Người xưa cảnh tỉnh
đã in trên Thể thao và văn hóa 2005-2007
Các đầu đề nhỏ và chú thích là của người biên soạn
Bảo thủ, dựa dẫm, cầu an
Trải qua các đời dân ta chịu sự cai trị của vua quan, không có
thể dùng tâm và mưu cho nước, nước tự nó sống còn. Trên có vua hiền
tướng giỏi thì tạm thời yên ổn. Bất hạnh mà không có vua hiền tướng giỏi
thì cả nước loạn ly, nhân dân lầm than.
Từ xưa đến nay, sở dĩ có ít ngày được bình trị (1), mà có lắm cuộc loạn ly, nguyên nhân là ở đó.
Dân nước ta có ưu điểm là an phận, thành thực, nhẫn nại.
Không biết lợi dụng những ưu điểm ấy thì sẽ sinh ra ba cái tệ.
Một là bảo thủ mà không biết tiến thủ.
Hai là dựa vào người mà không biết tự lập.
Ba là yên thân mình nhà mình, mà không biết ái quần ái quốc.
Không trừ ba cái tệ đó thì dù có vua hiền tướng giỏi cũng chỉ
bình trị nhất thời mà thôi, sao có thể chống chọi với các nước lớn
được. Ngày nay phải nghĩ đến tự cường thì ngày sau mới tự cường được.
(1) xã tắc trong cảnh thái bình, có trên có dưới, trật tự kỷ cương đâu vào đấy
Quốc dân độc bản
Tài liệu do Đông Kinh Nghĩa thục soạn, 1907
Tri túc và hiếu cổ
Dân ta đại để bảo thủ mà không biết tiến thủ. Sở dĩ bảo thủ một là
do tri túc (1), hai là do hiếu cổ (2). Thường thường cho rằng quê mùa
chất phác là hay, lặng lẽ rút lui là cao thượng, không biết rằng như vậy
là chỉ muốn ăn chơi lười biếng. Đó là tri túc làm trở ngại cho chí tiến
thủ. Không biết rằng thế đạo (3) ngày một suy, mà lại than thở phong
tục xưa không được phục hồi. Lòng hiếu cổ ấy trở ngại cho chí tiến thủ.
(1) tự cho là đủ
(2) ưa thích những gì đã có từ xưa.
(3)đạo sống ở đời
Quốc dân độc bản, 1907
Cái gì cũng đổ tại trời
Thuyết mệnh trời làm cho dân ta bị trở ngại. Nước yếu không quy
trách nhiệm cho chính sự tồi tệ, quốc dân bất tài mà lại nói vận số
không phải do người quyết định. Lụt lội hạn hán không trách cứ là không
có kế hoạch tiêu nước kịp thời, không phòng ngừa đói kém, mà lại nói
thiên tai không phải do người gây nên. Dịch bệnh lan tràn thì nói con
người sống chết có số, đề phòng cũng vô ích. Cùng làm một nghề, kẻ thành
người bại, cũng lại nói họ gặp may, ta gặp rủi. Than ôi! sao lại có
cách nói tự hại mình đến thế?
Quốc dân độc bản, 1907
Ma quỷ sống lẫn với người hèn yếu
Nước Nam độ bốn mươi năm nay, vận nước ngày một suy, suốt từ trên đến dưới chỉ biết chuyện lười biếng vui chơi.
Pháp chế lề luật không còn có cái gì ra trò, nhân tài cũng tiêu diệt đi mất cả.
Người trên thì lâu lâu được thăng trật (1), chẳng qua như sống lâu lên lão làng; người dưới thì đem của mua quan, thật là tiền bạc phá lề luật (...)
Suốt cả thành thị cho đến hương thôn, đứa gian giảo thì như ma như
quỷ, lừa gạt bóc lột, cái gì mà chẳng dám làm; đứa hèn yếu thì như lợn
như bò, giẫm cổ dè đầu, cũng không dám ho he một tiếng.
(1) trật: cấp bậc phẩm hàm
Phan Châu Trinh
Thư gửi chính phủ Pháp, 1906
Ý thức quốc gia thức tỉnh quá chậm
Khi cái tư tưởng quốc gia đã nảy ra trong óc người Tàu, người Cao Ly
(1), người nước ta vẫn còn say sưa trong giấc ngủ ngàn năm, chưa có
chút gì gọi là giật mình mở mắt cả. Bọn già thì lo làm quan để kiếm tiền
nuôi vợ con, bọn trẻ thì lo làm thầy đặng kiếm gạo nuôi miệng, ngoài
cái lo xác thịt ra thì không có một tư tưởng gì khác.
Lại thêm một bọn ra vênh mặt múa tay tự xưng là ái quốc ái chủng,
nhưng hỏi đến họ cách khuếch lợi trừ hại, tự cường tự lập thì họ ập ạ
như người mơ ngủ, chỉ ngồi ngong ngóng ước mơ thế lực ngoài tràn vào mà
thôi.
(1) tức Triều Tiên.
Phan Châu Trinh
Đạo đức và luân lý Đông Tây, 1925
Khi bàn chuyện quốc gia chỉ ham hư danh
Tục ngữ có câu Cọp chết để da, người chết để tiếng. Xem câu nói đó thời danh vẫn nên quý.
Nhưng tội tình thay! óc ti ti như óc dơi, mắt ti ti như mắt muỗi,
ngoài buồng the bếp núc, vẫn không biết gì là nước non; trừ sọ bò đầu
heo, vẫn không biết gì là rồng rắn.
Huống chi vết xấu ở gia đình, thói hủ ở xã hội, gắn sâu buộc chặt
trải mấy nghìn năm; đoàn thanh niên cho đến phường tân tiến (1), đua
tranh danh giá, chẳng cu-li thượng đẳng thời nô lệ quá ưu; miệng chưa
ráo sữa đã lóc lẻm những thẻ bạc bài ngà, ức (2) chưa rời nôi mà ao ước
những mề đay kim khánh.
Ôi! Thế là vinh danh hay sao? Quý hoá hay sao?
(1) đoàn thanh niên đây chỉ thế hệ trẻ, còn phường tân tiến trong xã
hội Việt nam đầu thế kỷ XX là lớp người đi theo xu thế Âu hoá.
(2) ngực
Phan Bội Châu
Việt Nam quốc sử khảo, 1908
Làm ra vẻ yêu nước để mưu lợi riêng
Chứng bệnh hay giả dối là chứng bệnh chung của người nước ta mà ở trong lại có một chứng đặc biệt là chứng ái quốc giả …
Nào đám truy
điệu, nào tiệc hoan nghênh, nào là kỷ niệm anh hùng, nào là sùng bái chí
sĩ, chuông dồn trống giục, nam hát bắc hò, xem ở trong một đám lúc nhúc
lao nhao, cũng đã có mấy phần người biết quyền nước đã mất thì tính
mạng không còn, hồn nước có về thì giang sơn mới sống.
Nếu những tấm lòng ái quốc đó mà thật thà chắc chắn thì giống Tiên Rồng chẳng hạnh phúc lắm sao?
Nhưng tội tình thay, khốn khổ thay,
người ưu thời mẫn thế chẳng bao nhiêu mà người rao danh thì đầy đường đầy ngõ;
giọt nước mắt khóc nước vẫn ngày đêm chan chứa mà xem cho kỹ thì rặt nước mắt gừng;
tiếng chuông trống kêu hồn vẫn trong ngoài gióng giả mà nghe cho tới nơi thì rặt là chuông trò trống hội;
ngoài miệng thì ái quốc mà trong bụng vẫn là kim khánh mề đay;
trước mặt người thì ái quốc mà đến lúc đêm khuya thanh vắng thì tính toán những chuyện chó săn chim mồi.
Cha ôi! trời ôi! ái quốc gì? ái quốc thế ư? Đeo mặt nạ ái quốc để
phỉnh chúng lừa đời, một mặt thời mua chuốc lấy tiếng chí sĩ chân nhân,
một mặt thì ôm chặt lấy lốt ông tham bà đốc.
Phan Bội Châu
Cao đẳng quốc dân, 1928
Lo việc nước theo lối tự tư tự lợi
Nước mất là do rất nhiều điều tệ, tội nhiều không kể hết, nhưng
trong đó có bốn cái tội lớn. Một là ngoại giao hẹp hòi; hai là nội trị
hủ bại; ba là dân trí bế tắc; bốn là vua tôi trên dưới tự tư tự lợi.
Vua tôi tự tư tự lợi nên không biết có dân có nước; dân cũng tự tư
tự lợi nên cũng không nghĩ gì đến nước đến vua. Ngoại giao nội trị dân
trí sở dĩ đồi bại như vậy cũng là do trên dưới đều tự tư tự lợi mà ra
cả. Cuối cùng nước bị mất vua bị tù, thần dân đều trở nên giống người
mất nước đê tiện. Cái nọc độc tự tư tự lợi nguy hại biết là dường nào.
Phan Bội Châu
Việt Nam quốc sử khảo, 1908
Tư tưởng gia nô
Xem lịch sử nước ta từ xưa đến
nay hơn ba nghìn năm, chỉ có gia nô mà không có quốc dân. Quyền vua có
nặng, nặng không biết chừng nào; gia dĩ (1) quyền quan lại hứng đỡ quyền
vua mà từng từng áp chế.
Từ cửu phẩm kể lên cho đến nhất phẩm, chồng càng cao, ép càng nặng, đến dân là vô phẩm, thân giá (2) lại còn gì.
Thằng này là con ngựa thằng nọ là con trâu, buộc cương vào thì cắm cổ cứ đi, gác ách vào thì cúi đầu cứ lủi.
Gặp Đinh thì làm nô với Đinh, gặp Trần thì làm nô với Trần, gặp Lê Lý thì làm nô với Lê Lý.
Phận con hầu thằng ở, được đôi miếng cơm thừa canh thải, đã lấy làm hớn hở vênh vang;
tối năm (3) đứng đầu ruộng mới được bát cơm ăn, suốt đêm ngồi
bên bàn khung cửi mới được tấm áo mặc, mà mở miệng ra thì “cơm vua áo
chúa “;
đồng điền này, sông núi nọ mồ hôi lẫn nước mắt cày cấy mở mang,
nhưng mà “chân đạp đất vua”, lại giữ chặt một hoạt kê vô lý (4).
Cái tư tưởng gia nô! Cái trí thức gia nô! Bệnh gia truyền làm
nô đó không biết tự bao giờ để lại, bắt ta phải gông đầu khoá miệng,
xiềng tay xiềng chân, chịu gánh gia nô cho già đời mãn kiếp.
(1) thêm vào đó
(2) giá trị con người
(3) quanh năm
(4) ý nói : Tự mình làm ra mà lại bảo là do ơn người khác, thật là câu chuyện buồn cười
Phan Bội Châu
Cao đẳng quốc dân,1928
Kém óc hợp quần
Đem so sánh nước ta với các nước khác như nước Tàu nước Nhật, xưa chẳng hơn ta là mấy, mà sao nay ta kém người ta xa thế ?
Người ta mười mình chưa được một: tư tưởng, văn chương, học thuật, công nghệ, thương nghiệp… đều kém hết cả.
Thế thì tại cớ làm sao ?
Dám quả quyết rằng chỉ tại người mình ít biết kính trọng mấy chữ “
xã hội đồng bào” không coi mấy chữ đó làm quan hệ đến sự sinh tồn tiến
hoá, nên trong xã hội không có tình tương thân tương ái, không có đoàn
thể hợp quần.
Có xã hội mà vẫn lẻ loi, ai biết phận nấy, khôn sống mống chết.
Nguyễn Bân
Tình hữu ái quan hệ cho xã hội như thế nào? Hữu thanh, 1921
Một vài thói tục đã thành di truyền
Một là học để làm quan: Người sinh ra ở đời có học mới khôn, có
khôn mới làm hết được bổn phận làm người. Làm quan chẳng qua là một việc
trong sự làm người đó mà thôi. Thế mà người mình có cái tính di truyền
“đi học cốt để làm quan “, cha truyền con nối, trước bày nay làm, dầu
cho ngày nay phép học phép thi đổi ra cách mới, mà người đi học vẫn ôm
cái hy vọng làm quan là chủ chốt.
Hai là làm quan ăn lót: Làm quan... cốt là mượn cái địa vị thế
lực mà làm cái lợi riêng, thói ăn của dân cho là cái quyền lợi tự nhiên
mình được hưởng, tập dữ tính thành (1) không ai cho là điều quái lạ hổ
thẹn.
Ba là a dua người quyền quý: Ngu dốt mà cũng tán rằng thông minh, bạo ngược mà cũng tán rằng nhân đức... bất cứ việc gì người ra thế nào, đã là quyền quý thì cứ nhắm mắt tán dương.
Bốn là trọng xác thịt (2): Ngoài sự ăn sung mặc sướng, ở
yên ra gần như không có tư tưởng gì nữa. Đối với kẻ khác cũng lấy cái
mục đích đó mà xem xét. Nghĩa là không hỏi nhân cách thế nào, mà chỉ
thấy ăn mặc xa hoa, lầu cao nhà lớn thì sinh lòng hâm mộ, dầu có hại nòi
nát giống, mà đạt được mục đích thì cũng không từ.
Những điều như thế kể ra không xiết. Lại thêm cái văn minh xu xác
(3) thế lực kim tiền, noi theo mà thối giục (4) lên nữa, thôi thì lửa nọ
được dầu, sóng kia thuận gió, không những quét sạch bao nhiêu tính di
truyền tốt của ông bà ngày trước, mà còn có thể cuốn cả hai mươi triệu
đồng bào ta xoay vào cái rốn biển trầm luân, không sao ngóc đầu lên
được.
(1) làm quen mãi rồi thành ra một thuộc tính tự nhiên
(2) tức là trọng vật chất
(3) xu xác: chưa rõ. Có lẽ là gần nghĩa với xu phụ, tức chạy theo nịnh bợ
(4) thối giục: cũng như hối thúc
Huỳnh Thúc Kháng
Tiếng dân,1929
Sợ tự do, cam chịu làm nô lệ
Đế vương xưa chỉ dạy thờ người trên và biết nghĩa vụ của mình còn quyền lợi không cần biết đến mà cũng không có nữa.
Tục ngôi thứ đã in rất sâu vào óc người dân quê, đến nỗi những tư
tưởng tự do phóng khoáng từ phương Tây truyền sang, đến luỹ tre xanh là
dừng lại, biến mất như một ngọn gió mát tan vào một bầu không khí nồng
nực nặng nề.
Tục vị thứ hoá ra tục sùng bái nhân tước (1) một cách u ám đê hèn
và thay vào óc kính thượng (2) là một óc nô lệ đáng khinh.
Tự do cá nhân và hết thảy các tự do ở bên ta và nhất là ở nơi thôn quê chỉ là một câu chuyện hoang đường.
Cũng vì thiếu tự do --- nếu ta không kể sự tự do phục tùng và tự
do uống rượu – nên tình cảnh dân quê về phương diện tinh thần mới có vẻ
điêu linh tàn tạ. Cũng vì thiếu tự do nên người ta đối với những công
cuộc cải cách mới lạ thường có cái não ngờ vực.
Sức phản động dìm dập dân quê vào nơi ngu tối, tạo thành cho họ cái
tính nô lệ, cái căn tính chịu đựng trước những sự tàn ngược ức hiếp.
(1) những tước vị do con người đặt ra
(2) Kính trọng người trên
Hoàng Đạo
B ùn l ầy n ư ớc đ ọng,1939
Chưa trưởng thành
trên phương diện công dân
Nước ta theo đạo thánh hiền, dân khai hoá cũng đã lâu nhưng ví với
các nước văn minh thì trí khôn còn thiếu, tư cách chưa toàn, chưa hiểu
nghĩa vụ riêng là thế nào, chưa biết trách nhiệm chung ra sao. Nộp thuế
là của tiêu chung mà còn có người dân ẩn lậu; đi lính là giữ cho mình mà
còn có người trốn tránh; đê điều cấm phòng thân lừa ưa nặng không đánh
không đi; lại có những kẻ nay trộm mai cướp không để cho dân yên nghiệp.
Phạm Quang Sán
Nước ta đã dùng được phép luật văn minh chưa? Đông dương tạp chí,1914
Các hội nghề nghiệp yếu ớt ọp ẹp
Tục ta nghề nào lập hội ấy, một là để giữ gìn công việc cho nhau, hai
là để liên lạc tình nghĩa với nhau, ba là để binh vực nhau cứu giúp
nhau, vậy là cái chủ ý cũng hay, mà lại có thể sinh lợi để làm được sự
công ích nữa.
Tiếc thay dân trí ta hẹp hòi, chỉ biết có tiền thì lo ngay đến một
mảnh danh giá cúng về dân, để lấy cái tên ghi ở trong các đồ sự thần,
cho ai nấy trông thấy đồ thờ thì lại nhớ đến tên mình, thế cho là vinh
hạnh rồi. Giả sử hội nào cũng gây lấy một cái vốn to rồi cùng nhau mà mở
một nghề buôn bán hoặc công xưởng gì cho có ích lợi thì chẳng hay lắm
ru ?
Phan Kế Bính
Việt Nam phong tục,1915
Sinh hoạt hội đoàn dễ bị làm hỏng
Toàn cả nhân dân trong nước thiếu hẳn cái công đức (1)... Chỉ biết
tư đức (2) mà không biết công đức, nên trừ một số ít người tốt có công
tâm, phần đông toàn vì tư tình mưu tư lợi, thích tư đấu, cứu tư hiềm
(3), từ làng đến nước đâu đâu cũng biểu hiện lối ganh tham ghét chạ gây
ra giành xé chia rẽ như hương thôn kiện tụng, quan trường khuynh loát
nhau... mà thiếu hẳn về đoàn thể sinh hoạt công cộng.
Từ Âu hoá truyền sang, thấy xứ văn minh có những đoàn thể lập hội,
công tác thành hiệu (4) rõ ràng, cũng cố bắt chước theo lập hội này hội
khác. Song cái bản ngã đã thiếu môn học công dân, nên bất kỳ hội gì,
chương trình quy tắc lúc lập định ra không nghĩ đến sự thực hành, thường
xảy ra những chuyện do điều nhỏ và ý riêng mà làm hư cả đoàn thể.
(1) công đức đây không phải công ơn đối với xã hội, mà là đạo đức một công dân trong quan hệ với cả xã hội
(2) đạo đức trong quan hệ cá nhân (ngược với công đức)
(3) thích tư đấu: dò xét những chuyện ganh ghét riêng tư; cứu tư hiềm: nghiền ngẫm tính toán quanh những mối hiềm khích giữa người nọ người kia
(4) thành tựu, hiệu quả
.
Huỳnh Thúc Kháng
Tiếng dân,1940
Theo sự chi phối của quan niệm hư vô
Có chí mà không làm nổi, đó là vì tài lực không đủ thật không đáng
trách. Nhưng trong chúng ta, đáng trách là hạng người sau: Sống ở đời,
không có mục đích gì cao hết.
Họ không có một cuộc đời lý tưởng. Họ không coi một thứ gì là đáng
ham chuộng, ngoài sự làm tôi đồng tiền mặc dầu phải quăng bỏ liêm sỉ bán
rẻ nhân cách.
Ngoài ra lại còn một hạng cho ai cũng là người vô vị, việc gì cũng
là việc không đáng làm, ngất ngưởng qua ngày, hững hờ đoạn tháng, để
đồng tiền huyết hãn (1) của cha mẹ vợ con vào vòng trời hoa đất rượu,
phung phí tuổi giàu sức khoẻ vào những cuộc đỏ đen suốt sáng, mây khói
thâu canh. Họ cốt sống để tìm những thoả mãn về vật dục …
(1) huyết: máu, hãn: mồ hôi; ngày nay hay nói: mồ hôi nước mắt
Hoa Bằng
Hư sinh, Tri tân, 1943
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét