XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2016

CHÚNG MÌNH CHIA TAY NHÉ

“Chúng mình chia tay nhé?” Chỉ ngần ấy tiếng thôi mà phải mất hai mươi năm chúng ta mới tìm được tiếng nói chung. Hai mươi năm – khoảng thời gian đủ để khiến một người đàn bà đầy rạo rực, đam mê tuổi ba mươi trở nên bình thản, trung dung; chấp nhận cô đơn như một phần tất yếu của số phận. Thời gian chẳng hề nương tay với ai. Tuổi tác, bệnh tật đã lấy mất của anh vẻ hào sảng, tự tin trong từng lời ăn tiếng nói.
“Chúng mình chia tay nhé?” Hình như anh là người đầu tiên ký vào lá đơn đánh bằng chiếc máy chữ cổ lỗ sĩ khi biết em đã lấy trộm con tim mình trao cho người khác. “Kính gửi Tòa án Nhân dân quận…” Em vẫn còn một bản copy với chữ ký của anh. Năm ấy em mới ba mươi ba tuổi.
Em từng coi việc anh không gửi đơn đi (vì không thấy trát của tòa) giống như một ân huệ. Ân huệ ban cho kẻ tử tù được giảm án xuống chung thân. Lúc ấy, điều lo sợ nhất của em không phải là phải ra khỏi nhà anh. Nếu phải đứng trước tòa lựa chọn một trong hai con, em không dám nghĩ mình sẽ phải xa con trai hay con gái. 
Anh chưa từng bao giờ hỏi người đàn ông nào đã biến em thành “con đàn bà trốn Chúa lộn chồng”; cũng như chưa từng bao giờ tự hỏi mình điều gì đã khiến em phải tìm đến nương nhờ một bờ vai khác. Nhưng sự ghẻ lạnh của anh đã nhốt em vào chốn lãnh cung.
Ba mươi bảy tuổi, em tìm được lý do chính đáng để ra khỏi ngôi nhà đã thành chiếc “tủ đông” quanh năm của chúng ta. Ba mẹ con ngủ trên nền gạch hoa của căn hộ cho thuê với giá 600 ngàn một tháng. Trần nhà vệ sinh loang lổ vết ngấm từ bồn cầu tầng trên. Gian bếp chật chội, chưa đầy 2m2 vẫn phải chứa thêm chiếc máy giặt đồ cũ – hình như tài sản “giá trị” nhất em và các con mang theo trong chiếc xe 12 chỗ ngồi – bắt đầu một hành trình mới. Vất vả, nhưng giấc ngủ của em không còn mộng mị. Không còn bị nỗi khao khát giày vò, cũng không còn nỗi ê chề, cay đắng của người đàn bà bị chồng khinh khi, ruồng bỏ.
“Có thể trong em tình yêu đã phôi phai
Nên ký ức chỉ còn toàn những điều cay đắng
Chỉ còn gương mặt anh – lạnh lùng vô cảm
Chẳng thế nào nhớ nổi một nụ hôn”
Các con vẫn tin rằng chúng ta là một gia đình hạnh phúc. Anh vẫn khoác tay em đi trên đường phố. Chúng ta vẫn cùng nhau đi nghỉ ở Đồ Sơn, Cát Bà…Cuối tuần bố vẫn lên Hà Nội thăm ba mẹ con. Chiều thứ bảy, mẹ ở nhà nấu ăn, bố “dzin ba cầu” chở các con đi nhà sách Tiền Phong. Đồng nghiệp của anh xuýt xoa: “Nhà ấy được cả đôi” (mà ông Thiên Lôi không tị hiềm bắt một).
Bốn hai tuổi, khi biết em định mang con sang xứ người, anh bảo: “Nếu cô quyết định đi thì chúng ta sẽ làm đơn ly hôn”. Nếu em ở lại, liệu chúng ta có quay về với nhau không? Lãnh cung ám ảnh.
Vài ba lần anh sang tận nơi thăm. Thấy các con trưởng thành, lớn khôn, anh và bạn bè anh đều bảo, quyết định của chúng ta là sáng suốt. Chúng ta cũng từng nuôi ý định hàn gắn, nhưng không thành. Tình yêu thương anh dành cho các con và gia đình nhỏ của mình không đủ lớn để anh bỏ lại công danh sự nghiệp và cha mẹ ở phía quê nhà. (Nhiều lúc em nghĩ, ba mẹ đâu chỉ có mỗi mình anh là con?)
Bốn mươi sáu tuổi, em kiên quyết đòi ly hôn. Người đàn bà cam chịu khi ghen tuông cũng trở thành hổ báo. Anh nói hãy đợi cho đến khi con gái vào đại học.
Năm em bốn mươi chín tuổi, anh nói hãy đợi cho ông nội của các con qua khỏi cơn hiểm nghèo. 
“Có thể là em đã thay lòng
Sau bấy nhiêu năm lầm lũi một mình – xứ người lặn lội
Lúc trái gió, trở trời, khi chồn chân mỏi gối
Khao khát một bờ vai…”
Nàng Tô Thị bị buộc vào vách đá dựng ngược bởi những bổn phận, trách nhiệm và cả tư duy cam chịu từ ngàn đời của người đàn bà nước Việt.
“Những tháng năm mòn mỏi không anh
Em từng mong
Giá như mình hóa đá
Cho lòng bớt chòng chành”
Năm mươi ba tuổi, hai tháng một lần em phải đến tiệm làm đầu. Những sợi tóc trắng khiến gương mặt em trở nên già nua, mệt mỏi.
 “Chúng mình chia tay nhé?” – Hôm qua em đã viết cho các con:
“… Từng đã có lúc mẹ buông xuôi mọi chuyện, chấp nhận cảnh sống xa xôi mỗi người một nơi. Nhưng từ sau khi xảy ra mất trộm ở nhà mình, mỗi lần về nhà, mẹ đều cảm thấy bất an. Hơn nữa, cơ hội đoàn tụ của bố và mẹ ngày càng trở nên xa xôi…
Ý mẹ đã quyết như thế. Nếu các con ủng hộ thì mẹ sẽ đỡ nặng lòng. Còn nếu không thì mẹ cũng sẽ vẫn làm như vậy.
Mẹ chỉ mong các con thay mẹ an ủi động viên bố trong lúc này” 
“Chúng mình chia tay nhé” - “Hạnh phúc nở hoa tàn – nếu quà tặng không phải trái tim”. Em không tiếc hai mươi năm qua. Cuộc đời ngắn ngủi nên chúng mình chẳng thể lãng phí những tháng ngày sắp tới. Những cây nến đã cháy hết hai phần ba thân mình. 
Cám ơn anh cuối cùng cũng đồng ý ký vào lá đơn thuận tình ly hôn em sẽ gửi về.
(Kẻ đi một mình trong rừng khuya thường hát to lên cho đỡ sợ - đừng ai làm tổn thương thêm những người trong cuộc. Cảm ơn.)
Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét