Năm 1946
1 - 1
- Thành lập Chính phủ Liên hiệp lâm thời.
Ba vạn người dự lễ ra mắt của Chính phủ tại quảng trường Nhà hát Lớn.
Chính phủ gồm 14 bộ. Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh
(Việt Quốc, Việt Cách) được tham gia Chính phủ.
5 - 1
- Chủ tịch Hồ Chí Minh dự mít tinh lớn ủng hộ Tổng tuyển cử tại khu Việt Nam học xá.
6 - 1
- Tổng tuyển cử đầu tiên ở Việt Nam, cũng là lần đầu tiên ở
châu Á và lần đầu tiên ở các nước thuộc địa trên thế giới có một Quốc
hội dân chủ, tiến bộ.
- Các cuộc bỏ phiếu tấp nập từ 7 giờ đến 10 giờ sáng, 92,4 % cử
tri Thủ đô trong số 194.880 cử tri đã đi bỏ phiếu. Chủ tịch Hồ Chí Minh
được bầu với số phiếu cao nhất: 98,4%. Hà Nội được bầu 6 đại biểu. Cùng
ngày, Người đi thăm các phòng bỏ phiếu ở Hồ Khẩu, Hàng Bạc, Hàng Gai,
Hàng Trống, Thụy Khuê, ô Đông Mác.
7 - 1
- Khai giảng trường Cán bộ tự vệ Hồ Chí Minh ở 2F Quang Trung. Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự.
12 - 1
- Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự cuộc mít tinh chào mừng thắng lợi
cuộc Tổng tuyển cử và 6 đại biểu của Hà Nội trúng cử vào Quốc hội khóa 1
tại khu Việt Nam học xá.
31 - 1
- Chính phủ ra sắc lệnh phát hành tiền Việt Nam thay cho giấy bạc Ngân hàng Đông Dương.
Tháng giêng
- Thành lập Trung ương quân ủy.
1 - 2 (30 Tết Bính Tuất)
- Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và chúc tết gia đình một đại
đội trưởng tự vệ ở phố Cửa Nam, một gia đình lao động ở ngõ Hàng Đũa
(nay là phố Ngô Sĩ Liên), một viên chức nghèo ở phố Hàng Lọng.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đền Ngọc Sơn vào lúc giao thừa. Người gửi thư chúc Tết chiến sĩ và đồng bào nhân dịp năm mới.
2 - 2 (1 Tết)
- Bác Hồ vui Tết với các cháu thiếu nhi tại Ấu Trĩ viên (nay là
Cung Thiếu nhi Hà Nội). Người dự bữa cơm mừng xuân với các chiến sĩ bảo
vệ Bắc Bộ phủ.
3 - 2 (2 Tết)
- Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Hội chợ, mở tại chùa Láng, xã
Yên Lãng (nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa) nhân dịp Tết để
lấy tiền ủng hộ Nam Bộ kháng chiến.
20 - 2
- Bọn phản cách mạng tổ chức biểu tình từ phố Quán Thánh ra hồ
Gươm có quân Tưởng đi hộ vệ, chống Chính phủ ta, bị quần chúng phá tan.
2 - 3
- Quốc hội khóa I họp kỳ thứ nhất. Quốc hội công nhận Chính phủ
Liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập có 10 bộ. Cụ Hồ
Chí Minh được bầu làm làm Chủ tịch nước kiêm Thủ tướng Chính phủ. Cụ
Bùi Bằng Đoàn làm Trưởng ban và cụ Tôn Đức Thắng là Phó trưởng ban
thường trực Quốc hội. Quốc hội đã bầu Ban Thường trực Quốc hội, Ban dự
thảo Hiến pháp, kháng chiến ủy viên hội và đoàn cố vấn tối cao. Theo đề
nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội thông qua việc mở rộng thêm 70
ghế trong Quốc hội và một số ghế trong Chính phủ cho Việt Quốc và Việt
Cách.
6 - 3
- Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp được ký tại số nhà 38 phố Lý Thái
Tổ, Hà Nội, nhằm hòa hoãn với Pháp để gạt 18 vạn quân Tưởng ra khỏi
nước ta. Nội dung chủ yếu của Hiệp định sơ bộ là:
+ Nước Pháp công nhận nước Cộng hòa dân chủ Việt Nam là một
nước tự do, có 3 Kỳ, ở trong Liên bang Đông Dương và khối Liên hiệp
Pháp.
+ Nước Việt Nam thỏa thuận để quân đội Pháp vào thay quân đội Tàu, hạn quân Pháp ở Đông Dương không quá 5 năm.
+ Hai bên đình chiến để mở cuộc đàm phán chính thức, trong khi đàm phán quân 2 bên đóng ở đâu vẫn cứ đóng đấy.
7 - 3
- Mít tinh của 10 vạn nhân dân Thủ đô tại quảng trường Nhà hát
Lớn nhân việc ký Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói
với đồng bào “Tôi, Hồ Chí Minh, suốt đời đã cùng đồng bào chiến đấu cho độc lập của Tổ Quốc. Tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước”.
10 - 3
- Bầu cử Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội lần đầu tiên.
11 - 3
- Do phía Pháp không chịu thi hành đúng Hiệp định sơ bộ Việt -
Pháp, nhân dân ta phẫn uất, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào
bình tĩnh, sẵn sàng chờ lệnh Chính phủ.
18 - 3
- 1.200 quân Pháp bắt đầu vào đóng tại Hà Nội theo Hiệp định sơ
bộ 6 - 3. Phái đoàn hữu nghị của chính phủ ta lên đường đi Trùng Khánh,
cố vấn Vĩnh Thụy (Bảo Đại) cùng đi, sau đó Bảo Đại bỏ trốn, không trở
về nước nữa.
29 - 3
- Nửa ngày bất hợp tác với giặc Pháp. Nhân dân Hà Nội biểu tình
thị uy phản đối việc chúng chiếm đóng trái phép Nha Tài chính Việt Nam
(nay là trụ sở Bộ Ngoại giao) ngày 27 - 3, phản đối âm mưu cắt Nam Bộ ra
khỏi Việt Nam. Đòi mở ngay cuộc đàm phán chính thức.
11 - 4
- Giỗ tổ Hùng Vương tổ chức tại Việt Nam học xá. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự.
13 - 4
- Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm một lớp học bình dân buổi tối của khu 21, trường Hoài Đức, phố Hàng Trống.
16 - 4
- Tiễn đưa phái đoàn Quốc hội ta do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm Quốc hội và nhân dân Pháp, rời Hà Nội.
- Chính thức thành lập ngành Quân y Việt Nam.
25 - 4
- Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm thị xã Sơn Tây.
29 - 4
- Ban hành sắc lệnh quy định công nhân được hưởng lương ngày
nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1 - 5. Lần đầu tiên ngày 1 - 5 được công nhận
là ngày hội chính thức của những người lao động Việt Nam.
1 - 5
- Mít tinh lớn lần đầu tiên kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động sau cách mạng với gần 20 vạn người dự ở Việt Nam học xá.
2 - 5
- Pháp bắt giam 15 anh em công nhân ở trong thành, 2000 thợ làm với chúng lập tức đình công. Ngày 18 - 5 chúng phải thả tất cả.
22 - 5
- Toàn thành phố đóng đủ “đảm phụ quốc phòng” trong 2 ngày 21 và 22 - 5.
25 - 5
- Hội nghị toàn quốc Việt Nam công nhân cứu quốc hội họp tại Hà
Nội, quyết định thành lập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và gia nhập
Liên hiệp Công đoàn thế giới.
26 - 5
- Chủ tịch Hồ Chí Minh đốt lửa truyền thống khai mạc dạ hội của
thanh niên Hà Nội. Cùng ngày, người tới thăm khóa đầu tiên của trường
võ bị Trần Quốc Tuấn tại Sơn Tây.
28 - 5
- Thành lập Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên
Việt) tại Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch danh dự.
Ban chấp hành Hội do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Chủ tịch, cụ Tôn Đức Thắng
làm Phó chủ tịch.
30 - 5
- Hơn 5 vạn người đến quảng trường Việt Nam Học xá tiễn đưa Chủ
tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp với danh nghĩa là thượng khách.
31 - 5
- Chủ tịch Hồ Chí Minh dời sân bay Gia Lâm sang Pháp.
Tháng 5
- Hà Nội chính thức chia lại làm 17 khu phố nội thành và 5 khu
hành chính ngoại thành (xem thêm ngày 21 - 12 - 1945) là Làng Bạc, Đại
La, Đống Đa, Đồ Thám, Mê Linh.
16 - 6
- Bầu cử Ủy ban Hành chính 17 khu phố.
25 - 6
- Thực dân Pháp đóng chiếm trái phép phủ Toàn quyền cũ ở Hà Nội.
27 - 6
- Ngày tổng bãi công, bãi chợ, bãi học phản đối thực dân Pháp.
29 - 6
- Đơn vị pháo binh đầu tiên của Vệ quốc đoàn thành lập tại Hà Nội.
30 - 6
- Bầu cử Ủy ban hành chính các xã ngoại thành.
Tháng 6
- Quân Tưởng Giới Thạch phải rút hết khỏi Hà Nội.
12 - 7
- Quét sạch bọn phản động Việt Nam quốc dân Đảng ở Hà Nội. Phá
tan các sào huyệt của chúng chuyên đi bắt cóc, tống tiền, in bạc giả,
giết người… ở số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều), Hàng
Bún, Quán Thánh, Hàng Đẫy, Hàng Than… Bao vây và khám trụ sở Việt Nam
quốc dân Đảng ở số nhà 132 phố Đuy-vi-nhô (nay là phố Bùi Thị Xuân).
22 - 7
- Thành lập Đảng Xã hội Việt Nam, tập hợp những người trí thức yêu nước.
31 - 7
- Thành lập Liên hiệp Công đoàn Hà Nội.
19 - 8
- Hội Văn hóa Cứu quốc xuất bản tại Hà Nội lần đầu tập thơ “Từ ấy” của Tố Hữu.
25 - 8
- Thống nhất đội tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu và đội tự vệ thành đội Thanh niên tự vệ Hà Nội.
Cuối tháng 8
- Thanh toán xong nạn mù chữ ở Thủ đô.
Đầu tháng 10
- Thành lập Hội mùa đông binh sĩ của Hà Nội.
19 - 10
- Hội nghị Quân sự toàn quốc của Đảng nhận định “Không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp”.
20 - 10
- Kỷ niệm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
21 - 10
- Sau khi ký Tạm ước Việt - Pháp 14 - 9 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã từ Pháp trở về Hà Nội trên chiến hạm Đuy-mông Đuyếc-vin, rời
Pháp ngày 18 - 9. Người về tới Hải Phòng ngày 20 - 10. Từ đó, Người đáp
xe lửa đặc biệt về tới ga Hà Nội lúc 15 giờ 30.
28 - 10 đến 9 - 11
- Quốc hội khóa I khai mạc kỳ họp thứ hai. Bọn phản động Việt
Quốc, Việt Cách bị đuổi ra khỏi Chính phủ. Chính phủ mới gồm 12 bộ. Tại
phiên họp ngày 8 - 11, Quốc hội thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước
Việt Nam dân chủ cộng hòa.
17 - 11
- Chỉ trong 2 ngày (16 và 17 - 11) nhân dân Thủ đô đã quyên góp
được trên 30 vạn đồng và một số lớn bông, len đủ làm 50.000 áo trấn
thủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi chiếc áo len của Người để bán đấu giá lấy
tiền góp vào quỹ “Mùa đông binh sĩ”.
21 - 11
- Khai giảng lớp Quân y đầu tiên ở trường Quân y, phố Y-ec-xanh: Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tới dự.
23 - 11
- Quốc hội quyết định dùng tiền Việt Nam trong cả nước.
24 - 11
- Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm thôn Phú Gia, xã Phú Thượng (Từ Liêm).
- Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất khai mạc tại Hà Nội. Trong lời khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi mong muốn chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập tự cường và tự chủ…”
26 - 11 đến 3 - 12
- Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc tại làng Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức.
Tháng 11
- Thành lập Ủy ban Bảo vệ, Ban Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Văn Trân làm bí thư đảng ủy Mặt trận Hà Nội kiêm chủ
tịch Ủy ban Bảo vệ Thành phố. Đồng chí Vương Thừa Vũ làm Trưởng ban Chỉ
huy Mặt trận Hà Nội. Hà Nội lúc này có 5 tiểu đoàn Vệ quốc quân và 9.000
tự vệ chiến đấu, tự vệ thành (trước gọi là Việt Dũng đoàn).
- Cả nước chia thành 12 khu hành chính và quân sự. Hà Nội là
khu XI đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương. Nội thành chia chia
làm 3 Liên khu phố. Liên khu I ở giữa và ở phía đông bắc thành phố,
Liên khu II ở phía nam và Liên khu III ở phía tây. Ngoại thành vẫn giữ
nguyên 5 khu hành chính (5 - 46).
2 - 12
- Bọn Tây “mũ đỏ” phá phòng Thông tin phố Tràng Tiền. Chiều hôm sau, 3 - 12, chúng lại phá lần nữa.
3 - 12 đến 20 - 12
- Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc ở làng Vạn Phúc (huyện
Hoài Đức, nay là quận Hà Đông). Tại đây, Bác đã họp với thường vụ trung
ương Đảng quyết định phát động toàn quốc kháng chiến và viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
7 - 12
- Quân Pháp tự tiện chiếm đóng ngân hàng Pháp - Hoa (nay là trụ
sở Bộ Ngoại thương) phố Tràng Tiền. Giăng Sanh-tơ-ni (Jean sainteny),
đại diện Pháp tuyên bố: “Đã đến lúc giải quyết thời cuộc bằng quân sự”.
8 - 12
- Thành bộ Việt Minh kêu gọi nhân dân Thủ đô bình tĩnh và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.
13 - 12
- Hội nghị các khu trưởng họp tại Hà Đông quán triệt nhận định
của Trung ương Đảng về tình hình phản động Pháp đẩy ta vào chiến tranh.
16 - 12
- Thành lập đội cảm tử quân Hà Nội: Khắp nơi treo khẩu hiệu: “Thà chết không trở lại đời nô lệ”.
- Tại khu Đống Đa (ngoại thành), Bộ Tổng chỉ huy nghe Ban Chỉ
huy Mặt trận Hà Nội báo cáo lần cuối cùng về tình hình chuẩn bị chiến
đấu.
17 - 12
- Quân Pháp gây hấn ở các phố: Lò Đúc, Trúc Bạch, Cửa Bắc, Hàng
Đậu, đầu cầu Long Biên. Riêng ở Hàng Bún, Yên Ninh chúng dã man tàn sát
50 người dân, bắt đi 15 phụ nữ. Máy bay thám thính của Pháp bay trên
bầu trời Hà Nội.
18 và 19 - 12
- Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) quyết định phát động toàn quốc kháng chiến.
18 - 12
- Lính Pháp bao vây trụ sở công an Hàng Đậu, chiếm trụ sở Bộ
Tài chính và Bộ Giao thông công chính. Đêm, chúng hạ tối hậu thư đòi
tước vũ khí tự vệ và đòi chiếm Sở Công an Hà Nội.
- Thanh niên tự vệ thành họp quyết nghị.: “Sẵn sàng đợi lệnh, thề sống chết với Thủ đô”.
19 -12
- Buổi trưa, Ban thường vụ Trung ương Đảng điện cho các mặt trận, các chiến khu: “Tất cả hãy sẵn sàng”!
- 20 giờ, công nhân nhà máy điện Yên Phụ được lệnh phá máy. Đèn
điện phụt tắt. 20 giờ 3 phút, pháo đài Láng nổ súng mở đầu cuộc kháng
chiến toàn quốc. Pháo lớn của ta từ Xuân Canh, Xuân Tảo, Đào Xuyên đồng
thời bắn vào các trại lính Pháp. Hà Nội vùng đứng lên.
- 22 giờ, mệnh lệnh tác chiến của đồng chí Võ Nguyên Giáp đến tay các đơn vị tự vệ và Vệ quốc đoàn.
- Ủy ban Bảo vệ Hà Nội trở thành Ủy ban Kháng chiến Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Văn Trân, bí thư thành ủy, làm chủ tịch ủy ban.
20 - 12
- Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta
thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không
chịu làm nô lệ”. Lời kêu gọi được Người viết ở làng Vạn Phúc (Hà Đông).
- Tấn công giặc Pháp ở vị trí nhà Đê-lê-vô (Déléveaux) đầu phố Cát Linh.
- Quân Pháp tấn công Bắc Bộ phủ (nay là nhà khách Chính phủ).
Đại đội Vệ quốc đoàn ở đây cùng với 20 công nhân Sở Bưu điện đã chống
trả quyết liệt. Chính trị viên Lê Gia Đỉnh, người ở lại cuối cùng đã anh
dũng hy sinh cùng với quả bom lớn cho nổ chôn vùi quân giặc. Kết quả:
Trong trận này 150 tên Pháp bị giết, 4 xe tăng bị phá.
- Máy bay Pháp ném bom pháo đài Láng, một máy bay trinh sát
địch bị quân ta dùng 2 khẩu súng 76,2 mm từ pháo đài Láng bắn lên, bốc
cháy, rơi xuống phố Hàng Bột.
21 - 12
- Bộ đội ngoại thành bắn rơi 2 máy bay địch.
- Máy bay giặc Pháp ném bom dọc phố Hàng Bài, mở đường cho bộ binh của chúng đánh trại Vệ quốc đoàn trung ương.
- Pháp nống ra đê Yên Phụ và Khu Nhà Tiền bị quân ta đẩy lui.
22 - 12
- Ban Thường vụ trung ương Đảng ra chỉ thị Toàn dân kháng chiến.
- Báo “Thủ đô” cơ quan tuyên truyền của Ủy ban kháng chiến khu 11 ra số đầu.
23 - 12
- Tấn công vị trí Lò Lợn (Lương Yên) của giặc Pháp, diệt 15 tên giặc.
24 - 12
- Quân Pháp tiến theo đường Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng) định xuống Ô Chợ Dừa bị quân ta chặn đánh phải rút lui.
26 - 12
- Xe tăng, xe bọc thép của Pháp mở đường xuống Ô Cầu Dền bị tiểu đội trưởng Đê dùng súng Ba-dô-ca đốt cháy một xe tăng.
30 - 12
- 600 quân giặc với 50 xe cơ giới, được máy bay yểm trợ, lại mở
đường Hàng Bột xuống Ô Chợ Dừa nhưng sau 5 giờ chiến đấu vẫn không đi
đến được cửa Ô.
Từ cuối tháng 12
- Cuộc kháng chiến của quân và dân Thủ đô tập trung vào Liên
khu I, địa bàn lúc này gồm: phía bắc: Hàng Đậu; phía tây: Phùng Hưng;
phía nam: Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Thùng; phía đông: từ gầm cầu
Long Biên đến phố Lò Sũ. Lực lượng vũ trang của Liên khu gồm 2 đại đội
Vệ quốc đoàn, 1 trung đội tự vệ chiến đấu và hơn 2000 tự vệ thành và
công an xung phong; chi bộ Đảng có 32 đồng chí. Ngoài ra, có 4 vạn dân
(cả ngoại kiều) chưa kịp tản cư.
- Ngoài bãi sông Hồng có đại đội Hồng Hà gồm 100 người là tự vệ
các làng Phúc Xá, Tân Lập, Nghĩa An, Nghĩa Dũng. Tiểu đội nữ giao thông
Lãng Bạc giữ liên lạc với hậu phương.
Năm 1947
3 - 1
- Trận Lương Yên, chặn đánh quân Pháp có cơ giới, không cho
chúng từ Lò Lợn mở đường ra Vĩnh Tuy. Chặn đánh cuộc tấn công của địch
lên phía Bắc ở Yên Phụ, Đội Cấn.
4 - 1
- Trận chiến đấu chống địch bao vây ở Trung Phụng, Trung Tự, Mỹ Đức (quanh ngõ chợ Khâm Thiên).
6 - 1
- Thống nhất các lực lượng tự vệ, công an, Vệ quốc quân ở Liên
khu I lập thành trung đoàn liên khu I. Các đơn vị vệ quốc quân và tự vệ
chiến đấu ở các cửa ô được tổ chức thành hai quân đoàn 48 và 52.
7 - 1
- Chặn đánh địch ở Giảng Võ.
13 - 1 đến 2 - 2
- Trên đường lên Việt Bắc lãnh đạo cuộc trường kỳ kháng chiến
chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân ở lại xóm Lai Cài, xã Cần
Kiệm, huyện Thạch Thất 19 ngày.
14 - 1
- Trung đoàn liên khu I làm lễ tuyên thệ ở rạp Tố Như (nay là
rạp Chuông Vàng, phố Hàng Bạc). Ngày này trở thành ngày truyền thống
“Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của lực lượng vũ trang thủ đô.
- Ra đời tờ báo “Chiến thắng” của Uỷ ban kháng chiến Liên khu I.
15 - 1
- Hai bên ngừng súng để đồng bào và ngoại kiều tản cư. 10.000
người đã ra khỏi thành phố. Ta chủ trương chỉ để lại 500 người, nhưng
nhiều anh chị em không chịu ra. Cuối cùng ở Liên khu I còn 1200 người,
trong đó có 200 phụ nữ và 100 thiếu niên liên lạc “Vệ út”.
19 - 1
- Hội nghị Quân sự toàn quốc lần I tặng Trung đoàn Liên khu I
danh hiệu “Trung đoàn thủ đô”. Cùng thời gian này Ban thường vụ Quốc hội
tặng trung đoàn 48 danh hiệu “Trung đoàn Thăng Long”.
21 - 1 (30 Tết)
- Một tổ cảm tử bơi ra giữa hồ Hoàn Kiếm cắm quốc kỳ lên tháp Rùa chào mừng xuân Đinh Hợi vào giữa đêm giao thừa.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời chúc Tết đồng bào cả nước trên
đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đặt tại chùa Trầm (xã Phụng Châu, nay
thuộc huyện Chương Mỹ):
Chúc năm mới Đinh Hợi (1947)
Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió.
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi.
Thống nhất độc lập nhất định thành công.
22 - 1 (Mồng 1 Tết)
- Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ đô họp mặt đầu năm với các đại biểu ngoại kiều ở Liên khu I tại số nhà 85 Hàng Chiếu.
23 - 1
- Pháp huy động hai tiểu đoàn bộ binh có 34 xe tăng và xe bọc
thép tấn công khu nhà tiền (nay là khu vực Công ty in Tiến Bộ ở 175 phố
Nguyễn Thái Học). Quân ta chặn đứng địch giữa rạp Tam Kỳ và chợ Kim Mã.
25 - 1
- Pháo binh ta bắn cháy hai máy bay Spit - phai của Pháp đi oanh tạc trở về Gia Lâm.
- Pháp chiếm được Nhật Tân.
27 - 1
- Chủ tịch Hồ Chí Minh từ xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất gửi thư cho các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô: “Các
em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là
đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để
lại. Cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường
Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa
Thám truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần
bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau”.
Tháng Giêng
- Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chia buồn cùng gia đình liệt sĩ Vũ Văn Thành, tự vệ thành Hà Nội.
6 - 2
- Pháp mở đầu cuộc tổng công kích vào Liên khu I. 5giờ30, xe
tăng địch từ phía bờ sông tiến đánh quân ta ở vị trí nhà Xô-va (Sauvage)
(nay là trường Nguyễn Huệ, phố Trần Quang Khải). Cuộc chiến đấu kéo dài
tới 10giờ, ta chỉ còn một chiến sĩ bị thương ra thoát. Nhưng, Ban chỉ
huy Trung đoàn Thủ đô đã cho tập kích, chiếm lại ngay vị trí quan trọng
này sau 15phút chiến đấu.
7 - 2
- Chống trả cuộc tấn công của địch vào Trường Ke (Quai Clémenceau) (nay là trường Trần Nhật Duật)
- Địch tấn công khu Hàng Thiếc, dùng súng lớn bắn đổ sập nhiều
nhà. Đến 2giờ chiều, mỗi bên chiếm giữ một bên phố. Hàng trăm tên Pháp
bỏ mạng tại đây.
11 đến 13 - 2
- Máy bay Pháp ném bom khu vực Hàng Đường, Đồng Xuân.
14 - 2
- Ngay từ sáng, giặc Pháp mở cuộc tấn công vào khu Đồng Xuân.
Ta với địch quần nhau giữa chợ Đồng Xuân, trên các phản xi măng của Hàng
Thịt, trên các mái nhà của phố Hàng Mã. Ngay từ giờ đầu, địch đã chết
80 tên. Đến chiều, lực lượng ta yếu dần, hết đạn, phải rút khỏi chợ.
14giờ, giặc mới chiếm được.
16 - 2
- Tại Đông Thành, đồng chí Bạch Ngọc Liễn và đơn vị dùng súng
trường và súng liên thanh bắn rơi một máy bay khu trục của Pháp trên bầu
trời Hà Nội. Đây là máy bay địch đầu tiên bị hạ bằng súng bộ binh.
Giữa tháng Hai
- Thành lập đội thiếu niên trinh sát thành Hoàng Diệu gồm 23 em tại đình Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, Thanh Trì
17 - 2
- Cuộc rút lui kì diệu của Trung đoàn thủ đô ra khỏi Hà Nội bắt
đầu lúc 19giờ, vượt qua gầm cầu Long Biên, lên Nghi Tàm. Người chiến sĩ
cuối cùng rút khỏi Hà Nội lúc 24giờ. 20 chiếc thuyền từ tả ngạn vượt
sông Hồng sang đón quân ta. 3giờ sáng ngày 18 tháng 2, đại bộ phận Trung
đoàn đã đến đất tự do ở Phúc Yên. Sau 60 ngày đêm chiến đấu anh dũng,
Trung đoàn thủ đô đã tiêu diệt gần 2000 địch, hoàn thành nhiệm vụ tiêu
hao lực lượng địch và giam chân chúng ở Hà Nội.
18 - 2
- Địch lồng lộn huy động quân đuổi theo Trung đoàn thủ đô. Một
tiểu đội 7 người của đại đội Hồng Hà (tự vệ các làng Phúc Xá, Tân Lập,
Nghĩa An, Nghĩa Dũng) do đồng chí Nguyễn Ngọc Nại chỉ huy, làm nhiệm vụ
yểm hộ Trung đoàn thủ đô sang sông, đã chặn đánh địch ở bãi Giữa, diệt
17 tên giặc. Toàn tiểu đội đã hi sinh anh dũng.
22 - 2
- Trung đoàn thủ đô chuyển quân qua sông về Thượng Hội (Gối - Đan Phượng)
2 - 3
- Giặc Pháp tiến công về phía Tây Hà Nội, đánh chiếm thị xã Hà Đông.
21 - 3 đến 6 - 4
- Địch tiến công lớn ở phía Nam thành phố, đánh chiếm Vân Đình, Phủ Lý, chợ Bến, Miếu Môn.
27 - 3
- Trận chống càn ở thôn Cự Đà (Hà Đông) của một tiểu đội du
kích thủ đô chống 200 tên địch suốt 1 ngày, diệt 57 tên. Chỉ huy trận
đánh là Vũ Văn Sự được anh em tặng danh hiệu “Hùm xám Cự Đà”.
2 - 4
- Một trung đội du kích thủ đô phục kích trên đê Sấu Giá (Hoài
Đức) chặn đánh một cánh quân địch, diệt 50 tên, giải thoát hàng trăm
đồng bào và nhiều trâu bò bị giặc bắt.
19 - 5
- Du kích quân khu 5 tập kích tiêu diệt bốt Mậu Lương, Đa Sĩ (Hà Đông), giết và bắt sống 24 tên địch.
25 - 5
- Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào cả nước: “Mỗi công dân phải là một chiến sĩ. Mỗi làng phải là một chiến hào” .
- Trương Đình Tri, một tên phản động Quốc dân đảng theo Pháp đứng ra lập Hội đồng an dân Bắc Việt.
29 - 7
- Địch chiếm đóng thị trấn Phùng (Đan Phượng).
20 - 9
- Thành lập Thành đội Bộ dân quân Hà Nội.
Tháng Chín
- Khu XI (lúc này gồm: Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây) quyết định
tách Hà Nội riêng ra gồm nội thành cộng ba quận ngoại thành(quận 4 gồm
hai khu: Đại La và Lãng Bạc cũ, quận 5 tức khu Đống Đa, quận 6 gồm 2 khu
Đề Thám và Mê Linh cũ) cùng với 4 huyện: Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh
Oai, Thanh Trì, nằm trong 3 liên quận huyện. Liên quận - huyện IV: quận
4, Hoài Đức, Đan Phượng. Liên quận - huyện V: quận 5, Thanh Oai. Liên
quận huyện VI: quận 6, Thanh Trì.
10 - 10
- Công an Hà Nội trừng trị tên Trương Đình Tri, tổng trấn Bắc Việt ở phố Cổng Đục.
- Địch tấn công lên Việt Bắc. Một cánh quân đánh lên Sơn Tây bị
du kích quận 4 chặn đánh tại Phú Lễ, Cần Kiệm (Thạch Thất) diệt 82 tên.
13 - 10
- Thành lập Ban vận động Liên Việt Hà Nội.
Tháng Mười
- Hợp nhất Uỷ ban Kháng chiến và Uỷ ban Hành chính thành Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính Hà Nội.
- Thành lập Ty Thông tin Hà Nội.
13 - 11
- Tổ chức trận tổng phá tề ở các xã ngoại thành phía Nam Hà Nội.
22 - 12
- Toán quân Pháp bị thất bại sau chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947) kéo qua cầu Đuống về Hà Nội.
26 - 12
- Khu uỷ XI ra nghị quyết phá kế hoạch lập phòng tuyến bảo vệ Hà Nội của địch.
Năm 1948
Tháng Hai
- Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đoàn 29 (Trung đoàn Thủ đô) cảm ơn Đoàn đã gửi chiến lợi phẩm biếu Người .
Tháng Ba
- Địch chia nội thành thành 36 khu phố, đặt các trưởng khu,
dưới có trưởng phố. Ngoại thành tổ chức thành Đại lý Hoàn Long gồm năm
quận hành chính, 136 làng. Thị trưởng bù nhìn đầu tiên là Bùi Văn Quý,
một sĩ quan quân y trong quân đội nguỵ Số dân nội thành lúc này là 15
vạn người.
- Hội nghị cán bộ Đảng bộ Hà Nội họp đề ra chủ trương: Phát
triển cơ sở Đảng, dùng ngoại thành làm bàn đạp tấn công nội thành, phát
động phong trào du kích chiến tranh làm thất bại kế hoạch lập phòng
tuyến bao vây của địch.
30 - 5
- Đột kích sân bay Gia Lâm, phá hỏng 2 máy bay địch
Tháng Năm
- Theo chỉ thị của Liên khu uỷ khu III: Hà Nội sáp nhập với Hà
Đông thành Liên tỉnh Lưỡng Hà. Hà Nội chia làm hai huyện Trấn Tây và
Trấn Nam (gồm nội thành và ba quận ngoại thành).
- Địch thành lập chính phủ bù nhìn toàn quốc tại Hà Nội.
6 - 7
- Du kích quận 5 đánh bốt nhà dầu Sen (shell) ở đầu phố khâm
Thiên, bắn vào sở Hoả Xa, phố Ha-le (nay là đoạn giữa phố Nguyễn Du) và
đồn công an quận III của địch.
Tháng Bảy
- Thành lập đội biệt động Hà Nội.
5 - 8
- Quân ta đánh vị trí Yên Thái, đánh đắm một ca nô địch.
25 - 8
- Dân quân ngoại thành phối hợp với Vệ quốc quân tấn công các
vị trí địch ở Nhật Tân, Yên Thái, Cầu Giấy, Thành Hà Nội, trường Yên
Phụ, nhà máy đèn, nhà máy nước, bắn súng cối vào phi trường Bạch Mai,
nhà Tiền: đánh chìm một ca nô địch ở Hồ Tây.
28 - 8
- Đánh mìn phá một xe bọc thép từ Sơn Tây về Hà Nội, cách bốt Cầu Giấy 1,2km.
Tháng 9 - 10
- Địch mở liên tiếp 33 trận càn quét ở miền tây nam Hà Nội, tàn
sát hơn 100 đồng bào ở làng Yên Mỹ, triệt hạ làng Khương Trung, đốt
cháy làng Thanh Trì, Kim Lũ.
1 - 10
- Hà Nội tách khỏi tỉnh Lưỡng Hà thành khu đặc biệt do Liên khu ủy Liên khu III phụ trách.
3 - 11
- Quân ta đột kích cầu Đuống, đột nhập sân bay Gia Lâm, phá 6 đầu máy ô tô, đốt 66.000 lít xăng dầu.
8 - 11
- Du kích xã Hữu Hưng (gồm Đại Mỗ và Tây Mỗ) và khu Phú Đô tiêu
diệt đồn Đại Mỗ của địch (ở Hà Đông - nay thuộc huyện Từ Liêm) mở đầu
đánh thắng chiến dịch thu đông của địch.
15 - 11
- Tấn công địch diệt bốt Bến Tre (Tương Mai), Cầu Vọng, phá huỷ một quãng cầu Long Biên và bốt điện Chợ Dừa.
20 - 11
- Thành lập Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội.
Tháng 11
- 52 công nhân xưởng Stai nghỉ việc, phản đối chủ đuổi một công nhân.
4 - 12
- Đốt 36 000 lít xăng ở kho Cầu Đất
23 - 12
- Phá xe điện trên đường Bưởi
Từ 23 - 12 - 1948 đến 6 - 1 - 1949
- Ta mở chiến dịch phá tề, phá được 25 hội tề, bắt 83 tên tay sai giặc đưa ra vùng tự do.
27 - 12
- Bắn phá nhà máy đèn, nhà máy nước.
Năm 1949
Tháng 1
- Công nhân nhà máy A-vi-a đấu tranh đòi tăng lương
Từ tháng 1 đến tháng 4
- Địch mở 512 trận càn quét lớn nhỏ ở ngoại thành.
Tháng 2
- Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đội du kích thủ đô: “Hà
Nội là quả tim quân sự, chính trị, kinh tế của địch, du kích và Vệ quốc
quân cần phải thường quấy rối quả tim của địch cho đến ngày ta tổng phản
công…”
- Tách hai huyện Trấn Tây và Trấn Nam thành: Liên khu phố I và
Liên khu phố II ở nội thành, quận IV và quận VI ở ngoại thành (sau lại
chia làm ba quận: IV, V, VI).
27 - 3
- Du kích Nam Dư Hạ (Lĩnh Nam - Thanh Trì) được Chính phủ tặng Huân chương Quân công hạng ba về thành tích diệt địch
1 - 5
- Công nhân lái xe nhà máy bia rải truyền đơn.
Tháng Năm
- Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Hà Nội: “Đồng bào Hà Nội đang nêu gương dũng cảm cho toàn quốc. Ngày nay chịu đựng càng nhiều, mai sau kết quả càng to”.
- Thành lập Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội, lấy tiểu đoàn 108 làm tiểu đoàn bộ đội chủ lực Hà Nội.
1 - 6
- Trung ương Đảng chỉ thị đặc biệt cho Đảng bộ Hà Nội về nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường thủ đô cho Tổng phản công.
17 - 6
- Công nhân nhà máy in Văn Hồng Thịnh (Hàng Bông) đòi tăng lương.
Tháng Sáu
- Thành uỷ Hà Nội chuyển hai liên khu phố thành quận I và quận II.
Tháng Bảy
- Bảo Đại đến Hà Nội lần thứ nhất, sau khi ký hiệp ước bán nước cho Pháp ngày 8 tháng 3 năm 1949 tại Paris.
12 - 7
- Đốt cháy phòng thông tin Bờ Hồ , đốt và phá hầu hết các cổng
chào đón Bảo Đại. Cắm cờ đỏ sao vàng ở Tháp Rùa làm Bảo Đại phải cút
ngay khỏi Hà Nội, không dám ở lâu như kế hoạch đã định.
27 - 7
- Bắn súng lớn vào trường bay Bạch Mai làm hư hỏng hai máy bay Đa-cô-ta (Dakota).
18 - 8
- Quân Pháp mở chiến dịch đánh Phúc Yên.
30 - 8
- Chôn mìn ở trường bắn Tương Mai, giết 25 tên địch.
2 - 9
- Công nhân sở xe điện Thuỵ Khuê đòi chủ tăng lương tháng lên 500 đồng.
15 đến 18 - 9
- Thành uỷ triệu tập Hội nghị Cán bộ dân vận toàn thành.
Tháng Mười Một
- Một phái đoàn quân sự Mỹ đến Hà Nội.
- Đảng Đại Việt quốc dân có xu hướng thân Mỹ ra đời (cầm đầu là
các tên Lê Thăng, Đặng Văn Sung, Phan Huy Quát, Vũ Đình Lý… ) và nhảy
lên vũ đài chính trị làm tay sai cho giặc.
- Ta sáp nhập ba quận IV, V, VI thành quận ngoại thành gồm 34 liên xã mới, hai quận I, II thành quận nội thành gồm 17 khu phố.
25 - 11 đến 7 - 12
- Học sinh Hà Nội bãi khoá phản đối giặc Pháp khủng bố học sinh. Phong trào khởi đầu tư trường Chu Văn An.
Cuối năm 1949
- Thành lập Đoàn thanh niên kháng chiến Lạc Long. Những hoạt
động đầu tiên phá tiệm nhảy ga (bar de la gare) của sĩ quan Pháp, câu
lạc bộ sĩ quan Pháp và năm toa xe điện.
Từ 1949
- Hàng loạt báo chí bí mật được xuất bản và phát hành ở Hà Nội.
Nội san “Tiền phong” của Đảng bộ, “Cứu quốc Thủ đô” của Mặt trận Việt
Minh - Liên Việt, “Quân Thủ đô” của Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội, “Công
an hồ Gươm” của công an, “Quăng Súng” và “Non à la guerre” của Ban Địch
vận, tập san “Tuyên huấn” của Ty Thông tin, “Tiến lên” của Quận uỷ nội
thành, “Nhựa sống” của học sinh kháng chiến, “Lao động” của Ban Công
vận…
Năm 1950
13 - 1 đến 20 - 1
- Bãi khoá của học sinh, sinh viên Hà Nội tỏ tình đoàn kết với
các bạn học sinh Sài Gòn xuống đường phản đối chính quyền bù nhìn Nam
phần đàn áp học sinh và giết hại anh Trần Văn Ơn ngày 9 tháng 1 ở Sài
Gòn. Sáng 20 tháng 1 tại chùa Quán Sứ, tổ chức lễ cầu hồn cho học sinh
bị địch sát hại.
17 - 1
- Trừng trị tên đầu sỏ Đại Việt Đặng Trần Học, Phó Giám đốc Công an Bắc Việt.
18 - 1
- Một đơn vị biệt động của tiểu đoàn 108 - Bộ đội chủ lực Hà
Nội - phối hợp với du kích đột nhập sân bay Bạch Mai, phá huỷ 22 máy
bay, đốt cháy hai kho xăng và 60 vạn lít dầu.
24 - 1
- Bảo Đại ra Hà Nội lần thứ 2 cùng với tên đặc sứ Mỹ Giét - sớp
(Jessup) được đón bằng vụ gài mìn làm nổ tung tám trạm biến thế điện và
hư hại nặng bảy trại khác trong thành phố.
- Phòng thông tin Mỹ bắt đầu hoạt động ở Hà Nội.
Tháng một
- Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen du kích Hà Nội đánh sân bay Bạch Mai.
Cuối tháng hai
- Đốt cháy một số gian hàng của địch ở chợ phiên Đống Đa.
1 - 3
- Đột nhập Sở xe điện Thuỵ Khê, phá 16 đầu tầu, làm hư hỏng 10 chiếc khác, đốt 250 m3 đạn ở kho Đồn Thuỷ.
29 - 3 đến 3 - 4
- Hội nghị Cán bộ Đảng bộ Hà Nội họp đề ra nhiệm vụ: “Gấp rút chuẩn bị chiến trường, tiến lên giải phóng Thủ đô”.
21 - 7
- Thành uỷ ra chỉ thị xây dựng “Khu kháng chiến liên hoàn” ở ngoại thành.
Tháng bảy
- Học sinh bãi khoá 3 ngày liền với khẩu hiệu: “Chống văn hoá
dâm ô truỵ lạc, trả tự do cho học sinh bị bắt, phải bảo đảm quyền lợi
cho học sinh”. Địch phải thả hai học sinh bị chúng bắt.
Từ 13 đến 19 - 8
- Chị em tiểu thương các chợ dẫn đầu là chợ Đồng Xuân mở đợt
đấu tranh chống thuế thương vụ, đòi giảm thuế chỗ ngồi; 35 người trong
ủy ban đấu tranh đến Toà Thị chính trao đơn. Ngày 18 tháng 9, thả chim
và bóng bay mang quốc kỳ ở chợ Đồng Xuân.
27 - 9
- Nữ điệp viên công an Hà Nội Nguyễn Thị Lợi tham gia trận đánh
chìm thông báo hạm A-mi-ô Đanh-vin (Amiot d’ Inville) tiêu diệt 200 tên
địch ở cửa biển Sầm Sơn.
25 - 12
- Đảng bộ Hà Nội chủ trương chuyển hướng công tác: che dấu lực lượng, tạo điều kiện đưa cán bộ ra sống công khai hợp pháp.
Đêm 26 và 27 - 12
- Đại đoàn 308 diệt các cứ điểm boong ke ở Kim Anh, Đa Phúc, mở đầu chiến dịch Trần Hưng Đạo.
Tháng 12
- Đơlát đờ Tátxinhi (Delattre de Tassigny) đến Hà Nội nhậm chức
Cao uỷ Pháp. Hắn cách chức hai tên chỉ huy quân sự ở Hà Nội là Mátxăng
và Côngtăng.
Năm 1951
15 - 1
- Ta tấn công tiêu diệt các vị trí dọc đường 11 từ Sơn Tây đi Trung Hà để phối hợp với chiến dịch Trung du.
14 đến 24 - 4
- Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội kiểm điểm và bổ sung
các chủ trương, biện pháp để duy trì và phát triển phong trào kháng
chiến ở Hà Nội trong tình hình mới, dưới ánh sáng của nghị quyết Đại hội
Đảng toàn quốc lần thứ 2 (2 - 1951).
Tháng 11
- Hội nghị của bọn phản động đội lốt tôn giáo do Đu-lây (Dolley) triệu tập họp ở Hà Nội.
6 - 12
- Tiêu diệt đồn La-ri-vê ở Đa Phúc (nay ở huyện Sóc Sơn).
10 - 12
- Mở đầu chiến dịch Hoà Bình, quân ta diệt tiểu đoàn dù địch ở Tây Nam núi Ba Vì, tiến công tiêu diệt vị trí Tu Vũ.
29 - 12
- Diệt gọn hai đại đội địch trên hai mỏm cao 400 mét và 600 mét núi Ba Vì.
- Dân số nội thành tới năm 1951 đã lên khoảng 30 vạn. Địch chia làm 34 khu phố.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét