Trong
những tư liệu lịch sử ít ỏi và nhiều phần một chiều còn lưu giữ lại tới
ngày hôm nay, ông Đặng Trần Thường, một nhân vật rất được dòng họ Đặng ở
Việt Nam tôn kính, hiện lên với những "bia miệng" chua cay. Mặc dù mới
chỉ trên dưới hai trăm năm trôi qua nhưng hậu thế biết tới ông chủ yếu
qua câu chuyện về câu đối "Gặp thời thế thế thời phải thế" liên quan tới
Ngô Thì Nhậm.
Thực
ra, Đặng Trần Thường hoàn toàn không phải là một "tiểu nhân" như một số
người muốn tô vẽ. Trái lại, nếu ta chịu khó đi sâu tìm hiểu các nguồn
sử liệu mới được công bố gần đây, đặc biệt là cuốn "Đặng gia phả hệ toàn
chính thực lục và Đặng gia phả ký tục biên" do Ngô Thế Long dịch và chú
thích (NXB Thế giới ấn hành năm 2006), ta có thể thấy rõ, Đặng Trần
Thường cũng là một trong những danh sĩ Bắc Hà nổi bật hàng đầu của thế
kỷ XVIII, phải dấn thân vào quá nhiều oái oăm của thời cuộc và phải chết
thảm trong ngục tù bởi những trái nết của các quân vương và lệ tục làng
quan, nhưng vẫn kịp có những đóng góp không nhỏ vào việc làm sáng lên
sĩ khí Bắc Hà.
Võ ích hơn văn
Đặng
Trần Thường là con cháu của nhà Trần từng ba lần oanh liệt thắng quân
Nguyên, phải cải sang họ Đặng do những biến đổi lịch sử khôn lường trước
khi tới định cư tại thôn Lương Xá xưa (nay thuộc xã Lam Điền, huyện
Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây). Tới đời nhà Lê, dòng họ Đặng này lập được nhiều
công tích lớn nên rất được trọng dụng (từng có câu ca: "Làm quan họ Đặng..."). Cụ tổ chín đời trước của ông là một đại công thần của thời Lê Trung hưng.
Cha
ông là Xuyền Thái Bá, Đặng Thông Mẫn. Mẹ họ Phạm, là con gái thứ hai
của Tiến sĩ Công bộ Thượng thư tước Quận công Phạm Quang Dung. Tương
truyền, cha Đặng Trần Thường đã tới cầu tự tại chùa Viễn Sơn, nằm mộng
thấy thiên sứ cầm cờ đeo chuông từ trên trời xuống mang theo một người
và nói: "Đây là Văn khúc Tinh quân, vâng mệnh Thượng đế ban xuống làm
con ông"...
Chín
tháng mười ngày sau giấc mơ đó của chồng, Phạm phu nhân đã sinh hạ
người con trai cả vào ngày 18 tháng giêng năm Kỷ Mão (1759; cũng có sách
chép là năm 1758). Thông minh, dĩnh ngộ, Đặng Trần Thường được cha cho
học văn từ năm lên 9 tuổi.
Tuy
nhiên, vốn tính hiếu động, Đặng Trần Thường lại thích luyện tập võ
nghệ, trận giả cùng chúng bạn và... nghịch những trò không giống ai.
Tương truyền, hồi nhỏ, có lần cậu bé Thường vào nghịch trong một đền thờ
thổ địa.
Làng
ấy năm đó bỗng nhiên có động, nhờ thầy bói xem. Thầy bói nói rằng, có
một người đã vào đuổi thần thổ địa đi nên phải làm lễ mời thần về lại.
Hỏi ra, mới biết tên người đã cả gan đuổi thần đi là Đặng Trần Thường.
Vì chuyện này, cụ thân sinh đã trách cứ ông rất nhiều, còn dân làng cứ
thì thào với nhau rằng, có lẽ lớn lên, Đặng Trần Thường sẽ rất hiển đạt,
vì nào có phải bất kỳ ai cũng làm quỷ thần kinh hãi được đâu.
Không
quá chăm chỉ đèn sách nhưng do sáng dạ nên năm 16 tuổi, Đặng Trần
Thường đã thi Hương trúng cách vào đệ Tam trường. Tuy nhiên, đúng lúc đó
thân phụ lại lâm bệnh nặng nên Đặng Trần Thường đã không đi theo nghiệp
lều chõng nữa mà về nhà chăm sóc cha.
Rồi
ông phải chịu liên tiếp hai tang lớn: Cha ông qua đời và hai năm sau,
mẹ ông vì quá đau buồn cũng đi theo chồng về nơi suối vàng. Gia cảnh của
Đặng Trần Thường lúc ấy thực khó khăn, tiền của sa sút dần nên ông hay
phải nhờ vả bạn bè. Tương truyền, ông có bài thơ xin vay tiền bạn bè như
sau:
"Ngất ngưởng Đồ Thường đã đến đây,
Có tiền xin mượn lấy năm chầy.
Năm chầy không được ba chầy vậy,
Phiếu mẫu đền ân cũng có ngày"…
Mãi
tới năm 1782, Đặng Trần Thường mới lại tới kinh sư làm học trò của vị
Tiến sĩ họ Nguyễn, người làng An Vĩ. Ông học rất sáng dạ nên được vị
Tiến sĩ họ Nguyễn kỳ vọng sẽ đỗ cao trong kỳ thi năm 1783. Tuy nhiên,
giai đoạn đó triều đại vua Lê chúa Trịnh đang dần bước vào suy vi, kỷ
cương lỏng lẻo, quan lại đồi bại, sĩ tốt kiêu loạn.
Nhận
rõ thời cuộc và biết rằng chẳng thể làm gì có ích cho đời theo nghiệp
bút nghiên, Đặng Trần Thường đã quyết định sẽ lập thân bằng nghề võ và
đi khắp thiên hạ kết giao cùng các bậc hào kiệt và trí giả để cùng chờ
thời. Trong thâm tâm ông chỉ mong ngóng có một minh quân để theo làm
nghiệp lớn, ích nước lợi nhà.
Tuy
nhiên, sau rất nhiều lận đận và bôn ba, phải dấn thân vào không chỉ một
trận chiến ác liệt để "Cần Vương", Đặng Trần Thường đã sớm hiểu ra
rằng, cách hành xử dựa vào ngoại bang để khôi phục lại vương triều như
của Lê Chiêu Thống sẽ không thể dẫn tới một kết cục tốt đẹp. Là con cháu
một dòng họ chịu ơn sâu nặng của nhà Lê và họ Trịnh, Đặng Trần Thường
dĩ nhiên là không thể dễ dàng lìa bỏ những tín điều trung quân truyền
thống, nhưng ông cũng đã biết xa rời con đường vọng ngoại của Lê Chiêu
Thống, ẩn dật không cộng tác với ông vua này...
Thế thời nào cũng thế
Nhìn
từ một góc độ, có thể nói, những hạn chế thời đại đã khiến Đặng Trần
Thường không thể tỉnh táo và khôn ngoan như Ngô Thì Nhậm, nhận đúng chân
giá trị của người anh hùng áo vải Quang Trung mà kịp thời hòa mình vào
dòng chảy Tây Sơn.
Tuy
nhiên, nếu nhìn từ một góc độ khác thì cũng có thể nói rằng, có thể
Đặng Trần Thường ngay từ lúc triều đình Tây Sơn đang ở thế thượng phong
đã nhìn thấy những sự hữu hạn và đoản mệnh của con đường lập quốc đó nên
nén mình lại cho một tương lai chắc chắn hơn?
Sự
thật là sau khi vua Quang Trung qua đời, những tinh hoa trị quốc của
ông đã không được những người nối nghiệp kế thừa và rốt cục là, Nguyễn
Ánh đã dần dà làm chủ được quốc gia theo đúng nguyên tắc "được làm vua,
thua làm giặc". Là người rất muốn thi thố với đời, lại rất tinh anh,
Đặng Trần Thường dĩ nhiên là đã nhìn ra triển vọng mới cho mình trong
việc đi theo phò tá cho lực lượng của Nguyễn Ánh.
Đặng Đình Nguyên-cand.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét