Trích từ chuyên mục
Người
xưa cảnh tỉnh
đã in trên Thể
thao và văn hóa 2005-2007
Các đầu đề nhỏ và chú thích là của người biên soạn
Không ai hết
lòng với ai
Tôi xem trong xứ ta tính người
đổi nhiều lắm, tục tốt ít ưa, tục quấy hay thích. Tục tốt là thương yêu nhau,
thấy ai mạnh thì vui, thấy ai khổ thì thương. Còn quấy là ganh hiền ghét nhỏ,
dèm phải đua quấy (1), thấy ai giỏi hơn, giàu hơn sang hơn thì không ưa, thấy
ai dở hơn, nghèo hơn, hèn hơn mình thì khinh bạc chê bai; những điều quấy như
vậy xem ra tiệm (2) đủ gần hết.
Coi ra cho kỹ thì ai lo phận
nấy, ai chẳng cần ai, sang với nghèo đãi nhau không hậu tình.
Tệ nạn mỗi ngày mỗi thêm, làm
sao cho khỏi bị người các nước khác khinh khi. Cũng bởi vì mình ở với nhau còn
không phải không tốt thay, hà huống gì với nước khác, bảo người vì mình sao
đặng?
(1) đua quấy là hùa
theo điều xấu
(2) tạm
Lương Dũ Thúc
Nông
cổ mín đàm 1901
Tham lợi dẫn đến vô cảm
Chứng
bệnh [tham lam]ấy, người các nước tuy có ít nhiều, nhưng người nước ta 25 triệu
ai nấy cũng có.
Tục ngữ có câu: “Cơm ai đầy nồi nấy”, lại
có câu “thử thân bất độ, độ hà thân” (1), lại có câu rằng “Con vua vua dấu con
chấu chấu yêu”.
Đọc
bấy nhiêu lời thì biết rằng trong ruột người nước ta viết dọc viết ngang, vạch
xuôi vạch ngược chỉ có một chữ tham; mà ở trong chữ tham chỉ có vài nét lợi
riêng là vừa hết bút mực.
(1) thân
này không cứu vớt thì cứu vớt thân nào?
Phan
Bội Châu
Việt Nam quốc sử khảo,
1908
Không biết hợp quần
Người ngoại quốc coi thường dân ta, họ nói
rằng “không có nổi một đoàn một nhóm nào từ ba người trở lên “; câu nói đó
thoạt mới nghe tưởng là quá đáng, nhưng xét cho đến tình hình xã hội tinh thần
dân chúng thì thấy tan tan tác tác, rạc rạc rời rời, ghét nhau, ngờ nhau, ai lo
thân nấy, bảo rằng không có nổi một đoàn một nhóm ba người thật bụng với nhau,
thật cũng chẳng oan.
Phan
Bội Châu
Cao đẳng quốc dân, 1928
Ích kỷ và khôn vặt
Cái tật ích kỷ vốn là một thứ hay lây.
Trông thấy những vườn hoa cây cảnh ở sân nhà trường hay ở nơi đền chùa, hoặc
cạnh đường đi lối lại, đã không biết giữ gìn để làm một cái cảnh vườn chung
thì chớ, nhiều người lại còn đang tay bẻ tàn bẻ hại, để đem về nhà mà chơi
thích chí lấy một mình.
Cái chứng ích kỷ đã mọc ra, đến lúc lớn lên
thành ra một người đi đến đâu phá huỷ đến đấy.
Cũng vì lẽ đó mà dân An Nam không mấy khi
có được cảnh vui chung (1), ai có muốn chơi cảnh thì lại phải xây một vài cái
bể cạn hay là bầy mươi lăm cái chậu con để làm một khu vui riêng mà không
chung chạ với ai cả.
Dần dần nảy ra một cái tư tưởng đáng cười,
đáng khinh, đáng ghét, đáng sợ là hai chữ ích kỷ, mà một câu “ăn cỗ đi trước
lội nước đi sau “đủ vẽ hết được ruột gan.
(1) tức
là không có các loại công viên hoặc khu giải trí công cộng
Nguyễn Đỗ Mục
Đông dương
tạp chí, 1914
Chỉ biết
cạnh tranh trong những việc tầm thường, lặt vặt
Cạnh
tranh là một cái tính phổ thông của nhân loại, những bậc danh nhân kiệt sĩ đua
tài chọi sức, chẳng là vì cái danh thực mà cạnh tranh đấy ư? Những bậc phú hào
bên các nước Âu Mỹ làm nên cho dân được thịnh nước được giàu, chẳng là vì một
cái lợi to mà cạnh tranh đấy ư?
Nay
hỏi đến cách cạnh tranh của người mình thế nào?
Đi học thì cạnh tranh nhau nhau cầu được học
bổng nhiều, mà trí thức rộng hẹp phẩm hạnh thấp cao lại không hề cạnh tranh
đến.
Làm
quan thì cạnh tranh nhau cầu cho được tiền nhiều chức lớn, mà đạo đức tốt xấu,
chính tích (1) hay hèn lại không hề cạnh tranh đến.
Ở trong
làng thì cạnh tranh nhau chỗ ăn chỗ ngồi, ngôi trên ngôi dưới, ngoài cái đó
không hề so sánh hơn thua, ai thiện ai ác, ai hiền ai ngu (2).
Ra
ngoài đường thì cạnh tranh nhau kẻ khó người giàu, manh quần tấm áo, ngoài cái
đó không hề phân biệt ông hay là thằng, bà hay là con nữa.
Làm ruộng thì cạnh tranh nhau tấc ruộng thước
vườn, mẩu bờ tí nước, mà đến những đồng bãi mênh mông, kể hàng ngàn hàng muôn
mẫu thì có ai nhìn.
Buôn
bán thì cạnh tranh nhau luồn lỏi mua cho được, mánh khóe bán cho trôi, mà đến
những đại tôn giao dịch (3) kể trăm thứ ngàn thứ hàng thì có ai biết.
Làm thợ thì cạnh tranh nhau bán rẻ phá giá làm
điêu (4), đỡ công mà chưa từng có được một cái đoàn thể đồng nghiệp cho hẳn
hoi, để khoáng trương (5) lợi ích.
Ấy
sự cạnh tranh của người mình toàn có một cái mục đích nhỏ nhen hèn hạ như thế
cả. Thế mà cạnh tranh hăng hái dữ tợn cũng chẳng khác gì người các nước họ cạnh
tranh vì cái danh thực, cái lợi to.
(1)
việc làm của các quan chức trong khi thi hành
công vụ, kẻ hay người dở.
(2)
hiền ở đây có nghĩa người khôn ngoan có đức hạnh
chứ không phải là hiền lành, dễ dãi; và ngu có nghĩa ngược lại
(3)
nguyên nghĩa đại tôn là dòng họ lớn, đây chỉ
những người có vai vế và nổi tiếng trong nghề.
(4)
gian dối, man trá.
(5)
tương tự như khuếch trương.
Dương Bá Trạc
Tiếng
gọi đàn, 1925
Vừa không thiết chuyện gì, vừa xét nét
nhỏ nhặt
Người nước ta, đối đãi với nhau một cách
nghiêm khắc, trách bị nhau những chuyện nhỏ nhặt. Ngoài sự hư danh, mối tiểu
lợi, nhất thiết hoài nghi cả, không thiết chuyện gì; phàm những sự nghiệp lớn
lao, những chủ nghĩa cao thượng cho là viển vông, không biết đem lòng ham
chuộng, không biết dốc chí theo đuổi.
Tật thứ nhất của dân mình là hay xét nét. Bới lông tìm vết, người nọ
dùng trí khôn để dò xét người kia. Xã hội như cái sa - lông, đông khách ngồi,
nhưng cứ rụt rè mà nhìn nhau, ngoài những lời thăm hỏi vẩn vơ những câu hàn
huyên vô vị, không gây nên được câu chuyện đượm đà hứng thú.
Phạm Quỳnh
Hoàn
cảnh, Nam phong, 1924
Lợi dụng đạo nghĩa kiếm lợi
Theo tâm lý người mình thì ai ai cũng hiểu
rằng lợi là đáng khinh mà nghĩa là đáng trọng. Nhưng xem chừng như ít người đem
cái luật ấy ghép vào cho mình, mà lại đem ghép cho người khác ở chung quanh
mình.
Suy cái bụng họ ra, ý chừng họ muốn ai ai
cũng “uống nước trong làm việc” thì
họ mới ưng; ai ai cũng “ăn cơm nhà mà đi đánh giặc” thì họ mới cho là quân tử.
Các ông nhà buôn tinh ranh cũng chực lợi
dụng cái đạo lý ấy (tâm lý “trọng nghĩa khinh tài” --- VTN chú) để lấy lợi.
Các ông ấy đưa ra những hàng xấu ra mà hô
lên rằng: “Của nội hóa đây. Các ngài phải có nghĩa vụ mua hàng nội hóa hầu để
khuyến khích công nghệ nước nhà “.
Rồi
họ thừa dịp đó bán mắc muốn gấp hai hàng ngoại hóa.
Phan Khôi
Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở
nước ta, Thần chung, 1929
Danh
dự bị hiểu sai lạc và mang ra mua bán
Xã hội ta xưa nay coi mọi người ai cũng
như ai, bé thuộc quyền bố mẹ, lớn thuộc quyền vua quan; từ thuở nhỏ đến tuổi
già, xã hội đã chỉ sẵn cái đường lối nhất định cho mà theo, theo được đúng thời
xã hội đãi cho phẩm vị cho lợi quyền, và coi đó là danh dự. Thuận theo xã hội
ắt sẽ có danh giá. Được xã hội khen thời lương tâm có chê cũng vẫn là có danh
dự. Nhưng mà những cái ấy người ta có thể mua được cả. Danh dự đã là một thứ có
thể bán buôn thời giá trị không đáng bao nhiêu nữa.
Phạm Quỳnh
Danh dự luận, Nam phong, 1919
Trông nhau
để …yên tâm trục lợi
Xứ ta lâu nay việc giáo dục rất bơ thờ (1).
Những trường học dạy cho biết ba cái chữ
không đủ gọi là giáo dục được. Vì cái cớ không có giáo dục đứng đắn đó
mà người ta không biết trọng danh dự, không biết chuộng khí tiết, không biết
giữ nhân cách mình cho cao; đã vậy thì cái lòng ham danh lợi nổi lên mà cai trị
cả con người chúng ta, tùy nó xui giục đi đâu mình đi đó, ấy là sự mà chúng ta
không thể chối được. Coi kia rất đỗi người (2) học thức lão thành (3) mà còn
không khỏi bị nhử cái mối tài lợi, phương chi là kẻ khác !
Trong xã hội hay có thói ngó mặt nhau. Một
người làm việc xấu, nhiều người khác
thấy mà phân bì: sức như ông ấy đó mà còn làm bậy, huống chi mình – rồi
thì tập nhau mà làm quen chẳng ai lấy làm chướng tai gai mắt hết.
Nghe những người đứng lên nói vầy nói khác chế báng một ông nào đó, ta
tự hỏi nếu đem thay người nói vào cái địa vị ông ấy thì sao? Không dám vội tin
rằng người thế cho ông ấy sẽ hơn được, vì người ấy vẫn thở chung một cái không
khí với đám quần chúng này.
Chúng ta trách một người vì mấy
trăm đồng bạc mà bán mình, song có ai chắc đến lượt mình không bán. Sự dễ thấy
nhất là trong quần chúng An Nam luôn luôn có kẻ bán cái ý kiến của mình, bán
cái quyền lợi của mình .
(1) thiếu khí sắc thiếu sức sống
(2) lắm người
(3) đã tới trình độ thành thục
Phan Khôi
Trung lập, Sài Gòn, 1930
Cách sống
của kẻ cùng đường
Xã hội Việt Nam ngày nay đứng
giữa những tấn kịch, tâm lý phần đông chừng đã mất hẳn thú sinh nhân (1), trong
óc lại nẩy ra cái quái tượng, nhường bước cho ma dẫn lối quỷ đưa đường, mà
chính mình không rõ là người gì, sẽ làm việc gì, nay không biết mai.
Trừ những người có học thức, thì hạng tuổi
trẻ thất học, cùng bọn đã nghèo lại dốt không đường tự cứu và tự ủy (2), thói
thời không chừa sự bi thảm xấu xa gì mà không dám làm, nào cha con chú bác giết
nhau, nào vợ chồng thù ghét nhau. Mà nguy hiểm nhất là những đám lừa đảo trộm
cướp dùng thứ thủ đoạn mới, làm cho dân lương thiện không có chút tự vệ.
(1)
niềm vui sống
(2) tự lo
liệu
Huỳnh Thúc Kháng
Cái hiểm tượng loạn
óc, Tiếng dân 1939
Mưu danh bằng cách
hạ nhục kẻ
khác
Lắm kẻ, chỉ vì hám cái phù danh, đang
tâm lê gót giày lên trên tình bạn hữu, hạ chân lý xuống tận bùn đen. Tưởng mình
như thánh như thần, ngoài ra, nhất là những địch thủ, toàn là đàn chim chưa vỡ
bọng cả.
Chưa đọc hết, có khi không thèm xem qua bài
văn của người khác, họ đã dài mồm chê bai.
Chưa mở lấy một trang sách, chưa rờ đến
một tờ báo của bạn đồng nghiệp, họ đã
yên trí là viết không thành câu, hạ ngay những lời mạt sát thậm tệ.
Trong khi
trò chuyện, chỉ hết sức khoe khoang về mình ; còn những người khác
dù đã lập được biết bao chiến công trên trận bút trường văn, cũng
chỉ đáng một con số không, theo ý
họ.
Hoa Bằng
Vài cái liệt điểm của một số nhà văn ta,
Tri tân, 1942
Chỉ biết
lo thân
Công
tâm (1) là một thứ khó tìm thấy ở mọi người. Nghĩ cho cùng không nên trách dân quê là thiếu công tâm, vì
họ phải sống trong một đời thiếu yên ổn
về mọi phương diện bắt buộc họ phải nghĩ
đến mình trước đã. Vả chăng trước mắt họ nào có ai treo một tấm gương sáng về việc nghĩ đến cái chung ?!
(1) ngày nay có nghĩa ngay thẳng không thiên vị,
nhưng trước đây hiểu là sự lo lắng cho công việc chung
Vũ Văn Hiền
Mấy nhận
xét nhỏ về dân quê Bắc kỳ, Thanh
Nghị, 1944
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét