XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

Thô bỉ hủ bại bạc bẽo đê tiện

Trích từ chuyên mục

 Người xưa cảnh tỉnh

đã in trên Thể thao và văn hóa 2005-2007

Các đầu đề nhỏ và chú thích là của người biên soạn 

Nhìều chuyện đáng xấu hổ

     Trong một họ, tôn trưởng thời lèm nhèm, con em thời vô lại;

     trai ăn trộm đánh bạc gái làm biếng chửa hoang;

     nhà thờ tổ có kẻ dỡ ngói bán, ngày giỗ tổ uống rượu để rức nhau (1);



     nhà bác cưới con gái nhà chú không được tiền thời sinh sự để trở hôn, người này chết vợ con người kia có sự bất bình thời sinh sự để ngăn cản việc tống táng…

      Ấy là những sự xấu hổ của một dòng họ.

     Trong một làng, đàn anh chỉ ăn bẫm, đàn em chỉ kiện nhau;

      đình điếm tồi tàn, đường bến rác uế, tiếng chửi mất mạ ở ngoài đồng, tiếng chửi mất gà ở trong xóm;

     nhà nào có tang ma thời quan viên hạch sách sự ăn uống, nhà nào có thất hoả (2) thời hàng xóm láng giềng đến hôi đồ …

       Ấy là những sự xấu hổ của một làng.

     Trong giới thực nghiệp (3), người có tư bản mà không có chí khí, lấy giàu đủ hơn người khác làm mãn nguyện mà không mở rộng được công việc;

      hiệu mở rồi lại đóng, hội họp rồi lại tan;

      việc canh nông không khảo xét mà chỉ mong nhờ trời làm được mùa, việc công nghệ không cầu tinh mà chỉ lấy bán đắt làm lãi …

       Ấy là những sự xấu hổ của giới thực nghiệp.

      Sự đáng xấu hổ thì nhiều mà người biết xấu hổ thời ít.



(1) nhiếc móc nhau

(2) bị cháy

(3) chỉ chung các nghề làm ăn kiếm sống 

                                 Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu
                                      Sự xấu hổ, Hữu thanh, 1921        


Vục đầu ăn uống  trách sao dân chẳng hèn nước chẳng nhược?

    Người thi đỗ, người được bổ làm quan, người được phẩm hàm…đều phải khao vọng. Nhà vua cũng đã đặt lệ giản tiện cho người ta dễ theo. Đại để như đỗ tú tài thì khao một con gà một đĩa xôi và ba quan tiền, đỗ cử nhân thì khao một con lợn một mâm xôi và năm quan tiền.

     Nhưng ngặt vì tục dân đã quen, chiếu lệ ra mà làm thì họ cũng phải chịu, nhưng tình ý không thoả hiệp thì họ sinh ra lắm sự ngăn trở.

     Họ có câu rằng “Phép vua thua lệ làng “, thực là một lời nói đáng khinh bỉ.

     Lại có một câu nữa là câu “vô vọng bất thành quan “(1). Cứ như câu ấy thì ra có xôi thịt cho họ ăn thì họ tôn kính, kém xôi thịt thì họ coi thường. Vậy thì họ chỉ vì miếng ăn mà đổi lòng khinh trọng, sao đê tiện hèn hạ làm vậy?

     Lại ngán nỗi cho hạng kỳ mục(2), động ai có việc gì mời mọc đến ăn uống no say rồi thì giở ra cách chơi bời, thuốc phiện hút khói um nhà, bài bạc đùa cười rầm rĩ, ấy thế là thoả thuê, ấy thế là hể hả. Giá đám nào kém thì đã thấy lắm kẻ hậm hà hậm hực, tiếng nọ tiếng kia, làm cho người ta khó chịu.

 Than ôi! Ngoài chốn hương thôn không còn biết trời đất là đâu, ngoài sự ăn uống không còn có sự nghiệp gì, như thế thì trách làm sao mà dân chẳng hèn, nước chẳng nhược?



(1)không khao vọng không phải là quan

(2) kỳ ở đây là già cả. Các từ điển cũ ghi kỳ mục là những người già cả “tai mắt” trong làng

                                        
 Phan Kế Bính
 Việt Nam phong tục 1915


Chưa làm quan đã nghĩ tới  trộm cướp của công để hưởng lạc

   Có những người nộp một quan tiền thuế mà tựa hồ bị cắt mất một miếng thịt, rên siết than vãn, thế mà đến sòng bạc thì cầm nhà bán cửa không tiếc.

    Có những hạng giàu có phong lưu, ăn mày chầu chực trước nhà không xin nổi một đồng điếu, người làng thiếu thuế không vay lợi được một quan, thế mà đến chỗ ăn chơi thì ngàn vàng mua một trận cười, trong cơn sát phạt, trăm vạn chỉ đặt một tiếng. Hạng người này nhiều lắm, không xe nào chở hết...

   Cũng có nhiều người mới học kha khá đã truy hoan, ngày nào cũng mài miệt trong cuộc đỏ đen, thường lui tới các chủ nợ hứa với người ta rằng “Đợi tôi dạ một tiếng trước cổng trường (1) thì mọi việc sẽ đâu vào đấy”.

     Rắp tâm hành động như thế, rõ ràng là quân trộm cướp của công chứ còn gì?



(1) Tức là thi đỗ, rồi ra làm quan, tha hồ kiếm chác



 Nguyễn Trường Tộ
 Tám việc cần làm gấp, 1867




Tham giàu cho mau nên sinh cờ gian bạc lận

     Cũng bởi người mình tục quấy (1) nhiều, cho nên mới sinh bài bạc nhiều. Bài bạc ham nghĩa chi? Nghĩa là tham cho mau có tiền, đặng khoe khoang nhà cao cửa lớn, đặng cho khỏi bị người giàu có khinh khi bỉ bác. Tại bởi quấy, ít thương nhau cho nên sinh ra tranh đua về lý tài (2). Lý tài gấp thì có món chi mau hơn cờ gian bạc lận? Rõ là tục quấy làm cho người trở lòng tham lam.



(1)   Tục quấy có nghĩa thói quen xấu. Theo Đại nam quốc âm tự vị, quấy có nghĩa rất rộng chỉ sai lầm giả dối không nên không phải   

(2)   cốt sao kiếm lợi

 Lương Dũ Thúc,
Nông cổ mín đàm, 1902





Những mộng tưởng hão

   Nghề cờ bạc hại như thế, mà sao lại lắm người đam mê? Đó chẳng qua mấy bác ăn không ngồi rồi, không nghĩ cách xa xôi, trước còn  cho là một cuộc tiêu khiển, rồi cay vào thành ra gỡ gạc. Các tay đại phú, các bậc hào thương, thường cũng có kẻ đam mê mà bỏ cả công việc buôn bán. Hạng ấy thì lại mộng tưởng những sự may rủi lớn lao, tưởng những sự gỡ một ngày còn hơn buôn cả tháng.

  Người ta không biết trọng cái thực lực mà muốn trông cậy về vận may thì chí khí cũng đã kém rồi, huống chi là cái may cũng không mấy khi được gặp.     

                                                                                                                                                                                                                    Phan Kế Bính                        
                         Việt Nam phong tục,1915



Ăn uống chơi bời bên cạnh nỗi đau của người khác 

    Cái tục tang ma ở ta, hiếu chủ (1) đã có nhiều cách phiền phí (2), đến như lệ làng lại càng phiền nhiễu nữa.

     Việc tử biệt là cái cảnh rất thương xót, mà sự trợ tang thì là một nghĩa vụ của xã hội.

     Đã gọi là nghĩa vụ thì khi người ta đau đớn có thể giúp được gì thì giúp chứ ai còn tưởng gì đến sự ăn uống. Mà hiếu chủ đang lúc buồn bã âu sầu, còn bụng nào mà nghĩ đến việc thù tiếp. Vậy mà ép cho người ta phải cỗ bàn khoản đãi thì cái nghĩa vụ cứu giúp nhau ở đâu?

      Trừ người cùng kiết (3) quá, còn như người có thể lo được hoặc có thể vay mượn được, không mấy ai chịu kém cái sĩ diện.

      Vậy tiếng là tuỳ tiện (4), mà cũng là buộc một cái nợ miệng cho người.

       Đến như các làng, dẫu ai đau đớn khổ sở thế nào mặc lòng, hễ có ăn thì còn để cho người ta giữ hiếu nghĩa, không có ăn thì hiếu nghĩa của người ta cũng bỏ.

        Tục ấy là một tục rất thô bỉ, rất hủ bại, rất bạc bẽo, không có tục nào xấu xa đê tiện bằng!



(1) người đứng ra chịu tang

(2) bận rộn tốn kém

(3) nghèo túng

(4) dễ dãi sao cũng được

 Phan Kế Bính
 Việt Nam phong tục, 1915






Lười nhác không chịu vận động,

không biết thế nào là  thể thao thể dục

      Người nước ta quý trọng các ông thầy đồ lưng dài tốn áo ăn no lại nằm đã thành ra một cái bệnh gần chết không có thuốc chữa. Đến lúc sóng Âu châu ập vào, người ta coi chừng đã tỉnh dậy, nhưng mà công phu về đường thể dục còn chưa nghiên cứu đến nơi.

      Cái căn tính lười nhác đã quen nết lâu ngày, lại nhiều điều thói đãng tính dàm dê (1) cho hại đến sinh mệnh, người ta lấy thế làm sự thường, không lo đường cải cách nào là công khoá (2) về đường thể thao, nào là lợi ích về cách vận động.

      Trong một ngày có 12 giờ, nửa ngồi chết trước cuộc tài bàn (3), nửa nằm chết bên đèn thuốc phiện.

      Vận động đã không có công phu thì huyết mạch lấy gì làm lưu thông; huyết mạch đình trệ thì thân thể phải hèn ốm cho rồi, dân mới hoá ra dân nô lệ, nước mới hoá ra nước bạc nhược.



(1)   Thói đãng là cách sống buông thả; riêng dàm dê là gì, chúng tôi chưa tra cứu được, không rõ có phải là dâm dê hay không (?).

(2)   Những công việc khi vào học phải làm là công, những thứ  học trò phải học là khoá, gọi chung là công khoá

(3)   Một loại tổ tôm, nhưng chỉ có ba người, và đánh không có chừng mực nào cả (Theo cách giải thích của Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục)

Phan Bội Châu          
 Bài diễn thuyết tại Trường quốc học Huế, 1926






Sự xa xỉ mang hại lớn

      Đua nhau may những hàng đẹp mặc những hàng mới, chửa được bao lâu lại đổi mặc hàng khác, ấy là cái thói đua mới chuộng lạ của người dân ta. Có sự xa xỉ bởi có sức trợ chưởng(1) từ bên ngoài.

     Những người thượng lưu không vụ lấy tài đức hơn người, chỉ cốt chăm chăm về đường hư sức (2), bề ngoài dễ khiến người đời xu thượng (3).

       Lòng người đã khuynh hướng về sự xa xỉ, thời tất không thích dùng những hoá vật trong nước mà lại coi nhưng đồ ngoại quốc là lạ là quý hơn, ấy lại là một sự thiệt hại cho nước mình nữa.



(1) bàn tay giúp sức

(2) vẽ vời giả tạo

(3) mải chạy theo
                                                      Trịnh Đình Rư
                                         Phép thực dụng kinh tế trong một nhà Hữu thanh, 1921






Mê tín thủ cựu dốt nát

     Đâu đâu cũng thấy những ng­ười nông dân mê tín thủ cựu và dốt nát. Thư­ờng xuyên có sự lãng phí sức lực. Một thói quen lâu ngày đã làm họ thích nghi với cuộc sống khốn khổ.

     Khi có một ít tiền, họ liền tiêu bừa bãi trong những hội hè. Nếu mùa màng thu hoạch tốt, ngày tết đến họ đốt pháo tha hồ, họ tổ chức những hội hè kéo dài đến mười lăm hoặc hai mư­ơi ngày. Sự thiếu lo xa hầu như­ không có giới hạn.

   Ruộng đất khai thác chỉ cho một năng suất thấp, khiến sự nghèo đói của ngư­ời làm ruộng lại càng trầm trọng thêm.

   Vì thế ngư­ời nông dân thư­ờng xoay sở bằng mọi cách. Cách xoay sở tốn ít công sức nhất là cờ bạc.

  Trong xã hội Việt Nam, mọi người đàn ông, đàn bà, trẻ con đều đánh bạc.

  Tôi đã đếm đ­ược ở một hội làng tới 22 lối cờ bạc, và 150 chiếu chơi xóc đĩa. Các tội ác, các vụ trộm cư­ớp, những hành động phạm pháp th­ường chỉ là do cờ bạc mà ra.

  Ng­ười ta đánh bạc với hy vọng làm cho hoàn cảnh của mình khấm khá hơn. Đôi  khi điều đó dẫn đến những hậu quả khôn lường.


Nguyễn Văn Huyên
 Vấn đề nông dân Việt Nam ở Bắc Kỳ, 1939






Từ lệ hương ẩm tới óc xôi thịt

     Trong các tục lệ của xã hội Việt Nam, lệ hương ẩm(1) là một lệ phổ thông hơn cả. Người ta thường tranh nhau ngôi thứ để đạt quyền lợi. Vì góc chiếu trên nơi đình trung mà nhiều người tranh giành thưa kiện nhau đến mất nghiệp; vì một miếng xôi phần thừa huệ thánh  sau khi tế lễ tại đình  mà nhiều người thành ra thù địch nhau.

     Cái khiếu xã hội (2) của nhiều người không tìm được lối thoát khác để thoát ra, nên đã lạc hướng mà biến thành óc xôi thịt.



(1)  lệ ăn uống ở các làng xã

 (2)  ý thức về vị trí xã hội nơi mỗi cá nhân 



                                                                                               Lương Đức Thiệp
                                                                                              Xã hội Việt nam 1944


 Càng nghèo càng thích chạy theo những trò nhảm nhí

     Thử nhìn vào đám dân quê dư dật xem họ có việc gì, ta thấy ngoài công cuộc làm ăn, họ chỉ còn quân bài lá bạc thuốc phiện hay cô đầu.

     Đám dân nghèo cũng vậy, không phải là họ không biết cờ bạc, ngược lại càng nghèo họ càng lăn vào cuộc đỏ đen, hòng kiếm thêm ít tiền mà mồ hôi nước mắt không đủ mang lại cho họ.

     Thành ra, từ trên xuống dưới, giàu cũng như nghèo, không to thì nhỏ, cờ bạc đã trở nên một tập quán ăn sâu vào đầu óc dân chúng, đó thực là một mối tai ương cho dân tộc ta vậy.

     Ngoài ra nếu không cờ bạc thì người ta lại đua nhau đồng bóng, lễ bái nhảm nhí, từ đó sinh ra biết bao nhiêu mối tệ đoan khác.

 Đỗ Đức Dục
 Vấn đề tổ chức những thì giờ nhàn rỗi của người
 bình dân ở xứ ta, Thanh nghị, 1945

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét