1-ĐÔI HÀNG LỊCH SỬ NƯỚC CHÂN LẠP
Chân Lạp (hay Chenla) là một quốc
gia cổ được hình thành ở trung tâm bán đảo Đông Dương bởi các dân tộc
người Môn – Khmer vào khoảng đầu thế kỷ 5. Lãnh thổ ban đầu tương ứng
với phần đất miền Trung và Nam Lào cùng với vùng Đông-Bắc Thái Lan ngày
nay, thủ đô có lẽ là ở Champasak (thuộc Lào). Các vương quốc láng giềng
xung quanh vào thời kỳ đó là Champa ở phía Đông, Phù Nam ở phía Nam và
Pyn (Miến Điện (Myanma) ở về phía Tây-Bắc. Chân Lạp lớn mạnh dần lên và
lấn lướt dần Phù Nam (vương quốc ở phía Nam). Đến thế kỷ 6 họ đã xâm
chiếm được miền Bắc của Phù Nam và đến đầu thế kỷ 7 họ tiêu diệt Phù Nam
và hoàn toàn sát nhập vào lãnh thổ của mình.
Triều đại các vị vua của Chân Lạp theo
truyền thuyết có nguồn gốc từ nhân vật thần thoại Campu, lấy nàng Naga
(con gái thần nước, biến từ rắn thành thiếu nữ). Từ “campu” bắt nguồn
cho tên gọi của Campuchea sau này.
Vương quốc Chân Lạp tồn tại từ năm 630
đến 707 do nội chiến bị phân chia thành hai lãnh thổ là Lục Chân Lạp và
Thủy Chân Lạp. Thủy Chân Lạp tương ứng với khu vực đồng bằng sông Cửu
Long của Việt Nam và miền Nam Campuchia ngày nay. Đầu thế kỷ 9, Thủy
Chân Lạp và Lục Chân Lạp sát nhập lại và mở ra thời kỳ huy hoàng của Đế
quốc Khmer; nhưng sau đó suy yếu dần.
Việt Nam và Chân Lạp
Trước khi nói tới nước Chân Lạp, chúng ta cần biết sơ lược về nhà Nguyễn mở rộng bờ cõi về phía Nam.
Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim
thì Nguyễn Kim khởi nghĩa giúp nhà Lê đánh nhà Mạc đã lấy được đất Thanh
(Hóa), Nghệ (Tĩnh) rồi; sau đem quân ra đánh Sơn Nam bị hàng Tướng nhà
Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc chết, binh quyền giao lại cho rể là Trịnh
Kiểm. Nguyễn Kim có hai người con là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng cũng
làm tướng lập được nhiều công. Nguyễn Uông được phong làm Lang Quận
Công, Nguyễn Hoàng được phong Thái Úy Đoang Quận Công. Trịnh Kiểm sợ họ
Nguyễn tranh mất quyền mình bèn kiếm chuyện giết Nguyễn Uông. Nguyễn
Hoàng sợ Trịnh Kiểm cũng sẽ hại mình, cho người ra Hải Dương hỏi ý kiến
Nguyễn Bỉnh Khiêm được mách bảo: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung
thân”, có nghĩa dẫy Hoành Sơn là chỗ yên thân được muôn đời. Nghe lời,
Nguyễn Hoàng vận động với chị là Ngọc Bảo nhờ Trịnh Kiểm cho vào trấn
thủ đất phía Nam. Năm 1558, đời vua Anh Tông, Trịnh Kiểm mới tâu vua cho
Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa.
Năm 1611, Nguyễn Hoàng đem quân đánh nước
Chiêm Thành lấy đất lập ra Phủ Phú Yên. Năm 1653 Nguyễn Phúc Tần chiếm
đất Chiêm Thành tới Khánh Hòa ngày nay. Năm 1693, Nguyễn Phúc Chu đổi
đất Chiêm Thành thành Thuận-phủ. Năm 1697 chúa Nguyễn đặt phủ Bình
Thuận, lấy đất Phan Lý (Phan Rí) và Phan Lang (Phan Rang) làm huyện Yên
Phúc và Hòa Đa. Từ thời điểm này nước Chiêm Thành bị xóa tên trên bản
đồ.
Đối với Chân Lạp thì sau khi nhà Vua
chết, tình trạng chú cháu tranh dành quyền hành xẩy ra. Phe thân Việt
Nam chạy sang cầu cứu nhà Nguyễn. Nguyễn Phúc Hiền sai quan đem 3.000
quân đánh Mỗi Xuy (nay là Phước Thành, tỉnh Biên Hòa) bất được Nặc Ông
Chân đem về Quảng bình giam, sau được thả với điều kiện phải triều cống
và bênh vực người Việt đang làm ăn ở đất Chân Lạp. Năm 1674, Nặc Ông Đài
cầu viện Tiêm La (Thái Lan) sang đánh Nặc Ông Chân. Nguyễn Phúc Hiền
cho quân đánh Nặc Ông Đài, phá được đồn Sài Gòn, rồi tiến quân vây thành
Nam Vang. Nặc Ông Đài bỏ chạy vào rừng, Nặc Ông Thu ra hàng. Vì thuộc
dòng con trưởng Nặc Ông Thu được nhà Nguyễn cho làm chính Quốc vương
đóng đô ở Long Úc. Nặc Ông Nộn làm đệ nhị Quốc Vương đóng tại Sài Gòn.
Mỗi năm phải triều cống. Năm Mậu Dần (1698) Nguyễn Phúc Chu sai ông
Nguyễn Hữu Kính làm kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố ra làm
dinh, huyện. Lấy đất Đồng Nai làm huyện Phúc Long và Sài Gòn làm huyện
Tân Bình: đặt Trấn Biên Dinh (Biên Hoà) và Phan Trấn Dinh (Gia Định) sai
quan vào cai trị.
Năm 1699 Nặc Ông Thu đem quân chống quân
nhà Nguyễn. Quan Tổng suất Nguyễn Hữu Kính đem quân đánh tới thành Nam
Vang. Nặc Ông Thu bỏ chạy, con là Nặc Ông Yêm ra hàng. Sau cả cha con họ
Nặc đều qui phục và triều cống như thường. Năm 1705, Nặc Ông Thâm (con
của Nặc Ông Thu) nghi Nặc Ông Yêm (con của Nặc Ông Nộn) có ý làm phản
bèn đem quân đánh. Nặc Ông Thâm cầu viện Tiêm-la sang đánh khiến Nặc Ông
Yêm phải cầu cứu nhà Nguyễn. Năm 1714, Nặc Ông Thâm từ Tiêm-la đem quân
về đánh Nặc Ông Yêm ở La Bích; nhưng bị quân nhà Nguyễn đánh tan và đưa
Nặc Ông Yêm lên làm vua Chân Lạp.
Thời bấy giờ nội bộ Chân Lạp tiếp tục có
loạn, các vương tôn tranh nhau ngôi báu. Mỗi dòng đều cậy nhờ quân Việt
hoặc quân Xiêm vào giúp đỡ. Năm 1755, Nặc Nguyên nhờ Mạc Thiên Tứ dâng
chúa Nguyễn lãnh thổ hai phủ Tầm Bôn (Cần Thơ) và Lôi Lập (Long Xuyên)
để được về Nam Vang cai trị. Năm 1758, chúa Nguyễn đưa Nặc Tôn (Ang Ton
II) lên làm vua và được tặng thêm lãnh thổ Tầm Phong Long (Châu Đốc và
Sa Đéc). Nặc Tôn tặng riêng Mạc Thiên Tứ lãnh thổ 5 phủ miền Đông-Nam
Chân Lạp: Hương Úc (Kompong Som), Cần Bột (Kampot), Trực Sâm (Chưng
Rừm), Sài Mạt (Cheal Meas) và Linh Quỳnh (vùng duyên hải từ xã Sré Ambel
đến làng Peam), nói chung là toàn bộ vùng biển ven duyên quanh đảo Phú
Quốc, Mạc Thiên Tứ dâng hết cho Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Thật ra đây
là những vùng đất hoang, không người Khmer nào sinh sống tại đây vì sình
lầy và lụt lội quanh năm. Võ vương sát nhập tất cả các vùng đất mới vào
trấn Hà Tiên, giao cho Mạc Thiên Tứ cai trị.
Từ đó các lãnh thổ miền Tây được qui
thành ba đạo: Đông Khẩu đạo (Sa Đéc), Tân Châu đạo (Tiền Giang) và Châu
Đốc đạo (Hậu Giang). Long Hồ dinh được chuyển về Tầm Bào (Vĩnh Long)
thuộc Châu Đốc đạo. Năm 1759, công cuộc bình định đất đai miền Nam xem
như hoàn tất.
Như vậy đất 6 tỉnh Nam Việt bây giờ là đất của nước Chân Lạp.
2-NGƯỜI KHMER TẠI VIỆT NAM
Cộng đồng người Khmer tại miền Nam hiện nay khoảng 1,2 triệu người, đa số (90%) sinh sống trên lãnh thổ các tỉnh Cửu Long, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang và Minh Hải, số còn lại sinh trú và lập nghiệp quanh Sài Gòn và Tây Ninh. Dân tộc Khmer Krom hay Khơ Me Crộm là bộ phận dân tộc Khmer sống ở VN. Người Khmer được phân chia thành hai hệ, đó là Khmer Krom, sống ở Việt Nam, và Khmer Leu, sống ở Campuchea. “Krom” và “Leu” là phiên âm tiếng Việt của Khmer, có nghĩa là “Dưới” và “Trên”.
Phần lớn người Khmer là Khmer Leu, sống
tập trung ở Campuchia. Phần còn lại, Khmer Krom, sống ở đồng bằng sông
Cửu Long thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên
Giang, An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, Tiền
Giang, Bến Tre. Tiếng nói và chữ viết của người Khmer thuộc nhóm ngôn
ngữ Môn-Khmer. Khmer là từ được viết theo phiên âm tiếng Anh thường thấy
trong. Tiếng Việt phiên âm chữ này thành Khờ Me hay Khơ Me. Từ Khmer
được phiên qua tiếng Hán thành Cao Miên, gọi tắt là Miên. Do đó một số
người Việt còn gọi dân tộc này là dân tộc Miên.
ʚɞ♥ʚɞ Veasna.Jelly ʚɞ♥ʚɞ (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét