1802 - Nhâm Tuất
16-7 (mười bảy tháng sáu)
- Lê Văn Duyệt chỉ huy quân của chúa Nguyễn từ Đàng Trong ra đánh chiếm Thăng Long.
20-7 (hai mốt tháng sáu)
- Gia Long - Nguyễn Ánh ra Thăng Long. Đổi Bắc Hà thành Bắc Thành.
Dời đô về Huế. Kinh thành cũ thành phủ Phụng Thiên (sau đổi là Hoài Đức)
và 2 huyện là Thọ Xương và Quảng Đức (sau đổi là Vĩnh Thuận). Đặt chức
An phủ sứ và Tuyên phủ sứ để cai trị. Bỏ nhà Thái học ở Văn Miếu để làm
nhà Khải Thánh thờ bố mẹ Khổng Tử.
Tháng tám
- Đặt lại dịch ở các trấn, phủ, huyện thuộc Bắc Thành.
5 trấn nội: Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Hải Dương, Kinh Bắc,
Sơn Tây. Mỗi trấn có 2 ty Tả thừa, Hữu thừa, mỗi ty đặt một cai kê, 1
cai hợp, 1 thủ hợp và 22 người thuộc ty. Mỗi phủ đặt 2 đề lại, 10 thông
lại, mỗi huyện đều có 50 lính lệ, mỗi tổng đặt 1 tổng trưởng, một phó
tổng.
6 trấn ngoại: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hưng Hóa,
Cao Bằng, Yên Quảng, mỗi ty Tả thừa, Hữu thừa đều đặt 1 cai hợp, 1 thủ
hợp và 13 người thuộc ty.
- Đặt chức đốc học ở các trấn Bắc Thành, học sĩ Nguyễn Đình Tứ làm đốc học phủ Phụng Thiên.
- Cử Nguyễn Văn Thành làm tổng trấn Bắc Thành, quản lý 11 trấn nội, ngoại.
- Đặt ba tào Hộ, Binh, Hình, giao cho Nguyễn Văn Khiếm, Đặng Trần Thường và Phạm Như Đăng lãnh nhiệm.
- Cử Chương dinh Nguyễn Đình Đắc quản 3 vệ quân Thần Sách trấn giữ Bắc Thành.
- Gia Long tặng bảng nhãn Bùi Huy Bích, người làng Thịnh Liệt 200 quan tiền (Thịnh Liệt nay là phường thuộc quận Hoàng Mai).
24-10 (hai tám tháng chín)
- Gia Long dời Thăng Long về Huế.
1803 - Quý Hợi
9-3 (mười sáu tháng hai)
- Đặng Trần Thường, quan triều Nguyễn, sai đánh đòn Ngô Thì Nhậm,
Phan Huy Ích và Nguyễn Gia Phan ở sân Văn Miếu. Ngô Thì Nhậm sau trận
đòn thù đã chết.
Tháng năm
- Đắp 7 đoạn đê mới ở Bắc Thành. Một đoạn ở mãi Tử Châu, huyện Yên
Lạc, Sơn Tây, 220 trượng. 1 đoạn ở xã Kim Xà, huyện Yên Lãng, 298
trượng. 1 đoạn ở xã Thổ Khối, huyện Gia Lâm, Kinh Bắc 400 trượng. Và 5
đoạn khác ở các trấn Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ.
Tháng mười
- Gia Long đi Bắc tuần đến Thăng Long
- Diễn trận pháp của các quân. Vua ngự trên lầu cửa Đông xem.
- Vua thăm làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì xem đá
- Mở Cục đúc tiền và định lệ lương bổng cho quan, quân ở Bắc Thành.
1804 - Giáp Tý
Tháng Giêng
- Tổng trấn Nguyễn Văn Thành, mở cuộc bình văn lớn ở Văn Miếu có hàng ngàn người dự.
- Vua Gia Long tiếp sứ giả nhà Thanh là Tề Bồ Sâm, án sát Quảng Tây, sang tấn phong tại điện Vấn Thiên.
- Gia Long dời Thăng Long về Huế
- Định điều lệ Hương đảng cho các xã dân Bắc thành.
+ Về ăn uống: xã dân họp bàn dùng trầu cau làm lệ, cấm rượu thịt.
+ Về lễ vui mừng: việc lớn cho dùng xôi lợn, không có nộp thay ba
quan tiền. Việc nhỏ dùng xôi gà, không có nộp một quan sáu tiền.
+ Về lễ giá thú: châm trước trong sáu lễ, tuỳ nhà có hay không, không
được viết khế cố ruộng. Tiền cheo: người ngoài một quan hai tiền, người
vừa sáu tiền, nghèo ba tiền, người làm khác gấp đôi. Chửa hoang phạt
gian phụ ba mươi quan, cha anh ba quan để giữ phong hoá.
+ Việc tang lễ: Làng xóm giúp nhau, không quá xa hoa, tùy lực, không
gắn theo tục, không được vin lệ đòi hỏi cỗ bàn ăn uống, không dùng thầy
địa lý xem đất.
+ Việc thờ thần phật: Tế bằng trâu bò xin quan phủ, huyện xét đáng
mới cho. Đồ tế khí trượng nghi không được sơn son thếp vàng, màn tàn cờ
quạt chỉ được dùng vải lụa nhuộm màu không được thêu văn vẻ. Hàng năm,
tế tự, vào đám, hát xướng chỉ cho một ngày đêm. Các trò vè khác đều cấm.
+ Chùa quán có đổ nát mới được tu bổ. Cấm làm chùa mới, tô tượng, đúc
chuông, đàn chay, hội chùa. Sư sãi phải kê khai. Bãi bỏ mê tín, đồng
cốt. Nhà thờ Gia Tô đổ nát phải trình quan trấn mới được tu bổ, cấm dựng
nhà thờ mới.
Tháng ba
- Đắp tám đoạn đê mới ở Bắc thành (một đoạn ở xã Thượng Cát (Từ Liêm)
135 trượng, một đoạn ở Đông Phù Liệt (Đông Mỹ - Thanh Trì) 370 trượng,
một đoạn ở xã Phú Xuyên (huyện Tiên Phong) 394 trượng, và năm đoạn khác
ở Trấn Kinh Bắc, Sơn Nam Hạ.
Tháng tư
- Sửa hành cung ở Bắc thành. Làm thêm một toà ở sau điện Kính Thiên làm nơi trú chân trong khi Vua đi tuần thú.
Tháng sáu
- Bắc Thành nước lớn, đê vỡ.
1805 - Ất Sửu
Tháng ba
- Đào vét sông Nguyệt Đức.
Tháng sáu
- Phá bỏ Hoàng Thành cũ. Xây thành mới theo kiểu vô - băng (vauban)
của Pháp. Thành hình vuông (mỗi cạnh khoảng 1km) tường thành xây gạch
hộp, chân thành xây đá xanh và đá ong. Tường cao một trượng, một thước,
dày bốn trượng, mở ra năm cửa: Đông, Tây, Bắc, Đông Nam và Tây Nam.
Đường vào cửa xây vòm xuyên qua tường thành dài sáu trượng bốn thước
(23m) mỗi cửa có lầu canh gọi là Thú lâu, đặt lính gác ngày đêm. Ngoài
thành có hào. Phía trước các cửa thành có một hàng tường chắn gọi là
Dương mã thành cao bảy thước năm tấc, dài hai trượng chín thước, có cửa
gọi là Nhân môn. Vào thành phải qua Nhân môn mới tới cửa thành. Trong
thành có điện Kính Thiên dựng trên núi Nùng, thềm điện có bậc chạm rồng
đá từ cung điện thời Lý còn lại. Cột điện bằng gỗ rất lớn. Trước điện
Kính Thiên là Đoan Môn, có dựng bia ghi công trạng của Gia Long ở phía
ngoài. Phía Đông là các dinh quan lại, phía Tây là kho thóc, kho tiền,
dinh Bố Chính, phía Bắc cơ quan giữ an ninh và nhà ngục gọi là “Tĩnh Bắc
lâu”.
- Xây gác Khuê Văn ở Văn Miếu làm nơi bình thơ.
Khuê Văn Các (Nguồn ảnh: Internet) |
Tháng tám
- Đổi thành Thăng Long (rồng lên) thành (thịnh vượng lên). Đổi phủ
Phụng Thiên thành phủ Hoài Đức, huyện Quảng Đức thành huyện Vĩnh Thuận.
Phủ Hoài Đức gồm hai huyện: Thọ Xương có tám tổng, 194 phường, thôn và
Vĩnh Thuận có 5 tổng, 56 phường, thôn, trại.
1806 - Bính Dần
Tháng tư
- Định phẩm phục các quan văn võ
Tháng bảy
- Vỡ đê ở xã Đạm Xuyên, huyện Yên Lãng, trấn Sơn Tây (nay thuộc Mê Linh)
- Lê Quang Định soạn xong sách “Nhất thống dư địa chí”
1807 - Đinh Mão
Tháng hai
- Bắc thành chọn hơn 100 chợ cắt tượng cột để đưa vào Huế làm việc.
- Định phép thi hương, thi hội. Kì đệ nhất thi kinh nghĩa. Kì đệ nhị
thi chiếu chế, biểu. Kì đệ tam thi thơ, phú. Kì đệ tứ thi văn sách.
Tháng 10 mở khoa thi hương.
Tháng ba
- Phủ Hoài Đức làm lại sổ hộ tịch.
6-6 (Một tháng năm)
- Nhật thực
Tháng sáu
- Bắc thành bị bão
Tháng mười
- Mở khoa thi hương từ Nghệ An ra Bắc. Trường Sơn Tây cho các thí
sinh thuộc trấn Sơn Tây, phủ Hoài Đức, trấn Tuyên Quang, Hưng Hoá. Lấy
đỗ hương cống hai người.
Tháng chạp
- Đắp mười đoạn đê mới ở Bắc thành. Trong đó có một đoạn ở xã Kim Quan, huyện Gia Lâm dài hơn 420 trượng (15,12km)
1808 - Mậu Thìn
Tháng giêng - Định ngạch thuế cho phủ
Hoài Đức và 5 nội trấn thuộc Bắc Thành. Dân tráng: tiền dung một quan
một tiền, tiền đầu quan 1 tiền, tiền điệu 6 tiền, gạo cước 2 bát. Dân
đinh nộp bằng một nửa. Chức sắc cũng chia làm hai hạng nộp như trên.
Tháng bẩy
- Rời phủ lị Quốc Oai từ xã Phượng Trì sang xã Thuỵ Ứng đều thuộc huyện Đan Phượng.
Tháng mười
- Sửa đắp thành trấn Sơn Tây
28 - 8 (năm Mậu Thìn 1808)
- Cao Bát Quát sinh ở làng Phú Thị, huyện Gia Lâm. Ông có tự Chu
Thần, hiệu Cúc Đường, Mẫn Hiên. Đậu cử nhân năm 1831, được cử làm hành
tẩu ở bộ Lễ. Ông là bạn thơ của Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Hàm Ninh, Đinh
Nhật Thận, Miên Thẩm. 1852 làm giáo thụ phủ Quốc Oai, Sơn Tây. 1854 khởi
nghĩa mượn tiếng phù Lê, tôn Lê Duy Cự làm minh chủ, ông làm Quốc Sư.
Việc không thành bị bắt và bị giết chết. Ông để lại nhiều thơ văn.
- Lập “Bảo tuyền cục” tức là tràng đúc tiền ở thôn Cựu Lâu (nay là phố Tràng Tiền).
1810 - Canh Ngọ.
- Minh Mạng đặt tên nước là Đại Nam.
1812 - Nhâm Thân
- Xây cột cờ ở phía Nam thành mới, gần đình bia ở cửa Đoan Môn. Cột
cờ cao 60m, hình lục lăng dựng trên ba cấp hình vuông. Cấp trên cùng mỗi
cạnh 15m, cấp dưới cùng mỗi cạnh 42m. Cấp giữa mở 4 cửa ra ngoài (nay
còn 3 cửa mang tên Nghênh Húc (đón buổi sáng) ở hướng Đông; Hướng Minh
(hướng về ánh sáng) ở hướng Nam và Hồi Quang (trả lại tia sáng) ở hướng
Tây, tất cả xây bằng gạch gốm). Có hai thang xoáy ốc đi lên cột cờ.
Trên ngọn có biển đề hai chữ Kỳ đài.
Cột Cờ Hà Nội (Nguồn ảnh: Internet) |
1814 - Giáp Tuất
- Nguyễn Gia Phan (tức Nguyễn Thế Lịch) viết các sách y học: Liệu
dịch phương pháp toàn tập, Lý âm phương pháp thông lục, Hộ nhi phương
pháp tổng lục.
1815 - Ất Hợi
- Hoàn thành việc sửa chữa, đắp tượng phật, đúc chuông lớn và dựng bia ở chùa Trấn Quốc.
1819 - Kỷ Mão
- Dời đền thờ Hai Bà Trưng từ ngoài bãi sông Hồng vào thôn Hương Viên, làng Đồng Nhân.
- Lý Văn Phức, người làng Hồ Khẩu, đậu cử nhân.
1821 - Tân Tị
- Vua Minh Mạng ra Bắc, đến Thăng Long
- Phạm Đình Hổ viết xong “Vũ trung tuỳ bút”.
1828 - Mậu Tí
Tháng ba
- Hơn 200 nóc nhà dân ở ngoài thành bị cháy. Mười ngày sau lại cháy 1430 nhà, ở 27 thôn, phường nhiều người bị chết, bị thương.
Tháng bảy
- Định lệ đặt Lý trưởng ở Bắc thành. Các xã thôn, các phường đều đặt
một lý trưởng. Số đinh 50 người trở lên, được thêm 1 phó lý trưởng. 150
người trở lên được thêm 2 phó lý trưởng. Cai tổng chủ trì dân làng bầu
cử, phủ, huyện, xét lại bẩm lên trấn duyệt để cấp văn bằng và mộc triện.
- Đặt nha môn để chính ở Bắc thành. Cử một quan văn nhị phẩm quản lý,
một quan võ tam phẩm làm tham biện. Công thức đê điều theo đúng thể lệ
thời Gia Long.
Quy định: Đê sông lớn, ở thượng và trung lưu: mặt đê rộng 2 trượng,
chân đê 7 trượng, cao 1 trượng 2 thước; Ở hạ lưu: mặt đê 1 trượng 5
thước, chân đê 5 trượng, cao 1 trượng. Đê Trung Giang: mặt đê 1 trượng 2
thước, chân đê 4 trượng, cao 1 trượng. Đê sông nhỏ: mặt đê 9 thước,
chân đê 3 trượng, cao 9 thước. Định lệ hằng năm cứ hạ tuần tháng giêng,
khởi công đắp và tu bổ đê. Công trình lớn đến cuối tháng 3, công trình
nhỏ đến trung tuần tháng 2 phải đắp xong. Mở cống phải báo quan. Các đê
đều phải trồng tre chắn sóng và có sẵn tre hộ đê. Dựng thước đo nước ở
bến sông. Sức cho dân phải dự bị các loại sọt đất và tre gỗ hộ đê.
- Nước sông Hồng lên to, vỡ đê ở xã Kim Quan (Gia Lâm) xã Phụng Nghĩa (Yên Sơn - Sơn Tây) gây lụt lớn.
- Định lại lệ đặt cai phó tổng ở Bắc Thành. Mỗi tổng đặt một cai
tổng, chọn trong hàng lý trưởng. Tổng nào nhiều việc đặt thêm một phó
tổng ngoại uỷ. Cấp văn bằng, 1 triện. Cứ 3 năm một lần khảo xét để khen
thưởng kỷ luật.
Tháng chín
- Tổ chức thi hương ở Bắc Thành, lấy đỗ cử nhân 20 người.
- Đắp đê công ở Bắc Thành. Mở 18 sở đê, đắp mới đê Kim Quan (Gia
Lâm), dài hơn 980 trượng, đê Hải Bối, Phụng Nghĩa (Sơn Tây), Phụ Thi,
Nho Lâm, Viên Nội (Sơn Nam). Bồi bổ các đê cũ ở Hát Môn, Mạch Lũng, Đại
Độ (Sơn Tây) tổng cộng dài hơn 3.590 trượng.
Tháng chạp
- Định ngạch thuyền cho các địa phương. Bắc Thành được đóng 35 chiếc các loại
- Bãi bỏ việc đúc tiền kẽm ở Bắc Thành.
1829 - Kỷ Sửu
Tháng giêng
- Đắp đê sông Hát và đê sông Tích
- Dựng công trường đê chính ở cửa Nam thành Thăng Long.
Tháng tư
- Khúc đê mới ở Kim Quan (Gia Lâm) dài hơn 140 trượng thường sụt lớn, đắp lại sụt.
Tháng bẩy
- Ngạch thuyền của Bắc Thành được tăng thêm 7 chiếc là 42 chiếc.
Tháng tám
- Quan Đê chính Lê Đại Cương làm sách tổng kê đê điều ở Bắc Thành.
Trong đó ghi: Hai huyện Vĩnh Thuận, Thọ Xương, Phủ Hoài Đức, 8 phường,
thôn có 2 con đê công cũ ở sông Cái dài 1.272 trượng đắp từ đời trước.
Trấn Sơn Tây, 8 huyện Tiên Phong, Phúc Lộc, Đan Phượng, Yên Sơn, Từ
Liêm, Bạch Hạc, Yên Lạc, Yên Lãng gồm 248 đoạn đê công dài hơn 59.039
trượng, 16 cống. Đê tư dài 10.393 trượng, 16 cống.
Tháng mười
- Thành ở phía trước mặt Bắc Thành bị sụt
- Định lại danh hiệu và số ngạch tượng binh. Bắc Thành có 3 cơ, mỗi
cơ 5 đội, biền binh 50 người, voi 110 thớt. Ba cơ tượng gọi là: Bắc
Tiền, Bắc Tả và Bắc Hữu.
1830 - Canh Dần
Tháng giêng
- Vét cửa sông Thiên Đức (sông Đuống)
Tháng chín
- Xây thành Kim Hoa bằng gạch.
- Đắp thành đất ở các phủ: Thiên Phúc (Đa Phúc), Quảng Oai, Quốc Oai
và các huyện Gia Lâm, Từ Liêm, Yên Sơn, Thạch Thất, Yên Lãng, Minh
Nghĩa, Bất Bạt, Thanh Trì. Thành Phủ: ngoài cao 7 thước 2 tấc, trong cao
4 thước, mặt dày 8 thước, chân rộng 1 trượng 5 thước. Thành huyện:
ngoài cao 7 thước 2 tấc, trong cao 3 thước 7 tấc, mặt dày 8 thước 3 tấc,
chân 1 trượng 5 thước.
Tháng một
- Bờ sông ở ngoài thành Đại La bị nước lụt xói lở cách chân thành chỉ
độ 3 trượng. Một đoạn ở Cận Hàn dài 71 trượng, 1 đoạn ở Thạch Khối dài
47 trượng. Sai hơn 1000 biền binh bồi đắp làm kè bằng cọc gỗ bên ngoài.
1831 - Tân Mão.
24 - 6 (mười lăm tháng năm)
- Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến vẽ “Hoài Đức phủ toàn đồ”
Tháng bẩy
- Bắt đầu tuyển lính cơ ở phủ Hoài Đức để bổ sung cho trấn Sơn Nam
- Dỡ bỏ Cục Bảo Tuyền (Tràng Tiền) vì đã đình chỉ việc đúc tiền ở Bắc Thành, để làm trường thi hương.
- Quy định về đường cái quan: mặt rộng 1 trượng, chân rộng 1 trượng 5 thước, giữa cao 2 thước, 2 bên đường cao 1 thước
- Đặt 10 trạm ở Sơn Tây. Mỗi trạm có từ 20 đến 30 người, 1 nhà trạm 3
gian 2 chái bằng tre, gỗ, lợp tranh. 10 trạm là: Sơn Xá, Sơn Đồng, Sơn
Quang, Sơn Lâu, Sơn An, Sơn Thanh, Sơn Bình, Sơn Vân, Sơn Xuân, Sơn Hoà.
Tháng chín
- Mở khoa thi hương, lấy đỗ cử nhân 20 người. Trong đó có Cao Bá Quát, Nguyễn Huy Tôn, Phạm Huy Chân, Kiều Năng Thân…
Tháng mười
- Chia lại địa hạt, từ 11 trấn thành 18 tỉnh ở Bắc Thành.
Trong đó:
Hà Nội bao gồm: phủ Hoài Đức hợp với trấn Sơn Nam, phủ Hoài Đức thêm huyện Từ Liêm của phủ Quốc Oai cũ.
Như vậy Hà Nội có 4 phủ: Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hoà, Lý Nhân; 15 huyện:
Thọ Xương, Vĩnh Thuận, Từ Liêm, Thượng Phúc, Thanh Trì, Thanh Oai,
Chương Đức, Sơn Minh, Hoài An, Nam Xương, Duy Tiên, Bình Lục, Phú Xuyên,
Kim Bảng, Thanh Liêm.
Sơn Tây gồm 5 phủ: Quốc Oai, Vĩnh Tường, Lâm Thao, Quảng Oai, Đoan Hùng; 22 huyện:
Yên Sơn, Yên Lạc, Thạch Thất, Yên Lãng, Bạch Hạc, Lập Thạch, Mỹ Lương,
Phù Ninh, Đan Phượng, Sơn Vi, Hoa Khê, Thanh Ba, Hạ Hoà, Tiên Phong,
Minh Nghĩa, Bất Bạt, Phúc Thọ, Tây Quan, Đặng Đạo, Tam Dương, Sơn Dương,
Hùng Quan.
Bắc Ninh thống trị 4 phủ: Từ Sơn, Thiên Phúc, Thuận An, Lạng Giang; 20 huyện:
Tiên Du, Võ Giàng, Quế Dương, Yên Phong, Hiệp Hoà, Kim Hoa, Việt Yên,
Lương Tài, Gia Lâm, Văn Giang, Gia Bình, Siêu Loại, Yên Thế, Yên Dũng,
Bảo Lộc, Hữu Lũng, Phượng Nhãn, Lục Ngạn, Đông Ngàn, Thiên Phúc.
- Đặt chức quan tổng đốc Hà - Ninh, chuyên hạt tỉnh Hà Nội và kiêm hạt tỉnh Ninh Bình.
- Định ngạch bộ binh tỉnh Hà Nội có: 10 cơ Chân Định của Trung Quân,
cơ Thiện Võ, cơ Hà Nội, cơ Nghiêm Dũng, Hà Nội tượng cơ, Hà Nội thủy cơ
và Hà Thanh thủy cơ.
- Định chức trách các quan cầm đầu: Tổng đốc quản lý toàn hạt. Tuần
phủ giữ việc chính trị, giáo dục, vỗ yên dân. Bố chính sứ trông coi thuế
khóa, tài chính. Án sát sứ giữ việc kiện tụng, hình án, bảo vệ, phong
hóa, kỷ cương.
- Đặt ty Bưu truyền (cơ quan chạy trạm, chuyển công văn) ở Hà Nội.
1833 - Quý Tị
- Dời phủ lỵ Hoài Đức từ làng Tiên Thị (nay là phố Lý Quốc Sư) đến làng Dịch Vọng (nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội).
- Sơn cột, sửa nhà chính tẩm và xây tường quanh Văn Miếu.
1835 - Ất Mùi
Tháng ba
- Minh Mạng bắt bạt bớt chiều cao của thành Hà Nội. Từ 1 trượng 3
thước xuống 1 trượng 1 thước 2 tấc để thấp hơn hoàng thành ở Huế.
- Đặt đồn sở, đóng quân ở 3 nơi xung yếu thôn An Vinh, huyện Kim Hoa, xã Cổ Loa, huyện Đông Ngàn và xã Phú Thị, huyện Gia Lâm.
1837 - Đinh Dậu
Tháng giêng
- Thống kê số đinh của tỉnh Hà Nội: 51.877 người. Tỉnh Sơn Tây: 29.551 người.
Tháng hai
- Hà Nội, Sơn Tây nuôi được nhiều tằm kén trắng.
Tháng năm
- Cháy hơn 1400 nóc nhà ở tỉnh thành. Chia vạch lại cửa nhà cho thứ
tự, mở đường sá. Dân phố phải dự vị đồ cứu hỏa. Chọn đất lập đền thờ
thần Hỏa.
Tháng sau
- Vỡ đê Vân Trại, huyện Tiên Phong. Mực nước cao 21 thước 3 tấc thì
bị vỡ lở dài hơn 10 trượng. 6 huyện: Tiên Phong, Phúc Lộc, Minh Nghĩa,
Thạch Thất, Yên Sơn, Mỹ Lương bị lụt, nước tràn vào 3 mặt: tây, nam, bắc
tỉnh thành Sơn Tây. Lấy ngấn nước lụt năm này để định mức đắp cao của
đê
Tháng chín
- Vua Minh Mạng bắt dân thay đổi cách ăn mặc, bỏ tục cũ, ăn mặc đội mũ theo lối nhà Hán, nhà Minh.
Tháng mười
- Mở khoa thi hương ở Hà Nội, lấy đỗ 17 người.
Từ 1838 (Mậu Tuất) đến 1840 (Canh Tí)
- Thay đổi đơn vị hành chính cấp thôn và tổng. Huyện Thọ Xương 8 tổng
đổi tên mới với 116 phường, thôn. Huyện Vĩnh Thuận 5 tổng với 27
phường, thôn. Số dân của tỉnh Hà Nội năm 1840 là 52.335 người.
1842 - Nhâm Dần
- Dời huyện lỵ Thọ Xương từ thôn Hương Miến (Hàng Bột) đến thôn Tiên Thị (nay là phố Lý Quốc Sư)
- Vua Thiệu Trị ra Bắc Hà đến Hà Nội.
Tháp Hòa Phong còn lại trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (Nguồn ảnh: Internet) |
- Nguyễn Đăng Giai, tổng đốc Hà - Ninh, quyên tiền xây chùa Báo Ân.
Chùa xây trên nền cũ của lầu Ngũ Long thời Lê - Trịnh cạnh Hồ Gươm. Làm 4
năm mới xong, rộng 180 gian, có 36 nóc. Sau chùa có nhiều tháp. Còn có
tên gọi là chùa Quan Thượng (nay chỉ còn lại Tháp Hòa Phong trên đường
Đinh Tiên Hoàng).
1846 - Bính Ngọ
- Nhân dân vùng Khương Thượng bí mật làm pho tượng Quang Trung dưới danh nghĩa Đức ông, thờ ở Chùa Bộc
Chùa Bộc nằm trên phố Chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội (Nguồn ảnh: Internet) |
1848 - Mậu Thân
- Tự Đức cho phá dỡ hết cung điện ở thành Hà Nội đưa các đồ chạm trổ mỹ thuật bằng gỗ, đá về Huế.
1851 - Tân Hợi
1-5
- Cố đạo Ô Quý Hanh Xơphole (Augustin Schoeffler) bị chém ở Sơn Tây.
1854 - Giáp Dần
- Cao Bá Quát khởi nghĩa chống triều đình ở Mỹ Lương (nay là huyện Chương Mỹ).
1855 - Ất Mão
- Cao Bá Quát bị bắt và bị giết
1858 - Mậu Ngọ
- Xây 2 nhà tả vu và hữu vu ở hai bên nhà đại bái trong Văn Miếu. Mỗi nhà 11 gian để thờ các đồ đệ của Khổng Tử và các danh nho ta.
1860 - Canh Thân
- Đào sông Thiên Đức (sông Đuống). Do quan coi đê chính Nguyễn Tư
Giản (người làng Du Lâm, nay là xã Mai Lâm, huyện Đông Anh) chỉ huy.
- Triều đình khuyến khích dùng hàng nội hóa, ra lệnh cho các phường
dệt ở Hà Nội sản xuất nhiều để tiêu dùng, không nhập hàng của nước
ngoài.
1863 - Quý Hợi
- Xây đình bia trong Văn Miếu.
1864 - Giáp Tí
Tháng mười
- Sĩ tử trường thi hương Hà Nội công khai phản đối việc triều đình ký
hòa ước với Pháp. Họ hò reo ầm ĩ, không chịu vào thi, đòi hoãn kỳ thi.
Trường thi phải hoãn đến hôm sau mới thi được. Hai người khởi xướng là
Phạm Gia Tự và Nguyễn Danh Án bị bắt và bị phạt trượng, phạt giam.
1865 - Ất Sửu
- Phương Đình Nguyễn Văn Siêu đứng ra sửa lại đền Ngọc Sơn, xây đình Trấn Ba, bắc cầu Thê Húc, dựng Tháp Bút và Đài Nghiên.
Tháp Bút trước cổng đền Ngọc Sơn (Nguồn ảnh: Internet) |
- Bắt đầu biên soạn “Đại Nam nhất thống chí” (bộ sách địa lý hoàn chỉnh nhất thời phong kiến, biên soạn tới năm 1885 mới xong).
- Tạ Văn Phụng, dân đạo, người huyện Thọ Xương, tự nhận dòng dõi nhà
Lê nên xưng là Lê Văn Phụng hoặc Lê Bảo Phụng, khởi loạn, bị triều đình
bắt, xử chém cùng với 34 người khác tại pháp trường Bắc Dã.
1866 - Bính Dần
- Mở thêm lò đúc vàng, bạc ở Sơn Tây
1867 - Đinh Mão
Tháng hai
- Đặt trường thi võ ở Hà Nội cho các thí sinh từ Ninh Bình trở ra. Khoa thi Đinh Mão là khoa đầu tiên.
Tháng sáu
- Bão lớn, nhiều nhà cửa, đình chùa, dinh thự bị đổ.
Tháng mười
- Lập sở đồn điền ở huyện Kim Anh (nay thuộc huyện Sóc Sơn) để khai
hoang ruộng đất. Đến tháng 8 - 1868 phải bãi bỏ vì không thực hiện được.
1868 - Mậu Thìn
Tháng tư
- Quy định kỳ thi hương võ được tiến hành ngay sau kỳ thi hương văn ở trường thi Hà Nội.
1870 - Canh Ngọ
- Khắc in “Đại Nam quốc sử diễn ca” của Lê Ngô Cát và Đặng Huy Trứ.
1871 - Tân Mùi
Tháng sáu
- Vỡ đê Hà Nội, Sơn Tây… phải phá một đoạn đê ở Thạch Thất để giảm
mức nước. Các huyện Tiên Phong, Bất Bạt, Tùng Thiện (nay đều thuộc huyện
Ba Vì), Thạch Thất, Phú Thọ bị thiệt hại nặng.
1872 - Nhâm Thân
Tháng một
- Cục Thông Bảo Hà Nội đúc loại tiền đồng mới trên có khắc hai chữ
“Lục văn”. Tiền có pha nửa kẽm, nặng 7 phân, trị giá mỗi đồng ăn 6 đồng
tiền kẽm, mười đồng lục văn bằng một “tiền” cũ.
22 - 12
- Tên lái buôn Pháp là Giăng Đuypuy (Jean Dupuis) đưa chiến hạm đến
Hà Nội buộc quân Kinh lược Bắc Kỳ là Lê Tuân phải cho mượn đường sông
Hồng chở hàng đi Vân Nam. Lực lượng của Đuypuy gồm 2 tàu, 7000 súng tay,
30 đại bác, 15 tấn đạn và hơn 100 người vũ trang.
1873 - Quý Dậu
30 - 4
- Đuypuy từ Vân Nam trở về Hà Nội, gây hành động ngang ngược đòi có
nhượng địa, tự lập đồn lũy ở bờ sông Hồng với gần 400 quân, mở cửa hàng ở
phố mới (nay là phố Hàng Chiếu)
27 - 5
- Nguyễn Tri Phương đến Hà Nội nhận chức Khâm sai đại thần ở Bắc Kỳ.
20 - 6
- Đuypuy vẽ cổng thành ở cửa ô Tiên Trung (nay ở phố Hàng Đậu). Nhà
nho Lê Đình Duyên, hiệu Cúc Hiên, người làng Mọc Hạ Đình đến ngăn cản đã
bị y hành hung.
Tháng 10
- Đuypuy kéo quân lên tận cửa Nam, phá phủ đường, bắt quan phủ Hoài Đức đem xuống tàu.
3 - 11
- Chiến hạm của Pháp do Phơrăngxi Gacnhiê (Fancis Garmier) chỉ huy,
từ Sài Gòn ra cập bến sông Hồng. Chiến hạm bắn 23 phát đại bác thị uy.
- Nguyễn Tri Phương gửi thư phản kháng cho Gacnhiê: “Ông đến Bắc Kỳ
là để trục xuất tên Giăng Đuypuy. Vậy thì ông hãy lôi cổ hắn và cùng hắn
đi khỏi nơi đây”.
5 - 11
- Gacnhiê đổ quân lên đóng ở Trường Thi
8 - 11
- Gacnhiê tự dán thông cáo ở Hà Nội. Thông cáo tuyên bố từ ngày 15 -
11 - 1873, sông Hồng được khai phóng tới Vân Nam. Các tàu thuyền của
Pháp, Y Pha Nho, Trung Quốc được tự do đi lại. Pháp thu thuế thương
chính. Tàu các nước vào Bắc kỳ phải xin phép quân Pháp.
12 - 11
- Gacnhiê gửi tối hậu thư cho Nguyễn Tri Phương buộc hạ khí giới và giao thành Hà Nội cho chúng vào ngày 18 - 11.
19 - 11
- Gacnhiê gửi tối hậu thư thứ hai buộc Nguyễn Tri Phương phải giải
giáp quân đội, rút hết súng trên thành Hà Nội trong vòng 24 giờ.
20 - 11
- 4 giờ sáng thực dân Pháp nổ súng đánh thành Hà Nội. Một toán quân
Pháp vượt cửa ô Đông Hà (nay là Ô Quan Chưởng) bị chặn đánh quyết liệt.
Sau một giờ kịch chiến, các cửa thành bị phá vỡ. Phò mã đô úy Nguyễn
Lâm, con trai của Nguyễn Tri Phương chết tại trận. Nguyễn Tri Phương bị
thương vào bụng và bị bắt. Thành Hà Nội bị mất lần thứ nhất. Theo
Gacnhiê, lúc này Hà Nội có 56 nghìn suất đinh và 2 vạn héc-ta ruộng.
- Cùng ngày, giặc Pháp đánh chiếm phủ Hoài Đức.
21 - 11
- Tên đại úy Pháp Bácniê (Barnier) đánh nống ra ven ngoại, bị quân ta giết ở Cầu Diễn (Từ Liêm)
4 - 12
- Nghĩa quân Nguyễn Cao tấn công địch ở Gia Lâm.
20 - 12
- Khâm sai Nguyễn Tri Phương sau khi bị giặc bắt, không chịu cho chữa
vết thương ở bụng, nhịn đói cho tới chết. Lúc này, ông là Hiệp biện đại
học sĩ, lãnh Lại bộ thượng thư, xung khâm mạng tuyên sát Đổng sức đại
thần.
- Phái đoàn của triều đình Huế cho Trần Đình Túc được cử làm Tổng đốc
Hà - Ninh (Hà Nội - Ninh Bình). Nguyễn Trọng Hợp: tuần phủ, Đặng Văn
Huấn: bố chánh, Trương Gia Hội: án sát, Phan Đề: đề đốc, Hoàng Đôn Điển:
lãnh binh.
21 - 12
- Chiến thắng Cầu Giấy lần thứ nhất. Quân ta phối hợp với quân Cờ đen
phục kích giết chết tên đại úy Gacnhiê ở Cầu Giấy và giết tên sĩ quan
thủ thành Hà Nội là Banny (Balny d’ Avricourt) ở trước cửa đền Voi Phục.
Nhà văn Giang Quân
(Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Năm tháng và sự việc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét