XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

Tư tưởng pháp trị của Hồ Quý Ly

    1. Sự hình thành của bất cứ một học thuyết nào cũng là kết quả của sự tương tác giữa yếu tố khách quan và nhân tố chủ quan. Đó là sự phản ánh điều kiện sinh hoạt của xã hội đương thời; sự kế thừa, chắt lọc những tinh hoa văn hoá của nhân loại và sau cùng khúc xạ qua lăng kính của cá nhân nhà tư tưởng. Tư tưởng pháp trị của Hồ Quý Ly cũng không nằm ngoài quy luật chung đó, nó ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết của xã hội Đại Việt vào cuối thế kỷ XIV và là vũ khí tinh thần đưa nhà Hồ lên vũ đài chính trị, thay thế nhà Trần trong việc giải quyết những vấn đề mà lịch sử đặt ra.
Nhà Trần tồn tại 174 năm, 115 năm đầu là thời kỳ hưng thịnh với những chiến công oanh liệt và thành tựu văn hoá rực rỡ. Tuy nhiên, từ đời vua Dụ Tông (1341 - 1369) về sau, triều đại này bắt đầu lâm vào tình trạng khủng hoảng. Các vị vua bất tài, hèn kém, chỉ lo ăn chơi, không nghĩ gì đến giang sơn, xã tắc. Dụ Tông “nghiện rượu, mê đàn hát, xa xỉ, làm cung điện nguy nga và tường vách trạm trổ, lãng phí tiền của…” , Nhật Lễ cũng “rượu chè dâm dật…chỉ thích rong chơi…hát xướng” , suýt chút nữa phá tan cơ đồ mà dòng họ Trần dày công xây dựng. Bậc làm vua là vậy, số quan lại cũng không khá hơn, một bộ phận a dua, xu nịnh, chia bè kéo cánh, tranh giành quyền lợi, chèn ép nhân dân; bộ phận khác chán nản, bạc nhược, chỉ cầu yên phận. Trần Nguyên Đán - nhân vật nổi bật sau khi Nghệ Tông lên ngôi - với cương vị Tư đồ phụ chính cũng sớm tìm thú vui trong nhàn tản, ẩn dật. Trang Định Vương Ngạc – con trai vua Nghệ Tông thì than thở cùng Nguyên Đán:
“Ngày nay tôi là đồ bỏ
Ông không tài lạ cứu đời
Cùng một lớp già đau ốm
Ruộng vườn sớm liệu về thôi”.
Sự yếu kém, sa đoạ của tầng lớp cầm quyền đã khiến tiềm lực của Đại Việt vào những năm cuối thế kỷ XIV trở nên kiệt quệ. Bên cạnh đó, thiên tai, mất mùa, đói kém xảy ra liên tiếp, thuế má nặng nề làm đời sống nhân dân vô cùng cực khổ; xã hội phân hoá trầm trọng; khởi nghĩa, cướp bóc nổi lên khắp nơi. Sử thần Phan Phu Tiên đã mô tả điều đó như sau: “Nhà Trần từ sau khi Dụ Tông hoang dâm, phóng túng… thì giặc cướp rất nhiều. Chúng cướp của, bắt người giữa ban ngày, pháp luật không thể ngăn cấm được” . Trong khi ấy, áp lực của xâm lược ngoại bang từ hai đầu Nam Bắc hiện ra như một mối đe doạ thường trực. Ở phía Nam, Chiêm Thành, Chân Lạp liên tục đưa quân quấy phá ; phía Bắc, nhà Minh cũng rắp tâm mở rộng bờ cõi, chúng liên tục sai sứ sang đòi người, đòi của; nguy hiểm nhất là việc hỏi mượn đường chinh phạt Chiêm Thành vào năm 1386. Điều này gợi nhớ đến sự kiện Toa Đô chỉ huy 50 vạn quân Nguyên đánh vào nước ta từ phía Nam năm 1282, khởi đầu cũng bằng yêu sách tương tự.
Có thể nói, bức tranh chung của Đại Việt vào cuối thế kỷ XIV là sự đình trệ về kinh tế, sự rối ren về chính trị…; nguy cơ mất nước như lưỡi gươm của thần Hadès treo lơ lửng trên đầu nhân dân ta. Nhà Trần đã đến hồi suy vi, không còn khả năng đưa đất nước vượt qua khủng hoảng. Tình thế cấp bách đặt ra là phải loại bỏ những chướng ngại trên con đường phát triển của dân tộc, phế truất sự lãnh đạo của tầng lớp quý tộc tông thất bảo thủ nhà Trần để đáp ứng nhu cầu ổn định chính trị - xã hội, giữ vững thế nước, chủ động đối phó với những hiểm hoạ bên ngoài. Quá trình đó đòi hỏi phải có sự nhạy bén, tài quyết đoán của cá nhân kiệt xuất - người đại diện cho xu thế mới - trong việc đọc và xử lý tình huống chính trị. Do vậy, sự xuất hiện của Hồ Quý Ly với vai trò là trung tâm của quá trình chuyển giao quyền lực là một điều tất nhiên xuyên qua vô số những cái ngẫu nhiên. Ph.Ăngghen đã viết: “Thật là điều ngẫu nhiên thuần tuý mà một vĩ nhân nào đó xuất hiện ở một thời đại nhất định nào đó. Nhưng nếu chúng ta phế bỏ người đó đi, thì lại xuất hiện sự đòi hỏi một người thay thế, và người thay thế này sẽ xuất hiện tốt hay xấu nhưng cuối cùng rồi cũng xuất hiện…” .
Hồ Quý Ly bước lên sân khấu chính trị - quân sự nhà Trần từ năm 1370. Trải qua 5 đời vua (Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông, Trần Phế Đế, Trần Thuận Tông, Trần Thiếu Đế), ông ngày càng giữ vị trí quan trọng và có nhiều đóng góp to lớn trong việc chấn chỉnh cơ nghiệp nhà Trần. Song, cũng chính ông là người lật đổ vương triều đó, đề cao pháp trị và tiến hành những biện pháp cải cách hết sức táo bạo, quyết liệt.
Hồ Quý Ly vốn xuất thân từ tầng lớp Nho sỹ, những người mà vua Nghệ Tông gọi là bọn “Bạch diện thư sinh”. Chính vì vậy, tư tưởng của ông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của học thuyết Nho giáo – đặc biệt là Tống Nho. Nguyễn Đăng Thục đã viết: “tư tưởng pháp trị của Hồ Quý Ly có lẽ manh nha nảy nở trong phái Nho học “bạch diện thư sinh” kể từ thời vua Minh Tông” . Đặc trưng của Nho học thời Tống là việc gạt bỏ lối tầm chương, trích cú, phục hưng Nho học Tiên Tần, lấy tư tưởng Khổng Mạnh làm hạt nhân, có hấp thụ tinh hoa của những trường phái triết học khác từ đó tạo ra trào lưu tư tưởng triết học mới của thời đại. Về lĩnh vực chính trị, Tống Nho xuất hiện xu hướng coi trọng thực tiễn, lấy tính hiệu quả làm thước đo cho đường lối trị nước, trong đó nổi bật là tư tưởng cải cách của Vương An Thạch.
Nguyễn Đăng Thục cho rằng Hồ Quý Ly đã kế thừa “tinh thần pháp trị khống chế theo kiểu Vương An Thạch thời Tống bên Tàu trước kia” . Trương Thị Hoà thì nhận định: “suy cho cùng, tính chất và kết quả của cuộc cải cách Hồ Quý Ly lại gần gũi với cuộc cải cách của Vương An Thạch (1021 - 1086) đời Bắc Tống” . Điểm xuyên suốt trong học thuyết triết học của Vương An Thạch là “tinh thần phê phán và thái độ coi trọng tác dụng tính năng động chủ quan của con người.
Đó cũng là tư tưởng chỉ đạo chủ trương cải cách xã hội của ông” . Công cuộc cải cách của Vương An Thạch diễn ra trên mọi mặt của đời sống xã hội như tài chính, kinh tế, quân đội… Về kinh tế - xã hội, ông đặt ra phép thanh miêu, phép miễn dịch và phép thị dịch: phép thanh miêu là việc nhà nước cho dân vay tiền để chăm lo mùa màng; phép miễn dịch cho những người kẻ phải chịu sưu dịch được nộp tiền thay; phép thị dịch cho phép nhà nước thu mua những hàng hóa mà người đi buôn không bán được… Về quân binh, Vương An Thạch đặt ra phép bảo giáp, phép bảo mã: dùng dân binh thay cho lính mộ, khuyến khích nông dân nuôi ngựa để cung cấp chiến mã cho nhà nước, nhằm tăng cường lực lượng quốc phòng và giảm bớt chi tiêu của nhà nước trong việc nuôi quân đội…
Mặc dù cuộc cải cách của Vương An Thạch không đạt được kết quả cao nhưng cũng có những tiến bộ nhất định và là một tiền đề cơ bản góp phần hình thành tư tưởng pháp trị của Hồ Quý Ly. Bên cạnh Vương An Thạch, như các nho sỹ thuộc phái “Bạch diện thư sinh” đương thời, Hồ Quý Ly cũng kế thừa tư tưởng của Trình Hạo, Trình Di, Chu Hy… hướng đến những giá trị hiện thực, gạt bỏ mặt tiêu cực, bi quan, vô vi của Phật giáo, Đạo giáo; từ đó phê phán Phật giáo, “bài bác tư tưởng tổng hợp, hỗn dung của các vua Trần” …
Những tư tưởng trị nước của các bậc tiền bối trong lịch sử dân tộc cũng ghi dấu ấn đậm nét trong tư tưởng pháp trị của Hồ Quý Ly. Có lẽ ở đây cần lưu ý đến nhân vật Trần Thủ Độ - nhà thực hành pháp trị xuất sắc đầu thời Trần. Thật bi hài khi nhà Trần đoạt ngôi nhà Lý thông qua hoạt động của một nhà pháp trị, cuối cùng mất ngôi cũng vì một nhà pháp trị. Song, pháp trị của Trần Thủ Độ với những mặt tích cực của nó như ý thức quốc gia, dân tộc; tinh thần thượng tôn pháp luật, “thời biến, pháp biến”… đã trở thành một nguồn gốc lý luận của tư tưởng Hồ Quý Ly. Ngoài Trần Thủ Độ, nhân vật có ảnh hưởng lớn đối với Hồ Quý Ly có thể kể đến là Trần Nghệ Tông.
Trần Nghệ Tông chính là người đề bạt và nâng đỡ Hồ Quý Ly, hai người đã gắn bó với nhau như hình với bóng, cùng trở thành linh hồn chi phối mọi hoạt động của nhà Trần. Mặc dù, pháp trị của Hồ Quý Ly trái ngược với chủ trương nhân trị mà các vị vua nhà Trần theo đuổi, nhưng ông đã kế thừa được ở Nghệ Tông ý thức về một dân tộc độc lập, khẳng định chủ quyền đất nước và đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích của tông tộc. Tư tưởng của Trần Nghệ Tông thể hiện qua câu nói nổi tiếng: “Triều trước dựng nước có luật pháp, chế độ riêng, không theo quy chế của nhà Tống là vì Nam Bắc nước nào làm chủ nước đó, không phải bắt chước nhau” ; hay trước khi mất, Nghệ Tông đã nhắn nhủ với Hồ Quý Ly: “Bình chương là họ thân thích của nhà vua, mọi việc nước nhà đều trao cho khanh cả. Nay thế nước đã suy yếu, Trẫm thì già nua. Sau khi Trẫm chết, Quan gia nếu giúp được thì giúp, nếu hèn kém, ngu muội thì khanh cứ tự nhận lấy ngôi vua” …
      2. Sự xuất hiện của Hồ Quý Ly và tư tưởng pháp trị của ông là một sự tất yếu nhằm giải quyết những nhiệm vụ kinh tế - chính trị - xã hội cấp bách của Đại Việt thời kỳ Trần mạt, nó được hình thành trên nền tảng lý luận chủ yếu là Tống Nho, đồng thời là sự đúc kết những kinh nghiệm trị nước đã có trong lịch sử dân tộc. Pháp trị của Hồ Quý Ly cũng là cơ sở để nhà Hồ thực hiện chính sách cải cách xã hội một cách toàn diện, tạo ra một cục diện mới cho đất nước để sẵn sàng đối phó với mọi khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, không phải chỉ khi soán ngôi nhà Trần, Hồ Quý Ly mới chủ trương pháp trị và cải cách xã hội, mà trên thực tế những điều đó đã được thực hiện từ trước, sở dĩ như vậy vì toàn bộ những quyết sách chính trị của nhà Trần trong 5 đời vua cuối cùng hầu hết đều được đạo diễn bởi Hồ Quý Ly. Tư tưởng pháp trị của Hồ Quý Ly được thể hiện ở một số nội dung chính như sau:
Thứ nhất, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu; coi ổn định chính trị - xã hội là điều kiện tiên quyết để phát triển đất nước.
Trong lịch sử nhân loại từ cổ tới kim, việc thay đổi triều đại, giành giật vị trí đứng đầu nhà nước là chuyện thường xảy ra, không có gì là lạ. Nhưng bối cảnh chuyển giao quyền lực từ nhà Trần sang nhà Hồ lại có nhiều điểm cần chú ý: đó là một xã hội khủng hoảng trầm trọng, Hồ Quý Ly phải đơn độc chèo lái con thuyền Đại Việt đang ngày một nguy khốn, nguy cơ mất nước dần trở thành hiện thực. Trong khi đó, những chủ trương cải cách của Hồ Quý Ly lại bị cản trở bởi tầng lớp vương hầu quý tộc nhà Trần hèn kém, bất tài, kể cả nhà vua vì quyền lợi riêng của dòng họ đã đứng về phía đối lập với ông.
Để phát triển đất nước, giữ vững độc lập chủ quyền, tránh khỏi thảm họa diệt vong, theo Hồ Quý Ly trước tiên phải nắm lấy thực quyền và thực hiện những chính sách nhằm ổn định chính trị - xã hội. Vì vậy, ông đã không ngần ngại sử dụng mọi biện pháp cần thiết, dùng bạo lực trấn áp để giành được quyền lực, cụ thể như: triệt hạ Đế Hiện, tức Trần Phế Đế (1389) bằng cách “góp ý” với Thượng hoàng Nghệ Tông để phế truất, sau đó sai người thắt cổ chết; ép Thuận Tông dời đô về Đại Lại, nhường ngôi cho thái tử An (Trần Thiếu Đế), xuất gia đi tu và cuối cùng chịu chung số phận như Đế Hiện (1398); giết quý tộc tông thất và bầy tôi trung thành với triều Trần gồm hơn 370 người tại hội thề Đốn Sơn (1399); bức Thiếu Đế nhường ngôi (1400), vì Thiếu Đế là cháu ngoại của Hồ Quý Ly nên mới tránh khỏi họa sát thân...
Có thể nói, Hồ Quý Ly đã vượt qua sự chế ngự của quan điểm “ngu trung” (trung thành một cách mù quáng) mà đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên hàng đầu; vì sự tồn vong của đất nước mà không việc gì không dám làm (vô sở bất vi). Tư tưởng này của ông phần nào được phản ánh trong bài thơ Gửi vua cũ:
“Trước có vua hèn ngu
Hôn Đức và Linh Đức
Sao không sớm liệu đi
Để cho người nhọc sức”.
Chiếc ngai vàng đối với Hồ Quý Ly chỉ là phương tiện quan trọng vào bậc nhất để ổn định chính trị - xã hội và thực thi những chủ trương, chính sách mà ông đã và sẽ ban hành. Nguyên tắc chính trị: “cứu cánh biện minh cho phương tiện” mà Machiavelli – một người phương Tây nêu ra vào thế kỷ XVI xem ra không khác mấy so với trường hợp của Hồ Quý Ly - một người phương Đông ở thế kỷ XIV, bởi từ xưa đến nay, những trí tuệ và nhân cách lớn bao giờ cũng có những điểm tương đồng.
Thứ hai, chủ trương cải cách toàn diện, động viên mọi nguồn lực để giành và củng cố vương quyền, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng.
Để động viên mọi nguồn lực, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng “trì trệ, bế tắc”, ổn định bên trong và chủ động đối phó với hiểm họa bên ngoài, Hồ Quý Ly đã tiến hành một cuộc cải cách hết sức quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc. Có thể coi cuộc chính biến lật đổ nhà Trần năm 1400 là “biện pháp cải cách chính trị táo bạo, triệt để nhất” của Hồ Quý Ly, song, đây là hệ quả tất yếu của quá trình chuẩn bị hết sức lâu dài. Trước đó, Hồ Quý Ly đã đặt ra những chức quan mới và lần lượt đưa những người có cùng chí hướng, thân cận với mình vào giữ những vị trí trọng yếu của triều đình. Việt sử thông giám cương mục chép: “Ở lộ đã có chức an phủ mà lại còn đặt đô hộ và đô thống, ở phủ đã có chức trấn thủ mà lại còn đặt tri phủ và thái thú, có lẽ cốt để cho công việc được thống nhất mà các viên quan đứng đầu phải kiêm việc trông coi, vì thế nên đều dùng các viên đại thần giữ các chức ấy.
Chẳng qua lúc bấy giờ Quý Ly sắp cướp ngôi nhà Trần, cho nên đặt ra các chức quan trọng đại, để phân phối công việc cho các người trong đảng mình” . Việc Hồ Quý Ly cử số cận thần, quan lại thân cận của mình kiêm giữ các chức vụ đứng đầu địa phương (1397) đã bước đầu phản ánh khuynh hướng tập trung quyền lực trong việc tổ chức và điều hành bộ máy nhà nước. Khuynh hướng này đã được Hồ Quý Ly áp dụng để xây dựng vương triều Hồ thành một nhà nước quân chủ trung ương tập quyền, đẩy nhà nước quân chủ quý tộc lùi về quá khứ, thay quan hệ tông tộc từng giữ vị trí chủ đạo bằng quan hệ vua – tôi, quân – thần.
Cùng với việc cải cách chính trị, Hồ Quý Ly cũng tiến hành những biện pháp để củng cố, tăng cường quốc phòng. Đối với Chiêm Thành, sách lược của Hồ Quý Ly là từ bỏ thói quen phòng ngự, chuyển sang chủ động tiến công. Mặt khác, ông cũng nỗ lực chấn chỉnh quân đội, bố trí phòng ngự để sẵn sàng đối phó với phong kiến phương Bắc, điều đó thể hiện qua hàng loạt các hành động như: dời đô về nơi hiểm yếu, điểm quân số, xét duyệt quân ngũ, chuẩn bị quân nhu vũ khí; sửa đắp thành trì, phát động toàn dân chống giặc, đẩy mạnh việc do thám trên đất địch. Quyết tâm chống xâm lược của Hồ Quý Ly phần nào được thể hiện qua câu nói: “Làm thế nào có được 100 vạn quân để chống giặc Bắc” .
Về kinh tế - xã hội, Hồ Quý Ly cho ban hành tiền giấy (1397) và thực hiện chính sách hạn điền (1397); tiến hành đo đạc ruộng đất (1398). Theo chính sách hạn điền, trừ Đại vương và Trưởng công chúa, không ai được có quá 10 mẫu ruộng, số ruộng tư nhân vượt quá mức ấy đều phải nộp cho nhà nước làm quan điền. Cùng với chính sách hạn điền, Hồ Quý Ly cũng thực hiện chính sách hạn nô (1401) nhằm hạn chế việc địa chủ, quý tộc dùng dân nghèo làm nô tỳ, bóc lột sức lao động của họ. Hai chính sách trên đã trực tiếp công kích vào tầng lớp quý tộc gắn bó với nhà Trần, hạn chế quyền lợi và làm suy yếu thế lực của họ. Bên cạnh đó, Hồ Quý Ly buộc các sư tăng chưa đến 50 tuổi phải hoàn tục (1396), những ai đủ tuổi muốn đi tu phải trải qua một kỳ thi để kiểm tra kiến thức. Ông cũng lập ra Quảng tế thự (1403) là cơ quan chuyên chữa bệnh cho dân…
Về văn hóa – giáo dục, Hồ Quý Ly chủ trương phát huy văn hóa dân tộc, đề cao chữ Nôm. Mặc dù là một Nho sỹ trong phái “Bạch diện thư sinh” nhưng ông không tôn sùng Tống Nho một cách mù quáng. Bùi Duy Tân cho rằng: “Tuy học theo Nho gia, nhưng cũng như Chu An, ông không thúc mình trong khuôn khổ của Nho gia qua sách vở Tống Nho.
Chính vì một tinh thần hoài nghi, một đầu óc tìm tòi sáng tạo táo bạo đó của ông đã làm cho nhiều thế hệ nhà Nho phải sửng sốt bàng hoàng” . Dường như con người Hồ Quý Ly luôn tồn tại hai mặt: một mặt, ông tìm cách giải thích đạo Nho theo tư tưởng riêng của mình và không tiếc lời phê phán các thánh hiền của đạo Nho, cụ thể “cho Chu Công là tiên thánh, Khổng Tử là tiên sư.. Luận ngữ có 4 điểm đáng ngờ… Hàn Dũ là đạo Nho… Chu Mâu Thức, Trình Di, Trình Hiệu… tuy học rộng nhưng ít tài…chỉ thạo cóp nhặt” ; mặt khác, ông lại tích cực vận dụng những cách thức, quy tắc của thể chế chính trị mà Nho giáo đã đưa ra để trị nước.
Cũng theo tinh thần Nho giáo, Hồ Quý Ly đẩy mạnh việc giáo dục, bồi dưỡng nhân tài. Ông cho đặt học quan ở các châu huyện và tiến hành cải cách thi cử, bỏ lối ám tả cổ văn, tổ chức thêm kỳ thi viết chữ và làm toán… Ở đây, có lẽ Hồ Quý Ly đã ý thức được sự cần thiết phải kết hợp pháp trị với việc giáo dục, cảm hóa con người; lấy văn hóa dân tộc làm mục tiêu đào tạo qua đó phát huy lòng yêu nước và tự tôn dân tộc…
Những chính sách trên đã chứng tỏ tinh thần đổi mới, cách tân của Hồ Quý Ly, ông không chấp nhận lối mòn có sẵn mà tiến hành một bước đột phá làm thay đổi bộ mặt xã hội. Công cuộc cải cách của Hồ Quý Ly chính là việc làm cần thiết để động viên mọi nguồn lực bao gồm chính trị, quốc phòng, kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục, qua đó từng bước nắm lấy quyền lực và củng cố “thế” cho vương triều Hồ mới thành lập, tạo sức mạnh để chống chọi với các kẻ địch trong và ngoài nước, chèo lái con thuyền Đại Việt vượt qua phong ba, bão táp.
Thứ ba, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đẩy mạnh công tác lập pháp và tăng cường các biện pháp trừng phạt, khen thưởng.
Hồ Quý Ly rất quan tâm đến luật pháp và đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Theo ông, luật pháp là phương tiện hết sức quan trọng để trị nước an dân, là công cụ quyền lực tối thượng để đảm bảo cho các chính sách cải cách được thực hiện đến nơi đến chốn. Chính vì vậy, khi ở cương vị đại thần của nhà Trần hay vị Thái thượng hoàng đầy quyền uy của nhà Hồ, Hồ Quý Ly luôn chủ trương đẩy mạnh công tác lập pháp.
Một mặt, ông kế thừa các văn bản pháp luật có sẵn của nhà Trần (chẳng hạn như: quốc triều thống chế, quốc triều thường lễ, hoàng triều đại điển, hình luật thư…); mặt khác, ông chỉ đạo ban hành các văn bản pháp luật để điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh cho phù hợp với tình hình cụ thể. Sử chép rằng ngay sau khi thay thế nhà Trần (1401), nhà Hồ đã “định quan chế và hình luật nước Đại Ngu” . Có thể nói, hầu hết các văn bản pháp luật quan trọng vào cuối đời nhà Trần mạt và nhà Hồ (khoảng 12 văn bản dưới thời vua Thuận Tông và Thiếu Đế, 15 văn bản dưới thời vua Hán Thương) là do Hồ Quý Ly khởi xướng và thực hiện, các văn bản ấy đều hướng tới việc phục vụ công cuộc cải cách của ông.
Ngoài việc thường xuyên đẩy mạnh công tác lập pháp, Hồ Quý Ly cũng tăng cường các biện pháp trừng phạt và khen thưởng để việc thực hiện pháp luật được nghiêm chỉnh. Khác với pháp luật thời Lý – Trần, pháp luật của nhà Hồ được sử dụng nhằm lập lại trật tự xã hội, củng cố quốc phòng, trấn áp những mầm mống và hiện tượng phá hoại từ nhiều phía, đồng thời phục vụ công cuộc cải cách toàn diện với vô số trở lực và chống đối quyết liệt. Do vậy, trong những trường hợp cụ thể, hình phạt do Hồ Quý Ly đề ra mang tính chất nghiêm khắc nặng nề hơn các thời đại trước rất nhiều, chẳng hạn: tử hình và tịch thu ruộng đất đối với người phạm tội tàng trữ, lén lút tiêu dùng tiền đồng, làm giả tiền giấy; người lấy trộm măng tre trồng làm vòng thành cũng bị tử hình… Sử liệu cho thấy, những hình phạt cơ bản của nhà Hồ bao gồm: đồ hình, lưu hình, tử hình, giam cầm, tịch thu gia sản, biếm tư… Tử hình cũng có nhiều hình thức khác nhau như: chém chết; chôn sống, dìm nước cho chết; thắt cổ cho chết; lăng trì…
Có thể nói rằng, tinh thần trọng pháp chính là một nét son trong tư tưởng pháp trị Hồ Quý Ly, nó đã góp phần quan trọng để đưa những cải cách của ông vào thực tế, làm thay đổi căn bản mọi mặt của đời sống xã hội.
Thứ tư, kiên quyết và linh hoạt trong xử lý tình huống chính trị, kết hợp ba yếu tố “pháp”, “thế”, “thuật” nhằm hướng đến những giá trị có tính thực tiễn.
Hồ Quý Ly là một con người thực dụng, tư tưởng cũng như hành động của ông đều hướng đến những giá trị có tính thực tiễn, tính hiệu quả. Pháp trị của Hồ Quý Ly bao gồm cả “pháp”, “thế”, “thuật”, song “pháp” và “thế” là hai yếu tố được Hồ Quý Ly hết sức xem trọng.
Trước những thách thức tưởng chừng không thể vượt qua, Hồ Quý Ly không phó mặc cho thời cuộc mà quyết tâm giành lấy quyền lực về mình và sử dụng những hình phạt khắt khe khiến mọi người khiếp sợ mà tuân phục. Dường như ở Hồ Quý Ly, lý trí đã trở thành yếu tố chủ đạo, hầu như không bắt gặp yếu tố tình cảm, ông hành động rất kiên quyết, thậm chí có lúc tàn bạo, không từ mọi thủ đoạn để đạt được mục đích chính trị, chẳng hạn như: sai người treo cổ con rể (vua Thuận Tông); bức cháu ngoại (Thiếu Đế) nhường ngôi; giết 370 người thuộc tôn thất nhà Trần tại hội thề Đốn Sơn…; thẳng tay đàn áp mọi lực lượng và hành động chống đối. Tinh thần thực dụng, coi trọng thực tiễn của Hồ Quý Ly còn thể hiện ở việc ép các nhà sư dưới 50 tuổi phải hoàn tục, cho rằng đó là tầng lớp ăn bám, chỉ gây ra lãng phí; ông cũng đưa những người tu hành vào quân đội và sử dụng đội ngũ đó để chinh phạt phương Nam…
Bên cạnh “pháp” và “thế”, Hồ Quý Ly cũng chú ý đến “thuật”, với ý nghĩa là quyền mưu của kẻ cầm quyền trong điều khiển, quản lý đất nước. Điều đó thể hiện qua việc ông kết hợp giữa sự kiên quyết và linh hoạt khi xử lý tình huống chính trị, đặc biệt ở những thời điểm nhạy cảm. Chẳng hạn như chuyện Hồ Quý Ly giả vờ thoái thác không chịu lên ngôi vua; đợi khi quần thần ba lần dâng biểu, mới nhận lời, xưng là Hoàng đế, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, đổi quốc hiệu là Đại Ngu…. Hay chuyện Hồ Quý Ly đưa con thứ là Hồ Hán Thương lên ngai vàng cũng là một sự khôn khéo để tránh sự công kích từ mọi phía về việc ông cướp ngôi của nhà Trần.
Ông đã sai sứ sang nhà Minh giải thích: “Họ Trần đã tuyệt tự, Hán Thương là cháu ngoại Minh Tông tạm trông coi việc nước” . Hồ Nguyên Trừng là con trưởng, tuy không được nhường ngôi nhưng cũng không có phản ứng gì, ngược lại ba cha con họ Hồ hết sức đoàn kết, thống nhất trong suốt quá trình quản lý, điều hành đất nước. Điều đó cho thấy Hồ Quý Ly đã cùng các con dàn xếp, mưu tính mọi việc nội bộ để hướng tới đại cục, lấy đại cục làm trọng. Có thể nói, sự kết hợp giữa ba yếu tố “pháp”, “thế”, “thuật” trong tư tưởng pháp trị của Hồ Quý Ly đã giúp ông có những cách làm, bước đi quyết liệt tạo nên những điểm nhấn sâu sắc đối với xã hội Đại Việt vào cuối thế kỷ XIV – đầu thế kỷ XV.
      3. Hồ Quý Ly là một nhà pháp trị triệt để, nhà cải cách táo bạo hiếm có trong lịch sử Việt Nam. Tư tưởng của ông đã khơi nguồn cho một cuộc cải cách toàn diện, nhằm tăng cường chế độ quân chủ trung ương tập quyền, củng cố an ninh - quốc phòng, giải quyết các mâu thuẫn kinh tế - xã hội và phát triển văn hóa - giáo dục… Pháp trị Hồ Quý Ly thể hiện tính cách mạng sâu sắc, đó là tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, dám đương đầu với muôn vàn khó khăn, dấn thân can thiệp cải tạo tình trạng hiện tồn, góp phần tạo nên sức sống cho một xã hội đang trên đà suy thoái, khủng hoảng trầm trọng. Một điểm tích cực nữa trong tư tưởng của Hồ Quý Ly đó là việc đề cao tinh thần độc lập tự chủ, kết hợp giữa tư tưởng pháp trị với chủ nghĩa yêu nước và tạo cho nó một sắc thái mới. Với ý nghĩa đó, pháp trị Hồ Quý Ly đã trở thành đường lối chiến lược để chống nạn ngoại xâm đang rình rập, đe dọa nền độc lập của đất nước.
Bên cạnh mặt tích cực, tư tưởng pháp trị của Hồ Quý Ly cũng bộc lộ nhiều hạn chế, sai lầm làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và sự nghiệp của ông. Chủ trương, chính sách mà Hồ Quý Ly đưa ra tuy mới mẻ nhưng có những điểm chưa phù hợp với điều kiện xã hội lúc bấy giờ. Chẳng hạn như việc ban hành tiền giấy là quá sớm khi uy tín của nhà Trần và Hồ Quý Ly không đủ để bảo đảm cho giá trị của đồng tiền ấy; mặt khác, tiền giấy lúc đó chưa phải là nhu cầu thiết yếu đối với một nền kinh tế chưa phát triển cao.
Hay việc dời đô năm 1397 tuy có nguyên nhân chính đáng nhưng lại quá sức chịu đựng vì tài lực của nhà nước và nhân dân đã cạn kiệt... C. Mác đã viết: “Con người làm ra lịch sử của chính mình nhưng không phải làm theo ý muốn tùy tiện của mình, trong những điều kiện tự mình muốn chọn lấy, mà là trong những điều kiện trực tiếp có trước mắt, đã cho sẵn và do quá khứ để lại” . Sai lầm của Hồ Quý Ly là quá đề cao tính tích cực chủ quan của cá nhân mà thiếu tính toán đến phản ứng của nhân dân và tình hình thực tế của đất nước.
Mặc dù có chú ý đến “thuật” nhưng do đặt nặng yếu tố “pháp” và “thế” nên tư tưởng pháp trị của Hồ Quý Ly trở nên cứng nhắc và cố chấp. Với một xã hội chịu ảnh hưởng đậm nét của Nho giáo, lấy chữ “đức” làm trọng, thì những biện pháp, hình phạt nghiêm khắc có khi đến tàn bạo khi xử lý, giải quyết các mối quan hệ xã hội của Hồ Quý Ly khó có thể giành được lòng tin từ phía nhân dân, thậm chí còn tạo ra trong xã hội một tâm lý bất an, hoang mang, lo lắng... Cách dùng người cũng là điểm yếu trong “thuật” trị nước của Hồ Quý Ly.
Ông không những thẳng tay trừng trị những người chống đối mà ngay cả quần thần thân tín nhưng có ý kiến trái ngược cũng bị dồn tới đường cùng, ví như Nguyễn Đa Phương, Nguyễn Bẩm... do chỉ trích Hồ Quý Ly nên đã bị giết chết; Ngụy Trung bị chém vì khuyên cha con họ Hồ tuẫn tiết để khỏi lọt vào tay giặc… Nhân tài bên cạnh Hồ Quý Ly cũng vì thế mà ngày càng xa rời ông. Nguyễn Trãi đã nhận xét về con người Hồ Quý Ly như sau: “Họ Hồ dùng gian trí để cướp lấy nước, lại lấy gian trí để hiếp lòng dân. Lệnh bảo sao ban bố mà mọi người oán nổi thương sinh, việc di dân thi hành mà mọi người kêu bề gia thất sở. Gia dĩ thuế má phiền, giao dịch nặng, pháp luật ngặt, hình phạt nghiêm. Chỉ vụ ích kỷ phì gia, chẳng nghĩ khổ dân hại nước. Yêu người gần, vị tình riêng. Họ hàng thì người thấp cũng tôn quý, tiểu nhân mà người nịnh cũng tin dùng. Nhân mừng mà thưởng khen, nhân giận mà phạt giết. Người trung thực phải khóa miệng, kẻ lương thiện thì ngậm oan. Thế mà cứ kiêu ngạo tự tôn, không sợ mệnh trời gieo họa” .
Có thể nói những hạn chế trong tư tưởng pháp trị và chủ trương cải cách của Hồ Quý Ly đã khiến nhà Hồ không tập hợp, lôi kéo được quần chúng về phía mình. Thực tế cho thấy, cho đến nay những câu chuyện, truyền thuyết về Hồ Quý Ly còn nhiều, nhưng tất cả đều tỏ ra thiếu thiện cảm, nếu không muốn nói là chỉ trích, lên án ông. Hình ảnh Hồ Quý Ly qua ngòi bút của các sử gia hiện lên như một “loạn thần tặc tử” không hơn, không kém. Nhà Hồ đã thất bại nhanh chóng trước sự xâm lược của quân Minh, thất bại đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng có hai nguyên nhân chủ yếu là: không được sự ủng hộ của nhân dân; sai lầm khi đề ra chiến lược chống giặc, trong đó nguyên nhân đầu tiên giữ vai trò quyết định và cơ bản nhất.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: Hồ Quý Ly và nhà Hồ vì “phạm sai lầm, chính trị thì để mất lòng dân, quân sự thì nặng về phòng ngự, nên cuộc kháng chiến đã bị thất bại nhanh chóng” . Pháp trị của Hồ Quý Ly là sự thể hiện hoài bão cao đẹp, ý chí mãnh liệt như một công trình kiến trúc khổng lồ nhưng lại được thực hiện một cách vội vã dựa trên nền móng không vững chắc, lòng dân ly tán, xa lìa tựa bãi cát rời rạc mênh mông, nên chỉ cần một cơn gió mạnh là nó sẽ sụp đổ. Thất bại của Hồ Quý Ly đã khẳng định một chân lý bất diệt: Dân là gốc của nước, một nền chính trị dù có quy mô rộng lớn, có đầy đủ những biện pháp cưỡng chế, áp bức đến đâu đi chăng nữa nhưng nếu không được quần chúng ủng hộ thì sớm hay muộn cũng đi tới diệt vong.
Lịch sử luôn phát triển về phía trước, mọi thành công hay thất bại cuối cùng cũng lùi dần về quá khứ. Hiện nay, Việt Nam đang vững bước trên con đường đổi mới, xây dựng một nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Song, trên hành trình hướng tới tương lai chúng ta không thể không nhìn nhận, kế thừa những di sản tư tưởng mà cha ông đã để lại. Hồ Quý Ly tuy bại vong nhưng hoài bão của ông về một quốc gia tự lập, tự cường… đã được các thế hệ tiếp sau biến thành hiện thực. Lịch sử có thể hiểu sai lệch, nhưng với tính chất khách quan, nghiêm khắc và sòng phẳng, lịch sử sẽ trả lại những giá trị mà Hồ Quý Ly đã cống hiến, đồng thời chỉ rõ những hạn chế trong tư tưởng của ông để các thế hệ mai sau rút ra những bài học cần thiết trong xây dựng và bảo vệ đất nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. C.Mác – Ph.Ăngghen: Tuyển tập, Tập 6, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985.
2. C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993.
3. Doãn Chính (Chủ biên), Đại cương lịch sử triết học Trung Quốc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.
4. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.
5. Nguyễn Hùng Hậu (Chủ biên), Đại cương lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, Tập 1, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2002.
6. Trương Thị Hoà, Thể chế chính trị, hành chính và pháp quyền trong cải cách Hồ Quý Ly, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997.
7. Kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981
8. Thơ văn Lý - Trần, Tập 3, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978.
9. Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Tập 5, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.
10. Nguyễn Trãi: Toàn tập, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976.
11. Việt sử thông giám cương mục, Tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007.
12. Bùi Duy Tân, Hồ Quý Ly - Một văn nghiệp khiêm tốn, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 264 tháng 9-10/1992.
Bài của Nguyễn Quỳnh Anh
GV Triết học, Trường Đại học An ninh nhân dânEmail: nguyenquynhanh.dhan@gmail.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét