XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

Ý KIẾN NHỎ VỀ CHIẾT TỰ - MỘT TRÒ CHƠI CHỮ

                                          (Đã đăng Tạp chí CỬA BIỂN)
Tôi quê gốc ở Hải Phòng, nhưng tôi được cha mẹ sinh ra ở chốn “tha hương”. Thưở nhỏ, tôi chỉ biết quê hương Hải Phòng qua những bài thơ bài văn, vì vậy tôi tha hồ mà tưởng tượng. Hai chữ “Hải Phòng” lần đầu tiên gieo vào ký ức tuổi ấu thơ của tôi là từ bài thơ “Chú đi tuần” của Trần Ngọc trong sách Tập đọc lớp 2: “Gió hun hút lạnh lùng/Trong đêm khuya phố vắng/Súng trong tay im lặng, /Chú đi tuần đêm nay/Hải Phòng yên giấc ngủ say/Cây rung theo gió, lá bay xuống đường…”
Hai chữ Hải Phòng đã in đậm trong tôi, là niềm khát khao, là niềm ước mơ và niềm thương nhớ vô bờ bến. Tôi như một người con xa quê khao khát tìm về quê cha đất tổ. Tôi rất thích đọc các tác phẩm viết về Hải Phòng. Thế là những cái tên như Sông Lấp, Cầu Đất, Cầu Rào, Cầu Niệm, rồi đến những bến Sáu Kho, vườn hoa Nhà Kèn, vườn hoa đưa người, Quán Hoa... đã từ trong tác phẩm Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu, Thời kỳ đen tối, Cơn bão đã đến, Sóng gầm, Một tuổi thơ văn... của nhà văn Nguyên Hồng đã đi vào miền sâu thẳm của tâm hồn tôi.
Sau này, tôi đã hiểu thêm về Hải Phòng qua những năm về công tác tại Quân chủng Hải quân và qua đọc những tác phẩm rất hay của các nhà văn Hải Phòng.Các anh các chị đã giúp tôi hiểu về chính quê hương mình. Tôi ao ước có một ngày được gặp chính những ân nhân ấy để tỏ lòng cảm tạ, để mà học tập.
Tôi phục vụ trong quân ngũ đã tròn 40 năm. Về đời lính, tôi là người lính già, nhưng trong làng văn, tôi là người lính mới tò te, mới chập chững được vài trang viết. Cả đời làm công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật, nay vừa hoàn thành nhiệm vụ, tôi thử viết mấy bài, với ước mong biết đâu viết lách lại trở thành niềm vui trong những ngày hưu trí.
Tôi thử viết bài: “Tài chiết tự của Nguyễn Du trong Truyện Kiều”. Nội dung bài thì ấp ủ từ lâu, nhưng khi bắt tay vào viết thì lại say như kẻ nhập đồng. Viết một mạch, viết rất nhanh, đọc lại cũng rất nhanh…Sự hứng khởi làm tôi như người say rượu. Tôi copy vào thư điện tử email, rồi nhấn chuột vào “Gửi đi” như lắp một viên đạn vào súng và bóp cò.
Sau khi nhấn chuột vào “Gửi đi” rồi, tôi liếc lại bài viết thì mới phát hiện là sơ suất to rồi. Cái anh Kim Trọng về quê chịu tang mà tôi lại gán ngay cho anh chàng Thúc sinh mới chết chứ! Nhưng bài đã bay đến nơi cần gửi rồi thì tính sao đây? Định gửi thư đính chính, nhưng lại tặc lưỡi nghĩ bụng, mình là người viết “vô danh”, chưa đáng đứng vào hàng “tiểu tốt”, bài vừa gửi đã chắc gì được đăng, mà nếu may mắn được đăng cũng chẳng mong được bạn đọc chú ý. Vả lại, nếu viết mà chê Đại thi hào Nguyễn Du thì mới khó, mới phải cân nhắc, mới cần to gan, lớn mật, cần trí tuệ uyên thâm, chứ khen cụ Nguyễn Du thì có mà khen cả ngày, nhiều người khen lắm rồi, nên bài viết của mình cũng như hạt cát trong sa mạc, chả mấy ai quan tâm đâu mà lo. Tự nhủ thầm như vậy, tôi quên bẵng chuyện này đi.
Nhưng may mắn làm sao, Tạp chí Cửa Biển, một tạp chí lớn, có uy tín trong lĩnh vực văn học nghệ thuật trong cả nước đã đăng bài của tôi. Lại may mắn hơn nữa là bài viết ấy được nhiều người, trong đó có các nhà văn lớn mà tôi hằng ngưỡng mộ bấy lâu nay đã đọc kỹ và viết bài chỉ ra những điều sai sót cho tôi. Điều mà tôi lo lắng ngay sau khi nhấn nút “ Gửi đi” trên email đã thành sự thật.. Xem (7* và (11*)
Bài viết dù hay hoặc chưa được hay, mà được các nhà văn lớn để mắt đã là quý lắm rồi, lại còn được những bậc thầy chỉ bảo nữa thì lại càng quý, được những lời này, dù khen dù chê cũng thật là một điều vinh hạnh. Tôi xin thành thật cảm ơn các nhà văn, các bậc thầy đã có bài rất công phu và tỉ mỉ, chỉ bảo cho tôi về bài viết này.
Đáp lại thịnh tình của các bác và của đông đảo bạn đọc, tôi cũng xin có thêm đôi lời về “chiết tự” nói chung và “chiết tự” của cụ Nguyễn trong Truyện Kiều.
Đôi điều về chiết tự:
Như nhà văn Đinh Quyền đã giới thiệu, chữ “chiết 折” trong tiếng Hán có nhiều nghĩa, nhưng trong tất cả các Từ điển, nghĩa thứ nhất bao giờ cũng là: gãy, bẻ, bẻ gãy, làm gãy (1*), từ “chiết tự” (2*). Tham khảo trên mạng internet, mở trang Google, đánh chữ “chiết tự” mà tìm, sau 0, 43 giây, sẽ có 59500 kết quả xuất hiện. Đa số đều coi chiết tự là một cách chơi chữ theo kiểu bẻ chữ. Họ giải thích: “Chiết: Bẻ gãy. Tự: chữ, ý nói chữ Nho. Chiết tự là phân tách một chữ Nho ra làm nhiều thành phần, giải thích ý nghĩa của mỗi thành phần, và sau rốt giải thích ý nghĩa của toàn chữ.” (caodaism.org). Nếu đánh chữ “ 折 字 – chiết tự”, sau 0, 41 giây sẽ có 234.000.000 kết quả. Tuy nhiên, các kết quả này không chỉ riêng nói về chữ “折 字”, mà còn nói về các chủ đề liên quan đến chữ “折- chiết” và chữ “字- tự”, nhưng với con số hàng trăm triệu như vậy cũng có thể nói là quá nhiều.
Theo Đại Từ điển Tiếng Việt – Nguyễn Như Ý chủ biên (Nhà XB VHTT-1998) thì “Chiết tự” có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là Phân tích chữ Hán ra từng nét, từng bộ, căn cứ vào nghĩa của chúng mà đoán định lành dữ. theo mê tín.Ngày xưa, các thày xem bói thường dùng phương pháp chiết tự danh tính hoặc một chữ ngẫu nhiên mà khách hàng viết ra để đoán vận mệnh. Nhưng ngày nay ít dùng hơn. Nghĩa thứ hai của “chiết tự” là: “Dựa theo nghĩa của các thành tố cấu tạo mà giải nghĩa của từ hoặc tổ hợp từ.” Thực tế đây là một trò chơi chữ, người ta ứng dụng trong thơ, văn, câu đối, hò, vè, ca dao, câu đố…giúp giải trí và tạo điều kiện cho người học chữ hán nhớ mặt chữ lâu.
Ví dụ câu: “Chim chích mà đỗ cành tre/Thập trên tứ dưới, nhất đè chữ tâm” là nói về chữ “Đức - 德”. Còn câu “Chữ lập đập chữ viết, chữ viết ức hiếp chữ thập” là nói về chữ “Chương-章”. Câu đố: “Hỡi anh cắp sách đi thi, Ba xe chập lại chữ gì hỡi anh?” là câu đố về chữ “Oanh - 轟”. Câu hò đối đáp vừa là câu đố “Cô Lan mà đứng cửa đông, Ai mà đoán được làm chồng cô Lan” là câu đố về chữ Lan 阑.

Chiết tự ở Trung quốc:
Chiết tự là trò chơi chữ từ lâu đã xuất hiện ở Việt Nam, nhưng gốc tích của nó lại từ bên Trung quốc, nơi phát minh và sử dụng chữ Hán, là một loại chữ tượng hình.
Ai đọc Tam quốc diễn nghĩa hẳn đều nhớ, chuyện kể rằng có một lần Tào Tháo cho người xây một khuôn viên mới. Sau khi xây xong ông đến kiểm tra, đi khắp nơi đều gật gù ưng ý, nhưng khi đi qua cánh cổng, ông không nói không rằng lấy bút viết lên cánh cổng chữ "hoạt". Mọi người không biết ý Tào công thế nào. Họ đi hỏi Dương Tu, ông này nói: “Tào công chê cánh cổng rộng đấy, chữ “hoạt” nằm trong cổng ( cổng ứng với chữ “môn”) là chữ Khoát (rộng) đó. Các ngươi thu nhỏ lại là được!” Họ sửa lại cửa cho nhỏ lại. Quả nhiên, sau khi kiểm tra lại, Tào Tháo cười và hỏi ai hiểu ý ta hay vậy, mọi người nói là do Dương Tu chỉ. Tào Tháo bề ngoài tuy khen, nhưng trong bụng không vui vì có kẻ hiểu bụng mình!
Người Trung quốc chơi chữ không chỉ riêng “chiết tự”, mà chơi song song cả “chiết tự” và “hợp tự”. “Chiết tự” là bẻ một chữ ra thành nhiều chữ có nghĩa, còn “hợp tự” là ghép nhiều chữ thành một chữ. Thực ra phép “hợp tự” là làm ngược với “chiết tự”, và “chiết tự” là làm đảo lại việc “hợp tự” mà thôi. Khi bẻ chữ, hay ghép chữ, chữ nguyên gốc và chữ mới đều có nghĩa nào đó, mà nghĩa ấy, người chơi muốn thể hiện lòng mình về thiên nhiên, con người và xã hội.
Chúng ta thử đọc mấy câu đối “hợp tự” (ghép chữ) mà người Trung quốc thường dùng:
古木枯 此木成柴
女子好 少女更妙
Cổ mộc khô thử mộc thành sài
Nữ tử hảo thiếu nữ cánh diệu.
(Chữ cổ bên chữ mộc thành chữ khô, chữ thử trên chữ mộc thành chữ sài (củi). Chữ nữ bên chữ tử thành chữ hảo, chữ thiếu bên chữ nữ thành chữ diệu).
人曾是僧人弗能成佛
女卑为婢女又可称奴
Nhân tằng vi tăng, nhân phất năng thành phật
Nữ ti vi tì, nữ hựu khả xứng nô.
(Chữ nhân bên chữ tằng thành chữ tăng, chữ nhân bên chữ phất thành chữ phật (người tu hành chính quả)/Chữ nữ bên chữ ti thành chữ tì, chữ nữ bên chữ hựu thành chữ nô (nô tì).
Câu sau đây tương truyền là về mối tình của Đường Bá Hổ - Điểm Thu Hương:
十口心思 思国思家思社稷
八目尚賞賞风賞月賞秋香 (3*)
Thập khẩu tâm tư, tư quốc, tư gia, tư xã tắc
Bát mục thượng thưởng thưởng phong thưởng nguyệt thưởng Thu Hương.
(Chữ thập 十 nằm trong chữ khẩu 口 thành chữ điền 田, chữ điền 田trên chữ tâm 心 thành chữ 思 (nhớ), nhớ nước, nhớ nhà, nhớ xã tắc/Chữ mục 目 trên chữ bát 八 thành chữ bối貝, chữ 貝 nằm dưới chữ thượng thành chữ thưởng (thưởng thức), thưởng gió, thưởng trăng, thưởng Thu Hương (Thu Hương là người tình của Đường Bá Hổ).
日月明朝昏, 山风岚自起, 石皮破仍坚, 古木枯不死。
可人何当来, 千里重意若, 永言詠黄鹤, 士心志未已。
Nhật nguyệt minh triều hôn, sơn phong lam tự khởi, thạch bì phá nhưng kiên, cổ mộc khô bất tử
Khả nhân hà đương lai, thiên lý trọng ý nhược, vĩnh ngôn vịnh hoàng hạc, sĩ tâm chí vị dĩ
(Hợp tự: Chữ nhật 日 bên chữ nguyệt 月 thành chữ minh 明, chữ sơn 山 bên chữ phong 风 thành chữ lam 岚 (mây mù), chữ thạch 石 bên chữ bì 皮 thành chữ phá 破 (phá vỡ), chữ cổ 古 bên chữ mộc 木 thành chữ khô 枯 (khô hạn), chữ khả 可 bên chữ人 thành chữ hà 何 (từ nghi vấn), chữ thiên 千 trên chữ lý 里 thành chữ trọng 重 (còn có khi lại gọi là chữ trùng), chữ vĩnh 永 bên chữ ngôn 言 thành chữ vịnh 詠 (ngâm vịnh), chữ sĩ 士 trên chữ tâm 心 là chữ chí 志)
Chiết tự ở Việt Nam
Ở Việt Nam, đa số dùng từ “Chiết tự” để chỉ những trò chơi chữ, cắt, ghép chữ. Trong thực tế, cũng như bên Trung Quốc, từ lâu các danh sĩ và người dân Việt Nam đã dùng các thủ pháp “chiết tự” (bẻ chữ) và “hợp tự” (ghép chữ). Nhưng cả hai phép này, chúng ta đều coi là “chiết tự”.
Ví dụ bài thơ Chiết tự của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tập Nhật ký trong tù mà trong bài Đôi điều bàn lại, nhà văn Đinh Quyền đã dẫn:
折 字
囚人出去或為國
患 過 頭 時 始見忠
人有 憂 愁 優 點 大
籠 開 竹 閂 出 真 龍
Phiên âm:
CHIẾT TỰ
Tù nhân xuất khứ hoặc vi quốc,
Hoạn quá đầu thời thủy kiến trung.
Nhân hữu ưu sầu, ưu điểm đại,
Lung khai trúc sản xuất chân long.
Giải nghĩa:
Chữ tù (囚 giam cầm) bỏ chữ nhân (人) thay chữ hoặc (或) thành chữ quốc (國 nước)
Chữ họan (患 hoạn nạn) bớt (中) phần trên, thành chữ trung (忠 hết lòng vì nghĩa)
Thêm bộ nhân (亻) vào trước chữ ưu (憂 ưu sầu) thành chữ ưu (優 ưu điểm)
Chữ lung (籠 nhà lao) bỏ bộ trúc (竹 cây tre), thành chữ long (龍 Rồng)
Thực tế, trong bốn câu thơ trên của Bác Hồ, câu đầu tiên vừa chiết tự (bẻ chữ bỏ đi một phần), rồi sau đó lại “hợp tự” (ghép chữ, thêm vào một phần). Câu thứ hai và thứ tư là dùng phép “chiết tự”) bẻ chữ rồi bỏ đi một phần). Câu thứ ba là dùng phép “hợp tự” (ghép hai chữ lại với nhau thành chữ mới).
Phép tổng hợp “chiết tự - hợp tự” cũng được dùng nhiều trong các câu đối, câu thơ khác: Ví dụ: 安女去豕入为家. Chữ an (安êm đềm) bỏ chữ nữ (女) đi, đưa thêm vào chữ thỉ (豕) thành chữ gia (家) .
Kho tàng văn học Việt Nam có nhiều bài văn, bài thơ, câu phú, câu đối… về “chiết tự”, nhưng khuôn khổ có hạn, xin không nêu ở đây mà sẽ nêu ở dịp khác. Xin kể một cách chơi chữ rất hình tượng, rất tinh tế qua câu chuyện sau đây. Có một gia đình trong năm qua có nhiều điều không may mắn, làm ăn không yên, trộm cắp dòm ngó lấy đi của cải, người thì hay bị ốm đau. Chủ nhà mới đến xin thày đồ nho một bức tranh chữ để treo trong nhà. Trưa nắng, thày đồ cùng cô con gái mặc áo tứ thân, đội nón thúng quai thao sang nhà ông chủ nọ. Bức tranh chữ mà cô gái bưng sang được bọc giấy kín. Khi chủ nhà tiếp đãi cơm rượu, nước non thịnh soạn xong, thày đồ mới trịnh trọng tháo bức tranh chữ ra. Chủ nhà thấy bức tranh một cô gái quan họ xinh đẹp, đội nón thúng quai thao, đứng e lệ dưới cành liễu rủ, bên bờ hồ nước xanh thơ mộng. Nhìn mãi, chả thấy một chữ nào. Bấy giờ chủ nhà mới hỏi: “Thưa thầy, tôi muốn xin thầy một bức tranh chữ, sao chả thấy chữ đâu?”. Thày đồ mới cười nói: “Biết gia cảnh nhà ông năm qua gặp nhiều rủi ro, có nhiều biến động, tôi xin biếu ông chữ AN. Mong nhà ông năm tới bình an vô sự.” Chủ nhà nhìn kỹ, tìm chả thấy chữ AN ở đâu, bấy giờ thày đồ mới nói: “Hôm nay tôi cùng cô con gái sang thăm ông là mang chữ An đến nhà. Này nhé, cháu đội nón, ông xem có giống bộ “miên” không? Dưới cái nón là cháu gái tôi, đó là bộ “nữ”. Bộ “miên” trên bộ nữ thì chả đúng chữ AN là gì. Tôi lại biếu ông bức tranh cô gái đội nón cũng là chữ AN đấy thôi!”. Bấy giờ cả nhà mới ồ lên, trịnh trong treo chữ AN ẩn trong bức tranh tố nữ lên tường.
Về chiết tự trong Truyện Kiều
Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc. Qua những bài thơ chữ Hán, ông là bậc thầy về chữ Hán. Ông cũng là bậc thầy về chữ Nôm, qua các bài văn tế thập loại chúng sinh, và đỉnh cao là Truyện Kiều bất hủ.
…”Trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, những hình thức sinh hoạt như đố Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều, hoạt cảnh, ca tài tử, cải lương liên quan các tuồng tích trong Truyện Kiều đều in đậm dấu ấn ngôn ngữ văn hóa Truyện Kiều. .... Các nhà Kiều học Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Thạch Giang, Nguyễn Quảng Tuân…và nhất là Phạm Đan Quế, người đã tâm huyết một đời với văn hóa Kiều đã chứng minh được những ảnh hưởng sâu đậm của Truyện Kiều đối với các sinh hoạt văn hóa dân tộc. Từ trong nền văn hóa Kiều, các hình thức bình Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều đã trở thành những thú chơi tao nhã.” (4*)
Ông cũng chơi chữ, cũng chiết tự trong các tác phẩm của mình. Sau này, có nhiều người, nhiều bài viết về Nguyễn Du chơi chữ chỗ này, chiết tự chỗ kia, chẳng qua là một kiểu chơi “tán Kiều” cho hay thôi chắc gì cụ Nguyễn đã có ý đồ chơi chữ đúng như nhà văn Lưu Văn Khuê đã nói. (5*).
Thực ra, trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn chơi chữ duy nhất có một lần, đó là khi chàng Sở Khanh đưa cho nàng Kiều một bức tiên mai:
“…Mở xem một bức tiên mai,
Rành rành “tích việt” có hai chữ đề.

Và Thúy Kiều đã giải bài toán này một cách dễ dàng:
Lấy trong ý tứ mà suy,
Ngày hai mươi mốt, tuất thì phải chăng…

Chữ tích 昔 trong Tích việt 昔 越 vốn trong chữ Hán được cấu tạo từ các chữ Trấp 廿, nhất -, nhật 日 có nghĩa là ngày hai mươi mốt. Chữ Việt gồm có các chữ Tuất 戌 (thì Tuất hoặc giờ Tuất) và Tẩu 走 (chạy), có nghĩa là vào giờ Tuất, chạy trốn…” (4*).
Còn những câu liên quan đến chiết tự khác, người đời sau đều suy diễn mà “tán” ra cả. Xin cứ nêu một số ý mà lâu nay nhiều nhà phân tích Kiều nhắc đến, đó là:
Đêm thu gió lọt song đào
Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời.
Câu này là nói lên nàng Kiều thức đêm ngồi bên song cửa, không ngủ được, ngóng trông về nơi xa xôi mà nhớ chồng, khi gió thổi qua song của, nhìn lên trời thấy “nửa vành trăng khuyết” và ba ngôi sao ở giữa trời. Hình ảnh “nửa vành trăng khuyết” như là cái móc câu, còn ba ngôi sao như ba cái chấm, khiến ta tưởng tượng đó là chữ TÂM 心. Mà Thúc Kỳ Tâm là tên của chàng thúc sinh chồng nàng. Ngụ ý nàng Kiều đang nhớ Thúc sinh.
Có người chiết tự câu thơ:
Lòng thu lai láng bồi hồi
Gốc cây lại vạch một bài cổ thi.

Ở đây câu “Lòng thu lai láng bồi hồi”, có người hiểu là lòng mùa thu. Nhưng rõ ràng Kiều đang đi chơi “tiết thanh minh” cơ mà, sao lại có lòng mùa thu ở đây được? Chữ “lai láng, bồi hồi” thì rõ rồi, còn hai chữ “Lòng thu” thì sao? Có thể chữ “lòng” là thể hiện chữ TÂM 心 chăng? Chữ THU 秋 trên chữ TÂM 心 là chữ SẦU (愁). Qua chiết tự thì hiểu rằng câu này nói lên Kiều làm thơ trong trạng thái sầu bi, rất buồn rầu.
Còn đến câu:
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung”

Và câu
Bây giờ ván đã đóng thuyền
Đã đành phận bạc, khôn đền tình chung”
Ta thử xét về chữ “tình chung”. Ở đây, chữ “Chung” theo Hán-Việt có nhiều cách viết như:盅, 终, 螽, 锺, 鐘, 鼨, chữ Nôm cũng có hai cách viết là 终, 锺. Trong đó hay sử dụng nhất là chữ Chung 锺 (chung trong chung tình, là yêu son sắt, lòng yêu quý ; chung cũng còn là cái chuông, cái để đo giờ, …) và chữ Chung 終 (cuối cùng, hết, trọn vẹn, dùng trong chữ thủy chung). Chữ Chung 鐘 là cái chuông, là dụng cụ đo giờ (gồm có chữ kim và chữ đồng 童 ghép lại). Chữ 鐘 đọc theo Nôm sẽ là chữ Chuông.
Chữ “chung tình” được dùng rất phổ biến, còn chữ “tình chung” ít dùng hơn. Có thể là chữ “tình chung” xuất phát từ chữ “Tình chi sở chung 情 之 所 鍾”: Mối tình chung đúc vào một người. (6*).
Cũng là phán đoán rằng cụ Nguyễn Du chơi chữ, cụ đã dùng phép “hợp tự”, chữ Thiên 千 trên chữ Lý 里 thành chữ Trọng 重; Chữ Kim 金 đứng bên chữ Trọng 重 thành chữ Chung 鍾 (Chung này vừa có nghĩa là chuông về thời gian, vừa có nghĩa trong chung tình và tình chung).
Đọc câu này lên, sẽ có những người liên tưởng theo nghĩa khác nhau. Cũng giống như nhìn vầng trăng non đầu tháng, người thì nghĩ là cánh diều, người thì nghĩ là quả chuối, người thì nghĩ là cái thuyền… ai quen thuộc cái gì thì liên tưởng ra cái ấy….
Khi phân tích chiết tự chữ “Chung” trên, tôi cố ý đưa thêm chi tiết chữ Thiên 千 trên chữ Lý 里 thành chữ Trọng 重, nhằm gợi mở một ẩn ý là cụ Nguyễn Du học theo cách chiết tự của cụ Thanh Tâm tài nhân (青心才人), tác giả của tiểu thuyết hai mươi hồi Kim Vân Kiều truyện (金 云 翘 传 ) bên Trung Quốc. Tiểu thuyết này đã được cụ Nguyễn Du viết lại bằng chữ nôm theo thể thơ lục bát, thành Truyện Kiều. Khó có thể nói cụ Nguyễn “sáng tác” Truyện Kiều, vì cụ lấy nội dung từ Kim Vân Kiều truyện chứ đâu phải là viết mới. Cũng khó có thể nói cụ Nguyễn “dịch” Kim Vân Kiều truyện thành Truyện Kiều vì một đằng là văn xuôi, một đằng là thơ lục bát, mà nội dung cũng không giống hoàn toàn. Gọi là “kể” truyện Kiều thì có thể là không chính xác, như nhà văn Đinh Quyền đã nói (7*). Nhưng gọi Truyện Kiều (và các truyện thơ Nôm như Phan Trần, Phạm Tải Ngọc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa... “kể” chuyện bằng thơ lục bát thì không phải là hiếm. Xin tham khảo ý kiến sau đây:
...."Truyện Kiều" là thơ hay là truyện? Thì, chính cái tên đã được dân gian hóa và phổ thông hóa của kiệt tác "Đoạn trường tân thanh" đã nói lên bản chất thể loại của nó: Đây là một tác phẩm tự sự, một "truyện", được triển khai dưới hình thức thơ (lục bát).
Nhìn rộng ra, tất cả các tác phẩm của văn học Việt Nam trung đại mà giới nghiên cứu từ lâu đã thống nhất định danh là "truyện Nôm" cũng đều là như vậy: Một "truyện" được "kể" bằng thơ lục bát hoặc song thất lục bát hoặc thơ Nôm Đường luật liên hoàn.”
(8*)
...” Sáng tạo của Nguyễn Du để làm nên kiệt tác Truyện kiều là rất lớn. Cốt truyện của Kim Vân Kiều truyện là tự sự của Nguyễn Du đã chuyển sang kể chuyện bằng thơ lục bát”....(9*)
Hoặc coi Truyện Kiều là kể chuyện bằng thơ như bài dẫn dưới đây:
... “Nhưng 3254 câu thơ sáu tám của truyện Kiều đọc lên mới thánh thót mới tuyệt mỹ làm sao, phải nói là đỉnh cao của nghệ thuật thi ca dùng thể thơ lục bát . Các điển tích được sử dụng nhuần nhuyễn, tinh tế, nhân vật sâu sắc còn ý tứ thì tế nhị, sâu xa. Ý tại ngôn ngoại, từng câu từng chữ từng từ, từng vận, uyển chuyển, sinh động, linh động và thấm đượm tình người cũng như là tâm huyết của tác giả . Kể chuyện bằng văn chương đã khó mà kể chuyện bằng thơ càng khó khăn gấp bội vì sự hạn chế, giới hạn của khuôn thước của thi ca, nhưng Thanh Hiên Tiên Điền Nguyễn Du đã vượt qua tất cả những trở ngại đó và để lại một áng thi ca trác tuyệt mà muôn đời sau hậu thế cũng khó có ai sánh bằng .”...
(10*)
Khi đọc đoạn phân tích: “dùng chữ Thiên 千 trên chữ Lý 里 thành chữ Trọng 重; Chữ Kim 金 đứng bên chữ Trọng 重 thành chữ Chung 鍾”, những bạn đọc biết chữ Hán, sẽ liên tưởng ngay đến cụ Thanh Tâm tài nhân chơi chữ trong Kim Vân Kiều truyện. Ở đây, cụ Thanh Tâm tài nhân chiết tự chữ Kim Trọng thành chữ Kim Thiên Lý. Chúng ta đã biết, tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện gồm 20 hồi. Mở đầu vào mỗi hồi, thường có một đôi câu đối. Đây cũng là phổ biến trong các tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc.
Hồi thứ hai mở đầu bằng đôi câu đối sau:
王翠翘坐痴想梦题断肠诗
金千里盼东墙遥定同心约
Vương Thuý Kiều toạ si tưởng, mộng đề đoạn trường thi;
Kim Thiên Lý miến đông tường, dao định đồng tâm ước.

Hồi thứ hai mươi mở đầu bằng đôi câu đối sau:
金千里苦哀哀招生魂
王翠翘喜孜孜完宿愿
Kim Thiên Lý khổ ai ai chiêu sinh hồn;
Vương Thuý Kiều hỷ tư tư hoàn túc nguyện.

Ở đây, Kim Trọng là danh từ riêng chỉ có hai chữ. Muốn đối với chữ Vương Thúy Kiều là danh từ riêng có ba chữ thì cụ Thanh Tâm tài nhân phải chiết tự chữ Kim Trọng ra thành ba chữ Kim Thiên Lý cho xứng.
Cũng đọc đoạn phân tích chiết tự chữ Chung ở trên, những bạn đọc không biết chữ Hán, sẽ liên tưởng tới Truyện Trạng Lợn, như nhà văn Lưu Văn Khuê đã kể và diễn giải (11*). Bạn đọc có thể liên tưởng đến truyện này cũng được, miễn là hiểu nguyên tắc “chiết tự” của chữ Chung 鍾.
Thực ra, việc phân tích chiết tự chữ Chung là do ghép bởi hai chữ Kim và chữ Trọng không mới. Đã có nhiều bài nói về cách chơi chữ này.
Ví dụ như… “Kim Trọng 金重 là chữ Hán thì phải viết cho đúng mặt chữ không như chữ Nôm chỉ cần viết cho đúng âm. Hai chữ 金 重 (Kim Trọng) nếu ghép lại thì thành chữ 鍾 (chung), ý nói chung tình.Chữ 重 (Trọng) nếu chiết tự ra thì gồm có chữ 千 (thiên) và chữ 里 (lý), ý nói chàng Kim dầu xa cách Thúy Kiều ngàn dặm vẫn không quên lời thề ước cũ và đến khi đoàn tụ vẫn khăng khăng đòi kết lại duyên xưa....”(12*).
Hay như: … “Để thử tài chữ nghĩa cùng sự hiểu biết về thiên tuyệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, người con gái trong bài ca dao sau đã thách đố:
Truyện Kiều anh giảng đã tài
Đố ai giảng được câu này anh ơi
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.
Bài ca dao tài hoa ở chỗ vận dụng cùng một lúc hai thủ pháp nghệ thuật: lấy Kiều và chiết tự chữ Hán. Đoạn “Biết thân đến bước lạc loài/Nhị đào thà bẻ cho người tình chung” đã lấy từ đoạn Kiều như sau:
Phẩm tiên rơi đến tay hèn
Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.
Chàng trai cũng ất am tường truyện Kiều đặc biệt là sự tinh tế tài hoa trong việc nhận diện nghệ thuật chiết tự đã được cô gái khéo léo đan cài vào ba chữ cuối cùng của câu thơ “Nhị đào thà bẻ cho người tình chung” nên chàng đã từ tốn trả lời:
Tình chung nào phải ai xa
Chính chàng Kim Trọng vào ra sớm chiều.
Hai chữ Kim Trọng 金 重 nếu ghép lại thì thành chữ Chung 鍾, ý nói chung tình.”
(13*)

Cách chiết tự và hợp tự
Trong bài Đôi điều bàn lại, nhà văn Đinh Quyền đã nói, và được nhà văn Lưu Văn Khuê đồng ý trong bài Đôi điều với ông Phạm Thanh Cải và ông Đinh Quyền là: “Quy tắc đọc chữ Hán là từ phải sang trái. Ví như chữ Trần (gồm chữ đông viết bên phải chữ a, đọc là đông –a chứ không đọc là a-đông; tương tụ, chữ Chung nếu được đọc theo chiết tự, phải đọc là Trọng – Kim chứ không phải là Kim-Trọng. Cổ nhân đã có câu: bát đao phân mễ phấn/ Thiên lý trọng kim chung đó ư?( tôi nhấn mạnh chữ trọng-kim)” và … “ngày trước văn bản Hán-Nôm bao giờ cũng phải đọc từ trên xuống dưới, từ phải sang trái, nghĩa chữ Chung nếu đem chiết tự thì tuần tự được kể phải là chữ Trọng rồi mới đến chữ Kim. Đinh Quyền nói đúng, hoành phi, câu đối, thơ phú ngày trước đều được viết và phải đọc như thế. Thế nên các cuốn sách cổ gáy sách đều ở bên phải”.
Hai nhà văn nói đúng một phần, nhưng cũng sai một phần.
Hai nhà văn đúng ở chỗ, ngày xưa Trung quốc viết chữ theo thẻ tre và kết lại. Người ta viết thành cột dọc theo thẻ tre và kết lại bằng dây và cuộn lại, theo nguyên tắc phải trước trái sau. Khi viết trên giấy hay vải, người ta vẫn giữ nguyên tắc là viết chữ theo cột dọc và cột bên phải trước, bên trái sau. Khi viết hoành phi, người ta cũng phải đọc từ phải sang trái, câu đối vế ra treo bên phải, vế đối treo bên trái. Sau này, người ta thêm cách viết nữa là viết theo dòng. Khi viết theo dòng, người ta viết bên trái trước, bên phải sau và dòng luân chuyển từ trên xuống dưới, như chúng ta viết chữ quốc ngữ bình thường. Hiện nay sách báo Trung quốc vẫn dùng đồng thời hai phương pháp “cột” và phương pháp “dòng” như vậy.
Hai nhà văn sai ở chỗ các ông chỉ đọc mà chưa viết chữ Hán bao giờ. Khi viết chữ Hán, người ta quy định trong một chữ, phải viết trái trước, phải sau, trên trước dưới sau, ngoài trước trong sau... Như vậy, khi “hợp tự” (ghép chữ) cũng phải ghép trái trước phải sau, trên trước dưới sau, ngoài trước trong sau. Ngược lại, khi “chiết tự”, người ta cũng xếp các chữ mới theo nguyên tắc chữ lấy ở bên trái, xếp trước chữ lấy ở bên phải, chữ lấy ở trên xếp trước chữ lấy ở phần dưới. Còn viết nhiều chữ trong một văn bản, khi viết thì tùy theo cách dùng “dòng” hay “cột” mà viết chữ nào trước chữ nào sau theo thứ tự trên-dưới, phải-trái.
Như vậy, nếu hợp tự (ghép chữ) chữ Chung, chắc chắn phải viết chữ Kim rồi mới đến chữ Trọng, từ trái rồi mới đến phải, theo đúng quy tắc viết chữ Hán.
Trong thực tế, có nhiều câu đối minh chứng cho điều này:
Câu: 人有憂愁優點大 Nhân hữu ưu (lo âu)sầu ưu điểm đại. Chữ nhân 人 phải xếp trước chữ ưu 憂 khi dùng hai chữ này để ghép thành chữ ưu 優.
Xin trích lại đoạn chuyện về Hồ Xuân Hương như sau:
“… Cũng có lẽ bởi cái khẩu khí ngang tàng khí khái đó mà đường hạnh phúc riêng của bà khá lận đận, để sau này Chiêu Hổ viết cho bà:
Người Cổ lại còn đeo thói Nguyệt
Buồng Xuân sao để lạnh mùi Hương.
Chữ Cổ 古, chữ Nguyệt 月 ghép lại thành chữ Hồ 胡, chữ Xuân 春, chữ Hương 香 ở câu sau thì ghép thành tên của nữ sĩ. Chiêu Hổ dùng chữ cũng tài tình lắm thay… (Tản mạn với những giai thoại về câu đối.
- Ngữ Thiên).
Hay một câu thơ hợp tự (ghép chữ) về Bác Hồ như sau:
“....Trăng xưa dọi tỏ lòng người
Treo gương nhật nguyệt cho đời soi chung
Tiếp cận một cách sơ lược cứ tưởng đây là một bài ca dao đề cập đến tình yêu nam nữ nhưng khi dùng phép chiết tự chữ Hán, ta sẽ giúp học sinh khám phá ra những điều lí thú về nghệ thuật chơi chữ của tác giả dân gian: Trăng xưa dịch từ chữ Cổ nguyệt 古 月, cổ 古 và nguyệt 月 ghép lại thành chữ Hồ 胡; lòng người là thầm nói đến chữ sĩ士 và tâm 心, ghép hai chữ này lại ta có chữ Chí 志; còn chữ nhật 日 và chữ nguyệt 月 ghép lại thành chữ Minh 明 Vậy ba chữ chiết tự từ câu ca dao ra là Hồ Chí Minh. Thật tinh diệu làm sao! Mà cũng thật tài hoa làm sao!
(14*)
Như vậy, khi chiết tự chữ Hồ, bao giờ cũng xếp chữ “cổ” rồi mới đến chữ “nguyệt”, đúng theo nguyên tắc từ trái sang phải thành “cổ-nguyệt” chứ không phải là từ phải sang trái thành chữ “nguyệt-cổ” như nhà văn Đinh Quyền chiết tự chữ “Chung” thành “trọng-kim” đâu!
Nhưng có một vài trường hợp, người ta không nhất thiết phải theo đúng từ trái sang phải. Đôi khi “chiết tự”, người ta cũng dùng kiểu đảo vị trí, nhưng rất hãn hữu. Ví dụ câu đối:
妙人儿倪家少女
武士心志在止戈
( Diệu nhân nhi nghê gia thiếu nữ
Võ sĩ tâm chí tại chỉ qua)
( Chữ diệu bẻ thành hai chữ thiếu nữ/ Chữ Vũ(võ) bẻ thành hai chữ chỉ qua. Ở đây khi bẻ chữ Diệu, người ta xếp chữ thiếu rồi mới đến chữ nữ, dụng ý là tạo thành từ “thiếu nữ”).
Tôi học chữ Hán mới được hơn bốn mươi năm, nay nhân bài viết này tôi lại gặp được một chữ mới. Theo nhà văn Lưu Văn Khuê, trong bài Đôi điều với ông Phạm Thanh Cải và ông Đinh Quyền: …“Chung (quả chuông) bên phải là chữ đồng (gồm trên là chữ Vị dưới là chữ Lý, bên trái là chữ Kim…” Tôi đi tìm chữ 鐘, hóa ra là chữ Chung viết theo kiểu phồn thể. Chữ Chung này đúng là quả chuông, và chữ Chung viết bằng chữ Nôm cũng viết đúng như vậy. Chỉ có điều, rõ ràng chữ đồng (đồng 童 – trong “nhi đồng”), thì bên trên là chữ “Lập”, bên dưới là chữ “Lý”. Tôi ngạc nhiên, chả lẽ nay lại có thêm chữ “Vị” mới rất giống chữ “Lập 立 “này chăng? Tôi đi tìm tất cả các loại chữ Vị xem sao. Về chữ Vị viết kiểu “phồn thể” thì có: 位, 味, 喟, 巋, 彙, 未, 沬, 洧, 渭, 為, 痏, 胃, 蜼, 蝟, 謂, 謂, 遺, 鮪; và chữ Vị viết kiểu “giản thể” thì có位, 味, 喟, 岿, 汇, 未, 沫, 洧, 渭, 为, 痏, 胃, 蜼, 猬, 谓, 遗, 鲔; chữ Vị viết theo kiểu “chữ Nôm” thì có : 位, 味, 胃, 喟, tôi không thể nào tìm thấy chữ “Vị 立” này cả. Tra các loại Từ điển cũng không có. Hay là nay đề nghị các nhà soạn Từ điển nên bổ sung thêm chữ Vị này vào chăng?! Dù sao cũng cảm ơn nhà văn Lưu Văn Khuê cho tôi dịp ôn lại tất cả các kiểu chữ Vị, mà lâu rồi, sợ quên theo năm tháng.
Theo nhà văn Đinh Quyền trong bài Đôi điều bàn lại thì: ... “Thứ ba: Chữ tác giả chiết tự ở trên đọc theo Nôm - thứ chữ cụ Nguyễn Du viết “Truyện Kiều” là Chuông chứ không đọc là Chung.” . Điều này có lẽ bác Đinh Quyền nên xem lại. Chữ Chung mà tác giả (PTC) chiết tự là chữ 鍾, chữ này đọc theo Nôm hay Hán Việt đều là Chung. Chỉ có chữ 鐘 mà bác Lưu Văn Khuê nói tới là khi đọc theo Nôm mới là Chuông thôi. Vả lại, nếu theo bác Đinh Quyền, thì khi đọc chữ 鍾 theo Nôm là Chuông thì hai câu thơ có chữ này ( đọc trực tiếp trên hình 1,2) phải đọc là:
Biết thân đến bước lạc loài,
Nhị đào thà bẻ cho người tình chuông.
Vì ai ngăn đón gió đông,
Thiệt lòng khi ở đau lòng khi đi

Và :
Bây giờ ván đã đóng thuyền,
Đã đành phận bạc khôn đền tình chuông!
Quá thương chút nghĩa đèo bòng,
Nghìn vàng thân ấy dễ hòng bỏ sao?

Nếu như vậy đọc sẽ không vần với câu dưới và lại hoá ra sửa thơ cụ Nguyễn Du mất rồi!
Khi viết Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du kết bằng câu thơ: Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh.

Tôi cũng học đòi theo Cụ và mượn lời Cụ kết bằng câu:
Thiện căn ở tại lòng ta
Bàn về “chiết tự” cũng là góp vui.
Chân quê mộc mạc, đôi lời
Gửi về bạn hữu khắp nơi vui cùng.
PHẠM THANH CẢI
---------------------------------------------------------------------------- (1*)- Tham khảo nghĩa của từ 折:
折: Chiết: nghĩa đầu tiên :1-Gãy, bẻ, bẻ gãy, làm gãy; 2-Tổn thất; 3- cong; quanh co; 4- quay lại; 5- gấp lại. xếp lai… (Từ điển Trung Việt – GS Lê Đức Niệm, NXB Giáo dục 1993
折: Chiết: 1-Gãy, bẻ, bẻ gãy, làm gãy; 2.tổn thất, hao tổn; 3.cong, quanh co, vòng vèo; 4.Quay lại, quay về, trở lại, chuyển; 5. thuyết phục, tin phục; 6. đổi ra, đổi thành, 7; chiết khấu, giảm giá, chiết giá; 8 màn, lớp kịch; 9, xếp lại, gấp lại; 10- quyển sổ tay, sổ gấp; 11.chết, chết yểu, tử vong, bỏ mạng;12, phán đoán, xem xét, quyết định; 13. ngăn chặn, chặn; 14- giày vò, dằn vt; 15- hủy hoại, phá hoại, hủy (Từ điển Lạc Việt mtd10-CVH )
折: Chiết: 1-đứt, gãy, 2- tổn thất, 3- ngoằn ngoèo, 4- thay đổi phương hướng, 5- kính phục, 6- đổi, 7- chiết khấu… (Từ điển Hán Việt hiện đại – GS Nguyễn Kim Thản, NXB Khoa học xã hội-2008.)
折: Chiết: Bẻ gãy, chịu khuất, phán xử, chết non (Hán Việt Từ điển – Đào Duy Anh.-1931)
折: Chiết: Bẻ gãy, phân rõ ra, chịu khuất, phân xử, chết non (Từ điển Hán Việt – Nguyễn Bích Hằng, Trần thị Thanh Liêm chủ biên- NXB Thế giới 2006
(2*) --Chiết tự: Phân tích chữ Hán ra từng nét, từng bộ, căn cứ vào nghĩa của chúng mà đoán định lành dữ. theo mê tín.; 2- Dựa theo nghĩa của các thành tố cấu tạo mà giải nghĩa của từ hoặc tổ hợp từ.(Đại từ điển Tiếng Việt – Nguyễn Như Ý chủ biên-Nhà XB VHTT-1998)
(3*) -Câu này còn một dị bản nữa, tương truyền là của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi – Việt Nam:
十口心思 思国思家思社稷
寸身言谢, 谢天谢地谢君王
(Thập khẩu tâm tư, tư quốc, tư gia, tư xã tắc,
Thốn thân ngôn tạ, tạ thiên tạ địa, tạ quân vương)
(Chữ thập 十 nằm trong chữ khẩu 口 thành chữ điền 田, chữ điền 田 trên chữ tâm 心 thành chữ 思 (nhớ), nhớ nước, nhớ nhà, nhớ xã tắc/ Bộ thốn 寸bên chữ thân 身 thành chữ xạ 射, chữ xạ 射 đứng bên chữ 言 thành chữ tạ 谢 (ơn), ơn trời, ơn đất, ơn vua).
(4*) - Đặc sắc văn hóa trong ngôn ngữ nghệ thuật Truyện Kiều - ThS. Võ Minh Hải
(5*) - Đôi điều với ông Phạm Thanh Cải và ông Đinh Quyền – Lưu Văn Khuê – Cửa biển số 121.
(6*)- Từ điển Hán Việt- Nguyễn Bích Hằng và Trần Thị Thanh Liêm chủ biên - Nhà xuất bản Thế giới - 2006
(7*)- Đôi điều bàn lại – Đinh Quyền – Tạp chí Cửa biển số 120,
(8*) - Thơ, văn xuôi, và những kết hợp nghệ thuật- Hoài Nam – Báo Công an nhân dân điện tử).
(9*) - Đề cương ôn Văn lớp 9).
(10*) - Đọc lại Truyện Kiều, nghĩ về kiếp người – Trần Minh Hiền)
(11*)- Đôi điều với ông Phạm Thanh Cải và ông Đinh Quyền – Lưu Văn Khuê – Cửa biển số 121.
(12*) - Kiều bản mới – Nhà Kiều học Nguyễn Quảng Tuân
(13*) - Chiết tự chữ Hán trong ca dao người Việt - Trầm Anh Tuấn
( 14*) - Vai trò của việc học chữ Hán trong việc nâng cao chất lượng dạy học Ngữ văn phổ thông -Trầm Thanh Tuấn)
Sưu tầm từ blog tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét