinh cầu nguyện. Năm 1641, cha Đắc Lộ ở trong dinh của Tướng Vinh 4 ngày để giảng đạo và làm phép Thánh tẩy cho 90 người trong số này có cậu Anrê Phú Yên. Thời gian ở Phú Yên, Ngọc Liên công chúa dạy đạo cho nhiều người, nên năm 1641, khi Đắc Lộ đến đây đã làm phép Thánh tẩy cho 1.355 người. Từ năm 1643, tướng Vinh về hưu tại Thành Chiêm, Ngọc Liên công chúa cũng theo về. Khi ông qua đời 1645, công chúa đến ở Hội An. Tại đây, chẳng những Ngọc Liên lo truyền giáo trực tiếp mà còn lập nhà thương xót (gọi tắt là nhà thương) nơi nương náu cho những người nghèo khổ, neo đơn; đằng khác công chúa còn cung cấp lương thực cho 12 thầy giảng lúc đó.
Bà Catarina, theo cha Đắc Lộ ghi nhận là người nổi bật nhất và là người thứ nhất trong nhóm người ở Thăng Long năm 1627-1628 nhận lãnh bí tích rửa tội với một đức Tin mạnh mẽ. Không rõ tên tuổi của bà, chỉ biết bà là người chị em (soeur) với chúa Trịnh Tráng. Bà mang tên thánh Catarina để trở nên giống thánh Catarina về lòng đạo đức và nhiệt thành. Bà thông thạo chữ Hán, lại có tài văn thơ. Bà cũng nói cho mẹ bà biết việc bà theo đạo Đức Chúa Blời đất và xin mẹ mình cũng theo đạo này. Bà mẹ khá thông thạo chữ Hán và rất sùng đạo cũ; chính các vị Sư sãi cũng gọi bà là Thầy, tức là vị Tôn sư, vì bà có tài dạy đạo cho người khác. Nghe lời con, tức là bà Catarina, bà mẹ theo đạo mới, lại còn sùng đạo hơn trước. Chính bà đã giảng dạy và thuyết phục được nhiều bà quý phái khác sống theo đạo Đức Chúa Blời đất.
Riêng bà Catarina, chẳng những mộ mến đạo Chúa hết lòng, giảng đạo cho người, chung quanh và đưa 17 người trong vương tộc vào đạo, mà còn trở thành "nhà văn Công giáo" đầu tiên ở Thăng Long, vì bà đã sáng tác 2 loại bằng văn thơ: một loại là giáo lý, thuật lại từ việc Thiên Chúa tạo thành vạn vật đến khi Chúa Giêsu sinh ra, truyền giáo Tin Mừng, cuộc thương khó, phục sinh và thăng thiên của Ngài. Ở phần cuối, Catarina thêm một loại khác, đó là kể lại việc hai giáo sĩ Marques và Đắc Lộ bắt đầu truyền giáo ở Đàng Ngoài. Theo chúng tôi hiểu, loại trước có lẽ được diễn tả bằng thơ lục bát, loại sau dưới hình thức vè. Nhờ các bài thơ, vè này mà anh chị em tân tòng học thuộc giáo lý nhanh chóng, qua việc ngâm nga trong nhà, khi đi đường, lúc lao động nhẹ như hái dâu, làm cỏ, giã gạo. Cả đến một số đồng bào chưa theo đạo Chúa cũng sử dụng những bài thơ, vè trên vì loại văn thơ này rất thích hợp với họ (35). Tiếc rằng ngày nay chúng ta không có một bản thơ, vè nào trên đây, để nhận định rõ ràng hơn nội dung giáo lý và thi văn.
Nói về vấn đề có tính cách "văn bản" này, người ta không thể quên được một việc quan trọng do bổn đạo (không phải do các nhà truyền giáo người nước ngoài) đã thực hiện ngay từ khoảng năm 1629 tại Thăng Long. Đó là vào thời kỳ hai giáo sĩ bị quản thúc, một nhóm bổn đạo ở kinh đô có sáng kiến in lịch Công giáo, ghi lại các ngày lễ Chúa nhật, lễ trọng, ngày ăn chay trong năm, để chẳng những bổn đạo kinh đô dùng mà còn gửi đi khắp cả nước. Chắc rằng Lịch trên đây chẳng nhiều trang giấy như ngày nay, nhưng một điều quan trọng là thời ấy đã in lịch Công giáo (36). Thực ra khoảng năm 1620 Đàng Trong đã có sách giáo lý (có lẽ bằng chữ Nôm), nhưng không tài liệu nào nói đến việc in ấn. Còn tập Lịch này, dù nhỏ bé đi nữa nhưng đã được in ấn, sự thường theo phương thức mộc bản.
Nhiều người sau khi biết Chúa rồi, mạnh dạn nói cho người khác nghe: Bà Anna (không biết tên Việt) đã làm cho chồng mình là viên quan cai trị Xứ Đông (vùng Hải Dương) theo Chúa, chẳng những thế mỗi lần về kinh đô thay cho chồng lo một số việc, bà cũng dẫn về một số người sẵn sàng chịu phép Thánh tẩy; cậu Lino (không biết tên Việt) 17 tuổi, sau khi theo Chúa cũng làm cho chính cha nuôi cậu là một võ quan cùng mọi người trong nhà quan được rửa tội. Đặc biệt, một ông Từ ở Vu Xa (Vũ Xá, Ngũ Xá?) cách Thăng Long chừng hơn một ngày đàng, được một bà phi của chúa Trịnh Tráng giao trách nhiệm bảo vệ từ đường rất đẹp của bà (sau khi chết bà sẽ được thờ cúng tại đó). Khi nghe Đắc Lộ giảng, ông Từ quyết bỏ việc trên đây, vì tham dự vào hành vi mê tín. Theo Chúa, ông mang tên thánh là Antôn và vợ là Paula. Bà phi kia tức giận, lệnh cho quan địa phương của ông Antôn trói ông vào cột nơi công cộng, đánh đòn. Bỏ từ đường, cả hai ông bà càng hăng say truyền đạo, ông thì dạy cho nam giới, bà dạy cho nữ giới. Mỗi lần về kinh đô là ông dẫn theo lúc thì 20 người, lúc 30, có lần tới 80 người để chịu phép Thánh tẩy, trong số này khá đông người biết chữ Hán hơn ông.
Tin Chúa, sùng đạo, nhiệt thành với sinh hoạt tôn giáo đã vậy, bổn đạo Việt Nam xưa còn đứng ra lãnh trách nhiệm liên lạc trực tiếp với Đức thánh cha qua thư từ, không thụ động, không "khoán trắng" cho các thừa sai người nước ngoài những gì họ có thể làm được.
Bằng chứng là, ngày 15-7-1640 bổn đạo Đàng Trong đã dâng một tờ biểu lên Đức thánh cha Urbanô VIII (37), nội dung như sau: Từ khi các thầy Dòng Đức Chúa Giêsu đến truyền giáo trong xứ này đã 26 năm số bổn đạo hiện nay là 15.000, nhưng chưa ai lãnh nhận bí tích Thêm sức. Vậy, cúi xin Đức thánh cha ban phép cho thầy nào trong số các thầy ở đây được làm phép thêm sức cho bổn đạo, để họ trở thành chiến sĩ Chúa Kitô trọn vẹn hơn, hầu trung thành chiến đấu trong cuộc chiến Đức tin. Những dòng đầu tiên tờ biểu ghi rõ ràng: "Petrus, Andreas, Joannes et reliqui Cocincinenses Christiani ad Sanctitatis Vestrae Pedes prostramur venerabundi" (Phêrô, Anrê, Giuong và các bổn đạo Đàng Trong kính cẩn sấp mình dưới chân Đức thánh cha…) Cuối thư đề rõ là: "E Cocincinae regno et civitate Caciam Idibus Julli anni 1640" (tại Thành Chiêm – Kẻ Chàm – vương quốc Đàng Trong, ngày 15-7-1640). Ba vị đại diện bổn đạo trên đây chỉ được ghi bằng tên thánh, nhưng có thể đó là ông Phêrô Ki, đậu "sinh đồ", đã làm quan dưới quyền ông Hoàng Nguyễn Phước Khê, đứng đầu giáo đoàn ở kinh đô, tử đạo 27-1-1665 tại Huế; Anrê Sơn, người đã bị tống giam trong ngục vì đức tin tại Thành Chiêm cùng với thầy Anrê tháng 7-1644, nhưng được tha vì đã 73 tuổi; Giuong Cầy Trâm, tức Giuong Ketlam hoặc Giuong Vưang, là thầy dạy học, viết sách về Chúa và các thánh, đặc biệt cuốn Sách ngắm sự Đức Chúa Giêsu ăn chay 40 đêm ngày ở trên rừng, tử đạo tại Thành Chiêm ngày 11-5-1663, lúc 73 tuổi" (38). Theo chúng tôi nghĩ sáng kiến tờ biểu này là do cha Đắc Lộ, nhưng cha không đứng ra thay mặt giáo đoàn Đàng Trong viết, mà muốn anh em bổn đạo trực tiếp bày tỏ bằng giấy trắng mực đen. Sự thường tài liệu này được viết bằng chữ Hán, không phải chữ Nôm, càng không phải chữ Quốc ngữ, rồi được Đắc Lộ phiên dịch sang La ngữ như chúng ta còn nhận ra nét chữ của cha trong tài liệu trên. Sau đó cả hai bản đều được gửi về Roma, nhưng chúng tôi không có bản chữ Hán, chỉ có bản La ngữ, nên đã dựa theo đó mà trình bày (39).
Một tài liệu khác chứng tỏ vào mấy năm đầu truyền giáo, bổn đạo Đàng Ngoài cũng liên lạc thư từ trực tiếp với Đức thánh cha Urbanô VIII và cha Bề trên Cả Dòng Tên Mutio Vitelleschi (40), nội dung chính là xin các ngài giúp đỡ cách nào để nhiều người trong nước được nhận biết thờ phượng Thiên Chúa. Ở đây chúng tôi xin ghi lại theo tờ biểu bằng chữ Hán gồm 205 chữ trong 14 cột, viết trên giấy bản phổ thông, đệ lên Đức thánh cha Urbanô VIII năm 1630 (viết khoảng tháng 4 đầu tháng 5-1630) (41), do dịch giả Lê Kim Ngọc Tuyết phiên dịch sang tiếng Việt như sau:
"Thần và các bổn đạo nước An-nam, bái tạ Thiên địa Thân Chủ, mà viết thư này kính cẩn tấu lên đấng thay Chúa Giêsu chí thánh phụng sự.
"Thiên Chúa đã phái các Tôn sư giáo hóa muôn nước, duy nước An-nam hẻo lánh, từ xưa đến nay chưa được nghe chính đạo, nay may mắn thấy hai vị thầy Hoa Lang từ phương Tây không ngại sóng gió, nguy hiểm mà đến thẳng nước tôi, thừa lệnh Thiên Chúa giảng đạo, khuyên người, nên nước tôi hân hoan mộ mến chịu theo đạo được hơn năm ngàn, số còn lại muốn học càng nhiều. Nhưng vua thần nứơc tôi còn chưa thông hiểu, nên hết lời phỉ báng mà nói rằng, lúc đầu chưa có, nay từ đâu mà được. Duy độc nhất một mình lòng bổn đạo không nghi ngờ và hai ý, một mực thành kính, nên viết thư này tấu lên Chí thánh.
"Xin lòng chân tình đại từ bi của ngài cứu nước nhỏ bé chúng tôi, dùng kế gì khiến người giàu sang phú quý cũng như kẻ nghèo hèn bần tiện được đạo thánh, bỏ hết các nẻo đường khác để thoát cảnh trầm luân mà được hưởng phúc đức, thì sự ban cho có dư vậy.
"Thần và các bổn đạo cúi đầu, dập đầu kính cẩn tấu lên.
"Thư này, từ Thiên Chúa giáng sinh đến nay một ngàn sáu trăm ba mươi năm".
Tài liệu không ghi rõ tên người đứng ra làm tờ biểu, nhưng chúng tôi chắc chắn là của bổn đạo Đàng Ngoài soạn thảo gửi lên Đức thánh cha vào năm 1630 nhờ cha Đắc Lộ khi về Macao chuyển đi. Chính cha Đắc Lộ đã phiên dịch sang La ngữ chuyển về Roma, rồi cho in năm 1652, còn cha Albi dịch sang Pháp ngữ in năm 1651 (42). Tờ biểu được soạn thảo vắn tắt, nhưng rất tha thiết thành khẩn theo cách diễn tả của bổn đạo đang lâm cảnh bơ vơ, vì vào đầu tháng 5-1630, tất cả 4 nhà truyền giáo đều phải ra khỏi Đàng Ngoài về Macao; đó là các linh mục: Pedro Marques, Alexandre de Rhodes, Gaspar d'Amaral và Paulo Saito.
Lòng nhiệt thành của bổn đạo Việt Nam mấy chục năm đầu truyền giáo, không phải chỉ ở chỗ mộ mến đạo, tin đạo, theo đạo, giữ đạo, sùng đạo, truyền đạo, nhưng còn dám can đảm "từ bỏ thế gian" và những quyến rũ thường tình của danh vọng, chức quyền, giàu sang, để hiến dâng cả cuộc đời phụng sự Chúa và phục vụ con người trong Tu hội Thầy giảng và Dòng Mến Thánh Giá. Tu hội được thành lập tại Đàng Ngoài ngày 17-4-1630 với ba con người tân tòng là Phanxicô Đức, Anrê Tri, Inhã Nhuận và tại Hội An, Đàng Trong ngày 31-7-1643 với 10 thầy giảng, trong số này có thầy Inhã, Anrê Phú Yên và Vinh Sơn. Về phía nữ, ngay vào khoảng 1640-1646 cùng có ba cô Monica, Nympha và Vitta sống chung với nhau một nhà khấn hứa trọn đời khiết trinh (43); có thể nói được đó là "tiền thân" của Dòng Mến Thánh Giá, mà sau này khi Đức cha Lambert đến Đàng Ngoài đã chính thức sáng lập vào ngày 19-2-1670 với hai nữ tu đầu tiên là Phaola và Inê, rồi khi ngài tới An Chỉ, Đàng Trong cuối năm 1671 cũng đã sáng lập Dòng Mến Thánh Giá tại nhà bà Luxia Kỳ, cùng một luật Dòng như Mến Thánh Giá Đàng Ngoài. Đến cỡ đó mà không được coi là nhiệt thành hay sao?
Chẳng những thế, ngay từ đầu đã có những bổn đạo như ông Phanxicô dù mới theo đạo được hai năm, nhưng can đảm thi hành đức ái triệt để "chôn xác kẻ chết", vác xác đi chôn những người chết không nhà cửa, mà ông lại là người khiêng kiệu cho một quan lớn. Viên quan cho rằng nếu Phanxicô cứ vác xác người chết mà còn khiêng kiệu, thì làm nhơ bẩn cho quan, nên ra lệnh cấm ông chôn xác chết. Không tuân lệnh, nên Phanxicô bị quan đánh đòn, tống giam trong ngục, sau cùng quan tìm cách chém đầu Phanxicô. Đó là vào thời điểm 1630!
Sau khi thầy giảng Anrê Phú Yên chết vì đức tin tại Thành Chiêm ngày 26-7-1644 (được tôn vinh Chân phước ngày 3-5-2000), Trấn thủ Quảng Nam dinh phái viên quan xuống Phủ Quy Nhơn, truyền lệnh cho các bổn đạo phải ra thú nhận đã theo đạo Hoa Lang và phải từ bỏ đạo này, không tuân lệnh sẽ bị phạt. Thế mà không đầy một ngày, 700 bổn đạo kéo đến khai tên tuổi, tuyên xưng đức tin. Quá nhiều, viên quan chỉ chọn có 36 người trói lại giải về Thành Chiêm nộp cho Trấn thủ. Vì những lời đe dọa của quan, làm cho một ông già sợ chết, sợ mất của nên đã chối đạo; còn lại 35 người kia kiên trì trong Đức tin nên bị tống ngục. Đựơc tin, cha Đắc Lộ ban đêm lẻn vào tù thăm họ, sau khi bổn đạo đã khéo léo liên lạc được với lính canh giữ tù. Gặp nhau cha con thật mừng rỡ, "ở trong tù mà như trên Thiên Đàng", mọi người đều quỳ gối tạ ơn Chúa, rồi tất cả đều xưng tội với cha, dự Thánh lễ, rước Mình Chúa. Trước khi trời sáng, Đắc Lộ thoát ra ngoài. Sau cùng, quan tha cho 29 người về nhà, chỉ giữ lại 6 người, đóng gông, đánh đòn nơi công cộng trong Thành Chiêm (Cacham, KeCham), rồi cũng tha về. Như thế mà không gọi là nhiệt thành, là anh hùng đức tin sao được?
Lướt qua mấy bằng chứng trên đây, đủ cho thấy bổn đạo Việt Nam ngay từ thời kỳ đầu truyền giáo, đã rất vững vàng trong Đức tin.
Rõ ràng là nhờ các nhà truyền giáo nước ngoài đã hy sinh, bỏ quê cha đất tổ, vượt bao khó khăn, nguy hiểm, dám từ bỏ cả mạng sống, để nhắm một mục đích cao cả, vô vị lợi, là giới thiệu Tin Mừng với xã hội và con người Việt Nam. Nhưng Tin Mừng được lan rộng nhanh chóng và dần dần ăn rễ sâu trên mảnh đất này còn tuỳ thuộc vào những đóng góp lớn lao hoặc âm thầm của ngàn vạn bổn đạo. Thử hỏi, nếu bổn đạo không nhiệt tình truyền bá Tin Mừng, nếu không có các thầy giảng lăn xả vào việc bảo vệ và phát triển Tin Mừng đã được các nhà thừa sai gieo trồng, không có các nữ tu Mến Thánh Giá lặng lẽ qua các thôn xóm làm việc từ thiện phước đức, thì liệu có được một Giáo hội Việt Nam như ngày nay không?
Chú thích
(1) Bản dịch tờ biểu sang La ngữ do chính chữ cha Alexandre de Rhodes, hiện lưu trữ tại Archivum Romanum Societatis Iesu, Jap-Sin 68, tờ 47.
(2) Pedro Marques (1577-1657) sinh năm 1557 tại Mourão, Evora, Bồ Đào Nha (khác với cha Pedro Marques người Nhật (1613-1670 ?) cũng truyền giáo ở Đàng Trong); đi Đông Á 4-4-1600 khi đó chưa làm linh mục; ở Nhật từ 1609 tới 1614 bị chính quyền trục xuất về Macao; 16115-1616 ở Vịnh Lung (Udong), Campuchia; đầu năm 1618 đến cửa Hàn; 1626 về Áo Môn; 1627 tới cửa Bạng; 1630 bỏ Đàng Ngoài; 1631-1635 ở đảo Hải Nam; qua đời tại Nhật 12-6-1657.
(3) Alexandre de Rhodes, Divers voyages et missions, Paris 1653, tr.95
(4) António-Francisco Cardim (1596-1659) sinh khoảng 1596 tại Bồ Đào Nha; học thần học tại Goa, rồi được thụ phong linh mục tại đây; năm 1631 đến Đàng Ngoài cùng chuyến tàu với Gaspar d'Amaral; hơn năm sau về Macao làm viện trưởng Học viện Macao từ 1632-1636; qua đời tại Macao 30-4-1659; cha mẹ A.F.Cardim có 10 người con thì hết 9 người đi tu Dòng.
(5) Gaspar d'Amaral (1592-1646) sinh tại Curvaceira, Bồ Đào Nha; truyền giáo ở Đàng Ngoài lần 1: 1629-1630, lần 2: 1631-1638; bị chết đắm tàu ở vịnh Bắc Bộ 26-2-1646 khi từ Macao đi Đàng Ngoài; vào năm 1632, Amral có trình độ tiếng Việt và phương pháp ký âm tiếng Việt sang mẫu tự abc hơn A.de Rhodes những năm đó.
(6) A.F.Cardim và F.Barreto, Relation de ce qui s'est passé depuis quelques années… Paris 1646, tr.76; - Gaspar d'Amaral, Anua do reino de Annam do anno 1632, trong Archivum Romanum Societatis Iesu Jap-Sin.85, tờ 125 mặt trước.
(7) Joseph Tissanier, Relation du P.Joseph Tissanier, son voyage de France au Tonkin (1654-1658) Paris 1663, trong F.de Montézon et É.Estève, Voyages et travaux des missionnaires de la Compagnie de Jésus, Paris 1858, tr.197-198
(8) João Cabral (1598-1669) sinh tại Celorico da Beira, Bồ Đào Nha; đi truyền giáo từ 1624; đến Népal, Sri Lanka, Goa, Malacca; 1647 kinh lý xứ truyền giáo Đàng Ngoài; qua đời 4-7-1669 tại Goa.
(9) F.de Montézon et É.Estève, Voyages et travaux des missionnaires de la Compagnie de Jésus, Paris 1858, tr.57
(10) S.De. Lacroix: Histoire universelle des missions catholiques, T.H,Paris 1957, tr.67-68
(11) A.F.Cardim, Relation, sđd, tr.76-77
(12) Nguyễn Phước Nguyên tức Sãi vương (1563-1635) sinh 1563, nối quyền cha là chúa Nguyễn Hoàng, cai trị Đàng Trong từ 1613 đến khi qua đời là năm 1635.
(13) Trịnh Tráng tức Thanh đô vương (1575-1657) sinh 1575, nối vị cha là Trịnh Tùng, cai trị Đàng Ngoài từ 1623 cho đến khi qua đời lúc 8 giờ tối 26-5-1657 tại Thăng Long.
(14) A.De.Rhodes, Histoire du royaume de Tunquin, Lyon 1651, tr.150.
(15) Có lẽ đây là sách kinh bằng chữ Nôm do cha F.de Pina soạn ở Hội An khoảng 1620-1625?
(16) A.De.Rhodes, Histoire du royaume de Tunquin, sđd tr.138-140.
(17) A.de Rhodes, như trên, tr.145-146
(18) A.de Rhodes, như trên, tr.323-324.
(19) Thời đó Giáo hội chưa ban phép rước lễ hằng ngày.
(20) Alexandre de Rhodes, Divers voyages et missions, Paris 1653, tr.100-101.
(21) A.de Rhodes, như trên, tr.122
(22) A.de Rhodes, như trên, tr.172
(23) Có lẽ ngôi nhà thờ này cùng nhà hai giáo sĩ Marques và Đắc Lộ tọa lạc gần đền Bà Kiệu và cầu Thê Húc đền Ngọc Sơn bên bờ Hồ Hoàn Kiếm. Ngày 29-5-1941 hồi 5 giờ chiều, Hà Nội long trọng khánh thành bi đình Đắc Lộ do kiến trúc sư Joseph Lagisquet phác họa (người đã vẽ nhiều kiểu biệt thự Đà Lạt), xoay mặt về hướng Nam, để ghi nhận công trình hoàn thành chữ quốc ngữ và cho xuất bản 3 cuốn sách quốc ngữ đầu tiên (ấn hành tại Roma năm 1651). Khoảng năm 1957, chính bia đá A lịch sơn Đắc Lộ được cất vào viện bảo tàng Hà Nội, chỉ còn cái "đình" bốn mặt trống rỗng; cuối cùng, khoảng năm 1982, ngôi "đình" bị phá bỏ hoàn toàn thay vào đó là đài chiến sĩ vô danh.
(24) A.De.Rhodes, Histoire du royaume de Tunquin, sđd tr.217. Cha Đắc Lộ ghi lại như thế, nhưng không rõ cha viết bằng thứ chữ nào? Theo chúng tôi nghĩ, cha chưa thể viết bằng chữ quốc ngữ được, vì lúc ấy chữ quốc ngữ abc chưa định hình. Vậy, viết bằng chữ Nôm thì đúng hơn, lý do bổn đạo nghe đọc thì hiểu ngay. Từ ghi nhận này, cho hay Đắc Lộ đã việt được chữ Nôm chăng?
(25) André Palmeiro (1569-1635), người Bồ Đào Nha, đã giảng đạo ở Malabar-Goa từ 1618-1626; ở Macao từ 1626-1635; ở Đàng Ngoài mấy tháng năm 1631; qua đời tại Macao 4-4-1635.
(26) Gaspar d'Amaral, Anua do reino de Annam do anno 1632, pera o Pe André Palmeiro da Compa de Jesu, Visitador das Provincias de Japam, e China, trong Archivum Romanum Societatis Iesu Jap-Sin.85, tờ 132 mặt sau: "de modo q m gentios lhe chamão, ley de yêu nhău, ley de se amar".
(27) Bà Minh Đức Vương thái phi (1568-1649) được cha Fontes ghi nhận năm 1626 bằng tên Maria Orancaya (António de Fontes, Anua do reino de Annam do anno 1632, trong Archivum Romanum Societatis Iesu Jap-Sin.72, tờ 74 mặt sau: "Trong số những người đã chịu phép Thánh tẩy có một nhân vật quan trọng nhất là bà Orancaya, hay là vợ bé (molher pequena) của Tiên Vương đã từ trần. Khi chịu phép rửa, bà mang tên thánh Maria". Thực ra chúng tôi không biết đích danh của bà. Minh Đức Vương thái phi chỉ là tước vị được vua Gia Long sau này truy phong cho bà.
(28) Francisco de Pina (1585-1625) (theo báo Tri Tân số 1, năm 1941, tr.3, Pina có tên Việt Nam là Trực), sinh 1585 tại Guarda, Bồ Đào Nha; đến Đàng Trong truyền giáo từ năm 1617 đến ngày 15-12-1625 chết đuối tại hải phận Hội An. Pina là tu sĩ Dòng Tên đầu tiên thông thạo tiếng Việt, soạn giáo lý bằng tiếng Việt (có lẽ là chữ Nôm) và cuốn ngữ pháp tiếng Việt. Pina là thầy dạy tiếng Việt cho cha Đắc Lộ tại Thành Chiêm năm 1625-1626.
(29) Nguyễn Phước Lan (Thượng vương) (1601-1648), sinh 1601; cầm quyền năm 1635; qua đời 19-3-1648.
(30) Nguyễn Phước Khê (Hoàng Khê) (1589-1646) sinh ngày 19-2-1589, là con trai thứ hai của chúa Nguyễn Hoàng, nhưng là con độc nhất của bà Minh Đức với chúa Nguyễn Hoàng. Ngay khi Nguyễn Hoàng còn sống, ông đã được thăng chức Chưởng cơ; năm 1626 giữ chức Tổng trấn đời Nguyễn Phước Nguyên; đời chúa Nguyễn Phước Lan, ông là nhân vật số 2 ở Đàng Trong, chỉ sau chúa Nguyễn; qua đời 22-8-1646 (Tôn Thất Hãn, Généalogie des Nguyễn avant Gia Long, bản dịch sang tiếng Pháp do Bùi Thanh Vân và Trần Đình Nghi, trong Bulletin des Amis du vieux Huế, n.3 Juill-Sept 1920 tr.316).
(31) Alexandre de Rhodes, Divers voyages et missions, Paris 1653, tr.75-76, 122, 170-172.
(32) Về bà Minh Đức Vương thái phi:
- Alexandre de Rhodes, Divers voyages et missions, tr.75-76, 122, 170-172.
- Tập san Bulletin des Amis du vieux Huế, 1939 tr.13, 62, 77.
- Phạm Đình Khiêm, Minh Đức Vương thái phi, Sài Gòn 1957.
(33) Metello Saccano (1612-1662) người Ý, cùng với cha Baltasar Caldeira đến Đàng Trong tháng 2-1646 thay thế cha Đắc Lộ bị trục xuất từ 3-7-1645; Saccano đã học tiếng Việt với cha Đắc Lộ có mặt tại Macao; Saccano phải rời bỏ Đàng Trong tháng 7-1648; tháng 2-1652 Saccano lại vào Đàng Trong; hơn hai năm sau về Macao, rồi lại đến Đàng Trong, qua đời ở Đàng Trong ngày 17-8-1662.
(34) Không rõ Ngọc Liên công chúa sinh và chết năm nào, chỉ biết là sinh cuối thế kỷ XVI (khoảng 1595 ?), qua đờ sau năm 1674; công chúa là chị của ba công chúa khác: Ngọc Vạn kết hôn với vua Campuchia Chey Chettâ II, Ngọc Hoa (Khoa) vợ của một Nhật kiều tại Hội An tên là Sataro cũng gọi là Nguyễn Taro, Ngọc Đỉnh kết hôn với Tướng Nguyễn Cửu Kiều. Về Ngọc Liên công chúa:
- Alexandre de Rhodes, Divers voyages et missions, Phần II, tr.140, 187-189, 241-242, 249.
- L.Cadière, Au sujet de l'épouse de Sãi vương, trong Bulletin des Amis du vieux Huế, 1922 tr.221-232.
- L.Cadière, Une princesse chrétienne, cũng trong Bulletin des Amis du vieux Huế,1939 tr.49
(35) A.De.Rhodes, Histoire du royaume de Tunquin, sđd tr.164-165
(36) A.De.Rhodes, Histoire du royaume de Tunquin, tr.249
(37) Urbanô VIII, tức Maffeo Barberini, sinh quán tại Fiorentino, Ý, đắc cử Giáo hoàng 6-8-1623, bắt đầu sứ vụ 19-9-1623, qua đời 29-7-1644.
(38) Manuel Ferreira, Noticias summarias das perseguicões da Missam da Cochinchina, Lisbõa 1700 tr.187-288.
Archivum Romanum Societatis Iesu Jap-Sin 73, tờ 171.
Philiphê Bỉnh, Truyện nước Annam Đàng Ngoài, viết tay tại Lisbõa 1822, tr.443, 448, 453.
A.Launay, Histoire de la mission de Cochichine t.3 sđd, tr.506, 510, 515-516, 520.
(39) Bản phiên dịch sang La ngữ do chính chữ Đắc Lộ, hiện lưu trữ trong Archivum Romanum Societatis Iesu Jap-Sin 68, tờ 47. Một bản chép lại bản dịch này còn trong Kho lưu trữ Bộ Phúc âm hóa các dân tộc: Miscellanee diverse, vol.16, tờ 78.
(40) M.Vitelieschi (1563-1645), người Ý, Bề trên Cả Dòng Tên từ 15-11-1615 cho đến khi qua đời 9-2-1645.
(41) Archivio della Congregazione per l'Evangelizzione Dei Popoli, Miscellanee diverse, vol.16, tờ 208-210, gửi chuyến tàu lần thứ hai. Bản phiên dịch sang Pháp ngữ và La ngữ:
A.De.Rhodes, Histoire du royaume de Tunquin, sđd tr.259-261.
Alexandre de Rhodes, Tunchinensis Historiae libri duo, Liber secundus, Lyon 1652, tr.141-142
Trong cuốn Alexandre de Rhodes S.J, Cathechismus pro iis qui volunt suscipere Baptismum in octo dies divisus, nhà xuất bản Tinh-Việt, Sài Gòn 1961, giữa trang XVI và XVII, có chụp lại bức thư bằng chữ Hán của bổn đạo Đàng Ngoài gửi cha Bề trên Cả Dòng Tên năm 1630, nhưng ở cuối trang, thay vì phải ghi chú là Bức thư giáo hữu xứ Bắc nhờ cha Đắc Lộ gửi cha Bề trên Cả Dòng Tên (1630), thì lại ghi lầm là Bức thư giáo hữu xứ Bắc nhờ cha Đắc Lộ gửi lên Đức Giáo hoàng (1630), Lettre des chrétiens du Tonkin au Pape par l'intermédiaire du P.de Rhodes (1630).
(42) Alexandre de Rhodes, Tunchinensis Historiae libri duo, Liber secundus, Lyon 1652, tr.141-142.
A.De.Rhodes, Histoire du royaume de Tunquin, sđd, tr.259-261.
(43) A.De.Rhodes, Histoire du royaume de Tunquin, sđd, tr.306-308.
Xiển dương đạo sống văn hóa Việt có sức bay lên trong cái thần dũng lực của rồng và an lạc của chim tiên.
Mạng Lưới Dũng Lạc Tủ Sách Dũng Lạc Phòng Ảnh Nghệ Thuật Bản Tin Hiệp Thông Hướng Dẫn
Đỗ Quang Chính, Lm
Bài Viết Của
Đỗ Quang Chính, Lm
Dòng Tên Việt Nam - một vài niên biểu quan trọng
vài hàng tiểu sử Đỗ Quang Chính
Tết Nguyên Đán tại Thủ Đô thăng Long Giữa Thế Kỷ 17
Nhìn Lại Giáo Hội Hòa Mình Trong Xã Hội Việt Nam
Nhà thừa sai Alexandre de Rhodes từ trần
Linh mục Gaspar D'Amaral Viết Chữ Quốc Ngữ Mới
Giáo Hội Công Giáo Hòa Nhập với Văn Hóa Gia Đình Việt Nam
Lòng Thành của Bổn Đạo Việt Nam
GIÁO HỘI CÔNG GIÁO HÒA NHẬP VỚI VĂN HÓA GIA ĐÌNH VIỆT NAM
Văn hóa gia đình Việt Nam, đó là vấn đề rộng lớn gồm nhiều khía cạnh khác nhau. Nói một cách tổng quát, có thể hiểu văn hóa gia đình Việt Nam là những cái đẹp, cái hay của gia đình Việt Nam. Những cái đẹp ấy có thể tồn tại hàng thế kỷ, cũng có thể chỉ đứng vững trong một thời gian nhất định nào đó, trong khung cảnh xã hội Việt Nam cụ thể.
Khi Tin Mừng được rao truyền ở xã hội Con Rồng Cháu Tiên này, thì Giáo hội phải thích nghi, hay nói như ngày nay là phải hội nhập hay hòa nhập vào xã hội Việt Nam, vào nếp sống văn hóa gia đình Việt Nam. Ai cũng biết rằng, gia đình Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng. Theo thiển ý chúng tôi, nếu Tin Mừng chỉ vào được cơ cấu thượng tầng xã hội Việt Nam (chính quyền) hay cho dù vào tới cơ cấu trung tầng xã hội Việt Nam (nếp sống làng xã), mà chưa thấm nhập vào cơ cấu hạ tầng xã hội Việt Nam (gia đình), thì nói được chăng là Tin Mừng mới tiếp cận với cái vỏ hay với cái ngọn, chưa "chui" vào trong, chưa tiếp cận với cái gốc của xã hội Việt Nam. Quả thật, nhờ việc Giáo hội đã hòa nhập được phần nào vào nếp sống văn hóa gia đình Việt Nam, nên trải qua bao thăng trầm, Tin Mừng ở xứ này vẫn đứng vững và sống động.
Dưới đây chúng tôi xin đứng về mặt lịch sử trình bày đôi nét trong nhiều nét mà Giáo hội đã hòa nhập vào văn hóa gia đình Việt Nam.
1. Hiếu thảo với ông bà cha mẹ
Thời kỳ đầu tiên truyền giáo ở Việt Nam, các thừa sai đã chú trọng rất nhiều nếp sống văn hóa gia đình Việt Nam, cụ thể là lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ.
Khi giải thích về điều răn thứ bốn cho các dự tòng, cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) đã viết trong cuốn Phép giảng tám ngày, xuất bản tại Roma năm 1651: "Ấy vậy mà mlời răn thứ bốn trong kinh đức Chúa blời […] thì dạy ta thảo kính cha mẹ cho nên […]. Lại sự thảo kính thì hằng có bốn phần, là yêu mến, kính dái, chịu luỵ, giúp cho [cha mẹ] mọi sự" (tr.293).
Tác giả cuốn sách trên còn nhấn mạnh tới sự hy sinh cụ thể của cha mẹ đối với con cái trong bối cảnh xã hội Việt Nam thời đó, nên con cái thảo kính cha mẹ: "Ta chịu ơn cha mẹ vì có chịu thai, mà ta ở trong lòng mẹ chín tháng mười ngày, chịu khốn khó mà đẻ ta, đoạn ba năm bú mớm; có khi thì mẹ cắt [phần ăn] của miệng mình mà cho con ăn; cũng có khi mẹ ăn miếng đắng, mà miếng ngon để dành cho con ăn; lại có khi mẹ nằm chốn ướt, mà chốn ráo để cho con nằm. Cha đẻ con đoạn thì lo việc nuôi nấng […]. Thật con thảo kính cha mẹ thì chậm phải, ví bằng có ai chẳng thảo kính, chẳng khứng vâng phép cha mẹ, thật thì có tội trọng" (ntr. tr.18)
Khi cha mẹ còn sống: Ngoài việc tỏ lòng hiếu thảo như thăm viếng, săn sóc, quà bánh… thì ngày mồng Một Tết, người dân, và cả những quan lớn sau khi theo vua chúa đi tế Nam giao về, "ai nếy về nhà mà lạy cha mẹ oũ bà oũ vải (ông bà ông vải), bởi vì có mlẽ (lý lẽ) ở tlaõ làõ mình dẽại (dạy) kính phụ (cha) thứ ba là chức dưới bệy (vậy)" (ntr.tr.23). Thầy giảng Bentô Thiện cũng viết bằng chữ Quốc ngữ trong tập Lịch sử nước An-nam năm 1659 tại Thăng Long về vấn đề này như sau: "Thói nước Annam, đầu năm, mùng một tháng giêng gọi là ngày tết Thiên hạ đi lậy vua đoạn lậy chúa mới lậy ông bà ông vải cha mẹ, cùng Kẻ cả bề trên, quan quyền thì lậy vua chúa, thứ dân thì lậy bụt trước" (ghi theo chính tả ngày nay) (1).
Lúc cha mẹ qua đời: Vào năm 1625, các thừa sai ở Hội An nói rõ với anh chị em bổn đạo là, đạo Đức Chúa Blời buộc mọi người phải tỏ lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ, nên phải thi hành nghi lễ cúng vái, trừ ít điều mê tín dị đoan, như đốt vàng mã, hay khi cúng lại tin là tổ tiên về ăn của cúng (2). Một trăm năm sau, ngày 21-2-1717, cha G.B.Sanna, công bố tại Huế cho bổn đạo biết: - Bổn đạo được mang cờ gia triệu khi di quan ra phần mộ; - Bổn đạo được khấu đầu trước thi thể người quá cố; - Phải cúng giỗ cha mẹ, ai không làm là lỗi điều răn thứ bốn (3). Trong các gia đình Công giáo Việt Nam, nơi cao trọng nhất trong nhà đặt bàn thờ Chúa, sau đó đến "bàn thờ" tổ tiên cùng những người thân trong gia đình đã qua đời.
Việc cầu nguyện, tưởng nhớ những người qua đời không phải chỉ làm trong dịp tảo mộ, giỗ chạp, hay tháng đôi ba lần, cũng không phải chỉ nhớ và cầu nguyện cho người thân thuộc, mà là nhớ cầu nguyện hàng ngày sáng tối cho mọi người đã qua đời, tại nhà thờ trong Thánh Lễ, trong Kinh Phụng vụ. Hơn nữa, việc cầu nguyện cho người thân đã lìa cõi thế, không phải chỉ làm ở nhà thờ với tính cách xứ đạo, làng xã, Giáo hội mà đủ; đối với các gia đình Công giáo Việt Nam, việc này còn phải được thực hiện trong ngôi nhà của gia đình nhất là trong chính ngôi nhà người thân trút hơi thở cuối cùng. Vì vậy, sáng tối mọi người trong gia đình phải họp nhau cầu nguyện, đặc biệt cầu nguyện cho ông bà, tổ tiên cùng thân nhân qua đời.
Nói cách chung, việc tỏ lòng hiếu thảo "bề ngoài" đối với người quá cố, như cúng vái nhang hương đã không thực hiện được kể từ ngày 11-7-1742 khi Hiến chế Ex quo Singulari providentia ra đời. Nhưng từ 14-6-1965, thời thế đã thay đổi, nên người Công giáo Việt Nam lại thể hiện lòng hiếu thảo theo nếp sống "tín ngưỡng" chung của xã hội như xưa.
2. Đọc kinh sáng tối trong gia đình
Vua là Thiên tử , là cha mẹ dân, thay mặt con dân tế Trời ở Đàn Nam Giao mỗi năm một lần vào dịp đầu năm mới; tụng kinh niệm Phật chính thức do các nhà Sư tại Chùa; cúng thờ Thành Hoàng lại do vị chức sắc cao nhất trong làng tại Đình làng. Nhưng việc cúng vái chính thức tổ tiên thì do các gia trưởng chủ lễ, đa số được diễn ra trong ngôi nhà của gia đình, đôi khi do vị trưởng tộc trong từ đường, nếu có từ đường.
Ngôi nhà là nơi gia đình sinh hoạt, cũng là nơi đặt bài vị, để mọi người trong nhà kính nhớ ông bà tổ tiên. Cho nên ngôi nhà vừa có tính vật chất, lại vừa có tính "thần thiêng", vì Thần chủ "ngự" ở đó; ngôi nhà là nơi "hiệp thông" giữa kẻ sống và người chết. Ngôi nhà kết hợp những người trong gia đình còn sống đã vậy, nhưng cũng là nơi dễ gợi nhớ đến ông bà tổ tiên.
Đối với người Công giáo, việc thờ phượng Thiên Chúa với tính cách tập thể gia đình trong ngôi nhà sinh hoạt chung hàng ngày cũng quan trọng. Vì thế, người Công giáo Việt Nam "ngoan đạo" thường đọc kinh trong gia đình sáng tối, nhất là những khi không có điều kiện đọc kinh chung trong nhà thờ. Kinh nguyện loại này có tính cách tập thể gia đình rất chặt chẽ. Mọi người trong nhà đều cùng nhau đọc kinh (thuộc lòng) trung bình 30 phút, nhất là trước khi đi ngủ. những kinh thường đọc là kinh Chúa Thánh Thần, Tin Cậy Mến, 50 kinh Mân côi, kinh Vực sâu, kinh Trông cậy, có khi thêm kinh thánh Bổn mạng, kinh Cầu Đức Bà, hay kinh Cầu Trái Tim, vv…. Trước đây, trong những vùng hoàn toàn nông nghiệp, hầu như gia đình Công giáo nào cũng đọc kinh tối chung. Vì thế, vào buổi tối khoảng 7-8 giờ, nếu một ai bước vào xóm làng Công giáo, sẽ nghe được lời kinh trầm bổng, với giọng vui, thương, mừng, từ các ngôi nhà vọng vang qua luỹ tre xanh. Phải nói là cả một thôn xóm, một làng, từ chính ngôi nhà thân thương, "nơi chôn nhau cắt rốn" cùng cất tiếng tạ ơn ca tụng Thiên Chúa. Nhờ việc đọc kinh chung trong gia đình như vậy, mà đức Tin thấm nhập dần dần, được nuôi dưỡng và lớn lên dù ở giữa những hoàn cảnh rất khó khăn: không có nhà thờ, chẳng có linh mục, không được học giáo lý bài bản, hàng chục năm "chạy loạn", cả ngày "bán lưng cho trời bán mặt cho đất".
3. Nhà Đức Chúa Trời
Tổ chức nhà Đức Chúa Trời tại các nhà cha xứ bền vững suốt 300 năm trời, kể từ năm 1630 đến khoảng 1945. Bền vững như thế phần nhiều do đã mạnh dạn hòa nhập sâu xa vào văn hóa gia đình Việt Nam.
Quả thật, các cha xứ, cha phó ở phương Tây thường ăn riêng, ở nhà riêng, cha mẹ, thân nhân có thể ở chung với các ngài. Còn tại Việt Nam, trong nhiều giáo phận, cha xứ (cha sở), cha phó cùng ở một nhà, ăn chung với nhau; đặc biệt còn có các thầy giảng, kẻ giảng, các chú, các cậu, và một số ông bõ. Nhà xứ lớn thì có tới vài chục người, nhà xứ nhỏ cũng tới 5, 10 người.
Nói chung, đó là nhà Đức Chúa Trời: cha xứ, cha phó, giống như ông bố, các thầy giảng giống như bà mẹ, các chú các cậu giống như con cái, các ông bõ là những người giúp việc trong nhà xứ cùng ăn ở trong nhà xứ và cũng sống độc thân như ai (kẻ thì gác cổng, người làm bếp, làm vườn, làm ruộng…). Rõ ràng, nhà xứ mang hình ảnh một gia đình gồm cha mẹ con cái. Có thể nói được nét làm nổi bật cái hình ảnh gia đình ở đây là mấy chú mấy cậu nhỏ có khi tới 20 em. Vắng những chú cậu đó thì hình ảnh gia đình cũng bị lu mờ, thiếu kẻ "nối dõi tông đường".
Nhà xứ hao hao như một Cộng đoàn nam tu sĩ, kín cổng cao tường, vì trên nguyên tắc, mọi của cải để chung, cha xứ là bề trên, chịu mọi trách nhiệm. Trước khi nghỉ đêm, mọi người trong nhà xứ còn đọc kinh tối chung, dù trước đó đã đọc kinh chung với bà con giáo hữu tại nhà thờ. Vì là nhà Đức Chúa Trời, nên đàn bà con gái, kể cả "bà Cố" cha xứ, không khi nào được nghỉ đêm trong nhà xứ, mà phải tạm qua đêm trong nhà giáo hữu hay nhà Mụ.
4. Linh tông
Tại nhiều giáo phận ở Việt Nam trước đây, và ngày nay cũng còn một số nơi, các linh mục triều nhận bảo trợ đặc biệt ơn gọi tu trì, cách riêng đối với chủng sinh và thầy giảng, nói nôm na là nuôi "các con", hướng dẫn và nâng đỡ chẳng những về mặt thiêng liêng, tinh thần, mà cả về vật chất nữa, để sau này họ làm linh mục hay thầy giảng. Các cha xứ, cha phó cũng nâng đỡ các cô Mụ (danh từ cao quý dùng để gọi các nữ tu ở miền Bắc từ đầu thế kỷ XX trở lên thế kỷ XVII), cũng coi như là "con" của các vị tương tự như "đám con trai" trên đây. thế là "gia đình Linh tông" này đủ cả con trai con gái, ít ra cũng hai ba "mống", có ông cha Bố (cha quan thầy) "mắn" hơn, "mát tay" hơn, được tới 12 người con loại này cũng "đỗ Cụ" như cha Bố, tức là làm linh mục, chưa kể những "con" làm thầy giảng, cô Mụ hay ngày nay gọi chung là các nữ tu.
Rõ là đoàn con trên sẽ "nối dõi" tông đường tinh thần này trong sứ vụ linh mục, thầy giảng, nữ tu. Hạnh phúc, rôm rả cho cha Bố nào "con đàn cháu đống", nhất là có được những người con "làm lớn" hay có "vai vế" trong giáo phận do nhân đức, khôn ngoan, thông thái…
Các cha Bố thường bắt đầau vun trồng bằng cách nhận đám con trai muốn "đi ở nhà Thầy" tức là bắt đầu "thoát ly" gia đình đến ở trong nhà xứ với cha Bố có thể từ lúc chín mười tuổi, gọi là các cậu (danh từ chỉ con trai trong các gia đình quý phái). Thời gian này, các cậu được tập tành dần dần cho quen với nếp sống tu trì thời đó, được học sơ sài kinh sách, chữ nghĩa bằng Hán, Nôm và cả Quốc ngữ mới do các Thầy giảng, Kẻ giảng cùng sống trong nhà xứ hướng dẫn. Cha Bố được quyền sử dụng tài sản trong nhà xứ cấp dưỡng cho các cậu tới khi các cậu khôn lớn, "thành đạt" trong đời sống tu trì. Sau mấy năm sống trong nhà xứ, cậu nào thích hợp với đời tu, học hành tạm đủ, thì được gia nhập tuần tự, từ trường Tập cũng gọi là trường Thử (tiến trình hơi giống như Tập viện các Dòng tu), rồi tiểu chủng viện, đại chủng viện (quen gọi là trường Lý đoán) cho đến khi thụ phong linh mục. Ai không đủ điều kiện để tiến tới sứ vụ linh mục, có thể trở thành kẻ giảng, thầy giảng được phát thị (bổ nhiệm) đi phục vụ trong các xứ đạo (giáo xứ).
Trong kỳ nghỉ hè, các chủng sinh trên đây không về sống với cha mẹ, nhưng suốt ba tháng hè, đều ở trong nhà xứ với cha Bố. Riêng các cô Mụ, chỉ tới thăm cha Bố chừng một hai lần mỗi năm, chuyện trò thăm hỏi vắn tắt, chẳng bao giờ được ở lại dùng cơm với cha Bố, nói chi đến việc nghỉ đêm trong nhà xứ là điều tối kỵ.
Tại một số giáo phận phía Bắc, khi một cậu bắt đầu vào trường Thử, cha Bố đổi tên cậu, lấy mẫu tự đầu tên mới của cậu giống với mẫu tự đầu tên cha Bố; ví dụ: tên cha Bố là Trần Ngọc Hưởng, thì các con có thể mang tên với mẫu tự đầu là H, như Hân, Hảo, Hinh, Huấn… Đây là một trong những dấu chỉ người ấy thuộc "gia đình" linh tông cha Trần Ngọc Hưởng. Các con của một cha Bố nào đó đương nhiên là anh em với nhau, người con đầu tiên trở thành con Cả, Bác Cả. Vai anh, thì được xưng hô bằng một danh chức mỹ miều là Quan Bác, vai em gọi là Quan Chú. Nếu cha Bố qua đời, thì người anh Cả phải có trách nhiệm thay cha Bố săn sóc, cấp dưỡng cho các em, khi các em còn đang trong thời kỳ huấn luyện ở các chủng viện.
Sống tết, chết giỗ! Cha Bố còn sống các con phải tụ họp về tết cha Bố, hoặc trong các ngày kỷ niệm của cha Bố cũng phải thể hiện lòng biết ơn ngài. Mỗi Linh tông gồm nhiều thế hệ còn sống, có khi tới "tứ đại đồng đừơng" thì thế hệ dưới phải chu toàn lòng hiếu thảo đối với thế hệ trên, ví dụ: con đi tết bố, bố con đến tết ông, ông cháu kéo lên tết cố… Trong nghi lễ an táng, tang chế, con cháu cũng phải để tang như bên Huyết tộc, dù có vẻ đơn giản hơn. Linh tông cũng làm gia phả có kém chi Huyết tộc đâu!
Tiu nhiên, chỉ có các linh mục mới được nhận nuôi các con; các thầy giảng, cô mụ không được phép như các linh mục; do đó họ chỉ có thể là con là cháu, không hề được nhận ai làm con trong hệ thống linh tông.
Năm mươi năm trước đây, và ngày nay, nhiều nơi hệ thống linh tông này rất phổ biến; có điều xã hội đang thay đổi, nên linh tông hiện thời không chặt chẽ, đậm đà như xưa.
Hệ thống linh tông quả là một hòa nhập của Giáo hội Việt Nam vào văn hóa gia đình Việt Nam, vì Giáo hội chẳng những đề cao văn hóa gia đình Việt Nam, mà còn mặc lấy cơ cấu văn hóa gia đình Việt Nam qua tổ chức nhà Đức Chúa Trời cũng như linh tông. Ở giáo phận nào tại Việt Nam trước đây có hai tổ chức trên, thì con số linh mục, tu sĩ đông hơn, vì đó làm môi trường thích hợp cho việc nâng đỡ ơn gọi tu trì, và sinh hoạt tôn giáo cũng linh động, sầm uất hơn. Tính gia tộc đã ăn sâu vào nếp sống văn hóa gia đình Việt Nam, một người đi tu, rời xa gia đình huyết tộc, thì được tháp nhạp ngay vào "gia đình" linh tông: tuy xa cha mẹ anh em ruột thịt, nhưng lại được gần gũi ngay với "cha mẹ anh em" trong linh tông ngay từ lúc khăn gói đến ở nhà Thầy, tức là vào sống trong nhà xứ với cha xứ, các thầy và các cậu.
Thiết nghĩ, bốn sự việc vắn tắt trên đây là mấy nét son của Giáo hội trong việc hòa nhập vào văn hóa gia đình Việt Nam. Đặc biệt về nhà Đức Chúa Trời và linh tông, nói được chăng: đó là một Giáo hội rất Việt Nam, một Giáo hội đã mang lấy xương thịt Việt Nam, mà vẫn là thành phần sống động của Giáo hội Công giáo toàn cầu.
Chú thích
(1) Archivum Romanum Societatis Iesu, Jap-Sin 81, tờ 257 mặt trước - Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ, Sài Gòn 1972, tr.145
(2) Alexandre de Rhodes, Divers voyages et missions, Phần 1 tr.77
(3) A.Launay, Histoire de la mission de Cochichine t.1 Paris, 1925 tr.601-602
Tác giả: Đỗ Quang Chính, Lm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét