XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Nghi án về cái chết của Ngụy Diên Đại tướng nước Thục thời Tam Quốc

Ngụy Diên có thực sự là người như thế nào của phản chủ hay không?
Chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, bao lâu nay người ta đều cho rằng Ngụy Diên có xương phản chủ, là một nhân vật phản chủ. Bởi mưu phản cho nên bị Gia Cát Lượng giết, dường như là cái tội đáng chết. Tuy đã có người vì Ngụy Diên mà lật lại bản án đó, nhưng hình tượng phản tặc Ngụy Diên được khắc họa trong Tam Quốc Diễn Nghĩa thực sự sâu đậm, khó có thể xóa bỏ nó ra khỏi tâm lý của người đọc.
Tôi gần đây có tới Thành Đô họp, nhân tiện tới miếu Vũ Hầu thăm thú, thấy hai bên hành lang Thục Hán văn thần vũ tướng biết bao nhiêu người, nhưng duy nhất không có tượng của Ngụy Văn Trường (Ngụy Diên). Hỏi nguyên do vì sao, người hướng dẫn viên nói: Bởi Ngụy Diên là phản thần, nên không có tượng. Tôi đang muốn tìm những người quản lí miếu Vũ Hầu để nói chuyện chân tướng của lịch sử, sau đó có người nói với tôi: Đồng chí Đặng Tiểu Bình năm 1963 đã đến thăm miếu. Trước hành lang văn thần vũ tướng, ông có nói như sau: “Những tượng đặt ở đây, đáng có thì không có, không đáng có thì lại có, như Ngụy Diên nên có thì lại không có” (xem trong Tứ Xuyên nhật báo ngày 27 tháng 2 năm 1997 “Đồng chí Tiểu Bình, công nhân Vũ Hầu từ nhớ người”). Tôi nghe xong lời đó đành thở dài mà bỏ ý định đi tìm người quản lý của miếu Vũ Hầu. Sau khi về Thượng Hải, không cam lòng, quyết lấy bài văn này để giải án oan cho Ngụy Diên!
1.-Quân sự kỳ tài Ngụy Diên
Ngụy Diên-Ảnh: Internet
Xuất thân và lí lịch không rõ ràng “Tam Quốc Chí – Ngụy Diên truyện” nói về Ngụy Diên như sau “Người Nghĩa Dương, dẫn bộ khúc cùng với tiên chủ vào Thục” Nghĩa Dương huyện (nay ở phía tây bắc thành phố Tín Dương Hà Nam) thuộc Quận Nam Dương Kinh Châu. Bộ khúc theo “Hậu Hán thư. Bách quan nhất” nói “Phàm lĩnh quân đều có bộ khúc, đại tướng quân doanh gồm có ngũ bộ, bộ hiệu úy một người, sánh hai nghìn thạch, quân tư mã một người, sánh nghìn thạch. Dưới bộ có khúc, trong khúc có quân hầu một người, những tướng quân khác, xếp vào việc chinh phạt, không có viên chức, cũng có bộ khúc, tư mã, quân hầu làm lĩnh binh”. Có thể thấy bộ khúc chính là biên chế ba cấp ở trong quân đội của nhà Hán. Những năm cuối thời Đông Hán, hình thành việc cát cứ của thế gia hào tộc, địa chủ là chính. Những tập đoàn quân phiệt lấy việc kiến lập bộ khúc để tổ chức quân đội của mình, bộ khúc trở thành lực lượng vũ trang của các tập đoàn cát cứ.
Ngụy Diên lấy bộ khúc cùng Lưu Bị nhập Xuyên, địa vị tuy không cao, nhưng vẫn hoàn toàn là dòng chính trong quân đội của Lưu Bị, chứ tuyệt đối không phải là hạng hàng tướng. (Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa có nói Ngụy Diên là bộ tướng của Lưu Biểu, sau đó giết Hàn Huyền, hiến Trường Sa cho Lưu Bị, hoàn toàn là chuyện bịa đặt). Vì “Có được chiến công, thăng làm Nha môn tướng quân” Tam Quốc chí quyển 40 “Ngụy Diên truyện”
Kiến An năm thứ 22 đến năm thứ 24, Lưu Bị dùng Pháp Chính làm mưu thần, Sau một thời gian đoạt được một địa khu rất quan trọng từ tay Tào Tháo là Hán Trung. Từ đó, thế Tam quốc đỉnh lập mới chính thức hình thành. Lưu Bị tự xưng làm Hán Trung Vương, biểu thị cùng đối chọi với triều đình của Tào Tháo. Không lâu sau, Lưu Bị trở về Thành Đô, trước khi đi “Phải có tướng giỏi đến trấn Hán Xuyên”… Vì sao Lưu Bị lại coi trọng việc tuyển tướng trấn thủ Hán Trung như thế?
Địa khu nắm giữ cơ bản của Thục Hán là bồn địa Tứ Xuyên, lấy bình nguyên Thành Đô làm trung tâm. Hán Trung nằm giữa Quan Trung và Ba Thục. Nằm trong khu vực giáp ranh giữ hai địa khu lớn, Thục quốc nhằm đảm bảo an toàn căn cứ địa của mình, phải có trọng binh nắm giữ nơi hiểm yếu tiếp giáp giữa ta và địch.
Về tầm quan trọng của Hán Trung, người đời sau cũng có nhiều luận thuật. Dương Hồng từng nói với Gia Cát Lượng : “Hán Trung là yết hầu của Ích Châu, việc tồn vong vốn nằm ở đó, nếu không có Hán Trung ắt không có Thục, đấy cũng chính là cái họa từ cửa vào vậy (Tam quốc chí quyển 4, Dương Hồng truyện). Hoàng Quyền cũng nói :”Nếu mất Hán Trung tức Tam Ba dao động, đây cũng chính là hại tay của mình vậy” (Tam quốc chí quyển 43 Hoàng Quyền truyện). Thanh nhân Cố Tổ Vũ có nói “Hán Trung phủ phía bắc nhìn Quan Trung, Nam che Ba Thục, Đông tới Tương Đặng, Tây khống chế Tần Lũng, hình thế quan trọng bậc nhật” Cố Tổ Vũ (Độc sử phương và kỷ yếu quyển 56) . Tào Ngụy nếu chiếm lĩnh được Hán Trung, ắt hẳn sẽ làm uy hiếp tới Ba Thục. Năm Kiến An thử 20, Tào Tháo bình Trương Lỗ “Phá Hán Trung, khiến người Thục kinh hoảng” “Trong Thục một ngày kinh sợ tới mười lần, Bị tuy ở xa nhưng cũng không được yên”. (Tam Quốc chi,í quyển 14 “Lưu Diệp truyện” dẫn chú “Phó tử”)
Thục quốc nếu như chiếm cứ đất này, không những bảo vệ được Kiếm Các, Thành Đô an toàn, càng có thể làm căn cứ địa để Bắc phạt. Đối với Thục Hán mà nói, sự quan trọng của Hán Trung hoàn toàn không hề kém gì Kinh Châu. Cho nên Lưu Bị không thể nào không tính toán cho kỹ càng được. Những vị tướng có tiếng dưới trướng của Lưu Bị có Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Triệu Vân, Hoàng Trung. Lưu Bị coi trọng nhất là Quan Vũ, nhưng Quan Vũ hiện đang trấn thủ Kinh Châu không thể rời khỏi phòng khu cũ. Chức trách chính của Triệu Vân là quản Nội sự. chủ quản các việc ở trung cung của Lưu Bị. (Tam Quốc chí quyển 36 “Triệu Vân truyện” dẫn chú “Vân biệt truyện”). Hoàng Trung tuy dũng mãnh hơn người nhưng dẫu sao thì tuổi cũng đã cao. Mã Siêu tuy uy danh hiển hách, lại thêm một điều Mã Siêu là tướng quy hàng. (Tam Quốc chí quyển 40 Bành Dương truyện). Lưu Bị không thể tín nhiệm được. Trước tình hình đó, dường như người trấn thủ Hán Trung không ai khác ngoài Trương Phi. “Mọi người ai cũng cho là tất ở trong tay Trương Phi, Trong lòng Phi cũng nghĩ rằng thế”. Nhưng ra ngoài dự đoán của mọi người “Tiên chủ đề bạt Diên trấn thủ Hán Trung, Trấn Viễn tướng quân, Hán Trung thái thú”.
Lưu Bị không để ý tới tình cảm của Trương Phi và nghị luận của Toàn quân mà lại phá cách tuyển dụng Ngụy Diên. Điều đó không những phản ánh tài năng chỉ huy quân sự kiệt xuất của Ngụy Diên mà còn phản ánh tới việc Ngụy Diên được Lưu Bị tín nhiệm. Nếu như Ngụy Diên “Sau não có xương phản chủ” thì có nhận được trọng chức như thế này không ?
Học theo việc Lưu Bang đăng đàn bái Hàn Tín làm tướng. Lưu Bị trong cuộc đại hội quần thần để phong Ngụy Diên làm Hán Trung đốc, lại cố ý trên yến tiệc hỏi Ngụy Diên “Nay đã giao cho khanh trọng nhậm, ý khanh định thế nào ?” Diên đáp rằng “Nếu Tào Tháo kéo cả thiên hạ tới, thì mời đại vương tới địch lại, nếu đem mười vạn quân tới, thần xin vì đại vương mà diệt sạch” Tiên chủ khen hay, “(Tam Quốc chí Ngụy Diên truyện). Đương nhiên truyện nói những lời khoa trương thì ai cũng nói được, thế nhưng Ngụy Diên trấn thủ Hán Trung đã có được những công tích như thế nào?
Tam Quốc chí Khương Duy truyện nói: “Tiên chủ lưu Ngụy Diên trấn thủ Hán Trung, đều là lấy binh ở vòng ngoài mà ngự địch, nếu như địch tới tấn công, tất không được thể xâm nhập, làm công cho việc hưng thịnh thế nước, Vương Bình kháng cự lại Tào Tháo cũng là dựa trên chế độ này” Sau này Khương Duy trấn thủ Hán Trung, thì cho rằng bộ hạ của Ngụy Diên tuy hợp với Chu Dịch là có thể nắm giữ cửa trọng yếu nhưng chỉ có thể bảo đảm việc không mất đất mà không thể giết địch được, bèn thay đổi chiến sách của Ngụy Diên là phòng thủ bên ngoài, bỏ những cứ điểm ngoài Hán Trung, lui quân trấn thủ Hán, Lạc hai thành mà thôi. Lấy phương châm giấu kín tinh lực, dẫn dụ địch vào sâu trong nội địa, còn cho rằng đây chính là thuật “diệt địch tận gốc”
Hầu như tất cả các sử gia đều cho rằng việc Khương Duy điều chỉnh chiến thuật quân sự là một sai lầm nghiêm trọng, là mầm hoa cho việc sau này Hán Trung thất thủ, Thục quốc diệt vong. Quách Doãn Đạo trong “Thục giám” đã nhận xét về điều này cực kỳ chính xác. “Cửa của Thục, chỉ mình Hán Trung. Khương Duy thoái binh đồn trú ở Hán Thọ, mà triệt hết binh ở Hán Trung, thế hiểm tự mình nhổ đi. Về sau, Chung Hội thẳng đường mà tiến tới (...) Hỡi ôi, vì Khương Duy mà Thục mất vậy!"
Từ đó có thể thấy rằng người được tuyển chọn của Gia Cát Lương tài năng thực là kém xa Nguỵ Diên. Nguỵ Diên trấn thủ Hán Trung 15 năm, thế nhưng Hán Trung vẫn vững như bàn thạch, không để một binh một tốt nào của địch xâm nhập. Người tiếp nhận là Vương Bình hoàn toàn làm theo những phương lược đã được sắp đặt từ trước của Nguỵ Diên, cũng là lấy ít thắng nhiều, đánh bại được Tào Sảng khi mang tới hơn mười vạn quân. Khương Duy nhanh chóng thay đổi quyết sách và bộ hạ của Nguỵ Diên, trực tiếp dẫn tới sự diệt vong của Thục Hán. Tài của Nguỵ và Khương ai hơn ai kém thực chỉ cần nhìn qua cũng đủ thấy! Càng thêm thấy rằng việc biết người và dùng người của Lưu Bị thực là cao hơn Gia Cát Lượng rất nhiều.
Nguỵ Diên dũng lược hơn người, tung hoành chốn sa trường, tới đâu là địch tan tác tới đó, có thể xưng là thiện chiến vô địch. Phía Tào Nguỵ, trừ Tư Mã Ý ra thì không có ai là đối thủ với Nguỵ Diên. Thục Hán Kiến Hưng năm thứ 8 (Công nguyên năm 230) Nguỵ Diên xuất binh “Tây vào Khương Trung, Nguỵ Hậu tướng quân Phí Dao, Ung Châu thích sử Quách Hoài cùng đánh nhau ở Dương Khê, Diên đại phá quân của Hoài” ( Tam Quốc chí quyển 40 “Nguỵ Diên truyện”). Lần chiến dịch này, tuy không có Gia Cát Lượng chỉ huy, chỉ có mình Nguỵ Diên đơn độc lĩnh quân tác chiến. Đối thủ của Nguỵ Diên là Quách Hoài, một trọng tướng ở Quan Tây trong chính quyền Tào Nguỵ được xưng là “Tinh tường vạn sách”. Quách Hoài từng đánh bại Mã Tốc “Đập tan Liêu Hoá, bắt giữ Cú An” ( Tam Quốc chí quyển 26 Quách Hoài truyện).. . Cho dù có là Gia Cát Lượng cũng phải nể sợ vài phần, nhưng Nguỵ Diên một tay cũng có thể đại phá được quân của Hoài.
Ngoài ra, trong vài lần Bắc phạt của Gia Cát Lượng, Nguỵ Diên cũng lập được không ít những chiến công hiển hách (Tam Quốc chí Gia Cát Lượng truyện) . “Hán Tấn Xuân Thu” có chép: “Tuyên vương (chỉ Tư Mã Ý) trên đương Án Trung gặp Lượng, Lượng sai Nguỵ Diên, Cao Tường, Ngô Ban chống cự, phá tan địch, lấy được giáp hơn 3000 bộ, khôi đen hơn 5000, cung giáp hơn 3100 cây” trong sử có nói Tư Mã Ý sợ Thục hơn sợ cọp, cái chữ Thục này e rằng không chỉ đơn thuần là Gia Cát Lượng mà có thể còn có cả Nguỵ Diên nữa.
Nếu lấy việc trị quân mà luận thì Nguỵ Diên cũng đối đãi rất tốt với quân sĩ, trong khi Trương Dực Đức chuyên lạm dụng hình phạt, không thể so với Diên được. Về việc này, Diên giống với Quan Vũ hơn nhiều (T am Quốc chí quyển 36 - Trương Phi truyện) . Từ đó có thể thấy Nguỵ Diên thống lĩnh đại quân, giết địch chém tướng, trị quân có sách lược hơn người, không thua kém gì Quan Vũ, Trương Phi, những đại tướng hàng đầu của Thục Hán.
Gia Cát Lượng lần đầu Bắc phạt, Nguỵ Diên đề xuất chủ kiến đi từ Tí Ngọ Cốc bất ngờ đánh úp Trường An: “Nghe Hạ Hầu Mậu chưa từng xuất trận. Thừa tướng hãy cho tôi năm nghìn tinh binh tới Bao Tượng, theo đường Tí Ngọ Cốc mà qua phía Bắc, rồi tới Trường An. Nghe tin tôi tới nhanh, ắt Mậu sẽ lên thuyền mà bỏ chạy. Khi đó, tôi từ phương Đông Bắc tới, còn Thừa tướng theo đường Tà Cốc kéo tới từ Hàm Dương thẳng qua phía Tây thì chỉ một trận là xong hết. Khổng Minh cười: “Kế tuy hay song rất nguy, chẳng thà đi đường lớn, có thể lấy được lấy được Lũng Hữu, ấy mới là kế sách vạn toàn” (Tam Quốc chí quyển 40 Nguỵ Diên truyện dẫn chú - Nguỵ lược) và không nghe theo ý kiến của Nguỵ Diên.
Việc tranh luận giữa chiến lược Bắc phạt của Gia Cát Lượng với Nguỵ Diên làm cho rất nhiều sử gia đời sau nảy sinh hứng thú, và tranh luận không ít. Một số học giả cho rằng, Nguỵ Diên hiến kế chính mình xuất lĩnh năm nghìn tinh binh từ Bao Tượng, Tí Ngọ Cốc mà đánh về Trường An, Gia Cát Lượng xuất lĩnh đại quân ra Tà Cốc, cùng gặp nhau tại Trường An, thực là “kỳ mưu”. Như thế từ Hàm Dương thẳng qua phía tây chỉ một trận là xong hết.
Giá như Gia Cát Lượng dùng kế đó rất có khả năng cuộc Bắc phạt đã thành công, chỉ tiếc rằng Gia Cát Lượng cẩn thận tới mức gần như nhát gan. Một số sử gia khác thì ủng hộ mưu lược của Gia Cát Lượng cho rằng “Chẳng thà đi bằng đường lớn, có thể lấy được Lũng Hữu”, cho là Tí Ngọ Cốc tuy là đường tắt, nhưng khả năng thành công là cực nhỏ. Lý do phản đối gồm có bốn điều: Một là, Tí Ngọ Cốc đường xá hiểm trở, tính rủi ro là cực lớn, nếu như quân Nguỵ chặn giữ được cốc khẩu. Nhẹ tất mất công mà không được việc, nặng tất toàn quân bị diệt. Hai là, Hạ Hầu Mậu chưa chắc đã rời thành chạy trốn, Ba là, cho dù có tấn công được Trường An chưa chắc đã giữ được, Bốn là, nếu như thất bại thì lại là một tổn thất lớn cho binh lực của Thục quân (vốn đã không đủ).
Rốt cuộc bốn điểm nghi vấn ở trên có đủ sức để đứng vững hay không? Tôi cho rằng kể cả từ góc độ chiến lược chiến tranh lâu dài giữa Thục và Nguỵ, hay là từ bản thân chiến dịch này mà xem xét, thì đều không thể đứng vững được.
Đầu tiên, đường Tí Ngọ tuy hiểm trở khó đi, nhưng thực tế rất ít người đi kiểm tra thực địa đó. Cho dù có đi kiểm tra thực địa cũng không thể bảo đảm rằng con đường đó ngày nay giống với đường thời Tam Quốc được. Nguỵ Diên dù sao đi chăng nữa vẫn là một vị đại tướng, một thời gian dài đã trấn thủ ở Hán Trung, đối với một dải Hán Trung tất nhiên phải rất rõ, cho nên phán đoán của Nguỵ Diên tất nhiên sẽ là chính xác. Đối với việc quân Nguỵ có đặt sẵn phục binh hay không, chúng ta cũng có thể xem xét một số sử liệu trong Tam Quốc chí . Tam quốc chí Gia Cát Lượng truyện viết : “Ban đầu, quốc gia (ở đây chỉ Tào Nguỵ) cho rằng trong Thục chỉ có Lưu Bị, Bị nay đã chết, ắt vài năm không có tiếng, nên không hề có dự phòng, nay nghe Lượng xuất binh, triều đình đều lo lắng”. Điều này có thể nói lên rất rõ rằng, lần Bắc phạt đầu tiên của Gia Cát Lượng này có đầy đủ tính bất ngờ và cả sự bí mật, Nguỵ quốc về mặt quân sự, vật lực, thậm chí đến cả tinh thần để chuẩn bị cũng đều không có, làm sao có thể đặt phục binh ở một nơi hoang sơn dã địa không người qua lại như thế?
Điểm thứ hai: Hạ Hầu Mậu chưa chắc đã bỏ thành mà chạy đi. Đây lại cũng là một điểm phỏng đoán không hợp tình lý. Hạ Hầu Mậu là hạng người như thế nào? Tam Quốc chí - Hạ Hầu Đôn truyện chú dẫn Nguỵ Lược chép rất rõ: Người này là con trai của danh tướng nước Nguỵ là Hạ Hầu Đôn, Tào Tháo đem con gái là Thanh Hà công chúa gả cho. “Văn đế từ nhỏ cùng với Mậu thân thiết, khi kế vị liền phong làm An Tây tướng quân, Trì tiết, Đô đốc Quan Trung. Mậu vốn không có vũ lược, Khi ở Tây, thường nuôi ca kỹ, nạp thiếp, công chúa từ đó mà không hợp với Mậu”. Có thể thấy Hạ Hầu Mậu chỉ biết nuôi kỹ nữ và nạp thiếp, thu thập tiền tài. Mượn cái váy là con rể mà làm được tới chức Đô đốc Quan Trung, hoàn toàn là loại điển hình cho những kẻ ăn bám, vô năng. Nguỵ Diên biết rõ điều này, cho nên mới khẳng định: “Mậu nghe Diên tới, ắt lên thuyền mà bỏ chạy”, điều này là hoàn toàn có lý.
Điểm thứ ba là Thục quân “Cho dù có công được Trường An, chưa chắc đã giữ được”. Đây là vấn đề đáng quan tâm nhất. Tôi cho rằng Hạ Hầu Mậu ham sống sợ chết, vốn không biết dụng binh, bằng khả năng lão luyện của Nguỵ Diên, biết địch biết ta, có thể nói là đã nắm chắc phần thắng trong tay. Huống hồ Gia Cát Lượng lần đầu tiên Bắc phạt, mang theo hơn mười vạn đại quan, binh lực “nhiều hơn giặc (chỉ quân Nguỵ). Tam Quốc chí quyển 35 Gia Cát Lượng truyện, chú dẫn Hán Tấn xuân thu. Viên tử viết: ...Khi đó Triệu Vân, Ngô Nhất, Mã Đại, các danh tướng vẫn còn, rợ Hồ, Khương ở Quan Tây đều đã được chiêu phục trở thành một cánh tay hỗ trợ. Gia Cát Lượng, Nguỵ Diên thay nhau xuất lĩnh chủ lực quân hội sư ở Đồng Quan. Sau đó Nguỵ Diên cùng phối hợp với Gia Cát Lượng chiếm lấy Lũng Hữu, như thế tám trăm dặm Tần Xuyên, Hàm Dương về phía tây đích thực là chỉ cần một trận mà định được.
Kỳ thực mưu lược của Nguỵ Diên cũng đã có người từng làm rồi. Trong chiến tranh Sở Hán, Hàn Tín làm đại tướng quân “Minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương” sau đó chủ lực đánh về Đồng Quan, tách quân vượt Lũng sơn, từ Hán Trung hướng tới Kỳ sơn phối hợp tạo thành thế gọng kìm mà tấn công Lũng Hữu. Cao Tổ (Lưu Bang) còn định được Tam Tần, một lần mà định được Quan Trung. Hàn Tín dụng binh tuy mới nhìn tưởng là nguy hiểm nhưng thực chất là diệu kế vô cùng. Kế của Nguỵ Diên vốn biến hoá từ kế sách mà Hàn Tín định Hán Trung, nhưng thế dũng mãnh thì hơn hẳn Hoài Âm Hầu (Hàn Tín). Tướng giỏi mưu lược như thế mà Gia Cát Lượng không dùng, trái lời di mệnh của tiên chủ mà dùng kẻ bất tài như Mã Tốc, thực đáng làm cho người ta phải tiếc nuối!
Còn điểm thứ tư: “Nếu như thất bại thì lại là một tổn thất lớn cho binh lực của Thục quân (vốn đã không đủ)". Đây quả thực là một lý do hoang đường vô cùng. Thử hỏi xưa nay, làm gì có ai dùng binh mà không hề không mang tính mạo hiểm đây? Viên, Tào quyết chiến ở Quan Độ, Tào Tháo không thèm chú ý tới đại doanh của mình, dẫn khinh kị hoả thiêu kho lương ở Ô Sào. Hoàn toàn là đặt vào chỗ chết mà sống vậy. Đặng Ngải vượt qua Âm Bình, so với kế hoạch của Nguỵ Diên còn nguy hiểm hơn gấp trăm lần. Kết quả cuối cùng cũng thắng lợi, lại còn chỉ một lần mà tiêu diệt được chính quyền Thục Hán, càng quan trọng hơn khi đó Thục Hán thế lại đang yếu, về quân lực hay tiền tài đều không thể nào bằng được Tào Nguỵ, Lấy Thục yếu mà đi đánh dài lâu với Nguỵ, sử dụng chiến lược tiêu hao chiến, trận địa chiến hoàn toàn không phải là thượng sách. Gia Cát Lượng lần thứ nhất Bắc phạt nên đánh địch ở chỗ không phòng bị, xuất kỳ chế thắng, một lần mà công hạ Trường An. Lấy ít mà địch nhiều chẳng xuất kỳ chế thắng lại còn định dựa vào việc thận trọng mà đánh địch thì từ xưa tới nay chắc không có một tiền lệ nào.
Kỳ thực, mưu lược quan trọng ở chỗ kỳ chính tương hợp với nhau, Gia Cát Lượng dụng binh chỉ thấy chính mà không thấy kỳ. Gia Cát Lượng cho rằng “Nên từ đường lớn” “thẳng lấy Lũng Hữu” thực ra đó chỉ là việc thận trọng để đánh chiếm. Nhưng việc thận trọng này của Gia Cát Lượng cũng là tự mình đánh mất thời cơ chiến lược để thắng địch, hình thành thế Thục yếu đánh với Nguỵ mạnh ở Lũng Hữu sóng đôi mà đánh trận, là trúng phải mẹo của Nguỵ.
Việc “thẳng lấy Lũng Hữu” tức là việc bỏ yết hầu mà đánh vào chỗ không hề đau nhức gì. Nếu như một lần không thắng nổi ắt sẽ đánh cỏ động rắn. Đợi tới lần thứ hai Gia Cát Lượng Bắc phạt thì quân Tào Nguỵ đã sai trọng binh trấn thủ ở Trần Thương, Quan Trung rồi. Quan Trung tuyệt đối không thể lấy được nữa, mưu kế của Nguỵ Diên cũng coi như là tiêu tan.
Điều này chẳng trách được Nguỵ Diên “thường cho Lượng là hèn nhát, hận tài của mình không được dùng hết” Tam quốc chí quyển 40 Nguỵ Diên truyện … Tôi mỗi lần đọc tới đây, không tránh khỏi gấp sách lại mà cảm khái. Tôi cho rằng việc nói “sách lược của Nguỵ Diên tuy là mạo hiểm, một khi gặp bất lợi, quân Thục sẽ gặp tổn thấy lớn,chỉ sợ hơn 10 vạn quân Thục đều rơi vào đất chết”…. ( Trần Ngọc Bình “Luận tướng lược của Gia Cát Lượng” theo Học báo của Đại học sư phạm Quý Châu) 1992 . Đó hoàn toàn là việc quái ngôn đàm luận mà không hiểu gì tới binh lược. Cho dù Nguỵ Diên có bị trúng mai phục ở Tí Ngọ cốc đi chăng nữa tổn thất cũng chẳng qua chỉ có vài ngàn người mà thôi, thế mà Khổng Minh tấn công Kỳ Sơn, mất Nhai Đình, đại bại dưới tay Trương Hợp, thử hỏi xem người chết liệu có dưới vạn người không đây?
Nguỵ Diên tài kiêm văn võ, dũng mãnh hơn người. Sau khi Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu mất đi. Nguỵ Diên là một viên đại tướng siêu quần tuyệt luân trong đám tướng lĩnh của Thục quân. Khi Gia Cát Lượng Bắc phạt “Thục binh lương tướng tinh nhuệ ít” Tam Quốc chí quyển 35 Gia Cát Lượng truyện. chú dẫn Hán Tấn xuân thu, “Viên Tử” …. Thế mà đối với một vị tướng tài như Nguỵ Diên, Gia Cát Lượng từ đầu tới cuối đều không chịu giao cho trọng trách. “Diên mỗi lần cùng Lượng xuất quân, đều xin cho binh vạn người, cùng với Lượng đi khác đường mà gặp nhau ở Đồng Quan, như việc của Hàn Tín, Lượng đều không chịu” Tam Quốc chí quyển 40 Nguỵ Diên truyện . Kỳ thực đối với tài năng quân sự của Nguỵ Diên Gia Cát Lượng không phải là không hay, nhưng tại sao lại không tận dụng kỳ tài như thế ? Những nguyên nhân sâu xa trong đó thật đáng để quan tâm. Gia Cát Lượng từ khi rời khỏi Long Trung tới giờ có thể coi là thuận buồm xuôi gió, từ một kẻ “chỉ mong bảo toàn tính mạng thời loạn, không cầu vang tiếng nơi chư hầu” . Một bước nhảy vọt lên nắm được chức Thừa tướng thống lĩnh đại quyền của Thục quân.
Khi Lưu Bị “Nếu đứa con này có thể phù, thì phù, nếu như bất tài, quân hãy thay nó” Tam quốc chí quyển 35 Gia Cát Lượng truyện . Trước lời hứa này với Lưu Bị. Gia Cát Lượng chỉ còn cách đế vị trong gang tấc. Gia Cát Lượng nếu muốn lên ngôi, tấy phải lập được quyền uy và lòng tin vô cùng cao ở trong triều đình Thục Hán, mà nếu muốn đạt được mục đích đó trước hết phải kiến lập được công lao hiểu hách. Nếu như việc Bắc phạt thành công, Gia Cát Lượng công cao cái thế không ai có thể sánh bằng, cũng không ai có đủ khả năng để ngăn cản việc thay nhà Hán mà xưng đế. Việc Bắc phạt chính là vốn liếng để cho Gia Cát Lượng có thể đăng cơ, nên việc chỉ huy quân Bắc phạt nhất định phải nắm chắc ở trong tay của mình. Nguỵ Diên nếu lập được chiến công thì nhất định phải nằm dưới quyền chỉ huy của mình, phải là kết quả của sự thần cơ diệu toán của Gia Cát Lượng. Nhưng Nguỵ Diên tính kiêu căng lại muốn “noi gương Hàn Tín”: một mình thống lĩnh quân đội, một mình một hướng, điều này trong mắt của Gia Cát Lượng xem ra đó chính là việc thoát khỏi sự “lãnh đạo” của mình. Cùng tranh đoạt công lao Bắc phạt. Điều đó đương nhiên không được sự đồng ý của Gia Cát Lượng rồi Trần Thọ đối với Gia Cát Lượng rất sùng bái, đánh giá về Gia Cát Lượng cực cao. Nhưng lại nói tới chuyện Gia Cát Lượng Bắc phạt chưa giành được thắng là “Các tướng thời nay, không có ai như Thành Phụ,(tướng tài của nước Tề thời Xuân Thu) Hàn Tín, cho nên công nghiệp suy bại, đại nghĩa chẳng tới nơi vậy!” Đối với lời nói này của Trần Thọ tôi không dám tán đồng. Mọi người đều nói Tiêu Hà phù tá Lưu Bang mà thành được nghiệp đế, là nhờ có Hàn Tín làm tướng. Nhưng Hàn Tín vốn chỉ là một kẻ tầm thường bên phía Hạng Vũ, chẳng qua chỉ là chức Chấp kích lang trung, Bởi Tiêu Hà có tuệ nhãn hiểu thấu được anh tài, tiến cử với Lưu Bang, mới làm cho Hàn Tín được đăng đàn bái tướng, có cơ hội thi triển tài năng của mình trên vũ đài chính trị. Tài năng quân sự của Nguỵ Diên hoàn toàn không kém gì Hàn Tín cả, Lưu Bị cũng là một vị đế vương vô cùng giỏi dùng người, tuyển chọn Nguỵ Diên làm Hán Trung đô đốc, giao cho trọng trách, thực có ý muốn bồi dưỡng Nguỵ Diên thành một đại tướng quân, nhưng Gia Cát Lượng đối với Nguỵ Diên lúc nào cũng có ý cản trở, không dùng vào việc lớn.
“Kiến Hưng năm thứ sáu Lượng xuất quân ra Kỳ Sơn, có danh tướng như Nguỵ Diên, Ngô Nhất. Chúng luận đều cho rằng ắt sẽ làm tiên phong. Nhưng Lượng lại đề bạt Mã Tốc thống lĩnh đại quân phía trước, đánh nhau với Trương Hợp ở Nhai Đình, bị Hợp đánh tan, Sĩ tốt li tán Lượng tiến lên không có đường đành lui về Hán Trung Tam Quốc chí quyển 39 Mã Lương phụ đệ Tốc truyện . Có thể thấy Thục Hán hoàn toàn không phải không có tướng tài, thậm chí cũng không ít tướng có tài quân sự như Hàn Tín, thế nhưng Gia Cát Lượng không thích hạng người như Nguỵ Diên, từ đầu tới cuối thường nghi ngờ mà không sử dụng. đây cũng chính là Gia Cát Lượng tự đánh mất cái lòng độ lượng lớn của một nhà chính trị. Với lòng dạ hẹp hòi như thế liệu sự nghiệp Bắc phạt của Gia Cát Lượng có thể thành công được hay không ? Cho nên lời của Trần Thọ là “thời nay không có danh tướng như Hàn Tín…” là lời nói hoang đường mà thôi .
2.-Án oan thiên cổ _ Cái chết của Ngụy Diên
Tam Quốc chí Ngụy Diên truyện có chép năm Kiến Hưng thứ 12 “Mùa thu, Lượng mắc bệnh, bí mật cùng với trưởng sử Dương Nghi, Tư Mã Phí Vĩ, Hộ quân Khương Duy bàn việc lui quân sau hậu sự , sai Ngụy Diên đi đoạn hâu, tiếp tới Khương Duy, nếu Diên có ý không vâng mệnh thì tùy nghi mà xử lý”. Đây là lần hội nghị quân sự cấp cao cuối cùng trước khi Gia Cát Lượng lâm chung, nhưng hội nghị này chính đã dẫn đến một hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Trước tiên là việc chủ soái bị bệnh nguy kịch, vì sợ lòng quân dao động, chỉ cùng với một số người thương lượng việc hậu sự. Điều này có thể hiểu được, Nhưng với số ít người này nên bao gồm những thân tín của mình, càng nên có cả những tướng lĩnh cấp cao trong quân đội. Ngụy Diên khi đó làm Tiền quân sư, Chinh Tây đại tướng quân, Giả tiết, lĩnh chức Hán Trung thái thú, Nam Trịnh hầu. Gia Cát Lượng là Thừa tướng, thượng thư giả tiết, lĩnh chức Tư lệ hiệu úy, Ích Châu mục, Vũ hương hầu. Hai người cùng đều giữ chức giả tiết, còn phong hầu. Có thể thấy chức vụ của Ngụy Diên trong triều đình nhà Hán hoàn toàn không hề thua kém gì Gia Cát Lượng. Mà Dương Nghi khi đó chỉ giữ chức trưởng sử trong phủ thừa tướng, Phí Vĩ giữ chức Thừa tướng tư mã, Khương Duy giữ chức Trung giám quân Chinh Tây tướng quân. Nếu lấy chức quan mà luận, thì quan vị của Dương, Phí, Khương ba người hoàn toàn chẳng thể so sánh được với Ngụy Diên. Thế mà Gia Cát Lượng mở một hội nghị quân sự cấp cao như thế lại loại bỏ Ngụy Diện ở ngoài. Đây chẳng phải là một sự cố ý sao ?
Thứ hai. Gia Cát Lượng tuy “bàn việc lui quân sau hậu sự”, nhưng cũng không hề sắp xếp ai sẽ là chủ soái của toàn quân. Chỉ sai “Ngụy Diên đoạn hậu” “tiếp tới Khương Duy”. Dương Nghi giữ chức gì đây ? Không biết. Trên thực tế Dương Nghi hoàn toàn không được sự giao nhiệm vụ chính thức của Gia Cát Lượng hay chính quyền Thục Hán. Dương Nghi thống lĩnh toàn quân danh bất chính, ngôn bất thuận. Đây cũng chính là mầm họa của việc tranh chấp nội bộ giữa Ngụy và Dương.
Thứ 3 mật lệnh của Gia Cát Lượng là “Nếu Diên có ý không vâng mệnh thì tùy nghi mà xử lý”. Điều này như đã định việc Ngụy Diên nhất định sẽ làm phản. Việc vì sao Gia Cát Lượng lại sắp xếp như thế, trong sử hoàn toàn không hề có chép.
Theo ý tôi, nguyên nhân có 3 điều. Thứ nhất, Gia Cát Lượng một đời dùng binh quá ư cẩn thận, nguyên nhân chính là thiếu kinh nghiệm thực chiến, như Trần Thọ từng đánh giá “Sở trường trị nhung, sở đoản ở kỳ mưu, có tài trị dân, kém dùng sách lược”. Tam quốc chí quyển 35 - Gia Cát Lượng truyện….viết: Ngụy Diên dùng binh luôn lấy chủ trương là xuất kỳ chiến thắng, đây là điểm cố kỵ lớn nhất của Gia Cát Lượng, nếu như quyền chỉ huy quân sự được giao cho Ngụy Diên, ắt hẳn Ngụy Diên sẽ làm thay đổi hoàn toàn chiến lược quân sự đã được định sẵn của mình, việc làm theo ý mình để tiến hành tác chiến, là điều mà Gia Cát Lượng hoàn toàn không chấp nhận được.
Thứ hai, Gia Cát Lượng tuyển chọn quan lại, sử dụng nhân tài thường lấy việc “Phụng chức, theo lý” làm tiêu chuẩn, điều này có thể thấy được qua Tiền xuất sư biểu. Những người được Gia Cát Lượng xưng tụng hay tiến cử và trọng dụng như Quách Du Chi, Phí Vĩ, Đỗng Doãn, Tưởng Uyển, Khương Duy, Hướng Sủng… không một ai không phải là người làm việc theo quy củ, phù hợp với chức vụ . Ngụy Diên lại là một vị đại tướng thường làm theo những kiến giải của mình, “Tính cao ngạo” “Không a dua trên”, lại còn lấy Hàn Tín để tự ví với mình, cho rằng Gia Cát Lượng là kẻ nhát gan, thường tự than rằng mình là kẻ có tài mà không gặp được thời cơ. Sau khi Lưu Bị chết, Gia Cát Lượng nắm giữ đại quyền trong triều “Chính sự không kể lớn nhỏ, đều do Lượng quyết” … Đến như Hậu chủ Lưu Thiền còn nói rằng “Chính sự do Gia Cát thị, việc tế kị thì do quả nhân” Tam Quốc Chí Quyển 33 – Hậu chủ truyện, chú dẫn : Ngụy Diên thường không theo Gia Cát Lượng nên đương nhiên dẫn tới việc đố kỵ của Gia Cát.
Thứ ba, Gia Cát Lượng loại bỏ Ngụy Diên còn phần vì những người của mình như Tưởng Uyển, Phí Vĩ, Khương Duy. Tam quốc chí – Tưởng Uyển truyện chép “Lượng mỗi lần nói “Công Viêm (tên tự của Tưởng Uyển) một lòng trung lương, là người cùng ta trợ giúp vương nghiệp vậy”. Lượng còn mật biểu cho hậu chủ rằng “Nếu thần bất hạnh, việc sau nên giao cho Uyển”. Trước khi Gia Cát Lượng lâm chung, Hậu chủ sai thượng thư bộc xạ Lý Phúc tới hỏi Gia Cát Lượng “Nếu công trăm năm rồi, ai là người có thể gánh được việc lớn ?” Gia Cát Lượng đáp “Sau Tưởng Uyển, Văn Vĩ (tên tự của Phí Vĩ) có thể kế tiếp” Tam quốc chí quyển 45 Dương Hý truyện, chú dẫn “Ích Châu kỳ cựu tạp ký” .
Nguồn Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét