XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

Sử kí -Tần Thủy Hoàng bản kỉ

Sử kí -Tần Thủy Hoàng bản kỉ

Hán – Tư Mã Thiên soạn
Lưu Tống – Bùi Nhân tập giải
Đường – Tư Mã Trinh sách ẩn, Trương Thủ Tiết chính nghĩa
Nhữ Thành phiên dịch
Tích Dã hiệu chính
Thủy Hoàng đã lập, chiếm cả sáu nước, hủy kiếm đúc chuông, cất xếp binh cách, tôn hiệu xưng đế, khoe võ trổ sức, Nhị Thế nối theo, Tử Anh hàng phục. Cho nên chép bản kỉ thứ sáu là Thủy Hoàng bản kỉ. 
Thủy Hoàng Đế nhà Tần là con của Trang Tương Vương nước Tần. (Sách ẩn: Trang Tương Vương là con giữa của Hiếu Văn Vương, là cháu của Chiêu Tương Vương, tên là Tử Sở. Xét: Chiến quốc sách chép vốn tên là Tử Dị, sau làm con nối dõi của Hoa Dương phu nhân, phu nhân là người nước Sở, nhân đó đổi tên là Tử Sở.) Vào lúc Trang Tương Vương làm con tin của vua nước Tần ở nước Triệu (Chính nghĩa: Vua nước mạnh muốn để cho vua nước yếu đến giúp mình cho nên sai con và bầy tôi quyền quý đến làm con tin. Lại nữa hai nước đối địch cũng cho con tin qua lại. Tả truyện chép: “Nhà Chu và nước Trịnh cho con tin qua lại, con vua nhà Chu là Hồ làm con tin ở nước Trịnh, con vua nước Trịnh là Hốt làm con tin ở nhà Chu.”) có gặp người thiếp của Lữ Bất Vi bèn thích mà lấy nàng, (Sách ẩn: Xét: Bất Vi truyện chép: “Bất Vi là nhà buôn lớn người huyện Dương Trạch có người thiếp là con gái nhà giàu ở thành Hàm Đan múa hát giỏi, có thai mà dâng cho Tử Sở). sinh ra Thủy Hoàng, sinh ra ở thành Hàm Đan vào tháng giêng năm thứ bốn mươi tám thời Chiêu Vương nước Tần. Lúc sinh, đặt tên là Chính, mang họ Triệu.( Tập giải: Tống Trung nói: “Vì sinh ra vào buổi sáng tháng giêng cho nên đặt tên là Chính.” Sách ẩn: Hệ bản chép tên là ‘Chính’, lại sinh ở nước Triệu, cho nên gọi là Triệu Chính. Có người nói vua nước Tần cùng tổ với vua nước Triệu, được phong ở thành Triệu mà nổi lên, cho nên mang họ Triệu. Chính nghĩa: Chính nghĩa: Chính, đọc là ‘chính’. Thủy Hoàng sinh vào buổi sáng tháng giêng ở nước Triệu, nhân đó đặt tên là Chính, sau vì kị húy Thủy Hoàng cho nên đọc là ‘chinh’.) Năm mười ba tuổi thì Trang Tương Tương chết, Chính thay lập làm vua nước Tần. Vào thời bấy giờ, nước Tần đã gồm cả các quận Ba-Thục-Hán Trung, qua huyện Uyển lấy thành Dĩnh mà đặt ra quận Nam; phía bắc thu lấy từ quận Thượng về phía đông có các quận Hà Đông-Thái Nguyên-Thượng Đảng; phía đông đến thành Huỳnh Dương, diệt hai nước của nhà Chu đặt ra quận Tam Xuyên. Lấy Lữ Bất Vi làm Tướng quốc, phong cho mười vạn hộ, hiệu là Văn Tín Hầu. Mời gọi tân khách kẻ sĩ du thuyết đến muốn để mưu việc chiếm cả thiên hạ. Lấy Lí Tư làm Xá nhân. (Tập giải: Văn loại chép: ” Là chức quan nhỏ chủ về việc trông coi chuồng ngựa. Có kẻ nói là chủ việc tiếp đãi tân khách gọi là Xá nhân.”) Lấy bọn Mông Ngao, Vương Ỷ, (Tập giải: Từ Quảng nói: “Có sách chép là Vương Hột.” Sách ẩn: Mông Ngao là người nước Tề, là cha của Mông Vũ, là ông tổ của Mông Điềm. Vương Ỷ là Vương Hột, là kẻ thay quan Đại phu tên là Lăng đánh nước Triệu vào năm thứ bốn mươi chín thời Chiêu Vương. Ỷ, đọc là ‘ngư ỉ’ phiên. Lưu Bá Trang đọc là ‘ỷ’. )Biều Công (Tập giải: Ứng Thiệu nói: Biều là tên ấp của nước Tần.” Sách ẩn: Biều Công có lẽ là chúa ấp Biều, sử không chép họ tên. Chính nghĩa: Biều, đọc là ‘bỉ miêu’ phiên, có lẽ là tên huyện của nước Tần, quan Đại phu thì xưng là ‘Công’ như phép tắc của nước Sở.) làm tướng quân. Vua tuổi nhỏ mới lên ngôi, trao việc nước cho đại thần. 
Năm đầu (năm 246 TCN), người ở huyện Tấn Dương làm phản, tướng quân là Mông Ngao đánh dẹp được. Năm thứ hai (năm 245 TCN), Biều Công đem quân đánh huyện Quyển, chém ba vạn đầu. 
Năm thứ ba (năm 244 TCN), Mông Ngao đánh nước Hàn, lấy mười ba thành. Vương Ỷ chết. Tháng mười, tướng quân là Mông Ngao đánh ấp Sướng của nước Ngụy, đòi cắt đất. Năm đó đói to. 
Năm thứ tư (243 TCN), chiếm ấp Sướng, đòi cắt đất. Tháng ba, rút quân. Con tin của vua nước Tần từ nước Triệu quay về, Thái tử của nước Triệu cũng ra về nước. Ngày canh dần tháng mười, châu chấu từ phía đông bay đến che cả bầu trời. Thiên hạ mắc bệnh dịch, hạ lệnh trăm họ nếu dâng một ngàn thạch thóc thì được phong tước thêm một bậc. 
Năm thứ năm (năm 242 TCN), tướng quân là Mông Ngao đánh nước Ngụy, dẹp các ấp Toan Tảo, Yến, Hư, Trường Bình, Ung Khâu, Sơn Dương, đều thắng được, lấy hai mươi thành, bắt đầu đặt nên quận Đông. Mùa đông có sấm. 
Năm thứ sáu (năm 241 TCN), quân các nước Hàn, Ngụy, Triệu, Vệ, Sở cùng đánh nước Tần, lấy ấp Thọ Lăng.( Chính nghĩa: Từ Quảng nói: “Tại quận Thường Sơn.”. Xét: Vốn là ấp của nước Triệu. )Quân Tần ra đánh, quân của năm nước rút về. Quân Tần chiếm nước Vệ, đến gần quận Đông, vua nước Vệ tên là Giác dẫn họ hàng thuộc hạ dời đến ấp Dã Vương, dựa vào núi hiểm để giữ quận Hà Nội của nước Ngụy. 
Năm thứ bảy (năm 240 TCN), sao Chổi xuất hiện ở phương đông trước, rồi xuất hiện ở phương bắc, đến tháng năm lại xuất hiện ở phương tây. (Chính nghĩa: Chổi, đọc là ‘tự tuế’ phiên. Hiếu kinh nội kí chép: “Nếu sao Chổi phạm vào chòm sao Bắc Đẩu thì binh cách nổi mạnh. Nếu sao Chổi phạm vào chòm sao Tam Thai thì tôi hại vua. Nếu sao Chổi phạm vào cung Thái Vi thì vua hại tôi. Nếu sao Chổi phạm vào chòm sao Thiên Ngục thì chư hầu làm loạn, phạm vào các chỗ ấy là điềm rất gở. Nếu sao Chổi xuất hiện ở cạnh Mặt Trời thì con muốn giết cha.”) Tướng quân là Mông Ngao chết vào lúc đánh các ấp Long, Hồ, Khánh Đô, đem quân về đánh ấp Cấp. Sao Chổi lại xuất hiện ở phương tây lâu đến mười sáu ngày. Hạ thái hậu chết. (Sách ẩn: Là mẹ sinh ra Trang Tương Vương. Chính nghĩa: Là mẹ của Tử Sở. )
Năm thứ tám (năm 239 TCN), em của vua là Trường An Quân tên là Thành Kiểu đem quân đánh nước Triệu, rồi làm phản, chết ở huyện Đồn Lưu, (Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Thành cũ Đồn Lưu tại phía đông bắc huyện Trưởng Tử châu Lộ ba chục dặm, là nước Đồn Lưu, Lưu Hu thời nhà Hán.”) quan quân đều bị chém chết, dời dân của họ đến ở huyện Lâm Thao. (Sách ẩn: Huyện Lâm Thao tại quận Lũng Tây. Chính nghĩa: Sông Lâm Thao cho nên đặt tên là huyện Lâm Thao. Châu Lộ ngày nay tại quận Lũng Tây xưa, cách tây kinh năm năm năm mươi mốt dặm. Ý nói dân huyện Đồn Lưu bị Thành Kiểu bắt ép cùng làm phản, cho nên dời họ đến huyện Lâm Thao. )Tướng quân chết ở trong lũy rồi, (Chính nghĩa: Ý nói Thành Kiểu tự sát ở trong rào lũy). rút cuộc dân các huyện Đồn Lưu-Bồ Cao cũng làm phản, đềi bị phanh thây. (Tập giải: Từ Quảng nói: “Đồn Lưu-Bồ Cao đều là tên huyện. Vào lúc đắp lũy ở các huyện ấy, quân lính chết đều bị phanh thanh. Sách ẩn: Cao Dụ nói: “Đồn Lưu là huyện thuộc quận Thượng Đảng. Ý nói Thành Kiểu làm tướng quân mà làm phản, vua Tần phát binh đến đánh cho nên Thành Kiểu đắp lũy ở huyện Đồn Lưu rồi chết. Quân lính làm phản ở hai huyện Đồn Lưu-Bồ Cao dẫu chết rồi mà vẫn còn bị phanh thây.”) Cá ở sông Hà nhảy lên bờ, (Sách ẩn: Ý nói nước sông Hà tràn, có nhiều cá nhảy lên đất bằng, cũng có ý nói là gặp nạn nước lụt. Là ý ‘cái hại của loài sâu bọ’ mà Lưu Hướng nói trong Hán thư ngũ hành chí. Năm sau, Lạo Ải bị giết. Cá là loài thuộc khí âm, tượng trưng cho tiểu nhân. Chính nghĩa: Năm thứ tám thời Thủy Hoàng, cá ở sông Hà bơi về phía tây vào sông Vị. )người dân ngồi xe cưỡi ngựa sang phía đông ăn cá. (Sách ẩn: Ý nói hiều cá ở sông Hà nhảy lên bờ, người nước Tần đều ngồi xe cưỡi ngựa cùng nhau đến ăn cá ở phương đông, ý nói đến bờ sông Hà ăn cá. Có kẻ nói cá ở sông Hà nhảy lên bờ là nạn nước lụt, người ta bèn sang phía đông kiếm ăn, đều ngồi xe cưỡi ngựa mà đi.) Phong cho Lạo Ải làm Trường Tín Quân, (Sách ẩn: Lạo là họ, Ải là tên chữ. Xét: Hán thư thì họ Lạo xuất từ thành Hàm Đan. Vương Thiệu nói: “Giả thị trung nói mẹ của Thủy Hoàng nhà Tần thông dâm với Lạo Ải mà bị bắt giết, cho nên người đời mắng kẻ dâm đãng là ‘lạo ải’. )Các việc săn bắt, làm vườn cây, quần áo, xe ngựa, cung thất đều theo ý Ải, cá việc không kể lớn nhỏ đều do Ải tự làm. Lại lấy các quận Hà Tây-Thái Nguyên làm đất phong cho Ải. 
Năm thứ chín (năm 238 TCN), sao Chổi xuất hiện, có lúc dài suốt cả bầu trời. Đánh các huyện Hoàn-Bồ Dương của nước Ngụy. Tháng tư, vua nghỉ ở huyện Ung. Ngày kỉ dậu, vua đội mũ đeo kiếm. (Tập giải: Từ Quảng nói: “Bấy giờ hai mươi hai tuổi.” Chính nghĩa: Lễ kí chép: “Hai mươi tuổi thì đội mũ.” Xét: Bấy giờ vua hai mươi mốt tuổi. )Trường Tín Quân là Lạo Ải làm loạn bị phát hiện, bèn làm giả ấn tỉ của vua và ấn tỉ của Thái hậu (Tập giải: Sái Ung nói: “Ấn tỉ là ấn làm tin. Ấn tỉ của thiên tử làm bằng ngọc trắng khắc văn li hổ. Thời xưa cũng có ấn tỉ cao thấp. Nguyệt lệnh chép là ‘giữ ấn tỉ’. Tả truyện chép là ‘Quý Vũ Tử mang trao ấn tỉ thư từ đuổi theo mà ban cho’. Đấy là ấn của Đại phu chư hầu gọi là ấn tỉ.” Vệ Hoành nói: “Từ thời nhà Tần về trước thì người dân đều lấy vàng ngọc làm ấn, có khắc hình rồng hổ, chỉ thích như thế. Từ thời nhà Tần đến nay, thiên tử chỉ dùng ấn gọi là ấn tỉ, lại chỉ làm bằng ngọc, bầy tôi chẳng dám dùng.” Chính nghĩa: Thôi Hạo nói: “Lí Tư mài tấm ngọc mà làm nên, các vị vua thời Hán nối nhay dùng nó, gọi là ‘ấn tỉ truyền quốc’.” Ngô thư của Vi Chiêu chép: “Ấn tỉ vuông bốn thước, trên đó có khắc hình năm con rồng, có văn khắc chữ có ý là ‘vâng mệnh từ trời, tuổi thọ mãi dài’. Hán thư chép lời văn khắc có ý là ‘vâng mệnh từ trời xanh, hoàng đế thọ dài’. Xét: Hai lời văn không giống nhau. Hán thư Nguyên Hậu truyện chép: ‘Vương Mãng sai Vương Thuấn ép Thái hậu lấy ấn tỉ, Vương thái hậu giận, ném ấn tỉ xuống đất, một góc ấn tỉ bị vỡ mất’. Ngô chí chép: ‘Tôn Kiên vào ấp Lạc, quét dọn tông miếu của nhà Hán, quân lính đến giếng Chân Cung lấy được ấn tỉ, sau dâng cho nhà Ngụy. Tháng sáu năm Vĩnh Gia thứ năm thời Hoài Đế nhà Tấn, Hoài Đế giấu ấn tỉ ở huyện Bình Dương, ấn tỉ lại vào tay vua nhà Tiền Triệu là Lưu Thông. Đến năm Hàm Hòa thời Thành Đế nhà Đông Tấn thì Thạch Lặc diệt nhà Tiền Triệu, lấy được ấn tỉ. Năm Vĩnh Hòa thứ tám thời Mục Đế, Thạch Lặc bị Mộ Dung Tuấn đánh diệt, Thái thú Bộc Dương là Đái Thi vào thành Nghiệp, lấy ấn tỉ, sai Hà Dung dâng cho nhà Tấn. Lại truyền cho nhà Lưu Tống, nhà Lưu Tống truyền cho nhà Nam Tề. Nhà Nam Tề truyền cho nhà Lương. Nhà Lương truyền đến năm Thiên Chính thứ hai thì Hầu Cảnh phá nhà Lương, đến quận Quảng Lăng, kịp lúc tướng nhà Nam Tề là Tân Thuật đánh lấy quận Quảng Lăng, lấy được ấn tỉ đem về cho nhà Bắc Tề. Kịp đến tháng giêng năm Kiến Đức thứ sáu nhà Chu thì bình nhà Bắc Tề, ấn tỉ vào nhà Chu, Nhà Chu truyền cho nhà Tùy, nhà Tùy truyền cho nhà Đường.) để phát quân lính ở kinh sư và quân lính túc vệ, quan kị, quân trưởng của người Nhung-Địch, tân khách, muốn để đánh vào cung Kì Niên làm loạn. (Tập giải: Địa lí chí chép: “Cung Kì Niên ở huyện Ung.”) Vua biết chuyện, sai Tướng quốc là Xương Bình Quân, Xương Văn Quân phát quân đánh Ải. (Sách ẩn: Xương Bình Quân là con cua nước Sở, lấy làm Tướng quốc, sau dời đến thành Dĩnh, được Hạng Yên lập làm vua nước Kinh, sử không chép tên. Xương Văn Quân cũng không chép tên. )Đánh ở thành Hàm Dương,( Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Thành Hàm Dương cũ cũng có tên là thành Vị, tại phía bắc châu Ung năm dặm, nay ở chỗ phía đông huyện Hàm Dương mười lăm dặm. Từ thời Hiếu Công nước Tần về sau đã dựng đô ở đấy. Thủy Hoàng đúc mười hai tượng người vàng dựng ở thành Hàm Dương là chỗ ấy). chém mấy trăm đầu, đều được ban tước, những quan hoạn đều ở trong trận cũng được ban tước thêm một cấp. Bọn Lạo Ải thua chạy, liền hạ lệnh trong nước rằng: “Ai bắt sống được Ải thì ban cho trăm vạn tiền; giết được hắn thì ban cho năm mươi vạn tiền.” Rút cuộc bắt hết được bọn Ải. Hai mươi người bọn Vệ úy là Kiệt, Nội sử là Tứ, Tá dặc là Kiệt, Trung đại phu lệnh là Tề đều bị treo đầu, (Tập giải: Treo đầu ở trên cây. )lấy xe phanh thây để làm gương, diệt cả họ hàng bọn ấy(Chính nghĩa: Thuyết uyển chép: “Thái hậu của Thủy Hoàng nhà Tần không cẩn thận mà tin yêu Lạo Ải, Thủy Hoàng phanh thây cắt bốn tay chân Ải, bắt đánh chết hai người em, dời Thái hậu đến ở cung Hàm Dương. Hạ lệnh rằng: ‘Những kẻ can ngăn về việc của Thái hậu đều bắt giết mà phanh thây, lấy xương làm củi’. Có hai mươi bảy người vì can ngăn mà chết. Mao Tiêu bèn lên khuyên can nói: ‘Kẻ làm khách đến từ nước Tề là Mao Tiêu xin can ngăn việc của Thái hậu’. Hoàng đế nói: “Đã lệnh như thế, không thấy người chết chồng chất ở dưới cửa khuyết ư?’ Sứ giả hỏi Tiêu, Tiêu nói: ‘Bệ hạ lấy xe phanh thây cha dượng là có ý ghen ghét; đánh đập hai người em là có tiếng là không nhân từ; dời mẹ đến ở cung Hàm Dương là cái cái đức bất hiếu, róc xương kẻ sĩ can ngăn là việc làm của vua Kiệt-Trụ; thiên hạ biết chuyện sẽ vỡ lở cả, không hướng đến nhà Tần’. Vua bèn tự đón Thái hậu về thành Hàm Dương, lập Mao Tiêu làm quan Phó, ban tước thượng khanh.” Quát địa chí chép: “Mao Tiêu là người châu Thương.”) Còn những tân khách của bọn ấy thì nhẹ bị tội quỷ tân. (Tập giải: Ứng Thiệu nói: “Lấy củi cấp ở tông miếu gọi là quỷ tân.” Như Thuần nói: “Theo luật thì tội quỷ tân phải lao dịch ba năm.” Chíhh nghĩa: Ý nói tân khách của Ải tội nặng thì đã bị tội phanh thây, tội nhẹ thì bị bắt dời đi lao dịch ba năm). Có hơn bốn ngàn nhà bị cắt tước dời sang quận Thục, làm nhà ở huyện Phòng Lăng. Tháng tư băng đóng, có người chết. (Chính nghĩa: Tháng tư là tháng tị, đầu mùa hạ băng đóng, có người dân chết cóng, là vì nhà Tần làm hình pháp nghiêm ngặt thì trời có báo ứng, cho nên sử chép lại. Cho nên Thượng thư hồng phạm chép ‘hình pháp nghiêm ngặt thì trời lạnh’.) Dương Đoan Hòa đánh huyện Diễn Thị. (Sách ẩn: Dương Đoan Hòa là tướng nước Tần. Diễn Thị là huyện của nước Ngụy.) Sao Chổi xuất hiện ở phương tây, lại xuất hiện ở phương bắc, từ chòm sao Bắc Đẩu xẹt về phía nam lâu đến tám chục ngày. 
Năm thứ mười (năm 237 TCN), Tướng quốc là Lữ Bất Vi vì tội của Lạo Ải mà bị bãi chức. Lấy Hoàn Ỷ làm tướng quân. Người nước Tề-Triều đến dâng rượu. Người nước Tề là Mao Tiêu khuyên vua Tần rằng: “Nước Tần lo việc của thiên hạ mà nhà vua có tiếng là đày mẹ là Thái hậu, sợ rằng chư hầu nghe chuyện ấy tất làm phản lại nước Tần.” Vua Tần bèn đón Thái hậu ở huyện Ung về thành Hàm Dương, (Tập giải: Thuyết uyển chép: “Thủy Hoàng Đế lập Mao Tiêu làm làm quan Phó, lại ban tước thượng khanh. Thái hậu cả mừng, nói: ‘Thiên hạ ngay thẳng, làm cho hỏng lại lành, giữ vững xã tắc nước Tần, khiến cho mẹ con thiếp lại được gặp nhau, là công của Mao Tiêu vậy’.”) lại cho ở cung Cam Tuyền.(Tập giải: Từ Quảng nói: “Biểu chép là cung phía nam thành Hàm Dương.”) Bắt đuổi tân khách trong nước, Lí Tư dâng thư can khuyên, bèn dừng lệnh bắt đuổi tân khách. Lí Tư nhân đó khuyên vua Tần là đánh lấy nước Hàn trước để làm cho người các nước khác lo sợ. Do đó sai Tư đánh nước Hàn. Vua nước Hàn lo việc ấy, mưu cùng Hàn Phi làm cho nước Tần suy yếu. Người nước Đại Lương là Úy Liễu đến khuyên vua Tần rằng: “Dựa vào sức mạnh của nước Tần thì vua chư hầu chỉ như vua của quận huyện. Thần chỉ sợ chư hầu hợp tung, tụ tập mà ra chỗ không ngờ, đấy là cái cớ mà Trí Bá, Phù Sai, Mẫn Vương bị diệt. Xin nhà vua chớ thích tiền của, hãy đem tặng cho bầy tôi quyền quý để làm làm loạn mưu của họ, chỉ mất không quá ba chục vạn cân vàng mà chư hầu bị dẹp hết.” Vua Tần nghe kế ấy, gặp Úy Liễu thì làm lễ ngang hàng, cách ăn uống mặc quần áo giống cũng với Liễu. Liễu nói: “Vua Tần là người mũi cao, mắt dài, ngực chim ác, tiếng sói, ít thương người mà có lòng hùm sói, lúc khó khăn thì nhún nhường dưới người, lúc thỏa chí cũng dễ khinh nhờn người. Ta là kẻ áo ải, nhưng vua Tần gặp ta thường tự nhún nhường dưới ta. Nếu vua Tần thỏa chí với thiên hạ thì thiên hạ đều là kẻ bị bắt. Không chơi với vua Tần lâu được.” Bèn bỏ đi. Vua Tần biết, cố giữ lại, cho làm Quốc úy của nước Tần, (Chính nghĩa: Như quan Thái úy của nhà Hán, tước ngang với Đại tướng quân. )cuối cùng dùng mưu kế của Liễu, lại cho Lí Tư nắm việc nước. 
Năm thứ mười một (năm 236 TCN), Vương Tiễn, Hoàn Ỷ, Dương Đoan Hòa đánh huyện Nghiệp, lấy chín thành. Vương Tiễn đánh các thành Át Dư, Liêu Dương, đều hợp thành một cánh quân. Tiễn dẫn quân đi mười tám ngày, cho quan có bổng một đấu trở xuống quay về, cứ mười người lại chọn hai người theo quân, sai Hoàn Ỷ đem quân đánh lấy huyện Nghiệp. 
Năm thứ mười hai (năm 235 TCN), Văn Tín Hầu là Lữ Bất Vi chết, táng ngầm. (Sách ẩn: Xét: Bất Vi nuốt thuốc độc chết, mấy ngàn tân khách của hắn ngầm cùng táng hắn ở núi Bắc Mang huyện Lạc Dương.) Tân khách của hắn đến điếu, nếu là người Tam Tấn thì đuổi đi về, nếu là người Tần có bổng sáu trăm thạch trở lên thì cắt tước, bắt dời đi chỗ khác, có bổng năm trăm thạch trở xuống không đến điếu thì dời đi chỗ khác, không cắt tước. Từ đó về sau, những kẻ nắm việc nước bất đạo như Lạo Ải-Lữ Bất Vi đều bị bắt thu người nhà, lấy đó làm gương. Mùa thu, lại bắt người nhà của Lạo Ải dời đến quận Thục. Vào thời bấy giờ, thiên hạ hạn to, từ tháng sáu đến tháng tám mới có mưa. 
Năm thứ mười ba (năm 234 TCN), Hoàn Ỷ đánh ấp Bình Dương của nước Triệu, giết tướng nước Triệu là Hỗ Triếp, chém mười vạn đầu. Vua đến phía nam sông Hà. Tháng giêng, sao Chổi xuất hiện ở phương đông. Tháng mười, Hoàn Ỷ đánh nước Triệu. 
Năm thứ mười bốn (năm 233 TCN), đánh quân Triệu ở ấp Bình Dương, đánh lấy được thành Nghi An, giết tướng quân giữ thành ấy. Hoàn Ỷ dẹp được các ấp Bình Dương-Vũ Thành. Hàn Phi đi sứ đến nước Tần, vua Tần dùng mưu của Lí Tư, giữ Phi ở lại, Phi chết ở huyện Vân Dương. (Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Thành Vân Dương ở phía tây huyện Vân Dương châu Ung tám chục dặm, có cung Cam Tuyền của Thủy Hoàng nhà Tần ở đấy.”) Vua nước Hàn xin làm bầy tôi. 
Năm thứ mười lăm (năm 232 TCN), phát quân lớn, một cánh quân đến huyện Nghiệp, một cánh quân đến quận Thái Nguyên, đánh lấy huyện Lang Mạnh. Đất động. 
Năm thứ mười sáu (năm 231 TCN), tháng chín, phát quân đến nhận quận Nam Dương của nước Hàn, dùng qụan Thú tên là Thắng. Bắt đầu hạ lệnh con trai ghi tuổi vào sổ sách. Vua nước Ngụy dâng đất cho vua nước Tần. Vua Tần đặt ra áp Li. (Chính nghĩa: Li, đọc là ‘lực tri’ phiên. Quát địa chí chép: “Huyện Tân Phong châu Ung vốn là ấp Li Nhung thời nhà Chu. Tả truyện chép ‘Hiến Công nước Tấn đánh người Li Nhung’. Đỗ Dự chú là tại huyện Tân Phong quận Kinh Triệu, sau đó bị người Tần diệt đặt thành huyện.” )
Năm thứ mười bảy (năm 230 TCN), Nội sử là Thắng đánh nước Hàn, bắt được vua nước Hàn tên là An, thu hết đất ấy, lấy nước ấy đặt thành quận, đặt tên là quận Dĩnh Xuyên. Đất động. Hoa Dương thái hậu chết. Dân đói to. 
Năm thứ mười tám (năm 229 TCN),( Từ Quảng nói: “Ở quận Ba xuất hiện người lớn, dài hai mươi lăm trượng sáu thước.”) phát binh lớn đánh nước Triệu. Vương Tiễn đem quân từ quận Thượng đến đánh lấy huyện Tỉnh Hình. Dương Đoan Hòa đêm quân ở quận Hà Nội đi đánh. Khương Hội đánh nước Triệu. Dương Đoan Hòa vây thành Hàm Đan. 
Năm thứ mười chín (năm 228 TCN), Vương Tiễn, Khương Hội đánh lấy hết đất Đông Dương của nước Triệu, bắt được vua nước Triệu. (Vua Triệu tên là Thiên. Chính nghĩa: Năm thứ tám thời U Mâu Vương nước Triệu, quân Tần đánh nước Triệu, đến huyện Bình Dương, dời vua Triệu đến ở huyện Phòng Lăng.) Dẫn quân muốn đánh nước Yên, đóng đồn ở nước Trung Sơn. Vua Tần đến thành Hàm Đan, gặp những kẻ từng có thù oán với vua từ thời ở nhà mẹ tại nước Triệu, đều chôn họ. Vua Tần về, theo đường từ quận Thái Nguyên-Thượng để đi. Mẹ là Thái hậu của Thủy Hoàng băng. Con vua nước Triệu tên là Gia đem mấy trăm người họ hàng đến ở quận Đại, tự lập làm vua nước Đại, sang phía đông hợp binh với vua nước Yên, đóng quân ở quận Thượng Cốc. Đói to. 
Năm thứ hai mươi (năm 227 TCN), Thái tử nước Yên tên là Đan lo sợ quân Tần đến nước mìn, bèn sai Kinh Kha đi đâm vua Tần. Vua Tần biết được, phanh thây Kha để làm gương, lại sai Vương Tiễn, Tân Thắng đánh nước Yên. Vua các nước Yên-Đại phát binh đánh quân Tần. Quân Tần phá quân Yên ở phía tây sông Dịch. 
Năm thứ hai mươi mốt (năm 226 TCN), Vương Bôn đánh thành Kế. Bèn phát thêm quân đến giúp Vương Tiễn, rút cuộc phá quân của Thái tử nước Yên, lấy thành Kế của nước Yên, chém được đầu của Thái tử tên là Đan. Vua nước Yên sang phía đông thu quân ở quận Liêu Đông mà làm vua ở đấy. Vương Tiễn cáo già bệnh xin về quê. Người huyện Tân Trịnh làm phản. Xương Bình Quân dời đến ở thành Dĩnh. Có mưa tuyết lớn, dày đến hai thước năm tấc. 
Năm thứ hai mươi hai (năm 225 TCN), Vương Bôn đánh nước Ngụy, dẫn nước sông Hà chảy vào thành Đại Lương, thành Đại Lương bèn vỡ. Vua nước Ngụy xin hàng, lấy hết đất ấy. 
Năm thứ hai mươi ba (năm 224 TCN), vua Tần lại gọi Vương Tiễn, ép bắt đi, sai đem quân đánh nước Kinh.( Chính nghĩa: Người Tần gọi nước Sở là nước Kinh là vì kị tên của Trang Tương Vương là Tử Sở.) lấy đất Trần về phía nam đến đất Bình Dư, bắt được vua nước Kinh. Vua Tần đến chơi ở thành Dĩnh, huyện Trần. Tướng nước Kinh là Hạng Yên lập Xương Bình Quân làm vua nước Kinh, phản nước Tần ở phía nam sông Hoài. 
Năm thứ hai mươi tư (năm 223 TCN), Vương Tiễn, Mông Vũ đánh nước Kinh, phá quân Kinh. Xương Bình Quân chết, Hạng Yên bèn tự sát. 
Năm thứ hai mươi lăm (năm 222 TCN), phát binh lớn, sai Vương Bôn đem đi, đánh quận Liêu Đông của nước Yên, bắt được vua Yên tên là Hỉ. Về đánh nước Đại, bắt vua nước Đại tên là Gia. Vương Tiễn bèn dẹp yên miền phía nam sông Giang của nước Kinh, bắt vua người Việt hàng, (Chính nghĩa: Uy Vương nước Sở đã diệt nước Việt, dòng dõi còn lại tự xưng làm quân trưởng, nay hàng quân Tần. )đặt ra quận Cối Kê. Tháng năm, thiên hạ mở tiệc lớn.( Chính nghĩa: Thiên hạ vui mừng mở tiệc lớn uống rượu. Người Tần đã dẹp năm nước Hàn, Triệu, Ngụy, Yên, Sở, cho nên thiên hạ mở tiệc lớn. )
Năm thứ hai mươi sáu (năm 221 TCN), vua nước Tề tên là Kiến cùng Tướng quốc là Hậu Thắng phát binh giữ biên giới phía tây của mình, không qua lại với nước Tần. Vua Tần sai tướng quân là Vương Bôn từ phía nam nước Yên đánh nước Tề, bắt được vua nước Tề tên là Kiến. (Sách ẩn: Sáu nước đều bị diệt. Năm thứ mười bảy thì bắt được vua Hàn là An. Năm thứ mười chín thì bắt được vua Triệu là Thiên. Năm thứ hai mươi hai thì bắt được vua Ngụy là Giả. Năm thứ hai mươi ba thì bắt được vua Kinh là Phụ Sô. Năm thứ hai mươi lăm thì bắt được vua Yên là Hỉ. Năm thứ hai mươi sáu thì bắt được vua Tề là Kiến. )
Vua Tần vừa chiếm cả thiên hạ, lệnh cho các quan Thừa tướng, Ngự sử rằng: “Ngày trước vua Hàn nạp đất trao ấn, xin làm bầy tôi, rồi lại trái ước, hợp tung với các nước Triệu-Ngụy phản nước Tần, cho nên dấy binh diệt đi, bắt được vua Hàn. Quả nhân cho là tốt, ngõ hầu ngừng binh cách. Vua Triệu sai Tướng quốc của mình là Lí Mục đến kết minh, do đó cho con tin của vua Triệu quay về, nhưng lại bội minh, phản ta ở quận Thái Nguyên, do đó dấy binh diệt nước ấy, bắt được vua Triệu. Con vua Triệu là Gia lại tự lập làm vua nước Đại, cho nên phát binh đánh diệt đi. Vua Ngụy lúc trước hẹn theo phục nước Tần, rồi lại mưu với vua các nước Hàn-Triệu đánh úp nước Tần, quân quân Tần lại đánh, bèn diệt nước ấy. Vua Kinh dâng đất từ huyện Thanh Dương về phía tây, (Tập giải: Hán thư Trâu Dương truyện chép: “Nước qua Trường Sa, thuyền về Thanh Dương.” Tô Lâm nói: “Thanh Dương là huyện thuộc quận Trường Sa.“) rồi cũng bội ước, đánh quận Nam của ta, cho nên phát binh đánh, bắt được vua Kinh, rút cuộc dẹp được nước Kinh. Vua Yên hôn loạn, Thái tử của hắn là Đan lại ngầm sai Kinh Kha làm giặc, ta lại phát binh đánh, diệt nước ấy. Vua Tề dùng kế của Hậu Thắng, cắt đứt sứ giả qua lại với nước Tần, muốn làm loạn, quân ta lại đánh, bắt được vua Tề, bình nước Tề. Quả nhân lấy tấm thân cỏn con dấy binh dẹp bạo loạn, cậy vào uy linh của tông miếu, cho nên vua sáu nước phải chịu tội, thiên hạ yên định. Nay nếu không đổi tên gọi thì không lấy gì để nêu công lao truyền cho đời sau. Hãy bàn cách đặt hiệu đế.” Bọn Thừa tướng là Oản, Ngự sử đại phu là Kiếp, (Sách ẩn: Oản họ Vương, Kiếp họ Phùng.) Đình úy là Tư (Tập giải: Ứng Thiệu nói: “Xét hình ngục phải hỏi ở triều đình, cùng tranh cãi với mọi người, quan coi về quân lính và hình phục cùng bậc, cho nên gọi là Đình úy.” )đều nói: “Ngày xưa đất của Ngũ đế vuông một ngàn dặm, ở ngoài là chư hầu theo phục, chư hầu có chầu hoặc không, thiên tử không giữ được. Nay bệ hạ (Tập giải: Sái Ung nói: “Bệ là bậc thềm, là chỗ để lên nhà trên. Thiên tử phải có bầy bôi gần gũi ở bên bậc thềm để ngăn giữ những việc không hay. Gọi là ‘bệ hạ’ là bầy tôi nói với thiên tử, không dám nói thẳng, cho nên xưng là kẻ dưới bậc thềm để nói với thiên tử, tỏ ý kẻ thấp nói với kẻ trên.) dấy quân nghĩa dẹp giặc ác, dẹp bằng thiên hạ, trong nước thành quận huyện, pháp lệnh từ một mối, từ thời xa xưa đến nay chưa từng có, Ngũ đế cũng chẳng hơn được. Bọn thần cẩn thận bàn với quan Bác sĩ (Tập giải: Hán thư bách quan biểu chép: “Bác sĩ là chức quan thời Tần, coi việc xét việc xưa nay.” )rằng: Thời xưa có ‘thiên hoàng’, có ‘địa hoàng’, có ‘thái hoàng’, ‘thái hoàng’ là cao nhất. Bọn thần liều chết dâng hiệu quý gọi vua là ‘thái hoàng’, gọi mệnh là ‘chế’, gọi lệnh là ‘chiếu’, thiên tử tự xưng là ‘trẫm’. (Tập giải: Sái Ung nói: “Trẫm là ta. Thời xưa trên dưới cùng xưng như vậy. Sang hèn không khác, vậy là có ý lấy cùng hiệu. Cao Dao nói với vua Thuấn rằng: ‘Lời trẫm hay, nên làm theo.’ Khuất Nguyên nói: “Tổ tiên của trẫm.’ Đến thời Tần thì mới thiên tử chỉ xưng như thế, nhà Hán cũng noi theo không đổi.” )Vua Tần nói: “Bỏ chữ ‘thái’, chọn chữ ‘hoàng’, lấy hiệu vị ‘đế’ thời xa xưa, gọi là ‘hoàng đế’. Còn lại như lời bàn.” Hạ chế rằng: “Được”. Xét gọi Trang Tương Vương là Thái thượng hàng. Hạ chế rằng: “Trãm nghe nói thời xưa lắm có tên hiệu mà không có tên thụy, thời xưa giữa có tên hiệu, sau khi chết thì xét việc làm để đặt tên thụy. Như thế thì con xét cha, tôi xét vua, rất là không có hay, trẫm chẳng chọn cách ấy. Từ nay về sau bỏ cách đặt tên thụy. Trẫm là hoàng đế đầu tiên, đời sau kể theo thứ tự là đời thứ hai, đời thứ ba cho đến muôn đời, truyền đến không cùng.” 
Thủy Hoàng xét ngũ hành xoay chuyển đầu cuối, (Sách ẩn: Ý nói khí tốt của ngũ hành xoay vần vào nhau trước sau. Hán thư giao tế chí chép: “Người nước Tề là bọn Trâu Tử bàn về sự xoay vần trước sau của ngũ hành, Thủy Hoàng chọn dùng cách ấy.” )cho rằng nhà Chu được khí tốt của hành hỏa, nhà Tần thay nhà Chu phải có khí tốt mà nhà Chu không thắng được.( Chính nghĩa: Nhà Tần cho rằng nhà Chu có khí tốt của hành hỏa, mà diệt được hành hỏa là hành thủy, cho neê xưng hành mà mà Chu không thắng được cho nhà Tần.) Nay đang là lúc bắt đầu của hành thủy, (Sách ẩn: Phong thiện thư chép: “Văn Công nước Tần bắt được con rồng đen, cho là có điềm lành của hành thủy, Thủy Hoàng nhà Tần nhân đó tự nói là có khí tốt của hành thủy.” )đổi tháng đầu năm, chầu hội chúc mừng đều đầu tháng mười.( Chính nghĩa: Nhà Chu lấy tháng kiến tí làm tháng giêng, nhà Tần lấy tháng kiến hợi làm tháng giêng, cho nên đầu năm bắt đầu từ tháng mười mà làm lễ chầu hội chúc mừng.) Quần áo, cờ mao, cờ tiết đều chuộng màu đen. Số đếm thì lấy số sáu làm một mối; phù, mũ đều dài sáu tấc, còn xe thì dài sáu thước, sáu thước là một bước, một cỗ xe có sáu con ngựa kéo. (Tập giải: Trương Yến nói: “Hành thủy là phương bắc, màu đen, cuối là số sáu, cho nên làm phù dài sáu tấc, lấy sáu thước là một bước.” Toản nói: “Hành thủy là số sáu, cho neê lấy số sáu làm tên.” Tiếu Chu nói: “Một bước là lấy chân người làm số đếm, không chỉ có phép tắc của nhà Tần.” Sách ẩn: Quản Tử-Tư mã pháp đều chép sáu thước là một bước. Lễ kí vương chế chép ‘thời xưa tám thước là một bước’. )Đổi tên sông Hà là sông Đức Thủy, cho là bắt đầu của hành thủy. Làm việc nghiêm ngặt cứng rắn, mọi việc đều xét theo hình pháp, khắt khe không có nhân nghĩa ôn hòa, sau mới hợp số thứ tự của ngũ hành. Do đó hình pháp kín kẽ, lâu ngày không tha lỏng. 
Bọn Thừa tướng là Oản nói: “Chư hầu vừa phá, các đất Yên-Tề-Kinh ở xa, nếu không đặt vua thì không sao giữ được. Xin lập các người con làm vương, mong nhà vua nghe theo.” Thủy Hoàng hạ lệnh bầy tôi bàn việc ấy, bầy tôi đều cho là tiện. Đình úy là Lí Tư bàn rằng: “Những con em mà Vũ Vương nhà Chu phong tước cho rất đông, nhưng sau lại xa rời, đánh diệt nhau như oán thù, chư hầu lại lại đánh giết nhau, thiên tử nhà Chu không ngăn lại được. Nay trong nước cậy vào uy linh của bệ hạ mà thành một mối, đều lập ra quận huyện, các con bầy tôi có công đều được thu tô thuế mà ban thưởng cho rất nhiều, vậy là rất dễ ngăn giữ được. Làm cho thiên hạ không có ý khác là kế yên ổn. Đặt chư hầu là việc không tiện.” Thủy Hoàng nói: “Thiên hạ cùng đánh đá khổ sở không ngừng là vì có các vương hầu. Nay cậy vào tông miếu, thiên hạ vừa yên, lại dựng lại các nước là gây ra binh đao vậy. Lúc ấy mong được nghỉ ngơi, há chẳng khó sao! Đình úy nói phải.” 
Chia thiên hạ ra làm ba mươi sáu quận,(Tập giải: Ba mươi sáu quận là Tam Xuyên, Hà Đông, Nam Dương, Nam, Cửu Giang, Chương, Cối Kê, Dĩnh Xuyên, Đãng, Tứ Thủy, Tiết, Đông, Lang Da, Tề, Thượng Cốc, Ngư Dương, Hữu Bắc Bình, Liêu Tây, Liêu Đông, Đại, Cự Lộc, Hàm Đan, Thượng Đảng, Thái Nguyên, Vân Trung, Cửu Nguyên, Nhạn Môn, Thượng, Lũng Tây, Bắc Địa, Hán Trung, Ba, Thục, Kiềm Trung, Trường Sa, cả thảy là ba mươi lăm quận, cùng quận Nội Sử là ba mươi sáu quận. Chính nghĩa: Phong tục thông chép: “Theo phép tắc của nhà Chu thì đất của thiên tử vuông một ngàn dặm, chia thành một trăm huyện, mỗi huyện có bốn quận, cho nên Tả truyện chép ‘Thượng đại phu nhận huyện, Hạ đại phu nhận quận’. Thủy Hoàng bắt đầu đặt ra ba mươi sáu quận để coi xét các huyện.” )mỗi quận đặt quan Thú, Úy, Giám.( Tập giải: Hán thư bách quan biểu chép: “Quan Thú của một quận thời Tần nắm việc trong quận, có quan Thừa, Úy coi về quân lính võ bị, có quan Giám ngự sử coi xét cả quận.”) Đổi gọi dân là ‘đầu đen’. Mở hội uống rượu lớn. Thu lấy binh khí trong thiên hạ tụ ở thành Hàm Dương, (Tập giải: Ứng Thiệu nói: “Thời xưa lấy đồng làm binh khí.” )hủy để làm cồng chuông, đúc thành mười hai tượng người vàng, đều nặng đến một ngàn thạch,( Sách ẩn: Xét: Năm thứ hai mươi sáu có người lớn xuất hiện ở huyện Lâm Thao, cho nên hủy binh khí, đúc mà làm tượng người ấy. Hậu Hán thư của Tạ Thừa chép: “Tượng người đồng là Ông Trọng, Ông Trọng là ten của tượng người đồng.” Tam phụ cựu sự chép: “Mười hai tượng người đồng đều nặng hai mươi tư vạn cân. Đặt ở trước cửa cung Trường Lạc thời nhà Hán.” Đổng Trác hủy mười tượng trong đó để làm tiền, còn hai tượng vẫn còn. Thạch Quý Long dời đến thành Nghiệp, Bồ Kiên lại dời đến thành Trường An mà hủy đi. Chính nghĩa: Hán thư ngũ hành chí chép: “Năm thứ hai mươi sáu, có cả thảy mười hai người lớn dài năm trượng, chân đi giày dài sáu thước, đều mặc áo người Di-Địch, xuất hiện ở huyện Lâm Thao, do đó hủy binh khí, đúc làm tượng người ấy.” Ngụy chí Đổng Trác truyện chép: “Đập phá mười tượng người đồng và cồng chuông để đúc tiền nhỏ.” Quan Trung kí chép: “Đổng Trác hủy tượng người đồng, còn để lại hai tượng, dời đến trong cửa Thanh. Minh Đế nhà Ngụy muốn đem đến thành Lạc Dương, chở đến thành Bá thì nặng không chở được, sau đó Thạch Quý Long dời đến thành Nghiệp, Bồ Kiên lại dời đến thành Trường An mà hủy đi.” Anh hùng kí chép: “Ngày xưa người lớn xuất hiện ở huyện Lâm Thao thì đúc nên tượng người đồng, đến thời Đổng Trác thì hủy tượng người đồng.”) đặt ở trong cung đình. Đặt phép lệnh cách cân đo đếm làm một mối, bánh xe dài bằng nhau, cùng một chữ viết. Đất phía đông đến biển liền nước Triều Tiên; (Chính nghĩa: Biển là phía nam biển Bột đến biển Đông của các châu Dương-Tô-Đài. Ở phía đông bắc là nước Triều Tiên. Quát địa chí chép: “Nước Cao Li đóng đô ở thành Bình Nhưỡng vốn là thành Vương Hiểm quận Lạc Lãng thời Hán, là nước Triều Tiên thời xưa.” )phía tây đến huyện Lâm Thao, miền Khương Trung;( Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Huyện Lâm Thao là châu Thao ngày nay, cũng là đáy của người Khương miền tây thời xưa, ở miền Khương Trung cách tây kinh một ngàn năm trăm năm muơi mốt dặm. Từ phía tây nam huyện Lâm Thao, phủ Phù Tùng châu Phương về phía tây đều là đất của người Khương thời xưa.”) phía nam đến miền cửa nhà quay mặt về phía bắc,( Tập giải: Ngô đô phú chép: “Mở cửa quay mặt về phía bắc để hướng về Mặt Trời.” Lưu Quỳ nói: “Ở phía nam Mặt Trời thì mở cửa quay mặt về phía bắc, tựa như ở phía bắc Mặt Trời thì mở cửa quay mặt về phía nam.” )phía bắc dựa vào sông Hà làm lũy, men huyện Âm Sơn đến quận Liêu Đông. (Tập giải: Địa chí chép: “Quận Tây Hà có huyện Âm Sơn.” Chính nghĩa: Ý nói Từ sông Hà men theo huyện Âm Sơn sang phía đông đến quận Liêu Đông, đắp thành dài để làm ranh giới phía bắc.) Dời mười hai vạn nhà giàu mạnh đến ở thành Hàm Dương. Các miếu và nền đài, vườn Thượng Lâm đều đặt ở phía nam sông Vị. Vua Tần mỗi khi phá được chư hầu liền vẽ lại cung thất của các nước, rồi dựng lại ở trên dốc núi phía bắc thành Hàm Dương, (Tập giải: Từ Quảng nói: “Ở phía tây bắc thành Tràng An, thời Vũ Đế nhà Hán có tên khác là thành Vị.” )phía nam kề sông Vị; từ cửa Ung về phía đông đến sông Kính-Vị, giữa các cung điện lại có đường lối vòng quanh liền nhau; (Chính nghĩa: Miếu kí chép: “Phía bắc đến cung Cửu Tông, cung Cam Tuyền; phía nam đến cung Trường Dương, cung Ngũ Tạc; phía đông đến sông Hà; phía tây đến chỗ giao hội của sông Khiên-Vị; chiều đông tây dài tám trăm dặm, các cung rời quán rạc liền nối nhau. Áo lụa vải thêu, đất phủ thảm đỏ tía, người trong cung không đi ra ngoài, người ở đến già không muốn về, vẫn không đi khắp được.”) bắt được chuông, trống, người đẹp của chư hầu đều cho vào đấy. (Chính nghĩa: Tam phụ cựu sự chép: “Thủy Hoàng lấy sông Hà làm cửa đông của nhà Tần, lấy sông Khiên làm cửa tây của nhà Tần, lấy một trăm năm mươi lăm cung quan làm mặt trong ngoài, có hơn một vạn gái đẹp ở hậu cung, chí lớn xông lên tày trời. )
Năm thứ hai mươi bảy (năm 220 TCN), Thủy Hoàng đi tuần ở các quận Lũng Tây-Bắc Địa, đến núi Kê Đầu, (Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Núi Kê Đầu ở phía đông bắc huyện Thượng Lộc châu Thành hai chục dặm, tại phía tây nam kinh sư chín trăm sáu chục dặm. Lịch Đạo Ngyên nói: “Có lẽ là tên khác của núi Đại Lũng.” Hậu Hán thư Ngôi Hiêu truyện chép: “Vương Mãng chặn ở núi Kê Đầu.” Là núi này. Xét: Phía tây huyện Bình Cao châu Nguyên một trăm dặm cũng có núi Kê Đầu, tại phía tây kinh sư tám trăm dặm, là núi Kê thời Hoàng Đế. )qua cung Hồi Trung. (Tập giải: Ứng Thiệu nói: “Cung Hồi Trung tại huyện Bình Cao quận An Định.” Mạnh Khang nói: “Cung Hồi Trung ở quận Bắc Địa.” Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Cung Hồi Trung tại phía tây huyện Ung châu Kì bốn chục dặm.” Ý nói Thủy Hoàng đi tuần ở miền tây qua phía bắc quận Lũng Tây, từ thành Hàm Dương hướng lên phía tây bắc ra khỏi châu Ninh, đi về phía tây nam đến châu Thành, đến núi Kê Đầu, rồi về phía đông, qua cung Hồi Trung châu Kì). Dựng cung Tín ở phía nam sông Vị, rồi lại đổi cung Tín thành miếu Cực, bắt chước chòm sao Thiên Cực. (Sách ẩn: Dựng cung miếu giống cung sao Thiên Cực cho nên gọi là miếu Cực. Thiên quan thư chép: “Cung giữa gọi là cung sao Thiên Cực.” )Từ miếu Cực làm đường thông đến núi Li; dựng điện trước cung Cam Tuyền. Đắp đường ống, (Tập giải: Ứng Thiệu nói: “Đắp tường thành như ngõ phố.” Chính nghĩa: Ứng Thiệu nói: “Ý nói là đắp tường ở ngoài đường xe ngựa chạy, thiên tử đi ở giữa, người ngoài không thấy được.“) từ thành Hàm Dương liền đến đó. Năm đó, ban tước lên một cấp cho thiên hạ. Sửa đường xe ngựa chạy. (Tập giải: Ứng Thiệu nói: “Đường xe ngựa chạy là đường của thiên tử, đường này như đường cái ngày nay.” Hán thư Giả Sơn truyện chép: “Nhà Tần làm đường cái ở thiên hạ, phía đông nối đất Yên-Tề, phía nam liền đất Ngô-Sở, đến miền sông hồ bờ biển, đều đến xem được. Đường rộng năm mươi bước, bên đường cách ba trượng lại trồng một cây, đắp tường dày ở ngoài, lấy vồ sắt cắm giấu ở trong, lại trồng cây tùng xanh.” )
Năm thứ hai mươi tám (năm 219 TCN), Thủy Hoàng đi tuần ở các quận huyện phía đông, lên núi Dịch huyện Trâu. (Tập giải: Vi Chiêu nói: “Trâu là huyện thuộc nước Lỗ, có núi ở phía bắc huyện ấy.” Chính nghĩa: Quốc hệ chép: “Núi Trâu Dịch cũng có tên là núi Trâu, tại phía nam huyện Trâu châu Duyện ba mươi hai dặm. Núi này cách sông Hà hơn ba trăm dặm.”) Dựng bia đá, nói chuyện với những kẻ sĩ học đạo Nho nước Lỗ, khắc lên đá ca ngợi công đức của nhà Tần, bàn việc phong thiện cúng tế sông núi. (Chính nghĩa: Tấn Thái Khang địa kí chép: “Đắp đàn ở núi Thái để tế trời, cho thấy trời càng cao. Quét đất ở núi Lương Phủ để tế đất, cho thấy đất càng rộng. Dùng rượu đen và mâm cá để tế. Chỗ đất quét dài rộng mười hai trượng. Chỗ đàn đắp cao ba thước, có ba bậc thềm; lại dựng bia đá cao ba thước một tấc rộng ba thước ở trên núi Thái, là bia đá khắc văn của nhà Tần.”) Rồi bèn lên núi Thái, (Chính nghĩa: Núi Thái còn có tên là núi Đại Tông, là núi lớn ở phía đông, tại phía tây bắc huyện Bác Thành châu Duyện ba chục dặm. Sơn hải kinh chép: “Trên núi Thái có nhiều ngọc, dưới núi ấy có nhiều đá.” Quách Phác nói: “Từ dưới lên đến đỉnh núi Thái hết một trăm bốn mươi tám dặm ba trăm bước.” Đạo thư phúc địa kí chép: “Núi Thái cao bốn ngàn chín trăm trượng lẻ hai thước, vòng quanh hai ngàn dặm, có nhiều đá ngọc cỏ thuốc, suối nước ngọt, khe nước dài, có nhà của người tiên. Lại có sáu cái hang xuyên vào lòng núi gọi là phủ quỷ thần. Từ phía trên dưới phía tây núi có hang nhìn thấy trời, vòng quanh ba ngàn dặm, là chỗ quỷ thần xét hỏi.” )dựng bia đá, đắp đàn làm lễ tế trời. Khi xuống núi, gặp mưa gió lớn đến, bèn nghỉ ở dưới cây, nhân đó phong cây ấy làm Ngũ đại phu. Tế đất ở núi Lương Phủ.( Tập giải: Toản nói: “Vua hiền thời xưa tế trời ở núi Thái, tế đất ở núi Đình Đình hoặc núi Lương Phủ, đều là núi nhỏ ở dưới núi Thái, quét đất làm đàn, tế ở núi Lương Phủ.” Chính nghĩa: Tại phía bắc huyện Tứ Thủy châu Duyện tám chục dặm.) Khắc văn lên bia đá mà mình dựng, lời ấy là: 
“Hoàng đế lên ngôi, đặt ra phép tắc sáng suốt, bầy tôi sửa sang cẩn thận. Vào năm thứ hai mươi sáu mới chiếm cả thiên hạ, chẳng ai không theo phục. Tự thân đi tuần xét dân đen ở phương xa, lên núi Thái này mà nhìn khắp miền cuối cùng của phương đông. Bầy tôi đi theo nghĩ nhớ công lao, xét rõ sự nghiệp, ca ngợi công đức. Cái đạo của việc trị nước là làm cho muôn vật được hòa hợp, đều có phép thường, làm cho nghĩa lớn sáng rõ, truyền cho đời sau, nối theo không đổi. Hoàng đế thấu suốt, đã bình thiên hạ, không lười việc nước, dậy sớm ngủ muộn, bày kế làm lợi lâu dài, chăm chỉ giáo hóa, răn dạy truyền bảo, gần xa đều yên, noi theo ý trên. Sang hèn chia rõ, trai gái thuận lễ, kính vâng chức phận, chiếu rọi trong ngoài, chẳng gì không trong sạch, lan đến đời sau. Giáo truyền đến không cùng, ban ra chiếu này, làm gương lâu dài.” 
Do đó bèn men theo biển Bột về phía đông, qua các huyện Hoàng-Thùy,( Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Thành cũ huyện Hoàng tại phía đông nam huyện Hoàng châu Lai hai mươi lăm dặm, là nước Lai thời xưa.”) leo đến đỉnh núi Thành, lên núi Chi Phù, (Tập giải: Địa lí chí chép núi Chi Phù tại huyện Thùy. Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Núi Chi Phù tại phía đông huyện Văn Đăng châu Lai một trăm tám chục dặm. Núi Thành tại phía tây bắc huyện Văn Đăng một trăm chín chục dặm.” Phong thiện thư chép: “Có tám vị thần, thứ năm là thần Dương Chủ, tế ở núi Chi Phù, thứ bảy là thần Nhật Chủ, tế ở núi Thành, đầu núi Thành liền biển.”) dựng bia đá ca ngợi công đức của nhà Tần rồi đi. Về phía nam lên núi Lang Da, rất vui mừng, ở lại đây ba tháng. Lại dời ba vạn nhà dân đầu đen đến ở dưới đài Lang Da, (Tập giải: Địa lí chí chép: “Vua nước Việt là Câu Tiễn từng trị ở huyện Lang Da, dựng đài quán.” Sách ẩn: Sơn hải kinh chép: “Đài Lang Da tại giữa biển Bột, có lẽ là bờ biển có núi hình như cái đài tại quận Lang Da cho nên gọi là đài Lang Da.” Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Phía đông nam huyện Chư Thành châu Đại một trăm bảy chục dặm có đài Lang Da, là đài ngắm biển của vua nước Việt là Câu Tiễn. Phía tây bắc đài chục dặm có thành thành Lang Da thời xưa.” Ngô Việt xuân thu chép: “Năm thứ hai mươi lăm thời vua Việt là Câu Tiễn, dời đô đến thành Lang Da, dựng đài quán để ngắm biển Đông, rồi hiệu lệnh các nước Tần, Tấn, Tề, Sở để giúp đỡ nhà Chu, uống máu hội thề.”) tha thuế cho mười hai năm. Dựng đài Lang Da, dựng bia đá khắc văn ca tụng công đức của nhà Tần để nêu rõ công đức của nà Tần rằng: 
“Vào năm thứ hai mươi sáu, bắt đầu xưng hoàng đế, sửa sang phép tắc, nắn sửa muôn vật, nêu rõ việc người, cha con cùng lòng, nhân nghĩa thánh trí, đạo lí sáng suốt. Sang phía đông vỗ về miền đông để giảm bớt quân lính, việc đã xong cả, bèn đến bờ biển. Công lao của hoàng đế là khuyến khích việc gốc, chuộng nghề nông mà giảm nghề ngọn, do đó dân đầu đen được giàu đủ. Khắp dưới vòm trời này đều dốc lòng gắng chí. Khí giới một mối, chữ viết cùng loại. Chỗ mà Mặt Trời-Mặt Trăng rọi đến, chỗ mà xe thuyền đi đến đều vâng mệnh trên, chẳng ai không vừa ý. Theo thời làm việc, sớm tối không nải. Dẹp bỏ nghi ngờ, sắp đặt phép tắc, đều biết việc mình nên tránh. Quan lại vâng chức, sửa trị công bằng, làm việc đúng đắn, không gì không rõ ràng. Hoàng đế sáng suốt coi xét bốn phương, sang hèn cao thấp không vượt khỏi khuôn phép, không chứa kẻ gian ác, đều nêu cao kẻ hiền lành. Lớn nhỏ trổ hết sức, chẳng dám lười biếng. Dẫu gần hay xa đều chăm làm việc ngay ngắn, thật thà thắng thắn, noi theo lẽ thường. Hoàng đế trổ đức vỗ yên bốn phương, trừ hại dẹp loạn, tìm lợi dựng phúc. Tùy thời đặt việc, làm nên của cải, dân đầu đen được yên ổn, không dùng binh cách. Người thân giúp nhau, chẳng gây cướp bóc, hớn hở vâng lệnh, biết hết phép tắc. Ở trong sáu cõi này đều là đấy đai của hoàng đế, phía tây qua bãi Lưu Sa, phía nam gồm cả miền cửa nhà quay mặt về phía bắc, phía nam có biển Đông, phía bắc qua đất Đại Hạ,( Chính nghĩa: Đỗ Dự nói: “Đại Hạ là huyện Tấn Dương quận Thái Nguyên.”) nơi mà chân người đi đến, không ai không thần phục. Công hơn cả Ngũ đế, ân tỏ đến loài bò ngựa, chẳng ai không được bao bọc, đều được ở yên. 
Nghĩ vua Tần chiếm cả thiên hạ, nêu danh làm hoàng đế, bèn vỗ về miền đông, đến ở núi Lang Da, bọn được phong liệt hầu là Vũ Thành Hầu tên là Vương Li, Thông Vũ Hầu tên là Vương Bôn, bọn được phong luân hầu là Kiến Thành Hầu tên là Triệu Hợi, Xương Vũ Hầu tên là Thành, Vũ Tín Hầu tên là Phùng Vô Trạch, Thừa tướng là Ngôi Lâm, Thừa tướng là Vương Oản, Khanh là Lí Tư, Khanh là Vương Mậu, Ngũ đại phu là Triệu Anh, Ngũ đại phu là Dương Cù đi theo cùng bàn bàn việc ở trên bờ biển rằng: ‘Các vị đế vương thời xưa có đất không quá một ngàn dặm, chư hầu đều giữ lấy ấp phong của mình, hoặc đến chầu hoặc không, xâm lấn đánh nhau, chém giết không thôi mà vẫn khắc văn lên sắt đá tự ghi công của mình. Ngũ đế tam vương thời xưa có phép tắc không giống nhau, hiệu lệnh không rõ, cậy oai của quỷ thần để lừa bốn phương, thực là chẳng có danh thực, cho nên không được lâu dài. Thân họ chưa chết thì chư hầu đã làm phản, pháp lệnh chẳng được dùng. Nay hoàng đế lấy trong nước làm một mối đặt thành quận huyện, thiên hạ hòa bình, nêu rõ ở tông miếu, bày đạo trổ đức, lập nên tôn hiệu. Bầy tôi cùng nhau ca ngợi công đức của hoàng đế, khắc vào sắt đá để làm tấm gương.” 
Đã xong, người nước Tề là bọn Từ Thị dâng thư nói là giữa biển có ba ngọn núi thần là núi Bồng Lai, núi Phương Trượng, núi Doanh Châu, (Chính nghĩa: Hán thư giao tự chí chép: “Người ta truyền nhau là ba ngọn núi thần ấy ở giữa biển Bột, cách chỗ người ở không xa, có lẽ cũng có kẻ đến được, các người tiên và thuốc không chết đều có ở đấy. Muôn vật cầm thú đều màu trắng, lại có vàng ròng bạc trắng làm cung điện. Khi chưa đến thì nhìn xa như mây, đến rồi thì ba ngọn núi thần này đều ở dưới nước; đến kề thì lại sợ, gió liền đẩy thuyền mà đi, rút cuộc chẳng ai đến được. Kẻ làm vua trên đời chẳng ai không cam lòng.”)có người tiên ở đấy, xin được trai giới, cùng trai gái trẻ đi tìm. Do đó sai Từ Thị phát mấy ngàn trai gái trẻ vào biển tìm người tiên.( Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Đảo Đản ở giữa biển Đông, Thủy Hoàng nhà Tần sai Từ Phúc đem trai gái trẻ vào biển tìm người tiên, dừng ở đảo ấy cùng mấy vạn nhà, đến nay người trên đảo còn có kẻ đến chợ ở quận Cối Kê trao đổi hàng hóa. Ngoại quốc đồ của người Ngô chép: “Đảo Đản cách quận Lang Da một vạn dặm.” )
Thủy Hoàng về, qua huyện Bành Thành, (Chính nghĩa: Bành Thành là huyện trị của châu Từ. Thành ở ngoài phía đông của châu, là nước Bành thời xưa. Sưu thần kí chép: “Con thứ ba của Lục Chung là Tiên Khanh được phong ở nước Bành, làm bá thời nhà Thương.” Ngoại truyện chép: “Cuối thời nhà Ân, diệt họ Bành Tổ.”) trai giới cầu đảo, muốn để cái vạc của nhà Chu ở sông Tứ nổi lên. Sai một ngàn người lặn xuống sông tìm cái vạc ấy nhưng không được. Lại đi về phía tây nam vượt sông Hoài, đến núi Hành, (Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Núi Hành còn có tên là núi Cẩu Lũ, tại phía tây huyện Tương Đàm châu Hành bốn mươi mốt dặm.”) quận Nam. Đi trên sông Giang đến miếu thờ núi Tương, (Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Miếu Hoàng Lăng tại phía bắc huyện Tương Âm châu Nhạc năm mươi bảy dặm có thờ vị thần là hai người vợ của vua Thuấn. Mộ của hai người vợ ấy ở trên núi Thanh Thảo phía bắc huyện Tương Âm một trăm sáu chục dặm.” Kinh châu kí của Thịnh Hoằng Chi chép: “Phía nam hồ Thanh Thảo có núi Thanh Thảo, hồ ven núi mà có tên ấy.” Liệt nữ truyện chép: “Vua Thuấn đi đến đấy, chết ở núi Thương Ngô. Hai bà vợ chết ở giữa vùng Giang-Hồ, nhân đó táng ở đấy.” Xét: Núi Tương là núi Thanh Thảo. Núi gần sông Tương, miếu ở phía nam núi, cho nên nói là miếu thờ núi Tương. )gặp gió lớn, gần như không qua được. Vua hỏi quan Bác sĩ rằng: “Thần núi Tương là thần gì?” Bác sĩ đáp nói: “Nghe nói là con gái của vua Nghiêu, vợ của vua Thuấn được táng ở đây.” (Sách ẩn: Liệt nữ truyện cũng cho là thần núi Tương là con gái của vua Nghiêu. Xét: Sở từ cửu ca có chép thần núi Tương, phu nhân của thần núi Tương, phu nhân là con gái của vua Nghiêu, vậy thì thần núi Tương phải là vua Thuấn. )Do đó Thủy Hoàng cả giận, sai ba nghìn kẻ có tội lao dịch chặt cây ở núi Tương, đốt núi ấy, rồi từ quận Nam theo đường cửa Vũ đi về. (Tập giải: Ứng Thiệu nói: “Cửa Vũ là cửa ải phía nam của nước Tần, thông với quận Nam Dương.” )
Năm thứ hai mươi chín (năm 218 TCN), Thủy Hoàng đi chơi ở miền đông, đến giữa bãi Bác Lãng huyện Vũ Dương thì bị bọn cướp gây sợ. Tìm chẳng được, bèn hạ lệnh thiên hạ tìm bắt mười ngày. Lên núi Chi Phù, khắc văn lên đá, lời văn rằng: 
“Bấy giờ vào tháng giữa mùa xuân năm thứ hai mươi chín, khí dương đang nổi, hoàng đế đi chơi ở miền đông, đến lên núi Phi Chù, ngắm nhìn ra biển. Bầy tôi đi theo ngắm khen, tấm lòng phơi phới, xét nghĩ trước sau thấy bậc vua thánh trị nước, sắp đặt pháp lệnh, nêu rõ rường mối, truyền dạy chư hầu ở ngoài, làm rõ nghiệp văn, nêu cao lẽ phải. Sáu nước gây ác, tham bạo không ngừng, giết chóc không thôi. Hoàng đế xót muôn vật, bèn phát binh đánh dẹp, trước nêu oai võ, giữ lấy tín nghĩa, tiếng oai vang khắp, chẳng ai không phục. Trừ diệt cường bạo, cứu giúp dân đầu đen. Dẹp yên bốn cõi, bày đặt phép tắc, làm rường mối cho thiên hạ, mãi làm tấm gương. Lớn lao thay! Trong cõi đời này đều nghe theo lệnh vua. Bầy tôi khen công, xin khắc vào đá, nêu ra làm phép thường.” 
Ở góc phía đông có văn rằng: 
“Vào năm thứ hai mươi chín, hoàng đế đi chơi xuân, xem xét phương xa, đến tại bờ biển, rồi lên núi Chi Phù, đợi đón Mặt Trời buổi sớm, ngắm nhìn vẻ sáng rõ. Bầy tôi đi theo đều nghĩ rằng đạo lớn rất sáng suốt, phép tắc mới dựng, quét sạch trong nước, đánh dẹp cường bạo ở ngoài, trổ nêu oai võ, lẫy lừng bốn cõi, bắt diệt vua sáu nước, chiếm lấy thiên hạ, cắt trừ tai họa, cất xếp binh cách. Hoàng đế tỏ đức sáng, sửa trị cả nước, xem xét không lười, nêu dựng nghĩa lớn, sắp đặt khí vật, đều có hiệu lệnh. Bầy tôi theo mệnh, đều biết việc nên làm, không có nghi ngờ. Dân đầu đen theo giáo hóa, xa gần cùng một mối, suốt đời không gây lỗi, thường theo chức phận, đời sau nối nghiệp, mãi vâng phép tắc. Bầy tôi khen đức, ca tụng công nghiệp, xin khắc vào núi Chi Phù.” 
Rồi lại đến núi Lang Da, theo đường quận Thượng Đảng đi về. 
Năm thứ ba mươi (năm 217 TCN), không có việc gì. 
Năm thứ ba mươi mốt (năm 216 TCN), tháng mười hai, đổi lễ chạp thành lễ ‘gia bình’. (Tập giải: Nội kỉ của người tiên quận Thái Nguyên là Mao Doanh chép: “Ngày canh tí tháng chín năm thứ ba mươi mốt thời Thủy Hoàng, ông tổ xa của Doanh tên là Mông đi đến giữa núi Hoa, cưỡi rồng lướt mây, ban ngày lên trời. Trước đó trong ấp có câu hát rằng: ‘Mới gặp thần tiên là họ Mao, cưỡi rồng lên trên vào trời xanh. lại xuống bãi đen chơi ở thành đỏ, đời sau là đến đời Doanh ta, nếu vua học theo sẽ gia bình’. Thủy Hoàng nghe câu hát thì hỏi vì sao, người già cả đáp đấy là câu hát của người tiên, khuyên vua tìm học thuật sống lâu. Do đó Thủy Hoàng vui mừng, bèn có ý tìm người tiên, nhân đó đổi lễ chạp thành lễ gia bình.” )Ban sáu trăm thạch gạo, hai con dê cho mỗi làng dân đầu đen. Thủy Hoàng ngầm đi tuần ở thành Hàm Dương, đi cùng với bốn võ sĩ, buổi đêm ra gặp bọn cướp ở ao Lan (Chính nghĩa: Tần kí chép: “Thủy Hoàng đóng đô ở thành Tràng An, dẫn nước sông Vị vào làm ao, đắp hòn Bồng Lai, hòn Doanh Châu, đẽo đá làm cá kình, dài hai trăm trượng.”) bị nguy cấp, võ sĩ đánh giết kẻ cướp, hạ lệnh miền Quan Trung tìm bắt hai chục ngày. Giá mỗi thạch gạo lên đến một ngàn sáu trăm tiền. 
Năm thứ ba mươi hai (năm 215 TCN), Thủy Hoàng đến núi Kiệt Thạch, sai người nước Yên là Lô Sinh tìm bọn Tiện Môn-Cao Thệ, (Tập giải: Vi Chiêu nói: “Là người tiên thời xưa.” )khắc văn ở cửa núi Kiệt Thạch, hủy thành quách để đắp đê ngăn nước. Lời văn rằng: 
“Hoàng đế phát quân lính đánh diệt kẻ vô đạo, dẹp yên kẻ phản, dùng võ trừ bạo nghịch, vỗ về kẻ vô tội, lòng người đều chịu phục. Luận khen công lao, thưởng đến cả loài bò ngựa, ân trùm khắp cõi. Hoàng để trổ oai, tỏa đức trùm chư hầu, thiên hạ thái bình. Phá hủy thành quách để làm đê ngăn nước, dẹp bằng chỗ gập ghềnh. Thế đất đã định, dân đen không còn lao dịch, thiên hạ đều yên. Đàn ông vui nghề cày cấy, đàn bà sửa nghề dệt vải, đều có thứ tự, ban ân khắp trăm nghề, chăm nghề làm ruộng, chẳng gì không ổn. Bầy tôi khen nghiệp lớn, xin khắc vào đá, nêu làm khuôn khổ.” 
Nhân đó sai bọn Hàn Chung, Hầu Sinh, Thạch Sinh tìm mngười tiên, thuốc không chết. Thủy Hoàng đi tuần ở biên giới phía bắc, từ quận Thượng đi về. Người nước Yên là Lô Sinh được sai đi vào biển vừa về kể chuyện quỷ thần, giúp nhà Tần chép sách bói, có chép: “Kẻ làm nhà Tần mất là rợ Hồ.” (Tập giải: Trịnh Huyền nói: “Hồ là Hồ Hợi, tên của Nhị Thế nhà Tần. Vua Tần thấy sách bói, không đấy là tên người, trái lại ngăn rợ Hồ.) Thủy Hoàng bèn sai tướng quân là Mông Điềm phát ba chục vạn quân lên phía bắc đánh rợ Hồ, cuớp lấy đất phía nam sông Hà. (Chính nghĩa: Là các châu Linh, Hạ, Thắng ngày nay. )
Năm thứ ba mươi ba (năm 214 TCN), phát những kẻ từng trốn tránh, ở rể, nhà buôn đi cướp lấy dất Lục Lương, (Sách ẩn: Là nói người ở phương nam, tính người ngang ngạnh, cho nên gọi là Lục Lương. Chính nghĩa: Người ở phía nam núi Ngũ Lĩnh phần nhiều ở trên núi, tính cách cứng cỏi, cho nên gọi là Lục Lương. )đặt thành các quận Quế Lâm,( Tập giải: Vi Chiêu nói: “Là quận Uất Lâm ngày nay.” Tượng, Tập giải: Vi Chiêu nói: “Là quận Nhật Nam ngày nay.” )Nam Hải, (Chính nghĩa: Là huyện Nam Hải châu Quảng ngày nay. đem lính thú đến giữ. Tập giải: Từ Quảng nói: “Năm mươi vạn người giữ ở núi Ngũ Lĩnh.” Quảng châu kí chép: “Ngũ Lĩnh có năm chỗ là Đại Dũ, Thủy An, Lâm Hạ, Yết Dương, Quế Dương.” )Phía tây bắc xua đuổi người Hung Nô, từ huyện Du Trung men sông Hà về phía đông liền đến huyện Âm Sơn đặt thành ba mươi tư huyện, đắp thành ở men sông Hà làm lũy. Lại sai Mông Điềm vượt sông Hà đánh lấy núi Cao Khuyết,( Chính nghĩa: Núi Cao Khuyết tại phía bắc quận Ngũ Nguyên, hai ngọn núi đối nhau như cửa ải, rất cao, cho neê gọi là núi Cao Khuyết. )núi Đào, đất Bắc Giá. Đắp đình lũy để ngăn đuổi người Nhung. Dời những kẻ bị đày đến giữ ở các huyện mới. Cấm không được thờ. Sao sáng xuất hiện ở phương tây.( Tập giải: Từ Quảng nói: “Hoàng Phủ Mật nói là sao Chổi xuất hiện.” )
Năm thứ ba mươi tư (năm 213 TCN), đày những quan coi ngục không ngay thẳng đi đắp thành dài và đi giữ đất Nam Việt. (Chính nghĩa: Là nói đi làm lính thú ở đất Ngũ Lĩnh, là đất của người Việt miền nam. )
Thủy Hoàng bày tiệc rượu ở cung Hàm Dương, bảy mươi quan Bác sĩ lên chúc thọ, quan Bộc xạ là Chu Thanh Thần lên khen rằng: “Thời xưa đất Tần không quá một ngàn dặm, nay cậy vào sự sáng suốt thần linh của bệ hạ đã dẹp yên trong nước, xua đổi người Man-Di, khắp nơi Mặt Trời-Mặt Trăng chiếu đến không ai không theo phục. Lấy đất chư hầu làm quận huyện, người người tự yên vui, không còn cái hại của tranh giành, truyền đến muôn đời. Từ thời xưa đến nay chẳng ai uy đức bằng của bệ hạ.” Thủy Hoàng vui. Quan Bác sĩ người nước Tề là Thuần Vu Việt lên nói: “Thần nghe nói các nhà Ân-Chu làm vua hơn một ngàn năm, phong ấp cho con em, bầy tôi có công để tự làm cành nhánh giúp đỡ. Nay bệ hạ có cả nước mà con em như kẻ dân thường, nếu chợt có bầy tôi như bọn Điền Thường, lục khanh thì chẳng có giúp đỡ, lấy gì để cứu nhau đây? Làm việc mà không noi theo người xưa mà lâu dài được là điều mà thần chưa được nghe nói. Nay Thanh Thần lại đối mặt a dua làm cái lỗi của bệ hạ càng nặng, đấy không phải là tôi trung.” Thủy Hoàng hạ lệnh bàn việc ấy, Thừa tướng là Lí Tư nói: “Ngũ đế không giống nhau, Tam đại không theo nhau mà đều yên. Không phải là họ cố làm trái nhau, mà là mỗi thời lại đổi khác. Nay bệ hạ làm nghiệp lớn, dựng công của vạn đời, vốn chẳng phải là việc mà bọn nhà Nho dốt nát biết được. Vả lại lời Việt là việc của thời Tam đại, há đáng bắt chước? Thời xưa chư hầu cùng tranh giành, cho nên mời gọi đon đả những kẻ sĩ du thuyết có học. Nay thiên hạ đã định, pháp lệnh ban ra tự một mối, trăm họ ở nhà thì gắng sức cày ruộng làm thợ, kẻ sĩ thì học tập luật lệnh phép cấp. Nay những học trò không lo làm việc ngày nay mà lại học theo lối xưa để chê bai việc thời nay, dối gạt dân đầu đen. Thừa tướng là Tư liều chết xin nói rằng: Thời xưa thiên hạ rối loạn, chẳng hợp một được, do đó chư hầu cùng nổi lên, đều nói chuyện xưa để làm gạt bỏ việc nay, trau chuốt lời nói suông để gây loạn việc thật, người ta giỏi lấy cái điều mà riêng mình học để chê bai cái việc mà nhà vua làm nên. Nay hoàng đế có cả thiên hạ, chia trắng đen mà sắp đặt từ một vua. Những kẻ học riêng kia cùng nhau chê bai pháp lệnh, người ta khi nghe pháp lệnh ban ra thì đều dựa vào cái học của mình mà bàn luận, vào chầu thì trong lòng cho là sai, ra ngoài thì bàn luận ở ngõ hẻm, khoe khang với vua để tự kiếm danh, làm lấy việc lạ để tự cho là cao đẹp, hòa theo mọi người để nói lời chê trách. Như thế không cấm thì oai thế của nhà vua sẽ giảm ở trên, kết thành phe đảng ở dưới. Nên cấm là hơn. Thần xin quan chép sử nếu sách sử không phải ghi chép về nhà Tần thì đều đốt đi. Nếu không phải là sách mà quan Bác sĩ nắm giữ thì thiên hạ ai có sách Thi-Thư cất giấu, sách của các nhà đều đem đến chỗ quan Thú, Úy đốt hết đi. Nếu dám họp nhóm nói về kinh Thi-Thư thì bắt chém vứt thây ở chợ. (Tập giải: Ứng Thiệu nói: “Cấm người dân tụ lại bàn tán là sợ họ che bai mình.” )Lấy việc xưa chê việc nay thì giết cả họ. Quan lại thấy biết mà không báo lên thì coi như cùng tội. Hạ lệnh ba mươi nay mà không đốt sách ấy thì bị tội khắc chữ lên mặt đày đi đắp thành. (Tập giải: Như Thuần nói: “Luật thư chép là xét tội rồi cắt tóc, đóng gông, đày đến biên giới đắp thành dài, ban ngày dò ngóng bọn giặc, ban đêm thì đắp thành dài.’ Chịu tội đày đi đắp thành bốn năm.” )Những sách không bỏ là sách chữa bệnh, xem bói, trồng cây. Nếu có muốn học pháp lệnh thì lấy quan lại dạy cho.” Hạ chế rằng: “Được.” 
Năm thứ ba mươi lăm (năm 212 TCN), sửa đường, làm đường từ huyện Cửu Nguyên đến huyện Vân Dương, san núi lấp hang để thông thẳng đến đấy. Do đó Thủy Hoàng cho là người ở thành Hàm Dương đông mà cung đình có từ thời vua trước lại nhỏ, nghe nói Văn Vương nhà Chu đóng đô ở ấp Phong, Vũ Vương đóng đô ở ấp Hạo, vậy thì giữa ấp Phong-Hạo là đất đóng đô của đế vương. Bèn xây dựng cung hội chầu ở trong vườn Thượng Lâm phía nam sông Vị. Trước là dựng cung điện A Phòng, (Quát địa chí chép: “Cung A Phòng của nhà Tần cũng gọi là thành A, tại phía tây bắc huyện Tràng An châu Ung mười bốn dặm.” Xét: Nhan Sư Cổ nói: “A nghĩa là gần, vì cung này cách gần thành Hàm Dương, cho nên gọi là A Phòng.”) chiều đông tây dài năm trăm bước, chiều nam bắc dài năm mươi trượng, trên điện chứa được một vạn người ngồi, dựng được cờ dài năm trượng(. Chính nghĩa: Tam phụ cựu sự chép: “Cung A Phòng chiều đông tây dàu ba dặm, chiều nam bắc dài năm trăm bước, trong cung chứa được vạn người, lại đúc mười hai tượng người đồng đặt ở trước cung. Cung A Phòng lấy đá từ làm cửa, phía bắc cung A Phòng là cửa khuyết.”) Làm đường gác vây quanh, từ dưới điện thẳng đến núi Nam, sửa đỉnh núi Nam để làm cửa khuyết. Làm đường cầu từ cung A Phòng bắc qua sông Vị liền đến thành Hàm Dương để bắt chước chòm sao Các Đạo vắt từ chòm sao Thiên Cực qua sông Ngân Hán đến chòm sao Doanh Thất. Làm cung A Phòng chưa xong, sau khi xong lại chọn tên hat đặt tên cho nó, vì nó gần cung vua cho nên thiên hạ gọi nó là cung A Phòng. Phát hơn bảy mươi người bị tội thiến, đi đày chia ra làm cung A Phòng, hoặc ra đắp dựng ở núi Li. Lấy quách đá ở núi Bắc, lại chở gỗ ở đất Thục-Kinh đem đến. Tính ra miền Quan Trung có ba trăm cung, miền ngoài cửa Hàm Cốc có hơn bốn trăm cung, do đó dựng bia đá ở giữa huyện Cù miền ven biển Đông để làm cửa đông của nhà Tần, nhân đó dời ba vạn nhà đến ở ấp Li, dời năm vạn nhà đến ở huyện Vân Dương, đều tha không phải làm lao dịch mười năm. 
Lô Sinh khuyên Thủy Hoàng rằng: “Bọn thần tìm nấm ngon thuốc tiên thường không gặp được, có lẽ là do vật gì làm hại. Bọn thần cho rằng nhà vua nên đi tuần ngầm để tránh quỷ ác, quỷ ác tránh thì người tiên sẽ đến. Chỗ mà nhà vua ở thì bầy tôi cũng biết, vậy cũng gây hại đến thần linh. Người tiên nhảy vào nước mà không ướt, nhảy vào lửa mà không chín, lướt khí mây, sống lâu với trời đất. Nay nhà vua trị thiên hạ chưa được yên ổn, xin nhà vua chớ để người khác biết chỗ mà mình ở, sau đó mới chắc tìm được thuốc không chết.” Do đó Thủy Hoàng nói: “Ta thích người tiên, tự gọi là ‘chân nhân’, không xưng là ‘trẫm’.” Bèn hạ lệnh cho hai trăm bảy mươi cung quán trong vòng hai trăm dặm ở bên thành Hàm Dương đều dùng đường cầu nối thông với nhau, đem màn trướng, chuông trống, người đẹp vào đấy, đều sắp đặt không được dời chuyển. Đi đến đây mà có kẻ nói nhà vua ở đấy thì bắt tội chết. Thủy Hoàng Đế đến cung Lương Sơn, từ trên núi thấy xe ngựa của Thừa tướng đông, có ý không vui. Có kẻ trong cung báo với Thừa tướng, sau Thừa tướng giảm xe ngựa, Thủy Hoàng giận nói: “Người trong cung để lộ lời ta.” Xét hỏi chẳng ai chịu nói. Vào thời ấy, hạ chiếu đều bắt giết những người ở bên nhà vua lúc ấy. Từ sau đó chẳng ai biết nhà vua đi đến đâu. Nghe chầu thì bầy tôi nhận lấy việc, đều ở cung Hàm Dương. 
Hầu Sinh, Lô Sinh mưu với nhau rằng: “Thủy Hoàng vốn là người khắc nghiệt tự theo ý mình, nổi lên từ chư hầu mà chiếm được thiên hạ, muốn gì được nấy, cho là từ xưa chẳng ai bằng mình. Chỉ chăm dùng hình ngục, quan coi ngục được tin dùng. Dẫu có bảy mươi quan Bác sĩ mà chỉ để đấy không dùng. Các quan lớn Thừa tướng đều nhận được việc xong, rồi cậy dựa vào nhà vua. Nhà vua thích việc xửa tội chết để ra oai, thiên hạ sợ tội mà giữ lộc, chẳng ai dám dốc hết lòng trung. Nhà vua không nghe nói về lỗi của mình cho nên ngày càng kiêu ngạo, bầy tôi thì nhún mình nói dối để yên thân. Theo pháp lệnh của nhà Tần, không được làm hai nghề,( Chính nghĩa: Ý nói nhà Tần hạ lệnh không được làm hai nghề, sai dân có nghề phương thuật gì cũng không được làm hai thuật, thử mà không được thì ban tội chết. Ý nói hình pháp khốc bạo.) nếu không đúng thì bị tội chết. Thế mà có đến ba trăm người làm nghề xem khí, sao đều là kẻ sĩ giỏi, lo sợ a dua mà không dám nói thẳng cái lỗi của nhà vua. Các việc không kể lớn nhỏ trong thiên hạ đều được nhà vua xử lấy, nhà vua đến nỗi cân các sách đủ một thạch, ngày đêm có hẹn, nếu không đúng thì không nghỉ ngơi. Nhà vua tham quyền thế đến như vậy, ta không nên tìm thuốc tiên nữa.” Do đó bèn bỏ trốn. Thủy Hoàng nghe tin, bèn cả giận nói: “Ta lúc trước thu lấy sách không được dùng trong thiên hạ mà bỏ hết đi. Gọi những kẻ sĩ học văn học nghề phương thuật đến rất nhiều, muốn để bày cách làm thiên hạ thái bình. Kẻ sĩ phương thuật muốn luyện đan để tìm thuốc tốt. Nay nghe nói Hàn Chung bỏ đi mà không báo, bọn Từ Thị làm tốn kém đến hàng vạn tiền, cuối cùng chẳng tìm được thuốc, chỉ nghe làm việc gian ham lợi với nhau truyền đến ta. Ta tôn quý ban tặng bọn Lô Sinh rất nhiều, nay lại che bai ta để làm lỗi ta thêm nặng. Những kẻ học đạo ở thành Hàm Dương kia, ta đã sai người đến xét hỏi, có kẻ nói lời dối trá để lừa gạt dân đầu đen.” Do đó sai quan Ngự sử xét hỏi hết các kẻ sĩ học đạo, các kẻ sĩ học đạo lại tố cáo lẫn nhau, bèn tự bắt hơn bốn trăm kẻ phạm cấm rồi chôn ở thành Hàm Dương, cho thiên hạ biết việc ấy để răn người đời sau. Phát thêm kẻ bị đày đến ở biên giới. Con cả của Thủy Hoàng là Phù Tô can ngăn nói: “Thiên hạ mới định, dân đầu đen phương xa chưa vững, các kẻ sĩ học đạo đều bắt chước Khổng Tử, nay nhà vua đều dùng hình pháp nặng nề bắt trói họ, thần sợ là thiên hạ không yên. Mong nhà vua xét lấy.” Thủy Hoàng giận, sai Phù Tô lên phía bắc coi xét Mông Điềm ở quận Thượng. 
Năm thứ ba mươi sáu (năm 221 TCN), sao Huỳnh Hoặc phạm vào chòm sao Tâm. Có sao rơi xuống quận Đông, đến đất thì thành đá, có kẻ dân đầu đen khắc lên hòn đá ấy rằng: “Thủy Hoàng Đế chết thù đất chia.” Thủy Hoàng nghe tin, sai quan Ngự sử đến hỏi, chẳng ai chịu nói, bèn bắt giết hết những người ở bên hòn đá, rồi đốt chảy hòn đá ấy. Thủy Hoàng không vui, sai quan Bác sĩ làm thơ về người tiên và những nơi trong thiên hạ mà mình đi chơi, truyền lệnh người chơi nhạc hát bài thơ ấy. Mùa thu, sứ giả buổi đêm từ miền Quan Đông đi qua đường Bình Thư huyện Hoa Âm, (Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Thành cũ Bình Thư tại phía tây bắc huyện Hoa Âm châu Hoa sáu dặm.” Thủy kinh chú chép: “Sông Vị lại chảy về phía đông qua phía bắc thành Bình Thư, thành này dựa vào bến sông Vị, một nửa chìm vào nước, mé nam thông vào đường lớn. Ngày xưa nhà Tần sắp mất, thần sông đem ngọc bích đến ở đường Bình Thư huyện Hoa Âm là chỗ ấy.”) có người cầm ngọc bích chặn sứ giả nói: “Giúp ta gửi cho thần đầm Hạo.”( Tập giải: Phục Kiền nói: “Là thần sông.” Trương Yến nói: “Vũ Vương đóng đô ở ấp Hạo, thần đầm Hạo là Vũ Vương. Vũ Vương đánh nhà Thương, cho nên thần sông nói Thủy Hoang dâm hoang như vua Trụ, nay cũng nên đánh.” Mạnh Khang nói: “Phía tây nam thành Tràng An có thần đầm Hạo.” Sách ẩn: Phục Kiền nói: “Là thần sông. Thần sông đem ngọc bích cho thần đầm Hạo, báo cho biết Thủy Hoàng sắp chết. Vả lại nhà Tần nhờ khí tốt của hành thủy mà làm vua, cho nên vua Tần sắp mất thì thần sông sẽ báo cho biết trước.” Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Nguồn sông Hạo xuất từ đầm Hạo phía tây bắc huyện Tràng An châu Ung.” Thủy kinh chú của Lịch Đạo Nguyên chép: “Sông Hạo xuất từ đầm Hạo, phía tây bắc chảy vào sông Vị.” )Rồi lại nói: “Nay nay rồng tổ chết.” (Tập giải: Tô Lâm nói: “Tổ là đầu. Rồng là biểu tượng của người làm vua, là chỉ Thủy Hoàng.” Phục Kiền nói: “Rồng là biểu tượng của tổ tiên loài người, ý nói vua cũng là tổ tiên của loài người.” Ứng Thiệu nói: ” Tổ là tổ của người. Rồng là biểu tượng của vua.” )Sứ giả hỏi vì sao, nhưng chợt không thấy nữa, đặt lại ngọc bích. Sứ giả đem ngọc bích về kể mọi chuyện lên. Thủy Hoàng im lặng hồi lâu nói: “Quỷ núi vốn biết chẳng quá các việc trong một năm.” Khi tan chầu lại nói: “Rồng tổ là tổ tiên của loài người vậy.” Sai quan trong cung xem ngọc bích thì là tấm ngọc bích mà năm thứ hai mươi tám khi đi qua sông Giang bị chìm. Do đó Thủy Hoàng bói việc này, được quẻ cho rằng đi chơi thì tốt. Dời ba vạn nhà đến huyện Du Trung ở miền ven sông Hà phía bắc, tăng tước một cấp. 
Năm thứ ba mươi bảy (năm 210 TCN), tháng mười, ngày quý sửu, Thủy Hoàng ra chơi. Tả thừa tướng là Tư đi theo. Hữu thừa tướng là Khứ Tật ở nhà. Con út là Hồ Hợi được yêu mến xin đi theo, nhà vua hứa cho. Tháng mười một, đi đến đầm Vân Mộng, từ xa tế vua Thuấn nhà Ngu ở núi Cửu Nghi.( Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Núi Cửu Nghi tại phía đông nam huyện Đường Hưng châu Vĩnh một trăm dặm.” Hoàng lãm trủng mộ kí chép: “Mộ vua Thuấn ở núi Cửu Nghi huyện Doanh Phố quận Linh Lăng.” )Xuôi theo sông Giang đi xuống, xem bãi Tịch Kha, vượt bãi sông, qua quận Đan Dương, (Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Quận Đan Dương thời xưa tại phía đông nam huyện Giang Ninh châu Nhuận năm dặm. Nhà Tần chiếm cả thiên hạ, lấy đất ấy thành quận Chương.” )đến huyện Tiền Đường. Đến bên sông Chiết, (Tập giải: Tấn chước chép: “Sông này chảy về phía đông đến phía bắc núi Cối Kê thì bẻ về phía tây, cho nên gọi là sông Chiết, đọc là ‘chiết’.” )gặp sóng nước lớn bèn về phía tây một trăm hai chục dặm từ chỗ hẹp mà qua sông. Lên núi Cối Kê tế vua Vũ, nhìn về biển Nam, bèn dựng bia đá khắc văn khen đức của nhà Tần. Lời văn rằng: (Chính nghĩa: Bia này thấy ở trên núi Cối Kê. Lời văn và chữ khắc đều là của Lí Tư, mỗi chữ vuông bốn tấc, nét chư bằng nhón tay nhỏ, khắc hình tròn. Nét chữ khắc ngay thẳng, là chữ tiểu triện. )
“Hoàng đế sáng suốt, dẹp bằng cả nước, đức huệ tỏa mãi. Năm thứ ba mươi bảy đi tuần thiên hạ, xem khắp phương xa, rồi lên núi Cối Kê, xem xét thói tục, dân đầu đen cung kính. Bầy tôi khen công, nêu rõ ngọn nguồn, tỏ tính cao minh. Vua Tần dựng nước, sắp đặt hiệu lệnh, bày xếp phép tắc, mới sửa luật lệ, chia rõ chức phận, lập nên thói thường. Vua sáu nước ngang ngạnh, tham lam hung hăng, nóng nổi tự cường, bạo ngược buông thả, cậy sức kiêu căng, nhiều phen dấy binh, ngầm sai sứ qua lại để theo việc hợp tung, bày ra kế xấu, trong giấu mưu gian, ngoài đến lấn cướp, rút cuộc gây tai họa. Hoàng đế bèn tỏ oai nghĩa diệt chúng, dẹp trừ bạo ngược, giặc ác diệt vong. Đức thánh rộng lớn, ở trong sáu cõi đều được mang ơn không cùng. Hoàng đế chiếm cả nước, nắm lấy mọi việc, xa gần đều yên. Sắp đặt muôn vật, xét kĩ việc thật, đều được ghi tên. Sang hèn đều hiểu, tốt xấu cùng tỏ, chẳng có che giấu, dẹp trái khen phải. Có con mà lấy chồng khác (Chính nghĩa: Ý nói chồng chết còn có con nhưng bỏ mà lấy chồng khác.) là làm trái không có tiết hạnh. Chia rõ trong ngoài, ngăn ngừa dâm dật. Trai gái trong trắng. Nếu chồng ở lang chạ (Sách ẩn: Ý nói chồng thông dâm nhà khác. )thì được giết mà không bắt tội, con trai theo lề thói. Vơj bỏ chồng theo người khác, con không được nhận làm mẹ, đều phải dạy dỗ. Sửa lại tục xấu, thiên hạ hướng về, noi theo đạo tốt, đều vâng pháp lệnh, yên ổn gắng chí, chẳng ai không kính thuận. Dân đầu đen tốt đẹp, vui vẻ cùng nhau, vững nền thái bình. Đời sau vâng mệnh, truyền đến không cùng, xe thuyền không lật. Bầy tôi đi theo khen đức, xin khắc vào bia đá, nêu rõ đạo hay.” 
Về qua quận Ngô, từ huyện Giang Thặng qua sông. (Tập giải: Địa lí chí chép: “Quận Đan Dương có huyện Giang Thặng.”,) ben theo bờ biển lên phía bắc đến quận Lang Da. Kẻ sĩ học phương thuật là bọn Từ Thị vào biển tìm thuốc tiên nhiều năm không được, tốn nhiều, sợ bị phạt, bèn nói dối rằng: ” Thuốc tiên ở đảo Bồng Lai sẽ lấy được, nhưng thường bị cá giao lớn gây khó, cho nên không đến được. Thần xin người bắn tên giỏi đi cùng, thấy thì lấy nỏ bắn nhiều mũi tên bắn nó.” Thủy Hoàng nằm mộng đánh nhau với thần biển, như hình người. Hỏi bói mộng ấy, quan Bác sĩ nói: “Thần biển không thấy được, cho nên mới cho giao long cá lớn đến thăm hỏi. Nay nhà vua cầu đảo kính cẩn mà có thần ác ấy, phải trừ đi thì thần tốt mới đến được.” Bèn sai người vào biển mang theo đồ bắt cá lớn, rồi tự lấy nỏ bắn nhiều mũi tên đợi cá lớn xuất hiện thì bắn. Từ phía bắc núi Lang Da đến núi Vinh Thành mà không thấy. Đến núi Chi Phù, thấy cá lớn, bèn bắn giết một con. Rồi men biển đi về phía tây. 
Đến bến Bình Nguyên thì bị bệnh. Thủy Hoàng ghét nói việc chết, bầy tôi chẳng ai dám nói việc chết. Vua bệnh càng nặng, bèn bày ấn thư trao cho công tử là Phù Tô nói rằng: “Về đưa tang ở thành Hàm Dương mà táng.” Thư đã bọc ở trong để trong chỗ của quan Trung xa phủ lệnh là Triệu Cao trông giữ ấn phù nhưng chưa trao cho sứ giả. Tháng bảy, ngày bính dần, Thủy Hoàng băng ở đài phẳng cung Sa Khâu.( Tập giải: Từ Quảng nói: “Bấy giờ năm mươi tuổi. Cung Sa Khâu cách thành Tràng An hơn hai ngàn dặm. Nước Triệu có cung Sa Khâu ở quận Cự Lộc, là chỗ Vũ Linh Vương chết.” )Thừa tướng là Tư cho rằng nhà vua băng ở ngoài, sợ các công tử và thiên hạ gây biến, bèn giấu kiến chuyện ấy, không phát tang. Đặt áo quan chở trên xe nằm mát, viên quan hoạn được sủng ái theo xe, đến đâu dâng đồ ăn đến đấy. Trăm quan tấu việc như cũ. Quan hoạn liền từ trong xe nằm mát cho được tấu việc. Chỉ có công tử là Hồ Hợi, Triệu Cao và năm sáu quan hoạn được sủng ái biết nhà vua đã chết. Triệu Cao trước từng dạy Hồ Hợi viết chữ và học pháp lệnh hình ngục, Hồ Hợi có thích hắn. Cao bèn cùng công tử là Hồ Hợi, Thừa tướng là Tư ngầm mưu phá bỏ bọc thư mà Thủy Hoàng gửi cho công tử là Phù Tô, rồi đổi bịa thành việc Thừa tướng là Tư vâng chiếu truyền lại của Thủy Hoàng ở cung Sa Khâu, lập công tử Hồ Hợi làm thái tử. Đổi làm thư trao cho Phù Tô, Mông Điềm, kể tội họ, ban cho chết, chép đủ ở trong Lí Tư liệt truyện. Đi về, bèn từ huyện Tỉnh Hình đến huyện Cửu Nguyên. Gặp lúc trời nắng, xe nằm mát có mùi thối, bèn hạ chiếu quan lại đi theo xe chở một thạch cá muối để làm lẫn mùi thối ấy. 
Đi theo đường thẳng đến thành Hàm Dương, rồi phát tang. Thái tử là Hồ Hợi lên ngôi, là hoàng đế Nhị Thế. Trước đây Thủy Hoàng mới lên ngôi có đào sửa núi Li, kịp lúc chiếm được thiên hạ, dời hơn bảy mươi vạn người trong thiên hạ đi đến đấy đào ba con sông, đổ đồng xuống, lại đặt quách, đem nhưng vật báu đồ lạ của trăm quan cung quán đến chất đầy ở đấy. Sai thợ làm nỏ máy bắn tên, nếu có kẻ vào đến gần thì liền bắn ra. Lấy thủy ngân đổ vào làm các dòng sông Giang-Hà, biển lớn, để máy cho các dòng sông chảy vào nhau, trên có hình các ngôi sao trên bầu trời, dưới có hình thế ở mặt đất. Lấy mỡ cá người làm đuốc,(Tập giải: Từ Quảng nói: “Cá người như cá trê, có bốn chân.” Chính nghĩa: Quảng chí chép: “Cá nghê kêu tiếng như tiếng trẻ con khóc, có bốn chân, hình như cá chuối, có thể lấy chữa bệnh cho bò. Xuất từ sông Y.” Dị vật chí chép: “Cá người như hình người, dài hơn một thước, không ăn được. Da nó cứng hơn cá mập, dùng cưa gỗ cây mới vào được. Trên gáy có lỗ nhỏ, khí từ trong đó phát ra. Trong mộ Thủy Hoàng nhà Tần lấy mỡ cá người làm đuốc là mỡ cá này. Xuất từ giữa biển Đông, châu Đài ngay nay có loài cá ấy.” Xét: Đế vương ngày nay dùng đèn cây sơn đặt trong mộ thì lửa không dứt. )làm cho cháy lâu không dứt. Nhị Thế nói: “Những người ở hậu cung của tiên đế không có con mà cho ra ngoài thì không nên.” Đều sai chết theo, người chết rất nhiều. Đã táng xong rồi, có kẻ nói thợ nghề làm máy đều biết các chỗ giấu, giấu nhiều sẽ lộ. Xong việc lớn, đã giấu rồi, bèn chặn đường giữa, hạ cửa lối đi ra ngoài hầm, chặn hết những người thợ nghề giấu đồ, không ai ra ngoài được. Trồng cây cỏ lên mộ để cho giống núi. (Tập giải: Hoàng lãm chép: “Mộ cao hơn năm mươi trượng, vòng quanh hơn năm dặm.” Chính nghĩa: Quan Trung kí chí: “Mộ của Thủy Hoàng ở núi Li. Có suối vốn chảy về phía bắc, ngăn cho chảy theo chiều đông tây. Có đất nhưng không có đá, lấy đá lớn ở các quả núi phía nam sông Vị.” Quát địa chí chép: “Lăng của Thủy Hoàng nhà Tần ở phía tây nam huyện Tân Phong châu Ung chục dặm.” )
Năm đầu thời hoàng đế Nhị Thế (năm 209), bấy giờ vua hai mươi mốt tuổi, lấy Triệu Cao làm Lang trung lệnh, (Tập giải: Hán thư bách quan biểu chép: “Chức quan thời Tần, coi việc nhà cửa cung điện.”,) tin dùng việc. Nhị Thế hạ chiếu tăng vật tế ở miếu thờ Thủy Hoàng và lễ tế các vị thần sông núi. Hạ lệnh bầy tôi bàn luận tôn gọi miếu thời Thủy Hoàng. Bầy tôi đều cúi đầu nói: “Thời xưa thiên tử có bảy miếu, chư hầu có năm miếu, quan Đại phu có ba miếu, dẫu muôn đời sau cũng không thay bỏ. Nay Thủy Hoàng làm miếu Cực, người trong bốn cõi đều dâng vật cống, thêm vật tế, lễ đã đủ, không thêm gì nữa. Miếu của các vị vua thời xưa hoặc ở huyện Ung phía tây, hoặc ở thành Hàm Dương. Thiên tử theo lễ chỉ dâng rượu tế ở miếu thờ Thủy Hoàng. Từ thời Tương Công về trước thì thay bỏ. Cả thảy đặt bảy miếu. Bầy tôi theo lễ đến tế để tôn miếu thờ Thủy Hoàng là miếu thờ tổ. Hoàng đế tự xưng lại là ‘trẫm’.” 
Nhị Thế mưu với Triệu Cao rằng: “Trẫm tuổi trẻ mới lên ngôi, dân đầu đen chưa dựa theo. Tiên đế đi tuần quận huyện để tỏ cái mạnh, oai trùm cả nước. Nay yên lặng không đi tuần là tỏ cái yếu, không làm sao để cho thiên hạ chịu phục.” Mùa xuân, Nhị Thế về phía đông đi tuần quận huyện, Lí Tư đi theo. Đến núi Kiệt Thạch, men bờ biển xuống phía nam đến núi Cối Kê, rồi khắc văn lên hết các bia đá khắc văn mà Thủy Hoàng dựng nên, bênh bia đá có khắc tên những đại thần đi theo để nêu rõ công đức to lớn của tiên đế. 
Hoàng đế nói: “Bia đá sắt khắc văn đều nói về những việc mà Thủy Hoàng làm nên. Nay ta nối ngôi mà lại khắc văn lên bia sắt đá là không xứng với Thủy Hoàng Đế, thật là rất khác xa. Nếu kẻ nối sau làm việc ấy thì không xứng có công đức to lớn.” Bầy tôi là bọn Thừa tướng là Tư, Khứ Tật, Ngự sử đại phu là Đức liều chết nói: “Thần xin khắc hết chiếu thư lên bia đá để làm cho rõ ràng. Thần liều chết xin làm.” Hạ chế rằng: “Được.” 
Rồi đến quận Liêu Đông mà về. 
Bấy giờ Nhị Thế lại tin dùng Triệu Cao, xét rõ pháp lệnh, bèn ngầm mưu cùng Triệu Cao rằng: “Đại thần không phục, quan lại còn mạnh, còn nưã các công tử tất tranh ngôi vua với ta. Làm thế nào đây?” Cao nói: “Thần vốn muốn nói mà chưa dám thôi. Đại thần của tiên đế đều là người quyền qúy nổi tiếng nhiều đời trong thiên hạ, có công lao trùm đời nối nhau đã lâu rồi. Nay Cao vốn là kẻ thấp hèn, bệ hạ yêu mến tin dùng cho ở ngôi cao, nắm việc trong cung. Đại thần lầm lầm, vẻ ngoài là theo thần nhưng trong lòng thực lại không phục. Nay nhà vua đi ra, sao không nhân lúc này xét những quan Thú, Úy của các quận huyện có tội mà giết đi, trên để tỏ oai với thiên hạ, dưới để trừ bỏ những kẻ thường ngày mà nhà vua không thích. Nay là lúc không theo nghiệp văn mà phải dùng ở nghiệp võ, xin bệ hạ nên theo thời chớ nghi ngờ, không để bầy tôi kịp bày mưu. Nhà vua nên thu chọn dân khác, cho kẻ hèn được sang, cho kẻ nghèo được giàu, cho kẻ xa được gần, vậy thì trên dưới theo về mà nhà nước được yên.” Nhị Thế nói: “Hay.” Bèn kể tội giết đại thần và các công tử, bắt tội đến các quan Tam lang nhỏ gần gũi khác, khôngâi được tha, còn sáu vị công tử bị giết chết ở huyện Đỗ. Ba anh em công tử là Tương Lư bị bắt ở nội cung, chỉ bị kể tội sau. Nhị Thế sai sứ giả lệnh cho Tương Lư rằng: “Công tử không theo phục, tội đáng chết, cho nên quan lại đến kể tội.” Tương Lư nói: “Lễ ở cung khuyết, ta chưa từng dám không theo dẫn dắt. Ngôi vị ở đình miếu, ta chưa từng dám làm trái. Vâng mệnh đối đáp, ta chưa từng dám nói sai. Sao lại nói là không theo phục? Xin được nghe tội gì rồi chết.” Sứ giả nói: “Thần không được mưu cùng, chỉ vâng lệnh đến làm.” Tương Lư bèn ngẩng mặt lên trời kêu to với trời ba lần, nói: “Trời ơi! Ta không có tội!” Ba người anh em đều rơi nước mắt rút kiếm tự sát. Tông thất sợ hãi. Bầy tôi can ngăn thì bị cho là chê bai, quan to chỉ giữ lộc yên thân. Dân đầu đen cũng lo sợ. 
Tháng tư, Nhị Thế về đến thành Hàm Dương, nói: “Tiên đế cho rằng triều đình ở thành Hàm Dương nhỏ, cho nên dựng cung A Phòng để làm nhà ở. Chưa xong thì vua băng, bỏ việc làm ấy, lại đắp đất ở núi Li. Việc ở núi Li đã xong, nay nếu bỏ cung A Phòng mà không làm xong thì đấy là nêu rõ cái lỗi làm việc của tiên đế vậy.” Rồi làm lại cung A Phòng. Ngoài thì vỗ về người rợ bốn phương như kế của Thủy Hoàng. Gọi hết năm vạn quân lính khỏe mạnh đến đóng giữ thành Hàm Dương, sai dạy bắn tên, nuôi chó ngựa cầm thú. Đồ cấp cho ăn rất nhiều, tính ra không đủ, hạ lệnh quận huyện chuyển chở thóc, đậu, rơm, cỏ đến, đều sai tự mang đồ ăn, trong vòng ba trăm dặm quanh thành Hàm Dương không được ăn lúa của mình. Dùng hình pháp thêm nghiêm ngặt. 
Tháng bảy, lính thú là bọn Trần Thắng làm phản ở nước Kinh cũ, hiệu là Trương Sở,( Tập giải: Lí Kì nói: “Làm cho nước Sở lớn mạnh.” )Thắng tự lập làm vua nước Sở, đóng đô ở đất Trần, sai các tướng đi cướp đất. Những kẻ trẻ tuổi ở các quận huyện miền Sơn Đông bị khổ vì quan lại nhà Tần đều giết quan Thú-Úy-Lệnh-Thừa của mình làm phản để theo Trần Thắng, lập nhau làm hầu vương, hợp tung hướng về phía tây, lấy tiêến là đánh nhà Tần, nhiều không kể hết được. Quan Yết giả đi sứ từ miền đông về đem việc làm phản ấy báo cho Nhị Thế biết. Nhị Thế giận, giao quan Yết giả cho quan lại trị tội. Sau sứ giả lại đến, nhà vua hỏi, đáp rằng: “Bọn giặc kia đang bị quan Thú-Úy các quận đuổi bắt. Nay bắt hết, không đáng lo.” Nhà vua mừng. Bấy giờ Vũ Thần tự lập làm vua nước Triệu; Ngụy Cữu lập làm vua nước Ngụy; Điền Đam lập làm vua nước Tề; Bái Công nổi lên ở huyện Bái; Hạng Lương dấy binh ở quận Cối Kê. 
Năm thứ hai (năm 208 TCN), mùa đông, bọn Chu Chương mà Trần Thắng sai đi hướng về phía tây đến sông Hí, (Tập giải: Mạnh Khang nói: “Là tên sông, ở bên đình Hí ngày nay.” Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Nguồn sông Hí xuất từ núi Li phía tây nam huyện Tân Phong châu Ung.” Thủy kinh chú chép: “Sông Hí xuất từ hang Phùng Công núi Li, chảy về phía đông bắc.”) dẫn mấy chục vạn người. Nhị Thế cả sợ, mưu với bầy tôi rằng: “Thế nào?” Thiếu phủ là Chương Hàm nói: “Giặc đã đến, đông mạnh, nay phát quân ở huyện gần cũng không kịp rồi. Mà kẻ dới đến núi Li lại nhiều, nên tha cho họ, trao cho binh khí để đánh giặc.” Nhị Thế bèn tha tội khắp thiên hạ, sai Chương Hàm làm tướng đánh phá quân của Chu Chương mà đuổi được, rồi giết Chương ở đình Tào Dương.( Tập giải: Tấn chước chép: “Tên đình, ở phía đông quận Hoằng Nông mười ba dặm. Vũ Đế nhà Ngụy đổi tên là đình Hảo Dương.” )Nhị Thế sai thêm Trưởng sử là Tư Mã Hân, Đổng Ế giúp Chương Hàm đánh giặc, giết Trần Thắng ở huyện Thành Phủ, phá Hạng Lương ở huyện Định Đào, diệt Ngụy Cữu ở huyện Lâm Tế. Các tướng lớn của quân giặc nước Sở đã chết, Chương Hàm bèn lên phía bắc vượt sông Hà đánh bọn vua nước Triệu là Hiết ở thành Cự Lộc. 
Triệu Cao khuyên Nhị Thế rằng: “Tiên đế lên ngôi trị thiên hạ đã lâu, cho nên bầy tôi không dám làm sai, không dám nói bậy. Nay bệ hạ tuổi đời còn nhiều, mới lên ngôi, sao lại xử việc với công khanh ở triều đình? Nếu có việc lỗi thì để cho bầy tôi biết cái kém. Thiên tử xưng là trẫm, vốn không nghe tiếng.” (Sách ẩn: Ý nói thiên tử thường ở trong cung cấm, bầy tôi ở dưới nhìn từ xa, chỉ có báo trước, nghe tiếng vua mà thôi, không thấy hình dáng của vua. )Do đó Nhị Thế thường ở trong cung cấm, (Tập giải: Sái Ung nói: “Cung cấm là cửa cung có cấm, nếu không phải là người hầu gần thì không được vào.”) xử các việc với Cao. Sau đó công khanh ít được chầu gặp. Giặc cướp thêm nhiều mà quân lính ở miền Quan Trung phát đi đánh giặc ở phía đông không được nghỉ. Hữu thừa tướng là Khứ Tật, Tả thừa tướng là Tư, Tướng quân là Phùng Kiếp lên can ngăn rằng: “Nghe nói bọn giặc ở miền Quan Đông đều nổi lên, nhà Tần phát binh đánh dẹp bị giết chết rất nhiều mà vẫn không ngăn được. Giặc nhiều đều vì bị bắt đi chuyển chở làm việc khổ sở, nạp nhiều tô thuế. Xin hãy dừng làm cung A Phòng, giảm bớt lính thú chuyển chở đến biên giới bốn phương.” Nhị Thế nói: “Ta nghe Hàn Tử nói vua Nghiêu-Thuấn làm kèo nhà không vót, làm mái tranh không cắt, ăn cơm bằng niêu đất, uống nước bằng chén đất, dẫu là cách ăn của người canh cửa cũng không kém như thế. Vua Vũ đục núi Long Môn, thông đất Đại Hạ, vét sông Hà dẫn nước đổ ra biển, tự thân cầm xẻng đào đất, cẳng chẳng còn lông, dẫu là kẻ nô bộc cũng không làm việc không hăng đến như thế. Hễ là kẻ được tôn quý có thiên hạ là được tự thỏa theo ý mình, nhà vua làm rõ phép tắc thì bầy tôi không dám làm sai, cho nên ngăn giữ được cả nước. Còn như vua của nhà Ngu-Hạ dẫu tôn quý làm thiên tử mà thân thực là dấn vào chỗ khổ sở để làm gương cho trăm họ, còn đáng bắt chước? Trẫm có tiếng là vua có vạn cỗ xe nhưng không có thực, ta muốn làm nghìn cỗ xe, vạn cỗ xe để đi cho xứng với danh hiểu của ta. Vả lại tiên đế nổi lên từ bậc chư hầu mà chiếm được thiên hạ, nay thiên hạ đã định, ngoài dẹp người rợ bốn phương để giữ yên biên giới, làm cung thất để nêu tỏ rằng thỏa ý. Các ông xem tiên đế đã có công lao rồi, nay trẫm lên ngôi mới trong khoảng hai năm, bọn giặc cùng nổi lên, các ông không ngăn được, lại muốn bỏ việc mà tiên đế muốn làm, đấy là trên không có gì báo đền tiên đế, thứ đến không dốc hết sức lòng giúp trẫm, sao đáng ở ngôi?” Bèn bắt Khứ Tật, Tư, Kiếp giao cho quan lại xét tội bọn này. Khứ Tật, Kiếp nói: “Làm tướng quân, Thừa tướng thì không chịu nhục.” Rồi tự sát. Cuối cùng Tư bị bắt giam, chịu năm hình phạt. 
Năm thứ ba (năm 207 TCN), bọn Chương Hàm đem quân mình vây thành Cự Lộc, tướng quân nước Sở là Hạng Vũ đem quân Sở đến cứu thành Cự Lộc. Mùa đông, Triệu Cao làm Thừa tướng, rút cuộc xử tội mà giết Lí Tư. Mùa hạ, bọn Chương Hàm đánh nhiều trận phải rút, Nhị Thế sai người đến trách Hàm, Hàm sợ, sai Trưởng sử là Hân về báo việc. Triệu Cao không cho gặp, lại không tin, Hân sợ, bỏ đi. Cao sai người đuổi bắt không kịp. Hân gặp Hàm nói: “Triệu Cao nắm việc ở trong, tướng quân có công cũng bị giết, không có công cũng bị giết.” Hạng Vũ gấp đánh quân Tần, bắt được Vương Li. Bọn Hàm bèn đem quân hàng chư hầu. Tháng tám, ngày kỉ hợi, Triệu Cao muốn làm loạn, sợ bầy tôi không nghe, liền nói thử trước, đem con hươu dâng cho Nhị Thế, nói: “Là con ngựa.” Nhị Thế cười rằng: “Thừa tướng lầm ư? Bảo hươu là ngựa.” Hỏi tả hữu, tả hữu có kẻ im lặng, có kẻ nói là ngựa để hùa theo Triệu Cao. Có kẻ nói là hươu thì Cao ngầm kết tội cho những kẻ nói là hươu ấy. Sau đó bầy tôi đều sợ Cao. 
Trước đây Cao nhiều lần nói rằng giặc ở miền Sơn Đông chẳng làm gì được. Kịp lúc Hạng Vũ bắt được tướng Tần là bọn Vương Li ở dưới thành Cự Lộc mà tiến lên, quân của bọn Chương Hàm nhiều lần phải lui, dâng thư xin giúp thêm, người các nước Yên, Triệu, Tề, Sở, Hàn, Ngụy đều lập làm vua, từ cửa Hàm Cốc về phía đông phần nhiều đều phản quan lại nhà Tần mà theo chư hầu. Có chư hầu còn đem quân của mình hướng về phía tây. Bái Công đem mấy vạn người đã làm cỏ cửa Vũ, sai người báo riêng cho Cao biết. Cao sợ Nhị Thế giận thì kể tội chết đến thân mình, bèn cáo bệnh không vào chầu gặp. Nhị Thế nằm mộng có con hổ trắng cắn giết con ngựa bên trái xe, trong lòng không vui, thấy lạ bói mộng. Thầy bói nói: “Sông Kính gây hại.” Nhị Thế bèn trai giới ở cung Vọng Di, (Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Cung Vọng Di thời Tần tại phía đông nam huyện Hàm Dương châu Ung tám dặm. Trương Yến nói là làm cạnh sông Kính để nhìn về người rợ miền bắc.” )muốn tế thần sông Kính, ném bốn con ngựa trắng xuống sông. Sai sứ giả trách mắng Cao về việc giặc cướp. Cao sợ, bèn ngầm mưu với con rể làm quan Lệnh ở thành Hàm Dương là Diêm Nhạc, em mình là Triệu Thành rằng: “Nhà vua không nghe lời can ngăn, nay việc đã gấp, muốn đổ lỗi cho nhà ta. Ta muốn đổi đặt vua, thay lập công tử là Tử Anh. Tử Anh có lòng nhân, trăm họ đều nghe lời người ấy.” Sai quan Lang trung lệnh giúp ở trong, dối là có giặc lớn, sai Nhạc gọi quan lại phát quân lính, bắt ép mẹ Nhạc đặt ở nhà Cao rồi sai Nhạc đem hơn một ngàn quan quân đến cửa cung Vọng Di, trói quan canh gác bộc xạ, nói: “Giặc vào đây, sao không ngăn?” Quan canh gác nói: “Quanh đây bày lính gác rất nghiêm, sao có giặc dám vào cung được?” Nhạc bèn chém quan canh gác, đem quân đi thẳng vào vừa đi vừa bắn tên, bọn quan hoạn cả cả kinh, hoặc chạy hoặc chống, kẻ chống liền vị giết, chết đến mấy chục người. Lang trung lệnh cùng với Nhạc đi vào, bắn tên lên màn che ghế. Nhị Thế giận, gọi tả hữu, tả hữu đều sợ hãi không dám đánh. Bên cạnh có một viên quan hoạn ở lại hầu không dám đi. Nhị Thế vào trong, bảo rằng: “Sao ông không sớm báo cho ta? Mới đến nỗi này!” Quan hoạn nói: “Thần không dám nói mới sống được. Nếu thần nói sớm thì đều đã bị giết, sao còn được đến nay?” Diêm Nhạc đến liền mắng Nhị Thế rằng: “Túc hạ ngang ngược, giết chóc không có phép tắc gì, thiên hạ cùng phản túc hạ, túc hạ hãy tự tính kế đi.” Nhị Thế nói: “Có cho được gặp Thừa tướng không?” Nhạc nói: “Không được.” Nhị Thế nói: “Ta muốn được làm vua một quận.” Không cho. Lại nói: “Xin làm tước hầu có vạn hộ.” Chẳng cho. Nói: “Xin cùng vợ con làm dân đầu đen như các công tử.” Diêm Nhạc nói: “Thần vâng mệnh từ Thừa tướng, giúp thiên hạ giết túc hạ. Túc hạ dẫu nhiều lời nhưng thần không dám báo lại.” Xua quân tiến lên. Nhị Thế bèn tự sát. 
Diêm Nhạc về báo cho Triệu Cao, Triệu Cao liền gọi hết các đại thần, công tử đến báo cho biết chuyện đã giết Nhị Thế, nói: “Trước đây Tần là một nước có vương, Thủy Hoàng chiếm được thiên hạ cho nên xưng đế. Nay sáu nước lại tự lập, đất Tần càng nhỏ mà lại lấy tiếng hão làm đế thì không nên. Nên làm vương như cũ mới phải.” Lập anh của Nhị Thế là công tử tên là Tử Anh làm vua nước Tần, lấy lễ của dân đầu đen táng Nhị Thế ở trong vườn Nghi Xuân phía nam huyện Đỗ. Hạ lệnh Tử Anh trai giới ở tông miếu rồi nhận ấn vua. Trai giới năm ngày, Tử Anh mưu với hai người con của mình rằng: “Thừa tướng là Cao giết Nhị Thế ở cung Vọng Di, sợ bầy tôi kể tội hắn, mới giả theo nghĩa lập ta. Ta nghe nói Triệu Cao đã hẹn với người nước Sở diệt tông thất nhà Tần mà làm vua ở miền Quan Trung. Nay sai ta trai giới ở tông miếu, đấy là muốn nhân ở trong miếu mà giết ta. Ta xưng bệnh không đi, Thừa tướng tất tự đến, đến thì giết hắn.” Cao sai nhiều nhóm người đến xin Tử Anh, Tử Anh không đi, quả nhiên Cao tự đến, nói: “Tế tông miếu là việc lớn, sao vua lại không đi?” Tử Anh bèn đâm giết Cao ở cung trai giới, giết ba họ nhà Cao để làm gương ở thành Hàm Dương. 
Tử Anh làm vua nước Tần được bốn mươi sáu ngày thì tướng nước Sở là Bái Công phá quân Tần, vào cửa Vũ, rồi đến trên sông Bá, (Tập giải: Ứng Thiệu nói: “Tên đất bên sông Bá, tại phía đông thành Tràng An ba chục dặm. Vốn tên là sông Tư, Mục Công nước Tần đổi tên là sông Bá.” )hẹn Tử Anh đến hàng. Tử Anh liền lấy dây thao buộc cổ, đi xe trắng ngựa trắng đến dâng ấn phù của thiên tử, hàng ở cạnh đình Chỉ Đạo. (Tập giải: Từ Quảng nói: “Tại hụyện Bá Lăng.” Bùi Nhân xét: Tô Lâm nói: “Tên đình, tại phía đông thành Tràng An mười ba dặm.”) Rút cuộc Bái Công vào thành Hàm Dương, đóng cung thất kho phủ rồi dẫn quân về bên sông Bá. Được hơn một tháng thì quân chư hầu đến, Hạng Vũ làm chủ mệnh, giết Tử Anh và họ hàng các công tử nhà Tần rồi làm cỏ thành Hàm Dương, đốt cung thất ở đấy, bắt lấy con gái, thu lấy tiền của vật báu cùng chia cho chư hầu. Sau khi diệt nhà Tần, đều chia đất nhà Tần làm ba, đấy là vua nước Ung, vua nước Tắc, vua nước Địch. Hạng Vũ làm bá vương nước Tây Sở, chủ mệnh chia thiên hạ phong vương cho chư hầu. Nhà Tần bèn diệt. Năm năm sau thì thiên hạ bị nhà Hán bình định. 
Thái sử công nói: Tổ tiên của vua nhà Tần là Bá Ế thường có công ở thời nhà Đường-Ngu, nhận đất ban họ. Kịp đến thời nhà Hạ-Ân thì sút kém. Đến thời nhà Chu suy yếu thì nước Tần nổi lên, đóng đô ở miền tây. Từ thời Mâu Công về sau, dần dần nuốt lấy chư hầu, cuối cùng đến thời Thủy Hoàng. Thủy Hoàng tự cho là công hơn cả Ngũ đế, đất rộng hơn cả thời Tam vương, mà sánh với nhà Tần còn thẹn. Hay thay lời bàn của Giả Sinhvề nhà Tần! Nói rằng: 
“Vua Tần chiếm cả chư hầu miền Sơn Đông chia ra hơn ba chục quận, đắp sửa cửa ải bến sông, giữ lũy hiểm, sắm giáp binh mà giữ lấy nước. Vậy mà Trần Thiệp lấy có mấy trăm lính thú chia rẽ mà giương tay hô lớn, không dùng đến cung kích, chỉ dùng gậy guộc cán bừa, đến đâu thì trông vào nhà ở đấy mà lấy lương ăn,( Sách ẩn: Ý nói quân lính ăn bám ở thiên hạ, không mang theo lương ăn mà đi. )vẫy vùng ở thiên hạ. Thế mà quân Tần có chỗ hiểm mà không giữ được, có cầu cửa mà không chặn được, có kích dài mà không đâm được, có nỏ cứng mà không bắn được. Rút cuộc quân Sở vào sâu, đánh ở huyện Hồng Môn mà không bị bờ rào ngăn chặn. Do đó miền Sơn Đông rối loạn, chư hầu cùng nổi lên, bọn hào kiệt cùng lập nhau, nhà Tần sai Chương Hàm làm tướng mà đánh sang miền đông. Chương Hàm nhân có ba quân nhiều mà trao đổi ở ngoài để mưu đánh vua của mình. Bầy tôi không được tin dùng cho nên đến như thế. Tử Anh được lập lại không hiểu ra. Nếu như Tử Anh chỉ cần có cái tài của vị vua tầm thường, lại chỉ cần có bầy tôi hạng trung, miền Sơn Đông dẫu loạn thì đất Tần cũng giữ được trọn vẹn, việc cúng tế tông miếu cũng chưa đến nỗi bị cắt dứt vậy. 
Nước Tần dựa núi liền sông để làm chỗ vững, là nước có bốn lũy bao quanh. Từ thời Mâu Công về sau cho đến thời vua Tần là hơn hai chục đời vua thường xưng hùng với chư hầu. Đấy há đời đời đều là vua giỏi ư? Là vì có thế đất mới như vậy. Vả lại thiên hạ từng cùng lòng dốc sức mà đánh nước Tần. Vào thời bấy giờ, kẻ hiền trí cùng sắp đặt, tướng giỏi được dẫn quân, bầy tôi hiền bày mưu kế nhưng vẫn bị chỗ hiểm trở gây khốn mà không đánh vào được, quân Tần bèn lấn vào đánh mà ra cửa ải, rút cuộc trăm vạn quân chư hầu thua trận mà vỡ lở. Há phải sức mạnh trí khôn không đủ ư? Là vì mạch đất không có lợi, hình thế không được tiện vậy. Tần là nước nhỏ mà chiếm được thành lớn, giữ lũy hiểm mà dùng binh, đắp lũy cao mà không cần ra đánh, đóng cử ải mà ngăn chặn, cầm kích mà giữ lấy. Chư hầu nổi lên từ kẻ dân thường, vì ham lợi mà hợp tung, chẳng có cái đức hạnh của vị vua tốt, họ kết giao không gần gũi, kẻ dưới lại chưa theo giúp, mang tiếng là diệt nước Tần nhưng thật ra là chỉ tìm lợi. Họ thấy nước Tần hiểm trở khó mà đánh vào thì phải rút quân. Nếu bày kế nghỉ ngơi, đợi nước Tần có biến loạn, cứu mệt giúp mỏi, đợi lệnh ở vua của nước lớn thì không sợ không được thỏa chí ở thiên hạ. Kẻ quý thì làm thiên tử, kẻ giàu thì có thiên hạ, nhưng thân bị bắt, là vì kế cứu thua của họ sai vậy. 
Vua Tần đã có công đủ không cần giúp, có lỗi mà không đổi. Nhị Thế nối theo lại bắt chước không thay, làm việc bạo ngược để cho lỗi càng thêm nặng. Tử Anh lên ngôi cô lẻ không có người thân, suy yếu không có kẻ giúp đỡ. Ba vua sai lầm mà rút cuộc không hiểu, đến nỗi mất nước, cũng chẳng đáng ư? Vào thời bấy giờ, trên đời không có kẻ sĩ mưu sâu đạo cao, lại nữa không dám dốc hết lòng trung để rũ bỏ lỗi sai là vì pháp lệnh của nhà Tần có nhiều việc kiêng dè, nói lời trung chưa kịp thốt ra miệng thì thân đã bị giết chóc rồi, cho nên khiến cho kẻ sĩ trong thiên hạ phải cụp tai mà nghe lệnh, xếp chân mà đứng, ngậm miệng mà không nói. Cho nên ba vua làm việc sai cách, tôi trung không dám can ngăn, kẻ sĩ khôn ngoan không dám bày mưu. Kịp lúc thiên hạ đã loạn mà nhà vua còn không biết, há chẳng đáng xót sao! Các vị vua thời xưa biết việc bị che đậy là làm tổn hại đến nhà nước, cho nên sắp đặt công khanh đại phu để nêu rõ hình pháp, cho nên thiên hạ được yên. Vào thời lớn mạnh thì trừ bạo diệt loạn mà thiên hạ chịu phục. Vào lúc suy yếu thì Ngũ bá đánh dẹp mà chư hầu nghe theo. Lúc bị chia cắt thì giữ trong dựa ngoài mà xã tắc được vững. Nhà Tần lớn mạnh là dùng hình pháp nghiêm ngặt mà thiên hạ cúi phục, kịp lúc suy yếu thì trăm họ oán giận mà cả nước làm phản. Trước đây nhà Chu bày ra năm tước phong mà hợp với đạo lớn, dựng nước hơn một ngàn năm không dứt. Nhà Tần trước sau đều lỗi đạo, cho nên không được lâu dài. Do đó thấy rằng đầu mối của an hay nguy cách rất xa nhau. Có lời tục rằng: ‘Việc trước không quên là thầy của việc sau’. Cho nên quân tử trị nước phải xem thời xưa để làm gương cho đời nay, xét việc dùng người, tìm cái gốc của thịnh suy, nghĩ cái nên làm của quyền thế, suy cái nguồn của đến hay ở, biến hóa tùy lúc, cho nên vận nước lâu dài mà xã tắc yên ổn. 
Hiếu Công nước Tần giữ cái vững của núi Hào-Hàm, có cả đất châu Ung, vua tôi giữ chắc mà dòm ngó nhà Chu, có ý chiếm cả thiên hạ, ôm trọn cả nước, bao bọc bốn cõi, có lòng nuốt chiếm tám phương. Vào thời ấy có Thương Quân theo giúp, trong sắp đặt pháp lệnh, chăm nghề làm ruộng dệt vải, sắm sửa các đồ đánh giữ, ngoài liên hoành để đánh chư chư hầu. Do đó người Tần chỉ chắp tay mà lấy được miền đất ven sông Hà phía tây. 
Hiếu Công đã chết, Huệ Vương-Vũ Vương nối nghiệp trước, theo kế truyền lại, phía nam lấy đất Hán Trung, phía tây thu miền Ba-Thục, phía đông cắt chiếm miền đất màu mỡ, cướp được các quận yếu hại. Chư hầu lo sợ, hội hẹn mà bày mưu làm cho nước Tần suy yếu, không thích đất màu mỡ có nhiều vật báu của lạ, chỉ thích vẫy gọi kẻ sĩ trong thiên hạ đến, hợp tung kết giao, cùng nhau làm một. Vào thời ấy, nước Tề có Mạnh Thường Quân, nước Triệu có Bình Nguyên Quân, nước Sở có Xuân Thân Quân, nước Ngụy có Tín Lăng Quân, bốn vị ấy đều mà người sáng suốt mà trung tín, rộng rãi mà yêu người, chuộng người hiền mà tôn kẻ sĩ, hẹn hợp tung mà phá thế liên hoành, tụ lấy quân lính của các nước Hàn, Ngụy, Yên, Sở, Tề, Triệu, Tống, Vệ, Trung Sơn. Do đó kẻ sĩ của sau nước có bọn Ninh Việt, Từ Thượng, Tô Tần, Đỗ Hách giúp bày mưu, có nhóm Tề Minh, Chu Tối, Trần Chẩn, Chiêu Hoạt, Lâu Hoãn, Trạch Cảnh, Tô Lệ, Nhạc Nghị làm rõ chí ấy, có lũ Ngô Khởi, Tôn Tẫn, Đái Tha, Nghê Lương, Vương Liệu, Điền Kị, Liêm Pha, Triệu Xa giúp dẫn quân, thường lấy đất rộng gấp chục lần, quân có trăm vạn người gõ cửa ải mà đánh nước Tần. Người Tần mở cửa ải ra chống, quân của chín nước lùi lại bỏ chạy mà không dám tiến. Người Tần không làm mất một mũi tên mà chư hầu trong thiên hạ đã khốn. Do đó thế hợp tung vỡ lở mà hẹn ước cởi bỏ, tranh nhau cắt đất mà dâng cho người Tần. Người Tần có sức thừa mà đánh vào chỗ kém của chư hầu, rượt đuổi kẻ thua vỡ, thây phơi đến trăm vạn, máu chảy trôi thuẫn, thừa thắng kiếm lợi, cắt xén thiên hạ, chia xẻ sông núi, nước mạnh xin phục, nước nhỏ vào chầu. Rồi đến thời Hiếu Văn Vương-Trang Tương Vương, giữ nước càng kém nhưng nhà nước không có việc gì. 
Kịp đến thời vua Tần, nối cái công lớn để lại của sáu đời trước, phất roi dài mà đập lấy cả nước, nuốt hai nhà Chu mà diệt chư hầu, lên ngôi cao nhất mà giữ sáu cõi, nắm gậy gộc để đánh quất thiên hạ, oai động bốn cõi; phía nam lấy đất của người Bách Việt để đặt ra các quận Quế Lâm, Tượng, vua của người Bách Việt cúi đầu buộc cổ, trao mạng cho quan lại; lại sai Mông Điềm lên phía bắc đắp thành dài mà giữ phên dậu, đuổi người Hung Nô hơn bảy trăm dặm, rợ Hồ không dám xuống phía nam để chăn ngựa; kẻ sĩ trong thiên hạ không dám giương mà rửa hận. Do đó vua Tần bỏ phép tắc của các vị vua thời trước, đốt sách của các nhà để lừa dối dân đầu đen. Phá thành lớn, giết hào kiệt, thu binh khí trong thiên hạ tụ ở thành Hàm Dương, hủy kiếm đúc chuông, làm nên mười hai tượng người vàng để làm giảm sức mạnh của dân đầu đen. Sau đó dựa núi Hoa làm thành, men sông Hà làm lũy, cậy vào thành cao muôn trượng, nương vào khe sâu không đo được để tự giữ. Lấy tướng giỏi cầm nỏ cứng giữ các chỗ yếu hại, dùng bầy tôi đáng tin dẫn lính khỏe bày binh khí sắc bén thì ai làm gì được. Thiên hạ đã định. Ý của vua Tần là tự cho rằng miền Quan Trung vững chắc có thành đồng ngàn dặm, dựng nghiệp đế vương cho con cháu muôn đời. 
Vua Tần đã chết, oai vẫn rúng động đến nước ngoài. Thế mà Trần Thiệp là con nhà lấy vò hũ làm vách, dùng dây buộc cửa, là kẻ hèn kém bị bắt đi đày, tài năng không bằng kẻ bậc trung, chẳng có cái hiền của Trọng No-Mặc Địch, không có cái giàu của Đào Chu-Y Đốn, chen chân ở giữa hàng lính, nổi dậy ở giữa nhóm trăm người, dẫn theo bọn quân lính chia rẽ, đem đi mấy trăm người mà sang đánh nhà Tần, cầm gậy gỗ làm binh khí, giương cán tre làm cờ, thiên hạ kéo đến như mây tụ, vác lương ăn như bóng theo, hào kiệt ờ miền Sơn Đông bèn nổi lên mà diệt nhà Tần. 
Vả chăng thiên hạ không phải là nhỏ yếu, có đất châu Ung, có cái vững của núi Hào-Hám vẫn như thế, mà ngôi vị của Trần Thiệp không lớn hơn vua của các nước Tề, Sở, Yên, Triệu, Hàn, Ngụy, Tống, Vệ, Trung Sơn thời xưa, cán thuổng gậy gộc chẳng sắc bén bằng dáo dài kích cong, bọn lính thú kia cũng chẳng khỏe hơn quân lính của chín nước, mưu cao kế sâu, cách dùng binh dẫn quân cũng chẳng bằng kẻ sĩ thời xưa. Thế mà thành bại đổi khác, công nghiệp trái nhau. Thử so về độ lớn mạnh, mức quyền thế của các nước miền Sơn Đông với Trần Thiệp thì không thể một ngày mà nói được. Nhưng vua Tần đem cái đất cỏn con, lấy cái quyền của vua có ngàn cỗ xe, vẫy tám cõi mà hướng về chầu gặp đã hơn một trăm năm rồi, sau đó chiếm sáu nước làm một mối, dựa vào núi Hào-Hàm làm cung, thế mà chỉ vì một kẻ làm loạn mà bảy miếu vỡ đổ, thân chết bởi tay kẻ khác, bị thiên hạ chê cười. Sao thế? Là vì không làm việc nhân nghĩa và cái thế đánh giữ mỗi thời lại khác vậy. 
Vua Tần chiếm cả nước, diệt chư hầu, ngoảnh mặt về phía nam xưng đế để nắm giữ bốn cõi, kẻ sĩ trong thiên hạ lướt theo hướng về, như thế là sao nhỉ? Đáp rằng: Từ thời gần xưa đến nay thiên hạ không có vua giỏi đã lâu rồi. Nhà Chu suy kém, Ngũ bá đã chết, hiệu lệnh không được ban ra ở thiên hạ, cho nên chư hầu ra sức đánh đấu, kẻ mạnh lấn kẻ yếu, quân đông hiếp quân ít, binh cách không ngừng, người dân mệt mỏi. Nay vua Tần ngoảnh mặt về phía nam mà làm vua thiên hạ, đấy là trên có thiên tử vậy. Lại nữa người dân ngơ ngác mong được giữ yên tính mạng, chẳng ai để ý mà nhìn lên nhà vua. Vào thời bấy giờ, nhà Tần tỏ oai lập công, cái gốc của an nguy ở tại việc ấy. 
Vua Tần mang cái lòng tham lam, tự làm theo cái trí khôn vốn sẵn, không tin dùng bầy tôi có công, không gần gũi quân dân, bỏ đạo của các vị vua thời trước, nắm lấy quyền riêng mình, đốt sách văn mà dùng hình pháp nghiêm khắc, dùng sức mạnh trước mà dùng nhân nghĩa sau, làm việc bạo ngược là hàng đầu. Đánh chiếm chư hầu thì nêu cao sức mạnh, an định thiên hạ thì chuộng bắt vâng lệnh, đấy là nói lấy thiên hạ và giữ thiên hạ vốn là cách làm không giống nhau. Vua Tần dẫu ở thời các nước tranh đấu mà làm vua ở thiên hạ, thế mà phép tắc không đổi, hiệu lệnh không thay, đấy là cách lấy thiên hạ và giữ thiên hạ có khác nhau. Vua Tần lẻ loi mà chiếm thiên hạ, cho nên việc mất nước có thể nói là đứng mà đợi. Nếu như vua Tần xét các việc thời xưa, noi theo dấu vết của các nhà Ân-Chu để sắp đặt các việc thì đời sau dẫu có vua ngang ngược thì cũng chẳng có cái họa nghiêng đổ vậy. Cho nên Tam vương dựng lấy thiên hạ có danh hiệu tốt đẹp, công nghiệp lâu dài. 
Nhị Thế nhà Tần lên ngôi, thiên hạ chẳng ai không rướn cổ mà xem chính lệnh. Kẻ rét thì mặc áo vải thô để làm ấm, kẻ đói thì ăn bã hèm để cho no, thiên hạ kêu than oai oái, chỉ cậy vào vua mới vậy. Đấy là nói người dân khổ sở cần vào lòng nhân. Nếu như Nhị Thế chỉ có cái đức của một kể bậc trung mà dùng người trung hiền, vua tôi một lòng mà mưu trừ nỗi lo của thiên hạ, xem xét mà sửa cái lỗi của tiên đế, cắt đất chia dân mà phong cho dòng dõi của bầy tôi có công, dựng nước lập vua để trị thiên hạ, bớt nhà ngục mà giảm hình phạt, bỏ những việc bắt giữ con cái của kẻ có tội, đều sau quay về làng ấp của mình, phát kho thóc, chia tiền của để giúp những kẻ khốn cùng lẻ loi, giảm tô thuế mà bớt việc lao dịch để cứu cái nguy cấp của trăm họ, bớt hình pháp để giữ được dòng dõi của người ta, khiến cho người trong thiên hạ đều được tự vui, sửa đức tu chí, đều làm việc cẩn thận, làm thỏa cái mong mỏi của muôn dân mà tỏ oai đức khắp thiên hạ, vậy thì thiên hạ yên ổn thôi. Nếu ở trong bốn cõi đều tự im lặng mà vui vẻ ở chỗ mình, chỉ lo có biến, thì dẫu có kẻ xấu xa cũng không có lòng rời bỏ nhà vua được. Lúc ấy bầy tôi không theo lệnh cũng không che được cái mưu gian của nó, thế thì cái mưu làm việc bạo loạn sẽ bị ngăn. Nhưng Nhị Thế không làm theo cách ấy mà làm nhiều việc vô đạo, dựng làm lại cung A Phòng, tăng thêm hình pháp, quan lại làm việc nghiêm khắc, thưởng phạt không đúng, phú thuế không xuể, thiên hạ nhiều việc, quan lại không theo lệnh, trăm họ khốn cùng mà nhà vua không cứu giúp. Sau đó kẻ gian ác cùng nổi lên, lại nữa trên dưới lừa nhau, người bị tội rất nhiều, kẻ bị giết chóc nối liền nhau ở trên đường, cho nên thiên hạ khổ sở. Từ vua tôi trở xuống đến dân thường, người ta tự mang lòng cho là nguy, thân ở vào chỗ cùng khổ, đều không được ở yên, cho nên dễ gây loạn. Do đó Trần Thiệp không dùng cái giỏi của vua Thang-Võ, không có cái quyền quý của bậc công hầu, giương tay ở làng Đại Trạch mà thiên hạ hướng về, là vì người dân bị nguy khốn mới làm thế. Các vị vua thời xưa thấy cái biến đổi trước sau, biết cái lí lẽ của được mất, cho nên cách chăn dân là ở chỗ làm cho dân được yên ổn mà thôi. Thiên hạ dẫu có bầy tôi làm phản nhưng chẳng có kẻ hướng về giúp đỡ nó, cho nên nói ‘người dân yên ổn thì làm theo việc nghĩa, người dân nguy khốn thì dễ làm phản’ là như thế. Tôn quý thì làm thiên tử, giàu có thì lấy được thiên hạ, thân không tránh được giết chóc là vì bỏ phải làm trái cách ấy. Đấy là cái lỗi của Nhị Thế vậy.” 
Thái sử công nói: Tổ tiên của nhà Tần là Doanh tính. Sau đó phân phong, lấy tên nước làm họ, có họ Từ, họ Đàm, họ Cử, họ Chung Lê, họ Vận Yểm, họ Đồ Cừu, họ Tương Lương, họ Hoàng, họ Giang, họ Tu Ngư, họ Bạch Minh, họ Phi Liêm, họ Tần. Nhưng nhà Tần lấy tổ tiên là Tạo Phủ được phong ở thành Triệu, lấy họ Triệu. 
Việc này TMT nhận xét sai vậy. Cứ theo Tần bản kỉ thì tổ tiên nhà Tần là Đại Phí. Đại Phí giúp Vũ trị thủy có công được ban họ Doanh tức Doanh Bá Ế. 
Đại Phí có các con: Đại Liêm lấy họ Điểu Tục; Nhược Mộc lấy họ Phí và một người nữa không rõ tên, chỉ biết người này có cháu là Trung Quyết (tức là cháu 3 đời của Đại Phí). 
Trung Quyết sinh ra Phi Liêm, Phi Liêm sinh ra Ác Lai và Quý Thắng. 
Quý Thắng sinh ra Mạnh Tăng, Mạnh Tăng sinh ra Hành Phủ, Hành Phủ sinh ra Tạo Phủ. Tạo Phủ được phong ở thành Triệu nên lấy họ Triệu. Triệu Suy là dòng dõi của Tạo Phủ. 
Ác Lai sinh ra Phi Tử, Phi Tử được phong ở đất Tần hiệu là Tần Doanh. Phi Tử sinh ra Tần Hầu, Tần Hầu sinh ra Công Bá, Công Bá sinh ra Tần Trọng (Ở đất Tần, họ Doanh, tên Trọng), Tần Trọng sinh ra Tần Trang Công…..Tần Thủy Hoàng. Tần Thủy Hoàng sinh ra Tần Nhị Thế. 
Xét theo mạch trên thì các vua Tần thuộc nhánh của Ác Lai mang họ Doanh cớ sao lại nhận Tạo Phủ thuộc nhánh Quý Thắng làm tổ phụ? 
Vậy các vua Tần họ Doanh chứ không phải họ Triệu như Tư Mã Thiên nói. 
Triệu Cao cùng họ với các vua Tần nên là Doanh Cao luôn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét