Trích từ chuyên mục
Người xưa cảnh tỉnh
đã in trên Thể thao và văn hóa 2005-2007
Các đầu đề nhỏ và chú thích là của người biên soạn
Có độc lập cũng cướp đoạt của cải
và chém giết nhau đến chết
Trong khoảng vài mươi
năm nay, các bậc đại thần ăn dầm nằm dìa ở chốn triều đình, chỉ biết
chiếu lệ cho xong việc; quan lại ở các tỉnh thì chỉ lo cho vững thần thế
mà hà hiếp bóp nặn ở chốn hương thôn; đám sĩ phu thì ganh nhau vào con
đường luồn cúi hót nịnh, không biết liêm sỉ là gì; bọn cùng dân bị nặn
bóp mãi mà máu mủ ngày một khô, không còn đường sinh kế nữa.
Đến bây giờ thì thế sự hư hỏng, nhân dân lìa tan, phong tục suy
đồi, lễ nghĩa bại hoại, một khu đất bốn mươi vạn dặm vuông, một dân tộc
hơn hai mươi triệu người lại sắp ở vào cái địa vị bán khai mà quay về
cái địa vị dã man.
Nước Nam đã lâu nay học thuyết sai
lầm, phong tục hư hỏng, không có liêm sỉ, không có kiến thức. Trong một
làng một ấp cũng cấu xé lẫn nhau, cùng nòi cùng giống vẫn coi nhau như
thù hằn; có dẫu ai muốn lo toan việc lớn, chưa kể rằng không có chỗ mà
nương thân, không có khí giới mà dùng, không có tiền của mà tiêu, giá
phỏng Chính phủ (1) cho mượn dăm nghìn khẩu súng, cấp đất vài tỉnh cho
ở, không thèm hỏi đến, tha hồ muốn làm gì thì làm, chẳng qua vài năm nếu
không báo thù lẫn nhau thì cũng tranh giành địa vị với nhau, nếu không
cướp đoạt tiền tài thì cũng giành giật tước vị, tự chém giết nhau đến
chết hết mới thôi, quyết không thể sống nổi trong thế giới này, lại còn
chống cự ai được nữa.
(1) đây là chính quyền thực dân Pháp
Phan Châu Trinh
Thư gửi chính phủ Pháp,1906
Dân trí thấp kém...
Dân trí có công với dân quyền lớn vậy thay! (...) Vì vậy, giờ đây
tôi xin kể những điều tai nghe mắt thấy để quốc dân cùng biết:
Hay nghi kỵ lẫn nhau, không làm nên việc gì cả, đó là điều rất ngu thứ nhất.
Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bễ những sự nghiệp đáng làm, đó là điều rất ngu thứ hai.
Chỉ biết lợi mình mà không biết hợp quần, đó là điều rất ngu thứ ba.
Thương tiếc của riêng, không tưởng đến việc ích chung, đó là điều rất ngu thứ tư.
Biết có thân mình nhà mình mà không biết có nước, đó là điều rất ngu thứ năm.
Dân được cường thịnh là nhờ có sự nghiệp công ích. Nay những việc
đó, người nước ta đều không thể làm được. Hỏi vì sao không làm được, thì
nói là vì không có tiền của. Sở dĩ không có tiền của là vì đã tiêu phí
vào những việc vô ích xa hoa rồi.
Phan Bội Châu
Việt Nam quốc sử khảo, 1908
Dễ ỷ lại
Tục ngữ có câu rằng Tháp đổ đã có Ngô xây – Việc gì vợ goá lo ngày lo đêm. Tháp đó là tháp của ta, ta không xây được hay sao?
Nghểnh đầu nghểnh cổ trông ngóng, nếu Ngô (1) không sang thì vạn tuế thiên thu chắc không bao giờ có tháp.
Tháp đổ mặc tháp, khoanh tay đứng dòm, nghiễm nhiên một đống bồ nhìn rồi hẳn. Hỏi vì cơn cớ làm sao?
Thì chỉ vì ỷ lại.
Câu tục ngữ ấy thật vẽ đúng tâm tình người nước ta. Nếu ai cũng lo
gánh vác một phần trách nhiệm của mình thì có gánh gì không cất nổi.
Nhưng tội tình thay, anh nào chị nào trong óc cũng chất đầy một
khối ỷ lại. Anh Cột trong mong vào chú Kèo, cô Hường trông mong vào thím
Lục, mà chú Kèo thím Lục lại ỷ có anh Cột cô Hường rồi. Rày lần mai
lữa, kết cục không một người làm mà cũng không một người phụ trách
nhiệm.
(1)Ngô đây chỉ người Tầu. Tục ngữ có câu Có mặt chú khách vắng mặt thằng Ngô
Phan Bội Châu
Cao đẳng quốc dân,1928
Trong việc nước cũng ai mạnh thì theo, bỏ hết liêm sỉ
Sĩ phong (1) nước ta, suy đồi đi là tự đời Lê trung hưng về sau.
Lúc bấy giờ các vua nhà Lê vẫn cầm quyền mà họ Trịnh dám dấy lên
cướp quyền, quan lại và sĩ dân trong nước đều theo họ Trịnh. Hoá nên cái
tâm lý sĩ phu thời ấy có hai đàng: thờ vua Lê để tránh tiếng phản quân;
thờ họ Trịnh để kiếm đường thực lợi.
Ban đầu chắc cũng có người áy náy trong lòng, về sau tập thành quen, không còn biết thế nào là sỉ nhục.
Một người như thế trăm nghìn người hùa theo, người trên như thế
người dưới bắt chước theo, thành ra cả một nước đều bỏ mất đại nghĩa,
quên mất liêm sỉ, mà đổ xô nhau vào vòng danh lợi.
Từ đó về sau, người mình trở nên mềm như con bún, không biết vua
là gì, không biết nước là gì, hễ ai mạnh thì theo. Lòng tự trọng của
người mình như ngọn lửa đã tắt, không còn bừng lên, như hột giống bị ẩm,
không còn nứt lên được.
Lại thêm cái kiểu chuyên chế từ xưa đến nay, cứ ở trên đè xuống ở
dưới đợ lên(2), làm cho nhân dân ngày một đê hèn ngày một yếu ớt. Lòng
tham lợi mạnh hơn lòng tư kỷ (3) thì luồn cúi lạy lục mấy cũng chẳng từ;
ưa cái sống đục hơn cái thác trong, thì mặt dạn mày dày đâu có quản.
(1 khí thế, tinh thần
(2) Theo Tự vị An nam La tinh (1772-1773) đợ có một nghĩa cổ “trao của tin cho ai “, ở đây tạm hiểu là nhẫn nhục chấp nhận
(3) tự ý thức về cá nhân mình
Phan Khôi
Luận về khí tiết, Hữu Thanh, 1923
Rên rỉ than vãn mỗi khi gặp khó
Những kẻ chơi bời lười biếng, vô công rồi nghề, dựa vào người khác mà
sống, hưởng lợi mà không sinh lợi, thật chẳng khác gì giống ký sinh
trùng trong loài động vật. Đó là những con mọt nước …
Quen thói ỷ lại vào người thì dù có tâm có lực cũng không dùng được mà
dùng cũng chẳng được lâu, tâm tư tài lực ắt sẽ nhụt dần. Hơi khó khăn
gian khổ là rên rỉ, than vãn, uất ức bó tay chịu chết.
Hỏi vì sao không cải lương nói lệnh trên chưa thay đổi.
Hỏi vì sao không học tập, nói không có tài năng.
Như thế thì xã hội ngày một suy, nước làm sao mạnh được ?
Quốc dân độc bản, 1907
Không có chí viễn du
Ái quần (1) bắt đầu tất phải yêu gia đình làng xóm trước. Nhưng ở
đời, những người lưu luyến gia đình làng xóm, bụng họ không nghĩ gì
ngoài bát gạo hạt muối, chân không hề bước đi đâu một bước. Xa gia đình
làng xóm trăm dặm là nước mắt đã ướt áo, ra khỏi ngõ mười ngày là sốt
ruột muốn về.
Chí thú (2) của họ tất nhiên thấp hèn, kiến văn (3) của họ tất nhiên thô lậu, xã hội trông mong gì ở họ được nữa.
… Khi châu Mỹ
chưa ai biết, người châu Âu cứ sang khai phá, xây nhà dựng cửa cho con
cháu. Còn dân ta thì cho rằng “xảy nhà ra thất nghiệp” nên không có chí
viễn du. Không lấy làm lạ trí thức không mở mang, đời sống không đầy
đủ, Tổ quốc lâm vào cảnh nguy vong mà không hay biết.
(1) yêu đồng bào đồng loại
(2) ý chí và lạc thú ( niềm vui)
(3) Kinh nghiệm và học thức
Quốc dân độc bản 1907
Xa lạ với chuyện phiêu lưu
Người Âu trọng du lịch, xem thường hiểm trở gian nan, đi thám hiểm
Băng Dương, đi vòng quanh địa cầu, đều là những việc thường thấy.
Nước ta có thế không?
Lìa nhà mươi dặm đã bùi ngùi những mưa gió hoa vàng!
Ở lữ thứ (1) vài năm đã than thở quan hà đầu bạc(2)!
Nói gì đến Xiêm La, Miến Điện, Nam Chưởng, Cao Miên không ai chịu
đặt chân tới; nhưng ngay đến Trung Hoa đối với ta vẫn là chỗ cùng tộc
loại, cùng đạo giáo, cùng lễ giáo văn học, cho đến phương tiện giao tế,
cái gì cũng giống nhau, thế mà người Tàu thì ở nhan nhản khắp nơi kinh
kỳ đô hội bên ta, còn người nước ta thì chưa một ai đến thành Ngũ Dương
(3) cả.
(1)nhà trọ, chỗ xa lạ
(2)quan hà: cửa ải và sông; quan hà đầu bạc chỉ vất vả mà người đi xa phải chịu khiến người ta già đi
(3) thành Ngũ Dương đây chỉ Quảng Châu, thủ phủ Quảng Đông, chứ không phải tỉnh Quảng Đông nói chung như Đặng Thai Mai đã chú .
Văn minh tân học sách, 1908
Căn tính nô lệ, run sợ trước cái mới
Kìa những kẻ ham mê đàn sáo,
đầu hồ (1), bài lá, cờ tướng, đố thơ, đánh chữ, số tướng, địa lý, phù
thuỷ ngày ngày dốc cả trí khôn vào những thứ vô dụng, sống say chết
mộng, chả kể làm gì.
Những hạng cao hơn, đỗ đạt lên một tí được cái tiếng quèn đã vội
khủng khỉnh ta đây kẻ cả, tự xưng là bậc giữ gìn thế đạo (2), ngày ngày
khoe câu văn hay, khư khư ngồi giữ những thuyết hủ lậu, khinh bỉ hết
thảy học mới văn minh.
Hạng kém hơn nữa thì chỉ nghe có vấn đề thăng quan lên mấy bực cất nhắc mấy người, chứ không hề biết đến vấn đề nào khác.
Có một ông nào đã nói với các bạn hậu tiến (3): “Các thày muốn ra
làm quan, thì phải cẩn thận, đừng đọc sách mới, xem báo mới”.
Ôi, nếu không biết đến sách báo mới thì thôi, chớ đã biết đến mà
lại bưng bít che lấp đi khiến cho không nghe không thấy chuyện gì, để tự
mình lại củng cố một căn tính nô lệ, nhân cách như thế thiệt nên lấy
làm đau đớn!
(1) một loại trò chơi của người xưa, ném một cái thẻ xuống một miệng trống rồi tính điểm, được Đại Nam quốc âm tự vị miêu tả là “một cuộc chơi lịch sự “
(2) đạo lý ở đời
(3) hâụ tiến đây chỉ có nghĩa lớp người thuộc thế hệ sau, chứ không phải người kém cỏi.
Văn minh tân học sách,1908
Không thiết việc đời
Dân ta xưa nay chỉ quen
sống “sau lũy tre xanh ‘, không thạo cách hội họp vả lại về tinh thần
lại hay có tính cẩu thả. Sống được là may, học hành mà làm gì … đó là
những câu họ thường trả lời cho ta khi ta khuyên họ nên học cho biết.
Ngô Tất Tố
Thời vụ, 1938
Chống đối tự phát
Nước ta là một nước canh nông, đối với công nghệ không những không khuyến khích mà lại còn áp chế. Theo sách Lịch triều hiến chương,
đời Lê Dụ Tôn đặt lệ trưng thu hoành lạm (1) khiến nhiều nhà nghề không
kham nổi mà đành bỏ nghiệp. “Như nhà nước đòi sơn thì dân chặt cây đi,
nhà nước đòi vải lụa thì dân phá khung dệt, đòi gỗ thì dân quăng búa
rìu, đòi tôm cá thì dân xé lưới “.
(1 ) thu mua quá mức
Đào Duy Anh
Việt nam văn hoá sử cương,1938
Đi đâu cũng lo quay về làng
Dân trí hẹp hòi, ở ta nhiều người học hành chẳng qua mong lấy thi đỗ làm quan cho làng cho họ được nhờ.
Công nghệ buôn bán thường đợi khách đến tận làng mà mua những đồ chế
hoá (1). Người bất đắc dĩ phải đi xa cầu thực (2), hồ (3) kiếm được
đồng tiền dư, trước hết phải lo nghĩ tới việc dựng cái nhà thờ, tậu vài
ba mẫu ruộng ở quê quán mình.
Nói việc nhỏ nhặt như người đi làm công làm việc, nhiều kẻ vì nghĩa
làng nước mà quên đến cả nghĩa doanh sinh (4), chỗ cao lương bổng
không cầu, mà cầu lấy nơi ít tiền nhưng được tư án quán, tức có tên về làng về nước;
kẻ bán buôn nơi thành thị hoặc kẻ có tài chế hoá ra được thứ
hàng gì khéo, vị yêu nghệ (5) mà chuyên nghệ thì ít, song vị muốn tăng
công để lấy chút danh mệnh để đem mặt về ngẩng nơi đình đám thì nhiều,
cho nên lòng ao ước nhỏ nhen được thoả là không lo gì đến nghệ nữa.
(1) làm ra
(2) kiếm ăn
(3) những mong, may ra
(4) tìm cách sinh nhai
(5) vị nay đọc là vì, vị yêu nghệ thì ngày nay nói vì yêu nghề
Nguyễn Văn Vĩnh
Chỉnh đốn lại cách cai trị dân xã, Đông dương tạp chí,1914
Ngoài làng xã không biết gì đến nước nhà đến thế giới
Tục nước mình thường hay thiên trọng ở chốn hương thôn, quanh năm
suốt tháng lẩn quẩn ở trong làng, chiếm được một chỗ ngồi nơi hương đảng
(1) đã lấy làm vinh dự, tranh nhau làm ông phó, tranh nhau làm ông xã,
tranh nhau ăn trên, tranh nhau ngồi cao, chửi mắng nhau, đánh đập nhau,
kiện tụng nhau.
Cái câu “Hương đảng tiểu triều đình” cùng “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” luôn luôn ở cửa miệng.
Có nhiều người hết cơ hết nghiệp vì một việc tức khí nơi hương thôn.
Có nhiều người khánh kiệt gia tài vì một bữa hương ẩm (2).
Ngoài cái làng ra không còn biết đến nước nhà là gì, thế giới là gì.
Vì vậy mà tư tưởng cục cằn, kiến văn chật hẹp. Mấy dãy tre nơi đầu
làng đã là cái khám nhốt người ta rồi. Không những không có người nào
ra ngoại quốc học tập làm ăn, mà ngay đến trong nước, mỗi tỉnh mỗi xứ
cũng coi như một thế giới riêng.
(1) làng xóm
(2)cuộc ăn uống mời gần như cả làng
Trần Huy Liệu
Một bầu tâm sự, 1927
Tình yêu làng nước cản trở tiến bộ
Cái xã hội nhỏ ấy có thể là một sự trở ngại lớn cho tiến bộ.
Vì làng An Nam xưa là một xã hội thống nhất về chính trị cũng
như về tôn giáo nên một số đông dân làng chỉ có cái quan niệm với làng
mà thôi. Họ chỉ biết có luỹ tre xanh có đình làng của họ, ngoài ra đều
là người dưng nước lã cả, không có gì liên lạc với họ hết.
Những chuyện tranh nhau đánh nhau giữa hai làng An Nam xưa thường
có xảy ra. Tình yêu người đồng bào bị cái tình yêu người cùng làng làm
phai lạt, đó là cái hại lớn.
Sự liên lạc quá mật thiết giữa làng và dân làng còn là sự trở ngại
cho công cuộc di dân, cho sự thông thương, cho sự tiến bộ.
Đi xa tức là bỏ làng, và bỏ làng đối với người xưa là một điều xấu, một sự cực nhục!
Hoàng Đạo
Làng xã, báo Ngày Nay, 1940
Ương ngạnh, hoài nghi, khó dìu dắt
Trước hết nông dân ta ngày nay (bài này viết tháng hai 1945 --- VTN chú ) đều còn dốt nát.
Bởi dốt nên thủ cựu mà thủ cựu một cách bướng bỉnh. Bao nhiêu điều
gì mới lạ khác với thói thường, với sự quen dùng, họ đều coi như không
tốt và không bao giờ có ý tò mò muốn dùng.
Đại đa số chỉ sống lần hồi từng ngày, nên họ không hề có những sự trông xa, hoặc lâu dài và phiền phức rắc rối.
Họ cần những hoa lợi mau chóng chắc chắn và dễ dàng, dẫu rằng ít ỏi.
Họ nhận thấy ruộng thiếu phân bón nhưng họ chẳng biết làm thế nào
cho có nhiều phân. Vì hình như họ cho sự thiếu thốn ấy là dĩ nhiên.
Họ nghiệm thấy những giống thóc họ thường cấy là không cứng cây,
không chịu được nước ngập, v.v.. nhưng họ chẳng muốn tìm các giống tốt
hơn và giá thử có tìm thấy họ cũng không dám cấy thí nghiệm.
Họ cũng từng biết nghĩ rằng nếu rất nhiều người họp lại chung
công của để đắp một khúc đê, xây vài va cửa cống thì có lẽ giữ được nước
mưa để cả một cánh đồng khô khan trở nên chan hoà nước và cây cối tươi
tốt.
Nhưng họ cũng lại tin rằng đó là một sự chẳng bao giờ nên dám
làm, vì chắc đâu đã được lợi. Vả lại công việc khó khăn và lâu dài lắm.
Thà rằng chẳng nghĩ đến làm còn hơn (!)
Dốt nát, thủ cựu, nghèo, ưa thực tế, hay ngờ vực nhút nhát, mọi
nhẽ ấy đã tạo thành những người nông dân khó hiểu, khó dìu dắt và
khiến cho người nào nông nổi ương tính phải bực mình, có khi đến phải
cáu phải
ghét.
Thảo Am tức Nghiêm Xuân Yêm
Nông dân mới trong nghề nông xứ ta Thanh Nghị, 1945
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét