XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

Việc tìm tòi học hỏi và nền giáo dục của người Việt (II)

Trích từ chuyên mục
 Người xưa cảnh tỉnh
đã in trên Thể thao và văn hóa 2005-2007
Các đầu đề nhỏ và chú thích là của người biên soạn


Khi học thuật kém cỏi
 lòng người sinh ra phù phiếm,  phong tục trở nên bại hoại
    Học là gì, là học những điều chưa biết để biết mà đem ra thực hành.
    Ngày nay chúng ta lúc nhỏ thì học văn từ thơ phú, lớn lên ra làm thì lại luật, lịch (1),binh, hình (2). Lúc nhỏ  học nào Sơn Đông, Sơn Tây (3), lớn lên ra làm thì đến Nam Kỳ Bắc kỳ. Lúc nhỏ thì học thiên văn địa lý chính sự phong tục bên Tàu (mà nay họ đã sửa đổi khác hết rồi ); lớn lên ra làm thì lại dùng đến  địa lý thiên văn  chính sự phong tục của nước Nam, hoàn toàn khác hẳn.
    Còn biết bao nhiêu những việc như thế, mòn bút khô môi cũng chưa kể hết.
    Tuy Nhật Bản Cao Ly cũng đọc sách Tàu, nhưng chỉ để làm vui, còn ra làm thì đều theo sách của nước họ -- chưa bao giờ thấy họ học và dùng những gì mà mắt không trông thấy, chân không đặt đến như lối học của ta.
    Không có một nền học thuật sáng suốt thì phong tục sẽ ngày một bại hoại, lòng người sẽ ngày một giả dối phù phiếm trống rỗng. Tập tục sẽ làm thay đổi con người, dù người tốt cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.

 (1)Phép tính thời gian, một việc mà quan lại ngày xưa phải biết
 (2) việc xử tội
 (3) Tên các tỉnh của Trung quốc
                                                                               Nguyễn Trường Tộ
                                                                        Tám việc cần làm gấp, 1867




Nói láo nói linh
     Ngày xưa ta nhắm mắt lại, một là văn minh Tàu, hai là văn minh Tàu, bị độc khoa cử làm mờ ám trí khôn đã đành, đến ngày nay đã hé mắt thấy người Tàu vận động nhiều việc rất to tát, như gửi học sinh du học khắp hoàn cầu, như bỏ quân chủ lập dân chủ mà ta cũng an nhiên (1) bất động, nhất  thiết chẳng biết gì là gì.
   Chẳng những thế mà thôi, lại còn mấy anh sang Tàu về nói láo nói linh, chê người nọ hạch người kia, mà tự mình xem ra cũng không có bản lĩnh gì cho người ta đủ kính phục, tinh chất(2) của người Tàu  không hề học đến, chỉ khéo đem về  một cái  láu lỉnh và một cái bao tử  trống .

(1) điềm nhiên, bình thản
(2 cái hay, cái tốt đẹp
                                                                                                           Phan Châu Trinh
                                                                                  Đạo đức và luân lý Đông Tây, 1925    


Không học nên thiếu tư cách làm người
       Người mình thiếu cái tư cách lao động [của con người] ngày nay.
       Nguyên nhân xa xôi (1) có nhiều, mà nhất là không học. Đây nói học không phải thường cầm viết (2), ôm sách đi tới trường như học trò. Không học nghĩa là không biết tập cách siêng năng kiệm ước (3) và lo trau dồi cái nghề của mình cho tinh xảo, sửa sang tính nết của mình cho có tư cách công nhân (4). Không học thì nghề đã không tinh mà tư cách cũng kém, điều hư tật xấu không chừa, lời phải điều hay không biết bắt chước.
    Còn cái nguyên nhân cụ thể  (5) to nhất là ham chơi.
     Nhân phong trào lao động thế giới hết bị khinh rẻ như ngày xưa, nhiều người vào sở này, tới xưởng kia, tự xưng là làm thực nghiệp, kỳ thực không chăm nghề gì không được việc gì, rày đây mai đó lỡ dở thành người thất nghiệp.
      Lại có kẻ du thủ du thực phóng đãng quen nết, nay gặp sở nào thuê mướn làm công, làm mấy cũng không đủ tiêu, lại xoay bày cách chơi bời cờ bạc mà quơ quét của bọn làm công, làm sâu mọt trong đám lao động.

(1) Nguyên văn là viễn nhân. Nhân ở đây là nguyên cớ nguyên do chứ không phải nhân là người. Chúng tôi dịch ra để đỡ mất thời giờ của bạn đọc
(2)  cầm bút
(3)dè dặt và có chừng mực
(5) đây chỉ người làm việc nói chung chứ không phải công nhân theo nghĩa hiện đại
(5) cận nhân

 Huỳnh Thúc Kháng
                                                     Hai chữ lao động, Tiếng dân,1930




Cái hay của người đến mình trở thành cái dở
     Phương Tây thường nhờ cái nguyên lý của sự lợi mình và chủ nghĩa riêng một mình (1) để phát triển được cái sức làm giàu chung cho xã hội, nhờ cái nguyên lý ganh đua (2) nên sản nghiệp phát đạt và khoa học tiến bộ.
      Ở nước ta, nói tới sự ganh đua thì chỉ muốn xâm chiếm người khác; nói về sự lợi mình và chủ nghĩa riêng từng người thì bỏ cả hạnh phúc xã hội chẳng tưởng đến chi.
       Có thể nói một câu là những đức tính tốt ta dường như hết cả, mà chỗ hay của người chưa học được một chữ nào, những điều góp nhặt được phần nhiều là chỗ kém của ta đấy thôi.

(1) ngày nay hay nói nguyên lý tư lợi và chủ nghĩa cá nhân
(2) cạnh tranh
 Nguyễn Xuân Dương
                                   Sự so sánh về tư tưởng kinh tế Đông Tây An Nam tạp chí, 1931

Học không biết cách,
 luật pháp hồ đồ, cương thường giả dối
      Về đạo cương thường, cứ nói rằng ta thâm nhiễm (1) của Tàu nhiều lắm rồi, nhưng tôi xét ra chưa có điều gì gọi là thâm nhiễm cả.
        Trong hết cả số người theo Nho học thì hoạ là có mấy ông vào bực giỏi, hiểu biết được đạo Khổng Mạnh. Còn những bực nhoàng nhoàng thì thường cứ thấy người ta học cũng học, học cho thuộc cách mà thôi, chứ không có định trong bụng rằng theo những điều nào, kháp (2) đạo ấy vào tính tình riêng của người nước mình nó ra sao...
        Vua Gia Long bỏ luật Hồng Đức (3) đi, mà làm ra cả một pho luật mới chép tuốt cả của Tàu, cả từ điều nước mình có, cho đến những điều mình không có, cũng bắt chước. Thành ra luật pháp cũng hồ đồ, cương thường đạo lý toàn là giả dối, không có điều gì là có kinh có điển.

(1)                ảnh hưởng sâu sắc
(2)                tức khớp, ghép lại cho khít, cho phù hợp
(3)               bộ luật cổ của nước ta có từ thời Lê, tham khảo nhiều từ bộ luật của đời Đường

 Nguyễn Văn Vĩnh
 Đông dương tạp chí, 1913
Không học được cách tư duy hợp lý
     Người mình vốn có cái thiên tính dễ đồng hoá, nghĩa là có tư cách(1), dễ am hiểu dễ thu nạp lấy những gì khác lạ với mình, dễ đem những điều hay điều dở của người ngoài mà hoá làm của mình.
       Nhưng cái tài đồng hoá đó thường thường chỉ là cái khoé tinh (2), biết xem xét và bắt chước của người, phảng phất ở bề ngoài, chứ không thấu triệt được đến chỗ căn để (3), chỗ tinh tuý.
       Cái cách đồng hoá dễ dàng thô thiển đó thiết tưởng không phải là cái tính tốt.
       Như học trò ta học rất mau, nhớ cũng rất mau, nhưng chưa chắc đã hiểu được thấu, đã hoá được hẳn những cái người ta dạy mình, và chưa chắc cái học tiếp thu được dễ dàng như vậy nó đã làm cho óc được khôn ra, người được chín ra chút nào.
       Có những người mặc thì mặc theo đúng mốt tối tân ở Paris, nói năng ba hoa đi đứng đường đột; bề ngoài như vậy mà bề trong nghị luận mơ hồ, tư tưởng lộn xộn, không có thống hệ (4), không biết bắt chước lấy cái lối nói năng gãy gọn, biện lẽ phân minh như người Tây phương.

(1) nghĩa cũ: tài lực trình độ khả năng
(2) mánh khóe ranh ma
(3) gốc rễ
(4) ngày nay hay nói ngược lại: hệ thống
 Phạm Quỳnh
 Giải nghĩa đồng hoá, Nam Phong, 1931




Không có học thuyết của mình
       Về đường học thuật và tư tưởng thì xưa nay ta chỉ có mấy lối học của Tàu truyền sang: trong đời nhà Lý và nhà Trần thì sự học của ta theo lối huấn hỗ (1) của Hán nho và Đường nho, rồi từ đời Lê về sau thì theo cái lối học của Tống nho.
       Ta chỉ quanh quẩn ở trong phạm vi của lối học ấy, chứ không thoát ly được mà sáng lập ra cái học thuyết nào khác.
       Phần nhiều người trong nước lại có cái tư tưởng rằng những điều thánh hiền nói ở trong các kinh truyện đã đủ hết cả rồi, không ai biết được hơn nữa, cho nên kẻ học giả chỉ chăm chăm theo cho đúng những điều ấy mà tiễn lý (2) thực hành, chứ không ai để ý mà tìm cho đến cái chân lý nó thường lưu hành biến hoá.
      Cũng có người đạt tới chỗ uyên thâm của Nho giáo, song những người ấy lại cho rằng cáí học sâu xa là tự mình phải lý hội (3) lấy, chứ không thể lấy văn từ ra mà tuyên bố được.
      Bởi vậy các tiên nho ở ta chỉ làm văn thơ để tả cái tính tình của mình mà thôi, không hay làm sách vở để phát minh tư tưởng. Kết quả thành ra cái học Nho giáo thì rộng khắp cả nước mà cái học thuyết thì không thấy có gì là phát minh vậy.

(1)   lối học bám vào từng chữ để giải thích
(2)    theo cái lý vốn có
(3)   hiểu
Trần Trọng Kim
 Nho giáo, 1930


Việc bắt chước dễ dãi thường gây nhiễu loạn
     Tính bắt chước vốn là tính tự nhiên của loài người, dẫu ở nước nào cũng thế cả. Nhưng giá ta có sẵn cái tinh thần tốt rồi chỉ bắt chước lấy những điều có bổ ích thêm cho tinh thần ấy thì thật là hay lắm.
     Chỉ hiềm vì mình để cái tinh thần của mình hư hỏng đi, mà lại mong bắt chước sự hành động của người ta, thì sự bắt chước ấy lại làm cho mình dở hơn nữa.
      Vì đã gọi bắt chước là chỉ bắt chước được cái hình hài bề ngoài mà thôi, còn cái tinh thần ở trong, phi(1) lâu ngày nhiễm (2) lấy được mà hoá (3) đi, thì khó lòng mà bắt chước được.
       Thành thử bao nhiêu những sự bắt chước của mình chỉ là làm loạn cả tính tình tư tưởng và phong tục của mình.
       Có lắm người vọng tưởng (4) rằng mình cố bắt chước được người ngoài là mình làm điều có ích cho sự tiến hoá của nòi giống. Không ngờ rằng sự bắt chước vội vàng quá lại thành cái độc, gây ra các thứ bệnh cho xã hội.
     Mà sự lầm lỗi ấy chỉ mỗi ngày một thêm ra chứ không bớt đi được.

 (1) không phải
 (2) thâm nhập
 (3) biến dạng, tiêu hóa. Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu ghi: phàm vật này mất đi mà vật kia sinh ra gọi là hoá
 (4) nghĩ lầm

 Trần Trọng Kim
 Nho giáo, 1930


Mô phỏng lâu ngày quên cả sáng tạo
   Từ Lê Hồng Đức bắt đầu gieo cái mầm cẩu thả, rồi Mạc Trịnh lại càng tài bồi (1) cho thành cái rừng cẩu thả. Cẩu thả nên toàn mô phỏng, mô phỏng thì không còn biết biến hoá nữa.
    Như người học vẽ tranh mà làm cách lồng phóng hay là can-ke (2) thì thế nào cũng không đúng.
    Kỳ cạch mãi càng không đúng, bấy giờ khoanh tay lại, lắc đầu le lưỡi mà rằng “Bức vẽ mẫu là thiên tài trời đã định, mà mình là bất tài trời đã định”...
    Bấy giờ dẫu có ai hoán tỉnh cho biết cũng không tin, có ai biệt sáng biệt lập (3) cái gì cũng không thèm ngó tới. Rồi lại sinh đố kỵ nữa, dân gian thì vùi dập của nhau đi, triều đại thì phá hoại của nhau đi.

(1)   vun đắp
(2)   bắt chước một cách máy móc, tô lại như nguyên mẫu
(3)   sáng tạo, làm cho khác những cái đã có

Nguyễn Trọng Thuật
 Điều đình cái án quốc học, Nam Phong, 1931

 Mình lại rẻ mình, bản thân tự làm hỏng
    Cách học muốn cho bằng người thì phải biến hoá khác đi. Nay cứ toàn mô phỏng, thấy không thể theo cho bằng được, bèn sinh lòng tự tiện (1), là mình tự khinh cái tài của mình; tự tiện quá rồi tự khí (2) tự bỏ cái tài của mình, cho mình là đồ bỏ.
     Mà đồ bỏ thật, vì học không có cái gì dùng được như mẫu của người.
     Cũng vì thế mà bao nhiêu cái hay không còn gì nữa.
     Trước khi vì học thuật nước nhà mà hy vọng, ta phải hết sức từ bỏ cái căn bệnh cẩu thả, cái tính tự tiện tự khí. Không thì về xã hội lại cứ lười biếng a dua không suy xét lựa chọn, không có cái tinh thần tự giác tự tin. Về kẻ học giả lại cứ tham cận lợi (3), nhai văn nuốt chữ, lấy học đường của nước văn minh làm con đường tắt hiển vinh, học đến bao giờ cũng chung vô sở đắc (4).  
                                                                            
(1)  tự tiện đây là tự coi rẻ mình coi mình là hèn;  khác với  tự tiện có  nghĩa làm theo ý thích hiện nay hay dùng
(2 ) tự làm hỏng mình
(3) lợi ích trước mắt
(4) cuối cùng vẫn không có gì là của riêng mình  
                                                                                   Nguyễn Trọng Thuật
                                                                                       Điều đình cái án quốc học, 1931

Tình nghĩa thầy trò bị hiểu sai lệch và bị lợi dụng

     Người ta ở đời nhờ có cha mẹ sinh ra mình lại phải nhờ có thầy dạy cho mình,  thì mình mới khôn, biết việc này việc nọ, mới nên con người;  cho nên học trò ở với thầy như con ở với cha mẹ ấy cũng là một mối luân thường của Á Đông ta.
    Song cũng vì tục trọng sư đạo ấy mà sinh ra mấy thói dở. Kìa như các bậc đáng mặt mô phạm , có công dạy dỗ có ân đức giáo hóa nhuần thấm đến người, thì người ta không nên quên đã đành. Còn như mấy ông đồ quèn học hành chưa hiểu vỡ mạch sách, văn chương chưa thuộc đủ lề lối, mà đã đi về các vùng quê tìm nơi thiết trường, gõ đầu năm ba đứa trẻ nửa mường nửa mán (1) để hộ khẩu cho qua đời(2). Vậy mà cũng dám lên mặt đạo mạo, động một tí  thì  bổ cho đồng môn, nào khi nhà thầy có giỗ, nào khi nhà thầy có việc mừng vui, nào khi  thầy lấy vợ, nào khi thầy lên lão làng, cũng lôi đồng môn ra mà bắt gánh vác, ấy lại là một cái mọt của thiên hạ.

(1)   trong các bản in VNPT gần đây, mấy chữ in nghiêng này thường bị gạch bỏ. Đây tôi lấy theo bản  của nhà Bút Việt in ở SG  2-1975
(2)   hộ khẩu, từ cổ có nghĩa kiếm sống. Còn qua đời ở đây không có nghĩa là chết mà là qua một kiếp người
Phan Kế Bính
 Việt Nam phong tục (1915)
Chỉ lo nuôi không lo dạy
    Những bậc cha mẹ ở nước mình đẻ con thì muốn cho nhiều mà dạy con thì thật cẩu thả và biếng nhác. Những ông bố hoặc là nhà kinh doanh, hoặc là người tòng sự các sở công sở tư, suốt ngày suốt tháng đầu tắt mặt tối về sự mưu sinh, có lúc nào rảnh rang thì dành cho các cuộc tiêu khiển như bài bạc hát xướng mà các ông cho là mình có quyền được hưởng sau khi làm việc.
    Đại để thì đẻ con ra, nuôi chúng như vỗ lợn rồi xin cho chúng một chỗ ngồi trên ghế nhà trường, là tưởng đã làm xong cái trách nhiệm của người cha rồi vậy.
      Đến những bà vợ …Thỉnh thoảng các bà rờ đến con thì liệu hồn những vú già vú em! Con các bà không hề bị trừng phạt mà chính đầy tớ các bà lại là cái bia chịu đạn.
      Trong nhiều gia đình, sự thân mật quá độ và lầm lạc đã hầu thành hỗn xược.Trước mặt cha mẹ, con cái nói năng chẳng dè dặt chút nào. Họ nói với cha mẹ như với bạn.

 Thái Phỉ
 Một nền giáo dục Việt Nam mới, 1941


Sẽ có lúc mất hết đạo lý?
     Song song với vấn đề nghèo khổ, còn phải giải quyết vấn đề giáo dục.
     Khi ta tò mò đi vào các làng xóm ngày nay, ta bị sửng sốt vì vẻ hỗn xược và thô lỗ của trẻ con nông thôn. Xưa kia hầu như nơi nào cũng có một ông thầy đồ. Xung quanh chiếc sập của ông, lũ trẻ dù không học được bao nhiêu chữ cũng đều nom thấy chiếc roi mây dài treo trên vách  và nghe đi nghe lại  câu răn dạy của đạo nho “Tiên học lễ hậu học văn”.
    Ngày xưa, thầy và bạn học bao quanh lũ trẻ và ngăn chúng làm điều xấu.
    Ngày nay chẳng ai chú ý đến chúng. Trong vòng mười năm nữa, sẽ rất khó dắt dẫn cái dân tộc lúc đó đã mất hết đạo lý. Một trào lưu  cá nhân chủ nghĩa đã phát huy hết  hiệu quả của nó trong một số môi trường.   
Nguyễn Văn Huyên
Vấn đề nông dân Việt Nam ở Bắc Kỳ, 1939

Không chú trọng học thuật sẽ thành dân tộc bỏ đi
     Dễ thường không có nước nào mà những người tự nhận là học giả lại lạnh lùng với việc học như ở nước mình. Người mình vẫn được tiếng là hiếu học, nhưng đúng ra chỉ là hiếu lợi và hiếu danh. Khi sự học không đưa đến cho mình lợi và danh thì ít ai còn thèm màng đến nó nữa.
   Cho đến ngày nay, trong một trăm người bước chân ra khỏi nhà trường, không có lấy năm ba người để tâm vào việc học. Giữa một vũ trụ đầy những sự huyền bí, người mình như khách qua đường bưng mắt mà đi vì sợ mệt mắt. Tinh thần của mình bạc nhược như vậy không trách gì mình thua kém.
      Đã thế lại còn kiêu căng. Thỉnh thoảng có tấp tểnh bước vào rừng học thì cũng chỉ chạy theo những vấn đề to lớn, tựa hồ như chỉ những vấn đề ấy mới xứng với tài trí của mình. Có biết đâu rằng tinh thần học thuật ngày nay căn cứ vào lòng khiêm tốn.
      Người ta đã mất công nghiên cứu mà nói ra một điều gì cũng cẩn thận dè dặt. Người mình đã không chịu tìm tòi gì mà lại thường cẩu thả.
     …Nếu dân tộc này không bao giờ tự dựng lên được một nền học thuật thì chẳng nói hai mươi triệu, có đông đến hai trăm triệu cũng là một dân tộc bỏ đi, một dân tộc không có trên pho lịch sử văn minh loài người.

 Hoài Thanh
 Vấn đề học thuật nước ta chỉ là một vấn đề tâm lý và luân lý, Sông Hương, 1936  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét