XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

Nhân đọc bài Xin Lỗi Hà Nội


XIN LỖI HÀ NỘI !
Mạc Văn Trang
Đúng vào dịp 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, tôi lại có việc phải vào Sài Gòn. Nhưng trước hôm đi, tối 1/10, ngày khai mạc Đại Lễ tôi đã tranh thủ chạy xe máy dạo quanh Hồ Gươm, Ba Đình và mấy phố chính, cảm nhận không khí Đại Lễ để vào còn có cái khoe với bà con trong Nam, đang ngóng trông về Hà Nội.
Ngay buổi tối hôm ấy tôi đã cảm thấy điều gì đó không ổn. Những dòng người chen chúc nhau lộn xộn khắp các phố phường ở trung tâm. nhất là quanh bờ Hồ, trước tượng đài Lý Thái Tổ… Người ta háo hức, xô đẩy nhau như vào sân vận động xem đá bóng, chứ không phải để trải nghiệm những giá trị đặc sắc của Thăng Long- Hà Nội, nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”…
Rồi dù xa Hà nội, tôi vẫn tối tối theo dõi các hoạt động Đại lễ được chiếu trên Tivi, đặc biệt là chăm chú xem buổi truyền hình trực tiếp lễ Diễu binh, diễu hành “lớn nhất trong lịch sử” tại quảng trường Ba Đình sáng 10/10 và Đêm hội Văn hóa, nghệ thuật kết thúc Đại Lễ tại sân vận động Mỹ Đình tối 10/10. Tất cả đã qua đi, còn lại cảm nhận: lễ hội thật công phu, hoành tráng, tưng bừng, đông đúc... Nhưng sao vẫn không thấy tâm hồn xao xuyến, lâng lâng và con tim nhiều rung động tha thiết, tự hào về Hà Nội?
Đêm khuya, Sài Gòn mưa lạnh như tiết trời thu Hà Nội, tôi vẫn nằm trằn trọc. Rồi chợt nhớ ra điều gì, tôi bật dậy mở máy tính, tìm trên mạng ‘Những ca khúc nổi tiếng về Hà Nội” và mở ra, nằm nghe một mình trong đêm tĩnh mịch. “Đây Hồ gươm, Hồng Hà, Hồ Tây… Đây lắng hồn núi sông ngàn năm”...; ”Hà Nội ơi, phố phường dãi ánh trăng mơ, liễu mềm như gió ngây thơ”…; “Hồ Gươm hôm nay chiều về thu, làn nước xanh xanh lặng lờ trôi, soi bóng tháp Rùa như đắm chìm trong nắng vàng”… Lạ lùng thật, chỉ nghe hát thôi, không có hình ảnh minh họa như xem Video ca nhạc, mà từng lời hát lan tỏa trong tâm hồn lại hiện lên một Hà   Nội linh thiêng, sâu lắng, êm đềm, mơ mộng, sang trọng khiến con tim dâng lên bao nỗi niềm yêu thương, tự hào rưng rưng khôn tả xiết... Ngay cả những thời khắc nguy nan 1972, B52 Mỹ ném bom hủy diệt thì  “Mặt hồ Gươm vẫn lunh linh mây trời, càng tỏa ngát hương thơm hoa Thủ đô, … chân ta bước lòng ung dung tự hào”… Rồi sau chiến tranh, những tháng năm đầy kham khổ, túng bấn thì: “Em ơi Hà Nội phố, ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa…” và “ Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thấm nâu… Chiều thu Hồ Tây… đàn sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời”…, “Tây Hồ mênh mông… sương thu lan trong gó…”. Rồi người Hà Nội ra đi bốn phương… “Ôi nhớ hồ Gươm xanh thắm, nơi tháp rùa nghiêng soi bóng, thành cũ Thăng Long, hồn nước non thiêng còn lắng đâu đây, dấu xưa oai hùng…” . Lạ lùng nhất là bài hát Tiến về Hà Nội của Văn Cao viết năm 1949, khi cuộc kháng chiến còn chủ yếu với súng kíp, gậy tày, lựu đạn… mà đến mùa Thu 1954, ngày 10 tháng Mười đoàn quân chiến thắng tiến vào Hà Nội đúng theo “kịch bản” của Văn Cao. “Trùng trùng quân đi như sóng … lấp lánh lưỡi lê sáng ngời…Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng… Thật trầm hùng, hào sảng mà mà dung dị, êm đềm đúng với hình ảnh những người con của Hà Nội chiến thắng trở về sáng láng, hân hoan, thân thiết với nhân dân… Đó không phải là những chiến binh khí thế ngút trời, hùng hổ, nện gót giầy rầm rập tiến vào thành phố. Và dân Hà Nội cũng không xô đẩy, chen nhau, chạy bổ ra đường, hò hét, nhảy cẫng lên, vồ vập ôm hôn các chiến sĩ… Đúng như lời Văn Cao: “Trùng trùng say trong câu hát… Năm cửa ô đón mừng…nở năm cánh đào chảy dòng sương sớm long lanh…” Người Hà Nội mừng vui khôn xiết, đứng kín hai bên đường nhưng cử chỉ vẫn chừng mực, giữ gìn, lịch thiệp. Các mẹ các cô mặc áo dài, nét mặt rạng ngời, tay cầm hoa tươi và những lá cờ nhỏ đón đoàn quân trong nụ cười và nước mắt; các chàng trai thì đánh đàn, kéo acooc và hát vang cùng đoàn quân…  “Chúng ta ươm lại hoa, sắc hương phai ngày xa, ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu…”. Cảnh tượng ấy, không khí ấy thật đặc sắc, chưa thấy ở đâu, đúng là tâm hồn, cốt cách Hà Nội, thể hiện chiều sâu và tầm cao văn hiến Thăng Long -  Hà Nội.
Có phải cái thiếu chính là 10 ngày Đại lễ đã không thấy được hồn cốt ấy của Hà Nội? Nhưng tại sao?...
Ngày 13/10 tôi ra Hà Nội, vợ tôi bảo, may quá anh đi hộ đám cưới con cô em họ, còn em đi đám cưới con bà bạn bên hàng xóm. Tôi lại tranh thủ chạy xe máy qua mấy phố trung tâm và quanh Hồ Gươm. Đúng là không còn một thảm cỏ xanh nào sống sót; còn ngổn ngang nhiều thứ và cờ phướn, khẩu hiệu, đèn lồng … vẫn đỏ rực khắp nơi… Nhưng không đến nỗi như một số người kêu “Sau Đại lễ, Hà Nội như cơn bão đi qua”, “Cả Hà Nội như một bãi rác khổng lồ!...”. Không! Hà Nội đang đẹp trở lại. Đó là nhờ những anh chị em lao động Vệ sinh Môi trường đã miệt mài, cắm cúi quét dọn, chuyên chở rác suốt ngày đêm không ngừng nghỉ để Hà Nội được gọn gàng, sach sẽ. Và những anh chị em trồng hoa, chăm sóc hoa khắp Hà Nội trước, trong và sau Đại Lễ. Những bồn hoa, chậu hoa tươi rực rỡ tỏa sắc hương khắp Hà Nội, nhất là quanh Hồ Gươm, quảng trường Ba Đình. Các thảm hoa kết hình rồng và các biểu tượng của Hà Nội thật kỳ công, tinh xảo. Hoa tươi khắp nơi dưới trời Thu, Hà Nội thật đẹp. Nhưng có ai biết rằng những người công nhân vẫn còn lam lũ ấy đã vất vả và kiên nhẫn suốt ngày đêm: “Chúng nó nhổ cây, bẻ cành, giẫm nát, ta lại khôi phục, trồng mới; lại giẫm nát, lại trồng mới và chăm sóc cho luôn luôn hoa tươi!
Không biết Hà Nội đã nhớ cảm ơn và khen thưởng những anh chị em làm vệ sinh môi trường và trồng hoa tươi chưa? Đó là hai lực lượng chính yếu đã làm đẹp cho Hà Nội nói chung và Đại Lễ nói riêng, tương phản với những gì còn lại!
Tôi mở thiếp mời đám cưới ra để xem lại địa chỉ. Thiếp mời không phải viết chữ ta và có chữ “song hỉ” hay đôi bồ câu, đèn lồng như thường thấy. Bìa thiếp có chữ Wedding. Kính mời…. Tôi thầm nghĩ, hai vợ chồng cô này cùng ở quê đi bộ đội, chuyển ngành ra làm gì ở Hà Nội mà oai thế: thiếp mời kiểu Tây lại tổ chức đám cưới tại trung tâm Hà Nội, ngay cạnh Nhà hát lớn, ở một địa điểm sang trọng vào loại đẹp nhất của Hà Nội. Tôi đến trước giờ ăn một chút để tìm xem có ai ở quê ra còn trò chuyện. Kia rồi trong góc hội trường thấy một đám người lớn, trẻ em nhốn nháo đúng kiểu quê ta rồi. Tôi bước lại thì một chị lạnh lùng hỏi: “Bác nhà trai hay gái”?...”Nhà trai phía bên kia!”. Tôi tiu nghỉu quay lại, nhìn phía nhà trai không thấy ai quen, toàn bộ đội, quan chức thì phải. Tôi định vào chỗ mấy mâm còn vắng đợi xem… thì cái bà đang đứng đó xua tay: “Ba mâm này nhà cháu đăng ký rồi!”. Tôi quay ra cửa, bỏ phong bì vào cái hòm hình trái tim, rôi định đi về thì cô em họ, chủ tiệc, túm tay lôi vào, ấn ngồi xuống cái mâm còn khuyết một chỗ: “Báo cáo các thủ trưởng, đây là ông anh em!” Thế là tôi đã nhập cuộc… Tiếng MC oang oang qua 2 chiếc loa thùng cỡ đại, chỉ đạo cho “hội hôn” răm rắp làm theo: “Xin hội hôn nổ những tràng pháo tay thật ròn rã đón cô dâu, chú rể lên sân khấu!”…; “ Mời thân phụ, thân mẫu cô dâu chú rể lên sân khấu!”; “Chú rể trao nhẫn cho cô dâu!”; “Cô dâu, chú rể cùng rót sâm – banh mời song thân”; “Các vị quý khách cùng hai họ rót bia đầy cốc chuẩn bị chúc mừng… Tôi hô 1,2,3… tất cả cùng zô, zô, zô… nhé!”… Rồi dàn “nhạc sống” ra sân khấu. Không thấy nhạc công đâu. Nhưng loa phát ra tiếng nhạc xập xình, réo rắt và ca sĩ uốn éo… mấp máy môi. Thế mà loa phát ra giọng hát của một ca sĩ chuyên nghiệp nào đó rất quen thuôc. Tôi quay sang ông bên canh: “Nó hát nhép à?”. Ông thản nhiên: “Nó cho quả lừa, các cụ chả biết đâu!”…Ở dưới cứ ăn rào rào. Ở trên sân khấu các “nhép sĩ” cứ thay nhau trình diễn!...
Tôi chuồn ra khỏi tiệc cưới lúc còn chưa tan, đến trước cửa Nhà hát Lớn lặng ngắm nó hồi lâu và chợt nhớ tới nhận xét của một người bạn Pháp nghiên cứu khá nhiều năm về Hà Nội: Ở Pháp đã diễn ra một quá trình Paris hóa nước Pháp thì ở Việt Nam lại diễn ra quá trình nông thôn hóa Hà Nội… Phải chăng đám cưới vừa nói cũng là một ví dụ? (Chứ đâu vì “ma chê, cưới trách” mà tôi lại kể ra!).
Tôi đã hiểu ra điều gì đó. Tôi đã sống và làm việc ở Hà Nội hơn 40 năm. Đã làm việc, tiếp xúc với khá nhiều người Hà Nội gốc (tức là họ sống ở Hà Nội trước 10/10/1954). Vậy mà bây giờ tôi mới thực sự nhận ra mình vẫn là anh nhà quê, bắt đầu giác ngộ về Hà Nội. Tôi thấy quá thương mến và cảm phục những người Hà Nội gốc. Trước sự ngang nhiên, ào ạt, nhập cư của những người nhà quê chúng tôi, người Hà Nội chỉ phản ứng một cách yếu ớt, tế nhị, kín đáo. Người nhà quê rất tự tin, hùng hổ đảo lộn cả Hà Nội, ngày càng nắm quyễn lãnh đạo từ phường cho đến quận, rồi cả thành phố và các cơ quan trung ương đóng tại Hà Nội. Người Hà Nội gốc thành thiểu số, họ co cụm lại và bền bỉ, khéo léo bảo vệ những giá trị của mình…Người Hà Nội khó có thể làm lãnh đạo, quản lý được trong bối cảnh xã hội mới, vì họ biết rộng, làm gì cũng cân nhắc cẩn trọng; họ quá nhạy cảm, tế nhị, ngại va chạm, sợ làm tổn thương người khác và rất sợ bị tổn thương… Với sự lịch lãm, tài hoa, tâm hồn phong phú, tinh tế của mình, họ thường sáng tạo được những giá trị cao trong các lĩnh vực khoa học, âm nhạc, hội họa, văn học… Còn lãnh đạo thời nay đòi hỏi phải biết mưu mẹo và đấu tranh, “dám nghĩ, dám làm” mọi chuyện, phải “dấy lên phong trào”, “Quyết tâm phấn đấu”, “Đồng loạt ra quân”, “Chỉ đạo quyết liệt”, “Quyết tâm đột phá”… Những thứ đó đều xa lạ với tư duy và cách ứng xử của người Hà Nội. Thế là người nhà quê chúng tôi được thể vừa nắm quyền, vừa làm giàu ào ạt trước con mắt ngỡ ngàng của người Hà Nội. Và chúng tôi đương nhiên thành người Hà Nội mới, đem lại cho Hà Nội một sức sống mới...  kiểu nhà quê! (“Hà Nội của cả nước”… mà!). Vì vậy Đại Lễ, theo quan điểm của người nhà quê chúng em nghĩa là phải vôi ve lại nhà cửa, phải làm thật to, phải dài ngày, phải thật nhiều khẩu hiệu, băng rôn, cờ phưỡn, kèn trống, loa đài tưng bừng khí thế, đèn xanh đỏ nhấp nháy khắp nơi, hàng quán bung ra bóp chẹt và người như nêm, chen nhau bẹp ruột, trai gái cấu véo nhau chí chóe…
Ông cha ta nói đúng quá: giàu có thể một đời, còn sang phải ba đời. Cơ sự nó là như thế, mong được cảm thông và thành thật xin lỗi Hà Nội. 20/10/2010
   BÌNH LUẬN
 Bài “Xin lỗi Hà Nội này” tác giả muốn đề cập đến Văn hoá của người Tràng An xưa ....cho đến khi hoà bình lập lại 10/10/1954 (Không thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An)
    Vậy phải hiểu Văn hóa là gì ? (cụm từ cũ) lịch sử và định nghĩa của nó qua từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển của thế giới.
    Cụm từ "Văn hóa" vốn bắt nguồn từ chữ Latinh "Cultural" có nghĩa là sự cày cấy, vun trồng. Từ nghĩa hạn hẹp ban đầu gắn với hoạt động nông nghiệp cổ xưa, nội dung của khái niệm văn hoá mở rộng và phát triển thành ý nghĩa vun trồng, bồi đắp hoạt động tinh thần của con người.
    Bản chất đích thực của văn hoá là làm cho con người phát triển gắn chặt với sự sáng tạo, văn hoá luôn gắn với phát triển, không đứng ngoài phát triển. Văn hoá là nhân tố nội sinh của phát triển, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.
   Cùng với quá trình phát triển, văn hoá ngày càng có nhiều nội dung phong phú. Do đó có rất nhiều định nghĩa với các cách tiếp cận khác nhau về văn hoá:
- "Văn hoá là một phức thể bao gồm kiến trúc, tín ngưỡng, nghệ thuật, luật pháp, tập quán và mọi khả năng và thói quen mà con người, với tư cách là thành viên xã hội đạt được" (E.B Tailer)
- "Văn hoá bao gồm các quá trình kế thừa về kỹ thuật, tư tưởng, tập quán và giá trị" (Ma-li-nốp-xki)
-"Văn hoá là cách ứng xử mà các thành viên trong xã hội học được" (F.Merill)
- "Văn hoá bao gồm toàn bộ tạo phẩm do con người làm ra trong quá trình thích nghi với môi trường" (Blin Meltal)
- "Văn hoá là hình thái toàn diện của những thể chế mà con người cùng có chung trong xã hội" (J.H. Fixter)
- "Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình" (Giáo sư Trần Văn Thêm)
- "Cái gì còn lại khi tất cả những cái khác bị quên đi- cái đó là văn hoá". (E.Heriôt)
    Theo (UNESCO)-"Văn hoá phản ánh và thể hiện một cách tổng quát, sống động mọi mặt của cuộc sống (của mỗi cá nhân, tổ chức và của mỗi cộng đồng) đã diễn ra trong quá khứ, cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao nhiêu thế kỷ nó đã cấu thành một hệ thống các giá trị, truyền thống, thẩm mỹ và lối sống và dựa trên đó từng dân tộc khẳng định bản sắc riêng của mình".
người Tràng An là người nào, loại gì, nguồn gốc xuất xứ từ đâu?. Theo tôi tất cả các định nghĩa về văn hoá tôi tâm đắc nhất câu : "Cái gì còn lại khi tất cả những cái khác bị quên đi- cái đó là văn hoá" của (E.Heriôt) câu này đơn giản nhưng súc tích và đầy đủ nhất...và cái gì còn lại ở Hà Nội về văn hoá sau đại lễ 1000 năm Thăng Long...tất nhiên chúng ta phải đi tìm nhất là sau khi được đọc bài viết này.......Chắc trong mỗi chúng ta ai ai cũng nhớ câu ca dao thời bao cấp:
Con gái Khu Ba da trắng tóc xanh
Mỗi khi chồng gọi thưa anh gọi gì (nhưng đểu)
Con gái khu bốn chân cẳng đen xì
Mỗi khi chồng gọi chi chi rứa hề.(chân tình)
Bàn về giọng nói và văn hoá của người Hà Nội, trước hết phải bàn lịch sử trước hết, các đời vua Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc, Lê, Nguyễn có vị vua nào là người Hà Nội không? Vậy văn minh Hà nội có được là do đâu? không lẽ do người ở quê các ông vua kia chạy về sống ở kinh thành mang lại, không lẽ lại do các thương gia Trung, Ấn ở phố Hàng ngang, hàng Đào và Hàng Buồm mang lại. Hay là do các nhân sỹ Bắc Hà vùng Châu thổ sông Hồng mang lại. Giọng nói nghe phổ thông đấy nhưng chua và không chuẩn (nói A và B thì lại nói là A với cả B), không thật, nói hay nhưng không làm theo lời nói, hay nói tục và vô lễ với người trên, phụ nữ thì 90% lăng loàn. Sống ở SG Bạn có nghe trẻ con chửi ông bà già bao giờ chưa hay chỉ có ở HN, đã được nghe vợ chửi chồng như hát hay chưa hay chỉ có ở HN. Mặt khác người Hà nội không có quê, nên chẳng có gì đáng tự hào, chẳng qua chỉ là dân góp nhiều nơi có học một chút hợp lại thành quần cư để sinh sống mà thôi. Bạn đã nghe ai nói tôi quê Hà Nội chưa? Họ chỉ dám nói tôi đang sống ở Hà Nội mà thôi. Khu kinh tế mới của HN là huyện Lâm Hà tỉnh Lâm đồng, khu kinh tế mới của Nghệ An là HN và đương nhiên người làm kinh tế mới phải đem đến nơi họ ở giọng nói mới, sinh khí mới, phong tục, tập quán mới hay nói gọn đi đó là văn hoá mới......Người Nghệ An có nhiều ở HN trong nửa cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 là rất hợp lý vì họ là quê hương của “đời vua cuối cùng”, nhưng so với chiều dài lịch sử thì rất ngắn (chỉ hơn nửa thế kỷ) vậy thời kỳ ngắn này HN tạm chịu ảnh hưởng của Văn hoá xứ Nghệ. Còn ngày xưa người xứ Nghệ chỉ làm Thần (cống nộp) thôi, trong khi xứ Thanh hầu hết làm vua trong các thời kỳ (trừ triều Lý-Trần) lịch sử Việt Nam (cậy thế) vì vậy nên người xưa có câu: “Xứ Thanh cậy thế, Xứ Nghệ cậy thần”. Tóm lại HN cổ chịu ảnh hưởng lớn của văn hoá xứ Thanh (Văn hoá “Thế”) văn hoá của sự ly gián, đố kỵ và chà đạp nhau để leo lên ngôi vua, trái với (Văn hoá Thần) “đoàn kết chống lại vua” có lẽ vì vậy và cho đến bây giờ cũng vậy người Nghệ An thành lập hội đồng hương dễ hơn và được lâu hơn người Thanh Hoá. Tôi nói như vậy có nghĩa là người Tràng An (thanh lịch) xưa 90% chịu ảnh hưởng của văn hoá xứ Thanh và còn đọng lại cho đến ngày nay (cái gì còn lại trong khi những cái khác lần lượt bị mất đi đó là “Văn hoá”), rất ít người nhận ra điều này (hoặc giả vờ không nhận ra) vì cái đó không đẹp đẽ gì (văn hoá Tôi, VH nói xấu người khác, VH đố kỵ, chà đạp, ghen ghét không muốn cho ai hơn mình ngay cả đối với người thân trong gia đình cũng đối xử như vậy) họ luôn nhăm nhăm phấn đấu để trở thành người (ăn trên, ngồi trốc-từ này của Nghệ An), thành người “đi không phải báo, nói láo có người nghe, đe có người sợ, vợ có người chăm, nằm có người bóp, họp có người ghi, chi có người trả, ngã có người nâng, tâng có người hứng,..”. Buồn thay. Nếu bạn đọc ca dao “mười yêu” qua các thời kỳ sẽ thấy rất rõ bản chất và thói quen của người Hà Nội, bởi vì ca dao thường thể hiện lề lối, thói quen của các thời kỳ được người lao động thừa nhận (SG: Năm yêu mảnh áo ngắn tà. Sáu yêu quần trắng là đà gót sen, HN: Năm yêu không có bà bô. Sáu yêu Văn Điển ông bô sắp về). Rất bất hiếu và khốn nạn. Tại sao vậy không lẽ lại đúng như tác giả đã viết “Người nhà quê rất tự tin, hùng hổ đảo lộn cả Hà Nội, ngày càng nắm quyễn lãnh đạo từ phường cho đến quận, rồi cả thành phố và các cơ quan trung ương đóng tại Hà Nội. Người Hà Nội gốc thành thiểu số, họ co cụm lại và bền bỉ, khéo léo bảo vệ những giá trị của mình…Người Hà Nội khó có thể làm lãnh đạo, quản lý được trong bối cảnh xã hội mới, vì họ biết rộng, làm gì cũng cân nhắc cẩn trọng; họ quá nhạy cảm, tế nhị, ngại va chạm, sợ làm tổn thương người khác và rất sợ bị tổn thương… Với sự lịch lãm, tài hoa, tâm hồn phong phú, tinh tế của mình, họ thường sáng tạo được những giá trị cao trong các lĩnh vực khoa học, âm nhạc, hội họa, văn học… Còn lãnh đạo thời nay đòi hỏi phải biết mưu mẹo và đấu tranh, “dám nghĩ, dám làm” mọi chuyện, phải “dấy lên phong trào”, “Quyết tâm phấn đấu”, “Đồng loạt ra quân”, “Chỉ đạo quyết liệt”, “Quyết tâm đột phá”… Những thứ đó đều xa lạ với tư duy và cách ứng xử của người Hà Nội”. Theo tôi người Hà nội gốc cũng là người nhà quê thôi...nhà quê ra tỉnh ăn nên làm ra nhưng không tôn trọng quê mà lại khinh rẻ quê nên một khi người bị khinh rẻ đông hơn quay lại sống gần thì cái giá phải trả là tất yếu....cái mà người đời trả thù đau nhất đó là thay đổi phong tục, tập quán, lề lối, thói quen tóm lại là thay đổi văn hoá. Bởi vậy thơ Nguyễn Bính thời nay được người Hà Nội cải biên lại như sau:
Hà Nội xưa ba sáu phố phường (Nguyễn Bính)
Hà Nội nay 63 Hội đồng hương (Nghệ An lớn nhất)
Hà nội rộng ra thành Hà Nội khác (Hà Lội)
Tìm Mạc Văn Trang biết hỏi mấy đường??? (Bỏ luôn khỏi tìm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét